Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

20231014. QUANH CHƯƠNG TRÌNH QG CHẤN HƯNG VĂN HÓA

 ĐIỂM BÁO MẠNG


THỨ TRƯỞNG ĐOÀN VĂN VIỆT: 350.000 TỈ ĐỒNG CHẤN HƯNG VĂN HÓA
LÀ CẤP THIẾT

VIẾT TUÂN/VNEx 9-10-2023


Thứ trưởng Văn hóa Thể thao và Du lịch Đoàn Văn Việt. Ảnh: Bộ VHTTDL

Theo Thứ trưởng Đoàn Văn Việt, 350.000 tỷ đồng sẽ hỗ trợ trực tiếp hoạt động sáng tác, kinh doanh dịch vụ và thực hành văn hóa, nhất là khối tư nhân.
Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch vừa xây dựng báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam giai đoạn 2025-2035 với tổng vốn 350.000 tỷ đồng giai đoạn 2025-2035. VnExpress phỏng vấn Thứ trưởng Văn hóa Thể thao Du lịch Đoàn Văn Việt về nội dung này.
- Vì sao cần xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam, thưa ông?
- Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ 13 xác định văn hóa là trụ cột, nền tảng phát triển xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước. Tại hội nghị văn hóa toàn quốc tháng 11/2021, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tư tưởng "văn hóa còn thì dân tộc còn". Kết luận số 42 về kinh tế - xã hội năm 2022-2023 của Trung ương cũng yêu cầu triển khai Chương trình quốc gia về phát triển văn hóa. Năm 2022, Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về chấn hưng, phát triển văn hóa, trình cấp có thẩm quyền xem xét.
Như vậy, Chương trình mục tiêu quốc gia nhằm triển khai các quan điểm của Đảng và Nhà nước về chấn hưng, phát triển văn hóa, xây dựng con người Việt Nam. Chương trình cũng giải quyết những vấn đề thực tiễn cấp bách của văn hóa trong thời kỳ mới và thực hiện cam kết quốc tế của Việt Nam.
Được Chính phủ giao nhiệm vụ, Bộ Văn hóa Thể thao Du lịch đã lấy ý kiến các địa phương, chuyên gia, bộ ngành, nhà nghiên cứu để xây dựng dự thảo Chương trình. Nguồn lực cần huy động để thực hiện giai đoạn 2025-2035 dự kiến 350.000 tỷ đồng. Hồ sơ dự thảo chương trình đang được Hội đồng thẩm định quốc gia xem xét. Sau khi các thành viên Chính phủ cho ý kiến và thống nhất, dự thảo sẽ được Chính phủ trình Quốc hội xem xét thông qua.
- Ban soạn thảo tính toán thế nào để ra mức kinh phí dự kiến là 350.000 tỷ đồng?
- Thời gian qua, nguồn lực tài chính đầu tư cho văn hóa vừa quá ít, vừa manh mún, phân tán nên mọi hoạt động đều gặp khó khăn, hiệu quả thấp. Giai đoạn 2017-2021, đầu tư cho văn hóa chưa đến 1% tổng chi ngân sách. Nhiều mục tiêu đặt ra trong Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020 chưa đạt được. Vì vậy, đầu tư nguồn lực dài hạn để chấn hưng, phát triển văn hóa là cần thiết, cấp bách trong bối cảnh hiện nay.
Chúng tôi dự kiến giai đoạn đầu (đến 2030) cần 182.000 tỷ đồng, gồm vốn ngân sách trung ương 110.000 tỷ đồng (vốn đầu tư phát triển 82.500 tỷ; vốn sự nghiệp 27.500 tỷ); vốn địa phương 36.000 tỷ; nguồn khác 36.000 tỷ đồng. Số tiền còn lại dành cho giai đoạn sau.
Chương trình mục tiêu quốc gia có 10 nội dung thành phần. Đó là: Phát triển văn hóa, con người Việt Nam; phát triển hệ thống hạ tầng, cảnh quan, thiết chế văn hóa đồng bộ; nâng cao hiệu quả tuyên truyền, giáo dục; bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa dân tộc; thúc đẩy văn học, nghệ thuật; phát triển công nghiệp văn hóa; đẩy mạnh chuyển đổi số; phát triển nguồn nhân lực văn hóa; hội nhập quốc tế; tăng cường giám sát, đánh giá thực hiện chương trình.
Chúng tôi tính toán sẽ dành nguồn lực để xây dựng các mô hình văn hóa cho người dân, nhất là vùng sâu, đồng bào dân tộc. Hàng loạt vấn đề văn hóa cũng đang cần nguồn lực để giải quyết, như các chương trình bảo tồn di sản văn hóa vật thể và phi vật thể; sáng tạo tác phẩm.
Việt Nam hiện nay hầu như vắng bóng tác phẩm tầm khu vực và thế giới. Ngành Văn hóa mong muốn đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa. Nội dung này cần nguồn lực lớn, đầu tư nhiều năm chứ không đơn giản là tổ chức cho văn nghệ sĩ những chuyến thực tế hay trại viết trong vài tuần, vài tháng.
Trong khu vực châu Á, nhiều nước đã phát triển nền công nghiệp văn hóa mạnh mẽ với nhiều thương hiệu toàn cầu như Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc... Việt Nam cũng cần đầu tư vào công nghiệp văn hóa để đóng góp nhiều hơn cho tăng trưởng kinh tế.


Đô thị cổ Hội An được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới vào tháng 12/1998. Ảnh: Đắc Thành
- Trong 10 nội dung nêu trên, đâu là lĩnh vực cần ưu tiên đầu tư?
- Tất cả nội dung thành phần trong Chương trình đều quan trọng, nhưng tôi cho rằng ưu tiên đầu tiên là chấn hưng đạo đức, phát triển văn hóa, con người Việt Nam và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh.
Thời gian qua, nhiều sản phẩm văn hóa độc hại từ bên ngoài đã xâm nhập vào Việt Nam, tác động xấu đến tư tưởng, lối sống, hành vi của nhiều người, nhất là thanh thiếu niên. Lối sống thực dụng, vụ lợi, vị kỷ, cái xấu, cái ác, phi nhân tính có dấu hiệu tăng lên đến mức đáng lo ngại trong xã hội. Môi trường đạo đức, văn hóa lành mạnh bị đe dọa, dễ dẫn đến khủng hoảng tinh thần, làm nhiều người mất phương hướng lựa chọn giá trị, lối sống.
Vì vậy, để xây dựng văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội, xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống của con người Việt Nam và đấu tranh với văn hóa độc hại, rất cần vai trò của nhà nước.
Bên cạnh những hồi chuông cảnh báo xuống cấp và mai một, nhiều di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam được UNSECO ghi danh chưa phát huy được giá trị do thiếu kinh phí quảng bá, truyền dạy, đãi ngộ nghệ nhân. Do đó, việc bảo tồn di sản vật thể và phi vật thể cũng rất cấp bách.
- 350.000 tỷ đồng là số tiền lớn, cơ quan soạn thảo đánh giá thế nào về mức độ khả thi, khả năng cân đối ngân sách?
- Nguồn vốn dự kiến cho Chương trình được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch tổng hợp trên cơ sở đề xuất của các địa phương, bộ ngành. Hội đồng thẩm định quốc gia sẽ tính toán, đánh giá tính khả thi, hiệu quả, cân đối nguồn lực ngân sách trung ương và địa phương, đề xuất Chính phủ xem xét.
350.000 tỷ đồng dự kiến được đầu tư trong 11 năm, cho tất cả địa phương trên toàn quốc từ cấp xã, huyện, tỉnh. Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch không nắm giữ nguồn vốn này mà sẽ được phân bổ về địa phương, bộ ngành, đơn vị. Bộ chỉ tham gia quản lý nhà nước.
Chương trình sẽ hỗ trợ trực tiếp hoạt động sáng tạo, sáng tác, kinh doanh dịch vụ và thực hành văn hóa, nhất là khối tư nhân, hướng tới phát triển ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam có năng lực cạnh tranh cao. Đồng thời, Chương trình sẽ có nhiều cơ chế, chính sách thu hút hiệu quả nguồn lực từ doanh nghiệp, cá nhân tham gia đầu tư vào văn hóa.


5.000 người trình diễn sáu điệu xòe cổ, tạo hình thành bông hoa ban và ruộng bậc thang, trong đêm khai mạc lễ hội văn hóa, du lịch Mường Lò (Yên Bái) tháng 9/2019. Ảnh: Giang Huy
- Điều ông kỳ vọng nhất khi xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia chấn hưng, phát triển văn hóa là gì?
- Tôi mong khi Chương trình được Quốc hội thông qua sẽ có thêm nhiều điều kiện, nguồn lực đầu tư cho ngành văn hóa. Chương trình thành công sẽ tạo ra sự chuyển biến căn bản trong sự nghiệp phát triển văn hóa và xây dựng con người Việt Nam.
Quản lý xã hội bằng pháp luật, nhưng cốt cách văn hóa của dân tộc phải được trân trọng, giữ gìn, trao truyền qua nhiều thế hệ. Đây là hai điều quan trọng để xây dựng xã hội văn minh, hiện đại, xây dựng đất nước và dân tộc có bản sắc riêng, giảm tiêu cực và xuống cấp đạo đức.
VIẾT TUÂN
TIN LIÊN QUAN:

KHÔNG THỂ CHẤN HƯNG VĂN HÓA NẾU KHÔNG HIỂU ĐIỀU NÀY!
ĐOÀN BẢO CHÂU/FB 10-10-2023
Thứ trưởng Đoàn Văn Việt trả lời phỏng vấn: "Việt Nam hiện nay hầu như vắng bóng tác phẩm tầm khu vực và thế giới. Ngành Văn hóa mong muốn đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa. Nội dung này cần nguồn lực lớn, đầu tư nhiều năm chứ không đơn giản là tổ chức cho văn nghệ sĩ những chuyến thực tế hay trại viết trong vài tuần, vài tháng."
Việc quan trọng để chấn hưng được văn hoá là các vị phải có cái nhìn thẳng thắn, công bằng với lịch sử.
Văn học là một mảng lớn, quan trọng để giới thiệu văn hoá ra thế giới, vậy để có được một tác phẩm văn học lớn, ta phải cần những điều kiện gì?
Một tác phẩm văn học lớn, sâu sắc, có sức mạnh lay động con tim và khối óc của hàng triệu con người không thể được xây dựng hoàn toàn bằng trí tưởng tượng, kể cả những tác phẩm được viết về ma thuật, phép lạ thì nó vẫn có nguồn gốc từ văn hoá lâu đời, những giá trị văn hoá vật thể và phi vật thể của một dân tộc. Những cung điện, những lâu đài kì bí, những khu rừng ẩn chứa đầy nguy hiểm và những điều kì lạ, những truyện cổ, thần thoại..
Các vị muốn phát triển văn hoá, muốn có tác phẩm lớn nhưng các vị sợ hãi khi phải đối mặt với lịch sử. Những sự kiện lớn như Cải Cách Ruộng Đất, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Nhân Văn Giai Phẩm, Thuyền Nhân, việc đốt sách sau năm 1975 không dám cho văn học động đến.
Một quốc gia, một dân tộc cũng như một cá nhân, trên hành trình phát triển sẽ có những thành công, thất bại, quyết định đúng và sai, chỉ khi nhìn với con mắt công bằng, đối mặt thẳng thắn với lịch sử thì ta mới có được chiều sâu, bề dày văn hoá cần thiết.
Điều này tạo ra một nền tảng cần thiết để có được những tác phẩm lớn.
Không có nền tảng, bề dày ấy, các tác phẩm chỉ là những tiếng kêu rời rạc, nhỏ lẻ theo chỉ đạo và định hướng. Nó mất sức sống mạnh mẽ đáng phải có của một sản phẩm văn hoá.
Tôi có một cuốn sách viết về cải cách ruộng đất, đưa tới 5 nhà xuất bản, đều bị từ chối mặc dù họ đều công nhận chất lượng tốt nhưng không dám xuất bản bởi "nhạy cảm".
Vậy những tác phẩm "lớn" mà các vị muốn có sẽ nói về cái gì? Những gì khốc liệt nhất, là chất liệu tốt cho tác phẩm thì không được viết thì nhà văn cần có phép thần thông nào để biến tác phẩm của mình thành "tác phẩm lớn"?
Các vị định xuất khẩu ra thế giới những tác phẩm tuyên truyền, ca ngợi một chiều sao? Và rồi các vị mong đợi cả thế giới ngả mũ, vỗ tay, tán thưởng sự tuyên truyền đặc biệt của các vị ư?
Tôi sợ rằng với tư duy về văn hoá không chuẩn, không sâu sắc, số tiền sẽ biến thành những bảo tàng bỏ hoang, những tượng đài hoang phế, những cổng chào "Làng Văn Hoá" rất to nhưng bên trong là rỗng tuếch, nhợt nhạt, gượng ép và rất phi văn hoá.
Việc làm đầu tiên là hãy chấn hưng nhận thức của các vị.

BÀN VỀ VĂN HÓA
Peter Pho /FB/BVN 12-10-2023
Bạn “phây” Tống Ngọc Chung còm (comment) rằng: “Thánh chém! Chém một bài về văn hoá đi anh, rất muốn được xem góc nhìn của anh về văn hoá, có cần phải như ông thứ trưởng này không ạ”. Ý bạn Chung muốn nói về phát ngôn của Thứ trưởng Đoàn Văn Việt rằng phải cần có tiền để chấn hưng văn hóa: “350.000 tỷ đồng chấn hưng văn hóa là cấp thiết”. Đồng thời ông nói: “Việt Nam hiện nay hầu như vắng bóng tác phẩm tầm khu vực và thế giới. Ngành Văn hóa mong muốn đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa. Nội dung này cần nguồn lực lớn, đầu tư nhiều năm chứ không đơn giản là tổ chức cho văn nghệ sĩ những chuyến thực tế hay trại viết trong vài tuần, vài tháng”.
Trên mạng cũng đã có quá nhiều bài bình luận về vấn đề này. Có một bài rất hay là bài của Chau Doan với tiêu đề “Không thể chấn hưng văn hoá nếu không hiểu điều này!”. Chau Doan với lập luận sắc bén chỉ ra được một trong những cốt lõi chính của vấn đề. Ở đây xin không lặp lại những ý các bạn đã gợi ra, mà chỉ xin bổ sung vài ý của riêng, tuy chỉ có thể gọi là góp vui thôi chứ không thể đem đến nghị trường để bàn luận. Bởi “văn hóa nghị trường” có bản sắc riêng của nó, là nơi tôn nghiêm, tập trung nhiều giới tinh hoa.
Nói về văn hoá thì phức tạp lắm, nhìn vào đâu cũng mang hai chữ “văn hoá”. Từ văn hoá ứng xử cho đến các thể loại văn hoá khác như văn hoá ẩm thực, văn hoá vỉa hè, văn hoá đi xe, văn hoá trên phây, văn hoá thưởng trà, văn hoá cà phê, văn hoá học đường, văn hoá giao tiếp, văn hoá bo, văn hoá đánh golf… đấy thuộc về những văn hoá trên nền tảng đạo đức. Nhưng trong quá trình phát triển của nhân loại mặt xấu của con người cũng được đưa vào văn hoá, ví dụ trong tiếng Anh có violence culture, rape culture, lad culture, homosexual culture… tức văn hóa bạo lực, văn hóa hiếp dâm, văn hóa đồng tính luyến ái…
Khái niệm văn hóa là vô cùng phức tạp, vô cùng đa dạng, có vài trăm khái niệm và định nghĩa khác nhau về văn hóa. Các vị làm văn hóa nên đi sâu tìm hiểu về văn hóa, và định hướng rõ ràng, chúng ta muốn chấn hưng thể loại văn hóa nào? Không thể nói chung chung được, nói không rõ ràng thì số tiền đưa ra cũng sẽ không rõ ràng. Có lẽ văn hóa các vị muốn nói ở đây là văn hóa ứng xử và văn học nghệ thuật. Văn hóa ứng xử của người Việt lão cho là đã đạt tiêu chuẩn tốt trở lên. Dân Việt lễ độ, nhiệt tình, mến khách, không thô lỗ hung bạo như nhiều chủng tộc man rợ khác trên thế giới. Ông cha ta đã để lại một di sản ứng xử từ trong nhà đến học đường, xã hội, có phép tắc, lễ độ, có trên dưới rõ ràng. Chúng ta chỉ cần biên soạn lại những nguyên tắc đạo đức ấy đưa vào sách giáo khoa, đưa vào giảng dạy. Từ gia đình đến nhà trường đều chú trọng dạy bảo thế hệ sau của mình, dần dần văn hóa sẽ nẩy mầm nở hoa ăn sâu vào tiềm thức con người. “Mười năm trồng cây, trăm năm trồng người” là vậy. Chứ không thể bỏ tiền để mua văn hóa, để thay đổi văn hóa được. Trên thực tế, gia đình nào càng có tiền càng lơ là việc dạy bảo con cái thì đa số các thằng con lớn lên đều mất dạy. Cậy tiền cậy của ăn chơi đàng điếm, khoe mẽ, hút sách dẫn đến hư hỏng. Ngược lại những đứa trẻ con nhà nghèo lại biết thân biết phận, tự khép mình lại, kính trên nhường dưới, chịu khó, chịu khổ cố gắng học hành vươn lên. Những tấm gương của các nhân vật thành công đều xuất thân từ nhà nghèo. Cái khó bó cái khôn, văn hóa được tích lũy bởi tháng ngày rèn luyện và đào thải, bỏ cái xấu, giữ cái tốt, chứ không phải có tiền mới vực được văn hóa lên. Nó là một thứ ẩn chứa trong tinh thần chứ không từ vật chất mà ra. Văn hóa cũng không thể hô khẩu hiệu, giăng biểu ngữ, xây tượng đài rồi nhìn vào đấy mà có văn hóa. Văn hóa là sự lan tỏa từ nền tảng gia đình, nhà trường, cộng đồng, tự nhiên mà hình thành, không thể nhồi nhét, cưỡng bức để có văn hóa.
Không thể cầm một nắm tiền vứt vào mặt kẻ khác rồi hô biến thành văn hóa thì nó sẽ văn hóa. Kiểu như: “Hey, tao cho mày tiền, mày sống cho có văn hóa nghe!”. Thằng cầm tiền sung sướng nghĩ bụng: “Văn, văn cái …, bố mày đói lép dạ dày rồi đây. Cầm tiền đi nhậu bữa cho no nê rồi tính”. Đấy, vấn đề cấp bách hiện này là làm thế nào để dân giàu lên, nghĩ cách để dân có việc làm, để họ có tiền, giải quyết cơm no áo ấm chứ không phải giải quyết vấn đề văn hóa mà họ đã mập mờ có nền tảng. Có thực mới vực được đạo. Đói meo thì giảng về đạo lý gì họ cũng đếch nghe vô. Mà phú quý thì tự nhiên sẽ sinh lễ nghĩa. Khi mà cả xã hội giàu lên tinh thần của mọi người đồng loạt nâng cấp. Họ tự nghiệm ra phải hành xử thế nào cho có văn hóa. Họ sẽ cảm thấy xấu hổ nếu mình kém văn minh trong cộng đồng. Ở Mỹ, khi lái xe đến những đoạn đường hoang vu không bóng người, lão vẫn dừng xe chờ đèn đỏ. Đấy là văn hóa với một bề dày liên đới với luật lệ, nguyên tắc sống được hình thành từ trên xuống dưới trong một xã hội văn minh.
Còn về khía cạnh về: “… đầu tư sáng tác để có những tác phẩm đỉnh cao, tầm cỡ, mang sức sống thời đại, nhất là trong văn học, nghệ thuật, hội họa”, xin thưa là nếu có tiền mà viết được văn học, sáng tác được nghệ thuật hội họa thì các vị thần Hy Lạp cũng cười rớt quai hàm. Giải Nobel văn học chắc chỉ có Mỹ chiếm hết, vì thằng Mỹ nhiều tiền để đầu tư vào sáng tác văn học nghệ thuật…
Từ cổ đến kim các nhà văn nhà thơ tiếng tăm lừng lẫy đa số đều xuất thân bần hàn. Có thằng trọc phú nào trở thành nhà văn nổi tiếng không? Có nhốt các ông nhà văn lại trong trại sáng tác vỗ béo đến một năm thì tôi cũng cam đoan không thể viết nổi ra một tác phẩm cao, tầm cỡ chinh phục được độc giả xứ Việt chứ chưa thể bốc phét đến mức làm rung chuyển thế giới được. Đầu tư đến mấy cũng như nước đổ đầu vịt mà thôi! Văn là nghệ thuật, là bẩm sinh, là linh cảm, là khí thiêng trời đất hun đúc ra một cây viết có thể hô phong hoán vũ ngả nghiêng đất trời. Văn đàn Việt Nam hiện nay liệu có nhà văn nào để phải ngả mũ không đây?
Văn hoá là cái không nhìn thấy nếu không muốn dùng từ ảo. Tiền là của cải thực chất. Đem cái thực đầu tư vào cái ảo là viển vông. Xin để 350.000 tỷ đồng để chấn hưng kinh tế, đem lại công ăn việc làm cho người dân từ miền xuôi đến miền ngược. Khi họ đã không lo lắng về đời sống cơm áo gạo tiền thì văn hóa sẽ hình thành; 350.000 tỷ đồng này tập trung khai thác nguồn du lịch Việt Nam là có lý, đáng để đầu tư và rất cấp bách, phù hợp với một đất nước có nhiều tài nguyên du lịch như nước ta. Lão tôi sẵn sàng đem trí tuệ và kinh nghiệm của mình cống hiến cho sự nghiệp làm cho dân giàu nước mạnh một cách thiết thực, chứ đừng ảo, quá ảo, nhìn không ra, vơ không được, tốn tiền mà chẳng được cái tích sự gì!
P.P.
Nguồn: FB Peter Pho

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét