Thứ Bảy, 12 tháng 11, 2016

20161112. BÀN VỀ NÂNG CAO CHẤT LƯỢNG ĐÀO TẠO TIẾN SĨ

ĐIỂM BÁO MẠNG
CÓ CƠ SỞ ĐÀO TẠO RA 'TIẾN SĨ GIẤY', GÂY BỨC XÚC XÃ HỘI
PV AN NGUYÊN/ GD 11-11-2016


(GDVN) - Nhiều cơ sở đào tạo tiến sĩ chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng, kết quả cho ra lò những “tiến sĩ giấy”, gây bức xúc trong xã hội.

Thực tế này vừa được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo “nâng cao chất lượng đào tạo nghiên cứu sinh – kinh nghiệm thực tế Việt Nam và Vương Quốc Anh” tổ chức tại TP.Đà Nẵng với sự tham gia của Đại diện Bộ GD&ĐT.
Hàng loạt bất cập
Theo Bộ GD&ĐT, cả nước đang triển khai 971 nghành tiến sĩ tại 158 cơ sở đào tạo. Trong đó, có 114 trường Đại học, 42 Viện nghiên cứu, một công ty Cổ phần thuộc Bộ Công thương và một trung tâm nghiên cứu thuộc Đại học quốc gia Hà Nội với quy mô năm học 2015-2015 là hơn 13.500 nghiên cứu sinh.
Các đại biểu tham gia hội thảo về thực trạng đào tạo Tiến sĩ tại Đà Nẵng. (Ảnh: TTN)
Việc bố trí lịch học như vậy thể hiện sự “không chính quy” của quy trình đào tạo.Ngoài ra, việc tổ chức đào tạo các học phần bổ sung và các học phần của chương trình tiến sĩ chủ yếu triển khai vào các ngày thứ bảy, chủ nhật hoặc vào các buổi tối trong tuần.Một đại diện Bộ GD&ĐT đánh giá, hiện một số cơ sở đào tạo đang chạy theo số lượng, tỷ lệ nghiên cứu sinh/người hướng dẫn cao, chưa kiểm soát được số lượng nghiên cứu sinh thực tế mỗi người hướng dẫn là bao nhiêu.
TS. Đào Hiền Chi, Thư ký vụ trưởng Vụ giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) cũng dẫn ra hàng loạt bất cập trong đào tạo tiến sĩ. Cụ thể, nhiều cơ sở lơ là việc tổ chức seminar định kỳ cho nghiên cứu sinh để báo cáo kết quả nghiên cứu theo tiến độ.
“Việc quản lý nghiên cứu sinh còn lỏng lẻo, hội đồng chuyên môn các cấp vẫn có hiện tượng nể nang, dễ dãi về học thuật.
Minh bạch thông tin kém, để xảy ra hiện tượng đạo văn, dẫn đến chất lượng của người tốt nghiệp không tương xứng với học vị được cấp, gây nghi ngờ trong xã hội về công tác đào tạo tiến sĩ” bà Chi thông tin.
Các chuyên gia cũng chỉ ra một thực tế là kinh phí đào tạo cho một nghiên cứu sinh ở Việt Nam rất thấp vào khoảng 700 USD/năm (tương đương 15 triệu đồng). Trong khi chi phí này ở nước ngoài lên đến 15.000 USD/năm (gần 350 triệu đồng).
“Nhận thức xã hội về việc học tiến sĩ vì nhu cầu ngoài hàn lâm cao. Học vị tiến sĩ được coi là tiêu chuẩn để cất nhắc và bổ nhiệm các chức vụ quản lý của công chức ở nhiều cơ quan” bà Chi nói tiếp.
Tại các cơ sở đạo tạo tiến sĩ, tình trạng cơ sở vật chất, phòng thí nghiệm lạc hậu, thư viện nghèo nàn, không đáp ứng được yêu cầu nghiên cứu và thực hiện luận án theo hình thức chính quy của nghiên cứu sinh.
TS. Giang Thị Kim Liên, Phó ban Đào tạo (Trường Đại học Đà Nẵng) còn nêu thực tế là hiện nay việc phản biện độc lập thường khiến nghiên cứu sinh mất nhiều thời gian.
Nguyên nhân do theo quy định thì luận án chuyển đến cho giáo sư đọc trong 45 ngày, nhưng nhiều giáo sư quá bận nên kéo dài, gây mất thời gian.
 Nâng chất lượng văn bằng Tiến sĩ
Qua đó, năm 2011, đã dừng tuyển sinh đối với 101 chuyên ngành của 35 cơ sở đào tạo tiến sĩ.Trong thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã liên tục rà soát các điều kiện bảo đảm chất lượng.
Đưa ra cảnh báo đối với 38 chuyên ngành của 18 cơ sở đào tạo khác do thiếu giảng viên cơ hữu.
Trong năm 2012, chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sĩ đối với 57 chuyên ngành thuộc 27 cơ sở đào tạo sau khi các cơ sở này không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên.
“Từ năm 2012, Bộ cũng siết chặt hơn việc thẩm định hồ sơ, luận án thông qua việc sửa đổi, bổ sung Quy chế đào tạo đưa yêu cầu thẩm định luận án” bà Chi cho hay.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến đều thống nhất phải có sự đổi mới trong đào tạo tiến sĩ. Đưa văn bằng tiến sĩ đào tạo ở Việt Nam phải tương đương chất lượng với văn bằng tại các nước khác.
Không thể lấy lý do vì trình độ phát triển kinh tế, xã hội Việt Nam thấp mà chấp nhận văn bằng có giá trị thấp. Phía đại diện Bộ GD&ĐT cũng khẳng định sẽ đề xuất tăng chi phí đào tạo tiến sĩ tương đương với một số nước trong khu vực.
“Việc mở ngành đào tạo tiến sĩ, tổ chức đào tạo và cấp bằng theo hướng áp dụng các chuẩn khu vực và quốc tế đối với các điều kiện đảm bảo chất lượng, giảm thủ tục hành chính, tăng hàm lượng khoa học như tăng số lượng công bố quốc tế của thầy hướng dẫn và nghiên cứu sinh” bà Chi cho biết.
Bắt buộc kiểm định khu vực và quốc tế đối với các chương trình đào tạo tiến sĩ. Đồng thời, hoàn thiện cơ chế để tạo điều kiện và khuyến khích các cơ sở đào tạo mời các nhà khoa học nước ngoài tham gia đào tạo tiến sĩ trong nước – bà Chi nói thêm.
Bộ GD&ĐT cũng sẽ tiếp tục rà soát, kiểm tra các điều kiện đảm bảo chất lượng tại các cơ sở đào tạo tiến sĩ.
Tổng kiểm tra và kiên quyết đình chỉ đào tạo các ngành hoặc những cơ sở đào tạo đã được cấp phép đào tạo tiến sĩ nhưng không đảm bảo các điều kiện về con người và cơ sở vật chất.
Về phía các trường, PGS.TS Đoàn Quang Vinh, Phó giám đốc Đại học Đà Nẵng cho rằng: “Các trường cần thực hiện liên kết đào tạo, đào tạo theo địa chỉ. Kết hợp với các cơ sở sử dụng lao động, viện nghiên cứu trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo, nghiên cứu khoa học, bảo đảm cho công tác đào tạo tiến sĩ. Có như vậy mới có thể nâng cao chất lượng”.
Theo TS. Fiona Lacey, Hiệu phó phụ trách Hợp tác Quốc tế (Trường Đại học Asston), chương trình đào tạo tiến sĩ ở Anh Quốc luôn đảm bảo cho người học.
“Chúng tôi không bắt buộc Nghiên cứu sinh phải có bài báo được công bố nhưng các trường Đại học Anh quốc đặc biệt chú trọng và đánh giá cao khả năng nghiên cứu của nghiên cứu sinh. Việc đánh giá chất lượng của nghiên cứu sinh cũng thể hiện chất lượng đào tạo của nhà trường” – TS. Fiona Lacey cho hay.
An Nguyên

MUỐN BẢO VỆ TIẾN SĨ PHẢI CÓ CÔNG BỐ KHOA HỌC QUỐC TẾ

Pv LÊ VĂN /  VNN 11-11-2016

Theo quy chế đào tạo tiến sĩ mà Bộ GD-ĐT đang soạn thảo nhằm nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ, nghiên cứu sinh muốn bảo vệ luận án tiến sĩ buộc phải có bài báo khoa học quốc tế.
Tại buổi tọa đàm về nâng cao chất lượng tiến sĩ mới đây, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga cho biết đào tạo tiến sĩ là đào tạo các nhà nghiên cứu chứ không phải đào tạo kỹ năng nghề nghiệp.Do vậy, luận án tiến sĩ phải là công trình khoa học, phải có cái mới và phải được đăng tải trên các tạp chí quốc tế để được phản biện.
Chia sẻ quan điểm này, GS Nguyễn Đình Đức, Trưởng ban Đào tạo, ĐHQGHN cho rằng, hiện nay, theo quy định thì các NCS chỉ cần có 2 bài báo đăng tải trên các tạp chí được Hội đồng Chức danh GS Nhà nước công nhận là "đạt yêu cầu" tiến sĩ."Lâu nay chúng ta chưa quan tâm chuyện này. Chỉ có công bố trong nước và vài báo cáo tại các hội nghị do đó mới chỉ đánh giá được trong nước. Muốn vươn ra thế giới, hội nhập thì phải công bố quốc tế" - Thứ trưởng Ga cho hay.
"Có những NCS có 7 bài báo nhưng đều là các bài tại các hội nghị nhưng hội đồng vẫn cho bảo vệ vì có 2 hội nghị là hội nghị cấp quốc gia được HĐCDGSNN công nhận" - ông Đức nói.
GS Trần Văn Nhung, Tổng thư ký HĐCDGSNN cho biết, theo kinh nghiệm nước ngoài, trong quá trình làm nghiên cứu sinh và được cấp bằng tiến sĩ thì dứt khoát phải có phát minh, phải tạo ra cái mới dù ở mức độ khác nhau.
"Ở Đông Âu muón bảo vệ luận án tiến sĩ về KHCN thì ít nhất phải có 2 bài ISI" - GS Nhung nói.
Do đó, theo GS Nhung, NCS muốn bảo vệ luận án tiến sĩ phải có công bố quốc tế. Các ngành Khoa học tự nhiên và công nghệ thì ít nhất phải có 2 bài báo quốc tế ISI. Các ngành KHXH thì không thể cứng nhắc như vậy được nhưng có thể có ít nhất 1 bài.
"Tôi thấy KHXH ở các nước cũng đòi hỏi bài báo khoa học ghê gớm lắm. Tiến tới các ngành KHXH của chúng ta cũng phải đăng 1 bài bằng tiếng Anh trên các diễn đàn, tạp chí uy tín thế giới. Chẳng hạn như nghiên cứu về giáo dục, kinh tế thì phải đăng trên tạp chí quốc tế" - GS Nhung nói.
GS Nguyễn Đình Đức cũng khẳng định, ở nước ngoài, các ngành như tâm lý và KHXH&NV cũng phải có đủ 2 công bố quốc tế. Vì thế, NCS trong các ngành KHXH&NV sẽ khó hơn, thời gian làm tiến sĩ có thể dài hơn. Tuy nhiên, theo GS Đức, đây là cách từng bước để nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ.
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, sắp tới, việc quy định số lượng bài báo công bố quốc tế của NCS sẽ có dải từ thấp đến cao chứ không phải yêu cầu cứng với tất cả các lĩnh vực.
"KHTN thì dễ công bố bài báo quốc tế hơn là KHXH, Khoa học Kỹ thuật và các lĩnh vực khác. Do vậy sẽ có những quy định cho phù hợp với tình hình thực tế của Việt Nam" - Thứ trưởng Ga cho hay.
"Với những ngành, lĩnh vực đăng trên tạp chí nước ngoài khó thì phải đăng tạp chí trong nước nhưng khuyến khích đăng trên các tạp chí bằng tiếng nước ngoài".
Người hướng dẫn cũng cần công bố quốc tế
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, ngoài nâng chuẩn đầu vào và đầu ra với NCS thì tiêu chuẩn của người hướng dẫn cũng phải được nâng lên.
"Để nghiên cứu sinh thực hiện tốt vai trò nghiên cứu của mình thì định hướng nghiên cứu của các thầy hết sức quan trọng. Thầy phải đi trước nhìn nhận định hướng nghiên cứu, thầy phải có có công trình, hợp tác quốc tế mới có định hướng hướng dẫn bảo vệ luận án của mình được" - Thứ trưởng Ga nói.
Tuy nhiên, theo GS Nguyễn Đình Đức, việc nâng chuẩn đối với NCS cũng như với người hướng dẫn cần được thực hiện từng bước để tất cả các ngành có thể thích nghi.
GS Đức cho rằng,theo thống kê, trường ĐH nghiên cứu trên thế giới, trung bình một giảng viên ngành KHTNCN 5 năm phải có 5 bài còn KHXHNV 5 năm phải có 2 bài.
Tuy nhiên, ở VN hiện nay mới chỉ được con số khoảng 0,2-0,3 bài/năm. Như thế rất xa với tiêu chuẩn thế giới. Do đó, nếu áp dụng ngay thì lực lượng giảng viên của Việt nam không thể đáp ứng ngay được.
Lê Văn
SAO CHÉP HOÀN TOÀN 30 TRANG LUẬN VĂN KHÔNG NGUY HIỂM BÀNG ĂN CẮP Ý TƯỞNG
pv THÙY LINH/ GD 12-11-2016
Sao chép hoàn toàn 30 trang luận văn không nguy hiểm bằng “ăn cắp” ý tưởng (Ảnh minh họa trên giaoduc.net.vn)




Theo GS.Trần Văn Nhung: “Tôi có nghe ý kiến cho rằng nên xây dựng phần mềm để lọc các dự án "đạo văn", nhưng không có phần mềm nào thay thế được con người".

Mặc dù, việc thúc đẩy đào tạo tiến sĩ đã góp phần cải thiện môi trường học thuật trong nước, cung cấp nguồn nhân lực cao cho các trường Đại học, viện nghiên cứu.
Tuy vậy, Bộ GD&ĐT cũng thừa nhận chất lượng đào tạo tiến sĩ chưa đáp ứng được yêu cầu hội nhập và mong đợi của xã hội.
Việc tăng quy mô trong khi điều kiện đào tạo chưa đủ đáp ứng đã đưa chuẩn mực cao nhất trong nghiên cứu khoa học xuống mức thấp so với các nước, đồng thời dẫn đến tình trạng lạm phát văn bằng tiến sĩ.

Yêu cầu trình độ ngoại ngữ là điều kiện đầu vào 

Hơn một thập kỷ qua, số lượng đào tạo tiến sĩ tăng lên đáng kể, nhưng đi cùng với đó là nhiều bất cập được bộc lộ trong quy trình đào tạo đặc biệt khi dư luận ồn ào xung quanh các “lò” đào tạo tiến sĩ.

Tại buổi tọa đàm về “Nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ” do Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 10/11, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, Bộ GD&ĐT đang xem xét để xây dựng các tiêu chí tiệm cận với khung trình độ tiến sĩ trong khu vực và quốc tế.
Đây cũng là cơ sở để các cơ sở đào tạo xây dựng chuẩn đầu ra. Và để thỏa mãn được yêu cầu chất lượng và chuẩn đầu ra cao hơn, đầu vào nghiên cứu sinh sẽ phải cải thiện”.
Trước đây 20-30 năm dù điều kiện khó khăn nhưng chất lượng đào tạo tiến sĩ vẫn tốt, đó là vì chất lượng đầu vào tốt, 30-40 người thi chỉ có 2-3 người đỗ; trong quá trình đào tạo mỗi người phải thi 3 chuyên đề nên phải học rất chắc chắn.Thứ trưởng Ga cho biết thêm, trước đây vì quan niệm trình độ ngoại ngữ là điều kiện cho đầu ra nên đầu vào chúng ta đặt thấp. Bây giờ cần thay đổi quan điểm, nâng trình độ ngoại ngữ đủ để nghiên cứu sinh có thể đọc tài liệu nước ngoài phục vụ cho nghiên cứu, để mở rộng quan hệ, tham gia cọ xát trong môi trường học thuật trong khu vực và quốc tế.

Muốn nghiên cứu sinh có chất lượng thì người hướng dẫn phải có chất lượng. Vì người hướng dẫn phải đi trước mới có thể thẩm định được đề tài, hỗ trợ nghiên cứu sinh có định hướng nghiên cứu, hỗ trợ nghiên cứu sinh tham gia các công trình nghiên cứu,… 

Đại diện cơ sở trực tiếp đào tạo, GS.Nguyễn Đình Đức - Trưởng ban đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội nêu dẫn chứng:

Ngoài kết quả thông qua chất lượng của luận án hội đồng còn xem xét người đó có xứng đáng không mới trao quyết định công nhận, nên có khi phải mất 5-7 năm mới đào tạo được một tiến sĩ.

Do vậy, GS.Nguyễn Đình Đức cho rằng, nguyên nhân dẫn tới chất lượng đào tạo tiến sĩ hiện nay còn hạn chế là do quy mô đào tạo quá nhiều, chất lượng và trách nhiệm của giáo viên hướng dẫn chưa đảm bảo.

Cần chấm dứt tình trạng "đạo văn"

Ngoài năng lực ngoại ngữ của các nghiên cứu sinh, các bài báo bằng tiếng nước ngoài thì tình trạng “đạo văn” trong luận án tiến sĩ cũng đang là vấn đề nan giải tại Việt Nam. 
Tuy nhiên, theo GS. Trần Văn Nhung- Tổng thư ký Hội đồng chức danh giáo sư nhà nước:Theo quy định của Quy chế, nếu một luận án có nội dung trùng lắp với nội dung một luận án khác từ 30 trang trở lên sẽ bị coi là "đạo văn".
Tôi có nghe ý kiến cho rằng nên xây dựng một phần mềm để lọc các dự án "đạo văn", nhưng không có phần mềm nào thay thế được con người trong phát hiện "đạo văn" cả".

GS.Nhung phân tích: "Một người sao chép hoàn toàn 30 trang luận án không nguy hiểm bằng trường hợp dù không sao chép hoàn toàn văn bản, nhưng lại ăn cắp ý tưởng của người khác để diễn đạt bằng giọng văn của mình.
Nhưng nếu đặt ra điều kiện phải có bài báo đăng tạp chí quốc tế thì không sự sao chép ý tưởng hay câu chữ nào có thể lọt qua được vì sẽ phải trải qua nhiều vòng phản biện rất chặt chẽ".

GS.Nhung đề xuất cần có hội đồng tư vấn chất lượng khoa học tầm quốc gia tham gia đánh giá chất lượng khoa học các luận án. Cơ quan này phải hoạt động độc lập, không phải Bộ GD&ĐT. Bộ GD&ĐT chỉ làm đúng vai trò quản lý Nhà nước.

Còn theo GS.Nguyễn Đình Đức, trong trường hợp luận án tiến sĩ có vấn đề tiêu cực thì cần phải bình tĩnh xem xét cẩn trọng “vấn đề” nảy sinh ở khâu nào.
Ví dụ nếu luận án bị tố đạo văn thì cũng cần xem xét kĩ  xem đây có phải việc cố ý đạo ý tưởng, kết quả hay chỉ là vô tình trích dẫn.

Việc xem xét này phải dựa trên đối chứng giữa các bên liên quan để xác định rõ ràng, khách quan. Tránh kết luận oan cho các tác giả.

Để làm được việc này hội đồng thẩm định cần có trách nhiệm, bản lĩnh. Bởi mỗi trường hợp sẽ có những vấn đề phức tạp khác nhau.

Chưa có nước nào đào tạo tiến sĩ rẻ như Việt Nam


GS.Nguyễn Đình Đức cho rằng, việc nâng chuẩn đào tạo tiến sĩ cần phải có lộ trình để các cơ sở thích ứng. Chẳng hạn như các cơ sở đào tạo khoa học xã hội thì việc công bố quốc tế nhiều ngay sẽ rất khó.

Do đó, mấu chốt trong vấn đề nâng cao chất lượng đào tạo tiến sĩ là vấn đề cơ sở vật chất và kinh phí.

Ông Đức cho biết, ở Đại học Quốc gia Hà Nội kinh phí cho đào tạo 1 nghiên cứu sinh/ 1 năm chỉ 18 triệu đồng là quá thấp. Hiện tại, nhiều em giỏi đi học nước ngoài là không về nữa.

Do đó, nhiều nghiên cứu sinh đi học được cơ quan trả tiền sau đó phải về phục vụ cho cơ quan. Trong khi đó, các trường cần được tháo gỡ trong cơ chế thu học phí cũng như đầu tư kinh phí.

Đề cập vấn đề này, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, thời gian tới cần nâng chi phí đào tạo nghiên cứu sinh bởi trung bình chung chi phí hiện nay là 15 triệu/nghiên cứu sinh/năm. Chi phí quá thấp nên khó đào tạo bài bản. 

Bởi lẽ mỗi nghiên cứu là phải thí nghiệm thực hành, thực tập nên buộc phải có đầu tư nhất định.

Nếu có ít ngân sách chúng ta tập trung đầu tư cho ít nghiên cứu sinh hơn, còn hơn đầu tư dàn trải”, Thứ trưởng Ga nhấn mạnh. 
Thùy Linh


'SĨ HÓA CÔNG CHỨC'-CHỦ TRƯƠNG HAY NHẬN THỨC MẮC LỖI ?
NGỌC QUANG /GD 15-11-2016






Câu chuyện “Sĩ hóa công chức" - lỗi không của riêng ai (Ảnh: Báo Sài Gòn giải phóng)
Một đội ngũ phó giáo sư, giáo sư, thạc sĩ, tiến sĩ vào loại hùng hậu nhất Đông Nam Á nhưng Việt Nam bị xếp vào hàng đội sổ về cống hiến cho nhân loại nói lên điều gì?

Sẽ là không công bằng, sẽ là suy nghĩ cực đoan khi cho rằng các “sĩ” (thạc sĩ, tiến sĩ) đều không “nghiên” cái gì và cũng chẳng “cứu” được ai ngoại trừ việc lót ổ chờ phút “gà lên chuồng”. 

Nói “gà lên chuồng” là cách nói dân dã chứ không văn hoa như có vị dân biểu gọi phút nhận sổ hưu của quan chức là “hoàng hôn nhiệm kỳ”.

Thực tế cho thấy không ít người đã thể hiện tài năng nghiên cứu khoa họcđã có cống hiến được ghi nhận cả ở trong nước và thế giới.
Nhiều người âm thầm làm việc, âm thầm cống hiến nhưng không hề được vinh danh, với họ hàm, vị không phải là mục tiêu phấn đấu, không phải là đích cuối cùng.

Tuy nhiên phải thừa nhận rằng đội ngũ trí thức Việt Nam ngày nay được phát triển theo một định hướng không giống ai.
Chúng ta đang xây dựng đội ngũ trí thức không vì mục tiêu sáng tạo khoa học mà phục vụ cho nhu cầu chính trị, cho niềm tin ngây thơ rằng một quốc gia có nhiều giáo sư, tiến sĩ chứng tỏ sự ưu việt của nền giáo dục mà quốc gia đó theo đuổi.

Đất nước hiện có hai thái cực trái ngược, trong khi bội thực một số loại “sĩ” như “thạc sĩ, tiến sĩ” thì lại nghèo, vô cùng nghèo loại “sĩ” cổ điển, tồn tại hàng nghìn đời nay là “sĩ diện”. 

Tương tự như vậy, chúng ta có rất nhiều phó giáo sư, giáo sư nhưng lại ít, rất ít “sư” làm nghề sư phạm. 

Bài viết “Việt Nam có lạm phát giáo sư, phó giáo sư?” [1] nêu số liệu: “Từ năm 1976 cho đến hết năm 2014, sau 38 năm, tổng số GS, PGS đã được công nhận ở nước ta là 11.097, gồm có 1.628 GS và 9.469 PGS”. 

Cũng  bài báo này cho biết: “Theo thống kê năm 2013 của Bộ Giáo dục và Đào tạo: “tổng số sinh viên Đại học là 1.730.000, số giảng viên Đại học là gần 74.630, trong đó có 4.155 GS, PGS”. 

Nếu số liệu nêu là chính xác thì số giáo sư, phó giáo sư làm việc trong các trường học chỉ chiếm 37,5% , nghĩa là hơn 1/3 một chút, gần 2/3 số người có học hàm giáo sư, phó giáo sư không phải là nhà giáo, không làm việc đúng với chức danh được nhà nước phong.

Về đội ngũ thạc sĩ, tiến sĩ, có hai câu hỏi không phải chỉ các nhà giáo mà cả xã hội đặt ra cho những người hoạch định chiến lược giáo dục sau đại học:

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì?

Đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như thế nào?
Về chủ trương, đường lối, đương nhiên đào tạo sau đại học nhằm mục đích xây dựng đội ngũ cán bộ có trình độ chuyên sâu, đủ khả năng nghiên cứu, giải quyết các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng,…phục vụ mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.  

“Tiến sĩ” vốn là học vị phong cho những người làm công tác nghiên cứu khoa học, có công trình đạt chuẩn quốc gia và quốc tế, có tính sáng tạo, hoàn toàn mới, chưa có ai công bố.

Một lượng không nhỏ thạc sĩ, tiến sĩ đào tạo trong nước có trình độ không kém so với các nước trong khu vực và thế giới, tuy nhiên thực tế không chỉ có vậy. 

Vẫn đang tồn tại nhận thức khác lạ của một số cơ quan, một số cán bộ lãnh đạo về việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để làm gì. Xin nêu một vài dẫn chứng:

Thành phố Hà Nội từng công bố “chiến lược cán bộ công chức” với mục tiêu đến năm 2020 phấn đấu 100% cán bộ khối chính quyền diện Thành ủy quản lý có trình độ tiến sĩ. 

Theo đó, 100% cán bộ diện UBND Thành phố quản lý có trình độ trên đại học, trong đó một nửa cần đạt trình độ tiến sĩ, 100% cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn có trình độ đại học, trong đó 50% trên đại học. [2]

Mặc dù không có số liệu kiểm chứng song có thể nói cho đến nay chủ trương “thạc sĩ hóa, tiến sĩ hóa” (gọi tắt là “sĩ hóa”) của Hà Nội đã đạt kết quả ngoài sự mong đợi vì tại Hà Nội “cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ tiến sĩ”?

Kết quả ngoài sự mong đợi của Hà Nội về việc “sĩ hóa” đội ngũ công chức liệu có phải là một trong những nguyên nhân góp phần tạo nên hiện tượng - như lời nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng:
“Thủ tục hành chính của mình cay nghiệt lắm, độc ác lắm, quá nhiều thủ tục hành chính gây phiền hà cho người dân. Nhiều thủ tục để làm gì, để có tiền thì mới xong chứ sao nữa”!

Cứ cho là đội ngũ công chức “sĩ hóa” không góp phần tạo nên sự “cay nghiệt, độc ác” của thủ tục hành chính thì cũng góp phần đắc lực vào việc bảo vệ một cách vững chắc đội ngũ “công chức cắp ô”. 

Điều này được thấy qua lời Phó bí thư Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng trả lời truyền thông bên lề phiên họp báo Chính phủ chiều 29/2/2016 rằng:
Nếu căn cứ theo tiêu chuẩn cứng về trình độ đại học, lý luận chính trị thì cũng rất khó cho việc tinh giản biên chế vì Hà Nội đã chuẩn hóa cán bộ, kể cả cán bộ phường cũng có trình độ thạc sĩ, tiến sĩ”. [3]

Một khi đội ngũ công chức của Hà Nội đã được “sĩ hóa” đến cấp phường thì các “thạc sĩ phường”, “tiến sĩ phường” sẽ làm gì hai ngày cuối tuần? 

Nếu muốn “nghiên” muốn “cứu” họ phải tìm về đâu khi cuối tuần cơ quan đóng cửa, chẳng lẽ xin việc làm thêm trong các viện nghiên cứu, các đại học hay là nghiên cứu tại chung cư?

Câu trả lời của bà Ngô Thị Thanh Hằng mới chỉ cung cấp một phần đáp án cho câu hỏi “Việt Nam đào tạo tiến sĩ để làm gì?” 
Theo ước tính ở Việt Nam chỉ có 24% tiến sĩ công tác tại lĩnh vực kỹ thuật khoa học công nghệ, 76% còn lại thuộc lĩnh vực kinh tế, tài chính, quản trị doanh nghiệp,… Đây là những lĩnh vực không thể có sáng chế được”. [4]Câu trả lời tiếp theo có thể tìm thấy trong số liệu công bố của Bộ Khoa học-Công nghệ và Bộ GD&ĐT. 

Theo thống kê của Bộ Khoa học-Công nghệ, năm 2013 cả nước có 24.300 tiến sĩ, 101.000 thạc sĩ, trong số này (theo số liệu của Bộ GD&ĐT) có 633 tiến sĩ là giảng viên các trường cao đẳng, 8.519 tiến sĩ là giảng viên các trường đại học. 

Như vậy số lượng tiến sĩ làm công tác giảng dạy chiếm khoảng 37%,  khoảng 15.000 tiến sĩ không phải là giảng viên một số làm việc trong các viện nghiên cứu, số còn lại không thấy thống kê đang làm gì! [4]

Ông Nguyễn Quân - nguyên Bộ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ cho rằng:

Ngoài hai ví dụ về việc đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ để “không thể tinh giản biên chế”, để chen chân vào lĩnh vực “không thể có sáng chế”, còn một lý do khác khiến người ta nhao đi học thạc sĩ, tiến sĩ, đó là mục đích “rửa bằng”!

Ông Nguyễn Ngọc Ân, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và du lịch tỉnh Phú Thọ vốn là cử nhân Kinh tế tại chức khóa 24 (mở tại Việt Trì) đã nâng cấp thành “tiến sĩ” qua tấm bằng do đại học Nam Thái Bình Dương cấp (đây là trường “dởm” của Hoa Kỳ).

Baophutho.vn cơ quan của Đảng bộ tỉnh Phú Thọ khi đề cập đến chuyện một cử nhân tại chức ngành Luật học thạc sĩ tại chức ngành Kinh tế do một Đại học Y mở tại địa phương đã viết:
Đó là cách “rửa bằng” nhanh nhất mà lại được tiếng là có ý thức học tập nâng cao trình độ”? [5]

Câu hỏi thứ hai “đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ như thế nào” vốn đã được bàn luận, đã được công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng. 

Có thể tổng kết ba loại hình đào tạo tiến sĩ: Đào tạo chính quy trong nước và nước ngoài; đào tạo “dởm” kết hợp trong nước và nước ngoài; đào tạo chui trong nước.

Đào tạo chính quy theo kiểu “Lò sản xuất tiến sĩ” tại Học viện Khoa học Xã hội hay chất lượng luận án tiến sĩ thấp đã được nhắc đến quá nhiều, người viết cho rằng lỗi của người học ít hơn lỗi của thầy hướng dẫn. 

Quen biết PGS. Trần Quang L. vì cùng làm trưởng khoa tại một đại học ngoài công lập, ông vốn là giảng viên một học viện nổi tiếng về lý luận. 

Theo lời ông kể, trong thời gian 30 năm làm việc tại học viện ông đã hướng dẫn khoảng 60 người bảo vệ thành công luận án thạc sĩ và tiến sĩ.
Trong các đề tài luận án tiến sĩ tại học viện (không do ông hướng dẫn) có một đề tài nghiên cứu “Phương pháp tắm tập thể”, ông khẳng định đó là thật 100% chứ không phải chuyện của những “người thích đùa”! 

Điều hơi lạ là một người có nhiều học trò thạc sĩ, tiến sĩ thế mà chưa được phong giáo sư, kể cũng hơi không công bằng.

Ngay với một số trường hàng đầu quốc gia cũng vẫn có tình trạng “chạy sô” trong đào tạo. Báo Bbc.com/vietnamese ngày 26/10/2012 viết: 

Việt Nam cần xem lại quy hoạch phát triển đại học và bài toán chất lượng. Ngay một số Đại học được cho là hàng đầu như Đại học Quốc gia cũng xuất hiện khuynh hướng đào tạo quá tạp.
Từ đào tạo tại chức tới du học quốc tế, du học nội địa, đều làm, mà lẽ ra nên để cho các trường khác làm và tập trung vào các nhiệm vụ xứng đáng tầm vóc của mình hơn

Thầy mà như thế liệu đất nước có thể có tiến sĩ giỏi?Câu chuyện một giảng viên trường Đại học Kinh Tế Quốc dân Hà Nội kiện nguyên Bộ trưởng Giáo dục Phạm Vũ Luận gần đây xuất phát từ tố cáo của thầy Chủ tịch hội đồng bảo vệ luận án với nghiên cứu sinh này. 

Ông Chủ tịch hội đồng đã giữ kín bí mật này tới 10 năm mới tố cáo.
Chưa kể, hình thức học tiến sĩ “chui” là một thực tế ai cũng biết song không biết cơ quan quản lý có xem đó là một vấn nạn? 

Bài viết “Công nhận bằng tiến sĩ đào tạo “chui”? của TS. Dương Xuân Thành đăng trên báo  Vietnamnet.vn ngày 22/1/2014 [6] cho thấy, một số bộ phận chức năng của Bộ Giáo dục & Đào tạo đã không làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước với kiểu đào tạo “chui” này, thậm chí còn tiếp tay, dung túng cho sai phạm.

Để trị căn bệnh “sĩ hóa” thì phải trị từ gốc tức là từ quan điểm, chủ trương đến cách thực hiện chứ không phải đi tìm tiến sĩ “dởm” để xử lý.
Tiếc rằng nhiệm vụ đó không phải của người dân hay truyền thông, đó là trách nhiệm của tất cả cơ quan quản lý nhà nước chứ không riêng của Bộ Giáo dục & Đào tạo.
Tài liệu tham khảo:
Xuân Dương

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét