Thứ Sáu, 1 tháng 1, 2021

20210102. NHỮNG NHẬN XÉT 'THẬT LÒNG' VỚI GIÁO DỤC

 ĐIỂM BÁO MẠNG

NGÀY CUỐI NĂM, NÓI VÀI ĐIỀU THẬT LÒNG VỀ GIÁO DỤC
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 31-12-2020

Trong một báo cáo do Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế OECD (Organization for Economic Cooperation and Development) công bố về xếp hạng chất lượng giáo dục toàn cầu, Việt Nam xếp thứ 12, đứng trên nhiều nước phát triển như Anh, Mỹ, Úc,…

Năm 2018, một tài liệu có tên là “Tăng trưởng thông minh hơn: Học tập và Phát triển công bằng ở Đông Á - Thái Bình Dương” của Ngân hàng thế giới (WB - World Bank) đánh giá:

“7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu của thế giới nằm ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng là ở hệ thống giáo dục của Trung Quốc và Việt Nam”.

Báo chí gần đây đăng nhiều tin bài về sự kiện tại cuộc họp của Tổ chức Bộ trưởng Giáo dục các nước Đông Nam Á (SEAMEO), đã công bố kết quả “Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học các nước Đông Nam Á (SEA PLM)” năm 2019:

“Trong 6 nước tham gia đánh giá gồm: Việt Nam, Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipine, học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu ở cả 3 năng lực được khảo sát là: Đọc hiểu, Viết, Toán học”. [1]

Trong năm 2020, 24 lượt thí sinh của Việt Nam tham dự các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực đều đoạt giải, với 9 Huy chương vàng, 8 Huy chương bạc, 5 Huy chương đồng và 2 Bằng khen.

Đáng chú ý, khi cả 4/4 thành viên đội tuyển dự thi Olympic hóa học quốc tế năm 2020 đều đoạt Huy chương vàng, xếp thứ hai trong các đội tuyển tham dự kỳ thi. [2]

(Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Ngày 03/12/2019, OECD công bố kết kết quả đánh giá học sinh quốc tế PISA 2018, Việt Nam không có tên trong danh sách 79 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia khảo sát.

Vậy phải chăng đánh giá của các tổ chức quốc tế về giáo dục Việt Nam là hoàn toàn vô tư và Việt Nam xứng đáng với khen ngợi của quốc tế?

Hầu hết các báo như Laodong.vn, Vietnamnet.vn, Nhandan.com.vn, Thanhnien.vn, Baotintuc.vn, Vietnamplus.vn, Plo.vn, Anninhthudo.vn, Thoibaotaichinhvietnam.vn,… đều đưa tin: “Học sinh tiểu học Việt Nam đứng đầu Đông Nam Á”.

Cách đưa tin này hoặc là chưa được kiểm chứng cẩn thận hoặc là bị “bệnh thành tích” khiến cho ngôn từ hơi quá đà.

Thực sự thì Việt Nam chỉ hơn 5 nước tham gia đánh giá là Lào, Campuchia, Malaysia, Myanmar, Phillipines chứ không phải toàn bộ các quốc gia Đông Nam Á.

Theo nhiều đánh giá trong nước và quốc tế, nền giáo dục của Việt Nam thua kém Singapore ở cả bậc phổ thông và đại học là không phải bàn luận.

Với Thái Lan, giáo dục phổ thông của Việt Nam có thể khá hơn nhưng giáo dục đại học kém hơn được thể hiện qua bảng xếp hạng 350 đại học hàng đầu châu Á năm 2018 của Tạp chí giáo dục Anh Times Higher Education (THE).

Theo đó, Thái Lan có 10 trường đại học được lọt vào bảng xếp hạng, Việt Nam không có đại diện nào.

Cũng trong báo cáo của WB, cơ quan này so sánh Việt Nam với ba nước thuộc ba châu lục Á, Phi và Mỹ là Ấn Độ, Peru và Ethiopia, theo đó “Ở độ tuổi lên 10, một học sinh Việt Nam trung bình có thành tích học tập tốt hơn hầu hết các học sinh tốp đầu của Ấn Độ, Peru và Ethiopia”.

Cũng nên biết GDP của Peru năm 2019 đạt khoảng 233 tỷ USD, GDP của Ethiopia năm 2019 đạt khoảng 87 tỷ USD, nhỏ hơn nhiều so với Việt Nam.

Từ năm 2005 đến gần đây Ethiopia là quốc gia luôn bị nạn đói đe dọa. Ấn Độ có thu nhập bình quân khoảng 2.000 USD vào năm 2018, trong khi con số này của Việt Nam là 2.587 USD.

Vẫn biết mọi sự so sánh đều khập khiễng song cách lựa chọn ba nước đối chiếu với Việt Nam của WB liệu có khiến chúng ta tự vui vì đạt tầm thế giới một cách xứng đáng?

Tại buổi tọa đàm về Giáo dục trong bối cảnh công nghệ số diễn ra tại Trường đại học Sài Gòn ngày 02/05/2019, một vị giáo sư cho rằng: “Nếu nói giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới thì còn có thể hiểu được, còn là một trong 10 nền giáo dục hàng đầu thế giới thì thật khó hiểu”. [3]

Nhận xét “giáo dục Việt Nam là một trong 10 nền giáo dục tệ nhất thế giới” cho thấy thực tế không phải là không có cách nhìn nhận cực đoan (của một vài cá nhân) với giáo dục nước nhà, tuy nhiên cảnh báo không phải là vô căn cứ.

Không thể phủ nhận giáo dục Việt Nam còn quá nhiều “lỗi hệ thống”.

“Lỗi hệ thống” dễ nhận diện nhất là cơ chế chủ quản, nói thẳng ra giáo dục đang là mảnh đất màu mỡ cho các nhóm lợi ích khai thác.

Một ví dụ là giáo dục đại học đang bị chia năm xẻ bảy cho các bộ, ngành, địa phương, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, doanh nghiệp,… quản lý. Các tổ chức quần chúng Phụ nữ, Thanh niên, Công đoàn,… đều có trường đại học của riêng mình.

Và một hệ lụy là chuyện xảy ra tại Đại học Tôn Đức Thắng.

Bộ Nội vụ quản lý viên chức giáo dục, Ủy ban Nhân dân cấp tỉnh quản lý ngân sách, Bộ Lao động - Thương binh - Xã hội vừa quản lý khối dạy nghề, lại cũng quản lý việc đào tạo giáo viên (Đại học sư phạm kỹ thuật),… Cuối cùng thì Bộ Giáo dục và Đào tạo trở thành cơ quan quyền rơm vạ đá.

Một “Lỗi hệ thống” không khó nhận diện song ít người mạnh dạn mô tả về bản chất là chiến lược xây dựng đội ngũ nhà giáo.

Liệu bước sang thập niên thứ ba của thế kỷ 21, tình trạng nhà giáo được tuyển chọn theo kiểu “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” có thể chấm dứt?

Ai cũng đồng ý chuyện thầy dốt thì trò dốt, trò dốt thì cả xã hội dốt thế nhưng vì sao lại để hiện trạng này tồn tại suốt mấy chục năm?

Thầy cô trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - Trung học 


Cơ sở xã Tu Mơ Rông (Kon Tum) chia sẻ câu chuyện cảm động 


góp tiền nấu cơm cho học sinh. (Ảnh: baokontum.com.vn)

Một bài báo gần đây viết:

“Để đổi mới phương pháp dạy học theo hướng lấy học sinh làm trung tâm, phát triển phẩm chất, năng lực của người học thì sự đổi mới sẽ diễn ra đồng bộ, tác động đến mọi đối tượng và cấp học, từ chương trình, sách giáo khoa, rồi cơ sở vật chất cho đến các thủ tục hành chính…

Song, năng lực, phẩm chất của đội ngũ nhà giáo – những người vừa được trao quyền tự chủ về nội dung, phương pháp giảng dạy và đánh giá học sinh… mới là linh hồn của cuộc đổi mới này”.

Câu chuyện thầy cô trường Tu Mơ Rông góp tiền nấu ăn cứu đói cho học sinh gây xúc động, ảnh: Báo Tiền Phong.

Liệu nét mặt của hai nhà giáo trong chương trình “Thay lời tri ân” chào mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tối 17/11/2020 có cho thấy bức tranh toàn cảnh về những “linh hồn của cuộc đổi mới”?

Một “lỗi hệ thống” khác là đất nước có đến hàng chục nghìn giáo sư, tiến sĩ nhưng vì sao cho đến nay chẳng thấy ai mạnh dạn nêu lên “Triết lý giáo dục của Việt Nam”.

Và phát biểu của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo về một cuộc trưng cầu dân ý về triết lý giáo dục bao giờ sẽ thực hiện hay sẽ dành cho các nhiệm kỳ kế tiếp?

Trong khi chưa tìm được triết lý giáo dục thì phải chăng hãy trả lời hai câu hỏi rất “đời thường” sau:

Thứ nhất, nền tảng của giáo dục Việt Nam là gì?

Thứ hai, mục tiêu của giáo dục Việt Nam trong thế kỷ 21 là gì?

Về câu hỏi thứ nhất, liệu có nên học Nhật Bản “Lấy giáo dục đạo đức và nhân cách làm nền tảng cơ bản”, học tập Mỹ “Lấy tự do làm nền tảng để phát triển” hoặc Singapore “Lấy đầu tư vào công nghệ và chất lượng giáo viên làm nền tảng giáo dục”?

Về câu hỏi thứ hai, người viết cho rằng giáo dục Việt Nam phải đào tạo bằng được một thế hệ công dân toàn cầu với các phẩm chất “Trí tuệ - Tự do - Sáng tạo”.

Về các phẩm chất của con người Việt Nam “Trí tuệ - Tự do - Sáng tạo” xin được đề cập trong bài viết tiếp theo.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7104

[2]http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Giao-duc/987149/24-luot-thi-sinh-viet-nam-du-thi-olympic-quoc-te-nam-2020-deu-doat-giai

[3]https://thanhnien.vn/giao-duc/noi-viet-nam-la-mot-trong-10-nen-giao-duc-hang-dau-the-gioi-thi-that-kho-hieu-1077515.html

Xuân Dương
NĂM 2021, CHỦ TỊCH HIỆP HỘI GỬI GẮM 3 KỲ VỌNG ĐỐI VỚI GIÁO DỤC ĐẠI HỌC
THÙY LINH/ GDVN 1-1-2021

Năm 2020 dù trong tình hình dịch Covid-19 phức tạp nhưng bằng sự nỗ lực cả hệ thống chính trị và ngành giáo dục đã mang lại gam màu tươi sáng cho bức tranh giáo dục nước nhà.

Bước sang năm mới 2021, nhiều người kỳ vọng giáo dục sẽ tiếp tục phát huy những thành tựu đó để công cuộc “đổi mới, căn bản và toàn diện” sớm đạt được như mong đợi.

Trong bối cảnh đó, Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có dịp lắng nghe chia sẻ của Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam.

Phóng viên: Thưa Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ông kỳ vọng gì đối với ngành giáo dục trong năm 2021?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Thực sự, tôi không dám kỳ vọng điều gì, vì đã từng kỳ vọng nhưng chưa lần nào đạt được như mong muốn. Như vậy mà vẫn cứ kỳ vọng thì chẳng khác nào mình trở thành người lãng mạn.

Thú thật, tình hình thực tế bây giờ có nhiều phức tạp, muốn thực hiện được một ý tưởng nào đó không hề đơn giản bởi khi đi vào thực tế sẽ gặp nhiều cản trở, dù có tâm huyết bao nhiêu cũng không dễ dàng gì. Nhất là đối với Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam vừa không có thực quyền lại không có phương tiện tài chính.

Thứ duy nhất Hiệp hội có là tư vấn, mà ngày nay không phải ai cũng thật sự cần tư vấn. Có thể người nói chưa đủ giỏi và người nghe thì đã "giỏi" lắm rồi, dù có thể mỗi người có một cách giỏi khác nhau.

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Chủ tịch Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam (ảnh: Thùy Linh)

Nhiều anh em trong Hiệp hội cũng đã từng tư vấn việc này việc khác, thậm chí nói đi nói lại nhiều lần, và tự tin là mình đúng, nhưng người nghe thì cũng chẳng nghe mình. Tất nhiên là cứ phải kiên trì nói nữa, nói mãi, nếu thấy mình đúng, và cũng phải biết rằng, nói nhiều thì có người ghét. Mà bị ghét thì cũng phải nói thôi. Nếu sợ bị người ta ghét vì lời nói thẳng thì đừng làm công việc phản biện nữa, đi tìm việc khác mà làm.

Đó là lý do tôi nói vì sao lại không dám kỳ vọng.

Tất nhiên, với tư cách là một người dân, lúc nào cũng có mong muốn những tốt đẹp cho nền giáo dục nước nhà. Năm tới đây, đối với hệ thống giáo dục đại học Việt Nam tôi cũng mong muốn mấy điều.

Xin ông chia sẻ cụ thể hơn về những gửi gắm mà ông kỳ vọng ở nền giáo dục đại học?

Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Đối với giáo dục đại học thì có nhiều việc, nhưng tôi không dám mong muốn quá nhiều. Mỗi năm, chúng ta làm được chừng 3 hoặc 4 việc quan trọng thì sau 5 năm sẽ có một bước tiến đáng kể.

Do đó, tôi chỉ có mong muốn 3 điều:

Thứ nhất, chủ trương tự chủ đại học của Đảng và Nhà nước cần được thực hiện mạnh mẽ, nhất quán và đồng bộ hơn, không để tình trạng giằng co giữa cơ chế cũ và cơ chế mới, giữa tự chủ và chủ quản, giữa tự chủ và thiếu trách nhiệm giải trình.

Thứ hai, sang nhiệm kỳ mới của Chính phủ nên có sự thống nhất đầu mối quản lý nhà nước ở cấp bộ đối với khối cao đẳng và khối đại học (nên đưa về một đầu ở Bộ Giáo dục và Đào tạo) chứ không nên cắt khúc như hiện nay khối phổ thông, đại học thì do Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý còn khối cao đẳng lại do Bộ Lao động- Thương binh và xã hội quản lý.

Giáo dục luôn có tính hệ thống, cấp dưới liên quan với cấp trên, ngành nghề này có liên quan các ngành nghề khác, rồi phân luồng và liên thông. Nếu cắt ra làm 3 khúc, khúc đầu và khúc cuối giao cho một Bộ, còn khúc giữa ở một Bộ khác thì rất khó giải quyết các vấn đề nêu trên.

Tôi chưa thấy rõ có nước tiên tiến nào chia hệ thống giáo dục giống ta. Người ta có thể phân cho 1 bộ hoặc 2 bộ nhưng không phải kiểu ta đang làm. Cao đẳng và đại học là một, cùng là giáo dục đại học, tuy hai mà một, nối liền nhau, liên khúc với nhau, ta lại tách ra làm hai, biến một thành hai, không có cơ sở khoa học khách quan.

Thứ ba, nhiều khuyết điểm trong quản lý, nếu xét đến cùng thì nguyên nhân từ nền tảng của khoa học giáo dục-khoa học quản lý giáo dục chưa đủ vững chắc. Tôi mong, nước ta sẽ có một bước tiến bộ đáng khích lệ về khoa học giáo dục. Trong đó có vấn đề phát triển chương trình đào tạo và kiểm định chất lượng.

Trân trọng cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng.

Thùy Linh
NGƯỜI DÙNG BẰNG GIẢ ĐÔNG ĐÔ ĐÂU PHẢI BÍ MẬT AN NINH SAO CHƯA CÔNG KHAI DANH TÍNH ?
TRUNG DŨNG/ GDVN 30-12-2020

Liên quan vụ án “Giả mạo trong công tác” xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô, vừa qua, Cơ quan an ninh điều tra Bộ Công an đã ra thông báo đề nghị:

1. Các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh, nếu có sử dụng Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 do Trường Đại học Đông Đô cấp thì thông báo ngay bằng văn bản cho Cơ quan An ninh điều tra – Bộ Công an.

2. Các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp Bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ Chính quy – Văn bằng 2 liên hệ với Cơ quan An ninh điều tra- Bộ Công an để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Trước đó, Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cũng đã có quyết định trả hồ trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung vụ án "Giả mạo trong công tác" xảy ra tại Trường Đại học Đông Đô Hà Nội.

Theo đó, có 626 trường hợp được cấp văn bằng 2 tiếng Anh nhưng theo kết luận điều tra của Cơ quan An ninh điều tra - Bộ Công an chỉ làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp được cấp bằng không đúng quy định.

Cơ quan điều tra mới thu giữ 67 văn bằng gốc, nên yêu cầu tiếp tục thu hồi 126 văn bằng còn lại.

Đối với 60 trường hợp dùng bằng giả, đến nay mới xác định được 25 trường hợp gồm 22 người rút hồ sơ và dừng chương trình nghiên cứu sinh khi khởi tố vụ án; 1 trường hợp thôi học thạc sĩ; 1 trường hợp công chức nghỉ việc; 1 trường hợp xin rút kết quả nâng ngạch thanh tra viên. Viện kiểm sát Nhân dân tối cao cho rằng 35 trường hợp còn lại vẫn cần xác định đã dùng bằng giả thế nào để yêu cầu xử lý theo quy định.

Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao yêu cầu cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm của đảng viên, công chức, viên chức khi sử dụng bằng giả. [1]

Trường Đại học Đông Đô. (Ảnh: Trung Dũng)

Trao đổi với phóng viên, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An (đại biểu Quốc hội khóa 13) cho biết:

“Những người đã được cấp văn bằng 2 Trường Đại học Đông Đô có 2 đối tượng. Một là những người được cấp bằng không qua tuyển sinh, đào tạo, hai là người có đăng ký tuyển sinh, đào tạo.

Việc xác minh một văn bằng là thật hay giả chỉ có cơ quan điều tra họ mới làm được, còn chính các cơ quan quản lý lao động không thể xác định rằng người đó có đang dùng bằng giả hay không.

Trong trường hợp này, với những người có đăng ký tuyển sinh, có qua đào tạo thì chính bản thân những người đó còn không biết Trường Đại học Đông Đô chưa được phép đào tạo văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh.

Nếu cơ quan quản lý cho người lao động dùng văn bằng 2 của Trường Đại học Đông Đô tạm nghỉ việc để chờ xác minh lại văn bằng thì đó cũng là điều hoàn toàn dễ hiểu. Đặc biệt, với những người dùng bằng giả thì cần phải xử lý nghiêm”.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Bùi Thị An cho rằng, những trường hợp học thật, thi thật để lấy bằng ở Đông Đô muốn chứng minh với cơ quan quản lý rằng mình đã từng theo học ở đó thì họ cũng không biết lấy những bằng chứng đó bằng cách nào, và ai là người đứng ra để cung cấp những bằng chứng đó.

Không những thế, trong thời điểm hiện tại ngôi trường này cũng đang mang nhiều tai tiếng, mức độ tín nhiệm của đơn vị này trong xã hội cũng đang bị giảm sút nên những nạn nhân này cũng gặp không ít bất lợi.

Nếu bị chỗ đang làm cho nghỉ việc thì dùng văn bằng đó của Đông Đô xin việc vào chỗ sau này cũng gặp không ít khó khăn.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Bùi Thị An. (Ảnh: Lại Cường)

Tiến sĩ An cũng cho rằng, thời điểm này Trường Đại học Đông Đô nên công bố danh sách toàn bộ những cá nhân được cấp bằng.

Việc này không chỉ làm giải đáp khúc mắc của người dân trong thời gian vừa qua mà một phần nào đó sẽ minh oan cho những cá nhân phải bỏ công sức để có được tấm bằng đúng nghĩa.

Không những thế, phía các cơ quan tiếp nhận những cá nhân dùng bằng văn bằng 2 Ngôn ngữ Anh của Trường Đại học Đông Đô cũng nên phối hợp tốt với cơ quan chức năng trong đợt rà soát lần này.

Bà Bùi Thị An nhấn mạnh: “Theo tôi, các cơ quan chức năng cần công khai danh sách những cá nhân này sớm. Cái này là công khai để dư luận không bức xúc nữa, đây không phải là bí mật quốc phòng hay an ninh quốc gia không có lý do gì không công khai.

Không những thế, chính những nhà tuyển dụng cũng cần hợp tác với cơ quan điều tra để cung cấp những trường hợp như vậy đang làm ở cơ quan của họ để tránh những trường hợp học giả, bằng giả cố tình tránh né.

Bên cạnh đó, việc minh bạch trong chuyện bằng cấp sẽ nâng uy tín của cá nhân, tổ chức ấy với xã hội chứ nếu cứ để lập lờ như hiện tại mọi việc có thể đi xa hơn”.

Tài liệu tham khảo:

[1]http://daidoanket.vn/vu-bang-gia-o-dai-hoc-dong-do-tra-ho-so-dieu-tra-bo-sung-547211.html

Trung Dũng
TIN LIÊN QUAN ĐẾN NHÀ BÁO NGUYỄN NHƯ PHONG:
TÔI ĐÃ VỠ LẼ VỀ SỰ THẤT BẠI TẤT YẾU CỦA ĐỔI MỚI GIÁO DỤC NHƯ THẾ NÀO ?
THÁI HẠO/ TD/BVN 30-12-2020

[Trước khi đọc, xin các bạn đừng tự hỏi tôi đang nhắc tới câu chuyện ở trường nào, địa phương nào; vì tôi không kể câu chuyện cá nhân, tôi không có vấn đề cá nhân với ai cả, tôi chỉ muốn phản ánh thực trạng của nền giáo dục – nơi mà con cháu chúng ta đang ở đó. Và mong muốn những hành động hữu ích từ những người làm giáo dục, từ phụ huynh và cộng động]

Năm 2016, lúc đang dạy học tại một trường chuyên, tôi bỏ việc vì những căn bệnh trầm kha của giáo dục, căn bệnh mà di hại của nó sẽ để lại một cách vĩnh viễn trong nhân cách người học, trong khi mình không thể làm gì để để cứu vãn được. Tình trạng ấy nếu kéo dài thêm sẽ gây nên một bi kịch tinh thần không thể chữa lành trong nội tâm người thầy giáo.

Năm 2018 tôi quay trở lại với giáo dục từ lời mời của hiệu trưởng, với điều kiện duy nhất phải được đáp ứng: tôi được quyền tự chủ về chuyên môn cho mình và tổ bộ môn của mình. Và tôi bắt tay vào những “đổi mới” trong chương trình và phương pháp dạy học cho môn văn trong toàn trường. Tư tưởng khởi phát cho mọi hoạt động giáo dục của tôi là “Giáo dục khai phóng”. Mọi thứ diễn ra khá thuận lợi vì sự “đáp ứng” của lãnh đạo nhà trường đối với các đòi hỏi của tôi về mặt hành chính và tư tưởng, phương pháp tổ chức lớp học (tất nhiên, cũng không ít khó khăn, nhưng những khó khăn ấy với tôi chỉ là chuyện thời gian và không quan trọng).

Sau chưa đầy nửa năm từ những thay đổi quyết liệt, chúng tôi bắt đầu nhận được sự hưởng ứng một cách tự giác và và thấy được niềm vui trong dạy và học của đồng nghiệp và học sinh. Với đường lối của lao động thực sự trong học tập, của trao đổi đối thoại, của phản biện và tranh luận v.v.. học trò của chúng tôi bắt đầu trưởng thành khi hình thành quan điểm cá nhân và bước đầu biết cách bảo vệ quan điểm của mình. Chúng tôi kiên quyết bỏ chương trình dạy thêm trong trường và đánh giá kết quả học tập của học sinh một cách linh hoạt; chú trọng vào các khâu tạo lập văn bản, thuyết trình quan điểm, tranh luận bảo vệ quan điểm và văn hóa tranh luận... Những u ám mệt mỏi dần được xua tan và thay bằng không khí tranh luận thảo luận sôi nổi. Học sinh có tư duy độc lập và bắt đầu biết “xét lại” những giáo điều. Tôi cảm nhận được những giằng xé trong các em khi các tín điều lộ diện trong sự mâu thuẫn với thực tế và đã gây nên rất nhiều hoang mang trong nhận thức. Tuy nhiên tình trạng ấy được khắc phục một cách tích cực, vì học sinh đã thật sự “nghĩ bằng cái đầu của mình”.

Nhưng mọi việc bắt đầu diễn tiến theo chiều xấu đi khi năm học đầu tiên sau “đổi mới” kết thúc. Có nhiều nguyên nhân cho tình trạng này, nhưng nhìn sâu vào bản chất, chúng tôi thấy rằng: khi học trò đã tự biết “nhìn bằng mắt của mình, nghe bằng tai của mình, nghĩ bằng đầu của mình” – nghĩa là đã thức tỉnh – thì chúng không còn “ngoan” nữa. Chúng bắt đầu phản ứng và “bất tuân dân sự” trong nhiều trường hợp đối với thầy cô và các hoạt động khác trong nhà trường. Có một tình trạng mà người ta gọi là “bất trị” đang dần lớn lên. Nhiều học trò đã lên tiếng phản đối các khoản thu vô lý, phản ứng với cách hành xử của giáo viên và nội dung dạy học các môn; nhiều học trò “dám sống” với cá tính và con người cá nhân của nó v.v.. Môi trường giáo dục im ắng, tuân phục, “đồng phục” suốt bao nhiêu năm qua bắt đầu bị phá vỡ. Và người ta sợ. Có vô vàn nỗi sợ. Người ta bắt đầu tìm lý do để hủy bỏ những đổi mới của chúng tôi và dập tắt mọi thứ.

Và tôi chợt hiều ra rằng: trong mọi môi trường chuyên chế và bưng bít, nỗi sợ lớn nhất của người cai trị là sợ dân chúng thức tỉnh. Mà một đường lối giáo dục tiến bộ thì bao giờ cũng đưa tới sự thức tỉnh một cách tất yếu, không thể khác được. Tôi vỡ lẽ tiếp rằng, không bao giờ có chuyện đổi mới thành công nếu không có tự do hay không chấp nhận tự do tư tưởng được cơ sở trên sự tôn trọng con người cá nhân. Mọi đổi mới sẽ tất yếu thất bại vì tính cách nửa vời của nó khi “vừa đổi mới vừa sợ”, và khi nỗi sợ lớn hơn chút nữa thì họ sẽ sẵn sàng hủy hết mọi khẩu hiệu trước đó để đổi lại sự bình yên giả tạo dựa trên sự ngu dốt và sợ hãi của dân chúng.

Tại sao tôi nói “một nền giáo dục ngu dân” là vì thế.

Tôi đã cảm thấu những bi kịch của nền giáo dục Việt Nam khi nó chọn cách phá hủy nhân cách con người để đổi lại những quyền lợi cho một thiểu số. Tôi đã rời bỏ nó, nhưng thật lòng, tôi vẫn không sao hiểu được về những người cúc cung trong hệ thống để duy trì cho một đường lối dã man như thế đối với thế hệ trẻ.

Tôi nghĩ, và tha thiết rằng, chúng ta không thể im lặng để nuôi dưỡng cho một nền giáo dục độc ác như thế. Mỗi người phải làm “một cái gì đó” và cùng nhau làm một cái gì đó để thay đổi nó. Im lặng trước cái ác là đồng lõa với nó. Nếu chúng ta không thể có hành động nào mạnh mẽ hơn thì ít ra cũng phải “mở miệng” trước những sai trái và hủ bại trong môi trường giáo dục của mình và con cái mình. Không thể nhắm mắt được nữa trước những gì đang diễn ra.

T.H.

Nguồn: FB Thái Hạo

ĐANG ĐẾN MÙA THI: NỖI KHỔ CỦA SINH VIÊN 'CHÍNH QUY'

CHU MỘNG LONG/ TD 28-12-2020

Quốc hội đã thông qua điều luật không phân biệt bằng chính quy và hệ vừa làm vừa học, cho nên khái niệm “chính quy” và “vừa làm vừa học” chỉ còn là hình thức, thậm chí không nên nhắc đến để khỏi mang tiếng kỳ thị.

Nhưng từ khi điều luật đó có hiệu lực, hệ “vừa làm vừa học” mở tràn lan đến hang cùng ngõ hẻm, tôi cay đắng nghĩ đến các em sinh viên chính quy. Tuyển đầu vào sàng lọc kỹ đến từng số thập phân của điểm thi. Mỗi tuần chỉ học 2 đến 4 tiết, vừa lên lớp vừa tự học, vừa học lý thuyết vừa rèn kỹ năng, vừa làm bài tập, vừa thi giữa kỳ rồi thi hết học phần, đánh giá từ chuyên cần đến tinh thần hợp tác nhóm, thảo luận và tương tác theo đúng hệ tín chỉ và dạy học phát triển năng lực. Nhiều giảng viên không thực hiện theo yêu cầu, nhưng tôi thì thực hiện nghiêm túc, vì tôi nhiều lần tuyên bố công khai với nhà trường, rằng không nâng cao hệ ngoài chính quy lên ngang tầm chính quy thì không có lý do gì hạ thấp trình độ chính quy xuống ngang hàng “tại chức”!

Tất nhiên, khi thực hiện đúng yêu cầu dạy học phát triển năng lực, tim tôi quặn thắt mỗi khi nhìn các em sinh viên chính quy miệt mài học tập và rèn luyện. Quan trọng hơn là khi ra trường, làm sao các em có thể cạnh tranh với một lực lượng học viên học hệ ngoài chính quy khi họ đã chiếm hết chỗ với loại bằng toàn khá và giỏi mà không cần năng lực thật?

Thôi thì đành động viên an ủi các em, rằng xã hội sẽ tiến bộ, tương lai vẫn thuộc về các em. Có năng lực thật sự thì ở vị trí công việc nào các em cũng làm tốt và được xã hội ghi nhận. Còn đã là rác rưởi thì chẳng chóng thì chầy cũng bị mọi người khinh bỉ thôi.

Khi làm chương trình dạy học phát triển năng lực, tôi yêu cầu làm đúng, không phải chỉ làm đối phó cho kiểm định mà phải thực thi bằng nội dung, phương pháp dạy học và đánh giá theo chuẩn đầu ra. Trong đó, khâu đánh giá rất quan trọng. Trước mắt, cần chấm dứt ngay loại đề thi bắt người học học thuộc bài và trả bài như giáo trình. Loại đề thi này đã từng sát hại nhiều sinh viên có năng lực tư duy và sinh ra nhiều tiêu cực, chưa nói nhiều sinh viên đến mùa thi học như… con bệnh tâm thần.

Sự thật diễn ra đã gần cả thế kỷ đối với nền giáo dục này khi cái đầu con trẻ phải bị nhồi vào hàng tấn tri thức phi thực tiễn. Tai tiếng về nhiều giảng viên đe doạ sinh viên phải học thuộc giáo trình nếu không có phong bì để thầy cô chốt cho vài câu hỏi tủ vẫn còn dư âm và tiếp diễn. Đau lắm mỗi khi ban đêm có việc phải vào trường, tận mắt nhìn sinh viên ngồi dưới các bóng đèn đường lảm nhảm bài học như người buồn ngủ cầu kinh và trông không khác cái trại tâm thần. Rồi hàng năm sau mỗi mùa thi, Hội đồng kỷ luật họp xét kỷ luật nhiều thí sinh lật tài liệu mà xót xa. Tôi từng nói thẳng Hiệu trưởng, sao không kỷ luật người ra đề thi mà kỷ luật thí sinh? Vì những đề thi như vậy, người dạy có thuộc bài để trả bài như trong giáo trình viết sẵn không mà bắt người học phải thuộc lòng đến từng dấu chấm, dấu phảy?

Vừa rồi, một lãnh đạo phòng đào tạo nói với tôi, rằng học viên tại chức phản ánh đề thi của tôi khó quá, không làm bài được. Tôi hỏi khó thế nào? Vị lãnh đạo ấy nói vì đề của thầy là đề mở, học viên tại chức không quen. À, ra thế! Trong khi thảo luận Chuẩn đầu ra của học phần, tôi hỏi sinh viên chính quy, rằng giữa đề mở, thường là áp dụng tri thức để giải quyết hiện tượng, với đề học thuộc lòng, đề nào khó hơn. Sinh viên chính quy đều đồng ý đề mở dễ hơn và biểu quyết thống nhất học và thi mở. Tôi bảo với lãnh đạo phòng đào tạo, nếu học viên tại chức đã nghĩ như vậy thì tôi sẽ ra đề cho hệ tại chức theo cách học thuộc lòng, với điều kiện chính tôi coi thi (vì tôi không tin bất cứ ai coi thi, khi chấm bài tôi cứ hỏi tại sao các bài chép giống nhau thế?), và cấm lật tài liệu, được không? Không cần anh ta trả lời, tôi chắc chắn là không, vì sẽ ăn hột vịt cả lớp hoặc bị kỷ luật vì vi phạm quy chế thi!

Lâu nay thi tại chức kiểu gì ai cũng biết. Chỉ có thả cửa chép tài liệu. Đến mức có năm một giáo viên làm đề thi toán thử đổi dấu cộng thành trừ trong một phép toán nhưng không sửa đáp án. Kết quả là học viên làm đúng như đáp án, đúng đến từng dấu chấm, dấu phảy, mặc dù đổi cộng thành trừ thì ắt ra kết quả khác biệt.

Thi cử ở trình độ đại học mà chỉ cần chép tài liệu là có điểm cao thì tôi dám chắc học sinh lớp 2 cũng có thể học nhảy vọt tới… tiến sỹ rồi thành giáo sư!

Cuối cùng, tôi nhắc các thầy cô, rằng các thầy cô cũng có con có cháu. Hãy gieo nhân tốt cho con cháu người khác thì con cháu mình sẽ được hưởng quả tốt. Còn thầy cô nào gieo nhân xấu cho con cháu người khác ắt con cháu chính mình sẽ hưởng quả xấu. Chấm dứt ngay trò đổi tủ vài câu hỏi thi để nhận phong bì đi. Ác lắm vì nó làm hại cả nòi giống!

KHI GIẢNG VIÊN ĐẠI HỌC ĐỀ XUẤT GIÁO VIÊN PHỔ THÔNG PHẢI CÓ BẰNG THẠC SỸ

CHU MỘNG LONG/ TD 30-12-2020

Ông Trịnh Duy Trọng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Hà Ánh/TN

Nếu một giáo viên phổ thông lên tiếng, tôi tin những người có học hàm học vị ở bậc đại học sẽ trấn, rằng đã ngu mà không chịu học!

Tôi, tiến sỹ, giảng viên đại học, đã và đang đào tạo nhiều khoá thạc sỹ lên tiếng đây. Ủng hộ điều luật giáo viên phổ thông phải có trình độ thạc sỹ thì tôi có thêm giờ dạy và no nê, nhưng tôi thà nhịn đói cho sạch lòng. Tôi lên tiếng phản đối và với tôi thì đừng hòng trấn. Nhiều lắm thì gạt tôi ra rìa cả đứng lớp lẫn ngồi các hội đồng bảo vệ luận văn. Tôi đi làm việc khác và cần ăn sạch!

Tôi nói ngắn gọn thế này: Đào tạo thạc sỹ hiện nay tệ hơn đào tạo hệ vừa học vừa làm hay liên thông!

Một là chương trình với đa số chuyên đề gần như nhai đi nhai lại kiến thức cũ rích. Nhiều lắm thì tỉa ra một nội dung nhỏ trong giáo trình đại học để gọi là chuyên sâu, nâng cao. Giảng viên dạy qua loa, mục đích chính vẫn là ăn nhậu và nhận tiền bồi dưỡng thêm từ phía người học. Bằng chứng, tôi dạy xong lớp nào cũng được mời đi ăn và dúi cho cái phong bì. Tất nhiên là tôi từ chối và trả lại. Nhưng không rõ có ai trả lại như tôi không?

Hai là tổ chức dạy học vào cuối tuần (vì hiện nay giáo viên tự sắp xếp đi học mà không có chính sách ưu tiên cho đi học như trước) và không ai quản. Tỷ lệ chuyên cần ở mức báo động, có lúc chỉ có 1/3 tham gia lớp học nhưng giảng viên vẫn phải chiếu cố vì sợ làm nghiêm thì học viên bỏ học.

Ba là đề tài luận văn tốt nghiệp lẩn quẩn, bế tắc. Đề tài mới thì moi những thứ không cần thiết, không có giá trị như moi rác để khai thác, ngợi ca. Còn chủ yếu là cũ rích để học viên dễ… chép.

Tôi không vơ đũa cả nắm, vì vẫn có thầy có trình độ và nghiêm túc, dạy nghiêm túc, hướng dẫn nghiêm túc và ngồi hội đồng phản biện nghiêm túc. Nhưng lực lượng này quá ít, không đủ sức mạnh đưa cái cỗ máy khổng lồ lì lợm kia vượt lên để gọi là nâng cao trình độ.

Việc các giảng viên đại học có học hàm học vị đề xuất điều luật bắt buộc giáo viên phổ thông phải học thạc sĩ, theo tôi, chỉ có thể là đói làm ma sói.

Khi Luật Giáo dục sửa đổi thông qua điều luật giáo viên mầm non phải có trình độ cao đẳng, giáo viên tiểu học, trung học cơ sở phải có trình độ cử nhân, số lượng hệ liên thông tăng vọt đến bất ngờ. Các trường sư phạm chiêu sinh ào ạt với con số hàng vạn mỗi năm. Và kết quả là hốt tiền từ túi giáo viên nghèo hay thực sự đào tạo chất lượng để nâng cao trình độ?

Bây giờ, cái hội thảo mà các giảng viên đại học hăng hái đòi ra luật bắt buộc giáo viên phổ thông phải có trình độ thạc sỹ, liệu có phải vì giảng viên đại học đói mà tự làm ma sói hút máu giáo viên phổ thông rồi nhân danh nâng cao trình độ? Tập huấn phục vụ cho đổi mới dạy học; đào tạo giữ, nâng hạng ngạch; các loại chứng chỉ sư phạm, nghiệp vụ, tiếng Anh, Tin học, kể cả chương trình đào tạo lại… vét chưa đủ no hay sao?

Một xã hội chỉ vì bằng cấp, bất chấp năng lực có thật hay không thì vụ chạy bằng, mua bằng của Trường Đại học Đông Đô chỉ là bề mặt. Tôi từng nói, tổ chức học thật, dạy thật, đảm bảo chất lượng chứ học giả, dạy giả bất cần chất lượng thì mua ngang bán tắt một lần như Đông Đô rồi chia tiền lại hoá hay. Tôi và những giảng viên tâm huyết không phải mất công đi dạy và khổ sở ngồi các hội đồng lựa lời mà nói, lựa tay mà cho điểm để làm vừa lòng lãnh đạo, vừa lòng đồng nghiệp và vừa lòng người học!

Nếu đào tạo cử nhân không đảm bảo trình độ dạy phổ thông thì tại sao không xem xét lại chất lượng đào tạo đại học mà buộc phải có trình độ thạc sỹ mới dạy phổ thông được?

Theo tôi, ở đào tạo cao học, chất lượng của chương trình đào tạo và trình độ của giảng viên, tổ chức dạy học và các luận văn, luận án mới là điều quan tâm hàng đầu chứ không phải nhè vào túi giáo viên phổ thông để nhân danh đủ thứ tốt đẹp.

CÔNG KHAI, MINH BẠCH, KHÔNG CÓ VÙNG CẤM... NHÌN TỪ VỤ MUA BẰNG GIẢ

J.V. NGUYỄN HỮU VINH/ RFA/ BVN 30-12-2020

Cái từ ngữ “Công khai”, “minh bạch” và “không có vùng cấm” được những nhà lãnh đạo Việt Nam gần đây nhắc đi nhắc lại như những cỗ máy trên các cuộc họp, các diễn đàn. Họ nhắc nhiều đến mức người dân cứ thấy có điều gì đó không bình thường trong cái việc lẽ ra phải là rất bình thường trong một nhà nước pháp quyền, trong cuộc gọi là “Chống tham nhũng” và “bình đẳng trước pháp luật”.

Mấy tháng nay, dư luận xôn xao về vụ Trường Đại học Đông Đô cấp bằng “chính quy” nhưng không đúng quy định, thậm chí cấp bằng nhưng không thông qua đào tạo, nghĩa là cấp bằng giả, hoặc nói chính xác hơn là bằng thật, nhưng học giả.

Theo quy định, Đại học Đông Đô không có chức năng tuyển sinh và đào tạo văn bằng 2 chính quy. Nhưng trường này đã cấp hàng trăm tấm bằng chính quy cho hàng trăm người sử dụng.

Vụ việc này nếu chỉ có Trường Đại học Đông Đô thì chắc không thể làm được, mà đã có sự tiếp tay từ cấp cao hơn, là Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Theo đó, ngày 21/1/2015, Đại học Đông Đô có báo cáo thống kê năm học 2014 – 2015 và đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh năm 2015 của gửi Vụ Kế hoạch tài chính - Bộ GĐ-ĐT. Tại công văn này không có nội dung đăng ký chỉ tiêu tuyển sinh văn bằng 2 chính quy, song vẫn được Bộ GĐ-ĐT thông báo có 500 chỉ tiêu hệ văn bằng 2 chính quy.

Đến các năm học sau, Đại học Đông Đô có văn bản "xin" chỉ tiêu tuyển sinh hệ văn bằng 2 chính quy và được các đơn vị chức năng của Bộ GĐ-ĐT cho đăng tải lên Cổng thông tin tuyển sinh của bộ, trong đó năm 2016 là 150 chỉ tiêu; năm 2107 là 150 chỉ tiêu và năm 2018 là 400 chỉ tiêu.

Theo Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, đã có 626 người được Trường ĐH Đông Đô cấp văn bằng 2 tiếng Anh,  nhưng chỉ có 216 trường hợp có thông tin để xác minh. Trong đó, Cơ quan an ninh điều tra đã làm rõ 193 trường hợp được cấp bằng không qua đào tạo.

Viện kiểm sát yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp này. Viện kiểm sát cũng đề nghị cơ quan thẩm quyền xử lý hậu quả 60 trường hợp sử dụng bằng giả để thi tuyển công chức, bảo vệ luận văn thạc sĩ, tiến sĩ... 

Mới đây, Cơ quan An ninh điều tra đã phải đề nghị các cơ quan, tổ chức, cơ sở đào tạo rà soát hồ sơ đã tiếp nhận của cán bộ, học viên, nghiên cứu sinh sử dụng bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy - Văn bằng 2 do trường Đông Đô cấp, phải báo ngay bằng văn bản cho cơ quan ANĐT. Ngoài ra, các cá nhân đã được Trường Đại học Đông Đô cấp bằng cử nhân ngôn ngữ Tiếng Anh hệ chính quy - Văn bằng 2 cũng cần liên hệ với cơ quan ANTĐ để trình báo, làm việc và cung cấp thông tin, tài liệu phục vụ công tác điều tra.

Người ta thấy lạ. Người ta đặt nhiều câu hỏi.

Tại sao cơ quan An ninh điều tra của hệ thống công an Việt Nam được ca ngợi là “giỏi nhất thế giới” lại phải làm động tác này.

Trong khi đó, những người cất tiếng nói đấu tranh chống các hiện tượng tiêu cực, hiện tượng mất dân chủ, bóp nghẹt quyền con người của người dân, thì hầu như ngay lập tức, cơ quan An ninh điều tra đã lôi ra được cả những “âm mưu”, “ý định”, “mục đích” mà ngay cả người bị kết tội vẫn chưa nghĩ ra, để kết tội họ một cách chóng vánh? Để rồi ngay sau đó, báo chí được cung cấp đầy đủ thông tin, thậm chí thừa những thông tin bịa đặt về bản thân họ và đưa lên báo chí công khai nhằm bôi nhọ những người vì dân, vì nước, vì lãnh thổ của Tổ Quốc.

Báo chí và người dân hiểu rất rõ rằng: Không có khó khăn gì để tìm ra danh tính những người đã mua bằng giả tại đây. Bởi dù là bằng giả, dù không qua đào tạo, nhưng để cấp những tấm bằng này như thật, ĐH Đông Đô vẫn phải có quyết định, có lưu sổ, lưu số về những thông tin của những tấm bằng được cấp ra và hẳn nhiên là có thông tin của các đối tượng được cấp.

Thế nhưng, điều mà dư luận xã hội đang quan tâm và yêu cầu phải công khai danh tính, công khai những mục đích và hậu quả của việc nhiều người mua bằng giả của Trường ĐH Đông Đô là những ai, họ đã mua bằng giả để làm gì?

Có lẽ điều này không có khó khăn và nghiêm trọng đến mức trở thành “Bí mật quốc gia” như danh sách các lãnh đạo được “cơ cấu” và Ban chấp hành Trung ương hoặc “trường hợp đặc biệt” về nhân sự chuẩn bị cho đại hội đảng. Nghĩa là danh tính những cá nhân chuẩn bị được đảng cử ra cho dân bầu làm “đầy tớ nhân dân”.

Bởi ai cũng biết một điều rất đơn giản: Những người không học hành, nhưng bỏ tiền ra mua bằng, không chỉ là để chơi, không chỉ để khoe mẽ hoặc mua cho vui. Hẳn nhiên là số tiền rất lớn của từng cá nhân bỏ ra để mua những tấm bằng này phải có một mục đích nhất định. Trong đó, việc sử dụng nó trong hệ thống nhà nước, công chức là chủ yếu.

Bởi ai cũng hiểu rằng: Với những công ty tư nhân, với những người làm việc cho các công ty nước ngoài, tấm bằng ngoại ngữ giả kia, chẳng hề có giá trị gì cho họ.

Mới đây, Đinh Ngọc Hệ, bị can bị tuyên án chung thân trong vụ xử về thu phí Đường Cao Tốc Trung Lương – Tp HCM, có một chi tiết là vị “bộ trưởng” mạo danh này tiến thân bằng một tấm bằng giả. Với 2,5 triệu đồng, ông Hệ đã mua bảng điểm và bằng tốt nghiệp đại học của ĐH Kinh tế Quốc dân.

Từ tấm bằng giả, Đinh Ngọc Hệ đã được Đảng kết nạp, rồi leo dần lên chức Thượng tá công an, trở thành một người rất quyền lực với biệt danh “Út bộ trưởng”. Trong một phiên tòa trước đây, chính Đinh Ngọc Hệ đã nói mình là nông dân, mình “dân trí thấp” nên không nhận thức được việc không đi học mà có bằng đại học là vi phạm. Đó cũng là lời thú nhận của một Thượng tá ngành công an.

Vậy thì rõ ràng, việc mua bằng giả để sử dụng vào mục đích thăng quan, tiến chức trong hệ thống công quyền là đều khá rõ ràng. Và điều này, gần như đồng nghĩa với việc gian dối, với việc vi phạm luật pháp cũng như đạo đức của quan chức. Chính vì thế, mới có việc Viện kiểm sát Tối cao yêu cầu đơn vị chủ quản xử lý trách nhiệm đảng viên, công chức, viên chức với 193 trường hợp mua bằng giả tại đây đã được xác định.

Đơn giản vậy, rõ ràng thế mà tại sao người dân chỉ yêu cầu công khai rõ ràng ai đã mua những tấm bằng này để làm gì lại khó khăn đến thế?

Trong khi dư luận xã hội rất bức xúc trước hiện tượng gian dối đã quá nhiều trong xã hội, thì việc giấu diếm các thông tin này, chỉ càng làm cho mối nghi ngờ càng lớn hơn về hệ thống đào tạo, bằng cấp và phẩm chất của các quan chức nói chung.

Trong khi quan chức nhà nước, lãnh đạo đảng và chính phủ luôn công bố rằng: Chống tham nhũng, chống tệ nạn xã hội là không có vùng cấm, là công khai, là bình đẳng, là bất kể ai vi phạm cũng bị xử lý nghiêm… Đủ cả mọi ngôn từ rất kêu, rất mạnh mẽ.

Vậy thì tại sao việc công khai danh tính những người đã vi phạm này lại không được rõ ràng, minh bạch? Rõ ràng, hệ thống chính trị Việt Nam biết rất rõ, càng giấu diếm, càng có hại cho cái gọi là “uy tín” và lòng tin của người dân vào nhà nước, vào quan chức hiện nay.

Cũng mới đây, ông Nguyễn Xuân Phúc, trên cương vị Thủ tướng chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu phải làm rõ số cá nhân được Trường ĐH Đông Đô cấp, sử dụng văn bằng cử nhân ngành ngôn ngữ tiếng Anh giả và các văn bằng, chứng chỉ khác... để thu hồi và xem xét xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Và đến nay, đã có thông tin cụ thể từ các cơ sở đào tạo về các trường hợp sử dụng bằng ngôn ngữ Anh giả của Đại học Đông Đô để học thạc sĩ, tiến sĩ: Đại học Quốc gia Hà Nội có 5 trường hợp, Học viện Khoa học xã hội có 7 trường hợp, Đại học Sư phạm Hà Nội có 8 trường hợp, Học viện Báo chí - Tuyên truyền có 4 trường hợp.

Vậy mà các cơ quan chức năng, hệ thống công quyền vẫn cứ im thin thít không hề đáp ứng yêu cầu của dư luận, của xã hội về việc họ cần biết ai đã sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô, và sử dụng vào việc gì cụ thể. Thậm chí, họ cũng chẳng coi cái chỉ đạo, yêu cầu của Thủ tướng là cái “đinh gỉ” gì.

Điều đó, tưởng như không có gì lạ, bởi như một tờ báo mới đây đã tiết lộ rằng: Những người sử dụng bằng giả của ĐH Đông Đô là những người có uy tín trong xã hội.

Cụ thể, 55 đối tượng đã mua bằng tiếng Anh giả để xét tuyển nghiên cứu sinh, bảo vệ luận án Tiến sĩ nhằm chui sâu trèo cao ở các tổ chức Nhà nước và được xưng tụng là những người có uy tín xã hội, hẳn nhiên, họ phải là những quan chức cỡ bự, những người mà phải có tấm bằng tiến sĩ, thạc sĩ… cho đủ cái nhãn mác khi được cơ cấu vào Bí thư Tỉnh ủy, Thành ủy, Chủ tịch các Tỉnh… vì nếu chỉ chức chủ tịch Huyện thì chẳng cần đến mức phải có cái nhãn Tiến sĩ đến vậy.

Và hẳn nhiên, các quan chức đã ở cấp Tỉnh ủy, Bí thư, Chủ tịch tỉnh, thành phố… thì họ phải là Ủy viên hoặc Ủy viên trung ương dự khuyết. Và đầu dây, mối nhợ và sự liên hệ sẽ là hết sức chặt chẽ với các cấp cao nhất trong hệ thống Đảng, nhà nước.

Bởi, ngay cả đến chức vụ Chủ tịch nước như Trần Đại Quang, cũng đã từng khai man lý lịch, bằng cấp và gian dối ngày tháng năm sinh nhằm chiếm thêm một nhiệm kỳ giữ ghế. Mọi chuyện rõ rành rành, nhưng chỉ vì vướng vào vùng cấm nên phải im.

Và khi sự thân quen, thần thế đến mức đó, thì việc không có vùng cấm, việc công khai, minh bạch… chỉ là chuyện hài hước không hơn, không kém.

Ngày 30/12/2020

J.B N.H.V.

Nguồn: RFA VietNam

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét