Thứ Tư, 16 tháng 1, 2019

20190116. BÌNH LUẬN VỀ CPTPP CÓ HIỆU LỰC

ĐIỂM BÁO MẠNG
CPTPP: XÓA BỎ 97-100% SỐ DÒNG THUẾ VỚI HÀNG VIỆT NAM

TH/ TBKTSG 14-1-2019

(TBKTSG Online) - Hiệp định Đối tác Toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chính thức có hiệu lực bắt đầu từ hôm nay 14-1.
Nhằm giúp các doanh nghiệp có thể hiểu rõ và đúng để từ đó tận dụng được hiệu quả cũng như những cơ hội và lợi ích từ hiệp định, Bộ Công Thương đã đưa ra thông tin cơ bản về các cam kết trong những lĩnh vực chính như: thuế nhập khẩu, dệt may, dịch vụ và đầu tư, lao động, mua sắm Chính phủ, quy tắc xuất xứ và doanh nghiệp nhà nước.

Các quốc gia tham gia CPTPP. Ảnh: moit.gov.vn
Cam kết xóa bỏ 97-100% số dòng thuế với hàng Việt Nam
Về thuế nhập khẩu (mời bạn đọc xem tại đây), các thành viên CPTPP cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với gần như toàn bộ biểu thuế quan nhập khẩu của nước mình.
Theo đó, các nước cam kết xóa bỏ hoàn toàn từ 97-100% số dòng thuế nhập khẩu đối với hàng hóa có xuất xứ từ Việt Nam, tùy theo cam kết của từng nước. Mỗi nước có cam kết riêng, đơn cử như Canada cam kết xoá bỏ thuế nhập khẩu cho 95% số dòng thuế và 78% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Canađa ngay khi hiệp định có hiệu lực. Trong đó, 100% kim ngạch xuất khẩu thủy sản và 100% kim ngạch xuất khẩu gỗ được xóa bỏ thuế quan.
Việt Nam cũng cam kết một biểu thuế chung cho tất cả các nước CPTPP, sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 66% số dòng thuế ngay khi hiệp định có hiệu lực và 86,5% số dòng thuế sau 3 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực. Các mặt hàng còn lại có lộ trình giảm thuế chủ yếu từ 5 đến 10 năm.
Nhìn chung, mức độ cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của ta là thấp hơn nhiều so với mức các nước cam kết mở cửa cho ta.
Quy tắc “3 công đoạn” với hàng dệt may
Về cam kết ngành dệt may (bạn đọc xem tại đây), hiệp định có một chương riêng về dệt may theo đó sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với hàng dệt may có xuất xứ từ Việt Nam khi xuất khẩu vào thị trường các nước đối tác (ngay hoặc có lộ trình).
Đối với những nước mà Việt Nam chưa có Hiệp định thương mại tự do (FTA), việc mở cửa thị trường này rất quan trọng, do thuế nhập khẩu áp dụng với hàng dệt may thường cao hơn nhiều so với các mặt hàng công nghiệp khác.
Với hàng dệt may, quy tắc xuất xứ được áp dụng là “từ sợi trở đi” hay được gọi quy tắc “3 công đoạn”, nghĩa là toàn bộ quá trình kéo sợi, dệt vải, nhuộm, hoàn tất và may quần áo phải được thực hiện trong nội khối CPTPP. Đây là quy tắc yêu cầu đưa ra ở mức cao, tuy nhiên cũng áp dụng linh hoạt hơn trong một số trường hợp như danh mục nguồn cung thiếu hụt gồm 194 loại sợi, vải được phép sử dụng từ ngoài khu vực CPTPP, trong đó 186 mặt hàng sẽ được áp dụng vĩnh viễn và 8 mặt hàng chỉ được áp dụng cơ chế này trong vòng 5 năm.
Được phép tự chứng nhận xuất xứ
Về quy tắc xuất xứ (bạn đọc xem tại đây), hiệp định quy định 3 phương pháp để xác định xuất xứ của một hàng hóa, bao gồm: (1) hàng hóa có xuất xứ thuần túy; (2) hàng hóa được sản xuất từ nguyên liệu trong khu vực CPTPP; và (3) quy tắc cụ thể đối với từng mặt hàng (PSR).
Bên cạnh đó, quy tắc cộng gộp cho phép các nước CPTPP được coi nguyên liệu của một hoặc nhiều nước CPTPP khác như là nguyên liệu của nước mình khi sử dụng nguyên liệu đó để sản xuất ra một hàng hóa có xuất xứ CPTPP.
Về thủ tục chứng nhận xuất xứ, Hiệp định CPTPP đã cho phép người xuất khẩu, người sản xuất và người nhập khẩu được tự chứng nhận xuất xứ. Đây là điểm rất mới so với các FTA truyền thống trước đây mà Việt Nam đã ký kết. Do hình thức tự chứng nhận xuất xứ còn khá mới mẻ, chưa được triển khai toàn diện và đại trà nên Việt Nam được áp dụng một số thời gian chuyển đổi nhằm mục đích tạo cơ hội cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước quen dần với hình thức này
Không phải tuân theo nguyên tắc ratchet
Về dịch vụ đầu tư (xem tại đây), riêng cam kết trong một ngành dịch vụ, đầu tư, các nước được quyền đơn phương sửa đổi các nội dung đã bảo lưu theo hướng thuận lợi hơn nhưng khi đã đưa ra rồi thì không được quyền rút lại nội dung đã được sửa đổi đó. Nguyên tắc này còn được gọi là nguyên tắc “chỉ tiến, không lùi (ratchet)”.
Tuy nhiên, trong thời gian 3 năm kể từ khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực, Việt Nam không phải tuân thủ nguyên tắc ratchet. Đây là linh hoạt mà các nước CPTPP dành riêng cho Việt Nam.
Hiệp định CPTPP quy định 4 nghĩa vụ chủ chốt là đối xử quốc gia, Đối xử tối huệ quốc, Tiếp cận thị trường và Hiện diện tại nước sở tại.
Mua sắm chính phủ
Cam kết mua sắm Chính phủ (xem tại đây) được hiểu là khoản chi do một cơ quan nhà nước hoặc cơ quan do nhà nước ủy quyền thực hiện để nhằm mục đích của chính phủ, do vậy, mua sắm Chính phủ (MSCP) là một thị trường mà người mua gắn liền với Nhà nước như cơ quan nhà nước, doanh nghiệp nhà nước.
Các nội dung chính của chương MSCP bao gồm: không phân biệt đối xử; không sử dụng các biện pháp ưu đãi hàng hóa hoặc nhà thầu trong nước; và biểu cam kết mở cửa thị trường MSCP quyết định phạm vi mở cửa của từng nước.
Hiệp định quy định ngưỡng mở cửa của gói thầu cho từng loại chủ đầu tư, bao gồm ngưỡng cho gói thầu mua sắm hàng hóa và dịch vụ nói chung, và ngưỡng cho mua sắm dịch vụ xây dựng. Ví dụ đối với các cơ quan trung ương, sau 15 năm chuyển đổi thì ngưỡng mở cửa là 8,5 triệu SDR ( khoảng 260 tỉ đồng) đối với gói xây lắp, sau 25 năm thì ngưỡng đối với gói hàng hóa, dịch vụ là 130.000 SDR (khoảng 4 tỉ đồng).
Ngoài ra, Hiệp định CPTPP cho phép các nước đang phát triển được phép áp dụng một số biện pháp trong thời kỳ chuyển đổi. Ví dụ như trong vòng 5 năm kể từ khi hiệp định có hiệu lực, Việt Nam sẽ không chịu sự điều chỉnh của cơ chế giải quyết tranh chấp liên quan tới các nghĩa vụ của mình theo Chương MSCP. Trong thời gian này, Việt Nam chỉ tham vấn với nước CPTPP có ý kiến quan ngại về việc thực thi nghĩa vụ của Việt Nam.
Liên kết của các tổ chức của người lao động
Đối với vấn đề lao động và công đoàn (xem tại đây), riêng Việt Nam có được thời gian chuẩn bị là 5 năm kể từ ngày hiệp định có hiệu lực (tức là khoảng 7 năm kể từ khi ký Hiệp định) để đến khi đó sẽ cho phép các tổ chức của người lao động ở cấp cơ sở doanh nghiệp có thể gia nhập hoặc cùng nhau thành lập tổ chức của người lao động ở cấp cao hơn như cấp ngành, cấp vùng theo đúng trình tự đăng ký được pháp luật quy định một cách công khai, minh bạch.
Tôn chỉ, mục đích, trình tự, thủ tục thành lập và phương thức hoạt động của các tổ chức của người lao động ở mức độ này cũng phải tuân thủ đầy đủ theo các quy định của pháp luật Việt Nam và phù hợp với các quy định của Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO). Thời gian chuẩn bị này là để Việt Nam hoàn thiện hệ thống pháp luật và tổ chức bộ máy quản lý để bảo đảm tốt nhất quyền lợi cho người lao động.
Dưới 16.000 tỉ đồng không phải thực thi nghĩa vụ hiệp định áp dụng với DNNN
Với doanh nghiệp nhà nước (xem tại đây) các doanh nghiệp có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỉ đồng (vào thời điểm khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỉ đồng (khi hiệp định có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của hiệp định.
Các nghĩa vụ chính theo Hiệp định bao gồm: (1) các doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) phải hoạt động theo cơ chế thị trường; (2) các DNNN không được có hành vi phản cạnh tranh khi có vị trí độc quyền, gây ảnh hưởng đến thương mại và đầu tư; (3) minh bạch hóa một số thông tin như tỷ lệ sở hữu của Nhà nước, báo cáo tài chính đã được kiểm toán và được phép công bố; và (4) nhà nước không trợ cấp quá mức, gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích của nước khác.
Các nghĩa vụ của Hiệp định chỉ áp dụng với các DNNN vượt ngưỡng doanh thu nhất định. Theo đó, các DNNN có doanh thu hàng năm dưới 16.000 tỉ đồng (vào thời điểm khi hiệp định bắt đầu có hiệu lực) và dưới 6.500 tỉ đồng (khi hiệp định có hiệu lực được 5 năm) sẽ không phải thực thi phần lớn các nghĩa vụ của hiệp định.
 TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
QUÊN MỘT NGÀY TRỌNG ĐẠI
VŨ KIM HẠNH / VNEx 15-1-2019
Vũ Kim Hạnh
 Vũ Kim Hạnh Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao
Năm ngày trước hôm 14/1/2019 - ngày Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hiệu lực tại Việt Nam - tôi vào xem trang web về hiệp định này của Canada. Các bạn nhớ không, cái lần ông thủ tướng điển trai của họ né cuộc họp về CPTPP tại Đà Nẵng tháng 11 năm 2017 được bình luận xôn xao trên mạng?
Nhưng nay, trên cổng thông tin nước này nêu câu hỏi to đùng: đâu là những lợi ích mà CPTPP mang lại cho mỗi người Canada? Và họ sử dụng mọi loại hình truyền thông lôi kéo sự chú ý của công chúng để quảng bá về hiệp định.
Rồi tôi lội vào trang web của Bộ Công Thương Việt Nam, thấy tin bài nổi bật nhất là thư xin lỗi của bộ trưởng về việc sử dụng xe biển xanh. Kế đó là tin hoạt động của các công ty, tập đoàn quốc doanh do bộ quản, xong tới tin thị trường Tết. Còn về CPTPP? Chỉ có một cửa sổ nhỏ, mở ra thì thật hẻo và lạnh, một văn bản nguội ngắt về hiệp định, không có nhiều thông tin thiết thực với doanh nghiệp... Tôi đã nghĩ: "Trời, mà chỉ còn có 5 ngày...".
Cho tới sáng 14/1, ngày Hiệp định hiệu lực, tôi vào xem, có thêm vài tài liệu nhưng không mới và cụ thể như mong đợi của doanh nghiệp. Tôi cảm thấy vấn đề cũng không được quan tâm bao nhiêu, không thấy cập nhật, hay đáp ứng nhu cầu tối thiểu tìm hiểu bằng hỏi đáp cho doanh nghiệp và công dân. Tôi tự hỏi, mọi tin tức về Hiệp định được chuyển tải ở đâu?
CPTPP là một hiệp định rất khác. Đó là hiệp định của thế hệ mới với chất lượng cao, dự kiến sẽ mở cửa cho nền kinh tế và làm bật tung tiềm năng phát triển của đất nước. Mà sao cơ quan chủ quản có nhiệm vụ này lại lặng trang như không có gì?
Tôi xin nhấn mạnh cụm từ "thuộc thế hệ mới" với "chất lượng cao" bởi khác biệt của nó. Khối tham gia hiệp định đang gồm 11 quốc gia với tổng kim ngạch là 10.000 tỷ USD, chiếm 13,5% GDP toàn cầu và bao trùm thị trường 500 triệu người. Nếu chỉ tính đến số liệu lạnh lùng thì quy mô CPTPP không bằng ASEAN, vì ASEAN bao trùm thị trường tới 600 triệu người. Nhưng về tính chất thì có sự khác biệt rất lớn.
Hai khác biệt lớn của CPTPP so với các hiệp định thương mại tự do trước đây: các tiêu chuẩn cao về gỡ bỏ rào cản với thương mại và đầu tư; và cũng là động lực cải cách pháp luật để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng. CPTPP cũng bao gồm những yếu tố mới mẻ chưa từng có như mua sắm công, môi trường, tổ chức lao động độc lập... với yêu cầu minh bạch thông tin cũng như cơ chế giải quyết tranh chấp có tính cách ràng buộc, trừng phạt rõ ràng và chặt chẽ. 
Cơ bản, CPTPP sẽ giảm 95% các loại thuế quan giữa các nước thành viên. Việt Nam có thể kỳ vọng hưởng lợi ngay lập tức về mặt thương mại, đặc biệt trong hoạt động xuất khẩu, bao gồm việc cắt giảm thuế trong lĩnh vực dệt may và giày dép từ phần lớn các nước thành viên.
Nội dung điều luật của CPTPP cũng khác các hiệp định thương mại tự do, ngoài 30 chương cơ bản còn có thư thỏa thuận (side letters) tay đôi hay đa phương giữa các quốc gia với nhau. Vì thế, muốn tìm hiểu CPTPP, không phải chỉ nghiên cứu gọn trong bộ hiệp định mà phải nghiên cứu cả những lá thư thoả thuận.
Việt Nam là nước thứ bảy xong thủ tục để CPTPP bắt đầu hiệu lực. Sáu nước đã thực thi hiệp định trước ta đều đã có hoạt động tuyên truyền, chuẩn bị rộn rịp, cặn kẽ cho doanh nghiệp và người dân. Tôi vào tham khảo cổng thông tin các nước thành viên. Từ nhiều tháng trước, ngay khi CPTPP chưa có hiệu lực, họ đã nhắc nhở cho doanh nghiệp nước họ rằng: hãy nắm vững các cam kết của nước mình cũng như đối tác để tận dụng tối đa lợi thế của hiệp định mang lại; thông báo cho cơ quan có thẩm quyền kịp thời các vướng mắc trong quá trình thực thi Hiệp định; hãy hợp tác chặt chẽ, có trách nhiệm với cơ quan công vụ như hải quan, thuế vụ, kiểm dịch động thực vật, sở hữu trí tuệ, kiểm soát biên giới... của các nước trong CPTPP. Họ còn kêu gọi doanh nghiệp của mình "hãy chủ động liên kết, tham gia chuỗi giá trị mới trong khối".
Còn chúng ta, một số doanh nghiệp nêu thắc mắc với tôi là việc công bố Hiệp định của cơ quan phụ trách  vẫn đang thiếu nội dung cụ thể, rõ ràng, thiếu các chỉ thị để cơ quan chức năng thực thi. Bài phân tích cơ hội của CPTPP đăng trên website Bộ ghi rõ: "Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn (12/11/2018) thì một chương trình xây dựng pháp luật thực thi CPTPP với nội dung sửa đổi đi kèm sự phân công cùng thời hạn cụ thể sẽ được ban hành", nhưng nay chưa thấy.
Các tài liệu của Bộ vẫn đang ghi "theo kinh nghiệm thực hiện WTO" hay là "cũng như quá trình đã triển khai WTO" đã khiến doanh nghiệp e ngại. Liệu sự khác biệt của khái niệm "Hiệp định thế hệ mới" đã được quán triệt thấu đáo chưa?
Thực tế, doanh nghiệp vừa và nhỏ của hầu hết 10 nước trong Hiệp định có thể nhanh chân hơn với thông tin thị trường và các cơ hội ngay từ bây giờ. Do vậy, doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và hiểu sâu về CPTPP và nâng cao năng lực thâm nhập thị trường bên ngoài. Mỗi ngành nên xây dựng nhóm tư vấn pháp luật kinh doanh quốc tế, sẵn sàng cho tranh chấp.
Vậy mà đến hôm nay, tôi vẫn nhận được thắc mắc từ nhiều doanh nghiệp, sao tới giờ không thấy Việt Nam mình chuyển động bao nhiêu ngoài một vài hội thảo. Báo đăng, rồi mọi sự tiếp tục lắng xuống, mất tăm? Quá bất bình thường. Chúng ta đã ký kết. Và nếu không muốn "dâng" thị trường gần 100 triệu dân của Việt Nam cho các đối tác bằng những ưu đãi được CPTPP bảo vệ thì tại sao chúng ta không hề quan tâm triển khai việc truyền thông, thực thi, khai thác ưu đãi tương ứng cho doanh nghiệp, người tiêu dùng và đất nước mình? Tại sao chưa thấy việc tận dụng cơ hội thúc đẩy năng lực quản trị, trình độ phát triển bền vững?
Những thông tin sơ sài trên trang web của bộ chủ quản ảnh hưởng gì tới toàn bộ cục diện cạnh tranh của Việt Nam với 10 thành viên còn lại và đối tác, đối thủ khác trên thế giới?
Giờ là lúc cần khởi động nhanh cổng thông tin riêng dành cho CPTPP. Và thông tin đầu tiên cần công bố trên đó, là về việc tổ chức Ủy ban chỉ đạo và thực thi CPTPP.
Vũ Kim Hạnh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét