Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2017

20170805. BÀN VỀ MỨC LƯƠNG TỐI THIỂU

ĐIỂM BÁO MẠNG
LƯƠNG TỐI THIỂU: CẦN ĐẶT ĐẦU BÀI ĐÚNG

VÕ ĐÌNH TRÍ */ TBKTSG 4-8-2017

 
Một khu chợ tự phát phục vụ công nhân sau giờ tan ca. Ảnh: THÀNH HOA
(TBKTSG) - Như đến hẹn, những tranh luận về lương tối thiểu nên tăng bao nhiêu là hợp lý trong cuộc họp Hội đồng Tiền lương quốc gia lại được xới lên.
Kết thúc cuộc họp hôm 28-7, đại diện Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam (TLĐLĐ) đề xuất tăng 8% (mức đề xuất trước khi vào đàm phán là 13,3%), còn đại diện Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chỉ muốn tăng 5% (mức trước khi đàm phán là 1-2%). Tuy nhiên, đầu bài cho bài toán lương tối thiểu dường như vẫn chưa đúng, và vì thế khó tìm được lời giải cho phù hợp.
Tiền lương tối thiểu phải đáp ứng được mức sống tối thiểu chấp nhận được chứ không phải mức sống tối thiểu “chịu đựng”
Theo điều 91 Luật Lao động hiện hành, mức lương tối thiểu phải đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của người lao động và gia đình họ. Tuy vậy, định nghĩa và cách tính mức sống tối thiểu như hiện nay vẫn chưa rõ ràng, vì dù có tương đối đầy đủ các khoản mục nhu cầu thiết yếu thì chất lượng của các khoản mục này vẫn còn bỏ ngỏ.
Các nhu cầu tối thiểu như ăn, ở, quần áo, chăm sóc y tế, nuôi dạy con, đi lại, hoạt động văn hóa xã hội luôn là căn cứ để tính mức sống tối thiểu, từ đó xác định mức lương tối thiểu. Không những thế, để có được những nhu cầu thiết yếu này, người lao động không cần phải đánh đổi những giá trị khác như nhân phẩm hay lao động quá sức.
Các nghiên cứu thông qua khảo sát của TLĐLĐ chỉ dựa chủ yếu trên các mẫu là công nhân nên có thể chưa chính xác trong việc xác định đúng nhu cầu và mức độ hài lòng của công nhân. Chẳng hạn đối với rất nhiều công nhân, chỗ ở chỉ là nơi ngả lưng, tránh được nắng mưa mà họ không biết rằng chỗ ở phải đáp ứng được diện tích tối thiểu cho từng người, phải đảm bảo an toàn về sức khỏe và vệ sinh.
Nhu cầu về ăn uống cũng vậy, điều kiện tối thiểu không phải là lấp đầy bụng đến buổi ăn mà phải đảm bảo dinh dưỡng cần thiết cho tái tạo sức lao động, không ăn uống các thực phẩm biết là độc hại và ảnh hưởng đến sức khỏe về sau. Nhưng vì không biết hay không đủ khả năng chi trả cho nhu cầu ăn uống tối thiểu như nó cần phải có mà người lao động phải chịu đựng.
Việc tính toán mức sống tối thiểu còn có thể tính không đủ về yêu cầu tối thiểu của chăm sóc y tế, và các hoạt động văn hóa xã hội. Mặc dù có bảo hiểm y tế nhưng chi phí thực tế cho thuốc men, khám chữa bệnh, chăm sóc răng, mắt đối với rất nhiều người lao động là rất lớn, khiến cho những nhu cầu này trở nên xa xỉ. Các hoạt động văn hóa xã hội như giải trí, du lịch đối với công nhân cũng rất hạn chế và nghèo nàn. Nhiều khảo sát cho thấy việc tăng ca liên tục của công nhân để cải thiện thu nhập khiến họ quên đi nhu cầu về văn hóa và giải trí.


Lấy ví dụ Vương quốc Anh, tỷ trọng chi tiêu trong thu nhập tối thiểu (khoảng 776 bảng/tháng) của một hộ gia đình gồm hai vợ chồng và hai con nhỏ được phân bổ đều hơn, 5/7 khoản mục có tỷ trọng từ 10% trở lên. Nếu so với Việt Nam thì cũng là các chi tiêu tối thiểu nhưng đa số tập trung vào tiền nhà và thực phẩm, và nuôi con.
Xác định mức sống tối thiểu chấp nhận được và tiền lương tối thiểu
Đồng ý rằng mỗi quốc gia, địa phương có mức sống khác nhau nhưng luôn có một tham chiếu cho mức sống tối thiểu chấp nhận được ở từng khu vực. Phương pháp tham chiếu được dùng trong nhiều lĩnh vực, khi chọn một chủ thể có nhiều điểm tương đồng và từ đó lấy làm gốc để so sánh. Trường hợp mức sống tối thiểu chấp nhận được ở Việt Nam, theo quan sát của người viết, có thể dùng mức sống tối thiểu (chi tiêu) của các công chức cấp thấp nhất ở cấp xã trong cùng khu vực tiền lương tối thiểu (hiện có bốn khu vực).
Dựa vào mẫu quan sát chi tiêu cho các nhu cầu tối thiểu của nhóm lao động này và có điều chỉnh nếu cần thiết, sẽ có được một tham chiếu cho yêu cầu mức sống tối thiểu chấp nhận được và từ đó tính được mức lương tối thiểu.
Việc tính toán tiền lương tối thiểu dựa trên mức sống tối thiểu chấp nhận được sẽ vấp phải trở ngại khi tiền lương và thu nhập thực tế của đa phần công chức, viên chức chênh lệch nhau khá lớn ở Việt Nam. Trong khi đó, ở rất nhiều nước, thu nhập thực tế của người lao động (gồm cả công chức viên chức) không khác bao nhiêu với tiền lương. Khi tính đúng, tính đủ, lương tối thiểu chắc chắn sẽ cao hơn, và sẽ đặt ra bài toán mới cho ngân sách chính phủ. Để giải quyết vấn đề này, các giải pháp liên quan đến minh bạch, chống tham nhũng, nâng cao hiệu quả làm việc cán bộ, công chức, viên chức sẽ được áp dụng.
Lương tối thiểu tính đúng, tính đủ cũng sẽ tạo áp lực cho các doanh nghiệp khi cho rằng chi phí đầu vào sẽ tăng. Tuy nhiên, chi phí lao động là một trong những chi phí quan trọng cần được tính đủ, nếu muốn giảm chi phí để tăng sức cạnh tranh thì còn nhiều giải pháp khác. Chẳng hạn, giảm chi phí bôi trơn, tăng năng suất lao động, tổ chức quy trình lao động hiệu quả.
Như vậy, việc tính toán đủ và đúng mức sống tối thiểu chấp nhận được sẽ là căn cứ xác định mức lương tối thiểu phù hợp với thực tế cuộc sống. Đây có lẽ là đầu bài đúng cho bài toán tiền lương tối thiểu.
(*) TS, giảng viên Đại học Kinh tế TPHCM và IPAG Business School Paris, Hội Khoa học và Chuyên gia (AVSE).



TĂNG LƯƠNG TỐI THIỂU KHÔNG NÊN LÀM ĐẠI TRÀ
BÙI TRINH/ TBKTSG 6-8-2017
(TBKTSG) - Để nền kinh tế phát triển lành mạnh, việc tối quan trọng là tăng năng suất lao động, nhưng trước mắt cần tăng thu nhập (lương) cho người lao động ít nhất bằng với mức lạm phát.
Tại sao cần tăng lương?
Số liệu từ bảng I/O mới nhất của Việt Nam do Tổng cục Thống kê công bố cho thấy thu nhập từ sản xuất trong giá trị tăng thêm chỉ bằng 94% tiêu dùng cuối cùng. Về nguyên tắc, thu nhập từ sản xuất bao gồm bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), bảo hiểm y tế (BHYT), kinh phí công đoàn (34% tổng quỹ lương thực lĩnh). BHXH, BHTN, BHYT đã được người lao động và người về hưu sử dụng (tiêu dùng), nếu loại trừ kinh phí công đoàn thì thu nhập từ sản xuất chỉ còn 92% tiêu dùng cuối cùng.
Để có thể tiêu dùng và một phần để dành (savings), người dân cần một lượng thu nhập từ ngoài sản xuất, từ sở hữu và chuyển nhượng từ các khu vực thể chế khác để bù đắp cho khoảng thiếu hụt đó. Trong giai đoạn trước, tỷ lệ này còn thấp hơn nữa. Như vậy, có thể thấy về tổng thể đa số người lao động Việt Nam làm còn chưa đủ chi tiêu dùng cuối cùng, để dành của khu vực hộ gia đình cơ bản đến từ chuyển nhượng từ các khu vực thể chế khác (kiều hối là một phần trong đó). Cơ hội có được thu nhập từ ngoài sản xuất của hầu hết người lao động là không nhiều, chênh lệch thu nhập bình quân đầu người/tháng của nhóm thu nhập cao so với nhóm thu nhập thấp năm 2010 là 9,2 lần, năm 2012 là 9,4 lần và 2014 là 9,7 lần.
Nếu không tăng lương, đa số người lao động sẽ rất khó khăn, trong khi tiêu dùng phụ thuộc vào thu nhập, việc giảm sút tiêu dùng có thể dẫn đến sự giảm sút về tăng trưởng GDP.
Nhưng tăng lương cũng có nhiều mặt trái
Phân tích theo các nhân tố cấu thành giá trị gia tăng theo giá cơ bản, bao gồm thu nhập của người lao động từ sản xuất, thặng dư sản xuất thuần (không bao gồm khấu hao tài sản cố định), cho thấy tỷ lệ thu nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần tăng nhanh từ 63% năm 2000 lên 67% năm 2007 và giai đoạn hiện nay vào khoảng trên 80%. Điều này có nghĩa là nếu như năm 2000 có 1 đồng giá trị gia tăng sẽ có 0,37 đồng thặng dư thì đến giai đoạn hiện nay, có 1 đồng giá trị gia tăng chỉ còn 0,2 đồng thăng dư.
Việc tăng lương không gắn liền với tăng năng suất lao động sẽ khiến thặng dư của các doanh nghiệp giảm đi. Nói cách khác, tăng lương không dựa vào tăng năng suất sẽ khiến nguồn lực của nền kinh tế nhỏ lại ở những chu kỳ sản xuất sau, khi thặng dư của doanh nghiệp ngày một nhỏ lại dẫn đến việc đầu tư mở rộng sản xuất gặp khó khăn do không đủ khả năng tích lũy.
Ngoài ra, khi hệ số co giãn về lao động tăng cao, nền kinh tế phải cần một lượng vốn rất lớn mới có thể có được tăng trưởng. Đây là một trong những nguyên nhân khiến khối doanh nghiệp tư nhân trong nhiều năm qua không thể phát triển (giá trị gia tăng đóng góp vào GDP chỉ loanh quanh ở mức 7-8%).
Tuy nhiên, hệ số này ở các ngành là không giống nhau. Hầu hết nhóm ngành chế biến, chế tạo có hệ số thu nhập từ sản xuất so với giá trị gia tăng thuần rất cao, hệ số thặng dư rất thấp, nên nếu quyết định tăng lương không từ năng suất (quyết định hộ doanh nghiệp) ở những ngành này sẽ làm doanh nghiệp càng thêm khó khăn. Nhưng ngược lại, một số ngành lại có hệ số co giãn về thặng dư rất cao, như nhóm ngành xây dựng, kinh doanh bất động sản, khách sạn, nhà hàng...
Điều đó cho thấy việc quyết định tăng tiền lương tối thiểu vùng không nên làm đồng loạt đại trà mà cần tính toán ký lưỡng cho các nhóm ngành khác nhau, thậm chí nên nghiên cứu cho các nhóm ngành trong một vùng.

Khi nhận thức của xã hội được nâng lên, tốt nhất hãy để doanh nghiệp tự cân nhắc, quyết định việc tăng lương dựa trên hiệu quả sản xuất và nguồn nhân lực của họ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét