Thứ Bảy, 10 tháng 11, 2018

20181110. NHỮNG VẤN ĐỀ ĐẶT RA TỪ SỰ KIỆN THỦ THIÊM NGÀY 7/11

ĐIỂM BÁO MẠNG
SỰ KIỆN THỦ THIÊM NGÀY 7-11: NHIỀU VẤN ĐỀ ĐẶT RA

ÁNH LIÊN/ VNTB/ BVN 10-11-2018

Buổi tiếp xúc giữa cư dân Thủ Thiêm với Chủ tịch TP.HCM Nguyễn Thành Phong sáng 7.11 để lại nhiều câu hỏi, lẫn cảm xúc,...
Số phận ông Tất Thành Cang?
Tại sao ông Tất Thành Cang lại được xếp ngồi ghế Trưởng ban - Ban chỉ đạo TP.HCM, trong đề án thực hiện thí điểm về đổi mới, tăng cường hòa giải, đối thoại trong giải quyết các tranh chấp dân sự, khiếu kiện hành chính tại tòa án hai cấp – có liên quan trực tiếp đến vấn đề giải quyết tranh chấp đất đai. Trong khi đó, ông Cang đã và đang là đối tượng chính nằm trong sai phạm Thủ Thiêm? Thành ủy Tp. HCM đang toan tính điều gì về bước đi này?

Ông Tất Thành Cang (Phó Bí thư Thường trực Thành ủy TPHCM) vừa được Thành ủy quyết định làm Trưởng ban chỉ đạo TPHCM. Ảnh: Dân Trí
Nếu hiểu theo nghĩa tích cực nhất, thì đây là hướng xử lý tối ưu của thành ủy Tp. HCM, khi đưa người gây nên sự việc đứng đầu giải quyết sự việc. Nhiều quan điểm cho rằng, làm thế nào để một ‘thủ phạm’ có thể danh chính ngôn thuận, hoặc đảm bảo sự công bằng và công lý trong giải quyết các tranh chấp đất đai (đặc biệt là Thủ Thiêm), khi mà ông ta là nguyên nhân chính gây ra các vụ tranh chấp đất đai đó?
Nhưng nếu đặt trong khía cạnh ‘lấy công chuộc tội’, thì trong câu chuyện này sẽ phần nào được hiểu là, đẩy ông Tất Thành Cang ra chức Trưởng ban là phương cách mà thành ủy Tp. HCM áp dụng tương tự như cách mà Bộ Chính trị Việt Nam từng tiến hành đưa ông Đinh La Thăng về làm Bí thư thành ủy Tp. HCM sau đó bắt đầu truy tố? Đặt bối cảnh là Tất Thành Cang với các lợi ích dân sự nằm ngang dọc thành phố, đặc biệt là Thủ Thiêm, thì ông ta dễ dàng đối mặt với việc truy tố trách nhiệm phát sinh mới ở cương vị mới. Nói cách khác, bản thân Tất Thành Cang bị đặt trong một thế khó, khi buộc y phải gỡ rối những màn dây xen kẽ mà bản thân mình vạch ra. Vì vậy, những bước đi đầu của phía thành ủy Tp. HCM vẫn cần phải được chờ kiểm nghiệm, ít nhất là thành ủy Tp.HCM hứa giải quyết sự vụ trong tháng 11, nghĩa là hiện thời vẫn nằm trong khoảng thời gian đó.
Nhưng dù mang tính tích cực nêu trên, thì về mặt ý nghĩ thực tiễn, cái tích cực đó có phần mỏng manh bởi nhiều lý do. Trong đó, mặc dù đề án đổi mới này mang tính 'thí điểm', nhưng 'tăng cường, hòa giải, đối thoại trong giải quyết tranh chấp dân sự' bản chất chỉ là nhằm giảm tải công tác xét xử của tòa án, và đề án này được coi là giải pháp tối ưu để ‘tạo đồng thuận giữa các đương sự, giữ gìn ổn định trật tự xã hội’. Trong khi đó, nếu là thỏa thuận thì kết quả hình thành dựa trên ý chỉ thỏa thuận của 2 bên, đồng nghĩa tính quyền lực nhà nước không được can thiệp vào (tính chế tài) vào, dẫn đến khả năng, một vụ tranh chấp dân sự có thể kéo dài trong nhiều năm liền.
Sự lưu manh và côn đồ của viên an ninh
Có một sự ‘lưu manh’ trong cách hành xử của nhân viên thuộc phía thành ủy liên quan đến cuộc gặp ngày hôm qua, và nó làm cho người dân cảm thấy một sự mâu thuẫn giữa nói và làm của lãnh đạo thành phố này.
Cụ thể, trong cuộc tiếp dân phường Bình Khánh và phường Bình An (quận 2, Tp. HCM) của Chủ tịch UBND Tp. HCM Nguyễn Thành Phong và Trưởng ban Tiếp dân TW – Nguyễn Hồng Điệp vào sáng 7.11. Một phóng viên ảnh báo Thanh Niên đã bị nhân viên an ninh tên Tuấn (Quận 2) ‘túm cổ đẩy thô bạo ra khỏi cổng khi đang làm thủ tục nhận giấy mời vô tác nghiệp’. Điều này được Facebooker Lê Nguyễn Hương Trà phản ánh đầy đủ trong một chia sẻ ngày 8.11 trên Facebook cá nhân.

Viên an ninh được cho là tên Tuấn, ở quận 2 đã có hành vi thô bạo với người của báo Thanh Niên. Ảnh: Zing
Cách hành xử bị đánh giá là vô văn hóa, thiếu giáo dục của viên an ninh này diễn ra trong bối cảnh người phát ngôn UBND TP. HCM từng khẳng định không có vùng cấm với báo chí. Quan trọng hơn, cũng viên an ninh quận 2 này đã từng ‘chăm sóc’ không ít bà con dân oan Thủ Thiêm, trong đó có cả cô Nguyễn Thùy Dương, người từng nhiều lần lên tiếng đòi công lý về đất đai cho bà con khu vực này.
Rõ ràng, tính ‘ác ý và côn đồ’ của nhân viên an ninh này không phải là một hành vi tự phát về mặt cá nhân, mà rõ ràng là đã có sự chỉ đạo từ một số cá nhân bên trong chính quyền nhằm dập tắt những tiếng nói có ảnh hưởng liên quan đến phanh phui sai phạm đất đai mà một bộ phận không nhỏ lãnh đạo thành phố đã nhúng tay vào.
Tách để trị, chia để xử?
Trong một chia sẻ trên Facebook cá nhân, cô Nguyễn Thùy Dương, một người từng phóng chiếc giày đế nhựa về phía lãnh đạo Tp. HCM nhiều lần tha thiết đòi hỏi chính quyền thành phố phải ‘rõ ràng, trắng đen’ với dân. Bởi đối diện với sai phạm thành phố bây giờ, là khối dân oan của thành phố, cái khối mà thành phố tìm cách tách để trị, chia để xử. Đó là lý do vì sao trong một chia sẻ mới nhất, Thùy Dương đã khẳng định sự đoàn kết của người dân oan, theo đó, người dân ở 4,3 hecta đất ngoài ranh (không nằm trong quy hoạch) đòi hủy Quyết định Thanh tra 1483 thanh tra đất ngoài ranh, mà phải là là 160 hecta đất ngoài ranh.
Thế nhưng, trong cuộc gặp ngày 7.11, lãnh đạo chính quyền thành phố vẫn chưa nhìn thẳng vào sự thật để giải quyết vấn đề kéo dài 20 năm trời (mà người dân khẳng định nó có thể giải quyết trong vòng 1 tháng nếu đúng luật). Ông Nguyễn Văn Khương - một người dân cũng đã chỉ ra mâu thuẫn trong cách đặt vấn đề của Chánh văn phòng UBND TP Võ Văn Hoan: Ông nói chưa rõ mà đã cơ bản nhìn ra 4,3 ha là quá mơ hồ, chúng tôi người dân không mơ hồ đầu!

Trong khi chính quyền TP.HCM thông báo tấm bản đồ quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm 'thất lạc' nhiều năm qua vẫn chưa tìm thấy, thì một người dân khẳng định đang giữ tấm bản đồ quý giá này.
Ngoài ra, những phát ngôn của lãnh đạo thành phố được tường thuật, phản ánh trên báo chí chính thống chỉ thuần túy là sự 'chia sẻ' và đẩy trách nhiệm về phía Chính phủ. Mặc khác, có vẻ Tp. HCM đang áp dụng hướng, vừa xoa dịu người dân thành phố, bằng cách xử lý điểm nhỏ (4,3 hecta) để tạo cơ sở thành tích, trong khi ‘quên’ xử lý các sai phạm đất đai lớn còn lại (160 hecta).
Việc xử lý đối với cá nhân và tập thể sai phạm chưa thực sự 'điểm mặt, chỉ tên', mặc dù trong kỳ họp đầu tháng 11, thành ủy Tp. HCM đã ‘kiểm điểm tập thể’. Giả rằng, Tất Thành Cang có bị truy tố, thì nó cũng chỉ là phương thức ‘lùi 1 bước, tiến 100 bước’ của chính quyền thành phố, vì đúng như nhiều nhận định, một ‘Tất Thành Cang’ không thể che hết bầu trời quận 2, mà đó là một chuỗi lợi ích nhóm có liên quan, bao gồm của ông Lê Thanh Hải, bà Nguyễn Thị Quyết Tâm (người đã sử dụng chức năng Chủ tịch HDND – chuyên về giám sát quyền lực nhà nước để khẳng định cưỡng chế đất đai ở Thủ Thiêm là đúng),… và nhiều nhân vật khác.
Người dân không hề 'mơ hồ' về điều này, và nó càng không phải là 'quy chụp' như cách ông Trưởng Ban tiếp dân trung ương Nguyễn Hồng Điệp lên tiếng trong cuộc gặp ngày 7.11. Bởi một bản đồ quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP.HCM) tỷ lệ 1/5.000 kèm theo quyết định số 367 ngày 4.6.1996 của Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt  phê duyệt thì thành phố tuyên bố biến mất (mặc dù nó được phổ biến từ cấp cơ sở đến thành phố), nhưng một người đại diện 71 hộ dân lại giữ cái bản đồ quy hoạch quý giá này. Rõ ràng, nghĩ một cách logic thì đã có xuất hiện việc ‘sửa đổi, điều chỉnh’ theo hướng có lợi cho nhóm lợi ích, và chính nhóm lợi ích đã đồng tâm làm biến mất tấm bản đồ 367.
Kết
Vấn đề mà Tp. HCM đang đối diện, không phải là thật lòng giải quyết, không phải là khúc mắc ở đâu gỡ tại đó, mà đang tìm cách câu giờ và hạ nhiệt sự kiện, bởi tính đến hiện nay, những lời mà lãnh đạo tuyên bố chỉ thuần túy là ‘sẽ lắng nghe, sẽ đề xuất’, không hề có phương án giải quyết vấn đề chính được đặt ra.
Lẽ nào thành ủy Tp. HCM đang biến thành phố này trở thành 'thành đồng' đối với nỗi oan khuất dân oan Thủ Thiêm?
A.L. * Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả. VNTB gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét