ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Hungary nói vẫn có thể chặn Ukraine gia nhập EU, Nga đẩy lui UAV tấn công Crưm (VNN 16/12/2023)-Quân đội Israel thừa nhận giết nhầm 3 con tin Do Thái ở Gaza (VNN 16/12/2023)-Nhân viên Al Jazeera thiệt mạng ở Gaza, Houthi tăng cường tấn công tàu hàng (VNN 16/12/2023)-Đồng minh của ông Trump bị bắt bồi thường hơn 148 triệu USD vì tung tin giả (VNN 16/12/2023)-Bão lớn tàn phá vùng Viễn Đông của Nga (VNN 16/12/2023)-
- Trong nước: Đổi mới sáng tạo để tái tạo chính mình (VNN 16/12/2023)-NMH-Vụ Vạn Thịnh Phát: Trưởng đoàn thanh tra nhận 5,2 triệu USD, che sai phạm SCB (VNN 16/12/2023)-Đầu mối phanh phui bác sĩ giả hành nghề suốt 20 năm, kiếm hơn 24 tỷ đồng (VNN 16/12/2023)-'Bắt bệnh' tìm lời giải cho nguy cơ cháy nổ nhà riêng lẻ trong ngõ hẹp (VNN 16/12/2023)-
- Kinh tế: Thích ứng với CBAM: Doanh nghiệp muốn hội nhập thì phải 'hội nhập'! (KTSG 16/12/2023)-Cần sớm có tiêu chí Made in Vietnam (KTSG 16/12/2023)-Năm 2023 đầy sóng gió của cộng đồng khởi nghiệp (KTSG 16/12/2023)-Cận cảnh công viên bờ sông Sài Gòn sắp đưa vào hoạt động (KTSG 16/12/2023)-Các bị can trong vụ án Vạn Thịnh Phát nộp hàng ngàn tỉ đồng khắc phục hậu quả (KTSG 15/12/2023)-Việt Nam xếp thứ hai trong điểm đến đầu tư đầy hứa hẹn của doanh nghiệp Nhật Bản (KTSG 15/12/2023)-Cao tốc Biên Hòa - Vũng Tàu dần lộ diện sau 6 tháng thi công (VNN 16/12/2023)-Chanh Quảng Đông đắt đỏ và nỗi buồn cam sành ‘ngọt nước’ giá bằng cốc trà đá (VNN 16/12/2023)-Việt Nam muốn 'đi sau về trước' trong phát triển ngành công nghiệp bán dẫn (VNN 16/12/2023)-Lý do người đàn ông Philippines tìm đến bác sĩ Việt Nam để chữa ung thư (VNN 16/12/2023)-Cận Tết, triệu hộ chăn nuôi vẫn gồng lỗ, giá gà, lợn chìm sâu dưới đáy (VNN 16/12/2023)-Hé lộ danh sách 'những quốc gia nguy hiểm nhất cho du khách' năm 2024 (VNN 16/12/2023)-Hàng nghìn xe gian được 'phù phép' thành mô tô mới lừa bán cho người dân ra sao? (VNN 16/12/2023)-Ngân hàng bị kiểm soát đặc biệt 'đua' lãi suất thấp kỷ lục cùng nhóm Big4 (VNN 16/12/2023)-Đại gia xăng dầu trong vụ bắt ông Lê Đức Thọ cầm cố 33 triệu lít dầu ở BIDV (VNN 16/12/2023)-Gửi tiền tiết kiệm vào công ty tài chính, nguy cơ trắng tay (VNN 16/12/2023)-
- Giáo dục: Luận án tiến sĩ bị tố trùng lặp: Người trong cuộc nói gì? (GD 16/12/2023)-Trung tâm kiểm định hết hạn giấy phép hoạt động: Cần tạm dừng để tránh hệ lụy (GD 16/12/2023)-ĐH Điều Dưỡng Nam Định: Số sinh viên nhập học thấp, trường khó khăn về tài chính (GD 16/12/2023)-TH-THCS-THPT Edison bị 'tố' dạy văn hoá và dạy nghề, Sở GD Hải Phòng làm rõ (GD 16/12/2023)-Từ cậu học trò nghèo mê Hóa đến PGS ngành Dược học: "Tôi mãi biết ơn thầy cô" (GD 16/12/2023)-Không được yêu cầu phụ huynh viết đơn nếu không muốn học môn liên kết (GD 16/12/2023)-Giáo viên góp ý bản mẫu sách giáo khoa Lịch sử 12 (GD 16/12/2023)-Ngành học Thiết kế công nghiệp: Nơi tuyển sinh thuận lợi, trường gặp khó khăn (GD 16/12/2023)-Cùng nhìn lại kết quả Olympic, Khoa học kỹ thuật quốc tế của Việt Nam năm 2023 (GD 16/12/2023)-Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam làm việc với Trường Đại học Vinh (GD 16/12/2023)-Chính thức bỏ thi thăng hạng từ 07/12, giáo viên sẽ được xét thăng hạng ra sao? (GD 16/12/2023)-Nữ sinh chuyên Sư phạm trúng tuyển ĐH Yale với học bổng gần 9 tỷ đồng (VNN 16/12/2023)-Qua Nhật du học, chàng trai kiếm được bộn tiền cùng bạn gái xinh đẹp (VNN 16/12/2023)-Hàng loạt đại học công bố phương thức tuyển sinh năm 2024 (VNN 16/12/2023)-
- Phản biện: Tôi rất ngạc nhiên, tại sao TS "rởm" lại "qua mặt" được nhiều trường ĐH thế? (GD 11/12/2023)-Ngô Tứ Thành-Làm cách khác, TP.HCM sẽ cất cánh (TVN 9/12/2023)-Trần Văn Tường-Nạn kẹt xe và đội vốn đầu tư ở TP.HCM ngày càng nghiêm trọng (TVN 8/12/2023)-Trần Văn Tường-Đánh giá bài báo của ứng viên GS, PGS ngành KHXH nên dựa vào đâu? (GD 8/12/2023)-
- Thư giãn: Cung điện lộng lẫy chứng kiến những bi kịch của hoàng hậu đẹp nhất châu Âu (VNN 14/12/2023)-Người phụ nữ gợi tình nhất hành tinh chia sẻ hạnh phúc khi không sinh con (VNN 13-12-2023)- Biệt thự gỗ giữa đồi thông đẹp như cổ tích của ca sĩ Trọng Tấn (VNN 10/12/2023)
TÌNH HÌNH MỚI
Tạ Duy Anh / FB/BVN 15-12-2023
Những ý kiến ác ý, khinh miệt chuyến thăm của ông Tập Cận Bình thuộc về quyền biểu đạt cá nhân, nhưng theo tôi là hơi quá đà. Chúng ta biết rõ Trung Quốc muốn gì ở Việt Nam. Nhưng chúng ta còn biết rõ hơn rằng, không có cách gì để chúng ta thoát khỏi thân phận hàng xóm vĩnh viễn của họ.
Tập Cận Bình là người kiêu ngạo. Khi giàn khoan 981 xâm nhập trái phép lãnh hải của Việt Nam, nghe nói ông ta gác máy điện thoại. Nhưng rõ ràng ông ta kịp nhận ra sai lầm chết người của lối ngoại giao chó sói. Và giờ thì ông ta đang muốn đóng vai chim bồ câu.
Sự thay đổi đó, dù chỉ mang tính chiến thuật, cũng có lý do của nó.
Nói trắng ra, nếu Putin nuốt sống Ucraine trong một tuần, thì hôm qua và hôm nay Hà Nội không tắc đường khắp nơi. Khi đó nơi tắc đường rất có thể là Đài Bắc, rồi sau đó là Biển Đông.
Sự thất bại thê thảm của Nga đã cho các cường quốc bài học lớn về cách mà họ cư xử với các nước nhỏ hơn.
Trung Quốc nhận ra thực tế đó sớm nhất.
Rằng to xác, bom đạn đầy mình chưa chắc đã mạnh.
Trong khi đó lịch sử luôn đứng về phía người Việt.
Nhưng con nhím phương Nam này chỉ cần lộ ra thời điểm thay lông hay ốm yếu, là Rồng ác cuộn mình lao tới.
Chẳng có tình hữu hảo, cùng chung hệ giá trị gì hết. Ông đạp xe xích lô, bà nhặt ve chai Hà Nội cũng biết rõ như vậy.
Nhưng hòa bình là thứ mà chúng ta theo đuổi, cho đến khi hết cơ hội cứu vãn mới buộc phải cầm súng. Đó là tư tưởng cũng như triết lý sinh tồn của người Việt, từ khởi thủy cho đến ngày tận thế.
Vì vậy, tôi hoan nghênh ông Tập sang Hà Nội dùng trà. Trà Thái Nguyên ngon nhất thế giới ông ạ! Nhấp đến ngụm thứ 7, như cách uống của Lộ Tung tổ tiên ông, chắc chắn ông sẽ nhận ra Trung Quốc không có cơ hội nào chiến thắng khi hành binh về phương Nam.
Chúc ông đi đến nơi, về đến chốn bằng chuyên cơ.
T.D.A.
Nguồn:
FB Lao Ta
VĂN BẢN HỢP TÁC VIỆT - TRUNG
Dương Quốc Chính /FB/ BVN 15-12-2023
Tiếng là ký 36 văn bản hợp tác nhưng thực tế đa số chỉ là biên bản ghi nhớ. Biên bản ghi nhớ thì đại khái như kiểu đặt gạch bằng mồm như anh “Elon Quit” đặt mua trăm chiếc Boeing, 50 chiếc Airbus ý.
Thực tế anh em chỉ cần quan tâm đến mấy cái văn bản chính thức dưới đây là vì nó sẽ ảnh hưởng đến kinh tế, xã hội 2 bên:
1. Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc giai đoạn 2024-2028: 2 bên sẽ hợp tác tuyên truyền, chắc Dư luận viên và Hồng vệ binh mạng hai nước sẽ tương trợ nhau trên mặt trận mạng xã hội;
2. Hiệp định chuyển giao người bị kết án phạt tù giữa chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
3. Hiệp định về phòng, chống tội phạm giữa chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa: Anh em đừng có dại mà vượt biên qua Tàu trốn nã;
4. Kế hoạch hợp tác cùng nhau thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ “Hai hành lang, Một vành đai” với sáng kiến “Vành đai và Con đường” giữa chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
5. Hiệp định giữa chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng khu vực biên giới Bát Xát, Lào Cai, Việt Nam – Bá Sái, Vân Nam, Trung Quốc;
6. Nghị định thư giữa chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc đơn giản hóa thủ tục xuất nhập cảnh cho nhân viên, phương tiện giao thông vận tải, thiết bị thi công và vật liệu xây dựng qua cửa khẩu Lào Cai – Hà Khẩu để cùng xây dựng cầu đường bộ qua sông Hồng biên giới Bát Xát, Việt Nam – Bá Sái, Trung Quốc.
Với 3 cái này là triển khai sáng kiến “Vành đai và Con đường” đó thì sắp tới hàng Tàu càng rẻ, các mẹ hoan hỉ mà ship hàng Shopee, Lazada;
7. Thỏa thuận hợp tác tìm kiếm cứu nạn trên biển giữa chính phủ nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam và chính phủ nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa;
8. Thỏa thuận thiết lập đường dây nóng thông tin về các vụ việc phát sinh đột xuất của hoạt động nghề cá trên biển;
Hai cái thoả thuận này là anh em tương trợ nhau tí trên biển Đông, đại khái bảo nhau, đừng có bắt bớ, phun nước xua đuổi nhau. Nhưng tranh chấp biển đảo thì không nói nhé!
Còn lại đa số là những cái linh tinh vớ vẩn thôi, ký cho nó hoành tráng, đẹp mặt nhau thôi.
D.Q.C.
Nguồn:
FB Dương Quốc Chính
‘LẤY ĐÁ GHÈ CHÂN MÌNH,’ ÔNG TẬP CÓ ĐƯỢC ‘CỘNG ĐỒNG CHUNG VẬN MỆNH’ VỚI HÀ NỘI
Đinh Hoàng Thắng/VOA/ BVN 14/12/2023
Chủ tịch Tập Cận Bình năm lần bảy lượt nhắc đi nhắc lại trên “nhandan.vn” về khái niệm “Cộng đồng chia sẻ tương lai”, “Sáng kiến Vành đai và Con đường” và bổ sung thêm “bốn kiên trì” khác. Liệu ông đã mãn nguyện sau “chuyến tuần thú phương Nam”?
Cuối bài viết 3.123 chữ Tổng bí thư Tập Cận Bình “gửi đăng” trên báo Nhân dân của ĐCSVN ngày 12/2/2023 đã khái quát nên một triết lý Trung Hoa: “Vạn vật đắc kỳ bản giả sinh, Bách sự đắc kỳ đạo giả thành” (Vạn vật sinh ra khi tìm được bản chất thực sự, trăm việc sẽ thành công khi tìm được đạo lý của mình) (1). Từ lâu, số người người đọc Nhân dân vốn không nhiều; nay với bài viết của ông Tập lại càng ít hơn, như một phản ứng tiêu cực tự nhiên đối với báo chí nhà nước, cũng như đối với chuyến thăm vừa qua của ông Tập. Tuy nhiên, trong giới xã hội dân sự đã đọc bài viết, đang lan truyền một thông điệp: Với triết lý trên, ông Tập quả là đã “tự bắn vào chân mình” (shoot yourself in the foot). Vô hình trung, mọi người sẽ đi “tìm bản chất thực sự”, sẽ đi “tìm đạo lý thực sự” trong các ý đồ và mưu toan cũng như trong các tính toán của lãnh đạo Trung Quốc đối với ĐCSVN và người dân Việt Nam, không chỉ trong khuôn khổ chuyến thăm được được truyền thông nhà nước “bốc lên” tận mây xanh.
Theo SCMP, các thảo luận chính thống về cách ứng xử của Việt Nam đối với Trung Quốc thường tràn ngập những điều sáo rỗng. Có câu chuyện kể về hàng ngàn năm Việt Nam đối phó với Trung Hoa. Các tranh chấp biển đảo gay gắt giữa Hà Nội với Bắc Kinh ngày nay thường được coi là sự tiếp nối của các cuộc xung đột dường như vĩnh cửu ấy. Tuy nhiên, thực tế lại có nhiều sắc thái phong phú hơn. Keith Weller Taylor từ Đại học Cornell nhận định, quan hệ Trung – Việt còn được đánh dấu bằng thời gian chung sống hòa bình lâu dài, với quyền tự chủ của Việt Nam, “phụ thuộc vào việc bắt chước thành công” các mô hình Trung Quốc (2). Việt Nam thường chịu lùi một bước, chấp nhận “trong đế ngoài vương” để có thể tồn tại bên cạnh một lân bang mạnh và luôn có ý đồ thôn tính mình. Cái nhìn khái quát này càng chuẩn trong “biến cục ngày nay” – một khái niệm ông Tập mô tả trong bài viết trên Nhân dân. Và cái “biến cục ngày nay” ấy được ông Tập nhận định là “thế giới trăm năm chưa từng có đang diễn biến nhanh chóng”.
Trong “biến cục” này, thế và lực của Việt Nam không như thuở hồng hoang, Trung Quốc không phải muốn làm gì cũng được. Trong một cuộc họp hẹp của một nhóm xã hội dân sự, đã đặt vấn đề, ông Tập sang ta lần này trên tư thế nào? Trung Quốc từng “trỗi dậy mạnh mẽ” sang để trấn áp tiếp Việt Nam, hay là trong tư thế một Trung Quốc bị “tứ bề thọ địch”, sang Hà Nội để chèo kéo Việt Nam cùng trèo lên chiến thuyền đang chòng chành, có nguy cơ bị lật? Lập luận này cũng tương tự như ý kiến của một nhà nghiên cứu từng phát biểu trong Hội luận của VOA tối 12/12. Lần này, ông Tập sang trong thế thủ, chứ không trên thế áp đảo Hà Nội như hai lần trước đây (3). Tuy nhiên, sau năm lần bảy lượt, vừa thuyết phục, vừa ép buộc, “chuyến tuần thú” phương Nam ngày 11 và 12/12 đã mang về cho ông điều mình mong muốn. Tuyên bố chung Trung – Việt cuối cùng đã đồng ý nâng cấp quan hệ, xây dựng “tương lai chung” với Trung Quốc, cho dù trong bản tiếng Hoa vẫn là “cộng đồng chung vận mệnh” (4). Chỉ đánh tráo hai chữ thôi cũng đủ nói lên cuộc kháng cự dai dẳng của “ngoại giao cây tre” suốt những năm qua.
Vẫn theo nhà nghiên cứu Keith Weller Taylor, “tương tự như nhiều nước láng giềng, Việt Nam hiện nay đang cam kết thực hiện chính sách không đứng về phía siêu cường này để chống lại siêu cường kia. Điều này nảy sinh từ trải nghiệm đau đớn của đất nước trong Chiến tranh Lạnh, khi Việt Nam bị kẹt giữa Liên Xô, Mỹ và Trung Quốc. Nhưng chính sách đối ngoại của Hà Nội không hề tĩnh tại và nguyên khối. Chỉ riêng trong thập kỷ qua, chiến lược cân bằng đã trải qua nhiều sự chuyển đổi đáng để ý, do những thay đổi mang tính lịch sử trong nước và trong hệ thống quốc tế rộng lớn hơn” (5). Gần đây, chính sách đối ngoại của Việt Nam đã chuyển hướng thân thiện hơn với Trung Quốc, vì ba nguyên nhân. Đầu tiên là do các thành phần thân phương Tây đã bị thanh trừng vì có liên quan đến chống tham nhũng. Thứ hai, ĐCSVN ưa thích một trật tự quốc tế đa cực hơn và đã “ngầm” phản đối phương Tây, không lên án Nga xâm lược Ukraine… Và nguyên nhân thứ ba, hiện tại, Việt Nam phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu nguyên liệu thô và hàng hóa trung gian từ Trung Quốc (Không có nguồn nguyên liệu này, Việt Nam làm sao xuất siêu sang Mỹ được?).
Hệ sinh thái đối ngoại nói trên là không gian ra đời của Tuyên bố chung (TBC) Việt Nam – Trung Quốc “lịch sử” (với 5 nội dung lớn và có độ dài 8.300 chữ). Người bình thường chắc khó đọc nổi toàn văn bản TBC này (6), nhưng giới quan sát chú ý tới 36 văn kiện thỏa thuận hợp tác đã được các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương ký kết trong chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam của ông Tập Cận Bình (7). 36 văn bản này là một hỗn tạp các thỏa thuận không chỉ giữa hai Chính phủ, mà còn giữa Chính phủ Việt Nam với các Chính quyền địa phương (cấp tỉnh) của Trung Quốc. Sự bất tương xứng này còn thể hiện ngay trong “Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật đối với dưa hấu xuất khẩu từ Việt Nam sang Trung Quốc”. Tại sao hoa quả trái cây từ Việt Nam qua Trung Quốc thì “yêu cầu kiểm dịch thực vật”, song chiều ngược lại, nếu chẳng may “lọt” các thực phẩm độc hại từ Trung Quốc tràn qua Việt Nam thì sao lại không có kiểm dịch (?!) Điều hiếm hoi là 36 văn bản vừa ký kết lần này đã được công khai hóa. Cùng với 15 thỏa thuận năm 2017 và 13 thỏa thuận năm 2022, nhân các chuyến thăm Bắc Kinh của TBT Nguyễn Phú Trọng, cảm giác sự ràng buộc giữa Việt Nam vào Trung Quốc ngày càng chặt chẽ. Nhìn tổng thể, ngay cả các quan chức cũng ít ai biết được đó là những cam kết gì, chứ đừng nói đến mấy chục triệu dân thường.
Theo đánh giá của chuyên gia, Trung Quốc ép Hà Nội chấp nhận CCD là vì ông Tập Cận Bình cần một thắng lợi tượng trưng, thông qua việc ông đã “nâng cấp” bang giao Trung – Việt, không để nó “bị xếp” ngang hàng với các “Đối tác chiến lược toàn diện” (CSP) khác giữa Việt Nam với Mỹ, Nhật, Ấn, Úc, Hàn. Ngoài việc khẳng định Bắc Kinh luôn ở “kèo trên”, lúc nào cũng bảo ban được “đứa con hoang đàng phải trở về đất mẹ” (8'), Tập Chủ tịch còn muốn thiết kế một “Trật tự quốc tế mới”, thay bằng tầm nhìn của Trung Quốc, loại bỏ “Pax Americana” (Trật tự Mỹ và thế giới dân chủ). Nói như Tiến sỹ Hà Hoàng Hợp: “Chữ nghĩa ở đây không rõ ràng, lãnh đạo Trung Quốc rất biết, nhưng họ coi đây là khẩu hiệu có lợi cho họ, nên đi đâu cũng tác động để đối tác công nhận. Từ năm 2015 đến nay, Trung Quốc đã sáu lần đề nghị Việt Nam tham gia ‘Cộng đồng chung vận mệnh’, ba lần do Vương Nghị tác động, ba lần do ông Tập trực tiếp đề nghị” (9). Tuy nhiên, Việt Nam đã kiên cường kháng cự, cho đến ngày 12/12/2023 vừa qua…
(3) https://www.youtube.com/watch?v=GwIzbCuoAsQ (Hà Nội tiếp đón hai lãnh đạo Campuchia và Trung Quốc, ý nghĩa – thực chất)
(4) https://www.youtube.com/watch?v=okQjGJyLXrw (Việt Nam tuyên bố xây dựng “tương lai chung” với Trung Quốc, tiếng Hoa vẫn là “chung vận mệnh”)
(9) https://www.bbc.com/vietnamese/articles/cgrp57mg9vgo (Chủ tịch Tập Cận Bình muốn thấy Việt Nam trong ‘bức tranh’ của Trật tự Trung Hoa)
Đ.H.T.
Nguồn:
TẬP CẬN BÌNH DU GIANG NAM
Nguyễn Quang Dy / BVN 13-12-2023
Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam (12-13/12/2023) như Hoàng đế Trung Hoa “du Giang Nam”. Chuyến thăm được dự kiến vào cuối tháng 10 hay đầu tháng 11, đã phải hoãn lại vì Tập Cận Bình đi Mỹ gặp Joe Biden (quan trọng hơn). Trong chuyến thăm lần này, hai bên đã ký 36 văn kiện (kỷ lục), nhưng không có tuyên bố chung (bất thường). Nếu đây là cách “lấy số lượng bù chất lượng” thì đó là “kết quả tốt nhất có thể”.
BỐI CẢNH BẤT THƯỜNG
Từ khi lên cầm quyền (2012), Tập Cận Bình đã sang thăm Việt Nam hai lần (2015, 2017). Chuyến thăm lần này của ông diễn ra hơn ba tháng sau chuyến thăm Việt Nam của ông Joe Biden, để nâng cấp quan hệ Viêt-Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (10/9). Theo các chuyên gia, đó là một bước “nhảy cóc” bất thường mà Bắc Kinh đành chấp nhận. (CSP giữa Việt Nam với Mỹ và Hoàng đế Trung Hoa, NQD, BVN, 30/10/2023).
Theo các chuyên gia phân tích, Tập Cận Bình không thể sang thăm Việt Nam trước Joe Biden vì nội bộ có nhiều vấn đề bất ổn. Sau đó, ông phải hoãn chuyến thăm Việt Nam để chuẩn bị đi Mỹ gặp Joe Biden (15/11), bên lề hội nghị cấp cao APEC. Chuyến thăm Mỹ quan trọng hơn, nhằm giảm căng thẳng với Mỹ trước sức ép kinh tế và chính trị trong nước, và để “giữ thể diện (Hàm ý của Tập Cận Bình gặp Joe Biden, NQD, BVN, 25/12/2023).
Hội nghị TƯ 3 của Trung Quốc đã phải hoãn đến tháng 12, nay hoãn tiếp sang năm sau, chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn chưa từng có. Tập Cận Bình đến California gặp Joe Biden, nhưng cuộc gặp không mang lại tiến bộ nào trong việc gián đoạn chuỗi cung ứng, là vấn đề quan trọng nhất với Trung Quốc lúc này (Xi-Biden summit leaves China’s economic policies up in air, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, Dec 7, 2023).
Dường như đang có xung đột quan điểm nghiêm trọng trong nội bộ của Tập Cận Bình, khiến họ không phối hợp được với nhau. Tập Cận Bình đã đến thăm Thượng Hải, trong một nỗ lực tuyệt vọng để cứu vãn nền kinh tế. Hà Lập Phong (Phó thủ tướng phụ trách kinh tế thay Lưu Hạc) đã không có mặt tại California với Tập Cận Bình, mà Thái Kỳ (Chánh văn phòng TƯ, phụ trách an ninh) là người đối thoại với Bộ trưởng tài chính Janet Yellen.
Theo báo chí, Bắc Kinh muốn Hà Nội gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” để nâng cấp quan hệ với Việt Nam, nhưng Hà Nội vẫn theo đuổi chiến lược cân bằng (hedging strategy). Trong khi tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Hà Nội đang xích lại gần Mỹ, nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. (In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda, Shi Jiangtao, SCMP, December 11, 2023).
Theo Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang (ISEAS), chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình chứng tỏ tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nó cũng phản ánh lo ngại của Bắc Kinh trước thực tế Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ và với Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Tập Cận Bình muốn lãnh đạo Hà Nội đảm bảo và cam kết không liên minh với Mỹ và với Nhật để chống Trung Quốc.
Nói cách khác, Bắc Kinh muốn lôi kéo Việt Nam vào vòng ảnh hưởng (phere of influence), qua sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh” và sáng kiến “An ninh/Phát triển Toàn cầu”. Việt Nam biết lợi thế địa chính trị của mình, không muốn hy sinh cho “Vành đai và Con đường”. Nguyễn Khắc Giang cho rằng chuyến thăm của Tập không làm thay đổi chính sách ngoại giao của Hà Nội. Quan hệ Việt-Trung đã tột đỉnh, không thể cao hơn nữa.
Tiến sỹ Lê Hồng Hiêp (ISEAS) cũng cho rằng mục đích chính của Bắc Kinh là đảm bảo Hà Nội không quá gần Mỹ mà rời quỹ đạo Trung Quốc. Trong lịch sử, người Việt không tin vào Trung Quốc, và hiện nay vẫn có nhiều tranh chấp tại Biển Đông. Nhưng người Việt hiểu tầm quan trọng của hợp tác với Trung Quốc. Ngay cả những người dân tộc chủ nghĩa cứng rắn nhất với Trung Quốc cũng không phủ nhận vai trò của Trung Quốc.
Theo Lê Hồng Hiệp, Bắc kinh muốn thuyết phục Hà Nội chấp thuận tuyên bố về “cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến thăm của Tập Cận Bình. Họ đề nghị nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh ở Nam Trung Quốc, với Hải Phòng ở Bắc Việt Nam, đi qua khu vực có nhiều mỏ đất hiếm. Chừng nào Trung Quốc còn đe dọa Biển Đông, Việt Nam vẫn cần giữ hòa khí với Trung Quốc, và cân bằng với hai siêu cường trong khu vực.
Theo các chuyên gia, Bắc Kinh muốn xác định ảnh hưởng của Mỹ với Việt Nam và các nước khác tới đâu, và làm thế nào để Trung Quốc có vị thế thuận lợi hơn, hay làm thế nào để tránh một vị thế bất lợi hơn. Bắc Kinh lo ngại Hà Nội ngả theo Mỹ, còn Việt Nam vẫn nhạy cảm với phản ứng của Trung Quốc. “Việt Nam lo ngại bị Trung Quốc hiểu lầm, không hài lòng, và thậm chí có thể trừng phạt vì nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật”.
Trong dịp này, Trung Quốc và Việt Nam thỏa thuận nâng cấp một số tuyến đường sắt và triển khai một số dự án hạ tầng bao gồm công nghệ số và cáp ngầm dưới đáy biển. Theo các nhà ngoại giao và chuyên gia, kết nối Việt Nam bằng công nghệ số nằm trong kế hoạch của Trung Quốc về “Con đường Tơ lụa số” (Digital Silk Road). Theo Lê Hồng Hiệp, Việt Nam rất thận trọng về các dự án chiến lược, nên chỉ thỏa thuận về hình thức.
Trung Quốc sẵn sàng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Mình với Hải Phòng, trong khi Hà Nội vừa bắt một số lãnh đạo doanh nghiệp đất hiếm. Trung Quốc muốn viện trợ cho các dự án đó, như đòn nhắm vào các dự án hạ tầng của Mỹ và Phương Tây (As Xi visits China offers rail grants to Vietnam pushes Digital Silk Road, Francesco Guarascio & Khang Vu, Reuters, December 11, 2023).
Theo các chuyên gia, “đất hiếm” thường chứa 17 kim loại đất hiếm (REM). Các kim loại này được phân thành các nhóm: “nhẹ”, “nặng”, “trung bình”. Trên thế giới có hơn 250 khoáng vật chứa oxit đất hiếm (REO) được tìm thấy ở 51 nước, trong đó có Việt Nam (đứng thứ hai sau Trung Quốc). Công nghệ khai thác đất hiếm khá đơn giản, Việt Nam có thể làm được, nhưng công nghệ tuyển, chế biến, phân lập thì không đơn giản như vậy.
“Đất hiếm” có đặc tính vật lý rất quý là “bền, cứng, chịu lửa”, có thể kết hợp với kim loại khác tạo thành hợp kim có giá trị. Công nghệ đất hiếm gồm: khai thác (thu được quặng nguyên khai), tuyển/làm giàu (thu được tinh quặng), chế biến (thu được các tổng oxit đất hiếm), và tách/phân lập (thu được các kim loại đất hiếm riêng lẻ). Từ 1985 đến nay là “kỷ nguyên đất hiếm Trung Quốc”, không có nước nào cạnh tranh được với Trung Quốc.
TỐT NHẤT CÓ THỂ
Gần đây, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng “Cộng đồng toàn cầu về tương lai chung: Đề xuất và hành động của Trung Quốc” (9/2023), giới thiệu cơ sở lý thuyết, thực tiễn và sự phát triển của một cộng đồng cùng chung tương lai. Đó là một khái niệm ngoại giao đã được Tập Cận Bình sử dụng. Để thực thi khái niệm đó, Bắc Kinh đã có các sáng kiến “Vành đai và Con đường, An ninh Toàn cầu, Phát triển Toàn cầu, Văn minh Toàn cầu”.
Khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” được Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhắc tới tại các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội (1-2/12), làm “tiền trạm” cho chuyến thăm của Tập Cận Bình. Trung Quốc muốn Việt Nam chấp thuận đưa cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” vào Tuyên bố chung giữa hai nước, với hàm ý “đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc cao hơn với Mỹ (Theo Dự án ĐSKBĐ).
Đến nay, cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” đã được đề cập gần một trăm lần, chứng tỏ Bắc Kinh ngày càng tự tin trong việc định hình cấu trúc khu vực, trong đó có cấu trúc an ninh. Bắc Kinh muốn buộc các nước thành viên ASEAN vào một hệ thống khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm. Các chuyên gia đã vạch ra nghịch lý giữa lời hứa tốt đẹp của Bắc Kinh về “cộng đồng chung vận mệnh” và hành động thực tế của họ tại Biển Đông.
Trung Quốc đang thảo luận với Việt Nam về việc nâng cấp các tuyến đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt kết nối Côn Minh với Hải Phòng, đi qua khu vực có nhiều đất hiếm của Việt Nam. Nói cách khác, Trung Quốc muốn tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển quặng đất hiếm của Việt Nam về Trung Quốc để chế biến. Trong khi Trung Quốc đang thống trị thị trường đất hiếm thì Việt Nam vẫn chưa làm chủ được công nghệ này.
Gần đây, CEO của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đã họp với Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), về khả năng hợp tác giữa phía Trung Quốc và tập đoàn khai thác mỏ Vinacomin thuộc giám sát của CMSC. Vừa rồi, ông Joe Biden đã thỏa thuận giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư khai thác đất hiếm, và giúp Việt Nam lập bản đồ đất hiếm để “thu hút đầu tư chất lượng” và xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm.
Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam chuẩn bị đấu giá các mỏ đất hiếm, để Việt Nam trở thành nước có vai trò quan trọng trong lĩnh vực đất hiếm toàn cầu. Mỹ cũng muốn giúp Việt Nam phát triển nghành bán dẫn. Ông Jensen Huang (Nvidia CEO) đã tới Việt Nam, làm việc với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các công ty công nghệ, ngay trước chuyến thăm của Tập Cận Bình, để bàn về cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đăng ký 8,2 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 tháng đầu 2023, khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ giảm 15%, còn 79,25 tỷ USD, thì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 5% lên 50 tỷ USD, tuy nhập khẩu giảm do Việt Nam mua nhiều linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp.
Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Hà Nội để đồng chủ tọa phiên họp 15 của Ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Viêt-Trung. Khi gặp các lãnh đạo Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, Vương Nghị đã trao đổi về khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh”, về đầu tư vào công nghệ cao, và bất đồng giữa hai nước trên Biển Đông (China’s Leader Xi Jinping to Visit Vietnam Next Week, Sabastian Strangio, Diplomat, December 8, 2023).
Hai bên thảo luận về việc nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh với Hải Phòng, và về đất hiếm. Tuần trước, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Viêt-Nhật lên đối tác chiến lược toàn diện (CSP), và sẽ nâng cấp quan hệ CSP với Singapore, Australia, và Indonesia. Việc nâng cấp quan hệ với các đối tác đó làm Bắc Kinh lo ngại. Họ muốn nâng cấp quan hệ Viêt-Trung lên một “tầm cao mới” trong chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình.
Nhật Bản và Việt Nam là “đối tác chiến lược sâu rộng” từ 2014. Ngày 27/11, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” như với Mỹ. Nhật là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, lớn thứ ba về đầu tư, du lịch và lớn thứ tư về thương mại. Viện trợ song phương gồm cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe.
Gần đây, Nhật Bản đã tài trợ 36,63 tỷ yên (252,32 triệu USD) cho chương trình đóng 6 tàu tuần tra cảnh sát biển cho Việt Nam. Kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo có liên quan đến chương trình hỗ trợ “hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính mạng, tình báo, giám sát và trinh sát” (C5ISR) (Việt Nam có thể thêm nhiều bạn bè như Nhật Bản, Hà Hoàng Hợp, Nikkei, December 11, 2023)
Theo số liệu chính thức của Tổng cục Hải Quan Việt Nam, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam vượt 200 tỷ USD lần đầu vào năm 2021, đạt 230,2 tỷ USD, tăng hàng năm 19,7%. Theo số liệu chính thức của Văn Phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam năm 2022 là 142 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ từ năm 2021 là 3% và tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ là 25%.
Theo Khang Vũ (Diplomat, 10/2023) trong quan hệ bất đối xứng về quyền lực giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hà Nội ưu tiên duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh, và hội nhập vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Sức khỏe nền kinh tế và tính chính danh của Hà Nội phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài kết cục cụ thể về thương mại và đầu tư, dư luận chờ xem Việt Nam gia nhập thế nào vào cộng đồng “chung vận mệnh” hay “chia sẻ tương lai”.
Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh ép Hà Nội chấp thuận cụm từ cộng đồng “chung vận mệnh” hay “chia sẻ tương lai” là cách Bắc Kinh phản ứng trước thực tế Hà Nội đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Nói cách khác, thái độ quyết đoán của Bắc Kinh đã xô đẩy Hà Nội về phía Mỹ. Theo khảo sát của ISEAS (2/2023), đa số người Việt coi ảnh hưởng Mỹ là tích cực, còn ảnh hưởng Trung Quốc là tiêu cực.
THAY LỜI KẾT
Thủ tướng Hun Manet sang thăm Việt Nam đúng lúc này (11-12/12) chắc không phải là ngẫu nhiên mà có thể liên quan đến chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Tuy Campuchia đã trở thành một lá bài của Bắc Kinh để thao túng ASEAN và răn đe Việt Nam, nhưng vẫn là một ẩn số. Quân cảng Ream là căn cứ quân sự mà Trung Quốc có thể sử dụng. Trong khi đó Hun Manet định triển khai kênh đào nối sông Mekong với vịnh Thái Lan.
Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Trung Quốc tuy không hài lòng, nhưng buộc phải chấp nhận như “chuyện đã rồi”. Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam “tuy muộn còn hơn không”. Để giữ thể diện, ông muốn nâng cấp quan hê Viêt – Trung lên “tầm cao mới” là cộng đồng chia sẻ tương lai, và hợp tác để nâng cấp tuyến đường sắt kết nối Côn Minh với Hải Phòng, để khai thác “đất hiếm”.
Theo Alexander Vuving (APCSS), Tập Cận Bình muốn thuyết phục Việt Nam gia nhập “cộng đồng chung vận mênh” tương tự như quảng cáo bán “cái bình không có rượu”. Nói cách khác, nội hàm của “cộng đồng chia sẻ tương lai” không rõ. Trong bàn cờ “bất đối xứng” (asymmetric), việc đánh đổi quân mã lấy quân xe là cần thiết. Cái lợi từ nước cờ CSP với Mỹ lớn hơn nhiều so với cái giá phải trả, mà không bị Trung Quốc chiếu tướng.
Tham khảo:
1. CSP giữa Việt Nam với Mỹ và Hoàng đế Trung Hoa, NQD, BVN, 30/10/2023
2. Hàm ý của Tập Cận Bình gặp Joe Biden, NQD, BVN, 25/12/2023
3. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Cộng đồng chung vận mệnh, đường sắt và đất hiếm, ĐSKBD, December 11, 2023
4. Việt Nam có thể thêm nhiều bạn bè như Nhật Bản, Hà Hoàng Hợp, Nikkei Asia, December 11, 2023
5. Tập Cận Bình ở Hà Nội: Hai bên nhất trí về cộng đồng chia sẻ tương lai, VOA, 13/12/2023
6. Xi-Biden summit leaves China’s economic policies up in air, Katsuji Nakazawa, Nikkei Asia, December 7, 2023
7. China’s Leader Xi Jinping to Visit Vietnam Next Week, Sabastian Strangio, Diplomat, December 8, 2023
8. In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda, Shi Jiangtao, SCMP, December 11, 2023
9. As Xi visits China offers rail grants to Vietnam pushes Digital Silk Road, Francesco Guarascio& Khang Vu, Reuters, December 11, 2023
N.Q.D.
13/12/2023
Tác giả gửi BVN
ÔNG TẬP ĐƯỢC GÌ Ở HÀ NỘI?
Jackhammer Nguyễn/ TD 15-12-2023
Ông Tập nhận được sự đồng ý của các nhà lãnh đạo Hà Nội rằng, hai bên sẽ “Nhất trí xây dựng cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc”.
Đây có vẻ như là một lời hứa để cứu vớt sĩ diện cho ông Tập với các đồng chí của ông trong nước, rằng ông là một nhà lãnh đạo ngoại giao đại tài của đảng, bắt được anh láng giềng phương nam cứng đầu cứng cổ phải… hứa. Đây cũng có thể là sĩ diện của Hoa Lục với các nước nho nhỏ ở châu Á, rằng: Thấy chưa? Thằng Việt Nam ba gai cũng đi với chúng tôi đó!
Không có gì là thực chất ở cái lời hứa nhất trí mang tính khẩu hiệu cộng sản đó. Ai từng sống đủ lâu trong xã hội cộng sản Việt Nam cũng đều biết câu đùa vui của đám công nhân viên chức sau các cuộc họp… “Chúng ta đồng ý nhất trí, mỗi người một ý!”
Giới bỉnh bút tốn rất nhiều công sức, bàn luận những cách tu từ, thay đổi từ ngữ, tiếng Việt, tiếng Trung, tiếng Anh… thế nào là chung vận mệnh, rồi chung tương lai, tại sao không chung vận mệnh nữa, rồi nào là destiny (vận mệnh), hay là future (tương lai)… Tóm lại, chỉ là những khẩu hiệu, như ông Alexander Vuving nói với BBC Việt ngữ, rằng Trung Quốc chỉ có cái bình không!
Mà người Tàu cũng lạ, họ cứ lấy hết những mỹ từ có trong … Liên Hiệp Quốc, về loài người nói chung, mà xài. Thế thì cớ gì phải theo họ cho mắc công vậy, có Liên Hiệp Quốc rồi. Tôi nghĩ ý của họ là thế này, trong cái vận mệnh nhân loại đó, mặc dù có Liên Hiệp Quốc rồi, nhưng nước Tàu là quan trọng, vì chính mồm nước Tàu nói ra, nước Tàu sẽ dẫn dắt nhân loại, chứ không phải bọn phương Tây.
Tóm lại là nước Tàu, khi đưa ra những cái rối rắm... tương lai, vận mệnh, nhân loại, cộng đồng,… là họ muốn đòi một chỗ ở chiếu trên, giống như Mỹ chẳng hạn. Họ nhân danh nhân loại để muốn giành phần có lợi cho họ, chơi theo kiểu của họ.
Thế nhưng, cụ thể thì ông Tập có được gì không?
Cái cụ thể đầu tiên là Bắc Kinh sẽ thúc đẩy tuyến đường sắt Côn Minh – Hải Phòng. Nhiều người Việt lo ngại chuyện này, nhưng thực ra con đường sắt đó đã có từ thời hỏa xa Điền Việt thời thực dân Pháp, nó vẫn nằm đó cả trăm năm rồi.
Kế đến là hai bên sẽ kềm chế những bất đồng trên biển. Thật ra điều này có lợi cho người bạn láng giềng phương Nam anh em thù hận hơn, vì Bắc Kinh có sức mạnh hơn hẳn trên thực tế.
Tổng cộng chỉ có 36 văn bản thỏa thuận được ký, thay vì 45 như dự định ban đầu.
Trong những thỏa thuận dự định, quan trọng là những dự án về đất hiếm. Đây là những nguyên liệu ngày càng có giá trong cuộc cạnh tranh kinh tế, kỹ thuật, quân sự trên thế giới. Việt Nam là quốc gia có trữ lượng lớn thứ hai trên thế giới sau Trung Quốc, mà Trung Quốc lại rất có kinh nghiệm trong việc khai thác, xử lý… các loại quặng đất hiếm này. Có thể nói không ngoa rằng, ngoài vị trí địa lý, thì trữ lượng đất hiếm của Việt Nam, góp phần đưa quốc gia này vào tâm điểm của cuộc cạnh tranh.
Ông Tập hớt hơ hớt hải đến Việt Nam, ba tháng sau khi Mỹ – Việt nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức cao nhất, vì rằng nước này, một lần nữa lại lọt vào tâm điểm một cuộc chiến tranh lạnh, vẫn còn lạnh, chứ chưa nóng hừng hực như chiến tranh Việt Nam.
Ba tháng trước, sau chuyến thăm lịch sử đến Hà Nội của tổng thống Mỹ Joe Biden, các công ty Việt – Mỹ bắt đầu bàn luận nhau về khai thác và xử lý đất hiếm. Ngay khi ông Tập Cận Bình hãy còn trên trời thì báo New York Times có nhận định rằng, nếu ông Tập làm cho Hà Nội hoãn các dự án đất hiếm, các kế hoạch sản xuất chất bán dẫn, sản xuất chip của các đại công ty Mỹ, thì đó là thành công của ông Tập. Thế nhưng, ngay trước khi ông Tập đặt chân tới Hà Nội, tin tức loan báo, hai đại công ty Nvidia và Apple của Mỹ bắt đầu các dự án lớn của họ ở Việt Nam. Không có gì thay đổi sau khi ông Tập rời Việt Nam.
Không thấy ông Tập làm được gì liên quan đến đất hiếm của Việt Nam.
Không rõ là các văn bản giấy tờ thắm tình hữu nghị, các đội duyệt binh kiểu cẳng ngỗng, 21 phát đại bác… có làm ông Tập hài lòng, dù có những điều quan trọng ông không làm được. Ta cũng có cơ sở để tin rằng ông OK, vì dù sao ông cũng là con cháu của AQ mà.
Đương nhiên con rồng tre Việt Nam không phải là mục đích lớn nhất của các hoàng đế Trung Nam Hải. Mục đích lớn nhất của họ là một thế giới mới (hay cũ) do người Tàu lập ra, chơi theo kiểu có lợi cho họ, trong đó có con rồng tre Việt Nam (con gấu trúc Panda, đại diện cho người Tàu, khó có thể xơi được mấy miếng trúc bonsai già chát cong quèo).
Thế nhưng, ông Tập lại đến và rời khỏi Việt Nam trên một chiếc máy bay có in cái logo của Star Alliance, một liên minh hàng không có trụ sở ở Tây Âu, một định chế do phương Tây tạo ra. Thôi thì tạm thời ông Tập cứ hài lòng với cái bình … tương lai chung nhân loại của ông vậy.
J.Nguyễn
NGƯỜI VIỆT CÓ MUỐN 'CHIA SẺ TƯƠNG LAI' VỚI TRUNG QUỐC?
Trân Văn/ VOA/ TD 15-12-2023
ĐÂU PHẢI TỰ NHIÊN MÀ KHI TUYÊN TRUYỀN CHO CHUYẾN THĂM VIỆT NAM CỦA ÔNG TẬP CẬN BÌNH, ÔNG HÙNG BA – ĐẠI SỨ TRUNG QUỐC TẠI VIỆT NAM – LẶP ĐI, LẶP LẠI VIỆC VIỆT NAM VÀ TRUNG QUỐC “CHIA SẺ VẬN MỆNH CHUNG”, VỪA NHẤN MẠNH ĐÓ LÀ “ĐẶC TRƯNG TRONG QUAN HỆ HAI NƯỚC”!
Ông Tập Cận Bình – Tổng Bí thư đảng cộng sản Trung Quốc kiêm Chủ tịch Nhà nước Trung Quốc – vừa rời Việt Nam và mang theo cam kết của Việt Nam: Sẽ cùng Trung Quốc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng “cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” có ý nghĩa chiến lược (1).
“Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam – Trung Quốc” là gì? Vì sao đột nhiên xuất hiện trong “Tuyên bố chung” lần này? Cần lưu ý, trước giờ, hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam luôn cam kết cùng Trung Quốc “chia sẻ vận mệnh chung”. Chẳng hạn tháng 11 năm ngoái, trước khi kết thúc chuyến thăm Trung Quốc, ông Nguyễn Phú Trọng và ông Tập Cận Bình cũng công bố một “Tuyên bố chung”, tại phần ba của “Tuyên bố chung” này, ông Trọng thay mặt Việt Nam khẳng định sẽ “chia sẻ vận mệnh chung” với Trung Quốc (2). Rồi tháng 6 năm nay, khi thăm Trung Quốc, ông Phạm Minh Chính (Thủ tướng Việt Nam) và ông Lý Khắc Cường (Thủ tướng Trung Quốc) cùng phát hành “Thông cáo báo chí chung”, ở phần ba của thông cáo này, ông Chính thay mặt Việt Nam tái khẳng định tiếp tục “chia sẻ vận mệnh chung” với Trung Quốc (3).
Đâu phải tự nhiên mà khi tuyên truyền cho chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình, ông Hùng Ba – Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam – vừa lặp đi, lặp lại với các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam việc Việt Nam và Trung Quốc “chia sẻ vận mệnh chung”, vừa nhấn mạnh đó là “đặc trưng trong quan hệ hai nước” (4)!
Tại sao Việt Nam và Trung Quốc chỉ chia sẻ... “tương lai”, không chia sẻ... “vận mệnh” nữa? Đã có những lý giải khác nhau nhưng nhìn một cách tổng quát, đó là thay đổi cần ghi nhận. Nếu so “Tuyên bố chung 2022” với “Tuyên bố chung 2023” thì còn một số khác biệt đáng chú ý khác. “Tuyên bố chung 2022” không có những yếu tố này khi xác lập “định hướng quan hệ”. Đó là: Phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên hợp quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế, hợp tác cùng thắng, tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của nhau, kiên trì giải quyết bất đồng thông qua biện pháp hòa bình (Đoạn 4, Phần 1 “Tuyên bố chung 2023”).
Tạm thời xin chưa bình luận tại sao vì những khác biệt vừa kể dẫu đáng ngẫm nghĩ nhưng chính những yếu tố mới, vừa được nêu trong “Tuyên bố chung 2023” lại mâu thuẫn với một số yếu tố khác trong chính tuyên bố này. Chẳng hạn, tại sao đã khẳng định “phát triển quan hệ giữa các nước cần tuân theo Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế và chuẩn mực cơ bản của quan hệ quốc tế” mà “phía Việt Nam” lại “cho rằng các vấn đề Hồng Kông, Tân Cương, Tây Tạng là công việc nội bộ của Trung Quốc”? Chẳng lẽ đưa yếu tố đó vào “Tuyên bố chung 2023” là để đổi lấy “phía Trung Quốc ủng hộ các nỗ lực của phía Việt Nam trong việc duy trì ổn định xã hội, đảm bảo an ninh quốc gia và thúc đẩy đoàn kết dân tộc”? Trung Quốc đã hoặc sẽ can dự vào những xung đột giữa chính quyền Việt Nam với các cộng đồng thiểu số tại Việt Nam?
Tương tự, tại sao lần này, Việt Nam đột nhiên lớn tiếng minh định: “Công nhận Đài Loan là một phần không thể tách rời của lãnh thổ Trung Quốc, kiên quyết phản đối hành động chia rẽ ‘Đài Loan độc lập’ dưới mọi hình thức, ủng hộ nguyên tắc không can thiệp vào công việc nội bộ của các nước, không phát triển bất cứ quan hệ cấp nhà nước nào với Đài Loan” (1), bất kể từ khi Việt Nam bắt đầu mở cửa tới nay, dòng vốn đầu tư từ Đài Loan vào Việt Nam không ngừng gia tăng và càng ngày càng trở thành quan trọng đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam? Đâu phải tự nhiên mà gần đây, Việt Nam liên tục bày tỏ cả sự hào hứng lẫn hi vọng được hưởng lợi lớn khi dòng vốn đầu tư của Đài Loan đang dịch chuyển từ Trung Quốc sang các quốc gia trong khối ASEAN (5). Minh định như thế vào lúc này, trong bối cảnh như hiện nay là khôn hay dại?
***
Chuyến thăm Việt Nam của ông Tập Cận Bình là dịp để Việt Nam ký 36 “thỏa thuận hợp tác” (6). Tám “thỏa thuận” đầu tiên liên quan đến “hợp tác”... tuyên truyền, dịch – xuất bản các tác phẩm kinh điển, phối hợp giữa Ban Nội chính của hai đảng và Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng của hai chính phủ.
28 “thỏa thuận” còn lại được đặt tên là “hợp tác trên các lĩnh vực thực chất” nhưng ngoài “thúc đẩy kết nối giữa khuôn khổ ‘hai hành lang, một vành đai’ với sáng kiến ‘vành đai và con đường’ giữa hai bên” và “xây dựng một cây cầu bắc qua sông Hồng đoạn chảy ngang Lào Cai (Việt Nam) – Vân Nam (Trung Quốc)”, chủ yếu là những “thỏa thuận” nhằm “ghi nhớ” kiểu như... “ghi nhớ các yêu cầu đối với việc xây dựng vùng sạch bệnh lở mồm long móng có sử dụng vaccine” hay... “triển khai giao lưu hữu nghị đảng bộ địa phương giữa Thành ủy Hải Phòng, Đảng CSVN và Tỉnh ủy Vân Nam, Đảng Cộng sản Trung Quốc”,...
Cách nay hai tháng (10/2023), khi trả lời tờ Tiền Phong về tương lai quan hệ Việt – Trung, Đại sứ Trung Quốc tại Việt Nam từng bảo rằng, một trong những yếu tố mà hai đảng, hai nhà nước sẽ “đẩy mạnh kết nối” là... LÒNG DÂN (7). Trong bài viết được cho là của ông Tập Cận Bình gửi tờ Nhân Dân – cơ quan ngôn luận của đảng CSVN – để quảng cáo nhận thức, tình cảm đối với Việt Nam, ông Tập Cận Bình xiển dương “bốn kiên trì” xem đó như định hướng mới cho quan hệ Việt – Trung: Kiên trì tin cậy lẫn nhau, kiên trì hài hòa lợi ích, kiên trì hữu nghị thân thiết, kiên trì đối xử chân thành (8*). Không rõ LÒNG DÂN có phải là yếu tố tác động đến việc đổi “chia sẻ vận mệnh chung” thành “cộng đồng chia sẻ tương lai” chăng và cũng chưa rõ người Việt có chấp nhận “kiên trì” trong việc “chia sẻ tương lai” của dân tộc, của xứ sở với Trung Quốc không?
Chú thích
NGUỒN:
VÌ SAO TBT TRỌNG XÚC ĐỘNG ĐỌC DIỄN TỪ TRƯỚC TẬP CẬN BÌNH?
Hôm qua tôi coi clip video (trên RFA) thấy Tổng Bí thư Trọng có vẻ xúc động mạnh, khi đọc diễn văn trước Tập Cận Bình. Với giọng gần như muốn khóc, ông nói, "tôi già rồi, rất muốn trao trách nhiệm cho thế hệ trẻ..." Nội dung đoạn nói chuyện này không thấy ghi lại trong các văn bản chính thức được công bố trước báo chí.
Thật là ngạc nhiên. Vấn đề chuyển giao quyền lực là chuyện nội bộ của đảng Việt Nam. Người ta chỉ nói chuyện này trong đảng với nhau, giữa các đảng viên có thẩm quyền. Ông Trọng lại bộc bạch trước một "quốc khách", là Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình, như lời tâm sự giữa hai "đồng chí ,anh em" cực kỳ tin cậy.
Vì sao ông Trọng lại xúc động, "muốn khóc" khi nói về việc chuyển giao quyền lực cho "thế hệ trẻ"?
Theo tôi, lý do thứ nhứt, ông Trọng thấy "thế hệ đảng viên trẻ" không có người nào xứng đáng thay thế ông. Đảng Cộng sản do ông lãnh đạo đã trở thành một "đống ê chề". Nói theo ông Sang thì đảng CS là một "bầy sâu nhung nhúc".
Sự kiện này là thật, nào giờ đã là như vậy, không chỉ ông Sang mà nhiều người khác cũng đã có cùng nhận xét. Tôi không nghĩ ông Trọng lại xúc động khi chia sẻ sự thất vọng này với ông Tập.
Lý do thứ hai, là chuyện "đốt lò" của ông Trọng đang gặp khó khăn.
Ta cũng biết hệ thống tư pháp Việt Nam không thể sử dụng luật pháp để xét xử một đảng viên. Đảng viên này chỉ có thể bị luật pháp xét xử khi (và chỉ khi) người này bị tước tư cách đảng viên. Việc "tước tư cách đảng viên" chỉ có thể thực hiện trong chi bộ đảng mà đảng viên trực thuộc. Thí dụ, một đảng viên phạm tội hối lộ, nhưng đa số đảng viên trong chi bộ đảng không đồng tình phế bỏ tư cách đảng viên của đối tượng. Đảng viên này vẫn không bị luật lệ xét xử. Họ có thể đưa ra một lý do vớ vẩn, như "hối lộ không vụ lợi" để xá tội cho đảng viên này.
Tôi nghĩ, ông Trọng có lẽ đang gặp trở ngại vì gặp cảnh cả một (hay nhiều) chi bộ đảng chống lại quyết định của ông.
Ông Trọng tủi thân vì quyền lực ông bị xúc phạm, uy tín của ông bị sứt mẻ. Nếu ông giao quyền lực lại cho "thế hệ trẻ", công trình "đốt lò" chống tham nhũng của ông sẽ lỡ dở. Đảng của ông sẽ hiện nguyên hình là một đảng cướp, xâu xé tài nguyên đất nước và hút máu dân lành.
Thực tình tôi rất ái ngại cho ông Trọng. Tôi ủng hộ ông Trọng ngồi thêm nhiệm kỳ nữa để tiếp tục xử tội những kẻ tội phạm để làm trong sạch bộ máy nhà nước.
Tổng thống Roosevelt của Mỹ ngồi xe lăng lãnh đạo nước Mỹ, góp phần thắng trận Đệ nhị Thế chiến. Ông Trọng còn đầu óc tỉnh táo là còn khả năng lãnh đạo.
Nhưng ông Trọng phải thấy, gần cuối đời, nhìn lại thành quả của mình có thể bị tiêu hủy vì "thế hệ trẻ". Ông Trọng có xúc động mà khóc, trước người bạn "tâm giao" là ông Tập, tôi rất thông cảm. Nhưng theo tôi không thể để thành quả của ông tan thành mây khói. Công tác "đốt lò" chống tham nhũng phải được tiếp tục, một cách thường trực và liên tục lâu dài.
Theo tôi, ông Trọng phải sử dụng quảng thời gian còn lại để "pháp trị hóa quốc gia". Phải cấp tốc thay đổi Hiến pháp. Hiến pháp phải đứng trên tất cả. Hiến pháp là Hiến pháp, văn bản nền tảng xây dựng quốc gia, không thể là một "đề cương" của đảng.
Đảng phải hoạt động trong khuôn khổ của pháp luật. Phải có luật về đảng. Đảng viên phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đảng viên bình đẳng với mọi người dân Việt Nam, trước pháp luật.
Có vậy đất nước này mới phát triển. Có vậy thành quả của phát triển mới được phân chia đồng đều cho nhân dân cả nước. Lúc đó lịch sử sẽ ghi tên ông Nguyễn Phú Trọng như là một lãnh tụ vĩ đại của đảng CS, một nhà cải cách sáng suốt, một người có công đã đưa đất nước thoát khỏi nạn tham nhũng "cả đảng là một bầy sâu", "đảng viên ăn của dân không từ một thứ gì"...
Nhân Tuấn Trương
https://www.facebook.com/nhantuan.truong?__cft__[0]=
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét