Cũng theo "vị khách" đó, “nếu một cơ thể mà không tự chuyển biến, tự diễn biến, thì đó là một cơ thể chết. Xã hội cũng vậy, một xã hội muốn phát triển phải tự vận động và trong quá trình vận động đương nhiên phải có chuyển biến”. Lập tức ý kiến trên và những quan điểm tương tự  được các hãng thông tấn, báo chí: VOA, RFA CNN, You Tube (Google) và nhiều trang mạng như "vớ được vàng", lập tức tung hô, tán thưởng. Có người còn cho rằng, làm gì còn đổi mới, làm gì còn Mác - Lê-nin, làm gì còn xã hội xã hội chủ nghĩa, “Đảng cộng sản Việt Nam đang tự diễn biến, tự chuyển hoá".
Vậy, bản chất tư tưởng chính trị nói trên (đồng nhất giữa tự diễn biến, tự chuyển hóa với đổi mới…) là gì? Sự khác biệt giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" với đổi mới như thế nào? Và cuối cùng, công tác tư tưởng, lý luận và báo chí cần làm gì để giữ vững tư tưởng đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa?
Trước hết, bản chất tư tưởng chính trị nói trên (phủ nhận tư tưởng đổi mới, đồng nhất giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hoá" với đổi mới) là gì?
Cuộc khủng hoảng sụp đổ bộ phận lớn và quan trọng nhất của hệ thống xã hội xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô, các nước Đông Âu những năm 1985-1991 đặt sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vào một tình huống vô cùng khó khăn. Đại hội VI (năm 1986) của Đảng quyết định thay đổi đường lối chính trị-kinh tế, chuyển đổi mô hình xây dựng đất nước từ mô hình cũ của chủ nghĩa xã hội (với nhà nước chuyên chính vô sản, kinh tế kế hoạch hóa…) sang xây dựng đất nước theo mô hình mới của chủ nghĩa xã hội (với nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường có sự quản lý của Nhà nước).
Với bản chính trị vững vàng và kinh nghiệm thực tiễn phong phú, chứng kiến cuộc khủng hoảng sụp đổ của Liên Xô, các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu, Đảng Cộng sản Việt Nam sớm nhận thấy nhiều nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, đặc biệt là nguy cơ xa rời con đường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy, Hội nghị Trung ương 6 (khóa VI) đề ra các nguyên tắc đổi mới, trong đó có hai nguyên tắc then chốt: Một là, “Chủ nghĩa Mác -Lê-nin (sau này được Đảng ta bổ sung thêm tư tưởng Hồ Chí Minh) là nền tảng tư tưởng của Đảng, chỉ đạo toàn bộ sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta"; hai là, "Sự lãnh đạo của Đảng là điều kiện quyết định thắng lợi sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc". Bước sang nhiệm kỳ Đại hội VII, tại Hội nghị giữa nhiệm kỳ (tháng 1-1994) Đảng Cộng sản Việt Nam chỉ ra 4 nguy cơ đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, gồm: Tụt hậu xa hơn về kinh tế; chệch hướng xã hội chủ nghĩa; nạn tham nhũng và các tệ nạn xã hội; âm mưu và hành động “diễn biến hòa bình” của các thế lực thù địch.
Đúng như dự báo của Đảng Cộng sản Việt Nam về nguy cơ “chệch hướng xã hội chủ nghĩa”, trong thập kỷ qua đã có nhiều biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" ngay trong nội bộ Đảng và hệ thống chính trị xã hội. Trước Đại hội XI (tháng 1-2011) và Kỳ họp thứ 6 (28-11-2013) Quốc hội khóa XIII thông qua Hiến pháp 2013, một số cá nhân và nhóm xã hội mạng lâm thời, trong đó có nhiều cán bộ, đảng viên cũ(1), nhóm “ Kiến nghị 72” kiến nghị: “Xóa bỏ Điều 4 Hiến pháp 2013 (về vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam), chấp nhận “cạnh tranh chính trị”. Đồng thời, nhóm này “kiến nghị” phi chính trị hóa quân đội, họ viết rằng: “Lực lượng vũ trang phải trung thành với Tổ quốc và nhân dân chứ không phải trung thành với bất kỳ tổ chức nào…”.
Nhóm “Thư ngỏ 61”, (sau đó là “nhóm 127”) kiến nghị với Bộ Chính trị: “chủ động thay đổi Cương lĩnh, từ bỏ đường lối sai lầm về xây dựng chủ nghĩa xã hội, chuyển hẳn sang đường lối dân tộc và dân chủ,…”. Nhóm này còn kiến nghị thay đổi đường lối quốc phòng-an ninh: “Quan điểm “không liên minh với nước nào nhằm chống nước thứ ba” là tự trói buộc mình, không phù hợp với thực tế, cần phải thay đổi…”.
Tóm lại, quan điểm chính trị phủ nhận đường lối đổi mới, đồng nhất quan điểm đối mới với "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" là thể hiện sự dao động chính trị, về bản chất phủ nhận con đường xã hội chủ nghĩa, đặc biệt là phủ nhận vai trò lãnh đạo, cầm quyền của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đối với cán bộ, đảng viên, điều này cũng có nghĩa là họ đã làm trái với Điều lệ và các quy định của Đảng.
Thứ hai, sự khác biệt giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với đổi mới là gì?  
Không phủ nhận rằng, về mặt triết học, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" và đổi mới đều là sự vận động của xã hội. Tuy nhiên lấy sự vận động nói chung của xã hội để che dấu sự khác biệt giữa các xu hướng chính trị, đặc biệt là sự khác biệt giữa đường lối đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam với tư tưởng cơ hội về chính trị, từ bỏ con đường xã hội chủ nghĩa chuyển sang con đường tư bản chủ nghĩa, theo mô hình ngoại nhập phương Tây chỉ là một thủ đoạn chính trị. Sự khác biệt giữa "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" với đường lối đổi mới là ở hai xu hướng chính trị trái chiều: Tư tưởng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" thúc đẩy xã hội theo con đường tư bản chủ nghĩa. Còn đổi mới là tư tưởng chính trị, kiên định con đường xã hội chủ nghĩa. Tất nhiên sự kiên định này không đồng nghĩa với chủ nghĩa giáo điều mà là sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh vào điều kiện dân tộc trong thời đại ngày nay.
Để nhận thức đúng, cụ thể những biểu hiện của tư tưởng "tự diễn biến", "tự chuyển hóa", Nghị quyết Trung ương 4 ( khóa XII) xác định rõ các tiêu chí sau: (1) “Phản bác, phủ nhận Chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh”...; “đòi thực hiện “đa nguyên, đa đảng”; (2) “Phản bác, phủ nhận nền dân chủ xã hội chủ nghĩa”, “đòi thực hiện thể chế “tam quyền phân lập”, phát triển “xã hội dân sự”…; (3) “Nói, viết, làm trái quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; (4) “Kích động tư tưởng bất mãn, bất đồng chính kiến, chống đối trong nội bộ…; (5) “Phủ nhận vai trò lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với lực lượng vũ trang;… (6) “Móc nối, cấu kết với các thế lực thù địch,… (7) “Đưa thông tin sai lệch, xuyên tạc đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước; … (8) “Phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, văn học-nghệ thuật…; (9) “Có tư tưởng dân tộc hẹp hòi, tôn giáo cực đoan. …”…
Thứ ba, công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí phải làm gì để giữ vững tư tưởng đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa?
Để thực hiện đường lối đổi mới, các văn kiện của Đảng Cộng sản Việt Nam xác định nhiều biện pháp, từ tư tưởng, chính trị đến tổ chức thực tiễn và công tác xây dựng Đảng. Với chức năng, nhiệm vụ cụ thể, công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí trong bối cảnh chính trị xã hội ngày nay có vai trò hết sức quan trọng. Để giữ vững tư tưởng đổi mới công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí phải tiếp tục làm sáng rõ những thành quả của cách mạng có tính thời đại của dân tộc. Chẳng hạn cuộc Cách mạng Tháng Tám 1945, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã giành lại độc lập dân tộc, xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, đưa dân tộc Việt Nam tiếp cận các giá trị chung của nền văn minh nhân loại. Các cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược không chỉ bảo vệ độc lập dân tộc mà trở thành ngọn cờ giải phóng cho các dân tộc thuộc địa trên thế giới. Vì lẽ đó, sự nghiệp cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đã rút ngắn con đường tiến hóa của dân tộc Việt Nam cả một thời đại.
Công cuộc đổi mới hơn 30 năm qua do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo đạt những thành tựu to lớn được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Từ một nền kinh tế nông nghiệp lạc hậu với 90% dân số làm nông nghiệp, Việt Nam đã xây dựng được cơ sở vật chất, kỹ thuật, hạ tầng kinh tế-xã hội từng bước đáp ứng sự nghiệp CNH, HĐH. Thu nhập bình quân đầu người tăng từ 1.900USD (năm 2013) lên 2.215USD (năm 2016). Các quyền con người, trong đó có quyền dân sự, chính trị, nhất là quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet ở Việt Nam được bảo đảm ngày càng tốt hơn. Hiện có khoảng 50 triệu người Việt Nam sử dụng internet, chiếm 52% dân số. Riêng số người sở hữu tài khoản facebook lên tới 35 triệu người, bằng hơn 1/3 dân số, trong đó 21 triệu người truy cập hằng ngày thông qua thiết bị di động. Bởi vậy, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc Điều hành Google tại Đông Nam Á và Ấn Độ Rajan Anandan đã khẳng định: “Việt Nam là nước có thị trường internet năng động nhất thế giới. Thị trường duy nhất có số người dùng internet nhiều hơn số người không dùng”
Để thống nhất về tư tưởng chính trị trong Đảng và xã hộicông tác tuyên truyền, lý luận, báo chí ngày nay cần làm rõ: Đảng Cộng sản Việt Nam luôn luôn đặt lợi ích của quốc gia, dân tộc lên trên hết. Công tác xây dựng Đảng hiện nay cũng hướng theo tư tưởng đó. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) lấy nhiệm vụ “ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ cũng nhằm bảo đảm sứ mệnh lịch sử của Đảng là lãnh đạo sự nghiệp xây dựng đất nước theo mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh” như Cương lĩnh của Đảng đã xác định.
Đường lối đối ngoại và quốc phòng, an ninh của Đảng Cộng sản Việt Nam tập trung vào nhiệm vụ duy trì môi trường hòa bình để xây dựng đất nước. Văn kiện Đại hội XII xác định: Đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên vị trí hàng đầu; đồng thời khẳng định ý chí quyết tâm, “kiên quyết, kiên trì” đấu tranh giữ vững chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc; không để đất nước bị động, bất ngờ, trước âm mưu, thủ đoạn của các thế lực thù địch.
Nghị quyết số 28-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới xác định rõ “đối tác" và “đối tượng” của cách mạng Việt Nam: “Những ai tôn trọng độc lập chủ quyền, thiết lập và mở rộng quan hệ hữu nghị, hợp tác bình đẳng, cùng có lợi với Việt Nam đều là đối tác; bất kỳ thế lực nào có âm mưu và hành động chống phá mục tiêu của nước ta trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc đều là đối tượng của chúng ta”. Như vậy, không có chuyện đường lối, chính sách đối ngoại của Việt Nam là “ tự cô lập mình”. 
Một trong những nhiệm vụ quan trọng của công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí ngày nay là làm rõ sự vận dụng và phát triển sáng tạo Chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của Đảng. Đến nay, không kể những kẻ cơ hội đóng vai người yêu nước, thì vẫn còn những người theo chủ nghĩa giáo điều, phê phán đường lối đổi mới (xây dựng “nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa”, xây dựng “nền kinh tế thị trường” có sự quản lý của Nhà nước) là xa rời nhiều nguyên lý của Chủ nghĩa Mác - Lê-nin như: Nguyên lý xây dựng “nhà nước chuyên chính vô sản”, phát triển “kinh tế kế hoạch hóa”. Bởi vậy công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí cần làm rõ, trung thành với Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là phải biết vận dụng phương pháp luận biện chứng duy vật của học thuyết đó để giải quyết những vấn đề mà cuộc sống đang đặt ra, hướng vào mục tiêu giải phóng xã hội, giải phóng con người. Nói một cách cụ thể, kiên trì và bảo vệ Chủ nghĩa Mác - Lê-nin là kiên trì mục tiêu và phương pháp luận duy vật của học thuyết đó, là bảo vệ sự vận dụng và phát triển sáng tạo lý luận đó của Đảng, đặc biệt là của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta, hình thành nhiều giá trị mới của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ 20.
Để giữ vững tư tưởng đổi mới theo con đường xã hội chủ nghĩa, công tác tư tưởng, lý luận ngày nay cần tiếp tục làm rõ nguyên nhân nào dẫn đến sự suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức lối sống của cán bộ, đảng viên?  Bởi vậy, cần tiếp tục tìm tòi cơ chế chống suy thoái, đặc biệt là tìm tòi cơ chế phát huy dân chủ, nâng cao vai trò của các cơ chế giám sát quyền lực. Nhiệm vụ này không chỉ của cơ quan, tổ chức làm công tác tuyên truyền, lý luận, báo chí mà là nhiệm vụ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
(1) -Như nhóm “ Kiến nghị 72” ( gồm 72 người ký tên), nhóm “Thư ngỏ 61” (gồm 61 người ký tên)
BẮC HÀ
LỒNG NHỐT QUYỀN LỰC, LỒNG NHỐT THAM VỌNG
VŨ LÂN/ TVN 17-8-2017
Có thể nói, “cái lồng” đã được xây và từng bước sẽ “nhốt quyền lực” vào trong đó để kiểm tra, giám sát.
Cách đây hơn một năm, nhiều lần Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nhắc đi nhắc lại vấn đề “Làm thế nào để “nhốt” quyền lực vào trong cơ chế, thể chế, có quy định, quy chế, là để anh làm chức ấy thì không thể tham nhũng, tiêu cực được”. Hội nghị lần thứ tư BCH Trung ương khóa XII đã đưa ra 4 nhóm giải pháp, trong đó có giải pháp rất quan trọng. Đó là “có cơ chế kiểm soát quyền lực”. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đề ra nhiệm vụ: “Nhốt quyền lực vào trong lồng quy chế lập pháp”.
Qua thực tiễn 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ trong thời kỳ quá độ lên CNXH [1], chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu, song cũng bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém, trong đó có vấn đề chưa cụ thể hóa, tiêu chuẩn, tiêu chí đánh giá, quản lý đội ngũ cán bộ lãnh đạo các cấp, nhất là trong đó có cấp chiến lược. Chính vì vậy, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vừa ký ban hành Quy định số 89 - QĐ/TW “Về khung tiêu chuẩn chức danh, định hướng khung tiêu chí đánh giá cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp” và Quy định số 90 -QĐ/TW “Về tiêu chuẩn chức danh, tiêu chí đánh giá cán bộ thuộc diện Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý”.
Như vậy, lần này Bộ Chính trị đã phân loại cụ thể hai đối tượng cán bộ lãnh đạo, đặc biệt chú trọng những cán bộ thuộc diện Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, khoảng 1.000 người.
Các quy định lần này của Bộ Chính trị cụ thể hóa nhiều tiêu chuẩn, tiêu chí cán bộ đã đề ra đã lâu nhưng còn chung chung, khó thực hiện, khó kiểm điểm cũng như kiểm tra, giám sát. Căn cứ vào tình hình thực tiễn mấy năm gần đây, lần này Bộ Chính trị đặc biệt chú ý đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Bởi vì, việc sử dụng quyền lực và kiểm soát quyền lực là một trong những vấn đề nổi cộm bức xúc của Đảng, Nhà nước, xã hội chúng ta.
Tuyệt đối không tham vọng quyền lực”, “tuyệt đối không để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để trục lợi”. Đó là một trong những điểm mới mà từ xưa đến nay chưa được cụ thể hóa trong kiểm soát quyền lực và chắc chắn sẽ được quần chúng, nhân dân hoan nghênh, ủng hộ.
Có thể nói, “cái lồng” đã được xây và từng bước sẽ “nhốt quyền lực” vào trong đó để kiểm tra, giám sát. Vậy thực chất của việc “nhốt” quyền lực ở đây là gì? Ai “nhốt”? Ai kiểm tra, giám sát quyền lực trong cái “lồng” đó?
Kinh nghiệm của nhân loại chỉ ra rằng, kiểm soát quyền lực nhà nước là yếu tố trung tâm trong tổ chức quyền lực nhà nước. Còn việc kiểm soát quyền lực đối với các tổ chức đảng, trong khi Đảng đã nắm chính quyền chính là kiểm soát những cá nhân đảng viên giữ các chức vụ lãnh đạo trong bộ máy nhà nước.
Bởi vì khi đã có quyền trong tay, những đảng viên được Đảng phân công sang lãnh đạo, quản lý bộ máy nhà nước, nhưng nếu những người này không được kiểm tra, giám sát gắt gao, chặt chẽ, không cố gắng phấn đấu, tu dưỡng thì quyền lực đó sẽ ngày càng có xu hướng tha hóa. Bởi vì con người thì luôn luôn chịu sự ảnh hưởng của các loại tình cảm và dục vọng đối với các hành động của mình, điều đó cũng khiến cho lý tính đôi khi bị chìm khuất.
Với đặc điểm đó của con người, không thể khẳng định người được ủy quyền luôn luôn làm đúng, làm đủ những gì được ủy quyền. Hơn thế nữa, quyền lực nhà nước có tính trừu tượng, không phải là một đại lượng có thể cân, đong, đo, đếm, xác định được chiều kích một cách rạch ròi để có thể giao quyền một cách cụ thể. Vì vậy kiểm soát quyền lực nhà nước là một nhu cầu khách quan từ phía người ủy quyền đối với người được ủy quyền, hạn chế sự lộng quyền, lạm quyền.
Do vậy, “nhốt” quyền lực ở đây thực chất là phải có cơ chế để kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những đảng viên được Đảng giao đảm nhận chức vụ lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan nhà nước.
Phải khẳng định rằng, Nhà nước ta là nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân, mọi quyền hành, lực lượng đều ở nơi dân. Tuy nhiên, nhân dân lại không trực tiếp thực hiện hết mọi quyền lực nhà nước của mình mà lại giao cho một số người quản lý, điều hành.
Mặt khác khi ủy quyền cho Nhà nước, quyền lực nhà nước lại có nguy cơ vận động theo xu hướng tự phủ định mình, trở thành đối lập với chính mình lúc ban đầu từ của nhân dân là số đông chuyển thành số ít của một nhóm người hoặc của một người.
Trong thực tế thường có những hiện tượng dễ xảy ra độ vênh giữa nhà nước và công dân, giữa những người thay mặt dân quản lý nhà nước với từng tầng lớp, cộng đồng dân cư. Chẳng hạn, không công khai, bình đẳng trong việc cung cấp và tiếp nhận và xử lý thông tin; nhà nước không nắm bắt đúng mục đích, lợi ích, nguyện vọng của người dân; những người thực thi quyền lực cụ thể không hiểu rõ mục đích, có khi hiểu đúng mục đích nhưng không sử dụng quyền lực đúng cách, hợp lý; các đại diện nhà nước vì lợi ích riêng có thể vượt quyền, lạm quyền làm tổn hại đến lợi ích, mục đích chung; người dân không tự mình thực hiện trực tiếp mà ủy quyền cho các đại diện nhưng người đại diện không trung thành bảo vệ lợi ích chính đáng của người dân…
Đây là một thực tiễn, một nghịch lý đặt ra đòi hỏi quyền lực nhà nước phải được phân công, phân nhiệm rạch ròi và phải được kiểm soát rất chặt chẽ, nghiêm ngặt.
Giám sát quyền lực là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị, trong đó cần phát huy tốt vai trò giám sát của Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội và đông đảo quần chúng, nhân dân. Đã có “lồng nhốt quyền lực” rồi nhưng đang rất cần có cơ chế, quy định cụ thể, tạo điều kiện để Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị-xã hội và quần chúng nhân dân tham gia giám sát quyền lực. Hãy để người dân trực tiếp tham gia kiểm tra, giám sát cái “lồng” và quyền lực nằm trong cái “lồng” đó.
Để giám sát, kiểm soát quyền lực, vấn đề quan trọng nhất hiện nay là cần công khai minh bạch những vấn đề liên quan đến những người nắm quyền lực cũng như vợ, chồng, con cái, anh, em, người nhà của họ, nhất là thu nhập, tài sản...
Vũ Lân
-----
[1] Do Hội nghị lần thứ ba BCH Trung ương Đảng khóa VIII (tháng 6/1997) đề ra.