ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Lãnh đạo quân đội Israel nhận sai, Liên Hợp Quốc thống kê tổn thất ở Gaza (VNN 13/10/2023)-'Cách tốt nhất' giải quyết vụ khủng hoảng con tin do Hamas gây ra ở Israel (VNN 13/10/2023)-Mỹ không đặt điều kiện hỗ trợ an ninh cho Israel, 6.000 quả bom ném xuống Gaza (VNN 13/10/2023)-Israel tấn công mê cung đường hầm của Hamas bên dưới Gaza (VNN 13/10/2023)-
- Trong nước: Bộ trưởng Nội vụ trả lời câu hỏi ‘tiền đâu để tăng lương’ từ 1/7/2024 (VNN 13/10/2023)-5 người mắc kẹt trong ngôi nhà 4 tầng bốc cháy ở Hà Nội (VNN 13/10/2023)-Tuyển Việt Nam: Phía sau chiếc thẻ đỏ xấu xí của Tiến Linh (VNN 13/10/2023)- 3 cựu cán bộ công an bắn trộm dê và lời khai không được chấp nhận (VNN 13/10/2023)-Liên quan tới 4 vụ án, Chủ tịch AIC Nguyễn Thị Thanh Nhàn vẫn đang bỏ trốn (VNN 13/10/2023)-Giao nhiệm vụ khó nhằn ở Hải Phòng, chỉ huy trưởng hỏi 'cậu có sợ chết không?' (VNN 13/10/2023)-Phát hiện nhân viên trực ban chạy tàu vi phạm nồng độ cồn (VNN 13/10/2023)-Nhiều người sập bẫy bởi chiêu lừa "việc nhẹ, lương vài chục triệu đồng/tháng" (VNN 13/10/2023)-Lật mở việc ‘hô biến’ quỹ đất 20% tại KĐT mới Trung Văn thành biệt thự, chung cư (VNN 13/10/2023)-
- Kinh tế: Hùng Vương Plaza chính thức khai trương, trở thành TTTM tâm điểm tại Quận 5 (KTSG 13/10/2023)-Ngành giao thông cân nhắc phương án làm cầu cạn đối với cao tốc tại ĐBSCL (KTSG 13/10/2023)-Gần 47% doanh nghiệp Cần Thơ dự đoán đơn đặt hàng tăng trong quý 4 (KTSG 13/10/2023)-Tản mạn ngày doanh nhân (KTSG 13/10/2023)-Podcast 13-10-2023: Gấp rút tìm giải pháp thay thế cát sông (KTSG 13/10/2023)-Từ cuối tháng 10 sẽ có tàu chất lượng cao chặng Hà Nội-Đà Nẵng (KTSG 13/10/2023)-Khát vọng doanh nghiệp công nghệ cao “tỷ đô” của công ty phích nước, bóng đèn (KTSG 13/10/2023)-Đại gia Việt đưa doanh nghiệp lên ngưỡng tỷ USD, chuyển giao ghế nóng (KTSG 13/10/2023)-Doanh nghiệp Việt chịu đựng phi thường, bám đường đua (KTSG 13/10/2023)-Agribank rao bán nợ của công ty con Tân Hoàng Minh (VNN 13/10/2023)-Cổ đông thế chân Petrolimex lộ diện, ĐHCĐ bất thường PG Bank sẽ có gì? (VNN 13/10/2023)-Nhà băng thu giữ, cho 'nhập kho' loạt siêu xe, xe sang của các đại gia đình đám (VNN 13/10/2023)-Thắng kiện, Xây dựng Hòa Bình của ông Lê Viết Hải sắp nhận 162 tỷ (VNN 13/10/2023)-Cổ phiếu VinFast giảm nhẹ sau khi được tặng công ty pin xe điện trị giá 6500 tỷ (VNN 13/10/2023)-Nỗi trăn trở của người đàn ông 70 tuổi vẫn ‘thổi ra tiền’ (VNN 13/10/2023)-Doanh nghiệp nộp thuế thoát nỗi ám ảnh xếp hàng chờ đến lượt (VNN 13/10/2023)-Sao thị trường bất động sản khó khăn mà giá căn hộ không giảm? (VNN 13/10/2023)-
- Giáo dục: Toàn cảnh giáo dục Hải Phòng sau 10 năm thực hiện Nghị quyết 29 (GD 13/10/2023)-Nguồn thu từ NCKH chưa tới 1%/tổng thu, Trường ĐH Công nghiệp TP.HCM nói gì? (GD 13/10/2023)-Phòng GD&ĐT Rạch Giá bồi dưỡng chính trị hè vào đầu năm học, giáo viên băn khoăn (GD 13/10/2023)-Vị trí đăng tải 3 công khai nên đồng nhất để thuận lợi trong đối sánh (GD 13/10/2023)-Vụ nữ sinh Trường THPT Đa Phúc quỳ khóc: Bao giờ có kết quả xử lý giáo viên? (GD 13/10/2023)-Hải Phòng thí điểm dạy tiếng Hàn Quốc là Ngoại ngữ 1,2 với hơn 800 HS tham gia (GD 13/10/2023)-Bộ GDĐT hướng dẫn thực hiện thanh tra, kiểm tra nội bộ với các cơ sở đào tạo (GD 13/10/2023)-Hiệu trưởng kiến nghị cách tính điểm xét tốt nghiệp THPT từ năm 2025 (GD 13/10/2023)-Thứ trưởng Bộ GDĐT khảo sát tình hình thực hiện NQ 29 tại huyện Kiến Thuỵ (GD 13/10/2023)-Bức xúc lạm thu, dạy liên kết, làm sao xây dựng trường học hạnh phúc? (GD 13/10/2023)-Giáo viên sẽ được thanh toán tiền tăng giờ trong những trường hợp nào? (GD 13/10/2023)-Hậu Giang: Nhiều HS được BHYT chi trả hàng trăm triệu đồng khám chữa bệnh (GD 13/10/2023)-Vì chuyện thu chi đầu năm, giáo viên cũng 'sợ' họp phụ huynh (VNN 13/10/2023)-Hàng loạt quốc gia miễn phí giáo dục phổ thông (VNN 13/10/2023)-
- Phản biện: Nghị quyết 41 và vị thế của doanh nhân trong quản trị quốc gia (TVN 13/10/2023)-Nguyễn Văn Đáng-Tản mạn ngày doanh nhân (KTSG 13/10/2023)-Đậu Anh Tuấn-Sức chống chịu phi thường của các doanh nhân (TVN 12/10/2023)-Tư Giang-Nền kinh tế độc lập, tự chủ cần dựa vào sức dân (TVN 11/10/2023)-Lan Anh-Tổng Bí thư ký ban hành NQ-41 của BCT về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân (GD 11/10/2023)-Bồi đắp nguyên khí quốc gia (TVN 10/10/2023)-Nguyễn Đăng Tấn-‘Cần tiếng nói của tình yêu thương, lòng trung thực, sự quả cảm’ (TVN 9/10/2023)-Nguyễn Huy Viện-Cứ bổ nhiệm cán bộ trẻ là có hoài nghi: Tài năng, nhiệt huyết là câu trả lời (GD 9/10/2023)-Thành An-
- Thư giãn: Lý do giúp tỷ phú 99 tuổi vẫn khỏe mạnh dù có nhiều thói quen xấu (VNN 12/10/2023)- Chiêm ngưỡng 'Lâu đài cát' 27,5 triệu USD của kiến trúc sư lừng danh (VNN 8/10/2023)-
I- TÌNH HÌNH
Sau hơn 10 năm thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị khoá XI về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế, nhận thức của cấp uỷ, tổ chức đảng, hệ thống chính trị và xã hội được nâng cao; việc thể chế hoá quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân được đẩy mạnh; môi trường sản xuất, kinh doanh được cải thiện, ngày càng bình đẳng, thuận lợi.
Vai trò của doanh nhân và tổ chức đại diện cho đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp được củng cố, phát huy.
Đội ngũ doanh nhân Việt Nam phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
![]() |
Tổng Bí thư ký ban hành Nghị quyết 41 của Bộ Chính trị về phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân. |
Tuy nhiên, sự phát triển đội ngũ doanh nhân chưa đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới; phần lớn doanh nghiệp có quy mô nhỏ, sức cạnh tranh, hiệu quả hoạt động, năng lực kinh doanh, kỹ năng quản trị còn hạn chế; số doanh nghiệp quy mô lớn, có năng lực dẫn dắt các chuỗi cung ứng còn ít; tính liên kết, hợp tác, khả năng tận dụng cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế và Cách mạng công nghiệp lần thứ tư còn yếu.
Một bộ phận doanh nhân đạo đức, văn hoá kinh doanh, ý thức chấp hành pháp luật, trách nhiệm xã hội, tinh thần dân tộc chưa cao, còn vi phạm pháp luật, cấu kết với cán bộ suy thoái, chạy theo lợi ích cá nhân, gây thiệt hại cho Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của Nhân dân.
Một số cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp chậm được triển khai, hiệu quả chưa cao; cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh chưa đáp ứng yêu cầu; chưa quan tâm công tác đào tạo, bồi dưỡng cho doanh nhân.
Những hạn chế, yếu kém nêu trên chủ yếu do nhận thức, trách nhiệm của một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền chưa đầy đủ, sâu sắc; công tác tuyên truyền, phổ biến, quán triệt, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện có lúc, có nơi còn hình thức; công tác quản lý nhà nước, sự phối hợp giữa các cơ quan trong xây dựng và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật chưa chặt chẽ, thường xuyên.
II- QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU
1. Quan điểm
- Đội ngũ doanh nhân có vị trí, vai trò quan trọng, là một trong những lực lượng nòng cốt góp phần đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập quốc tế; xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Tăng cường liên kết, hợp tác trong đội ngũ doanh nhân, giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức cùng thực hiện mục tiêu phát triển đất nước.
- Xây dựng, tôn vinh, cổ vũ đội ngũ doanh nhân lớn mạnh, có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật, góp phần phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
- Tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, phát huy sức mạnh của đội ngũ doanh nhân Việt Nam, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng để doanh nghiệp phát triển và cống hiến là trách nhiệm của Đảng, Nhà nước, hệ thống chính trị và đội ngũ doanh nhân gắn với quá trình hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa.
2. Mục tiêu
2.1. Mục tiêu tổng quát
Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh về số lượng, chất lượng, cơ cấu hợp lý, có tầm nhìn, trí tuệ, đạo đức, tinh thần kinh doanh, làm giàu chính đáng, năng động, sáng tạo, năng lực quản trị tiên tiến, tuân thủ pháp luật, có đạo đức, văn hoá kinh doanh mang bản sắc dân tộc; có trách nhiệm xã hội, ý thức bảo vệ môi trường, đóng góp xứng đáng cho các mục tiêu phát triển đất nước.
2.2. Mục tiêu đến năm 2030
Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước.
Phấn đấu ngày càng có nhiều doanh nghiệp đạt tầm khu vực, một số doanh nghiệp đạt tầm thế giới; một số doanh nghiệp lớn có vai trò dẫn dắt trong các ngành, lĩnh vực then chốt; một số doanh nghiệp có vị thế, vai trò quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp, có năng lực cạnh tranh quốc tế trong các ngành công nghiệp nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn.
2.3. Tầm nhìn đến năm 2045
Phát triển đội ngũ doanh nhân Việt Nam có quy mô, năng lực và trình độ đáp ứng mục tiêu quốc gia phát triển, thu nhập cao, có vị thế, uy tín khu vực và quốc tế; một bộ phận doanh nghiệp có thương hiệu thế giới, dẫn dắt một số chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.
III- NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của đội ngũ doanh nhân trong thực hiện mục tiêu phát triển đất nước
- Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, hệ thống chính trị, cán bộ, đảng viên, Nhân dân, tạo sự thống nhất cao trong Đảng và xã hội về vị trí, vai trò quan trọng của đội ngũ doanh nhân trong quá trình thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước.
- Tập trung tuyên truyền, vận động đội ngũ doanh nhân nhận thức sâu sắc, đầy đủ về vai trò, sứ mệnh, kế thừa và phát huy truyền thống dân tộc, nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần xây dựng và phát triển nền kinh tế độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.
- Khuyến khích đội ngũ doanh nhân phấn đấu, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh; học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; nêu cao trách nhiệm xã hội, tham gia các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước.
Chú trọng tôn vinh, biểu dương các tấm gương doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu. Phát huy vai trò của các cơ quan báo chí trong việc thông tin, tuyên truyền, cổ vũ đội ngũ doanh nhân Việt Nam.
2. Hoàn thiện chính sách, pháp luật, tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn, bình đẳng cho doanh nhân, doanh nghiệp phát triển và cống hiến
- Khẩn trương rà soát, thể chế hoá kịp thời, đầy đủ, đồng bộ đường lối, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp; tiếp tục hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, pháp luật về sở hữu, quyền tự do kinh doanh, bảo hộ quyền tài sản hợp pháp, khởi nghiệp, bổ sung chế tài kinh tế phù hợp để xử lý vi phạm, không hình sự hoá quan hệ kinh tế... bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng, nhất là trong tiếp cận nguồn lực về đất đai, tài chính, công nghệ; thực hiện phương thức đối tác công - tư; thúc đẩy đổi mới sáng tạo, lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, đối tượng phục vụ; kiểm soát, xoá bỏ đặc quyền, độc quyền trong sản xuất, kinh doanh.
- Quan tâm xây dựng, hoàn thiện chính sách, pháp luật về phát triển kinh tế số, xã hội số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, các mô hình, lĩnh vực sản xuất, kinh doanh mới để mở rộng không gian phát triển cho doanh nhân, doanh nghiệp; phát triển đồng bộ các loại thị trường, nhất là thị trường vốn, lao động, quyền sử dụng đất, khoa học và công nghệ.
Nghiên cứu triển khai cơ chế thử nghiệm có kiểm soát để tạo điều kiện cho doanh nhân, doanh nghiệp có bước đột phá trong một số lĩnh vực mới, có lợi thế, tiềm năng.
- Tăng cường quản lý nhà nước, đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính để nâng cao hiệu quả thực hiện chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Từng bước mở rộng, hoàn thiện cơ chế đối thoại, tham vấn của các cơ quan dân cử, cơ quan quản lý nhà nước với đội ngũ doanh nhân trong quá trình xây dựng, hoạch định, tổ chức thực hiện chiến lược, chính sách, pháp luật, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
- Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động kiểm tra, thanh tra, giám sát, bảo đảm công khai, minh bạch trong quan hệ giữa các cơ quan nhà nước, công chức, viên chức với doanh nhân, doanh nghiệp; có cơ chế ngăn ngừa, xử lý nghiêm hành vi nhũng nhiễu, cản trở, tham nhũng, tiêu cực đối với doanh nhân, doanh nghiệp.
Phát huy vai trò của các cơ quan dân cử, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến doanh nhân, doanh nghiệp.
3. Phát triển đội ngũ doanh nhân lớn mạnh ngang tầm mục tiêu, nhiệm vụ phát triển đất nước trong thời kỳ mới
- Ban hành chiến lược phát triển đội ngũ doanh nhân quốc gia, ngành, địa phương gắn với mục tiêu tổng quát, mục tiêu đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 về xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong thời kỳ mới.
Có chính sách đột phá để hình thành, phát triển doanh nghiệp dân tộc, doanh nghiệp quy mô lớn, có vai trò dẫn dắt một số ngành, lĩnh vực then chốt, trọng yếu, có vị thế quan trọng trong chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu, làm chủ một số chuỗi giá trị công nghiệp, nông nghiệp.
Có chính sách tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ và vừa mở rộng quy mô, nâng cao sức cạnh tranh, năng lực sản xuất, phát triển mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng đổi mới sáng tạo, ứng dụng khoa học công nghệ, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu. Khuyến khích hộ kinh doanh cá thể đủ điều kiện chuyển đổi thành doanh nghiệp.
- Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong toàn xã hội, nhất là trong các lĩnh vực mới, trong thế hệ trẻ. Có chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển doanh nhân nữ, doanh nhân trẻ, doanh nhân dân tộc thiểu số, doanh nhân hoạt động ở địa bàn kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn. Quan tâm phát triển kinh tế hợp tác với vai trò nòng cốt của hợp tác xã.
- Tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan.
Nghiên cứu, ban hành chính sách động viên, tạo điều kiện cho doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài đóng góp cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước.
Cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài tăng cường trách nhiệm bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam trong và ngoài nước.
- Xây dựng Chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, khuyến khích doanh nhân ở tất cả các thành phần kinh tế tham gia, chú trọng đào tạo, bồi dưỡng các vấn đề mới như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, khởi nghiệp, quản trị kinh doanh hiện đại, kiến thức pháp luật, kinh nghiệm thực tiễn, xu hướng kinh doanh mới…
Đồng thời, khuyến khích doanh nhân thành đạt tham gia hoạt động đào tạo, bồi dưỡng, truyền cảm hứng, chia sẻ kinh nghiệm. Đa dạng hoá các hoạt động hợp tác, liên kết đào tạo, bồi dưỡng trong và ngoài nước.
Triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý, nâng cao năng lực cho doanh nhân, doanh nghiệp tham gia có hiệu quả các hiệp định thương mại tự do, các cam kết quốc tế của Việt Nam.
4. Xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, phát huy tinh thần dân tộc, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc
- Hoàn thiện và vận động đội ngũ doanh nhân phấn đấu thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh, gắn với bản sắc dân tộc và tiếp cận được tinh hoa văn hoá kinh doanh thế giới là nhiệm vụ trọng tâm, lâu dài trong xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Việt Nam.
Lấy đạo đức, văn hoá kinh doanh làm cốt lõi, đề cao tinh thần thượng tôn pháp luật; nâng cao vai trò của doanh nhân đóng góp cho ngoại giao kinh tế, đối ngoại nhân dân, quảng bá hình ảnh đất nước, con người, văn hoá Việt Nam.
- Nâng cao ý thức, trách nhiệm của doanh nhân, doanh nghiệp đối với xã hội, nhất là trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ bảo đảm chất lượng; giữ gìn uy tín, thương hiệu doanh nghiệp; chú trọng bảo vệ môi trường; lên án, ngăn chặn, kiên quyết xử lý doanh nhân, doanh nghiệp vi phạm đạo đức, văn hoá kinh doanh, vi phạm pháp luật.
Đồng thời, khuyến khích doanh nhân, doanh nghiệp thực hiện trách nhiệm xã hội, tham gia tích cực các hoạt động giúp đỡ cho người có hoàn cảnh khó khăn, địa bàn vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo.
5. Tăng cường đoàn kết, hợp tác, liên kết giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức dưới sự lãnh đạo của Đảng
- Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phối hợp hoạt động trong đội ngũ doanh nhân; giữa doanh nhân với công nhân, nông dân, trí thức thông qua các hình thức đa dạng, phù hợp, gắn với hoạt động sản xuất, kinh doanh, trách nhiệm xã hội, góp phần xây dựng, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Xây dựng quan hệ lao động hài hoà, ổn định, tiến bộ, thực chất giữa doanh nghiệp và người lao động, đẩy mạnh ký kết thoả ước lao động tập thể, giải quyết hài hoà lợi ích doanh nghiệp và người lao động; định kỳ tổ chức đối thoại, hội nghị người lao động trong doanh nghiệp.
Quan tâm quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động, nhất là về tiêu chuẩn, an toàn lao động, an sinh, phúc lợi xã hội, dân chủ ở cơ sở, hạn chế tối đa tranh chấp lao động.
Tạo điều kiện cho tổ chức công đoàn thực hiện chức năng, nhiệm vụ, phát huy vai trò cầu nối giữa người lao động với doanh nhân, doanh nghiệp; phối hợp phát triển doanh nghiệp, xây dựng đạo đức, văn hoá kinh doanh, thực hiện trách nhiệm xã hội.
- Khai thác thế mạnh, thúc đẩy liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với nông dân theo hướng xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị; tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp, nông dân phát huy vai trò cầu nối trong liên kết, hợp tác.
- Đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa doanh nhân, doanh nghiệp với đội ngũ trí thức, nhất là các nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành, các trung tâm, viện nghiên cứu, các trường đại học… thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận khoa học công nghệ thông qua đội ngũ trí thức, gắn nghiên cứu với thử nghiệm, tạo đột phá trong sản xuất, kinh doanh, cải tiến kỹ thuật, đổi mới công nghệ, tăng năng suất lao động để doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững; phát huy vai trò cầu nối của các tổ chức đại diện cho doanh nhân, doanh nghiệp và các tổ chức của đội ngũ trí thức.
- Tăng cường liên kết, hợp tác giữa các tổ chức của doanh nhân, doanh nghiệp và giữa doanh nhân, doanh nghiệp; giữa doanh nghiệp nhỏ và vừa với doanh nghiệp lớn; giữa doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài nước, tạo cơ hội tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu; chú trọng liên kết, hợp tác theo ngành, cụm sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị.
6. Phát huy vai trò của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, các tổ chức đại diện đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp
- Tiếp tục củng cố, kiện toàn tổ chức, đổi mới nội dung, phương thức, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ là tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp; phát triển hội viên, phát triển tổ chức ngày càng vững mạnh; là cầu nối vững chắc giữa Đảng với doanh nhân, góp phần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
- Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các tổ chức đại diện giữ vai trò nòng cốt trong tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của đội ngũ doanh nhân; lắng nghe, tập hợp, phản ảnh, phối hợp giải quyết tâm tư, nguyện vọng của doanh nhân, doanh nghiệp; tham gia xây dựng, phản biện và giám sát việc thực hiện chủ trương, chính sách phát triển kinh tế - xã hội, chính sách, pháp luật liên quan; tham gia đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân, thúc đẩy khởi nghiệp, tập hợp, liên kết, hợp tác, hỗ trợ doanh nhân, doanh nghiệp phát triển bền vững; xây dựng, vận động, thúc đẩy, khuyến khích doanh nhân thực hiện chuẩn mực đạo đức, văn hoá kinh doanh; tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.
- Tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách, nâng cao hiệu lực hoạt động của các tổ chức đại diện hợp pháp của đội ngũ doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp.
Nhà nước nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp.
7. Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của Nhà nước trong xây dựng và phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân
- Nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các cấp uỷ, tổ chức đảng trong lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt, cụ thể hoá đường lối, chủ trương của Đảng đối với việc xây dựng, phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân.
Chú trọng phát triển đảng viên, xây dựng tổ chức đảng trong doanh nghiệp; đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng trong các loại hình doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu thời kỳ mới.
- Xây dựng cơ chế phối hợp giữa cấp uỷ với tập thể lãnh đạo doanh nghiệp nhằm phát huy vai trò của cấp uỷ, tổ chức đảng, đảng viên.
Đẩy mạnh thực hiện chủ trương kết nạp đảng viên là chủ doanh nghiệp tư nhân đủ tiêu chuẩn, điều kiện.
Thành lập đảng bộ cơ sở tại khu công nghiệp, khu chế xuất, cụm công nghiệp ở nơi có đủ điều kiện. Xây dựng tổ chức cơ sở đảng trong doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ở nước ngoài, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
- Đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của các tổ chức chính trị - xã hội trong doanh nghiệp, nhất là tổ chức công đoàn, đoàn thanh niên phù hợp với loại hình, địa bàn, tính chất, quy mô hoạt động của doanh nghiệp.
Đổi mới phương thức quản lý nhà nước theo hướng lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, thực hiện đúng chức năng, nhiệm vụ của Nhà nước trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chú trọng quan hệ Nhà nước - doanh nghiệp - người lao động; tăng cường hướng dẫn các tổ chức quần chúng phối hợp với doanh nhân, doanh nghiệp trong hoạt động.
IV- TỔ CHỨC THỰC HIỆN
1. Các tỉnh uỷ, thành uỷ, các ban đảng, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng uỷ trực thuộc Trung ương, đảng uỷ đơn vị sự nghiệp Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, chỉ đạo xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Nghị quyết; tăng cường kiểm tra, đánh giá, định kỳ sơ kết, tổng kết thực hiện Nghị quyết.
2. Đảng đoàn Quốc hội, Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện pháp luật, ưu tiên chính sách, pháp luật đổi mới cơ chế, chính sách, tạo thuận lợi phát triển doanh nhân, doanh nghiệp.
3. Ban cán sự đảng Chính phủ lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng chương trình hành động thực hiện Nghị quyết, chiến lược quốc gia phát triển đội ngũ doanh nhân, chương trình quốc gia về đào tạo, bồi dưỡng doanh nhân.
4. Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội lãnh đạo, chỉ đạo đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, tập hợp, động viên, tôn vinh doanh nhân tiêu biểu; giám sát, phản biện xã hội, phát huy vai trò đội ngũ doanh nhân trong xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
5. Ban Tuyên giáo Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức quán triệt, tuyên truyền thực hiện Nghị quyết.
6. Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam phối hợp với ban cán sự đảng, đảng đoàn, các tỉnh uỷ, thành uỷ tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết theo chức năng, nhiệm vụ được giao; kịp thời đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết những vấn đề mới phát sinh trong quá trình thực hiện Nghị quyết.
7. Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với Đảng đoàn Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và các cơ quan liên quan thường xuyên theo dõi, đôn đốc, giám sát, kiểm tra, định kỳ sơ kết, tổng kết, báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư kết quả thực hiện Nghị quyết.
Nghị quyết này phổ biến đến chi bộ.
Với tư duy quản trị, phát triển đội ngũ doanh nhân người Việt là nhu cầu tất yếu trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu “quốc gia phát triển” vào năm 2045.
Doanh nghiệp và doanh nhân
Mỗi doanh nghiệp là một thiết chế kinh tế, với chức năng số một là sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các nhu cầu đa dạng của con người. Xã hội càng hiện đại thì các loại hình doanh nghiệp càng trở nên phong phú, phạm vi hoạt động ngày càng rộng, và chức năng ngày càng đa dạng.
Những người nắm quyền sở hữu, quản lý, điều hành doanh nghiệp được coi là các doanh nhân. Nguyên lý căn bản trong hoạt động của doanh nghiệp và doanh nhân là phải tạo ra giá trị thặng dư, hay “có lãi”.
Ở bất cứ xã hội nào và giai đoạn phát triển nào, cấu trúc xã hội phân chia theo tiêu chí nghề nghiệp đều phản ánh trình độ phát triển của mỗi nền kinh tế-xã hội. Việt Nam vốn là một nền kinh tế nông nghiệp, lực lượng lao động chủ yếu là “nông dân”. Hoạt động kinh doanh, thương mại kém phát triển khiến cho số lượng những người được coi là “doanh nhân” còn ít.
Cũng vì thế, cho đến trước khi thực dân Pháp xâm lược nước ta, doanh nhân vẫn chưa được coi trọng cho nên được xếp ở vị trí cuối cùng trong số “tứ dân” gồm: “Sỹ, nông, công, thương”.
Trong gần một thế kỷ bị thực dân Pháp đô hộ, lực lượng doanh nhân người Việt cũng xuất hiện nhưng luôn bị chèn ép từ phía các doanh nhân đến từ chính quốc, cũng như chính quyền thuộc địa.
Ba thập kỷ chiến tranh (1945-1975) và chủ trương xây dựng nền kinh tế XHCN theo mô hình cổ điển sau khi đất nước thống nhất (1975-1985) đã khiến các yếu tố kinh tế thị trường không thể phát triển, kèm với đó là sự vắng bóng của các “doanh nhân”.
Bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, sự phát triển của lực lượng doanh nhân Việt Nam vẫn chưa như kỳ vọng. Theo thống kê, với gần 1 triệu doanh nghiệp (chủ yếu quy mô vừa và nhỏ), gần 30 nghìn hợp tác xã và trên 5 triệu hộ kinh doanh cá thể, dự kiến đến năm 2025 sẽ có khoảng 1,5 triệu doanh nghiệp.
Như vậy, số lượng doanh nhân thực sự ở nước ta hiện nay chỉ chiểm tỷ lệ rất thấp trong cơ cấu dân số, khoảng 2 triệu người.
Từ năm 2011, Nghị quyết số 09-NQ/TW về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế đã nhận định: đội ngũ doanh nhân nước ta “mới hình thành và phát triển, chưa có tích lũy nhiều về vốn, tri thức, công nghệ và kinh nghiệm, truyền thống kinh doanh”.
Thực tế nêu trên bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân, trong đó có vấn đề về nhận thức, như đã được chỉ ra trong Nghị quyết số 09-NQ/TW: “Ở một số nơi, sự quan tâm của cấp ủy đảng, chính quyền, đoàn thể đối với doanh nhân còn hạn chế, chưa có được sự thống nhất nhận thức về vai trò của doanh nhân trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.
Vị thế của doanh nhân
Vị thế của cá nhân hay nhóm trong xã hội không chỉ phản ánh chỗ đứng của cá nhân/nhóm trong hệ thống phân tầng xã hội, mà còn cho thấy mức độ thừa nhận từ phía xã hội đối với vai trò, thể hiện qua những giá trị mà họ đóng góp cho cộng đồng.
Tại các quốc gia thịnh vượng, lực lượng doanh nhân luôn được coi trọng, có vị thế cao, và doanh nhân trở thành một giá trị xã hội được nhiều người đề cao.
Theo quy luật phát triển trong lịch sử nhân loại, để cải thiện vị thế xã hội của doanh nhân thì không chỉ gia tăng số lượng, mà quan trọng hơn là phải tạo điều kiện để họ ngày càng đóng góp tích cực cho sự phát triển của đất nước.
Một điều kiện then chốt cho sự trưởng thành của lực lượng doanh nhân là phải thiết lập được nền kinh tế thị trường hiện đại, với những đặc trưng như: mở rộng tự do kinh tế, quyền tài sản được bảo vệ, cạnh tranh bình đẳng, quản lý Nhà nước công khai, minh bạch.
Ban hành ngày 10/10/2023, Nghị quyết số 41-NQ/TW tiếp tục khẳng định quan điểm coi trọng vị thế và vai trò của lực lượng doanh nhân nước ta trong thời kỳ mới. Doanh nhân được xác định là “một trong những lực lượng nòng cốt” trong tiến trình hiện thực hóa tầm nhìn lãnh đạo: đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045.
Để trở thành những “doanh nhân dân tộc”, đội ngũ doanh nhân Việt Nam cũng được yêu cầu phải “có tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, khát vọng cống hiến, thượng tôn pháp luật”, coi trọng những giá trị đạo đức, văn hóa và văn minh trong sản xuất, kinh doanh.
Bên cạnh các định hướng giải pháp tiếp tục hoàn thiện nền kinh tế thị trường định hướng XHCN, Nghị quyết số 41-NQ/TW khẳng định những quan điểm ủng hộ tự do sản xuất, kinh doanh, giới hạn mức độ can thiệp của Nhà nước vào các hoạt động kinh tế như: “không hình sự hóa quan hệ kinh tế…bảo đảm khuôn khổ pháp luật ổn định, đồng bộ, thống nhất, minh bạch, bình đẳng”.
Được xác định là một chủ thể “nòng cốt” trong tiến trình phát triển đất nước, Nghị quyết số 41-NQ/TW khẳng định quan điểm tôn trọng và bảo vệ quyền, tiếng nói, lợi ích của đội ngũ doanh nhân. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam được xác định là “tổ chức chính trị - xã hội – nghề nghiệp, đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của doanh nhân, doanh nghiệp”.
Nghị quyết số 41-NQ/TW cũng nêu ra những định hướng nhằm tiếp tục cải thiện vị thế của lực lượng doanh nhân trong các quá trình chính trị và thực thi chính sách, như: “tạo điều kiện để đội ngũ doanh nhân có đại diện tham gia trong các cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị - xã hội, và các tổ chức hợp pháp khác có liên quan”. “Nhà nước nghiên cứu, tạo điều kiện cho các tổ chức đại diện doanh nhân tham gia cung cấp một số dịch vụ công phù hợp”.
Doanh nhân và quản trị quốc gia
Báo cáo chính trị của BCH TW khóa XII trình đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng cộng sản Việt Nam đã xác định một trong những nhiệm vụ trọng tâm và đột phá chiến lược của nhiệm kỳ là: “Đổi mới quản trị quốc gia theo hướng hiện đại, hiệu quả”.
Việc sử dụng khái niệm “quản trị” trong văn kiện đại hội Đảng đã cho thấy tư duy mới, chuyển dần từ tư duy “quản lý” trong các xã hội truyền thống đến tư duy “quản trị” trong xã hội hiện đại.
Quản trị, có thể hiểu một cách khái quát, là cách thức “chèo lái, dẫn dắt” một cộng đồng xã hội, cách thức vận hành xã hội dựa trên sự dung hòa và giải quyết các lợi ích cạnh tranh nhau giữa các nhóm xã hội khác nhau. Khác với tư duy quản lý vốn chỉ nhấn mạnh vai trò trung tâm của chính quyền/Nhà nước, các cấu trúc quản trị hiện đại bao gồm cả các chủ thể, thể chế tồn tại bên ngoài khu vực Nhà nước.
Cụ thể hơn, các cấu trúc quản trị không chỉ bao gồm các thể chế chính thức như chính quyền, luật pháp, nguyên tắc & quy định hành chính… mà còn nhấn mạnh vị thế và vai trò của các chủ thể tư nhân, các tổ chức xã hội, tổ chức phi lợi nhuận, các định chế khu vực và quốc tế, cũng như tính tích cực và chủ động của mỗi công dân. Mối quan hệ giữa các chủ thể quản trị trong thế giới đương đại được hình thành theo chiều ngang, có tính chất đối tác, hợp tác, và bình đẳng hơn.
Trong một khung khổ quản trị đa chủ thể như vậy, lợi ích công không còn là cơ sở duy nhất cho các quyết định chính sách. Thay vào đó, các mong đợi lợi ích của các chủ thể quản trị có vai trò quan trọng đối với quy trình quản lý, điều hành nền kinh tế - xã hội. Các chính sách có xu hướng bị chi phối nhiều hơn bởi lợi ích của các chủ thể chứ không phải chỉ lợi ích công.
Vì thế, thách thức lớn nhất trong quá trình xây dựng nền quản trị hiện đại là thiết lập các điều kiện thể chế vững chắc để các cam kết đa chủ thể có thể thực thi nghiêm túc.
Quản trị quốc gia đề cập đến các hệ thống kinh tế - chính trị gắn với những không gian lãnh thổ có chủ quyền, quyền lực quản trị được phân bố cho các chủ thể cả trong và ngoài nhà nước.
Như vậy, cấu trúc quản trị quốc gia bao gồm các cơ chế, quá trình, và thể chế qua đó công dân và các nhóm xã hội khớp nối các lợi ích đa dạng, thực thi các quyền pháp lý của họ, hoàn thành bổn phận của họ, và điều hòa sự khác biệt cả về quan điểm và lợi ích.
Hoạt động quản trị quốc gia là việc các chủ thể cùng thực thi quyền lực chính trị, kinh tế, và hành chính để giải quyết các vấn đề mang tính tập thể ở mọi cấp độ. Với tư duy quản trị, phát triển đội ngũ doanh nhân người Việt là nhu cầu tất yếu trong tiến trình hiện thực hóa mục tiêu “quốc gia phát triển” vào năm 2045.
TS Nguyễn Văn Đáng
Nghị quyết 41 và vị thế của doanh nhân trong quản trị quốc gia
TẢN MẠN NGÀY DOANH NHÂN
ĐẬU ANH TUẤN*/KTSG 13-10-2023
(KTSG) – Sự phát triển bền vững của quốc gia phải dựa trên một nền kinh tế mạnh và tự chủ, trong đó trụ cột chính phải là lực lượng doanh nhân nội địa…
Cách đây gần 20 năm, chúng tôi bắt đầu thực hiện chương trình Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), một bộ chỉ số đánh giá chất lượng điều hành của chính quyền địa phương, xếp hạng các tỉnh, thành phố dựa trên kết quả điều tra doanh nghiệp. Tôi nhớ mãi lúc đó có một số lãnh đạo địa phương chất vấn tôi rằng doanh nghiệp tư nhân lấy tư cách gì, “biết gì” mà đánh giá chính quyền! Trong con mắt của nhiều lãnh đạo địa phương lúc đó thì đây là một thành phần không phải quan trọng. Họ cần chính quyền giúp đỡ hơn là chính quyền cần họ.
Còn khi đến trụ sở của nhiều cơ quan chính quyền, xe biển xanh của cơ quan nhà nước thì được qua cổng vào tận sảnh, xe biển trắng của doanh nghiệp tư nhân và người dân thì phải dừng ở ngoài cổng và tự đi bộ vào. Dường như có một thứ bậc rõ ràng, khoảng cách vô hình giữa chính quyền và doanh nghiệp tư nhân. Tại một hội nghị, trong bài trình bày tôi có nói về quan hệ đối tác giữa chính quyền và doanh nghiệp, giờ giải lao có một chủ doanh nghiệp ra bảo tôi rằng, làm gì có đối tác ở đây khi chính quyền và doanh nghiệp đâu có bình đẳng, ngang hàng, một bên (tự nhận) là cửa trên và một bên (bị định) là cửa dưới thì còn lâu mới có được quan hệ đối tác. Đó là quan hệ ban phát, xin cho, chạy chọt mà thôi!
Ở góc nhìn ngược lại, có lãnh đạo chính quyền địa phương cách đây nhiều năm tâm sự với tôi rằng cũng muốn hỗ trợ doanh nghiệp lắm nhưng có một tâm lý rất phổ biến là cứ lãnh đạo nào gặp gỡ thường xuyên doanh nghiệp thì thường phải đón nhận sự nghi ngờ từ nhiều người khác, từ cả hệ thống chính trị về quan hệ không trong sáng giữa lãnh đạo đó với giới tư nhân. Thế nên có tâm lý xa cách, ngại ngần!
Có một điều tra tại Việt Nam cách đây xấp xỉ 20 năm của Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) về những nghề nghiệp mà người trẻ sẽ lựa chọn sau khi tốt nghiệp. Phần lớn thanh niên Việt Nam giai đoạn đó muốn vào làm trong bộ máy nhà nước, chỉ một phần rất nhỏ muốn làm ở khu vực tư nhân. Điều này có thể hiểu được khi thời đó doanh nhân trong con mắt báo chí, truyền thông, phim ảnh vẫn thường bị gọi là “con buôn”, “con phe”, “gian thương”. Trên các phim truyền hình chiếu hàng tối thì những chủ doanh nghiệp thường là nhân vật béo ú, có đầu hói, bên cạnh luôn là cô thư ký xinh đẹp và thường ông chủ doanh nghiệp này luôn có những ứng xử kém đạo đức…
Theo thời gian thì vai trò, vị trí của doanh nghiệp tư nhân tại Việt Nam đã cải thiện rất nhiều. Năm 2011 lần đầu tiên có Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị về doanh nhân, năm 2017 lần đầu tiên Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết 10 về kinh tế tư nhân – những dấu mốc quan trọng. Doanh nghiệp, doanh nhân cũng được nhắc tên trong Hiến pháp 2013. Việt Nam đã có nhiều đạo luật quan trọng cho sự phát triển doanh nghiệp như Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư, Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa… Giới doanh nghiệp, doanh nhân cũng đã có một ngày riêng của mình là ngày 13-10 hàng năm theo quyết định từ năm 2004 của Thủ tướng Phan Văn Khải.
Giờ thì tại nhiều nơi, không còn sự băn khoăn, nghi ngại về vai trò, tầm quan trọng của doanh nghiệp tư nhân nữa. Thay vì xin được gặp chính quyền như trước, đã có nhiều lãnh đạo tỉnh chủ động tìm đến, đặt lịch làm việc với các nhà đầu tư tư nhân để mời gọi đầu tư vào địa phương. Tôi để ý tại các hội thảo, hội nghị đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân ở rất nhiều tỉnh, thành phố, những vị trí ngồi trang trọng nhất đã được dành cho doanh nhân. Và không chỉ có thái độ trọng thị với những chủ doanh nghiệp lớn, nhiều địa phương còn xây dựng hẳn mô hình cà phê doanh nhân, nơi mà những chủ doanh nghiệp siêu nhỏ hay nhỏ có thể trực tiếp gặp mặt, đối thoại với những lãnh đạo cao nhất của địa phương.
Trong xây dựng chính sách hiện nay, việc thảo luận, tham vấn, lấy ý kiến doanh nghiệp đã được chú trọng hơn trước. Trong quá trình xây dựng rất nhiều dự thảo luật, nghị định, các ban soạn thảo đã thường xuyên tổ chức lấy ý kiến doanh nghiệp và các ý kiến từ khu vực này là những ý kiến quan trọng mà các ban soạn thảo phải cân nhắc, xem xét.
Tất nhiên, vẫn còn đó những định kiến, những khoảng cách về niềm tin của một số cán bộ nhà nước với doanh nghiệp, doanh nhân nhưng dường như đang trở thành thiểu số. Doanh nhân đã trở thành một bộ phận quan trọng của quá trình phát triển tại các địa phương cũng như quốc gia.
Lãnh đạo một địa phương miền núi phía Bắc chia sẻ với tôi rằng khi ông làm lãnh đạo huyện thì ông đã nhận ra một điều là phát triển doanh nghiệp không chỉ quan trọng ở các trung tâm kinh tế mà còn rất quan trọng với sự phát triển kinh tế, bảo vệ rừng và công tác an sinh xã hội tại các địa phương miền núi. Huyện miền núi nơi ông từng làm lãnh đạo có bà con dân tộc, trước đây mỗi năm địa phương phải dồn rất nhiều nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo, để cấp cây giống, con giống… cho đồng bào có cái ăn, đặng kêu gọi họ giữ rừng. Thế nhưng, bằng việc chào mời một doanh nghiệp chế biến dược liệu đến làm ăn, mở nhà máy, sản phẩm địa phương có đầu ra ổn định, tự khắc bà con hồ hởi trồng dược liệu, tự mình khôi phục lại rất nhiều diện tích rừng, cuộc sống trở nên ổn định, sung túc hơn nhiều. Người dân có cái ăn, rừng được giữ, thậm chí phát triển hơn và Nhà nước cũng đỡ bao nhiêu nguồn lực… chu cấp như trước. Tôi tin chắc còn nhiều trường hợp như vậy.
Điều tôi đã thấy và tự hào là hiện nay nhiều doanh nhân Việt Nam có khát khao và mong muốn cháy bỏng không chỉ về sự phát triển của doanh nghiệp mình, không chỉ là lợi nhuận của riêng mình mà còn cho sự phát triển của đất nước, mang lại lợi ích cho cộng đồng.
Có một doanh nhân rất thành công, là chủ một tập đoàn có hàng chục công ty con nhưng nguyện dành phần lớn tài sản và thời gian của mình để phát triển Vovinam, một môn võ dân tộc như là một cách đưa giá trị văn hóa Việt Nam ra toàn thế giới. Dù tập đoàn này có tốc độ phát triển 56% bình quân hàng năm trong suốt 25 năm qua nhưng người đứng đầu lâu giờ vẫn ở trong căn nhà nhỏ trong hẻm tại một thành phố nhỏ và vẫn thường đi máy bay hạng phổ thông. Có doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực cơ khí rất trăn trở và đau đáu về việc phát triển đội tàu của Việt Nam, tự đặt câu hỏi tại sao một quốc gia có bờ biển dài như Việt Nam mà không thể vươn ra biển, kinh doanh từ biển. Dù cá nhân từng vướng vào vòng lao lý từ việc sử dụng công nghệ mới của ngành đóng tàu, gặp nhiều khó khăn trong công việc kinh doanh tại địa phương nhưng những điều đó không làm doanh nhân này sờn chí, mỗi lần nói chuyện tôi lại thấy sự cháy bỏng nhiệt huyết trong anh. Tôi cũng rất xúc động khi có dịp đến một doanh nghiệp may nhỏ, chủ doanh nghiệp đã sử dụng hàng chục người lao động khuyết tật, đã đầu tư hẳn một không gian và tạo điều kiện để những người khuyết tật có công ăn việc làm ổn định… Cho dù việc này tiêu tốn của doanh nghiệp này khá nhiều thời gian, không mang lại lợi nhuận, thậm chí có giai đoạn ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh nhưng chị vẫn kiên định cho rằng đây là trách nhiệm mà mình phải làm cho xã hội…
Sự phát triển bền vững của quốc gia phải dựa trên một nền kinh tế mạnh và tự chủ, trong đó trụ cột chính phải là lực lượng doanh nhân nội địa. Tôi tin rằng cho dù thế giới có thay đổi như thế nào thì không ai khác, chính doanh nhân trong nước mới là người gắn bó ruột thịt với đất nước này. Tôi thích từ doanh nhân dân tộc. Từ này là sự ghép nối, thể hiện sự gắn bó và kết nối của hai từ: doanh nhân và dân tộc. Doanh nhân phát triển để dân tộc phát triển và ngược lại đất nước, dân tộc phải giữ được, thúc đẩy được sự phát triển của doanh nhân. Nó là một định hướng quan trọng để mỗi doanh nhân khi tự hào về mình thì không chỉ về thành tích kinh doanh mà còn vì những điều hữu ích và quý giá mình đã làm, đã cống hiến cho dân tộc và đất nước này.
(*) Phó tổng thư ký VCCI
CHỈ CẦN NGHỊ QUYẾT LÀ... 'NGANG TẦM THẾ GIỚI'
TRÂN VĂN/VOA/TD 13-10-2023
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét