Thứ Hai, 18 tháng 1, 2021

20210119. TẢN MẠN VỀ CÁCH 'CHƠI DÂN CHỦ' Ở NƯỚC MỸ

ĐIỂM BÁO MẠNG

CUỘC CHƠI DÂN CHỦ
NGÔ NHÂN DỤNG/ BVN 15-1-2021

Ví chế độ dân chủ như trò chơi đá banh, chắc nhiều người không đồng ý. Nhưng nhiều lúc chúng ta cũng chỉ mong các nhà chính trị cư xử với nhau như các cầu thủ đá banh: Chơi thẳng thắn. Tức là tôn trọng luật chơi. Tất nhiên, các cầu thủ cũng là những con người, nhiều lúc có những người chơi không thẳng thắn. Khi đó, vẫn phải theo một quy tắc: Tôn trọng quyết định của trọng tài. Trong những cuộc bầu cử, trọng tài là các quan tòa xét xử theo luật chơi.

Đá banh tương đối giản dị. Chỉ có 22 người quần thảo nhau trên sân cỏ. Trận đấu bầu cử ở một quốc gia có vài triệu dân đã phức tạp lắm rồi; đến hàng trăm triệu người cùng tham dự thì tha hồ rắc rối. Chúng ta đã chứng kiến cảnh tượng đó vừa xảy ra ở Mỹ. Bỏ phiếu xong rồi có người không chịu, kiện lên kiện xuống. Cho đến lúc hàng ngàn người tấn công trụ ở quốc hội, mang theo vũ khí, đến cả dây thừng để đòi treo cổ các đại biểu, thì quá loạn.

Tất nhiên ai cũng phải đau lòng khi chứng kiến những cảnh tượng xấu xa này. Nhưng cuối cùng các đại biểu tiếp tục công việc, hiến pháp được thi hành, các thủ tục dân chủ vẫn được tôn trọng.

Nhưng tại sao chế độ dân chủ lại để xảy ra những cảnh tượng như thế?

Bởi vì loài người nó như vậy. Mỗi con người không hoàn hảo. Quần chúng, tức là đám đông lại càng dễ sinh hư, sinh loạn. Khi người ta tôn trọng các quyền tự do thì những trò mị dân càng thêm cơ hội xúi giục đám đông làm bậy.

Dân chủ không bao giờ là một chế độ hoàn hảo. Con người lúc nào cũng có thể suy xét và quyết định sai lầm. Tất cả các cử tri cầm lá phiếu đều có thể lựa chọn lầm. Đó là một quyền hiến định. Dân chủ chỉ là những quy tắc cho một tập thể quyết định chung. Biết trước rằng mỗi người có ý kiến riêng và thường xung khắc với nhau. Điều hay nhất của chế độ dân chủ là các cử tri có cơ hội thay đổi, sửa chữa các sai lầm sau hai năm, bốn năm.

Một tập thể đã sống theo các thủ tục dân chủ sớm nhất trên thế giới, trước cả các thành thị Hy Lạp, là các đệ tử của Phật Thích Ca, ngay khi Phật còn tại thế. Họ đã bắt chước một vương quốc thời đó, có ông vua mỗi khi quyết định các chuyện quan trọng đều đem ra hỏi ý kiến thần dân. Hơn nữa, tăng đoàn gồm những người thuộc nhiều đẳng cấp khác nhau, muốn cho bình đẳng thì phải hỏi ý kiến tất cả mọi người.

Nhiều tăng đoàn Phật giáo ngày nay vẫn còn giữ các thủ tục “Tác Pháp Yết Ma” từ 2,500 năm trước. Mỗi lần cần một quyết định chung, có người thuyết trình vấn đề (tác bạch) rồi hỏi đại chúng có ai phản đối hay không. Có khi hỏi hai lần, bốn lần, hỏi theo hàng chục thủ tục khác nhau. Nếu tất cả đều im lặng, không ai phản đối, thì quyết định có hiệu lực. Chữ Yết Ma phiên âm chữ Phạn “karmam.” Saṅgha karmma nói đến hành động tập thể của một “săng ga,” tăng đoàn.

Quyết định tập thể theo lối đó thật là lý tưởng. Chắc chỉ có những người đi tu mới theo được. Cũng nhờ số người không đông quá; và họ rất nhiều thời giờ, có thể ngồi một chỗ cả ngày không mỏi cẳng. Nhưng ngay thời Phật còn tại thế, cũng có những quyết định chung không được tất cả đồng ý. Một người đề nghị các giới luật khắc khổ, Phật đưa ra cho tăng chúng bàn và đa số bác bỏ. Thế là có một số đệ tử đã ly khai. Hơn một ngàn năm sau, tới thế kỷ thứ 7, Thầy Huyền Trang qua Ấn Độ còn thấy những nhóm Phật tử tiếp tục tu theo các giới luật khổ hạnh này.

Nhưng xã hội loài người không phải là một nhà tu. Cho nên chế độ dân chủ chấp nhận sẽ có những lúc rất lộn xộn. Canh chừng 22 cầu thủ đá banh không cho họ làm bậy tương đối dễ. Hơn 150 triệu người đi bỏ phiếu thế nào cũng có người làm bậy!

Nghị sĩ Mitch McConnell, trưởng khối Cộng Hòa tại Thượng viện, nói sau khi tị nạn sáu giờ và trở lại phòng hội, “Tất cả các cuộc bầu cử đều xảy ra chuyện bất thường và bất hợp pháp,....” Nhưng ông không thấy có vụ gian lận nào lớn đến mức thay đổi kết quả sau cùng. Không thấy chứng cớ nào cả. Ông bỏ phiếu công nhận kết quả cuộc bỏ phiếu chứ không lạm dụng quyền quốc hội mà thay đổi. Ông nói, “Hiến pháp cho Quốc hội một quyền có giới hạn. Chúng ta không có quyền tự công bố mình là một ủy ban bầu cử thay cho cả nước.”

Hơn nữa, ông McConnell bảo, “Nếu vì bên thất cử kêu lên là có gian lận mà chúng ta lật ngược kết quả cuộc bầu cử thì chế độ dân chủ sẽ chết trong hố thẳm.” Đúng như vậy, vì từ nay sẽ không bao giờ bỏ phiếu xong mà kết quả được mọi người chấp nhận nữa! Chế độ dân chủ sẽ chết!

Đó là một cách nhìn rất thực tế. Tưởng tượng một đội banh thua trận đấu rồi phản đối, bắt trọng tài phải “tính lại,” “tìm ra” cho mình vài bàn thắng! Nếu trọng tài vâng lời thì còn gì là trò chơi đá banh nữa! Bởi vậy cuộc chơi nào cũng phải có luật lệ, và luật lệ phải được thi hành, thì chơi mới lý thú!

Chế độ Dân chủ thực ra chỉ gồm những quy tắc, luật lệ để phân chia quyền hành, coi ai có quyền sai bảo người khác. Dựa vào đó, mọi người kiềm chế lẫn nhau, khiến không ai có thể lấn áp người khác. Các luật lệ, thủ tục thay đổi tùy mỗi dân tộc, mỗi quốc gia, theo từng thời kỳ. Các thủ tục đó là căn bản cho một bản hợp đồng sống chung, chúng không bao giờ có tính chất lý tưởng hão huyền. Chỉ các chế độ độc tài, từ phát xít tới cộng sản, mới khoe khoang rằng họ có thể thiết lập những xã hội lý tưởng, nếu họ được độc quyền quyết định. Đúng là ba xạo!

Người Mỹ nổi tiếng là thực tế, không mơ mộng, lý tưởng. Sau hơn hai trăm năm sống với các thủ tục dân chủ để bảo vệ tự do, người ta vẫn không coi đó là những gì thiêng liêng, thần thánh. Có khi họ quyết định kết quả bầu cử bằng cách rút thăm hay trò chơi sấp ngửa! Miễn cho xong việc thì thôi, miễn giữ được đạo công bằng. Bày vẽ thêm làm gì cho rách việc! Xin kể mấy câu chuyện bầu cử ở Mỹ để quý vị đọc và thư dãn.

Trước ngày trụ sở quốc hội Mỹ bị tấn công tuần trước, ở thị xã Dickinson, gần thành phố Houston, Texas, một cuộc chơi dân chủ đã chọn người làm xã trưởng. Trong tháng 12 vừa qua, 21,000 dân xã Dickinson đi bỏ phiếu. Hai ứng cử viên Sean Skipworth và Jennifer Lawrence đều được 1,010 phiếu. Đếm lại lần nữa, kết quả không thay đổi.

Ngày 9 tháng Giêng, 2021, dân chúng được mời tới tòa thị sảnh. Bà thị trưởng mãn nhiệm Julie Masters cho mỗi ứng cử viên một trái banh chơi bóng bàn. Mỗi người viết tên mình vào quả bóng Ping-Pong. Bà Masters đưa cho mọi người coi một cái nón cao mà bà mới mua ở tiệm buổi sáng hôm đó. Cái nón hoàn toàn trống rỗng. Hai ứng cử viên bỏ trái banh của mình vào trong nón. Ông xã trưởng một xã gần đó được mời đứng ra rút một trái banh. Ông đọc tên: Sean Skipworth.

Ông Skipworth đắc cử; ôm hôn vợ con rồi quay sang ôm vai bà Lawrence. Bà Lawrence nói bà đã linh cảm mình sẽ thua nhưng rất mừng là chấm dứt được 10 tháng tranh cử vất vả. Bà tuyên bố: “Tôi rất kính trọng Sean. Đây không phải là chuyện tôi thắng hay ông ấy thắng.” Ông Skipworth ca ngợi tinh thần hòa nhã của bà khi chấp nhận thua cuộc.

Đây là óc thực dụng của người Mỹ. Tại sao phải tốn công, tốn tiền tổ chức bỏ phiếu lại lần nữa, trong khi chỉ cần thẩy một viên “xí ngầu” rồi kết quả thế nào cũng sẽ bắt tay nhau?

Năm 2018, ở xã Hoxie, 2,700 dân, Tiểu bang Arkansas, cuộc tranh cử đã kết thúc bằng hai viên xúc xắc 6 mặt. Ba ứng cử viên giành nhau chức xã trưởng ngày 6 tháng 11. Không ai đạt được đa số 694 lá phiếu. Dân bỏ phiếu lần nữa, chọn giữa hai người nhiều phiếu nhất là ông Cliff Farmer và bà Becky Linebaugh, đương kim xã trưởng. Kết quả: Mỗi người được đúng 223 phiếu. Phải quyết định theo lối may rủi. Bà Linebaugh đề nghị gieo một đồng tiền. Ông Farmer muốn mỗi người rút một quân bài. Muốn cho công bằng, người ta chọn thảy xí ngầu 6 mặt.

Cuối cùng, trước mặt dân chúng đến coi, mỗi ứng cử viên được phát một viên xí ngầu. Ông Farmer gieo xuống, được số 4. Bà Linebaugh tung ra số 6, thế là đắc cử. Ông Farmer bắt tay chúc mừng bà xã trưởng!

Bà vợ ông Farmer kể rằng trước ngày bỏ phiếu, ông chồng đã dặn kỹ: “Em nhớ đi bỏ phiếu nghe! Nếu anh thua chỉ vì một lá phiếu, là lỗi của em đó!” Bà đã làm đúng lời chồng yêu cầu. Nhưng chính ông Farmer đã lỡ bộ. Ông đã lái xe đưa vợ con đi Florida chơi, thăm Disney World. Mọi chi phí ăn, ở, giải trí trong chuyến đi được công ty Barton’s Lumber trả, để thưởng cho một “nhân viên xuất sắc” do các bạn đồng sự bầu chọn.

Trước khi đi ông đã đến bỏ phiếu sớm, nhưng ông đến phòng phiếu hơi trễ, không biết rằng người ta đóng cửa sớm hơn cuộc bỏ phiếu đợt đầu. Hôm bỏ phiếu đợt nhì, ngày 4 tháng 12 ông lái xe về hơi trễ. Còn 30 phút đến nhà. thì ông đã nghe tuyên bố kết quả 223-223. Thế là đành cho số phận may rủi quyết định.

Một cuộc bỏ phiếu bầu nghị viện Tiểu bang Virginia cuối năm 2017 sau đó cũng được quyết định bằng cách rút thăm. Ông Shelly Simonds, Dân chủ lúc đầu hơn ứng cử viên Cộng Hòa David Yancey một phiếu. Vào tháng Giêng năm 2018, quan tòa bác bỏ một lá phiếu bầu cho ông Simonds vì cử tri đã bôi đen vào cả hai cái ô bên cạnh tên của cả hai ứng cử viên, chỗ của ông Simonds có thêm một vết gạch, không biết ý kiến thế nào. Thế là mỗi người được đúng 11,608 phiếu. Khi rút thăm, ông Yancey rút ra cái thăm dài hơn, được tái đắc cử.

Chọn người lãnh đạo bằng trò chơi may rủi, không thể nào coi đó là một thể thức lý tưởng! Trong nước Mỹ có 27 tiểu bang chấp nhận kết quả bầu cử có thể quyết định bằng cách rút thăm, gieo một đồng tiền, hay một viên xúc xắc. Đó vẫn là một quy tắc công bằng, không kỳ thị ai hết. Ngay ở Athens, Hy Lạp, ngày xưa, người ta cũng nhiều lần chọn người đắc cử bằng phương pháp may rủi! Miễn mọi người đồng ý, chấp nhận luật chơi, và chấp nhận kết quả. Không ai tố cáo người kia gian lận. Không ai hô hào những người ủng hộ mình biểu tình gây áp lực. Đúng là dân chủ thật!

Vũ Quang Việt: Nhân ý kiến anh Ngô Nhân Dụng tôi xin nói thêm một chút về sự kiện cụ thể ngày 6/1 tại Điện Capitol, vừa đúng với bài tổng kết “cuộc chơi dân chủ” lý thú của anh lại vừa có chỗ hơi đặc biệt, nó càng nói lên sức bền của nền dân chủ Mỹ sau mấy trăm năm.

Vào ngày hôm ấy, như thông lệ, việc Quốc hội Mỹ họp lại là để đếm kết quả bầu cử của các bang. Kết quả này đã được:

· Ủy ban bầu cử địa phương và Ủy ban bầu cử ở bang chứng thực, 

· Đảng thắng cử bang cử đại cử tri và đại cử trị bầu, 

· Kết quả này được Thống đốc bang chứng thực và gửi về Washington.

Những người chứng thực ở bang chỉ chứng thực sau khi mọi kiện tụng về kết quả bầu cử đã được được giải quyết qua việc tòa án bang hoặc liên bang bác bỏ hoặc đã được giải quyết qua việc đếm phiếu lại khi có chứng cứ tạo nghi ngờ. 

Trong cuộc họp kiểm phiếu cuối cùng ở Quốc hội Mỹ, Phó Tổng thống thường chỉ làm việc điều hành mở và đếm phiếu của các bang, chứ không có quyền bác bỏ kết quả bỏ phiếu của bất cứ bang nào, Quốc hội không có quyền tước bỏ lá phiếu của dân chúng ở bang. Tại sao có cuộc họp ở Quốc hội Mỹ để đếm phiếu như thế? Các nhà lập quốc Mỹ làm thế chỉ để nhằm giải quyết những trường hợp đặc biệt, thí dụ như số phiếu đại cử tri ngang nhau thì Quốc hội được quyền bầu... Tuy thế,  Quốc hội cũng đã để một số dân biểu nêu nghi ngờ, và việc này cũng đã từng xảy ra trước đây nhưng đề nghị điều tra thêm của họ đã bị bác bỏ ngay trong cuộc họp.

Tuy nhiên, điều mọi chúng ta đều biết là trước cuộc họp của Quốc hội Mỹ lần này, Tổng thống Trump đã làm nhiều trò nhằm thay đổi kết quả bầu cử, phía dưới chỉ đơn cử 2 hành động cận kề nhất:

- Gọi điện thoại cho Thống đốc,  Secretary of State  và Công tố viên Liên bang  đặt ở bang Georgia (họ đều là đảng viên Cộng hòa), áp lực (kể cả đe dọa)  để họ thay đổi kết quả bầu cử ở bang bằng cách họp Quốc hội bang bác kết quả bầu cử, hoặc tuyên bố tìm ra  12 ngàn phiếu gian lận đủ để tuyên bố Trump thắng cử. Bang ở miền Nam này lần đầu tiên bầu cho ứng viên Dân chủ đắc cử Tổng Thống. Cuộc gọi điện thoại lần thứ 3 có mặt cả luật sư của Trump, được thu băng, với lời quan chức bang bác bỏ yêu cầu không đúng luật của Trump nên Trump không thể chối. Cũng nên nhớ là trước đó bang Georgia do bị áp lực đã đếm phiếu 3 lần kể cả bằng tay để kiểm chứng nhưng kết quả không thay đổi.  Thế nhưng đàn em của Trump trong cuộc họp lưỡng viện thông qua kết quả bầu cử (sau bạo loạn) vẫn yêu cầu Quốc hội bác kết quả bầu cử ở bang Georgia.

- Yêu cầu Phó tổng thống Pence bác bỏ kết quả bầu cử và tuyên bố Trump thắng cử; Pence đã trả lời là không có quyền này, nhưng Trump đã tích cực xách động người ủng hộ tới Quốc hội để áp lực Pence và Quốc hội đảo ngược kết quả bầu cử vì coi mình là người thắng cử và cuộc bầu cử vừa qua bị đánh cắp.

Và việc người từ các nơi phá hàng rào, đẩy lui cảnh sát, xông vào vùng cấm chung quanh khu nhà Quốc hội, rồi tiếp đó đập cửa vào trong nhà Quốc hội, rồi vào phòng dân biểu, đánh cắp tài liệu, phá cửa vào phòng họp, chiếm lĩnh, đẩy dân biểu bỏ chạy. Tất cả hành động này xảy ra sau khi đoàn biểu tình tụ tập trước Nhà Trắng nghe Trump khích động đi tới nhà Quốc hội để đòi hỏi tuyên bố Trump là Tổng thống, "cứu đất nước". Những hành động và lời nói của Trump có phải là hành vi phạm pháp hay không sẽ được xem xét và xét xử trong cuộc xử tội sắp tới ở Thượng viện.

Nhận định riêng của tôi là:

- Vừa qua, có lẽ nước Mỹ đã gặp may mắn. Nếu không, chúng tôi đã trở thành công dân Cộng Hòa Củ Chuối Hoa Kỳ.

- Giả thử Pence bất chấp luật pháp nghe lời Trump tự tuyên bố Trump đắc cử thì sao?

- Giả thử đám khủng bố bỏ bom hoặc bắn chết nhiều Thượng và Hạ nghị sĩ, và những dân biểu còn lại bỏ chạy tứ tán thì nước Mỹ sẽ như thế nào?

- Giả thử nhẹ hơn là dân biểu không trở lại họp ngay đêm đó để chính thức thông qua Biden đắc cử thì sẽ như thế nào? (Có thể nói là  lãnh đạo hai Viện Quốc hội Mỹ đã có quyết định đúng đắn là trở lại họp ngay trong ngày để thông qua chính thức kết quả bầu cử).


THỦ ĐOẠN 'TIN VỊT'

JACKHAMMER NGUYỄN/ TD 15-1-2021

Tin vịt từ những người Cộng sản Việt Nam

Năm 1970, sự kiện phi thuyền Apollo 13 đổ bộ lên mặt trăng là một thành công lớn, mang lại uy tín cho nước Mỹ. Đó là điều không thể bàn cãi, tuy nhiên, để đánh bại uy tín của Washington trong cuộc chiến Việt Nam, những người cộng sản Hà Nội chọn một phương pháp rất hữu hiệu: Tin vịt.

Các cán bộ dân vận của Mặt trận Giải phóng Miền Nam, luồn lách trong các xóm lao động, nơi họ có nhiều cơ sở, thậm chí trong cộng đồng người Việt tại Cambodia, để phao tin rằng, chuyện đổ bộ lên cung trăng là chuyện bịa đặt. Một hạ sĩ quan Việt Nam Cộng hòa, hồi năm 1970-1971 sống tại Phnompenh, đã kể với tôi như vậy.

Đó là trong vùng họ không kiểm soát được, thử hãy tưởng tượng những vùng đất đã được họ “giải phóng”, thì tin vịt còn như thế nào nữa.

Chúng ta còn nghe nhiều câu chuyện như thế trong văn chương cộng sản, cả trong sách giáo khoa cho trẻ em, chẳng hạn như các binh lính Việt Nam Cộng hòa moi gan ăn sống các tù binh. Tin vịt và những câu chuyện tương tự như thế được ông Marcelino Trương, một nhà văn người Pháp gốc Việt, nói là dùng để bôi bác hình ảnh của chế độ miền Nam, đánh đồng nó với quỉ sứ (demonize).

Sau năm 1975, báo chí Cộng sản Việt Nam tiếp tục phao tin vịt để thao túng dư luận, chẳng hạn như, tin nói rằng không có đổi tiền được tung ra chỉ một ngày trước khi họ tiến hành đổi tiền.

Tin vịt chống Cộng, pro-Trump

Những tưởng tin vịt chỉ được những người cộng sản sử dụng, nhưng không, nó cũng được những người chống Cộng sử dụng, đặc biệt là những người chống Cộng nhưng pro-Trump.

Tin vịt đáng nhớ nhất của những người này là vụ Hiệp ước Thành Đô. Theo đó, vào năm 2020, Việt Nam chính thức trở thành một tỉnh của Trung Quốc do những người cộng sản đã ký hiệp ước ấy. Chúng ta đang sống trong năm 2021, nhưng rõ ràng là điều đó đã không xảy ra.

Tin vịt tiếng Việt đặc biệt được tung ra từ hải ngoại, với hai mục đích, chống Cộng và pro-Trump, và như thế phải bôi bác hình ảnh đối thủ của ông Trump là ông Biden, Đảng Dân chủ, hay bất cứ ai khác không đồng tình với Trump. Ngoài ra, còn một lý do nữa là tiền câu view từ các kênh YouTube.

Các nơi sản xuất tin vịt hải ngoại chủ yếu là từ các kênh YouTube, trong đó có cả những nhân vật tị nạn chính trị từng bị tù cộng sản. Các kênh này lại khai thác tin vịt từ các trang tin vịt của giới cực hữu Mỹ, nhưng nhiều nhất là các trang thuộc giáo phái Pháp Luân Công qua các kênh như Epoch Times Tiếng Việt; Đại Kỷ Nguyên; Trí Thức VN; Tân Đường Nhân…

Giáo phái này thoạt đầu có mục đích tốt đẹp, phục vụ tín ngưỡng, chống những chuyện tệ hại của nhà cầm quyền Trung Cộng, nhưng dần hồi các trang này đã chủ trương làm mọi cách miễn là bôi xấu được đối thủ của họ là Đảng Cộng sản Trung Quốc.

Cách này của Pháp Luân Công tương tự như cách hoạt động của Quách Văn Quý, tỷ phú Trung Quốc. Ông này sau khi đào thoát khỏi Trung Quốc với nghi vấn tham nhũng, đã thực hiện các kênh YouTube chống Bắc Kinh, bằng bất cứ loại tin nào, thật hay giả, miễn nó tấn công Bắc Kinh.

Quan niệm “cứu cánh biện minh cho phương tiện” này cũng khá tương đồng với một số nhà hoạt động chống Cộng, pro-Trump của người Việt. Trong bốn năm qua, nhất là giai đoạn hơn một năm qua, tin vịt tiếng Việt liên tục được tung ra chủ yếu liên quan đến Donald Trump và cuộc bầu cử Mỹ nhiều chưa từng thấy, ngược lại, các tin vịt tấn công vào chế độ cộng sản Hà Nội ít đi.

Có thể kể một số tin vịt động trời kiểu như: Biệt kích Mỹ đột nhập nơi có máy chủ Dominion ở Đức, bà Nancy Pelosi bị bắt, quân đội Trung Quốc xâm nhập nước Mỹ, ém quân ở bang Maine, cuộc bạo loạn ở điện Capitol là do AntiFa giật dây, có thông đồng với cảnh sát, … các tin này ủng hộ tuyên bố thắng cử của Donald Trump, mặc dù ông ta thua đối thủ khá nặng.

Ngoài ra còn có cả những tin vịt về Covid-19, chẳng hạn như nói rằng, báo chí Mỹ ngụy tạo ra dịch Covid-19, số người chết quá nhiều ở Mỹ do Covid-19 là không có thật, hay Covid-19 được chế tạo từ phòng thí nghiệm, là vũ khí vi trùng nguy hiểm, do Bắc Kinh tung ra để tiêu diệt Mỹ và cả thế giới, đủ loại tin trời ơi đất hỡi!

Những tin vịt giật gân này không những thu hút giới bình dân, không đọc báo Anh ngữ, mà còn thu hút cả giới có học, có bằng cấp luật sư, tiến sĩ cả ở Việt Nam lẫn hải ngoại.

Có một nhân vật đáng chú ý là Trung Vu, làm chủ biên cho trang Đại Kỷ Nguyên. Theo điều tra của báo chí Mỹ, như New York Times, hay Atlantic, thì Trung Vu đã sử dụng những biện pháp bất hợp lệ để kích thích trang Facebook của Đại Kỷ Nguyên. Trung Vu từng được Epoch Times giao cho việc khuếch trương Epoch Times qua phương tiện Facebook khoảng từ năm 2017.

Tuy nhiên, cuối năm 2019, Epoch Times tuyên bố, họ đã cắt đứt quan hệ với Đại Kỷ Nguyên.

Nhân vật này có thể là Vũ Đức Trung, mà một số nguồn tin tiếng Việt cho biết, là một người từng bị cộng sản Việt Nam bắt hồi năm 2011, bị kết án 3 năm tù vì thực hiện việc phát thanh về Pháp Luân Công.

Theo thông tin từ trang “Môi trường tu luyện Pháp Luân Công tại Việt Nam”, sau khi ra tù, Vũ Đức Trung đi tị nạn chính trị ở Mỹ và tiếp tục điều hành Đại Kỷ Nguyên. Trang này buộc tội Vũ Đức Trung về việc điều hành Đại Kỷ Nguyên, với việc phát tán tin vịt vô tội vạ.

Cuối tháng 12, BBC đưa tin, Đại Kỷ Nguyên từng bị Facebook gỡ bỏ hàng loạt tài khoản giả.

“Cứu cánh biện minh cho phương tiện”

Sau vụ bạo loạn ở điện Capitol ngày 6/1/2021, trong đó những người ủng hộ ông Trump được ông ta kích động tấn công Quốc hội Mỹ, gây ra cái chết của 6 người. Các công ty mạng xã hội như Facebook và Twitter đã khóa hoặc ngăn chặn các tài khoản của Trump và những người ủng hộ ông phát tán tin vịt. Những người này chạy qua mạng xã hội Parler, nơi có nhiều tin vịt tung ra từ những nhóm cực hữu, nhưng trang này cũng đã bị Amazon, Google và Apple vô hiệu hóa.

Trong số những người tham gia cuộc biểu tình ngày 6/1 dẫn đến bạo loạn, có nhiều người Việt mang theo cờ vàng ba sọc đỏ. Những người này được kích động một phần rất lớn bởi các nguồn tin vịt từ Đại Kỷ Nguyên, từ các kênh tin vịt trên YouTube, rằng bầu cử là gian lận, rằng Biden là tay sai Trung Quốc,…

Cơ quan FBI, thuộc Bộ Tư pháp Mỹ, đang thực hiện hơn 170 vụ điều tra liên quan đến vụ bạo động ngày 6/1, và theo nhận xét của một số chuyên gia về pháp lý của Mỹ, những người tham gia có thể bị những hình phạt nặng nề, dựa trên luật chống bạo loạn và ly khai của Mỹ.

Những người cộng sản dùng tin vịt trong cái gọi là “cứu cánh biện minh cho phương tiện” của họ, đã dẫn đến một xã hội Việt Nam ngày nay rệu rã ra sao, mọi người cũng đã nhìn thấy rõ. Một số những người chống CSVN có vẻ cũng không khá hơn, khi không học được bài học sai lầm từ những người cộng sản.

Trước mắt, chế độ cộng sản Hà Nội vẫn còn đó, không suy suyển qua tin vịt từ những người chống Cộng, còn họ và những độc giả của họ, lại đang sống trong một không gian ảo tưởng, đầy thuyết âm mưu hết sức nguy hiểm.

Ông Trump sẽ ra đi vào ngày 20/1/2021. Nước Mỹ rồi đây cũng sẽ được khôi phục lại những giá trị mà các tiền nhân đã tạo dựng hơn 240 năm trước, nhưng những người tham gia vụ bạo loạn ở Đồi Capitol ngày 6/1/2021, trong đó có nhiều người Mỹ gốc Việt, sẽ góp phần viết nên một trang sử đen tối nhất trong lịch sử nước Mỹ.

NTB: Tác giả J.Nguyễn cũng mắc lỗi tung 'tin vịt' trong một vài chi tiết, nhằm khái quát hóa vấn đề thiếu logic. Ví dụ: Phi thuyền Apollo 13 không thành công đáp xuống mặt trăng là một sự thật chứ không phải là "tin vịt". Theo 1 bạn đọc: Apollo 11 đáp xuống mặt trăng ngày 21 tháng 4 năm 1969, không phải Apollo 13 phóng đi ngày 11 tháng 7 năm 1970 và trở về ngày 17 tháng 7 năm 1970, KHÔNG đáp xuống mặt trăng được vì bị nổ bìng dưỡng khí. Theo một bạn đọc khác: 'Dân xóm lao động người Việt bên Cambodia mà để ý đến chuyện Apollo 13 đáp xuống mặt trăng thì phải cho là hiếm có. Ngay cả dân Việt ở Sài gòn thời đó, vì lo kiếm sống, nên ít ai theo dõi chuyện Apollo'. Những chi tiết về 'tin vịt' của người Việt hải ngoại có thể là chính xác! Dù sao TG cũng cho người đọc một chuyện tản mạn và thư giãn.

 THƯ GIÃN: ĐIỆN ĐÀM VỚI TỔNG THỐNG TRUMP

CHU MỘNG LONG/ BVN 18-1-2021

(Tặng những "nhà dân chủ" xứ Vịt)

- Alo Trump...

- Hello, you...

- Ngài có biết chuyện bầu cử Tổng thống Mỹ rất có hại đối với dân xứ Vịt không?

- Chuyện nhà tao, liên quan gì đến nhà mày?

- Sao lại không? Từ khi diễn ra bầu cử ở nhà ông, nhà của tôi diễn ra lục đục liên miên. Cả nhà tôi đang yên ấm bỗng chia làm hai phe Cộng hoà và Dân chủ rồi chiến nhau kịch liệt, điên cuồng. Đủ các trò chửi bới, nhục mạ, bôi nhọ, vu khống nhau đến tan đàn xẻ nghé.

- Vậy có cần tao gửi quân sang nhà mày để vãn hồi trật tự không?

- Theo tôi thì không cần. Tốt nhất là dẹp cái trò bầu cử dân chủ đi! Hai đảng Dân chủ và Cộng hoà nhập chung thành một đảng, tổ chức hội nghị thống nhất rồi chốt lại danh sách nhân sự là xong! Có hiểu tôi nói gì không?

- Mày nói như thằng khùng thì làm sao tao hiểu?

C.M.L.

Nguồn:  FB Chu Mộng Long

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét