Thứ Năm, 31 tháng 1, 2019

20190131. HỘI CHỨNG 'TRÂN CHÂU CẢNG' VÀ QUAN HỆ TRUNG-MỸ

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỒNG THUẬN WASHINGTON 2.0 VÀ 3 VÒNG TRÒN ĐỒNG TÂM

NGUYỄN QUANG DY/ GDVN 29-1-2019

Nếu “hợp tác Mỹ-Trung” là trụ cột quan hệ quốc tế vào nửa cuối thế kỷ 20, thì “đối đầu Trung-Mỹ” trở thành tâm điểm của bàn cờ chiến lược nước lớn vào nửa đầu thế kỷ 21. 
Sự thay đổi về bản chất quan hệ Mỹ-Trung “từ bạn thành thù” đã tạo ra một bước ngoặt lớn làm đảo lộn trật tự thế giới. Sự trỗi dậy của Trung Quốc với tham vọng vượt Mỹ đã bị Trumpism chặn lại (như một “khắc tinh”). 
Nay Mỹ chủ động “vừa đánh vừa đàm” vì chiếm được thế thượng phong, làm Trung Quốc bị động chống đỡ và tìm cách hòa hoãn để tránh hệ quả khó lường trong nước, nếu để cuộc chiến thương mại leo thang mất kiểm soát. 


Hình minh họa, nguồn: Nikkei Asian Review.
Tuy còn quá sớm để nói về kết cục chiến thương mại, nhưng có thể thấy được “phần nổi của tảng băng chìm”.  Để hiểu rõ hơn bản chất và lý do đối đầu Mỹ-Trung, cần đặt nó vào bối cảnh lịch sử. 
Nếu quá khứ là điểm chuẩn cho hiện tại và tương lai, thì lịch sử có thể lặp lại (như một định mệnh).     
Đồng thuận Washington 2.0
Cách đây vài năm, nhiều người còn mơ hồ về Trung Quốc trỗi dậy. Theo ông Lý Quang Diệu Robert Zoellick (Chủ tịch Ngân hàng Thế giới) “rất thông minh” khi mô tả vai trò của Trung Quốc như “một bên liên quan có trách nhiệm” (responsible stakeholder). 
Họ cho rằng vấn đề địa chính trị quan trọng nhất trong thế kỷ này là sự trỗi dậy của Trung Quốc, “nhưng đừng đối xử với Trung Quốc như kẻ thù”. 
Cách tốt nhất để tăng tốc lộ trình và hướng thay đổi chính trị của Trung Quốc là gia tăng các mối liên kết thương mại và đầu tư của Trung Quốc với thế giới. 
Mỹ đã theo đuổi chính sách “can dự xây dựng” (Constructive Engagement) với Trung Quốc suốt mấy thập kỷ (hầu như vô điều kiện). 
Tuy một cuộc tranh giành thế lực ở Tây Thái Bình Dương giữa Trung Quốc và Mỹ là không thể tránh khỏi, nhưng họ cho rằng điều đó “không nhất thiết phải dẫn đến xung đột” (như thuyết “cái bẫy Thucydides” của Graham Allison). 
Đến bây giờ người ta mới tỉnh ngộ và nhận ra sự “nhầm lẫn của thế kỷ” khi Trung Quốc không “trỗi dậy hòa bình” như họ vẫn ảo tưởng, mà trở thành một "Frankenstein" như ông Nixon đã ví von. 
Nay khi ông Trump tìm cách đảo ngược bàn cờ Mỹ-Trung thì được hầu hết mọi người đồng thuận. 
Chỉ mấy năm trước, những tác giả của học thuyết “Trung Quốc trỗi dậy hòa bình” đã có nhận thức rõ ràng và sâu sắc rằng Trung Quốc cần có trách nhiệm và lợi ích trong việc đảm bảo với các nước láng giềng (và cả thế giới) rằng sự trỗi dậy của Trung Quốc là ôn hòa, không phải là mối đe dọa mà là mối lợi cho thế giới, nên hãy tránh chia rẽ và xung đột. 
(Interview: Lee Kuan Yew on the Future of U.S- China Relations, Graham Allison & Robert Blackwill (Havard KSG’s Belfer center), Atlantic, March 5, 2013). 
Hai năm sau, Michael Pillsbury (Hudson Institute) xuất bản cuốn “Cuộc chạy đua một trăm năm” (The Hundred-year Marathon: China’s Secret Strategy to Replace America as the Global Superpower, St.Martin’s Prees, 2015) khẳng định người Mỹ đã ngộ nhận về Trung Quốc, và cho đó là “một thảm họa tình báo lớn nhất của Mỹ”. 
Pillsbury chỉ là một trong nhiều học giả và quan chức Mỹ cùng thế hệ đã thức tỉnh và thừa nhận sai lầm. 
Khi Trump lên cầm quyền, ông đã tìm cách đảo ngược bàn cờ Mỹ-Trung. Tuy Trump có thể thiếu nhất quán về nhiều thứ, và người Mỹ có thể bất đồng và chia rẽ về nhiều vấn đề khác, nhưng họ đồng thuận cao và ủng hộ lập trường cứng rắn của Trump để đối phó với Trung Quốc (như một nghịch lý).  
Tuy hầu hết báo chí Mỹ chỉ trích Trump, nhưng Washington Post thừa nhận “Donald Trump có thể được nhớ tới như là Tổng thống trung thực nhất trong lịch sử hiện đại của Mỹ” (Donald Trump may be remembered as the most honest president in modern American history). 
Trong hai năm đầu cầm quyền, Trump đã đạt được một kỷ lục đáng nể như một Tổng thống biết giữ lời hứa. Như một nghịch lý, Trump đã làm đúng những gì ông hứa. 
“Trump là mẫu mực của sự trung thực” (Trump is a paragon of honesty). (Trump could be the most honest president in modern history, Mark Thiessen, Washington Post, October, 11, 2018). 
Khi Trung Quốc trở thành đối thủ chiến lược số một (Chiến lược Quốc phòng mới), lập trường cứng rắn chống Trung Quốc của Trump được nhiều người Mỹ ủng hộ như “Đồng thuận Washington 2.0”. 
Sự nhất quán về nhận thức chiến lược mới không chỉ giữa hai đảng Cộng Hòa và Dân chủ, mà còn giữa Chính quyền và Quốc hội. Do đó, thỏa thuận ngừng bắn 90 ngày giữa Trump và Tập chỉ là chiến thuật tạm thời. 
Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”. 


Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, ảnh: AP.
Vấn đề lớn nhất giữa hai siêu cường không phải là cuộc chiến thương mại (có thể hòa hoãn), mà là tranh chấp chiến lược tại Biển Đông (là tâm điểm của đối đầu), và mâu thuẫn cơ bản về mô hình kinh tế và hệ thống chính trị (không thể hóa giải trong 3 hay 6 tháng). 
Trong một bài gần đây, Graham Allison phân tích rằng Tập Cận Bình vì muốn hoãn binh (để tránh rủi ro lớn trong nước) nên sẵn sàng chi một nghìn tỷ USD mua hàng Mỹ để chiều Trump, tạo điều kiện để Trump tuyên bố “chiến thắng” (trước 3/1/2019). 
Lưu Hạc sẽ tới Washington để đàm phán với Robert Lighthizer (30-31/1/2019). Hai bên có thể gia hạn ngừng bắn thêm 6 tháng để đàm phán tiếp về vấn đề cơ cấu (nan giải hơn nhiều).
(Xi Jinping will Give Donald Trump a Victory on Trade, Graham Allison, National Interest, January 11, 2019). 
Điều đó có thể lý giải tại sao ngay trong ngày đầu đàm phán cấp thứ trưởng tại Bắc Kinh (7-9/1/2019) Lưu Hạc (phó thủ tướng) lại bất ngờ tới dự đàm phán (chắc “để chỉ đạo”). 
Có lẽ Tập Cận Bình muốn tránh rủi ro (bằng mọi giá) để đảm bảo đàm phán đúng lộ trình (hoãn binh). Nếu chiến tranh thương mại leo thang để Mỹ đánh thuế 25% lên tất cả hàng nhập khẩu Trung Quốc thì sẽ dẫn đến những rủi ro khó lường về kinh tế và chính trị. 
Chắc Tập Cận Bình đã rút kinh nghiệm là Donald Trump không chỉ hù dọa mà làm thật. Vì vậy, vòng đàm phán tiếp theo giữa Lighthizer và Lưu Hạc hứa hẹn nhiều kịch tính, vì chắc chắn Mỹ sẽ tăng cường áp lực.  
Gần đây, Mỹ đã tăng cường áp lực trên nhiều mặt, theo đúng binh pháp Trung Hoa (như “cờ vây” và “tam chủng chiến pháp”) để xiết dần vòng vây Trung Quốc. 
Bên cạnh đánh thuế (chiến tranh thương mại), cấm vận công nghệ cao (trừng phạt kinh tế), tăng cường tuần tra (FONOP) và tập trận cùng đồng minh trên Biển Đông và khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, Quốc hội Mỹ đã thông qua một loạt dự luật với số phiều đồng thuận rất cao: 
Đạo luật Chuẩn chi Quốc phòng (NDAA, 10/10/2018), với kinh phí $716 tỷ (cho 2019), so với $640 tỷ (cho 2018); Dự luật BUILD Act (10/2018) với kinh phí $60 tỷ (trong 7 năm) cho quỹ phát triển quốc tế USIDFC; 
Luật Tây Tạng (14/12/2018) cho phép công dân Mỹ được tự do tới Tây Tạng; Luật Sáng kiến Trấn an châu Á (ARIA, 31/12/2018), với kinh phí $1,5 tỷ viện trợ cho khu vực (2019-2023)… 
Ba vòng tròn đồng tâm 
Đồng thuận Washington 2.0, dựa trên tầm nhìn chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương Tự do và rộng mở (FOIP), gồm ba vòng tròn đồng tâm (concentric circles) đang hình thành như cấu trúc an ninh khu vực mới. 
Nhưng đồng thuận mới (chống Trung Quốc) không phải do Washington muốn, cũng không phải do các đồng minh/đối tác muốn (vì họ cũng đầy mâu thuẫn), mà chính Trung Quốc đã xô đẩy họ xích lại gần nhau (như hệ quả không định trước). 
Vòng tròn đồng tâm thứ nhất là đồng thuận trong nội bộ Mỹ, dựa trên tầm nhìn chiến lược Ấn Độ - Thái Bình Dương, xác định “Trung Quốc là đối thủ số một” (theo Chiến lược Quốc phòng mới). 
Trump được cả hai đảng Cộng hòa và Dân chủ đồng thuận, và được cả chính quyền và quốc hội ủng hộ. Trong Chính quyền Trump (và Nhà Trắng), những người thuộc phái diều hâu và bảo thủ mới có lập trường cứng rắn với Trung Quốc (và thân Đài Loan) đang thắng thế. 
Nay lập trường cứng rắn để đối phó với Trung Quốc đã trở thành một lá bài chính để Trump tranh cử (2020).      
Vòng tròn đồng tâm thứ hai là đồng thuận giữa Mỹ và đồng minh, lấy “bộ tứ” (Quad) gồm Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, làm nòng cốt cho tầm nhìn chiến lược FOIP, và cấu trúc an ninh khu vực. 


Bộ tam đồng minh Mỹ - Nhật - Úc đang tìm cách thúc đẩy hình thành bộ tứ quyền lực khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương, hình minh họa: Japan Forward.
Ngoài “bộ tứ”, các nước đồng minh khác (như Anh, Pháp, Canada, New Zealand, Hàn Quốc) đã điều tàu chiến đến Biển Đông tuần tra FONOP và tập trận chung với Mỹ. 
Hiện nay, xu hướng can dự vào Biển Đông đang tăng lên, bất chấp phản ứng của Trung Quốc. Các nước đồng minh của Mỹ tự tin hơn, không sợ Trung Quốc như trước. 
Trong khi Anh đang tìm kiếm nơi đặt căn cứ quân sự mới tại Biển Đông để năng cao vị thế chiến lược (và bán vũ khí), Pháp đang đẩy mạnh hợp tác với Nhật để tăng cường an ninh tại Nam Thái Bình Dương.  
Vòng tròn đồng tâm thứ ba là đồng thuận giữa Mỹ và Đồng minh với các đối tác khu vực (như ASEAN), đang bị Trung Quốc phân hóa và thao túng. 
Trong khi một số nước ASEAN xoay trục, xích lại gần Trung Quốc (như Philippines, Thái Lan, Campuchia) thì một số nước khu vực khác xoay trục để “thoát Trung” (như Malaysia, Myanmar, Bắc Triều Tiên và vùng lãnh thổ Đài Loan). 
Đó là quá trình phản tỉnh (backlash) đối với “bẫy nợ” của Trung Quốc vì ý thức dân tộc.
Các nước nòng cốt trong ASEAN (như Việt Nam, Indonesia, Singapore) ngày càng tỏ ra cứng rắn hơn về Biển Đông (và đàm phán về COC). 

Theo Reuters (31/12/2018), Việt Nam đã đề nghị một số điều khoản mới trong văn bản đàm phán COC, trong đó đáng chú ý nhất là yêu cầu cấm thiết lập bất cứ khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) mới nào tại Biển Đông. 
Trong một buổi họp báo tại Hà Nội (16/1/2017), Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh đã thẳng thắn nhận xét rằng quá trình soạn thảo “bộ qui tắc ứng xử tại Biển Đông” (COC) là chậm trễ, và nhiều điểm trong “tuyên bố về bộ qui tắc ứng xử” (DOC) không được các bên tham gia nghiêm túc coi trọng. 
Theo quan điểm của Việt Nam (cũng như của ASEAN) COC phải là một văn bản có ràng buộc pháp lý (tuy Trung Quốc không muốn điều đó). 
Liên quan đến sự có mặt tại Biển Đông của các cường quốc (như Mỹ, Nhật, Anh, Pháp, Úc, Ấn) ông Phạm Bình Minh nói rằng các cường quốc tìm kiếm đồng minh là một lẽ tự nhiên, và Việt Nam cũng như các quốc gia nhỏ khác cũng phải tìm cách sống còn trong sự cạnh tranh đó. 
Nhưng ông nhấn mạnh Việt Nam luôn duy trì một đường lối đối ngoại độc lập. Dư luận lưu ý cuộc họp báo với nội dung cứng rắn của ông Minh diễn ra sau khi chiến hạm USS McCampell của Mỹ vừa tuần tra FONOP tại khu vực các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa (9/1/2019).
Về những bất đồng giữa ASEAN và Trung Quốc, ông Phạm Bình Minh giải thích việc thương lượng giữa hai bên diễn ra trong những cuộc họp kín, nên nội dung bên ngoài chỉ là những lời đồn đoán. 
Gần đây, đàm phán COC dường như được thúc đẩy nhanh hơn và Trung Quốc có vẻ tích cực hơn trong việc đàm phán với các đối tác ASEAN. 
Nhưng theo các chuyên gia về Biển Đông, kết cục đàm phán để đi đến ký kết COC còn lâu, vì khác biệt giữa hai bên còn nhiều, nhưng hy vọng Trung Quốc sẽ bị sức ép của cộng đồng quốc tế và cuộc chiến thương mại nên sang năm 2019 họ có thể phải nhượng bộ nhiều hơn trong năm 2018.
Theo ông Phạm Bình Minh, trong năm 2018 có lúc tình hình thế giới đã diễn biến bất ngờ, ngoài chiều hướng đã dự đoán. Trong đó, một số nước đã quay lại với chủ nghĩa bảo hộ và dân túy, khiến nhiều nước khác bất ổn, nếu không điều chỉnh kịp thời sẽ ảnh hưởng đến quan hệ quốc tế. 
Trên thực tế, quan hệ quốc tế của một số nước trên thế giới đã diễn biến bất thường, mặc dù họ là đồng minh. 
Năm 2018, tình hình Biển Đông vẫn diễn biến rất phức tạp, do thay đổi nguyên trạng khi Trung Quốc mở rộng và quân sự hóa một số đảo/đá, làm cho các nước khu vực hết sức lo ngại vì Biển Đông trở thành một khu vực dễ xảy ra xung đột. 
Trong cuộc hội thảo của CSIS tại Washington “Dự báo Châu Á 2019” (23/1/2019) các học giả hàng đầu cũng cho rằng Biển Đông tiếp tục là một điểm nóng (cùng với Đài Loan, Bắc Hàn, và chiến tranh thương mại Mỹ-Trung). 
Theo Gregory Poling (giám đốc AMTI/CSIS), các cuộc tuần tra FONOP của Mỹ và các nước đồng minh tiếp tục gia tăng tại Biển Đông và eo biển Đài Loan, là một yếu tố tiềm tàng gây khủng hoảng quan hệ Mỹ-Trung. 
Trong lịch sử, khu vực Châu Á-Thái Bình Dương là tâm điểm của những cuộc chiến tranh lớn.
Mời quý bạn đọc quan tâm theo dõi tiếp phần 2: Ông Tập Cận Bình liệu có thoát hội chứng Trân Châu Cảng?
Nguyễn Quang Dy
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
ÔNG TẬP CẬN BÌNH LIỆU CÓ THOÁT ĐƯỢC HỘI CHỨNG TRÂN CHÂU CẢNG ?

NGUYỄN QUANG DY/ GDVN  30-1-2019

Tiếp theo phần 1, Đồng thuận Washington 2.0 và 3 vòng tròn đồng tâm.
Trong một bộ phim lịch sử về trận Trân Châu Cảng (Tora, Tora, Tora!), đạo diễn đã dựng lại cảnh các đô đốc Nhật (đầy phấn khích) đang chúc mừng trận đại thắng Trân Châu Cảng (Pearl Harbor, 7/12/1941), nhưng đô đốc Yamamoto (đầy lo âu) lại nghĩ tới tương lai nước Nhật. 
Ông đã từng sống tại Washington nên hiểu người Mỹ sẽ không bỏ qua vết nhục này: 
“Tôi sợ rằng điều mà tất cả chúng ta đã làm là đánh thức gã khổng lồ đang ngủ và làm trỗi dậy một quyết tâm khủng khiếp”.  
Hội chứng Trân Châu Cảng và khả năng lặp lại
Kết cục của chiến tranh Thái Bình Dương đã chứng minh dự cảm cá nhân và tầm nhìn chiến lược của Yamamoto. Đó là “hội chứng Trân Châu Cảng”. 
Ngay sau trận Trân Châu Cảng, Tổng thống Mỹ Franklin Rousevelt đã tuyên chiến với Nhật và nhấn mạnh: “7/12/1941 là ngày chúng ta sống trong sự ô nhục” (A date which we will live in infamy). 


Ông Tập Cận Bình trong quân phục dã chiến trực tiếp quan sát cuộc tập trận trên Biển Đông tháng Tư 2018, ảnh: CNN.
Sau này, đô đốc Hara Tadaichi cũng kết luận: “Chúng ta đã thắng một trận lới về chiến thuật tại Trân Châu Cảng, nhưng vì vậy đã thua cả cuộc chiến”
Trận Trân Châu Cảng đã làm cho người Mỹ bừng tỉnh, ủng hộ Tổng thống Rousevelt chống Nhật với sự đồng thuận gần như tuyệt đối. Đó là “hội chứng Trân Châu Cảng”. 
Không chỉ nước Nhật quân phiệt (tại phương Đông) mà cả nước Đức phát xít (tại phương Tây) cuối cùng đã đại bại, phải đầu hàng Mỹ và đồng minh, và trả giá rất đắt cho chủ nghĩa dân tộc cực đoan của họ. 
Tại Trung Quốc, lịch sử dường như đang lặp lại (với “hội chứng Trân Châu Cảng”) khi ông Tập Cận Bình trở thành người nắm quyền lực tuyệt đối tại đại hội 19 (10/2017) và khi quốc hội sửa đổi hiến pháp để bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước (3/2018). 
Với đỉnh cao quyền lực, Tập Cận Bình đã tự tin triển khai kế hoạch “Made in China 2025” để thực hiện “Giấc mộng Trung Hoa” (China Dream) trong “kỷ nguyên mới”, mà quên mất bài học về “giới hạn quyền lực” (limits of power). 
Như một định mệnh, Mỹ và Trung Quốc đang hướng đến “cái bẫy Thucydides”.  
Sau khi Washington điều tàu sân bay USS Carl Vinson đến thăm Đà Nẵng (5/3/2018) như một biểu tượng “ngoại giao pháo hạm” (gunboat diplomacy) của Mỹ, Bắc Kinh đã tổ chức diễn tập lớn nhất tại Biển Đông (13/4/2018) với 48 tàu chiến/tàu ngầm, 76 máy bay, và 10.000 quân. 
Hình ảnh Tập Cận Bình mặc quân phục dã chiến trực tiếp chỉ huy diễn tập (trên tàu sân bay Liêu Ninh) là một biểu tượng “ngoại giao pháo hạm” của Trung Quốc. 
Bắc Kinh đã cho tàu khu trục Lan Châu chặn đầu tàu khu trục USS Decatur của Mỹ khi đang tuần tra FONOP tại khu vực Trường Sa (30/9/2018) như một biểu tượng đối đầu Mỹ-Trung. 
Theo Fox News (20/12/2018), tướng hải quân Trung Quốc La Viện (Lou Yuan) đã hung hăng tuyên bố rằng cách dễ nhất để đánh bại Mỹ là đánh chìm 2 tàu sân bay, khiến hơn 10.000 thủy thủ thiệt mạng, “để thấy người Mỹ sợ hãi như thế nào”. 
Trước đó, La Viện từng kêu gọi nếu hạm đội Mỹ đóng quân tại Đài Loan, Trung Quốc cần triển khai lực lượng để thống nhất hòn đảo này. 
Dù La Viện phát biểu hung hăng chỉ là “võ mồm” để phô trương thanh thế, nhưng nó phản ánh tâm thức “dân tộc cực đoan” của phái diều hâu Trung Quốc.
Điều này làm người ta nhớ tới “hội chứng Trân Châu Cảng” và chính sách “Đại Đông Á” của Nhật thời trước, nay đang trỗi dậy như sáng kiến “Vành đai Con đường” đầy tham vọng của Trung Quốc.   
Hải quân Trung Quốc (PLAN) không chỉ “võ mồm”, mà họ lấy biên đội tàu sân bay Mỹ làm đối tượng tác chiến (trong diễn tập). Họ đã phát triển những loại vũ khí dành riêng cho mục tiêu tàu sân bay như tên lửa đạn đạo DF-21D. 
Nếu biên đội tàu sân bay Mỹ đi vào Biển Đông hay biển Hoa Đông, nằm trong tầm bắn của các loại vũ khí mới của Trung Quốc thì chúng có thể bị tiêu diệt một cách nhanh chóng, khi đối diện với hàng trăm (thậm chí hàng ngàn) tên lửa chống hạm các loại của Trung Quốc được bắn cấp tập;
Chúng có thể làm các tàu khu trục và tàu tuần dương Aegis bị vô hiệu hóa, không thể bảo vệ nổi các tàu sân bay của Mỹ. Tuy trận Trân Châu Cảng đã đi vào lịch sử, nhưng bóng ma của nó vẫn còn sống, và lịch sử vẫn có thể lặp lại.


Tàu sân bay USS Carl Vinson thăm cảng Đà Nẵng, Việt Nam ngày 5 tháng Ba 2018. Ảnh: defense.gov.
Tuy nhiên, phái diều hâu tại Bắc Kinh chưa tính đến phản ứng của Mỹ, nhất là phái diều hâu của Mỹ đang thắng thế tại Washington. 
Nếu Trung Quốc dám tấn công và phá hủy tàu sân bay Mỹ thì đó là động thái tuyên chiến rõ ràng nhất và chắc Mỹ không ngần ngại dùng vũ khí hạt nhân để đáp trả. 
Với tiềm lực quân sự vượt trội, nhất là khi đã hoàn thiện hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo, Mỹ đủ sức hủy diệt Trung Quốc trong thời gian rất ngắn, thậm chí chưa cần trả đũa bằng vũ khí hạt nhân. 
Nếu Trung Quốc dám tấn công tàu sân bay Mỹ bằng máy bay hay tên lửa thì Mỹ cũng đủ sức san phẳng tất cả những nơi xuất phát các vũ khí đó. 
Trung Quốc còn đối mặt với nguy cơ bị cắt đứt nguồn cung cấp năng lượng từ bên ngoài khi bị phong tỏa đường biển, và đóng băng các giao dịch thương mại để có tiền nuôi bộ máy chiến tranh. 
Lời cuối
Theo Bloomberg, Trung Quốc đã lâm vào khủng hoảng, nhưng đây là cuộc khủng hoảng về tương lai kinh tế Trung Quốc. 
Nó không chỉ về tốc độ tăng trưởng hiện đang chậm lại (con số chính thức là 6,6%, nhưng con số không chính thức là 1,67%), mà kéo dài chưa biết tới đâu. 
Nó không phải kiểu sụp đổ về kinh tế như Mỹ đã từng chứng kiến (2008), hay kiểu khủng hoảng tài chính bùng phát mà các con hổ kinh tế châu Á đã trải qua (1997). Đây là một cuộc khủng hoảng trầm lặng với núi nợ công và nợ xấu khổng lồ, và hàng loạt công ty phá sản. 
Chính phủ Trung Quốc đang phải đối phó với một đặc điểm khác của khủng hoảng tài chính là dòng vốn chảy ra nước ngoài, khiến cho “cuộc khủng hoảng tài chính mang đậm màu sắc Trung Quốc” trở nên tồi tệ hơn so với “cuộc khủng hoảng tài chính thông thường”. 
Tất cả đang dẫn đến một vòng xoáy đi xuống (như “endgame”). Tuy thuế quan là một mối lo lớn, nhưng vấn đề cốt lõi đã ăn sâu vào thể chế và tồn tại trong cấu trúc tài chính của Trung Quốc. 
(Forget the Trade War: China Is Already in Crisis, Michael Schuman, Bloomberg, January 17, 2019). 
Theo các chuyên gia về Trung Quốc, lúc đầu Bắc Kinh rất tự tin là Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm “thuần hóa các tổng thống Mỹ” (nên Trump không phải là ngoại lệ). 
Bắc Kinh tưởng làm việc với Trump dễ hơn so với Hillary Clinton, nhưng chỉ gần đây mới bị bất ngờ, làm người Trung Quốc bắt đầu “phục Trump”. 
Tập Cận Bình đã chiêu đãi Donald Trump tại “Tử Cấm Thành” bằng “quốc yến đặc biệt” (state plus plus) để lấy lòng. 
Trước các đòi hỏi của Donald Trump về thâm hụt thương mại, Tập Cận Bình hứa sẽ mua hàng trăm tỷ USD hàng hóa của Mỹ, nhưng vẫn không rõ liệu có làm Trump vừa lòng hay không.
Trump và Tập như một “cặp đôi hoàn hảo” (thích được khen), nhưng tính cách lại “tương khắc” (như âm và dương, hay thủy và hỏa).   
Tuy hai siêu cường phải chạy đua vũ trang và thích đe dọa chiến tranh, nhưng Mỹ không dại gì đánh làm Trung Quốc sụp đổ, và Trung Quốc cũng chẳng dại gì gây chiến với Mỹ để mang vạ vào thân. 
Chiến tranh chỉ là giả định và “bẫy Thucydides” chỉ để răn đe. Trung Quốc muốn thắng Mỹ mà không phải đánh (như binh pháp Tôn Tử), nên chỉ cần “xâm lược lặng lẽ” (silent invasion). 
Trung Quốc đã từng bước kiểm soát Biển Đông bằng cưỡng chiếm và quân sự hóa, quyết đuổi kịp Mỹ về công nghệ bằng kế hoạch “Made in China 2025”. 
Lẽ ra Bắc Kinh có thể thực hiện được điều đó, nếu họ không mắc sai lầm quá ngạo mạn (như “Hội chứng Trân Châu Cảng”) làm người Mỹ giật mình bừng tỉnh, tập hợp thành “Đồng thuận Washington”.  
Nay Bắc Kinh nhận ra sai lầm thì đã hơi muộn (nhưng “muộn còn hơn không”). 
Nguyễn Quang Dy

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2019

20190130. BÀN VỀ ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ QUỐC GIA

ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐỔI MỚI QUẢN TRỊ QUỐC GIA ĐỂ VIỆT NAM TỊNH VƯỢNG

HẢI LỘC/ TVN/ BVN 29-1-2019

 - “Đổi mới hệ thống quản trị quốc gia” là một trong những vấn đề rất quan trọng góp phần thúc đẩy hay kìm hãm phát triển đất nước.
LTS: Tuần Việt Nam mở Diễn đàn "Vì Việt Nam hùng cường" với mong muốn thu nhận từ quý độc giả những ý kiến, bài viết về các giải pháp phát triển đất nước trong tất cả các lĩnh vực nhằm khơi thông tiềm năng phát triển, cổ vũ niềm tin của cộng đồng vào tương lai Việt Nam.
Chủ đề đầu tiên của Diễn đàn tập trung vào thể chế kinh tế. Mời quý vị cùng theo dõi.
Trong loạt bài trước, người viết đã nêu rõ nước ta đang bị tụt hậu về kinh tế, nhất là so với các nước xung quanh, chứ không còn là “nguy cơ” như Đảng ta đã cảnh báo hơn 30 năm trước. Muốn khắc phục tụt hậu, vươn lên thịnh vượng cần đẩy mạnh công cuộc Đổi mới, bắt đầu từ đổi mới tư duy để có đường lối, chính sách phù hợp.
Bài viết tiếp theo này đề cập đến vài chuyện cũ cả trong và ngoài nước liên quan đến “đổi mới hệ thống quản trị quốc gia”, mà người viết nghĩ rằng “quản trị quốc gia” là một trong những vấn đề rất quan trọng góp phần thúc đẩy hay kìm hãm phát triển đất nước. Đúng như tác giả Nguyễn Ngọc Chu đã viết trên Tuần Việt Nam/VietNamNet “Chính phủ giỏi - chìa khoá mở cánh cửa kinh tế hùng cường”; và “chuyện cũ” nhưng vẫn còn nguyên ý nghĩa thời sự đối với chúng ta hiện nay.
Hai chính quyền song song
Ở Liên Xô và nhiều nước XHCN khác ở Đông Âu đã từng tồn tại một hệ thống quản trị quốc gia mà nhiều nhà nghiên cứu gọi là hệ thống “Hai chính quyền Nhà nước song song tồn tại trong một nhà nước thống nhất”. Hệ thống chính quyền thứ nhất là hệ thống tổ chức Đảng (gọi tắt là “chính quyền Đảng”). Hệ thống chính quyền thứ hai là hệ thống chính quyền Nhà nước.
Hệ thống chính quyền Nhà nước thứ nhất là hệ thống cơ quan lãnh đạo Đảng có đầy đủ các cấp, tổ chức chằng chịt theo chiều dọc lẫn chiều ngang và hệ thống tổ chức này hành xử không khác gì hệ thống chính quyền Nhà nước. Theo chiều dọc từ Trung ương đến cơ sở, ở đâu có chính quyền Nhà nước ở đó có “chính quyền Đảng”. Và cũng chằng chịt theo chiều ngang (Ban Đối ngoại – Bộ Ngoại giao; Ban nông nghiệp Trung ương – Bộ Nông nghiêp; Ban Công nghiệp – Bộ Công nghiệp; Ban lãnh đạo bộ - Ban cán sự Đảng…).
Bất kỳ cấp nào, ở đâu có cơ quan chính quyền Nhà nước, ở đó có cơ quan lãnh đạo Đảng. Thậm chí, ở các tổ chức hội, đoàn không phải là cơ quan chính quyền Nhà nước thì ở đó vẫn có cơ quan lãnh đạo Đảng… Các tổ chức thuộc cả ba nhánh quyền lực đều có các ban cán sự đảng, đảng đoàn từ trên xuống dưới để thực hiện các chức năng liên quan trực tiếp đến mọi hoạt động hằng ngày của người dân, của đất nước.
Nói sơ lược nhất, hệ thống “chính quyền Đảng” ở Liên xô hồi bấy giờ có ít nhất có 3 đặc trưng cơ bản: không được hình thành theo quy định của pháp luật nhà nước; trên thực tế có siêu quyền lực; không hề chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý và vật chất nào trước dân tộc về các quyết định do mình đưa ra.
“Quản trị quốc gia” là một trong những vấn đề rất quan trọng góp phần thúc đẩy phát triển đất nước. Ảnh: Lê Anh Dũng

Nói rõ đôi điều về ba đặc trưng cơ bản nêu trên:

(i) Hệ thống chính quyền Đảng không được hình thành theo quy định của pháp luật.
Nhắc lại, với cả hệ thống tổ chức và nhân sự lãnh đạo đảng các cấp, lãnh đạo các cấp của Đảng Cộng sản Liên Xô (ĐCSLX) thuộc các nhánh lập pháp, hành pháp và tư pháp thực thi công vụ hằng ngày không khác tý nào so với hệ thống chính quyền Nhà nước hoàn chỉnh thuộc các nhánh tương ứng. Tuy nhiên, hệ thống chính quyền Đảng chỉ được hình thành theo Điều lệ Đảng và theo các quy định, quyết định nội bộ của ĐCSLX. Đương nhiên hệ thống chính quyền đảng không do chính quyền Nhà nước quyết định thành lập, giải thể khi cần thiết. Nhân sự của hệ thống chính quyền đảng không hề được dân bầu, không được bổ nhiệm như hệ thống chính quyền nhà nước.
(ii) Trên thực tế, các nghiên cứu cho thấy, hệ thống chính quyền đảng ở Liên xô hồi bấy giờ có siêu quyền lực, đứng trên hiến pháp và pháp luật, đứng trên chính quyền Nhà nước ở tất cả các cấp, không có ngoại lệ.
Bởi không hề có văn bản pháp quy nào quy định quyền kiểm soát, giám sát của dân đối với hệ thống chính quyền đảng… ngoài vài câu ghi tại Điều 126 Hiến pháp Liên xô năm 1936 và Điều 6 Hiến pháp Liên xô năm 1977: “ĐCSLX là lực lượng lãnh đạo và dẫn dắt xã hội Xô viết, là hạt nhân của hệ thống chính trị của nhà nước và các tổ chức xã hội”; “ĐCSLX tồn tại vì nhân dân và phục vụ nhân dân”; “Mọi tổ chức đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp Liên Xô”. Điều đáng nói hơn, không hề có văn bản pháp quy nào quy định cái gọi là “khuôn khổ” đó cả, nên trên thực tế ĐCSLX hoạt động trên và ngoài hiến pháp và pháp luật. 
(iii) Hệ thống chính quyền đảng không hề chịu bất kỳ trách nhiệm pháp lý và vật chất nào trước dân về các quyết định do mình đưa ra.
Cho đến ngày tan rã, không hề có bất kỳ văn bản pháp quy nào quy định rõ trách nhiệm của ĐCSLX trước dân. Trong khi đó, rất khó tìm một lĩnh vực, một khu vực, một hoạt động cụ thể nào, cả đối nội lẫn đối ngoại trong đời sống của người dân Liên xô mà ở đó không có sự can thiệp, điều hành của cơ quan đảng và người lãnh đạo đảng các cấp của ĐCSLX.
Khi lãnh đạo ĐCSLX nhận ra những điều tồi tệ trên đây thì đã quá muộn. Ngày 23 tháng 6 năm 1990, trên tờ “Sự thật”, ông A. Iakovlev, ủy viên Bộ chính trị, nhà lý luận của ĐCSLX đã nêu lên đặc trưng của hệ thống chính quyền nhà nước Liên Xô lúc bấy giờ là: “Một nền kinh tế trì trệ, phản dân chủ một cách trắng trợn, quan liêu và tham nhũng. Các cơ quan của Đảng, trên thực tế, đã thay thế tất cả các tổ chức khác, nhưng lại không chịu bất kì trách nhiệm về kinh tế hay pháp lý nào về các chỉ thị và nghị quyết của mình”.
Chỉ 14 tháng sau khi tuyên bố này được đưa ra, ngày 19 tháng 8 năm 1991, ĐCSLX tan rã trong nháy mắt và Liên Xô sụp đổ ngay sau đó sau 74 năm tồn tại. Đương nhiên, ai cũng hiểu việc Liên Xô sụp đổ do nhiều nguyên nhân phức tạp, nhưng không thể không kể đến nguyên nhân về tổ chức quản trị quốc gia như nêu trên đây.
Những bài học cần rút ra
Ở nước ta trong một thời gian không ngắn cũng áp dụng hệ thống quản trị quốc gia na ná như ở Liên Xô đã phân tích trên.
Để tránh hiểu lầm, cần nói rõ thêm, ở hầu hết các quốc quốc gia trên thế giới, đảng chính trị sau khi thắng cử, nắm quyền quản trị quốc gia, không bao giờ nhân danh một hay một số đảng cầm quyền để ban hành các đường lối, chính sách phát triển đất nước nói chung cũng như từng lĩnh vực trọng yếu, mà luôn nhân danh nhà nước để thực thi các chức năng quản trị quốc gia. 
Ở nước ta, khi công cuộc đổi mới được bắt đầu, Đảng ta cũng làm rất nhiều việc, chẳng hạn giải thể một loạt các Ban mà chức năng quản lý trùng lặp với các cơ quan quản lý Nhà nước (Ban Nông nghiệp TW; Ban Công nghiệp; Ban Tài mậu...). Đồng thời, Đảng ta đã đề ra mô hình quản trị quốc gia theo hướng: Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ. Và Đảng lãnh đạo - Nhà nước quản lý – Nhân dân làm chủ đều phải theo khuôn khổ của pháp luật.
Mô hình ba vế vừa nêu là đúng đắn, rõ ràng. Trong mấy thập niên qua, chúng ta đã từng bước hình thành và hoàn thiện hệ thống pháp luật áp dụng đối với hệ thống quản lý nhà nước. Các văn bản pháp quy đã quy định rõ, mỗi nhánh quyền lực được làm những gì, không được làm gì. Chưa nói đến nội dung, về hình thức văn bản pháp quy, chẳng hạn Quốc hội được ban hành Luật, Nghị quyết; Chính phủ được ban hành Nghị định, Nghị quyết; Thủ tướng Chính phủ được ban hành Quyết định, Chỉ thị… Tất nhiên vẫn còn vô số việc phải làm để nâng cấp, hoàn thiện hệ thống pháp luật này.
Đối với hai vế còn lại, nhất là vế "Đảng lãnh đạo, về mặt pháp lý vẫn còn các khoảng trống lớn. Đây là sự chậm trễ rất đáng tiếc, để lại hậu quả không tốt. Xin nói rõ thêm vài điều liên quan đến điều đáng tiếc đó.
Hiến pháp của nước ta ghi rõ “Đảng Cộng sản Việt Nam […] là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”; “Đảng Cộng sản Việt Nam […] chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”; “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”.
Những điều ghi trên đây là cần thiết, nhưng chưa đủ. Để đưa những nội dung rất quan trọng đã được ghi vào Hiến pháp như vừa nêu vào thực hiện trong cuộc sống một cách đúng đắn thì còn cần một hệ thống pháp luật quy định rõ "Đảng lãnh đạo Nhà nước và xã hội" là thế nào, Ban lãnh đạo cũng như người đứng đầu cơ quan lãnh đạo Đảng các cấp được làm gì và không được làm gì; quy định rõ cơ chế “chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình” là thế nào…
Báo cáo Chính trị trình Đại hội XII và một số Đại hội Đảng trước đó cũng thừa nhận một phần nội dung còn khiếm khuyết này: “Sự phân định giữa vai trò lãnh đạo của Đảng và vai trò quản lý, điều hành của Nhà nước còn những nội dung chưa rõ; phương thức và cơ chế lãnh đạo của Đảng đối với Nhà nước ở các cấp còn nhiều điểm chưa được chế định rõ và phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước pháp quyền”.
Chúng ta đã hình thành được hệ thống pháp luật để thực hiện vế “Nhà nước quản lý”, thì không khó khăn gì trong việc hình thành hệ thống pháp luật để thực hiện hai vế còn lại, nhất là vế “Đảng lãnh đạo”. Hệ quả của khiếm khuyết nêu trên là chúng ta vẫn chưa hoàn toàn xóa bỏ được tình trạng “hai chính quyền song song tồn tại trong một nhà nước thống nhất” trong quản trị quốc gia. Hệ lụy của sự chậm trễ này, có nhiều. Dưới đây, xin nêu vài chuyện:
Thứ nhất, trên thực tế, lâu nay Đảng nắm quyền quyết định tuyệt đối trong một số lĩnh vực quan trọng. Thí dụ, Đảng nắm quyền quyết định tuyệt đối về công tác cán bộ, không có ngoại lệ. Bao giờ lãnh đạo Đảng cũng là người đầu tiên đưa quyết định liên quan đến các chức danh quản lý  trong hệ thống chính quyền Nhà nước, thăng quân hàm trong các lực lượng vũ trang. Sau đó hệ thống chính quyền Nhà nước chỉ làm các thủ tục có tính chất hành chính tiếp theo.
Ở đây, chưa cần bàn việc Đảng nắm quyền quyết định tuyệt đối về công tác cán bộ như vừa nêu có hợp lý hay không, mà điều cần bàn là việc Đảng nắm quyền quyết định tuyệt đối đó được quy định tại văn bản pháp quy nào? Dường như chưa hề có văn bản pháp lý nào quy định Đảng làm việc cụ thể ấy.
Thứ hai, các văn kiện chính thức đã nói nhiều về sự “chồng chéo”, “lấn sân”, “làm thay”… trong việc ra các quyết định trong điều hành phát triển đất nước, nhưng thường nói về khiếm khuyết này trong nội bộ hệ thống.
Đã có một vài dẫn chứng về “chồng chéo”, “lấn sân”, “làm thay” giữa “hai hệ thống chính quyền”. Chẳng hạn, trong cuộc sống có vô số công việc liên quan đến quản trị quốc gia, theo hệ thống pháp luật hiện hành đã quy định rất rõ, là việc của cơ quan quản lý Nhà nước, nhưng cơ quan Đảng tự mình vẫn ban hành quyết định và yêu cầu mọi người dân phải chấp hành.
Hoặc cũng có vô số công việc, theo hệ thống pháp luật hiện hành quy định, đó đích thực là việc của cơ quan quản lý Nhà nước. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau, cơ quan quản lý Nhà nước luôn “xin ý kiến chỉ đạo” của cơ quan lãnh đạo Đảng tương ứng, mà thực chất là xin quyết định của lãnh đạo cơ quan Đảng đó.
Cả hai tình huống vừa nêu xảy ra cả ở Trung ương lẫn địa phương, nhưng càng xuống cấp dưới xảy ra càng phổ biến hơn.
Hậu quả để lại của các tình huống vừa nêu là không tốt, cũng có thể nói là xấu. Hậu quả xấu thường hay nhắc tới là bộ máy quản lý phình to, kém hiệu quả… Đó chỉ là phần không lớn, phần nổi của hậu quả xấu. Hậu quả nặng nề nhất của tình trạng nêu trên là gây ra sự mâu thuẫn, chậm trễ không đáng có trong việc ra quyết định điều hành, phát triển đất nước.
Bởi chậm trễ trong việc đưa ra các quyết định liên quan đến quản trị quốc gia luôn gắn với “lỡ nhịp”, gắn với “mất cơ hội”. Mà mất cơ hội để đi lên là mất mát tiền của của dân, mất cơ hội phát triển, tụt hậu ngày càng xa so với các quốc gia khác… 
Thứ ba, tuy Hiến pháp quy định rõ: “Các tổ chức của Đảng và đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam hoạt động trong khuôn khổ hiến pháp và pháp luật”; Đảng “chịu sự giám sát của Nhân dân, chịu trách nhiệm trước Nhân dân về những quyết định của mình”, nhưng trên thực tế, hình như chưa có văn bản pháp quy nào thể chế hóa “khuôn khổ” nêu trong Hiến pháp, cũng như chưa có văn bản pháp quy nào  quy định trách nhiệm pháp lý và vật chất trước dân về các quyết định do Đảng đưa ra.
Đương nhiên từ đó Đảng không chịu sự giám sát, kiểm soát của dân một cách cụ thể và sát thực. Tha hóa luôn gắn liền với quyền lực. Đảng ta đang ra sức chống tha hóa đối với từng cán bộ, đảng viên. Nhưng người viết cho rằng loại bỏ cho kỳ được nguyên nhân sinh ra tha hóa là quan trọng, là cơ bản hơn nhiều.
Bài viết đã quá dài, xin phép dừng ở đây. Lần nữa, rất hoan nghênh VietNamNet mở Diễn đàn “Vì Việt Nam hùng cường”. Tôi cho rằng đây là nơi rất tốt để mọi người tâm huyết nêu thực trạng, nguyên nhân cốt lõi của tình hình và kiến nghị của mình để làm sao cho Việt Nam thịnh vượng. Nếu được phép, tôi sẽ cùng mọi người tìm cách trả lời các khía cạnh khác nhau của các câu hỏi do Diễn đàn nêu ra và tôi có nhắc lại tại các bài viết trước.
H.L. 
Nguồn: 
https://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/tieudiem/doi-moi-quan-tri-quoc-gia-de-viet-nam-thinh-vuong-504318.html?fbclid=IwAR24UHxPuRTb_38n0qtNaWrUGGa0jFQGJQT8MckPBj_XQMOOjS0GyRvnJt8



ĐẢNG VIÊN TRỪ, ĐẢNG VIÊN SẠCH VÀ CHUYỆN 'THÀ ÍT MÀ TỐT'

VŨ LÂN/ TVN 29-1-2019

Việc có công cụ để đo đếm, thanh lọc những “đảng viên trừ”, “đảng viên sạch” làng nhàng là quan trọng và cần thiết để đội ngũ đảng viên dù ít nhưng mà tốt.
LTS:Công tác cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Như Bác Hồ từng chỉ ra “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, Tuần Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả loạt bài xoay quanh vấn đề được rất nhiều người quan tâm này.
Cuối năm 2018, Ban Bí thư Trung ương đã họp, cho ý kiến về việc ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Trong phát biểu của mình, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc tập trung vào khâu kết nạp Đảng, giáo dục, rèn luyện, sàng lọc, xử lý cán bộ đảng viên, chống cho được tình trạng suy thoái hiện nay, khắc phục tình trạng “đông nhưng không mạnh”, “hữu danh vô thực”.
Cách đây gần một thế kỷ, trong bài viết “Thà ít mà tốt” đăng tải trên tờ Pravda, Lê-nin nói rằng “Đảng viên hữu danh vô thực” thì cho không cũng không cần.
Còn 25 năm trước, trong cuốn sách nhỏ Văn hóa và đổi mới, Nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng, Cố vấn BCH Trung ương Đảng cũng đã thổ lộ tâm sự về tình trạng của Đảng ta lúc bấy giờ là đảng viên nhiều mà không mạnh; đảng viên thì nhan nhản, cộng sản thì vắng bóng. Hồi đó, bên ngoài xã hội cũng có một số ý kiến dị nghị về nhận xét này của ông, cho rằng nhận xét hơi quá, không phản ánh đúng sự thật. 

Đảng viên trừ, đảng viên sạch và chuyện ‘thà ít mà tốt’
Cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Ảnh minh họa: Lê Anh Dũng
Một thời gian ngắn sau đó, trên Tạp chí Cộng sản số 2/1995, ông Nguyễn Phú Trọng, khi đó là Tổng biên tập Tạp chí Cộng sản, đã giới thiệu cuốn sách nói trên bằng bài viết “Định hướng xã hội chủ nghĩa là văn hóa”. Bài báo của ông có đoạn viết: “Nhân tố hàng đầu quyết định tính định hướng xã hội chủ nghĩa là sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản. Hiện nay, sự lãnh đạo của Đảng, sự đoàn kết nhất trí trong Đảng, tính tiền phong gương mẫu (cả về trí tuệ và phẩm chất) của cán bộ, đảng viên có ý nghĩa cực kỳ quan trọng”. Nhận xét này rất nhất quán và phù hợp với tình hình hiện nay của đất nước ta.
Tình trạng đảng viên đông mà tổ chức đảng không mạnh có nhiều nguyên nhân, trong đó có tình trạng nể nang, né tránh, dĩ hòa vi quý trong nhận xét, phân loại đảng viên từ chi bộ đảng. Nhiều người không xứng đáng là đảng viên, thậm chí vi phạm kỷ luật của Đảng như bỏ sinh hoạt nhiều lần liên tục không có lý do chính đáng; có những đảng viên cả năm không liên hệ với cấp ủy nơi cư trú, không gắn bó với quần chúng, nhân dân... nhưng vẫn được chiếu cố không khai trừ mà chỉ bị xếp loại là “đảng viên trừ”, tức là có yếu kém một vài mặt công tác nào đó.
Ngoài đảng viên trừ, thì còn một kiểu được gọi là “đảng viên sạch”. Nhưng “đảng viên sạch” hoàn toàn không đồng nhất với “đảng viên trong sạch”. Trong cách gọi của Đảng, “trong sạch” bao giờ cũng đi liền với “vững mạnh” chứ không bao giờ trong sạch chung chung. Các văn kiện của Đảng bao giờ cũng gắn bó các cặp mệnh đề với nhau như: “Nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của Đảng...” hoặc, “Tăng cường xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh...”.
Những “đảng viên sạch” này không tham nhũng (có thể do không có điều kiện tham nhũng), không lãng phí do cũng không nắm giữ vị trí để mà có điều kiện lãng phí, không phiền hà, nhũng nhiễu, không nhận quà cáp, biếu xén, do không phải đối tượng có chức, có quyền để gây phiền hà, nhận quà cáp của người khác.
Người ta tưởng những đảng viên như thế là tốt, là quý cho Đảng rồi. Nhưng với tư cách của một đảng viên, một cán bộ cách mạng, trước quần chúng, nhân dân thì nếu chỉ như thế cũng chưa thật sự xứng đáng danh hiệu cũng như lời thề trước khi vào Đảng.
Đã là đảng viên phải tiên phong, gương mẫu, cương quyết đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, bảo vệ cái đúng, giữ vững kỷ luật, kỷ cương, nhưng cũng không nương tay, gượng nhẹ, bỏ qua, im lặng trước những hiện tượng tiêu cực trong Đảng, trong xã hội hoặc thờ ơ, vô cảm trước cái ác, cái xấu ở đời... Trong khi những “đảng viên sạch” này thấy cái tốt, cái đẹp, cái thiện không lên tiếng cổ vũ, ủng hộ, ra tay bảo vệ, thấy người xấu, việc xấu không dám tỏ thái độ lên án, cương quyết đấu tranh loại bỏ.
Những “đảng viên sạch” như vậy liệu có tác dụng gì góp phần nâng nêu gương, cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của một tổ chức đảng? Đảng mà toàn những “đảng viên sạch” như vậy, liệu có đủ khả năng lãnh đạo, dân tộc, đất nước?
Trong các vị thuốc trong các bài thuốc dân gian nước ta có một vị thuốc được gọi với cái tên hoa mỹ là hoài sơn, dân gian gọi là gọi là củ mài. Củ mài có vị man mát, bô bổ. Nếu dùng đơn độc chỉ một vị hoài sơn thì tác dụng chữa bệnh rất kém, thành ra người ta bảo trong các vị thuốc có vị hoài sơn thì cũng tốt, không có thì cũng không sao.
Mọi sự so sánh đều khập khiễng, nhưng có người gọi những “đảng viên trừ” hay “đảng viên sạch” giống như củ mài trong vị thuốc Nam vậy.
Do vậy, ngoài một bộ phận không nhỏ đảng viên thoái hóa, biến chất, tự chuyển hóa, tự diễn biến như nghị quyết của Đảng đã chỉ ra, thì để cho Đảng trong sạch vững mạnh việc có công cụ để đo đếm, thanh lọc những “đảng viên trừ”, “đảng viên sạch” là quan trọng và cần thiết để đội ngũ đảng viên của đảng dù ít nhưng mà tốt.
Vũ Lân
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN:
ÔNG VUA CON, 'ÔNG CHỐNG LƯNG' THỜI @

ĐINH ĐỨC SINH/ TVN 30-1-2019
 Bước sang năm 2019, người dân trông đợi có bước đột phát để không một ông vua con nào còn tồn tại trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đất nước.
LTS:Công tác cán bộ được coi là khâu đột phá, then chốt để xây dựng Đảng vững mạnh. Như Bác Hồ từng chỉ ra “Cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Muôn việc thành công hoặc thất bại, đều do cán bộ tốt hoặc kém”.
Nhân kỷ niệm ngày thành lập Đảng 3/2, Tuần Việt Nam trân trọng gửi đến độc giả loạt bài xoay quanh vấn đề được rất nhiều người quan tâm này.
Những “ông vua con” là thuật ngữ đã được Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng sử dụng để chỉ “một số người có chức có quyền giữ tác phong quan cách, gia trưởng”.
Khác với thời xưa chỉ có vua cha và một vua con là hoàng thái tử. Ngày nay, ông vua con vừa không do vua cha sinh ra, vừa không chỉ có một mà là rất nhiều “ông”, tạm gọi là những “ông vua con thời @”. Đặc điểm nổi bật của những “ông” này là “ăn của dân không từ một thứ gì”, là một phiên bản méo mó sinh ra từ bộ máy nhà nước.
Thật vậy, Nhà nước Việt Nam là nhà nước Của dân - Do dân - Vì dân. Bộ máy nhà nước của 30 năm kháng chiến giải phóng dân tộc (1945-1975), của 20 năm trăn trở và khởi động công cuộc Đổi Mới (1976-1995) đã làm nên biết bao kỳ tích mà không sinh ra ông vua con nào. Sau 50 năm kể trên, khi nền kinh tế phát triển, đã có của ăn của để thì trong bộ máy nhà nước bắt đầu xuất hiện những ông vua con, ban đầu chỉ là một bộ phận “nhỏ”, rồi “không nhỏ”, nay đã kết thành bè thành mảng, ngày càng đông đúc.
Những phần tử này từ đâu sinh ra thì đã rõ, nhưng vì sao lại hình thành và phát triển thì không phải dễ thấy, nhưng một số khâu đã dần dần hé lộ.
Ông vua con, ‘ông chống lưng’ thời @
Đặc điểm nổi bật của những “ông” này là “ăn của dân không từ một thứ gì”. Ảnh minh họa
Ở khâu tuyển chọn. Mặc dù khâu này đã có tiêu chuẩn, quy trình, ngày càng chi tiết, chặt chẽ nhưng nhiều khi lại bị những quy trình tự biên tự diễn về “chạy phiếu”, “chạy chức”, “chạy quyền”… vô hiệu hóa. Các quy trình “chạy” này đã đẻ ra những ông vua con “sành điệu” về luồn lách, đục khoét.
Ở khâu giao quyền. Trong bộ máy nhà nước, đâu đâu cũng thấy những người được giao làm Đại diện chủ sở hữu đối với những tài sản mà pháp luật quy định là thuộc sở hữu toàn dân. Mặc dù pháp luật không giao cho bất cứ cá nhân nào được làm “Đại diện toàn quyền” chủ sở hữu toàn dân, nhưng những ông vua con đã tự cho mình cái quyền đó.
Với quyền này, khi là người mua sắm tài sản cho nhà nước thì họ mua với giá cao hơn giá thị trường, còn khi là người bán họ lại bán với giá thấp hơn giá thị trường. Công khai, minh bạch, đấu thầu, đấu giá là những quy định bắt buộc trong các công việc thu chi ngân sách nhà nước, nhưng các ông vua con đã chủ động phớt lờ hoặc cố tình bỏ qua.
Tất cả đều nhằm tạo ra những chênh lệch giá, theo đó Nhà nước là người bị thiệt đơn thiệt kép, còn những ông vua con lại ngon lành vớ bẫm. Ở khâu giao quyền này, những ông vua con xuất hiện như nấm mọc sau mưa, thiên hình vạn trạng mà ngành nào, cấp nào cũng có.
Ở khâu thanh tra, kiểm tra, giám sát. Khâu này bao gồm một rừng thanh Bảo kiếm khiến những người ngay thẳng cũng phải dè chừng. Nhưng đối với những ông vua con thì những thanh Bảo kiếm này có vung lên hay không, vung lên rồi có chém xuống hay không, chém xuống nhưng có trúng đích hay không… tất cả còn tùy thuộc vào những “ông chống lưng” cho từng ông vua con.
Từ hơn chục năm trước Đại hội XII, đa phần các ông vua con đã thoát khỏi sự trừng phạt của pháp luật với bao “ấm ức thanh tra”, “qua loa giám sát”. Những công cụ pháp luật này chào thua khi gặp đội ngũ những “ông chống lưng”.
Ở khâu tai mắt nhân dân. Những ông vua con ở đâu, đi đâu, làm đâu, ăn đâu… nhân dân đều biết. Nhưng đối với những người là cấp dưới thì ít ai dám nói cái tật của họ; Những người cùng nơi cư trú với họ thì dù biết nhưng không có nghiệp vụ ghi lưu bằng chứng, nên tố ai nghe. Trong khi đó, những người là đại biểu của dân thì phải nói và làm theo nghị quyết của tổ chức, đoàn thể, đâu phải muốn xử là được đối với các ông vua con.
Vậy là, người dân dù với tư cách nào cũng ở vị trí yếu thế hơn so với các ông vua con, làm sao dẹp được họ. Thật ngạc nhiên, vẫn những người dân ấy, khi làm tai mắt để tìm bắt bọn trộm cắp không có chức tước thì hiệu nhiệm vô cùng, đố tên nào thoát lưới.
Ở khâu kỷ luật Đảng. Đây là khâu khắc tinh đối với các ông vua con. Nếu khâu này cũng mắc lỗi thì họ sẽ an toàn trên cả tuyệt vời. Nhưng thật không may cho họ bởi ngay sau Đại hội XII của Đảng, chính Tổng bí thư, người đã nhận diện loại “vua” này đã hạ quyết tâm cao để chống bọn “nội xâm” trong đó có những ông vua con với phương châm “sai đến đâu xử đến đó, không có vùng cấm”.
Nhiệm kỳ XII tuy mới đi được nửa chặng đường, nhưng nhiều ông vua con, kể cả những ông vua con rất to như Ủy viên Bộ chính trị, Ủy viên trung ương, Bộ trưởng, Thứ trưởng, Bí thư và Phó bí thư cùng Chủ tịch và Phó chủ tịch cấp tỉnh, Thiếu tướng cùng Trung tướng và Thượng tướng đã lĩnh án kỷ luật Đảng nhiều mức. Kéo theo đó là việc mất hết mọi chức, quyền Nhà nước giao, cùng mọi bổng lộc, địa vị hoàng kim do tự biên tự diễn mà có của những ông vua con.
Để những ông vua con không thể tiếp tục sinh sôi
Như đã thấy, chỉ qua nửa nhiệm kỳ Đại hội XII, với chuyển biến có tính cách mạng về kỷ luật Đảng, một bộ phận trong bè mảng những ông vua con đã bị xử lý. Nhưng chắc chắn vẫn còn nhiều ông vua con vẫn chưa bị trừng trị hoặc vẫn trễm trệ trên ghế quyền lực để tiếp tục “ăn của dân không từ một thứ gì”. Cuộc chiến chống giặc nội xâm còn tiếp diễn.
Số phận những ông vua con được tạo ra trước Đại hội XII sớm muộn sẽ được định đoạt. Tuy nhiên, nếu chỉ dựa vào khâu kỷ luật Đảng thì cuộc chiến này sẽ kéo dài tới vô tận bởi các khâu khác vẫn tiếp tục cho ra lò những ông vua con mới.
Để kết thúc cả một thời vùng vẫy của những ông vua con đã sinh ra và không để sinh ra thêm một ông vua con mới nào nữa thì các khâu khác phải cùng vào cuộc với tính cách mạng như khâu kỷ luật Đảng đã và đang làm.
Bước sang năm 2019, toàn dân đang đặt nhiều niềm tin vào những đột phá mới của đất nước, trong đó có đột phá để không một ông vua con nào còn tồn tại trong đời sống chính trị - kinh tế - xã hội đất nước với hy vọng rằng:
Việc tuyển chọn sẽ loại được những kẻ giỏi luồn lách, đục khoét;
Việc giao quyền sẽ loại ra được những kẻ tự cho mình có toàn quyền định đoạt các tài sản thuộc Sở hữu toàn dân do được giao quản lý;
Việc kiểm tra, thanh tra, giám sát sẽ vượt qua dược những “ông chống lưng”;
Việc giám sát của nhân dân sẽ được trao những thực quyền để họ và những đại diện của họ không còn bị yếu thế khi phải đương đầu không chỉ với những ông vua con mà cả với những “ông chống lưng” nữa.
TS. Đinh Đức Sinh
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN: