Thứ Hai, 25 tháng 12, 2023

20231226. BÀN VỀ 'TÁI CẤU TRÚC'

  ĐIỂM BÁO MẠNG


TRAO ĐỔI VỚI NGHIÊN CỨU SINH KINH TẾ VỀ 'TÁI CẤU TRÚC'

NGÔ THẾ BÍNH/ Ngothebinh's Blog 1-2-2012

Cụm từ “ Tái cấu trúc” xuất hiện trong thời gian vừa qua với “tần suất” vô cùng lớn trên các diễn đàn hội nghị cũng như báo chí mà khởi đầu là trên diễn đàn Hội nghị TW3 Khóa 11 tháng 10/2011. Hội nghị Trung ương lần này xem xét và quyết định một nội dung rất mới và quan trọng là phải “tái cấu trúc nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Trong 5 năm tới, cần tập trung vào 3 lĩnh vực quan trọng nhất: Tái cấu trúc đầu tư với trọng tâm là đầu tư công; Cơ cấu lại thị trường tài chính với trọng tâm là tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thương mại và các tổ chức tài chính; Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và tổng công ty nhà nước”. Những bài thảo luận xoay quanh những chủ đề trên tôi đã cố gắng tập hợp khá đầy đủ trên các trang blog trước. Những ai không quan tâm tới “tái cấu trúc” thì đơn giản vì cụm từ này quá trừu tượng, nhưng đối với nghiên cứu sinh luôn luôn phải đối diện với “tái cấu trúc” ngay trong giải quyết đề tài luận án của mình. Tôi hy vọng qua các bài viết trên blog các bạn có thể tự rút ra kết luận bổ sung kiến thức, đưa ra các giải pháp có sức thuyết phục trong luận án kinh tế của mình. Mặc dầu đã có những thảo luận đa chiều, đa khía cạnh, nhưng nhiều bạn vẫn thấy còn “thiếu” cái gì đó thuộc về nguyên lý, mà ở đó cái cụm từ “tái cấu trúc” đã được sinh ra. Trong bài này trên cơ sở những câu hỏi đã được nhiều bạn nêu ra, tôi mạnh dạn trao đổi một số điều sau:

Cấu trúc là gì?  

Cấu trúc là thuật ngữ Hán-Việt, mà hầu hết các tự điển đều cho định nghĩa giống nhau: “Toàn bộ những quan hệ bên trong giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể” [1] [2]. (Chỉnh thể có nghĩa là thể thống nhất, trong đó các bộ phận có quan hệ chặt chẽ với nhau). Ví dụ: Cấu trúc của một ấm trà sứ gồm: thân ấm, nắp ấm, vòi ấm và quai ấm. Các thành phần này có quan hệ chặt chẽ với nhau, để tạo ra một cái ấm có công dụng hoàn chỉnh nhất định, nếu thiếu hay hỏng một trong các thành phần trên thì ấm không còn là ấm nữa! Thuật ngữ tương đương của “Cấu trúc” trong tiếng Anh là “Structure”. Các thuật ngữ được coi là tương đương với “cấu trúc” trong tiếng Việt  là : “kết cấu”, “cơ cấu” nhưng ít dùng. Tuy nhiên trong một văn bản  mà dùng lẫn lộn các thuật ngữ này với thuật ngữ “cấu trúc”, theo tôi là không nên vì người đọc có thể cho rằng các thuật ngữ này có nội hàm khác nhau.

Tái cấu trúc là gì?  

Tái cấu trúc cũng là thuật ngữ Hán-Việt có nghĩa là cấu trúc lại trên cơ sở sửa đổi, bổ sung các quan hệ bên trong giữa các thành phần tạo nên một chỉnh thể như cũ hay mới hơn. Trong ví dụ trên nếu thay nắp ấp (bị vỡ) bằng nắp khác chính là tái cấu trúc. Thuật ngữ tương đương với “tái cấu trúc” trong tiếng Anh là “ Restructuring”. (Có tác giả bài báo chọn thuật ngữ tương đương là “Re-enginiering”, tôi cho là không đúng).

 

Cấu trúc cơ chế trả lương  dưới góc nhìn cấu  trúc hệ thống của NCS Nguyễn Ngọc Khánh- NCS chuyên ngành Kinh tế công nghiệp (Ảnh minh họa)

 Cấu trúc hệ thống là gì ?

Khi nói đến cấu trúc người ta cũng ngầm định là cấu trúc của một hệ thống, vì cũng theo từ điển [1],[2] thì hệ thống chính là “tập hợp những bộ phận có liên hệ chặt chẽ với nhau để tạo ra chỉnh thể”. Có thể ngầm định như vậy vì thế giới quanh ta và ngay chính bản thân mỗi con người chúng ta có vô vàn các tập hợp thỏa mãn tính chất của hệ thống: hệ thống các bộ phận cơ thể, hệ thống giao thông, hệ thống các bộ phận của doanh nghiệp, hệ thống ngân hàng, hệ thống chính trị, hệ thống chính sách v.v…Tuy nhiên, cũng có những tập hợp không gọi là hệ thống vì nó là một tập hợp hỗn độn của các phần tử, như đống gạch, đống cát… chuẩn bị xây nhà. Chúng chỉ thành hệ thống khi tham gia tạo ra ngôi nhà hoàn chỉnh. Cần biết là phạm trù “hệ thống” rất rộng và là đối tượng nghiên cứu của một bộ môn khoa học có tên “Lý thuyết hệ thống”.

 Lý thuyết hệ thống là khoa học nghiên cứu những quy luật chung của các hệ thống, tức là tập hợp của những phần tử, có quan hệ với nhau bằng những tương tác theo một quy luật nào đó để trở thành chỉnh thể. Lý thuyết hệ thống còn được gọi Lý thuyết chung về hệ thống (General Systems Theory) được đề xướng năm 1933 bởi nhà sinh vật học Ludwig von Bertalanffy, tại Trường Đại học Tổng hợp Chicago (Mỹ). Tác phẩm của ông đã tạo ra một cách nhìn, một tư duy sáng tạo  mới trong các vấn đề khoa học [3]. Gần tròn 80 năm ra đời, Lý thuyết hệ thống đã xâm nhập trong nhiều lĩnh vực khoa học như điều khiển học, sinh vật học, quản lý kinh tế…khiến cho các khoa học này có những bước tiến đáng kể và cũng đặt ra không ít những vấn đề phải tiếp tục nghiên cứu [4].

 Có những loại hệ thống gì ?

Câu hỏi này rất cần thiết đặt ra khi cần nghiên cứu một hệ thống cụ thể, nhằm định dạng tính chất quan trọng nhất của hệ thống. Có nhiều cách phân loại hệ thống, dựa theo những tiêu chí khác nhau. Dưới đây là những cách phân loại chủ yếu:

Theo số lượng các phần tử trong hệ thống: chia ra  hệ thống đơn giản và hệ thống phức tạp.

Hệ thống đơn giản là hệ thống chỉ có ít các phần tử

Hệ thống phức tạp là hệ thống có nhiều phần tử.

Cách phân loại này chỉ có ý nghĩa lý thuyết vì mỗi phần tử vẫn có thể chia ra nhiều phần tử nhỏ hơn, hoặc ngược lại ta có thể gộp nhiều phần tử có cùng đặc tính nào đó thành một phẩn tử để biến một hệ thống phức tạp thành đơn giản. Nhìn chung các hệ thống đều là phức tạp. Hệ thống kinh tế từ vĩ mô (toàn quốc) đến vi mô (doanh nghiệp) đều là những hệ thống rất phức tạp. Mọi sự đơn giản hóa hệ thống tùy tiện trong nghiên cứu hay không thấy hết được các quan hệ giữa các phần tử đều dẫn đến những sai lầm.

Theo mục tiêu hệ thống: chia ra hệ thống có mục tiêu và hệ thống không có mục tiêu.

Hệ thống có mục tiêu là hệ thống luôn có sự vận động trạng thái bảo đảm  hướng tới mục tiêu giai đoạn và mục tiêu chung do chính nó đặt ra . Ví dụ như hệ thống kinh tế, hệ thống thể chế, hệ thống máy móc thiết bị điều khiển tự động, hệ thống các bộ phận của một cá thể sinh vật v.v…Hệ thống có mục tiêu thường có sự phải thay đổi trạng thái cấu trúc dưới tác động của nội lực và ngoại lực để bảo đảm mục tiêu. Hệ thống có mục tiêu thường là sản phẩm của con người, trong đó con người vừa là chủ thể vừa là phần tử của hệ thống. Hệ thống có mục tiêu thường cũng là hệ thống phức tạp.

Hệ thống không có mục tiêu là hệ thống không có mục tiêu nào do tự thân nó đăt ra, ví dụ hệ thống các nguyên tử của một phân tử, hệ thống các bộ phận của một ngôi nhà, hệ thống giao thông v.v…Tuy không có mục tiêu do chính nó đặt ra nhưng hệ thống này thường phục vụ mục tiêu của hệ thống khác. Nhưng mục tiêu luôn gắn với điều kiện môi trường và thời gian nhất định, nên đến một lúc nào đó hệ thống này cũng trở nên bất cập cho dù nó chẳng có gì hỏng hóc, rạn nứt… Ví dụ: Ngôi nhà lúc đầu được xây phục vụ mục tiêu của chủ nhân đơn giản chỉ để có “chỗ chui ra chui vào” yên ổn làm ăn, phù hợp với túi tiền. Nhưng khi đã “ăn nên làm ra”, con cái trưởng thành…chủ nhân muốn có nhiều phòng hơn, muốn có chỗ để ô tô…ngôi nhà trở nên bất cập với yêu cầu mới;  Hệ thống giao thông phục vụ mục tiêu phát tiển kinh tế xã hội của hệ thống kinh tế vĩ mô của thập niên 2000-2010, đương nhiên đến nay cũng có vấn đề phải cấu trúc lại với nội dung không chỉ là sửa chữa vá víu những chổ hư hỏng mà còn là mở rộng, làm mới, tổ chức lại quá trình tham gia giao thông của con người …cho phù hợp với mục tiêu của sự phát triển kinh tế xã hội của thập niên (thậm chí nhiều thập niên) tiếp theo. Điều đó cũng có nghĩa nếu mục tiêu đặt ra sai lầm thì tái cấu trúc cũng sai lầm tốn kém.

Theo quan hệ với môi trường: chia ra hệ thống  mở và hệ thống đóng .

Hệ thống mở là hệ thống có quan hệ tương tác với các phần tử bên ngoài hệ thống xét, tức môi trường hệ thống. Ví dụ hệ thống xét là một doanh nghiệp thì doanh nghiệp là một hệ thống mở, bới doanh nghiệp hoạt động trong sự tương tác với hàng loạt hệ thống bên ngoài doanh nghiệp như: hệ thống thể chế pháp luật, hệ thống thị trường (thị trường các yếu tố đầu vào, đầu ra), hệ thống cơ sở hạ tầng v.v…

Hệ thống đóng là hệ thống không có quan hệ tương tác với các phần tử bên ngoài hệ thống.

Sự phân loại này cũng mang tính lý thuyết vì hầu như không có hệ thống đóng, tức chẳng có hệ thống nào là “cô lập” với môi trường quanh nó. Điều này cũng đã được khẳng định trong duy vật biện chứng của Karl Marx. Ý nghĩa quan trọng sự phân loại này là “cảnh tỉnh” cho tất cả những người tham gia vào tiến trình tái cấu trúc cho dù hệ thống nhỏ thôi cũng phải có cái nhìn “đại cục”, tức là thấy cho hết mối quan hệ tương tác giữa hệ thống xét và các hệ thống của môi trường. Nếu không có cái nhìn như vậy thì tái cấu trúc cũng sẽ không có hiệu quả mong muốn (Có thể đưa ra rất nhiều ví dụ nhưng sợ dài dòng).

Theo khả năng kiểm soát hệ thống: được chia ra hệ thống “hộp đen” và hệ thống “hộp trong suốt”.

Hệ thống “hộp đen” là hệ thống không thể nhận biết được đầy đủ các mối quan hệ tương tác giữa các phần tử bên trong với nhau cũng như tương tác giữa các phần tử bên trong với các phần tử thuộc môi trường. Nền kinh tế từ vĩ mô (toàn cầu hay toàn quốc) cho đến vi mô (một doanh nghiệp) đều là những hệ thống hộp đen.Ví dụ:  Hạ lãi suất để giảm cung tiền, giảm lạm phát nhưng liệu có giảm, và mức giảm là bao nhiêu là những câu hỏi chưa có lời giải thuyết phục. Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ nói việc tăng lương tháng 5/2012 tới không ảnh hưởng gì đến lạm phát thì cũng …phải chờ tới lúc đó để kiểm chứng.(Những lần tăng lương trước chưa kịp đến ngày tăng thì thì CPI đã tăng!).

Hệ thống “hộp trong suốt” là hệ thống có thể nhận biết đầy đủ các mối quan hệ tương tác giữa các phần tử bên trong với nhau và quan hệ tương tác giữa các phần tử bên trong với các phần tử môi trường của hệ thống. Ví du:  Hệ thống linh kiện của một TV hay PC dù phức tạp đến đâu cũng là hệ thống “hộp trong suốt” vì người chủ cúa nó có thể điều khiển được nó tùy theo mục đích của mình. Nếu cần sửa chữa thì người thợ hoàn toàn có thể phát hiện ra lỗi nhờ sơ đồ và các thiết bị đo lường kiểm tra.

Ý nghĩa của sự phân loại này, theo tôi  là quan trọng đối với tất cả những ai là lãnh đạo tiến trình tái cấu trúc,  rằng hãy thận trọng khi đưa ra quyết định vì họ thường phải đối diện với hệ thống hộp đen là chủ yếu. Người lãnh đạo không thể hô hào “cả hệ thống vào cuộc”cũng như nói những câu vô nghĩa như “quay hộp đen”(?). Người lãnh đạo không thể đưa ra quyết định kiểu cảm tính hay dập khuôn kinh nghiệm của nước khác, doanh nghiệp khác vì mỗi nước, mỗi doanh nghiệp là những hộp đen khác nhau.

Thận trọng khi đưa ra quyết định tái cấu trúc nghĩa là thế nào?

Theo tôi, thận trọng tức là phải trả lời càng rõ càng tốt những câu hỏi sau:

1. Hệ thống đang xét là loại hệ thống gì?

Trả lời câu hỏi này rất cần thiết không chỉ cho người lãnh đạo mà cho  nghiên cứu sinh bởi đứng trước bất cứ đề tài nào là bạn đã phải đối diện với một “hệ thống”của nhiều vấn đề phải giải quyết. Theo tôi, đừng định kiến hệ thống xét là hệ thống đơn giản, hệ thống không có mục tiêu và là hệ thống đóng vì chúng rất hiếm trong cuộc sống.

2. Hệ thống đang xét có lỗi gì ? (lý do phải tái cấu trúc).

Đương nhiên phải trả lời rõ lỗi của phần tử nào và lỗi quan hệ nào giữa các phần tử. Tuy nhiên đừng quên tìm lỗi thuộc về mục tiêu của hệ thống, vì lỗi mục tiêu là lỗi đẻ ra các lỗi khác. Về lỗi mục tiêu có khá nhiều ý kiến xác đáng khi xem xét các hệ thống,  nhưng tôi đặc biệt tâm đắc với ý kiến của GS Hoàng Tụy, Nguyên Phó TT Vũ Khoan, nhà báo Kỳ Duyên … mà tôi đã đăng tải trên blog.

3. Có những giải pháp nào để sửa lỗi ?

 Trả lời câu hỏi này cũng cần chú ý các giải pháp phải tạo ra một hệ thống, theo nghĩa có nhiều giải pháp tương tác với nhau và cùng tác động vào các lỗi hệ thống (thường gọi là giải pháp đồng bộ). Không để các giải pháp triệt tiêu tác động của nhau đến sửa lỗi hệ thống. Công việc này theo tôi không đến nỗi quá khó trong khuôn khổ của luận án tiến sỹ vì mọi giải pháp đều có thể lập luận logic và có sẵn …trong giáo trình.

4. Giải pháp nào được gọi là “đột phá”?

Giải pháp “đột phá” được hiểu là giải pháp bắt đầu trước, đầu tư nhiều nguồn lực trong tổng thể các giải pháp được đề xuất, nếu thực hiện tốt sẽ tạo thuận lợi cho các giải pháp khác mà kết quả mang lại sẽ là tái cấu trúc thành công với thời gian và chi phí thấp nhất. Đây là câu hỏi khó nhất đặt ra đối với người lãnh đạo và nghiên cứu sinh vì xuất hiện yêu cầu định lượng! (Nguyên BT GD ĐT Nguyễn Thiện Nhân cũng từng đề xuất tái cấu trúc giáo dục phổ thông với giải pháp đột phá “2 không” nhưng tôi cho rằng ông đã nhầm về nghĩa của “đột phá” vì ông cho rằng  “2 không” thì không phải chi tiền mà chỉ cần hô hào vận động). Trong bài giảng [4] tôi cũng đã từng đưa ra ví dụ về vận dụng mô hình Cobs- Duglass nhằm trả lời câu hỏi: “Để nâng cao hiệu quả của doanh nghiệp cụ thể nào đó thì phải tăng đầu tư TSCĐ hay tăng lao động ?”. Song để có thể giải bài toán đó, phải thống kê được các dữ liệu tin cậy, phải có phần mềm xử lý. Giá trị của những mô hình như vậy quá ư hạn hẹp so với những mô hình cần có của cả nền kinh tế vĩ mô và hàng loạt hệ thống khác và chắc chắn cho tới nay chưa có mô hình và phần mềm nào cả. Nếu có, thì đúng như GS Ngô Bảo Châu đã nói: “chẳng cần đến nhà lãnh đạo!”. Nếu có, thì theo tôi cũng không đến nỗi từ quốc gia hùng mạnh đến quốc gia kém phát triển đang phải điên đảo nhiều năm nay bởi suy thoái và lạm phát! Tuy vậy, tôi nghĩ trong luận án tiến sĩ vẫn phải đưa ra giải pháp “đột phá” với căn cứ nhất định vì đó là cái khẳng định “đẳng cấp” của bạn cũng như tạo ra sự khác biệt giữa luận án của bạn với luận án khác cùng loại đề tài.

5. Ai sẽ chịu trách nhiệm?

Tái cấu trúc một hệ thống có nhiều việc phải làm và phải phân công (người, nhóm người) thực hiện các nhiệm vụ cụ thể, có thời hạn nhất định. Nhiệm vụ phải gắn với “trách nhiệm”. Theo nghĩa từ điển thì “trách nhiệm” không đồng nhất với “nhiệm vụ” vì “trách nhiệm” phải gắn với chức năng của họ trong hệ thống, gắn với hình phạt mà họ sẽ phải gánh chịu nếu làm sai, làm hỏng, nhẹ thì khiển trách, nặng thì từ chức, cách chức cho tới truy tố trước pháp luật (không phụ thuộc họ là ai, có động cơ gì). Cũng vì vậy trách nhiệm thường gắn với cá nhân chứ không gắn với tập thể chung chung, nhất là người có vai trò chỉ huy hệ thống. (Nhiều quan chức sẵn sàng tuyên bố “nhận trách nhiệm” về mình nhưng sau đó chẳng thấy họ xin nhận hình phạt gì!) 

Tôi mong mỏi những điều trên đây sẽ nhận được ý kiến trao đổi lại từ các bạn nghiên cứu sinh.

Hà Nôi, 29/01/2012

 

Tài liệu tham khảo: 

[1]. Từ điển tiếng Việt phổ thông. Viện ngôn ngữ học. NXB Phương Đông, 2010.

[2].  Từ điển từ Hán-Việt. Lại Cao Nguyên. NXB Khoa học Xã hội, 2005

[3]. http://nhaquanly.com.vn/

[4]. PGS.TS. Ngô Thế Bính.  Kinh tế tổ chức doanh nghiệp. Trường Đại học Mỏ Địa Chất , 2004.

NGUỒN:

20120201. TRAO ĐỔI VỚI NGHIÊN CỨU SINH KINH TẾ VỀ “TÁI CẤU TRÚC”

Posted by: ngothebinh on Tháng Hai 1, 2012



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét