Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2016

20161120. BÀN VỀ 'YẾU TỐ' VÀ 'NHÂN TỐ'

ĐIỂM BÁO MẠNG
YẾU TỐ VÀ NHÂN TỐ
NGÔ THẾ BÍNH/ ngothebinh’s blog 20-11-2016
Kết quả hình ảnh cho nhân tố
    Có 2 thuật ngữ ‘yếu tố’ và ‘nhân tố’ rất hay bị các NCS  sử dụng lẫn lộn trong luận án.  Trong bài này tôi xin nêu định nghĩa, ví dụ và bàn thêm về phương pháp phân tích nhân tố ảnh hưởng.
  1. Định nghĩa của yếu tố và nhân tố:
 Yếu tố: là một trong những bộ phận cần thiết để cấu thành  hiện tượng hay sự vật nào đó. Ví dụ: Hydro và Oxy là 2 yếu tố (nguyên tố) cấu thành phân tử nước; Sức lao động, tư liệu lao động và đối tượng lao động là 3 yếu tố cấu thành của hoạt động sản xuất; Các nguồn lực mà doanh nghiệp có là những yếu tố cấu thành năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; Nguyên vật liệu mua ngoài, nhiên liệu mua ngoài, động lực mua ngoài,… là những yếu tố cấu thành của giá thành đơn vị sản phẩm; v.v…
 Nhân tố: là một trong những nguyên nhân ảnh hưởng (tác động) đến hiện tượng  hay sự vật nào đó. Ví dụ: Áp dụng công nghệ tiên tiến là một trong những nhân tố  ảnh hưởng đến tăng năng suất lao động; Biến đổi khí hậu là một trong những nhân tố làm giảm sản lượng nông nghiệp; lạm phát là nhân tố ảnh hưởng đến tăng giá cả nguyên vật liệu v.v…
  Với các định nghĩa trên xin được lưu ý:
- Cả 2 thuật ngữ đều có nguồn gốc Hán-Việt [1]: Yếu tố ( ) còn Nhân tố ( 因 ). Trong tiếng Anh có 2 thuật ngữ rất khó lẫn lộn: element ( Yếu tố) ; factor (nhân tố).
-  Các thuật ngữ yếu tố và nhân tố thường có các bổ ngữ đi kèm khác biệt: yếu tố cấu thành , nhân tố ảnh hưởng. Đó cũng là chỉ dấu phân biệt ngữ cảnh sử dụng.
-  Nhân tố ảnh hưởng đến một hiện tượng /sự vật nào đó thường rất đa dạng phức tạp, nhưng chúng thường gây ảnh hưởng thông qua từng yếu tố cấu thành. Vì vậy trong thực tiễn người ta thường dùng tên gọi các yếu tố để phân nhóm các nhân tố ảnh hưởng. Ví dụ: các nhân tố ảnh hưởng đến giá thành đơn vị sản phẩm được chia ra: nhân tố nguyên vật liệu mua ngoài, nhân tố nhiên liệu mua ngoài,v.v… Điều đó không có nghĩa đồng nhất yếu tố và nhân tố. Nhân tố thực sự “đằng sau” tên gọi các yếu tố  đòi hỏi  phải được phân tích  sâu thêm. Ví dụ nhóm nhân tố “nguyên vật liệu mua ngoài” là tích hợp của 2 nhân tố: biến động  giá và biến động  mức tiêu hao nguyên vật liệu . Nếu phân tích sâu hơn thì 2 nhân tố kể trên lại là kết quả của những nhân tố khác như quan hệ cung cầu về nguyên vật liệu, áp dụng công nghệ mới, cải tiến cung ứng và dự trữ nguyên vật liệu… Phương pháp phân tích nhân tố ảnh hưởng được bàn tiếp ở mục sau
  1. Phân tích nhân tố ảnh hưởng
   Phân tích nhân tố ảnh hưởng là một thao tác cần thiết đối với mọi khoa học . Trong khoa học kinh tế phân tích nhân tố ảnh hưởng có các nhiệm vụ:
-  Xác định danh sách chỉ tiêu đặc trưng cho hiện tượng, sự vật được nghiên cứu (chỉ tiêu kết quả) và các chỉ tiêu đặc trưng cho nhân tố ảnh hưởng (Chỉ tiêu nhân tố);
-  Xác lập tương quan  giữa chỉ tiêu kết quả và các chỉ tiêu nhân tố.
-  Đánh giá vai trò, xu hướng, mức độ ảnh hưởng của từng chỉ tiêu nhân tố trong điều kiện các chỉ tiêu nhân tố khác không đổi.
  Trong giáo trình phân tích hoạt động kinh doanh [2] tôi đã đề cập tới các phương pháp         như: phương pháp hệ số kết cấu, phương pháp thay thế liên hoàn, phương pháp số chênh lệch, phương pháp chỉ số. Đây là những phương pháp ‘cổ điển’, dễ áp dụng và cũng được đề cập trong nhiều sách giáo khoa kinh tế. Tuy nhiên những phương pháp này có một số nhược điểm chung:
-  Đồng nhất yếu tố cấu thành và nhân tố ảnh hưởng nên không giúp ích vạch ra nguyên nhân  đích thực ảnh hưởng đến chỉ tiêu kết quả;
-  Phân tích dựa trên liên hệ chỉ tiêu có sẵn, dưới dạng hàm số (thường là dạng tích) với số lượng ít các chỉ tiêu có vai trò biến số, thuật toán phân tích có tính giả định cao.
- Mục đích sử dụng phương pháp chỉ để phát hiện chỉ tiêu yếu tố (không phải nhân tố) ảnh hưởng đến chỉ tiêu kết quả khi so sánh giữa 2 kỳ (thực hiện và kế hoạch hoặc thực hiện kỳ này với kỳ trước) của một địa chỉ nhất định, nên ý nghĩa áp dụng hạn hẹp, không có ý nghĩa trong phân tích dự báo hay lựa chọn tối ưu.
    Để khắc phục những khiếm khuyết kể trên một xu hướng đang được nỗ lực phát triển trong phân tích nhân tố ảnh hưởng của khoa học kinh tế là áp dụng phương pháp phân tích tương quan ( Correlation Analysis). Từ đầu thế kỷ 21 đến nay việc phân tích tương quan đã trở nên thuận lợi nhiều so trước đó nhờ sự phát triển của máy tính cá nhân có cài đặt sẵn những phần mềm xử lý  (Microshop Excel hay SPSS  của AN IBM Company…). Tuy nhiên những công việc ‘ngoài máy’ vẫn còn nguyên những căn bệnh và thách thức đòi hỏi các NCS phải tự vượt qua chính mình để giải quyết. Đó là:
- Thiếu mục đích rõ ràng, nghiêm túc (chạy theo mốt)  trong việc lập ra các mô hình tương quan, khiến mô hình không có ý nghĩa, giống như ‘trò chơi’ với những con số vừa chủ quan vừa chẳng ăn nhập gì với mục đích nghiên cứu
-  Thiếu thời gian và kinh phí  để có ma trận số liệu thống kê trung thực, đủ kích thước;  
- Mắc lỗi trong trình tự lập mô hình tương quan: giả thiết chỉ tiêu kết quả và chỉ tiêu nhân tố không đặc trưng hay tồn tại quan hệ hàm số giữa chỉ tiêu với nhau. Chỉ giả thiết 1 dạng mô hình nên không có cơ sở chọn mô hình cho xấp xỉ tốt nhất với dữ liệu.
Tài liệu tham khảo:
1- Hán-Việt từ điển trích dẫn http://nguyendu.com.free.fr/hanviet/
2- Ngô Thế Bính (2009)-Phân tích hoạt động kinh doanh-Bài giảng dùng cho chuyên ngành Kinh tế -quản trị doanh nghiệp mỏ.
3- Đào Trung Kiên nghiencuudinhluong.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét