Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2015

20150829. ODA CHO GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐIỂM BÁO MẠNG
NHÌN LẠI ODA CHO GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO
Bài của GS TSKH NGUYỄN NGỌC TRÂN/ ĐBND 28/8/2015
Giám sát chuyên đề Chất lượng, hiệu quả các dự án đầu tư sử dụng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức của nước ngoài (ODA) đối với giáo dục và đào tạo giai đoạn 2004 - 2014 do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ tổ chức là một việc làm rất cần thiết bởi tầm quan trọng của lĩnh vực và do nguồn vốn ODA quan trọng dành cho nó trong 11 năm này.
1. Về số liệu và các dự án
Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, tổng số vốn ODA ký kết đạt1.766 triệu USD, chiếm khoảng 3,5% ODA ký kết của cả nước trong 11 năm (2004 - 2014)(2).
Sự phân bổ các dự án chương trình (sau đây gọi chung là dự án) và vốn vay ODA được thể hiện qua bảng dưới đây:
Bộ Giáo dục và Đào tạo là cơ quan nhà nước thụ hưởng chính với 42 dự án, 70,3% vốn vay ODA, và 81,1% viện trợ không hoàn lại, trong khi đối với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, các con số và tỷ lệ trên lần lượt là 10 dự án, 9,3% và 4,3%.
15 dự án (bằng 18,75% tổng số dự án) đã chiếm 76,2% tổng vốn ODA; 21 dự án (26,25% tổng số dự án) đã chiếm 89,4% tổng vốn ODA. Sự phân hóa theo mức vốn ODA của 80 dự án là rất cao.
Phân tích 80 dự án cho thấy vốn ODA trong giai đoạn 2004 - 2014 chủ yếu tập trung vàogiáo dục phổ thông và giáo dục đại học. Giáo dục mầm non và đào tạo dạy nghề chiếm tỷ lệ nhỏ trong cơ cấu tài trợ từ nguồn vốn ODA. Nhận xét này trùng hợp với báo cáo của Bộ Tài chính.
Có 12 dự án đã kết thúc, trong đó 5 dành cho giáo dục đại học với vốn ODA là 210,4 triệu USD, và 7 dành cho giáo dục trung học và giáo dục tiểu học với vốn ODA là 482,7 triệu USD. Báo cáo kết quả và đánh giá hiệu quả của 12 dự án này với vốn ODA gần 700 triệu USD rất sơ lược thậm chí còn chưa có.
Trong số các dự án đang được triển khai, có Dự án Xây dựng trường Đại học Khoa học Công nghệ Hà Nội (190 triệu USD, 2012 - 2018) và Dự án xây dựng trường Đại học Việt Đức (200,6 triệu USD, 2011 - 2017) thành những “trường đại học xuất sắc, trung tâm đào tạo nghiên cứu hàng đầu ở Việt Nam, đạt trình độ khu vực và quốc tế”. Đến nay, gần nửa thời gian của dự án đã trôi qua, cả hai dự án đang còn gặp khó khăn về giải phóng mặt bằng.
Lĩnh vực đào tạo nghề không có vị trí cần có trong cơ cấu vốn ODA trong 11 năm 2004 - 2014 trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành vào cuối năm 2015 này và Việt Nam tích cực hội nhập với thế giới.
2. Các khó khăn
Các khó khăn mà các bộ và các trường nêu lên thật ra không mới so với những gì đã được tổng kết cách đây 12 năm. Đó là:
Chưa nhận thức đúng ODA là vốn vay. Tuy 15 -16% là không hoàn lại, và cho dù thời gian ân hạn dài, lãi suất thấp, nếu sử dụng không hiệu quả thì vốn sẽ chồng lên vốn, lãi sẽ chồng lên lãi, thế hệ này không trả thì con cháu sẽ phải trả.
Chưa có quy hoạch ODA như là bộ phận của quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội. Cơ chế xin - cho còn khá nặng, một biểu hiện của quán tính bao cấp và hệ quả của nhận thức chưa đúng về ODA.
Thủ tục quá nhiêu khê. Theo các nhà tài trợ, trung bình một dự án ODA triển khai và hoàn thành ở các nước là 4 - 5 năm, trong khi ở Việt Nam 7 - 8 năm là sớm. Càng kéo dài thì các dữ kiện ban đầu của các dự án cũng như các thiết bị cần mua sắm trở nên lạc hậu, ảnh hưởng lớn đến kết quả của dự án.
Quá nặng về quản lý ban đầu (thẩm định, trình xét), nhưng khi đã thông qua rồi thì khâu quản lý hầu như bị buông lỏng, không theo dõi, đánh giá kết quả.
+ Các bộ, ngành chưa mạnh dạn phân dự án về các địa phương mà vẫn muốn nắm các dự án “ô” (umbrella project), phân về các địa phương các tiểu dự án. Nhiều tầng nấc cộng với sự thiếu và không minh bạch về thông tin, tạo thuận lợi cho cơ chế xin - cho và tiêu cực, tham nhũng phát sinh.
+ Lĩnh vực ODA được quy định bằng một nghị định và bị chi phối mạnh trên những lĩnh vực có liên quan mật thiết bởi những văn bản pháp quy cùng cấp. Các văn bản này “cài răng lược” với nhau, liên tục được sửa đổi, bổ sung, làm cho môi trường pháp lý về ODA về phía Việt Nam không đồng bộ, tản mạn, tính pháp lý chưa cao và không ổn định. Cho đến hiện nay, quy định về ODA vẫn là một nghị định của Chính phủ.
+ Lĩnh vực ODA còn bị chi phối bởi các quy định khác nhau của các nhà tài trợ quốc gia và quốc tế. Nỗ lực của Bộ KH - ĐT vào những năm 2004 - 2006, cùng với các nhà tài trợ nhằm tiến tới hài hòa hóa các quy định về ODA tại Việt Nam cho tới nay vẫn chưa hoàn thành.
3. Đánh giá kết quả và hiệu quả
Rất khó đánh giá kết quả và hiệu quả của các dự án ODA trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Báo cáo của các bộ và các trường rất sơ lược, thậm chí không có, về nội dung này.
Báo cáo của Bộ Tài chính cho biết vốn ODA được dùng để xây dựng trường lớp, cung cấp đồ gỗ, trang thiết bị trường học, để in sách giáo khoa, đào tạo giáo viên, nâng cao chất lượng đào tạo đại học.
Tiểu dự án QIG “C” trường Đại học Sư phạm Hà Nội đã chi 64.800 USD để mua 12 giáo trình điện tử và 102.600 USD cho tư vấn xây dựng giáo trình điện tử, kể cả môn giáo dục chính trị và môn Sử. Tuy nhiên báo cáo của Trường không nói rõ mua giáo trình từ đâu, và ai tư vấn xây dựng các giáo trình. Bởi lẽ nếu là giáo trình và tư vấn từ bên ngoài thì có nhiều việc cần thảo luận. Nếu các giáo trình và tư vấn đến từ trong nước, thì có cần vay ODA để thực hiện không?
Cách đây 12 năm, Đoàn giám sát đã kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính chủ trì xây dựng các tiêu chí đánh giá hiệu quả của một dự án ODA và lưu ý rằng hiệu quả của một dự án không chỉ là những cơ sở vật chất mà còn là công nghệ, chất xám tiếp thu được phục vụ cho việc phát triển kinh tế - xã hội đất nước. Cho tới nay các tiêu chí vẫn chưa có cho các dự án nói chung, hoặc trong từng lĩnh vực.
Quan tâm đến hiệu quả là cấp thiết vì vay ODA sẽ ngày càng khó và những ưu đãi sẽ ngày càng ít đi khi mà Việt Nam đã là nước có thu nhập trung bình. Điều này thể hiện rất rõ qua đỉnh ODA cam kết và ký kết năm 2009.
Rất nhiều dự án ngưng hoạt động, hoặc hoạt động không đúng mục đích ban đầu, một thời gian ngắn sau khi dự án kết thúc vì không có kinh phí. Nhiều cơ sở cho biết “nguồn vốn đối ứng thường là kinh phí đầu tư ban đầu, thiếu kinh phí cho vận hành, bảo dưỡng, nâng cấp các trang thiết bị cho các năm tiếp theo, dẫn đến một số mục tiêu chưa đạt được kết quả tốt nhất”.
Một trong những tiêu chí về hiệu quả phải là khả năng duy trì hoạt động của mục tiêu của dự án tại đơn vị tiếp nhận. Đây cũng nên là một tiêu chí lựa chọn các dự án với vốn ODA: đơn vị tiếp nhận phải có một lộ trình bảo đảm nguồn kinh phí để duy trì hoạt động của dự án.
“Mức chất lượng tối thiểu trường tiểu học”, “Mô hình trường học mới tại Việt Nam”, “Trung tâm đào tạo xuất sắc và trung tâm nghiên cứu hàng đầu” của quốc gia, khu vực và thế giới là những mục tiêu ai cũng mong đạt được, nhưng dựa trên những tiêu chí nào để đánh giá các mục tiêu đó có đạt được hay không, và đạt đến mứác độ nào? Mặt khác, các dự án này có tính đến thực tế Việt Nam, có phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của đất nước hay không? hay thuần túy sao chép, ví dụ đánh giá trung tâm nghiên cứu hàng đầukhông nên chỉ thuần túy dựa trên số bài báo được công bố trên các tạp chí quốc tế và số lần được trích dẫn.
Có rất nhiều các điều kiện (yếu tố) cần hội tụ để một trường đại học là “một trung tâm đào tạo xuất sắc và trung tâm nghiên cứu hàng đầu” của Việt Nam, chưa nói đến khu vực và quốc tế. Vay ODA sẽ giải quyết được các điều kiện nào? là một câu hỏi chờ được trả lời trong cuộc giám sát chuyên đề.
Sau cùng, Báo cáo giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, TN, TN và NĐ cần làm rõ, với sự tham gia của các bộ, đặc biệt là Bộ Giáo dục và Đào tạo: Nguồn vốn vay ODA, gần 1,8 tỷ USD, đối với giáo dục và đào tạo trong giai đoạn 2004 - 2014, và hơn 2,7 tỷ USD nếu tính từ năm 1993, đã hỗ trợ ra sao việc thực hiện các nghị quyết của Trung ương Đảng và của Chính phủ về cải cách, đổi mới giáo dục, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế?
___________________
1. Giáo sư, Tiến sĩ khoa học, ĐBQH các Khóa IX, X, XI, Phó chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Khóa X và XI, Trưởng đoàn giám sát về ODA của Ủy ban Đối ngoại năm 1999 và năm 2003.
2. Trong 10 năm (1993 - 2002) Bộ Giáo dục và Đào tạo đã tiếp nhận 83 dự án với tổng vốn ODA là 803,59 triệu USD. Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 20 năm (1993 - 2012) lĩnh vực giáo dục và đào tạo đã tiếp nhận 4,19% tổng vốn ODA cho cả nước.
3. Về việc huy động, sử dụng và quản lý vốn ODA qua hai lần giám sát 1999 và 2003, Báo cáo gửi UBTVQH, ngày 15.05.2006, trong Kỷ yếu hoạt động của Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Khóa XI, trang 863 - 894.
4. Như các lĩnh vực đầu tư và xây dựng, lĩnh vực đấu thầu, trong giải phóng mặt bằng và tái định cư, v.v…
GS. TSKH. Nguyễn Ngọc Trân (1)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét