Thứ Hai, 21 tháng 8, 2017

20170821. PHẢN ỨNG TRƯỚC CHỦ TRƯƠNG TĂNG THUẾ GTGT

ĐIỂM BÁO MẠNG
TĂNG THUẾ GTGT SẼ NỚI RỘNG KHOẢNG CÁCH GIẦU NGHÈO

ĐÔNG HÀ/ NLĐ 19-8-2017

Tăng thuế GTGT sẽ nới rộng khoảng cách giàu nghèo - Ảnh 1.
Thuế GTGT tác động đến toàn dân nên cần được nghiên cứu kỹ trước khi quyết định điều chỉnh Ảnh: Tấn Thạnh
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh nhận định Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT bên cạnh việc giảm thuế thu nhập cá nhân là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân
Từ đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính, các chuyên gia đã phân tích những ảnh hưởng của ý định này đối với kinh tế - xã hội và cho rằng có thể có những cách tiếp cận khác thay vì nhắm đến chuyện tăng thuế.
Đánh vào người nghèo
Chuyên gia kinh tế Bùi Trinh cho rằng thuế GTGT là loại thuế gián thu, tức là doanh nghiệp (DN) đóng hộ người tiêu dùng. Như vậy, tăng thuế GTGT thì toàn dân sẽ phải gánh chịu mức tăng khi tiêu dùng tất cả sản phẩm hàng hóa, không phân biệt hàng sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Ảnh hưởng của thuế GTGT đối với GDP được tính theo công thức GDP = tổng giá trị gia tăng theo giá cơ bản + thuế GTGT. Việc tăng thuế GTGT nếu nhìn thoáng qua tưởng chừng có thể làm tăng GDP trong tức thời nhưng thực tế lại làm suy giảm nguồn lực của nền kinh tế ở những chu kỳ sản xuất sau. Vì tăng thuế GTGT sẽ dẫn đến chỉ số giá sản xuất (PPI) của nền kinh tế tăng lên khiến cho chỉ số giá tiêu dùng cũng tăng theo. Như vậy, thực chất GDP không tăng lên mà thậm chí giảm đi ở ngay chu kỳ sản xuất sau đó. Ở những chu kỳ sản xuất tiếp theo, tăng trưởng GDP chắc chắn sẽ khó khăn.
Đánh giá tác động ở góc độ người tiêu dùng, chuyên gia Bùi Trinh nhận định Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế GTGT bên cạnh việc giảm thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân. Vì tại Việt Nam, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người hằng tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp có xu hướng dãn ra. Năm 2010, mức chênh lệch là 9,2 lần nhưng đến năm 2014 lên 9,7 lần. Tăng thuế GTGT sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn và nới rộng thêm khoảng cách giàu nghèo.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhận định: "Thuế GTGT có tác động đến toàn dân, giống như vãi thóc cho đàn gà, gà to nhỏ đều ăn hết. Nên phải cân nhắc khi đánh thuế gián thu vì sắc thuế này không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu (thuế thu nhập DN - TNDN, thuế TNCN). Nâng vài phần trăm mức thuế là đã tác động rất lớn đến ngân sách, ngân sách có lợi, dễ thu, kết quả nhanh nhưng lại không có tác động tích cực đến DN và người dân vì sẽ khiến giá cả tăng, làm nhu cầu hàng hóa tiêu dùng giảm đi, đặc biệt là hàng hóa thiết yếu".
Xem lại mục đích tăng thuế
Ông Đinh Tuấn Minh, Giám đốc Công ty Nghiên cứu thị trường Marketintello, đánh giá lý do Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế là do nợ công tăng cao; thu ngân sách không đủ bù chi, phải tăng thuế để bù đắp thâm hụt. Nhưng tăng thuế GTGT cần đặt trong lộ trình tổng thể các giải pháp về thuế, cùng với đó phải giảm thuế trực thu. Giảm thuế TNDN để tạo sức cạnh tranh cho DN, còn giảm thuế TNCN để thu hút, giữ chân người tài. Thế giới đang có xu hướng chuyển sang giảm thuế TNDN, thuế TNCN chuyển sang thuế tiêu dùng. Việt Nam mặc dù gần đây đã giảm thuế TNDN, ở lần điều chỉnh này cũng giảm thuế TNCN nhưng chưa trở thành xu hướng. Việc này đòi hỏi Bộ Tài chính khi đề xuất tăng thuế GTGT phải đưa ra được lộ trình giảm các thuế trực thu để tính toán giảm được gánh nặng gì cho DN... Nếu tiếp cận theo cách này thì đề xuất tăng thuế GTGT của Bộ Tài chính có thể là một xu hướng tích cực. Nhưng tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách thì cần xem xét lại, phải đặt vấn đề giảm chi, đặc biệt là chi thường xuyên để giảm thâm hụt ngân sách, giảm áp lực nợ công. Khi đó, áp lực tăng thuế sẽ giảm. Thuế GTGT là nguồn thu tốt nhất trong các sắc thuế vì bất kể người nghèo hay giàu đều phải nộp thuế qua hành vi tiêu dùng và khả năng trốn thuế là thấp hơn so với các loại thuế khác. Theo tính toán của Bộ Tài chính, thuế GTGT chiếm khoảng 27%-28% tổng thu từ thuế và là mức thu cao nhất trong các sắc thuế, trên cả thuế TNCN, TNDN. "Rõ ràng là Bộ Tài chính cũng nhìn ra được hướng thu thuế GTGT có tính khả thi trong mục đích tăng thu ngân sách nhưng cần xem xét tính mục đích khi đưa ra đề xuất này" - ông Đinh Tuấn Minh kiến nghị.
Cũng cần lưu ý mọi chính sách cải cách thuế phải có lộ trình, khi đề xuất cần phân tích và thông báo rõ ràng cả về thời gian áp dụng để có đủ thời gian để điều chỉnh, không tác động mạnh đến sản xuất kinh doanh và người dân.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng thâm hụt ngân sách là căn bệnh kinh niên của Việt Nam do chi tiêu quá lớn. "Có lần làm việc với Thống đốc Singapore, tôi nêu câu hỏi về thâm hụt ngân sách thì ông bảo Việt Nam đã có 11 đoàn sang thăm trong 2 năm gần đây và cũng hỏi như vậy. Chi phí đi nước ngoài quá lớn, rồi còn tuyển dụng, đề bạt, cấp phòng có 80%-90% nhân sự là lãnh đạo thì ngân sách nào chịu nổi. Cơ cấu lại ngân sách nên đi theo hướng tiết kiệm chi" - ông Nghĩa nói. 
Việc tăng thuế GTGT sẽ làm giảm hiệu quả của các giải pháp kích thích tiêu dùng mà chính sách tiền tệ đang hướng tới. Như vậy, tăng thuế sẽ dẫn đến tình trạng chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa không phối hợp được với nhau.
(Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa)
Đề xuất giảm ít, tăng nhiều?
Theo tính toán của Công ty Chứng khoán TP HCM (HSC), nếu thuế GTGT các mặt hàng tăng thêm 2% có thể giúp ngân sách thu thêm 59.000 tỉ đồng, từ đó tăng tỉ trọng thu ngân sách từ thuế GTGT của Việt Nam lên 33%. Theo các chuyên gia, tỉ lệ này là quá cao. Đề xuất giảm thuế TNDN cho DN siêu nhỏ còn 15%, DN nhỏ và vừa còn 17% mà Bộ Tài chính đưa ra cùng thời điểm với tăng các loại thuế trên sẽ không mang lại nhiều tích cực, nhất là khi vẫn tăng thuế GTGT. "Mục đích của đề xuất này vẫn là nhằm tăng thu thuế và giảm sự phụ thuộc của Bộ Tài chính vào một số ít nguồn thu như hiện nay.
(Nguồn: Công ty Chứng khoán TP HCM)
Chuyên gia kinh tế Vũ Thành Tự Anh:
Có thể dung dưỡng cho "vung tay quá trán"
Thứ nhất, người tiêu dùng, bất kể thu nhập cao hay thấp, đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho cùng một sản phẩm chịu thuế. Song do người thu nhập thấp phải dành một tỉ trọng thu nhập lớn hơn cho tiêu dùng nên gánh nặng thuế họ phải chịu sẽ chiếm một tỉ trọng cao hơn so với thu nhập. Vì vậy, tăng thuế GTGT sẽ làm người thu nhập thấp bị tổn thương nhiều hơn nên khó được chấp nhận dưới góc độ công bằng.
Thứ hai, tỉ trọng đóng góp của thuế GTGT trong tổng thu ngân sách của Việt Nam hiện đã khá cao, cao hơn hẳn so với các nước EU - những nước có thuế suất GTGT thuộc nhóm cao nhất thế giới. Với thuế suất GTGT phổ thông hiện nay của Việt Nam là 10% nhưng đã chiếm tới 27,5% tổng thu ngân sách. Trong khi đó, thuế suất phổ thông trung bình của EU là 21,3% nhưng thuế GTGT cũng chỉ chiếm trung bình 21,4% tổng thu ngân sách của các nước EU.
Thứ ba, và quan trọng nhất, nguồn gốc của nợ công và thâm hụt ngân sách nặng nề ở Việt Nam không phải do thiếu khả năng huy động ngân sách mà chính là do hiệu quả chi ngân sách thấp, trong khi tỉ lệ chi ngân sách hiện đã rất cao, lên tới 28%-29% GDP. Việc tăng thuế GTGT để tăng thu ngân sách không những không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà còn tạo điều kiện và dung dưỡng cho việc chi ngân sách "vung tay quá trán" hay các dự án ngàn tỉ đắp chiếu và kém hiệu quả.
T.Hà - P.Nhung

TĂNG THUẾ GTGT- NGƯỜI NGHÈO THÊM OẰN VAI

PGS. TS NGUYỄN KHẮC QUỐC BẢO/ NGLĐ 20-8-2017
Mức tăng thuế 2% có thể tước đi bộ đồ mới của học sinh mùa tựu trường, bác xe ôm mất ly cà phê sáng, chị hàng rong trở về nhà muộn hơn, bữa cơm ở vùng cao ít đi chút thịt và chiếc áo mùa đông càng mỏng manh hơn…
Bộ Tài chính đã đề xuất lộ trình thực hiện việc tăng thuế GTGT theo nhiều phương án khác nhau nhưng nhìn chung là các mức thuế suất GTGT sẽ đồng loạt được điều chỉnh tăng với mức cao nhất là 12%, thậm chí có kịch bản lên đến 14% vào năm 2021.
Lập luận chưa thuyết phục
Các lý lẽ được Bộ Tài chính đưa ra cho việc tăng thuế là do mức thuế suất GTGT của nước ta hiện khá thấp, chưa phù hợp với thông lệ quốc tế. Thứ hai, tăng thuế là để bảo đảm sự công bằng giữa các ngành nghề, lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Thứ ba, khi nợ công tăng cao thì các quốc gia trên thế giới đều có xu hướng tăng thuế gián thu như thuế GTGT để bù đắp. Và cuối cùng thực hiện tăng thuế là để bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.
Tôi cho rằng đưa vấn đề này ra thảo luận ở thời điểm hiện nay khó đạt được sự đồng thuận và có nhiều luận điểm cần trao đổi lại để bảo đảm tính hiệu quả của chính sách tài khóa này.
Trước hết, Bộ Tài chính đã thiếu khách quan và công bằng khi so sánh mức thuế GTGT 10% hiện nay của Việt Nam với những quốc gia có thuế suất cao hoặc thậm chí là rất cao, như các nước đang phát triển của EU. Mục tiêu "theo thông lệ quốc tế" cũng cần được làm rõ là thông lệ quốc tế nào (!?). Bởi lẽ, ở những nước áp dụng thuế suất GTGT cao thường là các quốc gia phát triển, có thu nhập bình quân đầu người rất cao và chất lượng cuộc sống được bảo đảm bởi những dịch vụ công và phúc lợi xã hội rất tốt. Y tế, giáo dục có chất lượng cao; hệ thống giao thông hiện đại, tiện lợi và an toàn; phụ nữ khi sinh con được hưởng nhiều trợ cấp, trẻ em được nhà nước bảo hộ, nuôi nấng và dạy dỗ từ tiểu học đến hết phổ thông; người thất nghiệp thậm chí là vô công rỗi nghề cũng được trợ cấp để bảo đảm một cuộc sống cơ bản. Nói cách khác, họ đóng thuế cao nhưng được hưởng những lợi ích tương xứng với nghĩa vụ nộp thuế của mình.
Còn nếu nói tăng thuế GTGT để bảo đảm công bằng giữa các ngành nghề thì càng không thuyết phục, bởi vì bản chất mỗi ngành nghề đều có những đặc điểm và vai trò riêng biệt. Chính vì vậy, khái niệm "công bằng" thực sự là không tồn tại trong trách nhiệm về thuế của từng lĩnh vực. Tuy nhiên, để thay đổi chính sách điều tiết đối với các ngành nghề theo từng giai đoạn phát triển kinh tế khác nhau thì Chính phủ có thể điều chỉnh bằng các loại thuế trực thu đánh vào chi tiêu hoặc thu nhập của một lĩnh vực hoặc hàng hóa cụ thể, như thuế thu nhập hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, thuế GTGT là gián thu, tác động tổng thể lên mọi ngành nghề và lĩnh vực, mà cho rằng dùng thuế GTGT để bảo đảm công bằng thì e rằng là phi lý.

Tăng thuế GTGT - người nghèo thêm oằn vai - Ảnh 1.

Cuộc sống những người có thu nhập thấp sẽ khó khăn hơn khi thuế GTGT tăng Ảnh: HOÀNG TRIỀU

Bản chất của thâm hụt ngân sách và nợ công tăng cao ở Việt Nam và các nước có thuế suất GTGT cao là hoàn toàn khác nhau. Các quốc gia EU thậm chí rơi vào khủng hoảng nợ công do họ đã thực hiện chi tiêu ngân sách quá lớn cho an sinh xã hội và các khoản phúc lợi, thậm chí đến mức xa xỉ cho dân chúng nước họ. Vì vậy, khi các quốc gia này gánh chịu những cú sốc từ khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 khiến nền kinh tế xấu đi một cách đột ngột, dẫn đến các khoản thu ngân sách không còn đủ để bù đắp cho thâm hụt do chi tiêu quá lớn. Vì vậy, chính phủ các quốc gia này tăng thuế để thực hiện cân đối ngân sách là một việc làm có tính chất yêu cầu người dân chi trả nghĩa vụ thuế nhiều hơn để tiếp tục được thụ hưởng những phúc lợi xã hội tốt trong điều kiện kinh tế chung toàn cầu đang xấu đi. Trong khi đó, thâm hụt ngân sách lớn và nợ công tăng cao của Việt Nam xuất phát từ tính kém hiệu quả, lãng phí và thậm chí là tham nhũng trong sử dụng ngân sách và đầu tư công. Điều đó đồng nghĩa với việc tăng thuế GTGT để bù đắp nợ công là buộc người dân phải chi trả thêm để giải quyết cho những hậu quả không phải do họ gây ra và họ hoàn toàn không được thụ hưởng gì từ những nghĩa vụ tăng thêm của mình. Điều đó rõ ràng là không công bằng và không được đồng thuận.
Lập luận cuối cùng của việc tăng thuế GTGT để bảo đảm an ninh tài chính là khá mơ hồ. Trong khoa học kinh tế, mà cụ thể là lĩnh vực tài khóa hầu như không có khái niệm học thuật về an ninh tài chính. Thay vào đó là vấn đề chính sách tài khóa, nghĩa là Chính phủ phải tự cân đối giữa các nguồn thu từ thuế và phí để thực hiện các khoản chi của mình nhằm đạt mục tiêu cuối cùng là sự phát triển và thịnh vượng về kinh tế. Đó là một phần của khế ước xã hội được thỏa thuận giữa dân chúng và Chính phủ. Người dân đồng ý chi trả một nghĩa vụ cụ thể để được hưởng những hàng hóa và dịch vụ công mang lại bởi Chính phủ. Việc dùng khái niệm "bảo đảm an ninh tài chính" dễ dẫn đến tâm lý áp đặt lên người dân rằng đây là một vấn đề có tính bắt buộc liên quan đến an ninh quốc gia, trong khi bản chất vấn đề vừa được phân tích cho thấy không phải như vậy.
Đừng bắt người nghèo thắt lưng buộc bụng
Tăng 2% thuế GTGT là trực tiếp đánh vào sinh kế của hơn 93 triệu con người mà tác động mạnh nhất là lên những người có thu nhập thấp, bởi vì thuế GTGT có tính chất "lũy thoái". Dưới góc độ tiêu dùng thì mọi người bất kể nghèo hay giàu đều phải đóng cùng một mức thuế GTGT cho một hàng hóa hoặc dịch vụ chịu thuế. Tuy nhiên, do người nghèo hầu như phải dùng toàn bộ thu nhập của mình cho tiêu dùng nên xem như họ phải chịu một mức thuế có tỉ trọng rất lớn dựa trên thu nhập. Nói cách khác, đối với những người không đủ tiền để tiết kiệm và tích lũy thì thuế GTGT giống như thuế thu nhập đối với người nghèo. Vì vậy, tăng thuế suất lên chắc chắn sẽ khiến họ phải thắt lưng buộc bụng, gánh nặng mưu sinh thêm oằn trên vai.
Nhiều người sẽ lập luận rằng tăng thuế suất thêm 2% sẽ chẳng làm ai phải nhịn ăn và chết đói. Nhưng biết đâu, có thể con số 2% đó sẽ tước đi một bộ đồ mới của các em học sinh mùa tựu trường sắp đến, bác xe ôm mất ly cà phê sáng ở vỉa hè, chị hàng rong trở về nhà muộn hơn, bữa cơm ở các vùng cao ít đi chút thịt và chiếc áo mùa đông càng mỏng manh hơn. Vì vậy, xin những nhà hoạch định chính sách, khi đề xuất tăng thuế GTGT trước tiên hãy nghĩ đến những người nghèo. 
Không phải thời điểm thích hợp
Tăng thuế luôn là một tin tức "không vui" đối với công chúng và rõ ràng chọn thời điểm để công bố một tin tức như vậy khi tâm lý công chúng đang phải liên tục tiếp nhận quá nhiều những điều không vui là một ý tưởng kém về mặt truyền thông chính sách.
Người dân đang có tâm lý ngao ngán và lo lắng với các tin tức liên quan đến việc gia tăng chi phí sinh hoạt, như giá xăng, giá điện và hàng loạt loại thuế phí khác. Đặc biệt trong những ngày này, bức xúc của người dân liên quan đến trạm thu phí dự án BOT Cai Lậy - Tiền Giang càng làm gia tăng tâm lý phải gánh chịu thuế phí nặng nề của dân chúng. Thêm vào đó, là sự bất an về chất lượng cuộc sống liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, ô nhiễm môi trường, kẹt xe, nước sạch cùng với sự chưa an tâm của người dân về chất lượng giáo dục và y tế thì việc công bố lộ trình tăng thuế GTGT sẽ là một hành động đi ngược với hình ảnh và tâm huyết của một "Chính phủ kiến tạo, liêm chính và hành động".
Tăng thuế sẽ là một tín hiệu xấu cho các dự báo về triển vọng tăng trưởng kinh tế trong tương lai. Tin tức Chính phủ tăng thuế để bù đắp thâm hụt ngân sách và giải quyết nợ công sẽ tác động làm gia tăng lãi suất do cầu vốn vay tăng và điều này có thể sẽ tạo ra hiệu ứng lấn át của khu vực công lên khu vực tư nhân. Nghĩa là các hoạt động sản xuất và mở rộng kinh doanh của doanh nghiệp (DN) bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chi phí sản xuất tăng cao liên quan đến tăng thuế và lãi suất. Khi đó, chắc chắn DN sẽ chuyển hóa hoàn toàn phần chi phí tăng thêm này vào giá bán hàng hóa và dịch vụ. Sau đó là một chuỗi các hiệu ứng truyền dẫn lên mặt bằng giá cả chung của cả nền kinh tế.
Khi chi phí sản xuất của DN gia tăng cộng với việc người dân thu hẹp chi tiêu (do thuế, lãi suất và giá cả hàng hóa tăng) sẽ làm cho cơ quan điều hành chính sách tiền tệ lo ngại về rủi ro suy thoái kinh tế mà phải thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng một cách bị động và điều này sẽ tác động lên lạm phát kỳ vọng của công chúng. Lạm phát kỳ vọng tăng lại tiếp tục làm tăng lãi suất và cứ như vậy làm cho nền kinh tế có nguy cơ bị kéo vào vòng xoáy suy thoái.
*PGS-TS Nguyễn Khắc Quốc Bảo (Trưởng Khoa Tài chính Trường ĐH Kinh tế TP HCM)
TĂNG THUẾ Ồ ẠT, DÂN LÃNH ĐỦ
QUANG HUY /PL 20-8-2017
(PL)- Bộ Tài chính vừa đưa ra đề xuất điều chỉnh hàng loạt sắc thuế trọng tâm liên quan đến doanh nghiệp và người dân.
Trong đó, giá thành nhiều mặt hàng, dịch vụ dự kiến sẽ phải tăng lên khi thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt tăng. Người dân mua hàng, sử dụng dịch vụ sẽ phải gánh chịu khoản thuế này.
Nhiều cảnh báo việc tăng thuế VAT là giải pháp thiếu bền vững, kéo theo tác động xấu đến các loại thuế khác, tạo hiệu ứng domino kéo giảm tăng trưởng của nền kinh tế.
Phần giảm không bù được tăng
Dự án luật sửa đổi, bổ sung năm luật thuế đã được Bộ Tài chính đưa ra giới thiệu vào giữa tháng 8 mới đây đã làm “nóng” dư luận vì tác động rất lớn đến người dân, doanh nghiệp (DN) và nền kinh tế, đời sống xã hội.
người dân, DN ủng hộ việc đề xuất giảm các khoản thuế như TNCN, thu nhập DN và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các mặt hàng ảnh hưởng sức khỏe như bia rượu, nước giải khát và thuốc lá… Thế nhưng việc đề xuất tăng thuế VAT gặp nhiều phản ứng ngược lại.
Lý giải về đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính viện dẫn kinh nghiệm quốc tế cũng làm vậy khi nợ công tăng cao. Khi nợ công tăng cao, các nước cơ cấu lại thu ngân sách theo hướng tăng thuế gián thu (thuế VAT, tiêu thụ đặc biệt) để bù hụt thu từ giảm thuế thu nhập (thuế thu nhập DN, TNCN), ưu đãi thuế xuất nhập khẩu…

Tăng thuế ồ ạt, dân lãnh đủ - ảnh 1
Tăng thuế VAT lợi bất cập hại khi sức mua giảm khiến DN gặp khó. Ảnh: QH
“Quả bom” VAT ảnh hưởng nền kinh tế
Ông Châu Nhựt Trung, Giám đốc Công ty Huỳnh Gia Huynh Đệ, đề nghị nhà làm chính sách ra đường gặp DN, người dân tìm hiểu cuộc sống, hoạt động sản xuất của họ trước khi có đề xuất tăng thuế này nọ.
Ông Trung cho rằng nếu tăng thuế VAT, người tiêu dùng mua sắm ít lại, DN bán cho ai. Cộng thêm chi phí đầu vào sản xuất của DN tăng lên, thuế VAT đầu vào tăng thêm 10% lên 12%. Trong khi để làm được thủ tục hoàn thuế chật vật khiến số vốn của DN đọng lại nhiều hơn. Doanh thu giảm, buộc DN phải giảm sản xuất, khi đó giảm lao động, số thuế nộp cho Nhà nước cũng giảm.
Việc tăng thuế VAT còn ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của DN trong nước với DN nước ngoài.
Theo ông Nguyễn Đức Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam, đây là chính sách thụt lùi đi ngược lại tất cả các nước trên thế giới khi họ đang cố gắng giảm thuế VAT để kích cầu tiêu dùng, tăng sức cạnh tranh cho hàng sản xuất trong nước. Như các nước Trung Đông họ đã giảm thuế VAT xuống 5%, Ấn Độ cũng đang ở mức 10%, dự kiến sẽ giảm xuống. Trong khi sản phẩm Việt Nam nếu tăng lên 12% thì coi như nhường lại thị trường xuất khẩu cho các nước.
TS Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng:
Kéo giảm tăng trưởng kinh tế
Chính phủ vừa yêu cầu các ngân hàng tăng trưởng tín dụng lên đến 21%-22%, như vậy Chính phủ nhận ra rằng muốn tăng trưởng kinh tế thì phải đẩy tín dụng ra. Điều đáng lo ngại là việc tăng thuế VAT đã tác động tiêu cực đến DN, DN giảm vay, giảm lượng tín dụng lại, ảnh hưởng đến GDP của Việt Nam.
Tăng VAT loại thuế ảnh hưởng tới mỗi người dân, nó dẫn tới tác động dây chuyền, sức mua hàng hóa giảm thì DN rút lại quy trình sản xuất thì DN sẽ vay tiền ít hơn. Khi đó tác động rất lớn làm kéo giảm tăng trưởng kinh tế.
ĐỀ XUẤT TĂNG THUẾ VAT LÊN 12%: CHUYÊN GIA, DOANH NGHIỆP NÓI GÌ?
BẠCH DƯƠNG/ VnE 19-8-2017
Nhiều doanh nghiệp và chuyên gia lên tiếng về đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 của Bộ Tài chính...
Đề xuất tăng thuế VAT lên 12%: Chuyên gia, doanh nghiệp nói gì?

Bộ Tài chính đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019. Ảnh minh hoạ

Bộ Tài chính mới đây đã đề xuất tăng thuế VAT lên 12% từ năm 2019 với lý do mức VAT hiện tại 10% tương đối thấp, không phù hợp với thông lệ quốc tế, khó đảm bảo an toàn tài chính quốc gia. Phương án tăng thuế VAT này ngay lập tức nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ phía người dân, doanh nghiệp, chuyên gia kinh tế…

Doanh nghiệp lo người dân “thắt lưng buộc bụng"

Ông Phan Văn Hiệu, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Dược phẩm CVI, cho biết, nếu tăng thuế VAT thì các chi phí đầu vào sẽ tăng dẫn đến giá hàng hoá sẽ tăng theo. Về quy luật, VAT đánh vào người tiêu dùng, tức sẽ phải mua hàng hoá với giá đắt đỏ hơn. Song thực tế, doanh nghiệp sẽ chịu thiệt hại gián tiếp bởi người dùng họ chỉ nhìn vào giá trên bao bì, thấy giá cao quá thì họ tiết kiệm chi tiêu không mua nữa, từ đó ảnh hưởng đến doanh thu của công ty.

"Sau nhiều năm lâm vào khó khăn kinh tế, đa số doanh nghiệp vừa và nhỏ đang làm ăn rất khó khăn thậm chí là bế tắc. Người dân trong lúc thu nhập chưa tăng luôn có xu hướng tiết kiệm, chi tiêu một đồng cũng phải đắn đo suy nghĩ. Điều cần làm lúc này là chính sách thông thoáng, giảm các khoản thuế phải nộp để tạo ra môi trường kinh doanh dễ thở với khởi nghiệp, các doanh nghiệp đang hoạt động thì có thêm khoản lợi nhuận tốt để quay lại tái đầu tư, mở rộng hoạt động, mua công nghệ nâng cao sức cạnh tranh hàng hoá so với hàng ngoại”, ông Hiệu nói và khẳng định không có lý do nào thuyết phục về việc tăng thuế VAT.

Đặc biệt, ông Hiệu còn cho rằng việc tăng thuế lên cao trong bối cảnh không kiểm soát chặt chẽ thu thuế sẽ dẫn đến vấn nạn trốn thuế gia tăng.

“Khi thuế VAT tăng, các doanh nghiệp sẽ có xu hướng tìm cách lách thuế, trốn thuế. Cũng giống như đi ăn nhà hàng, khách có thể từ chối lấy hoá đơn để không phải chịu phần thuế VAT từ đó làm giảm nguồn thu của nhà nước. Cho nên, đánh thuế cao chỉ khổ những doanh nghiệp làm ăn tử tế, đóng thuế đầy đủ bởi sản phẩm làm ra không thể cạnh tranh với những doanh nghiệp lách thuế”, ông Hiệu nói.

 Ông Đặng Như Quỳnh, Giám đốc Công ty Cổ phần 999999999 - chuyên nhập khẩu các dòng xe ôtô sang cho biết với các doanh nghiệp nhập khẩu thì tăng thuế VAT tác động rất lớn đến giá cả hàng hoá bởi đây là loại thuế tính trên tổng của giá trị hàng hoá sau khi có thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt.

Ông Quỳnh lấy ví dụ, nhập khẩu một chiếc xe Lexus 570 với giá CIF về tới cảng 114.844 USD. Thuế nhập khẩu hiện là 51% tương ứng 58.570 USD, Thuế tiêu thụ đặc biệt là 130% tương ứng 225.438 USD. Thuế VAT được tính trên tổng giá CIF cộng với các loại thuế nhập khẩu và Thuế tiêu thụ đặc biệt tức là khoảng 10% của tổng 438.600 USD, tương đương 43.860 USD. Nếu tăng lên 12% thì mức VAT sẽ lên tới 52.632 USD, tương ứng giá xe Lexus 570 đến tay người tiêu dùng sẽ đội lên khoảng 8.772 USD.

Đó là chưa kể để chiếc xe lăn bánh trên đường, chủ xe phải đóng nhiều thứ khác như phí trước bạ 12%, biển số…

VAT là loại thuế đánh vào người tiêu dùng nên nếu tăng thuế giá cả hàng hoá sẽ tăng theo. Với các hàng hoá nhập khẩu thì VAT thì giá sẽ tăng với biên độ mạnh hơn.

Liên tục đề xuất tăng loạt các sắc thuế, gốc rễ vấn đề do đâu?

Không chỉ đề xuất tăng thuế VAT, Bộ Tài chính mới đây còn kiến nghị tăng loạt các sắc thuế như Tiêu thụ đặc biệt với các loại nước ngọt, trà, cà phê đóng lon theo dây chuyền; thuốc lá; tăng thuế với xe bán tải… Đặc biệt, trước đó đề tăng khung thuế bảo vệ môi trường với xăng từ mức 3.000 đồng lên 8.000 đồng/lít.

Trao đổi với VnEconomy, TS. Huỳnh Thế Du đến từ Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright, cho biết, so với các nước trong khu vực, gánh nặng thuế khóa ở Việt Nam đang rất nặng nề. Chi tiêu ngân sách đang rất lớn.

Năm 2016 tỷ lệ thu ngân sách/GDP chiếm tới 22,5%, cao hơn so với Singapore, Thái Lan, Indonesia, Hồng Kông, Hàn Quốc, Philippines, Maylaysia, Trung Quốc và chỉ thấp hơn so với Nhật Bản. Tỷ lệ chi ngân sách ở Việt Nam năm 2016 chiếm tới 28,3% GDP và cũng cao hơn một loạt các nước kể trên, chỉ thấp sau Nhật Bản

Ông Du cho rằng tỷ lệ này cho thấy gánh nặng thuế khoá nặng nề ảnh hưởng lớn tới người dân, doanh nghiệp và sức cạnh tranh trực diện của nền kinh tế. Đặc biệt, đối với doanh nghiệp vốn sức cạnh tranh đã yếu, việc tăng thuế sẽ làm sức cạnh tranh của hàng Việt.

“Người dân đang phải chịu gánh nặng thuế lớn so với thu nhập của họ, đặc biệt đóng thuế cao nhưng an sinh, phúc lợi xã hội vẫn chưa tốt. Việc nay tăng thuế này mai tăng thuế kia không giải quyết được gốc rễ của vấn đề mà phải làm sao cho bộ máy biên chế bớt cồng kềnh, cắt bỏ được bộ phận biên chế không hiệu quả, làm việc kém hiệu quả”, ông Du nói.

Ông Du khẳng định, việc cần làm hiện nay là tinh giản bộ máy và cắt giảm chi tiêu để hiệu quả hơn chứ không phải là tiếp tục tăng thuế và tăng các nguồn thu, nhất là loại thuế đánh vào người nghèo, có tính lũy thoái như thuế VAT.

"Nhà nước kiến tạo là một nhà nước phải hiệu quả, giúp cho đời sống của người dân dễ chịu hơn, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp dễ dàng hơn chứ không phải ngày càng tạo thêm gánh nặng cho người dân và doanh nghiệp, nhất là những người có vị thế bất lợi hơn trong xã hội”, TS. Huỳnh Thế Du nêu quan điểm.

TS. Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển kinh doanh, cho rằng, VAT là thuế gián thu, đánh trực tiếp vào hàng hoá, đương nhiên sẽ làm giá hàng hóa tăng lên, ảnh hưởng tới người tiêu dùng. Đồng thời tác động ngược trở lại doanh nghiệp, làm sức cạnh tranh của doanh nghiệp giảm đi".

Vị chuyên gia cho rằng, việc tăng thuế VAT sẽ làm tăng thu ngân sách mà lại dễ thực hiện nhất bởi "cứ có hóa đơn bán hàng là thu" nhưng cần cân nhắc bởi không có tác dụng điều chỉnh theo thu nhập, hỗ trợ người nghèo, điều chỉnh xã hội như thuế trực thu.

"Các nước đều hạn chế thuế gián thu, một số ít đánh thuế 10%, một số 5%, có nước như nhiều bang tại Mỹ không thu. Tuy nhiên, VAT có tác động tới hàng hoá, ngay trực tiếp tới người tiêu dùng, thậm chí là người nghèo bị ảnh hưởng nhiều hơn. Ví dự như người nghèo thu nhập 6 triệu đồng thì dành tới 4 triệu đồng chi tiêu ăn uống tiêu dùng, tỷ lệ thuế sẽ cao trong khi với người giàu thu nhập 100 triệu đồng, chỉ dành 20% tiêu dùng thôi", ông Nghĩa nói.

TĂNG THUẾ VAT: MÓC TÚI NGƯỜI NGHÈO CHIA CHO NGƯỜI GIẦU!

THIỀN LÂM/ BVN 19-8-2017
Linh cảm quá xấu của người dân về một “chế độ móc túi” chẳng còn là trừu tượng. Tháng Tám năm nay, cơ quan tham mưu đắc lực cho Chính phủ về các chính sách “thu cùng diệt tận” là Bộ Tài chính đã “phát minh” tiếp cơ chế tăng thuế sử dụng đất và VAT (giá trị gia tăng), cùng hàng loạt sắc thuế khác…
Vietnam – Cali Today News – Một chuyên gia ngành tài chính đánh giá việc Bộ Tài chính tăng thuế VAT dù từ 5% lên 6%, 10% lên 12% nhưng thực chất là tăng tới khoảng 20% số tiền phải đóng thuế so với trước. Tức người dân sẽ phải bỏ ra 1,2 triệu đồng để mua một món hàng thay vì chỉ 1 triệu đồng như hiện nay.
Linh cảm quá xấu của người dân về một “chế độ móc túi” chẳng còn là trừu tượng. Tháng Tám năm nay, cơ quan tham mưu đắc lực cho Chính phủ về các chính sách “thu cùng diệt tận” là Bộ Tài chính đã “phát minh” tiếp cơ chế tăng thuế sử dụng đất và VAT (giá trị gia tăng), cùng hàng loạt sắc thuế khác được “nâng lên một tầm cao mới” hay “thế nước đang lên”- nói theo từ ngữ của giới tuyên giáo Đảng.
Theo cụm từ “cái chết đúng quy trình” mà tác giả là Bộ Tài chính với viện dẫn “thuế VAT ở nước ta còn thấp” và “tăng thuế VAT là nhằm bảo đảm an toàn tài chính”, từ ngày 1 tháng Giêng năm 2019, hàng chục triệu người dân sẽ bị ảnh hưởng tiêu cực túi tiền còm cõi khi thuế VAT tăng lên 12%.
VAT là một loại thuế gián thu, tiền thuế được cấu thành trong giá cả hàng hóa và dịch vụ, người tiêu dùng là người cuối cùng chịu thuế, người nộp thuế chỉ là người thay thế người tiêu dùng thực hiện nghĩa vụ nộp thuế cho Nhà nước. Thuế giá trị gia tăng có phạm vi tác động rộng, đánh vào hầu như tất cả hàng hóa dịch vụ trên thị trường.
Thuế gián thu (trong đó có thuế VAT) lại chiếm tới 50% tổng thu ngân sách. Ngay sau kế hoạch tăng thuế VAT của Bộ tài chính, Công ty chứng khoán TP.HCM ước tính thuế giá trị gia tăng tăng 2% sẽ giúp ngân sách có thêm 59.000 tỷ đồng, từ đó tỷ trọng thuế giá trị gia tăng trong thu ngân sách sẽ tăng lên khoảng 33%.
Khi đó, người tiêu dùng cứ mua một sản phẩm nào đó là phải trả thêm một khoản “chênh lệch” lớn. Số tiền này không thuộc về người bán hàng mà chui vào ngân khố quốc gia dùng để chi xài cho chế độ.
Việc tăng thu thuế VAT sẽ làm dịu cơn đói khát của ngân sách trong thời buổi “loạn lạc”. 59.000 tỷ đồng tăng thêm chiếm khoảng 5% dự toán thu ngân sách năm 2017, là một số tiền rất đáng kể.
Mới đây, chính quyền còn tăng thuế sử dụng đất lên gấp 3 – 4 lần và đang “thí điểm” tại Sài Gòn. Con số thu thuế sử dụng đất vào những năm trước vào khoảng 100.000 tỷ đồng, và con số dự kiến thu được trong tương lai nếu đồng loạt tăng thuế sử dụng đất ở các tỉnh thành sẽ gấp ít ra vài ba lần như thế.

clip_image002
Ảnh: Youtube.
Hiện tượng Bộ Tài chính buộc phải tăng nhiều sắc thuế đánh vào đầu dân là có thể dự đoán trước, và hiện tượng này càng cho thấy rõ ràng hơn bao giờ hết tình trạng cực kỳ khốn quẫn của ngân sách.
Nếu không tăng thuế sẽ chắc chắn dẫn đến tình trạng không biết đài đâu ra tiền để “chi thường xuyên” cho đội ngũ công chức lên đến gần 3 triệu nhân mạng, trong đó có lực lượng nửa triệu quân nhân kiên định “bám bờ” và ba chục vạn công an ăn tiền đóng thuế của dân để bóp nghẹt tất cả các quyền căn bản của dân.
Với ông Bùi Trinh – một chuyên gia kinh tế độc lập, tăng VAT tức là toàn dân sẽ phải gánh chịu khi tiêu dùng bất kể sản phẩm gì dù là sản xuất trong nước hay nhập khẩu. Tăng VAT mà giảm thuế thu nhập là một hình thức đứng về phía người giàu, chia nghĩa vụ thuế lên vai toàn dân. Việc tăng thuế này sẽ khiến người nghèo càng nghèo hơn, khoảng cách giàu nghèo cũng vì thế mà cách xa hơn.
Mới đây, báo Tuổi Trẻ minh họa trường hợp một người dân thường là chị Hương. Người dân này tính: tiền điện mỗi tháng gia đình trả khoảng 550.000 đồng, trong đó gồm cả khoản thuế VAT là 50.000 đồng.
Còn tiền nước là hơn 200.000 đồng (nước có thuế suất VAT 5%). Nếu tới đây thuế VAT với điện và nước tăng theo đề xuất của Bộ Tài chính, riêng hai khoản này chị sẽ phải trả thêm khoảng 12.000 đồng.
Nhưng vấn đề là gần như sản phẩm nào cũng phải nộp thuế VAT, từ cáp truyền hình, Internet, tiền sữa, dịch vụ giáo dục, khám chữa bệnh…
Thuế VAT tăng nghĩa là từng bó rau, con cá cũng tăng, thậm chí cả những đồ dùng thiết yếu trong nhà như gạo, đường, nước mắm, muối, giấy vệ sinh, điện thoại, xăng xe…
Nhẩm riêng tiền sữa một tháng khoảng 2,2 triệu đồng, chị Hương nhận định từng khoản nộp thêm do tăng thuế VAT nhỏ nhưng cộng lại sẽ là một khoản to…
Tâm trạng chung của chị khi nghe tăng thuế là lo giá cả sẽ “té nước theo mưa”. Giả sử hàng hóa chỉ tăng bằng mức tăng thuế, mỗi tháng gia đình chị có thể tốn thêm cả triệu đồng.
“Mọi thứ đều tăng thì lấy gì bù vào? Chắc chỉ có nước thắt lưng buộc bụng” – người dân chua xót.
Tuy nhiên khi mưu toan tăng thuế đánh vào đầu dân, “Đảng và Nhà nước ta” mới chỉ nhìn thấy “tiền vào” mà chưa thấy “tiền ra”. Những hệ lụy đương nhiên của việc tăng thuế VAT là người mua sẽ phải tiết kiệm hơn, mua hàng rẻ hơn, do đó khâu tiêu thụ và kéo theo sản xuất sẽ yếu hơn, đặc biệt đối với những loại hàng cao cấp. Nền kinh tế vốn đang suy thoái sẽ càng suy thoái hơn, kéo theo khả năng thu thuế không những “đạt kế hoạch” mà còn trở nên tệ hại hơn.
T.L.
VNTB gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét