Thứ Hai, 12 tháng 2, 2018

20180212. NHÌN LẠI NĂM QUA

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐỐI NGOẠI, LÃNH VỰC SINH TỬ NHƯNG LẠI YẾU KÉM NHẤT!

BÙI TÍN/VOA /BVN 8-2-2018

Ông Trọng tiếp ông Tập tại Hà Nội.

Đã có những phiên họp của Chính phủ và Quốc hội kiểm điểm tình hình năm 2017 và bàn công việc của năm 2018.
Nhìn chung việc kiểm điểm không thật sâu sắc, không nhìn thẳng vào sự thật, không có tranh luận trong đánh giá một cách minh bạch công khai cho nên có rất ít sức thuyết phục, không có sức hấp dẫn những ai muốn biết rõ sự thật, thành tích chân thực, những tồn tại đích tực và ngững biện pháp hữu hiệu nhất.
Đó không phải là cung cách làm việc của một Nhà nước trưởng thành muốn làm việc thật sự có hiệu quả cho đất nước mình, nhân dân mình.
Đây là kiểu cách xử sự của một Nhà nước yếu kém luôn có mặc cảm, lo sợ dư luận nhân dân và thế giới chê cười nên chỉ cố lên gân, tự khoe khoang thổi phồng thành tích, che dấu những khó khăn bế tắc, chỉ cốt tuyên truyền để nhân dân yên lòng buộc phải tin là mọi sự đều tốt đẹp, thành tích là mặt nổi trội, những tồn tại là không đáng kể, là thứ yếu, để rồi không sao đổi mới, đất nước như không chịu phát triển.
Ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng gặp cử tri hay chúc Tết không quên nhắc nhở «bà con ta chớ có ngủ say trên vòng nguyệt quế». Vòng nguyệt quế từ xa xưa là phần thưởng danh dự giành cho những chiến thắng lẫy lừng.
Ai tặng nhân dân ta vòng nguyệt quế vậy? Về những chiến thắng lẫy lừng nào?
Hay chỉ có một nhóm các chú thanh niên dưới 23 tuổi của đội bóng U23? Thế thì đáng buồn quá, nghèo nàn quá!
Vòng nguyệt quế? mà sao nước ta lạc hậu đến thế, chưa sản xuất nổi một cái đinh vít công nghiệp lớn có chất lượng. Mà sao không một trường Đại học Việt Nam nào được kể trong 300 trường Đại học có chất lượng của châu Á. Sao mức sống thu nhập hằng năm phải 16, 20 năm nữa mới bằng mức của Indonesia và Thái Lan hiện nay? mà sao Việt Nam có chỉ số tham nhũng vào hàng cao nhất và về chỉ số tự do báo chí thấp đến mức gần tận cùng của thế giới? Văn hóa ta phát triển sao tham nhũng tràn lan khắp nơi, thanh niên uống bia, nói tục đạt kỷ lục quốc tế, cô giáo tát học sinh thành thương tích, vợ chặt cổ chồng, ông hiếp cháu?
Trong thành tích chung nổi lên nhận định là trong năm qua, «ta đạt những thành tích nổi bật, chưa bao giờ uy tín quốc tế được nâng cao như năm qua»! Ghê chưa!
Nhưng thật ra là gì? Thật ra nhìn cho kỹ, trong hàng mấy chục năm qua, lãnh đạo đã không quan tâm gì đến lĩnh vực đối ngọai. Không có một cuộc bàn luận chuyên đề của đảng, của chính phủ, của quốc hội về đường lối chính sách đối ngoại. Không có một Nghị quyết nào về mặt trận đối ngoại, là một mặt trận thiết yếu có ý nghĩa sinh tử của đất nước.
Có thể nói từ sau cuộc họp và mật ước Thành Đô (tháng 9/1990), tất cả đường lối đối ngoại là theo chính sách lệ thuộc phương Bắc, bám chặt Trung Cộng, không cần bàn bạc gì thêm nữa. Toàn bộ chủ quyền về đối ngoại của quốc gia đã bị tự nguyện hiến dâng cho Trung Cộng cầm chịch.
Do mất chủ quyền, theo đường lối Bắc thuộc, chính trị nước Việt theo mô hình Tàu, nền kinh tế tài chính bị phụ thuộc Trung Quốc nặng nề, quốc phòng bị lép vế, trói tay, văn hóa dân tộc mờ nhạt dần, vị trí quốc tế xuống thấp một cách thê thảm, uy tín quốc tế xuống tận đáy.
Có những sự thật không ai có thể phủ nhận. Tấm hộ chiếu Việt Nam là tấm hộ chiếu bị miệt thị và cảnh giác nhất trong bang giao quốc tế. Ở Nhật Bản, cả xã hội và mọi siêu thị cảnh giác cao độ với du khách Việt Nam vì nổi tiếng là hay ăn cắp hàng hóa nhất, cũng như các phi công dân dụng và các cô chiêu đãi viên hàng không đến từ Việt Nam đều nổi tiếng là có tỷ lệ buôn lậu, mang tiền bất hợp pháp đi rửa nhiều vào loại nhất. Năm 2017 Việt Nam còn nổi tiếng về vụ cử một trung tướng an ninh sang cùng Sứ quán ở Berlin tổ chức một cuộc bắt cóc phi pháp theo kiểu cách thời «chiến tranh lạnh», bất chấp luật quốc tế, để bị CHLB Đức lên án và trừng phạt nặng nề, nay vẫn chưa thoát. Như vậy mà còn nói lấy được là uy tín quốc tế lên cao hơn bao giờ hết! Lưỡi không xương là thế.
Trước sự kiện đầu hàng ở Thành Đô, lĩnh vực đối ngọai của Việt Nam có lúc khá khởi sắc.
Là nhà báo ở trong nước, tôi từng đảm nhận theo dõi mặt trận ngọai giao khá chặt chẽ, tôi nhận thấy quả thật có những nhà ngoại giao xuất sắc, lão luyện. Từ những năm 1945, 1946, Phan Bôi – Hoàng Hữu Nam, Lê Giản là những nhà ngoại giao sắc sảo để thương lượng với phía Pháp. Các ông Hồ Chí Minh, Phạm Văn Đồng cũng chịu khó suy tư về những nước cờ ngoại giao độc đáo để duy trì sự hòa hoãn để có thời gian chuẩn bị cho thời chiến.
Về sau nổi lên các ông Nguyễn Cơ Thạch và Trần Quang Cơ là 2 nhà ngoại giao đích thật, tự đào tạo có bài bản trong thực tiễn, am hiểu luật quốc tế và am hiểu thế giới trong thời đại mới, phân tích sâu tâm lý các đối thủ. Tôi từng làm việc hàng mấy chục lần với 2 ông cùng ông Ngô Điền, Vụ trưởng báo chí bộ ngoại giao, sau đó là Đại sứ ở Pnom Pênh. Đó đích thật là những nhà ngoại giao có chiều sâu, có lý luận, bài bản, có sáng kiến cụ thể, hữu hiệu. Mỗi lần gặp là hiểu thêm vấn đề. Khi tôi làm nhiệm vụ người phát ngôn của phái đoàn Quân sự miền Bắc tại Sàigòn đầu năm 1973, tôi cũng nhận thấy ông Lưu Văn Lợi, Phó trưởng đoàn miền Bắc, là nhà ngoại giao đúng nghĩa, biết phân tích tình hình, đưa ra những sách lược đúng lúc có hiệu quả.
Mấy năm nay tôi theo dõi kỹ nền ngọai giao Việt Nam, thấy rõ nó đuối sức một cách tệ hại. Viện Ngoại giao, tạp chí Ngoại giao, Học viện chính trị quốc gia không hề có những bài nghiên cứu chuyên sâu về đối ngoại, một lĩnh vực lẽ ra phải có nhiều đề tài phong phú, lý thú cho những sinh viên và chuyên viên đối ngoại bỏ công sức ra nghiên cứu và cống hiến. Thật ra, nhiều nhà dân chủ trẻ trong các tổ chức xã hội dân sự đã nghiên cứu và hành động sắc bén hơn các nhà ngoại giao chuyên nghiệp của Bộ Ngoại giao và Ban Đối ngoại TƯ.
Ở Pháp, Đức, Anh, Hoa Kỳ, Canada… ngay sau khi Giáo sư Vương Hỗ Ninh được Tập Cận Bình đưa vào Thường vụ Bộ chính trị, các chuyên viên ngoại giao thượng thặng các nước này liền bỏ công nghiên cứu sâu về nhân vật này, chỉ ra rằng ông ta từng tu học lâu năm ở Pháp, Hoa Kỳ nhưng đã quay lưng lại nền dân chủ thế giới mà ông ta gọi là «đặc sản của nền dân chủ bệnh hoạn phương Tây» để cổ súy cho chế độ «siêu độc đoán», một chế độ cực quyền toàn trị phản dân chủ, phi nhân tính. Lập thuyết trung tâm của quân sư họ Vương là dân chủ phá hoại đoàn kết, ổn định và phát triển, toàn trị duy trì đoàn kết dân tộc và ổn định để phát triển. Đây là chủ nghĩa phát xít mới. Các nhà nghiên cứu tài giỏi đều cho rằng không ai làm hại cho Tập Cận Bình bằng ông Vương, xui dại tâng bốc ông Tập để ông này nuôi dưỡng tham vọng trở thành lãnh tụ «hạt nhân», lãnh tụ cá nhân như Mao khi xưa, khiêu khích hảng tỷ nhân dân Trung Hoa khao khát tự do dân chủ. Vương và Tập chỉ là các ông đồ nho cổ hủ mang đậm dòng máu Đại Hán, coi Trung Quốc là Trung tâm thế giới, Trung tâm vũ trụ, khi thế và lực chưa đủ, cần một thời gian dài mới đủ lông cánh và nanh vuốt. Làm chính trị mà không am hiểu thực lực và tình thế thì chỉ có thất bại. Cao ngạo nôn nóng đã làm cho ông Tập quên lời khuyên khôn ngoan «thao quang dưỡng hối».
Lịch sử Trung Hoa đã chỉ ra khi chế độ phong kiến Đại Hán có bản chất độc đoán cá nhân lên đến tột đỉnh là khi ấy nó sẽ trở nên yếu thế nhất, lúc ấy một nước nhỏ như Mông Cổ hay một tộc cực nhỏ như Mãn Châu cũng đủ sức để vật ngã tộc Đại Hán lăn kềnh và thống trị nó một thời gian dài.
Chính nhờ những phân tích đối ngoại sắc sảo như thế mà Tổng thống D. Trump trong «Báo cáo tình hình Liên bang» mới đây không ngần ngại coi Trung Quốc và Nga là 2 đối thủ nguy hiểm thứ nhất và thứ hai mà Hoa Kỳ phải ngăn chặn kjp thời, và đó là những đối thủ không đáng sợ.
Ở Việt Nam đã có cá nhân hay nhóm chuyên viên đối ngoại nào hay cuộc họp các nhà nghiên cứu nào nghiên cứu về Vương Hỗ Ninh? Chưa có ai cả. Họ còn ngủ gật, hay lo chuyện mua bán sừng voi, sừng tê giác, vây cá mập, đồng hồ cao cấp, computer hiện đại nhất đang có giá cao, hay chuẩn bị một màn bắt cóc nào đó?
Tư duy của ông Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng không có đường lối hay sách lược đối ngoại. Ông đã có ông Tập là thầy giáo, thầy dùi, thế là đủ. Ông không thích xuất ngoại tìm hiểu tận mắt thế giới. Bắc Kinh là nơi ông đi lại nhiều nhất.
Trong tư duy của Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh không có di truyền quý từ ông bố Nguyễn Cơ Thạch. Thật tội nghiệp. Ông ngoan ngoãn vâng theo ông TBT Nguyễn Phú Trọng, quay về nghiên cứu chuyện dân số như một viên chức ngoan ngoãn, buông mặc cho lĩnh vực ngoại giao hầu như hoàn toàn bỏ trống gần 30 năm nay.
B.T.
Tác giả gửi BVN

'HÀN QUỐC CÓ SAMSUNG, NHẬT CÓ SONY... VIỆT NAM CÓ GÌ ?'
Đại tá NGUYỄN HUY VIỆN/ GDVN 11-2-2018
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. 
Quy mô nền kinh tế năm 2017 theo giá hiện hành đạt 5.007,9 nghìn tỷ đồng, tương ứng hơn 220 tỷ USD.
GDP bình quân đầu người ước tính đạt 53,5 triệu đồng, tương đương 2.385 USD, tăng 170 USD so với năm 2016.
Thành tựu kinh tế - xã hội trên đây rất đáng khích lệ, là cơ sở để có thể tin tưởng, rằng nền kinh tế Việt Nam dẫu còn những thách thức nhưng đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất để bước vào chu kỳ tăng trưởng mới.
Tuy nhiên, để nền kinh tế vận hành trơn tru, phát triển bền vững cần phải thấy và khắc phục được những hạn chế còn ẩn khuất trong những thành tựu đó.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê về tình hình kinh tế - xã hội năm 2017, GDP cả nước tăng 6,81%, mức cao nhất kể từ năm 2011. Ảnh minh họa: baodauthau.vn
Thứ nhất: Tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu theo chiều rộng, chưa tận dụng được chuyển giao công nghệ trong thu hút đầu tư nước ngoài.
Cũng như mấy chục năm qua, tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam chủ yếu vẫn theo chiều rộng (tăng trưởng nhờ mở rộng quy mô sản xuất - đầu tư mới).
Các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế nhà nước như các ngành điện lực, sản xuất vật liệu xây dựng, mía đường… công nghệ còn lạc hậu, chủ yếu nhập từ Trung Quốc.
Ngay cả các doanh nghiệp FDI (đầu tư trực tiếp của nước ngoài), ngoại trừ một số lĩnh vực như điện tử, công nghiệp phần mềm, bưu chính viễn thông… có công nghệ tương đối hiện đại nhưng chủ yếu dừng ở khâu gia công, lắp ráp.
Vì vậy, cho tới thời điểm hiện tại, doanh nghiệp nội vẫn không tiếp thu được công nghệ của họ, chưa thể liên doanh liên kết trong sản xuất.
Đối với các lĩnh vực còn lại, phần nhiều là công nghệ lạc hậu, nhiều nhà đầu tư (chủ yếu là Trung Quốc), công nghệ đưa vào Việt Nam đều lạc hậu so với thế giới.
Cho nên sau 30 năm thực hiện Luật Đầu tư nước ngoài (1988 - 2018), nhằm mục đích tận dụng nguồn vốn phát triển kinh tế và chuyển giao công nghệ phục vụ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước thì đến nay Việt Nam chủ yếu vẫn chỉ là nước gia công lắp ráp cho các nhà đầu tư nước ngoài.
Trong khi các nước như Hàn Quốc, Singapore, Malaysia… chỉ mất 20 năm mời gọi đầu tư nước ngoài, họ đã trở thành những nước có trình độ công nghệ hiện đại hoặc tương đối hiện đại.
Thứ hai: Năng suất lao động của Việt Nam vẫn thuộc loại thấp nhất trong khu vực và thế giới.
Theo Tổng cục Thống kê: "Tính theo sức mua tương đương năm 2011, năng suất lao động của Việt Nam năm 2016 đạt 9.894 USD, chỉ bằng 7% Singapore; 17,6% Malaysia; 36,5% Thái Lan; 42,3% Indonesia; 56,7% Philippines và bằng 87,4% năng suất lao động của Lào" (1).
Theo nghiên cứu của World Bank (Ngân hàng Thế giới), chênh lệch về năng suất lao động giữa Việt Nam và các nước trong khu vực tiếp tục gia tăng:
Chênh lệch năng suất lao động tính theo PPP (sức mua tương đương) của Singapore và Việt Nam tăng từ 115.087 USD (năm 2006) lên 131.333 USD (năm 2016);
Tương tự, của Malaysia từ 39.806 USD lên 46.190 USD; Thái Lan từ 14.591 USD lên 17.208 USD; Indonesia từ 10.100 USD lên 13.496 USD; Philippines từ 6.691 USD lên 7.561 USD; Lào từ 220 USD lên 1.422 USD (2). 
Năng suất lao động thấp là nguyên nhân cơ bản làm cho sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam luôn thấp kém so với hàng hóa của các nền kinh tế trong khu vực và trên thế giới.
Thứ ba: Thành phần kinh tế có vốn đầu tư từ nước ngoài chiếm tỷ trọng áp đảo trong GDP và xuất nhập khẩu.
Theo đánh giá của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Trung ương: “Trong 4 động cơ tăng trưởng của Việt Nam bao gồm kinh tế nhà nước, kinh tế tư nhân, nông nghiệp và khu vực doanh nghiệp FDI thì chỉ có khu vực FDI ăn nên làm ra nhờ tận dụng được những lợi thế của nền kinh tế, ít bị trói buộc bởi các thể chế, chính sách trong nước”. (3)
Không chỉ năm 2017, trong các năm về trước (2015, 2016) tỷ lệ xuất nhập khẩu của doanh nghiệp FDI luôn chiếm tỷ lệ 65%  - 70% so với tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước”. (4)
Cũng theo ông Trần Đình Thiên: “Tỷ trọng xuất khẩu khu vực FDI (trong tổng kim ngạch xuất khẩu - tác giả chú thích), tăng nhanh từ 57% của năm 2005 lên 72% năm 2016, áp đảo khu vực nội địa”. (5)
Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận, chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ các doanh nghiệp trong cả nước. (6)
Điều này chứng tỏ một thực tế, tăng trưởng GDP và xuất khẩu của Việt Nam gia tăng lệ thuộc vào khu vực FDI.
Sản xuất của khối doanh nghiệp nội địa vẫn đang gặp nhiều khó khăn, không gắn được vào chuỗi sản xuất của FDI.
Khối các doanh nghiệp trong nước (kể cả doanh nghiệp kinh tế nhà nước và doanh nghiệp tư nhân) chưa phải là trụ cột của nền kinh tế.
Thực lực của nền kinh tế Việt Nam đang lệ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp FDI cho nên chưa có nền tảng đảm bảo cho sự phát triển ổn định lâu dài.
Thứ tư: Thành phần kinh tế nhà nước chưa thể hiện được vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; trình độ quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Mặc dù các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ một khối lượng vốn khổng lồ, được hưởng cơ chế ưu đãi đặc biệt nhưng tỷ trọng đóng góp của thành phần kinh tế này trong nền kinh tế thấp hơn so với các doanh nghiệp của các thành phần kinh tế khác.
Cụ thể, các doanh nghiệp ngoài nhà nước chiếm tỷ lệ doanh thu chi phối và có cơ cấu đóng góp ngày càng tăng trong toàn bộ doanh nghiệp.
Năm 2016 tổng doanh thu do các doanh nghiệp ngoài nhà nước tạo ra 9,76 triệu tỷ đồng (chiếm 56% doanh thu của toàn bộ doanh nghiệp), bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp ngoài nhà nước tăng 15,7%. (7)
Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 4,8 triệu tỷ đồng doanh thu; bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp FDI tăng 23,0%. (8)
Trong khi đó các doanh nghiệp nhà nước có mức doanh thu tăng chậm. Cụ thể hơn, trong năm 2016, các doanh nghiệp nhà nước tạo ra 2,88 triệu tỷ đồng doanh thu, bình quân giai đoạn 2010 - 2016 mỗi năm doanh thu của các doanh nghiệp nhà nước chỉ tăng 6,0% (thấp hơn 2,5 lần so với tốc độ tăng trưởng các doanh nghiệp ngoài nhà nước - tác giả ghi chú) (9).
Mặt khác tiếp nối các năm trước đây, nhiều doanh nghiệp nhà nước xảy ra các đại án tham nhũng, làm ăn thua lỗ nghìn tỷ, một số doanh nghiệp bên bờ vực phá sản làm thất thoát một khối lượng lớn vốn của nhà nước.
Một trong những nguyên nhân cơ bản của những hạn chế trên đây là do trình độ quản trị quốc gia cũng như quản trị doanh nghiệp còn nhiều hạn chế.
Chưa tiếp thu được kiến thức và kinh nghiệm quản trị của các quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.  
Thứ năm: Chưa thực sự phát huy được vai trò động lực của thành phần kinh tế tư nhân trong xây dựng nền kinh tế thị trường.
Nếu như tất cả các nước có nền kinh tế vận hành theo cơ chế thị trường, ngay từ đầu đều xác định kinh tế tư nhân là động lực phát triển của nền kinh tế, thì ở Việt Nam đến tháng 6/2017 (sau hơn 30 năm thực hiện đường lối đổi mới), tại Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII mới ban hành Nghị quyết “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”.
Nhật Bản chỉ sau 20 năm đứng lên từ đống tro tàn chiến tranh (1945 - 1965), Hàn Quốc cũng chỉ sau 20 năm thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa (1960 - 1980) và nhiều nước trong nhóm các nước công nghiệp mới, nhờ quan điểm lấy kinh tế tư nhân làm động lực phát triển mà họ có hàng loạt tập đoàn kinh tế tư nhân nổi tiếng thế giới như Toyota, Sony, Toshiba… (Nhật Bản); Samsung, Hyundai, Dawu… (Hàn Quốc)...
Nhưng Việt Nam sau 30 năm đổi mới và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chưa có một tập đoàn công nghiệp tư nhân nào xứng tầm khu vực, không những vậy hầu hết chỉ dừng lại ở doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (chiếm đến 98%) tổng số doanh nghiệp cả nước.
Hiện tại, Việt Nam có rất ít tập đoàn kinh tế tư nhân lớn và hầu hết trong số rất ít đó đều có liên quan đến bất động sản, còn lại rất hiếm có các tập đoàn kinh tế tư nhân lớn về sản xuất công nghiệp hay công nghệ riêng làm đòn bẩy cho nền kinh tế.
Không những thế, khi thoái vốn của các tập đoàn kinh tế nhà nước, phần sở hữu lại rơi vào hầu hết các nhà đầu tư nước ngoài.
Từ thực trạng đó, không thể không lo ngại khi nhiều lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế không thuộc sở hữu trong nước, cùng với việc hội nhập sâu rộng các hiệp định thương mại tự do thì khả năng bị động trong việc thúc đẩy tăng trưởng trong những năm tới là rất cao.
Ví dụ mới đây nhất là các nhà đầu tư Thái Lan đã là cổ đông lớn của một số doanh nghiệp trong ngành hàng tiêu dùng của Việt Nam.
Nguyên nhân làm cho kinh tế tư nhân Việt Nam chưa phát triển được là do hạn chế của tầm tư duy vĩ mô, trong một thời gian dài, chưa có sự nhìn nhận đúng về vai trò, vị trí của kinh tế tư nhân trong nền kinh tế quốc gia, dẫn đến tình trạng “con đẻ”, “con nuôi” trong một nền kinh tế, bất bình đẳng giữa các thành phần kinh tế, làm méo mó các quy luật kinh tế thị trường
Thành phần kinh tế nhà nước được xác định “đóng vai trò chủ đạo của nền kinh tế”; thành phần kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được “rải thảm đỏ mời gọi”.
Nhờ vậy, cả hai thành phần kinh tế này được hưởng những chính sách ưu đãi đặc biệt về cơ chế, thuê đất, thuế…
Trong khi đó, thành phần kinh tế tư nhân không những không có một chính sách ưu đãi gì mà còn bị bó buộc bởi hàng mấy nghìn “giấy phép con” do nhiều bộ - ngành ban hành.
Đây chính là cái cớ để các cấp, các ngành “hành” các doanh nghiệp tư nhân, làm cho thành phần kinh tế này không thể lớn nổi.
Để khắc những hạn chế còn ẩn khuất trong những thành tựu kinh tế đạt được trong năm 2017; và để 5 năm, 10 năm sau không phải nhắc lại những hạn chế trên đây, ở tầm vĩ mô cần thực hiện các giải pháp sau:
Thứ nhất, gắn liền phát triển kinh tế với cải cách thể chế và cơ chế là yêu cầu sống còn.
Theo triết học Mác - Lê-nin, sự tác động của kiến trúc thượng tầng đối với cơ sở hạ tầng diễn ra theo hai chiều.
Nếu kiến trúc thượng tầng tác động phù hợp với các quy luật kinh tế khách quan thì nó là động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế phát triển; nếu tác động ngược lại nó sẽ kìm hãm phát triển kinh tế, phát triển xã hội.
Vì vậy, tiền đề mang tính quyết định cho nền kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước phát triển ổn định, bền vững là phải gắn liền phát triển kinh tế thị trường với đẩy mạnh cải cách thể chế, cải cách cơ chế.
Đây là một yêu cầu khách quan và cấp bách.
Thứ hai, trên cơ sở Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XII) “Về phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa”, cần phải có những chủ trương cụ thể để cởi trói cho kinh tế tư nhân phát triển.
Trước hết cần phải mạnh mẽ, quyết liệt trong việc phá bỏ những rào cản đối với sự phát triển kinh tế tư nhân.
Đó là những cơ chế, chính sách không phù hợp, bất bình đẳng; là hàng nghìn giấy phép con đang là điểm nghẽn nghiêm trọng nhất đối với sự phát triển của kinh tế tư nhân.
Thứ ba, doanh nghiệp kinh tế nhà nước chỉ nên tham gia những lĩnh vực kinh tế phi lợi nhuận và những lĩnh vực liên quan đến an ninh quốc phòng.
Trên cơ sở đó đẩy mạnh thoái vốn trong các doanh nghiệp nhà nước.
Trong thoái vốn cần có cơ chế tạo điều kiện cho những doanh nghiệp trong nước có tiềm lực và có năng lực nắm giữ cổ phần chi phối, để doanh nghiệp trong nước nắm vai trò chủ đạo nền kinh tế.
Thứ tư, có chủ trương nghiêm ngặt trong việc gắn thu hút đầu tư vốn nước ngoàiphải với chuyển giao công nghệ;
Mạnh dạn tiếp thu kiến thức quản trị quốc gia, quản trị doanh nghiệp của những quốc gia có nền kinh tế thị trường phát triển.
Đây là một trong những yếu tố quyết định giúp Việt Nam thoát khỏi tình trạng công nghệ lạc hậu về công nghệ và thấp kém về năng suất lao động so với thế giới; nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất kinh doanh.
Tài liệu tham khảo:
(1), (2), “Tổng cục Thống kê: Năng suất lao động người Việt thua Lào, bằng 7% Singapore” (VnEconomy, báo điện tử thuộc nhóm Thời báo Kinh tế Việt Nam).
(3), (4), (5). “Lệch pha khu vực kinh tế” (Báo Đại đoàn kết: 05/12/2017
(6), (7), (8), (9). “Doanh nghiệp FDI có lợi nhuận lớn nhất trong khu vực doanh nghiệp” (Báo Hải Quan: 06/02/2018).
NGUYỄN HUY VIỆN
CÁC BÀI LIÊN QUAN:

NGÂN SÁCH 2017 VƯỢT THU 5,9 %

LAN NHI/ TBKTSG 10-2-2018

(TBKTSG Online) - Bộ Tài chính cho biết thu cân đối ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2017 đã vượt 5,9% so với dự toán, chủ yếu đến từ nguồn thu nội địa.

Nguồn thu từ dầu thô cho ngân sách mỗi năm một giảm nên Chính phủ tích cực thoái vốn nhà nước lấy tiền chi cho đầu tư phát triển. Ảnh: Một góc Nhà máy lọc hóa dầu Bình Sơn- doanh nghiệp mới IPO hồi tháng 1-2018
Con số vượt 5,9% dự toán, tính ra là vượt 71 ngàn tỉ đồng/1.283,2 ngàn tỉ đồng của toàn bộ số thu ngân sách năm 2017, theo thông tin được phát đi hôm 9-2 từ bộ này.
Trong số này, thu từ thuế phí đạt 21%. Số vượt thu là của ngân sách địa phương, chủ yếu là vượt thu tiền sử dụng đất. Tuy nhiên do không bù trừ số vượt thu giữa các địa phương nên không kể tiền sử dụng đất, sổ xố kiến thiết, vẫn có một số địa phương hụt thu ngân sách địa phương.
Do vậy nay Chính phủ vẫn tiếp tục đẩy mạnh việc bán vốn nhà nước hiện có tại các tập đoàn, tổng công ty để có tiền chi cho đầu tư phát triển. Tuy nhiên, sau thương vụ bán vốn Sabeco thành công năm 2017 với số thu về 110 ngàn tỉ đồng, hiện chưa có doanh nghiệp nào dự kiến sẽ “nổi đình nổi đám” và mang về số thu cho ngân sách lớn đến mức gần đủ trả nợ gốc cả năm cho các khoản vay của Chính phủ.
Theo dự kiến của Bộ Tài chính, số thu nội địa năm 2018 sẽ tiếp tục tăng thêm khoảng 3 điểm phần trăm trong tổng thu. Còn số chi đầu tư và chi thường xuyên vẫn dao động quanh những con số cũ. Điều đó cho thấy cơ cấu nguồn thu ngày càng sụt giảm thu từ dầu thô, xuất nhập khẩu.Trong hai năm 2016-2017, tỷ trọng thu nội địa đạt bình quân 81% trong tổng thu ngân sách, tăng 13% so với giai đoạn 2011-2015.  Còn trong tổng chi ngân sách, tỷ trọng chi đầu tư phát triển đạt khoảng 26-27%, tăng 1-2% so với giai đoạn 2011-2015, trong đó 64-65% là tỉ trọng chi thường xuyên, giảm khoảng 3% so với 5 năm trước.
Năm 2018, dự kiến nguồn thu từ dầu thô còn khoảng 35,9 ngàn tỉ đồng/1.099,3 ngàn tỉ đồng từ tiền thu nội địa. Số thu cân đói hoạt động xuất nhap khẩu cũng chỉ còn 179 ngàn tỉ đồng do các cam kết cắt giảm thuế xuất nhập khẩu mỗi năm một thực hiện rộng hơn.
Tuy nhiên các mục tiêu dự chi ngân sách vẫn gia tăng, dù mức tăng chậm như chi đầu tư phát triển gần 400 ngàn tỉ đồng và chi thường xuyên hơn gấp đôi con số này (940,74 ngàn tỉ đồng). Ngoài ra còn chi dự toán trả nợ lãi là 112,5 ngàn tỉ và chi trả nợ gốc khoảng 159,74 ngàn tỉ đồng.

MỘT NĂM LẮM CHUYỆN LẠ

VŨ KHOAN/ TVN 12-2-2018

Thế giới 2017,Donald Trump,Triều Tiên,Tên lửa,Tập Cận Bình
Dù sao đi nữa thì quan hệ giữa các nước lớn cũng ảnh hưởng nhiều tới cục diện chung. Ảnh minh họa
Hiếm có năm nào trên thế giới lại xảy ra lắm chuyện lạ như năm 2017. Ta hãy thử xem có phải như vậy không.
Hễ lên mạng hay bật vô tuyến truyền hình thì ngày nào cũng thấy xuất hiện những phát minh, sáng chế lạ kỳ: nào là người máy có vóc dáng và bộ óc nhân tạo hệt như con người; nào là xe hơi chẳng cần người lái; nào là những máy móc tinh vi giúp thầy thuốc giải phẫu bệnh nan y chỉ trong vài ba phút; nào là các bà nội trợ chẳng cần mang tiền, mua gì chỉ cần dí điện thoại thông minh vào mã hàng là xong…
Thế mới biết trí tuệ con người thật vô biên. Một khi nhu cầu cuộc sống đòi hỏi và sức sáng tạo được phát huy thì điều gì cũng làm được. Cái hay, cái lợi thì nhiều nhưng cũng có lúc “gậy ông đập lưng ông”. Cách mạng công nghiệp 4.0, 5.0 ở đâu không biết, những vụ hacker đánh sập mạng của hàng loạt quốc gia là một bằng chứng nhãn tiền về mặt trái của sự thần kỳ. Nói dại, nếu chúng đánh sập mạng điều khiển nhà máy điện hạt nhân hay hệ thống tên lửa - hạt nhân thì không biết thế giới sẽ ra sao?
Nội tình nhiều quốc gia cũng lắm điều lạ. Tiếp theo vụ nhà tỷ phú có nhiều phát ngôn và hành xử khác thường lên làm Tổng thống siêu cường số một thế giới là nước Mỹ; ở hàng loạt quốc gia diễn ra các cuộc bầu cử theo định kỳ hay bất thường như Pháp, Đức, Nhật Bản, Hà Lan, Áo, New Zealand, Hàn Quốc… Công việc bếp núc ở các quốc gia được cả bàn dân thiên hạ nín thở dõi theo một phần do những biểu hiện của chủ nghĩa dân túy và dân tộc cực đoan đồng loạt ngóc đầu dậy. Nhờ trời, tạm thời các đảng phái tôn thờ những thiên hướng như vậy chưa giành được đa số áp đảo để lên nắm chính quyền, nhưng họ đã giành được số phiếu ủng hộ không phải là ít. Biểu hiện đó cho thấy sự phân hóa xã hội ở các nước công nghiệp phát triển sâu sắc đến chừng nào. 
Sự phân hóa ấy không chỉ giữa các tầng lớp dân cư mà còn bộc lộ trong xu hướng “ly tâm” giữa các cộng đồng dân tộc. Chẳng thế mà đã xuất hiện làn sóng ly khai ở không ít nơi. Quả "bom tấn" trong làn sóng này là vụ nước Anh rời khỏi Liên hiệp châu Âu (EU), được gọi là Brexit; còn vùng Scotdland lại muốn tách khỏi Vương quốc Liên hiệp Anh & Bắc Ireland để ở lại EU; vùng Catalunya đòi rời khỏi Tây Ban Nha; cộng đồng người Kurd sống ở bốn nước: Syria, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Iraq muốn hình thành quốc gia độc lập…
Thế mới biết, “phát triển” và “công bằng” phải đi đều chân, nếu “chân tươi, chân héo” thì rất dễ sinh chuyện; tình cảm dân tộc là cái gì đó ẩn sâu trong xương tủy, nếu không cẩn thận tất sẽ tan cửa nát nhà.
Một biểu hiện khác phản ánh chiều hướng trên là sự giằng co giữa tự do hóa thương mại dưới tác động của toàn cầu hóa và những biểu hiện của chủ nghĩa bảo hộ đang trỗi dậy. Ai cũng biết, chẳng một quốc gia nào, dù lớn mạnh tới đâu cũng không thể sống biệt lập, vẫn phải làm ăn, buôn bán với nước khác. Bên cạnh đó, nước nào cũng chăm lo lợi ích của mình trước tiên. Làm thế nào để hài hòa được mối lợi riêng và lợi ích chung là một chủ đề nóng trong năm qua, thậm chí những “thỏa thuận thế kỷ” như Hiệp định mậu dịch tự do Bắc Mỹ (NAFTA), Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu toàn cầu cũng chịu những thách thức nặng nề trước chủ thuyết “Nước Mỹ trên hết” của ông D.Trump.
Về chính trị - an ninh cũng không hiếm những điều rắc rối. Trong mớ bòng bong các sự kiện, không biết nên đề cập chuyện gì trước? Dù sao đi nữa thì quan hệ giữa các nước lớn cũng ảnh hưởng nhiều tới cục diện chung, vì vậy xin có vài lời bình trước.
 
Thật ra cặp quan hệ Mỹ - Trung Quốc đã dần nổi lên từ sau khi Liên Xô (trước đây) bị giải thể. Tuy nhiên, chiều hướng này ngày càng đậm nét kể từ sau khi Trung Quốc trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới và gỡ bỏ dần kế sách “giấu mình chờ thời”. Nét đặc trưng của năm qua là Tổng thống Mỹ D.Trump đề cao khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại”, còn Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trở thành “hạt nhân lãnh đạo” và tư tưởng của ông về “CNXH đặc sắc Trung Quốc trong thời đại mới” được đưa vào Điều lệ Đảng do Đại hội lần thứ XIX thông qua, với mục tiêu thực hiện “Giấc mơ Trung Hoa”, đưa Trung Quốc tiến vào “trung tâm thế giới”.
Tuy các cuộc gặp ở trang trại Mar-a-Lago khi hai ông gặp nhau lần đầu và trong Tử Cấm Thành khi ông D.Trump lần đầu công du châu Á mang đầy tính biểu tượng về không khí đầm ấm giữa hai nền kinh tế thứ nhất và thứ nhì thế giới, nhưng điều đó cũng không che đậy được sự tranh hùng giữa hai quốc gia. Biểu hiện về điều này có nhiều; chỉ cần lẩy ra hai hiện tượng cũng đủ thấy: Đó là việc Trung Quốc ra sức cổ súy cho tư tưởng “Vành đai, con đường”, trong đó con đường tơ lụa trên biển qua cửa ngõ Biển Đông vắt ngang Ấn Độ Dương vòng qua Trung Cận Đông sang châu Âu; còn ông D.Trump lại không ngớt nhấn mạnh ý tưởng “Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương” với sự hưởng ứng của Nhật Bản, Australia và Ấn Độ.
Còn cặp quan hệ Mỹ - Nga vẫn không mấy suôn sẻ, một phần liên quan cuộc đấu đá trong nội bộ nước Mỹ chung quanh câu chuyện “nước Nga can thiệp vào cuộc tranh cử Tổng thống Mỹ”. Tiếng là vậy, song họ vẫn phải tìm cách dàn xếp với nhau, chí ít là cuộc chiến chống tổ chức tự xưng Nhà nước Hồi giáo (IS) và tình hình Syria. Rõ ràng ở đây Nga đã giành được thế thượng phong với việc giúp chính quyền Tổng thống Syria Bashar Al-Assad lợi thế trong cuộc chiến chống IS và với các phe đối lập, đồng thời hình thành sự kết giao với Thổ Nhĩ Kỳ, Iran; thậm chí cải thiện được quan hệ cả với đồng minh truyền thống của Mỹ là Saudi Arabia.
Cái khu vực đầy xung đột, chết chóc này tiếp tục chứng kiến nhiều rối ren: nào là nội chiến kéo theo khủng hoảng nhân đạo ở Yemen; nào là sự lục đục giữa một số nước vùng Vịnh với Qatar, và nhất là “món quà” cuối năm ông D.Trump tặng cho khu vực và thế giới là quyết định công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel, đẩy nước Mỹ vào thế cô lập. Chiến lược an ninh quốc gia của Mỹ được công bố cuối năm càng chứng tỏ điều đó
Trong khi đó, điểm nóng nổi trội ở Đông - Bắc Á liên quan việc CHDCND Triều Tiên liên tiếp thử tên lửa đạn đạo, bom hạt nhân và cả bom nhiệt hạch. Đây là một chủ đề nổi trội trong chương trình nghị sự của LHQ, nhất là các nước trực tiếp hữu quan là Mỹ, Trung Quốc, Nga, Nhật Bản và Hàn Quốc. Lời qua tiếng lại, thậm chí không thiếu những hăm dọa lạnh người, bên cạnh đó không ít phương án thăm dò được đưa ra. Không biết rồi mớ bòng bong này sẽ được tháo gỡ ra sao nhưng thật khó hình dung một cuộc chiến tranh Triều Tiên mới lại bùng phát sau gần 70 năm với những hệ lụy thảm khốc gấp bội.
Lướt qua cục diện năm qua, ai ai cũng có cảm giác về một thế giới đầy bất an, bất định. Tuy nhiên, nếu bình tâm suy ngẫm thì có vẻ như mọi chuyện đang chuyển mình theo những quy luật vốn có. Đó là quy luật phát triển kinh tế và khoa học - công nghệ theo các làn sóng; quy luật “hợp - tan” và “hướng tâm - ly tâm”; quy luật phát triển không đồng đều của các quốc gia; quy luật “thịnh - suy” của các nước.
Phải chăng 2017 là một năm bản lề giữa trạng thái cũ và trạng thái mới, lúc mà trạng thái cũ chưa mất hẳn, trạng thái mới chưa định hình vững chắc nên mới phát sinh lắm sự rung lắc. Hy vọng rằng, năm 2018 tới mọi chuyện sẽ đi dần vào trật tự, hình hài của cấu trúc mới sẽ lộ rõ hơn, cái lợi ích bất biến của loài người là hòa bình, ổn định và hợp tác để làm ăn sinh sống vẫn là dòng chảy chính.
Vũ Khoan/ theo Thời nay số Xuân Mậu Tuất

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét