Thứ Hai, 26 tháng 11, 2018

20181126. BÌNH LUẬN VỀ VỤ HỌC TRÒ BỊ PHẠT 231 CÁI TÁT

ĐIỂM BÁO MẠNG
HỌC SINH NHẬP VIỆN CẤP CỨU VÌ BỊ CÔ GIÁO RA LỆNH CẢ LỚP TÁT 230 CÁI

NGUYÊN PHONG /GD 26-11-2018

Sự việc nghiêm trọng nói trên vừa xảy ra tại Trường trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, Quảng Bình) khiến nhiều phụ huynh học sinh bức xúc.
Bị tát đến nỗi nhập viện cấp cứu
Theo tìm hiểu, vào chiều ngày 19/11, trong giờ ra nghỉ giải lao, các em học sinh lớp 6.2 Trường trung học cơ sở Duy Ninh đùa chơi với nhau.
Em HLN. phải nhập viện cấp cứu sau khi bị bạn và cô giáo tát hơn 230 cái vào má. Ảnh: NP
Sau đó, một số bạn phát hiện học sinh HLN. (11 tuổi, học lớp 6.2) có nói một số câu tục tĩu nên đã phản ánh với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy (41 tuổi, giáo viên dạy bộ môn Toán và Công nghệ).
Nghe vậy, cô Thủy liền ra lệnh cho 23 em học sinh có mặt trong lớp đến tát vào má của em HLN. Theo đó, mỗi bạn tát 10 cái vào má để phạt tội nói tục theo quy định của cô Thủy đặt ra.
Em HLN. phải đứng giữa lớp chịu đựng 230 cái tát của các bạn và một cái tát nữa của cô giáo Thủy. Khi bị tát xong, HLN. vẫn cố gắng chịu đau đớn ngồi học cho đến cuối buổi.
Sau khi trở về nhà, em HLN. bắt đầu có biểu hiện sốt, nóng ran khắp cơ thể, hai má sưng vù. Người nhà thấy vậy phải đưa em vào Bệnh viện Đa khoa Dinh Mười cấp cứu.
Bà Nguyễn Thị Chước (mẹ em HLN.) vừa khóc vừa kể: “Tối ngày 19/11, cháu N. đi học về thì hai má đã sưng tấy lên, không thể ăn uống gì được, nằm sốt li bì. Cả nhà lo sợ nên đưa cháu vào nhập viện điều trị”.
Bà Chước cho biết, sau khi biết được sự việc con bị đánh ở lớp cả nhà rất bức xúc. “Cô có đến xin lỗi nhưng gia đình chưa chấp nhận, người thân gia đình tôi đang rất bức xúc trước sự việc này”.
Bác sĩ Lê Văn Hương - Phó trưởng khoa ngoại, Bệnh viện đa khoa Dinh Mười cho biết, qua thăm khám và điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu sang chấn tâm lý, các bác sĩ cho thuốc uống để cắt giảm cơn đau. 
Bác sĩ Hương thông tin thêm:“Tình trạng bệnh nhân khi vào viện có kêu đau vùng má, há miệng có hạn chế, tại vùng má hai bên bị sưng.
Có thể trẻ sẽ bị sang chấn tâm lý nên sẽ vừa điều trị vừa động viện cháu thêm để tâm lý hồi phục”.
Nhà trường nói gì?
Chiều ngày 22/11, đại diện gia đình em HLN. và hội cha mẹ phụ huynh học sinh lớp 6.2 đã đến làm việc với cô Thủy và Ban giám hiệu nhà trường để tìm hiểu nguyên nhân sự việc.

Trường trung học cơ sở Duy Ninh, nơi xảy ra sự việc nghiêm trọng nói trên. Ảnh: NP
Theo bà Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng Trường trường trung học cơ sở Duy Ninh thì nhà trường rất bất ngờ và bức xúc trước sự việc vừa qua.
Có thể do áp lực rèn luyện phong trào thi đua học tốt của học sinh nhà trường nên cô Thủy đã có hành vi không đúng chuẩn mực, đạo đức người giáo viên.
Hội đồng kỷ luật nhà trường đã họp lại và xem xét hình thức kỷ luật cô Thủy, đồng thời báo cáo lên phòng Giáo dục và Đào tạo huyện – bà Anh nói.
Về quy định “quái gở” của cô Thủy  là em học sinh nào vi phạm thì bị mỗi bạn tát 10 cái, bà Anh nói là do cô Thủy tự đề ra, chứ không phải chủ trương của nhà trường.
Ban giám hiệu trường không hề hay biết quy định này, nếu biết trước thì sẽ ngăn chặn kịp thời, không để sự việc đáng tiếc xảy ra.
Bà Anh cũng thừa nhận cách hành xử của cô Thủy là hoàn toàn sai trái, phản giáo dục và sẽ có phương án kỷ luật đích đáng.
Được biết, cô Thủy vừa mới được chuyển về công tác tại trường kể từ hồi đầu tháng 8 năm nay.
Sau khi sự việc xảy ra, Ủy ban nhân dã Duy Ninh, hội cha mẹ phụ huynh học sinh đã đến tận nhà động viện em HLN. cố gắng vượt qua nỗi đau, sớm trở lại trường lớp.
Về phương án xử lý trách nhiệm của giáo viên, nhà trường trong vụ việc này, chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin.
Nguyên Phong
BỆNH THÀNH TÍCH ĐÃ TÁT 231 CÁI TÊ TÁI VÀO GIÁO DỤC
NGUYỄN CAO /GDVN 26-11-2018
Hành động của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy, giáo viên chủ nhiệm lớp 6.2, Trường Trung học cơ sở xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình khi đưa ra hình phạt tát vào mặt học trò vi phạm đã gây nên bức xúc cho nhiều người trong xã hội.
Đây là một hình phạt phản cảm và có phần ác ý vô cùng nên rất khó nhận được sự đồng cảm của xã hội trong lúc này. 
Hành động của cô đáng trách vô cùng nhưng theo lí giải của cô Thủy thì nguyên nhân bắt đầu từ thành tích thi đua của lớp mà cô đang chủ nhiệm.
Suy cho cùng, thành tích không có lỗi nếu như các trường phát động thi đua một cách khoa học, lành mạnh, kích thích được động lực phấn đấu của học trò. 
Biện pháp thực hiện phải bắt đầu từ việc tạo thói quen cho học trò và từ từ uốn nắn để đi vào nền nếp. 
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ quản lý lớp học thì một số giáo viên không có những biện pháp nhân ái, khả thi nên đưa ra những mức phạt mang tính bạo lực, phản giáo dục.  
Trong khi, ai cũng biết rằng biện pháp giáo dục học trò bằng bạo lực chưa bao giờ được xem là thông minh và cũng chẳng bao giờ phát huy được hiệu quả.
Trường hợp cô giáo chủ nhiệm lớp Nguyễn Thị Phương Thủy của trường Trung học cơ sở Duy Ninh là một ví dụ điển hình.
Có lẽ, những trò nghịch ngợm, phá phách, gọi tên cha mẹ nhau trong lớp của học trò đã có từ rất lâu rồi.
Nhiều thế hệ học trò không lạ gì khi trong lớp mà thầy cô nói, hay ghi bài trên bảng có chữ nào trùng với tên cha mẹ một bạn nào đó là một số bạn cứ giả vờ hỏi lại để cô thầy đọc lại, hay cố tình đọc lớn chữ có tên cha mẹ bạn rồi cả đám cười cười lên… sung sướng. 
Biết là những chuyện như vậy không phù hợp nhưng việc làm này của học trò không phải là hành động “nói tục” và càng không phải vi phạm ở mức nghiêm trọng. 
Đó chỉ là cách trêu chọc nhau quá đà của tuổi học trò, giáo viên chỉ cần khéo léo nhắc nhở là học sinh ắt sẽ thay đổi ngay.
Theo lời kể của Hoàng Long Nhật - em học sinh vừa bị bạn và cô tát 231 cái vào má thì khi em thấy cô ghi trên bảng là “Dân ca Thanh Hoá”, em đọc đến chữ “Thanh” lớn hơn các chữ khác mà “Thanh” là tên mẹ của một bạn trong lớp. 
Bạn ngồi bên cạnh liền nói em chửi tên ba mẹ của bạn nên đã nói với cô giáo chủ nhiệm Nguyễn Thị Phương Thủy và cô giáo chủ nhiệm đã cho 23 bạn trong lớp tát vào tát má. 
Sự việc này khiến chúng ta thấy choáng váng. Hàng trăm cái tát vào mặt học trò không chỉ khiến cho học sinh đau đớn phải nhập viện mà có lẽ những thầy cô đang công tác trong ngành giáo dục đau theo vì hình phạt của đồng nghiệp trong ngành. 
Hành động của cô Nguyễn Thị Phương Thủy đã bị nhà trường đình chỉ công tác 15 ngày và tiếp tục chờ xử lý tiếp. 
Nhưng, chắc chắn một điều là trong lúc này đây cô sẽ phải ân hận vì hành động và phương pháp giáo dục của mình. 
Chuyện sai đến đâu sẽ có luật viên chức, pháp luật phán xét một cách công bằng, và với cô Thủy sẽ phải xót xa cho những hành động sai trái của mình trong quãng thời gian còn lại của đời mình. 
Nhưng ngay lúc này đây, những hành động của cô Thủy đã khiến cho dư luận bất bình, hình ảnh người thầy ít nhiều bị mai một và làm ảnh hưởng đến hàng triệu giáo viên đang phấn đấu cho sự nghiệp giáo dục nước nhà.
Áp lực hiện nay của thầy cô là rất lớn nhưng khi đã chọn nghề sư phạm, điều đầu tiên người thầy phải hướng tới là luôn giữ cho thiên lương của mình trong sáng, nhân ái. 
Bản tính có thể nóng giận nhưng khi đứng trước học trò thì người thầy cần phải hành xử bình tĩnh, tế nhị và nhân văn để không làm ảnh hưởng đến danh dự bản thân của mình và của ngành giáo dục. 
Trước sự việc này, dù dư luận, phụ huynh học sinh có cảm thông nhưng rõ ràng cơ hội đứng lớp của cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã trở nên mong manh và gần như đã không còn cơ hội nữa. 
Bởi, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã có văn bản yêu cầu Sở Giáo dục - Đào tạo Quảng Bình xác minh, xử lý nghiêm. 
Giám đốc Sở Giáo dục Quảng Bình thì nói: “không để một giáo viên như vậy trong ngành giáo dục”…
Trước hành động và việc làm của mình, cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy đã trình bày: “Tôi biết việc làm của mình là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua” khiến chúng ta không khỏi ái ngại. 
Có thể lời cô Thủy là chống chế cho sai phạm của mình, cũng có thể là nói đúng. 
Bởi, áp lực thi đua ở từng lớp, từng trường bây giờ bây giờ nặng nề và kinh khủng lắm. Nhưng, với cô Thủy bây giờ thì “thi đua” còn có nghĩa gì nữa đâu! Thương thay….
Có lẽ, không phải bây giờ mà trước đây đã có nhiều giáo viên hành xử không phù hợp, bạo lực với học trò.
Gần như những trường hợp như vậy xảy ra thì giáo viên luôn là người chịu tác động nhiều nhất. Nhiều người đã mất nghề, bị dư luận dè bỉu, coi khinh.
Vì thế, trước áp lực thi đua, thành tích thì người thầy cũng cần tĩnh táo và đưa ra những giải pháp hợp lý nhất có lợi cho học sinh, cho ngành và ngay cả với cả bản thân mình. 
Đừng mải cuốn vào vòng xoáy thi đua một cách bất chấp để rồi phải ân hận, xót xa cho chính mình trong những năm tháng về sau.
Nguyễn Cao

LỆNH TÁT BẠN ĐÃ CÓ TỪ LÂU, HÀNG CHỤC EM KHÁC ĐÃ TỪNG LÀ NẠN NHÂN

NGUYÊN PHONG / GDVN 26-11-2018

Trần tình của cô chủ nhiệm
Sau khi sự việc cô giáo Nguyễn Thị Phương Thủy (Trường trung học cơ sở Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) ra lệnh 23 học sinh tát 230 cái vào má em HLN., em này nhập viện đã khiến dư luận bức xúc.

Cô Nguyễn Thị Phương Thủy thừa nhận hành vi của mình là sai trái, do áp lực thi đua. Ảnh: NP
Bộ Giáo dục cũng như các ngành chức năng đã vào cuộc để có phương án xử lý cụ thể đối với trường hợp này. Vậy thì đâu là nguyên nhân khiến em HLN. bị đối xử một cách thô bạo như vậy?
Theo bà Phạm Thị Lệ Anh - Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Duy Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình) thì nguyên nhân dẫn đến việc cô Thủy áp dụng quy định “quái gở” tát học sinh nói tục là vì áp lực rèn luyện phong trào thi đua học tốt của học sinh nhà trường.
Việc quy định ngầm, em học sinh nào vi phạm thì bị mỗi bạn tát 10 cái là do cô Thủy tự đề ra. Ban giám hiệu trường không hề hay biết quy định này, nếu biết trước thì sẽ ngăn chặn kịp thời, không để sự việc đáng tiếc xảy ra.
Đây là bài học trong công tác chấn chỉnh, quản lý đội ngũ giáo viên của nhà trường – bà Anh nói.
Còn về phía cô Thủy cũng thừa nhận, cô này tiếp nhận làm chủ nhiệm lớp 6.2 từ đầu năm học 2018-2019. Nhưng lớp này không có thành tích tốt về học tập và thi đua rèn luyện, thường xuyên đứng “tốp” dưới của trường.
Cô Thủy cho hay, cả lớp 6.2 chỉ có một học sinh đạt học lực khá, điểm thi đua của lớp luôn xếp cuối bảng.
Nên khi nào xảy ra trường hợp có học sinh trong lớp nói tục bị phát hiện thì lớp sẽ bị trừ điểm thi đua rất nặng.
Do đó, khi về nhận lớp, cô Thủy đã đặt ra quy định: “nếu học sinh nào vi phạm nói tục sẽ bị mỗi bạn trong lớp tát 10 cái vào má. Bạn nào không tát hoặc tát nhẹ sẽ bị phạt tát ngược lại 10 cái”.
Nói về việc cho học sinh tát em HLN. 230 cái vào má, cô Thủy cho hay, hôm ngày 19/11 cô này lên lớp thì nghe có học sinh báo lại là em HLN. nói tục, chửi bậy.
“Trước đó, tôi nói ai chửi tục là sẽ bị các bạn tát nên một số em trong lớp mới tát em N. Bị đau nên em N. có chửi thề, nên tôi mới tát em một cái rồi đi ra ngoài.
Sau đó tìm hiểu và biết 23 em đã tát N. Tôi biết rõ việc làm này là sai, cũng do tôi nóng giận và một phần vì áp lực thi đua”, cô Thủy nói.
Nhiều học sinh khác cũng từng bị tát
Một học sinh lớp 6.2 cũng cho hay, việc thực hiện tát bạn N. là do cô chủ nhiệm quy định từ trước nên lớp thực hiện. Cô Thủy chỉ có mặt một lúc chứ không chứng kiến toàn bộ việc cả lớp tát bạn HLN.
Theo học sinh này thì trước đây đã có 9 – 10 bạn bị tát như thế vì nói tục, tuy nhiên không nặng như bạn HLN.
Học sinh này cũng cho biết, các bạn không muốn áp dụng quy định quái gở của cô Thủy nữa vì không ai muốn đánh bạn cùng lớp.
Theo gia đình em HLN. thì trong chiều ngày 24/11, em đã cơ bản bình phục và trở lại trường để học tập. Nhưng gia đình cũng như bản thân N. không muốn học lớp cô Thủy chủ nhiệm nữa và muốn chuyển lớp.
“Cô Thủy có đến gặp gia đình tôi để xin lỗi về sự việc vừa qua. Nếu cô biết sai và sửa chữa lỗi lầm thì gia đình cũng không muốn truy cứu đến cùng.
Còn việc xử lý kỷ luật cô Thủy ra sao thì đó là việc của nhà trường và các cơ quan chức năng”, bà Trần Thị Chước (mẹ của em N.) cho hay.
Nguyên Phong
ĐỦ DẤU HIỆU PHẠM TỘI HÌNH SỰ VỤ HỌC TRÒ BỊ TÁT 231 CÁI
HÀ DUNG/ GDVN 26-11-2018
Em HLN. (học sinh lớp 6.2) phải nhập viện điều trị sau khi bị tát 230 cái vào má theo yêu cầu của cô giáo chủ nhiệm.




Bất khả xâm phạm thân thể
Hiến pháp năm 2013 quy định rất rõ: “Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh dự và nhân phẩm;
không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức đối xử nào khác xâm phạm thân thể, sức khỏe, xúc phạm danh dự, nhân phẩm”.
Vấn đề này cũng đã được Luật Giáo dục đặc biệt quan tâm khi đưa vào là hành vi cấm kị, nhà giáo không được làm, đó là: nghiêm cấm hành vi xúc phạm danh dự, nhân phẩm, xâm phạm thân thể của người học.
Các cơ quan cần phải xác định rõ tính chất phức tạp của vấn đề để có phương án xử lý phù hợp.
Thương tật cho học sinh trong vụ việc này, có thể không trực tiếp do cô giáo gây ra. Nhưng cô giáo là người chủ động chỉ đạo, yêu cầu 23 học sinh (những người phụ thuộc mình) tát bạn và bản thân cô cũng tham gia tát.
Hành vi này gây tổn hại trực tiếp cho sức khỏe của người bị hại và gây tổn thương tinh thần do bị xúc phạm nhân phẩm.
Cụ thể, về vấn đề sức khỏe, nạn nhân trong vụ việc này đang phải nhập viện và chắc chắn trong thời gian tới sẽ có kết quả chính thức về tỉ lệ tổn thương.
Những hành vi này có dấu hiệu cấu thành tội “Hành hạ người khác” được quy định cụ thể tại điều 140 Bộ luật hình sự năm 2015. Cụ thể:
1. Người nào đối xử tàn ác hoặc làm nhục người lệ thuộc mình nếu không thuộc các trường hợp quy định tại Điều 185 của Bộ luật này, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm:
a) Đối với người dưới 16 tuổi, phụ nữ mà biết là có thai, người già yếu, ốm đau hoặc người khác không có khả năng tự vệ;
b) Gây rối loạn tâm thần và hành vi của nạn nhân 11% trở lên;
c) Đối với 02 người trở lên.
Đối xử tàn ác ở đây được hiểu là hành vi gây ra sự đau đớn về thể xác và tinh thần đối với nạn nhân dưới các hình thức như đánh đập, bỏ đói, có hoặc không kèm theo việc chửi mắng thậm tệ.
Ở đây cô giáo không trực tiếp đánh 230 cái nhưng yêu cầu các học sinh khác (những người cũng lệ thuộc vào cô giáo) đánh học sinh này gây nên những tổn thương về thể xác lẫn tinh thần.
Trong vụ việc này, nạn nhân là học sinh đang tham gia học tập tại lớp lệ thuộc cô giáo, không giám phản kháng.
Chiếu theo điều luật này thì cô giáo đã vi phạm vào điểm 1 khoản 2 điều 140 nên có thể lãnh mức án từ 1 đến 3 năm tù.
Tội “Hành hạ người khác” được áp dụng khi việc đối xử tàn ác chưa đạt đến mức độ nghiêm trọng để truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ.
Còn nếu xác định việc đánh học sinh là ý thức cố ý của cô giáo, ý thức được việc đánh đó sẽ gây tổn hại về sức khỏe thì phải truy cứu tội cố ý gây thương tích.
Đối với tội phạm này, nếu thương tích dù trên hay dưới 11% thì khả năng chịu trách nhiệm hình sự vẫn rất cao.
Bởi đối với Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe người khác được quy định tại điểm e khoản 1 điều 134 Bộ luật hình sự thì:
Người nào cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ tổn thương nếu dưới 11% nhưng thuộc trường hợp phạm tội đối với người dưới 16 tuổi thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.
Còn nếu tỷ lệ thương tích của nạn nhân từ 11% đến 30% thì sẽ bị phạt tù từ 02 đến 05 năm tù.
Tổn thất tinh thần rất nặng nề
Trong vụ việc này, học sinh bị bạn và cô giáo đánh không những bị tổn thương về mặt thể xác mà tâm lý sẽ bị ảnh hưởng vô cùng nặng nề.
Bước đầu tại bệnh viện Bác sĩ Lê Văn Hương - Phó trưởng khoa ngoại, Bệnh viện đa khoa Dinh Mười cho biết, qua thăm khám và điều trị, bệnh nhân có dấu hiệu sang chấn tâm lý.
Đứng giữa lớp để chịu 231 cái tát, ở lứa tuổi mới lớn khó mà tránh khỏi những suy nghĩ tiêu cực, tổn thương về tinh thần.
Xét về mặt đạo đức nghề nghiệp thì cô giáo cũng đã vi phạm nghiêm trọng đạo đức, gây tổn thương tinh thần không chỉ cho trực tiếp nạn nhân bị tát mà chính các em học sinh, bị ép tham gia tát bạn cũng là nạn nhân chịu những áp lực về tinh thần không hề nhỏ.
Bởi việc tát vào má bạn là việc mà không học sinh nào muốn thực hiện. Không khác nào việc “lấy học sinh trị học sinh” – một cách giáo dục thiếu nhân văn, thiếu tính giáo dục.
Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc để xác định hành vi vi phạm pháp luật của cô giáo trong vụ việc này để có hình thức xử lý đúng người, đúng tội, đúng quy định pháp luật.
Hà Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét