Thứ Năm, 30 tháng 11, 2017

20171130. BÀN VỀ SỬA ĐỔI BỔ SUNG LUẬT GIÁO DỤC ĐẠI HỌC

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỌC PHÍ ĐẠI HỌC RẺ VÀ MIỄN PHÍ THƯỜNG CÓ MẶT TRÁI ẨN PHÍA SAU

pv MINH NGỌC/ GDVN 30-11-2017

Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân – Thứ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Đại biểu Quốc hội. Ảnh: quochoi.vn
Phóng viên: Thưa ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố Dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.
Đây là một trong những điều kiện mang tính chất “khung” để các trường đại học hoạt động và phát triển. Ông đánh giá chung như thế nào về dự thảo này?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân: Phải nói dự thảo lần này thể hiện sự cầu thị của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Rất nhiều ý kiến chuyên gia đã được tiếp thu.
Các nội dung đề nghị được sửa đổi thực sự gắn rất sát với xu thế mới, với yêu cầu đổi mới ở cả hai cấp: quản trị trong trường đại học và quản lý nhà nước với giáo dục đại học.
Những điểm sửa đổi tháo gỡ căn bản những vướng mắc trong phát triển các trường đại học; tạo cơ chế cho đại học được tự chủ về học thuật, về tổ chức nhân sự, về huy động và sử dụng nguồn lực, đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục.
Trong dự thảo lần này có đề cập tới việc phân tầng và xếp hạng cơ sở giáo dục đại học.
Theo đó, tại Điều 9 được sửa đổi theo hướng các cơ sở Giáo dục đại học được tự xác định sứ mạng, mục tiêu phát triển theo định hướng nghiên cứu hoặc định hướng ứng dụng chứ không phải do Nhà nước quyết định.
Quy định này được xem là mang tính “tự chủ” của các trường, các trường được chủ động xác định nhiệm vụ đào tạo và hướng phát triển của mình. Xin ông vui lòng chia sẻ suy nghĩ của mình về điều này?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân: Chúng tôi vẫn nói rằng phân tầng chỉ phục vụ cho quản lý nhà nước. Tức là nhà nước phân tầng các trường để ưu tiên đầu tư.
Do đó, chỉ những trường đại học nào muốn được nhà nước ưu tiên đầu tư mới tham gia vào phân tầng. Tương tự vậy, xếp hạng cũng phải dựa trên động lực của từng trường đại học.
Trường sẽ tham gia xếp hạng nếu muốn khẳng định được uy tín và thương hiệu của mình với xã hội.
Xếp hạng do vậy được tiến hành tự nguyện và phải do tổ chức xã hội làm chứ không phải do cơ quan quản lý nhà nước làm. Dự thảo lần này đã tiếp thu ý kiến các chuyên gia và đã tiếp cận theo hướng này.
Các trường được tự chủ trong xác định nhiệm vụ và hướng phát triển của mình.
Nhưng không có nghĩa là tùy tiện bởi trường đại học luôn có nhiệm vụ chung là đào tạo, nghiên cứu khoa học, chuyển giao tri thức, thực hiện trách nhiệm cộng đồng.
Xác định nhiệm vụ nào ưu tiên, trọng tâm thì tùy thuộc mỗi trường và mỗi giai đoạn; cũng như tùy thuộc vào “khách hàng” hướng đến của từng trường.
Bên cạnh đó, kiểm định chất lượng phải là bắt buộc và đề cao.
Tất cả các trường đại học đều phải được kiểm định chất lượng.
Kết quả kiểm định chất lượng là căn cứ quan trọng gắn với trách nhiệm giải trình của các trường đại học.
Ở Điều 12 về chính sách đầu tư cho Giáo dục đại học, quy định việc đầu tư sẽ thực hiện thông qua các đề dự án, chương trình, chính sách tín dụng sinh viên và đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học để đáp ứng yêu cầu phát triển đất nước.
Chính sách đấu thầu, đặt hàng đào tạo, nghiên cứu khoa học được thực hiện theo nguyên tắc cạnh tranh, bình đẳng, không phân biệt loại hình cơ sở Giáo dục đại học.
Như vậy, các cơ sở giáo dục đại học sẽ phải tự thân nâng cao chất lượng ở các khâu để tự khẳng định, tự “sống” với nhu cầu thị trường, thưa ông?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân: Đổi mới cấp ngân sách là yếu tố sống còn. Cấp ngân sách theo biên chế như hiện nay dẫn đến ngân sách đã ít lại dải mành mành mỗi trường một ít.
Đổi mới cấp theo nhiệm vụ, theo số lượng và chất lượng đầu ra, gắn với quyền lựa chọn cơ sở đào tạo của người học sẽ tạo ra sự bình đẳng và cạnh tranh để nâng cao chất lượng đào tạo.
Không có lý gì cùng ngành đào tạo mà trường này thì được cấp ngân sách nhiều, trường khác lại không.
Tương tự với nghiên cứu khoa học, trường nào có đội ngũ nhà khoa học giỏi và có cơ chế tốt sẽ thắng thầu và thắng nhiều nhiệm vụ Khoa học công nghệ theo đặt hàng và đấu thầu.
Thưa ông, có một chi tiết vẫn đang nhiều ý kiến, tại Điều 14 quy định cơ cấu tổ chức của các trường Đại học dự thảo đưa ra 2 phương án để lựa chọn:
Phương án thứ nhất là trong các đại học sẽ có “trường” và “viện nghiên cứu”. Phương án hai là trong đại học sẽ có “thành viên” và “viện nghiên cứu thành viên”.
Nhiều ý kiến đánh giá cao phương án một, bởi theo thông lệ chung trên thế giới, mô hình đại học đa lĩnh vực mang tên tiếng Anh là University,  quan điểm ông về vấn đề này?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân: Về hướng này, tôi chưa nghiên cứu sâu. Nhưng quan điểm của tôi đại học muốn phát triển phải dựa trên nguyên lý tự chủ, tản quyền chứ không tập quyền.
Tản quyền gắn với trách nhiệm và kiểm soát chất lượng sẽ tạo sự bứt phá.
Tập quyền mà quản trị không tốt sẽ tạo ra sức cản cho phát triển.
Nhưng tản quyền không đúng thì đại học lại thành “rổ khoai tây” thiếu liên thông, liên kết.
Đây là vấn đề cần có nghiên cứu và đánh giá tác động kỹ hơn. Vậy nên còn nhiều ý kiến khác biệt cũng là dễ hiểu.
Trong dự thảo có quy định về Hội đồng trường và hiệu trưởng, việc công nhận hiệu trưởng, phó hiệu trưởng có đưa ra 2 phương án.
Phương án thứ nhất là việc công nhận sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện và phương án hai là sẽ do cơ quan quản lý có thẩm quyền công nhận.
Theo thông lệ chung thì phương án nào là tối ưu, vì sao thưa ông?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân: Ai công nhận không quan trọng bằng cơ chế nào để có được một hiệu trưởng giỏi.
Trong bối cảnh phát triển hiện nay của nước ta, chất lượng của hiệu trưởng ảnh hưởng lớn đến thành công của một trường đại học.
Cơ chế dân chủ lựa chọn đóng vai trò quan trọng; thậm chí nên mạnh dạn đưa cơ chế thuê hiệu trưởng.
Bên cạnh đó, cần chú trọng bộ chỉ số đánh giá hoàn thành nhiệm vụ và cơ chế đánh giá hiệu trưởng.
Do đó, không đơn thuần là bộ nào công nhận, mà quan trọng là bộ nào sẽ quản lý giám sát việc đánh giá hiệu trưởng hàng năm và định kỳ.
Dự thảo Luật Giáo dục đại học sửa đổi cũng đưa ra nhiều quy định mới theo hướng giao quyền tự chủ cho các trường. Theo đó, các trường đại học được tự quyết mức học phí.
Như vậy, với dự thảo quy định này có lo rằng các trường “lũng đoạn” thị trường giáo dục bởi có thể sẽ có các mức chênh học phí rất khác nhau không, thưa ông?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân: Các trường cần cân nhắc rất nhiều khi đặt học phí.
Đặt học phí cao mà không đi liền với chất lượng thì sẽ không hút được người học.
Thời gian tới, tôi cho rằng các trường cũng không đặt học phí quá cao bởi ngành đào tạo của các trường không có nhiều khác biệt.
Thực tế, tôi ủng hộ học phí cao.
Người học sẽ phải cân nhắc lựa chọn trường lớp. Cái gì thường và miễn phí đều có mặt trái.
Học phí đại học thấp, dễ dẫn đến người học cố vào đại học mà chưa xác định được học ra trường làm gì.
Chúng ta không nên lo học phí tăng cao bởi quản lý nhà nước và hệ thống sẽ giám sát điều này.
Kiểm toán cũng vào cuộc để đảm bảo mục tiêu phi lợi nhuận của các đại học công lập.
Cái chúng ta cần làm ngay là xây dựng chính sách ưu đãi và học bổng cho các đối tượng chính sách, người học có hoàn cảnh khó khăn.
Ông kỳ vọng gì ở bản Dự thảo giáo dục đại học lần này?
Phó giáo sư, Tiến sĩ Lê Quân: Xã hội hài lòng, chất lượng và đời sống giảng viên đại học tốt lên, loại bỏ được tình trạng “đại học - học đại”, và loại bỏ được các trường đại học chất lượng thấp.
Trân trọng cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!
Minh Ngọc

Thứ Tư, 29 tháng 11, 2017

20171129. DONAL TRUMP MUỐN LÀM TRUNG GIAN HÒA GIẢI BIẾN ĐÔNG ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIẢI MÃ ĐỀ NGHỊ LÀM TRUNG GIAN HÒA GIẢI BIỂN ĐÔNG CỦA TỔNG THỐNG DONALD TRUMP

TS TRẦN CÔNG TRỤC/ GDVN 27-11-2017

Chủ nhật, ngày 12/11/2017, tại Hà Nội, trong chuyến thăm chính thức Việt Nam cấp nhà nước, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã nói với lãnh đạo Việt Nam rằng, Mỹ có thể đóng vai trò “trung gian, hòa giải” trong các tranh chấp ở Biển Đông.
Lời đề nghị này đã được truyền thông quốc tế đề cập đến khá rầm rộ, với những nhận xét, đánh giá rất khác nhau.
Người thì cho rằng đề nghị này thể hiện “thiện chí” và sự “khôn khéo” của Hoa Kỳ, là đóng góp tích cực cho tiến trình giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình.
Kẻ thì cho rằng đề nghị này chứng tỏ Hoa Kỳ muốn “rũ bỏ” trách nhiệm của mình; là “vô can” trong những tranh chấp Biển Đông đang diễn biến phức tạp, có nguy cơ cản trở quyền tự do hàng hải, hàng không quốc tế; đe dọa đến nền hòa bình, an ninh, ổn định, hợp tác phát triển trong khu vực và quốc tế…
Để góp phần “giải mã” lời đề nghị được làm “trung gian hòa giải” tranh chấp Biển Đông của Tổng thống Donald Trump, chúng tôi xin cung cấp một số thông tin có liên quan sau đây:
1. Biện pháp “trung gian hòa giải” dưới ánh sáng của luật pháp và thực tiễn quốc tế
Trung gian, hòa giải là biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế mang tính ngoại giao, có sự tham gia của bên thứ ba, với sự chấp nhận của các bên tranh chấp, đã được quy định trong các Công ước La Hay 1899 và 1907.
Nhiệm vụ của bên trung gian là khuyến khích, động viên các quốc gia có liên quan giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, bằng cách tác động để các bên tiếp xúc ngoại giao và tiến hành các cuộc đàm phán chính thức.
Bên trung gian hòa giải này có thể là một hoặc số quốc gia, một hoặc một số cá nhân có uy tín và, cũng có thể là thông qua các tổ chức quốc tế…
Cùng với sự phát triển của luật pháp quốc tế, biện pháp trung gian, hòa giải ngày càng được sử dụng phổ biến, nhất là từ sau khi Hiến chương Liên Hợp Quốc ra đời (ký ngày 26/06/1945 tại San Francisco, có hiệu lực ngày 24/10/1945).
Hiến chương Liên Hợp Quốc đã xác lập hệ thống biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế nêu tại Điều 33:
Các bên đương sự trong các cuộc tranh chấp, mà việc kéo dài các cuộc tranh chấp ấy có thể đe dọa đến hoà bình và an ninh quốc tế, trước hết, phải cố gắng tìm cách giải quyết tranh chấp bằng con đường đàm phán, điều tra, trung gian, hoà giải, trọng tài, toà án, sử dụng những tổ chức hoặc những điều ước khu vực, hoặc bằng các biện pháp hoà bình khác, tùy theo sự lựa chọn của mình.
Theo Hiến chương Liên Hợp Quốc, trung gian, hòa giải được coi là một trong những biện pháp hòa bình giải quyết tranh chấp quốc tế mà nội hàm của nó là có sự tham gia của bên thứ ba, nhằm giúp các bên tranh chấp giải quyết có hiệu quả các tranh chấp giữa họ với nhau.
Bên thứ 3 này có thể là đại diện các quốc gia, tổ chức quốc tế hoặc cá nhân có uy tín lớn trên trường quốc tế.
Họ có thể tham gia tự nguyện hoặc được một trong các bên tranh chấp đề nghị.
Tất nhiên, vai trò của họ chỉ có thể được phát huy khi các bên tranh chấp đều nhất trí chấp thuận.
Trong thực tiễn quan hệ quốc tế, nhiều vụ tranh chấp đã được giải quyết nhờ đóng góp rất lớn của bên trung gian, hòa giải.
Tuy nhiên, trung gian, hòa giải thực chất chỉ là quá trình vận động, thuyết phục; Tạo môi trường thuận lợi cho các bên tranh chấp tiến hành đàm phán ngoại giao; Đưa ra các khuyến nghị để các bên tranh chấp có thể lựa chọn sử dụng cho quá trình đàm phán giải quyết tranh chấp.
Chính vì vậy, bên trung gian, hòa giải không có thẩm quyết định các biện pháp giải quyết tranh chấp.
Những giải pháp do bên trung gian hòa giải đưa ra chỉ có giá trị tham khảo, không mang tính bắt buộc, vì bên trung gian không phải là cơ quan tài phán quốc tế.
Trong nhiều trường hợp, bên trung gian, hòa giải có thể chỉ đóng vai trò là nước chủ nhà để các bên tranh chấp tổ chức các cuộc tiếp xúc, đàm phán, thương thuyết.
Ví dụ, năm 1982, tại trại Davis, Mỹ đã làm trung gian hòa giải giúp Israel và Ai Cập giải quyết tranh chấp về bán đảo Sinai mà Israel đã chiếm của Ai Cập trong cuộc chiến tranh 6 ngày năm 1967.
Sau đó, Israel đã trả bán đảo Sinai cho Ai Cập với điều kiện Ai Cập phải phi quân sự hóa ở bán đảo này.
Hoặc từ năm 1968 đến năm 1973, Cộng hoà Pháp là quốc gia chủ nhà tạo điều kiện cho các bên liên quan trong cuộc chiến tranh giải phóng miền Nam Việt Nam gồm Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Chính phủ lâm thời Cộng hòa Miền Nam Việt Nam, Việt Nam Cộng hòa và Mỹ đàm phán nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình tại Việt Nam (Hội nghị Paris 27/1/1973).
Cũng có trường hợp, bên trung gian, hòa giải có thể đóng vai trò chủ tọa trong các cuộc đàm phán, đưa ra giải pháp giúp các bên lựa chọn giải quyết tranh chấp.
Tất nhiên, dù với tư cách nào, bên trung gian cũng phải tuân thủ vai trò trung gian của mình không thiên vị cho bất cứ bên nào trong vụ tranh chấp, không đựợc lợi dụng để can thiệp vào vụ tranh chấp.
Vì vậy, trung gian, hòa giải luôn luôn được coi là giải pháp dễ được các bên tranh chấp lựa chọn và ngày càng phổ biến trong thực tiễn với tư cách là một trong những giải pháp giải quyết tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình.
Từ thập niên 90 của thế kỷ XX, số vụ tranh chấp có sử dụng trung gian, hòa giải tăng 469% so với giai đoạn trước đó, thậm chí về số lượng còn nhiều hơn toàn bộ giai đoạn 1945-1989.
Trong thực tiễn giải quyết tranh chấp lãnh thổ, trung gian hòa giải đã giải quyết thành công nhiều vụ việc như:
Tranh chấp giữa Algeria và Marocco 1963-1964, các nước láng giềng Mali và Ethiopia đã đứng ra làm trung gian hòa giải và đồng thời giám sát việc ngừng bắn;
Vai trò trung gian của Hoa Kỳ đối với tiến trình hòa giải tranh chấp lãnh thổ tại Trung Cận Đông từ năm 1973 cho đến nay;
Liên minh Châu Âu (EU) trung gian hòa giải thành công cho tranh chấp lãnh thổ giữa Slovenia và Croatia năm 2010;
Hai quốc gia châu Phi Etrirea và Djibouti đồng ý để Qatar đứng ra làm trung gian hòa giải cho tranh chấp lãnh thổ biên giới gần Ras Doumeira năm 2010…
(Theo Các biện pháp giải quyết tranh chấp quốc tế theo quy định của Hiến chương Liên Hợp Quốc - Ngô Hữu Phước, Tạp chí Khoa học pháp lý Trường Đại học Luật Thành phố Hồ Chí Minh số 4/2009).
2. Các loại tranh chấp trong Biển Đông và những phương thức giải quyết tranh chấp:
Nằm ở rìa Tây Thái Bình Dương, phía Đông Việt Nam, là một vùng biển nửa kín, rộng trên 3 triệu km2, với khoảng 300 triệu dân sinh sống xung quanh, Biển Đông có vị trí rất quan trọng về địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược… của khu vực và quốc tế.  
Xuất phát từ vị trí chiến lược đó mà Biển Đông đã và đang tồn tại những tranh chấp liên quan đến những lĩnh vực khác nhau trong quan hệ xã hội của cộng đồng khu vực và quốc tế:
Về mặt quân sự, kinh tế, chính trị, Biển Đông là nơi đã và đang diễn ra những tranh chấp giữa các siêu cường, đặc biệt là giữa Trung Quốc và Mỹ, về địa - chiến lược, địa - kinh tế, địa - chính trị:
Trung Quốc thực hiện chiến lược độc chiếm Biển Đông, dùng Biển Đông làm bàn đạp để vươn lên tranh giành vị trí siêu cường quốc tế, bằng cách áp dụng linh hoạt nhiều thủ thuật, thủ đoạn, bao gồm cả quân sự, ngoại giao, kinh tế… thích hợp cho từng giai đoạn lịch sử và bối cảnh chính trị cụ thể của khu vực và quốc tế.
Trong giai đoan lịch sử của những năm 50, 70, 80 của thế kỷ trước, Trung Quốc đã sử dụng vũ lực để đánh chiếm quần đảo Hoàng Sa và một phần quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Trong giai đoạn hiện nay, Trung Quốc đang tính toán mở rộng sự xâm lấn đó bằng những thủ thuật, thủ đoạn mới, được dư luận cảnh báo đó là những cuộc “xâm lược mềm”.
Sáng kiến “Vành đai và Con đường” (BRI), bao gồm tầm nhìn về một lục địa Á-Âu được liên kết với nhau bởi “5 kết nối” (sự phối hợp chính sách, kết nối cơ sở hạ tầng, thương mại không bị cản trở, hội nhập tài chính và các trao đổi giữa nhân dân với nhân dân).
Đây là một trong những phương thức thích hợp với thời cuộc mà Trung Quốc đã tính toán nhằm thực hiện “Trung Hoa mộng”.
Còn Mỹ thì sao? Có thể thấy rằng, cho đến nay, có nhiều ý kiến nhận xét, đánh giá khác nhau về chính sách và cách xử lý của Mỹ dưới thời Donald Trump đối với tình hình Biển Đông.
Có không ít người cho rằng, theo cách nhìn nhận của một “Tổng thống- thương gia”, có 3 nhân tố có tác động đến chính sách của Mỹ đối với khu vực Đông Bắc Á, Đông Nam châu Á, khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, vấn đề tranh chấp Biển Đông và quan hệ với các đồng minh, đối tác:
Một là, sau khi nhậm chức, ông Donald Trump đã bắt tay thực thi chủ trương “làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, tạo việc làm cho người Mỹ, bằng biện pháp đầu tư hướng nội, co cụm lại trong chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch…để không để cho các đối tác kinh tế nước ngoài thao túng, đặc biệt là Trung Quốc.
Trung Quốc là một đối tác kinh tế, vừa có ảnh hưởng tiêu cực đến nền kinh tế của Mỹ bởi chính sách bảo trợ thương mại đối với các doanh nghiệp trong nước, giữ giá đồng nhân dân tệ ở mức thấp, khiến cán cân thương mại song phương đã thặng dư tới hơn 350 tỷ USD gây thâm hụt ngân sách cho Mỹ…
Đây cũng vừa là một thị trường tiềm năng, béo bở, với hơn 1,3 tỷ dân, đang khát về công cụ sản xuất kỹ thuật, công nghệ cao để xây dựng thành công “chủ nghĩa xã hội đặc thù Trung Quốc”;
Nhu cầu này đáp ứng đòi hỏi của quy luật phát triển kinh tế nhằm giải quyết mâu thuẫn giữa năng lực sản xuất và nhu cầu của dân chúng, được cho là chủ yếu của xã hội Trung Quốc hiện nay, mà Mỹ không thể không duy trì, khai thác.
Thứ hai, chủ trương “Phi hạt nhân hóa” bán đảo Triều Tiên đang đứng trước nguy cơ bị phá sản bởi những cuộc thử vũ khí hạt nhân, nhiệt hạch và tên lưa đạn đạo mang đầu đạn hạt nhân của Bắc Triều Tiên vẫn liên tục diễn ra, bất chấp mọi sức ép về kinh tế, quân sự, ngoại giao… của Mỹ và công đồng quốc tế.
Sức mạnh hạt nhân của Bắc Triều Tiên đang trực tiếp thách thức, đe dọa đến an ninh, quốc phòng của Mỹ và các đồng minh ở khu vực Đông Bắc Á.
Trong tình hình đó, Mỹ (kể cả Nhật Bản, Hàn Quốc) đều nhận thức rằng:
Trung Quốc, với tư cách là một đồng minh, là chỗ dựa của Bắc Triều Tiên trong lịch sử và hiện tại, mới có khả năng buộc Bắc Triều Tiên phải chấp hành Nghị quyết của Liên Hợp Quốc…
Vì vậy, phải duy trì quan hệ “bất đối kháng” với Trung Quốc, thậm chí phải tính đến việc phải có một số nhân nhượng nào đó ở Biển Đông.
Tuy nhiên, trong thực tế, tính toán đó của Mỹ đã không mang lại kết quả mong muốn, có lợi cho Mỹ.
Bắc Triều Tiên vẫn không chấp nhận xuống thang, vẫn tiếp tục “sinh tồn” trong vòng vây của hầu hết cộng đồng quốc tế, vẫn không chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán nếu không đáp ứng các điều kiện của họ;
Bình Nhưỡng vẫn tiếp tục sản xuất và thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tên lửa đạn đạo với chi phí khổng lồ, tốn kém mà không phải bất kỳ một nước nghèo nàn lạc hậu nào cũng có thể gánh chịu được, nếu không có sự “hà hơi tiếp sức” nào đó từ bên ngoài?
Chắc hẳn hơn ai hết, Mỹ phải rất tường tận điều này.
Phải chăng Bắc Triều Tiên và Biển Đông là hai con bài nằm trong tay của 2 siêu cường Trung - Mỹ trong ván cờ “địa - chính trị” đang lúc gay cấn nhất…?  
Thứ ba, có lẽ, đây là yếu tố rất ít được đề cập hay không đề cập đến.
Mặc dù, trong lịch sử nhân loại, các cuộc chiến tranh đẫm máu xảy ra đều xuất phát từ động cơ làm giàu trên xương máu đồng loại của những tập đoàn lái buôn vũ khí quốc tế.
Hiện nay, ai là “lái buôn vũ khí” hẳn dư luận ít nhiều đều đã nhận ra.
Đe dọa chiến tranh hay gây chiến tranh, xung đột lớn, nhỏ đều xuất phát từ nhu cầu tiêu thụ các loại vũ khí tồn kho đang là nhân tố gây ảnh hưởng đến tốc độ tăng trưởng kinh tế của một số cường quốc có năng lực chế tạo, sản xuất vũ khí chiến tranh.
Khủng hoảng Bắc Triều Tiên, Biển Đông hay Trung Đông, hoạt động của IS, tranh chấp tôn giáo, sắc tộc… phải chăng đều có bàn tay của các tập đoàn lái súng tầm cỡ quốc tế?
Khi đánh giá đến chính sách của Mỹ, Trung Quốc… không thể không tính đế các nhân tố nói trên.
Vì vậy, mặc dù có nhiều nghi ngờ bởi tính cách bất thường, phi truyền thống của vị Tổng thống thứ 45 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ, nhất là ở giai đoạn đầu khi Tổng thống Donald Trump mới lên cầm quyền, nhiều ý kiến vẫn cho rằng chính sách của Mỹ thời Donald Trump đối với Biển Đông về cơ bàn không có gì thay đổi.
Có chăng cũng thể hiện ở sách lược được áp dụng cho những thời điểm cụ thể làm sao có lợi nhất cho nước Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị “soán vị” bởi “giấc mộng Trung Hoa” sắp trở thành hiện thực dưới thời đại Tập Cận Bình.
Về pháp lý có liên quan đến chủ quyền lãnh thổ và xác lập phạm vi các vùng biển và thềm lục địa, Biển Đông đang tồn tại 2 loại tranh chấp chủ yếu:
Tranh chấp chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa;
Và tranh chấp về ranh giới các vùng biển và thềm lục địa do các quốc gia ven Biển Đông khi vận dụng quy định của Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982 để xác định phạm vi các vùng biển và thềm lục địa của mình đã tạo ra những vùng chồng lấn.
Như vậy, trong Biển Đông đang tồn tại 3 loại tranh chấp khác nhau cả về nội dung lẫn hình thức; nguyên tắc pháp lý và phương thưc giải quyết cũng rất khác nhau.
Hai loại tranh chấp sau chúng tôi đã nhiều lần phân tích trên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, nên xin không nhắc lại.
3. Một số nhận xét:
Dựa vào những thông tin được nêu ở điểm 1 và 2 nói trên, chúng tôi nhận thấy rằng:
3.1. Mỹ là bên tranh chấp về vị trí địa - chính trị, địa - kinh tế, địa - chiến lược của Biển Đông.
Đây là loại tranh chấp đã và đang diễn ra rất khốc liệt giữa Mỹ và Trung Quốc, và có thể nói, nó là “gốc rễ” tạo nên tình trạng căng thẳng hay lắng dịu trong Biển Đông.
Tuy vậy, để giải quyết tranh chấp này không phải dễ; bởi vì các bên tranh chấp thường không trực tiếp đối đầu mà chủ yếu dựa vào các đồng minh, đối tác hay nấp dười hình thức là các dự án thuần túy kinh tế, kỹ thuật…
Tình trạng tranh chấp này có thể được kiểm soát, kiềm chế bởi sức mạnh đoàn kết của cộng đồng quốc tế, thông qua tổ chức Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế khác, nhằm điều chỉnh và cân bằng các quyền và lợi ích giữa các quốc gia tranh chấp, trên cơ sở thượng tôn pháp luật.
3.2. Đối với 2 loại tranh chấp như những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp ở trên, Mỹ không phải là bên tranh chấp.
Vì vậy, về mặt lý thuyết, Mỹ có thể đóng vai trò làm trung gian, hòa giải. Thậm chí sẽ là người trung gian, hòa giải tranh chấp Biển Đông đáp ứng điều kiện cần và đủ.
Tuy nhiên, liệu đề nghị này có trở thành hiện thực hay không? Thiết nghĩ chúng ta nên xem xét các khả năng sau đây:
Thứ nhất: Mỹ thừa biết rằng Trung Quốc đã nhiều lần công khai lập trường không chấp nhận sự can dự của bên thứ 3 vào tranh chấp Biển Đông, nhất là Mỹ; chỉ chấp nhận đàm phán song phương, không chấp nhận “quốc tế hóa” vấn đề Biển Đông.
Trong trường hợp này, vai trò “trung gian, hòa giải” theo lời đề nghị của Mỹ thực chất chỉ là một thủ thuật ngoại giao, tạo sức ép dư luận quốc tế để đối phó với những thách thức đối với vai trò của Mỹ ở khu vực châu Á-Thái Bình Dương do Trung Quốc tạo ra ngày càng quyết liệt.
Thứ hai: Cũng có khả năng đây cũng là tính hiệu thể hiện phản ứng của Mỹ trước lập trường của Trung Quốc về vấn đề “phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên” mà Mỹ cho là Trung Quốc chưa thực hiện đầy đủ “cam kết” của mình.
Thứ ba: Lời đề nghị này cũng có thể được coi là thông điệp gửi đến các đồng minh và đối tác của mình trong khu vực tái khẳng định lập trường và trách nhiệm của Mỹ đối với tranh chấp Biển Đông trong khả năng Mỹ có thể phát huy được.
Thứ tư: Có lẽ Mỹ muốn tìm hiểu thêm chủ trương giải quyết tranh chấp Biển Đông bằng biện pháp hòa bình mà Việt Nam vẫn luôn luôn công khai tuyên bố trước dư luận, được thể hiện như thế nào trong thực tế?
Và việc Việt Nam hưởng ứng hay không hưởng ứng lời đề nghị này của Mỹ  phải chăng cũng là câu trả lời cho những băn khoăn, nghi hoặc của dư luận ?
Với những gì mà chúng tôi vừa đề cập ở trên, chúng tôi tin tưởng rằng các bên liên quan và dư luận sẽ xem xét, đánh giá một cách thận trọng và khách quan về đề xuất mới này của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump.
Chúng tôi cũng hy vọng rằng, với sự quan tâm, chia sẻ trách nhiệm, với thiện chí thật sự của các bên liên quan, đặc biệt là các cường quốc, các tổ chức quốc tế, tranh chấp Biển Đông sẽ từng bược được giải quyết, trên cơ sở thượng tôn pháp luật, nhằm vừa tôn trọng các quyền và lợi ích chính đáng của các bên liên quan, vừa bảo vệ hòa bình, an ninh, ổn định của khu vực và thế giới.
Tài liệu tham khảo:
- Ngô Hữu Phước: CÁC BIỆN PHÁP GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP QUỐC TẾ THEO QUY ĐỊNH CỦA HIẾN CHƯƠNG LIÊN HIỆP QUỐC; Tạp chí Khoa học pháp lý Trường ĐH Luật Tp. Hồ Chí Minh số 4/2009;
- Tiến sỹ Trần Công Trục, Thạc sỹ, Luật sư Hoàng Việt, Thạc sỹ, Luật sư Phùng Anh Tuấn: Philippines kiện Trung quốc về tranh chấp Biển Đông, các sự kiện và phân tích pháp lý, Nhà Xuất bản Thông tin và Truyền thông, 2016.
- Ngô Di Lân: Việt Nam: ‘Nước chiến trường’ trên bàn cờ Biển Đông, Posted on 19/11/2017 by The Observer.
- Nadège Rolland, “Eurasian Integration “a la Chinese”: Deciphering Beijing’s Vision for the Region as a “Community of Common Destiny”“, The Asan Forum, 05/06/2017(Giải mã khái niệm ‘Cộng đồng chung vận mệnh’ của Trung Quốc) , Posted on 17/11/2017 by The Observer.
Tiến sỹ Trần Công Trục
DƯỜNG NHƯ HỌ LẠI 'ĐI ĐÊM' VỚI NHAU
THIỆN TÙNG/ BVN 28-11-2017

Cách đây 45 năm (1972), với ý đồ kéo Trung Quốc ra khỏi Liên Xô nhằm làm suy yếu phe XHCN, Tổng thống Nixon và Bộ trưởng Ngoại giao Kissinger Mỹ “đi đêm” sang Trung Quốc diện kiến Mao Trạch Đông. Sau cuộc mật đàm của chuyến đi đêm này, hai nước Trung Mỹ trở thành hữu hảo; đảo quốc Đài Loan, vốn như đồng minh của Mỹ bị loại ra khỏi Liên Hiệp Quốc, trở thành bộ phận của Trung Hoa lục địa; Mỹ bỏ rơi Việt Nam Cộng hòa thân sơ thất sở, hết mất quần đảo Hoàng Sa về tay Trung Quốc đến thua cuộc ở Nam Việt Nam.
Như con dao hai ba lưỡi, cú ly gián này của Mỹ làm cho hai nước lớn trụ cột phe XHCN là Liên Xô và Trung Quốc đối kỵ nhau, phe XHCN bắt đầu suy yếu. Ngược lại, qua việc quan hệ Mỹ-Trung đi đêm này, khiến cho các nước vốn đồng minh và thân thiết với Mỹ căm tức, nghi ngờ, giảm lòng tin đối với Mỹ. Lúc bấy giờ, Trung Quốc như con cọp bịnh hoạn, ốm yếu, đang say ngủ, Mỹ đến đánh thức giấc nó, tiêm thuốc bổ dưỡng cho nó, khiến nó trở nên khỏe mạnh, quậy phá lung tung và hiện nay nó trở thành đối thủ đáng gờm của Mỹ.
Về Tổng thống Mỹ Donald Trump
Nếu nói người Mỹ theo triết lý Hiện sinh của chủ nghĩa Thực dụng thì, Tổng thống Mỹ Trump, vốn là đại gia bất động sản, ông này thực dụng hơn bất cứ Tổng thống Mỹ nào trước ông.
Khi chưa cầm quyền, ông Trump đặt lợi ích gia đình trên hết, sẵn sàng dẫm lên xác người để tiến thân; khi đã cầm quyền nước Mỹ, ông theo chủ nghĩa dân túy, đặt lợi ích nước Mỹ trên hết, hách dịch, tự tung tự tác, không coi ai ra gì.
Về Chủ tịch Tập Cận Bình
Khi chưa cầm quyền, ông Tập sống ẩn dật chờ thời. Khi gặp vận, Tập tranh quyền, sát phạt đồng đảng không nương tay, chiếm lấy quyền lực cao nhất nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tập nhơn danh gì có thể nhơn danh, lợi dụng gì có thể lợi dụng. Tập có đôi mắt him híp, nét mặt lạnh như tiền, khẩu phật tâm xà… Tập phóng tầm nhìn vượt quốc gia xuyên ra quốc tế với “Giấc mộng Trung Hoa”.
Đồng sàng dị mộng
Với mộng bá đồ vương, mộng gặp mơ: Tập bám “Giấc mộng Trung Hoa”, Trump bám “Giấc mơ Ấn Độ - Thái Bình Dương” tranh giành quyền bá chủ thế giới. Trong khi chưa thể làm gì nhau, dường như họ tạm hòa hoãn với nhau, đang lợi dụng nhau để thực hiện mưu đồ riêng.
Dường như họ lại “đi đêm” với nhau
Nhân dịp tham dự APEC, Tổng Trump dành 12 ngày viếng thăm 5 nước: Nhật, Nam Hàn, Trung Quốc, Việt Nam và Philippines. Mục đích chính yếu chuyến công du này của tổng Trump là để bàn luận: về hợp tác kinh tế song phương và chống gian lận thương mại; về vũ khí hạt nhân Bắc Hàn và việc tranh chấp biển Đông.
Qua thực tế cho thấy, nước trọng tâm của chuyến công du của Tổng Trump là Trung Quốc. Sở dĩ Trump ghé Nhật và Nam Hàn trước cốt yếu để tham kiến, thỏa thuận với 2 nước đồng minh trước khi đến Trung Quốc gặp Tập Cận Bình. Còn Việt Nam và Phi là chuyện lẻ tẻ, chỉ là những bước đệm.
Với con người chỉ biết tiền và nước Mỹ trên hết, Tổng thống Trump ngại gì không “đi đêm” với Trung Quốc để cùng có lợi. Trong chuyến đi vừa rồi, Chủ Tập tiếp đón Tổng Trump trọng thị hơn bất cứ thượng khách nào trước đó: ngoài 21 phát đại bác tiếp nghinh, còn làm việc tại sảnh đường Bắc Kinh, ăn sơn hào hải vị, nghỉ tại Tử Cấm Thành.
Để làm dịu các khiếu nại của Washington về mất cân bằng thương mại, phía Trung Quốc trao cho phái đoàn Tổng Trump một hợp đồng thương mại trị giá 253 tỷ USD, một hợp đồng lớn nhất trong lịch sử quan hệ giữa hai nước (theo Bắc Kinh SCMP).

clip_image002
Photo Credit AP
Về kinh tế, thương mại giữa 2 nước Mỹ và Trung Quốc như thế tạm ổn, vấn đề còn lại là vũ khí hạt nhân Bắc Hàn và tranh chấp biển Đông. Về việc này, có lẽ Trump và Tập đã mặc cả qua lại với nhau: Trung Quốc khai thác cái nhược của Mỹ là vũ khí hạt nhân Bắc Hàn; còn Mỹ khai thác cái nhược của Trung Quốc về Biển Đông. Kết cuộc, dường như họ đã thỏa thuận ngầm với nhau: Trung Quốc gây áp lực với Bắc Hàn; còn Mỹ dàn xếp việc tranh chấp ở Biển Đông, chủ yếu với 2 nước Việt, Phi có bờ biển phủ kín hai sườn Biển Đông, theo hướng có lợi cho Trung Quốc.
Trump nói với Tập: Thắng lợi chính trị vĩ đại, đủ không gian cho 2 bên cùng phát triển – Xí xóa chuyện cũ, chơi lại từ đầu – Tôi không trách TQ – không lặp lại những sai lầm trong quá khứ.
Từ những gì vừa kể, chúng ta có quyền nghi ngờ rằng, Trump và Tập đang ngấm ngầm tính toán ván cờ địa chiến lược giữa 2 siêu cường, theo kiểu phân chia vùng ảnh hưởng, chia đôi thiên hạ.
Những việc lẻ tẻ nhưng không thể bỏ qua
- Trump nói những gì với Tập?
“Thắng lợi chính trị vĩ đại, đủ không gian để hai bên cùng phát triển”. Nói thế với ý gì, nếu không phải: Tôi đã thắng cử ở Mỹ còn anh vừa thắng cử ở Trung Quốc, đó là thắng lợi chính trị vĩ đại ở 2 cường quốc, đủ không gian cho chúng ta chia để trị vì thiên hạ?
“Kềm chúng nó! Chúng ta chia nhau kềm chúng nó”. Chúng nó là ai, nếu không phải: thằng Bắc Hàn và các thằng lon con ở Đông Nam Á, nhất là những thằng có bờ biển tiếp giáp Biển Đông?
Xí xóa chuyện cũ, chơi lại từ đầu. Tôi không trách Trung Quốc…”. Nghĩa là sao, nếu không phải: Mỹ bỏ qua việc Trung Quốc gian lận thương mại, vì đó không phải cái lỗi do Trung Quốc mà do các ông Tổng tiền nhiệm của của Mỹ quá non yếu trong giao thương? Nói đến đây, người viết nhớ lại lời của Tổng Trọng nói về chống tham nhũng trong hội nghị đảng lần thứ 6: “Tay ai trót lỡ nhúng chàm thì tự gột rửa, từ đây về sau, ai sai phạm sẽ bị xử lý nghiêm”.
Tại sao bà Melania, phu nhân Tổng Trump không đến Việt Nam?
Nếu bà Melania đến VN, bà phải trả lời đơn thỉnh cầu của con gái Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, dính vào việc nhân quyền sẽ làm phật lòng nước chủ nhà APEC. Ở lại Trung Quốc vài ngày, ngoài được biệt đãi, còn đi du ngoạn Vạn Lý Trường Thành, Vườn thú, Vườn trẻ rồi về Mỹ là thượng sách.
Sao Exxon Mobil đột nhiên hoãn hợp đồng khai thác khí đốt với Việt Nam?
Do đâu, tại diễn đàn APEC, công ty Exxon Mobil Mỹ đột nhiên đơn phương tuyên bố dừng dự án khai thác khí tại dự án “Cá Voi Xanh” trong hải phận của VN? Đáng nói, Chủ tịch Công ty này lại là ông Rex Tillerson, đương kim Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ? Dư luận nghi ngờ có sức ép của Trung Quốc qua Tổng thống Mỹ Donald Trump là có cơ sở.
Vụ 21 phát đại bác
Chỉ cách vài giờ cùng một thời điểm, sao Việt Nam tiếp Tổng Trump không có 21 phát đại bác, còn tiếp Chủ Tập thì có? Về việc này có nhiều ý kiến luận bàn: “Bậy bạ quá, làm như thế là phân biệt đối xử với khách, thể hiện yếu về mặt ngoại giao”/ “Tập Cận Bình vừa là đồng chí vừa là anh em với VN phải đón tiếp long trọng như thế mới đúng, còn Tổng Trump dầu sao cũng chỉ là ‘đồng rận’”/“Tại ông Trump xem thường ông Trọng, chưa đến đã thông báo trước: đến VN ông chỉ bàn việc với Chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Nguyễn Xuận phúc, sau đó sẽ viếng thăm và chúc sức khỏe ông Trọng, thế nên, ông Trọng không cho bắn đại bác khi đón tiếp ông Trump cũng là điều dễ hiểu”/ “Ông Trọng chỉ là đảng trưởng, còn ông Quang, ông Phúc mới chính là những người cai quản quốc gia”/ “Nhập gia phải tùy tục chớ, ít ra Tổng Trump cũng phải biết, ở VN ta, Đảng lãnh đạo Nhà nước và Xã hội một cách trực tiếp, toàn diện và tuyệt đối chớ, bởi vậy, ông Trọng ghét không cho bắn đại bác là phải”/“Cũng bởi vậy, ông Trump mới ghét đáp trả: ‘Chúng tôi tôn trọng nền pháp trị chớ không phải những lãnh đạo độc tài’” – Việc này còn quá nhiều ý kiến có cả nghiêm chỉnh và cà rởn, xin không kể nữa (1).
- Khi đến Việt Nam, ông Trump hí hửng khoe: “Tôi rất ‘hợp gu’ với Tập Cận Bình, tôi có thể giúp Trung Quốc hòa giải với Việt Nam về vấn đề Biển Đông”. Ông ta còn nói với Chủ tịch Trần Đại Quang: “Tôi có thể giúp hòa giải hoặc phân xử. Tôi là một người hòa giải rất tốt và là một trọng tài rất tốt. Vì vậy, tôi có thể giúp ông, khi cần hãy cho tôi biết”. Tính bộc trực của ông Trump chẳng ai còn lạ gì, nói như thế để cho biết ông cùng ý tưởng với Tập Cận Bình. Còn việc ông Trump mớm ý làm trung gian hòa giải về biển Đông với ông Quang, biết đâu cũng là ý kiến của ông Tập – thận trọng không bao giờ thừa.
- Có người mừng híp con mắt về bản hợp đồng kinh tế 12 tỷ USD mà Việt Nam trao cho phía Mỹ. So sánh xem, nó là cái thớ gì so với 253 tỷ USD mà Trung Quốc vừa trao cho phía Mỹ tại sảnh đường Bắc Kinh? Hơn nữa, như Trump tuyên bố “Kể từ ngày nay, Mỹ chỉ hợp tác kinh tế song phương, bình đẳng và công bằng trong cán cân thương mại”. Như vậy Việt Nam nhập sản phẩm của Mỹ 12 tỷ USD thì cũng chỉ được xuất sản phẩm sang Mỹ 12 tỷ USD – trước đây hàng năm VN xuất sang Mỹ nhiều hơn con số đó, vậy thì có gì đâu mà mừng?! Đó là chưa nói, dân VN còn nghèo làm sao với tới hàng chất lượng cao, giá ngất trời của Mỹ? Vậy thì, muốn cân đối cán cân thương mại với Mỹ, Việt Nam chỉ còn mua động cơ máy bay dân dụng hoặc vũ khí và phương tiện chiến tranh để chạy đua vũ trang. Không khéo “chuyển lửa về quê nhà” một lần nữa thì chỉ có chết?! Thời đại ngày nay không cho phép ỷ mạnh rồi muốn làm gì thì làm, các nước nhỏ như Costa Rica, Qatad, Brunei chẳng hạn, họ dựa vào Liên Hiệp Quốc, Hội đồng Bảo an chớ không dựa vào vũ khí quân đội mà họ vẫn an toàn.
Chơi với Mỹ thời Tổng Trump “sớm nắng chiều mưa” này phải hết sức thận trọng. Ngày 12/11/2016, trả lời phỏng vấn của ký giả hỏi về Việt Nam, tân Tổng thống Mỹ Donald Trump nói:
Đảng Cộng sản Việt Nam ư?! Tôi nói thật, Bao năm qua họ chỉ lợi dụng Mỹ, họ chơi trò nước đôi, đi dây giữa chúng ta và Trung Quốc!
Họ kêu gọi Mỹ và các nước khác ủng hộ họ trong vấn đề Biển Đông và các vấn đề xung đột liên quan đến Trung Quốc, nhưng chính họ lại phục tùng, vâng lời Trung Quốc như một sứ giả chư hầu thời phong kiến.
Tôi là người ngay thẳng và không ưa những kẻ "2 lưỡi"; những tay lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam thậm chí còn có 3-4 lưỡi...
Không có TPP gì cả, không có tạo điều kiện hay viện trợ gì cả, và không có cho nhập khẩu hưởng lợi từ Mỹ nữa... Và nếu họ còn chơi trò "Lợi dụng" nữa thì chúng ta nên rút quân khỏi Biển Đông... để cho "Anh em chúng nó xé xác nhau". Cứ mặc xác nó, để cho anh em nó xé xác nhau».
Nước nhỏ là nhỏ về diện tích và số dân chớ không phải nhỏ về trí tuệ và sự thông minh. Chúng ta không lợi dụng ai và quyết không để ai lợi dụng. Nghèo nhưng không hèn, phải biết tự lực tự cường. Phải biết xấu hổ, chừa thói sống dựa vào nước khác. Chơi với nước lớn phải coi chừng họ phổng tay trên. Không chỉ đối với Trung Quốc, ngay với Mỹ cũng vậy, hơn lúc nào hết, Việt Nam phải tự nhủ rằng: “Làm sao chúng tôi tin được các ông không bỏ rơi chúng tôi như các ông bỏ rơi Đài Loan, Việt Nam Cộng hòa - hai đồng minh của mình trước đây?!”.
26/11/2017
T.T.
(1) Còn có một lý do nữa, được xác nhận bởi nhiều nguồn tin, đó là, chính phía Mỹ muốn vậy. Những người vốn quen cách hành xử ở một nước dân chủ tự do không mặn mà gì lắm với những nghi lễ trang trọng nhưng phiền hà được các vị lãnh đạo ở những xứ sở độc tài hoặc còn nhiều dây mơ rễ má với ngai vàng phong kiến rất ưa thích – BVN.
Tác giả gửi BVN

Thứ Ba, 28 tháng 11, 2017

20171128. PHẢN BIỆN VỀ ĐỀ XUẤT CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ CỦA PGS BÙI HIỀN

ĐIỂM BÁO MẠNG
 ' ĐƯỜNG DẪN XUỐNG ĐỊA NGỤC LÓT TOÀN BẰNG THIỆN Ý' -VỀ MỘT ĐỀ XUẤT CẢI TIẾN CHỮ QUỐC NGỮ

HOÀNG DŨNG/ BVN 28-11-2017


Unknown
Bài dưới đây là một phiên bản có bổ sung về những đề xuất trước đây về cải tiến chữ Quốc ngữ, về trường hợp cải tiến chữ viết ở Trung Quốc thời Mao Trạch Đông và ở Liên Xô thời Stalin. Đã đăng trên báo Phụ nữ (báo giấy) sáng nay.

clip_image001

Dư luận đang dậy sóng vì một bài đăng trong kỷ yếu của một cuộc hội thảo về chữ Quốc ngữ. Tác giả của bài báo cáo đó là PGS TS Bùi Hiền. Ông cho VTC News biết đã nghiên cứu vấn đề cải tiếng chữ Quốc ngữ đã 30 năm. Kết quả là những đề xuất táo bạo, giảm số lượng ký tự từ 38 xuống 31 chữ bằng cách thay ng bằng q; đ bằng d; c, k, q bằng k; ph bằng f; s, x bằng s; gi, d, r bằng z; nh bằng n’; th bằng w; v.v. Mà đó mới chỉ là phụ âm, còn cải tiến về nguyên âm thì ông hứa hẹn sẽ công bố vào tháng 3/2018.
Lý do của sự cải tiến này, theo ông là chữ quốc ngữ không triệt để theo nguyên tắc mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt.
Không khó để thấy rằng đề xuất của ông rất bấp bênh về mặt thực tiễn. Trước hết, những thay thế như ng bằng q, th bằng w, … sẽ gây khó khăn không đáng có khi học sinh học ngoại ngữ vì chữ Việt trở thành một ngoại lệ duy nhất trên thế giới: không có hệ chữ viết Latin nào lại gán cho các con chữ q, w một cách phát âm như thế. Thứ hai, cách viết cải tiến của ông dựa vào tiếng Hà Nội, do đó việc nhập một ch-tr, s-x, gi-d-r sẽ tạo ra hàng loạt các từ đồng tự (homograph), gây trở ngại cho việc nhận hiểu nghĩa từ: chẳng hạn các từ tra và cha đều viết là casa và xa đều viết là sagiada và ra đều viết là za. Đó là chưa kể tại sao lại loại trừ sự phân biệt tr-ch, s-x, d-r vốn phổ biến ở các phương ngữ khác, viện lý do phải căn cứ vào tiếng Hà Nội. Thứ ba, việc nghiên cứu 30 năm của ông về việc cải tiến chữ Quốc ngữ vẫn để lộ khuyết điểm rất khó hiểu: củavà qu vốn đọc rất khác nhau lại đều được viết là kủa, vi phạm cái nguyên tắc do chính ông đề ra: “mỗi chữ chỉ biểu đạt một âm vị, và mỗi âm vị chỉ có một chữ cái tương ứng biểu đạt”. Thứ tư, sự cải tiến một cách quyết liệt như thế sẽ tạo ra một đứt gãy văn hóa giữa các thế hệ, giữa những người chỉ biết cách viết “mới” với di sản tư liệu chữ Quốc ngữ “cũ”. Thứ năm, muốn khắc phục phần nào (chỉ phần nào thôi) sự đứt gãy văn hóa đó, phải tốn một khoản tiền khổng lồ để chuyển kho tư liệu vốn được viết theo cách viết “cũ” sang cách viết “mới”.

clip_image002

Nhưng trên hết, cái ý tưởng giải quyết chữ viết chỉ dựa vào âm vị học chẳng qua chỉ là làm sống dậy một cái xác tưởng đã rữa nát. Năm 1897, Hội Ngữ âm học quốc tế ra đời và công bố hệ ký tự gọi là IPA, làm dấy lên một phong trào rầm rộ đòi cải tiến chữ viết, nhưng luôn luôn kết thúc bằng sự thất bại nặng nề, trừ hai ngoại lệ: Liên Xô và Trung Quốc.
Ở Trung Quốc, từ năm 1956, chữ “phồn thể” bị thay bằng chữ “giản thể”. Nhưng thực ra, công việc không đơn giản: năm 1964, nhà nước lại có quy định mới; năm 1977 ban hành một cuộc cải cách rộng lớn hơn, trong đó thay 248 chữ giản thể bằng những chữ giản thể khác; năm 1986 cuộc cải cách này bị bãi bỏ, mà một lý do chính được cho là do người ủng hộ cuộc cải cách này là Trương Xuân Kiều, nhân vật thuộc “tứ nhân bang”; nhà nước chính thức quay lại danh sách các chữ giản thể năm 1964 tuy không phải chấp nhận tất cả, mà thu hẹp danh sách này. Tất nhiên, việc sử dụng chữ giản thể chỉ thực hiện ở Trung Quốc là chính, chứ ở Đài Loan, Hồng Công, Ma Cao,… thì người dân vẫn quen dùng phồn thể. Như thế, việc áp dụng “giản thể” là một việc phức tạp, trải qua nhiều đợt sửa đổi khác nhau và là một chuyện mệnh lệnh hành chính, người dân bắt buộc tuân theo.
Ở Liên Xô, đầu thế kỷ XX, ngay sau khi Cách mạng Nga thành công, nhà ngữ văn học Aleksey Shakhmatov, người đứng đầu Hội nghị Xem xét việc đơn giản hóa chính tả đã đề xuất việc cải cách chữ Nga và đã được nhà nước Nga chấp thuận. Tháng 12 năm 1917, A. V. Lunacharsky, bộ trưởng Bộ Giáo dục, ban hành một văn bản buộc tất cả các cơ quan, trường học thuộc nhà nước và chính phủ phải chuyển không trì hoãn sang dùng lối viết mới… từ ngày 1 tháng 1 năm 1918, tất cả các ấn bản của chính phủ và nhà nước, định kỳ hay không định kỳ đều phải in theo lối mới.
Hai trường hợp trên đều có một điều kiện thiết yếu: đó là những đất nước có chế độ tập quyền mạnh, có khả năng cưỡng bách dân chúng phải thực hiện mọi quyết định hành chính, thậm chí có khi còn vượt quá phạm vi hiệu lực của quyết định đó. Chẳng hạn, quyết định do A. V. Lunacharsky ký trên bề mặt không tác động đến các ấn phẩm tư nhân, nhưng trên thực tế, nhà nước Liên Xô thực hiện chính sách cực quyền về xuất bản, nên không có nhà xuất bản tư nhân nào lúc ấy dám dùng chữ Nga theo lối cũ. Như thế, đằng sau sự thành công đó, lý do khoa học đóng vai trò rất khiêm tốn.
Nói rõ hơn, nếu để cho chữ viết sống cuộc đời tự nhiên của nó, mà thiếu yếu tố cưỡng bách, thì cải cách chữ viết không thể thành công. Chữ Pháp và nhất là chữ Anh, xét trên quan điểm âm vị học, bất hợp lý một cách cùng cực và không thiếu những đề nghị cải cách. Nhưng vì những lý do dễ hiểu, sự thay đổi chỉ diễn ra dần dà (có khi vài thế kỷ!) và trong một số điểm tương đối nhỏ, thông qua những cá nhân, tổ chức hoặc ấn phẩm có uy tín lớn, chẳng hạn đối với tiếng Pháp là Voltaire, Viện Hàn Lâm, các từ điển Littré, Larousse, Robert,… Cho đến nay, tình trạng “bất hợp lý” của chữ Pháp và chữ Anh vẫn không thay đổi gì đáng kể mặc dù Pháp và Anh có những nhà ngôn ngữ học xuất sắc hàng đầu thế giới.
Tình hình tương tự đối với chữ Quốc ngữ. Một điều dễ thấy: chữ Quốc ngữ không “hoàn hảo”. Chính vì thế, năm 1902, nghĩa là cách đây hơn một thế kỷ, một Uỷ ban cải cách chữ Quốc ngữ được thành lập tại Hà Nội do Jean Nicholas Chéon đứng đầu, tổ chức một hội nghị suốt ba ngày xung quanh vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ, đề ra chủ trương triệt để tôn trọng nguyên tắc mỗi chữ một giá trị kí âm. Năm 1906, lại thêm một hội nghị nữa. Sau khi đất nước bị chia cắt, ở miền Nam, năm 1956 tại Ðại hội Văn hóa toàn quốc, Ủy ban Ngôn ngữ đưa ra kiến nghị sửa đổi một số cách viết chữ Quốc ngữ; vấn đề cải tiến chữ Quốc ngữ còn được tái khởi động cùng với sự ra đời của Ủy ban Ðiển chế Văn tự (1973). Ở miền Bắc, trong Hội nghị Cải tiến chữ Quốc ngữ năm 1960, Ban Ngôn ngữ (Viện Văn học) mà đại diện là Hoàng Phê đọc một báo cáo, được xuất bản vào năm sau, nhan đề Vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ(Nxb. Văn hóa, Hà Nội, 1961). Sau khi đất nước thống nhất, trong các năm 1978 và 1979, một số hội nghị được tổ chức xoay quanh vấn đề chuẩn mực hoá chính tả và thuật ngữ khoa học; những báo cáo quan trọng được đăng trên tạp chí Ngôn ngữ số 3+4 (1979).
Về cá nhân, không ít người đề xuất cải cách chữ quốc ngữ, như Nguyễn Văn Vĩnh năm 1928 và các tác giả Vi Huyền Đắc, Phạm Xuân Thái sau đó; hay như Nguyễn Bạt Tụy 20 năm sau (1949).

clip_image003

Dẫn ra như thế để thấy vấn đề cải cách chữ Quốc ngữ không có gì mới. Ông Bùi Hiền tuyên bố là chữ Quốc ngữ có nhiều điểm bất hợp lý, thiếu khoa học thì ngay từ hội nghị 1902 người ta đã làm điều này rồi. Một số đề xuất của tác giả (như kthay cho cq, kz thay cho d) cũng đã được hội nghị này nêu lên.
Tuy nhiên, tất cả nỗ lực vừa kể, trong đó có đóng góp của những nhà ngôn ngữ học thực sự, sau hơn 100 năm, cho đến nay hoàn toàn không có kết quả gì.
Tác giả Bùi Hiền cho rằng đề xuất của mình bị nhiều người phản đối vì “[…] thói quen của nhiều người vẫn chứa đựng tính bảo thủ, phản xạ phủ nhận” và “Khi một số cơ quan truyền thông đọc được ở đó và nhận thấy đấy là vấn đề hay và đưa ra nhưng họ lại chưa tìm hiểu kỹ về cơ sở khoa học của nó, vì vậy khi đăng tải lên báo chí khiến vấn đề bị "ném đá"”. Hơn 100 năm trước, Nguyễn Văn Vĩnh than: “Mấy năm nay có người bàn cách sửa đổi chữ quốc ngữ cho phải lẽ nhưng chẳng lý nào bằng thói quen của người ta, cho nên tuy đã có nghị định y lối Kuốk-ngữ tân-thứk, mà không ai chịu theo, tân thứk lại mang tiếng oan rằng khéo vẽ vời cho nhiễu sự” (“Chữ quốc ngữ”, Đông Dương tạp chí, số 33, 1913).
Oan chăng? Sự thất bại của những ý định cải cách chữ viết theo kiểu “cả gói”, “một lần cho xong” hẳn có lý do. Ngày nay, giới chuyên môn hiểu rằng chữ viết có chức năng hoàn toàn khác với lời nói bởi một lẽ đơn giản: nó đọc bằng mắt chứ không phải nghe bằng tai, do đó nhận diện từ ngữ qua chữ viết không giống như nhận diện từ ngữ trong lời nói. Cho dẫu có đồng âm đi nữa, thì ty và ti cho người ta một nhận thức rất khác, gợi những liên tưởng rất khác. Không phải ngẫu nhiên mà ty Giáo dục thì thường viết với trong khi ti tiện thường viết với i; đồ hình (graphic) của i dễ xui người ta nghĩ đến cái gì đó nhỏ bé. Và thật là bất nhã nếu viết tên hai ca sĩ Quang Lý và Khánh Ly thành Quang Lí và Khánh Li. Khi một hệ chữ viết tồn tại hàng trăm năm, thì chữ viết là văn hóa, là hồn chữ. Cho nên, mọi cải tiến theo kiểu của ông Bùi Hiền tuy có khuấy động dư luận, nhưng cũng như bao đề xuất tương tự, chỉ là – nói như một thành ngữ phương Tây – cơn bão trong tách trà, sẽ mau chóng qua đi và hoàn toàn không để lại dấu vết gì.
Ông Bùi Hiền có thiện ý. Nhưng thiện ý thôi, chưa đủ. Người ta chẳng đã nói “Đường dẫn xuống địa ngục lót toàn bằng thiện ý” (The road to hell is paved with good intentions) hay sao?
H.D.

CÓ CẦN TIẾP TỤC CẢI TIẾN TIẾNG VIỆT SAU NHIỀU BIẾN ĐỘNG

VNN 27-11-2017
Trong những ngày qua, đề xuất cải tiến chữ quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền làm dấy lên một cuộc tranh luận rộng khắp trên các diễn đàn, hội nhóm nghề nghiệp.
Giới chuyên môn: Ngôn ngữ đã có sự “tự điều chỉnh”
PGS.TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam, bày tỏ sự ngạc nhiên vì đề xuất “cải cách chữ quốc ngữ" của PGS Bùi Hiền lại được mọi người quan tâm đến vậy. Theo ông, việc PGS Bùi Hiền xới lại vấn đề cải tiến chữ quốc ngữ ở thời điểm này là “lạc lõng”.
“Chữ Quốc ngữ từ khi hình thành và đi vào cuộc sống như hiện nay đã bộc lộ nhiều bất hợp lý. Vì hệ thống chữ cái Latin không đủ, tương ứng với hệ thống âm vị tiếng Việt nên người ta phải sáng tạo chữ khác để ghi cho đủ (như thêm các chữ hoặc ghép tổ hợp chữ cái: ă, ơ, ô, ơ, đ, ư, nh, ng(h), th, tr...” - ông Tình cho biết.
Theo ông Tình, những bất hợp lý đó nhiều nhà nghiên cứu đã nhận ra từ trước và tìm cách cải tiến nhưng không được. Lý do rất đơn giản bởi chữ Quốc ngữ đã ăn sâu vào trong tiềm thức và được cộng đồng chấp nhận, sử dụng hàng trăm năm nên bây giờ thay đổi là điều rất khó.
Thực tế thì trong quá trình sử dụng, do nhiều lý do mà chữ Quốc ngữ đã có sự "tự điều chỉnh" theo hướng hợp lí hơn. Tuy nhiên, chỉ một thay đổi nhỏ trong hệ thống chữ viết tiếng Việt sẽ kéo theo hàng loạt hệ luỵ như SGK phải viết lại, cách viết của học sinh phải thay đổi, các văn bản nhà nước phải làm lại, hàng triệu người phải thay đổi cách đọc, cách viết...
GS Nguyễn Đức Dân, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM cũng cho rằng “Đề xuất ông Bùi Hiền đưa ra làm rối vấn đề lên và khó được chấp nhận vì hoàn toàn trái ngược với quy tắc về âm vị học”.
Ông Dân nhắc lại những nghiên cứu về cải tiến tiếng Việt trước đây, thậm chí Bác Hồ cũng cải tiến tiếng Việt thay chữ z thay cho chữ g nhưng không thành công, hay chữ f thay chữ p cũng không được chấp nhận.
Từ xưa đến nay, trải qua qua mấy trăm năm hình thành và biến đổi, chữ viết tiếng Việt đã hoàn chỉnh và ổn định, khá chuẩn và không cần thiết phải thay đổi thêm. Nếu có chúng ta chỉ nên thêm một vài ký tự để có thể phiên âm tiếng nước ngoài, chẳng hạn J, W, Z đủ để miêu tả những thuật ngữ khoa học và tên người” – ông Dân đề xuất.
TS Nguyễn Văn Chính, Trưởng khoa Ngôn ngữ học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn, ĐH QG Hà Nội, nhìn nhận theo thời gian, ngôn ngữ có sự vận động, chuyển biến, một số nét khu biệt về âm xưa nay mờ dần mà các con chữ thì vẫn giữ nguyên và kết quả là ta thấy có chuyện "thừa" chữ ở phương ngữ này phương ngữ kia.
Chuyện bắt đầu lôi thôi khi một số trí thức nhìn thấy cái sự "thừa" ấy và tính việc cách tân. Việc này không mới vì xưa đến giờ cũng có một số người bàn. Không cứ bên ta mà các quốc gia khác cũng vậy. Tuy nhiên, để bàn cho ra lẽ thì cần những nhà khoa học có căn cốt thực sự, phải cân nhắc mọi nhẽ chứ không thể làm theo lối "tôi thích thì tôi làm" được” – ông Chính nói.
Theo ông Chính, việc bàn tính là chuyện nên có trong các sinh hoạt khoa học. Nhìn rộng hơn, tiếng nước nào cũng có chuyện lệch chính tả cả. Hệ thống chữ viết ghi âm vị, như đã biết, mỗi con chữ gắn với một âm là nguyên tắc. Để cải tiến nó thì các nhà khoa học phải chứng minh cho được hệ thống chữ viết đang dùng đã không đáp ứng được yêu cầu khoa học.
Ngôn ngữ có cơ chế tự điều chỉnh, và từ xưa tới nay chữ viết cũng đã thay đổi nhiều, nhưng về cơ bản chỉ thay đổi hình dáng, kí tự. “Nay chữ Việt ta nhìn một cách nghiêm nhặt vẫn thực hiện tốt chức năng của mình. Bao thế hệ đã chấp nhận, người Việt giờ vẫn chấp nhận, sử dụng một cách hiệu quả, hà cớ gì lại phải cải tiến cải lui” – ông Chính bình luận.
Có thể áp dụng trong nhà trường không?
Với câu hỏi này, GS. Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới, khẳng định đề xuất của PGS Bùi Hiền sẽ “không bao giờ thực hiện được trong nhà trường bởi không có tính khả thi”.
Ông Thuyết cho biết gần đây nhất, vào năm 1998, có kiều bào ở Pháp gửi thư cho nguyên Thủ tướng Phạm Văn Đồng đề nghị nhà nước ta cải tiến chữ quốc ngữ cho hợp lý hơn.
Văn phòng có gửi công văn hỏi ý kiến một số cơ quan về đề xuất này. Khi đó, thay mặt Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG Hà Nội, ông Thuyết có gửi công văn trả lời, trong đó nói rõ: “Nếu cải tiến chữ Quốc ngữ theo đề xuất này thì chúng ta sẽ phải đào tạo lại hàng chục triệu lao động; các học giả cũng sẽ trở thành người vừa đọc vừa đánh vần, viết sai chính tả và sẽ phải đi học lại từ đầu. Đó là chưa kể phải thay đổi tất cả các tài liệu khoa học và như vậy thì sẽ rất tốn kém”.
Với đề xuất của PGS Bùi Hiền, ông Thuyết vẫn giữ quan điểm này. “Chữ nào cũng sẽ có những điểm vô lý, muốn xây dựng một thứ chữ hoàn hảo rất khó, bởi trước sau gì, cùng với thời gian nó cũng sẽ trở nên bất hợp lý.
Theo tôi, những đề xuất về cải tiến chữ Quốc ngữ là không cần thiết, nó sẽ tạo ra nhiều hệ lụy” – ông Thuyết nhấn mạnh.
Về nội dung cho rằng chữ viết cải tiến này sẽ học và viết nhanh hơn so với chữ hiện hành, ông Thuyết “không biết PGS.TS Bùi Hiền đã thực nghiệm dạy đối chứng 2 thứ chữ ở đâu để rút ra những kết luận này. Nhưng tôi ngờ rằng cả người dạy học, người viết sách, người đánh máy, người biên tập, người đọc sách đều sẽ phải loay hoay, mất thời gian hơn với thứ chữ cải tiến này.
Đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ nếu được chấp nhận sẽ làm cho hàng chục triệu người lao động phải học lại từ đầu, hàng chục triệu tài liệu phải in lại, như vậy thì sẽ tốn giấy mực và thời gian hơn nhiều.
Ngay cả việc người trẻ dùng những ký hiệu khác lạ viết cho nhau chỉ được xem như trò chơi, họ chấp nhận với nhau, chứ không thể thành chữ viết chính thức được” – ông Thuyết bày tỏ quan điểm.
GS Nguyễn Đức Dân cũng cho rằng hiện nay nhiều bạn trẻ hay dùng chữ viết như ông Hiền đề xuất, nhưng đó là tiếng lóng (hay gọi là tiếng Lống). Đây là thứ tiếng không chuẩn với chữ viết. Ví dụ từ không = o.
“Đây không phải là tiếng Việt mà là tiếng lóng. Tiếng lóng muốn viết như thế nào nhưng cũng có hệ thống và tiếng lóng này không phải là tiếng Việt. Khi nào tiếng lóng này được mọi người chấp nhận có thể bổ sung thêm một số từ trong hệ thống chữ viết hiện nay” – ông Dân nói.
Trong tranh luận học thuật không chấp nhận công kích cá nhân
Trong những ngày qua, những đề xuất cải tiến chữ Quốc ngữ của PGS.TS Bùi Hiền làm dấy lên một cuộc tranh luận rộng khắp trên các diễn đàn, hội nhóm nghề nghiệp. Có những đường “link” bài viết về đề xuất của ông nhận tới hàng ngàn lượt bình luận, tuy nhiên những lập luận dựa trên chứng cớ khoa học lại ít được đưa ra. Chủ yếu nhất trong số những bình luận, nhận xét về cải tiến này nghiêng về hướng chửi bới, thóa mạ cá nhân.
Người ta dùng những tính từ bất nhã, nặng nề để bình luận về cá nhân ông, như “rửng mỡ”, “tiến sĩ dởm”, thậm chí là “dở hơi”, “tâm thần”.
Có người còn bình phẩm về những cải tiến mà ông cho biết đã nghiên cứu từ 30 năm trước, là “ăn cắp trí tuệ rẻ tiền của con nít, chứ nghiên cứu 30 năm cái nỗi gì”. Hay những lời lẽ châm biếm như “giáo sư chắc ‘chat’ với các cháu teen nhiều, nên hiểu được tâm tư, ngôn ngữ của các cháu”…
Thậm chí, có một tiến sĩ lên tiếng theo hướng ủng hộ những đề xuất cải tiến này nếu đủ sức thuyết phục, cũng bị đám đông hùa vào “ném đá” tích cực.
Chia sẻ về câu chuyện này, GS.TSKH Trần Ngọc Thêm, Giám đốc Trung tâm Văn hóa học Lý luận và Ứng dụng (ĐHQG TP.HCM), cho biết ông thực sự cảm thấy bất bình về những ý kiến miệt thị, xúc phạm, công kích công trình khoa học cũng như cá nhân PGS. Bùi Hiền.
“Người Việt Nam dường như rất khoái trá khi có đông người cùng hùa nhau làm một việc gì đó, trong khi mỗi người trong số đó ít suy nghĩ thấu đáo về việc đó như thế nào. Cứ có một cái “like” là có hàng trăm cái “like” tiếp theo, hễ có một người ném đá thì sẽ có hàng tấn gạch đá ném theo”.
Ông cho rằng điều này ở văn hóa phương Tây rất hiếm khi xảy ra, vì mỗi người khi nói gì, làm gì đều có bản lĩnh để suy nghĩ và chịu trách nhiệm cá nhân về ý kiến của mình.
GS Nguyễn Đức Dân thì bày tỏ “Chúng ta tôn trọng tự do học thuật, nhưng tôi nghĩ nếu không đồng ý thì nên tự do trình bày quan điểm và những suy nghĩ của mình và suy nghĩ nghiêm túc về điều này. Tôi trình bày quan điểm của tôi và không đồng ý với hành vi ném đá vì đó là cách mạt sát không đúng tinh thần khoa học”.
Ông Phạm Văn Tình cho rằng điều đáng ghi nhận là, dư luận quan tâm đến ngôn ngữ và tiếng Việt (và tỏ ra lo lắng) là dấu hiệu tốt.
“Nhưng mọi người có thái độ hơi quá mức cần thiết. Tôi cho rằng không nên thóa mạ bởi quyền làm hay ý kiến về khoa học là quyền của mọi người. Đây cũng chỉ là một đề xuất cá nhân, không đại diện cho giới ngôn ngữ học, càng không phải chủ trương mà Nhà nước đem ra áp dụng”.
Lịch sử cải tiến tiếng Việt
Theo ông Đoàn Xuân Kiên trong bài viết "Chữ quốc ngữ qua những biển dâu”, những mảng tài liệu tìm được cho đến nay đã bước đầu cho thấy là chữ quốc ngữ đã manh nha từ những năm đầu thế kỉ XVII.
Ròng rã hơn 30 năm liền, chữ Quốc ngữ đã được hoàn chỉnh dần, qua những công phu của những nhà truyền giáo Portugal như cố Pina. Đến khi A. de Rhodes xuất bản cuốn từ điển Dictionarium Annamiticum Lusitanum et Latinum (Rome, 1651) thì chữ Quốc Ngữ đã có dạng hoàn chỉnh.
Từ khi ra đời đến nay, chữ quốc ngữ đã luôn luôn được tu chỉnh. Những khác biệt này có thể bắt nguồn từ chính tiếng nói thay đổi, nhưng cũng có những trường hợp do sự sửa đổi, khiến cho chữ viết mỗi ngày thêm thay đổi.
Đề nghị sửa đổi chữ Quốc Ngữ năm 1902: Hội nghị Nghiên cứu Viễn đông năm 1902 tại Hà Nội, bản đề nghị sửa đổi của Uỷ ban Cải cách chữ quốc ngữ được chuẩn y và giao cho Viện Viễn đông bác cổ tiếp tục nghiên cứu, thực hiện trên các trang in của Viện. Nhưng công chúng và nhà trường không biết gì về những đề nghị thay đổi đó.
Dự án cải tổ năm 1906: Đến năm 1906, vấn đề cải cách lại được đặt ra ở hội nghị của Hội đồng cải lương học chánh. Bản đề nghị của Hội đồng lần này bị công luận đả kích kịch liệt vì nhiều lí do bên ngoài học thuật và vĩnh viễn bị chôn vùi.
“Quốc Ngữ mới" của nguyễn Văn Vĩnh (1928): Trên báo Trung Bắc Tân Văn, khoảng cuối năm 1928, nhà văn và cũng là nhà báo nổi tiếng thời bấy giờ, ông Nguyễn Văn Vĩnh, tung ra lối in chữ Quốc Ngữ mới, gọi là Quôcj Ngưw Moeij. Dự định của Nguyễn Văn Vĩnh không thành. Sau này còn có một số người khác muốn sửa đổi chữ quốc ngữ theo ý đồ và ý thích riêng như trường hợp Vi Huyền Đắc (với công trình Việt tự), Phạm Xuân Thái (qua công trình Việt ngữ cải cách). Những “công trình” nói trên đều tan vào lãng quên.

Tiếng Việt,Đổi mới giáo dục,Chuyển đổi tiếng Việt,Chuyển đổi ngôn ngữ,Bùi Hiền
Cách viết theo Nguyễn Bạt Tuỵ (1949). Đoạn thơ trên là: "Chí làm trai dặm nghìn da ngựa/ Gieo Thái Sơn nhẹ tựa hồng mao/ Giã nhà đeo bức chiến bào/ Thét roi cầu Vị ào ào gió thu".
"Chữ và vần Việt khoa học" của Nguyễn Bạt Tuỵ (1949): Năm 1949, Nguyễn Bạt Tụy viết sách Chữ và Vần Việt Khoa Học, rồi qua đó đưa ra một bản đề nghị sửa đổi cách viết chữ Quốc Ngữ. Bản đề nghị của ông dựa trên nguyên tắc ghi âm, lại dựa ở trên một số phát kiến quan trọng và mới mẻ, nhưng không thể thực hiện được trên thực tế, vì chữ viết không phải là những kí hiệu ngữ âm theo kiểu một bản phiên âm quốc tế.
Hội nghị thống nhất ngôn ngữ (1956): Đại hội Văn hoá toàn quốc tại Sài Gòn năm 1956 có một Uỷ ban Ngôn ngữ, cũng kiến nghị một chương trình sửa đổi một số cách viết về chữ quốc ngữ, nhưng rồi không có gì thay đổi.
Hội nghị cải tiến chữ Quốc Ngữ (1959): Tại Hà Nội, một hội nghị cải tiến chữ Quốc Ngữ được tổ chức năm 1959. Nhưng rồi, mọi bàn cãi sôi nổi cũng lại ngủ yên trên giấy tờ, vì cho rằng “tình hình chưa thuận tiện”, nên nhiệm vụ cải tiến chữ Quốc Ngữ phải gác lại.
Uỷ ban điển chế văn tự (1973): Những năm 1970, tại Sài Gòn có một cơ quan tên là Hội đồng Văn hoá Giáo dục. Về địa hạt ngôn ngữ, một Uỷ ban Điển chế văn tự được ra đời để cải tiến chữ quốc ngữ. Ảnh hưởng của Uỷ ban này chưa có gì đáng kể trong công chúng.
Sau năm 1975: Một hội nghị lớn bàn về vấn đề "chuẩn hoá" tiếng Việt liên tiếp được triệu tập trong những năm 1979. Theo đà làm việc đó, một số từ điển, chủ yếu là song ngữ, đã ra đời. Đã có cả một công trình Từ điển tiếng Việt do Viện Ngôn ngữ chủ biên. Tiếng Việt phát triển trong hoàn cảnh thuận lợi nhiều mặt như thế.
Sự thay đổi của bộ mặt chữ quốc ngữ từ khi ra đời cho đến nay đã chứng tỏ rằng các nhà hoạt động ngôn ngữ đã không quá bảo thủ hoặc hãnh tiến đến mức cố chấp.
Nhóm phóng viên