Chủ Nhật, 31 tháng 1, 2016

20160131. MỤC TIÊU GIÁO DỤC CỦA PHẦN LAN

ĐIỂM BÁO MẠNG
MỤC TIÊU GIÁO DỤC CỦA VIỆT NAM VÀ PHẦN LAN
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 27/1/2016
Thời gian ở trong nước, tôi có dịp đọc một công trình nghiên cứu về so sánh giáo dục VN và Phần Lan của Nguyễn Khánh Trung (Viện IRED) (1). Đây là một nghiên cứu có giá trị mà tôi nghĩ những ai quan tâm đến giáo dục nên tìm đọc. Tôi thì thích thú với cách đặt vấn đề và tiếp cận của tác giả. Tôi đọc đến phần so sánh mục tiêu giáo dục của 2 nước thì thấy rất khác biệt, và có thể giải thích một phần tại sao nền giáo dục VN đào tạo ra những con người góp phần tạo nên cái mà nhà báo Đoàn Khắc Xuyên nói là "Cơn sóng dữ" (2).
Mục tiêu giáo dục của Phần Lan được qui định trong Luật giáo dục năm 1998, phát biểu rằng: "Mục tiêu của giáo dục [...] là hỗ trợ sự phát triển học sinh về mặt nhân bản, trở thành một thành viên trong xã hội có đạo đức và trách nhiệm, trang bị cho các em kiến thức và kĩ năng cần cho cuộc sống" (trang 77). Mục tiêu này được xây dựng trên nền tảng giá trị mà nền giáo dục Phần Lan theo đuổi là "nhân quyền, công bằng, dân chủ, sự đa dạng, tôn trọng môi trường thiên nhiên, sự đa dạng văn hoá. Giáo dục cơ bản thúc đẩy tinh thần trách nhiệm, ý thức cộng đồng, tôn trọng quyền và tự do của cá nhân" (trang 79).
Còn VN thì có mục tiêu rất khác, vì có vẻ tham vọng hơn và phức tạp hơn mục tiêu giáo dục của Phần Lan. Mục tiêu giáo dục của VN là "[...] đào tạo con người VN phát triển toàn diện, có đạo đức, tri thức, sức khoẻ, thẩm mỹ và nghề nghiệp, trung thành với lí tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; hình thành và bồi dưỡng nhân cách, phẩm chất và năng lực của công dân, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo về Tổ quốc" (trang 89).
Phần Lan chú trọng đến phát triển về nhân bản, đạo đức, và có trách nhiệm; còn VN thì chú trọng đến đạo đức, tri thức, thẩm mĩ, nghề nghiệp, hay nói chung là giỏi toàn diện! Điểm quan trọng nhất của giáo dục VN là đào tạo ra những con người trung thành với lí tưởng xã hội chủ nghĩa. Nhưng cái chủ nghĩa này đã bị các nước từng theo đuổi nó đã bỏ cuộc, và ở nước ta, ngay cả người đứng đầu nước cũng chưa chắc chừng nào sẽ đạt được cái mục tiêu cao cả đó. Thành ra, nền giáo dục VN đang định hướng cho thế hệ trẻ một tương lai mờ mịt.
Nelson Mandela từng nói một câu tôi rất tâm đắc rằng "Education is the most powerful weapon which you can use to change the world" (Giáo dục là một vũ khí mạnh mẽ nhất mà bạn có thể dùng để thay đổi thế giới). Nhưng một nền giáo dục chệch hướng so với trào lưu văn minh của nhân loại hoặc dựa trên những giá trị lỗi thời thì có thể trở thành một vũ khí nguy hiểm cho/của những kẻ ác ôn.
====
(1) Giáo dục Việt Nam và Phần Lan của Nguyễn Khánh Trung. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội, 2015 (?)

Thứ Bảy, 30 tháng 1, 2016

20160130.NGHĨ VỀ NHỮNG CON SỐ TỪ ĐẠI HỘI ĐẢNG 12

ĐIỂM BÁO MẠNG
BÀN VỀ CHỈ TIÊU
Bài của  GS NGUYỄN ĐÌNH CỐNG/ BVN 29/1/2016
Đại hội ĐCS VN12 thông qua các chỉ tiêu để thực hiện trong 5 năm tới. Có các chỉ tiêu định tính như xây dựng Đảng trong sạch vững mạnh, chống tham nhũng, mở rộng dân chủ, v.v. Có rất nhiều chỉ tiêu định lượng như tốc độ phát triển kinh tế 6,5 đến 7% mỗi năm, GDP năm 2000 là 3200 đến 3500 USD, bội chi ngân sách dưới 4%, giàm nghèo từ 1 đến 1,5% /năm, v.v…
Tôi chưa có dịp tìm hiểu xem chính phủ và đảng cầm quyền các nước thuộc nhóm G7 và nhiều nước dân chủ khác, các tập đoàn kinh tế lớn của thế giới có lập các chỉ tiêu định lượng không, nếu lập thì lập như thế nào, đại hội các đảng cầm quyền có thông qua hay không. Tôi biết được việc lập các chỉ tiêu định lượng cho mỗi kế hoạch 5 năm là sản phẩm của nền kinh tế kế hoạch hóa từ thời Liên Xô. Không biết nước Nga bây giờ có tiếp tục hay không. Tôi biết việc lập và thông qua các chỉ tiêu định lượng cho mỗi kế hoạch 5 năm của Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua, một việc làm mang lại lợi ít hại nhiều. Trước đây vài chục năm, khi theo dõi việc lập và thực hiện các kế hoạch kinh tế tôi đã từng nhận xét “Thà làm không có kế hoạch dài hạn, chỉ theo yêu cầu trước mắt, còn hơn là theo kế hoạch dài hạn sai lầm do những người duy ý chí vạch ra, do những người thiếu trách nhiệm thông qua, do người kém hiểu biết quyết định”.
Tôi cứ suy nghĩ, những chỉ tiêu định lượng nhất thiết phải gắn với nền kinh tế kế hoạch hóa còn với nền kinh tế thị trường thì có cần đặt ra chỉ tiêu cụ thể nữa hay không. Hay là việc phải đặt chỉ tiêu là do cái đuôi “định hướng xã hội chủ nghĩa” bắt buộc phải thế.
Nói rằng phải đặt chỉ tiêu để có phương hướng phấn đấu, đó là mặt tích cực, nhưng muốn như vậy thì cái con số đưa ra phải là kết quả của những phép tính dựa vào toán tập hợp mờ chứ không phải những con số áng chừng theo ý chí. Không rõ những người đưa ra các chỉ tiêu như vậy, ngoài các con số thống kê với độ tin cậy thấp có còn dựa vào kết quả nghiên cứu nào khác hay không, chứ hơn 1.500 người đã biểu quyết thông qua thì chắc là mù tịt. Tôi dám cam đoan là nhiều người (kể cả tôi) không biết con số 38% đô thị hóa, 4% thất nghiệp, 90 và 95% dân được dùng nước sạch và nhiều con số khác đã được tính toán hay áng chừng như thế nào, mức độ chính xác, đáng tin cậy được bao nhiêu. Tôi nghĩ các đại biểu “quá dũng cảm” khi biểu quyết thông qua những chỉ tiêu mà mình không biết đầu cua tai nheo ở đâu cả.
Tôi thấy mặt trái, bất lợi của chỉ tiêu định lượng như sau:
1- Trong nền kinh tế thị trường, nhiều thành phần thì Đảng đặt chỉ tiêu cho ai, phân bổ như thế nào, trong lúc đầu tư và phát triển đến đâu là quyền tự quyết của mỗi công ty.
2- Khi gặp khó khăn, chỉ tiêu có thể gây tâm lý lo lắng, tiêu cực, tạo ra việc làm dối, làm ẩu, thành tich dỏm, thống kê và báo cáo sai sự thật.
3- Khi gặp thuận lợi, chỉ tiêu có thể gây tâm lý thỏa mãn, hạn chế tích cực và sáng tạo vì đã đạt và vượt chỉ tiêu.
Trong các nước, các tập đoàn, các công ty, khi không lập chỉ tiêu thì họ làm việc như thế nào. Đơn giản là mỗi phút, mỗi giờ, mỗi ngày… họ đều cố gắng làm việc và suy nghĩ để có năng suất, chất lượng, hiệu quả cao nhất có thể đạt đến. Thế rồi sau mỗi thời gian, làm thống kê một cách trung thực sẽ biết là tăng hay giảm bao nhiêu. Họ có so sánh nhưng là so sánh với cùng thời gian khác chứ không thấy so sánh với chỉ tiêu đề ra.
Mấy điều suy nghĩ, chắc chưa tránh khỏi sự nông cạn, nêu ra để bàn luận. Nếu các vị cao minh thấy chỗ nào nhầm lẫn xin được chỉ giáo.
N.Đ.C.
Tác giả gửi BVN
BỘ CHÍNH TRỊ KHÓA 12 CÓ GÌ MỚI ?
Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 27/12/2016
Tôi lại sắp làm phiền một số bạn khi trả lời câu hỏi trên, vì sẽ có một câu trả lời ... nhạy cảm. Thật tình, dù không muốn bị tẩy não, nhưng vẫn khó mà tránh được những bàn luận chung quanh những kết cục của đại hội XII của đảng CSVN. Một trong những kết cục đó là thành phần trong Bộ chính trị. Khi so sánh với BCT XI, tôi thấy BCT XII có hai cái mới liên quan đến phân bố vùng miền và trình độ học vấn.

BCT Khoá XII có 19 người, tăng 3 người so với BCT Khoá XI. Nhưng điểm đáng chú ý là nhìn vào danh sách thấy rất nhiều người miền Bắc. Thật vậy, trong số 19 người thì có đến 14 người (tức gần 3/4) là từ miền ngoài. Trong khi đó, BCT XI, có 9/16 (hay 56%) là người miền Bắc. Nói cách khác, tỉ lệ uỷ viên BCT XII từ miền Bắc tăng 31% so với BCT XI. Thật ra, sự phân bố trên cũng khá phù hợp với thực tế là 70% đảng viên là người miền Bắc (1).

Một dữ liệu khác cũng thú vị không kém là trình độ học vấn. Năm nay, BCT XII có đến 10 người (tức hơn phân nửa) có bằng tiến sĩ. Nhưng BCT XI chỉ có 7/16 là tiến sĩ. Như vậy, tỉ lệ uỷ viên tiến sĩ tăng 20%. Sẽ rất thú vị nếu có được con số uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ, nhưng chưa biết con số này sẽ lấy từ đâu.

Càng ngạc nhiên hơn khi biết rằng ngay cả BCT bên Tàu, nơi mà VN bắt chước, cũng có ít tiến sĩ hơn VN. Trong số 25 người trong BCT Tàu, chỉ có 5 người có bằng tiến sĩ (2).

Chẳng những số tiến sĩ áp đảo, mà con số giáo sư và phó giáo sư trong BCT XII cũng rất đáng nể. Có đến 6 người mang hàm GS/PGS: Trần Đại Quang, Nguyễn Phú Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Phạm Minh Chính, Vương Đình Huệ, và Tô Lâm. Chưa thấy nơi nào mà giới cầm quyền tối cao lại có nhiều người mang hàm giáo sư như ở VN.

Nếu người nước ngoài nhìn vào danh sách uỷ viên BCT và biết được trình độ học vấn của họ thì sẽ rất nể phục VN. Nếu nghĩ rằng trình độ học vấn có tương quan với phát triển kinh tế, thì có thể họ sẽ suy luận rằng VN là nước rất phát triển. Nhưng trong thực tế, VN là một nước nghèo và hay "ăn xin". Ăn xin nhiều đến nỗi giới ngoại giao nước ngoài hỏi chừng nào VN hết ăn xin (3). Thật ra, (nói vui một chút), ở VN có một sự tương quan cao giữa số quan chức có bằng tiến sĩ và vay/xin ODA: theo thời gian, con số tiến sĩ càng nhiều thì số tiền vay/xin ODA càng cao!

Nói tóm lại, BCT XII năm nay có đến 3/4 là người miền Bắc; và hơn phân nửa có bằng tiến sĩ, và trong số đó có 6 người mang hàm giáo sư.

===



(3) Theo ông Lê Đăng Doanh thuật lại trong một buổi báo cáo cho trung ương đảng với cách nói thẳng và không màu mè: "[…] Tôi xin báo cáo rất chân thành với các anh là ra đấy chỉ khổ tâm thôi. Nhiều thằng nó nói với tôi là chúng mày định ngửa tay đi ăn xin đến bao giờ nữa? Chúng mày là người thông minh, có học, về mặt nào đấy chúng mày không kém gì chúng tao cả... Tại sao chúng mày cứ ăn xin miết thế. Chúng mày giỏi thế mà chúng mày nghèo lâu đến như thế là thế nào? Chúng mày cứ đề ra cái mục tiêu là đến bao giờ chúng mày đừng có đi ăn xin nữa được không? Nó nói với tôi trắng trợn và thẳng lắm chứ, y nguyên như tôi nói với các anh chị." (http://www.wright.edu/~tdung/LeDangDoanh_02_11_2004.htm)

CỨ 3 ỦY VIÊN TƯ ĐẢNG CÓ 1 TIẾN SĨ!

Bài của GS NGUYỄN VĂN TUẤN/ BT 28/1/2016

Hôm qua, tôi có đếm số thành viên trong Bộ chính trị (BCT) và chỉ ra rằng 3/4 là đến từ miền Bắc, và hơn phân nửa có bằng tiến sĩ. Hôm nay, một bạn đọc gửi một dữ liệu trong excel cho tôi gồm danh sách 180 uỷ viên trung ương đảng, và hỏi tôi "Chú thử phân tích xem có cho ra câu chuyện gì hay không?" Để đáp lại thịnh tình và sự tin tưởng của bạn đọc, tôi lại đếm và tìm ra câu chuyện để chia sẻ cùng các bạn.

Ban chấp hành (BCH) đảng có 180 uỷ viên chính thức. Thông tin mà bạn đọc thu thập cho từng uỷ viên là tên, năm sinh, vùng, và học vị. Vùng bao gồm Bắc bộ, Bắc Trung bộ, Trung bộ, và Nam bộ. Học vị có 3 bậc chính: cử nhân (BS), thạc sĩ (MS), và tiến sĩ (PhD). Với dữ liệu như thế này thì thú thật cũng khó làm cho ra câu chuyện, nhưng tôi cũng cố gắng đặt vài câu hỏi hết sức căn bản: 

  • Có sự khác biệt về sự phân bố uỷ viên BCH theo vùng;
    • Tuổi tác của các uỷ viên BCH
    • Trình độ học vấn của BCH ra sao;
    • Uỷ viên vùng nào có tỉ lệ với bằng tiến sĩ cao nhất.
Cũng như phân bố trong Bộ chính trị, phần đông uỷ viên BCH Khoá XII cũng là người miền Bắc (Biểu đồ 1). Trong số 180 người, 81 (45%) là từ miền Bắc. Con số uỷ viên miền Bắc cao gần gấp 2 lần con số ủy viên miền Nam (42 người, hay 23%). Miền Nam Trung Bộ có 29 người, tương đương với số uỷ viên Bắc Trung Bộ (28 người).
Biểu đồ phân bố số uỷ viên trung ương đảng (n=180) theo vùng miền. Số uỷ viên miền Bắc chiếm 45% tổng số. Chú thích: South = Nam; North = Bắc; Central = Nam Trung Bộ; N Central = Bắc Trung Bộ.
Về độ tuổi, Biểu đồ 2 cho thấy khá lệch về phía trái. Nhưng điều này dễ hiểu vì qui định của đảng về độ tuổi để tham gia BCH. Nhưng có một giá trị "ngoại vi" (trên tuổi 70), và người đó chẳng ai khác hơn là ông Nguyễn Phú Trọng. Tính chung, tuổi trung bình là 54, với tuổi trẻ nhất là 39 (Nguyễn Xuân Anh và Nguyễn Thanh Nghị). 75% thành viên có tuổi dưới 57.
Biểu đồ về phân bố độ tuổi. Người cao tuổi nhất là 72 tuổi, và chẳng ai khác hơn đó là Nguyễn Phú Trọng.
Biểu đổ 3 cho thấy ngoại trừ vài giá trị có vẻ như "ngoại vi", không có sự khác biệt về tuổi tác giữa các vùng. Tuổi trung bình (median) của 3 vùng Bắc, Trung, và Nam đều là 55; chỉ có vùng Bắc Trung bộ có tuổi trung bình là 56. Tuy nhiên, sự khác biệt này có lẽ chỉ là "ngẫu nhiên", (vì không có ý nghĩa thống kê).
Biểu đồ mô tả phân bố độ tuổi của uỷ viên TƯ đảng theo vùng. Mỗi violin có một cái hộp, và đường giữa cái hộp là thể hiện số trung vị, còn đường dưới và trên số trung vị là bách phân vị 25% và 75%.
Về trình độ học vấn, một điều kinh ngạc là khá nhiều uỷ viên có học vị tiến sĩ! Thật vậy, 61 người (34%) có bằng tiến sĩ, và con số này cao hơn con số uỷ viên có bằng thạc sĩ (49 người, 27%) hay số có bằng cử nhân (50, 28%). Có 20 người không rõ bằng cấp là gì, và phần lớn những người này là trong quân đội.
Biểu đồ về phân bố trình độ học vấn của 180 uỷ viên TƯ đảng khoá 12. Chú thích: NA = không rõ bằng cấp; BS = cử nhân; MS = cao học / thạc sĩ; PhD = tiến sĩ. Có 61 người (34%) có bằng tiến sĩ.
Tuy nhiên, trình độ học vấn có vẻ khác biệt giữa các vùng. Nếu lấy tỉ lệ uỷ viên có bằng tiến sĩ, thì miền Trung là vùng có học cao nhất. Thật vậy, 46% (hay 13/28) uỷ viên miền Bắc Trung Bộ, và 41% (12/29) uỷ viên miền Nam Trung bộ có bằng tiến sĩ. Tỉ lệ uỷ viên BCH miền Bắc là 33% (27/81). Miền Nam có học vấn thấp nhất, với 21% (9/42) người có bằng tiến sĩ (Biểu đồ 4).
Biểu đồ mô tả tỉ lệ uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ theo vùng. Chú thích: South = Nam; North = Bắc; Central = Nam Trung Bộ; N Central = Bắc Trung Bộ.
Thấy gì qua những con số trên? Phải nói rằng phân bố về trình độ học vấn ở BCH rất quái đản. Thông thường, chúng ta biết rằng phân bố trình độ học vấn theo hình tháp: số tiến sĩ là ít nhất, số thạc sĩ cao hơn tiến sĩ, và số cử nhân cao hơn thạc sĩ. Nhưng trong 180 người uỷ viên BCH thì nó ngược lại: số người có bằng tiến sĩ cao hơn số người có bằng cử nhân và thạc sĩ! Đó là một hiện tượng kì quái, rất hiếm thấy ở các xã hội tiên tiến và có nền giáo dục đàng hoàng.
Con số hơn 1/3 uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ có thể, tuỳ theo cá nhân, hiểu nhiều cách khác nhau, nhưng tôi nghĩ nó phản ảnh một sự thành công bước đầu trong chủ trương “tiến sĩ hoá” guồng máy đảng và chính quyền. Chúng ta còn nhớ một vị quan chức Hà Nội tuyên bố rằng đến năm 2012 sẽ có 50% công chức khối chính quyền Hà Nội có bằng tiến sĩ, và đến năm 2020, 100% những người quản lí sẽ có bằng tiến sĩ. Ông này còn tuyên bố rằng phải có bằng tiến sĩ mới “đột phá tư duy”. Do đó, tôi nghĩ con số 1/3 uỷ viên TƯ đảng có bằng tiến sĩ chính là một “thành tựu” của chủ trương này.
Con số trên cũng có thể nói lên rằng văn bằng tiến sĩ chỉ là tấm giấy thông hành đế thăng quan tiến chức. Thật vậy, có thời (và cho đến nay), VN có qui định làm quan chức cỡ nào thì cần phải có bằng tiến sĩ. Tôi đoán là trong đảng cũng thế, cái bằng tiến sĩ là một “leverage” để đương sự có một thế cạnh tranh tốt hơn đồng môn. Giữa hai người có cùng các phẩm chất khác, thì người có bằng tiến sĩ thường được đánh giá cao hơn người không có bằng tiến sĩ. Có lẽ chính vì thế mà sự hiện diện của các tiến sĩ trong uỷ viên trung ương đảng cao đến bất thường như thế.
Tóm lại, các uỷ viên miền Bắc chiếm ưu thế trong BCH đảng CSVN Khoá XII, với tỉ trọng cao gần gấp 2 lần so với con số uỷ viên miền Nam. Một điều đáng kinh ngạc là một phần ba uỷ viên BCH có bằng tiến sĩ, nhưng tỉ lệ này cao nhất ở các uỷ viên miền Trung. Con số tiến sĩ trong TƯ đảng cũng nói lên một sự khủng hoảng và mất định hướng về học vị tiến sĩ ở Việt Nam.
====
PS: Xin chân thành cám ơn VHB đã gửi dữ liệu cho tôi. Tôi hiểu để có dữ liệu này, em ấy phải bỏ ra hàng giờ để sưu tầm. Tôi phải “clean” vài chỗ để có thể phân tích thành một câu chuyện.

Thứ Sáu, 29 tháng 1, 2016

20160129. BÀN VỀ TỰ DO NGÔN LUẬN KHI CÓ MẠNG

ĐIỂM BÁO MẠNG
MẠNG XÃ HỘI VÀ TỰ DO NGÔN LUẬN
Bài của HOÀNG HẢI VÂN/ MTG/BVB 29/1/2016
Mấy năm gần đây mạng xã hội đã trở thành “một phần tất yếu của cuộc sống” đối với số đông người Việt, không chỉ trong giới trẻ mà cả với người cao tuổi. Người ta ngày càng ít luận bàn xung quanh những thông tin trên các phương tiện truyền thông chính thống mà quan tâm nhiều hơn đến thông tin trên mạng. 
Sự phổ cập của mạng xã hội đang làm thay đổi tận gốc hệ thống giáo dục và cung cách học tập truyền thống. Báo chí truyền thống đang đứng trước sự thách thức sống còn, hoặc là chấp nhận cáo chung, hoặc là phải thích nghi hoặc tận dụng, liên kết, “nương nhờ” vào mạng xã hội để tồn tại. Mạng xã hội vốn là nơi chia sẻ thông tin và tri thức, nơi trao đổi kinh nghiệm về nghề nghiệp, tiêu dùng và hoạt động văn hóa, sáng tạo. Nó trở thành phương tiện hữu dụng chưa từng có của xã hội loài người, dùng nó gần như không tốn tiền (chỉ trả cước sử dụng internet) mà nếu biết cách còn có thể kiếm được tiền. 
Mạng xã hội vốn là như vậy và ở phương Tây nó đang là như vậy, nhưng ở Việt Namnó đang có vấn đề. Các địa chỉ người dùng trên facebook, trên blog, các wesite tự tạo…, thường được gọi chung là “báo chí lề trái”, không bị cấm, mà muốn cấm cũng không cấm được, nên mặc nhiên chúng tồn tại hợp pháp. Hợp pháp, nhưng nó không bị chi phối bởi Luật Báo chí và các quy định khác. Còn báo chí truyền thống thì được điều chỉnh bởi Luật Báo chí, các quy định dưới luật, các văn bản chỉ đạo và thậm chí phải tuân thủ ý kiến “chỉ đạo miệng”. Nói ở Việt Nam ít tự do ngôn luận là không đúng. 
Bằng chứng là thông tin trên mạng xã hội, dù nặc danh hay chính danh, đều có thể “nói” ở mức độ tự do ngang bằng với bất cứ một nước phương Tây nào. Hơn thế nữa, mạng xã hội ở Việt Nam còn “tự do” đến mức thoải mái vu khống, bịa đặt, bôi nhọ, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác nhưng chỉ bị luật pháp xử lý một cách lẻ tẻ, nghĩa là chỉ một số người bị xử lý còn đa số thì không, dù những địa chỉ phát tán các thông tin này là chính danh. Tình trạng này dẫn đến sự bất bình đẳng lớn trong truyền thông mà lợi thế áp đảo nghiêng về phía mạng xã hội, báo chí chính thống ngày càng bị lép vế. 
Cần nhìn qua nước Mỹ, để xem luật pháp nước họ xử lý vấn đề tự do ngôn luận như thế nào. Nước Mỹ không có đạo luật nào về tự do báo chí, tự do ngôn luận. Quyền này chỉ được ghi tại một điều khoản, chính xác là được ghép trong một điều khoản, đó là Tu chính án thứ nhất của Hiến pháp Mỹ. Toàn văn của Tu chính án này như sau : “Congress shall make no law respecting an establishment of religion, or prohibiting the free exercise thereof; or abridging the freedom of speech, or of the press; or the right of the people peaceably to assemble, and to petition the Government for a redress of grievances” (Quốc hội không được ban hành đạo luật nào nhằm thiết lập tôn giáo hoặc ngăn cấm tự do tín ngưỡng, hoặc hạn chế tự do ngôn luận hay báo chí hoặc quyền của dân chúng được hội họp và kiến nghị Chính phủ sửa chữa những điều gây bất bình”. 
Như lời văn của nó cho thấy, điều khoản này cũng không quy định người dân có quyền tự do ngôn luận hay báo chí, nó chỉ ngăn chặn Nhà nước ra các đạo luật làm hạn chế quyền này mà thôi. Vì sao vậy? Vì đối với các nhà lập quốc Hoa Kỳ, đây là một trong những “quyền tự nhiên” của con người, không ai đủ tư cách ban phát, Hiến pháp chỉ ngăn chặn việc xâm phạm quyền tự nhiên ấy mà thôi. Có thể thấy Tu chính án thứ nhất được ban hành để “răn đe” chính quyền, không phải để “răn đe” người dân hay báo chí. 
Nước Mỹ không có báo chí “lề phải” hay “lề trái”, “lề” nào cũng được điều chỉnh bởi Tu chính án thứ nhất. Vì vậy, khi các công cụ truyền thông trên Internet phát triển như vũ bão, họ chẳng có lý do gì để thay đổi hay “tăng cường”, “củng cố” luật pháp. Tuy nhiên, việc sử dụng truyền thông để đưa tin sai sự thật hay bôi nhọ, xúc phạm người khác thì luật pháp Mỹ xử lý rất nghiêm, thông qua tòa án. Việc phỉ báng cá nhân ở Mỹ được luật pháp điều chỉnh rất thú vị. Thời thuộc địa, cho tới năm 1734, việc phỉ báng quan chức, dù nội dung có đúng hay không, đều phạm tội. 
Nhưng từ năm 1734, khi Hoa Kỳ vẫn còn là thuộc địa của Anh, đã có một vụ án lịch sử, đó là vụ Zenger. John Peter Zenger, một chủ báo ở New York đã cho đăng bài trên tờ New York Weekly Journal của mình, công kích viên Thống đốc Hoàng gia Anh tại đây, cho ông này là bất tài và nhận hối lộ. Zenger đã phải vào tù vì tội phỉ báng. Nhưng người bào chữa cho Zenger, luật sư Andrew Hamilton, đã làm nên một bước ngoặt về pháp lý khi ông chứng minh những lời “phỉ báng” của Zenger là không sai và đã thuyết phục tòa án tuyên bố Zenger vô tội. Vụ Zenger đã tạo ra một tiền lệ quan trọng: Từ đây, trong những vụ kiện về tội phỉ báng (ngày nay đều là các vụ kiện dân sự), nguyên đơn chỉ cần chứng minh được lời phỉ báng đó là sai sự thật thì thắng kiện. Đó là bước tiến lớn về quyền tự do ngôn luận ngay giữa chế độ thuộc địa mà giá trị pháp lý của nó tồn tại đến ngày nay. 
Tuy nhiên, đến năm 1964 có sự “phân biệt đối xử” lý thú, bắt đầu từ vụ án lịch sử: Vụ New York Times kiện Sullivan. Vụ kiện xuất phát từ một trang quảng cáo đăng trên tờ New York Times của một số mục sư nhằm quyên tiền để bào chữa cho nhà hoạt động nhân quyền lừng danh nước Mỹ - mục sư Martin Luther King, sau khi ông bị bắt giam. L.B Sullivan, người phụ trách Sở cảnh sát thành phố Montgomery, bang Alabama, cho rằng nội dung quảng cáo đã nói không đúng về các hành vi của lực lượng cảnh sát và phỉ báng mình, nên đã kiện New York Times và các mục sư ra tòa án. Xét thấy nội dung quảng cáo có một số thông tin không đúng, tòa án đã quyết định cho Sullivan thắng kiện, buộc các bị đơn phải bồi thường cho ông này 500 ngàn USD. 
New York Times và các mục sư đã kháng cáo lên Tối cao pháp viện. Tòa tối cao cho rằng không thể dùng các quy định điều chỉnh về tội phỉ báng để áp đặt hình phạt đối với việc phê phán hành vi ứng xử của các công chức, rằng dù nội dung phê phán có sai sót nhưng việc yêu cầu những người phê bình các quan chức phải bảo đảm độ chính xác trong phát biểu của họ là hành động “tự kiểm duyệt”. Tòa cũng cho rằng, những công chức Nhà nước muốn thắng kiện trong trường hợp này không chỉ phải chứng minh những nội dung được đăng tải là sai mà còn phải chứng minh những người đăng tải nội dung này là “có ác ý”, nhưng tòa nhận thấy rằng không có bằng chứng nào chứng tỏ tờ New York Times và các mục sư đã “có ác ý” khi đăng nội dung đó. 
Vì vậy, Tòa tối cao phán quyết New York Times và các mục sư thắng kiện. Phán quyết của Tối cao pháp viện Hoa Kỳ trong vụ án lịch sử này có giá trị như một điều luật, và hơn thế nữa, nó có giá trị ngang với một điều khoản của Hiến pháp, để từ thời điểm này áp dụng cho tất cả các vụ kiện về tội phỉ báng: một nguyên đơn là quan chức Nhà nước muốn thắng kiện nhất thiết phải chứng minh rằng những lời phỉ báng của bị đơn là sai, đồng thời phải chứng minh được cái sai đó là “có ác ý”. Ngoạn mục hơn, là án lệ của vụ New York Times kiện Sullivan không chỉ dành cho các quan chức nhà nước mà còn được Tối cao pháp viện mở rộng luôn cho những “nhân vật của công chúng”, bao gồm các ngôi sao giải trí, các nhà văn nổi tiếng, các vận động viên thể thao và những người “thường xuyên thu hút sự quan tâm của giới truyền thông”. 
Có lẽ các đại thẩm phán Hoa Kỳ anh minh đã tiên liệu những hạn chế có thể có về tự do ngôn luận nên đã đưa ra một án lệ quan trọng để phòng ngừa, án lệ này còn có tác dụng ngăn chặn bớt sự tham quyền cố vị và thói háo danh ở nước Mỹ. Tóm lại, đúng hay sai, thiếu hay đủ là do những góc nhìn, nhưng luật pháp của Mỹ trong lãnh vực tự do ngôn luận là minh bạch và hoàn toàn có thể dự đoán được, cho nên mọi người đều cảm thấy an toàn. Từ người dân cho tới các chính khách, quan chức, người nổi tiếng hay báo chí chẳng ngán gì những kẻ làm bậy, nói bậy. Những kẻ làm bậy, nói bậy cũng tiên lượng được cái giá mà họ phải trả.
Ở Việt Nam, tôi không nghĩ là không có tự do ngôn luận. Vấn đề là hệ thống luật pháp của chúng ta trên lãnh vực này đang bị “biến thái”, dung túng cho kẻ gian và hạn chế tiếng nói của người ngay. Một bên là các mạng xã hội, được truyền tải thông tin trên “băng thông rộng” và một bên là báo chí chính thống, chỉ truyền tải thông tin trên “băng thông hẹp”. Chẳng có một “thế lực thù địch” nào đủ sức kéo được công chúng vào con đường giả dối, phản động hay đồi trụy. Chính sự “biến thái” nói trên đang đẩy công chúng vào “lề trái”, nơi họ nghĩ sẽ tìm được “của ngon vật lạ”.  
Các nhà lãnh đạo chính trị đang phải tập thói quen cây ngay không sợ chết đứng khi các vị bị chửi bới tơi bời khói lửa trên mạng mà chính các vị và những người bảo vệ các vị cũng không có nơi có chốn để nói lại một cách đàng hoàng sòng phẳng. Không phải người dân mà chính các vị mới là nạn nhân lớn nhất của tình trạng “biến thái” này. Bởi vậy, đã đến lúc nghĩ đến một khung pháp lý đủ rộng, đủ công bằng và minh bạch theo nguyên tắc pháp trị về tự do ngôn luận, sao cho báo chí chính thống cũng được hưởng cơ hội ngang bằng với mạng xã hội. Khi ấy, mạng xã hội dù có còn rác rưởi, ít hay nhiều cũng không thành vấn đề.
Hoàng Hải Vân/DDVN/Motthegioi

Thứ Năm, 28 tháng 1, 2016

20160128. BÀN VỀ "ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ"

ĐIỂM BÁO MẠNG
"ỔN ĐỊNH CHÍNH TRỊ"-TỪ NHẬN THỨC ĐẾN HÀNH ĐỘNG
Bài của BÙI VĂN BỒNG/ BVB 28/1/2016

 

            Trả lời báo chí về nhân sự Đại hội 12, Thượng tướng Võ Tiến Trung, Giám đốc Học viện Quốc phòng, nói: “Lần này, Ban chấp hành Trung ương giới thiệu thêm 5 người quá tuổi trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng với mục đích là ở lại để kế thừa, tập hợp giữ vững ổn định chính trị và khối đại đoàn kết của toàn dân và đặc biệt và giữ đoàn kết, thống nhất trong Đảng”.
Trong giới lãnh đạo và dư dư luận xã hội đều cho rằng: Hiện nay, ổn định chính trị là vấn đề rất quan trọng. Không ổn định chính trị thì sẽ bất ổn cho công cuộc đổi mới và trì kéo tốc độ phát triển kinh tế-xã hội.
Thế nào là “ổn định chính trị”?
Không riêng Việt Nam mà ở tất cả các nước, các dân tộc trên thế giới, bất cứ một thể chế xã hội nào cũng mang màu sắc chính trị riêng và ai chẳng cần ‘ổn định chính trị’. Điều hiển nhiên, không ổn định chính trị thì không một xã hội nào có thể tồn tại và phát triển.
Trước hết, không phải cái tiêu chí đảng vẫn cầm quyền, không được ai xen vào hoặc thay thế...là "ổn định chính trị"! Cũng không phải 'hệ thống lãnh đạo của đảng vẫn còn vững từ Trung ương đến cơ sở, không ai dám đụng đến đảng...là "ổn định chính trị"! Trong các kỳ Đại hội Đảng vẫn có những đánh giá như một thành tích, đầy tự hào, rất mỹ mãn về “giữ vững ổng định chính trị”. Nhưng, cần xem xét, phân tích rõ: “Thực chất của ổn định chính trị là gì?”.
Trong chế độ chính trị do Đảng cầm quyền, ổn định chính trị trước hết là chế độ đó phải được lòng dân, phải thực sự tôn trọng dân chủ, nhân quyền, đời sống nhân dân không ngừng nâng cao. Hiệu quả này phải do  khả năng lãnh đạo, uy tín của Đảng đối với quần chúng, khả năng tập hợp để phát huy sức mạnh nội lực từ trong quần chúng, sức mạnh của cả hệ thống chính trị gắn chặt với sức mạnh toàn dân, của cả dân tộc; thể hiện bằng hiệu quả, chất lượng kinh tế-xã hội phát triển mạnh, uy tín trên trường quốc tế ngày càng nâng cao. Đó chính là xã hội có nền dân chủ xã hội thực sự đúng nghĩa ‘của dân, vì dân, do dân’, không chỉ là ‘khẩu hiệu suông’. Sự tôn trọng dân chủ, nhân quyền phải kết hợp chặt chẽ kỷ cương phép nước với phát triển lành mạnh xã hội dân sự. Dân chủ tư sản, dân chủ chuyên chế, nền quân chủ, hay dân chủ XHCN cũng đều đi đến kết cục là sự hài lòng, tin tưởng của người dân đối với chế độ chính trị, tán thành với thể chế quản lý, điều hành xã hội.
Cần phải có quan điểm nhất quán là đứng ở góc độ nhìn thẳng vào sự thật, Đảng ta có thật sự là đảng vững mạnh hay không? Đảng có tập hợp, phát huy được sức mạnh toàn dân tộc hay không? Người dân có hài lòng với đảng lãnh đạo hay không? Đảng ta đã đúc kết: “Thực tiễn là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ chủ nghĩa Mác”. Nhưng miệng hô hào trung thành tuyệt đối với những nguyên lý cơ bản của chủ nghĩa Mác-Lê-nin, tư tưởng Hồ Chí Minh, còn thực tế hành động thì xa rời thực tiễn, nặng về lý luận giáo điều, nhất là không học được ở Chủ tịch Hồ Chí Minh được gì, mặc dù đã cả hơn chục năm tốn kém tiền bạc, mất nhiều thời gian tổ chức đủ loại hình “học tập, làm theo…”!
Không thể né tránh một thực tế là Đảng ta ngày càng đánh mất vị thế, vai trò lãnh đạo, uy tín bị xói mòn, mất dần và đứng trước nguy cơ tồn vong của một chính đảng cầm quyền, kèm theo đó là nguy cơ tồn vong của chế độ. Đảng không còn được cái danh tiếng “đạo đức, văn minh”, tóm lại: Mất thiêng rồi!
Chỉ nhìn từ hơn 20 năm qua, 5 nhiệm kỳ Đại hội Đảng, vấn đề uy tín lãnh đạo của Đảng, vấn đề ổn định chính trị đã được nêu ra, thấy hết thực chất, thực trạng,  nhìn rõ mạnh-yếu ở chỗ nào, nhưng dù hô hào mạnh mà khắc phục lại quá yếu kém, uy tín lãnh đạo mất dần.  Nhiều mặt cho thấy ngày càng bị xuống cấp. Vai trò lãnh đạo của Đảng mờ nhạt dần, sức chiến đấu kém, đội ngũ đảng viên đông đảo, nhưng không mạnh. Gọi là “phai nhạt lý tưởng”, nhưng thực chất là không có lý tưởng. Sự hào nhoáng, tô vẽ vẫn gia tăng, nhưng thực chất bên trong ngày càng biểu hiện sự mục ruỗng, kém, nát. Thực tế đó không nên có ai đó cố tình ngụy lý, phủ nhận, tiếp tục “tự hào cái không có”.
Hãy bình tĩnh đọc lại những câu chữ được dùng trong Văn kiện Đại hội VII của Đảng, tháng 6-1991: “Nhiều đảng viên giảm sút ý chí phấn đấu, một bộ phận đã tha hoá, tham nhũng, xa dân, làm giảm sút nghiêm trọng uy tín của Đảng. Nội dung và phương thức lãnh đạo của Đảng đổi mới còn chậm, cơ cấu tổ chức còn nhiều bất hợp lý, bộ máy vẫn cồng kềnh, kém hiệu quả.
Phương hướng tới cần chú trọng thực hiện dân chủ trong Đảng và lãnh đạo thực hiện dân chủ trong xã hội một cách đúng hướng, vừa phát huy trí tuệ tập thể, thực hiện quyền công dân, vừa bảo đảm sự ổn định về chính trị”. Tuy nhiên, trong Nghị quyết Đại hội VII của Đảng vẫn không quên đánh giá: “Mặc dù những khó khăn trở ngại còn nhiều, nhưng những thành tựu đổi mới đã xác nhận khả năng tự đổi mới của Đảng Cộng sản và nhân dân Việt Nam”. Phải chăng đó cũng là thói quen tự khen, chủ quan, vỗ ngực, tự huyễn hoặc, tự PR cho chính mình?
Từ tháng 6 -1991 đến nay, cái cụm từ “ổn định chính trị” liên tục được nhắc tới, nhấn mạnh, và có vẻ rất tự hào, coi là thành tích: “Giữ vững ổn định chính trị”. Nhưng, cần phân định rõ, đánh gía một cách nghiêm túc: “Thực chất ổn định chính trị” là gì? Chỉ cần gõ vào mục tìm kiếm trên trang Google, trong 0,20 giây đã hiện lên trên 11.600.000 kết quả của 4 từ:“Ổn định chính trị”.
Thực tế cần khẳng định rằng ít nhất đã hơn 20 năm qua, thực chất xã hội ta chưa có ổn định chính trị, nền chính trị-xã hội đặt trong những hoàn cảnh bấp bênh.
            “Một đảng mà che giấu khuyết điểm là một đảng hỏng” (HCM). Đâu phải che đậy sai lầm, khuyết điểm, tung hô khen ngợi lên tận mấy xanh, lấy tiếng tốt cho đảng là giữ uy tín, là “ổn định chính trị”. Kinh tế-xã hội ra sao, chất lượng dân sinh dân chủ thế nào? Niềm tin của dân với đảng lãnh đạo còn bao nhiêu? Công khai, minh bạch hóa các hiện trạng xã hội như thế nào? ...Đó là thước đo ổn định chính trị.
Không thể coi việc xây dựng trụ sở đảng, chính quyền tốn tiền, hoành tráng, tuyển dụng đội ngũ biên chế đông đảo, hội nghị và lễ lạt băng cờ khẩu hiệu đỏ rực, các cấp bộ đảng sinh hoạt đều đặn, báo cáo đầy đủ ...là 'ổn định chính trị'.
Sự mất ổn định chính trị, tiềm ẩn nguy cơ tồn vong của Đảng và chế độ có 6 biểu hiện cơ bản như sau:
- Nội bộ Đảng chưa thống nhất cao, bằng mặt không bằng lòng, có những biểu hiện tranh quyền, đoạt lợi, thiếu đoàn kết, xuất hiện các nhóm khác nhau về quyền lợi, quyền hành.
- Mất dân chủ ngày càng nghiêm trọng.
- Vi phạm pháp luật ngày càng phổ biến và trắng trợn, kỷ cương phép nước không nghiêm.
- Khoảng cách giữa lãnh đạo với người dân ngày càng bị roãng xa, thiếu hẳn sự gắn kết cần thiết, phát sinh mâu thuẫn.
- Phân hóa giàu-nghèo theo kiểu chia ra tầng lớp, giai cấp ngày càng rõ nét, mất dần đoàn kết cộng đồng, bất công phát sinh ngày càng nguy hại.
- Pháp luật Nhà nước, nguyên tắc điều lệ Đảng bị xem nhẹ. Khiếu nại, tố cáo, mít tinh, biểu tình gia tăng.
               Những việc cần làm:
- Trước hết, về đổi mới nhận thức tư tưởng và quan điểm: Nền chính trị-xã hội vì dân,vì nước, hay chỉ vì ‘bộ phận không nhỏ’ trong đảng?
- Cần phân biệt rõ bạn-thù, đối tác, đối tượng, đối trọng trong quan hệ ngoại giao, hợp tác kinh tế, nhất là với các nước tiên tiến trên thế giới theo quan điểm: “Làm bạn với tất cả các nước, hai bên cũng có lợi, giữ vững độc lập chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, tránh mọi sự lệ thuộc, áp đặt”. Không bị ràng buộc, chi phối bởi ‘ý thức hệ’ sinh ra bảo thủ, giáo điều, cực đoan, thiếu chí quyết, mạnh dạn trong đổi mới.
- Tránh được những rập khuôn, công thức, máy móc, giáo điều, nặng về ‘diễn ngôn’ trong các nghị quyết của đảng như nếp quen từ xưa đến nay.
- Nâng cao sức mạnh đoàn kết trong Đảng, đề phòng trong cuộc chống suy thoái, biến chất, chống tham nhũng lại nảy sinh ra đấu trận giữa Đảng, Nhà nước, Chính phủ, tự phân rã nội bộ, ‘tự diễn biến’. Tăng cường và phát huy khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
- Đảng phải mạnh dạn nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá đúng thực chất mạnh-yếu, nhất là trong đội ngũ lãnh đạo có chức có quyền.
- Cần xác định chính xác “thế lực thù địch” của cách mạng, của nhân dân là kẻ nào?
-  Coi trọng dân chủ và nhân quyền, tự do báo chí, tự do lập hội.
-  Nhìn rõ nguy cơ “tự diễn biến” do suy thoái, biến chất, tham nhũng ngay trong nội bộ đảng cầm quyền
-  Kiên quyết đấu tranh không khoan nhượng, dứt khoát đưa pháp luật, nguyên tắc điều lệ vào việc xử lý kỷ luật nội bộ đảng, kiên quyết đưa ra khỏi đảng những cán bộ lãnh đạo, đảng viên không còn đủ tư cách đảng viên cộng sản. thoái hóa, biến chất.
- Không nên dùng quyền đảng, quyền của chính quyền, huy động công an, quân đội “chuyên chính với nhân dân”, mất cảnh giác với thù trong-giặc ngoài; không được làm mất quyền dân chủ, hoặc mù quáng đi ngăn chặn những hoạt động dân chủ của xã hội.
Cũng về nội dung này, trong bài “Đất nước Miến Điện và dân chủ”, nhà bình luận Trần Bình Nam đã nói: “Cái luận thuyết: ‘Ổn định chính trị’ là môi trường cần thiết cho sự phát triển kinh tế cũng có cái giá trị thực tế của nó. Nhưng thường các chế độ độc tài hay dùng luận thuyết đó như một chiêu bài. Không ai đặt câu hỏi, thế nào là ổn định chính trị và muốn ổn định chính trị có nhất thiết phải duy trì một chính sách độc tài không. Một chế độ dân chủ với khối quần chúng có trình độ và với những người lãnh đạo có trách nhiệm là môi trường tốt nhất cho ổn định chính trị và phát triển kinh tế. Trên căn bản đó tôi cho lập luận ‘ổn định chính trị để phát triển kinh tế’ là ngụy biện”. Thực tế, không phát triển được kinh tế, không bảo đảm dân chủ, công bằng, văn minh thì rất khó “Ổn định chính trị”. Muốn ổn định chính trị thì Độc lập phải đi liền với Tự chủ. Chừng nào vẫn còn vì cái “Đại cục” mông lung nào đó, còn lệ thuộc nước khác, còn bị chi phối bởi những “ánh sáng soi đường” của người khác, không phân biệt rõ bạn-thù, thì làm sao có được ổn định chính trị?
            Nhìn rõ thực trạng đánh giá đúng tình hình, có giải pháp thích hợp và kiên quyết, thì mới giữ vững được ổn định chính trị trong tình hình hiện nay, thoát khỏi được những nguy cơ mất nước, mất dân.
BVB

ỔN ĐỊNH CÁI GÌ HAY "ỔN ĐỊNH CHO... Ổ CHUỘT"?
Bài của NGUYỄN HƯNG QUỐC/ NHQ' Blog/ VOA/ BVB 28/1/2016
Đôi lời: Tướng Võ Tiến Trung nói là ông Trọng cần ‘ở lại’ để giữ “ổn định chính trị”.  Năm ngoái, ông Trọng tuyên bố thẳng thừng về chống tham nhũng là “đánh chuột sợ võ bình”. Vậy có phải chăng thực chất các UVTW ngán ngại một TBT sắc sảo, bản lĩnh, chí quyết, mạnh bạo đổi mới, nên bầu cho ông Trọng tiếp tục giữ chức TBT, trước hết là ‘giữ ổn định cho…ổ chuột’!?/
Thế là cuộc tranh giành quyền lực trong giới lãnh đạo chóp bu tại Việt Nam đã kết thúc: Trương Tấn Sang, Nguyễn Sinh Hùng và Nguyễn Tấn Dũng về hưu, Nguyễn Phú Trọng được lưu nhiệm để làm Tổng Bí thư thêm một nhiệm kỳ hoặc nửa nhiệm kỳ nữa với lý do là để giữ sự “ổn định” trong guồng máy lãnh đạo đảng.
Điều này làm giới quan sát Việt Nam cũng như quốc tế khá ngạc nhiên. Từ một, hai năm gần đây, hầu như người nào cũng tiên đoán chiếc ghế tổng bí thư ấy sẽ lọt vào tay của Nguyễn Tấn Dũng, người được cho là có thế lực nhất trong Ban Chấp hành Trung ương đảng.
Không những ngạc nhiên, nhiều người còn luyến tiếc. Trên các diễn đàn mạng, số lượng những người thiên vị Nguyễn Tấn Dũng nhiều hơn hẳn những người khác. Người ta ca ngợi Nguyễn Tấn Dũng là thực tế, thực dụng, cấp tiến, thân Mỹ và Tây phương, có tính cách mạnh mẽ, do đó, có hy vọng thay đổi tình hình chính trị tại Việt Nam. Nhiều người còn vẽ lên một bức tranh xán lạn: Nguyễn Tấn Dũng sẽ hợp nhất chiếc ghế tổng bí thư với chiếc ghế chủ tịch nước để tạo nên một guồng máy lãnh đạo giống như Trung Quốc, hoặc lạc quan hơn hơn, giống hình thức tổng thống chế ở Tây phương.
Với ý nghĩ như thế, người ta đâm ra thất vọng và hụt hẫng khi biết người chiến thắng trong cuộc giành giật chiếc ghế tổng bí thư lại là Nguyễn Phú Trọng.
Xin lưu ý là từ mấy năm nay trong những trận đối đầu công khai giữa Nguyễn Tấn Dũng và Nguyễn Phú Trọng, hầu như lúc nào Nguyễn Tấn Dũng cũng thắng. Năm 2012, trong Hội nghị thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương đảng đã bác bỏ đề nghị kỷ luật Nguyễn Tấn Dũng của Nguyễn Phú Trọng. Năm 2013, trong Hội nghị lần thứ 7, Ban Chấp hành Trung ương lại bác bỏ đề nghị đưa Nguyễn Bá Thanh và Vương Đình Huệ vào Bộ Chính trị của Nguyễn Phú Trọng; ngược lại, hai người được bầu, Nguyễn Thiện Nhân và Nguyễn Thị Kim Ngân được cho là những người thân cận với Nguyễn Tấn Dũng.
Vậy mà, hiện nay, trong cuộc tranh chấp quan trọng và quyết định nhất đối với sự nghiệp của Nguyễn Tấn Dũng, ông lại bị Nguyễn Phú Trọng đánh bại.
Một câu hỏi không thể không được đặt ra: Tại sao Bộ Chính trị cũng như Ban Chấp hành Trung ương đảng lại chọn lựa Nguyễn Phú Trọng thay vì Nguyễn Tấn Dũng?
Ai cũng biết Nguyễn Phú Trọng là người bảo thủ, giáo điều và tuyệt đối không sắc sảo. Sự thiếu sắc sảo ấy khiến Nguyễn Phú Trọng, một mặt, sau 5 năm nắm giữ chức vụ cao nhất trong đảng, chưa bao giờ có một chính sách, hay thậm chí, một câu nói nào để lại ấn tượng sâu trong lòng quần chúng; mặt khác, bị dân chúng khinh bỉ, hoặc, nhẹ nhàng hơn, coi thường, xem là “lú”. Tính chất bảo thủ và giáo điều làm cho Nguyễn Phú Trọng, một mặt, xa rời thực tế và mù loà trước những xu thế vận động của lịch sử thế giới; mặt khác, ít nhiều ngả về phía Trung Quốc với cái ảo tưởng là cả hai đều có một lý tưởng chung: chủ nghĩa cộng sản.
Chính ba đặc điểm, bảo thủ, giáo điều và thiếu sắc sảo ấy của Nguyễn Phú Trọng làm cho dân chúng nói chung dễ có khuynh hướng ủng hộ Nguyễn Tấn Dũng. Người ta thừa biết Nguyễn Tấn Dũng tham nhũng, lợi dụng chức quyền để đưa con cái vào guồng máy cai trị cũng như làm giàu một cách bất thường. Tuy nhiên, người ta vẫn tin, với Nguyễn Tấn Dũng, đất nước còn có chút hy vọng thoát khỏi ảnh hưởng của Trung Quốc. Với Nguyễn Phú Trọng thì không. Tuyệt đối không.
Vậy tại sao Bộ Chính trị và Ban Chấp hành Trung ương đảng lại chọn Nguyễn Phú Trọng?
Lý do chính, theo tôi, là: Người ta sợ sự sắc sảo. Những người thông minh sắc sảo bao giờ cũng có những phản ứng và những chính sách bất khả đoán đối với những người tầm thường. Điều này giải thích tại sao trong mấy kỳ đại hội đảng vừa qua, bao giờ người ta cũng bầu những người bình bình nhàn nhạt lên chiếc ghế tổng bí thư. Hết Đỗ Mười (1991-97) đến Lê Khả Phiêu (1997-2001), Nông Đức Mạnh (2001-2011) và từ Đại hội XI đến nay là Nguyễn Phú Trọng.
Tâm lý sợ sự sắc sảo ấy gắn liền với một tâm lý khác: sợ sự thay đổi. Người ta biết chắc Nguyễn Phú Trọng không phải là một lãnh tụ tài giỏi nhưng ít nhất dưới sự lãnh đạo của ông sẽ không có gì thay đổi cả. Không thay đổi trong thể chế chính trị. Không thay đổi trong quan hệ với Trung Quốc. Và, đặc biệt, quan trọng nhất, không có gì thay đổi trong bộ máy quyền lực của đảng cũng như những quyền lợi mà các uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương đang có.
Tâm lý này phù hợp với một trong những mục tiêu chính Ban Chấp hành Trung ương đảng nêu ra trong nhiệm kỳ tới: “giữ vững môi trường hoà bình, ổn định”. Nói đến “hoà bình”, người ta chủ yếu nhắm đến quan hệ với Trung Quốc; nói đến “ổn định”, người ta nhắm đến sinh hoạt chính trị đối nội: không có thay đổi gì mới trong cơ chế cũng như trong cấu trúc quyền lực trong nội bộ đảng.
Tâm lý sợ thay đổi ấy đi ngược hẳn lại xu hướng chung của lịch sử và niềm tin chung của mọi người. Việt Nam đang là nước yếu, yếu về cả kinh tế lẫn chính trị; điều Việt Nam cần nhất, do đó, không phải là giữ nguyên trạng mà phải thay đổi để tiến bộ. Sự quyết định của Ban Chấp hành Trung ương, khi coi sự “ổn định” là tiêu chí quan trọng nhất để chọn lựa người lãnh đạo là một quyết định hoàn toàn sai lầm. Năm ngoái, bà Phạm Chi Lan, một chuyên gia kinh tế tại Việt Nam, có một nhận xét rất hay về tình trạng Việt Nam hiện nay: “Trên thế giới chia ra gồm nước phát triển, nước đang phát triển, nước chậm phát triển nhưng Việt Nam có lẽ là mô hình đặc biệt nhất. Đó là nước… không chịu phát triển!”
Đất nước không chịu phát triển. Chỉ có quyền thế và quyền lợi của giới lãnh đạo là…phát triển vượt bậc.
Nguyễn Hưng Quốc’blog/VOA