Thứ Ba, 24 tháng 12, 2019

20191224. QUANH VẤN ĐỀ 'TẨY CHAY' NHIỆT ĐIỆN THAN

ĐIỂM BÁO MẠNG
TẨY CHAY NHIỆT ĐIỆN THAN VÀ BÀI TOÁN NAN GIẢI

LƯƠNG BẰNG/ TVN 18-12-2019

Mới đây, lãnh đạo UBND tỉnh Long An đã phát biểu trên báo chí rằng tỉnh vẫn đang làm thủ tục xin Chính phủ chấp thuận việc điều chỉnh nguồn nhiên liệu 2 nhà máy nhiệt điện Long An 1 và 2 từ sử dụng than chuyển sang sử dụng khí hóa lỏng.
"Trong trường hợp không thể phát triển nhà máy nhiệt điện sử dụng khí hóa lỏng ở vị trí này thì xóa quy hoạch chứ không sử dụng nhiên liệu than, nhằm hạn chế những bất cập về môi trường", báo chí tường thuật kết luận rất “rắn” của Long An.
Tẩy chay nhiệt điện than và bài toán nan giải
Nhà máy nhiệt điện ở Duyên Hải, Trà Vinh.
Không chỉ Long An, nhiều địa phương cũng đang quyết liệt từ chối điện than một cách quyết liệt và mạnh mẽ đến mức Bộ Công Thương cũng phải “điểm mặt” trong báo cáo gửi Quốc hội. Theo đó, nhiều dự án nhiệt điện than thời gian qua đã không được thực hiện do đề xuất, kiến nghị của địa phương như các dự án điện than ở Bạc Liêu, Quảng Ninh, Hà Tĩnh. Trong khi đó “tẩy chay” nhiệt điện than, nhiều địa phương khác đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới như Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận.
Điều đó cho thấy, ngày càng nhiều địa phương bị “ám ảnh” bởi nhiệt điện than, và chỉ chấp nhận nhiệt điện khí. Trong trường hợp Chính phủ chiều ý các địa phương thì sao?
Dĩ nhiên, khi từ chối điện than, thì điện khí sẽ là lựa chọn hàng đầu, bởi thủy điện cạn, điện hạt nhân đã dừng, năng lượng tái tạo “trồi sụt” thất thường… Khi đó, tỷ trọng nhiệt điện khí trong hệ thống điện sẽ tăng lên.
Số liệu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho thấy, 10 tháng đầu năm 2019, sản lượng nhiệt điện khí hiện chỉ chiếm khoảng 18,01% sản lượng toàn hệ thống, xếp sau nhiệt điện than (48,54%) và thủy điện (28,97%).  Các nguồn khác như nhiệt điện dầu, năng lượng tái tạo, nhập khẩu chiếm tỷ trọng khá nhỏ.
Xét ở góc độ nào đó, nhiệt điện khí rõ ràng “ổn” hơn nhiệt điện than về mặt môi trường, ít nhất cũng không xuất hiện các núi tro xỉ như ở một số dự án miền Trung, nơi người dân chưa quen với gạch không nung. Song, để môi trường sạch hơn thì cũng có giá của nó, mà giá của nhiệt điện khí không hề rẻ.
Nhiệt điện khí hiện có mức giá cao top đầu trong các nguồn điện. Thủy điện giá xấp xỉ 1.000 đồng/kWh, còn nhiệt điện than xấp xỉ 1.500 đồng/kWh, điện gió là 1.900-2.200 đồng/kWh, điện mặt trời khoảng 2.100 đồng/kWh, tất cả đều thấp hơn mức giá của điện khí từ 2.300 đồng – 2.800 đồng/kWh, theo EVN. EVN cho biết, giá trung bình của nhiệt điện khí sử dụng khí lô B lên tới 2.800 đồng/kWh.
Tẩy chay nhiệt điện than và bài toán nan giải
Giá điện khí đắt đỏ nhất trong số các nguồn điện hiện nay
Điều này được chứng minh qua mức chào giá điện khí của một số dự án đang chuẩn bị đầu tư. Khi đề xuất chủ trương đầu tư dự án nhà máy nhiệt điện Ô Môn II (Cần Thơ), mức giá các nhà đầu tư đưa ra đều rất sát. Mức giá tại liên danh Vietracimex – Marubeni là 2.884 đồng/số. Còn với dự án nhà máy nhiệt điện sử dụng nhiên liệu khí Ô Môn III và Ô Môn IV, giá bán điện ở mức 2.355 đồng/kWh và tối đa là khoảng 2.840 đồng/kWh. Mức giá này được cho là mới đảm bảo hiệu quả tài chính của dự án Ô Môn III và IV.
Trong khi đó, giá bán lẻ điện bình quân hiện nay là hơn 1.800 đồng/số. Mua với giá 2.300-2.800 đồng/số, nhưng bán lẻ đến tay người dân với giá hơn 1.800 đồng/số, không cần phải là chuyên gia kinh tế cũng thấy điều bất thường. Nếu không có nhiệt điện than và thủy điện với mức giá mềm hơn “gánh” cho mức giá điện khí đó, thì rất khó để EVN tồn tại được.
Nhưng điện than đang bị nhiều tỉnh thành “tẩy chay” quyết liệt như vậy, nhất quyết “đòi” làm điện khí thì việc tính toán giá điện ra sao cũng là điều nghiêm túc phải xem xét. Khi nhiệt điện khí với giá cao hơn tăng lên, thì tất yếu giá điện cũng chịu áp lực không nhỏ. Đặc biệt là, khí trong nước không đủ nhu cầu, phải nhập khẩu trong bối cảnh xu hướng giá khí cao.
Điều gì xảy ra nếu giá điện tăng cao? Người dân phải trả nhiều tiền hơn cho việc dùng điện, các doanh nghiệp phải chi trả chi phí cho mỗi sản phẩm, dịch vụ bán ra. Giá thành sản phẩm cao lên, sức cạnh tranh với các đối tác cũng bị ảnh hưởng. Đó là điều phải đối mặt và là thực tế, tuân thủ đúng quy luật thị trường.
Mong muốn có nguồn điện “sạch”, nhà máy điện thân thiện hơn với môi trường của nhiều địa phương có thể hiểu được. Nhưng khi đã quyết liệt nói không với nhiệt điện như vậy, thì cũng phải lường trước những tác động kể trên, trong đó có yếu tố giá điện. Nếu muốn bỏ nhiệt điện than nhưng lại muốn giá điện đứng im, thì khó tránh khỏi “cầu dao điện” bị ngắt.
Lương Bằng

KHI ĐIỆN ĐÓI KHÍ
LƯƠNG BẰNG/ TVN 23-12-2019

Nỗi lo thiếu khí
Trong nỗ lực “tẩy chay” nhiệt điện than, nhiều địa phương như Bạc Liêu, Bà Rịa - Vũng Tàu, Ninh Thuận đã đề nghị bổ sung các trung tâm điện khí mới (xem thêm tại đây)
Tuy nhiên, nguồn khí có đủ cung cấp để phát điện hay không lại là câu chuyện khác trong bối cảnh nguồn khí trong nước đã dần suy giảm và được dự báo sẽ cạn kiệt trong thời gian tới.
Khi điện đói khí
Điện khí đang đứng trước tình trạng thiếu nguồn khí để phát điện. 
Vì vậy, việc đầu tư xây dựng các nhà máy điện khí không phải “muốn là được”, mà phải phụ thuộc đáng kể vào nguồn cung cấp khí, chưa kể rất nhiều yếu tố khác.
Theo Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công Thương, hiện nay Việt Nam có 7.200 MW điện khí, chiếm khoảng 16% tổng công suất hệ thống, trong đó khu vực Đông Nam Bộ có 10 nhà máy với tổng công suất 5.700 MW; khu vực Tây Nam Bộ có 2 nhà máy với tổng công suất khoảng 1.500 MW.
Dự kiến đến năm 2020, công suất nhiệt điện khí là gần 9.000 MW. Năm 2030, nhiệt điện khí tăng lên 19.000 MW.
Với tốc độ tăng trưởng nhu cầu điện và tình hình phát triển nguồn điện hiện nay thì trong giai đoạn từ năm 2020 - 2025, dự kiến nhu cầu khí cho phát điện trung bình sẽ rất cao từ 8,5-9,5 tỷ m3/năm trở lên.
Vấn đề là khả năng cung cấp khí luôn thấp hơn nhiều so với nhu cầu, dẫn đến tình trạng nhiệt điện khí tăng lên, nhưng khả năng cấp khí lại đang suy giảm mạnh, nhiều nhà máy điện khí lâm cảnh “đói” khí.
Cuộc làm việc giữa Tổng công ty khí Việt Nam (PV GAS) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hồi tháng 11 năm nay đã cho thấy tình hình cấp khí rất đáng lo ngại. Khi đó, Tổng giám đốc PV GAS Dương Mạnh Sơn cho biết, nếu tiếp tục huy động khí ở mức cao như các năm trước đây, PV GAS dự báo sẽ thiếu khí cấp cho Nhà máy điện BOT Phú Mỹ 3 và Phú Mỹ 2.2 từ giữa năm 2022.
Nếu tính tổng nhu cầu khí cho phát điện cho các nhà máy ở Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ thì cần khoảng 30,3 triệu m3/ ngày.
Trong khi đó, từ giữa năm 2018, các mỏ lô 06.1 và 11.2 đã có hiện tượng suy giảm rõ rệt và tình trạng này trở nên đặc biệt căng thẳng trong năm 2019. Tổng lượng khí cung cấp được hiện nay từ cả hai nguồn chỉ khoảng 20 triệu m3/ ngày, so với mức nhu cầu là 30,3 triệu m3/ ngày.
Điều này có nghĩa, khả năng cung cấp khí đốt cho phát điện chỉ đáp ứng khoảng 66% nhu cầu.
Một cán bộ trong ngành điện cho biết: Việc thiếu khí lô 06.1 và 11.2 sẽ ảnh hưởng tới việc hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với các nhà máy điện BOT. Nếu duy trì sản lượng khai thác khí từ lô 06.1 và 11.2 như hiện nay, thì sẽ thiếu khí cho các nhà máy điện BOT từ năm 2023. Dự kiến tổng lượng khí thiếu cho các nhà máy điện BOT cho đến khi hết hợp đồng vào năm 2025 là trên 3 tỷ m3.
Thông tin từ EVN cho biết, để hoàn thành nghĩa vụ hợp đồng với các nhà máy điện BOT, từ ngày 01/01/2020 PVGas sẽ chỉ cung cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam Bộ tối đa khoảng 13,5 triệu m3/ngày. Trước đó từ ngày 13/10/2019 sản lượng khí cấp cho các nhà máy điện khu vực Tây Nam Bộ cũng đã bị giảm xuống còn 2,5 triệu m3/ngày (trong trường hợp không thống nhất được giá mua khí bổ sung từ Petronas - một công ty dầu khí thuộc sở hữu của Malaysia).
Có nghĩa, tổng lượng khí cấp trung bình 1 ngày cho phát điện từ cả hai nguồn khí Đông Nam bộ và Tây Nam Bộ dự kiến chỉ còn khoảng 16 triệu m3/ngày, thấp hơn so với hiện nay từ 4-5 triệu m3/ngày, tức là chỉ đáp ứng được khoảng 53% nhu cầu phục vụ phát điện giai đoạn từ 2020 trở đi. Riêng trong năm 2020, tổng lượng khí dự kiến cấp cho phát điện chỉ khoảng 6 tỷ m3, thấp hơn nhiều so với kế hoạch.
Cấp khí càng ngày càng khó
Tính từ năm 2010 đến nay, trung bình hàng năm sản lượng khí cấp cho các nhà máy điện là 7,96 tỷ m3, chưa đáp ứng được nhu cầu huy động tối đa của các nhà máy.
Mặc dù trong năm 2021 - 2022, Việt Nam có thể được bổ sung sản lượng từ các nguồn khí mới (mỏ Sao Vàng – Đại Nguyệt), nhưng điều chắc chắn phải đối mặt là giá khí sẽ cao hơn các nguồn khí hiện nay. Tất yếu điều này sẽ tác động tới việc sản xuất kinh doanh của các nhà máy điện, đến giá điện.
Theo Vụ Dầu khí và Than, Bộ Công Thương, khả năng cấp khí tại khu vực Đông Nam Bộ sẽ được duy trì ở mức sản lượng như hiện nay đến hết năm 2022. Từ năm 2023, sản lượng khí cấp về bờ sẽ bị suy giảm mạnh (Lô 06.1 dừng khai thác vào tháng 5/2023) và bắt đầu thiếu khí tại khu vực Đông Nam Bộ.
Với tổng công suất các nhà máy điện khí giai đoạn 2030 khoảng 19.000 MW sẽ cần khoảng 22 tỷ m3 khí, trong đó khoảng gần 50% là từ nguồn khí hóa lỏng (LNG) nhập khẩu.
Theo dự báo kế hoạch cung cấp khí cho phát điện, khả năng cấp khí cho các nhà máy điện khu vực Đông Nam bộ dự kiến từ 6,5-7,5 tỷ m3/năm trong giai đoạn 2020-2023, tăng lên trên 9 tỷ m3/năm trong 02 năm 2024-2025, và giảm dần trong các năm tiếp theo. Tuy nhiên, khả năng cấp khí trong giai đoạn 2020 - 2030 lại phụ thuộc nhiều vào tiến độ các nguồn khí mới như Sao Vàng – Đại Nguyệt, các dự án đường ống Nam Côn Sơn giai đoạn 2, cảng LNG Thị Vải và khả năng khai thác các mỏ hiện hữu do đã bước vào giai đoạn suy giảm.
Trước những khó khăn ấy, EVN và PVGas đã xây dựng các phương án cấp khí nhanh cho khu vực Đông Nam bộ từ nguồn khí hóa lỏng (LNG). Song, trước mắt, để đảm bảo cung cấp điện trong năm 2020 (ưu tiên cung cấp điện trong mùa khô), EVN đã đề nghị PVGas duy trì cung cấp khí cho khu vực Đông Nam Bộ ở mức 18,38 triệu m3/ngày (tương tự như đã thực hiện trong năm 2019); đẩy nhanh tiến độ đàm phán với Petronas, đảm bảo lượng khí cấp cho các nhà máy điện Cà Mau - khu vực Tây Nam bộ như hiện nay, ở mức khoảng 4,18 triệu m3/ngày.
Rõ ràng, bên cạnh căng thẳng về cung ứng than, việc thiếu khí cho phát điện sẽ là nỗi lo không nhỏ, nhất là trong bối cảnh thiếu điện ngày càng cận kề. Vậy nên, việc nhiều địa phương từ chối nhiệt điện than, chỉ chấp nhận điện khí cũng sẽ là một áp lực không nhỏ cho việc cung cấp khí thời gian tới.
Lương Bằng

ĐỘC QUYỀN-KHỐN NẠN LÀ KHÔNG GIỚI HẠN

FB ĐỖ CAO CƯỜNG/ BVN 24-12-2019

Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) khẳng định ô nhiễm không khí tại thủ đô do các nhà máy nhiệt điện là không chính xác, các đánh giá tác động môi trường (ĐTM) đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm định và phê duyệt, mức độ ảnh hưởng lớn nhất của nồng độ bụi (chỉ khoảng 10 mg/m3 bụi mịn PM10) thường xuất hiện ở khoảng cách nhà máy từ 2,6 – 2,8km, hiện tất cả nhà máy đều đã đầu tư và lắp đặt hệ thống ESP với hiệu suất xử lý bụi đạt trên 99,6%….
Vâng, 10 mg/m3 bụi mịn PM10 mà có thể đen đặc, phủ nhiều lớp bụi đen thui ở nhiều con đường, nhà dân tôi đến? máy đo của tôi cũng cho biết bụi mịn PM2.5 ở nhiều nơi tưởng trong lành nhưng luôn đạt ngưỡng nguy hại, trong khi xung quanh chỉ có mỗi nhà máy nhiệt điện, tôi tin với công nghệ lạc hậu gây ô nhiễm của Tàu, các ống khói cao hàng trăm m sẽ thải ra lượng bụi siêu mịn – thải trộm không thông qua hệ thống lọc tĩnh điện nhiều khủng khiếp vào ban đêm, theo hướng gió bụi siêu mịn phát tán hàng trăm km, tới Hà Nội vào buổi sáng là đương nhiên.
Hiệu suất xử lý 99,6% mà nhiều ngôi làng kêu trời khấn đất, thi nhau chết vì các bệnh liên quan đến đường hô hấp, rất nhiều người bị viêm mũi viêm xoang à? các ông căn cứ vào đâu? Trong khi nhóm nghiên cứu của đại học Harvad công bố số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở VN là 4.300 người mỗi năm, nếu các dự án đang trong quy hoạch đều được đưa vào vận hành, con số này có thể tăng lên đến 25.000 người, các ông có năng lực chứng minh, phản bác, kiện lại họ bằng những chứng cứ khoa học? Hay chưa được tiếp cận phương pháp nghiên cứu nào đã vội lấp liếm, phủ nhận? Người dân sống gần các nhà máy nhiệt điện chính là nạn nhân, là chuyên gia đánh giá khách quan nhất, nếu cứ tin vào bản báo cáo của các ông dân ta chỉ còn con đường chết. Độc quyền – khốn nạn là không giới hạn.

TẠI SAO ĐIỆN GIÓ, MẶT TRỜI KHÔNG GÂY Ô NHIỄM LẠI BỊ O ÉP, RỒI ƯU ÁI CHO EVN DỒN DÂN VÀO CHỖ CHẾT BẰNG  ĐIỆN NHIỆT THAN ?

TƯỜNG LÂM/ BVN 24-12-2019


Sau khi tăng giá điện một cách phi mã, EVN bị bóc phốt lừa đảo người tiêu dùng, đe dọa Chính phủ, lộng ngôn chốn nghị trường… nhưng lạ là những tội trạng ấy cuối cùng cũng được cho qua như chưa có chuyện gì xảy ra. Để rồi mới đây, tập đoàn này lại dùng uy quyền của bà mẹ công thương triệt hạ đối thủ cạnh tranh, đó là các dự án điện gió, điện mặt trời nguồn năng – lượng sạch mới manh nha. Câu hỏi đặt ra ở đây là, trong khi thủy điện và nhiệt điện than của EVN không cung cấp đủ điện năng cho người dùng, thậm chí đây là những kẻ giết người thầm lặng thì tại sao lại ưu ái cho phát triển, còn nguồn năng lượng thân thiện với môi trường lại bị triệt tiêu?
https://baoxa.net/wp-content/uploads/2019/07/934eeae3daa7296711438d0cc7310bef.jpg
Chỉ gần chục năm mà EVN tăng giá điện hơn chục lần, để rồi khi bị phản ứng dữ dội ông Thứ trưởng Bộ Công thương mới trần tình: “Nếu giá điện không tăng, EVN sẽ phá sản!”. Khi bị Thanh tra Chính phủ vào cuộc, ông Đinh Quang Tri Phó tổng EVN lớn giọng đe dọa: “Giá điện sẽ tăng gấp đôi nếu giải tán EVN”.Những tưởng từ những sai phạm bị thanh tra vạch trần, EVN sẽ bị cho vào lò nhưng không, EVN vẫn ngồi chễm chệ thu hàng chục ngàn tỷ đồng từ tiền tăng giá điện mỗi tháng.
Để rồi hôm nay, cái thói độc quyền muốn gì được nấy của EVN lại được nước lộng hành, đó là “ép các dự án điện gió ở Bình Thuận và điện mặt trời phải giảm công suất phát điện” với lý do là đường dây không đáp ứng đã gây quá tải lưới điện. Thật không tin nổi, EVN lại lấy cớ này ngăn chặn các đối thủ vượt mặt mình. Bản thân EVN luôn tìm mọi cách tăng giá điện, nào là do thời tiết nắng nóng phải chạy thêm máy phát điện, nào là do các nhà máy không đáp ứng được công suất…Thế nhưng khi các dự án điện gió, điện mặt trời sản xuất ra lượng điện năng lớn thì lại ngăn cản. Vì sao EVN và các bộ ngành có liên quan không tận dụng nguồn điện này, hòa vào lưới điện toàn quốc phục vụ cho người tiêu dùng, nhằm giải quyết vấn nạn thiếu điện từ nhiều năm qua? Câu hỏi đặt ra ở đây là, nếu buộc các dự án này giảm công suất thì thiệt hại của các chủ đầu ai sẽ bồi thường? Liệu có đổ lên đầu dân?
https://baoxa.net/wp-content/uploads/2019/07/bcbe7db2f7aa1ea18bbe20f288cbb888.jpg
Việc ép các nhà máy giảm công suất chẳng khác nào là hạ sách. Nếu đã cho phép đầu tư điện gió, điện mặt trời thì nên thay mới hay nâng cấp cơ sở hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển này, chứ không thể đợi đến hôm nay “nước tới chân rồi mới nhảy”. Nhưng nhảy kiểu gì, thay vì phải tạo điều kiện cho năng lượng sạch, thân thiện với môi trường mà các nước tiên tiến trên thế giới đang đẩy mạnh, thì Việt Nam lại kìm hãm nó.
Ở đâu ra cái kiểu tư duy yếu kém đi ngược lại với xu hướng của loài người như thế? Nếu bắt buộc các nhà máy điện gió, điện mặt trời giảm công suất, thì bao giờ vấn nạn thiếu điện mới giải quyết? Bao giờ nguồn năng lượng sạch mới thay thế được điện nhiệt than và thủy điện? Rồi đây, tình trạng ô nhiễm môi trường của VN có được cải thiện, nếu chúng ta nói không với nguồn năng lượng sạch? Liệu ép dự án điện gió, điện mặt trời giảm công suất, có phải cách giải quyết duy nhất vấn đề này hay có âm mưu gì khác chăng?
https://baoxa.net/wp-content/uploads/2019/07/04f6cde9a43923d49611c3c758ffe7fb.jpg
EVN vận hành nhiều nhà máy nhiệt lẫn thủy điện, nhưng vẫn không hề cung cấp đủ điện năng cho người tiêu dùng. Lúc nào người dân cũng trong tâm thế lo lắng tăng giá điện vì thiếu điện. Có ai thử hỏi rằng, sao EVN không chuyển sang đầu tư điện gió, hay mặt trời nguồn năng lượng sạch mà cứ mãi mãi trung thành với thủy điện, nhiệt than?
Trong khi, nhiệt điện than tàn phá môi trường một cách kinh khủng, hiện những bãi tro xỉ than của những nhà máy nhiệt điện than chất cao hơn cả đỉnh núi. Chôn vùi, hay đổ xuống biển đều hủy hoại môi trường. Khói bụi tro xỉ, khiến môi trường ngày càng ô nhiễm, khiến con người phải đối diện với nguy cơ bệnh tật, chết chóc. Theo số liệu mới của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), mỗi năm có hơn 60.000 người chết vì ô nhiễm không khí.
Còn thủy điện thì sao, thủy điện cũng là thần chết hung dữ hơn cả nhiệt điện. Cứ mỗi mùa mưa về là những trận vỡ đập lại xảy ra, khiến biết bao ngôi làng bị chìm trong biển nước. Tiền bạc, tài sản, con người nam nữ lão ấu đều bị dòng nước lũ vô tình cuốn trôi. Sau mỗi trận vỡ đập thủy điện, là bấy nhiêu nỗi tang thương cho người ở lại. Vấn đề này không hề được khắc phục, hầu như năm nào cũng để xảy ra, nhưng người ta bảo đó là đúng quy trình.
https://baoxa.net/wp-content/uploads/2019/07/c0dedbc6d1561db64c1ed403d355933b.jpg
Đấy EVN độc quyền về nhiệt điện, thủy điện nhưng mang lại lợi ích gì cho dân? Suốt ngày với điệp khúc cung không đủ cầu, để tăng giá điện bù lỗ, phục vụ cho những cuộc ăn chơi thác loạn… Tăng giá từ hàng chục năm nay, cuối cùng cũng chẳng thấy EVN có thay đổi gì? Cũng là thủy điện, nhiệt điện, cũng là cơ sở hạ tầng ấy, cũng máy móc ấy. Thật khó hiểu khi, thừa điện tái tạo phải hạn chế, tại sao lại cứ đổ tiền để xây nhà máy nhiệt điện, thủy điện để đẩy dân vào chỗ chết? Phải chăng EVN đang sợ thế độc quyền bị lung lay? Còn Bộ Công thương thì sợ mất đi con gà đẻ trứng vàng? Tiếp tục duy trì thế độc quyền EVN là “nối giáo” cho ngành điện lực giết chết dân nghèo.
T.L.
ĐÁNH GIÁ LẠI GDP, CÒN TỔN THẤT MÔI TRƯỜNG THÌ SAO ?
TBKTSG 20-12-2019
Tuần qua, kết quả đánh giá lại quy mô nền kinh tế giai đoạn 2010-2017 đã được Tổng cục Thống kê công bố với mức tăng bình quân 25,4%/năm, tương ứng tăng hơn 935.000 tỉ đồng mỗi năm. Theo cơ quan này, việc đánh giá lại quy mô GDP nhằm nhận định đúng bức tranh, năng lực của nền kinh tế cũng như hiệu quả của các chính sách kinh tế.
Kết quả này còn được dùng để xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội từ năm 2021-2030 và kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2021-2025.
https://cdn.thesaigontimes.vn/Uploads/Articles/298359/99968_12_600.jpg
Buổi sáng ngày 14-12, ứng dụng AirVisual đã xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số chất lượng không khí AQI là 359. Trong cả tuần trước đó, chỉ số AQI tại Hà Nội liên tục được ghi nhận ở mức trên 200. Chỉ số AQI từ 201-300 thuộc nhóm rất ô nhiễm, trên 300 ở ngưỡng nguy hại, khuyến cáo người dân nên ở trong nhà.
Những biến đổi tiêu cực của môi trường như tình trạng ô nhiễm không khí tại Hà Nội nói trên chưa bao giờ được phản ánh vào các chỉ số tăng trưởng. Dĩ nhiên, GDP chỉ xác định tổng giá trị tăng thêm mà nội bộ một nền kinh tế có thể sản xuất ra trong thời gian một năm, nó không đo lường các tác động lên môi trường, xã hội mà các hoạt động kinh tế mang lại.
Tuy nhiên, hai con số ấn tượng ở cả quy mô GDP và ô nhiễm không khí xuất hiện gần như đồng thời lại cho thấy tình trạng đáng báo động về tác động của phát triển kinh tế quá nóng mang lại. Và trong khi quy mô GDP được đánh giá lại để xây dựng các mục tiêu chiến lược phát triển kinh tế – xã hội của giai đoạn tới thì quy mô “mất mát” của môi trường vẫn chưa từng được nhìn lại hay nằm trong tính toán của các kế hoạch tăng trưởng.
Năm 2010, GDP xanh lần đầu tiên được đề cập trong Quyết định số 43/2010/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia. Năm 2011, chỉ số này được xác định trong Thông tư số 02/2011/TT-BKHĐT về quy định giải thích nội dung, phương pháp tính các chỉ tiêu trong hệ thống chỉ tiêu thống kê quốc gia.
Theo đó, GDP xanh được xác định là phần còn lại của GDP sau khi đã trừ các chi phí do khử chất thải từ sản xuất, tiêu dùng, chi phí tiêu dùng tài nguyên và mất mát về môi trường do các hoạt động kinh tế. Nhưng từ đó đến nay, GDP xanh vẫn nằm “chết yểu” ở các văn bản nói trên.
Tại Ấn Độ, một nghiên cứu cho thấy chi phí cho môi trường làm giảm đến 9,5% GDP một năm. Tổn thất do suy thoái tài nguyên cũng chiếm tới 10% GDP ở Trung Quốc. Tại Việt Nam, những con sông đang chết dần, những thành phố lớn đang bị phủ đen bởi không khí bẩn, hàng triệu cư dân đô thị khắp cả nước phải bì bõm trong biển nước mỗi khi mưa lớn… Không biết những mất mát này nếu được tính vào GDP xanh thì nền kinh tế sẽ tăng trưởng thực chất bao nhiêu.
Thiết nghĩ những tổn thất về môi trường, xã hội phải được thống kê đầy đủ, phải được đặt bên cạnh các chỉ số tăng trưởng để thấy chúng ta đã bỏ ra chi phí bao nhiêu mới có được mức tăng 6-7% mỗi năm. Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh, trong đó có GDP xanh cũng nên được xây dựng và sớm đưa vào áp dụng để có được chính sách phát triển bền vững hơn, để nền kinh tế tăng trưởng cả “xương” lẫn “thịt”, chứ không chỉ có “xương” (người dân chẳng được mấy lợi lộc do tăng trưởng) như hiện nay.


TĂNG TRƯỞNG KINH TẾ CÓ LUÔN ĐI KÈM Ô NHIỄM KHÔNG KHÍ ?

ĐẶNG HOÀNG HẢI ANH/ TS 23-12-2019

Kinh nghiệm phát triển của các nước đã cho thấy rằng, một số nước đã chấp nhận ô nhiễm môi trường vì lợi ích tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nước khác thành công trong tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường.
Ảnh: Báo Dân sinh

Ô nhiễm không khí ở Việt Nam và thế giới

Nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng đều đặn trong hàng chục năm nay đã giúp xóa đói giảm nghèo nhanh chóng, đưa Việt Nam từ một nước thu nhập thấp (low income) lên mức thu nhập trung bình thấp (lower middle income). Tuy nhiên, cùng với mức tăng trưởng kinh tế ngoạn mục đó, chỉ số đo bụi mịn PM 2.5 ô nhiễm không khí ở một số thành phố lớn ở Việt Nam đang ngày càng tăng cao. 
Trong khoảng một vài tháng gần đây, có thời kỳ trời không mưa, thì trong một tuần có đến 4-5 ngày mức độ bụi mịn ở Hà Nội đã được báo lên tới mức có hại cho sức khỏe, phải hạn chế các hoạt động ở ngoài trời. Cũng theo trang dự báo chất lượng không khí Air Visual, đã có những ngày Hà Nội được xếp vào trong nhóm những thành phố ô nhiễm không khí bậc nhất trên thế giới. 
Xu hướng ô nhiễm không khí gia tăng không chỉ có ở Việt Nam, mà còn là một vấn đề làm đau đầu các nhà hoạch định chính sách khắp nơi trên thế giới. Quả thế, chúng ta đang sống trong một thế giới phẳng và toàn cầu hóa. Ranh giới địa lý quốc gia không ngăn chặn được vấn đề ô nhiễm môi trường. Không khí, hay thậm chí cả nguồn nước, bị ô nhiễm ở một nước có thể ảnh hưởng rõ rệt đến những nước xung quanh. Đã có nghiên cứu gần đây chứng minh rằng ô nhiễm không khí ở Trung Quốc có thể làm tăng tỉ lệ tử vong do bệnh hô hấp và tim mạch ở nước láng giềng Hàn Quốc, đặc biệt đối với người già hoặc trẻ em dưới 5 tuổi (Jia and Ku, 2019).
Trong một nghiên cứu gần đây, chúng tôi so sánh mức tăng trưởng kinh tế và ô nhiễm không khí trên toàn cầu (Dang and Serajuddin, 2020). Biểu đồ 1 vẽ GDP bình quân đầu người so với số lượng bụi mịn PM 2.5 đo bằng micrograms mỗi mét khối (µg/m3) trong không khí cho các nước trong giai đoạn 1990 đến 2016. Biểu đồ này cho thấy mức GDP bình quân đầu người trên thế giới (đường liền màu xanh) tăng từ khoảng 7.000 usd lên gần 11.000 usd trong giai đoạn này. Nhưng cùng với tin vui này, thì chất lượng không khí trên toàn thế giới cũng giảm một cách đáng kể: số lượng bụi mịn PM 2.5 (đường đứt đoạn màu đỏ) cũng tăng từ khoảng 39 µg/m3 lên tới gần 50 µg/m3. Trong khi đó, giới hạn an toàn cho bụi mịn PM 2.5 của Tổ chức y tế Thế giới là 10 µg/m3 hoặc thấp hơn.
Một báo cáo gần đây của Ngân hàng Thế giới cũng chỉ ra rằng tính đến cuối năm 2013, gần 90% dân số thế giới đang phải sống trong các khu vực có mức ô nhiễm không khí vượt quá hạn mức an toàn của Tổ chức y tế Thế giới (World Bank, 2016). Báo cáo này cũng ước tính rằng việc phơi nhiễm với không khí không đạt chuẩn đã làm rút ngắn tuổi thọ của con người, cụ thể là làm tăng tỉ lệ tử vong thêm 30% trong giai đoạn 1990 và 2013. 

Có phải ô nhiễm không khí là điều tất yếu? 
Kinh nghiệm phát triển của các nước đã cho thấy rằng, một số nước đã chấp nhận ô nhiễm môi trường vì lợi ích tăng trưởng kinh tế, nhưng một số nước khác thành công trong tăng trưởng kinh tế đồng thời vẫn bảo vệ được môi trường.  
Biểu đồ 1: Chỉ số GDP và bụi mịn PM 2.5 trên toàn cầu giai đoạn 1990-2016. Nguồn: Dang and Serajuddin (2020).  

Biểu đồ 2: Chỉ số GDP và bụi mịn PM 2.5 của Trung Quốc và Nauy giai đoạn 1990-2016. Nguồn: Dang and Serajuddin (2020).  

Trước hết hãy nhìn vào một trường hợp điển hình là Trung Quốc. Sự tăng trưởng nhanh chóng của Trung Quốc đã giúp đất nước này đạt tới vị trí thu nhập trung bình cao (upper-middle income). Tuy nhiên môi trường của Trung Quốc đã tồi tệ đi một cách đáng kể trong quá trình này. Biểu đồ 2 so sánh GDP bình quân đầu người và chỉ số bụi mịn PM 2.5 của Trung Quốc và một nước khác, Nauy, để so sánh. Biểu đồ này cho thấy chỉ số bụi mịn PM 2.5 của Trung Quốc còn tăng nhanh hơn cả tốc độ tăng trưởng kinh tế trong giai đoạn 1990-2016. Biểu đồ 2 cũng cho thấy Trung Quốc đã đạt tới mức 56 µg/m3 bụi mịn PM 2.5 ở mức GDP bình quân đầu người là 7.000 đ Mỹ năm 2016. Mức độ ô nhiễm này cao hơn khoảng 40% so với cùng mức thu nhập bình quân đầu người cho toàn thế giới theo Biểu đồ 1 (Figure 1).
Trong khi đó, Nauy là trường hợp trái ngược hoàn toàn, vừa đạt được tăng trưởng kinh tế lại vừa giảm được đều đặn chỉ số bụi mịn theo thời gian.
Kinh nghiệm giảm ô nhiễm không khí
Nếu chúng ta xem xét Biểu đồ 2 kỹ hơn, thì có thể thấy mức độ ô nhiễm không khí của Trung Quốc đạt mức cao nhất vào năm 2010, rồi sau đó dừng không tăng tiếp, và thậm chí còn giảm dần. Đó có thể là do các biện pháp tích cực mà Chính phủ Trung Quốc đã thực hiện. Đầu tiên là Trung Quốc chính thức tuyên chiến với ô nhiễm không khí vào đầu năm 2014. Sau đó Trung Quốc đề ra một chính sách hành động để bảo vệ chất lượng không khí yêu cầu các khu vực đô thị phải giảm mức độ bụi mịn ít nhất là 10%. Thủ đô Bắc Kinh còn được yêu cầu phải giảm lượng bụi mịn nhiều hơn, ở mức 25%.
Trung Quốc cũng cấm xây dựng mới các nhà máy điện than hoạt động ở những khu vực bị ô nhiễm nhất. Các nhà máy điện than đang hoạt động thì được yêu cầu phải tìm cách giảm ô nhiễm. Nếu các nhà máy này không làm được như vậy, thì chúng sẽ bị thay thế bởi các nhà máy điện chạy bằng khí đốt gây ít ô nhiễm hơn. Các thành phố lớn bao gồm Bắc Kinh, Thượng Hải và Quảng Châu hạn chế số lượng ô tô được phép chạy trên đường phố. Trung Quốc cũng giảm mức sản xuất sắt và thép và đóng cửa một số mỏ than.
Một số nghiên cứu gần đây đánh giá là các biện pháp trên có tác động tích cực và giúp cắt giảm ô nhiễm. Cụ thể là lượng bụi mịn ở các thành phố lớn như Bắc Kinh hay Bảo Định - thành phố được coi là ô nhiễm nhất Trung Quốc năm 2015- đã giảm gần 40%. Hơn thế nữa, do chất lượng không khí được cải thiện, dân số khoảng 20 triệu ở Bắc Kinh và hơn 10 triệu ở Bảo Định có thể kéo dài tuổi thọ từ 3.3 đến 4.5 năm nữa. Lợi ích này sẽ được thụ hưởng bởi toàn bộ các nhóm dân số, chứ không chỉ đối với những nhóm bị ảnh hưởng nhiều nhất là trẻ em và người già (Greenstone, 2018). 
Nhìn lại quá trình phát triển trên thế giới, thì không chỉ Trung Quốc, mà cả những quốc gia phát triển như Mỹ hay Anh cũng đã từng phải trải qua giai đoạn ô nhiễm trầm trọng trong quá trình phát triển. Một sự kiện bi thảm do ô nhiễm môi trường đã từng xảy ra ở thủ đô London của Anh vào tháng 12 năm 1952, được gọi là “London smog” hay là “sương mù do ô nhiễm ở London”, đã khiến cho 12,000 người chết. Trong năm 1952 ở London, chỉ số bụi mịn PM 2.5 được đo lên mức rất cao, tới 300 µg/m3, và thậm chí nhảy vọt gấp 10 lần lên tới mức 3000 µg/m3 trong tháng 12 của năm đó (Davis et al., 2002). Thành phố Los Angeles ở nước Mỹ trong những năm 1970 cũng bị coi là “thủ đô sương mù công nghiệp” của thế giới vì mức độ ô nhiễm không khí. 
Nhưng cũng vì vậy, Anh và Mỹ đã phải ra các đạo luật để bảo vệ không khí sạch ngay sau đó để tạo ra các quy chuẩn giảm thiểu ô nhiễm. Một nghiên cứu cho thấy rằng, đạo luật Bảo vệ không khí sạch được ban hành năm 1970 ở Mỹ đã góp phần giảm lượng bụi mịn ở Los Angeles tới 50%. Đạo luật này đặc biệt có hiệu quả bảo vệ không khí sạch ở những thành phố ô nhiễm nhất ở Mỹ, giúp kéo dài tuổi thọ người dân Los Angeles, New York, và Chicago thêm gần 2 năm (Greenstone, 2015). 
Tầm nhìn nào cho Việt Nam? 
Trước hết chúng ta nên coi ô nhiễm không khí là một hệ quả không mong muốn của việc tăng trưởng, và là một vấn đề cần được giải quyết cũng như là chúng ta đã giải quyết vấn đề xóa đói giảm nghèo. Nhưng có lẽ khác với đói nghèo là hiện tượng dễ nhận biết mà cả xã hội (và thế giới) muốn giải quyết, vấn đề ô nhiễm không khí có khả năng âm thầm gây ra những tác hại to lớn ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế xã hội, nhất là sức khỏe người dân. Nếu không có những giải pháp triệt để và toàn diện, vấn đề ô nhiễm không khí sẽ không tự mất đi, mà trái lại nó sẽ trở nên ngày càng trầm trọng. 
Chúng ta cũng không nên coi việc giảm ô nhiễm nhất thiết sẽ khiến tăng trưởng kinh tế chậm hơn. Kinh nghiệm của Nauy vừa tăng trưởng kinh tế lại vẫn có thể giữ cho môi trường sạch hơn là một trường hợp đáng học hỏi. Ngoài ra, cũng có nghiên cứu gần đây cho thấy rằng việc giảm ô nhiễm không khí về lâu dài lại có thể giúp cho tăng trưởng kinh tế và tạo ra nhiều công ăn việc làm mới hơn (Hanlon, forthcoming). Điều này nghe qua tưởng là nghịch lý nhưng thật ra lại hợp lý nếu chúng ta thấy rằng ô nhiễm không khí sẽ khiến một thành phố trở nên kém hấp dẫn và ảnh hưởng tiêu cực đến nguồn thu (ví dụ, nguồn nhân lực có chất lượng cao sẽ không muốn đến sống và làm việc ở một nơi ô nhiễm, hay khách du lịch cũng không muốn đến thăm một thành phố ô nhiễm). Một nơi ô nhiễm cũng có thể làm giảm sức khỏe công nhân khiến họ làm việc kém hiệu quả hơn. Về lâu dài thì việc chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế gia tăng sử dụng những nguồn năng lượng sạch và bền vững sẽ giúp Việt Nam vừa tận dụng tốt hơn những lợi thế thiên nhiên ưu đãi, đồng thời bắt kịp xu thế tiến bộ của các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
Việt Nam đã từng hai lần tuyên chiến với các vấn nạn xã hội và đạt được những thành công to lớn. Lần đầu là phong trào “diệt giặc dốt” những năm 1945 khi đất nước vừa giành được độc lập, lần thứ hai là “giặc đói” khi đất nước đổi mới năm 1986. Cuộc chiến thứ nhất góp phần xóa mù chữ góp phần tạo ra tiền đề vững chắc về giáo dục cho phần lớn dân số, nhất là xóa bỏ bất bình đẳng về học vấn cho học sinh nữ (Dang et al., forthcoming). Cuộc chiến thứ hai khiến Việt Nam được biết đến là một trong những nước có thể giảm đói nghèo trong một thời gian ngắn nhất. Có lẽ cũng đã đến lúc chúng ta cần tuyên chiến như vậy với ô nhiễm không khí. □
 --------
Tài liệu tham khảo
Dang, Hai-Anh and Umar Serajuddin. (2020). “Tracking the Sustainable Development Goals: Emerging Measurement Challenges and Further Reflections”. World Development. https://doi.org/10.1016/j.worlddev.2019.05.024
Dang, Hai-Anh H., Trung X. Hoang, and Ha Nguyen. (forthcoming). “The long-run and gender-equalizing impacts of school access: evidence from the first Indochina war”. Economic Development and Cultural Change.
Dang, Hai-Anh, Haishan Fu, and Umar Serajuddin. (2020). "Does GDP Growth Necessitate Environmental Degradation?". World Bank's Data Blog.
Davis, Devra L., Michelle L. Belle, and Tony Fletcher. (2002). “A look back at the London smog of 1952 and the half century since.” Environmental Health Perspectives, 110(12): A734-A735.
Greenstone, Michael. (2015). “The Connection Between Cleaner Air and Longer Lives”. New York Times.
---. (2018). “Four Years After Declaring War on Pollution, China Is Winning”. New York Times.
Hanlon, Walker. (forthcoming). Coal Smoke, City Growth, and the Costs of the Industrial Revolution. Economic Journal.
Jia, Ruixue and Hyejin Ku. (2019). “Is China’s Pollution the Culprit for the Choking of South Korea? Evidence from the Asian Dust.” Economic Journal, 129(624): 3154–3188.
World Bank. (2016). The cost of air pollution: strengthening the economic case for action. Washington, D.C.: World Bank Group.
SỰ TRÙNG HỢP ĐÁNG SỢ

NGUYỄN HỒNG VŨ/ BVN 27-12-2019

TS.Nguyễn Hồng Vũ
Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA
Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím
D:\Downloads\BVN\27-12\1.jpg
Các bạn có thấy một sự trùng hợp đáng sợ giữa 2 bản đồ trong hình của bài post hôm nay của mình không? Bên trái là phân bố các “làng ung thư” ở Trung Quốc và bên phải là phân bố các “nhà máy điện than” cũng ở Trung Quốc… thực ra sự trùng hợp này là một hệ quả tất yếu vốn đã được khoa học chứng minh từ lâu rồi! Hồi đầu năm 2019, một nghiên cứu khoa học của Đại học Harvard được đăng trên Tạp chí Sức khỏe Môi trường (Environmental Health) cũng đưa ra chứng cứ bổ sung cho thấy quốc gia nào càng dựa vào các nhà máy nhiệt điện than (coal-fired power plant) để tạo ra năng lượng thì nguy cơ ung thư phổi của các công dân nước đó sẽ càng cao!
Hầu hết các ước tính về rủi ro sức khỏe từ các nhà máy đốt than tập trung vào mức độ vật chất hạt mịn, hoặc PM2.5 (hạt nhỏ hơn 2.5 micro mét), được tạo ra bởi các nhà máy. Ô nhiễm không khí từ PM2.5 có liên quan đến tuổi thọ ngắn hơn, nguy cơ tử vong sớm do ung thư phổi và các bệnh tim mạch cao hơn. Nghiên cứu mới này đã dựa trên dữ liệu từ năm 2000 đến năm 2016 từ tổng số 13581 nhà máy đốt than ở 83 quốc gia. Sử dụng số liệu đo đạc được gọi là công suất than trên mỗi người (coal capacity per person). Số liệu này được tính dựa trên công suất sản xuất hàng năm từ nhà máy đốt than ở một quốc gia nhất định, chia cho tổng dân số tại quốc gia đó. Các nhà nghiên cứu nhận thấy rằng, cứ tăng thêm 1 kilowatt điện tạo ra từ than trên mỗi người, nguy cơ mắc ung thư phổi tăng 59% ở nam và 85% ở nữ (with 1 kW increase of coal capacity per person in a country, the relative risk of lung cancer increases by a factor of 59% (95% CI = 7.0%~ 135%) among males and 85% (95% CI = 22%~ 182%) among females).
Trước tình hình ô nhiễm không khí ngày càng tệ ở Việt Nam, đặc biệt là Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh, mọi người vẫn còn tranh cãi liệu nhà máy điện than đang được phát triển mạnh ở Việt Nam có phải là nguyên nhân hay không thì cũng nên rất cân nhắc đến “thực tế tai hại” của nhà máy điện than đã được khoa học chứng minh rất rõ ràng và xu hướng hiện nay trên thế giới là giảm loại nhà máy này để chuyển sang các công nghệ tạo ra điện sạch hơn như điện mặt trời, điện gió, v.v…
Để có một chiến lược phát triển lâu dài và bền vững cho đất nước thì môi trường luôn phải được coi là điểm mấu chốt vì nó liên quan trực tiếp đến sức khỏe của dân chúng và đến vận mệnh của dân tộc. Một quốc gia không thể hùng cường dựa trên một dân tộc bệnh tật. Xây thêm bệnh viện, đào tạo thêm nhân viên y tế, xây thêm trung tâm nghiên cứu sức khỏe cũng không thể nào bù đắp được cho cái mất đi do thiệt hại môi trường gây ra cho con người! Mong những người lãnh đạo đất nước cần phải cân nhắc điều này!
Các bài viết trước của mình có liên quan đến ô nhiễm không khí
N.H.V.
_________
Tài liệu tham khảo:
Lin CK et al., 2019. A global perspective on coal-fired power plants and burden of lung cancer. Environ Health. 18:9. doi: 10.1186/s12940-019-0448-8. (https://ehjournal.biomedcentral.com/…/10.…/s12940-019-0448-8)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét