Chiều 22/12, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được chủ trì Hội nghị công bố Quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ.

Theo đó, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An có quyết định tiếp nhận ông Trương Tấn Sơn - Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, TP.HCM đến Ban Tổ chức Tỉnh ủy chờ bố trí công tác, kể từ ngày 18/12/2023.


Ông Trương Tấn Sơn (giữa) nhận quyết định về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An chờ bố trí công tác. 

Tại hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được mong muốn, ông Trương Tấn Sơn tiếp tục phát huy sở trường, kiến thức, kinh nghiệm; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị.

Tiếp thu chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được, ông Trương Tấn Sơn bày tỏ, đây là niềm vinh dự cũng là trách nhiệm và hứa sẽ cố gắng cùng tập thể xây dựng nội bộ đoàn kết, triển khai, thực hiện tốt nhiệm vụ, ra sức phấn đấu hoàn thành các chỉ tiêu nhiệm vụ.


Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An - Nguyễn Văn Được trao quyết định cho ông Trương Tấn Sơn.

Trước đó, sáng 21/12, Quận ủy Tân Bình, TP.HCM, đã tổ chức lễ trao quyết định điều động ông Trương Tấn Sơn, Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, đến nhận công tác tại Tỉnh ủy Long An. Việc điều động này được thực hiện theo quy định Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Cán bộ, công chức.

Theo đó, do nhu cầu nhân sự, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Long An đã có đề nghị Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM tăng cường, hỗ trợ cán bộ quản lý cho tỉnh.

Ông Trương Tấn Sơn năm nay 39 tuổi, quê ở Long An. Ông có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế, Kỹ sư Xây dựng - địa chính; Cao cấp Lý luận chính trị.

Tháng 3/2020, kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường), nhiệm kỳ 2016-2021, ông được HĐND quận Tân Bình, TP.HCM bỏ phiếu bầu chức vụ Phó chủ tịch UBND quận Tân Bình.

Trước đó, ông Trương Tấn Sơn là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên (Saigontourist).


NGUỒN: Công bố quyết định tiếp nhận ông Trương Tấn Sơn về Ban Tổ chức Tỉnh ủy Long An (VNN 22/12/2023)



ĐƯA THÁI TỬ ĐẢNG LÊN NGÔI
GIÓ BẤC/ RFA/ TD 28-12-2023
Một ông phó quận chuyển công tác sang tỉnh khác cách nhau chưa đầy 50km bỗng trở thành sự kiện thời sự của quốc gia, quốc tế. Hơn 800 tờ báo lề đảng trong nước đồng loạt đưa tin, từ lễ ra đi đến lễ tiếp nhận, bình luận pháp lý thủ tục, cơ chế, quy định pháp luật. Cả báo Sputnik của Nga cũng quên chuyện phi quân sự Ukraine để tường thuật, bình luận.
Chuyện khác thường ở đây do ông quan quận này không phải người thường, mà là Thái tử Đảng, đúng nghĩa đen. Trước nay mãi vui chơi, giờ phải tăng tốc, khẩn trương, thần tốc đi đường vòng để kịp vô nhà đỏ trước khi quá tuổi.
Ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình, chuyển về Tỉnh ủy Long An. Nguồn: Báo Công thương
Trong hai tuần lễ cuối cùng của năm, dù không khí Giáng sinh đầy sắc màu, âm thanh lan tỏa, dù đại án "Chuyến bay Giải cứu" được xét xử phúc thẩm với tình tiết bất ngờ rượu vang đã biến thành tiền nhưng cái tên tràn ngập báo chí lề đảng không phải là ông già Noel hay điều tra viên Hoàng Văn Hưng, mà là cái tên lạ hoắc: Ông Trương Tấn Sơn, Phó Chủ tịch quận Tân Bình của thành Hồ.
Sự kiện báo chí rầm rộ, long trọng đồng loạt đưa tin cũng cực kỳ nhạt nhẽo, vô lý: “Ông Trương Tấn Sơn được điều chuyển về tỉnh Long An cách trung tâm thành Hồ đúng 45 km”. Thời đương chức Phó Chủ tịch Tân Bình, ông Sơn không làm được trò trống gì gây tiếng vang với công chúng như chuyện ông Hội Đồng Khoa móc cống, hay ông Phó Chủ tịch quận 1 Đoàn Ngọc Hải đi dẹp lòng lề đường để khi nghỉ việc trở thành sự kiện.
Nếu bình quân mỗi quận có ba Phó Chủ tịch thì chỉ tại thành Hồ có đến trên nửa trăm, cả nước phải có đến con số ngàn. Chưa nói đến chiến lược luân chuyển cán bộ “thần thánh”, ảo diệu của Tổng bí thư ba nhiệm kỳ Nguyễn Phú Trọng, trong mọi nền hành chính, cai trị việc hoán chuyển công chức cấp tỉnh, huyện là hết sức bình thường. Nếu quan quận nào hoán chuyển cũng đăng tin, bài rầm rộ, báo chí phải tăng trang mới đủ chỗ in.
Theo nguyên tắc, với viên chức cấp quận như ông Sơn, sự quan tâm cao nhất là người được điều chuyển nhận các quyết định, văn bản từ đơn vị cũ và được xe công đưa đón về đơn vị mới là xong. Theo hồi ký của ông Đào Văn Hội, một công chức cao cấp thời Pháp thuộc và đệ nhất cộng hòa, khi được bổ nhiệm làm quận trưởng, ông tự lực lái xe đưa cả gia đình về đơn vị mới, chẳng lễ lạc, chẳng ai đưa đón.
Ấy vậy mà chuyện ông Phó Sơn về Long An lại được báo chí đua nhau đưa tin, bình luận long trọng, như chuyện Càn Long du Giang Hạ, hay trạng nguyên vinh quy bái tổ.
Không chỉ do báo chí mà có ai đó đã cố ý long trọng hóa chuyện điều chuyển 45km này bằng hai cái lễ, hai ngày khác nhau, ngày 18-12 là lễ trao quyết định ở đầu đi quận Tân Bình và ngày 22-12 là lễ công bố quyết định tiếp nhận tại Long An. Đặc biệt, lễ tại Long An có đủ mặt cả ban Thường vụ Tỉnh ủy, có quay phim tường thuật thật hoành tráng. Mỗi tờ báo đăng về sự kiện này có ít nhất ba bài, một bài lễ đi, một bài lễ đón và khoảng giữa có ít nhất một bài bình luận.
Khệnh khạng nhất là báo Pháp Luật TP.HCM, đã đăng bài “Lý giải về quy trình điều động ông Trương Tấn Sơn từ TP.HCM về Long An” của Tiến sĩ Vũ Trung Kiên, như một công trình khoa học đoán mò!!! Ông Tiến Sĩ rất thông minh này đã long trọng đoán rằng “Thứ nhất, để điều động ông Trương Tấn Sơn về công tác tại Tỉnh uỷ Long An chắc chắn Ban Thường vụ Thành uỷ TP.HCM và Chủ tịch UBND TP.HCM không thể tự quyết định (tức Ban Thường vụ Thành uỷ thống nhất ý kiến và Chủ tịch UBND TP.HCM ra quyết định) nếu không có công văn xin cán bộ của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An.
Để xin ông Trương Tấn Sơn về công tác tại Tỉnh uỷ Long An, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An trước hết sẽ gặp riêng ông Sơn đặt vấn đề và phải nhận được sự đồng ý của ông Sơn.
Sau khi ông Sơn đồng ý về công tác tại tỉnh Long An, Ban Thường vụ Tỉnh uỷ Long An sẽ họp, bàn, thống nhất và có văn bản gửi Ban Thường vụ Thành uỷ TPHCM xin cán bộ về tỉnh công tác” (1).
Thực tế hơn, báo Thanh Niên có bài dẫn nguồn cụ thể từ người trong cuộc “Tỉnh ủy Long An có đề nghị ông Trương Tấn Sơn về quê nhà công tác”. Đó là khẳng định của ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An, tại buổi tiếp nhận ông Trương Tấn Sơn (2).
Vui nhất là không chỉ báo ta mà cả báo Tây, từ nước Nga xa xôi đang ì xèo chiến dịch quân sự đặc biệt phi phát xít hóa Ukraine, báo Sputnik tiếng Việt cũng có bài viết dài tựa đề “Lý do ông Trương Tấn Sơn về Long An”. Tổng hợp thông tin từ báo chí lề đảng Việt Nam cũng khẳng định rằng tỉnh ủy Long An đã xin ông Sơn về quê nhà (3).
Báo Lao Động nói rõ hơn kỳ vọng của Long An. “Phát biểu tại buổi công bố quyết định, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Long An Nguyễn Văn Được mong muốn, ông Trương Tấn Sơn tiếp tục phát huy sở trường, kiến thức, kinh nghiệm; phát huy tinh thần đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; không ngừng phấn đấu hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Từ đó, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị tại địa phương, đơn vị” (4).
Ông Sơn là ai? Ông Sơn giỏi đến mức nào, đã làm được gì mà Tỉnh ủy Long An kỳ vọng vào ông nhiều như vậy? Thật khó có câu trả lời. Trong cả rừng thông tin na ná nhau về ông Trương Tấn Sơn chỉ có thể lọc ra một ít thông tin cụ thể như sau.
Trong chế độ cộng sản ngày vào đảng, số năm tuổi đảng là quan trọng, nhưng không thấy báo chí đưa tin ông Sơn vào đảng năm nào. Ông Trương Tấn Sơn năm nay 39 tuổi, quê ở Long An. Ông có trình độ chuyên môn là Thạc sĩ Kinh doanh quốc tế, Kỹ sư Xây dựng - địa chính; Cao cấp Lý luận chính trị.
Trước đây, Trương Tấn Sơn là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn TNHH một thành viên (Saigontourist).
Đầu năm 2020, khi đang là Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn, ông Trương Tấn Sơn được UBND TPHCM điều động đến nhận công tác tại UBND quận Tân Bình (5).
Tháng 3-2020, kỳ họp thứ 13 (kỳ họp bất thường), nhiệm kỳ 2016-2021, ông Trương Tấn Sơn được HĐND quận Tân Bình, TP.HCM, bỏ phiếu bầu chức vụ Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình với tỉ lệ 100% tán thành.
Tháng 8-2022, Ban Thường vụ Thành ủy TP.HCM đã trao quyết định công nhận Ủy viên Ban Thường vụ Quận ủy quận Tân Bình nhiệm kỳ 2020 - 2025 đối với ông Trương Tấn Sơn, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình (6).
Có người thạo tin cho rằng, chức danh Phó tổng Giám đốc Tổng công ty Saigontourist chỉ là hàm cho vui, công việc thực tế của ông là Giám đốc Khách sạn Majestic sang trọng. Di sản văn hóa nổi tiếng từ thời Pháp thuộc nằm ở Bến Bạch Đằng vị trí đắc địa nhất Sài Gòn. Được quản lý nhà hàng khách sạn ấy quả là chuột sa hũ nếp. Các chức vụ tiếp theo Phó Chủ tịch UBND quận Tân Bình được bầu trong kỳ họp bất thường, công nhận thường vụ quận ủy là rõ ràng có cơ duyên, hồng ân nào từ trên đưa xuống.
Lần này cũng vậy, tự dưng Tỉnh ủy Long An đặt kỳ vọng vào tài năng, trách nhiệm, tinh thần đoàn kết của ông Phó Chủ tịch quận vô danh, chìm lỉm trong hàng ngàn ông Phó khác và long trọng tiền hô hậu ủng xin về là sự việc lạ lùng. Càng lạ lùng hơn nữa, dù đã dày công xin người, long trọng làm lễ tiếp nhận, nhưng Tỉnh ủy Long An vẫn chưa công bố sẽ giao ông Sơn trọng trách gì.
Hoàn toàn không có gì lạ nếu biết thêm Trương Tấn Sơn là Thái tử Đảng đúng nghĩa, đen nghĩa bóng. Đó là trưởng nam của nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang. Những quan chức, Tỉnh ủy Long An ai cũng biết ông Sơn về Long An để được bầu bổ sung vào Tỉnh ủy và sẽ được cơ cấu làm Bí thư Tỉnh ủy trong đại hội tới đây, vào năm 2025.
Có người thắc mắc, tại sao không để Trương Tấn Sơn yên vị, thăng tiến ở thành Hồ, mà phải vòng vo kéo về Long An? Cần lưu ý đến đại hội tới, Sơn đã 42 tuổi. Để bảo đảm có cửa lọt vô Bộ Chính trị theo tiêu chuẩn hiện hành của Tổng Trọng là (hai khóa là Ủy viên Trung ương và đủ tuổi làm Ủy viên đủ trọn một nhiệm kỳ) Sơn phải lọt vào Trung ương ngay trong khóa này.
Thành Hồ vốn là đất dữ, lắm người nhiều ma. Năm 2011, Nguyễn Tấn Dũng đang trong đỉnh cao quyền lực, Thủ tướng Chính phủ, Ủy viên Bộ Chính trị, thế nhưng tại đại hội đảng thành Hồ, Nguyễn Thanh Nghị bị rớt cả Thành ủy viên lẫn đại biểu dự đại hội đảng toàn quốc. Tại đại hội đảng toàn quốc, Dũng phải vận dụng quyền lực thỏa hiệp để Nghị được bầu vắng mặt, được một chân Ủy viên Trung ương dự khuyết.
Hiện nay đã về hưu hơn 2 nhiệm kỳ, dù có lèo lái đến mức nào, quyền lực, uy thế của Trương Tấn Sang vẫn không thể bằng Nguyễn Tấn Dũng năm 2011, đưa Trương Tấn Sơn từ Thường vụ Quận ủy lên Thành ủy viên đã khó, huống chi một vai vế cộm cán, chủ tịch hay Phó Bí thư Thường trực Thành ủy được cơ cấu vào Trung ương là chuyện hái sao trên trời.
Con đường vòng về Long An để lọt vào Trung ương lại là con đường thẳng. Ông Nguyễn Văn Được, Bí thư Long An, đến khóa sau đã hết tuổi. Trương Tấn Sang có quá nhiều “ân tình” sâu nặng, đã dành nhiều tâm lực đầu tư cho Long An. Về bề nổi, thông qua Tổng hội Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, ông đã đem về cho Long An hàng trăm cây cầu nông thôn ở các huyện biên giới, nhiều chương trình phúc lợi khác.
Khu công nghiệp Tân Đức, Đại học Tân Tạo của Đặng Hoàng Yến, đều nằm trên đất Long An. Trong đại án Việt Á, Long An bị thanh tra nhưng vững như bàn thạch, không ai bị truy tố.
Trương Mỹ Lan có hơn 60 dự án đầu tư ở Long An trong đó có trên 30 dự án đã triển khai, hầu hết đều là cướp đất của dân. Có dự án, cả ban bệ Ủy ban Nhân dân Tỉnh phải chạy lên trụ sở Vạn Thịnh Phát họp hành, ký kết. Có dự án thanh tra đã kết luận sai, Ủy ban Tỉnh ra quyết định đình chỉ nhưng huyện vẫn cứ làm bừa. Nhiều quan chức tỉnh Long An dính chàm vụ Vạn Thịnh Phát nhưng đến nay vẫn an toàn là nhờ ai, nếu không có bàn tay che trời của …
Theo gương và được sự che chở của Trương Tấn Sang, các Thái tử Đảng cấp tỉnh, cấp huyện ở Long An cũng đã sẵn sàng thay ghế cha anh. Đại hội đảng thực chất là cuộc truyền ngôi, chuyển giao chức vụ. Còn hai năm nữa mới đến đại hội, nhưng người dân Long An đã biết ông L con ông cựu Phó Chủ tịch P sẽ là chủ tịch, ông L con ông cựu Bí Thư T sẽ là Phó Chủ tịch…
Với từng ấy quan hệ, Trương Tấn Sang là Thái Thượng hoàng, quyền lực tuyệt đối ở Long An. Con đường bước lên ghế Bí thư tỉnh Long An của Trương Tấn Sơn đã trải thảm nhung.
Cơn bão báo chí lề đảng trong vụ điều chuyển Trương Tấn Sơn hoàn toàn không phải tình cờ mà là chiến thuật, bước đi trong chiến lược đưa Thái tử Đảng lên ngôi.
Thái tử Nguyễn Thanh Nghị và Nguyễn Minh Triết của Ba Dũng đã yên vị ngôi cao thì Thái tử Trương Tấn Sơn lẽ nào chịu kém!
Con cái lãnh đạo tiếp tục làm vua đó là “hồng phúc của đảng”, đồng thời cũng là thảm họa của dân tộc.
Đảng kiên trì độc quyền lãnh đạo, kiên trì mục tiêu XHCN thực chất là giữ ngai vàng cho các Thái tử Đảng.
_________
Chú thích: