Ngày 4/7, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Trước thông tin này, nhiều phụ huynh có con đang theo học trung học cơ sở bày tỏ niềm vui mừng và phấn khởi.
Chị Trần Thị Quang (51 tuổi, Vĩnh Phúc) có con năm sau lên lớp 8 Trường Trung học cơ sở Yên Bình háo hức chia sẻ: “Dù chưa biết điều này có thực hiện được không vì mới chỉ là đề xuất, tuy nhiên tôi vẫn cảm thấy rất vui vì có thể giảm đi một khoản phải lo vào đầu năm học mới. Có lẽ, với các gia đình ở thành phố, vài trăm nghìn học phí mỗi năm không phải là nhiều, nhưng với gia đình ở nông thôn như chúng tôi lại là khoản tiền đáng kể”.
|
Chị Trần Thị Quang (ở giữa) cùng 2 con. Ảnh: NVCC |
Vợ chồng chị Quang đều làm nông và không có nguồn thu nhập ổn định, chị kể, nhà có 5 người con và chỉ có 2 con đang theo học tại trường (con gái lớn học đại học, con út học trung học cơ sở). Mỗi lần đến kỳ đóng học phí, nếu không đúng dịp vụ mùa có lúa để bán, gia đình đều phải đi vay mượn họ hàng.
Cùng chung tâm trạng, anh Nguyễn Văn Hùng (39 tuổi, Quảng Ninh) có 2 con học Trường Trung học cơ sở Hà Trung hy vọng đây không chỉ là đề xuất mà sẽ thành quyết định chính thức trong thời gian tới.
Anh Hùng là lao động chính của gia đình, ngoài 2 con đang học cấp 2 thì gia đình anh mới có thêm một thành viên mới. Anh chia sẻ: “Vợ tôi làm nội trợ nên vốn không có khoản thu nhập nào, giờ nhà có thêm thành viên mới nên có nhiều khoản phải chi. Miễn học phí trong năm học tới sẽ khiến gia đình bớt được một phần nỗi lo”.
Cùng đồng tình với đề xuất miễn học phí cấp trung học cơ sở từ năm học 2022-2023, ông Ngô Ngọc Toàn - Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mộc Châu (Sơn La) bày tỏ quan điểm: “Huyện có 3/15 xã thuộc vùng đặc biệt khó khăn, nhiều học sinh còn không có sách khi đi học cần được hỗ trợ chứ chưa nói đến học phí. Chính vì vậy, khi nghe được đề xuất từ Bộ, tôi hoàn toàn ủng hộ”.
Bên cạnh đó, ông Quản Văn Giang, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Đà Bắc (Hòa Bình) cho hay, huyện đã thực hiện miễn giảm học phí cấp trung học cơ sở mấy năm nay.
“Miễn học phí sẽ tạo điều kiện cho học sinh vùng đặc biệt khó khăn, con em dân tộc thiểu số đến trường vì vậy tôi hoàn toàn ủng hộ. Là địa phương đã thực hiện miễn học phí mấy năm nay, tôi thấy rằng điều này sẽ mở ra cơ hội, giảm được một phần gánh nặng cho phụ huynh có con đang học ở trường.
Bên cạnh đó, tôi cũng mong nhà nước quan tâm nhiều hơn đến các trường, đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để các em được học trong môi trường giáo dục đầy đủ và tốt nhất”, Trưởng Phòng Giáo dục huyện Đà Bắc nói.
Bên cạnh đó, trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về đề xuất trên của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam bày tỏ sự đồng tình đối với đề xuất vì đáp ứng được nguyện vọng, mong ước của nhân dân.
|
Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm - Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam. Ảnh: Thùy Linh |
Tuy nhiên, Phó chủ tịch Hội tâm lý Giáo dục Việt Nam đặt ra vấn đề liên quan tới Nghị định 81 của Chính phủ ban hành ngày 27/8/2021, quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.
Thầy Lâm nhấn mạnh, các tỉnh đang thực hiện vấn đề thu, miễn giảm học phí theo nghị định này. Bởi vậy, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần giải thích rõ, cơ sở nào để Bộ đặt ra đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc, đề xuất này có thực hiện được không.
“Nếu không nói rõ, vấn đề này có thể trở thành rào cản cho các tỉnh đang thực hiện Nghị định 81”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm cho hay.
Bên cạnh đó, theo ông, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên thông tin rõ về vấn đề, nếu thực hiện đề xuất nói trên, nguồn kinh phí sẽ từ đâu, tức điều kiện nào để đảm bảo đề xuất đó là hợp lý, có thể thực hiện được.
"Tôi mong Bộ Giáo dục làm rõ thêm phần này, vì nếu không làm rõ sẽ khiến dân hiểu lầm, trong khi các tỉnh đang phải thực hiện Nghị định 81. Về vấn đề miễn học phí, chỉ Bộ trưởng Bộ Giáo dục không thể tự quyết được mà Bộ Tài chính cũng cần phải lên tiếng, xem xét có khả năng thực hiện hay không”, Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm nhấn mạnh thêm.
Được biết, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo kiến nghị Chính phủ ban hành nghị quyết đối với học phí năm học 2022-2023 để các đơn vị kịp thời triển khai thực hiện; đồng thời giao Bộ Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp với các bộ, ngành thực hiện sửa Nghị định số 81/2021/NĐ-CP (Nghị định 81) để làm căn cứ pháp lý thực hiện từ năm học 2023-2024 về các nội dung như sau:
Đối với học phí giáo dục mầm non công lập năm học 2022-2023:
Đối với cơ sở giáo dục mầm non chưa tự bảo đảm chi thường xuyên: Đề nghị giữ ổn định học phí như năm học 2021-2022;
Đối với cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành Nghị quyết quy định mức thu học phí năm học 2022-2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo Nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023.
Từ năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí mầm non theo chỉ số giá tiêu dùng hằng năm.
Bên cạnh đó, đối với giáo dục đại học công lập: Lùi khung học phí quy định tại Nghị định 81 thêm 01 năm. Năm học 2022-2023, mức học phí của cơ sở giáo dục đại học công lập chưa tự bảo đảm chi thường xuyên tăng tối đa 15% (theo Nghị định 81 là 25%) so với năm học 2021-2022.
Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên: Xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2 lần so với cơ sở chưa tự đảm bảo chi thường xuyên (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).
Đối với cơ sở giáo dục đại học công lập tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư: được xác định mức trần học phí tối đa hệ số 2,5 lần so với cơ sở tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư (giữ nguyên như quy định tại Nghị định 81).
Đối với hệ trung học cơ sở: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất thực hiện ngay việc miễn học phí cho toàn bộ (100%) học sinh trung học cơ sở từ năm học 2022 – 2023 (ước tính ngân sách cấp bù miễn học phí: 5,5 triệu học sinh x học phí bình quân 2 triệu đồng/năm học = 11.199,8 tỷ đồng/năm học). Nếu thực hiện đề xuất này thì ngân sách nhà nước phải tăng thêm là 25.199 tỷ đồng trong giai đoạn 03 năm (2022-2024) (sau khi trừ đi số học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn, học sinh đã được miễn học phí theo quy định tại Nghị định 81).
Đối với hệ trung học phổ thông:
Đề nghị giữ ổn định mức học phí như năm học 2021 – 2022 đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông công lập chưa tự đảm bảo chi thường xuyên;
Đối với cơ sở giáo dục trung học phổ thông tự đảm bảo chi thường xuyên, cơ sở giáo dục tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư: Cơ sở giáo dục xây dựng mức thu học phí trên cơ sở định mức kinh tế - kỹ thuật, định mức chi phí do cơ sở giáo dục ban hành. Cơ sở giáo dục trình ủy ban nhân dân cấp tỉnh để đề nghị Hội đồng nhân dân cấp tỉnh xem xét phê duyệt mức thu học phí.
Đối với các địa phương đã ban hành nghị quyết định mức thu học phí năm học 2022- 2023 mà mức thu học phí cao hơn so với năm học 2021-2022: Hội đồng nhân dân cấp tỉnh giao Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho phép tiếp tục thực hiện theo nghị quyết quy định mức thu học phí đối với năm học 2021-2022 đến hết năm học 2022-2023. Từ năm học 2023-2024, Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định điều chỉnh khung và mức học phí đối với trung học phổ thông công lập theo chỉ số giá tiêu dùng hàng năm.
Các nội dung không nêu tại nghị quyết của Chính phủ đề nghị thực hiện theo quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Cũng tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ lưu ý Bộ Giáo dục và Đào tạo cần khẩn trương làm việc với các bộ, ngành hữu quan, trình Chính phủ để ban hành nghị quyết về các nội dung nêu trên cho kịp triển khai từ năm học 2022 – 2023.
Trần Lý
ĐỀ XUẤT MIỄN HỌC PHÍ CHO HỌC SINH TRUNG HỌC CƠ SỞ, CÁC TRƯỜNG CÓ Ý KIẾN GÌ?
CHÂU GIANG/ GDVN 8-7-2022
Mới đây, tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở toàn quốc ngay từ năm học 2022-2023 theo quy định tại Nghị định 81.
Về nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cùng các cơ quan liên quan đã nghiên cứu, đánh giá tác động để trình các cấp có thầm quyền theo hướng giảm khó khăn cho phụ huynh và học sinh, phù hợp với tình hình và điều kiện của đất nước ở thời điểm hiện tại.
Trước kiến nghị trên, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Đinh Thị Hồng Thắng, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng (Vĩnh Phúc) cho biết, cô thực sự rất vui khi nhận được thông tin này vì cũng giảm được một phần áp lực đối với phụ huynh học sinh khi cho con em tới trường.
“Trong suốt 2 năm dịch bệnh COVID-19 hoành hành, rất nhiều gia đình lâm vào tình trạng kinh tế khó khăn, việc miễn giảm học phí đối với cấp trung học cơ sở này cũng phần nào giảm đi được gánh nặng cho các gia đình trong thời kì hậu COVID đang hồi phục kinh tế. Đồng thời, việc miễn giảm học phí cũng thể hiện sự quan tâm của nhà nước đối với người dân và nền giáo dục nước nhà”, cô Thắng chia sẻ.
|
Cô Đinh Thị Hồng Thắng – Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Phúc Thắng (Vĩnh Phúc). (Ảnh: NVCC) |
Đồng tình với quan điểm này, cô Nguyễn Thị Minh, Hiệu trưởng Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Thanh Chi (Thanh Chương, Nghệ An) cũng bày tỏ, dù việc miễn học phí cho học sinh trung học cơ sở mới chỉ là đề xuất nhưng nếu sớm được thực thi thì nhà trường hoàn toàn đồng tình và ủng hộ. Phụ huynh và học sinh cũng rất phấn khởi trước thông tin này.
Cũng liên quan tới nội dung trên, thầy Nguyễn Viết Hạnh, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hương Ngải (Thạnh Thất, Hà Nội) cho rằng: “Sau khi nghe được thông tin này, về góc độ cá nhân tôi cảm thấy rất vui, đặc biệt là nhiều phụ huynh học sinh cũng chia sẻ với nhà trường rằng họ rất mừng vì giảm được một phần đóng góp, điều này đặc biệt có ý nghĩa đối với vùng nông thôn”.
Thầy cũng chia sẻ thêm: “Việc miễn giảm học phí sẽ không ảnh hưởng gì đến hoạt động của nhà trường vì ngân sách hoạt động sẽ được cấp bù. Tiền học phí thu hiện tại được chi trả như sau: 40% chi lương cho cán bộ giáo viên và 60% chi cho các hoạt động nên không thu học phí thì ngân sách nhà nước sẽ cấp bù bổ sung”.
Nêu quan điểm trước nhiều lo ngại của phụ huynh rằng, cắt giảm 100% học phí thì liệu nhà trường có tăng tiền cơ sở vật chất hay không, cô Nguyễn Lam Ngọc, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Xuân Hòa (Vĩnh Phúc) cho biết, việc đóng tiền cơ sở vật chất trong năm học đều đã nằm trong hướng dẫn chi.
Nếu các khoản không nằm trong hướng dẫn này thì nhà trường sẽ không tự ý thu tiền phụ huynh học sinh, vì vậy việc miễn giảm học phí không ảnh hưởng đến đầu thu của các cơ sở giáo dục.
Cô cũng bày tỏ: “Khi có chế độ miễn học phí đối với học sinh trung học cơ sở, rất mong nhà nước cũng có một chế độ, chính sách nào đó đi kèm để đảm bảo cho các hoạt động giáo dục của cấp trung học cơ sở được diễn ra bình thường, để nhà trường có thể hoàn thành nhiệm vụ một cách tốt nhất”.
Có thể thấy, kiến nghị miễn 100% học phí đối với học sinh trung học cơ sở nhận được sự đồng thuận từ nhiều cơ sở giáo dục trung học cơ sở trên cả nước.
Việc miễn giảm học phí này không chỉ giúp nhiều con em thuộc gia đình khó khăn, vùng sâu vùng xa có cơ hội đến trường mà còn thể hiện được sự quan tâm của nhà nước nói chung và Bộ Giáo dục nói riêng đối với học sinh cấp trung học cơ sở trên toàn quốc.
Châu Giang
NHỮNG CON SỐ NÓNG MẶT
LƯU TRỌNG VĂN/ TD 6-7-2022
Việc phổ cập giáo dục và miễn học phí đã được hiến định từ Hiến pháp nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa năm 1946, trong đó có quy định: "Nền sơ học cưỡng bách và không học phí..."; Hiến pháp những năm 1959, 1980 đều có quy định tương tự và còn cao hơn nữa.
Luật Giáo dục năm 2019, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2020, trong đó nêu rất cụ thể "giáo dục bắt buộc là giáo dục mà mọi công dân trong độ tuổi quy định bắt buộc phải học tập để đạt được trình độ học vấn tối thiểu theo quy định của pháp luật và được Nhà nước bảo đảm điều kiện để thực hiện."
Vậy thì kiến nghị của TS Nguyễn Kim Sơn bộ trưởng GD&ĐT vừa trình chính phủ yêu cầu miễn phí cho học trò trung học cơ sở hệ quốc doanh là quá... quá ư là chậm trễ.
Có thể nói toẹt: Chậm trễ đến mức xấu hổ. Chậm trễ đến mức thấy quá xúc phạm lòng tự tôn của người Việt và của quốc gia mang tên cộng hoà XHCN.
Thước đo để một thể chế tự hào có mang tính XHCN hay không, bao giờ giáo dục cũng là chỉ số đầu tiên.
Vậy thì nền giáo dục của VN đang ở đâu nếu tính theo quyền học trò được miễn phí khi đến trường?
Theo TS Nguyễn Hồng Cổn thì:
Bảng thống kê thời lượng giáo dục bắt buộc (ứng với số năm học được miễn phí hoàn toàn) ở 171 nước trên thế giới, đăng trên trang NationMaster - một trang chuyên cung cấp số liệu thống kê và so sánh giữa các nước (xem link):
Xem kỹ cái bảng này thì thấy trong 171 nước có:
- 18 nước miễn phí 11 năm
- 35 nước miễn phí 10 năm
Như vậy Việt Nam xếp thứ 165/171 đồng hạng với 5 nước vào loại lạc hậu nhất thế giới đó là Pakistan, Banglades, Nepal, Myanma, Guinea có số năm miễn học phí ít nhất (5 năm), chỉ hơn một nước duy nhất là Angola (4 năm).
Không biết khi đưa ra kiến nghị miễn phí cho học sinh trung học cơ sở, ngài bộ trưởng GD&ĐT có gửi cho chính phủ và đặc biệt cho Quốc hội các số liệu tụt hậu ê chề đến nóng mặt dân Việt này không?
Mà nếu chỉ dân Việt nóng mặt thì có tác dụng gì cơ chứ?
LTV
HẢI PHÒNG ĐÃ MIỄN HỌC PHÍ THCS, NƠI NÀO ĐỦ ĐIỀU KIỆN CỨ LÀM, ĐỪNG CHỜ NHAU
TRẦN LÝ/ GDVN 9-7-2022
Tại Hội nghị Chính phủ với các địa phương ngày 4/7, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất miễn toàn bộ học phí cho học sinh trung học cơ sở trên toàn quốc từ năm học 2022-2023.
Đề xuất này đã nhận được sự ủng hộ tích cực từ dư luận xã hội đặc biệt là phụ huynh học sinh. Nhân dân đánh giá cao sự kịp thời của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong quá trình phổ cập giáo dục, cởi bỏ nỗi lo canh cánh trong nhiều gia đình vì áp lực học phí, và đặc biệt hơn là trước tình hình cả nước vừa trải qua đại dịch Covid 19, đời sống của người dân gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, vẫn có những băn khoăn, lo lắng nhất định.
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung này, Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội bày tỏ sự ủng hộ, đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
“Việc miễn học phí cho cấp trung học cơ sở đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất nhiều lần. Nếu thực hiện được chủ trương này, chắc chắn rất tốt và không có lý do gì để trì hoãn nữa bởi trung học cơ sở là cấp phổ cập nên đúng nghĩa mà nói, cần phải miễn học phí.
Sở dĩ chúng ta chưa thực hiện được chủ trương này vì hạn chế về mặt ngân sách. Nếu hiện nay, sau khi xem xét và có đủ điều kiện để miễn học phí cho cấp trung học cơ sở thì không còn gì để bàn cãi”, Giáo sư Thi nói.
|
Giáo sư Đào Trọng Thi - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội. Ảnh: VNU |
Nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội nhấn mạnh, đối với đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài chính cần lên tiếng. Bởi khi miễn học phí bắt buộc phải có một nguồn tài chính khá lớn, ổn định và bền vững. Xác định rằng, chúng ta không chỉ miễn trong năm học 2022-2023 mà còn cả những năm sau đó nên cần có kế hoạch, tính toán về lâu dài.
Giáo sư Đào Trọng Thi đánh giá cao một số địa phương như Hải Phòng đã miễn học phí cho học sinh, tuy nhiên cũng có một số bất cập và khó khăn cần giải quyết.
“Ở một số nước như Mỹ chẳng hạn, mỗi bang có ngân sách riêng và quyết định riêng về ngân sách ấy nên sự khác biệt giữa các địa phương sẽ không là vấn đề. Trong khi đó, ở Việt Nam, ngân sách nhà nước là thống nhất nên sẽ có những khó khăn riêng và không có sự công bằng giữa các địa phương với nhau.
Tôi lấy ví dụ một học sinh ở Lào Cai về Hải Phòng học thì thế nào, rồi học sinh các tỉnh lân cận sẽ đổ dồn về địa phương ấy để học thì ra sao? Tất cả những vấn đề này có thể chỉ là trường hợp hy hữu và chưa phổ biến nhưng cũng phải đặt ra để tính toán, xem xét.
Theo tôi, nếu chưa đủ điều kiện thì không nhất thiết phải phổ cập toàn quốc, các địa phương đáp ứng được có thể triển khai trước, đừng chờ nhau nữa”, Giáo sư Đào Trọng Thi nói.
Cũng trao đổi về đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Phó Giáo sư Bùi Thị An - Chủ tịch Hội nữ trí thức Thành phố Hà Nội, Đại biểu Quốc hội khóa XIII cho biết bà hoàn toàn ủng hộ việc miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở, tuy nhiên cần phân tích những tác động xã hội mà nó mang lại.
“Phải khẳng định, về lâu dài chính sách này là tốt, không chỉ trung học cơ sở mà cả trung học phổ thông cũng cần được miễn học phí. Nhưng trước khi thực hiện, cần xem xét, đánh giá tất cả các ảnh hướng, tác động đến ngân sách, nhà trường, giáo viên, phụ huynh,… như thế nào”, Phó Giáo sư Bùi Thị An nói.
|
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An . Ảnh: quochoi.vn. |
Ngoài ra, Phó Giáo sư Bùi Thị An cũng nhấn mạnh những vấn đề cần quan tâm, cụ thể:
Thứ nhất, về nguyên tắc thì tất cả trẻ em đều được hưởng quyền lợi, dịch vụ như nhau về giáo dục, y tế. Trong trường hợp này, nếu miễn giảm học phí thì cần tính toán, cân đối trường công lập và tư thục như thế nào? Trừ những gia đình có điều kiện tài chính, nhiều em học sinh vì hoàn cảnh, địa lý, điểm số vào học trường tư thục thì cần có giải pháp ra sao để đảm bảo công bằng cho tất cả các em?
Thứ hai, phải giải quyết được rõ ràng câu hỏi ngân sách lấy từ đâu, địa phương hay trung ương, cần xây dựng lộ trình thực hiện và khi thực hiện cần sự đồng lòng của toàn xã hội.
Thứ ba, miễn học phí là chính sách nhân văn nhiều người đồng tình và vui mừng, tuy nhiên với những người vốn thuộc diện chính sách được giảm học phí sẵn rồi thì như thế nào, vấn đề này cũng cần được làm rõ.
Cùng với đó, điều phụ huynh quan tâm nhiều hơn là Bộ Giáo dục và Đào tạo cần có những giải pháp, chế tài quản lý nhiều khoản đóng góp ngoài học phí trong nhà trường, tránh dẫn tới tình trạng “lạm thu”.
Về vấn đề này, Phó Giáo sư Bùi Thị An cho rằng, khi đã miễn học phí, Bộ cần minh bạch về những khoản phụ thu bắt buộc để người dân được biết, tránh những khoản phí vô lý về sau.
Ngoài ra, bà An cũng kiến nghị nếu như chưa thể triển khai việc miễn học phí cho học sinh thì trước mắt nên xem xét dành một khoản tài chính để chi vào việc mua sách giáo khoa, xây dựng thư viện để học sinh có thể mượn sách miễn phí.
Cùng bàn về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Nàng Xô Vi (đoàn Kon Tum) bày tỏ sự vui mừng và đồng tình với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
"Tôi đồng tình với đề xuất này, không chỉ miễn học phí cấp trung học cơ sở mà tiến tới nên triển khai miễn ở cấp học khác nữa, như trung học phổ thông chẳng hạn. Có như vậy, phụ huynh mới giảm bớt được một phần gánh nặng khoản chi đầu năm học mới, đặc biệt với những gia đình hoàn cảnh khó khăn", Đại biểu nói.
Trần Lý
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét