Thứ Năm, 16 tháng 9, 2021

20210917. CÁN BỘ KIÊN GIANG, TIỀN GIANG BỊ 'MẮNG' OAN ?

 ĐIỂM BÁO MẠNG

'BUỒN NHƯ HỌC TRÒ TRẢ BÀI' SAU CUỘC HỌP TRỰC TUYẾN 
VỚI THỦ TƯỚNG

ĐỨC NAM/ TP 14-9-2021


Ảnh chụp màn hình phiên trực tuyến
TPO - Sau cuộc họp trực tuyến, "trả bài" chật vật của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang trước Thủ tướng Phạm Minh Chính, PV Tiền Phong đã có cuộc trao đổi ngắn với những người có trách nhiệm liên quan…

Chính người trong cuộc (một cán bộ lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang) cũng thừa nhận phần hỏi - đáp của Thủ tướng về tình hình chống dịch giống cuộc “trả bài”. Còn khi PV Tiền Phong hỏi Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình vì sao lại lúng túng trước các số liệu đáng lẽ phải nằm lòng như thế? Bí thư Bình nói: “Bây giờ anh (PV Tiền Phong) lấy báo cáo của Kiên Giang xem sẽ rõ hết”. Vậy báo cáo này lấy ở đâu, thưa ông? “Tôi đã gửi hết lên Văn phòng Chính phủ”, ông Bình nói.

Cũng liên quan phiên họp trên, một lãnh đạo UBND tỉnh - người có mặt cạnh Bí thư Tỉnh ủy, thanh minh: “Hỏi chi tiết là chết dở rồi. Tôi ngồi cạnh anh Bình Bí thư, cũng nhắc anh ấy, xin phép không báo cáo chi tiết, chỉ đạo chung thôi”. Theo vị này nói: “Mình có số liệu lớn, dài ngày thôi, chứ hỏi mấy giờ có ca nào không, làm sao tôi trả lời nổi. Mình nắm hết, nhưng chi tiết sao nhớ nổi. Số liệu mấy ngày qua lớn như thế, tôi theo dõi hàng ngày nó giảm bao nhiêu phần trăm. Nếu hỏi các anh có nhớ nổi không”. Vị này nói thêm: “Mình rất buồn, như học trò trả bài”.

Tại cuộc họp trực tuyến ngày 13/9, trong lúc Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang còn tìm tài liệu trên mặt bàn trả lời Thủ tướng thì có tiếng vọng của ai đó “nhắc bài”. Được biết, đó là một Phó Chủ tịch tỉnh Kiên Giang, người cùng ngồi tham gia trực tuyến.

Trong những ngày qua, ngoài nhiều cuộc họp Chính phủ gần như xuyên đêm, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã sâu sát tận địa bàn phức tạp về dịch bệnh, kiểm tra đột xuất nhiều địa phương. Qua đó, Thủ tướng đã chỉ rõ các bất cập để kịp thời chỉnh đốn... Có thể hiểu được sự sốt ruột của người đứng đầu Chính phủ trước cách chống dịch của lãnh đạo tỉnh Kiên Giang, khi thời gian thí điểm mở cửa Phú Quốc đang gần kề.

Theo một lãnh đạo UBND tỉnh Kiên Giang, sự chuẩn bị mở cửa huyện đảo này cơ bản đã tốt, nhưng tỷ lệ tiêm vắc xin còn hạn chế. Vị này nói: “Mũi 1 mới đạt 35%, mũi 2 được 14%. Rất thấp. Phú quốc giờ xanh, an toàn rồi nhưng phải được tiêm toàn bộ người dân trên 18 tuổi”.

COVID: THỦ TƯỚNG VN PHÊ BÌNH TỈNH KIÊN GIANG LÀM 

DƯ LUẬN XÔN XAO

BBC 14-9-2021

Cuộc họp trực tuyến ngày 13/9/2021


"Ông nào cứ nói trong phòng ra, ông nào nắm được thì ra báo cáo, việc gì cứ phải nhắc?"

Đó là lời Thủ tướng Phạm Minh Chính khi phê bình tỉnh Kiên Giang chống dịch Covid-19, tại Cuộc họp trực tuyến ngày 13/9/2021.

Cuộc họp được kết nối trực tuyến tới 26 huyện, thành phố, thị xã và 317 xã, phường, thị trấn thuộc 2 tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang.

Phần Thủ tướng phê bình Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình, được VTV phát chính thức, đã khiến người dân Việt Nam tỏ ra quan tâm trên mạng xã hội.

'CỨ LƠ MƠ LƠ MƠ'

Trong đoạn clip của VTV, Thủ tướng đặt câu hỏi: "Ví dụ ngày hôm qua trong cộng đồng các anh xét nghiệm, ra bao nhiêu ca? Các đồng chí phải rất cụ thể, cứ lơ mơ lơ mơ làm sao chỉ huy được?"

Có tiếng trả lời rằng có 154 ca.

Thủ tướng không hài lòng: "Ông nào cứ nói trong phòng ra, ông nào đó nắm được thì ra báo cáo, việc gì cứ phải nhắc?"

Sau khi Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Thanh Bình nhắc lại con số 154 ca, Thủ tướng hỏi tiếp: "Ở đâu?"

Đoạn clip của VTV cho thấy ông Bình lúng túng tìm tài liệu, và nói "không nhớ nổi".

"Tôi đã gọi điện cho anh nhiều lần rồi anh Bình. Tôi nói là anh phải kiểm soát hàng ngày để anh xem là cái tốc độ trong cộng đồng tức là cái số trong cộng đồng tăng hay giảm. Hiện nay anh tiến hành xét nghiệm đã đúng như hướng dẫn của Bộ Y tế chưa…"

"Tỉnh anh từ chỗ xanh rờn bây giờ đỏ quạch…" ông Phạm Minh Chính nói.

Bộ Y tế cho biết, tại Kiên Giang, hiện có 7 huyện có nguy cơ rất cao, 3 huyện có nguy cơ cao và 5 huyện đang ở trạng thái bình thường mới.

Tại cấp xã, có 20/144 xã có nguy cơ rất cao, 32/144 xã có nguy cơ cao, 1/144 xã có nguy cơ và 91/144 xã ở trạng thái bình thường mới.

Tại Tiền Giang, từ ngày 29/6/2021, trung bình có 190 ca/ngày, cao nhất là 234 ca/ngày. Trong 7 ngày qua, Tiền Giang ghi nhận 1.139 ca, trong đó có 138 ca ghi nhận tại cộng đồng.

Tiêm vaccine Covid-19 ở Hà Nội

Theo trang web Chính phủ, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá, qua gần 2 tháng thực hiện giãn cách và tăng cường giãn cách xã hội, Kiên Giang và Tiền Giang "đã có rất nhiều cố gắng, nhưng tình hình vẫn diễn biến phức tạp, kết quả chưa được như mong muốn và dự báo tình hình có thể phức tạp hơn".

Về nguyên nhân, theo ông Phạm Minh Chính, trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo "một số nơi chưa nắm chắc, chưa quán triệt đầy đủ các chủ trương, giải pháp; việc nắm tình hình và dự báo tình hình chưa sát; tổ chức thực hiện bị động, lúng túng, không chặt chẽ, chưa khoa học, chưa phù hợp diễn biến dịch bệnh tại địa phương; còn có những bất cập trong quản lý cách ly, di chuyển, điều trị…"

PHẢN ỨNG CỦA KIÊN GIANG ?

Sau cuộc họp trực tuyến, Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình được phóng viên báo Tiền Phong hỏi vì sao lại lúng túng trước các số liệu, ông Bình nói: "Bây giờ anh (PV Tiền Phong) lấy báo cáo của Kiên Giang xem sẽ rõ hết".

Cũng liên quan phiên họp trên, một lãnh đạo UBND tỉnh - người có mặt cạnh Bí thư Tỉnh ủy, thanh minh với báo Tiền Phong: "Hỏi chi tiết là chết dở rồi. Tôi ngồi cạnh anh Bình Bí thư, cũng nhắc anh ấy, xin phép không báo cáo chi tiết, chỉ đạo chung thôi".

Theo vị này nói: "Mình có số liệu lớn, dài ngày thôi, chứ hỏi mấy giờ có ca nào không, làm sao tôi trả lời nổi. Mình nắm hết, nhưng chi tiết sao nhớ nổi. Số liệu mấy ngày qua lớn như thế, tôi theo dõi hàng ngày nó giảm bao nhiêu phần trăm. Nếu hỏi các anh có nhớ nổi không".

Vị này nói thêm: "Mình rất buồn, như học trò trả bài".

Còn theo báo Lao Động, ông Nguyễn Thanh Phong, Ủy viên Thường vụ, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Kiên Giang, nói sau cuộc họp: "Kiên Giang đề ra lộ trình hành động mới, nhanh chóng, hiệu quả để đáp ứng với tình hình mới trong phòng chống dịch."

Kết luận cuộc họp hôm 13/9, ông Phạm Minh Chính nói: "Rất mong các tỉnh, các huyện, các xã đánh giá lại, phát huy những việc làm tốt, rút kinh nghiệm những việc chưa làm tốt, chỉ ra nguyên nhân, nhất là nguyên nhân chủ quan để làm tốt hơn. Chủ trương, biện pháp đã đầy đủ, tôi nhấn mạnh việc tổ chức thực hiện thật tốt từ tỉnh tới huyện, xã và thôn, ấp, tổ dân phố…, các bộ ngành phối hợp, giúp đỡ để 2 tỉnh thực hiện được mục tiêu của mình trong phòng chống dịch, bảo vệ sức khỏe nhân dân."

BÌNH LUẬN TRÊN BÁO CHÍ

Tờ Tuổi Trẻ Thủ đô bình luận: "Thiết nghĩ, điểm tử huyệt trong phòng chống dịch lại vẫn là con người, là lãnh đạo. Tình huống sát hạch của Thủ tướng ngay trên diễn đàn trực tuyến là tiếng chuông cảnh tỉnh để cho lãnh đạo địa phương bừng tỉnh, cần sâu sát, nắm rõ thông tin, tình hình dịch bệnh tại địa phương. Chỉ khi đó, các chỉ đạo điều hành phòng chống dịch mới thực sự hiệu quả, hiệu lực, mới đúng và trúng mục tiêu, trọng tâm trọng điểm. Còn không, cứ "lơ mơ" như các tỉnh Kiên Giang, Tiền Giang thì công cuộc chống dịch kém hiệu quả, thậm chí là thất bại là điều dễ hiểu."

Báo Tuổi Trẻ cho rằng: "Để chống dịch, chúng ta đã đánh đổi bằng tạm ngừng sản xuất, hạn chế đi lại, giãn cách hàng tháng trời. Khi cả vùng nỗ lực để thu hẹp vùng đỏ, mở rộng vùng xanh thì việc một hai tỉnh do lơ là chống dịch mà đổ dốc, xuống hạng, xanh chuyển sang đỏ là không thể chấp nhận."

Còn báo Dân Trí trích dẫn một đoạn phân tích của Thủ tướng: "Tôi hỏi chi tiết để thấy sự lúng túng của các cấp lãnh đạo địa phương. Chính sự lúng túng này cho thấy mặc dù giãn cách, rồi tăng cường giãn cách cứ kéo dài mãi nhưng biện pháp để làm gì, chặn dịch thế nào trong mỗi lần giãn cách đó, mục tiêu để đạt được gì thì địa phương lại không nêu ra được."

'KHÔNG DÁM ĐÂU, EM CÒN PHẢI HỌC BÀI'

MAI BÁ KIẾM/ TD 15-9-2021

Một lãnh đạo tỉnh Kiên Giang ví von phần hỏi – đáp của thủ tướng Phạm Minh Chính về tình hình chống dịch “Mình rất buồn, như học trò trả bài”.

PV Tiền Phong hỏi “vì sao lại lúng túng trước các số liệu đáng lẽ phải nằm lòng như thế?”. Bí thư Tỉnh ủy Kiên Giang Đỗ Thanh Bình trả lời trớt quớt: “Bây giờ anh lấy báo cáo của Kiên Giang xem sẽ rõ hết”.

Trước đó, tại phiên họp online, “thầy” Chính hỏi: Hôm qua, Kiên Giang phát hiện bao nhiêu ca mới trong cộng đồng? “Trò” Bình lục tung xấp văn bản để trên bàn một hồi, mà không tìm ra “bài tủ”! Ông Phó Chủ tịch tỉnh ngồi kế bên nhắc rất nhỏ, nhưng hút vào microphone nghe rất lớn: “Hôm qua 154”.

“Thầy” Chính hỏi: “Ông nào cứ nói ở trong phòng ra, ông nào nắm được thì ra báo cáo, việc gì cứ phải nhắc!”. Lẽ ra, ông Phó Chủ tịch tỉnh “nhắc tuồng” trả lời cứu bồ, đàng này ông làm thinh, khiến “trò” Bình cà lăm: “Hôm qua, một trăm… năm… mươi… bốn”.

“Thầy” Chính: “Ở đâu?”

“Trò” Bình: “Để coi lại thủ tướng, chứ hông hổng nhớ nổi!”

“Thầy” Chính: “Hổng nhớ! Tôi gọi điện cho anh nhiều lần rồi anh Bình. Tôi nói là anh phải kiểm soát hằng ngày để anh xem lại cái tốc độ trong cộng đồng, số trong cộng đồng nó tăng hay nó giảm. Mà hiện nay tiến hành xét nghiệm đã đúng như hướng dẫn của T.Ư và Bộ Y tế chưa? Chuyện này rất quan trọng. Tỉnh anh từ cái chỗ xanh bây giờ đỏ quạch. Thí dụ như là ngày hôm qua trong cộng đồng là anh xét nghiệm phát hiện ra bao nhiêu ca? Số liệu rất cụ thể, cứ lơ mơ lơ mơ làm sao sao chỉ huy được?”.

Làm việc với Tiền Giang, “thầy” Chính hỏi: “Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, tỉnh đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa?”

“Trò” Nguyễn Văn Vĩnh (Chủ tịch Tiền Giang) trả lời: “Dạ, Tiền Giang đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà”.

“Thầy” Chính gắt: “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau.”

Cám ơn dịch Cúm Vũ Hán đã giúp dân hiểu được “quan trí” của lãnh đạo cao cấp chẳng ra giống ôn gì! Họ nói như con vẹt và không hiểu mình nói gì. Hồi còn làm báo, tôi dự một phiên họp ở Quận 3. Chủ tịch quận là lãnh đạo Q.10 mới đổi về được 2 tháng, vẫn phát biểu “Thưa các đồng chí tình hình ở Q.10….”! Cả hội trường cười, mới đính chính “tình hình ở Q.3”.

Trong vụ trả bài này, nhà báo Nguyễn Thế Thịnh bình luận rất hay: “Mọi người cứ cười đồng chí Bí thư Kiên Giang, người bị Thủ tướng truy bài. Tôi nói cho mà biết, đồng chí ấy sẽ lên vị trí rất cao! Chắc luôn. Trả lời vanh vách mới là vứt.”

Mai Bá Kiếm

TIỀN GIANG, KIÊN GIANG 'Ù Ù, CẠC CẠC' VÀ CHUYỆN NGƯỜI VIỆT VƯỢT BIÊN TRÊN XỨ MÌNH

TRÂN VĂN/  TD 14-9-2021

Hôm qua, hệ thống truyền thông chính thức tại Việt Nam vừa tường thuật rộng rãi về cuộc họp trực tuyến giữa ông Phạm Minh Chính – Thủ tướng Việt Nam với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, lãnh đạo 26 huyện, thị xã và lãnh đạo 317 phường, xã, thị trấn của hai tỉnh này. Sở dĩ có cuộc họp vừa kể là vì tình hình dịch bệnh ở Tiền Giang và Kiên Giang được cho là đang diễn biến rất phức tạp.

Cuộc họp vừa được phát trên sóng truyền hình, vừa được các cơ quan truyền thông chính thức lược thuật – loan báo rộng rãi đó cho thấy, lãnh đạo nhiều cấp ở hai tỉnh vừa kể “ù ù, cạc cạc” cả về thực trạng dịch bệnh lẫn giải pháp phòng ngừa tại khu vực thuộc phạm vi trách nhiệm của họ. Đó cũng là lý do ông Phạm Minh Chính công khai phê phán thuộc cấp… lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo (1)…

Trước giờ, tại Việt Nam, giới thiệu rộng rãi những cuộc họp có tính chất nội bộ nhằm phơi bày cả tình trạng vô trách nhiệm lẫn khả năng quản trị, điều hành kém cỏi của các viên chức hữu trách là chuyện thuộc loại… cấm kỵ. Lần này, cho dù điều đó có thể khiến công chúng ngán ngẩm cả về tâm lẫn tầm của hệ thống chính trị, hệ thống công quyền từ cấp tỉnh trở xuống nhưng lại tạo ra một yếu tố hết sức tích cực…

Đó là khiến công chúng “tận mục sở thị”, rõ ràng, Thủ tướng hơn hẳn thuộc cấp cả về ý thức trách nhiệm lẫn khả năng quản trị, điều hành. Thủ tướng rất… sốt ruột, rất… quyết liệt và nếu hậu quả dịch bệnh, kinh tế, dân sinh càng ngày càng tồi tệ hơn thì đó chỉ do hệ thống chính trị, hệ thống công quyền ở tỉnh – thành phố, ở quận – huyện – thị xã, ở phường – xã – thị trấn… tệ quá!

***

Cũng hôm qua, một số cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam đã đào sâu hơn về chuyện dân chúng Việt Nam tham gia… vượt biên. Vào thời điểm này, “biên” để dân chúng tính toán, nỗ lực vượt thoát không phải là biên giới phân định chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam mà là… “biên” của các địa phương được xác định là vùng có dịch và vượt… “biên” chỉ nhằm trở về nhà… bất hợp pháp!

Theo tờ Tuổi Trẻ thì không chỉ có 15 người trốn trong thùng xe vận tải chuyên vận chuyển hàng cần đông lạnh để vượt… “biên” rồi bị cảnh sát Bình Thuận phát giác đêm 12 tháng 9 mà hiện có rất nhiều… “đường dây” đưa người Việt vượt… “biên” của các thành phố, các tỉnh. Vượt… “biên” để về nhà gian nan chẳng thua gì vượt biên để xuất ngoại. Hành trình phải qua nhiều chặng, dùng cả xe đò, xe vận tải lẫn đi bộ (2)!

Đến lúc này thì ai cũng hiểu tại sao người Việt Nam vượt… “biên”! Từ chiến lược cho đến các giải pháp phòng ngừa dịch bệnh mà hệ thống chính trị, hệ thống công quyền Việt Nam thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng trong thời gian vừa qua chính là động cơ thúc đẩy vượt… “biên”. Nếu có chỗ ẩn thân, không đói khát, không sợ bị bỏ rơi khi bị nhiễm COVID-19 và còn tin vào tương lai, người Việt đã không vượt… “biên” như thế!

***

Nếu xem kỹ hoặc đọc kỹ tường thuật về cuộc họp trực tuyến giữa ông Phạm Minh Chính với lãnh đạo hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang, lãnh đạo 26 huyện, thị xã và lãnh đạo 317 phường, xã, thị trấn của hai tỉnh này, ai cũng có thể thấy, sở dĩ Thủ tướng Việt Nam tỏ ra rất sốt ruột và phê phán các viên chức hữu trách… yếu kém, lúng túng trong lãnh đạo, chỉ đạo vì…

Tốc độ xét nghiệm còn chậm hơn tốc độ lây nhiễm, một số nơi lỏng lẻo trong quản lý người về từ vùng dịch. Nhiều nơi chưa triển khai trạm y tế lưu động xuống xã phường, gây quá tải lên tuyến trên, gây ra tử vong. Các mục tiêu, biện pháp trong báo cáo thì chung chung, không rõ ràng. Ví dụ, đặt ra mục tiêu tiếp tục thực hiện giãn cách xã hội thì kéo dài giãn cách đến bao giờ? Không thấy đưa ra thời điểm cụ thể trong báo cáo!

Tiếc là không có ai hỏi ngược lại ông Chính: Vì sao TP.HCM tổ chức xét nghiệm tràn lan, thực hiện “đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng đối tượng”, gom cả F0 lẫn F1 vào các khu tập trung như chỉ đạo của ông mà không ngăn được tốc độ lây nhiễm? Vì sao chính quyền các tỉnh phải có mục tiêu, biện pháp cụ thể, rõ ràng về phòng ngừa lây nhiễm, giãn cách xã hội mà đến giờ chiến lược, biện pháp phòng chống dịch của chính phủ do ông điều hành vẫn chung chung như thế?

Đáng ngạc nhiên là một số người chê trách hệ thống chính trị, hệ thống công quyền hai tỉnh Tiền Giang, Kiên Giang “ù ù, cạc cạc”, phẫn nộ khi chính quyền nhiều địa phương như Hà Nội, TP.HCM,… xem công dân như súc vật, tùy tiện khóa cổng ra vào các ngõ (3), dùng tôn dựng các bức vách bít kín nhiều hẻm (4) nhưng lại… hoan hô Thủ tướng trong khi thực trạng đó chính là hậu quả từ… sự sốt ruột và quyết liệt của… Thủ tướng!

***

Hôm qua, RFI vừa giới thiệu cuộc trò chuyện giữa đài này với bác sĩ Phan Xuân Trung (người sáng lập nhóm “Giúp nhau mùa dịch” với sự tham gia của 50.000 thành viên là những nhân viên y tế tình nguyện hỗ trợ miễn phí những người bị nhiễm COVID 19 tại TP.HCM, hoạt động từ tháng 6 đến nay), đề nghị ông giải thích tại sao đa số người tử nạn vì COVID-19 ở TP.HCM chết ngay ở “tầng đầu” của tháp điều trị (5).

Theo bác sĩ Trung đó là hệ quả của sự “đổ vỡ toàn diện”: Tài nguyên y tế ở Việt Nam vốn khiếm hụt trầm trọng (hai, ba người phải nằm một giường, có nơi bệnh nhân phải nằm dước đất). Khi phải đối phó với dịch lại thiếu tổ chức, thiếu chuẩn bị về mọi mặt. Lúc dịch vừa chớm, vì chủ trương “cách ly F0”, Bộ Y tế cấm bán những loại dược phẩm hạ sốt, chống ho, dân chúng thiếu cơ hội chuẩn bị để tự phòng vệ. Chưa kể không nơi nào hướng dẫn khi nhiễm COVID-19 thì nên tự chăm sóc thế nào, kêu ai, sẽ được tiếp nhận và điều trị ra sao. Thay vì hỗ trợ bệnh nhân tự chăm sóc, các cơ sở y tế lại ngần ngại vì sẽ bị đóng cửa nếu dính líu đến F0, nhân viên y tế bị điều động tham gia xét nghiệm…

Lúc nhu cầu nhập viện tăng lên thì xe cấp cứu thiếu, những phương tiện hỗ trợ vận chuyển khác như taxi bị cấm, vận chuyển còn gặp trở ngại do hàng rào, chốt chặn,… thành ra khi người bị nhiễm COVID-19 vào được bệnh viện thì họ đã kiệt sức. Chưa kể giai đoạn đầu, bệnh viện chỉ tiếp nhận bệnh nhân để giúp thở oxy, không có hướng dẫn, bác sĩ loay hoay thử phác đồ điều trị…

Rồi việc tập trung, buộc cả F1 cách ly đã làm tăng số người bị lây nhiễm. Khi chấp nhận để F0 điều trị tại nhà thì lại không chú ý đủ đến môi trường sống của người nghèo. Lẽ ra, thay vì “bóc tách F0” thì nên chú ý hỗ trợ giãn cách ngay từ đầu, đặc biệt là với những người già yếu, có sẵn bệnh nền thuộc nhóm nguy cơ cao. Cách ly, giãn cách nhằm chống lây. Nếu bị lây thì chữa trị nhưng không thể quên giá phải trả cho các giải pháp…

Bác sĩ Trung nhấn mạnh, trong quản trị, điều hành tại Việt Nam, dưới phải phục tùng trên, thấy sai cũng không dám nói nên hậu quả càng trầm trọng hơn, nếu tỉ lệ tử vong ở TP.HCM cao hơn mức trung bình thì đó là do cách điều hành, cách quản lý của nhà nước… Trước và trong đại dịch, không chỉ có bác sĩ Trung cảnh báo, khuyến cáo nhưng cứ ngẫm mà xem Thủ tướng có bận tâm không? Chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng có quan hệ nhân – quả với việc người Việt bị đẩy đến chỗ phải vượt… “biên” về nhà!

Chú thích

(1) https://vtv.vn/chinh-tri/thu-tuong-yeu-cau-tinh-kien-giang-va-tien-giang-chan-chinh-cong-tac-phong-chong-dich-2021091311580397.htm

(2) https://tuoitre.vn/vi-sao-xe-tai-nhet-15-nguoi-trong-thung-dong-lanh-thong-chot-de-dang-20210913225537211.htm

(3) https://dantri.com.vn/xa-hoi/ha-noi-ngo-hon-chuc-ho-dan-bat-ngo-bi-khoa-trai-ma-khong-thong-bao-20210908183416447.htm

(4) https://tienphong.vn/nhieu-ngo-hem-bi-rao-ton-nguoi-dan-tphcm-chat-van-chu-tich-quan-go-vap-post1374968.tpo

(5) https://www.rfi.fr/vi/việt-nam/20210913-tp-hcm-vi-sao-dai-da-so-ca-tu-vong-covid-la-o-giai-doan-dau-nhap-vien

Blog VOA

THỦ TƯỚNG MẮNG CÁN BỘ TIỀN GIANG, KIÊN GIANG: 

LƯƠN CHÊ LỊCH NHỚT

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 15-9-2021

Thủ tướng Phạm Minh Chính. Nguồn: Zing

Hôm 13/9/2021, báo chí Việt Nam đưa tin về một buổi họp trực tuyến giữa Thủ tướng Phạm Minh Chính và các quan đầu tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang về việc chống dịch Covid-19, trong đó ông Chính phê bình (mắng) quan chức hai tỉnh này.

Lập tức truyền thông nhà nước đưa tin rầm rộ về việc này, làm nổi lên sự yếu kém của cán bộ hai tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang, và qua đó cho thấy sự… “quyết liệt” của thủ tướng.

Mạng xã hội cũng rầm rộ… “phẫn uất”.

Cuối cùng, có vẻ như sau khi chiếc áo sơ mi “đẫm mồ hôi” của thủ tướng không vớt vát được uy tín của ngài là mấy (chả là cái bụng lại rất to), “quân” của thủ tướng đã tìm được hai con dê tế thần, là hai vị quan đầu tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang… ù ù cạc cạc.

Thế nhưng, nếu như nói các câu phát ngôn, trả lời của hai viên chức nọ là ù ù cạc cạc, thì ta nên gọi phát ngôn của ngài thủ tướng hồi tháng 7/2021 là gì đây? Xin trích từ Báo Chính phủ của Thủ tướng:

“Ngoài các phương châm phòng chống dịch đã có, Thủ tướng đề nghị nghiên cứu, bổ sung phương châm kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa truyền thống và hiện đại, giữa phân tán và tập trung. Thủ tướng lấy một số ví dụ như kết hợp tây y và đông y trong điều trị bệnh; kế thừa truyền thống của cha ông ta trong đánh giặc là vừa kết hợp chiến tranh hiện đại với bộ đội chủ lực và chiến tranh du kích, chiến tranh nhân dân. Tinh thần là kết hợp sức mạnh tổng lực để kiểm soát, ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh”.

Chỉ có thể nói đó là … cạc cạc ù ù.

Từ đoạn văn hùng hồn trên về phát biểu của thủ tướng Phạm Minh Chính cho đến nay, hàng ngàn người Việt đã thiệt mạng vì Covid-19.

Đến tháng 7/2021, ngài thủ tướng đã cầm quyền được gần nửa năm, nếu tính từ lúc Bộ chính trị quyết định ông Phạm Minh Chính đảm nhận chức vụ nhiều quyền lực này hồi tháng 1/2021.

Trong sáu tháng đó, ông Chính chứng kiến cảnh dịch Covid-19, biến thể Delta, bùng phát ở Ấn Độ hồi tháng 4/2021, ông chứng kiến việc chính phủ của ông cho phép dân chúng Việt Nam tụ tập vui chơi trong hai ngày lễ 30/4 và 1/5, mặc cho đại dịch rình rập trên sân bay, ngoài biên giới. Rồi chính quyền của ông cũng đã tổ chức bầu cử Quốc hội trên cả nước vào ngày 23/5/ 2021, bất chấp sự cảnh cáo của các chuyên gia về sự lây lan mạnh mẽ của virus ra sao.

Ông Chính cũng chứng kiến cảnh dân nghèo tháo chạy ra khỏi Sài Gòn khi dịch bùng nổ, cảnh chính quyền Huế không nhận dân xa xứ về quê trốn dịch, ông cho phép lập danh sách chích ngừa ưu tiên cho các ông “ngoại”, công an bộ đội, loại ra ngoài các cụ già và dân nghèo, việc này góp phần làm dịch bùng lên và kéo dài.

Cũng chính dưới sự điều hành của thủ tướng Phạm Minh Chính, thành phố Sài Gòn, Hà Nội,… loạn lên, nháo nhào đủ thứ giấy tờ xét nghiệm, đi đường, dân chúng phải được cứu trợ khẩn cấp vì đói, có nơi đã xảy ra cướp bóc, quân đội phải được điều vào thành Hồ để giữ trật tự…

Cứ cho là Nguyễn Xuân Phúc, người tiền nhiệm của ông Chính, vì mãi tự sướng nên quên mua vắc xin. Nhưng ông Chính, ông đã làm gì trong sáu tháng cầm quyền, ngoài đoạn văn cạc cạc ù ù “bất hủ” kể trên?

Thưa ông Chính, tôi không hề bênh vực cho hai viên quan đầu tỉnh Kiên Giang và Tiền Giang, họ xứng đáng bị quở trách, thậm chí bị cách chức. Tôi cũng thực sự trân trọng những lời xin lỗi dân chúng của hai ông Nguyễn Văn Nên và Phan Văn Mãi ở thành phố Sài Gòn. Nhưng còn ông Chính thì sao? Rồi các ông Nguyễn Xuân Phúc, Nguyễn Phú Trọng, Vương Đình Huệ,… nữa, chả lẽ các ông không có khuyết điểm nào?!

Tôi là người lạc quan, tôi không nghĩ rằng dân tộc Việt Nam sẽ bị diệt chủng vì đại dịch Covid-19, nhưng tôi nghĩ rằng lịch sử sau này của nước Việt Nam sẽ có câu sau đây: “Vào mùa hè năm 2021, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, đã có hàng chục ngàn người dân bị dịch Covid-19 giết chết”.

Và có lẽ không cần thêm câu bình luận nào cho trang lịch sử u ám đó.

TÌM 'LỒNG NHỐT QUYỀN LỰC' BẰNG CÁCH PHÁ 'LỒNG NHỐT TÀI NĂNG'

NGUYỄN NGỌC CHU/ TD 15-9-2021

I. NHỮNG CHIẾC “CỘT MỐI MỌT” ĐIỂN HÌNH

1. Trường hợp điển hình là Chủ tịch Tiền Giang Nguyễn Văn Vĩnh trả lời câu hỏi của Thủ tướng Phạm Minh Chính. Thủ tướng Phạm Minh Chính hỏi:

– “Tiền Giang có 37 xã, phường, thị trấn nguy cơ cao và rất cao, tỉnh đã triển khai trạm y tế lưu động tại các địa bàn này chưa”?

Chủ tịch Tiền Giang trả lời:

– “Dạ, Tiền Giang đã có 2 xã triển khai điều trị F0 tại nhà”.

Thủ tướng phải thốt lên nhắc nhở:

– “Điều trị tại nhà và lập trạm y tế lưu động là 2 việc khác nhau”!

2. Trường hợp điển hình khác nữa của Bí thư Kiên Giang Đỗ Thanh Bình còn lo lắng hơn.

Trả lời câu hỏi về số người bị nhiễm dịch ở Kiên Giang của TT Phạm Minh Chính, Bí thư Kiên Giang không nắm được, phải loay hoay lục các tập giấy tờ để tìm kiếm con số, sốt ruột đến mức có người phải nhắc từ sau cánh gà, buộc lòng TT Phạm Minh Chính phải kêu gọi: “Ai biết thì ra mặt nói đi”. Sự việc diễn ra trực tiếp trên Truyền hình, trước mắt hàng chục triệu người dân toàn quốc.

Là người quyền lực lớn nhất tỉnh, chịu trách nhiệm cao nhất trong tỉnh, vậy mà tỉnh đối mặt với đại dịch nguy hiểm nhưng không nắm được số liệu người nhiễm, không nắm được diễn biến dịch – thì làm sao có biện pháp hiệu quả để điều hành cả tỉnh đối phó với dịch?

Sẽ có phản biện dựa trên văn bản quy định trách nhiệm mà rằng – trách nhiệm quản lý là của Chủ tịch chứ không phải của Bí thư, Bí thư không phải là người cần nhớ con số, và cũng không thuộc quyền điều hành của Thủ tướng. Điều này càng soi sáng rõ hơn khuyết tật chồng chéo mâu thuẫn của mô hình quản lý nhà nước hiện nay.

II. PHÁ BỎ “LỒNG NHỐT TÀI NĂNG”

1. Trong tổng số 1 730 117 người dân tỉnh Kiên Giang không tìm được ai tài năng hơn ông UVTƯ Đảng, Bí thư tỉnh uỷ hiện thời chăng? Không, có hàng vạn người Kiên Giang giỏi hơn ông Bí thư Kiên Giang hiện thời. Ngay cả trong 60.000 đảng viên Đảng Bộ Kiên Giang, cũng có hàng ngàn người giỏi hơn ông Bí thư hiện thời.

Trong tổng số 1.783.165 người dân tỉnh Tiền Giang không tìm được ai giỏi hơn ông Chủ tịch tỉnh Tiền Giang hiện thời chăng? Không, có cả vạn người Tiền Giang giỏi hơn ông Chủ tịch Tiền Giang hiện thời.

Bí thư tỉnh là UVTƯ Đảng – còn quan trọng hơn hàm bộ trưởng, vì danh xưng ‘UVTƯ Đảng’ được xướng lên trước chức vụ ‘bộ trưởng’. Còn chức vụ ‘Chủ tịch’ ngang với thứ trưởng, là ứng cử viên cho chức Bí thư tỉnh nhiệm kỳ tiếp theo.

Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh giữ vai trò như những chiếc cột trong ngôi nhà. Cả nước có 63 tỉnh thành là có tổng thể 126 Bí thư và Chủ tịch tương ứng với “126 chiếc cột”. Có bao “chiếc cột bị mối mọt” như Bí thư Kiên Giang và Chủ tịch Tiền Giang?

Rất nhiều. Không phải là một bộ phận nhỏ mà có thể là một đa số lớn. Chỉ là chưa bị bộc lộ trực tiếp trước công chúng trên truyền hình. Nếu Thủ tướng tiếp tục sát hạch các Bí thư và Chủ tịch tỉnh bằng các công việc cụ thể, thì hãy đợi chờ cái đa số đó lớn đến mức sợ hãi dường nào?

Sẽ mất rất nhiều công sức để chỉ ra “số cột bị mối mọt” trong số 126. Đơn giản hơn, là ngược lại, đi tìm “cột không mối mọt”. Rất khó khăn để tìm được 1 “chiếc cột không bị mối mọt” trong số 126. Nếu ai tìm được, xin thử nêu tên xem? Tức khắc sẽ có người chỉ ra những “ổ mối mọt” chưa bị phát hiện và chỉ ra cách tìm những chiếc cột vững chắc hơn.

2. Thủ tướng Phạm Minh Chính tự mình kiểm tra và biết được đích danh các Bí thư và Chủ tịch tỉnh không đủ năng lực, cụ thể bị phơi bày trước bàn dân thiên hạ là 2 trường hợp nêu trên. Nhưng Thủ tướng có cách chức được Bí thư Kiên Giang và Chủ tịch Tiền Giang không?

Câu trả lời là KHÔNG. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt đã từng bày tỏ, đại ý, ông là Thủ tướng mà không có quyền cách chức đến một chủ tịch xã. Không cách chức được tức là vẫn tiếp tục phải dựa vào những lãnh đạo không đủ năng lực. Vậy thì đến khi nào Việt Nam mới có thể giàu mạnh như các quốc gia hàng đầu thế giới?

3. Mấu chốt nằm ở ‘Thuật Toán’ tuyển chọn cán bộ lãnh đạo. ‘Thuật Toán’ tuyển chọn cán bộ lãnh đạo mà nước ta đang sử dụng được biết đến nhiều năm gần đây dưới tên gọi ‘Quy trình…’.

Trước thềm Đại hội Đảng XIII, ông Tổng thư ký ‘Hội đồng Lý luận Trung ương’ tự tin khẳng định “Đại hội XIII sẽ không để lọt người không đủ tiêu chuẩn như Đại hội XII”. Nhưng ngay sau Đại hội XIII thì ông UVTƯ Đảng mới vừa được bầu, là bí thư Bình Dương Trần Văn Nam bị khởi tố.

Ngay trong sáng nay 15/9/2021, Trưởng Ban nội chính Trung ương cho biết “trong nhiệm kỳ XII, cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật hơn 1.300 tổ chức đảng và kỷ luật 87.000 đảng viên vi phạm”. Đây là hàng chục ngàn các phản ví dụ, rằng cán bộ được tuyển chọn “đúng quy trình” nhưng hư hỏng bị kỷ luật.

4. Tại sao không thể cách chức được cán bộ không đủ năng lực như các trường hợp đã nêu ở trên? Tại sao “đúng quy trình” mà vẫn chọn phải lãnh đạo hư hỏng và không đủ năng lực?

Ở nước ta, Đảng lãnh đạo toàn diện và tuyệt đối. Quyền lực cao nhất thuộc về Bộ Chính trị và BCH TƯ Đảng chứ không nằm ở Chính phủ, Quốc hội và Toà án. Cho nên Thủ tướng Chính phủ không cách chức được cấp dưới trực thuộc – như các bộ trưởng, các thứ trưởng, các chủ tịch tỉnh – khi chưa có sự đồng ý của Bộ Chính trị. Tìm được sự đồng ý của Bộ Chính trị là một quá trình thảo luận, thoả hiệp. Mỗi cá nhân một mục tiêu. Mỗi nhóm có một mục tiêu. Tìm sự đồng thuận trong Bộ chính trị là bài toán tối ưu đa mục tiêu, với các mục tiêu có thể mang tính loại trừ . Và điều này không tương thích với tính tức thời, tính duy nhất, và tính một chiều trong khoa học điều khiển.

5. “Quy trình” tuyển chọn cán bộ lãnh đạo đang vận hành đã hàng vạn lần bộc lộ những khuyết tật mang tính nguyên tắc. Những khuyết tật mang tính nguyên tắc này một cách vô tình đã biến thành chiếc “lồng nhốt tài năng”. Phải loại trừ các khuyết tật trong “Quy trình” tuyển chọn cán bộ lãnh đạo.

Với thực tiễn hiện nay, thì tìm “lồng nhốt quyền lực” không quan trọng bằng phá “lồng nhốt tài năng”. Phá “lồng nhốt tài năng” tự khắc sẽ mở đường tìm được “lồng nhốt quyền lực”. Nếu Thánh Gióng mà phải tuân theo “đúng quy trình” thì sẽ không còn là Thánh gióng nữa.

III. ĐỀ XUẤT

Hai “tai biến” ở Kiên Giang và Tiền Giang cho thấy: Chính phủ của TT Phạm Minh Chính dù có nỗ lực bao nhiêu đi nữa, thì cũng khó thu được hiệu quả mong muốn khi các cột trụ là các Bí thư và Chủ tịch tỉnh yếu kém. Không thể kéo dài mãi tình trạng các lãnh đạo địa phương không đáp ứng được yêu cầu nhưng vẫn tại chức cho đến hết nhiệm kỳ. Đã đến lúc phải thay đổi để bớt đi sự cản trở. Đề xuất:

1. Nhập Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh vào một vị trí.

Trường hợp điển hình của Kiên Giang – thêm một lần cho thấy sự cần thiết phải nhập Bí thư tỉnh và Chủ tịch tỉnh vào một vị trí.

– Không để Bí thư là người có quyền cao nhất chỉ lãnh đạo bằng đường lối chung, không có giá trị thực tế, không nắm được công việc cụ thể.

– Để chấm dứt tình trạng – “bằng mặt mà không bằng lòng” có thể xẩy ra giữa Tỉnh uỷ và UBND tỉnh, làm chậm bước tiến của địa phương.

– Là biện pháp hữu hiệu để giảm biên chế, tiết kiệm được một nguồn tài chính lớn cho ngân sách.

2. Mở rộng dân chủ để các đảng viên trong tỉnh được trực tiếp bầu chọn Bí thư tỉnh. Chắc chắn sẽ chọn được các Bí thư tỉnh giỏi.

Thực tiễn đã chứng minh, bầu chọn trong tập nhỏ thì có thể “mua được phiếu bầu” bằng hoán đổi lợi ích và thậm chí bằng thanh trừng; Nhưng bầu chọn trong tập lớn hàng vạn, hàng triệu người, thì phải “mua phiếu bầu” bằng tài năng và lợi ích cho đa số.

3. Trong một quốc gia, toàn dân là tập lớn nhất cần phải đáp ứng để nhận được phiếu bầu. Đặt lợi ích của Dân tộc lên trên hết thì tất sẽ nhận được phiếu bầu của toàn dân.

Nguyễn Ngọc Chu

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét