Thứ Tư, 10 tháng 1, 2018

20180110. QUANH CHUYỆN ÔNG ĐOÀN NGỌC HẢI XIN TỪ CHỨC

ĐIỂM BÁO MẠNG
MẤY AI DŨNG CẢM TỪ CHỨC NHƯ ÔNG ĐOÀN NGỌC HẢI ?

BẠCH ĐẰNG/ GDVN 9-1-2018

Ông Đoàn Ngọc Hải đang chỉ đạo phá hàng loạt bức tường lấn chiếm vỉa hè. (Ảnh: Tienphong.vn)
Ngày 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận 1, thành phố Hồ Chí Minh nộp đơn từ chức, với lý do không hoàn thành được việc lập lại trật tự vỉa hè ở địa bàn quận này.
Việc ông Hải từ chức khiến nhiều người bất ngờ, mặc dù trước đó trước đó, vào ngày 20/2/2017, ông từng tuyên bố trước người dân thành phố, nếu đến cuối năm 2017 không làm được việc lập lại trật tự đô thị, sẽ  “cởi áo về vườn” chứ không làm phong trào, đánh trống bỏ dùi để được nổi tiếng.
Việc từ chức của ông Hải được xem là giữ lời hứa tuy nhiên dư luận cũng tỏ ra bất ngờ vì lâu nay vốn ít khi được chứng kiến cảnh một cán bộ từ chức vì không thực hiện được lời hứa của mình.
Xung quanh thông tin này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với nguyên đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến (nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội).
Bình luận về việc từ chức của ông Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân quận 1, ông Lê Như Tiến cho rằng: “Tôi thấy một người cán bộ có liêm chính đã giữ lời hứa mà từ chức thì điều này rất là tốt”.
Phân tích thêm, nguyên Đại biểu Quốc hội Lê Như Tiến cho rằng: “Khi đánh giá một người từ chức có tốt hay không thì cần đánh giá việc từ chức của người đó xuất phát từ nguyên nhân nào?
Nếu xuất phát từ việc đã hứa nhưng không làm được thì đó là điều tốt.
Tôi cho rằng, một số nhà quản lý hứa trước Quốc hội là phải thực hiện công việc này, công việc kia của ngành mình, bộ mình, nếu không thực hiện được cũng nên có văn hóa từ chức”.
Vị này còn cho biết, ở nhiều nước, việc từ chức xảy ra rất nhiều nhưng ở nước ta rất là hiếm hoi.
Văn hóa từ chức phải đi kèm là lòng tự trọng.
Ở những nước đó, họ có bề dày lịch sử về lập pháp hơn chúng ta nhiều. Nhiều người hứa trước Quốc hội nhưng không thực hiện được nên họ từ chức.
“Mỗi khi đã hứa với nhân dân, với cơ quan bầu ra hoặc đề cử anh, khi đến thời gian không làm được cũng nên từ chức.
Trước kia, thời kỳ phong kiến nhiều quan lại nhận công việc không làm được người ta cũng từ chức để nhường công việc cho người khác” – ông Lê Như Tiến nhấn mạnh.
Bình luận thêm về câu chuyện từ chức của ông Đoàn Ngọc Hai, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhận xét: “Tôi cho rằng với lòng tự trọng, cán bộ nào đó không làm được công việc mình đảm trách từ chức thì đó là rất đáng để biểu dương và đó chính là lòng tự trọng của người ta.
Đó là điều rất tốt đáng biểu dương. Từ chức như vậy là động cơ trong sáng”.
Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, ngày 8/1, đại diện Ủy ban nhân dân quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã lên tiếng xác nhận, ông Đoàn Ngọc Hải – Phó Chủ tịch quận 1 đã nộp đơn xin từ chức lên lãnh đạo quận 1.
Căn cứ vào đơn xin từ chức, ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, mình bắt đầu thực hiện nhiệm vụ Phó Chủ tịch quận 1, phụ trách lĩnh vực đô thị, trong đó có việc quản lý trật tự lòng lề đường, vỉa hè ở quận trung tâm nhất của thành phố.
Nhận thấy tình hình vi phạm, lấn chiếm lòng lề đường, vỉa hè trên địa bàn ngày càng phức tạp, từ tháng 1 đến tháng 10/2017, quận 1 đã ra quân triển khai công tác chấn chỉnh này, đạt được một số tín hiệu tích cực nhất định, lan tỏa ra khắp cả nước, được Thủ tướng đánh giá cao.
Tuy nhiên, trong quá trình triển khai việc này đã đụng chạm đến lợi ích to lớn, hàng nghìn tỷ đồng của các bãi giữ xe, nhà hàng, khách sạn, chủ hộ kinh doanh trên địa bàn.
Nhận thấy mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân, kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng mong muốn là sẽ giải quyết dứt điểm này, nên ông Đoàn Ngọc Hải đã xin phép được từ chức.
Ông Đoàn Ngọc Hải cho rằng, muốn lập lại kỷ cương, pháp luật trên lĩnh vực này, cần có sự vào cuộc, đồng lòng của tất cả các cấp, các ngành, của hệ thống chính trị, nhưng trên thực tế ông chưa nhận được những điều này để thực hiện.
Ngoài xin từ chức Phó Chủ tịch quận 1, ông Hải còn xin từ chức luôn chức danh Uỷ viên Ban thường vụ Quận ủy và đại biểu Hội đồng nhân dân quận.
Là một công dân bình thường, ông Đoàn Ngọc Hải mong sẽ có nhiều điều kiện về mặt thời gian hơn để suy nghĩ về các giải pháp căn cơ, nhân văn, không làm ảnh hưởng đến việc mưu sinh của người nghèo trong việc này.
Bạch Đằng
NGƯỜI VIỆT MÌNH TỐT LẮM, NIỀM TIN ĐÂU MẤT TIỀN MUA!
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 10-1-2018
Cựu Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh từng dõng dạc tuyên bố: “Ngay cả tôi cũng vậy, nếu làm không được thì tôi sẽ xin nghỉ”.
Xin nghỉ thì không thấy nhưng bị Ủy ban Kiểm tra Trung ương thi hành kỷ luật buộc thôi chức thì dân chúng đều biết.
Có bao nhiêu lãnh đạo hứa trước Quốc hội về việc này việc nọ nhưng sau đó bao nhiêu người viết đơn xin thôi chức vì không thực hiện được lời hứa?
Chưa có ai cả.
Thế nhưng ở Thành phố Hồ Chí Minh có một người vừa làm điều đó là ông Đoàn Ngọc Hải.
Lý do từ chức của ông thật đơn giản, ông không hoàn thành lời hứa xử lý hành vi lấn chiếm lòng đường, vỉa hè Quận 1, nơi ông làm Phó Chủ tịch.
Vì sao ông không hoàn thành lời hứa?
Vì hoạt động của ông “đã động chạm đến lợi ích rất to lớn - hàng ngàn tỉ đồng, của các bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền... và một bộ phận không nhỏ cán bộ cộng sinh trong đó” - như nội dung ông viết trong đơn.
Vì ngày 14/10/2017, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân Quận 1 Trần Thế Thuận ký quyết định lập tổ liên ngành trật tự đô thị, trật tự an toàn giao thông trên địa bàn quận.
Theo đó, ông Đoàn Ngọc Hải không được tự ý xuống đường giải quyết vi phạm nếu chưa có ý kiến của lãnh đạo.
Ở vào địa vị của ông Hải, viết đơn xin từ chức là giải pháp cuối cùng nhưng cũng là giải pháp đầu tiên mà những người có lòng tự trọng phải nghĩ tới.
Trước ông Đoàn Ngọc Hải, nguyên Bí thư Thành ủy Hội An Nguyễn Sự xin từ chức (trước 2 năm) vì ông cho rằng chức vụ không phải tài sản riêng của cán bộ, đó là nhiệm vụ mà nhân dân giao phó và cần được chuyển giao cho thế hệ trẻ.
Bên cạnh một bộ phận không nhỏ những người gọi là “Mo quan” thì vẫn còn nhiều người luôn giữ lòng tự trọng, không xem quan trường là cây khế để “trèo hái suốt ngày”.
Những người như ông Sự, ông Hải nếu có trở thành “phó thường dân” thì vẫn có thể cầm chung chiếc quạt, góp thêm luồng gió giúp cho chiếc “lò đốt củi” của Tổng Bí thư và Ủy ban Kiểm tra Trung ương cháy rực hơn nữa.
Trong một cuộc phỏng vấn vừa diễn ra đầu năm 2018 này, đại gia điếu cày Lê Thanh Thản nói:
Giờ không thiếu những thứ trước kia thiếu, nhưng lại thiếu niềm tin”. [1]
Vì sao tại thời điểm “lò đã nóng và củi tươi đang cháy” ông lại thiếu niềm tin?
Phải chăng bây giờ ông làm ăn khó khăn hơn, phải chăng những “chiến hữu” đã giúp ông “không thiếu những thứ trước kia thiếu” đã không còn là trợ thủ đắc lực cho ông nữa?
Vậy để ông có lại niềm tin, có nên quay lại thời kỳ chừng chục năm trước, khi người ta sẵn sàng “băm nát quy hoạch thủ đô” để khu vực Linh Đàm trở nên rậm rịt toàn nhà là nhà?
Có nên trở lại thời kỳ mà những kẻ như Vũ “nhôm”, Út “trọc” có thể thâu tóm đất vàng tại các thành phố chỉ nhờ một cuộc điện thoại hay một công văn có đóng dấu “mật”?
Niềm tin vốn là một trong những thứ đắt giá nhất trên đời nhưng lại không mất tiền mua, phải mất cả cuộc đời để tìm được niềm tin nhưng để đánh mất nó có khi chỉ cần một phút giây nông nổi.
Có thể ông Thản đánh mất niềm tin vì lý do nào đó, đấy là chuyện của riêng ông nhưng xã hội hôm nay không thiếu người - dù bức xúc trước thực trạng tham nhũng, lãng phí đang diễn ra hàng này - vẫn có niềm tin vào đồng bào mình, vào tương lai dân tộc mình.
Người viết tâm niệm thế này: “Chỉ có người ngốc mới tin mọi người đều trung thực, không tin trên đời này còn có người trung thực thì không bằng người ngốc”.
Les Brown có một câu nói chí lý: “Đôi khi bạn phải tin vào niềm tin của người khác cho tới khi tìm được niềm tin của riêng mình”.
Ngày xưa, những người nông dân chân đất tham gia Vệ quốc đoàn, nhiều người chưa biết chữ, họ chưa biết đến những học thuyết cao siêu, những lý luận kinh điển, họ tin vào Cụ Hồ, tin vào Việt minh.
Nói như Les Brown, họ tin vào niềm tin của người khác bởi một chân lý đơn giản, niềm tin ấy phù hợp với suy nghĩ của họ.
Ngày nay, dù rất ít người mù chữ, đa số đều học hết phổ thông song có những điều người ta vẫn tin vào người khác dù đôi khi có thể đó là một niềm tin ngây thơ, dù có người vẫn chưa trả lời được câu hỏi “tại sao mình lại tin như vậy”?
Chỉ sau 3 ngày kêu gọi hiến máu nhân đạo, tỷ lệ nhóm máu O đã tăng 7,3%, ngày 4/1/2018 lượng máu nhóm O dự trữ chỉ đạt 18,7 % so với nhu cầu, đến ngày 7/1/2018 tỷ lệ này là 26%.
Nếu không có niềm tin yêu đồng bào mình, liệu hàng trăm người có sẵn sàng chờ đợi để được hiến máu?
Trên thế giới này, chẳng có quốc gia nào không có tham nhũng, phe nhóm, chẳng có chính khách nào đứng trên đỉnh cao quyền lực mà không cần đánh bại đối thủ.
Điều quan trọng là lực lượng lãnh đạo - được đại diện bởi một hoặc một số người - mang lại cái gì cho quần chúng lao động.
Nếu tham quan chắc chắn sẽ bị trừng trị, nếu không còn “luật cho dân, lệ cho quan”, nếu kẻ dốt chắc chắn không thể trở thành thày của người khôn, nếu dân thường có một cuộc sống ấm no, hạnh phúc, thì tại sao lại không tin, không theo?
Vấn đề nằm ở chữ “nếu”, nghĩa là thì tương lai, bởi thực ra sau mấy chục năm chống tham nhũng không hiệu quả, chỉ từ sau đại hội Đảng lần thứ 12, người dân mới thấy những hành động mạnh mẽ, quyết liệt, chưa có tiền lệ của Ban lãnh đạo Đảng, Quốc hội và Chính phủ.
Vấn đề cũng còn ở chỗ cần có cái nhìn biện chứng về sự tập trung quyền lực, bởi một khi quyền lực tập trung trong tay một hoặc một nhóm người luôn có nguy cơ dẫn tới “độc quyền”.
Nếu một thể chế chính trị có cơ chế hữu hiệu để kiểm soát quyền lực, pháp luật được thượng tôn thì sự độc quyền sẽ không dẫn đến độc đoán và dân chúng - trong những giai đoạn cụ thể và chừng mực nhất định - sẽ chấp nhận sự độc quyền đó.
Nói dân chúng chỉ chấp nhận “trong những giai đoạn cụ thể và chừng mực nhất định” bởi những gì hôm nay là đúng, ngày mai chưa chắc đã đúng, những gì hôm nay là sai, ngày mai chưa chắc đã sai.
Hôm nay dân chúng cần đến công bằng, ấm no, hạnh phúc, ngày mai có thể cao hơn, là niềm tự hào dân tộc, là sự hãnh diện được là người Việt Nam, là công dân một quốc gia mà chỉ có người nước ngoài xin nhập quốc tịch chứ không phải một bộ phận không nhỏ luôn thủ sẵn hộ chiếu nước ngoài trong túi,…
Trong khi niềm tin của người dân bắt đầu trở lại thì chuyện ai đó đánh mất niềm tin cũng không nên xem là điều không thể chấp nhận.
Điều nên chấp nhận, không phải chỉ từ phía cơ quan, tổ chức mà còn cả phía người dân, là cái giá phải trả cho cuộc chiến chống tham nhũng không hề rẻ, kể cả sinh mạng con người.
Nếu rồi đây có những án chung thân, tử hình được công bố thì đó chỉ là luật nhân quả, là sự báo ứng đối với những kẻ phạm tội mà gia đình và người thân của họ cùng phải gánh chịu.
Dưới bất kỳ góc độ nào, thiệt hại về đội ngũ không thể so sánh với sự đánh mất niềm tin nơi dân chúng.
Việc phải đưa những con người như hai ông Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh,…ra xét xử trước tòa dù chua xót đến mấy cũng là cần thiết để niềm tin trở lại.
Thế nhưng một khi dân bắt đầu tin thì cũng là lúc cần hết sức cảnh giác, bởi sự tự mãn về thành tích biết đâu có thể là sự khởi đầu cho quá trình “rút củi đáy nồi”?
Đặt câu hỏi này bởi cho đến nay, những lãnh đạo Bộ Nội vụ liên quan đến vụ việc tại Quảng Nam, việc xử lý cán bộ ở Thanh Hóa,… cho thấy liệu pháp “gãi từ vai trở xuống” hình như vẫn chưa phải đã lỗi thời?
Xã hội vẫn còn nhiều người trung thực đó mới là phúc ấm của dân tộc chứ không phải nhiều con cái các vị có công được đưa vào hàng ngũ kế cận rồi bị thi hành kỷ luật, bị khai trừ khỏi Đảng như Nguyễn Xuân Anh, Lê Phước Hoài Bảo,…
“Đất lành chim đậu, đất dữ chim bay” vốn là triết lý tổ tiên để lại, đất lành mà chim vẫn bay chẳng qua là bởi “Chim chưa đậu đã nhậu hết cả chim” - như câu nói của vị nữ đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội.
Niềm tin trong dân tuy bị giảm sút nhưng chưa mất, đó không phải là may mắn ngẫu nhiên bởi người Việt vốn giàu lòng vị tha.
Vun đắp cho niềm tin mong manh đó đâm chồi nảy lộc không khó nếu biết đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên lợi ích cá nhân, tổ chức.
Niềm tin không mua được bằng tiền, cũng không mua được bằng rất nhiều tiền.
Niềm tin của dân vào thể chế chính trị chỉ có thể có nếu thể chế đó đáp ứng đúng tiêu chí “của dân, do dân và vì dân”.
Tài liệu tham khảo:

ĐỪNG ĐỂ SỰ TỬ TẾ CÔ ĐƠN

UÔNG NGỌC DẬU/ TVN 10-1-2018

 “Chặt đứt” nhóm lợi ích thao túng, chiếm đoạt vỉa hè, lề đường thu lợi bất chính, cũng là cách ngăn chặn nguy cơ nảy sinh bất an, bất hoà, để sự tử tế không thành cô đơn và rời bỏ chúng ta...
Hôm 8/1, ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch UBND Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi đơn xin từ chức...
Nhiều người dân Thành phố Hồ Chí Minh bày tỏ sự tiếc nuối và buồn, khi một vị lãnh đạo cấp quận năng nổ, nhiệt huyết, nói đi đôi với làm, khi không thực hiện trọn vẹn lời hứa “lấy lại vỉa hè cho người đi bộ” đã “cởi áo về vườn”.
Ở một phía khác, tôi mường tượng, không ít người hỉ hả, mừng thầm, và cũng không hiếm kẻ vỗ tay ăn mừng. Với họ, ông Đoàn Ngọc Hải là “kẻ lạc loài”, “tên chọc gậy bánh xe”, “lấy trứng chọi đá”, thậm chí, là “thằng khùng”.
Riêng tôi, vừa buồn lại vừa mừng.
Buồn, vì một cán bộ, đảng viên tử tế, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, đường đi chưa tới đã “lực bất tòng tâm”, thành kẻ cô đơn ngay giữa đồng chí, đồng nghiệp của mình.
Buồn, vì chiến dịch lập lại trật tự vỉa hè được lan tỏa từ “hiện tượng Quận 1”, “hiện tượng Đoàn Ngọc Hải” rất được kỳ vọng, tưởng chừng vượt lên hội chứng phong trào, bền lâu và hiệu quả, hoá ra vẫn là việc làm lấy lệ, gõ trống khua chiêng thoáng chốc.
Nhưng, cũng là điều mừng.
Còn có những người như ông Đoàn Ngọc Hải còn biết nhìn ra những điểm tối, góc khuất trong bức tranh đô thị ở một quận trung tâm thành phố giàu có và năng động nhất nước, để rồi xắn tay hành động, hành động quyết liệt, hòng lập lại trật tự, mang lại bức tranh đô thị tươi sáng và hài hoà hơn.
Còn có một Đoàn Ngọc Hải, đảng viên, quan chức, còn giữ được tiết tháo của người tử tế khi coi trọng chữ tín mà xem nhẹ danh lợi. Khi người đời nháo nhào “chạy ghế”, “giữ ghế”, thì ông “rời ghế”, “trả ghế”. Ông biết giữ lời hứa, biết hành động để thực hiện lời hứa, vì lợi ích của đại đa số người dân. Khi “biết mình không thực hiện được lời hứa trước nhân dân và kỳ vọng của các đồng chí lão thành cách mạng”, thì đệ đơn lên tổ chức, xin “trở lại người công dân bình thường”.
Xin đừng trách cứ hay phê phán ông Đoàn Ngọc Hải. Có thể thể tất cho ông về hành động có chút cực tả khi ông dám “động chạm đến lợi ích rất to lớn- hàng ngàn tỉ đồng của bãi ô tô, xe gắn máy, nhà hàng, khách sạn, các hộ kinh doanh mặt tiền”... Hãy đặt hành động của ông trong bối cảnh “sự chống phá công khai và ngấm ngầm, sự đe dọa đến sinh mạng bản thân, gia đình từ các đối tượng bị mất nguồn lợi phi pháp, từ lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội”-như “tự bạch” trong đơn xin từ chức của ông, mới thật sự hiểu và cảm thông, chia sẻ cùng ông.
Bất kỳ ai, chứ không riêng ông Đoàn Ngọc Hải, đều dễ rơi vào trạng thái cô đơn, thành cô độc, trong cuộc đấu tranh chống lại cái xấu, cụ thể là nhóm lợi ích “lấn chiếm tài sản công và không gian sống của xã hội”. Thực tế, nhóm lợi ích, ở mọi cấp độ, đang là một thế lực, chi phối cả chính quyền, lấn át cái tốt, sự tử tế, trở thành nguy cơ đe dọa sự tồn vong của Đảng, sự hưng thịnh của quốc gia.
Có sự trùng hợp ngẫu nhiên, đúng hôm ông Đoàn Ngọc Hải đệ đơn xin từ chức do nhận thấy “lực bất tòng tâm”, thì Toà án ở hai đầu đất nước đưa hai vụ đại án ra xét xử, mỗi vụ án là một dây-nhóm-lợi-ích. Chỉ nhìn vào “tập đoàn hùng hậu” bị cáo và số lượng ngân quỹ bị đục khoét, phù phép, chia chác ở hai vụ án này, cũng đủ hình dung thế lực, sự ngang ngược, thái độ bất chấp và mức độ tàn phá không chỉ nền kinh tế đất nước, của nhóm lợi ích!
Chuyện cái vỉa hè, lề đường ở trung tâm thành phố lớn và ông Đoàn Ngọc Hải “lực bất tòng tâm”, “cởi áo về vườn”, phải chăng cũng từ câu chuyện nhóm lợi ích?
Một khi cái vỉa hè, lề đường là tài nguyên quốc gia, tài sản công, không gian công cộng sinh ra nguồn lợi béo bở “hàng nghìn tỉ đồng”, chui vào túi một nhóm người, thì tự nó tạo nên sức mạnh và những mối quan hệ ngầm bền chặt. Khi ấy, người tử tế chống lại nó, dễ bị cô lập, thành kẻ cô đơn.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, tại hội nghị ngành Tài chính đầu năm 2018, đã cảnh báo về “nhóm lợi ích đục khoét để hưởng lợi khổng lồ từ tài sản công”. Ông thể hiện thái độ phải “chặt đứt nhóm lợi ích thao túng tài sản công quốc gia”.
Cái vỉa hè, lề đường thành phố lớn, xét nhiều bình diện, không còn là chuyện nhỏ.
“Chặt đứt” nhóm lợi ích thao túng chiếm đoạt vỉa hè, lề đường thu lợi bất chính, cũng là cách ngăn chặn nguy cơ nảy sinh bất an, bất hoà trong xã hội, để sự tử tế không thành cô đơn và rời bỏ chúng ta.
Uông Ngọc Dậu

TIẾC NUỐI VỀ MỘT SỰ 'TỪ CHỨC'

NGUYỄN THỊ HẬU/ NĐT 9-1-2018

Tôi là một trong số không nhiều người ngay từ đầu lên tiếng phản biện cách thức tiến hành “chiến dịch dọn dẹp vỉa hè” của ông Hải.
Phải nói rõ rằng, mục tiêu làm cho vỉa hè sạch đẹp, an toàn, thông thoáng là hoàn toàn đúng nhưng phương pháp thực hiện của ông Hải là nóng vội, không khoa học và chưa nhân văn. Có thể nói vắn tắt là:
Chưa khoa học: chưa có điều tra xã hội học dù là “thí điểm” ở một phường hay một tuyến đường để có các số liệu về tình trạng buôn bán ở nhà mặt tiền, buôn gánh bán bưng trên vỉa hè, nhu cầu chỗ để xe của các cửa hàng, nhà hàng… cùng với số lượng khách hàng đến đó, số lượng người, gia đình phụ thuộc vào việc kinh doanh ấy. Vì vậy, không có căn cứ để đưa ra biện pháp giải quyết căn cơ, lâu dài, thuyết phục người dân.
Nóng vội: Không phân loại vi phạm để giải quyết từng bước, cào bằng mọi trường hợp và dùng biện pháp “đập phá” rất phản cảm đối với khu vực trung tâm thành phố. Chưa có biện pháp thuyết phục, tuyên truyền trước khi tiến hành tháo dỡ, cưỡng chế… Nhất là chưa giải quyết từ gốc là trách nhiệm quản lý của các phường đối với vỉa hè và những hộ buôn bán ở đó. Chính quyền phường, quận là chính quyền cơ sở nên đây phải là nơi nắm rõ, đưa ra phương án giải quyết cho từng trường hợp cụ thể chứ không thể chung chung kiểu “giải pháp đúng (về lý thuyết) mà không trúng (về thực tiễn)”.
Chưa thể hiện sự nhân văn: Đô thị nói chung và vỉa hè nói riêng là không gian nhỏ nhưng có mật độ người sử dụng rất lớn. Sự chia sẻ quyền lợi (bao gồm sử dụng đi lại, làm hạ tầng đô thị, kinh doanh…) cần được nhà quản lý nhìn nhận một cách thực tế và giải quyết sao cho thỏa đáng. Không thể công bằng với tất cả nhưng cũng không thể không quan tâm đến số phận từng con người, gia đình cụ thể.
Giải quyết buôn bán hàng rong bằng cách lập ra “phố hàng rong” có phải là giải pháp hữu hiệu không khi mà nó chỉ giải quyết cho vài mươi người trong số hàng ngàn người có nhu cầu? Một thành phố có hàng triệu xe máy mà không có bãi giữ xe nhất là khu trung tâm thì sẽ phải làm sao nếu cấm để xe ở vài đoạn vỉa hè?
Có người nói ông Hải thất bại vì “đụng vào lợi ích nhóm” trong việc sử dụng vỉa hè. Có thể là như vậy, nhưng chính thế lại càng cần sự khoa học trong cách thức, cẩn trọng trong tìm hiểu và giải quyết từng trường hợp.
Nhiều nhà quản lý, nhà nghiên cứu về xã hội cũng như dư luận đã có những ý kiến phân tích, đề xuất giải pháp từng bước để công việc thực hiện tốt hơn và có hiệu quả hơn, nhưng tiếc rằng những ý kiến này đã không được quan tâm.
“Kinh tế vỉa hè” là một đặc trưng của đô thị, vấn đề là tổ chức không gian cho hoạt động kinh tế đó như nhiều nước đã làm được và làm tốt, tạo ra diện mạo “văn minh đô thị” đồng thời thu được nguồn lợi kinh tế, góp phần cho đô thị trở thành nơi “an cư, an ninh”.
Ông Hải từ chức – như ông nói, để “giữ lời hứa không làm được thì cởi áo về vườn” - là một việc làm đáng quý. Nhưng ông sẽ được trân trọng quý mến hơn nếu ông sớm điều chỉnh phương pháp thực hiện “chiến dịch vỉa hè” để người dân, dù mất một phần quyền lợi cũng phải “tâm phục khẩu phục”, từ đó mang lại hiệu quả tốt trong việc xây dựng thành phố văn minh.
Thực tâm tôi cảm thấy tiếc vì điều đó!
Bất cứ ai là công chức đều được học về “Khoa học quản lý” mà mục đích đầu tiên là: bộ máy công quyền với chức năng “quản lý nhà nước” là để phục vụ đời sống nhân dân tốt hơn chứ không chỉ để ra mệnh lệnh một cách chủ quan duy ý chí.
Sài Gòn 9.1.2018
Nguyễn Thị Hậu

CÁI NHÌN CỦA MỘT BÁC SĨ: GỬI ANH ĐOÀN NGỌC HẢI

FB XUÂN SƠN VÕ/ BVN 10-1-2018

Lẽ ra thì tôi phải gọi anh bằng ông, vì anh là một ông quan. Nhưng anh đã nộp đơn từ chức thì tôi mạn phép xem anh như một người dân mà gọi anh bằng anh cho thân mật.
Cách đây gần 1 năm, tôi đã nhiều lần thể hiện sự bực mình với một số hành vi của anh khi anh dọn dẹp lòng lề đường. Nói cho ngay, tôi cũng là người ủng hộ việc dọn dẹp lòng lề đường nhưng cách anh làm hồi ấy, trong nhiều trường hợp, nó giống như cách nhà nước này thường làm với dân: không quan tâm đến tính nhân văn, đến hậu quả của việc mình làm đối với những người chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc làm đó.
Cũng có nhiều trường hợp anh đúng nhưng vì người ta sẵn không ưa anh nên người ta bẻ quẹo qua thành chuyện lạm quyền. Nhưng đa phần những cái người ta không ưa ở anh là thái độ. Giống như hầu hết các quan chức nhà nước khác, anh không thể hiện được sự cầu thị, anh không có khả năng lắng nghe. Anh chỉ áp đặt, áp đặt và áp đặt.
Khi nghe anh tuyên bố rằng nếu không lập được trật tự, anh sẽ cởi áo từ quan, những người am hiểu tình hình đều có suy nghĩ chắc chắn anh chẳng lập lại được trật tự. Nhưng chẳng mấy ai tin rằng anh sẽ "cởi áo từ quan" như anh đã nói.
Và hôm nay, anh đã thoát ra khỏi cái đám bùng nhùng quan chức bằng việc từ quan của mình. Anh thật đáng khâm phục. Không biết anh sẽ từ quan thật hay không hay đảng lại giao nhiệm vụ và anh phải thực thi. Nhưng nếu muốn làm người tử tế, anh nên kiên định với việc từ quan, anh ạ.
Trong cái bộ máy mà anh đang phục vụ không có mấy người có đủ lòng tự trọng để xin từ quan như anh. Đa phần họ rất trơ trẽn, họ tuyên bố vung vít nhưng không làm điều mà họ tuyên bố, thậm chí, họ còn nói ngược nói xuôi. Anh mà ở lại thì anh sẽ không khác gì họ cả.
Cái bộ máy mà anh đang phục vụ đã và đang đứng đối lập lại nhân dân. Hầu hết việc họ làm chỉ để phục vụ lợi ích của một nhóm người chứ không vì đông đảo người dân. Anh đi dọn dẹp vỉa hè thì anh biết đấy. Cái vỉa hè sinh ra tiền tỉ, nhưng mà cho ai? Những người dân buôn gánh bán bưng được bao nhiêu trong mối lợi mà vỉa hè mang lại?
Rõ ràng là anh chỉ có mỗi một mình. Cả một bộ máy mấy triệu quan chức sẵn sàng để anh đơn độc. 
Không những thế, họ còn chống lại việc anh làm. Chẳng người dân nào chống nổi anh cả. Lúc nào anh xuất hiện trước dân cũng có bao nhiêu công an, cảnh sát đi cùng. Chỉ có các đồng chí của anh mới đủ sức chống lại anh, mới đủ sức làm cho anh thất bại.
Nếu anh thực sự từ quan, anh sẽ cảm thấy thanh thản. Còn nếu anh vẫn một mực trung thành với sự phân công của ai đó thì sẽ có ngày anh phải khuất phục các đồng chí đã làm cho anh thất bại hôm nay và cùng họ đục khoét ngân quỹ, ngăn chặn mọi cố gắng làm cho xã hội này trong sạch, tìm mọi cách bóc lột người dân song song với những lời mị dân khốn nạn nhất, cùng với việc đàn áp dã man mọi sự phản kháng.
Anh cần phải hiểu rằng cái bộ máy mà anh đang phục vụ sẽ không bao giờ làm được những việc như anh mong muốn: lập lại trật tự kỉ cương vỉa hè, lòng đường. Cái bộ máy ấy không còn khả năng làm những việc có ích cho dân, cho nước. Cái bộ máy ấy đang tập trung vào việc duy trì quyền lực thống trị, sẵn sàng làm những việc gây hại cho dân, cho nước để tận thu, vơ vét.
Muốn làm thành công một việc tốt, dù là một việc nhỏ như dọn dẹp vỉa hè, lòng đường thì chắc chắn phải là một bộ máy khác, với những con người khác, trong sạch và không bị lợi ích cá nhân chi phối, không bị người dân ghét bỏ đến mức luôn luôn phải nghĩ cách lừa dân, đàn áp dân. Bộ máy đó phải được đặt dưới sự kiểm soát của hệ thống pháp luật với cơ chế kiểm soát quyền lực đủ mạnh để không ai dám, cũng như không ai có thể xâm phạm vào quyền lợi của dân, của nước.
Thôi, nghỉ đi anh ạ. Hãy làm người tử tế. Còn ở trong cái bộ máy nhơ nhớp đó, anh chẳng thể nào tử tế nổi đâu. Thật cảm kích với sự dũng cảm của anh, tôi mới có những lời gan ruột với anh như vậy.
9-1-2018

1 nhận xét:

  1. Quảng Nam thưởng Tết cao nhất 111 triệu đồng
    Theo thông báo thì mức thưởng Tết ở Quảng Nam năm nay tăng cao hơn nhiều so với năm trước. Tỉnh này dẫn đầu thuộc về khối doanh nghiệp PDI về số tiền thưởng Tết.

    Trả lờiXóa