Thứ Tư, 7 tháng 2, 2018

20180207. BÌNH LUẬN VỀ QUY HOẠCH NGHĨA TRANG YÊN TRUNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
XÂY NGHĨA TRANG, VÌ AI ?

NGUYỄN THỊ HẬU/ NĐT/ BVN 6-2-2018

Phối cảnh nghĩa trang Yên Trung, huyện Thạch Thất, TP. Hà Nội. Ảnh: Vnexpress
Một câu hỏi thật vô lý! Nhưng không thể không đặt câu hỏi đó đối với dự án 1.400 tỷ đồng cho Nghĩa trang quốc gia sắp xây dựng ở ngoại thành Hà Nội. Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, nghĩa trang Yên Trung sẽ phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước; các anh hùng, danh nhân của đất nước.

Mục đích đã rõ! Nhưng trong tình hình hiện nay nợ công còn quá nặng nề, nhiều loại thuế, phí đã tăng và sẽ còn tăng như dự thảo nhiều luật thuế, nạn tham nhũng chưa có dấu hiệu giảm bớt dù đã xét xử nhiều trọng án... Vì sao dự án xây dựng nghĩa trang lên đến 1.400 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước vẫn được tiến hành khi đó chưa phải là nhu cầu bức thiết nhất?

Ngân sách đó là từ những đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt, vắt kiệt trí tuệ chất xám của mọi tầng lớp nhân dân. Đó là đồng tiền chắt chiu từ việc khai thác cạn kiệt nguồn tài nguyên khoáng sản, là đồng tiền bán cho nước ngoài từ con cá cân lúa đến sức lao động của người Việt Nam...

Không thể đòi hỏi sự công bằng tuyệt đối nhưng vì sao việc tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng ngân sách cho một nghĩa trang, một công trình tượng đài lại dễ dàng hơn rất nhiều lần việc xây dựng bệnh viện, trường học, cây cầu cho người dân ở những vùng còn rất nghèo đói?

Nhớ ơn trả nghĩa, nghĩa tử nghĩa tận... Đấy là đạo lý của dân ta. Những năm sau chiến tranh dù còn vô cùng khó khăn nhưng việc đền ơn đáp nghĩa luôn được thực hiện theo chủ trương chính sách của nhà nước: xây dựng những tượng đài di tích chiến tranh, nhiều nghĩa trang liệt sĩ, chăm sóc các bà mẹ Việt Nam anh hùng, xây dựng những ngôi nhà tình nghĩa, nhà tình thương... Những công việc ấy hiện nay vẫn được thực thi từ nguồn ngân sách nhà nước và sự đóng góp to lớn của xã hội.

Hiện nay, nhất là ở các thành phố lớn, nhà nước đã có chủ trương và vận động người dân thay đổi tập quán mai táng, từ việc chôn dưới đất đến hỏa thiêu trong những “Đài Hóa thân” đã được xây dựng tiện lợi, vệ sinh, hiện đại và không kém sự trang nghiêm thành kính.

Thay đổi này từ nhiều nguyên nhân, trong đó có việc tốn quá nhiều đất đai cho người đã khuất, nhất là ở các đô thị, chưa kể việc xây dựng mồ mả, tập quán cải táng... cũng là những khoản kinh phí rất lớn đối với mỗi gia đình.

Thực tế cho thấy sự thay đổi như vậy đã được người dân chấp nhận và bắt đầu trở thành một tập quán mới trong xây dựng nếp sống văn minh, hiện đại.

Vậy mà nay Hà Nội lại quyết định xây dựng một nghĩa trang lớn ở ngoại thành với “tổng diện tích nghĩa trang là 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Nghĩa trang Yên Trung sẽ có 2.200 - 2.500 ngôi mộ; mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người”.

Chỉ có khoảng 2.500 ngôi mộ nhưng mỗi mộ phần chiếm đến 25-35m2. Quy mô như vậy, nói không quá, như một khu lăng mộ của quan lại thời phong kiến! Trong khi đó người dân thường khi yên nghỉ chỉ cần “hai mét đất” cũng rất khó khăn! Chưa kể đến việc để dành đất cho người chết thì hơn 100 gia đình hiện sinh sống tại khu đất quy hoạch nghĩa trang buộc phải di dời đi nơi khác.

Sao lo cho người sẽ chết “an nghỉ” mà lại làm người sống không thể “an cư”?
Giai đoạn một của dự án “xây dựng đường kết nối, khu dịch vụ, nghỉ lễ, khu tưởng niệm và an táng. Các khu còn lại sẽ được đầu tư khi có nhu cầu”. Tức là khu vực cảnh quan cây xanh sẽ xây dựng sau.Như vậy, nếu cho rằng nghĩa trang mới xây dựng theo mô hình “công viên nghĩa trang” thì yếu tố công viên - cảnh quan là thứ yếu, và trong khi chờ đợi “có nhu cầu” thì mới xây dựng, diện tích 47 hecta dành cho cảnh quan sẽ được quản lý và sử dụng thế nào để không bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, thậm chí thay đổi cả quy hoạch?

Tại những quốc gia khác, nghĩa trang nhà nước chỉ dành cho những lãnh tụ có cống hiến to lớn, những danh nhân văn hóa, khoa học, những anh hùng xuất chúng... Tại đó, những ngôi mộ trang nghiêm và giản dị của những nhân vật được nhân dân yêu kính không lúc nào không có hoa tươi, kể cả khi người đó đã qua đời hàng trăm năm... Còn phần lớn các quan chức và “người có công” khi mất được đưa về mai táng trong nghĩa trang gia đình hoặc nghĩa trang của tư nhân, hoặc hỏa táng... Họ trở về bổn phận là một công dân bình thường vì chức vị của họ khi còn sống là để phục vụ nhân dân.

Hãy trở về lòng đất như mọi người dân bình thường, đừng để sự cách biệt giữa cán bộ, dù là “cao cấp” với người dân tiếp tục đến tận thế giới bên kia!
Đừng để người dân đặt ra câu hỏi: xây dựng nghĩa trang vì ai, vì người sẽ mất hay vì “người còn sống”?!

N.T.H.
Nguồn: http://nguoidothi.net.vn/xay-nghia-trang-vi-ai-12544.html

MỒ LÃNH ĐẠO CÀNG LỚN CÀNG PHÚC CHO DÂN !

TRÚC GIANG/ VNTB/ BVN 6-2-2018


Nghĩa trang Mai Dịch - nghĩa trang VIP dành cho cán bộ trung - cao cấp của Đảng và Nhà nước Việt Nam.

Nghĩa tử là nghĩa tận. Phê phán chuyện mồ yên mả đẹp xem ra có gì đó không phải với người khuất bóng. Thế nhưng sẽ rất khó giải thích vì sao chính quyền đưa ra chính sách khuyến khích người dân khi qua đời nên hỏa táng, thì cán bộ cao cấp của Đảng và Nhà nước lại ưu tiên chọn việc mộ táng. Không chỉ vậy mà còn sử dụng tiền thuế của dân để xây dựng nghĩa trang riêng dành cho các quan chức và cựu quan chức của Đảng - Nhà nước.

TP.HCM nâng mức hỗ trợ khuyến khích hỏa táng

Từ năm 2018, UBND TP.HCM nâng mức hỗ trợ chi phí khuyến khích hỏa táng lên 3.000.000 đồng/lượt hỏa táng cho người dân. Trước đó, vào năm 2015 (Quyết định số 14/2015/QĐ-UBND), TP.HCM đã từng ban hành mức hỗ trợ hỏa táng từ 1,5- 2,5 triệu đồng/ lần cho đối tượng chính sách, hưu trí, người có công, hộ nghèo, hộ cận nghèo, người dân có hộ khẩu TP.HCM.

Theo UBND TP.HCM, hỏa táng là hình thức văn minh, góp phần giảm thiểu ô nhiễm, tạo môi trường sống tốt cho sức khỏe của người dân nên thời gian gần đây, các đề án quy hoạch sử dụng đất của TP không dành nhiều diện tích đất cho mục đích chôn cất người chết.


Hỏa táng được khuyến khích trong đời sống hiện đại, văn minh.

Quyết định của UBND TP.HCM xuất phát từ Quyết định của Chính phủ về “Đề án khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng”, do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ban hành tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 11 năm 2013. Khi ấy, Chính phủ của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa ra quan điểm như sau: Sử dụng rộng rãi hình thức hỏa táng trong việc tang là góp phần thực hiện có hiệu quả cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa tại các khu dân cư; Khuyến khích sử dụng hình thức hỏa táng tiên tiến, hiện đại trong việc tang nhằm góp phần bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm, tiết kiệm đất đai và hướng tới phát triển bền vững; Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư xây dựng các cơ sở hỏa táng cũng như nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và cung cấp các thiết bị hỏa táng hiện đại, tiết kiệm năng lượng và đảm bảo vệ sinh môi trường.

Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược

Hai năm sau ngày Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký Quyết định số 2282/QĐ-TTg, thì Ban Bí thư Trung ương Đảng đã có chủ trương xây dựng nghĩa trang mới dành cho cán bộ cao cấp sau khi từ trần và Nhà tang lễ quốc gia. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã giao Bộ Xây dựng tổ chức việc lựa chọn địa điểm xây dựng, quy hoạch xây dựng nghĩa trang mới và Nhà tang lễ quốc gia.

Ngày 1-2-2018, tại Lễ công bố và bàn giao Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung do UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng đã phát biểu với báo chí như sau: cần thiết phải xây dựng một nghĩa trang mới để tổ chức và phục vụ cho các hoạt động tang lễ cấp quốc gia.

“Hà Nội là trung tâm hành chính, chính trị của cả nước, nơi tập trung các cơ quan đầu não của Đảng và Nhà nước. Đây cũng là nơi sống và làm việc của các đồng chí cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng và Nhà nước. Khi mất đi, các đồng chí được tổ chức tang lễ tại Nhà tang lễ Quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông) và được an táng tại Nghĩa trang Mai Dịch, quận Cầu Giấy. Tuy nhiên, Nghĩa trang Mai Dịch được khai thác từ năm 1982 với diện tích 5,9 ha, đến nay đã hết diện tích sử dụng...”.


Quyết định khuyến khích hỏa táng và giờ đây người đứng đầu Chính phủ lại phê duyệt Quy hoạch Nghĩa trang cao cấp. 

Do vậy, theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Quốc Hùng, thực hiện chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã phối hợp chặt chẽ với Bộ Xây dựng trong quá trình nghiên cứu lựa chọn địa điểm xây dựng nghĩa trang mới. Quá trình triển khai, Thủ tướng Chính phủ đã có Văn bản số 627/TTg-KTN, ngày 7-5-2013 thống nhất với đề xuất của Bộ Xây dựng về vị trí xây dựng Nghĩa trang mới tại xã Yên Trung, huyện Thạch Thất và Quyết định số 546/QĐ-TT ngày 17-4-2014 phê duyệt Nhiệm vụ quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung.

Dự kiến nguồn vốn được đầu tư là 1.430 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước.
Như vậy nếu so tính các mốc thời gian, thì có thể thấy rất rõ rằng khi Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải ký ban hành tại Quyết định số 2282/QĐ-TTg, ngày 26 tháng 11 năm 2013, ông cũng hiểu đây chỉ là các nội dung dành áp dụng cho người dân “đen” bình thường, không áp dụng cho những cán bộ cao cấp của Đảng - Nhà nước như ông Hoàng Trung Hải.

Mồ lãnh đạo càng lớn là phúc cho dân

Một phóng viên đang làm việc tại tờ báo có cơ quan chủ quản là cấp sở ở TP.HCM, đã nói rằng: “Dư luận ồn ào phê phán việc Nhà nước dự kiến bỏ hơn 1.400 tỷ đồng để xây nghĩa trang cán bộ cao cấp là lãng phí. Đây là quan điểm rất không công bằng. Không yêu Đảng yêu Nhà nước. Bởi lẽ hàng triệu cán bộ đã không quản ngại khó khăn ngày đêm cống hiến tuổi thanh xuân đưa đất nước ngày càng phồn vinh...”.

Nhà báo này viết bằng giọng văn tưng tửng: “Không thể kể đến vai trò của lãnh đạo cấp cao. Không có họ chúng ta có như ngày hôm nay phỏng? Một đất nước mà khi sống lãnh đạo vừa vất vả để kiến tạo hạnh phúc muôn dân vừa đập tan âm mưu gây chia rẽ khối đại đoàn kết. Bọn thế lực thù địch vừa dẹp xong lại có bọn khác trỗi dậy... Làm cán bộ khi sống đã rất khổ, tại sao khi chết họ không được an nghỉ mồ yên mả đẹp chứ.

Theo tôi cán bộ cao cấp mồ mả có to khang trang thì dân tộc mới trường tồn hạnh phúc. Bọn tư bản giãy chết do mồ mả lãnh đạo không to nên đất nước họ bất ổn khủng bố hoài... Vì lẽ đó, mồ lãnh đạo càng lớn thì quốc gia mới hưng thịnh, nhân dân mới phồn vinh.

Chả phải các vị đều muốn mồ mả ông bà mình to đẹp ư? Mồ mả lãnh đạo được đầu tư khang trang ấy là thể diện quốc gia thưa quý vị! Sau này ta sẽ nói với con cháu rằng, khu mồ lãnh đạo này là một phần công sức mồ hôi của ta tạo nên. Thế chả phải rất vinh dự ư quý vị Nhân Dân!”.

Bên quán cà phê bình dân ở Sài Gòn, nhiều người cà rỡn rằng cán bộ tốt thì khi sống phải gần dân, vậy tại sao khi chết lại buộc phải xa dân đến như vậy? Liệu mai này người dân muốn tỏ lòng biết ơn người đã nhóm củi đốt lò, họ có được vào Nghĩa trang Yên Trung để thắp nén hương cho cụ?

T.G.
VNTB gửi BVN.

XÂY NGHĨA TRANG 1.400 TỶ ĐỒNG: LÃNG PHÍ, CHƯA CẦN THIẾT !

HOÀNG THẠCH SƠN/ NLĐ 6-2-2018

Nợ công cao, người dân còn nghèo, bệnh viện quá tải, cầu đường xuống cấp…, có cần thiết lấy 1.400 tỉ đồng ngân sách để xây nghĩa trang cho cán bộ vào lúc này?

Mới đây, UBND TP Hà Nội phối hợp với Bộ Xây dựng tổ chức lễ công bố Quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 Nghĩa trang Yên Trung (huyện Thạch Thất, Hà Nội) để phục vụ nhu cầu an táng cán bộ cao cấp. Nguồn vốn dự kiến hơn 1.400 tỉ đồng sẽ lấy từ ngân sách nhà nước. Theo tôi, việc này chưa cần thiết.
Dân còn nghèo, nợ công cao
Thứ nhất, 2017 là năm mà Việt Nam phải chịu rất nhiều tổn thất từ thiên tai, với 386 người chết và mất tích, hàng ngàn người dân mất nhà cửa, thiệt hại về kinh tế khoảng 60.000 tỉ đồng, sản xuất đình trệ. Cuộc sống của nhân dân đang gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt là nhân dân các vùng bị ảnh hưởng trực tiếp như: Sơn La, Yên Bái, miền Trung, Tây Nguyên và các tỉnh miền Tây Nam Bộ. Chi một phần ngân sách trong dự án xây dựng nghĩa trang ngàn tỉ để giúp nhân dân ở các vùng này khắc phục thiên tai, ổn định cuộc sống để phát triển là việc làm ý nghĩa và cần thiết hơn bao giờ hết.
Thứ hai, các đại án tham nhũng gần đây dù đã được cơ quan có thẩm quyền điều tra và xử lý nghiêm nhưng việc truy thu tài sản tham nhũng đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong khi đó, nhà nước thiếu vốn trong đầu tư phát triển trên nhiều lĩnh vực; nhiều dự án đầu tư dở dang, ngưng trệ kéo dài, thậm chí "đắp chiếu" vì thiếu vốn.
Thứ ba, hiện cả nước có 64 huyện nghèo và hơn 1,9 triệu hộ nghèo. Nhân dân ở các huyện này đang rất cần sự hỗ trợ về tài chính để ổn định cuộc sống; chính quyền các huyện này cũng rất cần ngân sách để xây dựng kết cấu hạ tầng nhằm phát triển địa phương. Rất nhiều trường học không điện, không nước, không nhà vệ sinh; bệnh viện quá tải, 2-3 bệnh nhân nằm chung một giường; nhiều con đường, cây cầu xuống cấp trầm trọng…
Thứ tư, chúng ta đang phải đối mặt với nợ công. Đành rằng muốn xây dựng để phát triển thì phải có vốn, không có vốn thì phải vay nhưng vay thì phải trả. Hiện nay, nợ công của Việt Nam ở mức cao, khoảng 3,1 triệu tỉ đồng. Tính ra mỗi người dân phải "gánh" khoảng 30 triệu đồng. Năm 2018, cùng với việc xác định bội chi ngân sách ở mức 3,7% trên GDP, nợ công theo dự kiến của Bộ Tài chính sẽ ở đỉnh mới là 63,9% GDP. Nợ công dù trong ngưỡng an toàn thì cũng là nỗi lo của người dân.

Xây nghĩa trang 1.400 tỉ đồng: Lãng phí, chưa cần thiết! - Ảnh 1.
Các anh hùng liệt sĩ được đặt nằm bên nhau trong Nghĩa trang Liệt sĩ Tân Biên (Tây Ninh) Ảnh: Thanh Long
Sống gần dân, chết cũng gần dân
Thứ năm, mai táng bằng hình thức địa táng là phong tục của ông cha ta, khi chết ai cũng như nhau, mỗi người có 2 m2 đất. Trong các nghĩa trang liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ trong các cuộc chiến tranh vệ quốc đã anh dũng hy sinh được đặt nằm bên nhau, mỗi người chỉ 1 m2 đất. Tuy vậy, họ vẫn luôn sống mãi trong ký ức của nhân dân. Ngày nay, do dân cư đông đúc, quỹ đất có hạn và giải quyết vấn đề ô nhiễm về nguồn nước, không khí nên chúng ta đang vận động mai táng bằng hình thức hỏa táng. Nhiều tỉnh, thành hiện đã có đài hỏa táng, việc thực hiện hỏa táng không còn xa lạ. Vì vậy, lấy tiền ngân sách để xây mộ cho cán bộ cấp cao, mỗi ngôi mộ có khuôn viên 25 - 35 m2 thì đúng là… rất lạ.
Thứ sáu, nhân dân là lực lượng to lớn trong sự nghiệp cách mạng của Đảng ta. Mối quan hệ của Đảng với nhân dân vô cùng mật thiết, máu thịt. Bác Hồ đã khẳng định: "Đảng với dân như cá với nước". Đảng ta ngoài lợi ích của nhân dân, của dân tộc không còn lợi ích nào khác. Chúng ta đang ra sức thực hiện Quy định số 101 của Ban Bí thư về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt và Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Chúng ta đang tổ chức tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên phải sống gương mẫu, giản dị, khiêm tốn, tiết kiệm, trọng dân, gần dân, hiểu dân; chống quan liêu, tham ô, lãng phí, vô cảm… Sống gần dân thì chết cũng gần dân. Đó là lẽ thường tình, những anh hùng, danh nhân cho đến thường dân từ xưa đến nay chưa ai làm khác.
Thứ bảy, dân tộc ta là một dân tộc yêu hòa bình; trọng tình nghĩa; sống gắn bó thủy chung từ trong gia đình, họ hàng, làng xã. Cho nên ở đâu, làm gì thì hình bóng người thân, quê nhà vẫn luôn hiển hiện trong trái tim chúng ta. Chẳng ai muốn tha hương, bất đắc dĩ mà đi thì già cũng tìm về. Kể cả khi phải chết nơi đất khách, con cháu cũng tìm cách đưa về. Điều này đã ăn sâu vào tâm thức người dân như một lẽ tự nhiên mang đậm nét tâm linh. Có ai muốn mình sau khi chết lại nằm xa người thân, xa đất mẹ? 
Nghĩa trang Yên Trung rộng 120 ha
Nghĩa trang Yên Trung nằm dưới chân núi Ba Vì, cách trung tâm Hà Nội 40 km về phía Tây. Phía Bắc và phía Tây giáp Vườn Quốc gia Ba Vì; phía Đông giáp đồi núi và đường cao tốc Hòa Lạc - Hòa Bình; phía Nam giáp đồi núi và khu dân cư. Tổng diện tích nghĩa trang 120 ha, gồm khu an táng 72 ha và khu đệm cây xanh cảnh quan trên 47 ha. Có 2.200-2.500 ngôi mộ, mỗi ngôi có khuôn viên 25 - 35 m2. Khu vực cảnh quan có sức chứa 5.000 người. Thời gian thực hiện dự án khoảng 36 tháng.
Hoàng Thạch Sơn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét