ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Khác biệt về tư duy, chiến lược và phương thức cạnh tranh Trung - Mỹ (GD 9/1/2018)-Biển Đông được Mỹ nêu ra trong tất cả các cuộc đối thoại với Trung Quốc (GD 9/1/2018)-
- Trong nước: Đơn xin từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải, Phó Chủ tịch quận 1 (GD 8/1/2018)-Mấy ai dũng cảm từ chức như ông Đoàn Ngọc Hải? (GD 9/1/2018)-Đại biểu Lê Thanh Vân lý giải chuyện từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải (GD 9/1/2018)-Thành phố Hồ Chí Minh chưa nhận được đơn từ chức của ông Đoàn Ngọc Hải (GD 9/1/2018)-Vì sao Vũ “Nhôm” lộng hành nhiều đến thế? (GD 8/1/2018)-Ông Trương Tấn Sang nghĩ về thịnh suy của đất nước, hưng vong thời cuộc (GD 9/1/2018)-Ai, cơ quan nào của Hà Nội phải chịu trách nhiệm sau vụ 8B Lê Trực? (GD 9/1/2018)-Thuộc cấp đồng loạt 'đổ' trách nhiệm cho bị cáo Đinh La Thăng (infonet 8-1-18)-Thành lập Bộ tư lệnh Tác chiến không gian mạng (VnEx 8-1-18)-Khi nào Vũ Huy Hoàng sẽ bị bắt? (Blog VOA 8-1-18)-Ông Trịnh Xuân Thanh phủ nhận tham ô 4 tỷ đồng tiêu Tết (VNN 9/1/2018)-Những 'cảm nhận' về vụ xét xử Đinh La Thăng (BVB 9/1/2018)-Kính Hòa/RFA-
- Kinh tế: Diễn giả của AIA xuyên tạc pháp luật về Bảo hiểm xã hội, Bảo hiểm y tế (GD 9/1/2018)-Không thể chỉ giảm giá vé qua trạm BOT (GD 9/1/2018)-Lượng căn hộ bán ra tại TPHCM cao gần gấp đôi Hà Nội (KTSG 9/1/2018)-Lấy ý kiến chuyện tăng lương cơ sở lên 1,39 triệu đồng (KTSG 9/1/2018)-Tìm cơ hội trong 2018 (KTSG 9/1/2018)-Đừng tự mãn (KTSG 9/1/2018)-Đóng BHXH cho người nước ngoài vẫn chờ hướng dẫn (KTSG 8/1/2018)-Nhà đất TPHCM: tăng giá gấp đôi trong 5 năm (KTSG 8/1/2018)-TPHCM thúc đẩy mô hình chợ an toàn thực phẩm (KTSG 8/1/2018)-Tỉ phú Thái lại tung tiền gom cổ phiếu VNM (KTSG 8/1/2018)-nhà đầu tư nội ở đâu?-Các "ông lớn" dầu khí nhắm đến dầu đá phiến (KTSG 8/1/2018)-Thủ tướng: phương pháp tính GDP còn quá lòng thòng (KTSG 8/1/2018)-'lòng thòng' không có trong từ điển kinh tế !-Người Việt nườm nượp ra nước ngoài đón tết (KTSG 8/1/2018)-TPHCM: hơn 15.000 tỉ đồng cho hạ tầng để đăng cai SEA Games 31 (KTSG 8/1/2018)-
- Giáo dục: Bỏ cộng điểm tuyển sinh đầu cấp là quyết định sáng suốt, tạo sự công bằng (GD 9/1/2018)-Thầy Tùng Lâm ủng hộ không cộng điểm khuyến khích khi tuyển sinh vào lớp 10 (GD 9/1/2018)-Môn Toán rất quan trọng nhưng không dạy học trò lòng yêu nước! (GD 9/1/2018)-Hải Dương đã cấp phép cho 8 trung tâm kỹ năng sống, dạy và thu tiền phụ huynh (GD 9/1/2018)-Sinh viên chuyên ngữ không nói được tiếng Anh và chuyện chọn nghề (GD 9/1/2018)-Giáo sư Nguyễn Lân Dũng trao đổi đôi điều với các bạn trẻ (GD 8/1/2018)-
- Phản biện: Phát hiện mới: “Con ông cháu cha… vỉa hè”! (GD 8/1/2018)-Xuân Dương-Đâu là vực thẳm của xã hội? (GD 9/1/2018)-Trương Khắc Trà-Long trọng và “long trọng viên” (KTSG 9/1/2018)-Bình Vương-Dự báo diễn biến tình hình chính trị của Việt Nam trong thời gian tới (PHẦN II) (Viet-studies 8-1-18)-Phần I- Phạm Hưng Quốc-Làm gì để dân tin (VnEx 8-1-18)-Trương Tấn Sang-TUYÊN BỐ VỀ BẢN ÁN TỬ HÌNH TẠI ĐẮK NÔNG (BVN 9/1/2018)-Đặng Văn Hiến kháng cáo toàn bộ bản án tử hình (BVN 9/1/2018)-Duy Hậu-Đặng Văn Hiến kháng cáo toàn bộ bản án tử hình (BVN 9/1/2018)-Đại Dũng-Muốn thêm mấy mạng người nữa ư? (BVN 9/1/2018)-Mai Quốc Ấn-Không phải Chính phủ, mà Đảng ‘ôm’ Petro Vietnam! (BVN 9/1/2018)-Phạm Chí Dũng-Đảng trưởng nhắm mắt thì ai sẽ mở mắt? (BVN 9/1/2018)-Ánh Liên-
- Thư giãn: Nghệ sĩ Quang Thắng kêu cứu (VNN 9/1/2018)-Thủ tướng Thái Lan để hình nộm tiếp phóng viên (VNN 9/1/2018)-Chuyện ngược đời trong clip nóng bỏng của Hoa hậu H'Hen Niê (VNN 9/1/2018)-Cái đẹp vượt lên thiên kiến? (TVN 8/1/2018)-
ĐÂU LÀ VỰC THẲM CỦA XÃ HỘI ?
TRƯƠNG KHẮC TRÀ/ GDVN 9-1-2017
- Mạn đàm về "sự im lặng của những người tử tế!"
- Chính phủ ủng hộ hoàn toàn chương trình chống tham nhũng của Mặt trận Tổ quốc
Tư duy phản biện hoặc tư duy phân tích là một quá trình tư duy biện chứng gồm phân tích và đánh giá một thông tin đã có theo các cách nhìn khác cho vấn đề đã đặt ra nhằm làm sáng tỏ và khẳng định lại tính chính xác của vấn đề
Lập luận phản biện phải rõ ràng, logic, đầy đủ bằng chứng, tỉ mỉ và công tâm.
Hệ thống giáo dục Anh quốc coi tư duy phản biện như một môn học chính quy.
Trình độ A dành cho học viên 16-18 tuổi. Họ phải làm 2 bài kiểm tra chính: “Sự đáng tin của dẫn chứng” (Credibility of Evidence) và “Phát triển tranh luận” (Assessing/Developing Argument). Đối với học sinh dưới 16-18 tuổi, tư duy phản biện được đưa xen kẽ vào trong bài giảng của giáo viên.
Vì sao phải tôn trọng phản biện?
Lý luận của chủ nghĩa duy vật biện chứng cho thấy, bất kỳ một sự vật, sự việc nào đều tồn tại ít nhất hai mặt đối lập, các mặt đối lập ấy vừa thống nhất vừa đấu tranh với nhau trong quá trình ra đời, tồn tại và phát triển của thế giới khách quan.
Có nghĩa là, sự vật, sự việc (bất kể vô tri hay hữu tri) đều mang trong mình bản năng phản biện, cái mà Hegel gọi là "phản tư tự thân".
Nhờ đấu tranh, phản biện giữa các mặt đối lập mà mâu thuẫn được giải quyết, tạo động lực cho sự phát triển.
Vậy nên, "phản tư tự thân" hay phản biện là một thuộc tính khách quan của vạn vật, cho dù con người có muốn hay không nó vẫn cứ tồn tại.
Không thừa nhận phản biện là dập tắt mâu thuẫn, dập tắt mâu thuẫn là kìm hãm sự phát triển, kìm hãm sự phát triển được hiểu theo nghĩa Hán – Nôm là "phản động". Tức là phản lại sự vận động tiến bộ.
Nhận thức đúng quy luật không có nghĩa là "bẻ cong" được quy luật, mà phương pháp luận lớn nhất là biết tác động đúng lúc, đúng chỗ để quy luật diễn ra nhanh hoặc chậm hơn.
Qua đó, bồi bổ cho cái hay, cái mới, cái tiến bộ mau chóng hoàn thiện, kìm hãm, loại bỏ bớt cái xấu, cái phi tiến bộ. Bởi thế, phản biện và tư duy phản biện có vai trò cực kỳ lớn trong khoa học cũng như đời sống hàng ngày.
Bản chất của phản biện là “một quá trình biện chứng” nên khi thiếu phản biện sẽ rơi vào độc đoán, chuyên quyền, duy ý chí. Bài học này cách mạng Việt Nam đã mắc phải trong những năm trước đổi mới.
Nhận thấy vai trò của phản biện đối với sự tồn vong của Đảng, năm 2013 Bộ Chính trị đã cho ra đời quyết định 217, ban hành Quy chế giám sát và phản biện của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị xã hội.
Có thể hiểu Mặt trận và các đoàn thể chính trị xã hội không phải ai khác ngoài nơi tập hợp của nhân dân, các giai tầng, các dân tộc trên lãnh thổ Việt Nam và công dân Việt Nam khắp thế giới.
Đó chính là không gian phản biện, giám sát của xã hội đối với hoạt động của Đảng, Nhà nước.
Ngày 05/01/2018 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nhấn mạnh tại Hội nghị của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam: “chúng ta có một đảng lãnh đạo, không có giám sát phản biện sẽ thành một đảng không đi vào lòng dân…”.
Quan điểm của Thủ tướng có thể hiểu, vì chỉ có một Đảng lãnh đạo nên cần có “đối trọng” làm phản biện, giám sát, ngăn ngừa độc đoán chuyên quyền, phòng trừ lợi ích nhóm, chia Đảng thành năm bè bảy mảng, mang Đảng xa rời dân.
Tôn trọng giám sát, phản biện chính là tôn trọng tiếng nói của người dân trong xây dựng Đảng, để cho người dân cảm nhận được mình là Đảng, Đảng là mình.
Như thế cho đến khi nào nhân dân thấu cảm “còn Đảng còn mình, còn mình còn Đảng” thì Đảng mới thực sự ở trong lòng dân, Đảng mới thực sự vững chắc.
Phản biện phải thực chất, chứ không phải mỹ từ, ngoa ngôn đùng để trang trí cửa miệng.
Người lắng nghe phản biện phải gạt bỏ cái tôi ích kỷ, không vì “nói ngược”, “phản đòn” “bàn ngang” mà quy chụp phản động, chống đối.
Ông cha có nói “thuốc đắng giã tật, sự thật mất lòng”. Để “đi vào lòng dân” Đảng phải chấp nhận phản biện, chấp nhận phản biện phải chấp nhận sự thật đôi khi không mấy dễ chịu.
Người phản biện phải mang cái tâm “trong sáng”, “rõ ràng”, “logic”, “đầy đủ bằng chứng”, “tỉ mỉ và công tâm”. Tuyệt nhiên một khi đã lợi dụng phản biện để phá hoại, xuyên tạc, bóp méo, phục vụ mục đích cá nhân thì đó mới thực sự phản động.
Cho nên chấp nhận phản biện phải chấp nhận cả “tàn tro” của phản biện, đôi lúc cái ranh giới giữa phản biện và phản động chỉ cách nhau một sợi tóc.
Cũng đừng nên giãy nảy, hằn học vì nếu một khi Đảng ở trong lòng dân chẳng có thế lực phản động nào có thể lay chuyển nổi, cũng như không có tên phản động nào có khả năng để chống phá.
Nước Việt ta đã trường tồn qua 4.000 năm lịch sử, chưa khiếp sợ bất cứ một thế lực hùng mạnh nào thì hà cớ gì phải e dè những con người nói thẳng, nói thật mang cái tâm trong sáng.
Vì cái ranh giới quá mong manh nên đừng quá vội vàng quy chụp, phán xét ai đó là phản động. Anh A, chị B có phản động hay không hãy hỏi người dân sẽ rõ.
Tin rằng, ai là kẻ phản động, ai là người phản biện đều rạch ròi như ban ngày, nếu có một lực lượng đi ngược lại với lợi ích của nhân dân, họ (nhân dân) không dễ dàng bỏ qua.
Cần đấu tranh mạnh mẽ để loại bỏ cái ác, cái xấu bảo vệ công lý, lẽ phải chứ không phải ăn theo nói leo làm lẫn lộn đúng - sai, tốt - xấu.
Vực thẳm của xã hội là thấy sai không dám nói, thấy đúng không dám bảo vệ, xun xoe tất cả hòng vun vén lợi ích cá nhân.
“Trong thế giới này, chúng ta xót xa không chỉ vì lời nói và hành động của những kẻ xấu, mà còn vì sự im lặng đáng sợ của cả những người tốt”, Martin Luther King đã nói như thế.
Sự im lặng ấy có rất nhiều nguyên nhân để dẫn tới.
Cả về mặt chủ quan và khách quan đều có.
Có thể đã từng rất nhiều lần họ lên tiếng, hành động nhưng không đạt được hiệu quả mà còn có tác động ngược lại.
Nên dần dần, họ nghĩ cứ im lặng thì tốt hơn.
Và thế là sự im lặng xuất hiện và trở thành đặc tính cố hữu.
Dần dần họ chỉ còn nghĩ đến lợi ích của mình. Họ ích kỷ, thiếu lòng vị tha, không quan tâm đến những người xung quanh.
Nên khi đứng trước một sự việc không liên quan đến mình, họ chỉ thờ ơ coi như mình chưa từng thấy.
Sự im lặng của người tốt trước mắt không gây hại gì nhưng đó là sự đồng thuận ngầm cho những hành vi sai trái của kẻ xấu. Và chính vì thế mà những kẻ xấu ngày càng lộng hành.
Với tuổi trẻ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã bày tỏ lo ngại: “nhạt Đảng, khô Đoàn, xa rời chính trị”.
Ở đâu đó trong xã hội hiện nay, người ta còn xì xầm vào tai nhau những câu chuyện có màu sắc chính trị, bởi vì theo họ “chính trị không đùa được đâu”, họ sợ “họa vô đơn chí”, họ chỉ âm thầm bàn tán vì họ sợ liên quan, họ sợ đủ điều…
Xã hội ta không thiếu những con người dũng cảm đấu tranh chống lại cái xấu, cái ác. Chúng ta chắc còn nhớ cô giáo Hải Âu ở Long An, chỉ vì phản ánh cây cầu sập khiến một vị hiệu phó lọt xuống kênh mà suýt bị kỷ luật vì “đăng thông tin của xã lên facebook (mạng xã hội)”.
Nếu không có sự anh minh từ trên, không có những cái lên tiếng của dư luận thì không biết giờ này cô Hải Âu có còn đứng trên bục giảng. Giám sát phản biện không phải là cái gì đó cao siêu, mà cần những việc làm như cô giáo Hải Âu.
Bài học sau sự độc đoán của chính quyền cơ sở không phải chỉ xin lỗi là xong, mà ở đó cho thấy một tư duy lãnh đạo cũ kỹ, sáo mòn, nhìn sự thật dưới con mắt kẻ cả, thấy sự mát lòng chính là xúc phạm.
Năm 2006, thầy giáo Đỗ Việt Khoa tạo nên cú sốc trong ngành giáo dục - tố cáo gian lận trong thi cử, chuyện lạm thu, ép học sinh học thêm.
Thầy Khoa được tặng bằng khen của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Từ thời điểm ấy người ta tưởng chừng phong trào “hai không” trong giáo dục sẽ bon bon trên đại lộ.
Nhưng 11 năm trôi qua, thầy Khoa không còn là…thầy Khoa; chuyển trường, nghỉ việc, bị bôi nhọ, dọa dẫm…danh hiệu “người hùng giáo dục” ngày nào không giúp gì nhiều cho cuộc sống, đường tiến thân.
Và từ đó cho đến nay người ta không thấy xuất hiện thêm một Đỗ Việt Khoa nào nữa, mặc dù tiêu cực trong giáo dục vẫn còn. Vì sao?
Mong sao, Đảng đã mở ra cánh cửa giám sát, phản biện thì đừng ngần ngại mở toang. Lịch sử oanh liệt của Đảng chưa chùn bước trước kẻ thù nào thì không có lý do gì ngần ngại với sự thật.
Tôn trọng phản biện là tôn trọng quy luật khách quan, tôn trọng quy luật khách quan là không đi vào vết xe đổ của lịch sử.
Bài viết thể hiện nhận thức, quan điểm, góc nhìn của riêng tác giả.
Trương Khắc Trà
DỰ BÁO DIỄN BIẾN TÌNH HÌNH CHÍNH TRỊ VIỆT NAM TRONG THỜI GIAN TỚI
PHẠM HƯNG QUỐC/ viet-studies 8-1-2018
PHẦN 1
Để có được cách nhìn tổng thể nhất, tác giả xin nhắc lại một luận điểm của người sáng lập ra Chủ nghĩa cộng sản: Karl Marx viết trong cuốn Tư bản như sau: Chủ nghĩa tư bản tìm mọi cách tạo giá trị lợi nhuận thặng dư, chúng không trừ thủ đoạn gì để đạt được giá trị thặng dư cao nhất. Khi giá trị thặng dư lên tới 70, 80, 100% thì chúng sẽ có những tâm lý điên loạn đến mức chúng có thể tự treo cổ!! Rất tiếc rằng những người tự nhận là đệ tử trung thành của chủ nghĩa Marx còn lại trong đội ngũ lãnh đạo của môt số quốc gia xã hội chủ nghĩa ít ỏi còn sót lại đã tạo ra một thế hệ lãnh đạo mới, lần đầu tiên xuất hiện trong lịch sử nhân loại, đó là tầng lớp tư bản đỏ. Tầng lớp những người lãnh đạo này mặc dù luôn khoác áo cộng sản hay xã hội chủ nghĩa nhưng thực chất họ lại có ham muốn làm giàu cho bản thân một cách cuồng nhiệt nhất. Họ bất chấp những chuẩn mực về đạo đức, sẵn sàng thực hiện những thủ đoạn từ trắng trợn đến tinh vi để kiếm tiền. Phương tiện kiếm tiền của họ là “quyền lực”, sự ranh ma tinh quái và cả sự tàn bạo... Lợi nhuận họ thu về luôn tỉ lệ thuận với những “phẩm chất” này. Hiện tượng tham nhũng trở nên phổ biến và dần trở thành xu thế, có tính chất nguyên lý tất yếu của việc hình thành bộ máy cai trị do họ lập ra mặc dù họ luôn khẳng định “quyết tâm xây dựng một nhà nước của dân, do dân và vì dân”.
Thực tế đã chứng minh rằng đội ngũ lãnh đạo tại các nước xã hội chủ nghĩa này đã trở thành những kẻ giàu có nhất trong xã hội. Bọn họ giàu có hơn hẳn bất cứ một đội ngũ lãnh đạo nào của các nước tư bản phát triển. Nhóm người này có tâm lý làm giàu như các nhà tư bản chó sói thời hoang dại. Họ núp dưới bóng của chủ nghĩa vô sản nhưng lại hành động như những kẻ điên rồ tham lam tàn bạo nhất. Họ đã tự đặt mình lên trên pháp luật, lũng đoạn pháp luật. Đội ngũ lãnh đạo tại các nước này theo thời gian đã được phân hóa thành nhiều nhóm lợi ích... Các nhóm lợi ích tranh giành xâu xé thậm chí triệt tiêu nhau để vơ vét tiền bạc của cải của đất nước mà chính họ là những người đang giữ cương vị lãnh đạo. Các nhóm lợi ích tại các quốc gia này trong đó có Việt Nam đang có xu hướng phát triển không có giới hạn. Các nhóm lợi ích dùng quyền lực chính trị, tư pháp, hành pháp và cả lập pháp để tranh giành biển thủ, tước đoạt những gì có thể, cho phe nhóm của mình, họ sẵn sàng dùng hàng tỷ đô la ngân sách nhà nước để phục vụ cho các dự án bình phong mà những nhóm lợi ích của họ dựng lên với chiêu bài phát triển kinh tế, phục vụ dân sinh, phục vụ an ninh quốc phòng để thực hiện các hành vi tham ô, tham nhũng. Trên thực tế sự tha hóa này phát triển rất nhanh từ thế hệ lãnh đạo này sang thế hệ lãnh đạo kế tiếp. Thế hệ sau tham lam tàn bạo, táo tợn và tinh vi hơn thế hệ trước. Đây là một thực tế mà tất cả mọi người đều nhận ra. Mọi người trong đó có cả những kẻ tham nhũng đều nhận thức được rằng sự suy thoái này chắc chắn sẽ dẫn tới sự đổ vỡ diệt vong nhanh chóng cho đất nước của họ nhưng lại không ai có đủ dũng khí và khả năng để tìm cách ngăn chặn dòng thác tham nhũng đangcuốn phăng đi tất cả thậm trí cả lương tâm, lương tri… Dòng thác này được hình thành một cách tự phát như một xu thế và là hệ quả tất yếu trong quá trình chuyển đổi từ việc quản lý kinh tế quan liêu bao cấp theo mô hình xã hội chủ nghĩa sang nền kinh tế thị trường.
Bài viết này không có ý định đi sâu vào việc phân tích các nguyên nhân cội rễ cũng như các biến cố lịch sử đã hình thành nên “dòng nước lũ tham nhũng” có tính đặc thù này mà chỉ định nêu ra một vài nhận định cơ bản để làm cơ sở nền tảng giúp bạn đọc hiểu thêm những phân tích về diễn biến trên chính trường tại Việt Nam hiện nay và trong thời gian tới.
Sự hình thành các nhóm lợi ích đã làm thay đổi đời sống chính trị tại Việt Nam ngay từ khi bắt đầu thực hiện quá trình “đổi mới”. Các nhóm lợi ích luôn tìm cách tranh giành “ hơn thua” với nhau trên chính trường. Quá trinh “đổi mới” tại Việt Nam tất yếu đã đưa tới sự gắn kết chặt chẽ giữa quyền lực chính trị với quyền lực kinh tế. Tuy rằng mặt tích cực do sự nghiêp đổi mới mang lại đối với Việt Nam là rõ ràng thậm chí đôi khi là kỳ diệu không thể phủ nhận được, cụ thể: sức sản xuất được cởi trói một phần, sức sáng tạo trong xã hội được phát huy, nền kinh tế không ngừng phát triển cả về chiều rộng lẫn chiều sâu, cơ sở hạ tầng, mức sống của người dân trong xã hội không ngừng được nâng cao, bộ mặt đất nước được thay đổi toàn diện, vị thế của đất nước được nâng cao trên trường quốc tế v.v… Song những thành tựu do công cuộc đổi mới mang lại ngày càng bị hạn chế và dần bị triệt tiêu bởi mặt trái của nó là tệ nạn tham những.
Trước hết trong lĩnh vực chính trị sự tranh giành giữa những nhóm lợi ích đã tạo ra một đặc thù trong việc hình thành bộ máy lãnh đạo đất nước mà trước đây chưa từng xẩy ra là vị trí số 1, vị trí của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản thay vì phải là những cá nhân xuất sắc nhất, mạnh mẽ nhất nhưng trên thực tế lại ngược lại. Tại Việt Nam gần hai thập kỷ trở lại đây vị trí Tổng Bí Thư lại giành cho những người có hình ảnh: nhu mỳ, ba phải, dĩ hòa vi quý, ít góc cạnh... Rõ ràng đây là những giải pháp tình thế để tạo sự hòa hoãn mà các nhóm lợi ích đã đi đến thỏa hiệp. Hai nhiệm kỳ làm tổng bí thư của Nông Đức Mạnh là cơ hội vàng cho các nhóm lợi ích tại Việt Nam kiếm chác và ăn chia. Sang đến thời của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng khi các mặt trái của sự lũng đoạn của các nhóm lợi ích tham nhũng đã bi phơi bầy không thể che giấu nổi, nhưng trong nhiệm kỳ đầu làm Tổng Bí Thư với phương pháp tư duy và hành động mang nặng tính lý thuyết giáo điều, cộng với sự hạn chế về sức mạnh quyền lực cả trên lĩnh vực tài chính lẫn bạo lực cũng như không có phe cánh, nên Nguyễn Phú Trọng ngoài việc chỉ đưa ra hết nghị quyết này đến nghị quyết khác, trên thực tế hầu như không làm được gì cụ thể đáng kể nào. Trên chính trường Nguyễn Phú Trọng trở thành một anh “hề cung đình” bất đắc dĩ. Thực tế “tập thể” ban lãnh đạo Đảng của ông ta luôn làm vô hiệu hóa các nghị quyết của đảng và làm ngược với mong muốn của ông ta về các vấn đề mà đặc biệt là vấn đề nhân sự cốt lõi của đảng. Thực tế này sẽ dẫn tới sự cáo chung rất nhanh chóng theo cách thức xấu nhất đối với chế độ cộng sản: Sự việc lên tới đỉnh điểm là tại hội nghị TƯ 6 khóa 11, ông trùm của những ông trùm tham nhũng và lợi ích nhóm Nguyễn Tấn Dũng đã bi phơi bầy quá nhiều sai phạm trên rất nhiều phương diện, việc trừng phạt con người này đã trở thành đòi hỏi của công lý và người dân Việt Nam. Nhưng đến giờ chót Nguyễn Phú Trọng cùng với “tập thể” Đảng Cộng sản không làm nổi cái điều tưởng như đương nhiên này, Nguyễn Tấn Dũng vẫn tại vị và ngạo nghễ thách thức quyền lực của Nguyễn Phú Trọng và đặc biệt thách thức những nỗ lực chống tham nhũng của Đảng. Thực tế này lần đầu tiên tại Việt Nam Tổng Bí Thư đã trở thành một anh hề cung đình.
Có lẽ sự kiện này đã làm cho Nguyễn Phú Trọng phải tự lột xác, vì chỉ có như vậy thì mới có cơ may cứu Đảng Cộng sản và chế độ do Đảng Cộng sản lập ra khỏi sụp đổ một cách nhục nhã. Đến nay trên thực tế đã ghi nhận một số thành công bước đầu trong quá trình tự lột xác này của Nguyễn Phú Trọng. Bề ngoài ông ta không tỏ ra có bất kỳ một thay đổi đáng kể nào, vẫn phát ngôn giáo điều, lạc lõng, thái độ lời nói vẫn nhỏ nhẹ nhu mỳ đến buồn ngủ, nhưng bên trong ông ta cùng một số đội ngũ thân tín của mình chuẩn bị cho việc loại bỏ con “sâu chúa” bằng “mọi giá” trong đại hội Đảng Cộng sản lần thứ 12. Cái chữ MỌI GIÁ ở đây được thể hiện là ông ta đã chấp nhận mọi sự nhân nhượng kể cả việc để cho các đệ tử thân tín nhất của sâu chúa Nguyễn Tấn Dũng, những trùm tham nhũng được ở lại và lên chức cao hơn, mặt khác lại để cho môt số người tâm phúc của ông ta phải về vườn. Tất cả chỉ nhằm tới mục đích loại được “con sâu chúa” Nguyễn Tấn Dũng. Người ta nhìn thấy ông ta đã trả một cái giá rất đắt để đạt được muc tiêu này. Một trong những cái giá phải trả là chấp nhận cho những đệ tử ruột nhất, trung thành nhất của sâu chúa và Bộ Chính trị và hơn thế nữa còn được đưa vào những vị trí sống còn của bộ máy cầm quyền. Một thành công nhất cho đến nay trong quá trình “lột xác” của Nguyễn Phú Trọng là ông ta hành động rất “quyền biến” và khôn ngoan, biết mình biết ta, trái ngược phong cách giáo điều cứng nhắc, quan liêu như ông ta vẫn thể hiện. Mặt khác ông ta luôn giữ được bí mật tuyệt đối phương án hành động của mình, biết đánh hỏa mù, biết dàn trận giả để làm lạc hướng đối thủ. Để làm được những việc này chắc chắn Nguyễn Phú Trọng cũng đã thành công bước đầu trong việc xây dựng cho mình một “team hành động đủ mạnh” Nhưng cần nhận định rằng sẽ là quá sớm nói đến một sự thành công chắc chắn, bền vững để ít nhất là đẩy lùi được sự đổ vỡ, hỗn loạn của chế độ hiện hành trong tương lai gần. Nguyễn Phú Trọng và đồng chí của ông ta phải hóa giải được các nguy cơ to lớn sau:
- Mọi sự thanh trừng, tiễu phạt chỉ thành công khi Nguyễn Phú Trọng đảm bảo được sự ổn định và phát triển kinh tế vĩ mô, an ninh chính trị và trật tự xã hội được giữ gìn. Đây là một thực tế rất mong manh tại Việt Nam hiện nay: đa số các nhân vật có kinh nghiệm trong chính phủ hiện nay đều đã từng là những đệ tử thân thiết của Nguyễn Tấn Dũng. Chính họ là những kẻ gây ra các ung nhọt trong nền kinh tế nhưng đồng thời cũng là những nhà ảo thuật bậc thầy về sự che đậy, biến báo cho những ung nhọt này. Đinh La Thăng là một trong những nhân vật sáng giá hàng đầu như vậy. Chỉ cần chính những nhân vật này không tiếp tục che đậy nữa thì cũng đủ để đất nước rơi vào khủng hoảng về tâm lý, sau đó là vỡ bung những ung nhọt trong nền kinh tế ở những nơi yếu nhất và nhạy cảm nhất, rồi lan sang các lĩnh vực khác về kinh tế, tài chính và xã hội. Tất nhiên khi còn chức quyền hoặc ít ra được hạ cánh an toàn thì những kẻ tham nhũng còn “ vun đắp” cho chế độ, nhưng khi bị lao lý và truy thu của cải, tài sản thì tình hình sẽ khác, rất khác. Liệu Nguyễn Phú Trọng đã chuẩn bị các biện pháp để đối phó hay chưa?
- Mục tiêu lớn nhất của chống tham nhũng là lấy lại uy tín cho Đảng Cộng sản, khôi phục lại lòng tin cho nhân dân là Đảng thực sự tôn trọng sự công bằng và công lý. Nhưng tại Việt Nam tham nhũng đã quá trầm trọng, diễn ra ở mọi nơi mọi cấp mọi lĩnh vực, vậy nếu chống tham nhũng không đúng cách thì sẽ phơi bầy sự mọt rỗng của chế độ qua nhiều thời kỳ lãnh đạo. Mặt khác chính việc chống tham nhũng sẽ gây ra sự bất công giữa các phe nhóm, giữa các cá nhân. Liệu những kẻ bị đưa vào tù có chấp nhận, những kẻ giống mình nhưng chưa bị lộ vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thậm trí còn đang giao giảng về đạo đức ?
- Các cơ quan sức mạnh của nhà nước Việt Nam hiện nay lại chính là nhưng cơ quan có tham nhũng nhiều nhất, trầm trọng nhất trong đó đặc biệt là cơ quan Công An, vây khi “đánh” vào các nhân vật chủ chốt của các cơ quan này thì liệu có đảm bảo được An ninh, Quốc phòng cho đất nước hay không?
- Liệu Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta có chứng minh được sự trong sạch của lực lượng chống tham nhũng hiện nay trước tin đồn cho rằng họ nhận được sự giúp đỡ, chỉ bảo của Trung Quốc, cả về kinh tế, tài chính, an ninh, quốc phòng, hay không ? Cần hiểu rằng đây cũng là một tử huyệt về chính trị khi mà lòng dân Việt Nam đang có một sự mặc cảm rất lớn về chính sách bành trướng và bá quyền Trung Quốc. Rõ ràng rằng yếu tố Trung Quốc có ảnh hưởng rất quan trọng đến sự thắng hay thua của chiến dịch chống tham nhũng tại Việt Nam, nếu không nói là sự ảnh hưởng này có tính quyết định trong tình thế hiện nay tại Việt Nam. Nhưng lịch sử cận đại đã dạy cho Việt Nam những bài học quá đắt giá của việc lệ thuộc vào Trung Quốc. Chỉ cần Trung Quốc của Tập Cận Bình “VÔ TÌNH” đối với cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam hiện nay mà tổ chức một vài sự kiện giống như dàn khoan 981 hay Formosa hay tấn công ngư dân Việt Nam trên Biển Đông... thì cũng đủ để đẩy Nguyễn Phú Trọng và đồng chí vào chân tường. Nhưng nếu Tập Cận Bình mà ủng hộ Nguyễn Phú Trọng không đủ độ KÍN ĐÁO,TẾ NHỊ thì Trung Quốc sẽ biến lực lượng chống tham nhũng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu trở thành tay sai của Trung Quốc. Người dân Việt Nam lại không bao giờ chấp nhận lãnh đạo của đất nước là tay sai của TRUNG QUỐC.
- Thái độ của Mỹ và phương Tây cũng ảnh hưởng nhiều tới cuộc chiến này. Tuy không mạnh mẽ, trực tiếp bằng sự ảnh hưởng của Trung Quốc nhưng xã hội Việt Nam và tâm lý của người dân Việt Nam đang hướng tới một xã hội dân chủ công bằng và văn minh. Khi nói đến khái niệm này thì tuyệt đại đa số người Việt Nam đều nghĩ tới Mỹ và phương Tây.
Trở lại một chút về thái độ của chính phủ Đức trong vụ Trịnh Xuân Thanh. tác giả bài viết này không cho rằng phản ứng mạnh mẽ của chính phủ Đức đối với chính phủ Việt Nam chỉ xuất phát từ những nguyên nhân bề nổi như báo chí đã nói. Ngược lại tác giả cũng không cho rằng lực lượng chống tham nhũng của nhà cầm quyền Việt Nam lại có hiểu biết và hành động thô thiển, vụng về nhưng những gì đã diễn ra công khai đã được công luận tường thuật. Ngay từ khi Trịnh Xuân Thanh được đưa về Việt Nam các cơ quan an ninh và chuyên gia trong và ngoài nước đã có những tư vấn kịp thời với lực lượng chống tham nhũng tại Việt Nam nhằm tránh đi những tổn hại đáng tiếc về ngoại giao và bang giao kinh tế nhưng dường như chẳng ai trong lực lượng chống tham nhũng tại Việt Nam quan tâm đến những lời tư vấn này và đã không làm những việc cực kỳ đơn giản để không làm trầm trọng hóa vấn đề này. Nhưng khi sự việc đã tiến triển theo chiều hướng xấu vượt mức bình thường thì phía Nguyễn Phú Trọng lại quy trách nhiêm cho Phạm Bình Minh? Môt số dấu hiệu này đã nói lên rõ ràng rằng cuộc chiến chống tham nhũng đã vượt qua phạm vi biên giới của Việt Nam mà sẽ là cuộc chiến giành ảnh hưởng giữa phương Tây và Trung Quốc đối với Việt Nam. Liệu Nguyễn Phú Trọng còn giữ được đường lối “đa phương hóa ,đa dạng hóa với các nước” được hay không, hay lại theo chân Malaysia, Thái Lan, Philippin thậm chí là Campuchia trong chính sách đối ngoại với Trung Quốc? Chắc chắn câu trả lời cho câu hỏi này không chỉ là ở phía Việt Nam mà còn ở Trung Quốc và các nước phương Tây và Mỹ.
Tóm lại Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông đã chọn một con đường khác hẳn với con đường mà người tiền nhiệm của ông là Nông Đức Mạnh đã lựa chọn. Cứ giả thiết, như nhiều lời đồn đoán dù thiện ý hay ác ý, cho rằng cuộc chiến chống tham nhũng này chỉ là một cuộc tranh giành quyền lực giữa các phe phái thì một thực tế không thể phủ nhân là:
- Việt Nam không thể không chống tham nhũng và càng không thể chống tham nhũng bằng cách đưa những kẻ tham nhũng lên làm lãnh đạo đất nước.
- Cuộc chiến chống tham nhũng tại Việt Nam sẽ không phải chỉ là câu chuyện nội bộ của Việt Nam.
Trong cuôc chiến chống tham nhũng do Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo thì cái khó không phải là tìm ra những vụ án tham nhũng khủng, hay cực khủng của các quả đấm thép (tập đoàn kinh tế nhà nước) thời thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng vì chúng quá nhiều và quá lộ liễu. Ngược lại sẽ rất khó, thậm chí là không có, dự án lớn nào của các “quả đấm thép” lại không xẩy ra những tham nhũng nghiêm trọng. Cái khó cho Nguyễn Phú Trọng và lực lượng của ông ta là phải chọn ra những vụ án mà không làm “vỡ bình”.
Một thực tế là những dự án lớn của các quả đấm thép thì không chỉ liên quan đến một vài ủy viên Bộ Chính trị mà có thể nói là đến rất nhiều ủy viên Bộ Chính trị. Tất nhiên sự phân bổ “lợi lộc” giữa các ủy viên Bộ Chính trị và các cá nhân khác trong ban lãnh đạo đảng, chính phủ và nhà nước sẽ rất không đồng đều nhưng xét về con số tuyệt đối thì người được hưởng “lộc” ít nhất cũng cao hơn mức khung hình phạt cao nhất mà bộ luật hình sự của bộ luật hình sự của nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện hành dành cho tội tham ô, tham nhũng. Cái khó nhất cho Nguyễn Phú Trọng là làm sao cho việc xử lý các vụ án này không gây tổn thương quá lớn cho chế độ, cho sự ổn định của đất nước. Cách thức xử lý đối với những vụ việc tham nhũng từ trước tới nay là giảm thiểu mức độ nghiêm trọng của sự thiệt hại trong từng vụ án, khoanh vùng các đối tượng liên đới để rồi “giơ cao đánh khẽ”. Như vậy vừa tạo ra bức tranh nghiêm minh về pháp luật vừa làm cho đối tượng bị “thí điểm làm gương” chấp nhận “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Giải pháp này ít ảnh hưởng tới hình ảnh của chế độ. Nhưng sự kiện khởi tố, bắt giam và xử án nhanh chóng Đinh La Thăng đang minh chứng rằng Nguyễn Phú Trọng đã không muốn đi theo lối mòn cũ mà muốn tạo đột phá. Vấn đề là đột phá ở mức độ nào? Mức giống như Tập Cận Bình là hay mức thấp hơn? Nhưng cho dù ở mức thấp hơn Tập Cận Bình đã làm ở Trung Quốc thì cũng vượt quá khả năng hiện có của lực lượng chống tham nhũng do Nguyễn Phú Trọng cầm đầu tại Việt Nam hiện nay. Để thành công Nguyễn Phú Trọng có ba chỗ dựa :
- Lòng dân:khái niệm này có một biên độ dao động rất cao. Đương nhiên tỉ lệ ủng hộ của lòng dân luôn tỷ lệ thuận với mức độ kiên quyết, triệt để, công bằng, minh bạch trong quá trình điều tra và xét xử những vụ án tham nhũng, nhưng điều này lại làm gia tăng sự phức tạp của vấn đề cả về chính trị, ngoại giao và các vấn đề an ninh, quốc phòng. Thông thường, để hỗ trợ đắc lực cho việc giải tỏa những nghịch lý này thì vai trò của Ban Tư tưởng Văn hóa Trung ương rất quan trọng. Song cho đến nay dường như các phương tiện thông tin “lề phải” còn rất thụ động trước diễn biến tình hình, hay nói cách khác Nguyễn Phú Trọng và lực lượng của ông ta vẫn chưa làm chủ được địa hạt này.
- Sự hỗ trợ của Tập Cận Bình, đây cũng là một yếu tố có biên độ dao động rất cao. Rất rõ ràng Tập Cận Bình không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng ngay cả khi ông ta còn đương quyền, nhưng hiện nay họ lại công khai sự ủng hộ đối với Hoàng Trung Hải. Người ta dễ dàng quan sát thấy rằng công cuộc chống tham nhũng đang sục sôi tại Việt Nam nhưng Hoàng Trung Hải gần như vẫn đứng NGOẠI PHẠM trong mọi vụ viêc mặc dù ông ta cũng đã trực tiếp hay gián tiếp tham gia vào rất nhiều dự án bê bối trong quá khứ khi ông ta còn là một phó thủ tướng phụ trách công nghiệp và thương mại dưới thời Nguyễn Tấn Dũng. Đặc biệt là các dự án do các nhà đầu tư Trung Quốc thực hiện hoặc do tiền của Trung Quốc cho vay đều là những thí dụ điển hình bê bối trên nhiều phương diện. Đây có lẽ cũng là cái cớ rõ ràng của luận điểm cho rằng Nguyễn Phú Trọng đang dựa vào Trung Quốc để thanh lọc bộ máy thông qua cái cớ chống tham nhũng. Nhưng vì cần sự hỗ trợ của Trung Quốc nên ông ta không dám động tới các dự án của Trung Quốc và cá nhân Hoàng Trung Hải. Vậy câu hỏi đặt ra là Tập Cận Bình hỗ trợ Nguyễn Phú Trọng ở mức độ nào trong chiến dịch chống tham nhũng hiện nay? Liệu người ta có thể lấy việc NGOẠI PHẠM này để xác định MÀU SẮC VÀ DIỆN MẠO cho công cuộc chống tham nhũng hiện nay của Nguyễn Phú Trọng? Tác giả bài viết này cho rằng chỉ trong một thời gian ngắn nữa thôi thì thực tế sẽ cho mọi người thấy rõ MÀU SẮC của công cuộc chống tham nhũng hiện nay tại Việt Nam. Nhưng để hiểu thêm về bản chất sự chi phối của Trung Quốc đối với bộ máy chính trị tại Việt Nam, tác giả bài viết cần phải nêu rõ nhận định của cá nhân về việc tại sao Trung Quốc hay nói cụ thể hơn làTập Cận Bình không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng ngay từ khi ông ta còn đương chức. Họ không ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng không phải vì ông ta chống Trung Quốc thân với Mỹ và phương Tây mà chỉ vì ông ta đã tự trở thành một con bài thối trên bàn cờ chính trị tại Việt Nam. Để minh chứng cho nhận định này xin hãy đánh giá Nguyễn Tấn Dũng thông qua những di sản mà ông ta để lại cho Việt Nam chứ không nên chỉ dựa vào một số lời nói hay động thái bề nổi có vẻ thân Mỹ và chống Trung Quốc của ông ta.
- Mỹ và phương Tâytuy không có khả năng chi phối mạnh vào chính trường Việt Nam như Trung Quốc nhưng họ đang có lợi thế “trời cho” do quá trình “đổi mới” tại Việt Nam mang lại. Nhờ vào thành tựu mặt phải do quá trình đổi mới tại Việt Nam mang lại, người dân Việt Nam đã hiểu giá trị của sự cởi trói trong các hoạt động kinh tế, thương mại: giá trị của tự do dân chủ, của quyền con người và đương nhiên sự khát khao để có được nó. Việc không ngừng hoàn thiện nó đã và đang không chỉ là nhu cầu tất yếu của mọi người dân mà đã đần trở thành mục tiêu, lý tưởng của không ít người Việt Nam đặc biệt là thế hệ trẻ. Các giá trị PHƯƠNG TÂY đã trở thành động lực cho sự phát triển của kinh tế, xã hội. Mỹ và các nước phương Tây tuy khá chậm nhưng đã dần dần nhận ra xu thế này tại Việt Nam và họ đã có nhiều chính sách để khuyến khích và tạo điều kiện cho Việt Nam đi theo hướng này. Song vì sự khác biệt về chế độ chính trị, về ý thức hệ nên đã kìm hãm khá nhiều sự hợp tác hiệu quả giữa Việt Nam và các nước phương Tây và Mỹ. Chỉ trong những năm gần đây thì tiến trình hợp tác này mới đươc chú trọng tăng cường đáng kể do sự xuất hiện của sự kiện BIỂN ĐÔNG. Sự kiện này đã thúc đẩy hai bên hiểu đươc GIÁ TRỊ của nhau hơn. Rõ ràng rằng cho dù có đủ loại lời ong tiếng ve về cái gọi là “rắp tâm bán nước” hay “làm tay sai” cho Trung Quốc của một số lực lượng cầm quyền nào đó ở Việt Nam nhưng không ai có thể phủ nhận một thực tế là nhà cầm quyền Cộng Sản Việt Nam hiện này trở thành “cái gai” to nhất và khó chịu nhất của Trung Quốc trong quá trình thực hiện kế hoạch BIỂN ĐÔNG của họ. Những hiềm khích giữa Việt Nam và Trung Quốc tại Biển Đông nhiều và lớn hơn rất nhiều so với các nước ASEAN khác với Trung Quốc cộng lại. Biển Đông có vai trò địa chính trị toàn cầu của nó. Nhà cầm quyền Hoa Kỳ trong thời gian qua đã dần ý thức được vai trò này của Việt Nam và đã có những điều chỉnh quan trọng trong chính sách đối với Việt Nam trong những năm gần đây. Sự kiện lần đầu tiên trong lịch sử vào đầu tháng ba năm 2018 sắp tới, một tầu sân bay Mỹ sẽ cập cảng dài ngày tại Đà Nẵng, một thành phố chiến lược của Việt Nam, là một minh chứng. Nhà cầm quyền hai nước Việt Nam và Hoa Kỳ đã khôn ngoan tận dụng cơ hội này để phát huy tối đa các hệ quả của nó không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà còn cho cả các lĩnh vực dân sự như giữ gìn sự ổn định và hòa bình, an ninh và an toàn hàng hải trên Biển Đông, đảm bảo một môi trường an toàn và ổn định trong việc cùng sử dụng và khai thác Biển Đông một cách hòa bình văn minh chống xu thế nước to bắt nạt nước nhỏ dưới mọi hình thức. Ngoài các phái đoàn quân sự phía Mỹ và được sự cho phép của nhà cầm quyền, Việt Nam còn mời rất nhiều các cơ quan, tổ chức phi quân sự Việt Nam viếng thăm tàu.
Thật ngoạn mục, mới chỉ cách đây bốn thập kỷ đối với Việt Nam, Mỹ luôn luôn là yếu tố đe dọa, nhưng bây giờ lại là yếu tố để giữ ổn định để bảo vệ hòa bình. Lạ lùng thay để làm cho tình thế bị xoay ngược 1800 như trên, nước Mỹ đã không mất một viên đạn nào, khi mà chỉ ngay trước đó họ đã phải chi tới hàng trăm tỷ đô la và hàng vạn sinh mạng mà không thể làm nổi dù chỉ là một phần nhỏ những gì họ đang có. Trớ trêu thay nguyên nhân của sự thay đổi ngoạn muc này lại là do chính sách bành trướng trên tư thế của kẻ mạnh luôn muốn bắt nạt các nước khác của Trung Quốc.
Đương nhiên nhà cầm quyền Trung Quốc sẽ cảm thấy khó chịu về sự kiện này cũng như sự xích lại gần nhau giữa Mỹ và Việt Nam. Chắc chắn trong ngắn hạn và dài hạn họ sẽ tìm cách xoay ngược tình thế. Cụ thể ngay trong năm 2018 này lãnh đạo chóp bu của Trung Quốc sẽ tổ chức những chuyến đi thăm rất THÂN MẬT tại hai nước láng giềng của Việt Nam là Lào và Campuchia và đương nhiên họ sẽ tìm đủ mọi cách, tận dụng mọi cơ hội để gây sức ép, để khuất phục ban lãnh đạo Việt Nam bớt “cứng đầu”. Tác giả không muốn dùng khái niệm “khuất phục Việt Nam" mà chỉ là "ban lãnh đạo Việt Nam” vì với hàng nghìn năm lịch sử tồn tại, người dân Việt Nam chưa bao giờ chịu khuất phục trước sức mạnh cường quyền của ngoại bang.
Một chút tản mạn về đại án Petro Việt Nam
Tác giả bài viết cho rằng sự kiện vụ án Petro Việt Nam là một câu chuyện rất điển hình, phản ảnh rõ nét thực trạng tình hình chính trị tại Việt Nam hiện nay: Tại sao lại là Petro Việt Nam trong khi mà bất cứ tập đoàn kinh tế nhà nước nào – các quả đấm thép của cựu thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng có mức độ vi phạm luật pháp và tham nhũng nghiêm trọng không kém, đặc biệt là các sai phạm của tập đoàn Than Khoáng sản Việt nam trong quá khứ còn lộ liễu công khai hơn nhiều? Công bằng mà nói Petro Việt Nam là con gà đẻ trứng vàng cho nhà nước Việt Nam không những trong vài ba thập kỷ trở lại đây mà còn có tiềm năng rất lớn trong tương lai. Chỉ cách đây vài năm khả năng thu hút vốn tài chính quốc tế của Petro Việt Nam còn cao hơn cả khả năng của chính phủ Việt Nam (Bộ Tài chính). Có thể nói Petro Việt Nam không chỉ có vai trò cực kỳ quan trọng về mặt kinh tế, tài chính đối với Việt Nam mà nó còn gắn rất chặt tới các lĩnh vực an ninh, quốc phòng và cả ngoại giao của đất nước. Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta liệu có hiểu rằng khả năng thu hồi tài sản tham nhũng do các thế hệ lãnh đạo Petro Việt Nam và các cá nhân trong chính phủ có liên quan đến Petro Việt Nam sẽ thấp hơn nhiều so với những thiệt hại vô hình và hữu hình do sự ngừng trệ trong việc đầu tư và triển khai kinh doanh của các dự án của tập đoàn này? (Theo ước tính các thiệt hại này có thể lên tới trên 5 triệu mỹ kim/ngày tức là hơn 1,5 tỷ mỹ kim/năm)? Rõ ràng rằng nếu Nguyễn Phú Trọng và bộ máy của ông ta mà phạm sai lầm trong trong quá trình xử lý các vụ án tham nhũng tại Petro Việt Nam (hoặc quá mạnh, hoặc quá nhẹ, thậm chí chỉ cần vụng về …) thì hậu quả sẽ rất khó lường. Trong các cáo trạng của các cơ quan thực thi pháp luật thì nhà nước Việt Nam mới chỉ đụng tới một số sai phạm trong một số vụ án chưa phải đã là lớn và điển hình trong số các sai phạm mà Petro Việt Nam đã thực hiện trong thời gian qua . Thông thường một vụ án tham nhũng tại Việt Nam có dây mơ rễ má với nhiều quan chức trong nhiều lĩnh vực khác nhau trong khi mà hệ thống pháp luật của Việt Nam còn quá non yếu để có thể đảm bảo rằng trong khi “phẫu thuật các vụ án” sẽ không để lây lan sang các việc khác mà lúc đầu tưởng chừng như không có liên quan. Quả thực hiện nay các ngân hàng như Ocean Bank và Ngân hàng Xây dựng đang chuẩn bị khởi kiện Ngân hàng Nhà nước vì đã áp đặt việc mua các ngân hàng này với giá 0 đồng là trái pháp luật. Vậy một Uỷ viên Bộ Chính trị thứ hai là Nguyễn Văn Bình liệu có đi theo số phận của Đinh La Thăng? Hai vị này vốn cũng là hai tư lệnh ngành thân cận hàng đầu của Nguyễn Tấn Dũng.
Kết luận
Nếu ví tình hình chính trị Việt Nam như chiếc bình rượu chứa đựng những giọt rượu ngọt, bùi, đắng, cay của lịch sử Việt Nam từ ngày thoát khỏi ách thực dân đến nay thì rõ ràng cái bình này đã không phù hợp với những gì chứa trong nó. Nó có thể nứt và vỡ bất cứ lúc nào. Vấn đề là nếu nó bị nứt vỡ ở phần cổ thì chỉ mất ít rượu, nhưng nếu ở phần thân thì mất nhiều và nếu ở phần đáy thì đương nhiên sẽ mất sạch. Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta đang cố gắng không để bình bị vỡ. Một trong những phương án mà họ đang cố gắng không để bình vỡ là tạo cho Việt Nam đi theo một tiến trình thay đổi rất cơ bản nhưng vẫn đảm bảo ổn định chính trị xã hội trong nước, đó là thực hiện cải cách triệt để nhưng lại từ từ “có lộ trình hợp lý”. Quá trình cải cách này bắt đầu từ các cơ quan hành pháp (chính phủ) rồi sau đó là các cơ quan tư pháp và cuối cùng là xây dựng một thể chế chính trị mới trên nền tảng của một học thuyết về tư tưởng và triết học mới trong khi mà học thuyết cũ đã hoàn toàn bất cập. Khác với các nước phát triển khác, cụ thể như Châu Âu hay Bắc Mỹ, khi mà họ đã có bề dày hàng trăm năm để làm quen với các khái niệm dân chủ, nhân quyền, Việt Nan vừa mới thoát ra từ chế độ thực dân hà khắc rồi sau đó lại tiếp tục các chính sách hà khắc của chế độ cộng sản duy ý chí, nay khi muốn phát triển theo hướng tự do dân chủ thì không thể không có một chủ thuyết đúng đắn cho riêng mình. Nếu không có điều này thì rất dễ mất phương hướng và đặc biệt các khái niệm cũ, mới sẽ bị ngộ nhận hay lạm dụng vì lợi ích của các nhóm quyền lực trong xã hội. Nhưng trớ trêu thay, cho đến nay sẽ thật khó tin Nguyễn Phú Trọng và các đồng chí của ông ta (Ban Lý luận TƯ) có thể đưa ra một cái gì mới, sáng tạo dù chỉ là ở mức độ thấp. Hỡi ôi, tác giả bài viết này chỉ cầu trời khấn phật là Ban Lý luận TƯ của ông ta sau khi tổ chức hàng trăm các buổi tọa đàm, hội thảo với các giáo sư tiến sĩ lừng lẫy uy tín cùng với hàng tỷ đồng tiền ngân sách sẽ không đưa ra kiến nghị lấy tên cho hướng đi mới, học thuyết chính trị mới của Việt Nam là “ Việt Nam đi theo con đường Chủ Nghĩa Xã Hội mang đậm tính đặc tính đặc sắc Việt Nam” ./.
Việt Nam, ngày 7/1/2018
Phạm Hưng Quốc
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 8-1-18
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét