ĐIỂM BÁO MẠNG
- Quốc tế: Điều gì được chờ đợi ở cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều lần này?(GD 19/9/2018)-Thời gian Tổng thống Donald Trump dành cho Tập Chủ tịch không còn nhiều(GD 18/9/2018)-3 giải pháp giúp ASEAN đảm bảo an ninh nguồn nước ở sông Mê-kông(GD 17/9/2018)-Mỹ áp thuế gói thuế mới, Trung Quốc họp bàn ứng phó (KTSG 18/9/2018)-Mạng lưới sông ngòi Việt Nam phản đối xây đập thủy điện Pak Lay ở Lào (KTSG 18/9/2018)-Hội thảo “Nhìn lại Chiến tranh Việt Nam”: Cộng sản Việt Nam thật sự hoàn toàn chiến thắng? (RFA 18-9-18)-Thương chiến Mỹ Trung 'có ảnh hưởng tới VN' (BBC 18-9-18)-Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung: 'Người phát bóng'(TVN 19/9/2018)-
- Trong nước: Ông Trung Ngôn ở Ủy ban kiểm tra trung ương...gớm thật!(GD 19/9/2018)-Khám xét nhà nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Hồ Chí Minh(GD 18/9/2018)-Đường sự nghiệp của nguyên Phó chủ tịch TP.HCM vừa bị khởi tố (DV 18-9-18)-Khám xét, bắt tạm giam nguyên Chánh văn phòng Thành ủy Đà Nẵng(GD 19/9/2018)-Vụ án Vũ "nhôm": Hàng loạt người ở TPHCM và Đà Nẵng bị khởi tố (KTSG 18/9/2018)-Thấy gì từ những sai phạm ở Thủ Thiêm (DT 18-9-18)-Vương Hà-Có phải A67 phá hoại EVFTA? Không, chính là những kẻ đang thèm khát rỏ giãi EVFTA tự tay giật sập cửa đấy!(BVN 18/9/2018)-
- Kinh tế: An ninh quốc phòng là vấn đề vô cùng hệ trọng khi cấp phép cho Bamboo Airways(GD 19/9/2018)-Khẩn trương phê duyệt điều chỉnh quy hoạch sân bay Tân Sơn Nhất (GD 19/9/2018)-Bộ GTVT hối thúc Chính phủ cho cải tạo khu bay Tân Sơn Nhất, Nội Bài (KTSG 19/9/2018)-Vietnam Airlines mở đường bay Đà Nẵng - Osaka (KTSG 19/9/2018)-"Áo mới" của công viên trước nhà thờ Đức Bà (KTSG 19/9/2018)-Các tỉnh vùng ĐBSCL và Bình Thuận ký kết chống khai thác hải sản trái phép (KTSG 19/9/2018)-để khắc phục 'thẻ vàng' EU-Đất nền sổ đỏ vẫn là kênh đầu tư sáng giá (KTSG 19/9/2018)-Mỗi doanh nghiệp nhà nước nộp thuế 104 tỉ đồng (KTSG 19/8/2018)-cao nhất các loại DN-Doanh nghiệp công nghệ thông tin cần "sân chơi" bình đẳng (KTSG 18/9/2018)-Du khách Trung Quốc chi hơn 3,3 tỉ đô la tại Việt Nam (KTSG 18/9/2018)-Xuất khẩu dầu thô giảm hơn 47% (TN 17-9-18)-
- Giáo dục: Xót lòng tiếng khóc khát sữa của những em bé theo chị đi học(GD 19/9/2018)-Học sinh Trường Nguyễn Văn Linh chê suất ăn trưa trong căn tin nhà trường(GD 19/9/2018)-Đổi mới giáo dục là liên tục, phải kiên trì, bền bỉ, không được sốt ruột(GD 19/9/2018)-yk BT Nhạ-Đề nghị thanh tra dấu hiệu lợi ích nhóm trong biên soạn sách giáo khoa 2000(GD 19/9/2018)-76 chung cư chỉ 2 trường tiểu học, sĩ số không quá tải mới lạ(GD 19/9/2018)-Tiết học giả tạo nhất là hôm có... dự giờ(GD 19/9/2018)-Hỏi đáp về sữa học đường với ông Phạm Xuân Tiến(GD 19/9/2018)-Thi quốc gia, chấm thi theo cụm mới an toàn(GD 19/9/2018)-Giữ kỳ thi quốc gia đến năm 2020 với 6 thay đổi, điều chỉnh(GD 18/9/2018)-Dịch dạy thêm, học thêm trái phép bắt đầu bùng phát tại Hải Phòng(GD 19/9/2018)-Nguyên Hiệu trưởng bỗng dưng mất hơn 1 năm tiền lương(GD 19/9/2018)-Giờ đây, nhiều thư viện trong nhà trường tủ sách dùng chung đã mốc meo(GD 19/9/2018)-Cô giáo bị tinh giản biên chế kêu người đánh trọng thương “cò” chạy việc(GD 18/9/2018)-Thu hàng loạt khoản không được phép, trường Ninh Dân xem thường pháp luật(GD 18/9/2018)-
- Phản biện: Ông Trung Ngôn ở Ủy ban kiểm tra trung ương...gớm thật!(GD 19/9/2018)-Xuân Dương-Thầy Nguyễn Minh Thuyết nắm chắc Nghị quyết 88, nhưng có hiểu cái khổ của Dân?(GD 18/9/2018)-Hồng Thủy-Sao thầy Tổng chủ biên lại ví giá thành chương trình mới với chuyện…làm đường?(GD 18/9/2018)-Nhật Duy-Giáo dục Việt Nam đang đi về đâu (viet-studies 17-9-18)- Nguyễn Quang Dy-Bình tĩnh, tỉnh táo, cảnh giác trước những cái nhìn lệch lạc về giáo dục Việt Nam (QĐND17-9-18)-Thiện Văn-“Em nghĩ, thầy rồi sẽ lên 'giàn thiêu' dư luận”(TVN 19/9/2018)-Tư Giang-Lạ quá! Sao lại đổ lỗi “tư duy tiểu nông” làm hỏng ngành giáo dục(BVN 19/9/2018)-Nguyễn Quang Duy-Các nguy cơ gắn liền với đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam(BVN 19/9/2018)-Chấn Minh-BẠO ĐỘNG - XU HƯỚNG NGUY HIỂM (BVN 19/9/2018)-FB Pham Doan Trang-
- Thư giãn: Kiếm tiền từ đi du lịch (KTSG 19/9/2018)-Mạng ảo nhưng lừa thật (KTSG 19/9/2018)-Người Pháp quản lý mại dâm ở An Nam như thế nào (LK 15-9-18)-Giá iPhone X giảm chạm đáy tại Việt Nam: Vì đâu nên nỗi?(VNN 18/9/2018)-
BÌNH TĨNH, TỈNH TÁO, CẢNH GIÁC TRƯỚC NHỮNG CÁI NHÌN LỆCH LẠC VỀ GIÁO DỤC VIỆT NAM
THIỆN VĂN/ QĐND 17-9-2018
Ảnh minh họa: qdnd.vn.
QĐND - Những ngày qua, trong khi hàng triệu học sinh, sinh viên háo hức bước vào năm học mới 2018-2019, thì trên nhiều trang mạng xã hội, nhất là các trang mạng của những phần tử cơ hội và một số tờ báo điện tử nước ngoài thiếu thiện chí với Việt Nam đã có những nhận định chủ quan, cái nhìn sai trái, ý kiến lệch lạc về giáo dục Việt Nam. Cần phải vạch rõ “chân tướng” đằng sau những luận điệu này.
Chuyện bé xé ra to, gắn vấn đề giáo dục với mưu đồ chính trị
Nguyên cớ khởi đầu từ một clip đăng trên trang mạng xã hội quay cảnh một người được cho là giáo viên tiểu học đang hướng dẫn phụ huynh cách dạy con lớp 1 đánh vần theo cuốn Tiếng Việt 1-Công nghệ giáo dục (TV1-CNGD) của một giáo sư. Một câu chuyện giảng dạy theo phương pháp mới tưởng như bình thường, nhưng nó bị đẩy lên quá mức làm “nóng” dư luận. Nhân cơ hội này, một số người vốn có cái nhìn định kiến, cực đoan và những kẻ có tư tưởng cơ hội chính trị, bất mãn, thù hằn với chế độ Việt Nam đã cố tình làm to chuyện, phức tạp hóa vấn đề, thậm chí gắn vấn đề giáo dục với vấn đề chính trị với những toan tính xấu.
Không chỉ đưa ra các nhận định đầy miệt thị, ác ý như: “Cải cách giáo dục của Việt Nam mấy chục năm nay thất bại vì tư duy tiểu nông, vì bóc ngắn cắn dài”, “Giáo dục Việt Nam trong 30 năm qua không chỉ rối loạn bởi các đề án hoang tưởng tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng mà còn đối diện với cuộc khủng hoảng suy đồi đạo đức nghiêm trọng khiến niềm tin vào những gì được gọi là “cải cách” sụp đổ”; có người còn đưa ra cái gọi là “kiến nghị” rằng: “Nếu không làm được một bộ sách giáo khoa cho ra hồn, giải pháp khả thi là mua một bộ sách giáo khoa của Anh, Mỹ về cho các cháu học, cháu nào học được thì học mà không học được thì dịch ra tiếng Việt mà học”(!). Rồi một số người lại đề xuất cái gọi là “khuyến cáo”: “Những thiên thần vô tội không nên và không thể tiếp tục bị đem ra làm vật hy sinh cho các tranh cãi liên miên về cải cách giáo dục và chương trình-sách giáo khoa hay các thử nghiệm cải cách thi cử”. Họ còn lên tiếng lu loa: “Ý thức hệ giáo điều trong quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường vẫn gây nên sự ngộ nhận chủ nghĩa xã hội là mục tiêu cải cách khiến cho mục đích giáo dục thiếu tính thực tế, sai với lẽ tự nhiên”(!)...
Trước đó, lợi dụng những sai phạm xảy ra ở Hội đồng thi Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ba tỉnh: Hà Giang, Sơn La và Hòa Bình, một số ý kiến cũng tỏ thái độ hằn học khi cho rằng “gian lận thi cử ở Hà Giang là bi kịch từ lỗi hệ thống”; “sự thối nát của nền giáo dục Việt có căn gốc từ thể chế chính trị”(!).
Những lời lẽ trên cần phải phê phán, bác bỏ vì nó đã được nhìn nhận qua “lăng kính màu đen”, đánh đồng hiện tượng với bản chất, lợi dụng vấn đề giáo dục để đan cài mục đích chính trị thiếu lành mạnh.
Về những sai phạm trong kỳ thi THPT quốc gia ở ba tỉnh nêu trên, ngay sau khi xảy ra vụ việc, những người gây ra sai phạm đã bị cơ quan chức năng khởi tố, bắt tạm giam vì đã phạm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ. Những bài thi, thí sinh được nâng điểm thi qua quá trình thẩm định chặt chẽ đã bị hạ điểm thi theo đúng quy chế. Có thể nói rằng, sự vào cuộc kịp thời, khẩn trương, quyết liệt của các cơ quan chức năng góp phần nhanh chóng làm sáng tỏ vụ việc để dư luận xã hội hiểu đúng tình hình; tin tưởng vào việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ngày càng được bảo đảm nghiêm túc, chặt chẽ hơn.
Không thể phủ nhận những thành tựu và nỗ lực đổi mới của giáo dục Việt Nam
Có thể nói rằng, việc nhiều người dân cũng như dư luận xã hội quan tâm đến những đổi mới của lĩnh vực giáo dục nói chung, chương trình cải cách giáo dục và sách giáo khoa nói riêng, là điều bình thường, vì sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân. Người dân lo toan đến giáo dục là lo toan đến vận mệnh đất nước. Thế nhưng, cần tỉnh táo nhận diện, phân biệt đâu là những ý kiến thẳng thắn, tâm huyết, trách nhiệm, vì lợi ích chung; đâu là ý kiến đội danh “phản biện” mà “biện” thì ít, còn “phản” thì nhiều! Mặt khác, khi nhìn nhận, đánh giá về vấn đề giáo dục rất cần có thái độ thận trọng, khách quan và cái nhìn biện chứng, khoa học.
Ví như khi nhận định về tài liệu TV1-CNGD, không nên và cũng không thể chỉ lấy một phương pháp đánh vần mới, không giống cách đánh vần truyền thống, rồi đưa ra hai thái cực, hoặc là phủ nhận hoàn toàn, hoặc là ủng hộ tuyệt đối. Về vấn đề này, đại diện lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã khẳng định, tài liệu TV1-CNGD về cơ bản bảo đảm các yêu cầu về mục tiêu, chuẩn kiến thức kỹ năng của môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) cấp tiểu học. Tài liệu này là một trong những phương án để các địa phương lựa chọn nhằm nâng cao chất lượng dạy học môn Tiếng Việt lớp 1 trong Chương trình GDPT hiện hành, nhất là với học sinh vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số. Tuy nhiên, sẽ không mở rộng triển khai chương trình để giữ ổn định cho đến khi thực hiện Chương trình GDPT mới được triển khai từ năm học 2019-2020.
Mặc dù cơ quan chức năng đã thông tin chính thức như vậy, nhưng một số người coi việc đánh vần “lạ” theo tài liệu TV1-CNGD như là cái cớ để “xới tung” một vấn đề không mới, nhưng lại ẩn chứa những dụng ý chính trị cũ rích khi cho rằng, giáo dục Việt Nam “rối rắm vì thiếu triết lý”, lại “không cải tiến được vì không có làn gió mới, máu mới vào nền giáo dục”, rồi từ đó phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với sự nghiệp giáo dục, xuyên tạc bản chất của nền giáo dục cách mạng Việt Nam đã được bao thế hệ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục bền bỉ vun trồng, bồi đắp suốt 73 năm qua.
Thực tế, nền giáo dục Việt Nam luôn vận động theo sự phát triển của xã hội. Việt Nam đã tiến hành ba lần cải cách giáo dục (các năm 1950, 1956, 1981) cho phù hợp với từng thời kỳ lịch sử và đáp ứng với yêu cầu của từng giai đoạn cách mạng. Hiện nay, sự nghiệp đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT theo tinh thần Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, đang được triển khai tích cực với những bước đi, giải pháp phù hợp.
Theo đánh giá của nhiều chuyên gia giáo dục, kể từ khi thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW của Đảng từ năm 2013 đến nay, nhiều đổi mới trong ngành giáo dục có tín hiệu khả quan. Việc triển khai chương trình GDPT mới đang đi đúng lộ trình. Theo kế hoạch đề ra đến năm học 2019-2020, chương trình GDPT mới sẽ được triển khai ở bậc tiểu học, bắt đầu từ lớp 1. Đến nay, đã có 24 trường đại học thí điểm tự chủ. Một trong những thành tựu của ngành giáo dục thời gian qua là chất lượng giáo dục mũi nhọn tiếp tục được giữ vững, nổi bật là các đoàn học sinh Việt Nam tham dự Olympic quốc tế hằng năm đều đoạt giải cao. Trong tháng 7-2018 vừa qua, 100% thí sinh Việt Nam dự thi Olympic quốc tế các môn: Vật lý, Toán học, Hóa học, Sinh học đều đoạt huy chương (gồm 7 huy chương vàng, 6 huy chương bạc, 5 huy chương đồng), trong đó, Việt Nam là một trong 10 nước đoạt từ hai huy chương vàng trở lên và xếp thứ hạng cao tại cuộc thi Olympic Vật lý quốc tế; đặc biệt thí sinh Nguyễn Phương Thảo đạt tổng điểm cao nhất cuộc thi trên tổng số 261 thí sinh tại Olympic Sinh học quốc tế tổ chức ở Iran.
Theo báo cáo được Ngân hàng Thế giới (WB) công bố ngày 15-3-2018, 7 trong số 10 hệ thống giáo dục hàng đầu thế giới đang nằm ở khu vực Đông Á-Thái Bình Dương, trong đó sự phát triển thực sự ấn tượng thuộc về hệ thống giáo dục của Việt Nam và Trung Quốc. WB gọi Việt Nam và Trung Quốc là hai quốc gia tiên phong trong đổi mới giáo dục. Đầu tháng 6-2018, QS (Quacquarelli Symonds) của Anh quốc-một trong những bảng xếp hạng có uy tín hàng đầu thế giới-đã công bố bảng xếp hạng tốp 1.000 trường đại học thế giới, trong đó lần đầu tiên Việt Nam có hai đại diện là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Những kết quả này thêm một lần khẳng định quá trình đổi mới của giáo dục Việt Nam đang đi đúng hướng, được nhiều tổ chức quốc tế có uy tín ghi nhận.
Nỗ lực vượt qua thách thức, tiếp tục đổi mới và nâng cao chất lượng toàn diện giáo dục
Tất nhiên, nói thế không có nghĩa là giáo dục Việt Nam chỉ có những thành tựu, mà cũng đang phải vượt qua những thách thức không nhỏ. Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam, nhất là đội ngũ cán bộ quản lý, nhà giáo đã nhận thấy những bất cập, hạn chế của ngành giáo dục cần phải khắc phục, đó là: Chương trình học có môn còn quá tải; phương pháp dạy học còn thiên về truyền thụ kiến thức nên chưa phát huy được tính tích cực của người học; việc kiểm tra, thi cử còn nặng về điểm số dẫn tới áp lực cho học sinh; giáo dục đại học chưa đáp ứng đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước…
Nhận thức sâu sắc vấn đề đó, những năm qua, Đảng, Nhà nước Việt Nam đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm từng bước khắc phục những tồn tại trong lĩnh vực giáo dục, tiếp tục đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục theo hướng chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học; đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở, linh hoạt, liên thông giữa các bậc học, trình độ và giữa các phương thức GD&ĐT; xây dựng nền giáo dục mở, thực học, thực nghiệp; bảo đảm các điều kiện nâng cao chất lượng; chuẩn hóa, hiện đại hóa, dân chủ hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế hệ thống GD&ĐT. Từ đầu năm 2018 đến nay, nhiều phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và kỳ họp của Quốc hội đã góp ý, thảo luận sôi nổi về việc sửa đổi Luật Giáo dục và Luật Giáo dục Đại học hiện hành để sớm thông qua vào kỳ họp gần nhất. Động thái này của Quốc hội cũng không ngoài mục đích tạo ra “cú hích” mới, động lực mới thúc đẩy sự phát triển giáo dục nước nhà trong thời gian tới.
Giáo dục liên quan đến mọi người, mọi nhà và ảnh hưởng mật thiết đến sự ổn định, phát triển của quốc gia. Do vậy, khi nhìn nhận, đánh giá về giáo dục rất cần phải được xem xét toàn diện, thấu đáo ở mọi khía cạnh, đặt trong mối quan hệ giữa cái chung và cái riêng, giữa những thành quả đổi mới đã đạt được và những sức ỳ, lực cản trong lộ trình đổi mới cần phải khắc phục. Không nên lấy một vài cái sai đơn lẻ trong hoạt động giáo dục hay những vấn đề đang còn tranh luận để phủ nhận những nỗ lực đổi mới giáo dục cũng như những thành quả giáo dục của Việt Nam trong những năm qua. Vì điều đó làm tổn thương đến tình cảm, niềm tin, tinh thần nhiệt huyết, trách nhiệm cao cả của hơn 1,2 triệu giáo viên, giảng viên và hàng vạn cán bộ quản lý giáo dục đang lặng thầm cống hiến cho sự nghiệp “trồng người”.
THIỆN VĂN
GIÁO DỤC VIỆT NAM ĐANG ĐI VỀ ĐÂU
NGUYỄN QUANG DY / viet-studies 17-9-2018
“Giáo dục không phải là đổ đầy bình, mà là thắp một ngọn lửa” (Education is not the filling of a pail, but the lighting of a fire). (William Butler Yeats)
Hiện tượng bất thường
Gần đây, cách đánh vần trong sách giáo khoa CNGD trở thành chủ đề tranh cãi “như mổ bò” trong dư luận, che khuất các mảng tối của khủng hoảng giáo dục (như “phần nổi của tảng băng chìm”). Có hai hiện tượng bất thường đáng chú ý. Thứ nhất, trong khi công chúng bị phân hóa làm hai phe tranh cãi gay gắt, thì Bộ Giáo dục hầu như im lặng quá lâu một cách khó hiểu, như không liên can trách nhiệm. Thứ hai, trong khi tranh cãi phản ánh tâm trạng bức xúc của công chúng, như đống rơm khô dễ bắt lửa, nó bộc lộ tình trạng dân trí thấp.
Tuy vai trò sách giáo khoa rất quan trọng trong giáo dục truyền thống, nhưng nó không phải là yếu tố quyết định trong giáo dục khai phóng. Tại Việt Nam, sách giáo khoa trở thành vấn nạn đối với học sinh và phụ huynh, vì tình trạng độc quyền xuất bản và phát hành. Nói cách khác, sách giáo khoa đã bị thao túng bởi nhóm lợi ích vì lợi nhuận khổng lồ, nhưng chất lượng còn nghèo nàn vì chưa được coi trọng. Sách giáo khoa CNGD có lúc “bị dìm” vì dám cạnh tranh với sách truyền thống, nhưng có lúc “được nổi” vì sách CNGD có lợi.
Chắc mọi người còn nhớ hình ảnh phụ huynh đạp đổ cổng trường Thực nghiệm, để xông vào trường nộp đơn xin cho con học. Hình ảnh độc đáo đó đáng lẽ phải được đưa vào Guinness Book of World Records. Có thể nói với Gs Hồ Ngọc Đại rằng đây là một sự cố hy hữu, có giá trị quảng cáo còn hiệu quả lớn hơn bất cứ một ý tưởng quảng cáo chuyên nghiệp nào khác (mà lại không mất tiền). Nhưng thật là nghịch lý vì sau khi “ba chìm bảy nổi”, Gs Hồ Ngọc Đại nay lại đang bị dư luận “ném đá tơi bời” vì chính sự thành công của mình.
Không biết đó là quá trình “ba chìm bảy nổi” hay là “ba nổi bảy chìm” của chương trình thực nghiệm CNGD (của Gs Hồ Ngọc Đại). Nhưng nếu người ta chỉ chúi mũi vào tranh cãi về sách giáo khoa hay cách “đánh vần” (như “đánh vật”) dù vì lý do học thuật hay vì động cơ lợi nhuận, thì có thể bị lạc đường, vì “thấy cây mà không thấy rừng”. Trong khu rừng rậm giáo dục Việt Nam từ thời dựng nước (sau 1945), đã có quá nhiều phong trào: từ “bình dân học vụ” đến “bổ túc công nông”, đến “vừa hồng vừa chuyên”, đến “tiên học lễ hậu học văn”, đến “con ngoan trò giỏi”, đến “kiên cố hóa trường lớp”, đến “thực nghiệm CNGD”, v.v.
Trong lần tranh cãi này, không thấy dư luận bàn cãi về vai trò của giáo viên, tuy quan trọng không kém sách giáo khoa, cũng không thấy nói đến vai trò của Bộ Giáo dục (nhất là Bộ trưởng). Quan trọng hơn là không thấy nói đến vai trò của thể chế đã dẫn đến các vấn nạn đó, mà nay người ta hay gọi một cách văn hoa là “lỗi hệ thống”. Xét cho cùng, nếu lỗi ở sách giáo khoa, thì có thể thay sách. Nếu lỗi ở giáo viên thì có thể thay giáo viên. Nếu lỗi ở Bộ Giáo dục (hay Bộ trưởng) thì cũng có thể thay Bộ trưởng, nếu “chính phủ kiến tạo” thấy cần. Nhưng nếu do “lỗi hệ thống”, thì người ta có dám thay hệ thống và thể chế không?
Với văn hóa chụp giật của các các nhóm lợi ích thân hữu, chính sách giáo dục “từ trên xuống” (top down) và tình trạng dân trí thấp “từ dưới lên” (bottom up) đã làm thui chột nguồn nhân lực chất lượng cao để hội nhập quốc tế. Trung Quốc đã cất cánh về kinh tế vì cách đây hơn hai thập kỷ, họ đã quyết tâm đầu tư lớn cho giáo dục đại học, đặc biệt là các trường đứng đầu (như Bắc Kinh và Thanh Hoa) để đạt “đẳng cấp quốc tế”. Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, là yếu tố sống còn để phát triển, phải đổi mới thể chế và đầu tư đúng chỗ.
Chúng ta nói quá nhiều về khủng hoảng giáo dục (như cái ngọn) nhưng vẫn chưa đổi mới thể chế (là cái gốc). Nếu không thoát khỏi hệ tư tưởng giáo điều đã lỗi thời, coi thường trí thức, thì không thể nâng cao dân trí. Mọi cố gắng cải cách giáo dục chỉ luẩn quẩn và duy ý chí như tự cầm tóc nhấc mình lên. Nếu không từ bỏ tư duy độc quyền thì không thể bỏ được độc quyền giáo dục, và không thể kiểm soát được quyền lực. Độc quyền sách giáo khoa là một loại tham nhũng chính sách của các nhóm lợi ích được thể chế độc quyền bảo kê.
Hệ quả khó lường
Văn hóa-Giáo dục là hai lĩnh vực gắn liền với nhau như hình với bóng, và tương tác theo luật nhân quả. Giáo dục mà thiếu văn hóa làm nền cũng giống như làm nhà mà thiếu móng. Học gì và học thế nào thường liên quan đến giáo dục-đào tạo, nhưng học để làm gì thường liên quan đến văn hóa-tư tưởng. Thời trước, khi nói đến “khai dân trí và chấn dân khí”, chắc cụ Phan Châu Trinh nghĩ đến cả giáo dục-đào tạo và văn hóa-tư tưởng. Nhưng ngày nay, vào thời “mạt pháp” (theo phật lịch) thì văn hóa-giáo dục đang bị suy đồi và khủng hoảng.
Khủng hoảng giáo dục-đào tạo thường kéo theo khủng hoảng văn hóa-tư tưởng và khủng hoảng lòng tin. Khi mất lòng tin, môi trường sống bị ô nhiễm, môi trường giáo dục-đào tạo suy đồi và khủng hoảng, nhiều người (cả quan chức và trí thức) sẽ bỏ đất nước, tìm nơi khác cho gia đình cư trú như “tị nạn giáo dục” (thay vì “tị nạn chính trị”). Nhưng người ta không di cư sang Trung Quốc (vì đại cục “16 chữ vàng”), mà thường cho gia đình di cư sang Mỹ, Úc, Canada, và châu Âu, vì ai cũng muốn một môi trường sống và giáo dục an toàn.
Vậy điều gì đã xảy ra tại Việt Nam làm chất lượng giáo dục xuống cấp như vậy? Sau giải phóng (1954 tại Miền Bắc và 1975 tại Miền Nam), cách mạng đã phá bỏ mọi thứ của “đế quốc thực dân” (kể cả hệ thống giáo dục). Tại nhiều nước khác (như Ấn Độ) người ta không làm như vậy, mà vẫn giữ nguyên hệ thống giáo dục của Anh (hay Pháp). Chính vì vậy, cho đến nay hệ thống giáo dục của họ (về cơ bản) vẫn còn nguyên, nên chất lượng vẫn tốt.
Khi lập chính phủ thời VNDCCH, cụ Hồ cũng chú trọng đến giáo dục và văn hóa, nên chọn được các trí thức hàng đầu làm bộ trưởng, như ông Nguyễn Văn Huyên và Tạ Quang Bửu (Bộ Giáo dục) và ông Hoàng Minh Giám (Bộ Văn hóa). Tại Miền Nam, hệ thống giáo dục kiểu Pháp (về cơ bản) vẫn được duy trì đến 1975. Nếu so bộ trưởng giáo dục và văn hóa thời nay với thời trước thì hơi xấu hổ. Bằng cấp của họ tuy không thiếu (vì không giáo sư cũng tiến sỹ) nhưng chỉ thiếu văn hóa, nếu không ngọng tiếng Anh cũng ngọng tiếng Việt.
Lẽ ra khi phá cái cũ thì phải thay bằng cái mới tốt hơn, nhưng càng cải cách giáo dục, tình trạng suy thoái và tụt hậu về giáo dục càng tệ hơn. Cũng như kinh tế thị trường “định hướng XHCN”, Văn hóa-Giáo dục cũng phải “vừa hồng vừa chuyên”. Cách đây đã lâu, một lãnh đạo (hình như cố thủ tướng Phạm Văn Đồng) nhận xét: “chất lượng giáo dục nước ta rớt nhanh như nhảy dù”. Khủng hoảng giáo dục nay đã trở thành vấn nạn quốc gia. Gần đây, cựu chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết cũng nói: “cán bộ yếu thì cho đi học, bắt cán bộ giỏi làm thay; đến khi bổ nhiệm thì nhờ có bằng cấp nên cán bộ yếu được đề bạt”. (Tuổi Trẻ, 18/7/2006).
Nếu ngành xây dựng “ăn nhà đất” và ngành giao thông “ăn cầu đường”, thì ngành giáo dục “ăn sách giáo khoa” và các đề án cải cách giáo dục. Tuy không biết ngành nào ăn to hơn và phá nhiều hơn, nhưng chỉ biết họ “ăn không chừa thứ gì” (lời bà Nguyễn Thị Doan). Nếu ngành y tế thiếu trách nhiệm, họ có thể làm nhiều người mất mạng hay tàn tật. Nếu ngành xây dựng làm hỏng vài tòa nhà và ngành giao thông làm hỏng vài con đường (là hạ tầng cứng), người ta có thể đập đi xây lại. Nhưng nếu ngành giáo dục làm hỏng một hai thế hệ (như hạ tầng mềm) thì không thể đập đi xây lại, và hệ quả của khủng hoảng giáo dục khó lường.
Nếu vấn nạn giao thông hay vấn nạn y tế có thể gây ra “đột tử” cho hàng trăm sinh mạng, thì vấn nạn giáo dục có thể gây ra “đẳng tử” (chết từ từ) cho một hai thế hệ (vì dân trí thấp). Không biết cái chết nào nguy hiểm hơn. Câu chuyện tụt hậu về kinh tế (so với nhiều nước trong khu vực) chắc chắn có nguyên nhân từ sự tụt hậu về chất lượng giáo dục-đào tạo. Suy thoái và tụt hậu về kinh tế hay công nghệ (là hạ tầng cứng) có thể làm lại và phục hồi trong một hai thập kỷ, nhưng suy thoái và tụt hậu về văn hóa và giáo dục, đạo đức và dân trí, (là hạ tầng mềm) thì rất khó phục hồi, có lẽ phải mất một vài thế hệ (hoặc không bao giờ).
Càng cải cách càng tụt hậu
Năm 2008, Bộ Giáo dục đã tổ chức đối thoại trực tuyến với dân một cách “rất cầu thị”, thừa nhận sai lầm trong chương trình dạy ngoại ngữ và “hứa sẽ cải tổ”. Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân lúc đó đã ký quyết định số 1400/QĐ-TTg, ngày 30/9/2008, duyệt kinh phí 10,000 tỷ đồng (gần 500 triệu USD) cho “Đề án dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục quốc dân giai đoạn 2008 - 2020” (gọi tắt là “Đề án Ngoại ngữ Quốc gia 2020”). Theo chương trình này, đến năm 2020 “đa số thanh niên Việt Nam sẽ có đủ năng lực ngoại ngữ, biến ngoại ngữ thành thế mạnh phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Trong khuôn khổ triển khai đề án ngoại ngữ quốc gia đó, các tỉnh tranh thủ “tát nước theo mưa”. Long An duyệt chi 437 tỉ đồng, Kon Tum duyệt chi 135 tỉ đồng, Đà Nẵng duyệt chi 140 tỉ đồng. Không biết vì sao lại cần đến ngần ấy kinh phí, chẳng khác gì phong trào xây tượng đài. Sau 7 năm (kể từ khi ký duyệt) hay 5 năm kể từ khi bắt đầu triển khai giai đoạn hai (2011-2015), bức tranh toàn cảnh về đề án này đã dần lộ rõ chân tướng, làm dư luận bức xúc về tính hiệu quả. Nhiều người nghi vấn về động cơ tham nhũng, làm lãng phí ngân sách.
Việc cải tổ cách dạy tiếng Anh là rất cần, nhưng có cần một kinh phí khủng đến thế không (gần 500 triệu USD) khi Việt Nam còn nghèo và ngân sách đang cạn kiệt? Số tiền đó đủ để lập ra 5 trường đại học đẳng cắp quốc tế (như đại học Fulbright). Ông Lý Quang Diệu chắc cũng không dám chi nhiều đến như vậy cho Singapore, tuy ông ấy thường kêu gọi “học tiếng Anh là vấn đề số một” để tiếp tục phát triển đất nước giàu mạnh. Nhưng vấn đề không phải là mất bao nhiêu tiền, mà là được cái gì. Tại sao đầu tư lớn đến như vậy nhưng năng suất lao động của người Việt vẫn thấp nhất khu vực, và không có đủ nhân lực để hội nhập quốc tế?
Trong khi người dân còng lưng đóng thuế và trả nợ thay cho những đề án cải cách lãng phí khủng khiếp đó mà không được hưởng một nền giáo dục tử tế, thì các nhóm lợi ích thân hữu và các quan chức tham nhũng (là “đầy tớ nhân dân”) tiếp tục làm giàu, để rồi tuồn tiền ra nước ngoài cho con cháu họ du học và chuẩn bị “hạ cánh an toàn”. Đó là một nghịch lý đáng buồn. Không chỉ ngành giáo dục phải chịu trách nhiệm, mà các ngành khác (stakeholders) và các nhà tài trợ quốc tế (donors) cũng phải chịu một phần trách nhiệm liên đới.
Sau nhiều chương trình cải cách ồn ào, và nhiều “đề án quốc gia” hoành tráng, được vẽ ra chủ yếu vì kinh phí, nhưng lại “đầu voi đuôi chuột”, đâu lại hoàn đấy. Hàng năm, hơn 40% sinh viên tốt nghiệp đại học không có việc làm, hoặc không làm được việc, vì chất lượng đào tạo quá thấp và xa rời thực tế, không đáp ứng được yêu cầu hội nhập quốc tế. Kết cục là sinh viên tốt nghiệp vẫn thừa và thất nghiệp, trong khi các doanh nghiệp vẫn thiếu nhân lực. Người Việt “không thua kém ai” nhưng tại sao đất nước tiếp tục nghèo hèn và tụt hậu? Việt Nam có một cái mỏ người rất quý (hơn 90 triệu dân), nhưng đến nay vẫn không biết cách khai thác.
Muốn nâng cao chất lượng nguồn nhân lực để hội nhập quốc tế và có năng suất lao động cao hơn, phải nâng cao chất lượng giáo dục bằng cách nâng cao dân trí và xây dựng một xã hội công dân. “Xã hội hóa” chỉ là khẩu hiệu suông, nếu không thực sự đổi mới tư duy cải cách giáo dục. “Kiên cố hóa trường học” là một khẩu hiệu ngược đời, vì gía trị cốt lõi của giáo dục không phải là phần cứng (hardware) mà là phần mềm (software). Melinda Gates nói, “Chỉ trang bị cơ sở vật chất đơn thuần không giải quyết được những vấn đề giảng dạy…”.
Nói như vậy để thấy sự bất cập và phân liệt (dysfunctional) trong cơ chế quản trị đất nước. Một chính phủ “kiến tạo” không thể “trên nóng dưới lạnh” hay “trên bảo dưới không nghe” và “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” hay “tay phải, tay trái” khác nhau. Hàng năm, tại các Diễn đàn Kinh tế, đại diện ngành giáo dục có tham gia không? Các nhà quản trị và các doanh nghiệp có “đặt hàng” với ngành giáo dục hay không? Tại sao 40% sinh viên tốt nghiệp không có việc làm, hoặc không làm được việc? Chẳng lẽ suy thoái và tụt hậu kinh tế không liên quan đến giáo dục-đào tạo? Chẳng lẽ khủng hoảng về đạo đức và nhân cách, tình trạng vô cảm và bạo lực đến mức báo động hiện nay trong xã hội không liên quan đến Văn hóa-Giáo dục?
Đi tìm triết lý giáo dục
Người ta hay nói đến cải cách giáo dục (như cái ngọn), nhưng vẫn ít đề cập đến triết lý giáo dục (như cái gốc). Trong khi tham khảo các triết lý giáo dục khác nhau, chúng ta thử đề cập đến một triết lý giáo dục (educational philosophy) được nhiều nước trên thế giới vận dụng (trong đó có Việt Nam). Đó là “lý thuyết kiến tạo” (Constructivism & Constructionism) do các nhà khoa học Jean Piaget (1896–1980) và Seymour Papert (1928-2016) đề xướng. Papert là học trò xuất sắc của Piaget, đã phát triển constructionism trên cơ sở constructivism. (*)
Theo Jean Piaget, lý thuyết constructivism giúp học sinh phát triển nhận thức (cognitive), qua thực nghiệm và quan sát (experience and observation), trong khi lý thuyết constructionism của Seymour Papert chú trọng thực hành (physical) thông qua “cách học thế nào” (learning how to learn). “Lý thuyết kiến tạo” cho rằng học sinh làm việc hiệu quả khi họ chủ động và tự giác làm ra những thứ hữu hình trong thế giới thực (maker place) bằng thực nghiệm, chú trọng đến cấu trúc sinh học hữu hình và những quy luật phổ quát của sự phát triển tri thức. Tuy lý thuyết này phát huy hiệu quả tốt với các lớp học sinh giỏi (và các lớp luyện thi), nhưng nó lại có nhược điểm là khó nhân rộng và khó áp dụng cho những lớp đông học sinh.
Các nguyên lý và tiêu chí cơ bản của “lý thuyết kiến tạo” là “học tích cực” (Active learning), “học bằng thực hành” (Learning by doing), “lấy học sinh làm trung tâm” (Student-centered), “học qua vấn đề” (Problem-based learning), “học qua dự án” (Project-based training), “học qua trải nghiệm” (Experiential learning), “học qua khám phá” (Discovery learning), “học bằng làm việc nhóm” (Group work in learning), “dạy trên cơ sở khảo cứu” (Inquiry-based teaching), “học qua kiến tạo và phối hợp” (Constructivism-based Blended learning)…
Lý thuyết kiến tạo (constructivism & constructionism) chú trọng tạo cơ hội cho học sinh học một cách tích cực (active educational opportunities), để phát triển văn hóa thực nghiệm (maker culture) trong các lĩnh vực “STEAM” bao gồm khoa học (science), công nghệ (technology), chế tạo (engineering), nghệ thuật (arts), và toán học (mathematics). Tại MIT, Papert đã lập ra Nhóm Nghiên cứu mà sau này đã trở thành “MIT Media Lap” nổi tiếng. Cũng chính tại MIT mà ông đã nghiên cứu và phát triển “lý thuyết kiến tạo” (constructionism).
Từ nghiên cứu trẻ em bắt đầu hiểu về thế giới thế nào (how children make sense of the world) Papert đã nghiên cứu phát triển trí tuệ nhân tạo để ứng dụng vào học, thông qua thiết kế và chia sẻ trong môi trường cộng tác (learning through designing and sharing within collaborative environments). Trong lý thuyết kiến tạo, học sinh sẽ học hiệu quả nhất nếu được tiếp cận tri thức cao hơn tại “vùng phát triển liền kề” (zone of proximal development).
Theo các nhà nghiên cứu, ý tưởng về “kiến tạo” (constructs) thực ra đã xuất hiện từ thời xa xưa, từ thời Phật Tổ (Buddha) và Lão Tử (Lao Tzu). Sau đó, ý tưởng này được các triết gia và học giả khác tiếp tục phát triển (như Khổng Tử, Socrates, Immanuel Kant, Chu Văn An). Vì kiến tạo là quá trình phát triển tự nhiên, nên các mô hình học tập thuở ban đầu thường dựa trên phương pháp kiến tạo. Sau này, các nhà nghiên cứu tâm lý giáo dục đã tìm cách kết hợp các lý thuyết khác nhau và gắn với thực tế cuộc sống. Trong cuốn sách “The Evolving Self” (Robert Kegan, Harvard University Press, 1982), Kegan đã tìm cách phát triển lý thuyết gắn kết đó vào lĩnh vực giáo dục (becoming embedded and emerging from embeddedness).
Tại Việt Nam, trường PTCS Thực nghiệm đã vận dụng “lý thuyết kiến tạo” từ 1978 (qua con đường Nga). Theo thống kê, đến 2013 đã có 1.591 học sinh tham gia các lớp thực nghiệm cấp tiểu học và THCS. Chương trình thực nghiệm được triển khai tại 1.447 trường tiểu học trên 63 tỉnh/thành. Tuy chương trình này được triển khai trên diện rộng, trong bốn thập kỷ qua, nhưng vẫn chưa được chính thức đánh giá và tổng kết để xác nhận tính phù hợp (conformity) với các tiêu chí của “lý thuyết kiến tạo” (ở cấp quốc gia hay quốc tế) để trở thành chính thống (như tại Nga), nên vẫn còn là thực nghiệm (chưa hoàn chỉnh), dễ gây tranh cãi.
Lời cuối
Đó không phải là lỗi của chương trình thực nghiệm CNGD (vì đó chỉ là một sáng kiến trong quá trình cải cách và xã hội hóa giáo dục) hay của người đề xướng (vì Gs Hồ Ngọc Đại chỉ là một nhà khoa học chứ không phải là nhà quản trị). Nếu chương trình thực nghiệm CNGD (của Gs Hồ Ngọc Đại) hay các chương trình khác như “Nhóm cách Buồm” (của nhà giáo Phạm Toàn) chưa hoàn chỉnh hay chưa hoàn thiện, vì thiếu nguồn lực và thiếu hỗ trợ, thì đó không phải lỗi của họ, mà là “lỗi hệ thống” của Bộ Giáo dục và “chính phủ kiến tạo”. Đó là bức tranh giáo dục màu xám, với những khoảng tối khó lý giải và thật đáng tiếc. Lẽ ra, một đất nước với hơn 90 triệu dân là một cái mỏ nhân lực rất quý, thì nay là một gánh nặng. Sắp tới, khi trí tuệ nhân tạo (AI) và người máy phát triển, vấn đề nhân lực chắc còn nan giải hơn.
Trong khi đó, bức tranh về văn hóa cũng không khá hơn. Theo thống kê của bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch, hàng năm nước ta có tới 7.966 lễ hội (Lao Động, 5/3/2018). Hầu hết các lễ hội đó không những tốn kém kinh phí và lãng phí thời gian, mà còn thiếu văn hóa và thừa bạo lực. Bên cạnh “hội chứng lễ hội” (như “cờ đèn kèn trống”), Việt Nam còn nổi tiếng vì “hội chứng tượng đài”. Theo các nhà nghiên cứu văn hóa, Việt Nam có hơn 400 tượng đài có vốn đầu tư khoảng vài chục tỷ đến vài trăm tỷ VNĐ, thậm chí có dự án đến hàng ngàn tỷ VNĐ, không những làm cạn kiệt ngân sách quốc gia, mà còn làm méo mó hình ảnh đất nước. Ngoài ra, Việt Nam có quá nhiều cuộc thi hoa hậu đến mức phản cảm (với nhiều tai tiếng). Nói cách khác, tham nhũng và suy thoái về văn hóa-giáo dục đang làm xói mòn các giá trị cốt lõi.
NQD. 17/9/2018
(*) Nhân đây, tôi xin nhắc lại một sự cố đáng tiếc đã xảy ra với Gs Seymour Papert khi ông đến Hà Nội dự một hội nghị toán học quốc tế (ICMI, Hanoi Dec. 2006). Có lẽ nhiều người Việt Nam đã quên mất sự cố bất hạnh đã xảy ra với nhà khoa học này (lúc đó đã 78 tuổi). Chắc họ quá mải mê tranh cãi về sách giáo khoa CNGD nên quên mất tác giả của “lý thuyết kiến tạo”. Seymour Papert không chỉ quan tâm đến toán học và phát triển “trí tuệ nhân tạo”, mà còn tìm cách ứng dụng công nghệ mới vào khoa học giáo dục, và muốn góp phần tháo gỡ vấn nạn ách tắc giao thông tại Hà Nội (mà bây giờ người ta sính gọi là 4.0).
Trong khi Papert đang nghĩ cách ứng dụng “lý thuyết tổ ong” (beehive theory) vào giải pháp tháo gỡ ách tắc giao thông Hà Nội, ông đã bị một xe máy đâm khi qua đường, gây chấn thương sọ não, phải cấp cứu tại bệnh viện Việt-Pháp một tuần trước khi được đưa về Mỹ. Thật trớ trêu thay, Papert đã trở thành nạn nhân của chính vấn nạn mà ông tìm cách tháo gỡ. Sau khi được đưa về Mỹ điều trị, tuy ông đã may mắn thoát chết nhưng bị tàn tật và sống thêm gần 10 năm. Seymour Papert đã mất ngày 31/7/2016 (tại Blue Hill, Maine).
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 17-9-18
THẦY NGUYỄN MINH THUYẾT NẮM CHẮC NGHỊ QUYẾT 88, NHƯNG CÓ HIỂU CÁI KHỔ CỦA DÂN ?
HỒNG THỦY/ GDVN 18-9-2018
Ngày 15/9, tại bàn tròn trực tuyến do Báo VietnamNet tổ chức, nhà báo Phạm Huyền đặt câu hỏi với Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết:
"Thưa Giáo sư, rõ ràng câu chuyện về một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa đã được thống nhất từ lâu rồi, được thể hiện trong Nghị quyết 88.
Thế nhưng tại sao trong thời gian cách đây 2 hôm, thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội họp và nêu vấn đề này ra thì lại có những ý kiến tỏ ra rất bỡ ngỡ, ngỡ ngàng trước câu chuyện, tại sao lại có chuyện một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa như vậy.
Và hoài nghi là tại sao lại có thể thực hiện nhiều bộ sách, đáng lẽ là một chương trình, một bộ sách thôi. Giáo sư có thể giải thích từ góc nhìn cá nhân của Giáo sư về điều này?".
Thầy Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ rằng:
"...Người dân người ta không muốn độc quyền sách giáo khoa nữa, người ta muốn là có nhiều bộ sách giáo khoa để cạnh tranh về chất lượng, để con em người ta được lợi hơn.
Ảnh chụp màn hình clip Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết chia sẻ trên Báo VietnamNet ngày 15/9, nguồn: Phạm Hải / VietnamNet.
Tôi nghĩ rằng các vị Đại biểu Quốc hội là người đại diện cho cử tri thì chắc chắn các vị phải hiểu tâm tư tình cảm của người dân, phải hiểu được cái xu thế của thế giới.
Và quan trọng nhất là phải hiểu giáo dục, tôi xin nói là muốn phát biểu về giáo dục phải hiểu giáo dục và chú ý đến những vấn đề lớn, không sa đà vào những vụ tranh luận nhỏ, những tiểu tiết lặt vặt.
Tôi nghĩ như thế sẽ đi đến một quyết định đúng đắn." [1]
Đại biểu Quốc hội rất hiểu bức xúc của cử tri
Ngày 12/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi.
Thảo luận tại phiên họp, Phó chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển băn khoăn về quy định các cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa (Điều 29 dự thảo luật):
“Nếu học sinh, phụ huynh mua sách đến trường thầy giáo bảo không được, phải mua sách của trường thì thế nào?”
Ông cho rằng, thời ông học sách giáo khoa 10 năm vẫn dùng được và dù là ở Hà Nội hay lên miền núi vẫn học được. Nay nếu mỗi trường tự chọn sách giáo khoa thì sẽ là sự tốn kém rất lớn cho xã hội.
Từ đó, Phó chủ tịch Quốc hội đề nghị Bộ Giáo dục - Đào tạo phải quy định thống nhất các trường sử dụng sách giáo khoa theo chương trình chung.
Đồng quan điểm, Trưởng Ban Dân nguyện Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho hay, cử tri hết sức bức xúc với sách giáo khoa sử dụng một lần vì mỗi năm các gia đình phải bỏ ra tới 1.000 tỷ đồng để mua sách giáo khoa nhưng năm sau thì không dùng được nữa.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân, ảnh: quochoi.vn.
“Phải thống nhất cả nước, chứ không trẻ con đi học giáo viên gợi ý học sinh phải mua sách, không mua giáo viên chấm điểm thấp thì gay” – Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ nêu quan điểm;
Ông đề nghị không thể quy định sách giáo khoa nhà trường tự chọn hay một môn học có nhiều sách giáo khoa.
Cho ý kiến về việc này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân khẳng định:
“Cải cách, đổi mới nhưng sau đó phải có tính ổn định, thống nhất, đồng bộ. Không thể có sách giáo khoa tự chọn được.
Không thể trường này nói tôi muốn học cái này, trường khác thì học cái khác, tỉnh nào có sách của tỉnh đó.”.
Liên quan tới quy định về các chương trình thí điểm, thực nghiệm, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải cho hay, gần đây, cử tri rất quan tâm tới chương trình thực nghiệm công nghệ giáo dục.
Theo luật Giáo dục hiện hành, khi chương trình thí điểm được triển khai đại trà thì Chính phủ phải trình Quốc hội để phê chuẩn.
Tuy nhiên, hiện nay, tại nhiều tỉnh, thành như Hà Tĩnh 100% các trường đều sử dụng sách công nghệ giáo dục, như vậy, lúc này chương trình thực nghiệm đã trở thành đại trà chứ không còn là thực nghiệm nữa.
Bà đề nghị, dự thảo luật cần thể hiện rõ quyền của phụ huynh và học sinh. Phụ huynh cần được biết chương trình dạy con mình như thế nào và người ta có quyền tham gia hay không tham gia.
“Tôi thấy rất thương trẻ con học sinh bây giờ vì học rất khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây 5 - 6 chục năm nhưng kiến thức không quên cái gì, còn nguyên. Trẻ con giờ hỏi gì đều không biết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói;
Bà rất băn khoăn về chất lượng giáo dục hiện nay bởi học sinh phải học thêm rất nhiều, gần như không có nghỉ hè, không có vui chơi.
Theo Chủ tịch Quốc hội, một người bạn là giáo viên nói rằng, giáo dục bây giờ rất khó, không giống ngày xưa, không làm cho học sinh tiếp thu kiến thức dễ dàng mà đặt ra nhiều cái cao siêu, hàn lâm rồi liên tục đổi mới, thí điểm mà không biết kinh nghiệm ở đâu.
“Thực nghiệm gì mà mấy chục năm vẫn còn thực nghiệm, hết chương trình này thí điểm, chương trình kia thực nghiệm, khổ học sinh lắm” – Chủ tịch Quốc hội nêu quan điểm, đồng thời đề nghị bố trí thêm thời gian thảo luận về dự án luật này. [2]
Phó Chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ cũng đề nghị cần nghiên cứu giảm tải các môn học trong giáo dục phổ thông, nhất là những môn học mang tính hàn lâm. [3]
Như vậy, có thể thấy rằng các Đại biểu Quốc hội rất hiểu những bức xúc của cử tri về mấy vấn nạn trong lĩnh vực phát hành sách giáo khoa.
Thứ nhất là tiền sách vở đầu năm học cho con em bây giờ quá tốn kém, do ngành giáo dục năm nào cũng in lại sách giáo khoa sử dụng 1 lần và việc bán kèm sách bài tập, sách tham khảo, sách bổ trợ các loại thông qua kênh nhà trường.
Lý do theo chúng tôi, là vì nhập nhằng khái niệm "sách giáo khoa" do Luật Giáo dục chưa quy định rõ ràng.
Thứ hai là ngành giáo dục (nhà trường, các cơ quan quản lý giáo dục từ phòng lên Bộ) đã trở thành nơi tiếp thị các loại sách, học liệu, đồ dùng học tập và cả các dịch vụ có thu phí;
Giáo viên bị đẩy ra thực hiện các công việc này, thuyết phục không xong thì điểm số đã trở thành công cụ gây sức ép khiến cha mẹ học sinh bức xúc.
Thứ ba là các chương trình thí điểm giáo dục được triển khai vô nguyên tắc, vô tội vạ, thậm chí thí điểm 40 năm không ra được kết luận;
Quan trọng hơn là cha mẹ học sinh và các em không được hỏi ý kiến về việc có chấp nhận "thí điểm" của ngành giáo dục hay không.
Thí điểm chỉ cần 1000 học sinh là cho ra kết quả chính xác, nhưng "người ta" sẵn sàng lách luật, thí điểm trên hàng trăm ngàn học sinh khắp cả nước để bán sách.
Thứ tư, trẻ em bây giờ học hành rất khổ sở, phải lao vào học thêm tối ngày để đối phó với các kỳ thi, nhưng "hỏi gì cũng không biết".
Chúng tôi cho rằng 4 nhận xét này của các Đại biểu Quốc hội phản ánh rất chính xác thực trạng giáo dục phổ thông.
Trong khi những người có trách nhiệm, những người trong cuộc thì lại không thấy được thực trạng ấy, thậm chí có dấu hiệu đổ thừa cho người khác.
Chúng tôi đã phân tích khía cạnh này trong bài viết Ai đang bòn rút từng đồng từ túi dân nghèo đằng sau những cuốn sách giáo khoa?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và đội ngũ làm chương trình - sách giáo khoa 2000 đã góp phần quan trọng tạo nên bức tranh giáo dục nói trên, trách nhiệm có lẽ chỉ đứng sau các chuyên gia vẽ dự án ở Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Tuy nhiên, nếu không mổ xẻ phân tích một cách khoa học để tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp phù hợp, hiệu quả, thì chỉ vì 4 vấn đề lớn này mà quay trở lại 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa, căn bệnh của giáo dục phổ thông Việt Nam sẽ càng trầm kha, khó chữa.Đó là chưa kể đến "quy trình" như Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết đã đề cập, Quốc hội phải ra nghị quyết để bác bỏ Nghị quyết số 88/2014/QH13 được dư luận đánh giá rất cao, một giải pháp chống độc quyền sách giáo khoa.
Sách giáo khoa là thánh điển hay học liệu?
“Tôi thấy rất thương trẻ con học sinh bây giờ vì học rất khổ sở. Thế hệ chúng tôi học cách đây 5 - 6 chục năm nhưng kiến thức không quên cái gì, còn nguyên. Trẻ con giờ hỏi gì đều không biết”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nói rất đúng thực trạng.
Vì đâu nên nỗi ấy? Vì trước cuộc cải cách giáo dục năm 1979 và sau đó chuyển thành thay sách giáo khoa cuốn chiếu từ 1981 đến 1993, người học phải học rất ít môn, đánh giá chất lượng sát thực chất, học thật thi thật.
Nhưng đợt thay sách giáo khoa từ 1981-1993 đã mang về cho Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam một dòng tiền không nhỏ, dẫn đến chu kỳ thay sách giáo khoa tiếp theo từ tháng 10/1993 kéo dài đến hết năm 2008 với khoảng 2 tỷ USD.
Giáo dục phổ thông đã trở nên rối rắm với rất nhiều môn học mới, trong đó có những môn không phục vụ gì cho cuộc sống, lao động và học tập của trẻ em, không giúp gì cho trẻ em trưởng thành, tự học và tự lập.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cũng như Phó chủ tịch Quốc hội Đỗ Bá Tỵ đã nhận xét một cách rất xác đáng về gánh nặng hàn lâm các giáo sư đặt lên đôi vai trẻ em.
Các nhà viết sách giáo khoa 2000 đã đưa kho kiến thức hàn lâm đồ sộ mà học sinh có thể tra Google bất cứ lúc nào và ở đâu, vào sách giáo khoa, để một đứa trẻ lớp 4 phải thuộc lòng tri thức thông sử của 26 thế kỷ.
Hệ quả là rất nhiều thanh thiếu niên ngay giữa Thủ đô, không phân biệt được "quan hệ giữa Quang Trung và Nguyễn Huệ". [4]
2 tỷ USD đi vay thì đã tiêu hết, số tiền người dân phải bỏ ra để mua những cuốn sách giáo khoa kiểu này có lẽ cũng không nhỏ hơn.
Cái còn lại là những sản phẩm giáo dục sống sít như thế này và không ai phải chịu trách nhiệm, đúng như nhận xét của thầy Nguyễn Minh Thuyết, rằng ông đương chức còn chả chịu trách nhiệm nữa là ông về hưu!
Còn một thực trạng khác cũng rất nhức nhối, bất cập về nền học nước nhà mà chúng tôi chưa thấy các Đại biểu Quốc hội nhắc đến;
Đó là chúng ta có rất nhiều giáo sư tiến sĩ, rất nhiều huy chương trong các kỳ thi học sinh giỏi khu vực và quốc tế, nhưng không có giải Nobel, không có tượng đồng bia đá trên "vũ đài" phát minh, sáng chế của nhân loại.
Đó chính là vì chính sách giáo dục từ chương.
Trong đó sách giáo khoa được xem như khuôn vàng thước ngọc, chuẩn mực để đánh giá chất lượng giáo viên và kiểm tra học sinh.
Chính điều này đã dẫn đến cách dạy và học theo kiểu tụng đọc và "nhai lại" những gì trong sách được các giáo sư, tiến sĩ viết ra.
37/40 học sinh Hà Nội độ tuổi từ 9-15 không trả lời đúng câu hỏi Quang Trung và Nguyễn Huệ có mối quan hệ gì với nhau, và đưa ra nhiều thông tin cười ra nước mắt, ví như Quang Trung chính là Nguyễn Du.
Nên một cách vô thức, Bộ Giáo dục và Đào tạo cách đây không lâu từng ra công văn yêu cầu thi kiểm tra "không vượt ra ngoài nội dung sách giáo khoa" dẫn đến những phản ứng của dư luận.
Trong khi các nền giáo dục tiên tiến đã thoát ly sách giáo khoa từ lâu, chỉ còn chương trình và học liệu.
Chương trình của họ lại được thiết kế một cách khoa học, sử dụng khá ổn định, chỉ có tu chính, bổ sung cập nhật những cái mới chứ không phải đập đi làm lại tiêu tốn cả tỉ USD.
Học liệu thì vô cùng phong phú, đa dạng, thậm chí có nhiều nguồn không mất tiền.
Giáo viên hoàn toàn có thể khai thác nguồn học liệu mở này, và học sinh sẽ được hướng dẫn tìm đọc, tra cứu và khám phá các kho tàng tri thức ấy. Qua đó các em biết tự học, tự trưởng thành chứ không phải trở thành những thư viện di động.
Nghị quyết số 29/NQ-TW về đổi mới căn bản toàn diện nền giáo dục đã chỉ rất rõ điều này, giải pháp đưa ra là phải phát triển giáo dục từ lối truyền thụ kiến thức một chiều sang phát triển phẩm chất và năng lực người học.
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết cũng đã thấy rõ điều này, nhưng giải pháp ông đề xuất thì không khả dĩ:
"Nhưng nếu chúng ta quan niệm cái sách giáo khoa nó khác đi, không coi nó là một cái gì gọi là có tính pháp lệnh gì đấy, không phải tài liệu bắt buộc giáo viên phải theo, mà chỉ là một tài liệu dạy học mà giáo viên người ta dựa vào đấy người ta tham khảo thôi, thì tôi nghĩ câu chuyện nó sẽ khác." [1]
Vấn đề quan trọng là, nếu không còn "sách giáo khoa là một cái gì đó có tính pháp lệnh", tức sách giáo khoa trở thành nguồn học liệu mở, thì nguồn thu dồi dào của một số người bỗng dưng biến mất, "người ta" liệu có chấp nhận?
Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết |
Và làm sao có thể mọi chuyện sẽ khác chỉ vì "chúng ta quan niệm sách giáo khoa nó khác đi", khi mà Luật Giáo dục hiện hành, Thông tư 33/2017/TT-BGDĐT đã đóng khung nó thành một văn bản có tính chất pháp quy?
Bởi vậy, Nghị quyết số 88/2014/QH13 có phải sửa không? Theo chúng tôi là có phải sửa, nhưng tinh thần 1 chương trình nhiều sách giáo khoa phải được pháp điển hóa một cách cụ thể trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này;
Để làm sao cho ngân sách không phải mất hàng tỉ, hàng trăm triệu USD cho những sản phẩm sống sượng theo những dự án có vòng đời xấp xỉ 1-2 nhiệm kỳ;
Để làm sao cho người dân không phải bỏ nhiều tiền cho sách vở mỗi năm và học sinh không còn phải "nhai lại" những kiến thức hàn lâm của các bậc giáo sư tiến sĩ phòng lạnh nhưng có thể tra ngay bằng một cú nhấp chuột.
Nói tóm lại, chỉ có pháp điển hóa một cách đúng đắn và khoa học tinh thần 1 chương trình nhiều sách giáo khoa sẽ giải quyết được triệt để các bất cập mà cử tri bức xúc, Đại biểu Quốc hội đã phản ánh.
Còn cụ thể sửa như thế nào, làm chương trình và sách giáo khoa ra sao để đạt được các mục tiêu nêu trên, chúng tôi xin đề cập trong các bài viết tới, vì nội dung bài này đã quá dài.
Có người chia sẻ với chúng tôi mối lo, phải chăng những người đang hưởng lợi từ việc độc quyền 1 chương trình 1 bộ sách giáo khoa đang tìm cách vận động hành lang để bảo vệ "bát vàng" của mình?
Chúng tôi không nghĩ như vậy, và nếu có cũng khó thành, bởi Quốc hội đặt lợi ích của Dân lên trên, nếu không các Đại biểu đã chẳng bức xúc như vậy.
Phát biểu xem lại chủ trương một chương trình nhiều sách giáo khoa là những phản ứng tức thời trước các sự kiện quá nóng về giáo dục vừa qua, thể hiện hơi thở cuộc sống và tiếng nói của Dân.
Lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng những người có trách nhiệm liên quan thì im lặng, không ai lên tiếng.
Chính cách quán triệt tinh thần Nghị quyết số 29/NQ-TW và triển khai Nghị quyết số 88/2014/QH13 từ phía ngành giáo dục mấy năm qua chưa đến nơi đến chốn đã tạo ra những bức xúc không đáng có.
Dân không thể nhớ và thuộc hết các Nghị quyết của Quốc hội như Giáo sư Tổng chủ biên;
Nhưng Dân thấy rõ mình đang bị bòn rút từng đồng, phải trả tiền 2 lần cho những cuốn sách giáo khoa sống sượng và sản phẩm ăn theo, con em Dân bị thí điểm mà Dân không hay biết;
Các cháu phải học thêm tối ngày sau khi đã học thêm buổi 2 ở trường, chỉ vì số môn học quá nhiều và kiến thức toàn của giáo sư, tiến sĩ.
Dân không bao giờ xem đó là "tranh luận nhỏ, những tiểu tiết lặt vặt". Đại diện cho Dân, càng không thể xem đó là chuyện nhỏ.
Kết lại nội dung thảo luận sáng 12/9, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu rõ:
Trên cơ sở tiếp thu nghiêm túc ý kiến của các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đề nghị Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng phối hợp với Bộ Giáo dục và đào đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, nhà giáo dục nghiên cứu, hoàn thiện dự án Luật này đảm bảo vừa mang tính quy phạm vừa mang tính khả thi.
Nguồn:
[1]http://vietnamnet.vn/vn/goc-nhin-thang/gs-nguyen-minh-thuyet-toi-khong-vua-da-bong-vua-thoi-coi-476986.html#inner-article
[2]http://cand.com.vn/Su-kien-Binh-luan-thoi-su/Khong-the-co-sach-giao-khoa-tu-chon-duoc-510145/
[3]http://baochinhphu.vn/Giao-duc/Can-co-su-thong-nhat-ve-sach-giao-khoa/346450.vgp
[4]https://www.youtube.com/watch?v=G0yBAzAd1pk
Hồng Thủy
TIN BÀI LIÊN QUAN:
- Ai đang bòn rút từng đồng từ túi dân nghèo đằng sau những cuốn sách giáo khoa?
- Về "âm mưu tấn công" thầy Hồ Ngọc Đại
- Về lợi ích nhóm đằng sau tranh luận xung quanh Giáo sư Hồ Ngọc Đại
- Thầy Hồ Ngọc Đại bàn về chương trình mới: cơ bản là để chia tiền
- Vụ Tiểu học có phải sân sau của Giáo sư Đại, ai cứu học sinh thoát thí điểm?
- Những quy luật bất thường qua 3 lần thay sách giáo khoa
SAO THẦY TỔNG CHỦ BIÊN LẠI VÍ GIÁ THÀNH CHƯƠNG TRÌNH MỚI VỚI CHUYỆN LÀM ĐƯỜNG ?
NHẬT DUY/ GDVN 18-9-2018
Trong buổi tọa đàm “Chương trình giáo dục phổ thông mới có gì mới?” ngày 15/9 tại Hà Nội, giáo sư Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới đã có nhiều chia sẻ và ví von thú vị.
Trong đó, ông có so sánh kinh phí chương trình, sách giáo khoa mới chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa, bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam.
Nghe đi, ngẫm lại, chúng tôi cứ mãi băn khoăn về những so sánh này của thầy Tổng chủ biên.
Thầy Nguyễn Minh Thuyết - Tổng chủ biên chương trình giáo dục phổ thông mới (Ảnh minh họa: nguoiduatin.vn).
Tại sao thầy Thuyết lại so sánh chuyện làm chương trình, sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục với chuyện làm đường của Bộ Giao thông vận tải?
Ông muốn so sánh về kinh phí hay hiệu quả kinh tế?
Ai cũng biết, làm đường hay làm làm chương trình, sách giáo khoa cũng đều quan trọng và có một vai trò đặc biệt trong đời sống xã hội và phát triển đất nước.
Nếu con đường được thiết kế thông thoáng, rộng rãi, được làm với chất lượng tốt thì hiệu quả kinh tế là không đong đếm được cho nhiều thế hệ, nhất là những con đường được thầy Tổng chủ biên lấy làm ví dụ ví von.
Một con đường là của thủ đô của đất nước và một con đường nối mạch giao thông của 2 miền Bắc - Nam.
Đối với chương trình, sách giáo khoa mới cũng vậy, nếu được chuẩn bị và thực hiện tốt thì đó sẽ là kim chỉ nam cho ngành giáo dục phát triển, đào tạo ra nguồn nhân lực tốt cho xã hội để các thế hệ học trò có kiến thức, kỹ năng mà hội nhập, hòa đồng...
Nhưng, kinh phí làm đường nó liên quan đến việc khảo sát, giải tỏa mặt bằng, thi công, bảo dưỡng, bảo hành và phải qua đấu thầu.
Vì thế, chỉ tính riêng con đường Kim Liên ở Ô Chợ Dừa thì kinh phí giải tỏa đã chiếm tới 85% tổng số vốn đầu tư.
Vì thế, con đường này đã trở thành con đường “con đường đắt nhất hành tinh”… và dư luận đã nói nhiều về con đường này không chỉ ở trong nghị trường mà ngay cả ở những quán cóc vỉa hè hay trên những bàn nhậu từ những người có vai vế đến những người thường dân.
Nó đắt, đắt lắm nhưng chắc chắn một điều con đường này có thời gian bảo hành, nó không phải phá đi làm lại, nó không phải nâng cấp, cải tạo trong từng năm, từng tháng.
Còn, chương trình, sách giáo khoa có “đắt nhất hành tinh không”?
Cứ nhìn vào chương trình, sách giáo khoa hiện hành (năm 2000) thì cũng đã tốn 3 tỉ USD mà báo chí đã phản ánh nhiều lần.
Đó là chưa kể hàng năm, phụ huynh phải bỏ ra hàng ngàn tỉ đồng mua sách giáo khoa nhưng con em họ sử dụng một lần rồi bán phế liệu như các phương tiện thông tin đại chúng đã nói từ nhiều năm nay.
Vậy, có con đường nào giống sách giáo khoa Việt Nam không?
Cứ nhìn vào bộ sách giáo khoa hiện hành từ khi thực hiện cho đến nay đã có biết bao lần giảm tải, chỉnh lý, bổ sung, có năm nào Bộ không tập huấn cho giáo viên không?
Tốn kém không biết bao nhiêu mà kể bởi chi phí của bộ, của sở, của phòng, của trường, của giáo viên và phụ huynh học sinh phải chi phí hàng năm.
Nhưng, đó là bộ sách giáo khoa đã quy tụ hàng ngàn nhà khoa học, giáo viên có uy tín và được thực nghiệm trong 4 năm như thầy Tổng chủ biên đã chia sẻ với báo chí trước đây.
Bây giờ thầy Nguyễn Minh Thuyết thông tin: “Tổng số tiền làm chương trình giáo dục phổ thông mới tính ra là 144 tỷ đồng, với mỗi cá nhân là rất lớn nhưng nhưng thực ra chỉ bằng 180m đường Kim Liên - Ô Chợ Dừa và bằng 600m đường cao tốc Bắc Nam mà thôi”.
Như vậy, từ chia sẻ của thầy Tổng chủ biên thì đây mới là tiền làm “chương trình giáo dục phổ thông mới” còn tiền viết sách giáo khoa, tiền thực nghiệm, tiền tập huấn, tiền đào tạo lại giáo viên… chỉ riêng việc đào tạo giáo viên thì Bộ đã dự kiến vay 100 triệu USD rồi.
Khi thực hiện đại trà phải bồi dưỡng giáo viên hàng năm bởi lộ trình Bộ đã đưa ra rồi.
Rồi chắc gì sách giáo khoa không chỉnh lý, bổ sung bởi sách giáo khoa hiện hành thực nghiệm 4 năm mà còn như vậy, sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông mới tới đây lại không thực nghiệm giống trước mà vừa viết, vừa thực nghiệm, vừa dạy đại trà luôn thì dễ gì không thiếu sót, hạn chế như bộ sách hiện hành.
Con số 144 tỷ đồng mà thầy Tổng chủ biên chia sẻ là con số “nhỏ nhất” mà dư luận nghe về kinh phí cho lần thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới nên đây có lẽ cũng chưa phải là con số cuối cùng mà dư luận đã và sẽ nghe.
Bởi, khi mới bắt đầu manh nha việc thay đổi chương trình giáo dục phổ thông mới cho đến nay thì con số về kinh phí đã được thay đổi nhiều lần. Từ hàng chục ngàn tỉ và bây giờ xuống con số hàng trăm?
Dư luận băn khoăn, bởi trước đây thầy Thuyết đã từng chia sẻ với báo chí là hợp đồng của thầy Thuyết cũng như các thầy biên soạn chương trình tổng thể, chương trình môn học với Bộ Giáo dục là 18 tháng:
“Tôi và các thành viên khác của Ban soạn thảo chương trình đã hoàn thành nhiệm vụ, không còn là thành viên Ban phát triển chương trình tổng thể hay Ban phát triển chương trình môn học nữa”.
Và, đương nhiên khi hết hợp đồng thì sẽ chuyển giao nhiệm vụ cho người khác. “Trách nhiệm” vẫn là cụm từ để ngỏ… bởi hết hợp đồng cũng gần như đồng nghĩa là… hết trách nhiệm!
Bây giờ thầy Tổng chủ biên nói kinh phí là 144 tỷ đồng nhưng cách làm “ngắt khúc” qua từng công đoạn, sách giáo khoa thì viết cuốn chiếu không qua thực nghiệm mới ban hành đại trà như vậy sẽ rất khó có ai chịu trách nhiệm khi sản phẩm cuối cùng là bộ sách giáo khoa đến với thầy và trò.
Nói như cách dẫn lời của giáo sư Nguyễn Xuân Hãn: “Hôm nay ta thẩm định cái tay cô hoa hậu, ngày mai đến cái chân, còn hình dáng cô hoa hậu cụ thể như thế nào thì không ai hình dung được!”.
Nếu sách giáo khoa không đạt được như kì vọng của xã hội hoặc sai sót hay không phù hợp thì người viết sách giáo khoa có thể đổ lỗi cho người viết chương trình môn học. Vì sách giáo khoa phải bám vào chương trình môn học.
Rồi người viết chương trình môn học lại bảo chúng tôi bám vào chương trình tổng thể. Người viết chương trình tổng thể lại bảo chủ trương của Bộ… rồi cứ lòng vòng, luẩn quẩn như thế là cuối cùng… hòa làng và chẳng ai nhận trách nhiệm cả.
Rồi lại chỉnh sửa, thay sách, tập huấn, phụ huynh lại mua sách dùng một lần cho con mình học 1 năm xong rồi bán phế liệu.
Chính vì thế, thầy Tổng chủ biên so sánh chuyện làm chương trình, sách giáo khoa với làm đường e rằng đang rất khập khễnh.
Bởi, so với làm đường thì thầy Tổng chủ biên cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo có dám “bảo hành” chương trình giáo dục phổ thông mới là 10 năm hay 20 năm trước Đảng - Nhà nước và nhân dân hay không? Nếu không, so sánh cũng chỉ là để so sánh cho vui mà thôi.
Tài liệu tham khảo:
https://dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/chuong-trinh-gdpt-moi-tong-so-tien-doi-moi-sgk-bang-180m-duong-kim-lien-o-cho-dua-20180915175220133.htmhttps://tuoitre.vn/tham-dinh-chuong-trinh-viet-sach-giao-khoa-con-nhieu-viec-de-lo-20180602101332807.htm
Nhật Duy
TIN BÀI LIÊN QUAN:
- Sửng sốt với con số 1000 tỷ đồng/năm để mua sách giáo khoa sau đó bán giấy vụn
- Vì sao chương trình môn học vẫn chưa công bố?
- Yêu cầu Bộ Giáo dục khẩn trương ban hành Chương trình giáo dục phổ thông mới
- Chương trình giáo dục mới vừa ra mắt, nhưng thầy Thuyết nói sẽ luôn cập nhật
- Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết hé lộ sự thật làm sách giáo khoa "cả làng toét mắt"
'EM NGHĨ, THẦY RỒI SẼ LÊN "GIÀN THIÊU" DƯ LUẬN'
TƯ GIANG/ TVN 19-9-2018
- “Em nghĩ thầy rồi sẽ lên 'giàn thiêu' dư luận”, tôi mạo muội nói thẳng những suy nghĩ của mình với riêng Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết khi chở ông về.
Ông Nguyễn Minh Thuyết kiên quyết bảo vệ tinh thần của Nghị quyết 88 nhằm mang lại nhiều sự lựa chọn cho học sinh. Ảnh: Phạm Hải.
Ông đến báo cáo cho CLB Café Số về chương trình giáo dục phổ thông mới được áp dụng từ năm học 2019-2020 trên cương vị Tổng chủ biên. Buổi nói chuyện đó thu hút được rất nhiều phóng viên, và các tờ báo đã tường thuật chi tiết mấy hôm nay.
Tôi có lý do để nói như vậy. Trước đây, nhiều cuộc cải cách giáo dục đã diễn ra nhưng không thu được thành công. Chất lượng nguồn nhân lực yếu kém đến nỗi yếu tố này được xác định là một trong ba điểm nghẽn để đất nước phát triển.
Kỳ vọng, đòi hỏi của lãnh đạo cũng như dân chúng về một chương trình mới có chất lượng, giúp phát triển được các thế hệ học sinh có năng lực, có kỹ năng cho xây dựng đất nước là vô cùng lớn. Vì thế, vị trí Tổng chủ biên mà Giáo sư đảm nhận là cực nóng, đòi hỏi tri thức toàn diện, năng lực tổng hợp, làm việc nhóm, bản lĩnh,...
Ông hiểu sức ép đó: “Tôi phải nói thật như thế này, tôi rất bận. Và nhất là từ khi nhận nhiệm vụ Tổng chủ biên cho Chương trình Giáo dục phổ thông mới, tôi không có thời gian để làm việc gì.”
Khi hàm hồ nói với Giáo sư điều đó, tôi không nghi ngờ năng lực cũng như tâm huyết của ông, nhưng có quá nhiều sức ép với bản thân ông.
Một bộ trưởng về hưu, người từng tham gia các hội đồng về cải cách giáo dục nhắn tin cho tôi sau khi nghe Giáo sư thuyết trình: “Mình e là các cuộc cải cách giáo dục ở ta từ trước đến nay đều không thành công, để lại nhiều hậu quả không tốt. Cuộc tới đây thế nào? Nguyên nhân chính là gì, cháu biết không?”
Tôi không biết, nhưng nhắn lại: “Có phải là tự do học thuật, điều còn rất thiếu hay không?”. Ông không đáp lại.
Mà đó chỉ là một dạng sức ép.
Những lời phê phán đó là trái với tinh thần Nghị quyết 88 do Quốc hội ban hành năm 2014 khẳng định cần có nhiều bộ sách giáo khoa. Những nhận xét này, dù gián tiếp hay trực tiếp, đều liên quan đến Giáo sư Thuyết, người đang làm “tổng đạo diễn”.Sức ép lớn nhất phải nói là dư luận. Ngay trong phiên họp của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều vị đại biểu đã lên tiếng lên án việc áp dụng nhiều bộ sách giáo khoa trong một chương trình vì lo phí phạm, vì áp đặt kinh nghiệm đi học của mình cách đây 50-60 năm.
Phóng viên đặt câu hỏi đó cho ông. Với bản lĩnh và trí tuệ của người làm đại biểu mấy khóa, ông đáp trả: “Tôi cho rằng bất cứ ai, từ người có thẩm quyền cao nhất đến người dân bình thường đều phải tuân thủ pháp luật. Nghị quyết 88 của Quốc hội tương đương với luật và đã ban hành nên tất cả phải tuân theo".
Ông kiên quyết bảo vệ tinh thần của Nghị quyết 88 nhằm mang lại nhiều sự lựa chọn cho học sinh.
Giáo sư kể lại, có lần đồng nghiệp người Mỹ kể, ở Mỹ giáo viên có quyền dạy sách do chính mình viết còn sách giáo khoa chỉ là tài liệu tham khảo. Người ta không quá chú trọng vào tài liệu đó. Nghe ông kể vậy, nhiều người xung quanh tôi thốt lên, lỡ giáo viên dạy về khủng bố thì sao? “Làm gì có chuyện đó, có ngay đơn tố giác”, ông đáp.
Giáo sư nói tiếp: “Còn ở Việt Nam ta, ở trên sợ bên dưới làm không đúng, dưới lại sợ dưới nữa làm không đúng nên cứ phải cầm tay chỉ việc”.
Tôi biết, tinh thần câu chuyện của vị đồng nghiệp của Giáo sư không phải là đơn lẻ, nó được triển khai ở nhiều quốc gia khác. Ở nước ngoài, người ta tiến hành hậu kiểm với sự góp ý của học sinh, phụ huynh, chứ không chăm chăm “tiền kiểm” như mình. Có lẽ, phương pháp này khuyến khích sự đa dạng trong tư duy?
Giáo sư trấn an dư luận: “Một chương trình nhiều bộ sách giáo khoa sẽ có những phức tạp nhưng không vì phức tạp mà không làm”.
Giáo sư Thuyết kể, khi bảo vệ sách văn học, có nhiều ý kiến mạnh mẽ đòi phải bỏ tác giả này, tác giả kia ra; hay phải cho bài văn này, bài thơ kia vào.
Trước các áp lực như vậy, ông nói khảng khái: “Xin các vị gửi chúng tôi văn bản”. Ông không muốn lặp lại những “chiến dịch” rất nghiệt ngã trong quá khứ với giới cầm bút mà rồi không biết ai chịu trách nhiệm.
Giáo sư nói, ông không thể thiên vị hay ác cảm với bất kỳ nhà văn hiện đại nào và giải thích thêm, chỉ bắt buộc 6 bài như “Nam quốc sơn hà”, “Hịch tướng sỹ”, “Đại cáo Bình Ngô”, “Tuyên ngôn độc lập”,… Đó là những áng thơ, văn bất hủ của dân tộc, kích thích lòng yêu nước của nhiều thế hệ để gìn giữ giang sơn này.
Giáo sư cho biết, điều quan trọng nhất, là linh hồn của chương trình mới là ở chỗ, nền giáo dục nặng về trang bị tri thức sẽ được chuyển sang nền giáo dục phát triển toàn diện phẩm chất và năng lực của học sinh. Chương trình phổ thông hiện hành trả lời cho câu hỏi: Học xong học sinh biết được gì. Còn chương trình giáo dục phổ thông mới sẽ trả lời cho câu hỏi: Học xong học sinh làm được gì. Tôi nghĩ, đó chính là triết lý mà nhiều quốc gia tiến bộ khác đã và đang thực hiện.
Sau khi nghe câu nhận xét bên trên của tôi, Giáo sư Thuyết chỉ mỉm cười mà không đáp lại. Trước đó, ông đã bộc bạch với mọi người: “Điều khó khăn lớn nhất với chương trình mới là lòng dân. Nếu không có sự đồng thuận xã hội thì rất khó thực hiện”.
Về phần mình, tôi tin tưởng vào Giáo sư và các đồng sự nhưng tôi phải thú thật là chưa tin hoàn toàn vào sự thành công của chương trình mới. Những vấn đề, những khó khăn, những bế tắc giáo dục đâu chỉ của riêng ngành giáo dục?
Đâu chỉ một chương trình mà giải phóng được con người Việt Nam để chúng ta "lên ngay" con tàu 4.0. Đó phải là một nỗ lực rất lớn và kiên trì của nhiều thế hệ, của nhiều người.
Tư Giang
TIN BÀI LIÊN QUAN:
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét