Thứ Sáu, 29 tháng 12, 2023

20231230. QUANH VỤ 'XÁ LỢI TÓC ĐỨC PHẬT' Ở CHÙA BA VÀNG

 ĐIỂM BÁO MẠNG


MA TĂNG, BÁO ĐẢNG, CẶP ĐÔI HOÀN HẢO LỪA NGƯỜI, DỐI PHẬT
GIÓ BẤC/RFA/ TD 29-12-2023


”Theo thông tin từ chùa Ba Vàng, từ ngày 23.12 đã có hàng vạn người dân, Phật tử đổ về đây chiêm bái xá lợi tóc của Đức Phật được cho là có từ 2.600 năm trước.
Theo chùa Ba Vàng, xá lợi được trưng bày là một trong tám sợi tóc mà Đức Phật tự tay nhổ trên đầu mình, trao cho 2 thương buôn người Myanmar hơn 2.600 năm trước…..
Theo đại diện chùa Ba Vàng, xá lợi tóc của Đức Phật có khả năng chuyển động như một vật thể sống. Xá lợi tóc với hình dạng giống một sợi tóc bình thường nhưng lại uyển chuyển qua trái, qua phải, quay tròn, cong lên rồi cụp xuống mà không hề có một sự tác động nào. Thậm chí, khi gặp vật cản, sợi tóc còn có thể tự bật ra ngoài. Đến nay, khoa học vẫn chưa thể lý giải việc một sợi tóc mấy nghìn năm không hỏng lại có thể chuyển động như vậy” (1).
Đọc thông tin sặc mùi lá cải, phảng phất mê tín dạng ma vú dài, quỷ nhập tràng, thiên linh cái, … các bậc lão thành cách mạng, các đảng viên kiên trung với chủ nghĩa Mác Lê vô thần nhất định sẽ cho rằng, đây là thông tin bịa đặt xuyên tạc của "các thế lực thù địch" tuyên truyền mê tín dị đoan. Sợi tóc tồn tại 2600 năm lại biết tự chuyển động… hẳn nhiên là trò lừa đảo. Báo chí cách mạng, báo chí chiến đấu cho xã hội tiến bộ không thể nào là cái loa nhắm mắt đưa tin một chiều theo lời kể của chỉ một nguồn tin, chính là nơi tạo ra sự kiện hoang đường.
Khởi nguồn thông tin này chính là đồng chí ma tăng Thích Trúc Thái Minh, trụ trì chùa Ba Vàng một thời lừng lẫy hốt tiền "oan gia trái chủ" và sáng kiến khất thực thu tiền nhân đại lễ Vu Lan. Sau thời gian bị dư luận bóc mẻ, phải thực hành sám hối đại tăng, đình chỉ các chức vụ ở Trung ương Giáo hội Phật giáo quốc doanh. Thầy Thái Minh xảo ngôn trên Facebook, thúc giục đám con nhang móc túi cúng dường sợi tóc, hệt như trò "oan gia trái chủ" trước đây.
“Đại chúng được chiêm bái, đảnh lễ và cúng dường Xá lợi tóc của Đức Phật và Xá lợi thân của Ngài, đây là nhân duyên hy hữu thù thắng. Thầy Thái Minh tin rằng, nếu ai với tâm tin kính, hiểu được Đức Phật là một con người chân thật, là bậc vĩ nhân siêu việt với lòng từ bi rộng khắp thì dù chỉ một lần khởi tâm hoan hỷ, tán thán, CÚNG DƯỜNG cũng được vô lượng công đức phước báu, và được nhân duyên tu tập kéo dài nhiều kiếp” (2).
Qua lời kêu gọi "thần thánh" đó và qua nhiều lần thúc giục Phật tử hãy tập trung đến chiêm bái theo thời hạn đã định, giống như lời rao "mại dô" của các gánh sơn đông mãi võ hay các em gái bán đồ lót online, mục đích chiến dịch sợi tóc xá lợi Phật lần này là rù quến Phật tử con nhang CÚNG DƯỜNG càng nhiều càng tốt.
Báo chí, mạng xã hội a dua theo Ba Vàng Thái Minh lừa dối người dân, quả là bọn xấu, phản động. Chắc chắn là như vậy. Các cụ cách mạng lão thành, các dư luận viên thế hệ kế thừa, nhất định sẽ xông lên, đập cho nó chết.
Nhưng … Xin thưa rằng trăm lần không! Vạn lần không! Không phải bọn xấu. Bài viết bơm hơi, cổ xúy cho trò lừa sợi tóc Phật 2600 năm là của báo Thanh Niên, thuôc Hội Liên Hiệp Thanh Niên Việt Nam.
Người ta không lạ gì báo Thanh Niên với "tiền án, tiền sự" năm 2007 từng làm cái loa cho Masan, tung tin nước tương truyền thống nhiễm chất 3 MCPD gây ung thư. Chiến dịch này tiêu diệt hàng loạt hương hiệu nước tương, giúp Chinsu tăng doanh thu hàng ngàn tỉ, độc chiếm thị trường.
Năm 2016, Thanh Niên phất cờ tung tin nước mắm truyền thống nhiễm Asen gây bão dư luận, suýt giết chết nước mắm lâu đời của Việt Nam, cũng để giúp nước muối pha hóa chất Nam Ngư của Masan độc chiếm thị trường. May là cộng đồng mạng, các nhà sản xuất nước mắm đấu tranh lật ngược thế cờ. Báo Thanh Niên đánh tráo khái niệm, Asen trong nước mắm truyền thống là đạm hữu cơ không độc hại, khác với Asen vô cơ. Nam Ngư không có Asen vì không làm từ cá, không có đạm hữu cơ. Phó Tổng Biên Tập, Tổng Thư Ký Tòa Soạn Báo Thanh Niên phải bị kỷ luật (3).
Nhưng một con én đâu làm cả mùa xuân, miếng ngon giữa đàng đâu thể xơi một mình một cổ. Vụ sợi tóc 2600 năm này, Thanh Niên đâu chỉ nuốt một mình. Đồng điệu, đồng thanh với Thanh Niên còn có Đại Đoàn Kết của Mặt Trận Tổ Quốc Việt Nam, Tiền Phong của Trung Ương Đoàn Thanh Niên Cộng Sản, Người Đại Biểu Nhân Dân của Quốc Hội và rất nhiều tờ báo quốc doanh khác cùng khuếch đại. Để bạn đọc không mất thời gian tra cứu link, chúng tôi xin gửi kèm hình ảnh một số trang báo online tiêu biểu.
Sau thời gian bị đình chỉ, hiện nay Thích Trúc Thái Minh đã được phục hồi, thậm chí còn thăng chức trong Trung ương Giáo hội Phật giáo quốc doanh, trong đó có chức vụ Phó Ban Truyền thông Trung ương. Tiếng nói Thái Minh chính là tiếng nói của giáo hội. Quyền lực, tiền bạc trong trong tay Thái Minh nên báo đảng và ma tăng đồng thanh, đồng hành, đồng lõa là chuyện bình thường.
Thông tin lừa dối hoang đường của Báo Thanh Niên lập tức bị dư luận phản ứng, phê phán về sự vô lý của sợi tóc 2600 năm, nhiều người chỉ ra rằng, mạng mua bán shopee hiện đang rao bán đầy loại cỏ có tính năng ngo ngoe y hệ sợi tóc xá lỵ Phật của Thái Minh. Báo Thanh Niên lập tức có bài đỡ gạt là: “Xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm trưng bày ở chùa Ba Vàng gây hoài nghi”.
Bài báo mượn lời chức sắc Phật giáo quốc doanh, quan chức địa phương Quảng Ninh kiểu không biết, không nghe, huề cả làng.
“Việc chùa Ba Vàng trưng bày và đưa ra thông tin xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm khiến nhiều người hoài nghi. Một số người còn tìm thấy thông tin trên mạng xã hội bày bán xá lợi với hình dáng tương tự có giá 500.000 đồng/sợi (?).
Trước thông tin nói trên, Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó chủ tịch Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, cho biết: 'Chúng tôi chưa nắm được thông tin về việc chùa Ba Vàng trưng bày xá lợi tóc Đức Phật có từ 2.600 năm trước. Giáo hội cũng chưa nhận được thông tin liên quan'.
Trong khi đó, một lãnh đạo Sở VHTT tỉnh Quảng Ninh cho rằng, chùa Ba Vàng trưng bày xá lợi nói trên là việc nội tự không cần phải xin phép. Đơn vị cũng cử cơ quan chuyên môn để làm rõ thông tin sự việc trên” (4).
Bài báo này vẫn là một thái độ, thủ thuật lấp liếm, trí trá, vô trách nhiệm không thể chấp nhận được với nghề báo. Nhà báo trẻ Nguyễn Dân đã làm cuộc điều tra bỏ túi, vạch ra sự dối trá của thông tin từ chùa Ba Vàng và báo Thanh Niên.
“Theo thông tin từ chùa Ba Vàng, "xá lợi tóc" của Phật Thích Ca được thỉnh từ chùa Parami của Myanmar. Nhưng mà mình đã đi Myanmar, chùa nổi tiếng nhất là chùa Shwedagon ở Yangon. Ngôi chùa này ngoài nổi tiếng vì được dát hàng tấn vàng và đá quý thì còn được biết đến là nơi cất giữ 8 sợi tóc của đức Phật Thích Ca. Mình cũng đã thử search thông tin về chùa Parami thì ngoài thông tin của trang thaythichtructhaiminh.com lẫn facebook nói về "xá lợi tóc" của Phật thì thông tin rất lõm bõm và không có kiểm chứng, đại khái năm 1979 có thầy Sayadaw trụ trì chùa Parami đã đi khắp các nước để thu thập các mẫu vật được tin là "xá lợi" của đức Phật và các đệ tử của ngài rồi sau đó thành lập ra "Bảo Tàng Xá Lợi" vào năm 2019 tại Malaysia để lưu giữ các "xá lợi" đó. Hoàn toàn không có thông tin "xá lợi tóc ngọ nguậy" của ông Thái Minh chùa Ba Vàng”.
Đáng nói là Nguyễn Dân đã nêu lên vấn đề cốt lõi của Phật Pháp là giáo lý giải thoát bằng sự giác ngộ của con người chứ không phải do phù phép siêu nhiên nào. Phật không yêu cầu lễ bái dù theo pháp môn nào cũng hướng Phật tử thực hành giới định tuệ chứ không phải chăm chăm vào việc CÚNG DƯỜNG.
“Nhưng nếu có "xá lợi tóc", tức tóc của ông Thích Ca năm xưa thì sao? Thì chẳng sao cả. Di sản của Phật Thích Ca năm xưa là chỉ cho nhân loại con đường của sự giác ngộ. Bảo vật là PHÁP chứ không phải là các viên xá lợi hay nhục thân vô tri. Tay Phật chỉ trăng thì trăng mới là nơi hướng tới chứ không phải tay Phật. Cúng bái, lạy lục một sợi tóc ngo ngoe (thực ra là cỏ Lipi) thì đó là sự cuồng tín, ngu độn mà nói thẳng là do "thằng" Thích Trúc Thái Minh bày ra để làm tiền” (5).
Thâm thúy và nhẹ nhàng, nhà báo Tăng Bá Sên đã nêu câu nói quan trọng của Đức Phật trong Kinh Kim Cương, một kinh điển mẫu mực của Phật Giáo Đại Thừa, "này Tu Bồ Đề, "Cái thân tướng này, không phải thật là thân tướng của Như Lai!"(6)
Thật vậy, trong Kinh Kim Cương, đức Phật còn có bài Kệ làm rõ hơn tính sắc không của tạo vật
“Nếu thấy ta bằng sắc tướng
Nghe ta bằng âm thanh
Người này đi đường tà
Không thấy được Như-Lai” (7).
Như vậy đã quá rõ, chuyện sợi tóc 2600 của đức Phật vừa là trò lừa trẻ con, kính lễ cúng dường cho dù là với sợi tóc thật của đức Phật cũng là tà đạo. Tại sao chính quyền, "đảng quang vinh lãnh đạo toàn diện" lại nhắm mắt làm ngơ cho ma tăng Thái Minh đồng hành với báo đảng lừa bịp, móc túi dân?
Nhà báo Tâm Chánh, nguyên Tổng Biên Tập báo Sài Gòn Tiếp Thị lừng lẫy một thời đã có status ngắn, liên hệ việc chính quyền ngăn cấm triển lãm chân dung nhiều nhà văn hóa một cách vô lối và việc chính quyền buông tay nhắm mắt trước trò mê tín, lừa đảo công chúng công khai rầm rộ này. “Mấy bức tranh gò đồng triển lãm thì phải xét duyệt, còn cọng lông ngọ nguậy đem ra chiêm bái thì chỉ là chuyện của chùa. Nhà đương cục nào đúng đây?” (
😎
Status của Tâm Chánh được đông đảo cộng đồng hưởng ứng. Câu hỏi này tự nó đã có sự trả lời. Vấn đề là thái độ. Liệu công chúng còn có thể im lặng chịu đựng sự lừa dối, sự ngu dân, sự trấn lột về vật chất và cả tinh thần cho đến bao giờ?
________
Chú thích:

LỄ LẠY

THÁI HẠO/FB/TD 29-12-2023


Vì sao người ta lạy [tượng] Phật, lạy “xá lợi”, lạy thánh tích...? Lạy cũng không sao, nhưng phải hiểu ý nghĩa của hành động ấy.
Khi đối trước tượng Phật, một người cúi xuống với tâm thành kính, thì có nghĩa rằng người đó đang thể hiện lòng tôn kính trước một trí tuệ và nhân cách lớn và đó cũng chính là hành động phát nguyện, rằng từ nay mình sẽ noi theo gương sáng của vị thầy [Phật] ấy mà sống cho tử tế và sáng suốt, ra sức học tập để không đi vào đường mê nữa. Cái lạy ấy đồng như việc quy y (quay về sống với những chân giá trị), là một sự thức nhận sâu xa và quyết tâm mãnh liệt đi theo điều thiện và cái đúng.
Sách vở Phật giáo nói rằng, sự cung kính lễ lạy mang lại lợi ích lớn là vì lẽ trên, tức là một khi anh đã xác quyết sẽ sống một đời đức hạnh, tử tế và đúng đắn, ra sức làm những việc lợi mình - lợi người thì anh sẽ có được hạnh phúc, an vui và thành tựu trong cuộc đời. Lý ấy là hiển nhiên, có gì thần bí đâu.
Bây giờ hầu hết lạy lục vì nỗi khiếp sợ thần quyền hoặc cầu mong được ban phước. Các sư tuyên truyền về quyền năng siêu nhiên của các hình tượng, “xá lợi”... để mê hoặc dân chúng – trong khi đáng ra phải nói cho họ hiểu rằng “anh lạy xuống nghĩa là anh phải quyết tâm thay đổi tư tưởng, lời nói, việc làm để tự cứu lấy cuộc đời mình, bằng không sẽ là việc vô ích, thậm chí rơi vào u mê ám độn”. Nhưng đây, họ bảo “lạy xá lợi cũng là thấy Phật, công đức vô lượng”.
Xin hỏi, thời Phật còn sống, ông đi khất thực và dạy học khắp nơi suốt mấy chục năm trường, bao nhiêu người trông thấy hàng ngày, rồi thì sao? Ngay một người sống bên cạnh Phật suốt bao nhiêu năm là Đề-bà-đạt-đa, không những không được phước báu gì mà còn ngày càng trở nên xấu xa, đến mức bày mưu hại Phật, huống gì là thấy một sợi tóc?
Giá trị có hay không là phụ thuộc vào việc anh có chịu học và làm cho đúng hay không, chứ không phải ở chỗ thấy rồi lạy như bổ củi suốt ngày.
Việc tuyên truyền mê tín di đoan và tà thuyết, khiến dân chúng sợ hãi và tin vào để rồi sống dựa dẫm vào những thần linh thần bí, đó là hành vi hủy hoại giáo pháp và kéo lùi dân trí, tạo ra một xã hội trì trệ trong sự dốt nát và bạc nhược. Đất nước và xã hội sẽ không thể phát triển nếu còn dung túng cho sự tuyên truyền sai lạc và những trò lừa dối tồi tệ này.

CHÁNH TÍN VÀ MÊ TÍN
THÁI HẠO/ FB/TD 29-12-2023
Trong kinh A Hàm, Đức Phật dạy:
"Một, chớ vội tin điều gì, chỉ vì điều đó là truyền thuyết.
Hai, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc về truyền thống.
Ba, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được nhiều người nhắc đến hay tuyên truyền.
Bốn, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó được ghi lại trong kinh điển hay sách vở.
Năm, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó thuộc lý luận siêu hình.
Sáu, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều đó phù hợp với lập trường của mình.
Bảy, chớ vội tin điều gì khi nó căn cứ trên những dữ kiện hời hợt.
Tám, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy phù hợp với định kiến của mình.
Chín, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được vũ lực và quyền uy ủng hộ.
Mười, chớ vội tin điều gì chỉ vì điều ấy được các nhà truyền giáo hay đạo sư của mình tuyên thuyết".
"Này các thiện nam tín nữ, khi nghe một điều gì, các vị phải quán sát, suy tư và thể nghiệm. Sau khi kiểm nghiệm, nếu quý vị thực sự nhận thấy lời dạy này tốt lành, đạo đức, hướng thiện, chói sáng và được người trí tán thán, việc thực hiện các lời dạy này sẽ đưa đến hạnh phúc, an lạc ở hiện tại và về lâu dài, chỉ khi đó quý vị mới đặt niềm tin vững chắc và thực hành theo".
Tin như thế, tức thấy rõ, biết rõ và tự mình kiểm chứng rồi, đạo Phật gọi là chánh tín.
Ngược lại, tin mà không suy xét, tin một cách mù quáng, nghe sao tin vậy, đó là mê tín.
Phật Thích Ca căn dặn học trò rằng sống và tu tập thì phải có chánh tín, nếu không, để sa vào mê tín thì không những vô ích mà còn làm hại bản thân cũng như người khác.
Đạo Phật hay vì những lẽ như thế, nó rất lý tính, hiện đại và phù hợp với tinh thần khoa học.

VỤ 'XÁ LỢI TÓC' Ở CHÙA BA VÀNG: LẤY BẢO VẬT QUỐC GIA CỦA NƯỚC KHÁC CỨ NHƯ LẤY CÁI KIM, SỢI CHỈ
GIANG HÀ/ FB/TD 29-12-2023
Chùa Shwedagon hay Chùa Vàng là một ngôi chùa nằm ở thành phố lớn nhất ở Yangon. Theo truyền thuyết và ghi chép của các nhà sư, ngôi chùa có từ trước khi Phật qua đời, tức là vào khoảng cách đây 2.500 năm. Dù vậy, các nhà khảo cổ học nhận định, nó được xây lần đầu vào khoảng thời gian từ thế kỷ 6 đến thế kỷ 10. Trải qua bao năm tháng, cho đến nay Shwedagon vẫn được coi là ngôi chùa linh thiêng nhất Myanmar.
Chùa Shwedagon đang là nơi lưu giữ 4 báu vật của Phật giáo, đồng thời được coi là bảo vật quốc gia của đất nước Myanmar đó là:
1. Cây gậy Phật Câu Lưu Tôn
2. Dụng cụ lọc nước của Phật Câu Na Hàm
3. Mảnh áo Phật Ca Diếp
4. Và 8 sợi tóc của Phật Thích Ca
Theo truyền thuyết Phật giáo Myanmar, Trupusa và Bahalika là hai anh em thương gia đến buôn bán ở Bankh (nay thuộc Afghanistan), trên đường quay về, họ gặp Phật Thích Ca Mâu Ni. Họ đã dâng cúng đồ ăn và được Phật thu nhận làm hai đệ tử đầu tiên của Phậ,t đồng thời được ban cho 8 sợi tóc. Khi trở về đến Myanmar họ được vua Okkalapa giúp đỡ, tìm ra đồi Singuttara gần kinh thành Pokkharavati, xây bảo tháp để thờ phụng 8 sợi tóc. Nơi này về sau chính là chùa Shwedagon.
Tám sợi tóc này được đặt trong bảo tháp, mỗi năm được bỏ ra một lần để chăm sóc, tránh sự tác động của môi trường, nó được coi là bảo vật đặc biệt của đất nước Myanmar.
Thế nhưng, không biết đồng chí Vũ Minh Hiếu chùa Ba Vàng giữ chức gì trong Hội Phật giáo Thế giới, có quan hệ khủng gì với giới chức chính phủ Myanmar mà xin được một sợi tóc của đức Phật đưa về chùa Ba Vàng mà không cần thông qua hai nhà nước.
Bảo vật quốc gia là những hiện vật có giá trị đặc biệt về văn hóa, lịch sử, được bảo vệ và bảo quản theo chế độ riêng biệt. Việc cho nước khác mượn quốc bảo để giới thiệu văn hoá phải được sự đồng ý của chính phủ Myanmar.
Sự ngu muội
Ngày nay vai trò của văn hóa ngày càng được các quốc gia đề cao, coi trọng, bảo tồn, gìn giữ. Văn hóa đã trở thành một trong các trụ cột và là động lực của quá trình phát triển bền vững kinh tế xã hội. Đồng thời nó là nhân tố phát huy sức mạnh tổng hợp của một quốc gia.
"Con người với tư cách là chủ thể xã hội đóng vai trò quyết định trong quá trình phát triển. Con người là nguồn lực của mọi nguồn lực, quy tụ mọi sức mạnh, quyết định sự tồn vong hay hưng thịnh của các dân tộc".
Thế mà trong nhiều năm qua, chúng ta đang để cho một “anh sư nguỵ tu” thích tiền hơn tâm, mang những kiến thức đã được học ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân, lợi dụng chính sách “du lịch tâm linh”, lợi dụng sự mê muội của một người dân để kiếm tiền.
Ông ta đang đầu độc người Việt bằng thứ văn hoá duy tâm, ngu muội, buông bỏ, để tin vào một ai đó. Ông ta đang biến người Việt trở thành nô dịch bằng một mớ lý thuyết pha tạp giữa triết lý của nhà Phật với những triết lý của cuộc sống đời thường.
_____
Bài liên quan: Xôn xao xá lợi tóc Đức Phật tồn tại hơn 2.600 năm tự chuyển động ở chùa Ba Vàng (SK&ĐS). - Quảng Ninh kiểm tra thông tin xá lợi tóc Đức Phật tự chuyển động ở chùa Ba Vàng (VTC). - Vạn người đổ về chùa Ba Vàng xem xá lợi tóc Đức Phật 2.600 năm tuổi biết ‘ngọ nguậy’ (TP).

XÁ LỢI LÀ GÌ ?
HAI PHAN/ FB 29-12-2023
Danh từ Xá Lợi do âm tiếng Phạn là Sàrìrikadhàtu. Trước đó nói đến Xá Lợi, người ta nghĩ đến Xá Lợi của Đức Phật. Sau này có những vị tăng và sư đắc đạo, sau khi làm lễ trà tỳ, đệ tử cũng thu được nhiều xá lị. Tất cả những đồ dùng là di tích của Phật và các vị tăng như y, bình bát, tích trượng, v.v. đều gọi là xá lị. . Trong kinh tạng Pali thường đề cập đến Xá Lợi Xương, Xá Lợi Răng và Ngọc Xá Lợi.Không hề có khái niệm nào gọi là xá lợi tóc vì Đức Phật, các vị Bồ Tát và các bậc cao tăng khi viên tịch đều đã xuống tóc quy y.

CÁI GỌI LÀ 'XÁ LỢI TÓC ĐỨC PHẬT' Ở CHÙA BA VÀNG BIẾN MẤT VÀ SỰ TRÍ TRÁ CỦA VỊ SƯ TRỤ TRÌ
BTV TD/TD 30-12-2023
Trưa nay 29-12, trang web Phật giáo Việt Nam đưa tin, thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng ban kiêm Chánh thư ký Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam, tỉnh Quảng Ninh, cho biết: "Xá lợi tóc Đức Phật" ở chùa Ba Vàng đã được trả về cố quốc.
Thượng tọa Thích Đạo Hiển cho hay, sau khi sự kiện “xá lợi tóc Đức Phật” gây ồn ào trong dân chúng, Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Ninh hỏi sư trụ trì chùa Ba Vàng, rằng chùa này thỉnh "xá lợi sợi tóc của Đức Phật" từ ai, ở đâu, xác thực ra sao và hiện nay xá lợi này đang ở đâu.
Sư Thích Đạo Hiển nói rằng, thời điểm Ban trị sự Giáo hội PGVN tỉnh Quảng Ninh làm việc, thì sư Thích Trúc Thái Minh "được báo cáo là đã xuất ngoại, hình như đi Lào. Còn xá lợi thì hiện không có ở Chùa Ba Vàng nữa. Đại diện nhà chùa cho chúng tôi biết xá lợi đã được hộ tống lên máy bay để trả về cố quốc".
Kênh YouTube Chùa Ba Vàng hôm 27-12-2023 có live stream "cung tiễn xá lợi tóc" nhưng không ghi "xá lợi tóc" của ai. Nội dung video này cho biết, các sư ở Myanmar đã đến tham dự buổi lễ "cung tiễn" này và chùa Ba Vàng đã trao "xá lợi tóc" cho các sư Myanmar mang về nước (phút 19:16): https://www.youtube.com/watch?v=m_NexbMA2sA
Như vậy là kể từ ngày 23-12-2023, ngày mà chùa Ba Vàng tổ chức lễ cung rước cái gọi là "xá lợi tóc Đức Phật", gây bão mạng suốt tuần qua, đến ngày 27-12-2023, thì "xá lợi tóc Đức Phật" này đã biến mất!
Chúng tôi cũng ghi nhận, rất nhiều bài viết, video clip... từ website, Facebook, YouTube "Chùa Ba Vàng" hoặc trang "Thầy Thích Trúc Thái Minh" đã bị chỉnh sửa. Chẳng hạn như tít cũ của một YouTube trên trang "Chùa Ba Vàng" là: "Lễ cung rước xá lợi tóc của Đức Phật tại chùa Ba Vàng", đã được sửa lại thành: "Lễ cung rước xá lợi Phật", chứ không còn "tóc của Đức Phật" nữa. Mời xem clip: https://www.youtube.com/watch?v=R22vE05wVQQ
Một số cư dân mạng cũng ghi nhận sự chỉnh sửa, thay đổi nội dung, liên quan đến sự kiện "xá lợi tóc" này. Facebooker Thái Hạo cho biết: "Hai hình bên dưới là lịch sử chỉnh sửa một bài đăng trên trang 'Thầy Thích Trúc Thái Minh', có 2,2 triệu người theo dõi.
Ở bài đăng đầu tiên lúc 17:46 ngày 24 tháng 12 thì có cụm từ [xá lợi tóc của Đức phật] 'TỰ CHUYỂN ĐỘNG', nhưng vào lúc 11 giờ ngày hôm qua sau khi bài này bị chỉnh sửa, cụm từ ấy đã lặng lẽ bị bỏ đi một cách bí hiểm. Tại sao phải bỏ? Hay là 'xá lợi tóc của Đức Phật' bỗng dưng mất hứng, không còn muốn tự chuyển động nữa?"
Ông Thái Hạo còn chỉ cho mọi người cách "tự kiểm chứng lịch sử chỉnh sửa", bằng cách bấm vào một link từ Facebook "Thầy Thích Trúc Thái Minh":
Tuy nhiên, khi chúng tôi bấm vào link này, cả bài viết đã bị biến mất. Facebooker Thái Hạo cho biết thêm: "Sau 40 phút tôi post bài này thì trên trang 'Thầy Thích Trúc Thái Minh' đã gỡ bài đăng bị chỉnh sửa, hiện tại không truy cập được nữa".
Chúng tôi còn ghi nhận, các video live stream kêu gọi Phật tử cúng dường "xá lợi tóc Đức Phật" này trên Facebook "Thầy Thích Trúc Thái Minh" cũng đã bị gỡ bỏ. Clip live stream ngày 27-12-2023 về cúng dường xá lợi tóc đã biến mất: https://www.facebook.com/story.php/...
Còn nhớ, vụ bê bối tại chùa Ba Vàng khoảng 5-6 năm trước, sư Thích Trúc Thái Minh truyền bá vụ "vong báo oán", "oan gia trái chủ" và tổ chức "giải nghiệp". Theo đó, để được giải nghiệp, các cá nhân phải cúng chùa từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, theo yêu cầu của vong và chùa Ba Vàng đã thu được cả trăm tỉ đồng mỗi năm. Về vụ này, năm 2019, Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam bãi nhiệm tất cả chức vụ của sư Thích Trúc Thái Minh trong Giáo hội, nhưng vẫn cho phép ông ta tiếp tục trụ trì chùa Ba Vàng.
Và bây giờ, ông ta có điều kiện thực hiện tiếp vụ "tóc xá lợi Đức Phật", sự kiện gây ồn ào suốt tuần qua. Liệu sau cái gọi là "xá lợi tóc Đức Phật" này, sẽ có thêm sự kiện nào khác? Vấn đề tùy thuộc vào việc sư trụ trì chùa Ba Vàng sẽ được nhà chức trách cho phép thực hiện thêm bao nhiêu sự kiện tương tự, để lừa dân chúng.
Tiếng Dân News

ĐỀ NGHỊ THẨM ĐỊNH NGUỒN GỐC 'XÁ LỢI TÓC ĐỨC PHẬT' TRƯNG BÀY TẠI CHÙA BA VÀNG

THU HẰNG/VNN 30-12-2023

Ban Tôn giáo Chính phủ đã trao đổi và có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc “xá lợi tóc Đức Phật” được trưng bày tại chùa Ba Vàng trong những ngày qua để có thông tin chính thức về sự việc.

Ban Tôn giáo Chính phủ thông tin, những ngày vừa qua, báo chí và dư luận đã phản ánh thông tin chùa Ba Vàng trưng bày “Xá lợi tóc Đức Phật” có từ 2.600 năm trước gây xôn xao, khiến hàng vạn người dân và phật tử kéo nhau về chùa Ba Vàng chiêm bái, đảnh lễ.

Ban Tôn giáo Chính phủ đã tham mưu Bộ Nội vụ có văn bản đề nghị UBND tỉnh Quảng Ninh chỉ đạo các cơ quan chức năng ở địa phương kiểm tra, xác minh lại sự việc.


Xá lợi tóc của Đức Phật tự chuyển động được đặt tại chùa Ba Vàng. Ảnh: Page Chùa Ba Vàng

Từ đó, làm rõ việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các hoạt động tôn giáo có yếu tố nước ngoài tại Việt Nam và việc tổ chức trưng bày cho phật tử và Nhân dân đến chiêm bái “Xá lợi tóc Đức Phật” tại chùa Ba Vàng của sư trụ trì, chấn chỉnh và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật và theo thẩm quyền nếu có vi phạm.

Ban Tôn giáo Chính phủ cũng đã trao đổi và có văn bản gửi Giáo hội Phật giáo Việt Nam đề nghị thẩm định nguồn gốc “Xá lợi tóc Đức Phật” được trưng bày tại chùa Ba Vàng trong những ngày qua để có thông tin chính thức về sự việc.

Ban Tôn giáo Chính phủ đề nghị Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ đạo Ban Phật giáo Quốc tế và Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh chấn chỉnh các hoạt động không đúng với truyền thống của Phật giáo và xử lý nghiêm theo giới luật Phật giáo, Hiến chương và Quy chế của Giáo hội Phật giáo Việt Nam nếu các tổ chức, cá nhân chức sắc Phật giáo liên quan đến vụ việc có sai phạm.

Chia sẻ với VietNamNet trước đó, Thượng tọa Thích Đạo Hiển - Ủy viên Hội đồng trị sự, Trưởng ban kiêm Chánh Thư ký Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết, xá lợi tóc ở chùa Ba Vàng đã được hộ tống lên máy bay trả về cố quốc.

"Xá lợi tóc Đức Phật không có trong chương trình Kỷ niệm 765 năm ngày sinh Phật hoàng Trần Nhân Tông tại Chùa Ba Vàng. Khi sự kiện “xá lợi tóc Đức Phật” ồn ào trong dư luận, Ban Trị sự Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh buộc phải hỏi Trụ trì Chùa Ba Vàng”, Thượng tọa Thích Đạo Hiển khẳng định.

TH

NGUỒN:Đề nghị thẩm định nguồn gốc 'xá lợi tóc Đức Phật' trưng bày tại chùa Ba Vàng (VNN 30/12/2023)-

TIN LIÊN QUAN:

-Xá lợi tóc Đức Phật ở chùa Ba Vàng đã được trả về cố quốc

-Xá lợi tóc Đức Phật tự chuyển động: Ban Tôn giáo tỉnh làm việc với chùa Ba Vàng

-Xôn xao clip xá lợi tóc của Đức Phật tự chuyển động tại chùa Ba Vàng

PHẬT TẠI TÂM

ĐỖ HẢI/TVN 30-12-2023

Chúng ta hạnh phúc hay khổ đau không phải do một thế lực siêu nhiên nào đó quyết định mà do khả năng chuyển hóa phiền não của mỗi cá nhân.

Dư luận xôn xao chuyện hàng vạn người đổ về chùa Ba Vàng chiêm bái xá lợi tóc của Phật. Sợi tóc quay liên tục và thay đổi nhiều hình dạng khác nhau mà không có tác động từ ngoại cảnh. Nhiều người quỳ lạy, khấn vái và xúc động tuôn trào nước mắt.

Theo thông tin từ chùa Ba Vàng, những ai dù chỉ một lần cung kính đảnh lễ, chiêm bái, cúng dường xá lợi tóc cũng được “vô lượng phúc báu” cho hiện tại và nhiều đời về sau nhờ năng lực của Đức Phật vẫn còn đang hiện diện thông qua xá lợi tóc chuyển động.

Nếu điều này là thật, vậy cả tám tỷ người trên trái đất này không cần phải làm gì nữa, không cần phải lao tâm khổ tứ vất vả lao động kiếm kế sinh nhai nữa, chỉ cần chúng ta đến đảnh lễ, cúng dường xá lợi Phật là được ban phước báu để sống tốt trong nhiều đời, nhiều kiếp. Hạnh phúc và thành công đến với mỗi người có phải quá dễ dàng như vậy không?

Nếu ta tin vào điều này, tức là ta đang đặt hoàn toàn vận mệnh của bản thân vào sự sắp đặt của người khác, phó thác và lệ thuộc cuộc sống của mình cho yếu tố ngoại cảnh. Như vậy, chúng ta sẽ mất đi khả năng tự làm chủ và thậm chí trở nên vô trách nhiệm với chính cuộc đời mình.

Nhưng, khi đến bất cứ ngôi chùa nào ở Thủ đô hay ở một vùng quê xa xôi trong những ngày đầu năm, tôi đều chúng kiến dòng người chen cứng, vái lạy cầu xin tài lộc, may mắn; không gian trong chùa tấp nập và ngập mùi hương khói.

Nhưng điều đáng kể nhất là sự cầu tài, cầu lộc của các thầy cúng và nhiều người đi chùa, người ngồi, người quỳ nhấp nhô, miệng xuýt xoa khấn vái, chắp tay khấn lạy xì xụp “cầu tài đắc tài, cầu lộc đắc lộc”,…


Chùa Ba Vàng. Ảnh TL.

Nhưng, Đức Phật không hề muốn chúng ta tôn sùng ngài như thần thánh hay đấng siêu nhiên có năng lực ban phúc giáng hoạ cho bất kỳ ai. Người có trí tuệ siêu phàm nhưng vô cùng giản dị, khiêm nhường và không hề ra rời thực tế.

Người nói: “Ai tin ta mà không hiểu ta tức phỉ báng ta”, “Chỉ khi nào quý vị suy tư, chiêm nghiệm và nhận thức xác đáng điều gì là chân chính, mang lại lợi ích cho mình và cho người khác rồi hãy đem lòng tin tưởng và làm theo”.

Phật không muốn chúng ta đặt niềm tin vào bất cứ ai, bất cứ điều gì một cách mù quáng, không hề có suy xét, hay kiểm chứng thực tế.

Phật dạy: “Các con phải tự nỗ lực, các đấng Như Lai chỉ là đạo sư. Hãy tự xem con là hải đảo của con. Hãy tự xem con là nương tựa của con. Không nên tìm nương tựa nơi ai khác”.

Điều này chính là câu mà chúng ta vẫn hay nói “Phật tại tâm” của mỗi người. Nếu mình tu dưỡng và thực hành như lời Phật dạy thì Phật đang xuất hiện trong chính mình. Hãy tin vào sự nỗ lực, thiện căn của chính mình!

Chúng ta hạnh phúc hay khổ đau không phải do một thế lực siêu nhiên nào đó quyết định mà do khả năng chuyển hóa phiền não của mỗi cá nhân. Vì vậy, chúng ta đừng rũ bỏ tất cả trách nhiệm sang cho người khác, đừng hoàn toàn đổ lỗi cho hoàn cảnh, đừng “há miệng chờ sung”, đừng lệ thuộc vào sự ban phát tài lộc, phước báu từ đức Phật. Phật chỉ là người đi trước dẫn đường, giúp chúng ta nhận ra những sai lầm và hướng dẫn cách thức để diệt khổ, tâm an, tạo quả tốt. Hãy tự lực và trông cậy vào chính mình!

Nhớ hồi còn bé, tôi cũng hay theo mẹ và chị đi chùa. Lớn một chút, tôi vẫn giữ thói quen của gia đình là lên chùa đặt lễ khấn cầu các Chư Phật ban cho những gì mình muốn. Sau rất nhiều lần thất vọng vì không đạt được ý nguyện, tôi không còn tin vào sự mầu nhiệm thần bí của Đức Phật nên bẵng đi một thời gian dài tôi không lên chùa nữa.

Sau này, khi đọc sách về Phật và được nghe một số nhà tu hành giảng về đạo Phật, tôi ngẫm nghĩ và đối chiếu lại những gì đã diễn ra trong cuộc đời mình thì mới thấy mình đã hiểu sai bấy lâu và bắt đầu “vỡ” ra nhiều giá trị tuyệt vời của đạo Phật.

Tôi nhận ra rằng, trước đây tôi thường thất bại và gặp nhiều điều bất như ý vì lối tư duy và phương pháp thực hiện chưa phù hợp, chưa đủ sự cần mẫn chăm chỉ, chưa quyết liệt nỗ lực hết mình.

Giờ đây, tôi chẳng lên chùa “xin xỏ” như trước mà vẫn thấy có được nhiều thứ mình mong muốn. Phải chăng, đó là do tôi đã thay đổi cách nghĩ và cách làm phù hợp hơn với lời dạy của Phật.

Vậy nên, chẳng phải cứ lên chùa là tu, cứ cầu xin là được. Điều quan trọng là cần phải biết lấy chữ “tu thân” làm đầu. Cha ông ta cũng dạy: “Thứ nhất tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”.

Nếu như trước đây tôi lên chùa vì hiểu biết lệch lạc hoặc vì sự mơ hồ, mê muội thì giờ đây, tôi đến chùa với mục đích hoàn toàn khác, để vãn cảnh, hít thở không khí an lành, lắng lòng mình lại. Tôi lạy Phật không phải là sự sùng bái đối với đấng tối cao, đấng siêu nhiên mà để thể hiện sự ngưỡng mộ đối với một trí tuệ lớn.

Tôi lên chùa để tự nhắc nhở về con đường tu dưỡng, rèn luyện bản thân từ những triết lý sâu xa của đạo Phật mà chính mình đã trải nghiệm trong thực tế và cảm nhận được tính chân thực của nó (mà trong cuộc sống xô bồ có thể nhiều lúc tôi đã quên đi mất).

Đó là sự tự vấn về cái tôi và thế giới xung quanh, là thấm thía bốn nỗi khổ của nhân sinh (sinh, lão, bệnh, tử), là sám hối về thói tham-sân-si của bản thân, là suy ngẫm và tìm kiếm những phương thức hiệu quả nhất để mình tự chữa lành cho bản thân khi có tổn thương. Tất cả những điều đó giúp tôi cảm thấy bản thân tiến bộ hơn, tốt đẹp hơn, hạnh phúc hơn.

Tôi nghĩ, khi nhiều người theo đạo Phật, học, hiểu và làm theo lời dạy của Người thì đó là điều đáng mừng cho xã hội bởi căn cốt của đạo Phật là khuyên con người luôn suy nghĩ thiện, làm việc thiện, không làm điều xấu, ác.

Giờ đây, tôi ngồi dưới gốc cây bồ đề trong một chiều vắng, thành tâm hướng về Đức Phật, cảm nhận sự thanh tịnh, an lành nơi cửa Phật, liên hệ giữa đời và đạo, nhắc nhở bản thân đừng quên tu dưỡng và rèn luyện, đó mới là gốc của thành công và hạnh phúc!

Đỗ Hải

NGUỒN: Phật tại tâm (TVN 30/12/2023)-Đỗ Hải

TIN LIÊN QUAN: Nhân vụ chùa Ba Vàng, nghĩ về lời Phật dạy (TVN 26/3/2019)-Nguyễn Trọng Huân




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét