Thứ Tư, 12 tháng 9, 2018

20180912. BÀN VỀ KÊ KHAI TÀI SẢN CÁN BỘ

ĐIỂM BÁO MẠNG
NÓI TÓM LẠI, NHÂN DÂN CỨ YÊN TRÍ NHÉ !

XUÂN DƯƠNG/ GDVN 12-9-2018

Ảnh minh họa: anninhthudo.vn
Báo Thanhtra.com.vn đưa tin, tại phiên họp ngày 5/9/2018 của Ủy ban Tư pháp Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Mạnh Cường nêu ý kiến:
Năm 2018, số lượng bản kê khai là rất lớn nhưng chỉ xác minh được 44 người/1.136.902 người đã kê khai.
Việc xác minh chủ yếu phục vụ cho công tác cán bộ, bổ nhiệm. Kết quả xác minh phát hiện có 6 trường hợp vi phạm, tăng 1 trường hợp so với năm 2017”. [1]
Theo phát biểu của ông Cường, việc xác minh bản kê khai tài sản (của 44 người) là để phục vụ cho “công tác cán bộ, bổ nhiệm”. Như vậy có hai khả năng xảy ra:
Thứ nhất những người đó thuộc diện được quy hoạch, có thành tích công tác nổi trội hơn người khác, có đạo đức trong sáng, tức là những cá nhân xuất sắc, được tổ chức quan tâm, chuẩn bị bổ nhiệm chức vụ mới;
Thứ hai, có thể có trường hợp cần làm rõ thêm trước khi quyết định kỷ luật (hoặc bổ nhiệm).
Nếu việc xác minh chỉ nhằm phục vụ công tác bổ nhiệm thì đương sự phải thuộc diện “xuất sắc”, thế nhưng 6 trong số 44 người tạm gọi là “xuất sắc” đó bị kết luận là “vi phạm”, chiếm tỷ lệ tới 13,6%.
Số còn lại, tức là những người không cần xác minh bản khai tài sản, theo phép suy đoán thông thường có lẽ (hay chắc chắn?) không “xuất sắc” hơn những người được dự kiến “bổ nhiệm”!
Nếu số còn lại không “xuất sắc” hơn và nếu cơ quan chức năng xác minh thì tỷ lệ 13,6% sẽ “ổn định” hay biến động, nếu biến động thì tăng hay giảm?
Số người vi phạm khi xác minh bản kê khai tài sản trong 4 năm qua dao động trong khoảng 3-6 phần triệu (làm tròn), cụ thể năm 2015 là 5 phần triệu; [2] Năm 2016 là 3 phần triệu; [3] Năm 2017 là 5 phần triệu và năm 2018 là 6 phần triệu. [4]
Nếu những con số phản ánh đúng thực tế thì quả là hồng phúc của dân tộc.
Đánh giá mức độc hại của khói nhà máy nhiệt điện, giới chuyên môn cho rằng nếu lọc được 99% lượng SO2 (điôxit lưu huỳnh) trong khói là tuyệt vời, 1% còn lại hoàn toàn đảm bảo an toàn cho sức khỏe cư dân khu vực tiếp giáp nhà máy. [5]
Vậy chỉ có 3-6 phần triệu người phải kê khai tài sản “có vấn đề” thì mức độ “an toàn” của bộ máy là trên cả tuyệt vời?
Thống kê trong “Sách Trắng” do Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao công bố cho thấy:
Năm 2015 tổng số vụ án đã khởi tố trên toàn quốc là 72.450 với 109.096 bị can, chiếm tỷ lệ 0,15% so với tổng dân số có độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự”. [6]
Cùng trong năm 2015, chỉ có 5 phần triệu cán bộ phải kê khai tài sản “có vấn đề” trong khi dân (ở độ tuổi chịu trách nhiệm hình sự) đã bị khởi tố là 0,15%.
Làm một phép so sánh đơn giản đơn giản thế này, tỷ lệ phạm tội của dân 0,15% nghĩa là cứ 1 vạn dân thì có 15 người phạm tội, một triệu dân có 1.500 người phạm tội.
Chia 1.500 cho 5 sẽ thấy cứ 300 người dân bị khởi tố thì mới có một cán bộ có vấn đề về kê khai tài sản, nhưng chưa thấy ai bị khởi tố như dân.
Cán bộ trong sạch đến thế sao dân vẫn mất niềm tin? Người xưa nói: “Thái quá bất cập”, bất luận cái gì “quá” cũng không tốt, “trong sạch quá” thì trở thành tầm thường, đáng nghi ngờ.
Người bảo vệ pháp luật, cầm trong tay chiếc cân công lý có lẽ nào lại không quan tâm đến đạo lý ấy?
Hãy lấy ví dụ sự kiện khu đô thị mới Thủ Thiêm ở Thành phố Hồ Chí Minh để biết sự “trong sạch” của cán bộ thực sự thế nào?
Kể từ khi có quyết định của Thủ tướng Chính phủ về dự án Thủ Thiêm (1996), đến nay đã qua 22 năm, tức gần một phần ba đời người, dân kêu thì cứ kêu, ra Hà Nội lập “Làng Thủ Thiêm” là việc của dân, guồng máy công quyền Thành phố Hồ Chí Minh dẫu sao chạy vẫn “lì”!
Bí thư Thành ủy đương nhiệm Nguyễn Thiện Nhân từng nói với bà con Thủ Thiêm đại ý rằng thành phố rất quan tâm đến đời sống của bà con nhân dân, luôn giữ lời hứa với dân.
Zingnews dẫn lời ông Nhân nói với cựu đại tá quân đội Hồng Minh Hải: “Gia đình anh là sĩ quan quân đội mà để anh phải ở nhà này, tôi thấy hổ thẹn quá”. [7]
Kết luận của Thanh tra Chính phủ về vụ việc Thủ Thiêm chỉ rõ sai phạm từ quận đến trung ương, những địa chỉ được nêu trong kết luận gồm “Công ty Đo đạc Địa chính – Công trình, Sở Địa chính, Ủy ban Nhân dân Quận 2, Ủy ban Nhân dân Thành phố và Văn phòng Chính phủ”.
Thế chẳng nhẽ chỉ có từng ấy địa chỉ?
Để vụ việc (dân khiếu nại) kéo dài tới 20 năm đâu phải chỉ là trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức đã nêu, nếu thiếu thì phải bổ sung thêm các địa chỉ nào?
Thứ nhất là lãnh đạo cao nhất của Thành phố Hồ Chí Minh.
Dự án Thủ Thiêm được Thủ tướng phê duyệt năm 1996 bởi Quyết định số 367. Từ đó đến nay thành phố Thành phố Hồ Chí Minh đã qua 4 đời Chủ tịch Ủy ban Nhân dân gồm:
1. Ông Võ Viết Thanh, Chủ tịch thành phố từ 1996 - 2001;
2. Ông Lê Thanh Hải, Chủ tịch thành phố từ 2001 - 2006; Ông Hải còn là Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2005 - 2010, tái đắc cử chức Bí thư Thành ủy nhiệm kỳ 2010-2015;
3. Ông Lê Hoàng Quân, Chủ tịch thành phố từ 2006 - 2015 (hai nhiệm kỳ); Ông Quân từng là Phó Bí thư Thường trực Thành ủy.
4. Ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch đương nhiệm. Đầu năm 2007, ông Phong chính là Thành ủy viên, Bí thư Quận ủy Quận 2 (địa chỉ được Thanh tra Chính phủ đề cập), ông Phong cũng là Phó Bí thư Thành ủy Thành phố Hồ Chí Minh từ năm 2010 đến nay.
Trong buổi họp ngày 15/5/2018 với sự tham gia của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Thủ tướng yêu cầu các bộ:
“Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng, Tư pháp và Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ trong quá trình rà soát, giải quyết các vụ việc khiếu nại”.
Một khi đã đề cập đến chức năng quản lý nhà nước (vụ Thủ Thiêm) thì không chỉ các Bộ Xây Dựng, Tài nguyên - Môi trường, Tư pháp mà còn nhiều bộ, ngành khác.
Theo kết luận của Thanh tra Chính phủ, không ít quyết định của Ủy ban Nhân dân thành phố trái với quyết định của Thủ tướng, thay đổi nội dung trong quyết định của Thủ tướng, chẳng hạn  ra quyết định thay thế quyết định của Thủ tướng, không dành 160 ha đất phục vụ công tác tái định cư như dự án mà Thủ tướng phê duyệt,… Thậm chí thành phố này còn ban hành văn bản thay thế quyết định của Thủ tướng!
Trả lời câu hỏi: “Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có làm trái luật” có phải chỉ là nhiệm vụ của Bộ Tư pháp hay còn của cả Công an, Kiểm sát và các cơ quan bên Đảng?
Rất nhiều doanh nghiệp đầu tư vào Thủ Thiêm, số vốn đầu tư lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng (4 con đường trong Khu đô thị Thủ Thiêm được định giá gần 12.000 tỷ đồng), chẳng lẽ Bộ Kế hoạch và Đầu tư không có chút gì liên quan?
Có một câu hỏi nhiều bài báo đã đề cập, đó là vai trò của đoàn đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh?
Báo điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam Vov.vn ngày 11/5/2018 dẫn ý kiến Trưởng Ban Tiếp công dân Trung ương Nguyễn Hồng Điệp:
Đáng nhẽ Hội đồng Nhân dân, Đoàn Đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phải giám sát cách đây 7-8 năm trước”.
Bảy tám năm trước tức là khoảng năm 2010-2011, có một vị đại biểu Quốc hội được dân bầu từ năm 2011 đến nay, thế mà mãi tới ngày 10/5/2018 người dân mới nghe được câu nói của vị đại biểu này:
“Còn làm Đại biểu Quốc hội ngày nào tôi sẽ tiếp tục đồng hành cùng người dân”.
Thế dân có nên mừng vì có người đồng hành cùng mình từ tháng 5 năm 2018 đến nay?
Ngoài các cơ quan thuộc khối hành pháp, Thanh tra Chính phủ không nhắc đến vai trò của Mặt trận Tổ quốc, các ban, ngành, đoàn thể,… là tuân theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn.
Tuy nhiên việc không đề cập đến vai trò của chính cơ quan Thanh tra Chính phủ là điều khó hiểu bởi Thanh tra Chính phủ đã kết luận sai phạm của cơ quan ngang bộ là Văn phòng Chính phủ như sau:
Đối với Văn phòng Chính phủ, xem xét để xử lý trách nhiệm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan đến các thiếu sót, khuyết điểm trong việc lưu trữ hồ sơ, bản vẽ quy hoạch”.
Báo Danviet.vn viết: “Câu chuyện mất bản đồ, hay câu chuyện đột ngột dừng thanh tra một dự án khuất tất liên quan hàng chục ngàn hộ dân, đến giờ này không còn là chuyện "nội bộ" của Thành phố Hồ Chí Minh và Thanh tra Chính phủ với những văn bản lẽ ra phải công khai lại được che giấu bằng "dấu mật", phải được xử lý rốt ráo từ cấp cao hơn”. [8]
Tạp chí điện tử Làng Mới - Cơ quan của Trung ương Hội Nông Dân Việt Nam - trong bài: “Phải trả lời vì sao dừng thanh tra Thủ Thiêm?” nêu ý kiến chất vấn của Đại biểu Đặng Thuần Phong - Đoàn Đại biểu quốc hội tỉnh Bến Tre gửi TổngThanh tra Chính phủ:
“Vì sao dừng việc thanh tra Thủ Thiêm trước đây; Vì sao công tác tiếp công dân nhiều năm liền không phản ánh gì về vấn đề Thủ Thiêm.
Dân khiếu nại tố cáo thành làng Thủ Thiêm ở Hà Nội mà báo cáo công tác khiếu nại tố cáo hàng năm của Chính phủ hàng năm hoàn toàn không đề cập”.
Bài báo viết tiếp: “Sau 3 năm dừng thanh tra khu đô thị Thủ Thiêm bằng văn bản mật, sáng nay 30/5(2018) Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái đã giao các bộ phận liên quan làm báo cáo để trả lời Đại biểu quốc hội”. [9]
Như vậy trong kết luận của Thanh tra Chính phủ, vấn đề mà Đại biểu Quốc hội Đặng Thuần Phong yêu cầu liên quan đến chính vụ việc Thủ Thiêm không được thể hiện, phải chăng Thanh tra Chính phủ sẽ trả lời riêng cho ông Đặng Thuần Phong?
Nếu có một văn bản trả lời từ phía Thanh tra Chính phủ, với tư cách là người được dân bầu, ông Đặng Thuần Phong có nên công bố văn bản đó trên truyền thông hay văn bản này cũng phải đóng dấu “mật”?
Một khi Thanh tra Chính phủ đã kết luận: “Ủy ban Nhân dân Thành phố (Hồ Chí Minh) đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi Khu tái định cư 160 ha thuộc 05 phường đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt” thì tiếp theo sẽ là gì?
“Vi phạm các quy định của pháp luật” kéo dài liên tục trong vòng 20 năm có phải là vi phạm nghiêm trọng? Nếu nghiêm trọng thì phải khởi tố vụ án, khởi tố bị can hay theo truyền thống sẽ là “rút kinh nghiệm”?
Tỷ lệ dân bị xử gấp 300 lần so với cán bộ chỉ là con số tương đối, nếu vụ việc Thủ Thiêm đến đây là kết thúc thì nhà nước sẽ giải thích thế nào về “Thượng tôn pháp luật”?
Tài liệu tham khảo:
[1] http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/trieu-nguoi-ke-khai-chi-xac-minh-44-truong-hop-tong-thanh-tra-ly-giai_t114c1059n138240
[2] https://dantri.com.vn/xa-hoi/41-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-khong-trung-thuc-khong-co-co-so-nghi-ngo-1436873558.htm
[3] https://nld.com.vn/thoi-su/hon-11-trieu-nguoi-ke-khai-tai-san-nhung-chi-3-thieu-trung-thuc-20170905163636347.htm
[4] https://www.tienphong.vn/phap-luat/ke-khai-tai-san-chi-5-phan-trieu-can-bo-khong-trung-thuc-1090799.tpo
[5] http://gereports.vn/khu-khi-doc-trong-khoi-thai-dien-than/
[6] http://vneconomy.vn/thoi-su/tinh-hinh-toi-pham-tai-viet-nam-2015-trong-sach-trang-20151204110812348.htm
[7] https://news.zing.vn/ba-con-thu-thiem-noi-gi-sau-khi-thanh-tra-chi-ra-sai-pham-cua-ubnd-tp-post875330.html
[8] http://danviet.vn/tin-tuc/ban-do-thu-thiem-mat-tich-va-chuyen-dung-thanh-tra-dot-ngot-872084.html
[9] http://langmoi.vn/phai-tra-loi-vi-sao-dung-thanh-tra-thu-thiem/
Xuân Dương
TIN BÀI LIÊN QUAN:
TRAO ĐỔI VỚI ÔNG TÔ VĂN TRƯỜNG 

NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 10-9-2018

Tôi vừa đọc bài “Nhân sự cấp chiến lược – bài toán khó đang cần lời giải” của ông Tô Văn Trường, đăng trên trang BauxiteVN ngày 29/8/2018. Tôi tán thành các ý kiến về tình trạng hiện tại, được viết trong mục 1 và có ý kiến phản biện một số vấn đề ở mục 2 và 3.
Mục 1: Trình bày các vấn đề: Băn khoăn lớn nhất; Thực trạng cán bộ và bất cập trong quản lý kinh tế – xã hội; Tham nhũng, bất công khủng khiếp; Sự giả dối lên ngôi; Quan hệ với Trung Quốc thiếu bình đẳng đến bạc nhược; Việt Nam bấn loạn về đại vấn đề nợ công, nợ xấu; Doanh nghiệp nhà nước phần lớn làm ăn thua lỗ; Môi trường sống suy thoái nghiêm trọng.
Về tình trạng hiện tại liên quan đến nhân sự cấp chiến lược có thể kể thêm vài vấn đề nữa như sự khủng hoảng của giáo dục, sự băng hoại của đạo đức, sự tha hóa của tư pháp v.v…, nhưng như thế cũng tạm đủ.
Mục 2: Nghiên cứu và hoàn thiện pháp lý về tổ chức, quản lý cán bộ trong nhà nước pháp quyền và nền kinh tế thị trường.
Trong mục này ông Trường cho rằng: “Vấn đề chủ yếu hiện nay phải có được chủ thuyết phát triển đúng đắn, … có chiến lược phát triển con người phù hợp với chủ thuyết phát triển và cần có quyết tâm chính trị cao nhất để ưu tiên thực hiện được các chiến lược đó”. Sau khi nêu thêm một số ý kiến, ông Trường viết: “Đó là điều trước hết cần làm và Đảng CSVN hoàn toàn có thể làm được!”
Tôi nhất trí với ông đoạn đầu (đó là điều cần làm), nhưng rất khó chấp nhận đoạn sau (Đảng CSVN hoàn toàn có thể làm được). Theo tôi việc ĐCSVN làm được điều ông Trường đề nghị có xác suất chỉ dưới 1%. Muốn làm được ĐCSVN phải từ bỏ chủ thuyết Mác Lê nin đã quá lỗi thời, phải tự biến đổi từ một đảng cách mạng thành đảng chính trị. Đó là điều mà ĐCSVN hiện nay không muốn làm, không thể làm. Chính thức và công khai, toàn Đảng răm rắp theo đường lối do Tổng Bí vạch ra là kiên trì Mác Lê, khẳng định đó là chủ thuyết phát triển đúng đắn nhất, đảng viên nào dám nghi ngờ sẽ bị khai trừ.
Mục 3: Giải pháp thực hiện
Đây là phần chủ chốt, quan trọng. Ông Trường viết: “Để một xã hội phát triển lành mạnh về phía tiến bộ cần có (1) Một học thuyết phát triển đủ tốt và đủ tiên tiến; (2) Một hệ thống luật pháp & thể chế & bộ máy nhà nước & thị trường tổ chức tốt; (3) Những cá nhân, con người tốt, quả cảm, tài năng và đạo đức tức là đủ phẩm chất lắp vào các vị trí của hệ thống số (2), và (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2)”.
Tôi nghĩ hơi khác, cho rằng quan trọng nhất là làm sao có được người thực sự tài giỏi và liêm chính để lãnh đạo quốc gia, làm sao có được đội ngũ trí thức tinh hoa tham gia quản lý nhà nước và xã hội. Chính những người đó sẽ lựa chọn học thuyết tiến bộ, sẽ tạo ra hệ thống luật pháp, thể chế, bộ máy. Như vậy không chỉ (3) thường đồng thời là sản phẩm của (1) và (2) mà chủ yếu (3) là nguyên nhân, là động lực của (1) và (2).
Quan hệ giữa (3) với (1) và (2) không phải theo đường thẳng mà theo vòng xoắn, nó giống như quan hệ giữa thời thế và anh hùng hoặc giữa con gà và quả trứng. Vòng đó có thể theo hướng mở rộng hoặc thu hẹp dần. Khi vòng thu hẹp, dần về hướng xấu (như xã hội VN hiện nay) thì phải tìm cách dừng lại và đổi chiều. Dừng lại và bắt đầu đổi chiều từ chỗ nào do con người nhận thức và hành động.
Nói rằng số (1) là học thuyết tiên tiến. Hỏi: Ai sẽ tìm ra, ai chấp nhận học thuyết ấy, phải chăng là những đầu óc đã xơ cứng vì Chủ nghĩa Mác Lê. Nói rằng số (2) là một hệ thống luật pháp & thể chế tốt. Hỏi: Ai sẽ xây dựng nên luật pháp và thể chế đó khi Đảng vẫn ngồi xổm lên trên toàn bộ hệ thống quyền lực nhà nước. Hơn nữa việc ban hành luật không quan trọng bằng việc thi hành luật. Có được luật thật hay, mà không ai thi hành thì luật cũng chẳng có giá trị gì. Ngay cả những điều ghi rõ ràng trong Hiến pháp mà đảng thấy không có lợi cho sự toàn trị thì vẫn không cho thi hành.
Nhưng làm sao để có được người tài giỏi, có được đội ngũ trí thức tinh hoa để đưa vào Nhân sự cấp chiến lược. Đó là bài toán khó, rất khó đang cần lời giải.
Mặc dầu Đảng đã có nhiều chính sách, nhiều nghị quyết về vấn đề này, nhưng xét ra đều chọn sai phương hướng, đã dùng sai biện pháp, nghĩa là đã sai từ gốc. Đó là đặt tiêu chuẩn lựa chọn cán bộ nguồn không phù hợp, là cấp ủy cũ chọn cán bộ mới, là việc bầu cử chỉ là dân chủ giả hiệu. Mà đã sai từ gốc thì khó có thể tìm được những người chân chính, mà phần lớn chọn phải kẻ cơ hội đầy mưu ma chước quỷ và ngụy trang rất khéo.
Ông Trường đã tương đối đúng khi viết: “cần có 1 lãnh tụ đúng nghĩa và bản lĩnh”. Tương đối đúng vì đảng cách mạng mới cần lãnh tụ, còn dân tộc và đảng chính trị cần người lãnh đạo. Lịch sử chứng tỏ rằng lãnh tụ dễ tạo ra sùng bái cá nhân. Vậy ở đâu ra, bằng cách nào có được con người như vậy. Đó là Mendela của Nam Phi, là Mahathir của Malaysia, Walesa của Ba Lan, là Havel của Tiêp khắc là Gocbatrov và Elsin của Nga. Hình như họ được Thượng Đế sinh ra cho Dân tộc, được khí thiêng sông núi hun đúc nên và quan trọng là gặp được thời cơ. Việt Nam cũng đã từng có những người như Trần Độ, Trần Xuân Bách, nhưng chưa gặp thời nên chỉ mới lóe sáng một thời gian ngắn.
Ông Trường cho rằng: “Hệ thống luật pháp và thể chế này (2) vừa sử dụng lại cũng vừa phát triển và giám sát các cá nhân (3) đó, khiến cho họ “không muốn, không dám, và không thể” tham nhũng, rộng hơn là phải đáp ứng được yêu cầu của vị trí công việc. Hệ thống cũng rất sớm phát hiện và đào thải những cá nhân không phù hợp” Xin thưa, bản thân hệ thống không làm được gì cụ thể cả (phát hiện, đào thải), mà chỉ là chỗ dựa cho những con người có năng lực và đạo đức. Hiến pháp của Việt Nam có một số điều khoản tiến bộ về nhân quyền, nhưng người ta không cho thi hành.
Về đổi mới tư duy. Xin đừng quá hy vọng vào sự tác động từ ngoài (phê bình, góp ý chẳng hạn) để đổi mới tư duy cho những đầu óc bã đậu hoặc xơ cứng. Nên hiểu đổi mới tư duy cho tổ chức, nghĩa là dùng người có tư duy mới, tiến bộ thay cho người có tư duy cũ, lạc hậu. Việc đổi mới tư duy của cá nhân phải được tự thực hiện từ bên trong, còn tác dụng từ ngoài chỉ là cú hích chứ không quyết định.
Ông Trường viết: “Việc quan trọng và cấp thiết hơn, nhất thiết phải làm trước, đó là cần thảo luận dân chủ, công khai rộng rãi trong đảng và trong cả nước, để đi tới đánh giá thống nhất về 2 vấn đề lớn” (thực trạng đất nước và nguyên nhân). Phải chăng ông đã quá ngây thơ, quá ảo tưởng khi đề xuất ý kiến này, làm cái việc “Nước đổ đầu vịt” hoặc “Đàn gẩy tai trâu”. Ông Võ Văn Thưởng đã từng nói đến đối thoại, nhưng rồi sự đàn áp tự do ngôn luận càng ngày càng tăng. Hiện nay trên các trang mạng xã hội vẫn thảo luận 2 vấn đề lớn như đề xuất của ông, nhưng đều bị gán cho là ý kiến của thế lực thù địch. Theo Đảng thì thế lực thù địch phải bị tiêu diệt tận gốc như kẻ thù giai cấp. Làm gì có chuyện thảo luận dân chủ, công khai trong cả nước.
Ông Trường nêu ra nhiều biện pháp, mới nghe qua thấy rất hay, rất đúng. Ông viết: “Điều đó, Đảng với đội ngũ trí thức hiện nay hoàn toàn có khả năng làm được và là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân.”
Ở VN hiện nay có một lực lượng trí thức của Đảng, họ tập hợp trong Hội đồng lý luận, trong các trường chính trị, trong Viện Hàn lâm KHXH. Ngoài ra có nhiều trí thức khác đang hoạt động tự do. Không biết ông Trường trông cậy vào “đội ngũ trí thức” nào. Có lẽ ông đã bị nhầm khi đặt trông đợi vào trí thức của Đảng. Phần đông họ là loại hữu danh vô thực, hoặc có hiểu biết nhưng thiếu dũng cảm. Còn loại trí thức tự do thì Đảng đang xem họ như thế lực thù địch.
Còn bản thân Đảng. Cứ như những biểu hiện từ trước tới nay thì Đảng không thể làm theo các điều do ông Trường đề xuất khi vẫn kiên trì Chủ nghĩa Mác Lê, vẫn cố giữ sự độc quyền toàn trị, khi vẫn đặt Đảng cao hơn tất thảy. Đảng chỉ có thể làm được khi từ bỏ Mác Lê và sự độc quyền toàn trị, trở thành một đảng chính trị theo đúng nghĩa. Nhưng đối với số đông lãnh đạo đảng các cấp thì đó là việc làm mang tính lột xác đau đớn mà họ không dám nghĩ tới chứ đừng nói là dám làm.
Theo tôi thì nguyên nhân gốc của nhiều tệ hại hiện nay, (trong đó bao gồm cả những sai lầm về cán bộ, về nhân sự cấp chiến lược, về hệ thống luật pháp và thể chế…) là sự kết hợp và cộng hưởng giữa những yếu kém trong truyền thống văn hóa dân tộc với những độc hại của Chủ nghĩa Mác Lê. Sự kết hợp này là tự động, không có ai chủ trương hoặc vạch kế hoạch.
Để khác phục những yếu kém trong truyền thống cần làm từ từ và tốt nhất là có tác động của một chính quyền liêm chính, vững mạnh, một nền giáo dục nhân văn và khai phóng. Điều kiện cần và cấp thiết là từ bỏ Mác Lê. Nếu không từ bỏ được Mác Lê thì mọi biện pháp đề xuất chỉ là vá víu, nói thì tỏ ra hay, nhưng không thể thực hiện triệt để.
Tôi đã đọc khá nhiều bài của Tô Văn Trường về các vấn đề kỹ thuật, tôi cảm phục sự hiểu biết sâu sắc, sự phân tích kỹ càng, đầy đủ của ông. Riêng về bài “Nhân sự cấp chiến lược…”, có đụng chạm đến sự lãnh đạo của Đảng. Hình như ông cũng thấy rõ những bất cập từ gốc, nhưng còn ngại chưa mạnh dạn viết ra. Tôi nghĩ rằng những điều tôi viết trên đây ông đều biết cả và có thể còn biết sâu hơn, nhưng ông chưa viết ra được vì còn sợ. Chẳng là tôi đã bớt sợ nên dám viết ra những suy nghĩ cá nhân để đóng góp vào sự thảo luận dân chủ và công khai như ông hằng mong muốn.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét