Đây là một quan điểm sai, trái với lý luận khoa học và cách mạng về Đảng lãnh đạo và cầm quyền, xuyên tạc thực tế lịch sử; đồng thời, bộc lộ những mưu toan thâm độc, tinh vi hòng làm chệch hướng xã hội chủ nghĩa, tạo ra những thẩm thấu tiêu cực và sai lầm trong đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Vì vậy, phải phê phán và bác bỏ quan điểm sai trái này cả về mặt lý luận và thực tiễn để củng cố sự thống nhất về tư tưởng và hành động trong Đảng cũng như trong xã hội.
Thực tiễn cho thấy, kể từ khi Đảng ta trở thành Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội, trong đó có 30 năm Đảng lãnh đạo và tổ chức thực hiện đường lối đổi mới, chưa bao giờ Đảng xem nhẹ, buông lỏng vấn đề lãnh đạo kinh tế. Trái lại, nhờ chú trọng lãnh đạo kinh tế, bảo đảm sự đúng đắn và nhất quán về quan điểm chính trị trong lãnh đạo kinh tế mà Đảng ta đã giải quyết thành công nhiều nhiệm vụ xây dựng và phát triển kinh tế quan trọng ở tầm chiến lược, vĩ mô, tạo ra những đột phá trong đổi mới, mở cửa và hội nhập, đưa đất nước phát triển với thế và lực như hiện nay. Hơn nữa, từ những trải nghiệm thực tiễn trong lãnh đạo kinh tế và quản lý kinh tế, Đảng đã từng bước trưởng thành về năng lực, không ngừng đổi mới phương thức và phương pháp lãnh đạo; tổng kết thực tiễn để bổ sung, phát triển lý luận, đường lối lãnh đạo kinh tế - một lĩnh vực trọng yếu, huyết mạch của lãnh đạo xã hội.
Đối với Đảng cầm quyền, lại là Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam như Đảng ta thì mọi vấn đề về cuộc sống của nhân dân, về sự ổn định và phát triển đất nước, về độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, cũng như tương lai, triển vọng của dân tộc theo lý tưởng, mục tiêu: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, cả đối nội và đối ngoại đều thuộc về nội dung, thẩm quyền và trách nhiệm lãnh đạo của Đảng. Đây là những lĩnh vực của tồn tại và phát triển con người và xã hội, đất nước và dân tộc, trong hiện tại và tương lai, trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN mà Đảng phải thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện. Đó là trọng trách lịch sử của Đảng, do dân tộc và nhân dân ủy thác. Điều này được thể chế hóa, hiến định trong Điều 4, Hiến pháp năm 2013, Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về những quyết định của mình.
Như vậy, lãnh đạo kinh tế không chỉ thể hiện nội dung, mà còn là trách nhiệm và thẩm quyền của Đảng, là một tất yếu cần thiết đối với Đảng trên tư cách Đảng chính trị cầm quyền. Tất yếu cần thiết này còn xuất phát từ chính đòi hỏi của cuộc sống người dân với những lợi ích và nhu cầu thường nhật của họ. Nhân dân - lực lượng, động lực to lớn của cách mạng - luôn tin tưởng, đi theo Đảng, đòi hỏi Đảng phải có đường lối, phương pháp cách mạng đúng đắn, lãnh đạo đất nước phát triển, mang lại cuộc sống mới cho nhân dân. Đây cũng chính là mục đích của Đảng. Bởi vậy, mọi hoạt động của Đảng, qua các chặng đường lịch sử, tranh đấu, hy sinh đều chỉ vì độc lập của Tổ quốc, tự do cho dân tộc và hạnh phúc của nhân dân. Đảng lãnh đạo kinh tế, chăm lo phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội chỉ nhằm mục đích duy nhất là phục vụ nhân dân; làm cho dân giàu, nước mạnh, mọi người dân có cơm ăn, áo mặc, có nhà ở, được học hành, được chăm sóc sức khỏe,… như mong nguyện của Bác Hồ.
Chăm lo dân sinh, nâng cao dân trí, đảm bảo dân quyền để thực hiện dân chủ và phát huy quyền làm chủ thực chấtcủa nhân dân là định hướng mục tiêu lãnh đạo của Đảng, trong đó có lãnh đạo kinh tế. Đó cũng là những điều kiện để xây dựng nền dân chủ ở nước ta, tất cả đều vì dân, hướng tới cuộc sống và quyền làm chủ của dân trong một xã hội dân chủ, một nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân. Để đạt được điều đó, thì “phát triển kinh tế là trung tâm”. Vì vậy, lãnh đạo kinh tế của Đảng trở thành mắt xích chủ yếu, quan trọng, thiết thực và quyết định nhất trong toàn bộ đường lối lãnh đạo, trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng. Sự tất yếu quy định Đảng lãnh đạo kinh tế còn được ghi nhận có tính chính trị - pháp lý trong Hiến pháp của Nhà nước ta về chế độ chính trị (chính thể) và chế độ kinh tế. Đó là sự thừa nhận của nhân dân về vai trò lãnh đạo của Đảng, trong đó có lãnh đạo kinh tế.
Mặt khác, kinh tế và chính trị có mối quan hệ biện chứng, tác động qua lại, quy định và chế ước lẫn nhau. Vì vậy, Đảng không thể tách rời lãnh đạo chính trị với lãnh đạo kinh tế. Sự lãnh đạo của Đảng được thể hiện ở cương lĩnh, chiến lược, đường lối, chủ trương, nghị quyết đại hội và các nghị quyết Trung ương... Trong đó, không chỉ là quan điểm, nguyên tắcchính trị mà còn là các quyết sách ở tầm chiến lược về xây dựng và phát triển kinh tế, kể cả kinh tế đối ngoại. Một cách tổng quát, có thể nói, lãnh đạo của Đảng là lãnh đạo chính trị, là đưa ra đường lối chính trị, dẫn dắt sự phát triển xã hội theo lý tưởng, mục tiêu đã lựa chọn. Đường lối chính trị của Đảng cầm quyền là một chỉnh thể định hướng cho sự phát triển về mọi mặt của xã hội, trong đó nổi bật ở đường lối phát triển kinh tế, gắn liền với phát triển xã hội và quản lý xã hội. Do đó, lãnh đạo chính trị của Đảng một cách tất yếu, tự nhiên đã bao hàm lãnh đạo kinh tế. Chất lượng, hiệu quả lãnh đạo kinh tế theo mục tiêu đã xác định, phục vụ lợi ích của người dân và phát triển cộng đồng, tạo ra tiềm lực, năng lực kinh tế của quốc gia là tiêu chí, thước đo để đánh giá năng lực lãnh đạo của Đảng chính trị cầm quyền…
Tính chất nguy hiểm và tinh vi của quan điểm sai trái: “Đảng không lãnh đạo kinh tế” là ở chỗ, làm lẫn lộn hiện tượng với bản chất, tạo ra ranh giới giả tạo giữa kinh tế và chính trị, gieo rắc sự mù mờ trong nhận thức về chính trị, coi Đảng chỉ nên tự khuôn mình trong phạm vi “chính trị”, còn kinh tế, nhất là đi vào kinh tế thị trường, đó là địa hạt của giới kinh doanh, sản xuất, của doanh nghiệp, doanh nhân theo quy luật, mệnh lệnh của thị trường, Đảng không nên can dự vào. Họ còn cho rằng, trong lĩnh vực kinh tế, đã có Nhà nước ban hành thể chế, luật pháp, đã có Chính phủ điều hành, quản lý, đã có các chủ thể sản xuất, kinh doanh tự do, tự chủ, tự chịu trách nhiệm theo pháp luật…, không cần Đảng lãnh đạo. Trong lập luận này, từ lôgíc hình thức bề ngoài của nó, không ít người cảm thấy dường như có lý và tán đồng, mà không thấy rằng, ở đây đã ẩn chứa sự mưu toan thay thế hiện tượng đích thực phản ánh bản chất bằng những giả tượng xuyên tạc bản chất. Những người tuyên truyền cho quan điểm “Đảng không lãnh đạo kinh tế” còn vin vào những sự kiện thực tế, như: Lạm phát, giảm phát, sự suy giảm tốc độ tăng trưởng, thất nghiệp, tham nhũng và các tiêu cực, tệ nạn xã hội để quy cho Đảng lãnh đạo kinh tế với đường lối sai lầm, cố bám vào những lý luận đã lỗi thời, cản trở phát triển. Theo họ, Đảng có kinh nghiệm và sở trường lãnh đạo chính trị thì nên phát huy vai trò ấy, còn kinh tế cần đến “tri thức” khoa học hiện đại, cần các tài năng kinh doanh, nên để cho các nhà quản lý, quản trị nhà nước và doanh nghiệp đảm trách. Dường như đó là phương cách để vượt qua “điểm nghẽn” của phát triển. Dụng ý lắt léo, tinh vi của quan điểm sai trái này là ở đây. Đã không thể bác bỏ trực tiếp, công khai vai trò lãnh đạo của Đảng từ phương diện ý thức hệ, từ chính trị thì những thế lực chống đối tìm cách bác bỏ Đảng ta một cách gián tiếp, nhấn vào vấn đề kinh tế, đối lập, tách rời kinh tế với chính trị, tưởng rằng có thể tạo ra ấn tượng về chỗ yếu của Đảng, như cái “gót chân Asin”, Đảng không thể vượt qua, nhằm lung lạc quần chúng, gieo rắc những nhận thức mơ hồ với không ít người. Đó là sự xuyên tạc cả lý luận và thực tiễn trong luận điệu, quan điểm sai trái này.
GS, TS. Hoàng Chí Bảo, Hội đồng Lý luận Trung ương
***