Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm về một số nội dung triển khai Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019- 2030 (Đề án 89).
Theo đó, dự kiến trong 10 năm tới cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Có 3 hình thức cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ là đào tạo chính quy toàn thời gian ở Việt Nam; đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; đào tạo phối hợp một phần thời gian ở Việt Nam và một phần thời gian ở nước ngoài.
Các trường đại học cần có trách nhiệm quản lý và cấp phát học bổng của Đề án 89 tới người được cử đi đào tạo, đồng thời, có trách nhiệm thu hồi học bổng của Đề án khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định.
Không thể đòi hỏi các Đề án có sai số bằng 0
Xoay quanh câu chuyện cử giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nhận định:
“Đầu tư vào đội ngũ giảng viên, đầu tư vào giáo dục đại học nghĩa là chúng ta đang đầu tư vào hệ thống giáo dục nói chung, điều này rất quan trọng. Xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn, đánh giá khách quan, sòng phẳng về hiệu quả của những đề án này”.
 |
Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, đầu tư đào tạo đội ngũ giảng viên, đầu tư cho giáo dục đại học là vô cùng quan trọng (Ảnh: Tiến sĩ Phạm Hiệp cung cấp) |
Từ những đề án đào tạo tiến sĩ trước đây như Đề án 322 và Đề án 911, nhiều ý kiến lo ngại rằng, sẽ ra sao khi những người được cử đi học tiến sĩ ở nước ngoài không trở về hoặc không còn công tác tại đơn vị cũ?
Cụ thể như Đề án 322, theo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian thực hiện Đề án này, cả nước gửi đi đào tạo 4.590 người, trong đó, có 2.268 người đi học trình độ tiến sĩ. Số lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước là 3.017 người gồm 1.074 tiến sĩ, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên đại học với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng.
Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, bất kỳ đề án nào cũng có những sai số, chúng ta không thể đòi hỏi đề án có sai số bằng 0. Sẽ có những trường hợp không như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, cần xem xét con số chênh lệch đó là bao nhiêu, có nằm trong khoảng sai số cho phép hay không.
Bên cạnh đó, trong số lượng phản ánh những người được cử đi học nhưng không trở về, phải xem xét những trường hợp cụ thể.
“Ví dụ có người chưa trở về khi kết thúc đề án, họ ở lại 5 năm rồi mới trở về thì không thể nói là không đạt mục tiêu của dự án được. Học xong tiến sĩ chưa phải là điểm dừng trong hành trình nghiên cứu, họ có thể có một nhu cầu chính đáng là có cơ hội học tập, nghiên cứu mới ở trình độ cao hơn tiến sĩ, chính vì vậy, phải làm rõ con số không về nước là như thế nào, như vậy mới biết được con số đó đáng báo động hay không?
Ngược lại, nếu đánh giá công bằng thì thực tế đã có rất nhiều sản phẩm của Đề án 911 và Đề án 322 hiện nay đang là lực lượng chủ chốt của nhiều trường đại học, gắn với những vị trí quan trọng như trưởng phòng, trưởng khoa, và là những giảng viên có trình độ cao ở các trường.
Và nếu cách đây 10, 20 năm, không cử giảng viên học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài thì liệu rằng, giáo dục đại học của chúng ta có thể phát triển như hiện nay? Tại sao khi đánh giá, chúng ta không nhìn nhận đến những khía cạnh này”? Tiến sĩ Hiệp nêu quan điểm.
Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, trong đào tạo sư phạm những năm qua, ngân sách nhà nước cung cấp cho các trường sư phạm, nhờ đó, sinh viên sư phạm được miễn học phí. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, số lượng cử nhân sư phạm không làm giáo viên, không công tác trong ngành giáo dục cũng rất nhiều.
Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những ngành nghề khác mà tại đó, Nhà nước đầu tư nhưng sinh viên ra trường không làm đúng ngành đã học. Nhưng không thấy ai nêu ý kiến cả.
Những câu chuyện đó để thấy rằng chúng ta cần nhìn nhận lại và đánh giá công bằng hơn. Việc đầu tư cho giáo dục đại học là rất cấp thiết, đào tạo đội ngũ giảng viên là rất quan trọng vì đây là đối tượng cần được ưu tiên để nâng cao chất lượng của cả hệ thống giáo dục.
Và tất nhiên, sẽ phải có những quy định để kiểm soát và thực hiện thành công những chương trình này. Bản thân Đề án 89 cũng đã có cách tiếp cận mới hướng đến những mục tiêu trên.
Trách nhiệm của nhà trường như thế nào?
Theo quan điểm của Tiến sĩ Phạm Hiệp, việc để trường đại học chịu trách nhiệm triển khai là một hướng hướng tiếp cận mới, một phương án đúng và trúng của Đề án 89.
Cách làm này ngoài nhằm nâng cao tính tự chủ của trường đại học còn giúp quá trình thực hiện, điều hành, quản lý hiệu quả hơn.
Theo đó, thực hiện Đề án 89, người học phải chịu trách nhiệm với nhà trường, nhà trường phải chịu trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với những trường hợp được cử đi học nhưng không trở về, không thực hiện đúng quy định thì trường đại học phải có trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm bồi hoàn kinh phí.
Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng: "Khi người học vi phạm quy định, hoàn thành chương trình học tập nhưng không trở về, không công tác và làm việc tại đơn vị cũ thì đây là một vấn đề dân sự.
Vì vậy, nhà trường và người học phải làm việc theo đúng nguyên tắc dân sự, chúng ta đã có khung pháp lý cho việc này, thậm chí nhà trường có thể kiện người được cử đi học nhưng không trở về ra tòa khi vi phạm.
Ngoài ra, nhà trường có thể có những phương án, cách làm sáng tạo để đảm bảo người học trở về làm việc và thực hiện đề án đúng mục tiêu ban đầu.
Ví dụ, trường có thể cử 1 nhóm gồm 5 người đi học Tiến sĩ ở nước ngoài. 5 người này phải chịu trách nhiệm lẫn nhau, ví dụ 1 người không trở về thì 4 người còn lại phải chịu trách nhiệm với nhà trường. Mỗi trường sẽ có những sáng kiến, cách thức triển khai để người học thực hiện đúng trách nhiệm của mình, để mục tiêu đề ra thực hiện thành công.
Chính trường đại học cũng phải giải trình phương án của mình với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương án nào hợp lý sẽ được Bộ cấp tiền hỗ trợ, phương án nào không khả thi, không hiệu quả thì sẽ không được thông qua".
Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng cho rằng, ngoài học phần nước ngoài, Đề án 89 còn có học phần trong nước. Học phần trong nước cũng cần được coi trọng và có trọng số tương đương như học phần nước ngoài, cần phải có những suất học bổng lớn cho người học.
Bàn thêm về trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện Đề án 89, Tiến sĩ Hiệp cho rằng không nên quá chú trọng vào việc bồi hoàn học bổng. Đây chỉ là một phương án, tuy nhiên, bồi hoàn bao nhiêu và bồi hoàn như thế nào lại là một vấn đề cần phải xem xét trong những trường hợp cụ thể.
Phải đảm bảo kiểm soát và giúp đề án đi đúng hướng nhưng không nên có những quy định cứng nhắc, quá khắt khe.
"Ví dụ, sau khi hoàn thành chương trình học tập, chúng ta cho phép người học có một khoảng thời gian nhất định ở lại nước ngoài, trong trường hợp họ xin được một học bổng tốt và tiếp tục ở lại học tập, nghiên cứu đúng hướng ban đầu.
Khi người học trở về, họ chuyển sang tư nhân hay cơ sở khác làm việc là không đúng với cam kết ban đầu. Tuy nhiên, nếu là sự dịch chuyển giữa các trường đại học với nhau, kể cả từ trường công sang trường tư thì câu chuyện này rất bình thường, vì họ vẫn đóng góp cho hệ thống giáo dục đại học của đất nước, không nên xem điều đó là không đúng mục tiêu.
Nếu một người chuyển công tác thì trường đại học tiếp nhận nên trả cho trường có đối tượng chuyển đi một khoản phí quản lý, điều này là hoàn toàn có thể, tương tự như thị trường cầu thủ bóng đá vậy.
Phải kiểm soát và không thể buông lỏng hoàn toàn nhưng đừng nghĩ bồi hoàn là cách duy nhất để đảm bảo đề án thành công, xã hội cần cởi mở hơn trong cách nhìn nhận đánh giá, cách thức triển khai đề án phải linh hoạt, sáng tạo để đảm bảo những mục tiêu quan trọng ban đầu", Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ.
Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là quan trọng và cần thiết. Nếu không đầu tư về nhân lực, đội ngũ giảng viên thì chúng ta sẽ không thể giữ chân người tài ở lại trong ngành, nền giáo dục không thể phát triển. Và những kỳ vọng về đổi mới, phát triển kinh tế, hiện đại hóa đất nước cũng không thể thực hiện.
Phạm Minh
ĐỪNG ĐỂ CHƯƠNG TRÌNH ĐÀO TẠO TIẾN SĨ THÀNH 'BÒN NƠI KHỐ RÁCH, ĐÃI NƠI QUẦN HỒNG'
THÙY LINH/ GDVN 21-5-2021
Rút kinh nghiệm từ Đề án 322 và Đề án 911 trước đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đang làm dự thảo thông tư hướng dẫn triển khai đào tạo trình độ tiến sĩ, thạc sĩ bằng nguồn ngân sách nhà nước năm 2021 và 2022 theo Quyết định số 89/QĐ-TTg ngày 18/1/2019 của Thủ tướng Chính phủ (gọi tắt Đề án 89), với nhiều điểm thay đổi đáng kể, trên tinh thần phát huy tính tự chủ của các cơ sở đào tạo đại học.
Dự thảo cho phép các trường căn cứ vào các tiêu chí về chuyên môn và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo và các bộ liên quan sẽ tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo (với 3% đào tạo trong nước) trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa Nhà nước và cơ sở đào tạo cử giảng viên tham gia Đề án 89, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ứng viên thụ hưởng đề án.
Các trường sẽ tuyển chọn giảng viên để đưa đi đào tạo, quản lý kinh phí, theo dõi quá trình đào tạo cho tới việc sử dụng sau đào tạo và bồi hoàn kinh phí đào tạo (nếu có). Bộ Giáo dục và Đào tạo giữ vai trò hướng dẫn, kiểm tra, giám sát các trường trong quá trình thực hiện.
Đề án 911 trước đây chủ trương gửi công dân Việt Nam đi đào tạo ở nước ngoài. Đề án 322 đào tạo nguồn giảng viên cho các trường đại học được làm luận án thạc sĩ và tiến sĩ ở nước ngoài, đáp ứng cho nhu cầu đào tạo nguồn 20.000 tiến sĩ làm giảng viên cho các trường đại học.
Khác với tất cả các đề án trước, Đề án 89 cho phép được hỗ trợ nghiên cứu sinh hoặc đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài, hoặc liên kết với nước ngoài theo mô hình có thời gian trong nước, thời gian ở nước ngoài; hoặc cũng có thể đào tạo toàn thời gian trong nước và đối tượng là các giảng viên hoặc tạo nguồn giảng viên đại học.
Mục tiêu của Đề án 89, trong 10 năm tới cần đào tạo được khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.
Nghiên cứu dự thảo này, chia sẻ với phóng viên Tạp chí Giáo dục Việt Nam, Giáo sư Trần Đức Viên- Học viện Nông nghiệp Việt Nam khẳng định, việc cử người đi đào tạo để tăng cường tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia là cần thiết. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra là đào tạo thế nào thì có 2 vấn đề cần được làm rõ.
Trước tiên, cần tổng kết lại Đề án 322 và Đề án 911 xem bài học kinh nghiệm rút ra là gì sau 2 đề án đó, cái gì được, cái gì chưa được, nhất là các điểm hạn chế về thể chế (chính sách nhà nước và tổ chức thực hiện). Từ đó đối chiếu với mục đích tiềm lực khoa học công nghệ quốc gia đến năm 2030, năm 2045 đến đâu trên “bản đồ” khoa học thế giới, kiểm kê các nguồn lực khoa học công nghệ trong nước, từ đó xác định đào tạo cái gì, ở đâu, với ai, như thế nào?
Cụ thể là cần xác định rõ cần đào tạo bao nhiêu người, những ngành gì, đào tạo ở đâu, đối với đối tượng nào; tránh việc cứ cử đi đào tạo tiến sĩ như làm phong trào nào đó, hạn chế tối đa việc đổ tiền thuế của dân xuống sông xuống biển, nhất là trong một xã hội còn sính bằng cấp như chúng ta.
Cũng đừng để chương trình đào tạo tiến sĩ trở thành “bòn nơi khố rách đãi nơi quần hồng”; Tức là lấy ngân sách nhà nước, trong đó có tiền thuế của người nghèo, đào tạo xong thì họ “nhảy” sang Tây, làm cho nước ngoài, không “trả nợ” những người đã góp công góp của góp xương máu nuôi họ ăn học. “Tại sao người nông dân Việt Nam nghèo khó lại phải đóng góp tiền để đào tạo nhân tài cho nước ngoài”, thầy Viên nhấn mạnh.
 |
Giáo sư Trần Đức Viên – Học viện Nông nghiệp Việt Nam (ảnh: Thùy Linh) |
Hơn nữa, theo Giáo sư Trần Đức Viên, chính thực tế sử dụng, đãi ngộ cán bộ khoa học công nghệ của Việt Nam hiện tại sẽ là cơ sở thực tiễn để người đi du học, được cử đi đào tạo có quyết định trở về nước hay không. Điều kiện làm việc, chế độ lương bổng, cơ hội thăng tiến, thái độ trọng thị của xã hội đối với đội ngũ các nhà khoa học, đội ngũ trí thức của chúng ta hiện nay là tấm gương để người đi du học soi vào và tự rút ra bài học cho chính họ và gia đình họ.
Muốn như vậy thì cần thay đổi càng sớm càng tốt việc sử dụng và trọng dụng nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại các viện nghiên cứu, các trường đại học tương xứng với đóng góp và cống hiến của họ để mọi người muốn về, thích về chứ không phải mang hình thức xử phạt, đền bù để ép buộc, đe nẹt - đó chỉ là biện pháp hành chính mang tính “ngọn”, khiên cưỡng và hiệu quả thấp.
Nhìn từ Trung Quốc cho thấy, những năm 70, 80 của thế kỷ trước, đa số các du học sinh, nghiên cứu sinh của họ đi học nước ngoài đều ở lại, nhưng đến những năm 2000 đặc biệt là từ 2003, hàng ngàn trí thức Hoa kiều lại ào ạt về nước, vì người ta xây dựng được môi trường làm việc chuyên nghiệp, ở đó những nhà khoa học được Nhà nước trọng dụng thật sự, ở đó chỉ có năng suất khoa học quyết định sự thăng tiến chứ không còn tiêu chuẩn nào khác, tất cả đều lấy năng suất khoa học làm thước đo.
Những Thường Nga, Thần Châu, Liêu Ninh, những Type-15, J-20, J-11, HQ-9, những bước nhảy từ công xưởng sản xuất hàng giá rẻ thành siêu cường kinh tế, siêu cường quân sự, siêu cường khoa học công nghệ của Trung Quốc trong hai thập niên qua có sự đóng góp không nhỏ của đội ngũ các nhà khoa học Hoa kiều hồi hương này.
Hay như Phòng thí nghiệm Sinh học Phân tử Cambridge (MRC Laboratory of Molecular Biology) nơi tối giản các quản lý kiểu hành chính, ở đó chỉ có các nhóm nghiên cứu mạnh, ở đó các nhà khoa học có quyền lợi, trách nhiệm ngang nhau, không hề có viện trưởng, viện phó mà chỉ có người phát ngôn của các nhà khoa học, năng suất khoa học là thứ duy nhất để đo danh phận con người. Tính đến nay Viện này đã sở hữu 11 giải Nobel, nếu tính cả những người có “gốc” ở đây nhưng sau đó đã chuyển đi nơi khác thì phòng thí nghiệm nhỏ bé này đã cung cấp cho nhân loại 25 người đạt giải Nobel!
Nói như vậy để thấy môi trường học thuật chuyên nghiệp, thoải mái, hưởng lương theo năng suất lao động, đảm bảo các nhà khoa học có cuộc sống vật chất trung lưu khá trở lên, thì tự khắc xã hội đó thu hút được nhân tài. Chừng nào nhà khoa học còn mắt nhắm mắt mở với những cơm áo gạo tiền thì làm sao họ có thể dốc hết tâm huyết cho khoa học được.
Cuối cùng, thầy Viên cho rằng, cần phải áp dụng chính sách đào thải tức là nếu sau một khoảng thời gian nào đó, như sau 3-5 năm chẳng hạn, mà không có kết quả nghiên cứu khoa học nào được “trình làng” theo các chuẩn mực quốc tế, là bị đào thảo chứ không phải nhà khoa học nào đã “thi” được vào biên chế là yên tâm ở đó hưởng lương, dù là lương “sống mòn” đến suốt đời.
Đề án 89 là nâng cao năng lực cho đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý, hướng tới các mục tiêu: đào tạo trình độ tiến sĩ cho 10% giảng viên đại học (trong đó 7% là đào tạo ở nước ngoài, 3% đào tạo trong nước); đào tạo để trên 80% giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ trở lên; bồi dưỡng kỹ năng quản trị đại học cho giảng viên là cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học và bồi dưỡng một số kỹ năng như: phát triển chương trình đào tạo, ngoại ngữ, tin học, phương pháp giảng dạy… cho 100% giảng viên; có chính sách thu hút 1.500 nhà khoa học, những người có trình độ tiến sĩ về làm việc tại các cơ sở giáo dục đại học của Việt Nam. |
Thùy Linh
CÁN BỘ HỌC TIẾN SĨ NƯỚC NGOÀI LÀ TỐT, NHƯNG KHÔNG CHẶT CHẼ SẼ MẤT TIỀN, MẤT NGƯỜI
TRUNG DŨNG/ GDVN 6-6-2021
Liên quan đến việc thực hiện “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030”, hay còn gọi là Đề án 89 thì ngày 13/5 vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo có Công văn hướng dẫn, yêu cầu các trường muốn tham gia đào tạo đăng kí trước ngày 20/5, gửi danh sách ứng viên trước ngày 15/6 và Bộ sẽ thông báo danh sách trúng tuyển trước ngày 30/6/2021.
Đề án thu hút được nhiều sự quan tâm của dư luận. Nhiều ý kiến băn khoăn, liệu rằng sắp tới đây khi Đề án đưa vào triển khai thì các trường sẽ có những phương án triển khai như thế nào, có vướng mắc gì không khi mà trước đây cũng đã có Đề án 322 và 911 từng thực hiện chủ trương này.
Và hơn hết, nhiều người quan tâm đến chuyện các Tiến sĩ sau khi dùng tiền ngân sách để đi học xong nhưng không quay trở về nước để tiếp tục cống hiến sẽ được các trường xử lý như thế nào, có cần thiết phải cho các giảng viên ra nước ngoài để đào tạo lên trình độ Tiến sĩ hay không.
 |
Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam. Ảnh: Thuỳ Linh |
Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về vấn đề này, Giáo sư Phạm Tất Dong - Phó chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam cho biết:
“Muốn có nguồn nhân lực giảng viên có trình độ giảng viên có trình độ cao thì một chiến lược để đào tạo họ là việc hết sức cần thiết. Và trong những cách đó thì việc chúng ta tự bỏ tiền ra để đào tạo nguồn nhân lực này là chủ động nhất mà các trường đang áp dụng.
Theo cách này thì các trường hoàn toàn có thể đào tạo ra ngành nghề theo đúng chuyên môn nghề nghiệp mà những giảng viên sau này họ cần để giảng dạy. Việc này thì lâu nay chúng ta vẫn làm chứ không phải gần đây mới áp dụng.
Tuy nhiên, vì là ngân sách của nhà nước nên cần có những quy định chặt chẽ. Muốn vậy, công tác cán bộ cần phải thật linh hoạt và tinh tế. Nếu khâu tuyển chọn nhân lực diễn ra một cách hời hợt, thiếu sâu sát, không đúng đối tượng thì việc đưa đi ra nước ngoài đào tạo chưa chắc đã đạt được những chất lượng đúng mong muốn.
Vì thế, việc cử giảng viên ra nước ngoài để học tập nâng cáo trình độ theo tôi là việc làm mang tính đúng đắn. Tuy nhiên, cơ sở giáo dục nào thực hiện việc này thì nên có một bộ phận chuyên trách để làm khâu công tác cán bộ cho thật sát sao. Từ đó mới đảm bảo cho việc đem lại thực chất sau khi những cán bộ ấy trở về.
Mình chọn ai, chọn như thế nào để họ có thể trở thành những cán bộ cốt cán cho nhà trường mới là điều quan trọng. Lựa chọn cán bộ không khéo léo, kỹ lưỡng mà họ học xong rồi ở lại luôn không quay trở về nữa thì coi như chúng ta đầu tư lỗ vốn rồi".
Thực tế, một số trường có giải pháp yêu cầu các giảng viên phải ký vào cam kết "giữ chân" trước khi lên đường ra nước ngoài đi học. Vì đã có nhiều trường hợp cán bộ được cử đi, sau khi học xong họ đã phớt lờ việc này vì có những cám dỗ hấp dẫn hơn. Nhận định về việc này, Giáo sư Dong bày tỏ: "Việc hiện nay các trường buộc phải đưa ra những ràng buộc với đội ngũ cán bộ được cử đi học nước ngoài bằng ngân sách của nhà nước cũng là điều dễ hiểu, bởi trước đây cũng nhiều trường cũng lâm vào tình trạng dở khóc, dở cười như thế này rồi.
Họ tự bỏ tiền ra để đi học thì không có chuyện gì để chúng ta cần bàn đến, nhưng đã là tiền của Nhà nước, của nhân dân bỏ ra thì cần làm sao để cần chọn ra đúng người, đúng cán bộ tin cậy, không làm uổng phí ngân sách.
Biết là làm khâu tuyển chọn cán bộ trong việc này rất khó, nhưng các trường cần chắc chắn rằng cán bộ đó học xong rồi sẽ trở về cống hiến cho nhà trường. Như vậy việc cử cán bộ học mới có được thực chất và không để lại dư luận xấu.
Tuy nhiên, nếu chúng ta mang nặng tâm lý của việc các cán bộ ấy cứ đi học rồi đi luôn, không trở về trường công tác nữa, rồi e ngại trong chuyện cử người đi học ở nước ngoài thì biết đến bao giờ chúng ta mới có đủ đội ngũ cán bộ cốt cán, có năng lực phục vụ cho các trường được.
Theo tôi, phương án ràng buộc thích hợp trong thời điểm hiện tại vẫn là việc Ban giám hiệu nhà trường nên ngồi lại với những cán bộ trước khi xác nhận họ trong danh sách cử đi. Ngoài việc nắm tâm tư thì cũng phải thẳng thắn với những giảng viên đó rằng, nếu không trở về sau khi hoàn thành khoá học thì coi như họ nằm ngoài sự đầu tư của nhà trường thì sẽ thu hồi lại cả vốn lẫn lời. Thậm chí là phạt nếu không thực hiện đúng cam kết".
Nêu nhận định tổng quan về tính khả quan của Đề án 89 lần này so với những đề án trước đây, Giáo sư Dong thẳng thắn: "Theo tôi, chủ trương thì không có gì là sai cả, vì muốn có cán bộ chất lượng thì phải đầu tư, nhưng đầu tư không chặt chẽ thì sẽ bị mất người và mất tiền là điều dễ hiểu.
Tuy nhiên, các trường cũng nên tính đến chiến lược lâu dài, đó là tương lai của môn học mà giảng viên ấy giảng dạy chứ không nên cử đi học theo dạng đại trà hoặc ở trường đã có rồi. Ví dụ: Có những môn trong nước mình chưa có, nhưng tầm nhìn trong tương lai những môn học đó sẽ là những môn học thiết yếu, cấp bách thì nên lựa chọn học nâng cao trình độ ở những môn học đó.
Trong chuyện cử đi học ở nước ngoài thì cũng đã từng có những quy định về việc ưu tiên cho những ngành, những lĩnh vực khoa học mà trong nước chưa có. Những lĩnh vực mà trong nước đã có rồi, mình có đủ điều kiện đào tạo Tiến sĩ của ngành đó rồi được thì đâu nhất thiết phải cử đi nước ngoài để học.
Chính bản thân tôi ngày trước cũng được cử đi học nước ngoài vào thời điểm đất nước còn nhiều khó khăn. Tất nhiên vào thời điểm ấy, khi đi học thì có một phần là nước ngoài họ hỗ trợ. Chúng tôi đi học với tâm lý là người nghèo đi học, nên hầu như đội ngũ được cử đi ngày ấy cũng rất chắt bóp trong chi tiêu. Với khoản chi tiêu cố định trong một tháng được cấp thì chúng tôi phải làm sao để hạn chế chi tiêu thấp hơn số đó để có thể dư ra một ít còn gửi về nước phụ giúp thêm cho gia đình.
Và tất cả chúng tôi khi được đi học nước ngoài cũng đều chung một suy nghĩ, khi đi học không chỉ được biết đây biết đó mà còn nâng cao được bằng cấp để khi về nước cũng có nhiều thuận lợi trong sự nghiệp. Ai cũng có suy nghĩ là biết ơn Đảng và Nhà nước đã tạo điều kiện. Vì thế, những người sau khi hoàn thành khoá học quay về nước, họ rất tận tuỵ và một lòng cống hiến chứ không hề có ý định làm việc ở một nơi nào đó có mức lương hấp dẫn hơn.
Được đi học nước ngoài thời điểm đó là cái gì đó vinh dự rất lớn, chúng tôi sẽ trả ơn cho việc mình được chọn đi học bằng cách trở về nước làm việc trong tâm thế hào hứng và cống hiến hết mình.
Như vậy để nói lên một điều là, ngoài đặt ra những khâu lựa chọn người kỹ lưỡng thì cũng nên có những định hướng tư tưởng cho những cán bộ đó để họ hiểu rằng họ đang được bằng chính những đồng tiền mồ hôi, xương máu của nhân dân nên khi học cần bằng cả trái tim để đưa những kiến thức đó trở về phụng sự cho đất nước".
Trung Dũng
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét