Thứ Ba, 14 tháng 8, 2018

20180814. BÌNH LUẬN VỀ THỦ TƯỚNG NGUYỄN XUÂN PHÚC

ĐIỂM BÁO MẠNG
GIẢI MÃ 'TẦM NHÌN' CỦA THỦ TƯỚNG

MẠNH KIM/ Blog VOA 13-8-2018

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố "Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017", Hà Nội, 28/8/2017
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại lễ công bố "Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam năm 2017", Hà Nội, 28/8/2017
Trong hơn 120 ngày làm thủ tướng tính đến thời điểm hiện tại, ông Nguyễn Xuân Phúc đã đóng dấu ấn với những “chỉ đạo” và “đề nghị” độc đáo cho từng địa phương mà ông “đến và làm việc”. Với Tây Nguyên, vì là “vùng cao về địa lý thì không thể và không nên là vùng trũng giáo dục của cả nước”; với Nghệ An, đây phải là “vùng đất khởi nghiệp và thu hút nhân tài”; với Bắc Ninh, đây phải là “thủ phủ của sản xuất điện tử sáng tạo của châu Á và thế giới”; với Bình Phước, nơi này phải là “thủ phủ của nông nghiệp công nghiệp cao”; với Ninh Bình, đây phải là “trung tâm du lịch tầm cỡ quốc tế”…
Trong các cuộc làm việc gần đây, ông Nguyễn Xuân Phúc tiếp tục “chỉ đạo” bằng những “viễn kiến” và “tầm nhìn” tương tự. Ngày 10-8-2018, khi đến Cần Thơ, ông “đề nghị Đại học Cần Thơ cần mạnh dạn thay đổi sứ mệnh phụng sự xã hội và có tầm nhìn phát triển” để trở thành “một trong 20 trường đại học hàng đầu về nghiên cứu ở Đông Nam Á vào năm 2030, là mô hình đại học kiểu mẫu của Việt Nam thông qua sự kết hợp các tri thức cơ bản với giáo dục thực tế…, (để rồi) trong tương lai không xa, Đại học Cần Thơ sẽ là một trong top 1.000 trường đại học thế giới”. Riêng về địa phương Cần Thơ, ông nói: “Ở nước ta đã có những thành phố đáng sống thì Cần Thơ có tiềm năng trở thành một thành phố sông nước, một đô thị sinh thái đáng sống" (VOV, 10-8-2018).
Trước đó, khi đến “thăm và làm việc” tại tỉnh Lâm Đồng ngày 30-7-2018, ông đã “gợi ý” mô hình “tam giác ba góc nhọn” để tỉnh này có thể theo đó mà phát triển: “Góc nhọn thứ nhất là mô hình phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao; góc nhọn thứ hai là công nghiệp chế biến sản phẩm nông nghiệp; góc nhọn thứ ba là du lịch gắn với nông nghiệp công nghệ cao. Theo cách này mới có thể phát triển bền vững tốc độ cao được” (VietnamNet, 30-7-2018). Và trước đó không lâu nữa, khi đến Sóc Trăng ngày 19-6-2018, công thức “ba góc nhọn” đã được thể hiện bằng “ba trụ cột” (nông nghiệp công nghệ cao thích ứng với biến đổi khí hậu; thủy sản sạch liên kết với ngành công nghiệp chế biến được định vị ở phân khúc cấp cao; và du lịch sinh thái gắn với phát triển các mô hình nông nghiệp sạch, thông minh). Cũng tại Sóc Trăng, ngoài “ba trụ cột”, ông thủ tướng còn đưa ra mô hình “sáu nhà” (nhà nông, nhà nước, nhà đầu tư, nhà băng, nhà khoa học và nhà phân phối), với đề nghị Sóc Trăng cần “xây dựng chuỗi giá trị và quy trình sản xuất các mặt hàng nông sản theo mô hình này” (TTXVN, 19-6-2018).
Không chỉ trong các buổi làm việc tại các địa phương, ở những cuộc họp ban ngành với những chủ đề khác nhau, ông Nguyễn Xuân Phúc cũng thường gây “hoang mang” với những nhận xét hoặc chỉ đạo bằng sự diễn đạt tối nghĩa. Ngày 27-7-2018, khi dự Hội nghị về di sản quốc gia, ông đã “phát biểu kết luận hội nghị” bằng việc nhấn mạnh: “Di sản về bản chất là thuộc về quá khứ và dễ bị ngủ yên. Vì vậy phải luôn “sáng tạo, năng động” để di sản có giá trị trong cuộc sống của thế hệ hiện tại hoặc phải giáo dục về di sản để tạo nguồn cảm hứng nuôi dưỡng lòng tự hào và tự tôn dân tộc hoặc phải tìm các biện pháp phù hợp như cập nhật chính sách, luật pháp, phân cấp quản lý, đào tạo cán bộ, coi trọng chuyên gia để phát huy giá trị di sản tạo thương hiệu du lịch quốc gia, góp phần xóa đói giảm nghèo” (chinhphu.vn, 27-7-2018).
Đáng chú ý hơn cả là “tầm nhìn xa” của ông. Thủ tướng không chỉ muốn “TP.HCM phải là hòn ngọc chiếu sáng Viễn Đông”, “Đà Nẵng phải phát triển như Singapore và Hong Kong”, mà còn muốn ngành nông nghiệp phải vào “top 15 thế giới trong 10 năm nữa” (phát biểu tại Hội nghị thúc đẩy doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp tại Đà Lạt ngày 30-7-2018, nơi ông cũng nhân tiện đề nghị “mọi người cần ăn nhiều rau hơn, nhiều chất xơ hơn để phòng chống bệnh tật và thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp”). Và ông thường xuyên nói đi nói lại về cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 mà ông cho rằng đó là “một cuộc chơi; và mỗi quốc gia, trong đó có Việt Nam, là một phần trong đó” (Zing, 12-7-2018).
Khó có thể biết ông thủ tướng căn cứ vào thực tế nào để đưa ra những phát biểu “chỉ đạo” một cách đầy “hình tượng hóa” cho con đường phát triển quốc gia. Ông sắp đặt một tương lai đầy tham vọng nhưng ông không hề cho thấy ông biết cách điều chỉnh hiện tại như thế nào để soạn thảo các bước phát triển nhắm đến mục tiêu tương lai. Làm thế nào để xây dựng tương lai trong khi hiện tại là những đống đổ nát liên tục chồng chất từng ngày? Với tư cách là người đứng đầu chính phủ, hẳn nhiên ông biết rõ đất nước đang đối mặt những khó khăn nào, trong đó đặc biệt quan trọng là sự mục ruỗng thể chế và sự mất kiểm soát trong bộ máy quản lý từ trung ương đến địa phương. Cơ chế phát triển đất nước là một tổng thể của cơ chế quản lý vĩ mô chứ không phải gán ghép “đầu tàu” hoặc “thủ phủ” cho từng địa phương, trong khi đầu tàu quốc gia ngày càng đi chệch và đi lạc khỏi xu hướng phát triển của thời đại và của thế giới.
Thế nhưng ông thủ tướng vẫn “lạc quan” mơ đến ngày Hà Nội hoặc Sài Gòn bằng Paris hay Hong Kong. Ông chưa bao giờ e ngại việc phung phí ngôn từ cho những giấc mơ và “tầm nhìn” của ông. Ông thủ tướng cũng không tỏ ra thận trọng và dè dặt trong việc “định vị tương lai” trong “bối cảnh Việt Nam hội nhập khu vực và thế giới”, bất chấp việc những phát biểu của ông có thể được trích dẫn trên báo chí nước ngoài, vì rằng, thể chế chính trị mà ông đang hiện diện không hề có cơ chế kiểm soát và đánh giá năng lực điều hành lẫn phát biểu của quan chức chính phủ. Ông và chính quyền của ông không đối mặt đảng đối lập nào để có thể bị “check and balance” hành vi lẫn ngôn từ của mình. Điều đó khiến ông thủ tướng cảm thấy “tự tin” hơn cho những phác họa tương lai không có thực. Tuy nhiên, khi ông càng “tự tin”, cá nhân ông và chính phủ của ông ngày càng mất niềm tin nghiêm trọng nơi người dân. Khi ông “tự tin” vào sự độc diễn của đảng cai trị cũng như sự độc diễn của cá nhân ông, ông thủ tướng đã cùng lúc làm xói lở niềm tin người dân vốn đã và đang nhìn vào chính quyền cai trị với ánh mắt bất tín hơn bao giờ hết.
16x9 Image
MẠNH KIM

THÔNG ĐIỆP GỞI THỦ TƯỚNG PHÚC

TRƯƠNG NHÂN TUẤN/FB Nhân Tuấn Trương/ BVN 13-8-2018
https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2018/08/NXP-ngheo-300x200.jpg
Thủ tướng TQ Lý Khắc Cường đón Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ảnh: internet
Đọc báo thấy Thủ tướng Phúc than rằng “đi mãi đường cũ thì kinh tế không thể phát triển được”.
Mọi người nghĩ sao? Cá nhân tôi thì thấy là Thủ tướng đã “chân thành khai báo” rằng “kinh tế VN đã không phát triển” với mô hình “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Theo tôi, nhìn thấy được vấn đề cũng là rất khá! Câu hỏi đặt ra, Thủ tướng muốn “đi đường khác” hay trở lại “đường xưa”?
Đường xưa đã biết, là đường lên xã hội chủ nghĩa. “Đường khác” là đường nào?
Trung Quốc (TQ) hiện thời cũng đang đặt lại câu hỏi: tiếp tục theo đường mới khẳng định của Tập đại đại hay quay lại đường cũ của Đặng gia gia?
Đối với TQ, đường nào e rằng cũng khó, đi lên kẹt núi trở lại kẹt sông!
Cái “thê lương” của học giả TQ là họ ảo tưởng về “sự phát triển thần kỳ” của TQ. Họ không thấy rằng sự phát triển này tương tự như chơi cờ gian bạc lận. Nhưng sai lầm của học giả TQ không đến đỗi. Dầu sao thì TQ hôm nay cũng đã “có vốn”. Nhiều khả năng cho thấy TQ sẽ “chịu thua” trong chiến tranh thương mãi với Mỹ. Trường hợp này TQ sẽ phải nhượng bộ, như cho phép xí nghiệp Mỹ cạnh tranh “tay ngang” với các xí nghiệp nội địa. TQ bãi bỏ chính sách “trợ giá” đồng thời tư hữu hóa các xí nghiệp nhà nước và cho phép tư bản nước ngoài mua lại các xí nghiệp này. TQ mở cửa thị trường “tài chánh” vốn xưa nay chịu sự chỉ đạo, nếu không nói là lãnh vực độc quyền của nhà nước. TQ cam kết không sử dụng, không “ăn cắp” sở hữu trí tuệ. TQ bãi bỏ quan niệm “chủ quyền không gian mạng” để các xí nghiệp Google, Facebook… tự do kinh doanh. TQ cam kết tôn trọng nhân quyền v.v…
Thì chắc chắn trong một hai thập niên, TQ sẽ trở thành một cường quốc tư bản như Nhật, Đức, Pháp…
Nhưng sẽ không hề đơn giản cho Việt Nam (VN). Lời thú nhận của Thủ tướng Phúc cho phép học giả VN nghĩ lại về “thân phận của mình”. VN không phải là TQ nhưng áp dụng mô hình của TQ, từ chế độ chính trị cho tới mô hình phát triển kinh tế.
Mô hình TQ khủng hoảng đưa tới VN khủng hoảng.
Trở lại vấn đề, theo tôi, sẽ đơn giản cho VN nếu Thủ tướng đặt lại “trọng tâm” cho việc phát triển.
Nếu đặt trọng tâm ở đảng, ở việc “hoàn thành chỉ tiêu do đảng giao phó” thì đi đường nào cũng vậy, kết quả cũng “loanh hoanh”. Người dân hết thế hệ này sang thế hệ khác, “mõi mệt”, rồi chết đứng.
Theo tôi, VN “quay đầu là tới bến”, dễ hơn TQ.
Chỉ cần đặt lại mục tiêu phục vụ, từ chế độ chính trị cũng như mọi chính sách kinh tế, văn hóa, xã hội…. Người dân phải luôn là trọng tâm phục vụ.
Thay vì Thủ tướng ao ước “đầu tàu” này kia, thì thử một lần bắt chước các lãnh đạo Âu, Mỹ. Nói chi xa, lấy thí dụ ông Trump. Lời hứa lúc tranh cử của ông này là gì ? Nói là “Make America Great Again”, mà thực chất là hứa hẹn tạo công ăn việc làm cho mọi người.
Các nước giẫy chết, thủ lãnh chính trị nào khi ra tranh cử cũng cam kết việc tạo ra công ăn việc làm cho mọi người dân. Cam kết “khả năng mua sắm” của người dân ngày càng gia tăng. Cam kết đời sống an sinh xã hội mọi người dân ngày càng bảo đảm…
Nhìn cuộc chiến tranh thương mại giữa Mỹ và TQ hiện nay ta càng thấy VN không thể “đi lại đường xưa”. VN phải “đi trước đón đầu” từ việc thay đổi chế độ chính trị cho tới việc bãi bỏ nhận thức XHCN trong kinh tế.
Cái quán tính về những nhận thức “tư bản bóc lột”, “giai cấp vô sản”… khiến cho VN như người bị dị tật về trí tuệ, thường làm, hay phát biểu những điều đi trên mây. Đòn bánh tét dài nhứt thế giới, cái bánh chưng lớn nhứt thế giới, tô hủ tíu, tô phở… hoặc tỉnh này tỉnh nọ là đầu tàu phát triển, là trung tâm điện tử… nọ kia là những thí dụ điển hình.
Thủ tướng Phúc hãy giải tán hết những “cố vấn” vô dụng chung quanh. Một lần bắt chước các lãnh tụ Phương Tây, cam kết tạo công ăn việc làm cho từng người dân. Cam kết đem lại an sinh xã hội cho từng người dân.
Mà hứa thì ai hứa cũng được. Làm thì làm cách nào?
Nói là chế độ xã hội chủ nghĩa, là “con đường xưa em đi”, xây dựng công bằng cho mọi người. Xã hội chủ nghĩa là gì? Là xã hội trong đó nhà ở miễn phí, học sinh đi học miễn phí, bịnh nhân đi nhà thương, được chăm sóc sức khỏe không tốn tiền, thất nghiệp được trợ cấp xã hội, người nghèo được trợ cấp xã hội…
“Con đường xưa em đi” của VN: “cào bằng” tất cả, không nhìn nhận tư hữu, chủ trương công hữu. XHCN càng xây dựng thì càng sụp đổ. Càng “tiến lên” thì càng thấy “đi xuống” địa ngục.
Giật mình XHCH sụp đổ tứ phương, VN “đổi mới”, pha trộn vào “kinh tế thị trường”. Nhưng xã hội ngày càng hỗn mang, mọi trật tự đảo lộn. Công bằng xã hội không có mà chỉ thất bất công ngày càng sâu sắc. Nhà cửa giá bong bóng bay lên trời. Công nhân làm việc nhịn ăn ba đời không mua được căn nhà. Học trò đi học đóng học phí cao ngất ngưỡng. Trong khi “khả năng mua sắm” của VN đứng hàng gần chót trên thế giới…
Trong khi bọn “tư bản giẫy chết” Tây Âu, Bắc Âu lại kiến tạo được mô hình “nhà nước phúc lợi” mà Mác đã ước mơ, gọi là “xã hội chủ nghĩa”.
Bọn Tây Âu, Bắc Âu phát triển ra sao ? Chẳng có ông Thủ tướng nào hô hào “đầu tàu” nọ kia hết cả. Tất cả chỉ hứa “tạo công ăn việc làm cho mọi người”.
Chỉ khi mỗi người dân có công ăn việc làm thì “kho thuế” của nhà nước mới đầy, các quĩ an sinh xã hội mới đủ, kinh tế nội địa mới phát triển…
Thì Thủ tướng Phúc chần chờ gì nữa mà không “đi theo con đường phát triển” của các nước Tây Âu, Bắc Âu?
Thách thức của Thủ tướng Phúc túm lại là đa nguyên hóa chính trị, bãi bỏ chủ trương “chuyên chính” của đảng cộng sản. Nếu không làm được hai việc này thì Thủ tướng ơi, “đi đâu loanh quanh cho đời mỏi mệt”!
T.N.T.
Nguồn: FB Nhân Tuấn Trương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét