Thứ Ba, 21 tháng 11, 2017

20171121. BÌNH LUẬN HẬU APEC -2017

ĐIỂM BÁO MẠNG
DƯ ÂM ĐỘNG LẠI SAU APEC 2017

THIỆN TÙNG /BVN 21-11-2017

clip_image002
Như cơn bão, Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) 2017 đã kết thúc hơn một tuần, nhưng âm hưởng của nó còn đọng lại, nổi bật là 2 thắc mắc: (1) Vì sao Tổng thống Mỷ đến APEC chỉ bàn kinh tế mà không đá động gì về nhân quyền; và (2) Vì sao hai cường quốc kinh tế lại bất đồng về phương thức hợp tác kinh tế – Mỹ chọn song phương, Trung Quốc kêu gọi đa phương”.
Nói trước, người viết bài này thấy/nghĩ sao nói vậy, không thiên vị. Chẳng qua, thấy thiên hạ bị “ngứa”, người viết gãi giúp, có “đã ngứa” hay không còn tùy thuộc nhiều mặt.
1/ Vì sao Tổng thống Mỹ đến APEC chỉ bàn kinh
tế mà không đả động gì về Nhân quyền?
Qua theo dõi, tại diễn dàn APEC, không chỉ có Tổng thống Mỹ mà các nguyên thủ quốc gia khác đều không ai đề cặp đến nhân quyền. Cũng phải lẽ thôi, bởi vì: Asia-Pacific Economic Cooperation viết tắt APEC, có nghĩa là Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Chấu Á – Thái Bình Dương. Tại diễn đàn về kinh tế mà đem vấn đề nhân quyền ra nói ở đây là không phải chỗ, lạm dụng, “đá lộn sân”?
Như chúng ta đã biết, chỉ có Liên hiệp quốc và các tổ chức chuyên sâu của nó mới có quyền can thiệp vào công việc của từng quốc gia. Chớ còn, giữa các quốc gia với nhau, phải tôn trọng nguyên tắc đã giao ước “Không can thiệp vào việc nội bộ của nhau”. Nếu giữa các nước có bất đồng với nhau, được quyền đoạn giao chớ không được vi phạm nguyên tắc bất di bất dịch ấy.
Ngay cả trong chuyến thăm chính thức Việt Nam hồi tháng 5/2016, tổng thống Mỹ Barack Obama cũng chỉ đưa ra thông điệp nhã ý về nhân quyền: “Chuyện của Việt Nam như thế nào đó là chuyện của các anh, chuyện của nhân dân và lãnh đạo các anh. Người Việt Nam quyết định tương lai của người Việt. Tương lai nằm trong tay các bạn. Thế thôi”.
Đồng ý với thông điệp của Tổng thống Obama, bạn trẻ Huỳnh Thành Phát từ Sài Gòn nói lên cảm nhận của mình: “Thông điệp mà ông Obama đưa ra là Mỹ hoàn toàn ủng hộ về nhân quyền, nhưng mà người Việt Nam muốn có nhân quyền phải tự đấu tranh lấy. Còn Mỹ chỉ đứng sau hỗ trợ thôi chứ không thể nào đứng ra đấu tranh giúp người dân Việt Nam được.Tôi nghĩ đó là điều hợp lý. Trong chuyến thăm lần này của ông Obama tôi cũng không mong đợi gì nhiều hơn. Vì tôi thấy người ở Việt Nam mà không tự giải quyết vấn đề ở Việt Nam mà phải đợi một ông ở nước ngoài đến giải quyết thì thật là vô lý”.
Một bạn trẻ khác là Long Trần cũng cùng quan điểm: “Tôi nhận thấy ông Obama muốn truyền đạt một thông điệp cho Việt Nam là nếu muốn dân chủ thì dân tộc, các bạn trẻ, sinh viên phải kiên cường, đứng dậy đi lên chứ ai mà giúp cho mình đâu!Vấn đề mà minh muốn dân chủ hay cái gì đó thì trước hết trình độ dân trí phải nâng cao lên, chứ không thể ngồi một chỗ mà mong Mỹ, Úc hay Anh… qua giúp mình có dân chủ, theo tôi điều đó là không có!”.
Người viết nhận thấy: Đa số dân Việt Nam nói chung đã quá khổ vì nạn độc tài, đang khát khao nhân quyền, dân chủ. Nhưng đa số họ quen lối sống dựa, không biết tự lực vươn lên. Việc gì cũng đợi người ta nói/làm giúp. Nếu không giúp thì họ phê phán, chủi bới lung tung thật không sao hiểu nổi! Ước gì, ở Việt Nam ta, có đa số người thấu hiểu về nhân quyền như Obama và 2 bạn trẻ vừa nói trên thì đất nước sẽ “thay da đổi thịt”.
2/ Vì sao hợp tác kinh tế Mỹ chọn song
phương, Trung quốc chọn đa phương?
a/ Vì sao Mỹ chọn hợp tác kinh tế song phương?
Việc gì cũng có lý do của nó. Tại diễn đàn APEC, Tổng thống Mỹ Donald Trumq vừa khuyến cáo vừa ấn định hình thức hợp tác kinh tế song phương của Mỹ. Còn gì rõ hơn, ông nói:
<<… Cán cân thương mại nghiêng về phía Trung Quốc hiện nay là không thể chấp nhận được. Tôi không chỉ trích Bắc Kinh hay bất kỳ nước nào khác, nhất là những nước từng lợi dụng Mỹ về vấn đề thương mại.
Từ ngày hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên cơ sở bình đẳng và công bằng. Chúng tôi sẽ không để nước Mỹ bị lợi dụng thêm một ngày nào nữa. Là tổng thống Mỹ, tôi xem nước Mỹ là trên hết.
Tôi sẽ ký kết hiệp định thương mại song phương với bất kỳ quốc gia Ấn Độ - Thái Bình Dương nào muốn trở thành đối tác của Mỹ và sẽ tuân thủ các nguyên tắc về thương mại công bằng và bình đẳng. Điều mà chúng tôi sẽ không bao giờ làm là tham gia vào các hiệp định thương mại quy mô lớn nhằm "trói tay" chúng tôi, hy sinh chủ quyền của chúng tôi và khiến việc thực thi có ý nghĩa trở nên bất khả thi.
Tôi đặt tên viễn cảnh này là "Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương."(1) Nếu nó được thực hiện, thì chúng ta cần đảm bảo rằng tất cả các bên tham gia cuộc chơi đều tuân thủ các nguyên tắc, không bên nào là ngoại lệ. Những nước nào nghiêm túc chấp hành các quy định sẽ trở thành đối tác kinh tế gần gũi nhất của Mỹ. Những nước không thực hiện thì chắc chắn Mỹ sẽ không "nhắm mắt làm ngơ" trước những hành vi vi phạm hoặc cưỡng ép về kinh tế. Những ngày như thế đã qua rồi.
Chúng tôi sẽ không dung thứ hành vi ăn cắp sở hữu trí tuệ. Chúng tôi sẽ đối đầu với hành vi ép doanh nghiệp tư nhân phải trao công nghệ của mình cho nhà nước, hay ép buộc họ tham gia vào các hình thức liên doanh để đổi lại cơ hội được tiếp cận thị trường. Chúng tôi sẽ xử lý hoạt động trợ cấp công nghiệp quy mô lớn thông qua các doanh nghiệp nhà nước - vốn lúc nào cũng muốn đẩy các doanh nghiệp tư nhân ra khỏi hoạt động kinh doanh>>.
b/ Vì sao Trung Quốc chọn hợp tác kinh tế đa phương?
Trung Quốc đã và đang là công xưởng của thế giới. Họ chuyên ăn cắp sở hữu trí tuệ, tận dụng lao động giá rẻ, sản xuất ra hàng giả, hàng nhái, chất lượng kém, độc hai tung ra khắp nơi, bán rẻ, phá giá thị trường làm giàu bất chính – gian lận từ khâu sản xuất đến mua bán.
Gian tặc thường trà trộn vào đám đông để thược hiện mưu đồ của mình. Trung Quốc là công xưởng chuyên sản xuất hàng gỉa, hàng nhái …, nếu hợp tác kinh tế song phương, theo đường chính ngạch thì khó gian lận thương mại. Vì vậy, họ rất cần hợp tác kinh tế đa phương với quy mô lớn (khu vực) để trà trộn hàng dỏm, hàng giả… của mình vào, không loại trừ nhái nhãn, nhái made rồi nhờ các nước lân cận xuất đi các nước khác để cùng ăn chia.
Người ta cũng lấy làm lạ, tại sao hơp tác kinh tế Trung Quốc chọn đa phương như đã nói, còn tranh chấp biên giới, hải dảo Trung Quốc chỉ chấp nhận thương lượng song phương ? – Điều này lại càng dễ hiểu: Trung Quốc luôn có tham vọng bá quyền, bạn ít thù nhiều, họ đang dựa vào lợi thế nước lớn, có sức mạnh về quân sự và kinh tế, luôn thủ vai kẻ cả đối với các nước nhỏ trong khu vực. Sức manh của họ cũng chỉ áp đảo với từng nước chớ không thể với khối nước. Họ rất sợ sức mạnh hợp quần. Vì vậy, thương lượng song phương đối với họ là thượng sách – chia để trị, để thôn tính.
Xu hướng toàn cầu hóa đang bị thử thách, bởi hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc đang tôn thờ chủ nghĩa dân tộc. Dầu sao Trumq và Tập cũng đặt lợi ích dân tộc lên trên hết, còn hơn những người nhơn danh lãnh đạo quốc gia mà đặt lợi ích đảng phái trên lợi ích dân tộc.
18/11/2017
T.T.
(1) Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương” mà Tổng Trump nêu ra có phải ông muốn nói các nước tiếp giáp Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương?. Nếu vậy, xung quanh Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương có nhiều biển nhỏ thuộc hệ của chúng. Nhiều nước Á, Âu, Mỹ, Phi được xem là có tiếp giáp 2 đại dương này – Riêng ở châu Á có 3 nước Lào, Népan, Mông Cổ không đính với 2 đại dương này thôi.
Tác giả gửi BVN

HẬU APEC: TỔNG THỐNG  TRUMP SẮP 'RÚT THẺ ĐỎ' VỚI VIỆT NAM ?

PHẠM CHÍ DŨNG/NV/ BVN 21-11-2017

Tổng Thống Trump trong bài phát biểu tại APEC 2017 hôm 10 Tháng Mười Một. (Hình: Getty Images)
Khó có thể xem APEC Đà Nẵng 2017 là “thành công tốt đẹp” như căn bệnh cường điệu mãn tính vô giới hạn của giới lãnh đạo Việt Nam. Thậm chí ngược lại, đó là một thất bại có thể dự đoán được.
TPP suýt “chết” rồi chẳng biết khi nào mới được ký chính thức, Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ vẫn bặt tăm mà chẳng có một hứa hẹn gì, cũng hầu như vắng bóng các nguồn cung cấp tín dụng ưu đãi của quốc tế cho chính thể Việt Nam…
Trong khi đó, chuyến đi Đà Nẵng của Tổng thống Trump về thực chất là một chuyến “siết nợ.”
“Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa”
Hoàn toàn có cơ sở cho câu chuyện nợ nần trên, nếu chứng kiến mạch văn cùng nhiều từ ngữ vừa trực diện vừa quyết liệt trong bài diễn văn của Trump đọc vào ngày 10 tháng Mười một (theo bản dịch tiếng Việt của đài BBC Việt ngữ, cung cấp bởi Tòa Bạch Ốc).
Dưới đây là một số đoạn trích trong bài diễn văn của Trump mà báo chí nhà nước Việt Nam dĩ nhiên không hề đăng tải:
“Điểm cốt lõi của mối hợp tác này, chúng ta muốn thúc đẩy mối quan hệ thương mại xây dựng trên nguyên tắc công bằng và cùng có lợi. Khi Hoa Kỳ tham gia vào mối quan hệ thương mại với các quốc gia khác hay những người khác, chúng tôi sẽ, từ bây giờ, mong muốn các đối tác của chúng tôi sẽ tuân thủ các quy định giống như chúng tôi. Chúng ta mong muốn thị trường sẽ mở cửa trên mức độ bình đẳng cho cả đôi bên, và ngành nghề tư nhân, không phải những người hoạch định của chính phủ, sẽ đầu tư trực tiếp.
Điều không may là, trong thời gian rất dài và tại nhiều nơi, điều đối lập đã xảy ra. Trong nhiều năm, Hoa Kỳ đã mở cửa kinh tế có hệ thống với ít điều kiện. Chúng tôi giảm hay chấm dứt thuế quan, giảm rào cản thương mại, và cho phép hàng hóa ngoại quốc tự do vào quốc gia của chúng tôi.
Nhưng trong lúc chúng tôi giảm rào cản thị trường thì những quốc gia khác lại không mở cửa thị trường với chúng tôi….
Chúng ta không dung thứ cho những hành động lạm dụng thương mại lâu dài này nữa, và chúng ta sẽ không dung thứ cho họ…
Mới đây tôi đã có chuyến đi rất thú vị đến Trung Quốc, nơi tôi đã nói chuyện cởi mở và trực tiếp với Chủ tịch Tập về trao đổi thương mại không công bằng của Trung Quốc và thâm hụt thương mại to lớn họ tạo ra với Hoa Kỳ. Tôi bày tỏ mong muốn được hợp tác với Trung Quốc để đạt được mối quan hệ thương mại dựa trên nền tảng thực sự công bằng và bình đẳng.
Thiếu cân bằng thương mại hiện nay là điều không thể chấp nhận được. Tôi không đổ lỗi cho Trung Quốc hay bất cứ quốc gia nào khác, trong số này có nhiều quốc gia lợi dụng Hoa Kỳ về thương mại. Nếu đại diện của họ có thể trốn tránh điều này thì họ chỉ đơn giản làm công việc của họ. Tôi mong chính quyền tiền nhiệm tại quốc gia của tôi nhìn thấy những gì đang xảy ra và làm điều gì đó về vấn nạn này. Họ đã không làm, nhưng tôi sẽ làm.
Từ hôm nay trở đi, chúng tôi sẽ cạnh tranh trên nền tảng công bằng và bình đẳng. Chúng tôi sẽ không để cho Hoa Kỳ bị lợi dụng nữa…”
Âm $30 tỷ!
Một trong những “đối tượng” mà Trump đã hăm he chế tài từ lúc chưa trở thành tổng thống là Việt Nam.
Không bao lâu sau khi nhậm chức, Trump đã yêu cầu các cơ quan của chính phủ phải rà soát lại toàn bộ tình hình nhập siêu của Mỹ để sau đó đã đưa ra một quyết định hiếm thấy: vào tháng Ba, 2017, Trump đã liệt Việt Nam vào danh sách 16 quốc gia vừa “gian lận thương mại” vừa “gây hại kinh tế” cho Mỹ và đe dọa sẽ có thể mạnh tay trong chế tài.
Đến tháng Năm, 2017, đã có kết quả đầu tiên từ quan điểm “gây hại kinh tế” trên. Trong chuyến đi Washington của Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc, bất chấp món quà $8 tỷ giá trị thương mại (nếu có thật) mà ông Phúc cho biết các doanh nghiệp Việt đã ký kết với giới doanh nghiệp Mỹ, phía Việt Nam không những không nhận được tín hiệu nào về hiệp định song phương thương mại Việt - Mỹ, mà còn bị Trump hỏi xoáy vào vấn đề thâm hụt thương mại. Trong phần phát biểu ngắn gọn tại cuộc gặp song phương tại Nhà Trắng ngày 31 Tháng Năm, 2017, Trump đã nhấn mạnh vấn đề giao thương và thâm hụt thương mại “lớn” với Việt Nam, mà ông hy vọng sẽ “sớm được cân bằng”. Ngay trước đó, Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ cũng không bỏ quên vấn đề này trong cuộc gặp với Thủ tướng Phúc.
Những năm trước, lượng xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ vẫn thường đạt được từ $20 – $30 tỷ/năm. Vào năm cao điểm 2016, xuất siêu của Việt Nam vào Mỹ lên đến hơn $30 tỷ. Chỉ trong 9 tháng đầu năm 2017, Việt Nam tiếp tục xuất siêu đến $24 tỷ vào Mỹ.
Hiển nhiên Việt Nam đang quá muốn có được đầu tư và buôn bán thương mại nhiều hơn với các nước phương Tây, đặc biệt là được xuất siêu càng nhiều càng tốt vào Mỹ và châu Âu để hầu cân bằng với giá trị khổng lồ phải nhập siêu hàng năm từ Trung Quốc – hơn $30 tỷ theo đường chính ngạch và $20 tỷ theo đường tiểu ngạch.
Nhưng ba tuần trước khi Hội nghị APEC diễn ra tại Đà Nẵng, vào ngày 20 tháng Mười, 2017 đã có một cuộc gặp giữa Bộ Trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng với Thứ trưởng Bộ Tài chính Hoa Kỳ David Malpass, trong khuôn khổ Hội nghị Bộ trưởng Tài chính APEC 2017 (FMM). Trong cuộc gặp này, ông David Malpass đã dứt khoát lặp lại yêu cầu của phía Mỹ về việc Việt Nam phải có biện pháp giải quyết tình trạng thâm hụt thương mại giữa hai nước ngày càng lớn.
Rõ là thời Trump khác hẳn với thời Obama. Tín hiệu an ủi đối với giới chóp bu Hà Nội là Trump ít quan tâm đến những vi phạm nhân quyền trầm trọng ở Việt Nam. Nhưng trên phương diện kinh tế, đã có những biểu hiện rất quyết liệt cho thấy Trump đang rất chú ý đến tình trạng thâm hụt thương mại với Việt Nam và sẽ có hành động mạnh để xử lý câu chuyện này.
Trump có “rút thẻ đỏ”?
Hậu APEC 2017. Với khẩu khí trong bài diễn văn của Trump tại Đà Nẵng, rất có thể vị Tổng thống này sẽ yêu cầu các cơ quan tài chính “siết nợ” các nước, trong đó có Việt Nam, ngay sau APEC.
Một hệ quả rất không mong đợi đối với Việt Nam là nếu Mỹ “siết” các điều kiện thương mại như đánh thuế xuyên biên giới, dựng đứng hàng rào kiểm nghiệm chất lượng đối với hàng hóa Việt Nam mà trước đó cá basa, tôm, gạo đã trở thành “nạn nhân”, đồng thời ngưng trệ vô thời hạn Hiệp định Thương mại song phương Việt - Mỹ hoặc làm cho hiệp định này trở nên khó khăn hơn nhiều so với 15 năm trước đó, giá trị xuất siêu hàng năm của Việt Nam vào Hoa Kỳ sẽ tụt thê thảm, khiến chân đứng kinh tế của chế độ độc đảng càng thêm rệu rã.
Một trong những biện pháp chế tài mà Trump có thể làm đối với Việt Nam trong thời gian tới là “rút thẻ” đối với hàng hải sản Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ – tương tự hành động Liên minh Châu Âu (EU) phát thông cáo báo chí về việc “rút thẻ vàng” đối với hàng xuất khẩu hải sản Việt Nam – một biện pháp chế tài kinh tế – vào tháng Mười, 2017.
Theo thông cáo của EU, hình thức cảnh cáo “thẻ vàng” là một trong các bước quy định trong bộ quy tắc áp dụng cho quy trình giải quyết tình trạng đánh bắt hải sản lậu được EU thông qua năm 2010. “Thẻ vàng” không đi kèm các biện pháp trừng phạt, nhằm để cho quốc gia bị cảnh cáo có thời gian “khắc phục tình hình”. “Thẻ xanh” sẽ được ban hành nếu vấn đề được giải quyết. Ngược lại, “thẻ đỏ” sẽ được đưa ra kèm theo một loạt biện pháp trừng phạt, bao gồm lệnh cấm thương mại đối với các mặt hàng hải sản của quốc gia đó.
Sau “thẻ vàng” nước bị cảnh cáo sẽ có thời gian 6 tháng để sửa chữa sai lầm và tìm ra giải pháp khắc phục. Việt Nam cũng có 6 tháng ấy. Tuy nhiên, với một cơ chế quản lý cùng hiệu lực quản lý lỏng lẻo ở Việt Nam như hiện nay, khó ai có thể tin rằng chính phủ nước này sẽ giám sát được toàn bộ ngư dân “đánh bắt xa bờ”. Tình trạng này càng được bồi đắp thêm bằng nạn ô nhiễm biển gần bờ ở Việt Nam, đặc biệt là khu vực biển miền Trung mà tội phạm chủ yếu là nhà máy Formosa, nhưng Formosa lại được Chính phủ Việt Nam bao che tối đa.
Hiện thời, giá trị xuất khẩu hải sản của Việt Nam vào Mỹ khoảng $1.4 tỷ/năm. Với cá tính mạnh mẽ và bất thường của Trump, không loại trừ khả năng vị Tổng thống này sẽ bỏ qua thao tác “thẻ vàng”, mà có thể rút thẳng “thẻ đỏ” đối với hàng hải sản Việt Nam – lặp lại việc thẳng tay ban lệnh cấm người nhập cư vào Mỹ.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã đăng trên Người Việt.

LIỆU TRUNG QUỐC CÓ PHÁ DỰ ÁN 'CÁ VOI XANH' CỦA ExxonMobil TẠI VIỆT NAM ?

THỤY MY/ RFI/ BVN 21-11-2017

clip_image002
Chủ tịch ExxonMobil, ông Robert Franklin (G) trong ngày cuối của cuộc hội thảo các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC ở Đà Nẵng, Việt Nam ngày 10/11/2017.REUTERS/Anthony Wallace/Pool
Trong hội nghị thượng đỉnh APEC tuần trước tại Đà Nẵng, Việt Nam, báo chí rất chờ đợi bài diễn văn của Tổng thống Mỹ Donald Trump và quan điểm của ông về một «Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở», trong bối cảnh nhiều nhà lãnh đạo tham gia diễn đàn hy vọng Hoa Kỳ tiếp tục quan tâm đến khu vực.
Theo nhà phân tích Gary Sand trên The Diplomat, tuy Donald Trump có thái độ chừng mực, không tung ra những tin Twitter gây bối rối, nhưng chính sách «Nước Mỹ trước hết» của ông cũng khiến cho các nước lo ngại.
Ngoài thương mại, các nhà lãnh đạo Việt Nam còn tìm kiếm sự hỗ trợ của Hoa Kỳ trên Biển Đông. Trong những tháng trước khi diễn ra thượng đỉnh APEC, tập đoàn năng lượng Mỹ ExxonMobil đã khuyến khích Hà Nội loan báo chính thức khởi động dự án mỏ khí đốt Cá Voi Xanh trị giá 10 tỉ đô la trong hội nghị này.
Mỏ Cá Voi Xanh (Blue Whale) có trữ lượng ước tính 150 tỉ mét khối, sẽ đóng góp vào ngân sách Việt Nam gần 20 tỉ đô la. Nằm trong dự án này còn có một đường ống dẫn khí đốt từ ngoài khơi cung cấp cho bốn tổ máy điện sẽ được xây dựng tại tỉnh Quảng Nam, và tổ máy đầu tiên dự kiến đi vào hoạt động từ năm 2023.
Khu vực mỏ Cá Voi Xanh nằm tại lô 118, nằm trọn trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) 200 hải lý của Việt Nam. Tuy nhiên với đường lưỡi bò tự vẽ, và đã bị Tòa án Trọng tài Thường trực phán quyết là vô căn cứ, Bắc Kinh cũng yêu sách khu vực này. Đường 9 đoạn của Trung Quốc cách bờ biển miền Trung Việt Nam có 50 hải lý, trùm lên một phần ba phía đông của lô 118.
Tập đoàn Exxon dự định khoan thăm dò cách đường lưỡi bò 10 hải lý, khoảng 88 km tính từ bờ biển Việt Nam. Cho dù địa điểm khoan không nằm trong đường lưỡi bò, nhưng lại trong cùng lưu vực mà Trung Quốc đã khai thác năm 2014 với giàn khoan nước sâu Hải Dương Thạch Du 981 (HY981). Vào lúc đó, việc kéo giàn khoan đến vùng biển Hoàng Sa đã gây ra một loạt các đợt biểu tình phản đối và bạo động tại Việt Nam.
Tuy nhiên việc khởi động mỏ Cá Voi Xanh, dự tính thông báo vào tuần trước, đã không mấy tiến triển. Phát biểu trong diễn đàn APEC hôm 7/11, Giám đốc ExxonMobil Development Company là Liam Mallon nói «có những thỏa thuận đặc biệt mà chúng tôi cần phải bàn bạc», và hoãn lại quyết định đầu tư đến năm 2019.
Hà Nội có lẽ muốn một APEC yên lành vào cuối năm, thay vì chọc giận Bắc Kinh. Hồi tháng Bảy, Trung Quốc đe dọa tấn công các căn cứ quân sự của Việt Nam tại Trường Sa, nếu không ngưng thăm dò khí đốt trong khu vực. Vào thời điểm đó, Bắc Kinh tức tối khi lô 136-3 ở bãi Tư Chính, được một liên doanh giữa Việt Nam với công ty Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala Development Co. của Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống Nhất chuẩn bị khoan thăm dò.
Tuy Repsol đã chi ra ít nhất 27 triệu đô la (một ước tính khác cho rằng đến 300 triệu đô la), Hà Nội đành phải cho ngưng khoan. Việc Bắc Kinh đe dọa được biết đến khi Thượng tướng Phạm Trường Long (Fan Changlong), Phó chủ tịch Quân ủy Trung ương Trung Quốc bỏ về nước, không dự một cuộc họp ở Hà Nội chỉ vài ngày trước thời điểm khoan 21/6. Phạm Trường Long còn hủy bỏ hoạt động «giao lưu quốc phòng Việt-Trung».
Theo chuyên gia Bill Hayton, Trung Quốc cũng đã từng đe dọa tương tự với khu vực mỏ khí đốt ngoài khơi Việt Nam của tập đoàn Anh British Petroleum (BP) năm 2007. Bắc Kinh hăm dọa khối tài sản 4,2 tỉ đô la của BP tại Hoa lục, và đe rằng sẽ không bảo đảm an toàn cho đội ngũ của BP làm việc tại khu vực «tranh chấp».
Việc Trung Quốc đe dọa dùng vũ lực với Việt Nam trong vụ Repsol, theo Giáo sư Carl Thayer, Trường đại học New South Wales, là rất đáng quan ngại. Ông gọi vụ hăm dọa này là «một bước dấn tới đáng báo động về sự quyết đoán của Trung Quốc» và là «một sự leo thang quan trọng». Giáo sư Thayer cũng đặt câu hỏi về tác động của đe dọa quân sự từ Trung Quốc đối với tương lai kỹ nghệ dầu khí ngoài khơi của Việt Nam, nhận định «Nếu Việt Nam ngưng hẳn thăm dò, sẽ gây tác động lâu dài đến các hợp đồng hiện nay với các công ty nước ngoài, và nhất là an ninh năng lượng của Việt Nam trong tương lai».
Ông Alexander L.Vuving, thuộc Daniel K.Inouye Asia-Pacific Center for Security ở Hawai, có cái nhìn nhẹ nhàng hơn về vụ Repsol, cho rằng Hà Nội đã chọn lựa một sự «rút lui chiến thuật» do lo ngại bạo động xã hội. Ông nêu ví dụ về vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 tháng 5/2014 và phong trào phản đối nhà máy thép Formosa gây ô nhiễm nặng vùng biển miền Trung Việt Nam.
Tuy vậy trong tương lai gần, ông Vuving tin rằng chính sách của Hoa Kỳ về châu Á «quá yếu để chống lại Trung Quốc». Tại Đà Nẵng vừa rồi và ở khu vực châu Á, người ta cảm thấy «America First» quá thiên về lợi ích tự thân trong kinh tế, để có thể chống lại bá quyền Trung Quốc. Tập Cận Bình đã củng cố quyền lực trong Đại hội Đảng 19, và chủ trương một quân đội mạnh hơn. Nay Bắc Kinh có thể chọn lựa việc phô trương sức mạnh ấy.
Theo tác giả Gary Sand, tuần trước, viễn cảnh Bắc Kinh dọa nạt Hà Nội một lần nữa đã lùi xa, sau khi ExxonMobil hoãn lại thông báo khởi động. Tuy vậy nếu dự án mỏ Cá Voi Xanh có tiến triển, rất có thể Hà Nội sẽ lại bị đe dọa một khi tiến hành khoan thăm dò trên Biển Đông. Các mỏ của ExxonMobil có thể an toàn hơn so với Repsol, vì tầm vóc đại quy mô và ảnh hưởng toàn cầu của tập đoàn Mỹ, tiềm năng đầu tư đáng kể, địa điểm nằm gần đất liền của Việt Nam hơn và ở ngoài đường lưỡi bò. Bên cạnh đó tập đoàn này có liên hệ chặt chẽ với đương kim ngoại trưởng Hoa Kỳ Rex Tillerson.
Nhưng từ nay đến năm 2019, năng lực quân sự của Trung Quốc sẽ tăng lên; chiến lược «khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương tự do và rộng mở» của Washington hoặc được đẩy mạnh, hoặc bị lãng quên; và các tham số về giao dịch khí đốt có thể thay đổi. Vào lúc đó, Hà Nội sẽ phải thận trọng cân nhắc. Hoặc một sự «rút lui chiến thuật» khác, hoặc thách thức mối đe dọa quân sự tiềm ẩn của Bắc Kinh và tin rằng Washington sẽ yểm trợ.
Mặc cho các cam kết hòa bình qua chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây của hai ông Donald Trump và Tập Cập Bình, lòng tin giữa ba nhà lãnh đạo Việt-Mỹ-Trung vẫn còn ở mức thấp, và Hà Nội sẽ phải tìm cách xây dựng quan hệ hữu nghị với các nước khác trong khu vực.
T.M.
Nguồn: http://vi.rfi.fr/viet-nam/20171116-lieu-trung-quoc-se-pha-du-an-ca-voi-xanh-cua-exxonmobil-tai-viet-nam


HẬU APEC: CHÍNH TRƯỜNG VIỆT NAM 'SẼ CÓ KỊCH HAY' ?

PHẠM CHÍ DŨNG/ VOA/ BVN 21-11-2017

Ông Trọng và ông Tập ở Hà Nội.
Chỉ trong vòng một tháng, chính trường Việt Nam đã diễn ra hai hiện tượng hoàn toàn phản ngược.
Phản ngược
Vào những ngày diễn ra Hội nghị thượng đỉnh kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại Đà Nẵng, trên các mặt báo nhà nước Việt Nam tràn ngập hình ảnh Trần Đại Quang – Chủ tịch nước – trong các cuộc gặp đa phương lẫn song phương với các nguyên thủ quốc gia, kể cả bộ ba quyền lực mạnh nhất trên thế giới là Donald Trump, Vladimir Putin và Tập Cận Bình.
Trong lúc đó, người ta lại không hề thấy bóng dáng Tổng bí thư đảng là ông Nguyễn Phú Trọng tại các cuộc hội đàm cao cấp APEC. Chỉ sau khi Trump lên máy bay và Tập Cận Bình đến Hà Nội, người ta mới nhìn thấy ông Trọng “tay bắt mặt mừng” với họ Tập tại Phủ Chủ tịch chứ không phải ở Văn phòng trung ương đảng.
Một tháng trước đó, tại Hội nghị trung ương 6 của đảng cầm quyền, đã gần như chỉ độc tôn hình ảnh của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng trên mặt báo nhà nước, trong khi hình ảnh của ông Trần Đại Quang hầu như “biến mất” – như thể tình trạng bị xem là “mất tích” của ông Quang vào tháng Tám năm 2017 sau vụ “bắt cóc Trịnh Xuân Thanh” theo cách gọi của Nhà nước Đức, hoặc còn được gọi cách khác là “Trịnh Xuân Thanh đầu thú” theo lối đặt câu của công an Việt Nam và rút tít của báo đảng.
“Trọng tiếp; Quang đón, hội đàm; Phúc hội kiến Trăm”
Lẽ đương nhiên, có thể lý giải sự vắng mặt của ông Nguyễn Phú Trọng trong việc đón tiếp và hội đàm với nguyên thủ quốc gia các nước tại APEC Đà Nẵng là bởi ông không phải… nguyên thủ quốc gia.
Nhưng không ít người vẫn nhớ sự kiện ông Nguyễn Phú Trọng đã được Tổng thống Mỹ Obama đặc cách tiếp như một nguyên thủ quốc gia tại Phòng Bầu Dục vào tháng Bảy năm 2015 như thế nào, lẫn việc ông Trọng đã như một nguyên thủ quốc gia tiếp đón ông Obama tại Hà Nội vào tháng Năm năm 2016 ra sao.
Những sự kiện trên, cùng với nhiều sự kiện tiếp đón và công du quốc tế khác trong vài năm gần đây, đặc biệt từ sau đại hội 12 khi “Nguyễn Tấn Dũng nghỉ”, đã cho thấy vai trò của Tổng bí thư đảng như một “nguyên thủ quốc gia không chính thức”.
Nhưng khoảng ba tuần trước khi diễn ra APEC, Washington đã phát thông cáo báo chí: “Sau khi rời Đà Nẵng, ông Trump sẽ tới Hà Nội trong ngày 11/10, bắt đầu chuyến thăm chính thức. Tại Hà Nội, ông sẽ gặp Chủ tịch nước Trần Đại Quang và các lãnh đạo cấp cao khác của Việt Nam”.
Sau đó, Nhà Trắng phát tiếp thông báo rằng Tổng thống Trump sẽ “chào xã giao” Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Nghĩa là cuộc gặp giữa Trump với Nguyễn Phú Trọng có thể được xem là “bổ sung”, hoặc “phụ”.
Vài ngày sau khi APEC kết thúc, Nhân dân – “cơ quan ngôn luận của Đảng Cộng sản Việt Nam” – đã đăng bản tin với tựa đề kỳ quặc “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp; Chủ tịch nước Trần Đại Quang đón, hội đàm; Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hội kiến Tổng thống Hoa Kỳ Đ. Trăm”.
Bản tin trên mở đầu bằng “Sáng 12-11, tại Trụ sở T.Ư Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm”. Sau đó mới đến “Sáng cùng ngày, tại Phủ Chủ tịch, Chủ tịch nước Trần Ðại Quang chủ trì lễ đón chính thức Tổng thống Hoa Kỳ Ð.Trăm”, mà không nêu rõ “kẻ trước, người sau”.
Tuy nhiên như nhiều tờ báo tường thuật trực tiếp, cuộc gặp Quang - “Trăm” đã diễn ra đầu tiên, để sau đó mới là cuộc gặp Trọng - “Trăm”.
Cũng tờ Nhân dân đã đăng một bản tin khác với tựa đề ít lục đục kèn cựa hơn: “Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đón, hội đàm; Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân hội kiến Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình”.
Nhân dân được xem là “báo ruột” của Tổng bí thư Trọng.
Trước đây, Nhân dân được phụ trách trực tiếp; bởi Đinh Thế Huynh. Sau đó ông Huynh được nhấc lên vị trí Thường trực Ban bí thư, để từ đầu năm 2017 đến nay nhân vật này đã “biến mất” trên chính trường Việt Nam, cũng xem như không còn cơ hội để trở thành Tổng bí thư nếu một ngày nào đó ông Nguyễn Phú Trọng “nghỉ”.
Ông Trọng bị “trục trặc kỹ thuật”?
Dường như đã có một “trục trặc kỹ thuật” nào đó xảy đến với ông Nguyễn Phú Trọng tại APEC Đà Nẵng, hay chính xác hơn là có thể bắt đầu từ những ngày ngay trước khi Hội nghị trung ương 6 diễn ra vào đầu tháng 10/2017.
Tại hội nghị trên, ông Trọng đã không thể kỷ luật theo cách đưa ra khỏi Ban chấp hành trung ương đối với cựu ủy viên Bộ chính trị Đinh La Thăng.
Sau Hội nghị trung ương 6 và dù hình ảnh của mình được thượng tôn trong hội nghị này, ông Trọng lại có vẻ “xìu” trong những phát ngôn chống tham nhũng. Trong một cuộc tiếp xúc cử tri Hà Nội ngay sau hội nghị trung ương 6, khẩu khí của ông Trọng bỗng dưng “hiền” hẳn, chứ không còn “lò đã nóng lên rồi thì củi tươi đưa vào cũng phải cháy” như trước đó không lâu.
Từ đó đến nay, mật độ “củi - lửa - lò” của Nguyễn Phú Trọng đã vơi đi một cách đáng kể. Mà không hiểu vì sao…
Trong khi đó, nhiều hình ảnh xuất hiện dày đặc của Trần Đại Quang tại APEC Đà Nẵng có vẻ cho thấy đà “phục hồi sức khỏe” đáng kể của nhân vật này.
Từ sau khi có dấu hiệu “khỏe lại” vào đầu tháng Chín, ông Quang đã có vài cuộc làm việc với Bộ Quốc phòng và kể cả “dự và chỉ đạo Quân ủy trung ương” – một cơ quan mà Tổng bí thư Trọng là Chủ tịch quân ủy và rất thường đóng vai trò chỉ đạo cho cơ quan này.
Lần gần đây nhất, vào cuối tháng Tám năm 2017, Tổng bí thư Trọng đã chủ trì một hội nghị Quân ủy trung ương “với sự tham gia của Chủ tịch nước Trần Đại Quang”.
Sau đại hội 12 vào đầu năm 2016 của đảng cầm quyền, Quân ủy trung ương được cơ cấu lại theo chỉ định của Bộ Chính trị, với Bí thư quân ủy trung ương vẫn là ông Nguyễn Phú Trọng, Phó bí thư là Bộ trưởng quốc phòng Ngô Xuân Lịch. Còn ông Trần Đại Quang chỉ là ủy viên thường vụ của Quân ủy trung ương, được hiểu như “cấp dưới” của ông Ngô Xuân Lịch.
Lẽ ra để có thể chỉ đạo Quân ủy trung ương, ông Trần Đại Quang cần có chức vụ Phó bí thư thường trực của cơ quan quân ủy này.
Như vậy, sau thời gian “bị bệnh nặng” và thậm chí còn bị blogger Huy Đức đòi “bàn giao chức vụ chủ tịch nước”, đến nay ông Trần Đại Quang đã có tới 3 cuộc tiếp xúc với quân đội.
Đặc biệt vào ngày 17/10/2017, khi lần đầu tiên kể từ khi trở thành Chủ tịch nước, cựu Đại tướng công an Trần Đại Quang đã hiện ra trong bộ quân phục rằn ri đặc trưng của lực lượng đặc công quân đội trong một cuộc “đến thăm, làm việc với Bộ Quốc phòng tại Trung tâm Huấn luyện Quốc gia Miếu Môn, Hà Nội”.
“Sẽ có kịch hay”
Có vẻ Quân ủy trung ương không còn do ông Trọng “độc quyền” nữa.
Cũng có vẻ một lần nữa trong nhiều lần thăng trầm, chính trường Việt Nam tạm trở về thế giằng co, với tương quan lực lượng đang có chiều hướng tiến tới quân bình.
Nhưng một số nhà quan sát dự báo rằng sau APEC Đà Nẵng, bầu không khí chính trường sẽ nóng lên, quyết liệt hơn trên cung đường “hướng tới Hội nghị trung ương 7” – có thể diễn ra vào đầu năm 2018, và đặc biệt là đại hội giữa nhiệm kỳ của đảng – một sự kiện có thể diễn ra vào giữa năm 2018 và có thể sẽ phá vỡ thế cân bằng giả tạo để quyết định “ai ở, ai về”.
Sau APEC Đà Nẵng, một nữ viên chức chính trị nước ngoài mỉm cười và nói với tôi rằng bà trông đợi “sẽ có kịch hay”.
P.C.D.
Tác giả gửi BVN. Bài đã gửi VOA.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét