Sáng 30/10, Quốc hội thảo luận về việc triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, trong đó có chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025.

ĐB Đỗ Chí Nghĩa (Phú Yên) cho biết sự nghèo hay không nghèo là một biến số, vì vậy giảm nghèo bền vững là một thách thức rất lớn. Ông chia sẻ, một gia đình có thể nghèo đi rất nhanh chóng khi một thành viên ốm, bị bệnh nặng đi điều trị. Ngược lại, cũng có nhiều cơ may giúp hộ gia đình nghèo có thể thoát nghèo.

Ông nhấn mạnh đến vai trò của ý chí vươn lên, tự lực cánh sinh để thoát nghèo, ứng phó với mọi hoàn cảnh; sự hỗ trợ của cộng đồng, các chương trình, chính sách của Nhà nước chỉ có ý nghĩa khi các chủ thể chính có ý chí vươn lên.


ĐB Đỗ Chí Nghĩa. Ảnh: Quốc hội

Ông phát biểu: "Tại sao cùng trong một điều kiện của khu vực, hoàn cảnh có những người vươn lên thoát nghèo nhưng có những người cứ khó khăn mãi và chỉ mong được tiếp tục trong diện hộ nghèo? Tại sao có những người thoát nghèo thì buồn nhưng trở lại hộ nghèo lại vui vì họ quan tâm đến chính sách hỗ trợ".

Ông cho rằng cần nhìn vào các nước xung quanh, có điều kiện tương tự xem họ xóa đói, giảm nghèo như thế nào, xây dựng nông thôn mới như thế nào. Dẫn chứng kinh nghiệm phát triển nông thôn tại Hàn Quốc, ĐB Nghĩa cho biết tầm quan trọng của việc thay đổi nhận thức của chủ thể là người dân.

Cùng với đó là giao quyền tự chủ cho chính người dân trong việc quyết định cách thức triển khai của từng chương trình, dự án cụ thể tại địa phương chứ không "loay hoay đồng nào mua mắm, đồng nào mua tương".

Đối với giáo dục, báo cáo của đoàn giám sát đã chỉ ra nhiều bất cập cần giải quyết, việc xác định hộ nghèo của các địa phương vẫn còn khó khăn. Ông nhắc đến nhận định của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà nói đến việc học sinh về quê xin xác nhận hộ nghèo khó khăn. Bởi nhiều địa phương hiện nay, nghèo là luân phiên, tức "hoa thơm mỗi người hưởng một tí nên có khi các cháu nghèo cũng chưa phải đối tượng nghèo theo xác định của địa phương đó...".

Ngoài ra, ông đề nghị cần đẩy mạnh truyền thông về xóa đói, giảm nghèo và đây là điều rất quan trọng. "Tại sao có những người khá giả ở nông thôn họ làm quần quật, tiết kiệm từng thời gian, giờ giấc nhưng có những người nghèo dù không phải nhiều song rất thong thả, rất chờ đợi. Do đó, truyền thông xóa đói giảm nghèo phải thay đổi", ông Nghĩa nói thêm.

"Hết chương trình, hết dự án thì nghèo lại hoàn nghèo"

Nhiều đại biểu cũng cảnh báo tình trạng tái nghèo và chỉ ra nhiều nguyên nhân. Song theo đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Bình Định), ngoài nguyên nhân khách quan thì còn có nguyên nhân chủ quan là do thiết kế nội dung dự án cấu thành chương trình chưa có dự án cụ thể nâng cao chất lượng điều trị và chăm sóc sức khỏe người dân ở địa bàn khó khăn.


ĐB Nguyễn Lân Hiếu. Ảnh: Quốc hội

Ông phân tích, một nguyên nhân phổ biến gây tái nghèo là gia đình có người ốm đau, thậm chí cả họ dồn sức, tiền của chăm sóc rồi lại tái nghèo. Các bệnh lý phổ biến như huyết áp, tiểu đường... cần chăm sóc thường xuyên nhưng nguồn lực y tế cơ sở hạn chế nên tỷ lệ biến chứng rất cao ở vùng quê nghèo.

“Nhà có người bệnh lên thành phố chữa trị là tiền của ra đi, thậm chí phải vay nợ, ra viện về không lao động được lại trở thành gánh nặng cho gia đình chăm sóc”, ông Nguyễn Lân Hiếu nhấn mạnh, đồng thời đề nghị quan tâm việc chăm sóc sức khỏe người già, trẻ nhỏ để tránh tình trạng như báo cáo giám sát đánh giá là giảm nghèo nhưng chưa được nâng cao chất lượng cuộc sống.

Không ít ý kiến cho rằng công tác tuyên truyền chưa tốt, nhận thức người dân còn hạn chế nên có hiện tượng chưa muốn thoát nghèo. Tuy nhiên, ĐB Tạ Văn Hạ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, Giáo dục cho rằng cần phân tích căn cơ hơn.


ĐB Tạ Văn Hạ. Ảnh: Quốc hội

Ông Hạ bày tỏ: “Người dân chưa muốn thoát nghèo vì từ cách làm đến chất lượng chương trình chưa thực sự làm cho người dân tin, chưa có sự bền vững hoặc tính bền vững chưa cao. Nó là ranh giới, hết chương trình, hết dự án thì nghèo lại hoàn nghèo. Cách làm và chất lượng chương trình đảm bảo bền vững cao thì người dân không ai muốn quay lại nghèo”.

Đồng tình về quản lý kết quả đầu ra, song theo ông Tạ Văn Hạ, phải tăng cường xây dựng, ban hành cơ chế phân cấp, phân quyền rõ hơn cho địa phương, nhất là cấp tỉnh.

“Địa phương tập trung làm nhà ở rồi thì tiền dự kiến cho làm nhà đó cho người ta giải quyết nước sạch, chứ thay đổi một chút lại trung ương xin điều chỉnh, phê duyệt thì rất mất thời gian, nhiêu khê. Trung ương chỉ quản lý mục tiêu, chỉ tiêu làm sao đạt được, còn cách làm thế nào để tỉnh chủ động”, ông Hạ đề xuất.

NGUỒN:

'Có những người thoát nghèo thì buồn nhưng trở lại hộ nghèo lại vui' 

TIN LIÊN QUAN:

Điều chỉnh chính sách để khắc phục tình trạng không muốn thoát nghèo 

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung: Giảm nghèo 'không còn chính sách cho không'

'Hạnh phúc không chỉ là nhiều tiền lắm của, nhưng nghèo thì không thể hạnh phúc'