Thứ Bảy, 12 tháng 10, 2019

20191012. QUANH CÔNG TRÌNH KHÔNG PHÉP MÃ PÍ LÈNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
NGHĨ VỀ NGÔI NHÀ PANORAMA Ở MÃ PÌ LÈNG

TƯ GIANG/ TVN 11-10-2019

Nghĩ về ngôi nhà Panorama ở Mã Pì Lèng

Liệu có ai giúp họ, cả bà chủ ngôi nhà và chính quyền địa phương, thay vì kêu gọi đập phá?

Buổi tối cách đây vài năm, tôi có cuộc tranh luận với một nữ Việt Kiều về chủ đề khá gai góc: bảo tồn và phát triển. Tôi gặp chị tại một khu resort hoang sơ, nằm sâu trong rừng ở Quảng Bình. Chị vừa đi thăm các hang động về và tỏ ra khá bức xúc. Chị nói với giọng kiên quyết, Quảng Bình phải bảo tồn các hang động, không được làm các công trình nhân tạo trong hang, không cho xây dựng các khu resort tư nhân, không được xây các khu vui chơi,… Chị kể, ở Mỹ họ bảo tồn thế này, ở Úc họ bảo tồn thế kia… Tóm lại, Quảng Bình phải để cảnh quan càng hoang sơ càng tốt.
Tôi lại có ý kiến ngược lại. Tôi nói Quảng Bình cần thu hút thêm các doanh nghiệp, xây thêm các khu resort để thu hút/đáp ứng càng nhiều khách du lịch càng tốt, rằng nếu không có khu resort này thì những khách du lịch như chị nghỉ ở đâu. Tôi còn nhớ, chị - một người đã từng đi khám phá rất nhiều vùng hoang vu trên thế giới – phản ứng mạnh đến mức bỏ đi.

Chị không biết, trước đó tôi đã đi phỏng vấn nhiều người địa phương làm trong và ngoài khu resort. Họ kể, thanh niên trai tráng địa phương đều là lâm tặc, sống bám vào rừng. Nhưng rồi rừng đã kiệt quệ, không còn chặt được cây gì, không bắt được con gì. Kiểm lâm làm ngày càng gắt, có mấy người bị đi tù nên họ không dám “đi rừng” nữa. “Không có việc làm ở đây thì chúng tôi vẫn phải đi rừng thôi, nhưng phải đi sâu vào nữa, mất cả tuần trời, vì không biết làm gì nữa”, người ta nói với tôi. Khi đi ra bến đò để vào hang, tôi gặp hàng trăm phụ nữ địa phương làm nghề chụp ảnh, một công việc mà thu nhập không đáng là bao khi ai ai cũng có điện thoại. Nói thế để thấy nhu cầu công ăn việc làm, kế sinh nhai của người dân địa phương bức bách như thế nào.
Bảo tồn và phát triển là chủ đề gây tranh luận liên tu bất tận, cả thế giới và cả ở Việt Nam. Nhưng “rừng vàng, biển bạc” mà người dân không có việc làm thì họ chả phá tan hoang, còn đâu vàng hay bạc; mà “vàng” hay “bạc” cũng để làm gì?
Khi nhìn Panorama ở Mã Pì Lèng, cảm giác đầu tiên của tôi là như cây đinh chọc vào mắt, thật khó chịu, thật bức xúc. Nó phá vỡ một cảnh quan kỳ vĩ. Nhưng nói thật, khi nghe bà chủ nói trong nước mắt lưng tròng, khi nghe chính quyền Hà Giang phân bua, cảm giác của tôi dịu đi, dù vẫn vương vấn hình ảnh khu nhà trong đầu.
Chợt nhớ, một lần lên Hà Giang, khi đi sâu vào bản mà thực ra là các ngôi nhà cô độc, chênh vênh tôi chứng kiến hai đứa trẻ bê bết bùn đất, mặc độc cái áo trong cái lạnh cắt da, đang tranh ăn với lợn. Chúng đang bốc ăn cái gì đó trong bát để dưới đất thì con lợn xộc đến, hẩy chúng ngã nhào và ăn hết. Nhìn hai đứa trẻ mếu máo, trơ khấc, bạn không thể kìm lòng. Ngay phía sau chúng là vực đá sâu thẳm, hun hút. Người dân chúng ta vẫn đang sống một cuộc sống như cách đây hàng trăm năm.
Kể lại câu chuyện đó để thấy, người dân Hà Giang cũng cần phát triển như thế nào. Các đồng bào dân tộc miền núi cũng cần và xứng đáng có một cuộc sống vật chất như những người dưới xuôi chúng ta chứ. Nhưng cơ hội của họ ở đâu khi xung quanh chỉ có núi đá, và không ít người vẫn phải gùi đất lên các hẻm núi để trồng trọt, lấy cái ăn qua ngày? Ruộng bậc thang rất đẹp nhưng cho khách du lịch chụp ảnh chứ giá trị kinh tế là bao. Cũng cần lưu ý, Hà Giang vẫn là tỉnh nghèo bậc nhất và cũng là “tiền đồn” của đất nước.
Làm cách nào để họ bớt nghèo, để họ sống được bằng những giá trị như Mã Pì Lèng, giờ đã nổi danh cả nước? Tôi tin đó chính là du lịch, một ngành du lịch nhân văn, nơi người dân địa phương phải có phần, phải được tham gia vào nhiều công đoạn, như những người dân ở Quảng Bình tôi gặp, thay vì ngược lại, họ bị dồn đuổi vào sâu hơn, lên cao hơn, bị bỏ lại phía sau của phát triển.
Panorama sai thì sai rồi, cả bà chủ lẫn chính quyền địa phương nữa (tôi tin chính quyền ủng hộ dự án đó cũng vì muốn dân khá giả lên, chứ không phải chuyện sân trước, sâu sau); nhưng thử hỏi có ai, cái gì ở đất nước đang chuyển đổi này đúng hết?
Liệu cả bà chủ nhà và cả những người đại diện cho chính quyền địa phương có cơ hội để “sửa sai”? Và, thậm chí táo bạo hơn, để từ đó có một cộng đồng du lịch nho nhỏ quanh Mã Pì Lèng, nơi những người dân tộc địa phương có cơ hội việc làm, bán được các sản phẩm, còn khách du lịch có cơ hội chiêm ngưỡng cảnh hùng vĩ đó thuận lợi hơn, tiện nghi hơn.
Kêu gọi đập phá thì dễ thôi, lại được tiếng bảo vệ thiên nhiên, nhưng liệu có giải pháp nào khác, nhân văn hơn? Liệu có ai đó, những kiến trúc sư, những người yêu thiên nhiên, những nhà hảo tâm, và kể cả những người phản đối cực đoan nhất … giúp họ -  cả bà chủ nhà lẫn chính quyền địa phương?
Còn tôi sẽ quay lại Mã Pì Lèng và hi vọng sẽ có cơ hội uống một chén rượu ngô nóng trong ngôi nhà đó đã được trang trí lại xanh hơn, hài hòa hơn, thiên nhiên hơn.
Tư Giang
TIN VÀ BÀI LIÊN QUAN: 

CÔNG TRÌNH SAI PHÉP TRÊN ĐÈO MÃ PÌ LÈNG: CHÍNH QUYỀN BIẾT NHƯNG KHÔNG 'THỔI CÒI' !

LS TRẦN HỒNG PHONG /TBKTSG 12-10-2019

(TBKTSG) - Sự xuất hiện của tòa nhà xây dựng trái phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng (Hà Giang), cũng như hàng trăm “biệt phủ” trái phép khác đang sừng sững tồn tại trên các đỉnh núi, những vị trí đặc biệt, khu vực danh thắng quốc gia, vốn là nơi không được phép xây dựng trên khắp cả nước, cho thấy một thực tế đáng buồn là pháp luật đã và đang bị xem thường trong sự vô cảm, thực dụng của chủ đầu tư và sự buông lỏng hoặc “cố tình” buông lỏng của chính quyền địa phương.


Công trình nhà nghỉ, nhà hàng Panorama ở Mã Pí Lèng nhìn từ trên cao. Nguồn: phunuonline.com.vn

Không phép nhưng “thản nhiên” tồn tại
Dư luận cả nước đang bàn luận xôn xao về công trình khu nhà nghỉ bảy tầng kiên cố (được chủ nhân đặt tên là nhà nghỉ, nhà hàng Panorama) xây dựng không phép trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng (huyện Mèo Vạc, tỉnh Hà Giang). Đây là khu vực được xếp hạng danh lam thắng cảnh cấp quốc gia và thuộc Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn được UNESCO công nhận năm 2016. Dù vị trí tòa nhà được xác định nằm ngoài khu vực khoanh vùng bảo vệ II, nhưng rõ ràng sự tồn tại của nó ảnh hưởng đến cảnh quan khu vực.
Chính quyền địa phương xác định công trình này chưa được cấp phép nhưng lại không giải thích vì sao một công trình lớn, với quá trình xây dựng và vận chuyển vật liệu diễn ra liên tục trong nhiều tháng, mà không bị “thổi còi”. Chủ đầu tư, một người địa phương, thì nói khu nhà được xây dựng do lãnh đạo huyện, tỉnh “động viên”!
Theo quy định, mọi công trình xây dựng đều phải có giấy phép. Ngoài ra, nếu xây vì mục đích kinh doanh và có công năng lưu trú, thì chủ đầu tư phải có dự án đầu tư và thẩm định về điều kiện an toàn, vệ sinh.
Như vậy, “nhà nghỉ, nhà hàng Panorama” đã được xây dựng mà không có giấy phép, trong bối cảnh cơ quan chức năng địa phương biết nhưng lại không ngăn cản, xử lý theo quy định và theo đúng trách nhiệm của mình.
Đáng nói là những công trình không phép như thế này không phải hiếm hoi, mà ngày càng phổ biến tại những khu đất có cảnh quan hùng vĩ, vị trí đẹp nhất và vốn là những nơi được bảo tồn nghiêm ngặt, không quy hoạch cho mục đích ở, không cấp phép xây dựng. Có thể kể ra như: khu biệt phủ ở Tam Đảo (Vĩnh Phúc); những biệt phủ trái phép trên đèo Hải Vân (Đà Nẵng), vịnh Bái Tử Long (Quảng Ninh), Phú Thọ, Daklak, Đồng Nai... 
Điểm chung, những công trình trái phép ấy, dù các chuyên gia chỉ ra hàng loạt điểm sai phạm, hậu quả, ảnh hưởng... nhưng việc xử lý, tháo dỡ dù pháp luật đã quy định rõ, có vẻ như quá khó khăn!
Trong khi đó, những công trình “tý hon” của người nghèo, thì bị xử lý rất “nghiêm”, như vụ người dân xây chuồng gà ở Cao Bằng vài năm trước bị buộc phải tháo dỡ với lý do xây dựng không phép!
Từ lâu, nhiều người nói cứ có quan hệ và tiền thì có thể “bóp méo” được pháp luật. Sự tồn tại của những công trình như tòa nhà trên đỉnh đèo Mã Pí Lèng phải chăng là ở trong trường hợp này?
Giữ gìn thiên nhiên là giữ “kho vàng”
Để phát triển đất nước tất yếu phải có đầu tư, kinh doanh, mỗi doanh nghiệp, cá nhân phải được tạo điều kiện và cơ hội phát huy tiềm lực, khả năng của mình... Đó là điều không có gì phải bàn cãi.
Hệ thống pháp luật hiện tại thực chất không cản trở việc làm giàu chân chính, không cấm đoán những ý tưởng táo bạo, mô hình kinh doanh đột phá...
Tuy nhiên, đối với tài sản là đất đai, cảnh quan thiên nhiên, đặc biệt là những danh thắng tầm quốc gia, quốc tế, có thể nói chúng là vô giá và có giới hạn. Chúng ta không thể tạo thêm được một cao nguyên đá Đồng Văn, hay một vịnh Hạ Long nào khác. Nếu hôm nay chúng ta phá vỡ, làm ảnh hưởng đến thiên nhiên, di tích, thì hầu như sẽ vô phương cứu vãn, không thể nào quay lại được nữa.
Mặt khác, khi xã hội càng phát triển, dân số càng đông đúc, thì giá trị của những cảnh quan thiên nhiên độc đáo và đặc biệt như vậy lại càng quý hiếm. Đó thực sự là những “kho vàng” để mỗi quốc gia có thể thu hút khách du lịch, tạo ra nguồn thu ổn định, tạo công ăn việc làm... cho nhiều người, nhiều thế hệ.
Chính vì vậy, việc quy hoạch, cấp phép, đầu tư xây dựng các công trình kiến trúc, kinh doanh nói chung tại các khu cảnh quan thiên nhiên, danh thắng, vườn quốc gia... phải hết sức cân nhắc, bảo đảm giữ gìn, hài hòa. Trên hết là bảo tồn và phát huy giá trị của khu vực, cảnh quan, đem lại giá trị bền vững và lợi ích cho toàn xã hội, địa phương, chứ không phải là dựng hàng rào, biến thành những khu riêng biệt chỉ dành cho những người giàu.
Pháp luật không cho phép công trình trái pháp luật tồn tại
Theo quy định tại Nghị định 139/2017, mọi công trình xây dựng không phép đều là vi phạm, bắt buộc chủ đầu tư phải bổ sung giấy phép xây dựng trong vòng 60 ngày. Nếu sau thời hạn đó không được cấp phép, thì phải tháo dỡ công trình. Nói khác đi, hiện nay pháp luật không cho phép và chấp nhận tình trạng công trình không phép được tồn tại như một sự đã rồi, sau khi đóng phạt theo kiểu “gãi ngứa” như trước đây. 
Dư luận số đông đều cho rằng phải dỡ bỏ nhà nghỉ, nhà hàng Panorama vì đây là công trình không phép, phá vỡ cảnh quan thiên nhiên. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng có thể cho tồn tại, với một số chỉnh sửa cho phù hợp, vì đáp ứng nhu cầu của khách du lịch, tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương. Thậm chí có ý kiến so sánh công trình này với việc đầu tư xây dựng các công trình khách sạn trên cao nguyên Genting ở Malaysia!
Tôi cho rằng so sánh như vậy là đã bỏ qua pháp luật và hoàn toàn khập khiễng. Là người đã trực tiếp tham quan khu cao nguyên Genting, tôi thấy Genting hoàn toàn khác với cao nguyên đá Đồng Văn, nơi có phong cảnh thiên nhiên hùng vĩ và độc đáo.
Thực chất đây là một vùng đất cao gần thủ đô và Chính phủ Malaysia đã kêu gọi đầu tư hàng tỉ đô la, một cách khoa học và bài bản, để biến nơi đây thành một thủ phủ mua sắm, vui chơi giải trí cao cấp chủ yếu dành cho khách du lịch. Tức là họ đã nâng tầm giá trị của một khu đất vốn nghèo nàn và không có gì đặc biệt thành một nơi hái ra tiền.
Trong khi đó, đèo Mã Pí Lèng là nơi có phong cảnh độc đáo, là một bộ phận của Công viên địa chất toàn cầu cao nguyên đá Đồng Văn mà Genting không thể so sánh. Vả lại, nếu xác định đây là khu vực có thể quy hoạch đầu tư cho du lịch, thì phải có dự án đầu tư và trên hết là phải tuân thủ các quy định của pháp luật về xây dựng.
Việc để cho những công trình biệt phủ không phép mọc lên và tồn tại như trường hợp “nhà nghỉ, nhà hàng Panorama” ở đèo Mã Pí Lèng, trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan chức năng và lãnh đạo tại địa phương. 
(*) Công ty Luật Ecolaw
KHOẢ THÂN Ở MÃ PÍ LÈNG, CHƠI NGÔNG HAY VĂN HOÁ LÙN ?
TRẦN PHƯƠNG/ GDVN 10-10-2019
Hình ảnh 4 người đàn ông khoả thân trên đèo Mã Pí Lèng chỉ đơn thuần là hình ảnh xác thịt lộ liễu rất phản cảm, hoàn toàn xa lạ với thuần phong mỹ tục, lối sống văn hoá của người Việt.

Hình ảnh phản cảm, gây phẫn nộ của 4 người đàn ông khỏa thân đang lan truyền một cách chóng mặt trên mạng xã hội.
Không chỉ người Hà Giang, ai nhìn qua thôi cũng cảm thấy phẫn nộ với sự lố bịch ấy.
Trong video được live tream (tường thuật trực tiếp) từ tài khoản cá nhân mạng xã hội lý giải đây là cách họ ủng hộ cho việc bảo vệ môi trường, ủng hộ việc xây dựng điểm lưu trú trên đèo Mã Pì Lèng.
Dù lý giải như thế nào nhưng cộng đồng người dùng mạng xã hội và dư luận tỏ ra rất bất bình với những hành động này.
Vẫn biết trên thế giới có một số người có hành động khỏa thân sau đó đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường bảo vệ động vật hay các chiến dịch tuyên truyền chống lại bệnh tật nhưng đều là những chương trình có mục đích, ý nghĩa rõ ràng. Người xem thấy được thông điệp rõ ràng và ý nghĩa nhân văn ấy.
Bên cạnh đó, cần phải nhấn mạnh rằng đó là họ hành động theo lối sống, văn hóa của các nước phương Tây. Văn hóa Tây khác văn hóa ta, không thể bê nguyên hành động của người nước ngoài đến Việt Nam rồi lý giải rằng thế này, thế khác.
Hành động của những người đàn ông này không thể chấp nhận được. (Ảnh mạng xã hội Facebook)
Hình ảnh đang lan truyền chóng mặt trên mạng xã hội trong những ngày qua người xem chỉ thấy đó là hành động lố bịch, phản cảm khi nhìn thấy những hình ảnh xác thịt đó.
Những hình ảnh, clip đang lan truyền đi chỉ là  hành động quá khích, quá lố nhằm thu hút sự chú ý của mọi người.
Chính vì vậy, cho dù nhóm người này có ý định bảo vệ môi trường như họ giải thích (sau khi nhận nhiều phản ứng trong dư luận) thì cái cách đang thể hiện vẫn làm người ta cảm thấy họ cố tình gây sốc, cố tình gây sự chú ý.
Có rất nhiều hành động thiết thực để đưa ra thông điệp bảo vệ môi trường, bảo vệ di sản…. nhưng tuyệt nhiên không phô diễn da thịt phản cảm một cách kinh khủng như vậy.
Trước đây, chúng ta cũng đã nhiều lần lên án, thậm chí đã có những quy định pháp luật để điều chỉnh những hành vi ăn mặc phản cảm đối với các nghệ sĩ, tuy vậy, đối với các nghệ sĩ hở da thịt thì hành động đó còn văn minh hơn nhiều lần so với những thứ kinh tởm mà 4 người đàn ông này đã gây ra.
Đáng nói, một trong bốn người xuất hiện trong bức ảnh phản cảm là T.T.H, một Facebooker nổi tiếng.
Trước đây, theo quy định tại khoản 1 Điều 10 Nghị định 73/2010/NĐ-CP quy định Hành vi vi phạm quy định về nếp sống văn minh, theo đó phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 60.000 đồng đến 100.000 đồng đối với một trong những hành vi không mặc quần, áo hoặc mặc quần áo lót ở nơi hội họp đông người, các địa điểm văn hóa, tín ngưỡng, nơi làm việc của các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội.
Tuy nhiên, hiện nay, Nghị định 73 đã hết hiệu lực và được thay thế bởi Nghị định 167/2013/NĐ-CP, đã bỏ quy định xử phạt đối với hành vi ăn mặc phản cảm này.
Cho dù tại thời điểm hiện tại, pháp luật hiện hành không có quy định xử phạt về việc ăn mặc phản cảm nơi công cộng, nhưng cũng cần có những biện pháp để ngăn chặn những hành vi thiếu văn hóa như thế này, vừa để hạn chế những hành động tương tự có thể xảy ra, làm ảnh hưởng tới trật tự nơi công cộng, vừa không làm “ô nhiễm” thêm môi trường, cảnh quan ở các điểm du lịch.
Không rõ những người đàn ông này có biết thế nào là thuần phong mỹ tục, lối sống văn hóa mà nhân dân đang xây dựng hay không nhưng ý thức, hành động quả thật không thể chấp nhận được.
Cho dù, một trong những nhân vật có hành động lố bịch đó đã có lời xin lỗi đối với cộng đồng nhưng cần có những chế tài cụ thể cho những người đang phá hoại văn hóa này.
Nói trên tờ Tri thức trẻ, Nguyên Phó chủ nhiệm Uỷ ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội - ông Lê Như Tiến quả quyết “không ai bảo vệ môi trường bằng hình ảnh khoả thân như thế”. Ông liên tiếp lặp lại cụm từ “quá phản cảm” để đánh giá về việc làm của nhóm 4 người đàn ông nêu trên.
Theo cựu đại biểu này, để tránh các sự việc tương tự về sau, cơ quan chức năng cần xử lý trường hợp này vì đã có biểu hiện vi phạm.
Ông Tiến cho rằng cơ quan công an có thể làm rõ việc gây rối trật tự công cộng, còn Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch cũng có thể xem xét xử phạt vì đây không phải thẩm mỹ hay văn hoá, mà đây là hành động vô văn hoá.
Theo tin từ Sở Thông tin và Truyền thông Hà Giang cho biết, cơ quan này đã nắm được thông tin vụ việc.
Cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang sẽ họp để xem xét, xử lý sự việc theo quy định.
Trần Phương


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét