Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2021

20211219. ĐẤU GIÁ VÀ ĐỀN BÙ ĐẤT Ở THỦ THIÊM

  ĐIỂM BÁO MẠNG

ĐẤU GIÁ ĐẤT Ở THỦ THIÊM: HẾT THỜI BÁN

 ĐẤT CÔNG GIÁ RẺ

TRẦN VĂN TƯỜNG/ TVN 17-12-2021

TP.HCM vừa tổ chức đấu giá 4 lô đất “đắc địa” trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, mang về 37.346 tỷ đồng.

Điều này cho thấy sự kỳ vọng khai thác nguồn lực đất đai phục vụ phát triển, mặt khác lộ rõ thực trạng thất thoát và lãng phí đất đai thời gian qua, mất đi nguồn ngân sách rất lớn. 

Có thể kể đến việc chuyển đổi đất công không qua đấu giá, chỉ định giao cho nhà đầu tư ở các dự án cao ốc văn phòng cho thuê số 7-9 đường Tôn Đức Thắng, cao ốc VTP đường Trần Hưng Đạo (Q.1), 39-39B đường Nguyễn Tất Thành (Q.4) và rất nhiều dự án khác.

Nhiều DN, nhà đầu tư vẫn quen tư duy làm sao để được chỉ định bán, chuyển nhượng đất hoặc giao dự án để có giá rẻ. Thực hiện được mục đích này hẳn có sự tiếp tay từ những người có thẩm quyền quyết định mà dễ thấy nhất là không đấu giá.


Đấu giá đất Thủ Thiêm: Hết thời bán đất công giá rẻ
Trúng đấu giá 4 lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đều là các DN kinh doanh chuyên nghiệp, nhà đầu tư tầm cỡ

Đất đai là điều kiện cơ bản nhất cho các thành phố lớn khai thác đầu tư hạ tầng, điều chỉnh cơ cấu ngành nghề, thúc đẩy thực hiện các chính sách nâng cao hiệu ích kinh tế. Giá trị đất đai không ngừng tăng cao theo sự phát triển đô thị mang tính ổn định, lâu dài.

Nhà nước có thể thông qua vai trò quản lý và sở hữu đất đai tái tạo vốn chỉnh trang đô thị, cảnh quan kiến trúc cũng như sắp xếp các phân khu chức năng.

Từ đó, kéo theo các ngành nghề khác phát triển như quy hoạch đất đai sử dụng cho mục đích xây dựng sẽ tác động tích cực đến nhu cầu cung cấp vật liệu sắt, thép, cát, đá, xi măng... Hay như điều tiết thị trường bất động sản phù hợp xu thế phát triển với nhiều loại hình nhà ở từ hạng sang, cao cấp đến căn hộ bình dân, nhà ở xã hội nhằm đáp ứng nhu cầu các tầng lớp nhân dân.

Nhà đầu tư hẳn đã tính toán kỹ

Trúng đấu giá 4 lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm đều là các DN kinh doanh chuyên nghiệp, nhà đầu tư tầm cỡ. Hẳn họ đã tính toán kỹ và thấy tiềm năng có lợi ích mới quyết định.

Mức giá mỗi mét vuông đất lên đến hàng trăm triệu đồng, thậm chí vài tỷ đồng cũng có thể cho là cao so với hiện tại nhưng lại chấp nhận được với DN khi mà rất khó tìm được khu đất rộng lớn ở vị trí đắc địa có sẵn hạ tầng kỹ thuật, cách trung tâm chỉ vài trăm mét, tiềm năng trở thành khu vực trung tâm tài chính quốc tế cho TP.HCM. 

Pháp lý rõ ràng, minh bạch thông tin, không phát sinh khiếu nại sẽ giúp DN dễ dàng triển khai và huy động vốn, đối tác hoặc khách hàng cũng yên tâm hợp tác hay đăng ký mua sản phẩm. Đặc biệt, họ không phải trải qua công tác đền bù giải tỏa thường gặp rất nhiều trở ngại. Bởi thực tế không biết bao dự án đầu tư kinh doanh dù có phương án rất khả quan nhưng phải dừng lại vì những vướng mắc này, ngoài thiệt hại còn mất đi cơ hội kinh doanh.

Khu vực này có giá đất cao như vậy chắc hẳn hướng đến cung cấp dịch cao cấp, đắt đỏ.

Thử lấy ví dụ với lô đất mang ký hiệu 3-12 có diện tích lớn nhất đến 10.059,7m2 với view hồ trung tâm thuộc khu chức năng số 3 tại Thủ Thiêm. Theo phê duyệt quy hoạch có mục đích sử dụng là đất ở tại đô thị, khu nhà ở chung cư hỗn hợp kết hợp chức năng thương mại - dịch vụ, được xây dựng cao 4-25 tầng nổi và 2 tầng hầm. Mật độ xây dựng tối đa khối đế là gần 70% và khối tháp gần 45% diện tích đất. Dân số tối đa là 3.420 người, với 570 căn hộ và 5% diện tích sàn dành cho thương mại.

Giá trúng đấu giá lô đất này là 24.500 tỷ đồng, cao gấp 8,3 lần giá khởi điểm (2.942,2 tỷ). Công ty TNHH đầu tư bất động sản Ngôi Sao Việt là DN thành viên của tập đoàn Tân Hoàng Minh và đích thân Chủ tịch Đỗ Anh Dũng trực tiếp tham gia đấu giá. Tập đoàn này năm 2015 đã trúng đấu giá lô “đất vàng” tại số 23 Lê Duẩn, Q.1, TP.HCM lên đến 1.430 tỷ đồng, cao gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm lúc đó.

Nếu nhìn ở góc độ bình thường, mua mỗi mét vuông có giá trung bình lên đến 2,4 tỷ đồng. Nhưng tiếp cận ở mặt kinh tế, thử làm một phép tính đơn giản: 10.059,7m2 x diện tích xây dựng 70% x 25 tầng sàn = 176.044,75m2 x giá căn hộ chung cư khu vực này 170 triệu/m2 = 29.927 tỷ đồng - chi phí xây dựng khoảng 2.000 tỷ đồng (176.044,75m2 x 10 triệu đồng/m2 + chi phí dự phòng phát sinh 239,5 tỷ đồng) = 27.927 tỷ đồng đã có lợi nhuận rồi.

Đó là còn chưa tính đến 2 tầng hầm và giá trị tăng thêm đáng kể với diện tích dành cho các chức năng dịch vụ, thương mại và tiềm năng trong tương lai. Tìm được lô đất rộng lớn như vậy rất khó, vài năm sau khả năng giá đất sẽ tăng lên cao hơn nữa.

Đấu giá đất đai còn tạo cơ hội cạnh tranh công bằng hơn, khuyến khích các DN, nhà đầu tư có phương án kinh doanh rõ ràng và sử dụng đất hiệu quả. 

Thất thoát, lãng phí còn nhiều

TP.HCM đang thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các đại dự án giao thông trong khi còn rất nhiều quỹ đất công sử dụng sai mục đích. Ngoài thất thoát chỉ định giao đất công thông qua hình thức liên kết, hợp tác đầu tư còn lãng phí với hàng ngàn dự án treo kéo dài. 

Riêng Trung tâm phát triển quỹ đất cũng đã quản lý và thuê bảo vệ đối với 123 khu đất chờ xử lý sắp xếp theo nghị định 167/2017. Trong đó có khai thác ngắn hạn 41 khu đất, thuê bảo vệ 39 khu đất, số còn lại tạm quản lý. Đồng thời, còn ghi nhận thực tế có đến 1.104 khu đất do 28 đơn vị là tổng công ty và công ty vốn nhà nước quản lý. 

Còn nhiều dự án “treo” kéo dài hàng chục năm vẫn bế tắc như khu Bình Quới (Bình Thạnh), Bình Triệu (Thủ Đức), Tây Bắc (Củ Chi)… Chính quyền các quận, huyện có công bố 108 dự án “treo” với diện tích hơn 473ha được điều chỉnh, hủy bỏ trong kế hoạch sử dụng đất từ năm 2015-2019. Xóa bỏ những dự án không khả thi là việc nên làm để bớt đi rào cản người dân có thể xây dựng, tách thửa hoặc chuyển nhượng quyền sử dụng. 


Đấu giá đất Thủ Thiêm: Hết thời bán đất công giá rẻ

TP.HCM đang thiếu vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng, các đại dự án giao thông... Ảnh: D.A

Tuy nhiên, số lượng dự án được công bố này còn khá “khiêm tốn” so với con số trên 4.800 dự án quy hoạch dự kiến thực hiện trong 4 năm từ 2016-2020. Trong đó, số dự án quy hoạch khả thi được triển khai khá ít, nhiều dự án đưa vào kế hoạch sử dụng đất đã hơn 3 năm nhưng vẫn nằm trên giấy.

Có nhiều nguyên nhân như quy hoạch không phù hợp, không khả thi, thiếu vốn, nhà đầu tư thiếu năng lực… Phần lớn quy hoạch bị phá sản bởi ra đời trên sự giả định của kiến trúc sư, người quản lý, cấp thẩm quyền phê duyệt.

Đất đai lãng phí còn thể hiện qua nạn đầu cơ, mua chờ tăng giá rồi bán kiếm lời dẫn đến bỏ hoang trong thời gian dài, hạ tầng xây dựng xong không phát huy hiệu ích tập trung, thị trường bất động sản phát triển chưa đồng đều nên thiếu nhà cho người thu nhập thấp.  

Tối ưu hóa nguồn lực đất đai

Trong đầu tư, kinh doanh, mua bán, không bao giờ có giá thị trường trong bất cứ trường hợp chỉ định thầu nào mà chỉ có duy nhất một cá nhân được tham gia.   

Một khi tổ chức đấu giá, nghĩa là có sự cạnh tranh để được quyền sử dụng đất, các yếu tố liên quan về lợi thế với tiềm năng trong tương lại cũng được xét tới. 

Chẳng hạn 4 lô đất trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngoài lợi thế đã kết nối hầm Thủ Thiêm cùng với tuyến đường Võ Văn Kiệt - Mai Chí Thọ và các trục đường vòng cung đã có sẵn cơ sở hạ tầng, các nhà đầu tư còn tính đến vị trí bên sông Sài Gòn đang xây dựng cầu Thủ Thiêm 2, cách nội thành chưa tới 1km. Trong tương lai có cầu đi bộ kết nối bến Bạch Đằng, phố đi bộ Nguyễn Huệ, chợ Bến Thành, tiềm năng khu đô thị sáng tạo với trung tâm tài chính cho cả nước. Nếu không đấu giá, có thể bỏ qua hoặc quên đi các yếu tố này.

Trong giai đoạn dịch bệnh, nhiều kênh đầu tư khác bị ảnh hưởng nên đầu tư công và hơn nữa là tạo môi trường lành mạnh chính là sự kỳ vọng mở đường cho phục hồi kinh tế. 

Bốn lô đất vừa được đấu giá thành công thu được số tiền cao hơn 7 lần giá khởi điểm là tín hiệu vui, không chỉ mở đầu tốt đẹp cho loạt đấu giá tiếp 55 lô đất ở khu đô thị Thủ Thiêm mà còn hướng tới quy định pháp lý bắt buộc công khai, minh bạch, cạnh tranh công bằng.

Nên chăng, cơ quan chức năng làm một cuộc tổng kiểm kê các quỹ công và có biện pháp xử lý hiệu quả sẽ thu về cho ngân sách nguồn tiền lớn để đầu tư cho cơ sở hạ tầng, phát triển kinh tế.

Xác định được nhà đất, công sở sử dụng sai mục đích cần kiên quyết thu hồi, kể cả các dự án được giao đất nhưng nhà đầu tư không đủ năng lực triển khai để kéo dài hoặc những DN thuê đất nhưng cho bên thứ 3 thuê lại để thu lợi. 

Sau đó, tùy theo điều kiện, mục tiêu đặt ra là trưng dụng phục vụ phát triển kinh tế hoặc tổ chức đấu giá công khai để tổ chức và cá nhân có nhu cầu khai thác hiệu quả. Trong đó có quy định mục đích sử dụng đất, mật độ xây dựng, chiều cao tối thiểu và tối đa sao cho hài hòa, tiến độ triển khai dự án và thời gian được gia hạn thêm. Như vậy vừa có vốn phát triển hạ tầng, vừa giải bài toán kinh tế cho dự án quy hoạch khả thi và nhà đầu tư có năng lực.  

Đối với các dự án “treo” kéo dài hàng chục năm vẫn bế tắc như khu vực Bình Quới - Thanh Đa, Bình Triệu, Tây Bắc và quỹ đất công khổng lồ hai bên sông Sài Gòn, có thể khai thác tổ chức đấu giá vừa tái tạo vốn tái đầu tư, cải tạo đô thị, xây dựng cơ sở hạ tầng… Từ đó tạo sinh lợi, lan tỏa ra các vùng đất khác, dùng đòn bẩy đất đai phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Trần Văn Tường


GIÁ ĐẤT ĐĂT NHẤT THẾ GIỚI


ĐỖ DUY NGỌC/ TD 15-12-2021



Vừa qua, thành phố đã tổ chức đấu giá 4 lô đất ở Khu đô thị Thủ Thiêm. Kết quả của cuộc đấu giá gây bất ngờ và choáng váng rất nhiều người, kể cả những chuyên gia, doanh nghiệp kinh doanh bất động sản. Ở hai lô đầu, giá trúng thầu là 470 triệu đồng một m2 và 600 triệu một m2. Đến hai lô sau, một công ty ở Hà Nội trúng đấu giá lô đất 3-9 với giá 5.026 tỷ đồng, tương đương 1 tỷ đồng/m², gấp 7 lần giá khởi điểm. Và lô đất cuối cùng ký hiệu 3-12 chính thức thuộc về Công ty TNHH đầu tư bất động sản (BĐS) Ngôi Sao Việt sau 70 lần trả giá và trúng thầu với gần 2,44 tỷ đồng một mét vuông, gấp 8,3 lần giá khởi điểm.

Những con số cao ngất không thể tưởng tượng nổi. Không thể tin được một mét vuông đất ở vùng chưa có hạ tầng hoàn chỉnh, lại không phải ở trung tâm Sài Gòn mà lại có giá cao khủng khiếp đến như vậy. Không hiểu nổi! Điên cả rồi?

Nếu so sánh thời giá hiện nay ở thành phố, giá đất ở đường Nguyễn Huệ hoặc Đồng khởi chỉ dao động từ 1 tỷ 8 đến 2 tỷ đồng một m2. Giá như thế đã là cao rồi nhưng có thể hình dung được vì đó là trung tâm, hạ tầng hoàn chỉnh, là khu vực có thể đẻ ra tiền và quỹ đất hiếm hoi. Có một thời nghe đồn ở khu phố cổ Hà Nội, giá một mét vuông đất lên đến cả tỷ đồng đã thấy chóng mặt rồi.

Với 2,44 tỷ đồng một mét vuông, con số này cao hơn giá của những đô thị được xem là đắt nhất của thế giới như Hong Kong, New York, Thượng Hải… hay Tokyo của Nhật Bản. Nó trở thành vùng đất đắt nhất thế giới.

Theo tính toán của dân trong nghề, khu đất mà Công ty TNHH Bất động sản Ngôi Sao Việt đã trúng thầu theo quy hoạch được phép xây dựng nhà cao từ 4-25 tầng; tổng diện tích sàn xây dựng 90.000m2; diện tích sàn hữu dụng 72.000m2, trong đó, diện tích sàn nhà ở là 68.400m2 và diện tích sàn thương mại là 3.600m2. Ngoài ra, dự án còn có hai tầng hầm với diện tích xây dựng 20.120m2. Với quy hoạch như thế và nếu bên trúng thầu xây dựng đúng yêu cầu, giá mỗi mét sàn sẽ là 270 triệu một mét vuông, chưa tính tiền xây dựng, trang bị, quảng cáo, nhân viên, tiền lãi khi vay ngân hàng… Tổng cộng có thể lên đến trên 500 triệu một mét vuông hoàn thiện. Ai có thể chấp nhận giá cao ngất như thế? Và người nghèo, người dân bình thường sẽ không bao giờ thực hiện được mơ ước có được căn nhà để ở. Nếu một người thu nhập gọi là khá khoảng 15 triệu một tháng, hỏi mất bao nhiêu năm mới mua được căn hộ giá nửa tỷ đồng một mét vuông? Nhịn ăn, nhịn mặc cả đời cũng không với tới nổi!

Hiện nay giá trung bình một mét nhà từ khoảng 100 đến 200 triệu là đã có căn hộ đẹp như mơ rồi. Giờ lên đến nửa tỷ một mét thì sẽ bán cho ai? Giá 200 triệu là đã kén người mua chứ đừng nói cao hơn thế. Kinh doanh là phải có lời, ở đây toàn là những con cá mập tiếng tăm của giới bất động sản Việt Nam, họ không ngu dại khi mua đắt mà bán rẻ để phá sản cả. Vậy thì đằng sau việc đẩy giá lên cao ngất thế này là có mục đích, âm mưu gì? Cũng khó trả lời. Chỉ biết là khi bán đấu giá 4 lô đất tại Thủ Thiêm đã mang về cho ngân sách thành phố 37.346 tỉ đồng. Một số tiền cần thiết trong cơn khủng hoảng kinh tế vì đại dịch.

Và có lẽ những người đau và uất ức nhất là người dân Thủ Thiêm đã bị mất đất. Họ được đền bù chỉ một hai trăm ngàn một mét mà giờ đất Thủ Thiêm đã lên đến bạc tỷ. Đau chứ, tiếc chứ, buồn chứ! Nhưng cũng đành nuốt nước mắt vào lòng, cúi đầu chấp nhận thiệt thòi mà thôi. Các đại gia ở xứ này chẳng mấy ai giàu nhờ sản xuất mà toàn chỉ là người trở thành tỷ phú đô la nhờ đất, nhờ bất động sản. Bởi vậy, kinh tế Việt Nam khó mà cất cánh nổi.

Thế là Việt Nam ta lại có thêm một kỷ lục thế giới. Không biết phải vui hay buồn với kỷ lục này? Ở xứ ta có nhiều chuyện không thể nào hiểu được.

Đỗ Duy Ngọc


GIÁ BẤT ĐỘNG SẢN SẼ 'BAY' LÊN

 TẦM CAO MỚI

MAI BÁ KIẾM/ TD 13-12-2021




Ngày 10/12/2021, 4 lô đất “vàng” ở KĐT mới Thủ Thiêm có tổng diện tích 31.500m2 – với giá khởi điểm 5.300 tỷ đồng, đã đấu giá thành công với tổng số tiền thu về là 37.359 tỷ đồng, tức cao hơn giá khởi điểm 7 lần.

Riêng, lô đất 3-12 có diện tích 10.059m2 với giá khởi điểm 2.942 tỉ đồng đã được Công ty TNHH bất động sản Ngôi Sao Việt đấu trúng với giá 24.500 tỉ đồng, cao gấp 8,3 lần giá ban đầu!

Không biết 15 công ty tham gia đấu giá 4 lô đất có thông đồng nhau không, nhưng cuộc đấu giá đầy kịch tính, kéo dài từ sáng đến 5 giờ chiều, sau từ 70 đến 140 lượt đấu. Nếu cho đó một “kịch bản” thì nó hoàn hảo như thật!

Nếu nó là thật, thì “lô đất sình” 3-12 ở KĐT mới Thủ Thiêm có giá 2,44 tỷ đồng/m2, cao hơn giá thị trường của các “lô đất vàng” ở đường Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, có giá 1,8 – 2 tỷ đồng/m2!

Nếu cuộc đấu giá là thật, thì giá “đất sình” ở Thủ Thiêm sẽ cao hơn giá “đất vàng” ở Singapore! Hiện giá căn hộ siêu cao cấp ở Ba Son đã tiệm cận với giá căn hộ ở Singapore (căn hộ cao cấp của Vinhomes Golden River (Ba Son) giá sang nhượng là 13 tỷ/100m² – 130 triệu đồng/m²).

Trong khi, giá “đất sình” của lô 3-12 là 2,44 tỷ đồng/m² (để xây 570 căn hộ, tổng diện tích sàn 90.000 m²) thì mỗi căn hộ có trị giá gần 43 tỉ đồng, chưa bao gồm phí xây dựng và lợi nhuận của DN! Sau đợt đấu giá này giá nhà hạng sang của TP.HCM sẽ cao hơn Singapore nhiều!

HỆ QUẢ KINH TẾ, XÃ HỘI VÀ CHÍNH TRỊ!

Giá “đất sình” lô 3-12 là 2,44 tỷ đồng/m2 sẽ hình thành khung giá thị trường tham chiếu mới không chỉ ở Thủ Thiêm, mà ở TP Thủ Đức và TP.HCM. Có thể, bốn chủ đầu tư sẽ không xây dựng chung cư để bán căn hộ 43 tỷ đồng, mà sẽ đầu tư trên các lô đất mà họ đã mua trước đó nhiều năm với giá rất rẻ để bán ra theo giá thị trường ở tầm cao mới!

Mặt tích cực là nhà nước thu được thuế cao và 37 ngành công nghiệp ăn theo bất động sản sẽ có công ăn việc làm.

Các đại gia, giới trung lưu tiếp tục “đầu cơ” vì giá bất động sản phân lô, bán nền tăng ổn định hơn giá cổ phiếu và giá vàng. Riêng giá ngoại tệ có tăng ổn định, nhưng mức tăng chậm và thấp hơn giá bất động sản.

Tháng 4/2021, Ngân hàng Nhà nước công bố dự thảo Thông tư 36 sửa đổi, yêu cầu các tổ chức tín dụng trích lập dự phòng cho các khoản vay cá nhân dư nợ từ 3 tỷ đồng sẽ là 150%; áp hệ số rủi ro 50% với các khoản vay được bảo đảm bằng nhà ở, quyền sử dụng đất.

Giả dụ, trước đây Ngân hàng định giá lô đất 3-12 là 244 triệu/m2 thì sẽ cho vay 73,2 triệu đồng/m2. Bây giờ ngân hàng định giá theo đấu thầu hợp pháp 2,44 tỷ đồng, và sẽ cho vay 732 triệu đồng/m2. “Room tín dụng bất động sản” đang bị siết bỗng dưng xả gấp 10 lần!

Các ngân hàng sẽ tham chiếu định giá đất thế chấp cao gấp nhiều lần giá cũ thì rủi ro trong bùng nổ tín dụng bất động sản sẽ ra sao?

Chỉ biết giới lao động sẽ không bao giờ có cơ hội mua nhà! Người dân Thủ Thiêm sẽ càng bất bình, phẫn nộ khi so sánh giá đền bù đất nông nghiệp cho họ là 150.000 đồng/m2 với giá trúng thầu 2,44 tỷ đồng/m2!

Nếu cuộc đấu thầu 4 lô đất Thủ Thiêm, giá đất tăng 7-8 lần giá khởi điểm là thật thì sẽ bất lợi cho UBND TP.HCM về mặt dư luận!

Dân chúng sẽ tin rằng việc UBND TP.HCM giao “đất vàng” 8-12 Lê Duẩn cho Công ty Hoa Tháng Năm; hay giao trụ sở 185 Hai Bà Trưng cho Công ty Diệp Bạch Dương để đổi lấy đất 57 Cao Thắng, hoặc giao 32 ha đất Phước Kiểng cho Công ty Quốc Cường Gia Lai mà không thông qua đấu thầu chắc chắn đã làm thất thu ngân sách nhà nước 7, 8 lần so với giá chỉ định!

Người dân sẽ tin Công an, VKS, Tòa án đã rất công minh khi điều tra, khởi tố, xử đúng người, đúng tội với các bị cáo Tất Thành Cang, Nguyễn Thành Tài, Nguyễn Hữu Tín.

Mai Bá Kiếm

GIÁ ĐẤT ĐỀN BÙ CHO DÂN THỦ THIÊM

NGUYỄN THÙY DƯƠNG/ TD 12-12-2021


Giá đất biền rạch ở Thủ Thiêm là 75 ngàn đồng/m2. Giá đất nông nghiệp là 150 ngàn đồng/m2. Giá đất ở thấp nhất là 2,3 triệu đồng/m2. Giá đất ở cao nhất là 19 triệu 300 ngàn/m2. Đa số nhận 3 đợt nên tiền bị xé nát không mua được gì.

Và bây giờ, người ta đem bán đấu giá với giá thấp nhất trên 400 triệu đồng/m2. Giá cao nhất là hơn 2 tỷ đồng/m2. Ai lời chứ dân nào lời?

***

Tân Hoàng Minh – Thành Phố – Thủ Thiêm

Mức giá Tân Hoàng Minh đưa ra để mua hơn 10.000m2 đất tại khu Thủ Thiêm là 24.500 tỷ đồng. Mức giá bỏ xa các doanh nghiệp còn lại.

Tuy nhiên năm 2015, TP đấu giá lô đất vàng 23 Lê Duẩn, Tân Hoàng Minh đã dành được quyền mua lô đất với giá 1.430 tỷ; gấp 2,6 lần so với giá khởi điểm.

Chuyện tưởng kết thúc ngờ đâu đại gia này xin huỷ kết quả đấu thầu để mua lại vì cho rằng mình bị hớ giá.

Nay, tại Thủ Thiêm, không biết bổn cũ có soạn lại không? Vì cách đây vài tháng, Tập đoàn này vừa huy động 1.900 tỷ đồng thông qua trái phiếu để có kinh phí thực hiện dự án.

Thành phố đang cần 36.000 tỷ để trả nợ Ngân sách cho sai phạm quản lý ở Thủ Thiêm (26.000 tỷ tiền vốn, 10.000 tỷ tiền lãi). Cơ mà thành phố lo cho dân Thủ Thiêm cũng như lo cho chính mình vướng vấp thì hay quá!

***

“Bánh canh” ở Thủ Thiêm

Giá đất Thủ Thiêm ở khu Sala năm nào 350 triệu đồng/m2 đã gây bức xúc cho dân Thủ Thiêm. Nay giá bạc tỷ, dân khó tránh như dao găm tim; khi trong số họ, không ít người vẫn “tạm cư ổ chuột”.

Có mấy anh chị lạ tới phỏng vấn bà con, anh chị dù do ai giới thiệu cũng xin vui lòng xuất trình thẻ nhà báo hoặc giấy giới thiệu có đóng dấu của cơ quan chủ quản.

Mấy đợt người bị bắt ở đâu đó được báo chí đưa tin, người ta gom cả việc trả lời phỏng vấn báo chí được cho là chống phá để củng cố cơ sở cho việc chống phá.

Người Thủ Thiêm giờ bức xúc là có, nhưng cẩn trọng phải có. Anh chị ở nước nào đó, anh chị không chịu quản chế từ pháp luật hay định hướng của nước sở tại, anh chị có thể sẵn sàng chửi bới dân là hèn, là nhát. Nhưng, ở giữa rừng dao mới biết dao cắt từng nhát đau tới mức nào.

Vậy nên, anh chị vui lòng hãy để dân Thủ Thiêm được quyền lựa chọn trả lời hoặc im lặng lúc họ thấy nguy hiểm. Cố ép người vào nguy hiểm để có một bản tin “hot”, thoả mãn cơn chửi của anh chị. Dân sẽ ra sao?

Hơn 20 năm trên một con đường, tôi nghĩ, dân Thủ Thiên đủ tỉnh táo, đủ kinh nghiệm, đủ đau thương để biết lúc nào nên bình tĩnh.

Hôm nay, hình như người ta bán bánh canh lại rồi. Sự xuất hiện của bánh canh làm rõ sự tương phản của một bức tranh. Một bên đất được đấu giá với giá khởi điểm cao ngất ngưởng. Một bên, những người phụ nữ già nua được ngửi mùi bánh canh ngào ngạt trước hiên căn tạm cư rách nát.

Tự bản thân của sự thật tương phản đã đủ để nói lên chính tà, xấu tốt, thiện ác ra sao rồi. Có những tấm hình hơn vạn lời nói, sao anh chị cứ nhất nhất phải bắt dân trả lời phỏng vấn hả?

Nguyễn Thùy Dương

ĐẤT, TỘI LỖI VÀ SỰ KHỐN CÙNG

NGUYỄN THÔNG/ TD 6-12-2021


Các bị cáo tại tòa. Ảnh: Nguyệt Nhi/PLTP

Hôm nay 6.12, Sài Gòn mở phiên tòa xử đám quan chức ăn đất. Nhân vật chính là phó chủ tịch thành phố Trần Vĩnh Tuyến, cùng đám quan tham Lê Tấn Hùng em cựu bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải…

Sắp tới, cựu phó bí thư thường trực Thành ủy Tất Thành Cang cũng được ưu tiên nhận tội. Và còn nhiều kẻ nữa trong bộ máy cai trị phải đối mặt với pháp luật, dù dân chúng không tin vào pháp luật xứ này cho lắm.

Không chỉ Tuyến, Cang, Hùng, những Nguyễn Thành Tài, rồi thượng tướng đô đốc Nguyễn Văn Hiến, đám đầu lĩnh chính quyền ở Khánh Hòa, Đà Nẵng… đều chết nghẹn bởi đất. Đất là cái mồ chôn sự nghiệp, danh tiếng của chúng. Nhưng đất cũng đẩy dân chúng lương thiện vào sự khốn cùng. Lôi kẻ phạm tội ra vành móng ngựa thì đồng thời cũng phải trả lại quyền lợi chính đáng cho người dân bị tước đoạt đất đai.

Nhớ trong quyển sách hồi nào, cuốn “Những con đường đói khát” của nhà văn Brazil G.Amado có câu “Đất hỡi, mi ăn gì mà quá khát/Sao uống nhiều nước mắt, máu tươi”, rất đúng với hiện trạng đất và người ở xứ ta nhiều năm nay.

Vừa rồi, cơ quan thanh tra đã phanh phui vụ 43 hecta đất vàng ở Bình Dương liên quan tới kẻ chủ trò, không phải ai khác mà là đứa quan đầu tỉnh, bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Nam. Nói trắng ra, y cũng chỉ là phần lộ của tảng băng chìm trong cái bộ máy cầm quyền tham nhũng tham lam đặc trưng của xứ này.

Dân muốn hỏi những đầu lĩnh bộ máy cai trị, các ngài có định lôi hết những đứa như Tuyến, Tài, Nam, Cang, Hiến, Trần Văn Minh, Văn Hữu Chiến, Nguyễn Chiến Thắng… còn trong bóng tối ra hỏi tội không.

Chẳng hạn, vụ 160 hecta đất tái định cư cho người dân Thủ Thiêm bị mất đất do quy hoạch, đứa nào đã ngang nhiên chiếm đoạt, vi phạm chỉ đạo của chính phủ, để hàng vạn người dân đến nay màn trời chiếu đất, vật vờ, bơ vơ, ăn hờ ở đậu, không nơi ổn cư. Đã xử đến đâu rồi. 1.600.000 mét vuông không phải con muỗi nhé. Đứa nào cầm đầu vụ ăn 160 mẫu Tây này, thiên hạ biết cả. Đám Trần Vĩnh Tuyến, Nguyễn Thành Tài, Tất Thành Cang chưa là cái đinh gì. Hãy lôi Lê Thanh Hải ra để ông ta trả lời cho rõ ràng, ít nhất ở cương vị trùm sỏ khi xảy ra chuyện.

Thanh tra Chính phủ cứ đi tới đi lui, hẹn lần hẹn lữa, rồi mất hút con mẹ hàng lươn. Đám Nguyễn Thiện Nhân, Quyết Tâm hồng phúc hứa hẹn bao lần, tới nay đã khô nước bọt lâu rồi, nhưng dân Thủ Thiêm bị mất đất, trong đó có những người bị mất chỗ tái định cư trên 160 hecta ấy vẫn cứ dài cổ chờ trong nỗi tuyệt vọng. Lò tôn đâu, chả nhẽ chìm xuồng do không thể sờ sịt vào vùng cấm. Chả nhẽ vùng cấm là có thật chứ không phải chỉ lời đồn.

Nguyễn Thông

"TIỀN TRONG DÂN CÒN NHIỀU"

NGÔ QUỐC CHÍNH/ TD 25-12-2021

Vụ đấu giá đất Thủ Thiêm với giá kỷ lục chỉ là bài thổi giá đất mà thôi. Bởi vì các công ty đứng ra đấu giá đều là công ty ảo, do các đại gia BĐS núp bóng, ẩn danh. Các đại gia này đương nhiên cần thổi giá BĐS, họ có thể chấp nhận mất tiền cọc để thổi giá, vì lợi nhuận từ giá đất được thổi cộng với giá cổ phiếu tăng có thừa để bù lại. Dự là các công ty này sẽ bỏ cọc, chứ không mua đất thật đâu.
Thực ra các đại gia này thổi giá BĐS cũng là tát nước theo mưa thôi. Vì nền kinh tế mắc dịch hiện nay khiến cho lãi suất ngân hàng giảm, sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nên người ta dư tiền sẽ đập sang BĐS, cổ phiếu và vàng.
Vàng nói chung chỉ là kênh cất tiền, không dùng để thổi giá được, nên chỉ dành cho những ai cẩn thận, muốn giữ tiền mà không quan tâm lắm đến việc sinh lời.
Cổ phiếu thì thổi giá được, nhưng lại rất ảo, có rủi ro thành giấy lộn, mà người chơi cũng cần có kiến thức tài chính nữa, nên không cuốn hút được quá nhiều người.
Còn BĐS thì trước giờ nam phụ lão ấu có vài trăm triệu là đã có thể đâm đầu vào rồi. Vì đầu cơ BĐS ít cần kiến thức, đa phần đú trend kiểu bầy đàn. Thấy người ta ăn khoai cũng vác mai đi đào. Thế nên chăn gà khá dễ.
Vụ Thủ Thiêm bản chất cũng là vụ chăn gà ở cấp độ đỉnh cao mà thôi. Anh em gà què ăn quẩn cối xay thì giống như mấy con linh cẩu, chó hoang cũng le ve ăn sái của sư tử. Tức là cũng đua theo để thổi giá những khu đất nhỏ. Khi đó hệ lụy là toàn bộ các phân khúc BĐS đều bị tăng giá theo mức giá mà bọn hổ báo thổi lên. Mình dự báo là giá BĐS sẽ tiếp tục tăng đều ít nhất trong năm 2022, trong khi chờ sản xuất kinh doanh hồi phục. Nếu dịch kéo dài nữa, kinh tế tiếp tục đình trệ thì BĐS sẽ tiếp tục bị thổi giá để hút lượng tiền dư trong dân và người dân loay loay vặt lẫn nhau.
Hôm nọ mình đọc status của anh Huỳnh Thế Du có vẻ hỉ hả vì vụ đất Thủ Thiêm này ngân sách được lợi!
Hệ lụy của trò thổi giá BĐS thì mình viết lâu rồi, giờ vẫn là thời sự.
Suýt quên một ngành kinh tế nữa cực phát triển trong dịch bệnh. Đó là ngành cờ bạc online. Chính phủ rất khôn ngoan trong việc thu tiền từ ngành cờ bạc. Vì nghề này không được công nhận nên không thu thuế được. Thế là anh em mặc kệ bọn chúng đánh xả láng mấy năm để thằng nhà cái thu tiền hồ mấy ngàn tỷ. Xong Bộ Công an úp sọt một phát là gom luôn mấy ngàn tỷ đó. Bản chất đó chính là thu thuế cờ bạc, mà nặng hơn cả thuế vì là thu sạch sẽ luôn lợi nhuận của nhà cái. Chính thế nên tuy dịch bệnh mà Việt Nam vẫn có thể thu ngân sách rất cao. Dự đoán là Bộ Công an thu ngân sách còn cao hơn Bộ Tài chính!
Tiền trong dân còn nhiều, gà còn rất đông, bọn phản động đừng có mơ đảng ta chết đói! Có nhiều bài để thu tiền trong dân lắm nhé.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét