ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Biển Đông: Trung Quốc lại kêu gọi đối thoại sau khi bị Việt Nam tố cáo (BVN 18/10/2019)-Vì sao 'Đường lưỡi bò' của TQ nhiều lần lọt lưới kiểm duyệt VN? (BBC 18-10-19)-Những thủ đoạn truyền bá lắt léo, tinh vi về “đường lưỡi bò” phi lý (VOV 17-10-19)- Ông Trọng hoãn đi Mỹ vì lo ngại sức khỏe? (VOA 17-10-19)-Bộ trưởng Ngô Xuân Lịch đi châu Âu làm gì? (Sputnik 17-10-19)-Biển Đông: Việt Nam lên án Trung Quốc vi phạm chủ quyền tại hội nghị ASEAN (BVN 17/10/2019)-Thuỵ An/RFI-ASEAN nhấn mạnh nguyên tắc không đe dọa, sử dụng vũ lực ở Biển Đông (VNN 17/10/2019)-Thử bàn về việc kiện gì, kiện như thế nào nhân vụ HYDZ-8 (BVN 17/10/2019)-Song Phan/TT-Hạ viện Mỹ thông qua dự luật bảo vệ nhân quyền Hong Kong (BVN 17/10/2019)- Cách thức ngăn chặn Trung Quốc trên Biển Đông (BVN 16/10/2019)-Biển Đông: Việt Nam chuẩn bị cho những thách đố lớn hơn (BVN 16/10/2019)-TP/RFI-Ông Nguyễn Phú Trọng chỉ trích những tiếng nói yêu nước ngoài đảng (BVN 16/10/2019)-RFA-Bí thư TP HCM: Việt Nam ‘không thể’ quay lưng với Trung Quốc (VOA 16-10-19)-Chương trình “Dân biểu bảo vệ dân biểu” của Quốc hội CHLB Đức với tù nhân lương tâm Việt Nam (BVN 16/10/2019)-RFA
- Trong nước: Kẻ bán nước không thể vô can (GD 19/10/2019)-Danh tính 2 nghi phạm đổ trộm dầu thải đầu độc nguồn nước sông Đà (VNN 19/10/2019)-Y án đối với tài xế chống BOT ‘bẩn’, Hà Văn Nam (BVN 19/10/2019)-Quy trình Quốc hội miễn nhiệm Bộ trưởng Y tế và Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật (GD 19/10/2019)-Ngày 25/10 sẽ tuyên án xét xử gian lận thi cử ở Hà Giang (GD 19/10/2019)-Tấm lòng của Bác Hồ đối với phụ nữ Việt Nam (GD 18/10/2019)-Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Trí thức Việt Nam không “thua em, kém chị” (GD 18/10/2019)-Hai phụ nữ VN vào nhóm ‘có ảnh hưởng nhất thế giới’ (BVN 18/10/2019)-Những góc khuất cuộc đời người phát ngôn Bộ Ngoại giao (VNN 18-10-19)-Khởi tố vụ án gây ô nhiễm nước sạch Sông Đà (GD 18/10/2019)-Truy tố 2 nguyên Chủ tịch Đà Nẵng liên quan đến vụ án Vũ "nhôm" (KTSG 18/10/2019)-Sau vụ nước nhiễm dầu thải, Hà Nội liệu có kiểm tra tất cả các nhà máy nước? (GD 18/10/2019)-Xét xử vụ án gian lận thi cử ở Hà Giang kéo dài thêm hai ngày (GD 17/10/2019)-Dân Hà Nội xếp hàng như thời bao cấp, chắt chiu từng giọt nước (GD 17/10/2019)-Ai thay bà Nguyễn Thị Kim Tiến làm Bộ trưởng Bộ Y tế? (NNVN 17-10-19)-
- Kinh tế: Tạo động lực mạnh mẽ nâng cao đời sống cho người lao động (GD 19/10/2019)-Hàng loạt sai phạm ở Bán đảo Sơn Trà (GD 19/10/2019)-Đưa vào khai thác đường sắt Cát Linh - Hà Đông nếu bảo đảm tuyệt đối an toàn (GD 19/10/2019)-Xử lý vướng mắc khi triển khai một số luật lĩnh vực đầu tư, kinh doanh (GD 19/10/2019)-Ở xóm trọ công nhân (KTSG 19/10/2019)-Câu hỏi để ngỏ về dự án sân bay Long Thành (KTSG 19/10/2019)-Vì sao dự án SouthFace Village at Okemo đáng để quan tâm? (KTSG 19/10/2019)-Động thái của Moody’s với Việt Nam: Hiểu đúng để hành động đúng (KTSG 19/10/2019)-Vụ bản đồ "đường lưỡi bò": phạt Saigontourist 50 triệu đồng (KTSG 19/10/2019)-Hệ số CAR đang gây áp lực cho nhiều ngân hàng (KTSG 19/10/2019)- Tòa án quận Cầu Giấy không làm rõ những chứng cứ quan trọng xác nhận nợ của FLC (GD 18/10/2019)-Tiếp tục hoàn thiện hệ thống thể chế, chính sách lĩnh vực xây dựng (GD 18/10/2019)-Chấn chỉnh hoạt động thanh, kiểm tra đối với doanh nghiệp (GD 18/10/2019)--Hà Nội dẹp cà phê đường tàu, còn 1 nơi duy nhất để du khách trải nghiệm (VNN 18/10/2019)-ACCIONA (Tây Ban Nha) muốn đầu tư hạ tầng tại Việt Nam (KTSG 18/10/2019)-Kỳ họp Quốc hội cuối năm: Xem xét báo cáo về sân bay Long Thành (KTSG 18/10/2019)-Nhà đầu tư Đài Loan dốc vốn vào Việt Nam (KTSG 18/10/2019)-Lý giải hiện tượng ngập đô thị ĐBSCL (KTSG 18/10/2019)-TPHCM: không thiếu thịt heo mùa lễ tết dù nguồn khan hiếm (KTSG 18/10/2019)-Thị trường nước ngoài mang về cho FPT hơn 8.000 tỉ đồng (KTSG 18/10/2019)-Trung Quốc nhập khẩu các sản phẩm sữa của Việt Nam (KTSG 18/10/2019)-Vấn đề hậu nhà máy điện hạt nhân! (KTSG 18/10/2019)-Bộ Luật lao động chưa tính đến cách mạng 4.0 (TVN 17/10/2019)-Phạm Minh Huân-
- Giáo dục: Bỏ Hội nghị công chức, viên chức trong trường học được không? (GD 19/10/2019)-Cô giáo Tuệ kể về nhân duyên đến với nghề giáo (GD 19/10/2019)-Một mẫu hình Trường trung học UNESCO ở Cộng hòa liên bang Đức (GD 19/10/2019)-Sách giáo khoa, tại sao không để thị trường quyết định? (GD 19/10/2019)-Cô giáo mầm non có tấm lòng nhân hậu, giúp đỡ học sinh nghèo (GD 19/10/2019)-Một thầy giáo ở Kỳ Sơn xin từ chức Phó hiệu trưởng để đi cai nghiện (GD 19/10/2019)-Trung học phổ thông Đinh Tiên Hoàng là ngôi trường điển hình về tự chủ (GD 19/10/2019)-Những bất cập trong việc tự chủ ở các trường đại học công lập hiện nay (GD 19/10/2019)-Khó khăn của mô hình trường mầm non tiên tiến, theo xu thế hội nhập ở Sài Gòn (GD 19/10/2019)-Học sinh đang có quá nhiều bài kiểm tra theo hướng dẫn của Thông tư 58 (GD 19/10/2019)-Việc quản lý dạy thêm, học thêm sắp tới sẽ như thế nào? (GD 19/10/2019)-Bà Rịa – Vũng Tàu có còn cho phép dạy thêm ngoài nhà trường? (GD 19/10/2019)-Giáo viên tỉnh Bình Thuận sắp được nhận tiền hỗ trợ giáo dục người khuyết tật (GD 19/10/2019)-Phó giáo sư Phương Nga chia sẻ đôi điều về tác động của kiểm định chất lượng (GD 19/10/2019)-Quảng Trị cử 154 giáo viên cốt cán đi bồi dưỡng chương trình mới (GD 19/10/2019)-Thu nhiều khoản tiền sai quy định, Ban giám hiệu bị kiểm điểm (GD 19/10/2019)-Đi không được, ở không xong tại làng đại học 10.000 tỷ treo 2 thập kỷ (Zing 18-10-19)-
- Phản biện: Biển Đông bị thoả hiệp chia phần cho con sói Trung cộng? (*) (BVN 19/10/2019)-Lưu Trọng Văn-Vẫn bảo thủ và nguỵ biện (BVN 19/10/2019)- Nguyễn Trọng Vĩnh-Vẫn bảo thủ và nguỵ biện (BVN 19/10/2019)-Nguyễn Đình Cống-Cảnh báo cho tăng trưởng GDP (TVN 18/10/2019)- Vũ Minh Khương-Liêm sỉ nhà giáo nhìn từ vụ án gian lận điểm thi năm 2018 ở Hà Giang và Sơn La (GD 18/10/2019)-Nguyên Nguyên-“Mất nước” (*) (BVN 18/10/2019)-Nguyễn Thị Oanh-Với dự án Luang Prabang, từ 2007 Việt Nam đã quy hàng chiến lược thuỷ điện của Lào (BVN 18/10/2019)-Ngô Thế Vinh-Đích thị đó là những kẻ bán nước hại dân (GD 17/10/2019)-Xuân Dương-Văn hóa xếp hàng của người Việt và cách ứng xử nơi đông người (GD15/10/2019)-Khánh Văn-Văn nghệ sĩ làm khổ lãnh tụ (BVN 14/10/2019)-Giang Nam-Không biết sai chỗ nào mà bị Bộ 4T phạt? (BVN 13/10/2019)-Tầm quan trọng của dư luận xã hội và sự định hướng cần thiết (VNCA 12-10-19)- Cù Tuệ Minh-Biết “dại” nhưng vẫn đặng chẳng đừng (BVN 11/10/2019)-Nguyễn Đình Ấm-Phải chăng ông Trọng không biết sự thật?(BVN 11/10/2019)-Nguyễn Đình Cống-Sợ (BVN 11/10/2019)-Từ Thức-
- Thư giãn: Cuối đời cô quạnh của cô gái miền Tây từng khiến vua Bảo Đại mê mệt (VNN 18/10/2019)-Ra mắt cuốn sách: Nguyễn Đình Hương - Người con của non sông, đất nước (GD 18/10/2019)-Ông Nguyễn Đình Hương: ‘Ông Kiệt gọi tôi là kiến trúc sư, Tố Hữu gọi là bồ’ (TN 17-10-19)-Giải Nobel có sòng phẳng? (KTSG 17/10/2019)-
VẪN BẢO THỦ VÀ NGUỴ BIỆN
NGUYỄN TRỌNG VĨNH/ BVN 19-10-2019
Đôi lời: Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh, năm nay đã 104 tuổi, Lão thành cách mạng, nguyên Ủy viên BCHTW ĐCSVN, nguyên Đại sứ VN tại TQ (3 nhiệm kỳ).
Tuy tuổi cao sức yếu, nhưng ông vẫn rất quan tâm và hết sức lo lắng về tình hình đất nước, từng có nhiều bài viết, thư ngỏ đóng góp.
Bài viết này được ông đọc cho con gái là bà Nguyễn Nguyên Bình, cựu trung tá quân đội, viết, ông ký – ghi họ tên ở cuối.
Xin trân trọng gửi tới quý độc giả.
Ba Sàm
Tướng Nguyễn Trọng Vĩnh tại tư gia, cùng con gái, và các anh chị em tranh đấu cho chủ quyền biển đảo tới thăm
Hiện nay tôi đã già lắm rồi, nhưng vẫn cố gắng theo dõi những việc chính của đất nước.
Ngày 15/10 (2019) vừa qua, Đài Truyền hình trung ương đưa lên buổi tiếp xúc cử tri của ông Phú Trọng ở Hà Nội.
Trước tình hình nước sôi lửa bỏng do Trung Quốc lại xâm phạm vùng biển nước ta mấy tháng qua, thế mà ông Trọng và một số cử tri quen mặt vẫn nói một giọng lập lờ như bao nhiêu năm trước.
Tôi thấy quá buồn.
Gần đây tôi cũng đã xem một số hình ảnh của cuộc tọa đàm về bãi Tư Chính và Luật pháp quốc tế, ngày 6/10/2019. Tôi thấy anh chị em nói rất hay, nhiều phát biểu có nghiên cứu, có tính toán, đưa ra ý kiến xây dựng.
Ý kiến của Anh hùng Lê Mã Lương, tuy có chút gây sốc, nhưng cũng là một ý kiến rõ ràng, mạnh mẽ về việc phải kiên quyết giữ được bãi Tư Chính. Trước hết phải kiện Trung Quốc ra Tòa án Quốc tế.
Tôi cũng nghe ý kiến ông Phú Trọng nói về cuộc tọa đàm vừa qua. Ông có vẻ khó chịu, mỉa mai chì chiết tiếng nói yêu nước của nhiều người dân (mà đó là các công dân đã từng đóng góp công sức trong các cuộc chiến đấu chống ngoại xâm và chưa hề bị tước quyền công dân). Ông Trọng nói họ là “một số phần tử cố tình kích động, to tiếng lên, lên gân lên, ra vẻ ta là anh hùng, ra vẻ ta là yêu nước” (!).
Vậy là ông đã quên lời dạy của CT Hồ Chí Minh, rằng: “Trừ một bọn rất ít đại Việt gian, đồng bào ta ai cũng có lòng yêu nước“?
Đã thế, ông cũng lên gân, vỗ ngực: “Vậy còn Trung ương Đảng, Chính phủ, Tổng bí thư không yêu nước à?“
Cung cách của ông tôi thấy sao mà giống như đôi co giữa chợ, chả giống phong cách chính khách tí nào!
Thiết nghĩ, là người đứng đầu bộ máy, chắc ông Trọng phải có đủ thông tin về âm mưu, thủ đoạn, mục tiêu, biện pháp của bọn Tàu từ xưa tới nay đối với nước Việt ta, đặc biệt là trong mấy tháng qua ở bãi Tư Chính.
Tình hình đang rất nguy ngập và cấp bách, vậy mà khi khai mạc Hội nghị trung ương 11 vừa qua, ông vẫn nói phải “phân tích, dự báo tình hình“?
Thật quá bức xúc trước thái độ như thế. Giống như bàng quan, thờ ơ vậy.
Hội nghị trung ương đã không ra nổi một nghị quyết kịp thời, dứt khoát để đối phó với tình hình đang cấp bách ở Biển Đông, mà còn cứ nhai lại khái niệm “thời kỳ quá độ“? Để làm gì? Để đánh lạc hướng dư luận, để câu giờ, để ngụy biện cho sự trốn tránh trách nhiệm hay sao?
Theo tôi, ông Trọng viện lý do phải “khôn khéo“, thực chất có phải đang bế tắc khi tìm giải pháp? (Hay ông có tư tưởng đầu hàng?)
Hiện nay đang có nhiều nước trên thế giới ủng hộ ta kiện Trung Quốc vì ta có chính nghĩa, và pháp lý đứng về phía Việt Nam.
Hơn nữa, tại sao ông không tìm giải pháp ngay trong những ý tưởng, giải pháp đã nêu ra trong cuộc tọa đàm khoa học về vùng biển Tư Chính và Luật pháp quốc tế ngày 6/10 vừa qua?
Vả lại, ngay các cơ quan chính thống của Đảng, Nhà nước cũng đã nhiều lần nhấn mạnh, Việt Nam có đầy đủ căn cứ, chứng lý về chủ quyền ở Biển Đông.
Vậy còn trở ngại gì mà không đưa đơn kiện Trung Quốc ra các Tòa án quốc tế?
Hà Nội ngày 18/10/2019
NGUYỄN TRỌNG VĨNH
Cựu tù nhân lương tâm Ba Sàm gửi BVN
THỬ BÀN VỀ VIỆC KIỆN GÌ, KIỆN NHƯ THẾ NÀO NHÂN VỤ HYDZ-8
SONG PHAN/ TTCT/ BVN 17-10-2019
(Bài đăng trên TTCT 13/10/2019 đã qua biên tập)
Gần 3 tháng nay tàu Địa chất biển 8 (HYDZ-8) của TQ ngang nhiên tiến hành khảo sát địa chấn trong khu vực gần bãi Tư Chính, tàu hải cảnh của TQ cũng nghênh ngang quấy phá các hoạt động thăm dò khảo sát dầu khí của ta ở lô 06/01. Cả hai khu vực này đều nằm sâu bên trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) (xem bản đồ 1). Chính phủ VN đã có nhiều nỗ lực tìm cách giải quyết các vụ xâm phạm này qua đường ngoại giao ở nhiều cấp nhưng xem ra phía TQ vẫn càng lấn tới. Một cuộc chiến tranh trên biển để giải quyết vấn đề chắc chắn là không phù hợp với vị thế của đất nước, lòng yêu chuộng hoà bình của dân tộc và xu hướng quốc tế trong thời đại hiện nay. Do đó, có vẻ chỉ còn biện pháp pháp lí là phù hợp hơn cả: kiện TQ ra toà án quốc tế, điều mà chắc hẳn Chính phủ VN cũng có tính tới và chuẩn bị, và đông đảo công dân cũng đang mong mỏi. Tuy nhiên, có thể kiện gì và kiện như thế nào để giải quyết vấn đề theo đúng pháp luật quốc tế là điều cần xem xét.
Bản đồ 1: khu vực HYDZ-8 khảo sát và lô 06/01 nằm trọn trong EEZ/thềm lục địa của VN
Trước nhất, đúng là tàu khảo sát, tàu CSB và cả tàu dân quân biển của TQ xâm phạm EEZ của VN. Khu vực khảo sát này cách đảo Hải Nam từ 480 đến hơn 600 hải lí, cách quần đảo Hoàng Sa mà họ đang chiếm đóng và cũng tự cho là có EEZ, từ 350 đến 480 hải lí, cách đảo Ba Bình (đảo lớn nhất của quần đảo Trường Sa mà phán quyết ngày 1207/2016 của Toà Trọng tài (PCA) kết luận là không thể có EEZ mà chỉ có lãnh hải 12 hải lí) từ 170 đến 310 hải lí. Còn lô 06/01 cách những nơi đó còn xa hơn nữa: cách Hải Nam, Hoàng Sa, Ba Bình tương ứng 624-640, 495-520, 345-370 hải lí.
Do đó, không thể viện dẫn quy định nào trong Công ước Liên Hiệp Quốc về luật biển (UNCLOS) để nói hai khu vực này thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của TQ, bởi vì lãnh hải, EEZ, thềm lục địa không thể vượt khỏi lãnh thổ đang có chủ quyền quá 12, 200 hay 350 hải lí, thậm chí không thể vượt quá trung tuyến tương ứng (có điều chỉnh gần đảo hơn theo nguyên tắc công bằng) khi có chồng lấn với bên khác.
Lưu ý thêm rằng lô 06/01 cách bãi Tư Chính, một bãi ngầm với chỗ cạn nhất cách mặt biển 16 m, khoảng 25 hải lí. Theo luật quốc tế thì bãi ngầm được xem là phần của đáy biển, không sở hữu được và do đó cũng không thể sinh ra quyền gì. Dù với thực tế như vừa nêu, TQ vẫn ngang ngược nói rằng các vùng biển mà tàu họ đang hoạt động phi pháp thuộc quyền tài phán của họ, cụ thể còn cho rằng họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán ở bãi Tư Chính và các vùng biển liên quan.
Do đó, để có thể kiện TQ về việc xâm phạm EEZ của VN thì trước nhất phải bác bỏ được lập luận này của họ, tức là phải xác lập được rằng khu vực đang bị xâm phạm thuộc về EEZ của chỉ riêng VN, không dính dáng gì đến các vùng biển của TQ.
TQ đã kí kết và phê chuẩn UNCLOS nên xem như đã tự nguyện bị ràng buộc bởi các quy định của điều ước này trừ những quy định mà họ đã tuyên bố bảo lưu. Do đó, VN hoàn toàn có thể thực hiện việc kiện qua trọng tài quốc tế như Philippines đã làm theo các thủ tục quy định trong mục 2 phần XV của UNCLOS, tức là kiện những gì có liên quan mà TQ không bảo lưu, để xác lập khẳng định trên, dù TQ có đồng ý hay không.
Nhưng cụ thể là những gì?
Điều này phụ thuộc vào lập luận cụ thể của TQ. Hiện nay TQ cố ý mập mờ, không đưa ra lí giải cụ thể nên chúng ta chỉ có thể suy đoán dựa trên các tuyên bố đã biết và hành động của họ.
Tuyên bố mới đây ngày 18/9/2019 của Bộ ngoại giao TQ cho rằng đòi hỏi phi lí này là căn cứ theo luật và lịch sử. Các khu vực này, như đã phân tích ở trên, không thể dựa vào quy định nào trong luật quốc tế và UNCLOS để khẳng định rằng TQ có quyền gì ở đó, ngay cả khi giả định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc về họ.
Do đó, thứ luật mà họ nói chỉ có thể là luật của TQ hay luật quốc tế giải thích theo cách của TQ.
Còn lịch sử mà họ dựa vào cũng chỉ là thứ lịch sử do họ thêu dệt. Sự thật lịch sử cho thấy TQ chưa bao giờ độc quyền trong việc sử dụng biển Đông hay thể hiện bất cứ quyền gì, dù theo nghĩa lỏng lẻo nhất, trên biển này hay đặc biệt trên các khu vực họ đang xâm phạm, ngoại trừ những hành vì bắt nạt trong vài năm gần đây. Như vậy, có vẻ các suy đoán do Greg Poling, giám đốc tổ chức Sáng kiến Minh bạch biến châu Á (AMTI), đưa ra trên twitter hôm 19/9/2019 mới phù hợp với thứ luật và thứ lịch sử đó.
Theo Poling có thể có các khả năng sau:
- TQ cho rằng quần đảo Trường Sa mà họ nhận vơ là của họ, có lãnh hải, EEZ… như một thể thống nhất và vạch đường cơ sở chung để từ đó phóng ra các vùng biển này như đã làm với quần đảo Hoàng Sa, mặc dù luật lệ quốc tế và UNCLOS không cho phép như vậy và phán quyết của trọng tài khẳng định lại điều đó.
- TQ gom Tư Chính cùng các các bãi ngầm khác quanh đó vào quần đảo Trường Sa và cho rằng ‘quần đảo’ mở rộng như thế cũng có lãnh hải, EEZ… chung như thể thống nhất và cũng thưc hiện việc vẽ đường cơ sở chung và từ đó phóng ra lãnh hải, EEZ… như trong cách trên, dù luật lệ quốc tế và UNCLOS chỉ xem nhưng bãi ngầm như thế là phần của đáy biển không sở hữu và đòi chủ quyền được.
- TQ vẫn đang dùng đường lưỡi bò (ĐLB) với cái gọi là quyền lịch sử để đòi tất cả mọi thứ bên trong đường này, dù tránh đề cập tới nó trong các phát ngôn sau khi phán quyết của trọng tài trong vụ kiện của Philippines năm 2016 khẳng định nó không có cơ ở trong luật lệ quốc tế và vô hiệu lực.
Có thể thấy các suy đoán trên dựa vào luật và lịch sử ‘kiểu TQ’. Đường cơ sở chung trong hai cách đầu có thể suy từ tuyên bố của TQ ngày 15/5/1996 về đường cơ sở và lãnh hải, trong đó có xác định đường cơ sở thẳng cho quần đảo Hoàng Sa như một nhóm, và cho biết sẽ xác định đường cơ sở thẳng cho các nhóm đảo khác sau.
Nhận xét mới đây của PGS Douglas Guilfoyle, chủ trì nhóm nghiên cứu an ninh biển ĐH NSW Australia, củng cố thêm suy đoán này. Theo Guilfoyle, từ sau phán quyết của trọng tài 2016 TQ “đã quay trở lại phiên bản về lập luận ‘quần đảo xa bờ’ mà họ từ bỏ trước đây trong các cuộc đàm phán UNCLOS, một lập luận được Hội Luật Quốc tế TQ hồi sinh trong bài ‘nghiên cứu có phê phán’ về phán quyết của trọng tài vụ Philippines kiện Trung Quốc. Hiện nay Trung Quốc khẳng định rằng họ có thể gộp nhiều thể địa lí biển khác nhau nhập thành ‘quần đảo, bao chúng trong đường cơ sở thẳng và từ đó phóng ra EEZ”.
Còn đường cơ sở lạ lùng bao cả các bãi ngầm để tính lãnh hải, EEZ… cũng có thể suy từ Tuyên bố về lãnh hải của TQ ngày 04/09/1958. Tuyên bố này có nói tới việc vẽ đường cơ sở cho cả Macclesfield, một bãi ngầm mà TQ gọi là “quần đảo” Trung Sa có chỗ cạn nhất cách mặt biển hơn 9 m! Tuyên bố phê chuẩn UNCLOS ngày 7/6/1996 của TQ có thể dùng để suy đoán việc đòi EEZ tối đa rồi thương lượng phân giới sau. Tuyên bố đó có nói rằng “TQ được quyền hưởng quyền chủ quyền và quyền tài phán trên EEZ 200 hải lí và thềm lục địa”.
Bản đồ 2 cho thấy các EEZ mà TQ có thể đòi theo hai cách lí giải đầu từ các kiểu đường cơ sở thẳng khác nhau mà nhóm của Poling nghiên cứu vẽ ra tháng 3/2019. Có thế thấy các EEZ này phủ kín hầu hết diện tích ĐLB và có nhiều phần vượt quá ĐLB.
Bản đồ 2: EEZ mà TQ muốn đòi theo cách của họ (theo Poling)
- Dạng (khả năng) 1 hay 2: đòi EEZ đầy đủ từ ‘nguyên nhóm đảo” kể cả bãi ngầm, tuân thủ một phần hay phớt lờ các hạn chế về đường cơ sở quy định trong UNCLOS (như mỗi đoạn của nó không quá 100 hải lí…).
- Dạng 3 hay 4: đòi EEZ tối đa từ ‘nguyên nhóm đảo nổi kể cả các bãi triều thấp lân cận hay được biển thành đảo nhân tạo như Vành Khăn, tuân thủ một phần hay phớt lờ các hạn chế về đường cơ sở quy định trong UNCLOS.
Việc TQ duy trì yêu sách ĐLB, dù không nói rõ ra, có thể suy đoán từ các hành động hiếp đáp ngư dân, cấm đánh cá đơn phương, các hành động quấy nhiễu của tàu hải cảnh và tàu khảo sát của TQ sâu trong EEZ hay ở những khu vực biển mà các EEZ theo hai cách suy đoán đầu không phủ tới của các nước ven biển Đông từ sau phán quyết 2016. Đặc biệt, điều 14 luật về EEZ và thềm lục địa ngày 26/6/1998 của TQ cùng các tuyên bố có nói tới quyền lịch sử sau phán quyết 2016 cũng cho thấy suy đoán cuối về yêu sách ĐLB vẫn cần xét tới.
Hiện nay, như đã nói, TQ vẫn mập mờ, không nêu cụ thể họ dựa vào điều gì để yêu sách như thế nên có nhiều khả năng họ áp dụng cả ba cách nêu trên để khi bị đuối lí cách này thì còn viện tới cách kia (theo kiểu ‘lọt sàng còn nia’, như có học giả của họ có lần giải thích qua khái niệm ‘bảo hiểm kép’).
Lưu ý thêm rằng, Hội Luật quốc tế của TQ, trong thư ngày 19/9/2019 trả lời thư mở của Hội luật quốc tế Việt Nam ngày 24/8/2019, có vẻ cũng gần như lí giải theo các cách nêu trên. Họ cũng đề cập tới quyền lịch sử, coi quần đảo Trường Sa là một thể thống nhất với đường cơ sở chung, có nội thuỷ, lãnh hải, EEZ, thềm lục địa… Hội này là một tổ chức ngoại vi trong hệ thống nhà nước TQ nên ý kiến của họ có thể xem như một lí giải bán chính thức của TQ.
Do đó, nội dung kiện có lẽ phải bao gồm tất cả điều trên, tức là phải nhờ trọng tài xác nhận lại ĐLB là vô hiệu lực, quần đảo Trường Sa không thể coi là một thể thống nhất để đòi lãnh hải, EEZ … và không được phép vẽ đường cơ sở chung để làm điều đó, không có thể địa lí nào trong quần đảo này có EEZ, thể địa lí ngầm như bãi Tư Chính thì không thể đòi sở hữu, và cũng không thể coi những điều đó là trường hợp riêng ngoài quy định của UNCLOS. Đó cũng là những nội dung mà toà hoàn toàn có thể thụ lí và xử được vì chỉ liên quan tới các quy định của UNCLOS ngoài nhưng điều TQ bảo lưu.
Những nội dung này nói chung gần giống và có phần lăp lại các nội dung trong vụ kiện của Philippines nhưng e rằng chúng ta phải lặp lại vì theo UNCLOS “mọi quyết định [của toà/trọng tài] chỉ có hiệu lực ràng buộc giữa các bên tranh chấp và trong vụ tranh chấp cụ thể đó” (điều 296.2). Phán quyết trọng tài trong vụ kiện của Philippines cũng tuân đúng theo quy định này. Chẳng hạn về ĐLB, phán quyết nêu rõ “giữa Philippines và TQ với nhau, các yêu sách của TQ đối với các quyền lịch sử, hoặc các quyền chủ quyền hay quyền tài phán khác, liên quan đến các khu vực biển của biển Đông nằm bên trong phần tương ứng của ‘đường 9 đoạn’ là trái với UNCLOS và không có hiệu lực pháp lí do vượt quá các giới hạn về địa lí và cốt yếu của các quyền lợi biển của Trung Quốc được có theo UNCLOS…”.
Ngoài những nội dung trên, chúng ta có thể tranh thủ nhờ trọng tài khẳng định những nội dung tương tự cho quần đảo Hoàng Sa với lí do họ đã hà hiếp ngư dân VN, quấy rối việc thăm dò, khảo sát dầu khí trong EEZ của ta gần quần đảo này mà các biện pháp giải quyết qua đường ngoại giao như tham vấn, trao đổi… vẫn không có kết quả. Ở đây, cũng có thể thêm nội dung nhờ trọng tài khẳng định quyền đánh cá của ngư dân ta trong ngư trường truyền thống Hoàng Sa (lẫn Trường Sa).
Tóm lại, nếu được tòa xác nhận những nội dung trên và bất chấp chủ quyền Trường Sa, Hoàng Sa thuộc về ai thì các khoảnh biển mà hai quần đảo này được có theo luật lệ quốc tế, đặc biệt là UNCLOS chỉ là những đốm xanh (lãnh hải của các đảo nổi) tương ứng trong bản đồ 3. Do đó, EEZ của VN (phần tô tím trên bđ 3) chồng lấn không đáng kể các khoảnh biển đó, chủ yếu tại lãnh hải của một vài đảo nổi mà thôi. Như vậy, ngay cả giả định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc TQ, thì tuyên bố của họ rằng khu vực HYDZ-8 khảo sát hay lô 06/01 thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của họ là hoàn toàn sai trái (xem bản đồ 3).
Bản đồ 3: Nếu thắng kiện theo các nội dung đề xuất thì các khoảnh biển mà các đảo trên biển Đông có được theo luật biển chỉ là các đốm xanh chứ không như trong bản đồ 2.
(Lưu ý: EEZ hai bên đoạn từ cửa vịnh Bắc Bộ tới Hoàng Sa chồng lấn chưa phân định nên tạm vẽ theo trung tuyến)
Bản đồ 4: ngay cả giả định Trường Sa và Hoàng Sa thuộc TQ, thì khu vực HYDZ-8 khảo sát hay lô 06/01 vẫn hoàn toàn nằm ngoài vùng biển họ có quyền chủ quyền và quyền tài phán (các đốm xanh)
Tới đây có thể có câu hỏi sau: Do lập luận của TQ có dựa vào việc cho rằng họ có chủ quyền đối với toàn bộ quần đảo Trường Sa (và Hoàng Sa), thế sao chúng ta không kiện thẳng họ về chủ quyền cho dứt điểm mọi thứ? Trong quan hệ quốc tế, mỗi nước là một thực thể có chủ quyền, nên có quyền chọn cách giải quyết tranh chấp theo ý mình, toà chỉ xử được khi các bên liên quan tự nguyện chấp nhận cùng nhau ra toà (trực tiếp qua các tuyên bố đơn phương, qua các thoả thuận riêng, hoặc gián tiếp qua các điều ước quốc tế đã kí kết). TQ không là ngoại lệ và rất tiếc là họ đã tuyên bố chỉ chọn cách ‘tham vấn hữu nghị’ hay đàm phán song phương để giải quyết các tranh chấp liên quan đến chủ quyền (để họ có thể ‘lấy thịt đè người’), không chấp nhận cách nhờ toà phân xử. Do đó, hiện nay việc kiện TQ về chủ quyền là bất khả, trừ khi họ có một chính phủ biết lẽ phải hơn rút lại tuyên bố đó.
Từ đó, có thể nẩy ra câu hỏi: Đồng ý rằng không kiện được chủ quyền, thế sao gác vấn đề chủ quyền lại rồi kiện nhờ trọng tài xác định phân định ranh giới biển cho khu vực biển giữa VN và các đảo thuộc quần đảo Trường Sa (và cả Hoàng Sa) sau cho tiện việc? Rất tiếc là cũng không thể kiện TQ về việc phân giới vì họ đã dựa vào điều 298 UNCLOS tuyên bố không chấp nhận các thủ tục giải quyết tranh chấp bắt buộc liên quan tới phân giới biển từ 25/8/2006.
Cũng lưu ý rằng dù luật có quy định các điều liên quan đến kiện tụng nhưng những người soạn luật vẫn muốn các bên hạn chế việc giải quyết tranh chấp thông qua toà án. Do đó, trong luật có quy định nhiều điều kiện các bên phải thoả mãn trước khi đưa tranh chấp ra trước toà. Chẳng hạn, phải chứng minh đang có tranh chấp và các bên đã nổ lực hết mức để giải quyết tranh chấp qua thương lượng, tham vấn ngoại giao… nhưng không đạt kết quả. Hơn nữa, việc kiện tụng cũng phải không bị ràng buộc bởi những thoả thuận mà các bên đã kí.
Thực tế trên biển gần 3 tháng nay và thậm chí trước đó với lời qua tiếng lại của đôi bên nên sự tồn tại của tranh chấp gần như hiển nhiên, không khó chứng minh. Về việc thực hiện các biện pháp tiền kiện tụng thì có vẻ chính phủ VN cũng đã tiến hành đúng mức. Đối với việc ràng buộc bởi các thoả thuận đã có, TQ có phê phán rằng ta vi phạm các ràng buộc trong tuyên bố về cách ứng xử các bên trên biển Đông năm 2002 (DOC) và “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết các vấn đề tranh chấp trên biển 11/10/2011” của 2 nước. Đối với ràng buộc của DOC, Trọng tài vụ Philippines kiện TQ đã xác định rằng điểm 5 và toàn bộ lời lẽ trong DOC không hề có nội dung nào loại trừ việc tìm kiếm phương thức giải quyết tranh chấp khác ngoài tham vấn và thương lượng song phương. Thoả thuận 11/10/201 cũng gần tương tự như vậy, dù chưa qua soát xét của trọng tài, nhưng chắc sẽ có cùng kết luận.
Tóm lại, VN có thể kiện theo nội dung và cách thức gần như Philippines đã làm. Đặc biệt, trong vụ kiện của Philippines có nội dung về bãi Cỏ Rong, vốn là bãi ngầm cách mặt biển từ 9 đến 45 m trong EEZ của nước này, tình trạng rất tương tự với bãi Tư Chính của chúng ta. Philippines đã thắng thì cơ hội chúng ta thắng còn cao hơn nữa. Vấn đề cuối cùng là kiện vào lúc nào để vừa không lỡ cơ hội vừa tối ưu hóa kết quả và hạn chế các tác động xấu chắc chắn sẽ có của vụ kiện. Điều này tùy thuộc vào sự cân nhắc thiệt hơn của các cấp có trách nhiệm trên tinh thần mang lại điều tốt nhất cho đất nước và nhân dân.
(Bài viết được những ý kiến đóng góp quý báu của GS Phạm Quang Tuấn và TS Dương Danh Huy)
S.P.
BIỂN ĐÔNG BỊ THOẢ HIỆP CHIA PHẦN CHO CON SÓI TRUNG CỘNG ? [*]
LƯU TRỌNG VĂN/ BVN 19-10-2019
Dân Việt không ai chấp nhận tài nguyên quốc gia rành rành của mình bị Trung Quốc đòi chia phần trơ trẽn.
Một nhân vật có vai trò của đảng CSVN cho rằng bọn vào hùa với bọn đòi chia phần đang đánh tiếng “thăm dò dư luận” bằng luận điệu mà một tướng công an đã vạch ra: Biển Đông xưa nay Trung Quốc chưa khai thác một giọt dầu nào. Mọi việc yên ổn nếu chúng ta cùng khai thác.
Trước những phát biểu của chủ tịch Nguyễn Phú Trọng rằng: “phải giữ được môi trường hoà bình để phát triển” với lại “Chưa có thời kỳ nào đất nước ta có không khí ổn định tốt thế này, phải biết giữ lấy”, không ít người Dân hoài nghi chính chủ tịch nước đồng thời là lãnh đạo đảng CSVN trước sức ép vũ lực mạnh mẽ của Tập Cận Bình, cũng chấp nhận “đổi lợi ích của Dân tộc lấy… hoà hoãn, hoà bình” khi đọc những lời như thế.
Thực ra câu nói của Chủ tịch Trọng đều có vế đầu. Vế đầu của câu thứ nhất là:
“kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền, độc lập”.
Còn vế đầu của câu thứ hai là:
“cái gì thuộc về độc lập chủ quyền dân tộc, ta không bao giờ nhân nhượng. Đây là lợi ích của quốc gia dân tộc”.
Có điều gã rất ngạc nhiên nhiều báo chính thống chỉ tường thuật phát biểu của cử tri về Biển Đông nhưng không tường thuật nguyên văn lời Chủ tịch Trọng nói về Biển Đông.
Ngạc nhiên hơn nữa duy nhất một báo có ghi lời ông Chủ tịch về quyết tâm bảo vệ chủ quyền Biển Đông không khác tinh thần Lê Mã Lương:
“chúng ta quyết chiến, quyết thắng!”
Liệu câu nói đó có phải lỡ mồm của ông Chủ tịch không?
Chịu!
Nhưng có một sự thật thì câu nói “quyết chiến quyết thắng” ấy đã bị xoá hoàn toàn trong các bản tin thời sự.
Ai xoá?
Mặc dù ông Chủ tịch Trọng luôn nói đến thành tựu đoàn kết trong đảng. Nhưng thú thật, gã không tin điều này là sự thật.
Vậy sự thật là gì?
Đang rất quyết liệt đấu đá nội bộ.
Tựu trung hai phe.
Phe lợi ích bất chấp quyền lợi Dân tộc vì lợi ích tham lam của chúng, chúng sẵn sàng bắt tay, thoả hiệp với bọn Diều hâu Trung cộng để bảo vệ quyền lực và lợi ích của chúng.
Chính chúng đang tung ra chiêu bài cùng khai thác Biển Đông. Chính chúng sẵn sàng rước bọn dâm tặc lên giường với vợ chúng. Chúng làm được điều thô bỉ đó chả qua: từ lâu chúng chả yêu thương gì vợ chúng, từ lâu chúng đã ngoại tình phản bội vợ chúng.
Với cả một thời gian quá dài quyền lực bẩn không bị giám sát vì lỗi hệ thống độc quyền không có cơ chế Dân chủ giám sát nên phe lợi ích nhan nhản từ trên xuống dưới và nắm đa số ngầm.
Nếu đại hội đảng 13 phe này không bị loại bởi phe thứ hai: trong sạch, đặt lợi ích Dân tộc và chủ quyền quốc gia là tối thượng, thì cái nguy cơ Biển Đông bị thoả hiệp chia phần cho con sói Trung cộng, mà thực chất là bán nước sẽ thành hiện thực.
Nhưng Dân tộc này không bao giờ chấp nhận cái hiện thực đó, cũng quyết liệt cảnh báo:
Nếu phe thứ hai không đứng hoàn toàn về phe Nhân Dân, mở cửa Dân chủ, Dân quyền, Dân sinh, Dân hồn, Dân bản để Nhân Dân kết thành sức mạnh vĩ đại thì không thể chống lại được bọn thực chất sẵn sàng bán nước, thì Nước Việt ngàn năm của Tổ tiên sẽ đứng trước nạn diệt vong.
Nhưng Nhân Dân không đời nào, không bao giờ để Nước Việt diệt vong.
Điều đó có nghĩa những kẻ bán nước và vô trách nhiệm với Đất nước cùng những kẻ giáo điều, nhu nhược không dám đứng hoàn toàn về phía Nhân Dân tất cả sẽ phải bị diệt vong!
L.T.V.
(*) Nhan đề do BVN đặt, trích từ 1 câu trong bài của tác giả.
Thôi thì qua cam sống rồi chơi da ga campuchia mỗi ngày là hợp lý
Trả lờiXóa