Thứ Tư, 8 tháng 8, 2018

20180808. VÌ SAO PHẢI ĐÀO TẠO THẠC SỸ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG ?

ĐIỂM BÁO MẠNG
THẠC SỸ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG: ĐÀO TẠO ĐỂ LÀM GÌ ?

THÀNH LUÂN /ĐV 5-8-2018

Thac si phong chong tham nhung: Dao tao de lam gi?
Phòng chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, công chức nhà nước
(Tin tức thời sự) - Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đặt câu hỏi, các thạc sĩ chuyên ngành phòng chống tham nhũng khi học xong ra sẽ làm gì? Ai nhận?
Từ năm 2018, Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội bắt đầu tổ chức chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Đây là chương trình đào tạo đầu tiên ở cấp độ thạc sĩ về vấn đề này ở nước ta, và cũng một trong những chương trình đầu tiên về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng đang được giảng dạy ở một số trường đại học trên thế giới.
Theo đại diện Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, chương trình được xây dựng với mục tiêu đào tạo các chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng cho các cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: Các cơ quan chuyên trách về phòng, tham nhũng các tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các cơ sở học thuật, các cơ quan truyền thông.
Trao đổi với Đất Việt, Luật sư Trần Quốc Thuận, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ ông cảm thấy hơi lạ khi nghe thông tin này trên báo chí và băn khoăn những thạc sĩ về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng này khi đào tạo xong sẽ làm gì và nơi nào sẽ nhận?
"Tôi không biết tại sao lại có chương trình đào tạo thạc sĩ về phòng, chống tham nhũng. Đào tạo để làm gì? Họ sẽ giữ vị trí gì? Vị trí tham mưu, đề xuất hay thế nào?"
Ông Thuận khẳng định, phòng chống tham nhũng là công việc, trách nhiệm mà bất kỳ nhà nước nào cũng phải làm, không riêng gì Việt Nam, bởi nó được coi như một biện pháp để bảo vệ chính quyền, chế độ của mình.
Bên cạnh đó, phòng, chống tham nhũng là nhiệm vụ thường xuyên của cán bộ, công chức nhà nước bởi theo Luật sư Trần Quốc Thuận, chỉ có công chức nhà nước, người có quyền mới tham nhũng được.
"Đây là bệnh cố hữu của người có quyền, người có quyền mới tạo ra nhũng nhiễu, tham ô, tham nhũng. Chính vì thế, người nên học về phòng, chống tham nhũng là cán bộ, công chức nhà nước. Nên đào tạo, nghiên cứu, thành lập các khoa liên quan đến phòng, chống tham nhũng trong các trường đảng, trường cán bộ, hành chính.
Trong các trường ấy mở khoa phòng, chống tham nhũng thì có lý hơn. Phải quán triệt, hệ thống lại về phóng, chống tham nhũng trong đội ngũ cán bộ công chức nhà nước, từ cán bộ đảng đến cán bộ chính quyền, cán bộ đoàn thể, mặt trận...
Muốn giảng thành một chuyên đề thì người người giảng phải có lý luận, đòi hỏi người giảng phải giỏi và được đào tạo", Luật sư Trần Quốc Thuận đề xuất.
Cũng cho ý kiến về chương trình đào tạo này, PGS.TS Võ Kim Sơn, nguyên Trưởng khoa Quản lý nhà nước và nhân sự, Học viện Hành chính Quốc gia cho biết ông chưa rõ chương trình này sẽ dạy những gì. Tuy nhiên, về nguyên tắc, dạy phòng chống tham nhũng cũng giống như dạy ăn cơm, người biết ăn cơm dạy người chưa biết ăn cơm, ông ví von.
"Nếu một người chưa biết gì về tham nhũng mà bây giờ dạy họ phòng, chống tham nhũng thì vô lý.
Không ai dạy được một người mà rồi người ấy có thể cầm cân nảy mực, chống được tham nhũng. Nếu thế thì nên dạy cho cả bộ máy còn hơn", PGS.TS Võ Kim Sơn bày tỏ quan điểm.
Ông Sơn băn khoăn, nếu dạy phòng chống tham nhũng tức là dạy cho người ta biết pháp luật phải xử lý nghiêm, hiệu quả, phải nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, giám sát xem người ta có nhận phong bì hay không... thì những chuyện đó đều đã nói nhiều mà thực tế làm không được bao nhiêu.
"Muốn phòng, chống tham nhũng thì phải dạy kiểu khác, chứ không phải dạy theo kiểu hàn lâm thế này", PGS.TS Võ Kim Sơn nói.
  • Thành Luân
CÂY XANH BỖNG THÀNH CỦI,  ĐUỐC, CHO VÀO LÒ SAO KHỎI XÓT XA !

Pv QUỐC TOẢN /GDVN 7-8-2018



(GDVN) - Những cây xanh bỗng chốc trở thành củi, đuốc mà chúng ta phải xót xa cho vào lò. Chẳng phải nguyên nhân căn bản là nền quản trị của chúng ta yếu kém sao?

LTS: Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước và phòng, chống tham nhũng. Đây là chương trình đào tạo đầu tiên cấp độ thạc sĩ về vấn đề này ở Việt Nam và sẽ bắt đầu từ năm 2018.
Một số ý kiến cho rằng, đây là vấn đề cần được ủng hộ nhằm nâng cao nhận thức của mọi người về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, không chỉ với người dân mà ngay cả với đội ngũ cán bộ công chức, thậm chí của cả một số người được gọi là “nhà khoa học".
Hôm 7/8 Phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Thanh tra, Thanh tra Chính phủ để làm rõ thêm vấn đề này.
Phóng viên: Quan điểm của ông thế nào về việc Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội vừa công bố chương trình đào tạo Thạc sĩ luật học về Quản trị Nhà nước về phòng, chống tham nhũng?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Đây là một Chương trình đào tạo đầy ý nghĩa trong bối cảnh Đảng và Nhà nước Việt Nam thể hiện quyết tâm rất lớn với những hành động cụ thể để đấu tranh với quốc nạn này.
Điều này thể hiện một sự thay đổi nhận thức mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Cuộc chiến không thể thành công một sớm một chiều và một cố gắng cần sự ủng hộ mạnh mẽ từ xã hội trong điều kiện không phải không có ý kiến băn khoăn về một chuyên ngành mới.
Thời gian gần đây, người dân ngày càng tin tưởng hơn vào quyết tâm của Đảng và Nhà nước khi một loạt các vụ việc lớn nhỏ bị phanh phui, hàng loạt cán bộ cấp cao, tướng tá công an, quân đội bị xử lý nghiêm khắc.

Hình ảnh cái "lò nóng" với "củi khô, củi tươi" lần lượt theo nhau vào lò thể hiện cuộc chiến đang thực sự quyết liệt, không có vùng cấm, bất cứ kẻ nào vi phạm. Trong ảnh: Bị cáo Đinh La Thăng tại tòa. Ảnh của Thông tấn xã Việt Nam.
Hình ảnh cái "lò nóng" với "củi khô, củi tươi" lần lượt theo nhau vào "lò" thể hiện cuộc chiến đang thực sự quyết liệt, không có vùng cấm, bất cứ kẻ nào vi phạm cũng đều không thoát khỏi sự trừng phạt nghiêm khắc nhất.
Mặc dù kết quả đó là đáng mừng nhưng thực ra đó cũng chỉ là việc xử lý phần ngọn, xử lý hệ quả của một nền quản trị yếu kém với một một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên hư hỏng biến chất mà thôi.
Không bao giờ được tự thỏa mãn với kết quả mới chỉ là bước đầu đó và lại càng không bao giờ được quên đấu tranh chống tham nhũng.
Phải luôn cố gắng tạo dựng một nền quản trị tốt để những kẻ tham lam “không thể tham nhũng” và một xã hội tử tế với đội ngũ công chức thanh liêm “không muốn tham nhũng”.
Đó mới là điều quan trọng, căn bản lâu dài.
Đây cũng chính là quan điểm cơ bản trong đấu tranh chống tham nhũng của Đảng và Nhà nước ta và việc đào tạo thạc sỹ Quản trị Nhà nước và Phòng, chống tham nhũng - một công việc mang ý nghĩa thực tiễn sâu sắc.
Điều này cũng có nghĩa là có mối quan hệ giữa quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng, thưa ông?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Không phải tự nhiên mà ý tưởng mở chuyên ngành này đã được sự ủng hộ nhiệt tình của các chuyên gia quốc tế và hỗ trợ của nhiều nước phát triển, những nước được đánh giá là trong sạch nhất, những nơi không có cơ hội cho tham nhũng tồn tại và phát triển.
Cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng, chống “giặc nội xâm” này không thể một sớm một chiều mà chúng ta có thể hoàn thành được mà đòi hỏi quá trình đấu tranh đó phải lâu dài, bền bỉ nên rất cần sự đào tạo mang tính chất lâu dài của chuyên ngành luật về phòng chống tham nhũng.
Phát biểu của Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương Nguyễn Thái Học đã thể hiện sự ủng hộ của một cơ quan có vai trò quan trọng trong việc tham mưu cho các chiến lược, sách lược phòng, chống tham nhũng của Đảng.
Tham nhũng xét cho cùng là nơi gặp gỡ của lòng tham và quyền lực và vì thế mọi cố gắng của chúng ta trong cuộc chiến chống tham nhũng chủ yếu dựa trên hai trụ cột căn bản, đó là giáo dục phẩm chất và liêm chính cho đội ngũ cán bộ, công chức trên một nền tảng đạo đức xã hội vững chắc, để họ xa rời những điều xấu xa tội lỗi, giúp họ có thể “tự kiểm soát” chính bản thân mình.
Mặt khác, tạo lập một cơ chế kiểm soát có hiệu quả đối với việc thực hiện quyền lực của các cơ quan nhà nước, của cán bộ, công chức để bảo đảm rằng mọi quyền lực mà nhân dân giao phó phải được sử dụng vì lợi ích của người dân và xã hội.
Cũng từ đó mà dường như có sự gắn bó hữu cơ giữa quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng.

Tiến sĩ Đinh Văn Minh, Viện trưởng Viện chiến lược và Khoa học Thanh tra (Thanh tra Chính phủ). Ảnh đăng trên Báo Điện tử VOV.
Thực tiễn khẳng định rằng ở nơi nào quản trị công có hiệu quả thì ở nơi đó không có chỗ dung thân cho hành vi tham nhũng.
Nơi nào mà năng lực quản trị yếu kém, cơ chế chính sách sơ hở thì tham nhũng dường như là điều tất yếu và hãy nên tự trách mình đã “để mỡ trước miệng mèo” trước khi phê phán những kẻ tội lỗi.
Phó Tổng Thanh tra Nguyễn Văn Thanh trong bài phát biểu của mình đã khẳng định “Nghiên cứu và đào tạo về phòng chống tham nhũng về bản chất là nghiên cứu những mặt yếu, kém của nền quản trị công”.
Thực tiễn đã chứng minh nền quản trị công hiện nay của chúng ta, dù đã có nhiều cố gắng nhưng vẫn còn nhiều yếu kém. Các vụ việc vụ án liên quan đến tham nhũng trong các lĩnh vực khiến chúng ta không khỏi giật mình.

Hàng trăm tỷ thậm chí hàng nghìn tỷ ra đi đã là điều đáng đau xót nhưng điều đáng lo ngại hơn là cái cách chúng ta mất tiền sao mà dễ dàng đến vậy.

Vì sao cứ vào vị trí nào đó thì con người ta dễ dàng kiếm chác, rồi hư hỏng, thậm chí có người vốn năng động, mạnh mẽ, là anh hùng của thời kỳ đổi mới nhanh chóng trở nên sa ngã, rơi vào vòng xoáy của tội lỗi.
Những cây xanh bỗng chốc trở thành củi, đuốc mà chúng ta phải xót xa cho vào lò. Chẳng phải nguyên nhân căn bản là nền quản trị của chúng ta, cơ chế kiểm soát quyền lực của chúng ta quá yếu kém đó sao?
Ai đó có ý kiến rằng khu vực công muốn chống tham nhũng là được, chẳng cần đến nghiên cứu, chẳng cần đến thạc sĩ, tiến sĩ thì nên nghĩ lại.
Và ông kỳ vọng về hiệu quả của chương trình đào tạo này mang lại?
Tiến sĩ Đinh Văn Minh: Mong muốn là một chuyện còn làm được điều đó hay không cần phải có biện pháp, giải pháp trên những cơ sở những nhận thức đúng đắn, khoa học. Việc này cần có giải pháp trên cơ sở nhận thức đúng đắn, khoa học.
Thời đại cách mạng 4.0 không có chỗ cho kẻ nói suông và hành động mà không cần sự hiểu biết dù ở bất cứ lĩnh vực nào.
Và cũng nên nhớ rằng câu chuyện tham nhũng bây giờ không chỉ có trong bộ máy nhà nước mà khu vực tư không phải là miễn nhiễm với loại bệnh tật này, đặc biệt là sự móc nối công - tư, điển hình là chuyện “sân trước sân sau”.
Không phải tự nhiên mà Công ước của liên hợp quốc về chống tham nhũng yêu cầu các nước quan tâm đến đấu tranh chống tham nhũng trong khu vực tư.
Các chuyên gia quốc tế hàng đầu về chống tham nhũng khuyến cáo rằng: Chống tham nhũng phải đi bằng cả hai chân, nếu chống tham nhũng trong khu vực công thì không khác gì bạn đi lò cò và còn lâu mới thành công.
Và chẳng lẽ doanh nghiệp của khu vực tư lại không cần phải tạo dựng ra một cơ chế kiểm soát đối với đội ngũ lãnh đạo quản lý (tổng giám đốc, phó tổng giám đốc, kế toán và cả những người quản lý khác nữa) để không bị chính những người này chiếm đoạt tiền bạc của doanh nghiệp hay sao?
Đừng nghĩ rằng “tư nhân” chỉ là một người và như thế chẳng ai tự chiếm đoạt tài sản của mình mà nên nhớ rằng các doanh nghiệp tư nhân hiện nay có thể của rất nhiều người và khi các doanh nghiệp nhà nước đã được cổ phần hóa thì thậm chí khó có thể phân tách đâu là tài sản công, đâu là tài sản tư ngay trong một doanh nghiệp.
Những băn khoăn là điều dễ hiểu và lại càng cho thấy sự cần thiết của việc nâng cao nhận thức của mọi người về tham nhũng và phòng, chống tham nhũng, không chỉ với người dân mà ngay cả với đội ngũ cán bộ công chức, thậm chí của cả một số người được gọi là “nhà khoa học”.
Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!
QUỐC TOẢN (THỰC HIỆN)
THẠC SỸ CHỐNG THAM NHŨNG Ở VN: 'LỐ BỊCH' HAY 'MUỘN CÒN HƠN KHÔNG'?
PV /VOA 7-8-2018


ĐHQG HN công bố chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên của Việt Nam hôm 2/8/2018
ĐHQG HN công bố chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên của Việt Nam hôm 2/8/2018


Chương trình thạc sĩ chống tham nhũng đầu tiên ở Việt Nam đang chịu sự hoài nghi và mỉa mai từ công chúng, các nhà nghiên cứu và một số tờ báo. Ở góc nhìn khác, có những người cho rằng đến bây giờ Việt Nam mới đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng là chậm hơn các nước khác, nhưng chậm còn hơn không.
Có tên đầy đủ là Chương trình Đào tạo Thạc sĩ Luật học về Quản trị Nhà nước và Phòng chống tham nhũng, chương trình được Đại học Quốc gia Hà Nội công bố hôm 2/8, và do Khoa Luật của trường thực hiện.
Báo chí trong nước tường thuật vắn tắt rằng chương trình nhắm mục tiêu đào tạo ra các chuyên gia có kiến thức “toàn diện, chuyên sâu về quản trị nhà nước và phòng chống tham nhũng” cho các cơ quan tổ chức đang tham gia vào công cuộc phòng chống tham nhũng ở Việt Nam.
Những người theo học trong chương trình cần phải có bằng cử nhân ngành luật hoặc gần với ngành này, như quản lý nhà nước, quản lý công hay chính trị học, theo các báo. Trường bắt đầu tuyển sinh khoá đầu tiên vào giữa tháng 9 tới.
Các giảng viên của Khoa Luật ĐHQG Hà Nội sẽ đảm nhiệm phần lớn việc giảng dạy, bổ sung cho họ là các giáo sư nước ngoài hoặc từ các trường đại học Việt Nam khác, cũng như các chuyên gia tại các cơ quan nhà nước và các tổ chức khác, các báo cho hay.
Dẫn lại thông tin từ lễ công bố chương trình, các báo cho biết, từ năm 2012, Khoa Luật ĐHQG Hà Nội đã dạy về phòng chống tham nhũng như là một môn học riêng, trở thành cơ sở giáo dục đại học đầu tiên tại Việt Nam thực hiện một chỉ thị của thủ tướng về đưa phòng chống tham nhũng vào chương trình giảng dạy.
... việc đấu đá đấy được biện minh đó là việc làm trong sạch bộ máy, rồi chống tham nhũng, v.v và v.v… Và trong bối cảnh trớ trêu như vậy, người dân mới thấy chuyện đào tạo thạc sĩ về cái chuyên ngành như thế là cái trò lố bịch.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Trong suốt 5 ngày kể từ lễ công bố, dư luận trên mạng xã hội liên tục thể hiện nhiều ý kiến hoài nghi về tác dụng của chương trình.
Nhiều người khác nhau cho rằng việc đào tạo này chỉ lãng phí vì tình trạng tham nhũng ở Việt Nam mấy chục năm nay không có gì thay đổi. Một số người gọi chương trình là “trò hề” hoặc “tào lao”. Trong khi đó, có những người suy diễn xa hơn rằng kiến thức về chống tham nhũng có thể giúp cho một số kẻ biết cách che đậy để tham nhũng một cách tinh vi hơn, bài bản hơn.
Trên báo chí chính thống, sự hoài nghi tương tự được thể hiện qua các bài báo như “Nói thẳng: ‘Thạc sĩ chống tham nhũng’, buồn cười quá!” trên tờ Người Lao Động, hay bài “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng: Đào tạo để làm gì?” trên Đất Việt.
Tiến sĩ Nguyễn Quang A, một nhà hoạt động nổi tiếng, lý giải với VOA rằng sở dĩ nhiều người Việt Nam ngờ vực và châm biếm về chương trình vì lâu nay chính quyền thường “xảo ngôn” khi nói về các sự việc, “làm méo mó” ý nghĩa của các khái niệm.
Trong quan điểm của vị tiến sĩ, cái gọi là chống tham nhũng ở Việt Nam thực chất chỉ là “các cuộc thanh trừng phe phái trong nội bộ một đảng cộng sản duy nhất cầm quyền”.
Ông nói:
“Tất cả những vụ án vừa rồi, diệt ông này, diệt ông kia, đốt lò, thì đều nhân danh chống tham nhũng, thật ra là chuyện phe phái đấu đá lẫn nhau. Nhưng việc đấu đá đấy được biện minh đó là việc làm trong sạch bộ máy, rồi chống tham nhũng, v.v và v.v… Và trong bối cảnh trớ trêu như vậy, người dân mới thấy chuyện đào tạo thạc sĩ về cái chuyên ngành như thế là cái trò lố bịch”.


Quan chức cao cấp nhất của Việt Nam bị xét xử liên quan đến tham nhũng là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị

Quan chức cao cấp nhất của Việt Nam bị xét xử liên quan đến tham nhũng là ông Đinh La Thăng, ủy viên Bộ Chính trị
Theo xếp hạng của Tổ chức Minh bạch Quốc tế, chỉ số cảm nhận tham nhũng của Việt Nam đứng thứ 107 trong số 180 nước, có tiến bộ một chút so với thứ hạng 113 trên 176 của năm 2016, nhưng vẫn trong nhóm các nước có tình trạng tham nhũng cao.
Tại Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng chống tham nhũng do Bộ Tư pháp tổ chức ngày 4/3/2016, ông Phạm Trọng Đạt, Cục trưởng Cục Chống tham nhũng, Thanh tra Chính phủ, nói: “Tham nhũng là những người có chức vụ quyền hạn. Chống lại cơ chế xin cho, chúng tôi chống lại có khi ‘chết’ trước”.
Giảng dạy cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong hệ thống công quyền nắm được thế nào là tham nhũng, hay tham nhũng có thể bị xử lý như thế nào lẽ ra là nên có lâu rồi.
Tiến sĩ Khuất Thu Hồng
Trong các cuộc thảo luận trên mạng Internet, nhiều người dẫn lại phát ngôn cách đây hơn 2 năm của ông Đạt để nhấn mạnh quan điểm rằng việc đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng sẽ không đem lại tác động gì đáng kể, trong bối cảnh tham nhũng diễn ra tràn lan từ cấp trung ương cho đến cấp xã.
Mặc dù vậy, tiến sĩ Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, có cách nhìn khác. Bà cho hay rằng chương trình ra đời là kết quả của tâm huyết, nhiều nỗ lực, thậm chí là sự khổ công của nhiều người tại Khoa Luật ĐHQG Hà Nội.
So với nhiều nước khác đã có đào tạo thạc sĩ chống tham nhũng từ lâu, ngay như nước láng giềng Trung Quốc cũng theo thể chế cộng sản đã cho thí điểm đào tạo ngành này từ đầu năm 2011, nữ tiến sĩ cho rằng Việt Nam “đã muộn, nhưng muộn còn hơn không”.
Bà nói:
“Giá như nó được triển khai sớm hơn. Lẽ ra phải từ rất sớm thì mới đúng. Lạm quyền và tham nhũng là vấn đề của nhân loại chứ không của riêng Việt Nam. Giảng dạy cho tất cả mọi người, đặc biệt là những người trong hệ thống công quyền nắm được thế nào là tham nhũng, hay tham nhũng có thể bị xử lý như thế nào lẽ ra là nên có lâu rồi”.
Singapore chưa phải là một nước dân chủ, nhưng nền pháp trị của người ta rất rạch ròi ... Luật pháp nghiêm minh, minh bạch và quản trị tốt thì lập tức tham nhũng sẽ giảm
Tiến sĩ Nguyễn Quang A
Nhà xã hội học Khuất Thu Hồng nói thêm rằng, chương trình đào tạo nói riêng và Việt Nam nói chung có thể tham khảo nhiều kinh nghiệm hay và thành công về chống tham nhũng đã được đúc kết ở nhiều nước, ví dụ như các nước Bắc Âu hay Mỹ.
Trong khi đó, tiến sĩ Quang A nêu ý kiến rằng Việt Nam không cần đi đâu xa mà hãy “học” Singapore ngay trong khu vực. Theo ông, chống tham nhũng hiệu quả không nhất thiết phải gắn với thể chế dân chủ vì thực tế cho thấy có những nước dân chủ nhưng tham nhũng vẫn cao, và ngược lại.
Ông nói:
“Singapore chưa phải là một nước dân chủ, nhưng nền pháp trị của người ta rất rạch ròi. Pháp luật là trên hết, không có ai là ngoại trừ cả. Quản trị đất nước một cách minh bạch, hiệu quả. Chuyện minh bạch là rất quan trọng trong chống tham nhũng. Luật pháp nghiêm minh, minh bạch và quản trị tốt thì lập tức tham nhũng sẽ giảm”.
Theo vị tiến sĩ, tuy Việt Nam khác Singapore ở quy mô lãnh thổ và dân số, song nếu các nhà lãnh đạo chóp bu trong Bộ Chính trị quyền lực nhất của Đảng Cộng sản thật sự cứng rắn, họ vẫn có thể kiểm soát hay thậm chí định đoạt số phận của các lãnh đạo cấp tỉnh, những người thường được người dân và đôi khi cả báo chí gọi là “những ông vua con”.
Trên mạng Internet, nhiều người kêu gọi phải có các biện pháp quyết liệt hơn, như thay thế luật phòng chống tham nhũng bằng luật “tiêu diệt tham nhũng”, các quan chức chính quyền phải kê khai tài sản và công bố một cách nghiêm túc, những tài sản bất minh không thể chứng minh nguồn gốc phải bị tịch thu. Họ khẳng định phải xem cuộc chiến chống tham nhũng là chuyện sống còn với cả quốc gia.

ĐÀO TẠO MỘT THẠC SỸ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG CHỈ HẾT HƠN  20 TRIỆU ĐỒNG

pv THÀNH TRUNG /LĐ 7-8-2018

Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ Luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng hôm 2.8 Ảnh: VNU
Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội công bố chương trình đào tạo thạc sĩ Luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng hôm 2.8 Ảnh: VNU
Học phí chương trình đào tạo thạc sĩ Luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng được thu theo quy định của nhà nước đối với các cơ sở đào tạo công lập quy định tại Nghị định 86 của Chính phủ.


Trao đổi với phóng viên báo Lao Động sáng ngày 6.8, PGS.TS Nguyễn Thị Quế Anh, Chủ nhiệm Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội cho biết, học phí của chương trình đào tạo thạc sĩ Luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng thu giống như các chương trình đào tạo sau đại học khác của Đại học Quốc gia Hà Nội.
Theo Nghị định 86/2015/NĐ-CP quy định về mức thu học phí với các cơ sở đào tạo công lập từ năm học 2015-2016 đến năm 2020-2021, mức thu học phí chương trình đào tạo sau đại học thu học phí bằng 1,5 lần so với hệ đào tạo đại học chính quy.
Quy định thu học phí tại Nghị định 86 được chia theo khối ngành đào tạo. Đối với khối ngành Khoa học xã hội, kinh tế, luật; nông, lâm, thủy sản năm học 2018-2019 thu 12.150.000 đồng/10 tháng. Như vậy, tính nhanh 2 năm học thạc sĩ, học phí mà học viên phải nộp khoảng hơn 24.000.000 đồng.
Theo Thông báo tuyển sinh đào tạo thạc sĩ và tiến sĩ đợt 2 năm 2018 của Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, tất cả các thí sinh đều phải thi 3 môn bắt buộc gồm: Môn cơ bản (đánh giá năng lực); Môn cơ sở (Lí luận chung về nhà nước và pháp luật); Môn Ngoại ngữ (gồm 6 thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Đức, Trung Quốc, Hàn Quốc). Thời gian đào tạo bậc thạc sĩ kéo dài từ 1.5 đến 2 năm.
Trước đó, ngày 2.8, Khoa Luật, ĐHQG Hà Nội đã công bố Chương trình đào tạo thạc sĩ luật học về quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Chương trình này được xây dựng với mục tiêu đào tạo chuyên gia có kiến thức toàn diện, chuyên sâu cho cơ quan, tổ chức có nhu cầu về lĩnh vực này ở Việt Nam, như: cơ quan chuyên trách về phòng chống tham nhũng, tổ chức xã hội, tổ chức quốc tế, doanh nghiệp, cơ sở học thuật, cơ quan truyền thông...
Đối tượng tuyển sinh được mở rộng gồm những người có bằng tốt nghiệp đại học ngành Luật, những người có bằng tốt nghiệp các ngành liên quan mật thiết đến quản trị nhà nước và phòng, chống tham nhũng.
Theo bà Quế Anh, hiện Khoa Luật vẫn đang tuyển sinh, chưa có thống kê số thí sinh đăng ký dự tuyển chương trình này.
THÀNH TRUNG

ĐÀO TẠO 'THẠC SĨ PHÒNG CHỐNG THAM NHŨNG': THÊM MỘT VỞ BI HÀI KỊCH CỦA NỀN GIÁO DỤC NƯỚC NHÀ SẮP ĐƯỢC CÔNG DIỄN

QUÁCH HẠO NHIÊN/ viet-studies 11-8-2018

Ngay khi biết được thông tin Khoa Luật thuộc Đại học Quốc gia Hà Nội công bố chương trình đào tạo “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” tôi chỉ biết cười khùng khục một mình. Câu chuyện có thật mà cứ ngỡ như đùa. Nhưng cười xong lại phải lau nước mắt. Thấy ngậm ngùi thay cho nền giáo dục nước nhà vì có thêm một vở bi hài kịch sắp được công diễn.
1. “Vạch áo cho người xem lưng” hay “tự diễn biến”?
Hoàn toàn không có ý quy chụp “chính chị chính em” nhưng sau khi đã hoàn toàn “định thần” lại, tôi không thể không đặt vấn đề phải chăng những người đã nghĩ và đề xuất mở chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ này đang vô tình hay cố ý “đá xoáy”, “móc lò” ông TBT Nguyễn Phú Trọng và và cái thể chế chính trị ở Việt Nam hôm nay? Học theo nói theo cách của các vị bên tuyên giáo thì phải chăng đang có một âm mưu “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hoặc nếu không cũng là tự “vạch áo cho người xem lưng” của các vị GS, TS nào đó đã tham mưu và đề xuất mở chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ rất “độc và lạ” này?
Trước hết, về chuyện tham nhũng thì quốc gia nào trên thế giới mà không có nhưng khi nghe các vị lập luận rằng “Việt Nam đang trong xu thế hội nhập quốc tế” hay“đang bước vào cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” (lại cách mạng công nghiệp 4.0) nên tham nhũng ngày càng tinh vi và phức tạp” thì có khác gì các vị đang rêu rao cho bè bạn khắp năm châu bốn bể biết rằng con người và xã hội Việt Nam hôm nay suy đồi và bại hoại quá rồi? Ở giác độ văn hóa, phải chăng các vị muốn xổ toẹt cái thành tựu xây dựng “con người mới XHCN” của Đảng ta trong mấy chục năm qua? Hoặc không nữa thì cũng là đang xổ toẹt cái phong trào “Học tập và làm việc theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” do ngài cựu TBT Nông Đức Mạnh lần đầu tiên ký ban hành cách nay đã 12 năm (nếu tính từ ngày ra đời chính thức của cái chỉ thị 06 của Bộ chính trị năm 2006)? Nghĩa là các vị muốn ngầm nói rằng 12 năm qua, cái phong trào này trên thực tế cũng là một biểu hiện khác của vấn đề “tham nhũng chính sách” vì đã tiêu tốn không biết bao là tiền bạc của nhân dân nhưng kết quả thu về là hàng loạt các quan chức, lãnh đạo cấp cao của Đảng bị đưa vào lò của ngài đương kim TBT gần đây? Càng học Bác càng sa đọa dù Bác không như thế? Hoặc không thì cái phong trào này chẳng qua chỉ là tấm bình phong, qua đó cho thấy đỉnh cao về sự dối trá của những kẻ đã nghĩ ra và phát động nó trước toàn thể quốc dân đồng bào suốt 12 năm qua? Vì lẽ, những kẻ ấy chỉ hô hào, vận động những người dân lam lũ, nghèo đói và đặc biệt là hoàn toàn không có một cơ hội nào để tham nhũng, bắt họ phải “học tập và làm theo tấm gương của Bác” còn bản thân mình thì chẳng cần phải học hay làm theo gì cả. Bằng chứng là có vô số các “công bộc” ngoài sự tận tụy và mẫn cán phục vụ nhân dân còn tranh thủ làm thêm đủ các nghề đến “thối cả móng tay” như buôn chổi đót, chạy xe ôm... nhờ vậy mà xây được những biệt phủ, biệt thự; sắm ngai vàng, mở tài khoản ở ngân hàng nước ngoài cho con du học...?
Hay như khi các vị lập luận rất hùng hồn rằng “nghiên cứu và đào tạo về phòng chống tham nhũng về bản chất là nghiên cứu những mặt yếu, kém của nền quản trị công” tuy không sai nhưng về sâu xa, phải chăng các vị cũng đang cố tình nhạo báng cái thể chế chính trị hiện nay do “Đảng ta” độc quyền lãnh đạo? Hay cụ thể hơn là nhạo báng cái hệ thống luật pháp cùng với đó là vô số các cơ quan, ban bệ về phòng chống tham nhũng từ trung ương đến địa phương? Vì thử hỏi sự “yếu kém của nền quản trị công” ở Việt Nam hiện nay do đâu mà ra, bị ai chi phối? Sự thượng tôn pháp luật trong xã hội như thế nào mà đến giờ tham nhũng càng ngày càng tinh vi và phức tạp, trở thành “quốc nạn” như vậy?
2. Ai sẽ là người “tử vì đạo”?
Được biết chương trình đào tạo “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” được thiết kế có thời gian học tập, nghiên cứu trong 2 năm với 64 tín chỉ tương đương 16 học phần. Tuy chưa biết cụ thể tên gọi các học phần ra sao nhưng tôi thử mường tượng và suy đoán 16 học phần này chắc chắn sẽ xoay quanh một số vấn đề chủ yếu và cơ bản như: nghiên cứu về những biểu hiện khác nhau của vấn đề tham nhũng, sự cấu kết giữ các “nhóm lợi ích” nhằm lợi dụng chính sách Nhà nước để tham nhũng; các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị... của Đảng và Nhà nước Việt Nam hiện nay về phòng chống tham nhũng; nghiên cứu về Luật phòng chống tham nhũng cùng các bộ luật có liên quan khác về xử lý hành vi tham nhũng; khảo sát nghiên cứu thực tế về công tác điều tra, xét xử các vụ án tham nhũng... Tất cả những vấn đề trên chắc chắn phải trên cơ sở khoa học và cái nhìn so sánh với các quốc gia tiến bộ trên thế giới đặc biệt là các quốc gia mà các chỉ số về tham nhũng được kiểm soát tốt và chặt chẽ nhất. Có như thế mới thấy được những kẽ hở, những mặt yếu kém trong vấn đề phòng chống tham nhũng hiện nay mà đề xuất, tham mưu các giải pháp bài trừ...
 Nếu đúng như vậy thì một vấn đề tối quan trọng không thể không đặt ra là, có lẽ tất cả chúng ta đều đã biết hiện nay trên thế giới những quốc gia kiểm soát tốt vấn đề tham nhũng đa phần đều là những quốc gia có thể chế chính trị hoàn toàn khác với Việt Nam. Đặc biệt là cách xây dựng và tổ chức nhằm kiểm soát quyền lực của các quan chức lãnh đạo, nhằm ngăn ngừa nguy cơ tham nhũng ngay từ đầu theo mô hình tam quyền phân lập. Trong khi đó Việt Nam lại kiên định với mô hình toàn trị do độc Đảng lãnh đạo và đây chính là điểm khác nhau cơ bản nhất; là mấu chốt của vấn đề tham nhũng tràn lan hiện nay vì không cách nào có thể kiểm soát quyền lực của các quan chức lãnh đạo trong bộ máy công quyền.
Nói khác đi, ai cũng biết, tham nhũng ở Việt Nam hiện nay trầm trọng, nhức nhối và phức tạp nhất là ở khu vực hành chính công. Và chỉ có những người có quyền lực trong vai trò lãnh đạo của Đảng (do Đảng phân công) mới có điều kiện và cơ hội “ăn không chừa một thứ gì của dân”. Chuyện này đúng ra không cần phải nhắc lại nhưng cũng phải nhắc để thấy rằng, nếu như thế thì xin hỏi có ông bà ThS, TS, PGS, GS nào đang ăn lương của Đảng và Nhà nước này dám đề xuất và xem đây như là giải pháp quan trọng nhất nhằm kiểm soát quyền lực từ đó phòng chống và bài trừ tham nhũng hiệu quả hơn? Nếu không xem đây là cái gốc của vấn đề cần phải giải quyết triệt để thì việc nghiên cứu cái phần ngọn làm sao mà phòng chống tham nhũng có triệt để và có hiệu quả được?
Một vấn đề khác, theo quy chế đào tạo Thạc sĩ hiện nay thì rất có thể những người tham gia chương trình đào tạo này phải trải qua quá trình đi thực tế ở cơ sở để xin số liệu khảo sát nhằm phục vụ cho việc làm đề tài luận văn tốt nghiệp. Nghĩ đến điều này tôi lại thử mường tượng và thử gợi ra đây một số đề tài mang tính ứng dụng đại loại như: “Khảo sát thực trạng tham nhũng ở Ủy ban kiểm tra Trung ương Đảng giai đoạn từ...”; “Vấn đề tham nhũng chính sách ở...”. Tương tự như thế sẽ là các đề tài liên quan việc tham nhũng và phòng chống tham nhũng ở Ban Tuyên giáo Trung ương, Văn phòng Chính phủ, Thanh tra Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, Bộ Công An, Bộ Giáo dục, Bộ công thương, “Bộ 4T”, Ủy Ban Nhân dân (địa phương nào đó) v.v và v.v.. Với đề tài như thế này, tôi sẽ triển khai và cấu trúc thành 3 chương. Chương 1 sẽ là chương giới thiệu và khái quát chung về lịch sử hình thành và cơ cấu tổ chức của cơ quan, đơn vị nào đó. Chương 2 sẽ trình bày các số liệu khảo sát liên quan đến vấn đề tham nhũng và phòng chống tham nhũng sau khi đã tìm hiểu thực tế. Chương 3, trên cơ sở những vấn đề đã trình bày ở chương 2 sẽ phân tích, đánh giá sau đó chỉ ra những ưu điểm, hạn chế từ đó đề ra những giải pháp cụ thể cho vấn đề chống tham nhũng ở mỗi cơ quan đơn vị...
Chỉ mới mường tượng và hình dung vậy thôi nhưng tôi e đây chắc chắn sẽ là sự chông gai và nan giải cho đơn vị đào tạo cũng như các học viên nào muốn dấn thân đi đến tận cùng bản chất của vấn đề nghiên cứu trong tư cách một nhà khoa học độc lập, chân chính. Liệu có mấy học viên học chương trình Thạc sĩ này dám đăng ký làm những đề tài luận văn tốt nghiệp như trên? Dù cho đó là những đề tài mang tính ứng dụng cao và rất cần thiết nhưng liệu có được xét duyệt và chấp nhận? Và giả như có được chấp nhận đi nữa thì các học viên đến nghiên cứu, khảo sát có được các cơ quan chủ quản cung cấp cho số liệu trung thực nhất hay không? Những đứa trộm cắp có đời nào tự nhận mình trộm cắp? Nhưng nếu không làm được như thế thì công tác đào tạo nghiên cứu chuyên ngành này sẽ lại trở về con số 0 tròn trĩnh. Sẽ lại là những công trình lý thuyết mang nặng tính giáo điều và nhàm chán dành cho những người “chung chiếu, chung mâm”, cùng hội cùng thuyền “chém gió” cùng nhau trong sự hoang tưởng và xu thời. Nếu như thế thì chỉ cần những buổi nói chuyện chuyên đề như quan điểm của Đại biểu quốc hội Lưu Bình Nhưỡng là xong. Tuy cũng giáo điều và dối trá nhưng dù sao cũng đỡ mất thời gian, tiền bạc và công sức hơn cho cả người dạy lẫn người học.
Thực ra mà nói, trên thực tế vấn đề phòng chống tham nhũng ở Việt Nam hiện nay là một câu chuyện mang màu sắc chính trị thuần túy giữa các đồng chí Đảng viên ĐCS với nhau. Tuy không thể phủ nhận sự quyết tâm của ông Nguyễn Phú Trọng trong thời gian qua khi đã đưa một vài cây “củi to” vào lò. Nhưng như đã nói, vấn đề mấu chốt của cái “quốc nạn” tham nhũng ở Việt Nam hiện nay nằm ở cái mô hình toàn trị, do sự độc quyền trong lãnh đạo đất nước của Đảng mà ra. Cái “lò” của ông Trọng hiện nay tuy vẫn đang cháy nhưng nó có đủ lớn và đủ nóng để thiêu đốt tất cả các “bọn sâu dân mọt nước” không? Nhất là khi những con sâu ấy có những mối quan hệ đan xen chăng chịt với nhau? Cùng bị kết luận là vi phạm “rất nghiêm trọng” như nhau nhưng đồng chí Đinh La Thăng thì bị tống vào “lò”, còn các đồng chí như Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn...vẫn đang nhởn nhơ bên ngoài đó thôi?
Vậy nên, nếu ông Trọng đủ sức đưa hết những cây “củi” (đặc biệt là những cây “củi to”) vào lò chắc chắn tên tuổi ông sẽ được lưu truyền nơi hậu thế. Nhưng vấn đề là khi đó nguy cơ cái lò của ông bị sụp đổ sẽ rất cao và có khi nó lại đè và thiêu đốt luôn cả chính ông.
Từ thực tế trên, có thể nói một khi giáo dục và khoa học nếu muốn tham gia vào công cuộc “nhóm cũi đốt lò” trong hoàn cảnh hiện nay của Việt Nam thì những người tham gia giảng dạy và nghiên cứu phải có gan “tử vì đạo”; còn không thì cùng lắm chỉ là sự phỉnh phờ hoặc không thì cũng là “vuốt đuôi lươn” giống như các đồng chí trong ban tuyên giáo của Đảng mà thôi. Nếu như thế thì thà là không làm gì để ít ra bàn tay không bị nhớt của con lươn làm cho vấy bẩn. Trong nhiều trường hợp, đôi khi ngồi yên một chỗ và không làm gì cũng là một cách đóng góp cho xã hội. Vì không làm gì cũng đồng nghĩa với việc đất nước không bị “ăn tàn và phá hoại” bởi sự nhiệt thành nhưng xuẩn ngốc và giả dối của mình.
3. Thay lời kết
Ở giác độ giáo dục và xã hội, việc đào tạo “Thạc sĩ phòng chống thao nhũng” về bản chất là đào tạo ra đội ngũ các nhà khoa học (nếu theo hướng nghiên cứu) hoặc lao động (nếu theo hướng ứng dụng) nhằm đáp ứng nhu cầu thực tiễn trong xây dựng và phát triển xã hội và đất nước. Vậy thì sau khi đào tạo xong những người này sẽ làm việc ở đâu? Trong hoàn cảnh và môi trường ở Việt Nam hiện nay, nếu như cơ quan nào, đơn vị nào cũng “tự kỷ” hoặc tự đánh giá mình “trong sạch, vững mạnh”, “không có tham nhũng” nên không có nhu cầu sử dụng lao động là các “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” thì những người này sẽ làm gì để sống và đeo đuổi phát triển sở học của mình? Mở ra một ngành đào tạo mới nhưng lại không có địa chỉ và nhu cầu sử dụng cụ thể thì có phải là một sự lãng phí tiền bạc và công sức của cả người dạy và người học không? Xét ở phương diện này phải chăng không phải tìm đâu xa, việc những người đã đề xuất mở ngành chuyên ngành đào tạo Thạc sĩ “độc nhất vô nhị” này cũng là biểu hiện khác của vấn đề “tham nhũng chính sách” trong phạm vi của ngành giáo dục nước nhà hiện nay? Vì trước khi anh quyết định mở ra một ngành đào tạo chưa từng có trên thế giới thì nhất định phải có sự khảo sát, điều tra, nghiên cứu thu thập về tất cả các vấn đề có liên quan trên tinh thần khoa học khách quan và trung thực; phải có sự phản biện từ các nhà nghiên cứu, các chuyên gia có uy tín chứ không thể chỉ bằng vài ba lập luận mang nặng sự cảm tính và tùy tiện như vậy là xong?
Người dân hiện nay đang mất niềm tin và ngán đến tận cổ các danh xưng học hàm, học vị như ThS, TS, PGS, GS ở đất nước này lắm rồi. Nói cho cùng thì chính sự bầy hầy của nền giáo dục; sự suy đồi và giả dối của đội ngũ các GS dỏm, TS giả hiện nay cũng là một trong những nguyên nhân căn bản đưa đến thực trạng tham nhũng tràn lan hiện nay. Vì đây là cái hệ lụy tất yếu của một xã hội mà ở đó những giá trị về đạo đức, văn hóa, khoa học, giáo dục bị thao túng và đảo lộn bởi những kẻ nắm đang trọn quyền hành nhưng không có cơ chế nào để kiểm soát quyền lực. Đồng thời cũng là vòng luẩn quẩn của một xã hội chỉ biết chăm chăm nhìn vào những tấm bằng rồi tung hô ca ngợi mà không quan tâm gì đến năng lực thật sự khi nhìn nhận và đánh giá giá trị của mỗi cá nhân.
Vậy nên, “Thạc sĩ phòng chống tham nhũng” – cái tên gọi nghe sao mà bi hài kịch cho nền giáo dục và đất nước này quá! Xin các vị làm ơn đừng giả dối và lừa phỉnh nhau nữa! Tội cho dân tộc và đất nước này lắm!
CT, 11/08/2018
QHN
 Tác giả gởi cho viet-studies ngày 11-8-18

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét