Thứ Năm, 30 tháng 9, 2021

20211001. KHUYẾN KHÍCH BẢO VỆ NHỮNG NGƯỜI DÁM ĐỔI MỚI

 ĐIỂM BÁO MẠNG

CHỦ TRƯƠNG KHUYẾN KHÍCH VÀ BẢO VỆ CÁN BỘ NĂNG ĐỘNG, 
SÁNG TẠO VÌ LỢI ÍCH CHUNG
ND/GDVN 24-9-2021
GDVN- Ngày 22/9, Văn phòng Trung ương Đảng công bố Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Ngày 22/9, Văn phòng Trung ương Đảng có công văn số 1914-CV/VPTW gửi các cơ quan thông tấn, báo chí về việc công bố Kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung (số 14-KL/TW, ngày 22/9/2021).

Xin trân trọng giới thiệu toàn văn kết luận.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì họp Bộ Chính trị. (Ảnh: Trí Dũng/TTXVN)

Xem xét báo cáo của Ban Tổ chức Trung ương về Đề án “Xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung” và ý kiến của các cơ quan liên quan, Bộ Chính trị kết luận như sau:

1. Trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích, phát huy tinh thần năng động, sáng tạo của cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Qua hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới, đất nước ta đã đạt được nhiều thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử.

Những thành tựu này khẳng định đường lối đổi mới đúng đắn của Đảng, tinh thần năng động, sáng tạo và sự nỗ lực phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, trong đó có đóng góp rất quan trọng của nhiều thế hệ cán bộ lãnh đạo, quản lý với bản lĩnh chính trị vững vàng, năng lực tổng kết thực tiễn sắc bén, tư duy đổi mới sáng tạo, khả năng cụ thể hoá và tổ chức thực hiện hiệu quả đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

2. Để thực hiện thành công đường lối đổi mới và Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, khơi dậy tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, cần đặc biệt quan tâm xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, quyết tâm đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, sẵn sàng đương đầu với khó khăn, thử thách, luôn nỗ lực hành động vì lợi ích chung. Bộ Chính trị yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số chủ trương sau:

2.1. Nâng cao nhận thức, tăng cường trách nhiệm của cấp ủy, tổ chức đảng, nhất là người đứng đầu, tạo sự thống nhất cao trong toàn Đảng và đồng thuận trong xã hội về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung; khơi dậy mạnh mẽ ý thức trách nhiệm, khát vọng cống hiến, tinh thần đổi mới, hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ của đội ngũ cán bộ.

2.2.Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

2.3. Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.

2.4. Thường xuyên theo dõi, kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện thí điểm các đề xuất đổi mới, sáng tạo. Chủ động phát hiện những vấn đề nảy sinh, kịp thời động viên, hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc hoặc xem xét, điều chỉnh, có quyết định phù hợp với tình hình thực tế. Phát hiện sớm và kịp thời uốn nắn, chấn chỉnh sai sót, vi phạm.

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Xử lý nghiêm việc lợi dụng chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ để thực hiện hoặc bao che hành vi vụ lợi, tham nhũng, tiêu cực, vi phạm kỷ luật của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

2.5. Định kỳ sơ kết, tổng kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhân rộng những mô hình, giải pháp thí điểm, đổi mới, sáng tạo có hiệu quả; kịp thời xem xét, nghiên cứu để thể chế hoá thành quy định pháp luật, tạo cơ sở pháp lý để nhân rộng các mô hình, giải pháp đó. Đồng thời biểu dương, khen thưởng xứng đáng; ưu tiên bố trí, sử dụng cán bộ có tư duy đổi mới, cách làm đột phá, sáng tạo, hiệu quả cao.

3. Tổ chức thực hiện

3.1. Các tỉnh ủy, thành ủy, đảng đoàn, ban cán sự đảng, đảng ủy trực thuộc Trung ương, các cơ quan tham mưu, giúp việc của Trung ương nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, cụ thể hóa Kết luận.

3.2. Ban Tổ chức Trung ương chủ trì, phối hợp với Văn phòng Trung ương Đảng và các cơ quan liên quan theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Kết luận, định kỳ báo cáo Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Kết luận này có hiệu lực từ thời điểm ban hành và được phổ biến tới chi bộ.

Theo Báo Nhân dân
KẾT LUẬN 14 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ LÀ CỨU CÁNH, BẢO VỆ CHO 
NHỮNG NGƯỜI DÁM ĐỔI MỚI
THÙY LINH/ GDVN 30-9-2021

LTS: Vừa qua, thay mặt Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng đã ký ban hành Kết luận 14 về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung.

Đáng chú ý, trong kết luận, Bộ Chính trị nhấn mạnh việc khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Kết luận này của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng ở mọi mặt của xã hội. Để hiểu hơn ý nghĩa của Kết luận này trong lĩnh vực giáo dục đào tạo, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, hiện đang là Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Vừa qua, Bộ Chính trị ban hành Kết luận về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung, thưa ông điều này có ý nghĩa như thế nào trong công việc nói chung và trong công tác kiểm tra, giám sát nói riêng?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tôi nghĩ, trong quá trình đổi mới không thể tránh khỏi có những vấn đề mà cơ chế, chính sách, pháp luật chưa có quy định đủ để điều chỉnh, hoặc chưa bổ sung kịp thời.

Do đó, kết luận của Bộ Chính trị có ý nghĩa rất quan trọng đối với công việc nói chung và trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật nói riêng. Trong lãnh đạo, chỉ đạo, nếu chỉ có nguyên tắc cứng nhắc, máy móc, không đủ thoáng mở thì nhiều khi hỏng việc hoặc không ai dám làm vì sợ trách nhiệm hành chính, cũng chẳng ai dám sáng tạo năng động khi xét thấy thiếu an toàn. Khi không có năng động sáng tạo thì nhiều việc sẽ trì trệ, đình đốn, nhất là khi các cơ chế quản lý còn nhiều lủng củng, bất cập. Còn những công việc do các nhóm lợi ích thúc đẩy thì lợi bất cập hại.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Kết luận của Bộ Chính trị để khuyến khích động viên những cán bộ có tâm, có đức, có tài, dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm, tích cực đổi mới, sáng tạo, đạt được hiệu quả cao, chứ không phải chỉ biết "ngoan ngoãn" chấp hành một cách máy móc để giữ an toàn cho bản thân mình.

Đối với những công việc cho làm thí điểm, trong kết luận của Bộ Chính trị cũng nêu rõ: “Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

Với kết luận này của Bộ Chính trị, nếu được tổ chức thực hiện tốt, sẽ tạo môi trường và điều kiện để cho những cán bộ có tài năng xuất hiện, phát huy và trưởng thành, bổ sung nguồn cho nguyên khí quốc gia.

Thực tế cho thấy, từng có nhiều lãnh đạo đơn vị muốn vượt qua khó khăn, trói buộc đã tìm cách xé rào để có hướng đi mới, đổi mới hoạt động nhằm mang lại sức sống và hiệu quả hoạt động cho đơn vị. Nhiều người thành công nhưng khi thanh tra, kiểm tra lại đem luật lệ hiện hành ra bắt bẻ, kiểm điểm, người “xé rào” bị quy đủ thứ trách nhiệm. Ông đánh giá như thế nào về tình trạng này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Lịch sử đã chứng kiến nhiều tấm gương mẫu mực đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Đảng và Nhân dân. Ông Kim Ngọc - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phúc với quyết sách “khoán hộ” năm 1966, là một trong những cơ sở quan trọng để Trung ương ban hành Chỉ thị số 100/CT-TW năm 1981 và Nghị quyết số 10/NQ-TW năm 1988, từ đó làm thay đổi căn bản kinh tế nông nghiệp nước ta.

Nữ Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Ráo (Ba Thi) với kỳ tích “cởi trói” cho hạt gạo tại Thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long năm 1977-1978, góp phần vào việc bỏ chế độ bao cấp gạo và thực hiện thành công việc bán gạo một giá theo thị trường trên toàn quốc…

Bà Trần Ngọc Sương- người đã cùng cha của mình là Trần Ngọc Hoằng góp công lớn trong việc đưa Nông trường Sông Hậu trở thành một trong những đơn vị kinh tế Nhà nước nổi bật ở thời kỳ đổi mới và đã được phong danh hiệu Anh hùng Lao động.

Đáng lưu ý, năm 2000 bà Sương được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động thời đổi mới. Nhưng sau đó ít tháng, Công an thành phố Cần Thơ khởi tố vụ án “lập quỹ trái phép”, khởi tố bị can đối với bà Trần Ngọc Sương. Tháng 8/2009, tòa án Nhân dân huyện Cờ Đỏ xử phạt bà Sương 8 năm tù vì tội “lập quỹ trái phép”, buộc bồi thường thiệt hại cho nông trường hơn 4,3 tỷ đồng và phạt các đồng phạm khác từ 1 năm 6 tháng tù đến 6 năm tù.

Tháng 11/2009, tòa án Nhân dân thành phố Cần Thơ xử phúc thẩm tuyên y án 8 năm tù với bà Sương, đến tháng 5/2010, tòa án Nhân dân tối cao ra quyết định hủy bản án đã tuyên với bà Sương, yêu cầu điều tra lại. Ngày 19/1/2012 Viện kiểm sát Nhân dân Cần Thơ công bố quyết định đình chỉ vụ án “lập quỹ trái phép” ở Nông trường Sông Hậu. Bà Sương được tự do và ngày 9/2/2012 được khôi phục sinh hoạt Đảng.

Nói vậy để thấy, đổi mới, sáng tạo là một quá trình và công việc gian khổ, phức tạp, nhạy cảm và mạo hiểm. Hơn nữa, nhiều vấn đề đổi mới, sáng tạo thường rất khó, phải vượt lên tư duy của số đông.

Những người dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung nhiều khi đưa ra các quyết định có thể chưa phù hợp với quy định hiện hành, chưa phù hợp với nhận thức của tập thể. Trong đó, nói cách khác, là có những trường hợp quy định hiện hành và nhận thức chung chưa theo kịp, chưa tạo điều kiện để triển khai công việc.

Do vậy trong quá trình kiểm tra, giám sát nếu thấy việc làm đó động cơ trong sáng vì lợi ích chung thì phải bảo vệ họ. Chứ nếu máy móc, thấy làm khác là kỷ luật, xử phạt thì sẽ làm thui chột những sáng kiến, những đổi mới, đột phá.

Kiểm tra, giám sát cần thấy được những tích cực trong đổi mới, sáng tạo, từ đó góp ý cho chính người người thực hiện, cũng như góp ý cho các cơ quan, tổ chức để sửa đổi cơ chế, chính sách và nhân rộng mô hình đó ra.

Có thể nói, việc đưa nguyên tắc bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung sẽ giúp vừa bảo đảm được tính nghiêm minh, thấu tình đạt lý trong công tác kiểm tra, giám sát và xử lý kỷ luật vừa bảo vệ được cán bộ tốt và hiệu quả.

Trước đây chúng ta đã từng thầy đồng chí Kim Ngọc bị kỷ luật, sau đó được công nhận là người "dám nghĩ, dám làm, đột phá mang lại hiệu quả xã hội rõ ràng". Gần đây có trường hợp ông Lê Vinh Danh (nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Tôn Đức Thắng) bị kỷ luật – nhiều người nói là một “Kim Ngọc trong giáo dục”. Ông nghĩ sao về trường hợp này?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Tự chủ đại học là một chủ trương đã có, rất quan trọng, có ý nghĩa đột phá trong giáo dục đại học, tất nhiên là sự tự chủ ấy nằm trong khuôn khổ quy định của pháp luật. Muốn vậy, hệ thống pháp luật phải đồng bộ, luật này luật kia không mâu thuẫn nhau, thành một chỉnh thể thống nhất, rõ ràng, tạo niềm tin và điều kiện pháp lý cho các cơ sở giáo dục thực hiện tự chủ.

Nếu kéo dài tình trạng chồng chéo và mâu thuẫn nhau về cơ chế như hiện tại thì rất trở ngại cho việc thực hiện chủ trương tự chủ đại học khiến đại học Việt Nam không thể cất cánh, sẽ tiếp tục lúng túng không đủ lối ra.

Hiện nay trên thực tế dù đã có chủ trương thực hiện cơ chế tự chủ nhưng đồng thời cơ chế chủ quản vẫn đang chi phối mạnh, chồng chéo và lấn ép cơ chế tự chủ, trong khi hai loại cơ chế này là rất khác nhau. Khi hệ thống pháp luật còn chưa đồng bộ, rất cần có cơ chế bảo vệ “Kim Ngọc”, bảo vệ những con người dũng cảm, dám đi trước trong vận dụng quyền tự chủ vào việc nâng cao chất lượng đại học.

Tôi cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước cần khẩn trương đi sâu để tổng kết đánh giá kết quả làm thí điểm vừa qua nhất là mô hình tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng bởi đây là mô hình mà Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đánh giá thành công của cơ chế tự chủ đại học; đưa ra kiến nghị rõ ràng các giải pháp cần bổ sung và sự chỉ đạo quyết liệt để thực hiện thành công chủ trương tự chủ đại học.

Qua tổng kết, phát hiện đúng các nhân tố mới hợp lý, hiệu quả cao nhưng chưa hợp luật từ đó có những chính sách phù hợp và khả thi, trên cơ sở bắt nguồn từ thực tiễn, đẩy nhanh tiến trình tự chủ đại học; tránh tình trạng lấy lỗi sửa lỗi, dùng chắp vá này để sửa chắp vá khác. Tổng kết nói ở đây là để đi tiếp một cách mạnh mẽ và vững vàng, chứ không phải để kết luận làm hay không, tiến hay lùi, đi tiếp hay quay lại.

Vấn đề tự chủ đại học đang liên quan đến nhiều bộ ngành, nhiều cơ quan và cấp quản lý, nên khi thực hiện sẽ có đụng chạm về quyền lực và quyền lợi. Vì vậy, cần có sự chỉ đạo tập trung của Thường trực Chính phủ và Thường trực Ban bí thư.

Tới đây Hiệp hội Các trường đại học và cao đẳng Việt Nam sẽ có động thái gì đối với trường hợp của Trường Đại học Tôn Đức Thắng và ông Lê Vinh Danh - một trường hợp thí điểm tự chủ đại học rất thành công mà người đứng đầu lại bị kỷ luật, thưa ông?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Vào tháng 8/2020, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đã gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị một số nội dung về việc thí điểm tự chủ đại học.

Chưa kể, Hiệp hội cũng từng có văn gửi Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề nghị trình Hội đồng Thi đua khen thưởng nhà nước xem xét phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động cho tập thể Trường Đại học Tôn Đức Thắng vì Hiệp hội muốn kiến nghị nhân rộng mô hình tự chủ đại học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng, khẳng định lại việc cần tôn vinh thành tích của tập thể nhà trường.

Thực tế cho thấy, Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một điển hình nổi trội về thí điểm tự chủ đại học. Đương nhiên trường không phải đã hoàn mỹ, trường cũng có nhiều vấn đề riêng. Tuy nhiên, đến nay Hiệp hội vẫn đánh giá trường xứng đáng với danh hiệu Anh hùng Lao động bởi vì suốt hơn 10 năm qua không đòi hỏi nhà nước đồng tiền nào cho chi phí thường xuyên và chi phí đầu tư, trường tự thu, tự chi hết và có hiệu quả cao, vẫn là trường đại học đi tiên phong để được xếp hạng thứ tự cao trong các đại học hàng đầu của thế giới, bứt phá nhanh, vượt xa các đại học được chi ngân sách nhiều chục, nhiều trăm tỷ đồng mỗi năm.

Những mâu thuẫn và sự khác nhau trong đánh giá Trường Đại học Tôn Đức Thắng xảy ra trong thời gian vừa qua là điển hình cho việc xung đột về cơ chế quyền lực và lợi ích trong việc thực hiện tự chủ đại học và những mâu thuẫn này đến nay chưa được giải quyết.

Thường trực Hiệp hội một lần nữa đề nghị cần có một tổng kết nghiêm túc, khách quan về việc thí điểm tự chủ đại học, bàn một cách thẳng thắn, không tránh né mọi vấn đề. Từ đó rút ra, cái nào trường đã làm được và được làm, cái nào trường không làm được và không được làm, điều chỉnh và bổ sung cơ chế, chính sách.

Theo nhận thức của chúng tôi, những công việc mà ông Lê Vinh Danh thực hiện đều đã được cho thí điểm trong Quyết định 158, Nghị quyết 77 của Chính phủ dành cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng, ông ấy đã làm xuất sắc và động cơ vì lợi ích chung, vậy làm sao lại bị kỉ luật? Chúng tôi hi vọng với Kết luận 14 của Bộ Chính trị lần này những cơ quan đã đồng ý cho Trường Đại học Tôn Đức Thắng nói chung và Hiệu trưởng Lê Vinh Danh nói riêng được phép triển khai tự chủ sẽ có tiếng nói bảo vệ.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

NTB- Theo từ điển Từ Hán Việt do Lại Cao Nguyện chủ biên (NXB Khoa Học Xã Hội, 2005) thì 'CỨU CÁNH' có nghĩa là đích cuối cùng đi tới. Cụm từ CỨU CÁNH trên tiêu đề bài báo là sai với nội dung  KL 14. Nếu phóng viên Thùy Linh hiểu CỨU CÁNH giống như cái CÁNH ...CỨU ai đó khỏi rơi từ không trung xuống đất, thì lại càng sai, cho dù đây là quan điểm riêng của PV hoặc người được phỏng vấn vì KL 14 chỉ đưa ra định hướng, nhận thức chung. Để định hướng, nhận thức đi vào cuộc sống và đạt hiệu quả mong muốn đòi hỏi phải được thể chế hóa, như KL 14 đã nêu, nhưng hiện nay chưa có. Vì vậy, hiện nay KL 14 rất khó để CỨU được ai!

" PHẢI CHUYỂN TỪ 'TẬP THỂ LÃNH ĐẠO, CÁ NHÂN PHỤ TRÁCH ' SANG AI LÃNH ĐẠO NGƯỜI ĐÓ CHỊU TRÁCH NHIỆM' "

NGUYỄN NGỌC CHU/ Viettimes/ BVN 1-10-2021

Bộ Chính trị vừa ban hành "Kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung". Đây là chủ trương tốt (xin nhớ đến trường hợp của ông Kim Ngọc). Nếu được triển khai kịp thời sâu rộng trong thực tiễn thì sẽ mang lại những tiến bộ cho phát triển kinh tế. Dưới đây là một đề xuất với mong muốn góp phần để "chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung" được triển khai hiệu quả hơn trong thực tiễn. Nội dung bài viết được thể hiện qua trả lời phỏng vấn của nhà báo Xuân Ba đăng trên tạp chí Viettimes. https://viettimes.vn/phai-chuyen-tu-tap-the-lanh-dao-ca....


VietTimes –  Đó là quan điểm của TS. Nguyễn Ngọc Chu trong việc thực hiện chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung là một sự thay đổi đột phá trong tư duy kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, thúc đẩy những hành động đổi mới, đột phá vì lợi ích chung của Đất nước.

Bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung là một sự thay đổi đột phá trong tư duy kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng, thúc đẩy những hành động đổi mới, đột phá vì lợi ích chung của Đất nước.

VietTimes xin trân trọng giới thiệu cuộc trao đổi của TS. Nguyễn Ngọc Chu với nhà báo Xuân Ba xung quanh vấn đề này:

Tại sao có chủ trương khuyến khích, bảo vệ cán bộ?

Thưa Tiến sĩ, Bộ Chính trị vừa ban hành kết luận số 14-KL/TW về chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung. Văn kiện Đại hội XIII cũng đã chỉ rõ, phải có cơ chế khuyến khích để không muốn tham nhũng, bảo vệ cán bộ dám làm. Tiến sĩ có nhận xét gì?

- Ngày 22/9/2021, ông Võ Văn Thưởng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Kết luận số 14-KL/TW về “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung”. Trong đó có đề cập “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại… nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm”.

Đây là một chủ trương mới, hướng tới khuyến khích sự sáng tạo và năng động của cán bộ, là rất đáng hoan nghênh. Nhưng mức độ hiệu quả như thế nào và có thể triển khai trong thực tiễn được bao nhiêu - còn phụ thuộc vào các đề xuất cụ thể.

Trước khi bàn về tính thực tiễn của chủ trương, cũng như để thấy rõ hơn tính cấp thiết của chủ trương, thì cần trả lời câu hỏi là tại sao lại có chủ trương này?

Rõ ràng những người đề xuất chủ trương đã thấy nguyên nhân và hệ quả.

Lý do là “cơ chế và ngôi nhà pháp lý” hiện nay còn có những khiếm khuyết dẫn đến:

- Hạn chế năng động và sáng tạo vì lợi ích chung của cán bộ;

- Chưa bảo vệ được cán bộ dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung;

- Vướng mắc, mâu thuẫn với các vấn đề của thực tiễn;

- Cản trở sự phát triển.

Hệ quả là:

- Trong hàng ngũ cán bộ hiện thời có một bộ phận không nhỏ cán bộ không năng động sáng tạo, không vì lợi ích chung, thấy đúng không dám làm, thấy sai không dám bảo vệ;

- Người năng động và sáng tạo vì lợi ích chung đôi khi lại bị kết tội oan, không được bảo vệ;

- Lớp người năng động và sáng tạo, trung thực quả cảm thấy đúng dám làm, thấy sai dám bảo vệ - khó được đứng vào hàng ngũ cán bộ;

- Làm chậm sự phát triển.

Như vậy tác giả của “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” đã nhìn thấy vấn đề. Điều quan trọng là làm thế nào để thực thi được trong cuộc sống. Từ chủ trương trên giấy tờ đến thực thi trong cuộc sống là một quãng đường rất xa, nhiều khi không đến được đích.

Giải pháp là gì?

Đưa ra chủ trương chung mà không nêu ra các điểm cụ thể thì không thể triển khai trong thực tế. Nó không giúp đẩy mạnh các hành động dám nghĩ dám làm của các cán bộ hiện thời. Nó cũng không mở cửa cho những người năng động sáng tạo, trung thực quả cảm thấy đúng dám làm, thấy sai dám bảo vệ - được đứng vào hàng ngũ cán bộ. Nó cũng không giúp minh oan cho ai đó dám nghĩ dám làm vì lợi ích chung.

Hiện mới thấy chủ trương, chưa thấy đề xuất biện pháp cụ thể. Nhưng có thể nhìn thấy trước, nếu có đề xuất biện pháp cụ thể thì đó mới chỉ là “những thang thuốc chữa các căn bệnh ngoài da”.

Tại sao ư? Là bởi vì muốn có được “những thang thuốc chữa được các căn bệnh tâm can” của “cơ chế và ngôi nhà pháp lý” hiện nay thì cần phải có người “trí sáng cái thế, dũng cảm cái thể,” dám nhìn thẳng vào các căn bệnh tâm can. Cho nên, phải xem mục đích là “chữa bệnh ngoài da” hay chữa “bệnh tâm can” thì mới “bốc thuốc” đúng được.

“Phải chuyển từ ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’ thành ‘Ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm’” ảnh 1

“Phải khen thưởng, kỷ luật nghiêm minh trong thực thi công vụ; bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung”,- Thủ tướng Phạm Minh Chính.

Cần luật hóa chủ trương

Chủ trương “khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại… nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm” tốt về mặt ý định, nhưng chưa rõ ràng về mặt pháp lý. Sự chưa rõ ràng về mặt pháp lý sẽ dẫn đến những phán xét tuỳ tiện, và sẽ bị chi phối bởi vật chất quyền lực và quan hệ trong đánh giá, xét xử. Thực tiễn đã cho thấy điều đó.

Bởi thế phải luật hoá. Luật hoá cụ thể đến mức không cho phép bất cứ ai đưa được ý kiến chủ quan làm thay đổi sự thật và sự công bằng pháp lý. Nếu không luật hoá, thì sẽ không bảo vệ được người dám nghĩ dám làm, mà có thể còn dẫn đến bị trù dập, bị oan sai. Nếu không luật hoá cụ thể sẽ vô tình mở thêm “thị trường” cho tham nhũng trong lĩnh vực thanh tra, kiểm sát và toà án.

“Phải chuyển từ ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’ thành ‘Ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm’” ảnh 2

"Trường hợp của ông “khoán hộ” Kim Ngọc để lại cho chúng ta nhiều bài học quý giá trong công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật Đảng. Làm sao việc xử lý kỷ luật vẫn bảo đảm nghiêm minh, chính xác, “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ” nhưng cũng không làm “thui chột” tư duy sáng tạo, đổi mới, hành động vì lợi ích chung của đất nước, của người dân"- Ông Vũ Quốc Hùng, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư

Một giải pháp căn bản: Ai lãnh đạo, người đó chịu trách nhiệm!

Thưa TS, điểm đáng lưu ý trong kết luận số 14-KL/TW của Bộ Chính trị đề cập đến chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm nếu không đạt, đạt một phần mục tiêu đề ra sẽ được miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm.

Nhưng thưa TS, mới đây gần một chục tờ báo đã đồng loạt phản ánh trường hợp ông Nguyễn Chí Hiến, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Phú Yên đã ký một quyết định được coi là kịp thời tháo gỡ khó khăn cho địa phương nhưng đã bị khởi tố, bị bắt giam nhiều tháng nay. Đáng chú ý là chủ trương, quyết định ấy trước đó đã được ông Huỳnh Tấn Việt, Bí thư Tỉnh ủy thay mặt Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên ký cùng văn bản đồng thuận của HĐND tỉnh Phú Yên do ông Võ Minh Thức, Phó chủ tịch HĐND tỉnh ký. Điều trớ trêu là những lãnh đạo đề ra chủ trương ấy nay được thăng cấp to hơn còn người ký thì chịu nạn!

Vậy phải có cơ chế, cách làm nào cụ thể gì để lãnh đạo các địa phương tự tin và vững tâm hơn khi mình dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám mạnh dạn đổi mới vì mục tiêu phát triển KTXH của địa phương?

- Chúng ta vừa đụng chạm đến một trong các căn “bệnh tâm can”: “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”.

Phương thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” chưa có trong thực tiễn lịch sử nhân loại cho đến khi chính quyền Xô Viết ra đời. Nhưng ngay cả trong các nước có mô hình kiểu chính quyền Xô Viết thì phương thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” được diễn giải và thực hiện rất khác nhau, xin chưa bàn ở đây vì rất rộng lớn.

Về mặt logic, “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” thì “tập thể lãnh đạo” và “cá nhân phụ trách” đều phải chịu trách nhiệm cho hành động lãnh đạo và hành động phụ trách. Không thể có "tập thể lãnh đạo” luôn đúng. “Tập thể lãnh đạo” sai thì “cá nhân phụ trách” không thể đúng. Cho nên trách nhiệm của “tập thể lãnh đạo” lớn hơn trách nhiệm” của “cá nhân phụ trách”.

Trong trường hợp cụ thể của Phú Yên mà nhà báo đề cập, trách nhiệm là của cả Ban thường vụ Tỉnh uỷ Phú Yên mà trách nhiệm lớn nhất là của Bí thư Tỉnh uỷ.

Thực tiễn cho thấy cụm từ “tập thể lãnh đạo” là chiếc áo giáp che chắn trách nhiệm. Đã là “tập thể” thì trách nhiệm không thuộc về ai cả, không kỷ luật được ai cả.

Cũng giống như tài sản thuộc “sở hữu tập thể” - chỉ đưa đến mỗi ngày thêm thất thoát tài sản, thì “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” là lý do chối bỏ trách nhiệm của các thành viên đứng trong “tập thể lãnh đạo”.

Từ đó rút ra kết luận: Muốn khuyến khích cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, muốn bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm thì phải thay đổi phương thức “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách” thành “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm”.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” là khoa học, công bằng, tuân theo logic tự nhiên, tuân theo luật nhân quả của xã hội loài người.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” phải được thực thi khắp mọi nơi, ở mọi thứ bậc, từ địa phương cho đến trung ương.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” sẽ dẫn đến một thay đổi căn bản và toàn diện về cấu trúc của bộ máy quản lý quốc gia. Trong đó, lãnh đạo địa phương - xã huyện, tỉnh huyện, - chỉ có người đứng đầu duy nhất phải chịu trách nhiệm.

Công tác kiểm tra, giám sát phải kịp thời phát hiện nhân tố mới, tích cực để phát huy, phải bảo vệ cái đúng, bảo vệ người tốt, cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đột phá vì lợi ích chung; phải chủ động phát hiện sớm để phòng ngừa, ngăn chặn, khắc phục khuyết điểm, vi phạm của tổ chức đảng và đảng viên ngay từ khi còn mới manh nha, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành sai phạm lớn, kéo dài và lan rộng. Khi các vụ việc vi phạm được phát hiện, phải cương quyết xử lý kỷ luật nghiêm minh, kịp thời để răn đe và giáo dục”, trích Quy định số 22 về công tác kiểm tra, giám sát và kỷ luật của Đảng.

Xác định đúng đối tượng chịu trách nhiệm

“Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” được giải thích như sau:

“Trong quá trình thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao, xuất phát từ yêu cầu, đòi hỏi cấp thiết của thực tiễn, khuyến khích cán bộ có tư duy sáng tạo, cách làm đột phá, tháo gỡ, giải quyết những điểm nghẽn, nút thắt trong cơ chế, chính sách, tập trung vào những vấn đề chưa được quy định hoặc đã có quy định nhưng không phù hợp với thực tiễn, mang lại giá trị, hiệu quả thiết thực, tạo được chuyển biến mạnh mẽ, đóng góp tích cực vào sự phát triển chung.

Đề xuất đổi mới, sáng tạo của cán bộ phải báo cáo với người đứng đầu cấp uỷ, chính quyền, cơ quan, đơn vị nơi công tác; được cơ quan có thẩm quyền xem xét, quyết định cho thực hiện hoặc thực hiện thí điểm, bảo đảm không trái với Hiến pháp và Điều lệ Đảng. Các cấp uỷ, tổ chức đảng, người đứng đầu, tập thể lãnh đạo cơ quan, đơn vị quan tâm hỗ trợ nguồn lực, tạo điều kiện thuận lợi để cán bộ triển khai thực hiện.

Khi cán bộ thực hiện thí điểm mà kết quả không đạt hoặc chỉ đạt được một phần mục tiêu đề ra hoặc gặp rủi ro, xảy ra thiệt hại thì cấp có thẩm quyền phải kịp thời xác định rõ nguyên nhân khách quan, chủ quan, đánh giá công tâm để xem xét, xử lý phù hợp, nếu thực hiện đúng chủ trương, có động cơ trong sáng, vì lợi ích chung thì được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm".

Việc khuyến khích cán bộ năng động sáng tạo là đúng. Việc “xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm" là cho người đề xuất và phụ trách triển khai là đúng. Nhưng đã bỏ sót trách nhiệm của người đứng đầu đã duyệt chủ trương.

Rõ ràng, khi ai đó đề xuất mà đã được cấp trên chấp nhận thì đó là chủ trương của cấp trên rồi chứ không còn là của cá nhân đề xuất. Khi thực thi, không đạt hiệu quả, hay chỉ đạt một phần hiệu quả, thì người đứng đầu của cấp duyệt chủ trương phải chịu trách nhiệm lớn nhất, chứ không phải chỉ có “được xem xét miễn hoặc giảm nhẹ trách nhiệm” cho cán bộ đề xuất hay phụ trách.

Một người chỉ huy, khi tấn công theo phương án đề xuất của một cấp dưới, thì người chỉ huy phải hoàn toàn chịu trách nhiệm của quyết định đó, chứ không thể đổ lỗi cho cấp dưới đề xuất.

Chỉ khi người đứng đầu cấp duyệt chủ trương phải chịu trách nhiệm cao nhất cho mọi chủ trương đã tự duyệt thì tính đúng đắn của chủ trương mới được coi trọng và hiệu quả của chủ trương mới được nâng cao. Đó là điểm mấu chốt của phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm”.

Từ trước đến nay, thực tiễn cho thấy, cấp trên duyệt chủ trương không chịu trách nhiệm cho chủ trương đã duyệt, mà chuyển lỗi cho cấp dưới đề xuất và phụ trách. Đó là tai hoạ.

“Phải chuyển từ ‘Tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách’ thành ‘Ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm’” ảnh 3

"Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” phải được thực thi khắp mọi nơi, ở mọi thứ bậc, từ địa phương cho đến trung ương"- TS Nguyễn Ngọc Chu.

Phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” sẽ dẫn đến một thay đổ căn bản và toàn diện về cấu trúc của bộ máy quản trị quốc gia. Trong đó, lãnh đạo địa phương - xã huyện, tỉnh, hay bất cứ cấp nào, thì người đứng đầu phải chịu trách nhiệm lớn nhất cho mọi chủ trương và quyết định thông qua, chứ không chỉ tập thể thông qua cũng như cá nhân phụ trách phải chịu trách nhiệm.

Còn những biện pháp khác nữa có thể giúp cho “Chủ trương khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” của Kết luận số 14-KL/TW được thêm phần hiệu quả khi triển khai trong thực tiễn. Nhưng trong khuôn khổ bài viết này chỉ đề cập đến phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm”. Để thực thi phương thức “ai lãnh đạo người đó chịu trách nhiệm” cần có bậc cái thế. Cái thế ở chỗ chính mình tự đứng ra gánh chịu trách nhiệm trước pháp luật - mà không đổ lỗi cho bất cứ tập thể, cá nhân, hay bộ máy nào.

Xin cảm ơn Tiến sĩ về cuộc trao đổi thẳng thắn này. Nhưng thưa Tiến sĩ, cuộc trao đổi lần này không chỉ dừng ở chuyện dám làm... dám này khác ở một địa phương như Phú Yên mà còn nhiều tỉnh thành khác đương có những việc khó nói tương tự. Nhất là thời điểm dịch COVID-19 đang hoành hành và mới rồi Chính phủ đã có những quyết sách rất mới về việc vừa dập dịch vừa đảm bảo an sinh và phát triển kinh tế. Nói tóm lại là phải sống chung với dịch.

Thưa ông, trong tình hình như vậy, hơn bao giờ hết trách nhiệm dồn lên vai các lãnh đạo, phụ trách địa phương hết sức nặng nề. Cá nhân, địa phương, Bộ ngành nào dám nghĩ dám làm dám có quyết tâm và cách làm sáng tạo vượt thoát, tháo gỡ khó khăn mà không ngại, không sợ "bị bung bị toang" và nhỡn tiền trong tầm ngắm của những khiển trách dị nghị, sợ bị kiểm điểm mất chức này khác?

Xin cảm ơn Tiến sĩ và chúng ta sẽ sớm ngồi lại với nhau!

N.N.C.

Nguồn: viettimes.vn

THƯ GỬI LÃNH ĐẠO ĐẢNG. CHÍNH PHỦ, QUỐC HỘI
NGUYỄN MẠNH CAN/ BVN 29/9/2021
Hà Nội, ngày 29 tháng 9 năm 2021

Kính gửi: Các vị Lãnh đạo Đảng, Chính phủ, Quốc hội
Tôi là Nguyễn Mạnh Can, nguyên Phó Trưởng ban Tổ chức TW, muốn nói về vấn đề “Vết nhọ”. Sinh thời Bác Hồ đã nhắc: “Nếu có vết nhọ,… ở trong óc, ở tinh thần, mà không nói cho người ta sửa tức là hại người ta”. Nhưng nếu “Người ta” không chịu sửa thì sao? Thì “Vết nhọ” sẽ càng lớn, làm biến dạng mặt mũi khiến ai cũng ghê sợ và người Dân “Xa Đảng, nhạt Chính trị” như Tổng Bí thư Đảng Cộng sản đã phải nhắc đến.
“Vết nhọ” này là Tham nhũng Chính trị, nó tước đoạt Đường lối, Cơ hội phát triển của Cá nhân, Cộng đồng, Tổ chức, Dân tộc; Nó sinh ra Tham nhũng Quyền lực tức cưỡng đoạt, mua bán trái phép danh hiệu, bằng cấp, chức vụ và Tham nhũng Kinh tế, tức cưỡng đoạt, mua bán trái phép đất đai, tài sản. Kiên định“Vết nhọ” này biến chống Tham nhũng thành Thúc đẩy tham nhũng, giúp Tham nhũng tác quái ngay ở nơi chống Tham nhũng.
“Vết nhọ” này ngày càng lớn khi người có quyền lực cao nhất lệ thuộc tư tưởng Cộng sản và Mô hình kiểu Liên Xô. Điều này khiến Bác Hồ phải tự bảo vệ bằng cách viết trên đầu Di chúc - Bảo vật Quốc gia bốn chữ “Tuyệt đối bí mật”, và việc về với Trời đất, Tổ tiên thì viết “Đi gặp cụ Các Mác, cụ Lênin”. “Vết nhọ” này khiến người Dân 20 năm liền cúng Bác Hồ sai ngày giỗ và chỉ được đọc một bản Di chúc bị cắt xén có chủ đích.
“Vết nhọ” này lên cấp độ mới vào năm 1976, khi không chỉ cắt xén, bóp méo, phủ nhận “Việc riêng” của Bác Hồ, mà vị Tổng Bí thư Đảng thời đó còn cắt xén, bóp méo, phủ nhận “Việc chung” của Dân tộc, tức Sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng “Sáng kiến đổi tên” Đảng của Bác là Đảng Lao động Việt Nam thành Đảng Cộng sản Việt Nam, tên Nước của Bác là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa XHCN Việt Nam.
“Vết nhọ” này làm khổ Dân, đầu tiên là nông dân, chiếm 60% số dân. Trong Di chúc năm 1968, Chủ tịch Hồ Chí Minh đề nghị miễn thuế nông nghiệp 1 năm cho nông dân đỡ khổ, nhưng nay là năm 2021, theo Wikipedia, với giá trị sản lượng 1.000USD/ha/năm và quy mô đất nông nghiệp 0,285 ha/người, thì thu nhập nông dân Việt Nam là 1,3USD/ngày, thấp hơn cả mức rất nghèo của Ngân hàng Thế giới - WB là 1,9 USD/ngày.
“Vết nhọ” này làm khổ cả những người Lãnh đạo, đến nỗi ngày 24/9/2021, Bộ Chính trị phải ra Kết luận 14-KL/TW về “Khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, vì lợi ích chung”. Điều này làm người được bảo vệ cũng đau xót, chế độ gì mà không kêu gọi người Dân sống và làm việc theo Lương tri, theo Văn hóa mà chỉ “Sống và làm việc theo Pháp luật”, rồi “Cán bộ năng động, sáng tạo vì lợi ích chung” cũng phải “Bảo vệ”.
Tôi cho là ngoài “Soi gương”, Quý vị cần lắng nghe Dân và các bậc Hiền tài nói về “Vết nhọ”. Xin gửi cuốn “Quốc gia trong Kỷ nguyên Kết nối Văn hóa” Tập 1 có tên “Không phải “Đấu tranh Giai cấp”, giờ đây “Kết nối Văn hóa” mới thực là động lực phát triển xã hội”; Không phải để nhắc“Chống lại những gì đã cũ kỹ, hư hỏng”, mà để Quý vị cùng Dân tộc “Tạo nên những cái mới mẻ, tốt tươi” như Bác Hồ dặn trong Di chúc.
Kính. (Đã ký) Nguyễn Mạnh Can Dự thảo lần 3 cuốn sách "QUỐC GIA TRONG KỶ NGUYÊN KẾT NỐI VĂN HÓA" - tái bản lần 1