Thứ Hai, 11 tháng 1, 2021

20210112. BÀN VỀ THỰC THI LUẬT TỔ CHỨC TÒA ÁN NHÂN DÂN

 ĐIỂM BÁO MẠNG

THẨM PHÁN ... THIÊN TUẾ
XUÂN DƯƠNG/ GDVN 11-1-2021

Các phim cổ trang bên Tàu, quần thần tung hô hoàng đế là “vạn tuế” còn với hoàng hậu là “thiên tuế”.

Khi đã là “thiên tuế” thì chỉ dưới một người mà trên muôn người.

Gần đây, một nhóm nghiên cứu của Tòa án Nhân dân Tối cao (Nhóm nghiên cứu) trong dự thảo đánh giá năm năm thi hành Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân 2014 đã đưa ra đề xuất bổ nhiệm thẩm phán không có nhiệm kỳ, tức là sau khi được bổ nhiệm thẩm phán sẽ đương nhiên làm việc suốt đời.

Một “Thẩm phán suốt đời” có nghĩa là chỉ đứng dưới luật pháp, chịu sự chi phối của luật pháp, vậy có nên xưng họ là “Thiên tuế”?

Nhiều nước trên thế giới thực hiện chế độ bổ nhiệm (hoặc bầu cử) thẩm phán suốt đời như Anh, Pháp, Đức, Hà Lan, Ý, Bỉ, Ai-len; Hiến pháp Liên bang Nga quy định “Thẩm phán Liên bang không thể bị bãi miễn và được bổ nhiệm suốt đời”,…

Dựa vào thực tế các nước nêu trên, đề xuất của Nhóm nghiên cứu nghe có vẻ khá chính đáng và nhận được sự ủng hộ của một số nhân vật.

Chẳng hạn ông Lê Hồng Hạnh, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý, Bộ Tư pháp cho rằng: “Bổ nhiệm thẩm phán suốt đời là một trong những điều kiện để bảo đảm tính độc lập của tòa án”.

Còn đại diện Tòa án Nhân dân thành phố Hà Nội cho rằng “Quy định hiện hành chưa hợp lý, ít nhiều tạo tâm lý không yên tâm làm việc của Thẩm phán, ngoài ra phải thực hiện nhiều lần quy trình bổ nhiệm lại gây mất thời gian. Thực tiễn có tình trạng nhiều Thẩm phán hết nhiệm kỳ nhưng chưa được bổ nhiệm lại”. [1]

Nếu trong tương lai gần Luật Tổ chức Tòa án Nhân dân được sửa đổi theo hướng thẩm phán của Việt Nam được “bổ nhiệm suốt đời” thì liệu có “bảo đảm tính độc lập của tòa án” như ý kiến khẳng định của một số người, cơ quan?

Để trả lời câu hỏi này, cần phải hiểu hệ thống chính trị của Việt Nam ngày nay hoạt động theo nguyên lý nào?

Tại các quốc gia được Nhóm nghiên cứu viện dẫn làm thí dụ đối sánh về "thẩm phán suốt đời", ba quyền của Nhà nước là lập pháp, hành pháp, và tư pháp được phân chia cho 3 cơ quan độc lập nắm giữ, Quốc hội nắm quyền lập pháp, Chính phủ nắm quyền hành pháp và Tòa án nắm quyền tư pháp.

Tại Việt Nam, năm 2005, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết 49-NQ/TW “Về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”, theo đó: “Cải cách tư pháp phải đặt dưới sự lãnh đạo thật chặt chẽ của Đảng, bảo đảm sự ổn định chính trị, bản chất Nhà nước Pháp quyền Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam của nhân dân, do nhân dân, quyền lực Nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp giữa các cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp”.

(Ảnh minh họa: Hocluat.vn)

Theo tinh thần đó, về phía lập pháp, Hiến pháp 2013 quy định:

“Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”.

“Viện Kiểm sát Nhân dân là cơ quan giữ quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp” (nhưng không phải cơ quan thực hiện quyền tư pháp”.

Cơ quan điều tra (Công an) là cơ quan hành pháp, không phải tư pháp.

Trong thời gian dài, tại nhiều vụ án xuất hiện một cơ cấu quyền lực kỳ lạ là “Liên ngành tư pháp”, đó là sự hợp tác chặt chẽ của ba cơ quan Công an, Kiểm sát, Tòa án khi giải quyết các vụ án.

Mười năm sau khi Nghị quyết 49-NQ/TW ban hành, báo Infonet.vn (nay là chuyên trang của Vienamnet.vn) ngày 19/12/2015 từng đặt vấn đề: “Từ vụ án oan ông Nén: Còn báo cáo án, án bỏ túi, họp 3 ngành… vẫn oan sai?” [2]

Năm 2016, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam (nay là tạp chí) đăng bài: “Liên ngành tư pháp là gì mà quyền lực khiếp thế”. [3]

Có thể thấy sự độc lập của tòa án nước ta chỉ mang tính tương đối trong tương quan "liên ngành tư pháp".

Những người/cơ quan ủng hộ đề xuất của Nhóm soạn thảo viện dẫn một số mô hình hoạt động của tòa án các nước phương Tây nhưng lại không chú ý đến thể chế chính trị tại Việt Nam.

Tạp chí Quốc phòng toàn dân khẳng định: “Tam quyền phân lập” không phải là sự lựa chọn mô hình tổ chức nhà nước của Việt Nam” [4]

Mục b, khoản 3, điều 7, Quy định số 102-QĐ/TW quy định khai trừ khỏi đảng với đảng viên vi phạm:

“Phản bác, phủ nhận chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, nguyên tắc tập trung dân chủ, nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; đòi thực hiện thể chế "tam quyền phân lập", "xã hội dân sự", "đa nguyên, đa đảng"”.

Kiến nghị “Thẩm phán suốt đời” để bảo đảm “tính độc lập” của tòa án như lời ông Lê Hồng Hạnh sẽ làm xuất hiện câu hỏi: “Tính độc lập của tòa án là độc lập với ai, độc lập như thế nào?”.

Nói cách khác, làm thế nào để Tòa án hoạt động độc lập nếu không nghiêm túc tuân theo sự chỉ đạo của một số ban, ngành trong hệ thống chính trị?

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam đã yêu cầu “không mị dân”, nguyên văn câu nói như sau:

“Nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin, thực sự vì nhân dân, phục vụ lợi ích của nhân dân; đồng thời phải làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng; chính sách, pháp luật của Nhà nước; không mị dân”. [5]

Liệu có thể tin rằng kiến nghị của Nhóm nghiên cứu đúng là nhằm “Bảo đảm tính độc lập của tòa án” chứ không phải là bảo vệ vị trí của thẩm phán, càng không phải mị dân?

Trong hệ thống chính trị Việt Nam quyền tư pháp của Tòa án là một sự phân công được thể chế hóa trong Hiến pháp.

Chính vì thế “Bảo đảm tính độc lập của tòa án” phải xuất phát từ thể chế chính trị hiện hành chứ không phải nhờ chuyện “Thẩm phán suốt đời”.

Mong muốn “Thẩm phán suốt đời” sẽ bảo đảm được tính độc lập của tòa án phải chăng là một suy nghĩ ngây thơ, không phù hợp với tình hình hiện tại?

Những thẩm phán công tâm, không quá quan tâm đến vị trí việc làm liệu có nên quá lo lắng về sự thất nghiệp nếu thực sự là người có năng lực?

Tài liệu tham khảo:

[1] https://congly.vn/de-xuat-nhiem-ky-tham-phan-suot-doi-177452.html

[2] https://infonet.vietnamnet.vn/phap-luat/tu-vu-an-oan-ong-nen-con-bao-cao-an-an-bo-tui-hop-3-nganh-van-oan-sai-112928.html

[3] https://giaoduc.net.vn/goc-nhin/lien-nganh-tu-phap-la-gi-ma-quyen-luc-khiep-the-post169611.gd

[4] http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/tam-quyen-phan-lap-khong-phai-la-su-lua-chon-mo-hinh-to-chuc-nha-nuoc-cua-viet-nam/10566.html

[5] https://vov.vn/chinh-tri/tong-bi-thu-chu-tich-nuoc-can-bo-phai-trong-dan-tin-dan-khong-mi-dan-818375.vov

Xuân Dương
XÉT XỬ VỤ ÁN ĐỒNG TÂM, TAND TP HÀ NỘI ĐÃ TUYÊN ÁN TỬ HÌNH NỀN TƯ PHÁP
FB VŨ HỮU SỰ/ BVN 11-12-2021

(Viết nhân ngày giỗ đầu cụ Lê Đình Kình)

Đầu tiên, phải khẳng định rằng từ trước đến 3 giờ ngày 9/1/2020, không có bất cứ vụ án hình sự nào ở làng Hoành xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội, bị khởi tố, lại càng không có người dân nào ở làng Hoành trở thành bị can. Điều đó có nghĩa là không có bất cứ một người dân nào ở làng Hoành vi phạm pháp luật. Đó là điều không ai có thể phủ nhận.

Vậy thì tất cả những “tội” của người dân làng Hoành như thành lập tổ đồng thuận, chế tạo bom xăng, mua lựu đạn, mua dao phóng, tuýp sắt…để chống lại lực lượng quân đội xây dựng tường rào sân bay Miếu Môn và tấn công lực lượng CSCĐ vào 3 giờ ngày 9/1/2020, đều do những bút nô, những “con chó” (lời nguyên TBT báo năng lượng mới- Petrolimex Nguyễn Như Phong) của nền báo chí cách mạng dựng đứng lên, đổ xuống đầu họ và “dọn đường” cho tòa án đổ tội xuống đầu họ.

Cho đến nay, kẻ ký lệnh điều 3.000 quân tinh nhuệ với vũ khí và phương tiện tối tân đến làng Hoành đêm ngày 8 rạng ngày 9/1/2020 vẫn còn lặn rất sâu trong bóng tối, chưa dám lộ mặt để trả lời nhân dân về lý do, căn cứ điều quân tấn công một ngôi làng không có bất cứ một người dân nào vi phạm pháp luật vào ban đêm để giết người, phanh bụng người, bắt người giữa thời bình. Nhưng xin mọi người hãy yên tâm. Dù lặn sâu đến đâu thì cuối cùng kẻ đó cũng bị lịch sử lôi ra để điểm tên, chỉ mặt. Trước lịch sử, không ai có thể lẩn trốn được. Cũng không ai có thể chối tội được. Bởi lịch sử là ký ức của dân tộc. Mà ký ức thì còn bền gấp trăm lần sắt đá.

Tuy kẻ ký lệnh điều quân vẫn chưa dám lộ mặt. Nhưng căn cứ vào hiến pháp năm 2013, bộ luật TTHS và BLHS năm 2015, có thể kết luận: đó là một cuộc điều quân trái pháp luật. Đọc tiểu thuyết “Hòn Đất” của Anh Đức. Không ai không rùng mình trước cảnh thằng trung úy Xăm của bọn ngụy quyền Sài Gòn phanh bụng một người dân, lôi tim gan người đó ra ăn sống. Nay nhìn ảnh cái xác của lão đảng viên Lê Đình Kình, người hơn ông Tổng- Chủ tới 8 tuổi đời và 6 tuổi đảng, sau khi bị lực lượng “còn đảng còn mình” bắn thẳng vào tim rồi bị mổ phanh bụng suốt từ gốc xương quai xanh đến tận bụng dưới. Tuy đã được khâu lạị, nhưng không ai dám chắc lá gan và trái tim suốt đời theo đảng, tin đảng ấy có còn trong đó không, hay đã bị lôi ra ăn hết ? trung úy Xăm là nhân vật tiểu thuyết, còn cụ Lê Đình Kình là người thật, bằng xương bằng thịt. Bức ảnh đó sđã trở thành một văn bia, sẽ được lưu lại muôn đời, như bất cứ một “văn kiện” nào khác. Không ai có thể xóa sạch nó khỏi ký ức của nhân dân.

Không một việc làm trái pháp luật nào như việc điều quân đến làng Hoành vào 3 giờ ngày 9/1/2020 để giết dân, mổ bụng dân lại có thể gọi là công vụ được. Đã không phải là công vụ thì làm gì có hành vi chống người thi hành công vụ ? chỉ có chuyện người dân bị một bọn người có vũ trang vô cớ tấn công làng mình vào ban đêm để giết người, bắt người. Vì vậy, tội “chống người thi hành công vụ” trong vụ án làng Hoành chỉ là thứ tội do bọn người dựa vào súng, lưỡi lê và bạo lực để làm trái pháp luật rồi đổ cho người dân không tấc sắt trong tay, đang tuyệt đối tuân thủ pháp luật.

Phiên tòa xét xử vụ án “giết người” và “chống người thi hành công vụ” xẩy ra ở làng Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội vào 3 giờ ngày 9/1/2020 đã được TAND thành phố Hà Nội mở vào ngày 7/9/2020, xét xử 29 người dân làng Hoành, bị VKSND thành phố Hà Nội truy tố về hai hành vi trên. Như đã chứng minh, hành vi “chống người thi hành công vụ” đã không có chỗ đứng trong vụ án rồi. Vậy còn hành vi “giết người” ?

Theo cáo trạng của VKS, thì vào khoảng 3 giờ ngày 9/1/2020, khi tấn công vào làng Hoành xã Đồng Tâm, 1 tổ 3 người gồm 1 thượng tá phó trung đoàn trưởng trung đoàn CSCĐ, 1 thiếu úy CSCĐ và 1 trung úy thuộc lực lượng PCCC đã rơi xuống cái giếng trời giữa nhà Lê Đình Chức và Lê Đình Hợi, giếng có kích thước 0,76 m x 1,45 m x 4 m. Thấy vậy, Lê Đình Chức đã rót xăng từ 1 cái can ra chậu để Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu rồi đá xuống hố từ 3 đến 4 lần. Kết quả là 2 người dưới hố đã bị than hóa còn 1 người bị cháy bất thành nhân dạng.

Ta hãy xem xét kỹ đoạn cáo trạng này :

Theo luật sư Hà Huy Sơn, người từng có gần 20 năm công tác ở TCT xăng dầu Việt Nam, thì phương trình hóa học của xăng cháy là : C6H14 + 9,502 = 6C02 + 7H20. Như vậy để đốt cháy 1 mol xăng cần 9,5 mol ôxy. Mà 1 mol ô xy ở điều kiện khí lý tưởng (1 at 25oC) chiếm gần 25 lít. 9,5 mol tương đương với 235 lít. Vì tỷ lệ ô xy trong không khí là 1/5, nên để đốt hết 1 mol xăng (86 g) cần 1,2 m3 không khí. Với những kích thước như đã nói ở trên, thì cái giếng trời giữa nhà Lê Đình Chức và Lê Đình Hợi chỉ chứa được 4,408 m3 không khí, tức chỉ đủ đốt hết 367 g xăng, tương đương với 0,625 lít xăng. Mà chỉ đốt hết chừng ấy xăng, thì không thể biến 2 người thành than còn 1 người cháy đen được. Do hố kỹ thuật kín, 4 mặt đều là tường xây, nên khi cháy hết 0,625 lít xăng đầu tiên, nếu đổ tiếp xuống nhiều lần, thì xăng sẽ bốc hơi lên trên miệng giếng, và tạo ra cột lửa cháy trên miệng giếng chứ không thể cháy dưới đáy giếng. Vì vậy, nếu có 3 người ở đáy giếng, thì họ sẽ bị bỏng do lần xăng cháy đầu tiên rồi sau đó chết ngạt vì thiếu ô xy, chứ 2 người không thể than hóa còn 1 người cháy đen.

Đó chỉ là kiến thức hóa học phổ thông. Bất cứ một học sinh PTTH nào cũng biết. Thế nhưng các đại diện của VKS, những người có bằng cấp đầy mình, lại không biết điều rất đơn giản đó.

Cáo trạng ghi: khi thấy 3 chiến sỹ rơi xuống giếng trời, Lê Đình Chức đã đổ xăng từ 1 cái can ra chậu cho Lê Đình Doanh châm lửa vào chậu xăng rồi đá chậu xuống giếng. Doanh khai cả hai làm như vậy 3-4 lần, vào khoảng 20 phút.

Muốn châm lửa vào chậu xăng đặt trên nền bê tông, thì Doanh hoặc là phải cúi mặt xuống gần chậu, hoặc là phải bê chậu lên ngang ngực. Vậy chỉ cần 1 tia lửa nhỏ bắn vào, lập tức xăng sẽ bắt lửa, và lửa sẽ bùng lên chụp trọn lấy mặt và đầu của Doanh. Lúc đó Doanh chỉ còn cách ôm lấy mặt mà lăn ra vì bị bỏng nặng, chứ còn đá làm sao được chậu xăng xuống giếng ? và nếu Chức đổ xăng ba, bốn lần. Chẳng lẽ đá xong chậu xăng thứ nhất, Doanh còn ôm cái mặt bị bỏng chạy vào nhà Chức ba, bốn lần để lấy ra ba, bốn cái chậu khác ? lực lượng CSCĐ lúc đó đang đứng dầy đặc xung quanh với vũ khí đầy mình. Liệu có ai để yên cho Chức đổ xăng và Doanh đá các chậu xăng cháy nhiều lần xuống giếng để than hóa các đồng đội của mình ?

Việc 3 chiến sỹ bị rơi xuống giếng trời, theo cáo trạng, là hoàn toàn bất ngờ. Không ai kịp phản ứng. Vậy thì khi rơi xuống, trên tay họ vẫn cầm nguyên vũ khí chứ không ai kịp quẳng vũ khí đi. Thế nhưng khi đưa họ lên khỏi giếng, sao không thấy bất cứ một dấu vết vũ khí nào ? chúng đã biến thành không khí rồi sao ?

Một câu hỏi nữa là : tổ 3 người lần lượt bị rơi xuống giếng trời. Tại sao người bị rơi đầu tiên không biết kêu lên để hai người kia dừng lại ? rồi hai người đã dừng lại ấy có thể bắn chết Doanh, Chức, sau đó nắm báng súng hoặc tháo thắt lưng da đưa xuống cho người dưới giếng cầm 1 đầu để kéo lên ?

Trong suốt phiên tòa do thẩm phán Trương Việt Toàn làm chủ tọa, đại diện VKSND thành phố Hà Nội chỉ có một căn cứ duy nhất để buộc tội 29 người dân làng Hoành, đó là lời nhận tội của họ. Mà lời nhận tội thì ai cũng biết rồi. Với cách điều tra “rất khoa học và khách quan” bằng phương pháp “phi đánh bất thành cung”, với nghệ thuật ép cung, mớm cung, dựng cung bậc thầy, các ĐTV “giỏi nhất thế giới” của chúng ta đã buộc được những người như Nguyễn Thanh Chấn, Huỳnh Văn Nén, Hàn Đức Long…mỗi người phải trên dưới 50 lần nhận tội giết người, dù họ chưa hề biết mặt người mà họ nhận là đã giết. Ngay tại phiên tòa, đa số người trong số 29 người dân ở Đồng Tâm, đã tố cáo bị đánh đập, nhục hình, bị đe dọa sẽ giết cả nhà nếu không nhận tội.

Đối với 1 vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng như vụ án “giết người” ở làng Hoành xã Đồng Tâm, thì việc tổ chức thực nghiệm điều tra (TNĐT) vô cùng quan trọng. Quá trình TNĐT sẽ trả lời được câu hỏi : những lời khai của bị can có phù hợp với hành động mà họ đã thực hiện tại hiện trường không ? nhưng cơ quan điều tra đã bỏ qua việc làm quan trọng bậc nhất này. Tại phiên tòa, khi các LS đề nghị tòa trả hồ sơ, yêu cầu cơ quan điều tra tổ chức TNĐT, thì HĐXX lập tức dẫy lên đành đạch, y như những con cá bị lôi ra khỏi nước vứt lên bờ, gạt phắt đề nghị ấy, còn LS Nguyễn Hồng Bách, người bảo vệ các “bị hại” thì vội lu loa lên rằng không thể đưa ba người sống xuống dưới đáy giếng trời để làm thực nghiệm được.

Ơ hay, có ai bắt ngài LS phải đưa 3 người sống xuống dười đáy giếng trời đâu ? để làm TNĐT, cơ quan điều tra có thể đưa xuống đó 3 con lợn, mỗi con có cân nặng từ 60-70 kg, tương đương với cân nặng của 3 CSCĐ đã chết. Cơ thể lợn cũng như cơ thể người, có đến 90% là nước. Quá trình thực nghiệm với 3-4 lần hắt xăng xuống, với thời gian như lời khai của Lê Đình Doanh, sẽ có câu trả lời ngay là 3 con heo đó có than hóa 2 con và 1 con cháy đen, biến dạng không ?

Vì sao không TNĐT ? cho đến nay, cơ quan CSĐT công an TP Hà Nội vẫn chưa trả lời câu hỏi này.

Trong bài “tội ác Đồng Tâm”, GS toán học Hoàng Xuân Phú đã chứng minh và đã kết luận rằng 3 CSCĐ đó đã bị giết ở nơi khác trước khi bị ném xuống giếng trời (còn ai đã giết họ thì cơ quan CSĐT phải làm rõ). Chính vì ném 3 xác chết xuống giếng nên cái xác bị ném xuống trước đã không thể kêu lên để 2 xác kia dừng lại, và người ta đã “quên” không ném vũ khí xuống cùng 3 cái xác. Cũng theo GS Hoàng Xuân Phú thì sau khi bị ném xuống giếng trời, cả 3 cái xác đó đã bị đốt bằng thứ vật liệu cháy ở thể rắn, thứ mà người dân Đồng Tâm không thể có được, chứ không phải bằng xăng. Và chỉ sau khi vụ đốt người đã hoàn thành rồi, thì kịch bản đổ tội cho Chức, Doanh giết người mới được dựng lên. Nhưng vì kịch bản được dựng quá vụng về, người dựng không có một mẩu kiến thức nào về hóa học. Nên kịch bản mới đổ sụp, và sự thực của vụ án đã được phơi bày ngay tại phiên tòa: những người dân Đồng Tâm không ai gây nên cái chết cho 3 CSCĐ.

Xác định sự thật của vụ án là mục đích của tất cả các nền tư pháp trên thế giới. Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng vậy. Nhưng trong vụ án giết người xẩy ra ở làng Hoành xã Đồng Tâm, thì sự thật đã bị các cơ quan tố tụng của Hà Nội vùi trong bóng tối, đồng thời người ta cũng vùi luôn vào bóng tối một sự thật khác là: ai đã giết, đã mổ bụng cụ Lê Đình Kình ? vì sao đã giết rồi lại còn mổ bụng ? còn nguyên tắc suy đoán vô tội cũng bị làm ngược lại.

Bất chấp sự thực của vụ án đã được phơi bày. HĐXX phiên tòa vẫn tuyên án 29 người dân ở làng Hoành xã Đồng Tâm, trong đó có 2 án tử hình về tội “giết người” dành cho 2 con trai của cụ Lê Đình Kình là Lê Đình Công, Lê Đình Chức.

Bằng hai án tử hình này, TAND thành phố Hà Nội đã chính thức tuyên án tử hình nền tư pháp của nước CHXHCN Việt Nam./.

V.H.S.

Nguồn: FB Vũ Hữu Sự

TRÁCH NHIỆM 'DÂN VẬN' NHÌN TỪ BẢN ÁN HÌNH SỰ

SƠ THẨM VỤ ÁN 'HỘI NHÀ BÁO ĐỘC LẬP VIỆT NAM'

THỚI BÌNH/ BVN 7-1-2021

Tổng cộng 37 năm tù cho ba công dân vì tội viết tất cả là 36 bài báo trong 5 năm chủ đề kêu gọi tam quyền phân lập cho thể chế chính trị hiện hành.

VNTB – Trách nhiệm ‘dân vận’ nhìn từ bản án hình sự sơ thẩm vụ án “Hội Nhà báo độc lập Việt Nam”

“Tam quyền phân lập” là chủ đề bàn luận từ hồi có bản Hiến pháp 1992. Trên trang điện tử của cơ quan Tuyên giáo, trên báo chí quốc doanh vẫn thường xuyên bàn luận về học thuyết chính trị tam quyền phân lập (1).

Vậy thì vì sao các nhà báo tự do không thể được quyền viết bài về chủ đề tam quyền phân lập?

Tránh việc hình sự hóa một quan hệ dân sự trong quyền chính trị công dân, rõ ràng ở đây có một công cụ mà Đảng bộ ở một số địa phương đã chưa thực sự quan tâm đúng mức: Dân vận.

Vì sao lại là “dân vận”?

Sinh tiền, Chủ tịch Hồ Chí Minh có giải thích rằng: Dân vận là hoạt động thông qua hành động hoặc lời nói, chữ viết để vận động tất cả lực lượng của mỗi một người dân không để sót một người dân nào.

Từ việc vận động đó để đóng góp sức dân thành lực lượng nhân dân và từ lực lượng nhân dân thành lực lượng toàn dân, để cùng nhau tiếp sức, thực hành những công việc nên làm, những công việc Chính phủ và đoàn thể đã giao cho.

Từ giải thích của Chủ tịch Hồ Chí Minh về khái niệm dân vận, từ đó có thể đưa ra câu trả lời về công tác dân vận là gì? Đó là việc chính quyền, đoàn thể những người có chức trách, nhiệm vụ được nhà nước tin tưởng giao phó thực hiện các nhiệm vụ về: khi dân có vấn đề chưa hiểu phải tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ, nắm được thông tin và bản chất của vấn đề.

Trước những vấn đề phải có sự bàn bạc, lắng nghe, trao đổi hỏi ý kiến và kinh nghiệm của dân; khi thi hành công việc, nhiệm vụ phải theo dõi, giúp đỡ, khuyến khích; khi thực hiện, thi hành xong cùng dân rút kinh nghiệm, đưa ra bài học để những lần sau cố gắng hoàn thành tốt hơn nữa.

Đơn cử, nếu quả tình đúng là có 3 công dân viết trong 5 năm được cả thảy 36 bài báo được ‘giám định’ là “chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, và ‘động cơ gây án’ ở đây của 36 bài báo chính là đề xuất áp dụng chính trị phân quyền với 3 nhánh lập pháp - hành pháp - tư pháp. Tuy nhiên đề xuất này được cho là ‘đi ngược lại quan điểm của Đảng’.

Trong mọi lý do, thì với chặng đường thời gian những 5 năm của 36 bài báo, cho thấy công tác dân vận đã kém hiệu quả trong thực thi yêu cầu khi dân có vấn đề chưa hiểu, phải tìm mọi cách giải thích để dân hiểu rõ, nắm được thông tin và bản chất của vấn đề. Đàng này lại chọn im lặng của ngộ nhận “cầu thị - tiếp thu” đa chiều phản biện, để rồi bất ngờ đẩy người dân vào cảnh tù tội, như vụ án vừa kết thúc phiên hình sự sơ thẩm vào trưa ngày 5-1-2021.

“Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng cho rằng, công tác cán bộ, nhân sự sẽ quyết định thành hay bại. Do đó, nếu làm không tốt công tác cán bộ, chúng ta sẽ tự lật đổ chứ không phải do kẻ thù” (…) “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi” - bài báo trên tờ Thanh Niên đã viết như vậy trong tường thuật Hội nghị toàn quốc đánh giá kết quả công tác tổ chức xây dựng Đảng năm 2019, triển khai nhiệm vụ năm 2020 (2).

Củng cố thêm cho thắc mắc ở đây: phải chăng vì thiếu cán bộ cho nhiệm vụ dân vận nên mới để xảy ra vụ 37 năm tù cho ba công dân vì tội viết tất cả là 36 bài báo trong 5 năm chủ đề kêu gọi tam quyền phân lập cho thể chế chính trị hiện hành?

Tại lễ kỷ niệm 90 năm Ngày truyền thống ngành công tác Dân vận của Đảng, sáng 11-10-2020, theo bản tin trên báo Lao Động“Uỷ viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng nhấn mạnh: Những thành tựu của Đảng ta 90 năm qua, có sự đóng góp rất to lớn, quan trọng của công tác dân vận của Đảng và cả hệ thống chính trị. Chúng ta đã phát huy cao độ sức mạnh của nhân dân, dựa vào dân, tin ở dân, gắn bó với dân, vận động, tập hợp, tổ chức và hướng dẫn quần chúng nhân dân theo lời Bác dạy: “Lực lượng toàn dân là lực lượng vĩ đại hơn hết. Không ai chiến thắng được lực lượng đó” (3).

Như vậy phải chăng trong vụ án “Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam” nếu tiếp tục được nhìn qua lăng kính hình sự ở Điều 117, xem ra có phần trách nhiệm không hề nhỏ của cơ quan dân vận Đảng. Liệu điều này có được cơ quan tố tụng xem xét để kháng nghị ở phiên tòa phúc thẩm?

T.B.

____

Chú thích:

(1) http://tuyengiao.vn/bao-ve-nen-tang-tu-tuong-cua-dang/co-nen-van-dung-mo-hinh-tam-quyen-phan-lap-vao-viet-nam-hien-nay-113244;

http://tapchiqptd.vn/vi/lam-that-bai-chien-luoc-dbhb/tam-quyen-phan-lap-khong-phai-la-su-lua-chon-mo-hinh-to-chuc-nha-nuoc-cua-viet-nam/10566.html;

https://anninhthudo.vn/tam-quyen-phan-lap-khong-phu-hop-voi-the-che-chinh-tri-o-nuoc-ta-post179566.antd;

https://www.tapchicongsan.org.vn/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/nhap-khau-thuyet-tam-quyen-phan-lap-hay-la-bai-co-xuy-bat-on-chinh-tri-xung-ot-quyen-luc;

https://thanhnien.vn/thoi-su/khong-co-tam-quyen-phan-lap-nen-moi-co-qh-la-co-quan-quyen-luc-nha-nuoc-cao-nhat-1237447.html;

http://hvctcand.edu.vn/chong-dien-bien-hoa-binh/co-phai-chi-thuc-hanh-kinh-te-thi-truong-tam-quyen-phan-lap-xa-hoi-dan-su-thi-nuoc-ta-moi-phat-trien-theo-dong-1817;

https://baoquocte.vn/bau-cu-my-2020-mo-hinh-tam-quyen-phan-lap-con-co-the-dung-vung-127170.html

(2) https://thanhnien.vn/thoi-su/thuong-truc-ban-bi-thu-ta-khong-lam-tot-thi-tu-ta-lat-do-thoi-1163483.html

(3) https://laodong.vn/thoi-su/khong-de-cac-the-luc-thu-dich-gay-nhieu-loan-tu-tuong-nhan-dan-843921.ldo

VNTB gửi BVN.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét