ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Lệnh cấm đánh cá trong Biển Đông nhằm vào ai và để làm gì? (GD 3/11/2017)-Cuộc gặp quốc tế các Đảng Cộng sản và Công nhân lần thứ 19 (GD 3/11/2017)-“Cuộc đại tu toàn diện” của Ảrập Saudi (KTSG 4/11/2017)-Samsung vẫn dẫn đầu doanh số smartphone toàn cầu (KTSG 3/11/2017)-Hoàng đế trầm lặng và Frankenstein khổng lồ (viet-studies 3-11-17)-HRW: Lãnh đạo thế giới đến APEC VN đừng nhắm mắt làm ngơ hơn 100 tù nhân chính trị (BVN 4/11/2017)-VOA-
- Trong nước: Mạng xã hội đặt máy chủ ở nước ngoài, quản lý rất khó (VNN 3-11-17)-Bão Damrey giật cấp 15 quần thảo Phú Yên - Khánh Hòa (VNN 4/11/2017)-
- Kinh tế: Hội bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng bảo vệ ai? (GD 4/11/2017)-Ngăn chặn hàng nước ngoài lấy nhãn mác Việt Nam (GD 4/11/2017)-Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng: Tăng trưởng không phụ thuộc vào Samsung (GD 3/11/2017)-Những ai đang trói buộc, gây khó dễ cho doanh nghiệp? (GD 3/11/2017)-Khi các đặc khu đã khởi động trên đường băng (KTSG 4/11/2017)-Quốc hội băn khoăn nhiều đoạn trong dự án cao tốc Bắc - Nam là BOT (KTSG 4/11/2017)-Nên sớm có luật về PPP (KTSG 4/11/2017)-Nên dứt khoát với việc cho phá sản ngân hàng (KTSG 4/11/2017)-Chính sách tiền tệ: nới lỏng nhưng cần thận trọng! (KTSG 4/11/2017)- Bảo vệ người lao động (KTSG 4/11/2017)-Xuất khẩu thủy sản có thể đạt 8,2 - 8,3 tỉ đô la Mỹ trong năm nay (KTSG 3/11/2017)-Ông Võ Trí Thành: Làm đặc khu để 'thử nghiệm thể chế hay kiếm tiền'? (VnEx 3-11-17)-Không có bong bóng nhưng thị trường bất động sản đang ‘sống trong sợ hãi’ (VnF 3-11-17)-Vé người Việt vào cửa casino sẽ có giá 25 triệu đồng/tháng (TP 3-11-17)--“Made in Vietnam” trong thời kỳ hội nhập quốc tế (KTSG 2/11/2017)- Hàng giả xuất xứ: Nhà nước không vô can (KTSG 2/11/2017)--Vụ Khải Silk: Lời cảnh báo chậm về một thảm họa (BVB 2/11/2017)-Vũ Kim Hạnh- Sự lừa dối hào nhoáng trong kinh doanh (KTSG 2/11/2017)-Thổ Ngọa-
- Giáo dục: Ngành giáo dục cần tinh giảm bao nhiêu biên chế quản lý? (GD 4/11/2017)-Biết học thêm không hiệu quả tại sao phụ huynh vẫn phải cho con theo học? (GD 4/11/2017)-Sở Giáo dục xin không tiếp khách, không nhận quà 20/11 (GD 20/11/2017)-Sổ liên lạc điện tử tiện cho trường nhưng không lợi cho cha mẹ học sinh (GD 4/11/2017)-Quảng cáo núp bóng nhà trường, hoa hồng bạc triệu ai được hưởng? (GD 4/11/2017)-Trường Châu Văn Liêm có 2 giáo viên dạy thêm tại nhà không phép (GD 4/11/2017)-Chưa kỷ luật được vì Hiệu trưởng trường Mầm non Quảng Thái cáo bệnh (GD 4/11/2017)-Hệ thống trường tư ở Cộng hòa Liên bang Đức (GD 4/11/2017)-Bộ trưởng Nhạ: Các thầy cô đứng lớp sẽ được mời phản biện chương trình mới (GD 4/11/2017)-Các khoản Bộ Giáo dục không cho Ban đại diện cha mẹ học sinh thu (GD 3/11/2017)-
- Phản biện: BIẾN CỐ ĐỒNG TÂM: CÔNG AN HÀ NỘI NÊN SỚM ĐÌNH CHỈ 2 VỤ ÁN HÌNH SỰ ĐÃ KHỞI TỐ! (BVN 4/11/2017)-Nguyễn Đăng Quang-Nghệ An: ‘Hội Cờ Đỏ’ tự phát nhưng được phép? (BVN 2/11/2017)-BBC-HỘI LIÊN MINH CỜ ĐỎ - MỘT CÚ TÁT VÀO MẶT ĐCS (BVN 4/11/2017)-Nguyễn Đình Cống-Chủ nghĩa Marx còn lại những gì? (Phần 1) (BVN 4/11/2017)-Đặng Xuân Canh-NGHỀ CAO QUÝ… ĐÃ “CHẾT LÂM SÀNG” (Phần 2) (BVN 4/11/2017)-Nguyễn Thượng Long-Gian lận thương mại tại Việt Nam và hậu quả (BVN 4/11/2017)-Hòa Ái/RFA
- Thư giãn: Bà Trần Lệ Xuân qua lời kể và bình luận (BBC 2-11-17)-Dám ước mơ, nhưng bao nhiêu người Việt dám ‘phượt” như Đăng Khoa? (TVN 4/11/2017)-Đội nữ đặc nhiệm bảo vệ Ivanka, Melania Trump (VNN 4/11/2017)-
VỤ KHAISILK: LỜI CẢNH BÁO CHẬM VỀ MỘT THẢM HỌA
VŨ KIM HẠNH/ BVB 2-11-2017
Doanh nhân VN, nhập hàng Tàu về bán, vì thời thế thị trường, vì THAM (quá rẻ, mẫu mã nhiều dễ bán, giao nhanh, trả tiền chậm…) vì LỪA, thực sự cũng dễ lừa NTD (hàng Tàu dán nhãn lung tung đâu dễ bị phát hiện) và rồi có những người thành ra ÁC vì 3 điều: giết SX trong nước, làm hỏng niềm tin NTD với hàng Việt và có khi bán hàng độc, hại người.
Ngày 26/10/ 2017, tôi ngồi trong hội trường diễn đàn Mekong Connect từ sáng đến chiều mà có đến 3 cú điện thoại gọi phỏng vấn và 2 nhà báo chờ trước cửa phòng họp về Khai Silk. Một tờ báo điện tử gọi giật người từng chập như đòi hợ hết hạn. Tôi từ chối hết. Vì mọi người đã nói đúng và đủ. Giờ nghĩ lại, tôi thấy cần nói một điều khác, theo tôi là thảm khốc hơn, cấp thiết hơn. Đó là Sự lệ thuộc kinh tế Trung Quốc và sự thống lĩnh hung hãn của hàng Tàu.
Không nói lý sự, tôi chỉ kể ở đây những câu chuyện thật và tùy người đọc suy nghĩ.
Chuyện Khải Silk phải chăng chỉ là cái kim trong bọc? Hàng Tàu giờ thống lĩnh không ít lãnh vực hàng hóa VN: thời trang (quần áo, giày dép), vật liệu xây dựng, phân bón thuốc sâu thuốc cỏ, đồ chơi trẻ em, hàng điện tử…). Mây năm nay, qua cuộc điều tra người tiêu dùng mà Hội DN.HVNCLC tổ chức thường niên, chúng tôi thấy, ở các ngành này có nhiều doanh nghiệp “qua đời” lặng lẽ vì cạnh tranh không xiết. Siêu thị lớn nổi tiếng ưu ái hàng Việt, bán hàng thời trang, ngoài dán nhãn made in Việt Nam, trong bâu áo, còn nguyên nhãn made in China. Tôi đến thăm trung tâm triển lãm hàng vật liệu xây dựng Phật Sơn, thấy trên nóc của cái sảnh khổng lồ có treo cao một lá cờ Việt Nam to ở vị trí rất trọng vọng. Người hướng dẫn nói thật: VN là một trong những quốc gia nhập hàng VLXD cùa chúng tôi nhiều nhất. Chà, khách sộp ! Hèn chi các hãng gạch, kính, thiết bị vệ sinh VN…thi nhau rớt. Các nhà thầu, giờ do cạnh tranh, chỉ chuyên sale trọn bộ nội thất hàng Tàu, đủ loại mẫu mã, nhanh, đúng hẹn, giá rẻ. Tôi từng đến Thổ Tang, ổ hàng Tàu, phục ở đó mấy đêm xem vận chuyển và phân phối về Nam hàng rau quả từ biên giới về, thấy đường dây phân phối thật khủng. Các doanh nghiệp HVNCLC mấy năm trước hăng hái “bắc tiến” nay không ít cty quay lộn về vì chịu không nổi hàng Tàu. Hàng Tàu bây giờ cũng biết thiên hạ sợ cái “gốc gác” của mình, nên đã kịp thời “kim thiền thoát xác” ngon ơ. Doanh nhân Thái than, họ dán nhãn hàng Thái, chui vào hội chợ Thái Lan ở VN tỉnh bơ. Họ đầu tư qua CPC, Lào và khắp các nước để rửa cái gốc made in China. Họ chui vào các khu nông nghiệp công nghệ cao của VN, hưởng thuế suất ưu đãi, nhập nông sản của họ qua, lau rửa sơ sơ, dán nhãn Việt xuất xứ Khu NN.CNC. Nhiều khu công nghiệp cũng vậy. DN từng kể tôi nghe, ở KCN Bắc Ninh, người Tàu nhập giấy đã thành phẩm, chưa đóng gói vào đó và làm package xong dán nhãn VN, đem bán với giá… giết hết các hãng SX giấy VN.
Doanh nhân VN, nhập hàng Tàu về bán, vì thời thế thị trường, vì THAM (quá rẻ, mẫu mã nhiều dễ bán, giao nhanh, trả tiền chậm…) vì LỪA, thực sự cũng dễ lừa NTD (hàng Tàu dán nhãn lung tung đâu dễ bị phát hiện) và rồi có những người thành ra ÁC vì 3 điều: giết SX trong nước, làm hỏng niềm tin NTD với hàng Việt và có khi bán hàng độc, hại người.
Hàng ta không cạnh tranh nổi với hàng Tàu. Trước nhất vì mình yếu, thiếu sức cạnh tranh. Nhưng nếu hàng Tàu làm giả, gian lận thương mại, có độc tố vẫn cứ còn “thênh thang” trên thị trường bằng chính sách ưu ái, bằng sự ngần ngại “đụng” (gian thương) Tàu, bằng đường tiểu ngạch… thì hàng Việt còn lâu mới vươn lên cạnh tranh cùng họ, đánh thắng họ, trong khi đang còn loay hoay tự gỡ đủ thứ trói buộc: mấy ngàn giấy phép con, thanh tra- kiểm tra, thuế phí, bảo hiểm cứ tăng, giá nguyên liệu, nhiên liệu đầu vào càng tăng. Khi biết rằng sự thua kém hàng Tàu gần như điều thấy trước, thậm chí khách quan, thì chúng ta đã làm gì để bảo vệ nền kinh tế của mình (cũng là bảo vệ sự độc lập của mình) và nhất là bảo vệ doanh nghiệp của mình. Chúng ta đã làm gì để THỰC SỰ hỗ trợ DN của mình, điều hiển nhiên, bức bách cần làm để cạnh tranh với hàng Tàu ngay trên đất nước mình? Hiện nay, họ bán và đóng băng, giải thể các nhà máy, công ty hàng loạt. Rồi mai này, nền SX KD của VN sẽ ra sao?
Đó là chưa kể “xu hướng lệ thuộc kinh tế TQ” mà Đại biểu quốc hội Trương trọng Nghĩa và nhiều người, nhiều tổ chức đã cảnh báo trước Quốc hội mấy năm trước, còn nói dài dài tới bây giờ. Đó là chuyện lớn hơn nhiều, mà chúng ta chỉ thấy báo chí đề cập khi vài ba cái đầu kim ló ra từ trong hàng loạt cái bọc to được ủ rất lâu: các nhà máy nhiệt điện mọc khắp nơi mà đáng lo nhất là rất thích đặt ở ven biển; đa số nhà máy quốc doanh thi nhau nhập thiết bị Tàu; cuộc “tiếp nhận” đợt thiết bị lạc hậu của các nhà máy cũ thời TQ là “công xưởng của thế giới”, nay họ thải ra khi đi vào thời kỳ nâng cấp công nghệ và nền kinh tế; cuộc xử lý hàng hóa xuất khẩu bị ứ thừa do tiêu dùng thế giới giảm sút hay tâm lý ngán ngại hàng Tàu mà "ủn" sang ta, dễ ợt... Câu chuyện này còn phải nghiên cứu lâu. Và không chỉ ngâm cứu hoài, mà phải hành động để tự cứu mình.
Vũ Kim Hạnh, Nguyên Tổng Biên tập báo Tuổi trẻ
(FB. Vu Kim Hanh)
(FB. Vu Kim Hanh)
SỰ LỪA DỐI HÀO NHOÁNG TRONG KINH DOANH
THỔ NGỌA/ TBKTSG 2-11-2017
(TBKTSG) - Một chiếc khăn lụa có gắn hai nhãn xuất xứ khác nhau đã dẫn đến sự sụp đổ niềm tin vào một thương hiệu lớn. Trong tuần qua, câu chuyện ấy đã được nhiều người bàn luận và nói chung là lên án gay gắt bởi nó đã làm tổn thương cảm xúc, gây nên sự giận dữ của quá nhiều người. Bản án của dư luận có khi còn lớn và nặng nề hơn bản án ở tòa.
Nhìn rộng ra thế giới thì thấy đã có rất nhiều sự lừa dối hào nhoáng, có khi đến từ những tập đoàn năng lượng, tập đoàn xe hơi khổng lồ hay cả những ngân hàng rửa tiền với quy mô cực kỳ lớn. Hậu quả là doanh nghiệp phải thu hồi sản phẩm, nộp phạt hàng tỉ đô la Mỹ và có khi phải đóng cửa, âm thầm tiễn đưa những thương hiệu lừng lẫy một thời.
Cúi đầu xin lỗi chỉ là một động thái tối thiểu phải có. Sự thành tâm phục thiện và sự khôn khéo thể hiện quyết tâm khắc phục sai sót và nhất là tránh nói dối để biện hộ mới là những hành động cần phải có.
Doanh nghiệp bị mất tiền là mất ít nhất. Doanh nghiệp bị mất uy tín vì gian lận có thể sẽ mất tất cả.
Vậy gian lận thương mại là gì? Đâu là nguyên nhân chính của những sự lừa dối trong kinh doanh? Làm sao giữ được sự quang minh chính đại để phát triển bền vững?
Gian lận thương mại
Nếu buôn lậu là những hành vi buôn bán trái phép qua biên giới những loại hàng hóa hoặc những vật phẩm có giá trị lịch sử, văn hóa, mà Nhà nước cấm xuất khẩu hay nhập khẩu hoặc buôn bán hàng hóa nói chung qua biên giới mà trốn thuế và trốn sự kiểm tra của hải quan, thì gian lận thương mại (commercial fraud) là những hành vi dối trá, mánh khóe, lừa lọc trong lĩnh vực thương mại thông qua hoạt động mua, bán, kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ nhằm mục đích thu lợi bất chính, bao gồm luôn cả việc buôn lậu.
Gian lận thương mại tài chính được liệt kê trong Thông tư số 07/2017/TT-BTC, phổ biến ở sáu lĩnh vực như sau: hải quan; thuế, phí và lệ phí; quản lý giá; kế toán; kinh doanh bảo hiểm; và lĩnh vực in, phát hành, quản lý, sử dụng hóa đơn.
Còn theo tài liệu số 36 623 ngày 28-5-1995 của Hội nghị Quốc tế lần thứ 5 về chống gian lận thương mại mà Tổ chức Hải quan Thế giới (WCO) đưa ra trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) thì gian lận thương mại tồn tại dưới 16 hình thức sau đây: (1) Buôn lậu hàng hóa qua biên giới hoặc ra khỏi kho hải quan; (2) Khai báo sai; (3) Khai tăng, giảm giá trị hàng hóa; (4) Lợi dụng chế độ ưu đãi xuất xứ (kể cả chế độ hạn ngạch thuế); (5) Lợi dụng chế độ ưu đãi hàng gia công; (6) Lợi dụng chế độ tạm nhập tái xuất; (7) Lợi dụng yêu cầu về giấy phép xuất nhập khẩu (ví dụ lợi dụng giấy phép nhập hàng dệt cho trang bị quân đội để nhập hàng dệt nói chung...); (8) Lợi dụng chế độ quá cảnh (mang hàng hóa quá cảnh để tiêu dùng ở nước mà hàng đi qua); (9) Khai sai về số lượng, trọng lượng, chất lượng hàng hóa; (10) Lợi dụng chế độ mục đích sử dụng, kể cả buôn bán trái phép hàng được ưu đãi thuế (lợi dụng sự ưu đãi của Chính phủ về thuế xuất khẩu dành cho những đối tượng sử dụng nhất định); (11) Vi phạm đạo luật về diễn giải thương mại hoặc quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; (12) Sản xuất và lưu thông hàng giả, hàng ăn cắp mẫu mã; (13) Hàng giao dịch buôn bán không có sổ sách; (14) Yêu cầu giả, khống việc hoàn hoặc truy hoàn thuế hải quan (kể cả làm chứng từ giả về hàng đã xuất khẩu); (15) Kinh doanh “ma”, đăng ký kinh doanh nhằm hưởng tín dụng trái phép; (16)- Thanh lý có chủ đích (nghĩa là thành lập công ty kinh doanh một thời gian ngắn, để nợ thuế, khi số tiền nợ thuế lên cao thì tuyên bố thanh lý để tránh nộp thuế, giám đốc công ty đó thành lập công ty mới ngay sau đó với cùng ý định. Loại gian lận này còn được gọi là “Hội chứng phượng hoàng”).
Ngoài ra, gian lận thương mại còn biểu hiện trong việc chuyển tải hàng hóa. Đó là việc thông qua một nước thứ ba để che giấu nguồn gốc thực sự của hàng hóa nhằm che mắt hải quan nước nhập khẩu. Trong trường hợp này, nước thứ ba là nước cung cấp tài liệu giả hoặc dùng các thủ đoạn thay đổi nguồn gốc hàng từ nước xuất khẩu sang nước quá cảnh. Theo cách này, hàng hóa vào được nước nhập khẩu sẽ tránh được các quy định hạn chế mà quốc gia này đưa ra như hạn ngạch, chế độ ưu đãi, bản quyền sản xuất (*).
Để tránh làm “dê tế thần”
Trong kinh doanh, nếu không cẩn trọng các doanh nghiệp rất dễ bị biến thành “dê tế thần” vì không tuân thủ các quy định xuất nhập khẩu, luật cạnh tranh hay cách hành xử không hướng đến việc phục vụ khách hàng, hướng đến sự hài lòng của khách hàng. Các doanh nghiệp, theo đó cũng dễ bị rơi vào vùng xoáy nguy hiểm là bị chính trị hóa (làm tổn hại thương hiệu quốc gia, niềm tự hào của dân tộc,...) hay hình sự hóa (lừa gạt chiếm đoạt tài sản, trốn thuế với quy mô lớn, lừa đảo có tổ chức kiểu xã hội đen...). Trong nhiều trường hợp, các cơ quan chức năng sẽ vào cuộc. Tuy nhiên vấn đề không nằm ở chỗ luật pháp được thực thi như thế nào mà điều đáng lưu ý ở đây là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong việc tuyên truyền và giáo dục ý thức nơi doanh nghiệp. Nhìn vào 16 hình thức gian lận thương mại và 6 nhóm thường xảy ra gian lận thương mại trong lĩnh vực tài chính như vừa nêu ở trên, một người bình thường có thể nhận ra những biểu hiện gian lận thương mại nhan nhãn khắp nơi. Cho dù chúng ta đã có Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả nay được gọi là Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia nhưng việc xử lý tình trạng gian lận thương mại ở ta vẫn chưa đạt được kết quả khả quan như mọi người mong đợi. Cho dù chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nhưng liệu hầu hết các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh đã đọc và tuân thủ hết các hướng dẫn hay chưa?
Chỉ riêng những điểm rất nhỏ và rất cơ bản như thông tin sản phẩm trên bao bì, giấy C/O chứng nhận xuất xứ, các cam kết trên quảng cáo mà doanh nghiệp cũng vi phạm thì thật là tồi tệ. Chính vì vậy, không có gì phải ngạc nhiên khi một đại gia cúi đầu xin lỗi vẫn làm dư luận nổi giận; một giám đốc công ty nhập thuốc chống ung thư kém chất lượng và bán với giá cắt cổ cho dù khóc nức nở tại tòa cũng chẳng làm ai cảm thông; một công ty gian lận hóa đơn trốn thuế phải chịu mất quyền đại lý và chịu cảnh phơi hàng trăm xe hơi xịn ngoài mưa nắng ở cảng là những tình huống rất đáng được các doanh nhân xem xét và rút ra bài học “phòng bệnh”.
Vì sao lại có những việc như vậy? Chung quy cũng chỉ vì có những doanh nhân thiếu hàm lượng đạo đức kinh doanh và cách thức tổ chức thị trường ở ta chưa thực sự hiệu quả trong việc bảo vệ khách hàng.
Xin hãy đừng quên, lý thuyết gia về chiến lược cạnh tranh Michael Porter đã từng nói: “Mọi doanh nghiệp trên thế giới đều chỉ làm ra một thứ, mà không có thứ đó thì doanh nghiệp ấy phá sản, đó là khách hàng” và Mark Zuckerberg, người sáng lập ra Facebook đã nêu bật mối tương quan giữa sự phục vụ và khách hàng với câu: “Đừng xây dựng dịch vụ để chỉ kiếm lợi nhuận cao, mà hãy kiếm lợi nhuận cao để xây dựng dịch vụ ngày càng tốt hơn”.
(*) https://voer.edu.vn/m/khai-niem-ve-gian-lan-thuong-mai-va-buon-lau/02692d0e
HÀNG GIẢ XUẤT XỨ: NHÀ NƯỚC KHÔNG VÔ CAN
BÙI TÂM AN /TBKTSG 2-11-2017
(TBKTSG) - Nói một cách phũ phàng thì Khaisilk chỉ là trường hợp mới nhất (và có lẽ là đình đám nhất khi ông chủ là người nổi tiếng) bị phát hiện giả xuất xứ hàng hóa. Chuyện đáng buồn này vốn đã rất phổ biến ở Việt Nam nhiều năm qua bởi doanh nghiệp không vượt qua nổi sự cám dỗ của đồng tiền có nguyên nhân từ sự lơ là của cơ quan quản lý.
Trò chuyện với TBKTSG, chủ tịch một doanh nghiệp chuyên gia công và sản xuất hàng nội y đã kể ra tên tuổi của hàng loạt thương hiệu trong ngành này đang “treo đầu dê bán thịt chó”, từ “hàng hiệu bình dân” đến từ nước ngoài (có thương hiệu nhưng có giá bán vừa phải), đến những thương hiệu được đánh giá là hàng Việt Nam chất lượng cao. Ông biết về họ không chỉ vì cùng trong ngành hàng nên biết nhau mà còn vì có thương hiệu đặt công ty ông gia công với số lượng nhỏ, mục đích là để có chứng từ nguồn gốc Việt Nam cho hàng hóa chứ phần lớn hàng của họ là được gia công ở Trung Quốc. Điều này cũng được một người phụ trách bán lẻ của thương hiệu kia xác nhận với TBKTSG vì thân tình. Chị còn cho biết bản thân chị vì sợ thị trường vàng thau lẫn lộn nên chị thường mua đồ dùng cho mình mỗi khi đi nước ngoài.
Những lời đồn, thậm chí là lời tố cáo có bằng cớ cũng đến tai đơn vị tổ chức bình chọn hàng Việt Nam, và theo lời của một người ở đơn vị này thì mỗi lần tổ chức hội chợ là phải cho người bí mật kiểm tra hàng hóa của các đơn vị bị tố có đăng ký tham gia, chưa kể những đợt xin thăm nhà xưởng, cơ sở sản xuất để xác tín... Lãnh đạo một tổ chức bình chọn cũng từng chia sẻ tình trạng hàng vỏ Việt ruột Tàu diễn ra với cả những doanh nghiệp đã từng có quá trình đấu tranh với hàng giả, hàng nhái nhiều năm trước đó. Bà cũng đã bằng cách này cách khác cảnh báo người trong cuộc về nguy cơ giết chết thương hiệu đã bao năm dày công gây dựng, rộng hơn là làm ảnh hưởng đến thương hiệu hàng Việt, bởi nếu cứ tiếp tục, không sớm thì muộn người tiêu dùng cũng sẽ phát hiện.
Vậy tại sao phần lớn hàng giả xuất xứ là hàng Trung Quốc? Câu trả lời rất đơn giản là việc đặt gia công hàng ở đất nước là công xưởng của thế giới có giá vô cùng rẻ, rẻ hơn rất nhiều so với hàng làm ở trong nước (mà nguyên liệu thì cũng nhập từ Trung Quốc); lại không phải nhọc công thiết kế kiểu dáng, mẫu mã; muốn số lượng bao nhiêu cũng có, muốn lúc nào cũng có.
Còn tại sao phải mất công giấu nguồn gốc hàng sản xuất ở Trung Quốc mà không đường đường chính chính như hàng trăm ngàn thương hiệu trên toàn cầu vẫn gắn mác “made in China”? Câu trả lời cũng không quá phức tạp. Đó là do doanh nghiệp Việt Nam chưa có thương hiệu đủ mạnh như Uniqlo hay Nike để người tiêu dùng tin dù thương hiệu đặt gia công hàng ở khắp nơi trên thế giới nhưng vẫn đảm bảo tiêu chuẩn toàn cầu. Đó là vì người tiêu dùng Việt Nam thích hàng giá rẻ nhưng lại rất sợ, thậm chí ghét hàng Trung Quốc. Đó là do doanh nghiệp đã lỡ nói rằng hàng của mình là hàng Việt Nam “xịn”, thậm chí là hàng được tạo ra vì trách nhiệm đối với đất nước, nên “đã phóng lao thì phải theo lao”. Và tất nhiên, đó còn vì lợi nhuận thu về là rất lớn.
Bởi vậy, chuyện khá nhiều doanh nghiệp gian lận, lừa dối người tiêu dùng là chuyện không mới, giống như ông Hoàng Khải của Khaisilk đã thừa nhận chuyện trộn hàng Tàu với hàng Việt từ vài chục năm nay. Và hành vi gian dối này được nhiều doanh nghiệp trong ngành, các hiệp hội ngành nghề biết rõ.
Vậy từ phía cơ quan quản lý thì sao? Trong rất nhiều báo cáo thời gian qua, cơ quan quản lý thị trường luôn nói rằng tình trạng giả xuất xứ hàng hóa ngày càng phổ biến và đã bắt được nhiều lô hàng quần áo, giày dép, túi xách... có nguồn gốc từ Trung Quốc nhưng gắn mác “made in Vietnam”. Tuy nhiên, tên tuổi của các doanh nghiệp này thường ít khi được nhắc cụ thể với công chúng. Có lẽ vì vậy mà dưới cái nhìn của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, những nỗ lực của cơ quan chức năng là chưa đủ. Họ cho rằng những vụ tịch thu hàng chỉ như muối bỏ bể và dường như chỉ xảy ra với những trường hợp “vô danh tiểu tốt”. Trên thực tế, hàng giả xuất xứ vẫn ngang nhiên bày bán công khai, không chỉ ở các chợ truyền thống mà cả ở những nơi được kiểm soát chặt chẽ hơn như siêu thị hay trung tâm thương mại, và những doanh nghiệp đưa được hàng vào các kênh bán lẻ hiện đại này chắc chắn không phải là doanh nghiệp nhỏ. Đó là chưa kể thông tin gian lận của công ty này, thương hiệu nọ cũng thường được lan truyền rộng, từ doanh nghiệp đến hiệp hội, lẽ nào cơ quan quản lý lại không biết!?
Có ý kiến cho rằng chính sự buông lỏng quản lý của cơ quan chức năng đã tạo điều kiện cho ngày càng nhiều doanh nghiệp nhúng chàm, trong đó có cả những doanh nghiệp từ đấu tranh với hàng gian, hàng giả, nhưng vì quá nản chí nên phải bỏ cuộc rồi lại bước chân vào chính con đường mà đối thủ của họ từng làm... Những ai không chấp nhận “bán mình” thì cũng mất dần tinh thần, nhiệt huyết: nhẹ thì thu hẹp sản xuất; nặng thì rao bán nhà máy, công ty.
Suy cho cùng, trong câu chuyện bán mình của không ít doanh nghiệp, Nhà nước không hề vô can. Thậm chí, doanh nghiệp lỗi một thì Nhà nước lỗi mười. Lỗi ở việc kêu gọi phục dựng, giữ gìn làng nghề truyền thống nhưng lại không có chính sách thương mại hóa sản phẩm bền vững, hàng làm ra không biết bán ở đâu, bán như thế nào, để đến những nghệ nhân cuối cùng cũng đành phải bỏ nghề cha ông truyền lại. Lỗi vì không có chính sách phù hợp để tạo nên nền sản xuất tự chủ, bao nhiêu quy hoạch, chiến lược ngành được xây lên nhưng thị trường trong nước vẫn phải nhập từ cây tăm đến chiếc áo. Lỗi vì không tạo ra được môi trường cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh bằng sự minh bạch, công khai khiến doanh nghiệp làm ăn chân chính đấu tranh đến nản lòng phải bỏ cuộc, còn những kẻ chộp giật mà biết chiều lòng người này người kia thì sống khỏe...
Chính vì vậy, đây là lúc không chỉ doanh nghiệp “cúi đầu nhận lỗi”, đóng cửa hàng, thu hồi sản phẩm như ông Hoàng Khải làm mà cả cơ quan quản lý nhà nước cũng phải thẳng thắn nhìn lại mình. Người tiêu dùng Việt Nam không cần cơ quan quản lý cúi đầu xin lỗi vì chuyện bán hàng giả trên thị trường cũng đã diễn ra không ít lần. Điều họ cần là từ xin lỗi, phải hành động để sửa sai. Có như vậy mới mong vớt vát được phần nào lòng tin vào hàng Việt Nam vốn đã ít ỏi lại vừa bị mất thêm do sự việc vừa qua.
'MADE IN VIETNAM' TRONG THỜI HỘI NHẬP QUỐC TẾ
LƯƠNG HÀ /TBKTSG 2-11-2017
(TBKTSG) - Trong những ngày vừa qua, dư luận quan tâm nhiều đến hiện tượng một số (mà cũng có thể là rất nhiều) doanh nghiệp trong nước đã thay xuất xứ gốc của hàng hóa, khoác lên nó những nhãn hiệu và xuất xứ hào nhoáng để bán ra thị trường với giá trị cao gấp nhiều lần. Nhiều bình luận cho rằng, hành vi gian dối đó đã làm tổn thương nặng nề “lòng yêu nước”, “niềm tự hào” của người tiêu dùng.
Thú thật, với nền sản xuất hàng hóa còn non yếu chỉ mới vài chục năm tuổi, thói quen sử dụng hàng viện trợ qua hai cuộc chiến tranh và trong suốt thời kỳ bao cấp khiến sở thích dùng hàng ngoại nhập... đã ăn sâu, bám rễ trong nhận thức người tiêu dùng Việt Nam. Cho dù khẩu hiệu tuyên truyền kiểu “Người Việt Nam dùng hàng Việt Nam” đã được phát động từ những năm đầu đất nước chuyển sang nền kinh tế thị trường, cho dù chương trình “Hàng Việt Nam chất lượng cao” đã có nhiều nỗ lực trong việc tạo dựng lòng tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm “Made in Vietnam”, thế nhưng, ai ai cũng phải thừa nhận rằng mơ ước hình thành được “chủ nghĩa yêu nước trong tiêu dùng” ở ta là một chuyện rất xa vời.
Đã thế, khi chuyển qua giai đoạn hội nhập quốc tế, chúng ta lại tiếp tục đương đầu với Trung Quốc trong một cuộc chiến không cân sức trên lĩnh vực thương mại. Thay vì tìm cách đứng trên vai kẻ khổng lồ để vươn lên, chúng ta lại thúc thủ và trở thành nơi tiêu thụ hàng kém chất lượng của người hàng xóm”. Lòng yêu nước và lòng tự hào trong tiêu dùng không những không được nuôi dưỡng mà còn bị tổn thương và mong manh hơn bao giờ hết.
Độ “yêu nước” trong tiêu dùng của người Việt Nam lớn tới đâu?
Trước khi viết bài viết này, tôi có làm một khảo sát nhanh trên mạng xã hội với trên 100 người, đa số trong độ tuổi từ 20-40 về “thái độ đối với hàng ngoại nhập” (“Consumer Ethnocentrism”, Shimp và Sharma, 1987). Kết quả, điểm trung bình của khái niệm “thái độ bài hàng ngoại” chỉ đạt 2,12 (trên thang 5), cho thấy nhóm đối tượng này rất cởi mở với hàng ngoại nhập, hàng Việt Nam không phải là ưu tiên lựa chọn của họ. Các câu hỏi phụ cũng cho thấy họ ưu tiên chọn thương hiệu sản phẩm nhiều hơn là xuất xứ và đồng thời rất “mù mờ” về xuất xứ của một số sản phẩm tiêu dùng đang có thương hiệu tại Việt Nam. Kết quả này tuy sơ bộ nhưng có lẽ ít người muốn phản bác.
Từ một góc độ khác chúng ta cũng có thể thấy, trong cuộc khủng hoảng về an toàn thực phẩm, hàng hóa xuất xứ Trung Quốc và Việt Nam đều bị xếp chung một mẻ. Ở phân khúc khách hàng thu nhập từ khá trở lên, khi nói không với hàng Trung Quốc thì họ cũng nói không với hàng Việt Nam rồi thay vào đó là ưu tiên “hàng xách tay Âu-Mỹ”. Sự lên ngôi của trái cây ngoại nhập cũng cho thấy hàng Việt Nam chưa từng là ưu tiên số 1.
Người tiêu dùng chọn “xuất xứ” hay “thương hiệu”?
Vậy thì tại sao chính cộng đồng mạng lại “ném đá” các hành vi gian dối xuất xứ nhiều nhất trong khi họ làm gì có “lòng yêu nước trong tiêu dùng” để mà tổn thương?
Các nghiên cứu về hành vi mua hàng trong điều kiện không có thông tin chắc chắn về sản phẩm cho thấy người tiêu dùng thường sẽ dựa trên “niềm tin” vào thương hiệu sản phẩm (brands, bao gồm cả thương hiệu cá nhân của chủ doanh nghiệp) và xuất xứ quốc gia (Country of Origin, COO).
Một nghiên cứu tại Ấn Độ cho thấy COO có ảnh hưởng lớn đến các sản phẩm và dịch vụ viễn thông theo sau là hàng may mặc, thực phẩm, nước giải khát và đồ điện gia dụng. Người tiêu dùng trẻ tuổi nhận thức rằng COO quyết định chất lượng và sự tinh tế về công nghệ của sản phẩm. Tuy nhiên, trong một số loại sản phẩm, người tiêu dùng nhấn mạnh đến thương hiệu nhiều hơn là COO. Cũng có ý kiến cho rằng thông tin về COO giúp họ chọn được sản phẩm tốt nhất trong một nhóm sản phẩm có sẵn và đưa ra quyết định sáng suốt hơn khi xem xét sản phẩm mới. Hàng càng có giá trị cao thì cả hai yếu tố thương hiệu và COO càng được xem xét đồng thời. Hàng cấp càng thấp thì COO càng ít được quan tâm.
Hiện tượng một thương hiệu tơ lụa lớn, cắt tem “Made in China” thay vào đó là “Made in Vietnam” bán được giá cao gấp nhiều lần làm cho người ta tưởng rằng hai chữ Việt Nam đã đủ mạnh để tạo ra giá trị gia tăng và lấn át các sản phẩm cùng loại của Trung Quốc trong lòng người tiêu dùng. Tuy nhiên bản chất ở đây chính là thương hiệu sản phẩm đủ mạnh lấn át thương hiệu quốc gia tạo nên niềm tin về giá trị. Và khủng hoảng với doanh nghiệp này không phải là khủng hoảng tem “Made in Vietnam” dỏm mà là khủng hoảng niềm tin vào một thương hiệu “cứ ngỡ xịn”. Từ đó nó làm lan tỏa sự nghi ngờ vào năng lực của doanh nghiệp Việt Nam và chất lượng hàng hóa Việt Nam.
Thế nào là tự hào đúng về khái niệm “hàng Việt Nam”?
Không biện minh giúp các doanh nghiệp đã lầm lỗi, nhưng nguyên nhân sâu xa của mọi lỗi lầm đã đến từ hai phía. Bởi lẽ người tiêu dùng và cả nhà sản xuất chưa kịp thay đổi ý niệm thế nào là một “sản phẩm Việt” trong bối cảnh hội nhập toàn cầu. Các thông tin về sản phẩm “Made in Vietnam” được truyền thông úp mở và gây ra ngộ nhận là điều tất yếu trong dài hạn.
Theo tuyên bố của ông Nguyễn Tử Quảng, chiếc Bphone 2017 do Bkav “sản xuất” có 54% linh kiện xuất xứ Nhật Bản, 23% là Mỹ, số còn lại là châu Âu, Hàn Quốc và chỉ có 0,9% linh kiện của Bphone có xuất xứ từ Trung Quốc. Vậy Bphone có gì đáng tự hào?
Sắp tới Vinfast cũng tuyên bố sẽ sản xuất xe hơi “thương hiệu Việt”, chưa biết tỷ lệ nội địa hóa và quy trình sản xuất ra sao nhưng trước mắt phần thiết kế là của Ý, quản lý điều hành là người nước ngoài. Vậy xe hơi Việt kiểu này có đáng tự hào?
Ngược lại, có dịp đi du lịch châu Âu, Hoa Kỳ khi mua quà về tặng cho người thân, trong chúng ta chắc có người từng bị “mắng” sao lại mua hàng “Made in Vietnam” dù rằng tất cả đều là sản phẩm thuộc sở hữu của các thương hiệu nước ngoài danh tiếng như Nike, Adidas, Lacoste... Vậy những đôi giày và chiếc áo “Vietnam” kia có đáng tự hào?
Ba ví dụ trên là điển hình về đặc thù sản xuất ra một món hàng trong bối cảnh toàn cầu hóa. Rõ ràng nếu tiếp cận theo tư duy cũ thì chẳng có sản phẩm nào thật sự thuần Việt như con cá hay hạt gạo nữa.
Ngày nay, với cách tiếp cận của chuỗi giá trị toàn cầu thì xuất xứ quốc gia đã được phân đoạn ra thành: quốc gia thiết kế (Country of Design, COD), quốc gia sản xuất (Country of Manufacture, COM), quốc gia lắp ráp (Country of Assembly, COA), quốc gia sở hữu thương hiệu (Country of Brand, COB). Và giá trị gia tăng tạo ra ở mỗi khâu được thể hiện đơn giản qua đường cong nụ cười của Stan Shih (xem hình 1).
Từ đường cong nụ cười, ta dễ dàng nhận ra tuy COD và COB không trực tiếp làm ra sản phẩm nhưng là những nước kiếm được nhiều thu nhập nhất. Cụ thể hơn chúng ta có thể xem các quốc gia tham gia sản xuất nên chiếc điện thoại iPhone và cơ cấu giá trị gia tăng trong sơ đồ sau (xem hình 2).
Do vậy với một người yêu nước thật sự, người tiêu dùng lẽ ra phải tự hào về những nỗ lực của Bkav và các doanh nghiệp tương tự đã và đang đi đầu trong các khâu thiết kế, nghiên cứu và làm thương hiệu (bán sang một thị trường khác). Sự đòi hỏi nhà máy Bphone phải đặt ở Việt Nam là không cần thiết mà ngược lại làm đội giá thành sản xuất do mất đi lợi thế sản xuất theo quy mô.
Tư duy tự hào “sản phẩm hữu hình” này tồn tại trong lòng người Việt Nam nói chung một phần do chưa nhận thức rõ tầm quan trọng và giá trị của ý tưởng, sáng tạo và dịch vụ dù hàng ngày mọi người vẫn đang ra rả nói về cách mạng công nghiệp 4.0 mà nền tảng của nó là tri thức.
Hướng tiếp cập mới để tạo dựng “tự hào Việt”
Từng đi tham quan nhiều nước trên thế giới, khi được tận mắt chứng kiến các trang trại nông nghiệp tại California (Hoa Kỳ), trang trại gà ở vùng Aquitaine (Pháp) hoặc các nhà máy sản xuất công nghiệp tại Trung Quốc... nhiều lúc tôi tự hỏi: Làm sao Việt Nam có thể cạnh tranh được với thế giới trong tương lai?
Có lẽ rất nhiều doanh nhân ở Việt Nam cũng có tâm tư giống như tôi. Tuy nhiên, khi theo dõi và tham gia làm giám khảo các cuộc thi về khởi nghiệp ở Việt Nam, tôi thấy rất ít dự án khởi nghiệp tiếp cận theo chuỗi giá trị toàn cầu. Trong các dự án về sản xuất, doanh nghiệp luôn tìm cách sản xuất ra một sản phẩm cuối cùng hoàn chỉnh rồi định vị mình trong một phân khúc thị trường hẹp nào đó (đa phần là trong nước).
Với tư duy cũ, doanh nghiệp luôn suy nghĩ theo hướng mình sẽ bán “sản phẩm thô”, “sản phẩm qua chế biến” hay “dịch vụ”. Tuy nhiên, trong bối cảnh của chuỗi giá trị toàn cầu, hãy tìm cách tham gia len lỏi vào khâu nào đó trong một chuỗi giá trị. Trong chuỗi giá trị toàn cầu ấy, cái doanh nghiệp cung cấp không cần là một sản phẩm hoàn thiện mà có thể là một ý tưởng hoặc đầu vào cho một khâu trong quá trình sản xuất. Sự phát triển của doanh nghiệp được khẳng định bằng việc có chỗ đứng cao hơn trong các khâu tạo ra giá trị cao.
Thật là tự hào khi một sản phẩm do Việt Nam nghiên cứu và thiết kế, được sản xuất ở Trung Quốc và tiêu thụ tại Bắc Mỹ! Thật là ngưỡng mộ nếu doanh nghiệp Việt Nam xây dựng một thương hiệu được sản xuất tại Brazil nhưng bán ra tại Ảrập. Đó mới là tự hào Việt thực chất. Điều này không phải dễ dàng nhưng đó mới chính là tương lai của “Made in Vietnam”.
Trung Quốc là một đầu mối của chuỗi giá trị toàn cầu chủ đạo hiện nay bên cạnh Hoa Kỳ và Đức (theo nhận định của Ngân hàng Thế giới). Với tư duy kiểu cũ, doanh nghiệp Việt Nam chưa biết tận dụng lợi thế gần đầu mối để thâm nhập vào chuỗi giá trị và vươn ra thế giới mà ta lại chọn cách dễ dàng là nơi tiêu thụ sản phẩm giá rẻ.
Bằng cách tiếp cận chuỗi giá trị, khi tương tác với người tiêu dùng, nếu doanh nghiệp biết áp dụng chiến lược truyền thông thương hiệu đảm bảo nguyên tắc minh bạch-nhất quán-kiên trì về những nỗ lực của mình trong việc đóng góp tạo ra giá trị các sản phẩm Việt Nam theo tư duy mới như đã đề cập ở trên thì chắc chắn dù sản phẩm được sản xuất ở Trung Quốc hay một đất nước thứ ba nào đi nữa người tiêu dùng cũng sẽ dành cho một niềm tin trọn vẹn.
GIAN LẬN THƯƠNG MẠI TẠI VIỆT NAM VÀ HẬU QUẢ
HÒA ÁI/RFA/ BVN 4-11-2017
Một cửa hàng Khaisilk tại JW Marriott Phu Quoc Emerald Bay Resort đóng cửa sau khi bị khách hàng tố cáo bán khăn lụa “Made in China”. Hình chụp ngày 31/10/2017. Courtesy: Facebook Huỳnh Bá Phương
Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải bị cho là lừa gạt khách hàng vì nhập khăn lụa Trung Quốc về gắn mác thương hiệu “Khaisilk-Made in Vietnam” và bán với giá cao làm dấy lên làn sóng trong dư luận về vai trò quản lý nhà nước, biện pháp xử lý hậu quả vụ việc cũng như ảnh hưởng xấu mà môi trường kinh doanh của Việt Nam phải chịu bởi nạn gian lận trong thương mại như thế?
Lừa dối khánh hàng
Không chỉ những ai mua phải khăn lụa thương hiệu Khaisilk mà dư luận đồng loạt bày tỏ sự phẫn nộ trước việc làm lừa dối khách hàng của doanh nhân Hoàng Khải, mặc dù vị doanh nhân có tiếng này đã cúi đầu xin lỗi.
Vụ việc doanh nhân Hoàng Khải, trong hạ tuần tháng 10, bị tố đã bán những chiếc khăn lụa Khaisilk mà ông đã kỳ công tạo dựng thương hiệu suốt gần 3 thập niên qua, chính là khăn nhập từ Trung Quốc do cái mác “Made in China” còn sót lại trên khăn, khiến người tiêu dùng thắc mắc có phải ông Hoàng Khải, một doanh nhân thành đạt, đã lừa gạt khách hàng trong ngần ấy năm và còn bao nhiêu doanh nghiệp kinh doanh “hàng Việt Nam chất lượng cao” gian dối trong thương mại mà chưa bị phát hiện?
Doanh nhân Hoàng Khải lên tiếng thừa nhận 50% khăn lụa thương hiệu Khaisilk có xuất xứ từ Trung Quốc và sẵn sàng bồi hoàn lại cho những khách hàng đã mua sản phẩm khăn “Made in China” của công ty một cách nghiêm túc. Ông chủ của thương hiệu được cho là tiên phong trong nghề dệt lụa Việt Nam cũng thừa nhận tập đoàn đang đối mặt với khủng hoảng và sẽ rất khó khăn để lấy lại uy tín cho thương hiệu Khaisilk.
Rất ảnh hưởng và tôi rất lo lắng... Qua vụ bán hàng gian lận của ông Khải Silk thì tất cả những người đang bán giá cao giống ông ấy đều bị ảnh hưởng ghê gớm. Những người tiêu dùng có thể cho rằng các doanh nghiệp bán hàng giá cao có thể có vấn đề giống như ông Khải Silk là mình có thể thấy bị gặp khó khăn-GĐ. Công ty Yellow Chair Specialty Coffee
Đài RFA trao đổi với một số doanh nghiệp kinh doanh “hàng Việt Nam chất lượng cao” và được cho biết vụ việc doanh nhân Hoàng Khải bị tố cáo làm ăn gian dối “lập lờ đánh lận con đen” làm ảnh hưởng đến công việc kinh doanh cũng như uy tín của các doanh nghiệp khác trên thị trường Việt Nam.
Giám đốc Công ty Yellow Chair Specialty Coffee, tại Sài Gòn nói với RFA rằng một khi doanh nghiệp đã khởi nghiệp với tiêu chí theo đuổi kinh doanh hàng hóa chất lượng cao thì hai yếu tố quan trọng nhất mà họ tâm niệm là uy tín và đạo đức kinh doanh. Nữ giám đốc của thương hiệu cà phê này khẳng định dĩ nhiên giới doanh nhân kinh doanh vì lợi nhuận, nhưng giá cả không phải là mục tiêu cuối cùng mà chính giá trị của thương hiệu mang lại cho khách hàng. Dù tự hào doanh nghiệp của mình trung thành với ý tưởng kinh doanh như thế; tuy nhiên, Giám đốc Công ty Yellow Chair Specialty Coffee chia sẻ hiện không ít doanh nghiệp lo lắng về ảnh hưởng tiêu cực qua vụ bán hàng giả của thương hiệu Khaisilk bị phanh phui. Bà Giám đốc cho biết:
“Rất ảnh hưởng và tôi rất lo lắng. Ví dụ, trước đây những người có tiền suy nghĩ rằng sản phẩm giá cao thì chắc chắn chất lượng tốt nên họ không e dè khi mua. Nhưng qua vụ bán hàng gian lận của ông Khải Silk thì tất cả những người đang bán giá cao giống ông ấy đều bị ảnh hưởng ghê gớm. Những người tiêu dùng có thể cho rằng các doanh nghiệp bán hàng giá cao có thể có vấn đề giống như ông Khải Silk là mình có thể thấy bị gặp khó khăn. Do đó, bây giờ khách hàng đến mua hàng thì chúng tôi phải giải thích cho thật là kỹ”.
Thương hiệu Khaisilk: trường hợp cá biệt?
Rau Trung Quốc nhìn tươi ngon hơn rau Việt Nam. Photo: RFA
Vấn đề gian lận thương mại tại Việt Nam một lần nữa được dư luận mang ra mổ xẻ nhân vụ việc liên quan chiếc khăn lụa hàng cao cấp của Việt Nam nhưng lại nhập khẩu từ Trung Quốc. Đài Á Châu Tự Do ghi nhận một số doanh nhân gốc Việt ở nước ngoài làm ăn với các doanh nghiệp trong nước gặp rất nhiều rắc rối vì môi trường kinh doanh Việt Nam không cạnh tranh lành mạnh và rủi ro rất cao. Ông Hưng Nguyễn, ở bang Lousiana, Hoa Kỳ cho biết công ty của ông từng nhập khẩu mặt hàng đồ biển đông lạnh và ông đã rơi vào hoàn cảnh mất trắng vì cách thức làm ăn gian dối, không uy tín của những người ở Việt Nam. Ông Hưng Nguyễn kể lại:
“Tại Việt Nam nhiều khi mình không nói được chủ hàng mà mình bị tráo hàng trong những giai đoạn khác. Trước đây khi tôi nhập hàng thì tôi cũng kiểm tra chất lượng sản phẩm từ nhà máy ra đến cảng. Dù kiểm tra chặt chẽ nhưng bị tráo hàng trong khâu vận chuyển. Từ nhà máy đến cảng thì họ tráo hàng trong giai đoạn này. Khi phát hiện bị thất lạc nhiều quá thì tôi kiểm tra và phát hiện hàng bị tráo trước khi xe tải vào trong cảng”.
Tại Việt Nam, một cách nào đó mình làm việc thì nhận thấy sự gian dối đi sâu vào từng ngỏ ngách công việc của nhiều người, từ thấp đến cao ai cũng có điều không trung thực và mọi nơi đều như thế. Thực tế có các doanh nghiệp uy tín, nhưng số đó tôi tin là không nhiều lắm. Gian lận là bởi môi trường. Điều đó không có nghĩa là mọi người Việt Nam đều như thế. Nhưng hiện nay xã hội Việt Nam là như thế-Chuyên gia Duy Lê
Không những vậy, một vài công ty khác tại Mỹ có chủ là người gốc Việt cho RFA biết họ phải bỏ của chạy lấy người sau thời gian dài kinh doanh tại Việt Nam vì họ cho rằng gian lận thương mại khắp nơi ở trong nước, do người Việt Nam hám cái lợi trước mắt mà không nghĩ đến uy tín hay đạo đức kinh doanh dài lâu.
Ông Duy Lê, một chuyên gia về quản trị thừa nhận những phản ánh về cách thức làm ăn gian dối như vừa nêu là đúng sự thật:
“Tại Việt Nam, một cách nào đó mình làm việc thì nhận thấy sự gian dối đi sâu vào từng ngỏ ngách công việc của nhiều người, từ thấp đến cao ai cũng có điều không trung thực và mọi nơi đều như thế. Thực tế có các doanh nghiệp uy tín, nhưng số đó tôi tin là không nhiều lắm. Gian lận là bởi môi trường. Điều đó không có nghĩa là mọi người Việt Nam đều như thế. Nhưng hiện nay xã hội Việt Nam là như thế”.
Yếu tố “gian lận bởi môi trường” mà chuyên gia Duy Lê đề cập được đa số doanh nhân mà Đài RFA tiếp xúc lý giải rằng môi trường kinh doanh tại Việt Nam chưa tạo được điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp có thể cạnh tranh một cách công bằng, đặc biệt đối với các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng thương hiệu chất lượng cao vì chi phí để sản xuất ra thành phẩm đội giá rất nhiều nên không thể nào bán hàng chất lượng tốt với giá rẻ. Điển hình là một doanh nghiệp kinh doanh theo phương thức kết hợp với nông dân trồng sản phẩm rau sạch hữu cơ, trong thời buổi thị trường đầy rẫy thực phẩm bẩn, chia sẻ với RFA gặp nhiều khó khăn vì thị phần đầu ra rất hạn chế nên khó cạnh tranh, dù tiêu chí hoạt động vừa giúp nông dân vừa mang lại sức khỏe cho cộng đồng.
Trong khi rất nhiều người tiêu dùng đang theo dõi vụ việc lừa dối khách hàng của thương hiệu Khaisilk sẽ bị khởi tố hình sự hay không và nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam hy vọng các cơ quan chức năng làm công tác quản lý cũng như xúc tiến thương mại sẽ có những hoạt động để trấn an tâm lý người tiêu dùng và cổ súy vực dậy sự tin cậy để “người Việt Nam dùng hàng Việt” thì giới chuyên gia cho rằng sự gian lận thương mại tại Việt Nam sẽ khó mà thay đổi được trong một tương lai gần, như nhận định của Chuyên gia Duy Lê:
“Tôi đang làm việc trong lãnh vực đào tạo phát triển năng lực cho con người trong tổ chức của công ty. Tôi cảm thấy buồn vì những người nước ngoài làm việc với người Việt Nam, một cách nào đó họ xem thường người Việt Nam. Đó là một nỗi đau”.
H.A.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét