Thứ Sáu, 7 tháng 9, 2018

20180907. BÀN VỀ QUYỀN LỰC VÀ TRÁCH NHIỆM NGƯỜI LÃNH ĐẠO

ĐIỂM BÁO MẠNG
CHỦ NHẬT BUỒN, TRÒ CHUYỆN VỚI ANH TRƯƠNG

NGUYỄN KHẮC MAI/ BVN 3-9-2018
Kết quả hình ảnh cho quyền lực
Anh Trương ở đây, không phải chàng Trương ở quê của chị Doan, nổi tiếng trong bài thơ của Lê Thánh Tông, mà là Trương Tấn Sang. Anh Sang này thì ai cũng biết, tôi khỏi giới thiệu. Nguyên do là hôm nay Chủ nhật 2-9, trời thì mưa lất phất, u ám, đường làng ngõ xóm vắng vẻ. Nguyễn Du bảo “Người buồn, cảnh  có vui đâu bao giờ”. Quả có thế thật, lòng mình đang sầu muộn, thành ra trời đất cũng buồn theo. Đang ngồi gặm nhấm nỗi buồn mênh mang mà không hề vô lối của minh, chợt người đưa báo quen, đem đến cho một tập, có Hà Nội mới do Thành uỷ lấy ngân sách mua tặng, co Tuổi trẻ… Giở  ra xem thấy có bài của anh Trương, bèn chăm chú đọc.
Bài báo có cái tít do Toà soạn đặt : “Thời gian và cơ hội không chờ chúng ta”. Bài báo chủ yếu nêu vấn đề: quyền lực trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân. Trước hết, anh đưa ra bốn người lãnh đạo ở bốn quốc gia Đông Nam Á: Lý Quang Diệu - Singapore; Suharto - Indonesia; Park Chung Hee - Hàn quốc và Ferdinand Marcos - Philippines. Hai Ông Quang Diệu và Chung Hee là hai anh hùng của đất nước họ. Còn Suharto và Marcos là hai kẻ gian hùng, chung quanh mình lúc nhúc một bầy sâu. Có điều anh Sang không nói, khi nhân dân Phi và In đã mất niềm tin vào những tên lãnh đạo, thể chế đã cho phép họ đứng lên lật đổ “triều đình” của hai tên phản dân hại nước ấy! (Bây giờ, mấy người bạn của tôi vừa đi Indo về, ca ngợi hết lời đất nước của ba nghìn đảo). Tôi hiểu ý anh Sang là muốn nói dến hai nhân tố quan trọng của giới cầm quyền: Có được niềm tin của nhân dân và nhân cách trong sạch quyết chống tham nhũng. Bởi bàn về sự thành công của những quốc gia này, phải tính đến những nhân tố tổng hợp: đường lối chính xác, triết lý cầm quyền đúng đắn phù hợp thời đại, thể chế và thiết chế dân chủ đủ để cho phép ngăn ngừa tham nhũng và độc quyền, mở rộng tài trí của xã hội, đội ngũ quản trị quốc gia và xã hội tài năng, trong sáng được giám sát bởi luật pháp và xã hội.
Về niềm tin của nhân dân, anh Sang dẫn lời Lý Quang Diệu: “Tài sản lớn nhất của chúng tôi là sự tín nhiệm và lòng tin của nhân dân. Chúng tôi cẩn thận không để lãng phí niềm tin vừa mới giành được này do cai trị tồi và tham nhũng”. Về nhân cách người lãnh đạo, anh Sang hạ một câu về Chung Hee, mà cũng là nói về Quang Diệu, sau khi họ chết: “người ta không tìm thấy một tài sản có gíá trị nào được cất giấu, ngoại trừ một Hàn quốc đứng trong hàng ngũ những quốc gia phát triển. Về hai điều này, anh Sang nói đúng, niềm tin và tín nhiệm của nhân dân với người cầm quyền chỉ có được khi người cầm quyền có chính sách đúng và nhân cách trong sáng. Chứ như bộ máy lãnh đạo và cầm quyền ở nước ta là “một bầy sâu”, “cái gì cũng ăn”, “hèn với giặc, ác với dân”, “hành dân là chính”, phe nhóm, cánh hẩu, đồng loã chứ không đồng chí, lãnh đạo kêu gọi mà không dám làm gương, có gương nào bể gương ấy… thử hỏi làm sao xây dựng được niềm tin và tín nhiệm của nhân dân. Ngay cả anh Tư kêu gọi thế viết bài hay thế mà có dám nêu gương minh bạch tài sản của mình không. Nói chung chung thì được mà có dám lên tiếng tố cáo công an tàn ác với dân, chính quyền hùa với phe nhóm lợi ích cướp đất cuớp tài sản của dân? Tôi cho đó là “nhân cách vị” tựa như kim bản vị làm nền cho giá trị đồng tiền vậy. Tuy nhiên tôi nhắc lại, chỉ với một thể chế đúng, tốt và lành mạnh, văn minh may ra mới phát huy được nhân tố con người, nhất là con người gắn với quyền lực. Thể chế xấu chọn con người xấu để thi hành. Con người xấu càng làm thể chế ngày càng sa đoạ, xấu thêm.
Anh định đưa những gương sáng của mấy nước cận kề để kêu gọi đạo đức. Tôi cho là không nhằm. Những kẻ trí tuệ thì lú lẫn, nhân cách thì tham lam, quyền lực thì độc ác, họ làm sao có cơ sở tâm thế để nghe anh được.
Tôi thấy khi đề cập dến chúng ta, anh đã nêu lên được ba điều cay đắng và bi kịch.
Một là, “cũng phải nhìn nhận rằng có những lúc chúng ta đã phung phí thời gian và cơ hội, tai hại hơn là đã phung phí niềm tin”.
Hai là, “Việt Nam sẽ bứt phá đi lên, đứng vào hàng ngũ các quốc gia phát triển, hay an bài, tự thoả mãn để rốt cuộc chỉ thấy nợ nần và lệ thuộc”.
Ba là, “phải đặt sang một bên những do dự và  ngại ngần, quyết liệt và không chậm trễ trong việc loại trừ những nhân tố gây phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước”.
Không chỉ phung phí, mà sự thật là đảng mà anh Tư từng lãnh đạo, đã vò xé, chà đạp niềm của nhân dân. Cay đắng và bi kịch!
Điều thứ ba mà anh nêu ra, thì cần huỵch toẹt rằng đám lãnh đạo già nua lú lẫn, bạc nhược, tham lam, độc đoán chính là nhân tố phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước. Ai sẽ loại trừ những nhân tố tai hại ấy đây. Anh Tư không làm được, đám già như tôi cũng không làm được. Chỉ phải trông cậy vào nhân dân trong đó có giới trẻ có tâm huyết, có tầm nhìn xa rộng, có khí phách, có ý chí và một nhân cách dân chủ mới làm được. Cũng không loại trừ nhân tố của những người trẻ trung, có tâm, có tầm trong nội bộ đảng, trong nhà nước, cả trong quân đội. Cả anh cả tôi nữa chúng ta sẽ thúc đẩy cho sự hình thành và xuất hiện cái xung lực mới phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mong thay.
Tôi hoan nghênh anh nhân 2-9 nói lên vài khía cạnh đắng lòng và bi kịch của cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền Tháng Tám nhưng đã không tạo ra được một chính quyền tử tế thực sự vì dân vì nước như mấy người ở mấy nước mà anh nhắc đến. Càng biết họ càng thấy mình xấu hổ, nhục nhã. Tự nhiên tôi nhớ lại ông Mác nói về xấu hổ khi nghĩ đến sự lạc hậu của nước Đức hồi thế kỹ XIX: “Xấu hổ là một tình cảm cách mạng. Một dân tộc biết xấu hổ sẽ như con sư tử đang co mình lại để chồm lên”.
Hãy co mình lại để chồm lên!
N.K.M.
Tác giả gửi BVN

TRAO ĐỔI VỚI CỰU CHỦ TỊCH TRƯƠNG TẤN SANG

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 7-9-2018

1-Giới thiệu
Đầu năm 2018, cựu chủ tịch nước Trương Tấn Sang viết bài “Lịch sử giúp chúng ta hiểu về hiện tại, dự báo tương lai”. Ông trình bày việc, sau khi về hưu, nhờ đọc sách Bão táp Triều Trần, chiêm nghiệm lịch sử và thực tế mà hiểu ra rằng đất nước hưng thịnh nhờ có vua sáng tôi hiền, còn đất nước suy vong cơ bản là do tài năng yếu kém và đạo đức suy đồi của những người cầm quyền. Rồi ông đặt câu hỏi “Đảng này, chế độ này, đất nước này sẽ đi về đâu”. Ông kết thúc bằng niềm tin vào Đảng để bước vào năm mới Mậu Tuất.
Ngày 2 tháng 9 ông Sang lại cho công bố bài “Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo và niềm tin của nhân dân”. Viết bài này nhờ việc ông đọc được 2 tập hồi ký của Lý Quang Diệu. Ông nêu ra sự thành công của Lý Quang Diệu ở Singapore, Pắc Chung Hy ở Nam Hàn, sự độc tài, tham nhũng của Suharto ở Indonesia và của Marcos ở Philippin. Ông liên hệ tình hình Việt Nam và cho rằng đất nước đang rơi vào tình trạng tụt hậu, thua kém là do “sự thao túng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo suy thoái, hành động vì lợi ích cá nhân, không vì lợi ích Tổ quốc”. Ông kết thúc bài viết như sau : “Ðiều đáng mừng là những gì Ðảng, Nhà nước đã làm được,… Thời gian và cơ hội không chờ đợi ai. Có được niềm tin của nhân dân thì không một trở lực nào có thể ngăn cản chúng ta xây dựng thành công đất nước giàu mạnh”.
Về bài “ Lịch sử giúp chúng ta…”, trước đây vào tháng 1/2018 tôi đã viết bài phê phán: “Nhận thức muộn và nhầm của cựu Chủ tich nước”. Nay nhân bài “Quyền lực, trách nhiệm người lãnh đạo…” tôi xin bàn chút ít về các cán bộ lãnh đạo của cộng sản và phân tích thêm nhận thức sai lầm của ông Sang.
2- Về trình độ cán bộ lãnh đạo của cộng sản
Trong quyển sách “Thất bại lớn”, Brzezinski cho rằng phong trào cộng sản tất yếu sẽ sụp đổ vì kém trí tuệ. Có thể dễ dàng chứng minh được rằng các tổ sư như Mác, Engels, Lênin, Stalin, Mao Trạch Đông cũng đều kém trí tuệ. Họ thành công được một phần nào đó vì có lắm mưu mẹo, lắm thủ đoạn, họ sử dụng được bạo lực (ban đầu là của quần chúng, về sau là của chuyên chế) , họ giỏi dùng ngụy biện, tuyên truyền dối trá kết hợp tạo ra sùng bái cá nhân, họ đánh lừa được hàng trăm triệu người. Nhưng rồi đã có nhiều công trình chứng tỏ rằng Chủ nghĩa Mác Lênin đặt nền móng trên những sai lầm cơ bản và các tổ sư của phong trào cộng sản sau khi nắm chính quyền đã phạm nhiều tội ác đối với nhân loại.
Riêng ở Việt Nam, những người lãnh đạo cấp cao, kém trí tuệ như Nông Đức Mạnh, Đỗ Mười v.v… có thể kể ra hàng hàng trăm, hàng ngàn. Có một số ít, được công nhận tương đối có trí tuệ trong một vài lĩnh vực như Võ Nguyên Giáp, Trường Chinh, Võ Văn Kiệt v.v.., nhưng điều quan trọng nhất là con đường họ đã chọn để dẫn dắt dân tộc là sai lầm, chủ nghĩa họ tôn thờ là phản tiến bộ. Cũng đã có một số người đủ thông minh để nhận thức ra quy luật của phát triển như Trần Độ, Trần Xuân Bách, Nguyễn Kiến Giang v.v…, nhưng họ bị loại bỏ. Riêng Hồ Chí Minh, một con người đầy bí ẩn, tuy được suy tôn lãnh tụ vĩ đại, nhưng cũng chưa kết luận được là biết mệnh trời và hiểu lòng người, đã thoát khỏi tình trạng vô minh.
Phong trào cộng sản trên thế giới cũng như ở VN, thời gian đầu có thu hút được một số ít người tài giỏi, nhưng càng về sau số người có trí tuệ càng giảm. Số thì bị loại trừ, số thì công khai hoặc lặng lẽ từ bỏ.
Tại sao cộng sản vốn kém trí tuệ mà họ đã từng thành công một số nơi và đã từng là mối lo cho thế giới dân chủ. Cộng sản kém trí tuệ, nhưng để lôi kéo, lãnh đạo quần chúng đông đảo công nông binh thường chỉ cần đẩy mạnh tuyên truyền và hứa hẹn về quyền lợi trước mắt, chỉ cần tạo dựng được lãnh tụ đầy sức hấp dẫn, kết hợp sự khủng bố tàn độc đối với “kẻ thù giai cấp hoặc thế lực thù địch”. Mà những việc này cộng sản khá thành thạo.
Ông cựu Chủ tịch Sang kể rằng, sau khi về hưu mới có dịp đọc “Bão táp Triều Trần”, “Hồi ký Lý Quang Diệu”, còn khi tại chức ông chẳng có thời gian để đọc sách. Chắc rằng đại đa số các cán bộ lãnh đạo các cấp của cộng sản, kể cả các vị trong Hội đồng lý luận, trong trung ương và cả trong Bộ Chính trị cũng rất ít đọc sách. Trong các cán bộ cao cấp đã về hưu, ông Sang tỏ ra là người có đọc được vài quyển trong hàng trăm tác phẩm cần đọc. Mà các chính trị gia cần đọc từ lúc còn rất trẻ chứ không phải đợi đến lúc về hưu. Ông Sang thể hiện có đọc sách để có chút tự hào với nhiều người cùng trình độ và hoàn cảnh. Nhưng rồi việc làm đó phơi trần sự kém cỏi về kiến thức, sự thiếu hụt về trí tuệ của cán bộ lãnh đạo trước mắt toàn dân và đặc biệt là trước mắt tầng lớp trí thức. Cán bộ lãnh đạo của cộng sản tưởng nhầm rằng biết được vài luận thuyết của Chủ nghĩa Mác Lê là có thể lãnh đạo việc quản trị đất nước. Mà khốn thay các luận thuyết ấy đang chứng tỏ sai lầm, càng tiếp thu nhiều lý luận Mác Lê càng làm cho con người ta trở nên ngu dốt, xơ cứng, bảo thủ.
3- Nhận xét về bài của ông Sang
Ông Nguyễn Khắc Mai đã có những nhận xét rất hay về bài viết vừa rồi của ông Sang (Bài: Chủ nhật buồn, trò chuyện với anh Trương). Tôi làm việc “tát nước theo mưa”.
Phải chăng những điều cơ bản ông Sang viết ra trong 2 bài trên là nhận thức mới có được sau khi đã về hưu, sau khi đọc được Bão táp Triều Trần và Nhật ký Lý Quang Diệu. Phải chăng trong lúc làm Chủ tịch nước ông chưa từng biết đến điều ông vừa viết. Nếu quả như thế thật thì ông Tư Sang quá kém về trí tuệ, vậy ông nhờ vào thủ đoạn nào, mẹo mực nào, dựa vào thế lực nào để làm đến Chủ tịch nước. Hay là hồi làm Chủ tịch ông cũng biết cả rồi nhưng không dám nói, không thể viết vì “há miệng mắc quai”.
Ông Sang đã có được cái nhìn thực tế vào xã hội Việt Nam, thấy được những bầy sâu đang đục khoét, thấy đất nước nợ nần và lệ thuộc, mắc kẹt trong "bẫy thu nhập trung bình". Ông cho rằng “nguyên nhân là sự thao túng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo suy thoái” . Rồi ông đặt câu hỏi: Phải làm gì để Ðảng Cộng sản Việt Nam luôn được nhân dân tin tưởng, trường tồn cùng non sông đất nước?
Nhiều ông bà cán bộ cao cấp khác về hưu chỉ lo cho cuộc sống gia đình, không quan tâm đến thế sự. Ông Sang có hơn bọn họ, có đọc sách, có viết bài. Tuy vậy ông Sang đã tỏ ra yếu về trí tuệ và thiếu gương mẫu.
Về trí tuệ, ông Sang không thấy được nguyên nhân cơ bản, nguyên nhân sâu xa của tham nhũng, của lợi ích nhóm nằm ở trong sự độc quyền đảng trị, ở việc đặt Đảng cao hơn tất cả. Những thứ đó do chủ thuyết Mác Lê sinh ra và nuôi dưỡng. Việc đổ lỗi cho một số cán bộ suy thoái là không sai, nhưng chưa đúng, chưa chỉ ra bản chất.
Theo Nguyễn Khắc Mai, ông Sang tuy có biết Marcos và Suharto độc quyền, tham nhũng, đẩy đất nước vào khó khăn, đã bị lật đổ, nhưng không biết đến hoặc không dám nói đến động lực của sự lật đổ là nhân dân, là chế độ đa đảng với bầu cử tự do, với nền dân chủ tam quyền phân lập. Ở ta, ĐCS phản ứng với những thứ đó như đỉa phải vôi, thế thì làm sao họ chấp nhận để nhân dân lật đổ độc tài. Nhắc tới sự liêm khiết của Pắc Chung Hy và Lý Quang Diệu, ông Mai nhắn ông Sang liên hệ bản thân, xem có dám minh bạch về tài sản và nhóm lợi ích sân sau không.
Tôi chỉ muốn nhắc ông Sang rằng ông đã mê muội, đã bị nhồi sọ quá sâu về chủ thuyết Mác Lê và sự độc quyền toàn trị của đảng cộng sản. Trong nhiệm kỳ Chủ tịch nước chưa thấy ông làm được việc gì, có được chủ trương gì để nâng cao dân chủ và nhân quyền, để làm giảm oan sai của dân.
Về hưu rồi, có thấy được một vài sự thật mà khi còn tại chức ông bị bưng bít và tự bưng bít, nhưng ông vẫn một lòng trông đợi vào Đảng có thể lấy lại lòng tin của dân. Một thời dân đã vì lòng tốt mà bị mắc lừa, tin vào Đảng. Ngày nay, khi đã nắm chắc quyện lực, Đảng đã lộ rõ bản chất độc đoán, phần lớn nhân dân đã thấy rõ lòng tin của họ bị phản bội. Nhắc ông đừng hy vọng vào việc xui nhân dân tiếp tục tin vào Đảng nếu như đảng ấy vẫn kiên trì Mác Lê và độc quyền. Chắc rằng cộng sản đã đem lại cho ông quá nhiều quyền lợi, không dễ gì ông thấy được sự thối nát của nó. Nếu như ông chưa thấy được những sai lầm và tội ác của cộng sản để đứng về phía nhân dân đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền, để thoát cộng sản và Tàu khựa Đại Hán mà vẫn tiếp tục viết những bài nhằm lấy lại lòng tin của dân thì tôi e rằng ông đã nhầm.
Gần cuối bài ông viết: “Phải đặt sang một bên những do dự và ngại ngần, quyết liệt và không chậm trễ trong việc loại trừ những nhân tố gây phương hại đến niềm tin của nhân dân, cản trở sự phát triển của đất nước”. Nghe thì rất hay, rất đúng về nguyên lý, nhưng nó rất tù mù ở khái niệm “ nhân tố gây phương hại…”. Những người đấu tranh vì dân chủ cho rằng nhân tố đó chính là Chủ nghĩa Mác Lê, chính là sự độc quyền toàn trị của ĐCS. Còn theo ông, nhân tố đó là cái gì thì xin nói thẳng ra. Phải chăng như ông đã viết, đó là “sự thao túng của một bộ phận cán bộ lãnh đạo suy thoái”. Đã bao giờ ông chịu khó suy nghĩ để biết cái bọn suy thoái âý sinh ra từ đâu và được nuôi dướng như thế nào để trở thành “ cả bầy sâu”.
Như lời nhắc ở cuối bài của ông Nguyễn Khắc Mai, ông Tư Sang nên biết xấu hổ và sám hối. Khi ông chịu khó suy nghĩ để nhận ra sự thật, rồi đứng về phía nhân dân để đấu tranh cho nhân quyền , cho tự do và hạnh phúc của nhân dân thì mới là thức thời, còn nếu vẫn tiếp tục luận điệu như các bài vừa nêu thì may lắm ông có thể đánh lừa một số kẻ thân tín cùng phe nhóm, còn không có hy vọng gì vận động để nhân dân tăng lòng tin vào đảng của ông đang trên con đường rệu rã, sụp đổ.
Tôi ngờ rằng ông Sang chưa đọc được những quyển sách như: Thất bại lớn (Brzezínki), Giai cấp mới (Milovan), Cách mạng 1989 ( Sebattian), Chủ nghĩa phát xít (Zeliu Zelev), Trần Đức Thảo - Những lời trăng trối ( Phan Ngọc Khuê), Đêm giữa ban ngày (Vũ Thư Hiên), Mặt thật (Thành Tín) và nhiều quyển quan trọng khác mô tả những phần sự thật của phong trào cộng sản, của Chủ nghĩa Mác Lê. Chắc rằng ông Sang cũng chưa được nghe, được đối thoại với những người vạch ra những sai lầm cơ bản của Mác Lê. Nếu ông muốn nghe, muốn biết và có lời mời chân thành, tôi vui lòng đến gặp và trao đổi với ông về những vấn đề trên với tinh thần giữa những người bạn hưu trí.
Điện thoại của tôi : 01689 578 620. Email : ndcong37@gmail.com
N.Đ.C.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét