ĐIỂM BÁO MẠNG
- Trong nước: Xử nghiêm báo đăng tin vụ án quá giật gân (VNN 19-8-15) -Chủ tịch TP HCM liên đới trách nhiệm nhiều sai phạm (VnEx 19-8-15) -Nhiều sai phạm tại Tp.HCM dưới thời Chủ tịch Lê Hoàng Quân (VnE 19-8-15)-Những bóng hồng xinh đẹp và mạnh mẽ trên tàu bệnh viện hải quân Hoa Kỳ (infonet 19-8-15)-
- Kinh tế: NHNN bất ngờ nâng tỷ giá thêm 1%, nới biên độ tỷ giá lên +/-3% (cafef 19-8-15) Việt Nam phá giá VND, nới biên độ tỷ giá (BBC 19-8-15) -Ngân hàng nhà nước sẵn sàng bán ngoại tệ bình ổn thị trường (LĐ 19-8-15) -Hàng tiểu ngạch, 20 tỉ USD và hai chữ “rất nguy” (LĐ 19-8-15)
- Giáo dục: Giáo sư Võ Tòng Xuân: Một mùa tuyển sinh không tiền khoáng hậu (NĐT 19-8-15)-Chen chúc nộp hồ sơ vào Đại học Kinh tế quốc dân (VnEx 19-8-15)-Ngày cuối, thí sinh 'chạy quanh' các trường tốp giữa (VNN 20/8/2015)-Mùi... của giáo dục (viet-studies 18-8-15)-Nguyễn Trọng Bình -Đi xa hỏi già, về nhà hỏi trẻ (BVN 20/8/2015)- Tuấn Khanh- Chi 230 tỷ để người Việt ham đọc sách:Sự thật khó tin (ĐV 19-8-15)-Không thể hội nhập chỉ với Kỹ sư, Tiến sỹ (TVN 20/8/2015)-10 điểm khác nhau giữa ông chủ và lãnh đạo (VNN 20/8/2015)
- Phản biện: Ý kiến: Việt Minh nắm quyền do đâu? (BBC 19-8-15) -Giá phải trả để được sống trong tự do và độc lập (TVN 19-8-15) -Cuộc cách mạng không đổ máu (VNN 20/8/2015)-So sánh các mô hình dân chủ dựa trên cơ chế đồng thuận và theo đa số (Thời Đại Mới 7/2015) -Nguyễn Huy Vũ- Bảo tàng Hà Nội “y chang” bảo tàng Trung Quốc? (TT 19-8-15)-Kiểm soát quyền lực bằng cách nào? (bvn 20/8/2015)
- Thư giãn: Gấu xám đánh bật bầy sói dữ để cướp mồi - (VNN 20/8/2015)-Cá voi sát thủ lao lên bờ biển vồ bắt hải cẩu (VNN 20/8/2015)-Biệt tài đột nhập vào nhà qua toilet của chuột (VNN 20/8/2015)
HỌC SINH PHÁT BIỂU VỀ HIỆN TRẠNG GIÁO DỤC THU HUT CỘNG ĐỒNG MẠNG
Quang cảnh buổi hội thảo. (Ảnh vanhien.vn)
Tại buổi ra mắt sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 6 và Ngữ Văn lớp 6 do nhóm Cánh Buồm biên soạn (hôm 12/8), trong phần thảo luận, một học sinh lớp 8 đã phát biểu rất hùng hồn.
Bài phát biểu này được nhanh chóng truyền đi trong cư dân mạng, và được nhiều người đồng tình ủng hộ, nhiều người gọi cậu bé là ‘Bộ trưởng Giáo dục tương lai’ của Việt Nam:
Sau đây là bài phát biểu:
Một điều mà con muốn nói với chính phủ Việt Nam, hay cụ thể hơn là Bộ Giáo dục, theo con, các vị bộ trưởng, thứ trưởng giáo dục không phải là nên áp dụng cả bộ sách này, mà là áp dụng cái lối giáo dục của bộ sách này vào giáo dục Việt Nam, bởi vì bây giờ giáo dục Việt Nam con thấy là, con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá ‘thối nát’ rồi (hội trường vỗ tay). Mà suốt bao năm qua các vị cải đi, cải lại, cải tiến, cải lùi mà nó vẫn không thay đổi được kết quả gì cả. Nên bây giờ con muốn các vị bộ trưởng, thứ trưởng hãy thay đổi đường lối giáo dục của Việt Nam, có thể theo đường lối của Cánh Buồm cũng được, các vị có thể thay cả bộ sách giáo khoa cũng được. Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.
Nhà giáo Phạm Toàn – trưởng nhóm Cánh Buồm cho rằng, phát biểu của em học sinh này đã nói thay cho suy nghĩ của rất nhiều người.
VOA dẫn lời của nhà giáo Phạm Toàn: “Quan trọng nhất là những người hiểu biết, những nhà sư phạm phải tìm con đường càng ngày càng phải đúng hơn cả. Nếu cứ cắm cúi làm theo cách cũ thì sẽ làm tan hoang cả một tâm hồn dân tộc”.
Thực trạng nền giáo dục Việt Nam xưa nay bị xã hội lên án là quá lạc hậu, mang nặng tính giáo điều và không thực tế. Dù gần đây đã có những thay đổi nhưng còn rất chậm, và những thay đổi đấy thế giới đã thực hiện từ rất nhiều thập kỷ trước đây rồi.
Ngay cả sách giáo khoa học sinh tiểu học cũng bị chính trị hóa, hình ảnh cờ Trung Quốc xuất hiện cả trong sách giáo khoa đã nói lên điều đó.
Cờ Trung Quốc in trong sách giáo khoa ở Việt Nam. (Ảnh seatimes)
Sau 10 năm nghiên cứu làm việc nghiêm túc, nhóm Cánh Buồm cho ra đời bộ sách giáo khoa Tiếng Việt, Văn, Lối Sống từ lớp 1 đến lớp 5. Và nhóm đang tiếp tục làm cho chương trình từ lớp 6 trở lên, ngoài hai cuốn Tiếng Việt và Văn lớp 6 còn có hai cuốn Tự học Tiếng Việt và Tự học Văn. Đặc điểm của sách giáo khoa của nhóm Cánh Buồm là có thể sử dụng sách trong lớp học với giáo viên hoặc dành cho học sinh tự học.
Sách giáo khoa này được biên soạn với nhiều chuyên gia và các nhà giáo dục trong và ngoài nước. Ban duyệt bản thảo cũng có sự tham gia của nhiều GS, TS cũng như các nhà nghiên cứu.
Hiệu trưởng Trường tiểu học Nguyễn Văn Huyên là PGS.TS Nguyễn Bích Hà (con gái cố GS-TS Bộ trưởng Bộ Giáo dục Nguyễn Văn Huyên) đã sử dụng bộ sách của nhóm Cánh Buồm, áp dụng dạy và học vào các buổi chiều, gọi là “chương trình nâng cao kiến thức”.
Sau khi trường học này sử dụng bộ SGK này để giảng dạy 1 năm, nhận thấy số học sinh lớp 1 xin vào trường tăng lên, mặc dù học phí của trường này khá cao so với mặt bằng chung
Lý giải cho việc soạn bộ sách giáo khoa này, nhà giáo Phạm Toàn cho biết: “Hiện nay nước ta cần phải đổi mới giáo dục, đã có rất nhiều ý kiến về cải cách khác nhau. Chúng tôi nghĩ rằng chúng ta cần phải thực hiện một nền giáo dục hiện đại.
Hiện đại không phải là trốn ra nước ngoài để học, hiện đại không phải là rời xa khỏi Tổ quốc ta, hiện đại là làm cho nước nhà trở nên hùng mạnh. Muốn như thế thì phải thay đổi cách nghĩ, cách học. Cách học của chúng tôi là học sinh tự làm ra kiến thức. Thầy giáo không cần phải giảng mà giáo viên tổ chức việc học của trẻ em. Cần phải làm thế nào để mỗi ngày đi học của trẻ cần phải là một ngày hạnh phúc của các em”, theo thông tin trên báo Thái Nguyên.
Nhà giáo Phạm Toàn – người sáng lập nhóm Cánh Buồm. (Ảnh thainguyen.edu.vn)
MÙI... CỦA GIÁO DỤC
Bài của NGUYỄN TRỌNG BÌNH/ Viet-studies 18/8/2015
- “... Con không có tính từ nào khác nên con phải dùng tính từ này, là giáo dục Việt Nam bây giờ con thấy là quá “thối nát” rồi(...).Các vị có thể nói là mất thời gian, nhưng con thấy là thời gian các vị cải tiến, cải lùi còn mất thời gian hơn. Giáo dục Việt Nam không cần cải cách gì nữa, giáo dục Việt Nam cần được cách mạng. Đó mới là điều các vị trong Bộ Giáo dục nên làm. Còn nếu bây giờ các vị không làm thì đến khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục con sẽ làm”.Phát biểu trên là của cậu bé Vũ Thạch Tường Minh - học sinh lớp 8 trường Hà Nội -Amsterdam trong ngày 12/8 tại một hội thảo (giới thiệu sách Văn và Tiếng Việt lớp 6) của nhóm Cánh Buồm ở Hà Nội. Với riêng tôi phát biểu này cũng chính là lời khẳng định về cái mùi... “thối” của nền giáo dục nước nhà hiện nay thực sự đã quá sức chịu đựng với những ai còn có lương tri. Là người Hà Nội nên cậu bé gọi là “thối”, còn tôi, xin gọi là “thúi” cho đúng với “chất” ngôn ngữ của dân miền Tây Nam bộ.
- Thật ra, nếu ai đó quan tâm đến mối quan hệ giữa “văn chương và đời sống hiện thực” ở xã hội Việt Nam sẽ thấy cách nay trên dưới 35 năm, tức là vào khoảng tập niên 80 của thế kỷ trước, cái mùi “thúi” khủng khiếp này của nền giáo dục nước nhà đã được nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cảnh báo trong một truyện ngắn nhan đề“Những người muôn năm cũ”. Ngay trong những dòng mở đầu của truyện ngắn này Nguyễn Huy Thiệp đã khẳng định bản chất của nền giáo dục nhà trường ở Việt Nam thời ấy cũng giống như một “gói thuốc đắng” bởi mục đích của nó chỉ đơn thuần là để “nhồi nhét” và “cấp cho người học một văn bằng tốt nghiệp”. Nguyễn Huy Thiệp viết:
“Tất cả nền giáo dục của chúng ta – Doanh nói – là nhằm làm sao chứng tỏ mọi sự có lý. Các chương trình hình học, các quy tắc vật lý, các bài học lịch sử … tất cả đều nhằm mục đích khiến cho người ta tưởng bở rằng mọi người đang sống trong một thế giới có trật tự tổ chức hoàn hảo. Tất cả đều láo khoét, vô lý! Thực ra toàn bộ thế giới được xây dựng trên sự ngẫu nhiên lộn xộn không có quy tắc nào cả. Con người vốn dĩ yếu đuối, họ tự phỉnh mình bằng những lập luận có lý để có ảo tưởng tự tin hòng sống qua kiếp người gian khó trầm luân.”
Tiếp theo thế hệ của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, năm 2012, Phan An - một cây bút trẻ thế hệ 8X - thế hệ sinh ra, lớn lên và buộc phải “nuốt trọn gói thuốc đắng của nền giáo dục nhà trường”- một lần nữa khẳng định cái mùi “thúi” này trong một cuốn tiểu thuyết có tên gọi rất ngộ nghĩnh: “Trời hôm ấy không có gì đặc biệt”. Bằng lối viết giễu nhại phóng túng và ngôn ngữ thời @, Phan An bảo rằng cái mùi “thúi” của cả hệ thống giáo dục quốc gia từ mẫu giáo cho đến đại học đang ngày một nồng nặc và vô cùng khó chịu.
Điểm lại một chút “lịch sử vấn đề” như trên để thấy, thật ra, cái mùi “thúi” của nền giáo dục nước nhà hôm nay vốn đã có mầm mống và bùng phát từ rất lâu rồi. Cho nên, giờ đây việc một cậu bé mới mười ba, mười bốn tuổi đầu (có lẽ vìkhông chịu nổi cái mùi “thúi” này) đã buộc phải lên tiếng trong một diễn đàn giáo dục mà xung quanh là những bậc “trưởng thượng” chẳng qua chỉ là chuyện “giọt nước tràn ly” mà thôi.
Nhìn bề ngoài, có thể ai đó sẽ cho rằng phát biểu của cậu bé là sự “ăn theo nói leo” người lớn chứ làm sao ở độ tuổi của em có thể nhận thức hết bản chất của vấn đề này. Thế nhưng, nếu xét ở phương diện khác - phương diện “vô thức tập thể” chẳng hạn - thì phải chăng phát biểu trên của cậu bé ít nhiều đã cho thấy xã hội Việt Nam có một sự bức bối, một nỗi khát khao về một cuộc cách mạng giáo dục thực sự của các thế hệ người Việt Nam từ sau ngày đất nước thống nhất đến nay? Thử hỏi, một cậu bé đang tuổi “ăn chưa no lo chưa tới” sao không “học theo nói leo” chuyện gì khác mà lại “học theo nói leo” chuyện mang tầm vĩ mô này? Hơn nữa, tại sao cậu bé kia đã nghe thấy cái mùi “thúi” bốc lên từ nền giáo dục nhưng có không ít người lớn hiện nay hoàn toàn không nghe thấy gì hết? Năm này qua tháng khác những người này cứ nói mãi về sự “tài tình, sáng suốt” trong lãnh, chỉ đạo; nói mãi về những “thành quả”, “thành tựu” vượt bậc của nền giáo dục nước nhà nói riêng và đất nước nói chung?
Cho nên, theo tôi phát biểu của cậu bé chính là lời cảnh báo cụ thể và rõ ràng nhất về sự mạt vận của nền giáo dục nước nhà nếu như “những người có trách nhiệm” không chịu làm “cách mạng” thực sự mà cứ tiếp tục “bài ca con cá” đổi mới căn bản và toàn diện rất lung tung, rối rắm và lộn xộn như hiện nay. Từ đây, như một lẽ tất yếu, nếu nói “giáo dục là quốc sách hàng đầu” thì xã hội và đất nước này phải chăng cũng đang sắp sửa đến cái hồi ấy? Vì giáo dục mà bốc mùi “thúi” như thế thì xã hội và đất nước làm sao có được mùi thơm?
Nếu vậy thì những người đã và đang nắm quyền “cai quản” nền giáo dục hiện nay rất nên thể hiện mình bằng cách lên tiếng xin lỗi và cảm ơn cậu bé này. Dĩ nhiên, nếu ông bà nào đó cho rằng nền giáo dục này chỉ toàn mùi thơm thì không cần phải làm việc này. Nhưng tôi đồ rằng, những ai cho rằng nền giáo dục này toàn một mùi thơm thì có lẽ “sợi dây thần kinh xấu hổ” của họ đã bị đứt mất rồi.
- Chỉ vài hôm nữa là cả nước lại bước vào năm học mới, hàng triệu học sinh nước nhà chắc chắn rồi sẽ được nghe thư chúc mừng của lãnh đạo nước nhà. Nói gì thì nói, dù sao chúng ta cũng không nên gieo những hạt mầm bi quan vào đầu thế hệ tương lai của đất nước. Tuy vậy, thiết nghĩ đã là Người thì không nên chối bỏ những sự thật nhất là không nên ngụy biện hay lấp liếm kiểu “đời thối phải nói là thơm”. [1]
Vậy nên, cá nhân tôi ước sao năm nay, những người có trách nhiệm với nền giáo dục nước nhà nếu còn biết xấu hổ thì xin các vị chớ có sử dụng những mỹ từ sáo rỗng để ca ngợi thành tựu của ngành giáo dục này nữa. Và nếu có dũng khí và bản lĩnh, mong các vị hãy nói với thế hệ trẻ Việt Nam hôm nay rằng:
“Trong tư cách những người lãnh đạo và quản lý nền giáo dục nước nhà, chúng tôi tự thấy hổ thẹn về tất cả những sự yếu kém, lạc hậu của nền giáo dục nước ta hiện nay, vì thế, rất chân thành chúng tôi xin cúi đầu tạ lỗi với tất cả quý Thầy Cô giáo, các vị phụ huỳnh và đặc biệt nhất các em học sinh, sinh viên trên cả nước xung quanh vấn đề này. Chúng tôi ý thức và thống nhất với nhau rằng, từ đây về sau nhiệm vụ duy nhất chúng tôi là sẽ tạo ra thật nhiều mùi thơm để không làm phiền lòng toàn thể nhân dân Việt Nam về cái mùi “thúi”của nền giáo dục hôm nay nữa!”
Nguyễn Trọng Bình
[1] “Quán bên đường” - Thơ Minh Phẩm (bút danh khác của Trang Thế Hy).
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 18-8-15
MỘT MÙA TUYỂN SINH KHÔNG TIỀN KHOÁNG HẬU
GS VÕ TÒNG XUÂN / NĐT 19/82015
Giáo sư Võ Tòng Xuân đã chia sẻ quan điểm sâu sắc về những bất ổn của mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015.
Chưa bao giờ có cuộc tuyển sinh lạ lùng nhất không thể tìm thấy nơi nào trên quả địa cầu này ngoài Việt Nam.
Nhưng người ngồi không yên nhất có lẽ là Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục của Bộ Giáo dục và Đào tạo, vì đây là nguồn gốc của tất cả khó khăn. Tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ đi vào lịch sử giáo dục Việt Nam như là một cơn hãi hùng không những đối với thí sinh và phụ huynh ăn ngủ không yên, tốn bạc triệu đi tới đi lui xem kết quả tạm thời và chờ đợi rút hồ sơ..., mà còn đối với Hội đồng tuyển sinh của các trường cao đẳng và đại học phải làm việc không nghỉ.
Đây là hậu quả của cách quản lý tập trung quá cao độ, bất cứ một quyết định nào cũng phải do Cục này chấp thuận, không cho trường có chút sáng kiến nào.
Sự thay đổi cách tuyển sinh đại học, cao đẳng theo "ba chung" là một việc rất cần thiết mà xã hội mong muốn từ nhiều năm nay.
Sau cùng nhờ quyết định sáng suốt của Phó Thủ Tướng Vũ Đức Đam mà Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đổi mới, soạn quy chế cho tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015.
Theo đề nghị của nhiều chuyên gia giáo dục, sự đổi mới nằm trong mong muốn của Đại Hội Đảng Toàn quốc suốt trong ba nhiệm kỳ IX, X và XI, cần được cụ thể hóa theo một lộ trình rất lôgic nhưng đơn giản.
Thí sinh mệt mỏi chờ đến lượt làm thủ tục. Ảnh: Lê Minh Sơn/Vietnam+
Khâu thứ nhất là tổ chức tốt nghiệp phổ thông: không nên tổ chức quá rườm rà, căng thẳng, tốn kém mà cuối cùng kết quả phần đông học sinh đậu tỉ lệ quá cao một cách rất vô lý, thay vào đó các trường THPT chỉ nên xét học bạ của từng học sinh, nếu không có môn nào rớt trong suốt thời gian học phổ thông thì cho họ Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp THPT.
Không tốn kém bao nhiêu mà kết quả tương đương với tổ chức thi THPT Quốc Gia quá tốn kém về kinh phí và sức người tham gia như vừa qua.
Khâu thứ hai là xét tuyển vào đại học, cao đẳng: Mỗi học sinh đã có Giấy Chứng Nhận Tốt Nghiệp THPT phải có thêm một Giấy Chứng Nhận Đủ Trình Độ Vào ĐHCĐ do một Trung Tâm Khảo Thí cấp.
Trung Tâm Khảo Thí được Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập tại các cụm tỉnh khắp nước (có thể đặt tại một trường đại học của vùng).
Các Trung Tâm Khảo Thí này sẽ tổ chức thi lấy Giấy Chứng Nhận Đủ Trình Độ Vào ĐHCĐ mỗi năm 2 lần, dùng đề thi trắc nghiệm là chính, lấy từ bộ đề của Bộ Giáo dục và Đào tạo.
Mỗi thí sinh đến Trung Tâm gần nhà mình nhất đăng ký xin thi lấy Chứng Chỉ A, B, C, D… tùy ngành học mà họ hằng mơ ước.
Thí sinh có thể yêu cầu bao nhiêu bảng kết quả điểm thi thì đóng tiền bấy nhiêu, tùy họ muốn nộp đơn vào bao nhiêu trường để xin vào học.
Tâm lý của phụ huynh và thí sinh là muốn nộp đơn cho nhiều trường cùng có ngành học lý tưởng của họ, xác suất vào được một trường sẽ lớn hơn chỉ được nộp ở một trường.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển vào đại học nội vụ trong mùa tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 tại ĐH Nội Vụ Hà Nội
Khâu thứ ba là nhập học: Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định một ngày nhập học cho tất cả thí sinh được nhà trường thông báo trúng tuyển. Đến ngày này, thí sinh nào không vào học theo Giấy Báo Trúng Tuyển của trường này thì cũng có nghĩa là thí sinh này đã chọn trường khác rồi.
Các thí sinh ảo sẽ bị loại ra một cách rõ ràng khỏi danh sách trúng tuyển đợt 1 này. Các trường không có đủ thí sinh trúng tuyển đợt 1, sẽ lấy tiếp những thí sinh có điểm thấp hơn kế tiếp, hoặc tuyển mới đợt 2.
Lộ trình đơn giản, rõ ràng như thế dễ thực hiện, không tốn thời gian và tiền của của phụ huynh và thí sinh.
Lộ trình này không cần những tập trung quyền hành quá đáng vào Cục Khảo Thí như quản lý điểm thi của từng thí sinh, buộc thí sinh chỉ nộp đơn vào trường theo NV1 và bắt phải chọn 4 ngành học khác nhau trong trường đó.
Điều này triệt tiêu ước mơ ngành học lý tưởng của thí sinh (đáng lẽ là cho thí sinh nộp đơn vào 4 trường có cùng ngành lý tưởng, thì nay Bộ lại bắt nộp vào 1 trường và phải chọn 4 ngành trong trường đó không hoàn toàn theo lý tưởng).
Đây là một quy chế rất sai lầm, phản khoa học, làm hại tương lai của thanh niên ta. Việc quản lý điểm thi của tất cả các thí sinh toàn quốc cũng là một sai lầm quá lớn.
Cục Khảo Thí sợ điểm bị lộ, phải sử dụng phần mềm của Bộ để giữ đến nỗi bị nghẽn mạch ngay trong mấy phút đầu; một thí sinh muốn rút đơn ra cũng quá khó khăn vì dữ liệu của mình chưa được xóa.
Tội nghiệp vô cùng cho các gia đình ở tỉnh lẻ đưa con vào TP.HCM hoặc Hà Nội, đi đi về về nhiều lần vẫn thấp thỏm, lo rút đơn mà không được.
Sự hỗn loạn này đã khiến Bộ phải ra thông báo chỉ thị thường xuyên, vì các trường không ai dám vi phạm quy chế, dù quy chế không hợp lý, hành hạ người dân.
Cuộc xét tuyển đại học, cao đẳng 2015 ở NV1 kéo dài gần 20 ngày mà chưa biết kết quả ra sao, cả xã hội đều lo sợ, phập phồng.
Cũng nên nói thêm một vô lý khác của Cục Khảo Thí là tuyên bố cho các trường nào muốn hưởng quy chế xét tuyển theo học bạ thì phải đăng ký để Bộ cho phép tuyển như thế.
Do đó nhiều trường "chạy" được sự đồng ý của Bộ, đã mạnh dạn quảng cáo trên báo chí: "Tại sao bạn phải lo lắng học thi THPT Quốc Gia làm gì? Hãy nộp đơn vào trường XYZ chỉ cần xét học bạ của bạn mà thôi."
Nhưng rồi thì quyết định đó không áp dụng được vì quy chế mới là thí sinh phải có bằng THPT!
Chúng ta rất mong những nghịch lý trong quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng 2015 sẽ được thay thế bằng cách làm lôgic hơn để trong các năm tới học sinh Việt Nam và phụ huynh không trải qua một trận kinh hoàng như năm nay.
GS.TS Võ Tòng Xuân
Theo VTC News
ĐI XA HỎI GIÀ, VỀ NHÀ HỎI TRẺ
Bài của TUẤN KHANH/ BVN 20/8/2015
Câu nói xưa của ông bà để lại, nghe mà đáng giá. Lời trẻ con thật thà, có thể nói lên được những điều mà người lớn đã quên hoặc né tránh.
Chuyện cậu bé lớp 8 ở Hà Nội bình luận về hiện trạng giáo dục Việt nam đang trở thành sự kiện gây tranh cãi ở nhiều nơi là một ví dụ. Giờ đây, bất luận các ý kiến phản đối hay ủng hộ cách thể hiện của cậu bé này, thì vấn đề xuống cấp của giáo dục Việt Nam được đặt ra rất rõ ràng, quả thật đang nhức nhối trong tim của hàng triệu phụ huynh.
Sự kiện này xảy ra vào ngày 12 tháng 8, trong buổi hội thảo ra mắt sách Văn và Tiếng Việt lớp 6 do nhóm Cánh Buồm, nhà giáo Phạm Toàn phụ trách và soạn thảo. Phần phát biểu của một học sinh lớp 8, tên là Vũ Thạch Tường Minh, trường Amsterdam, về sự ì ạch của nền giáo dục Việt Nam hiện nay, cũng như khát vọng đổi thay của em, được nói rõ bằng tuyên bố “nếu các vị Bộ trưởng không làm, thì khi nào con thành Bộ trưởng Bộ Giáo dục, con sẽ làm”.
Trong băng ghi âm sống động, được phát đi nhiều nơi trên mạng xã hội, nhiều trang báo điện tử… người ta nghe thấy vỗ tay rầm rộ của giới phụ huynh, giới giáo viên… tham dự buổi ra mắt ấy. Trong tiếng vỗ tay ấy, rõ là có những góc tối ẩn ức được chạm tới, khiến cho nhiều người lớn phải bật ra tán thưởng.
Tình trạng khủng hoảng của ngành giáo dục Việt Nam đã trở nên hết sức trầm trọng, thậm chí đến một học sinh trung học cũng cảm thấy bất đồng. Sự bất đồng không chỉ hôm nay mới có, mà đã hàng chục năm người ta chịu đựng, hàng chục năm ngơ ngẩn bàng hoàng nhưng vì ngán ngại và thỏa hiệp mà hầu hết các người lớn, phụ huynh chọn sự im lặng.
Đường đến tương lai thật xa, ông bà Việt xưa chắc không hình dung trong ngôi nhà quê hương mình hôm nay, kẻ lớn đang loay hoay cày xới, cải cách trong vốn liếng sân vườn rách nát mình, và cứ tưởng đó là xây dựng bình nguyên của cả dân tộc. Đường xa chắc chẳng còn trông mong gì ở người già chỉ lối. Chỉ còn tiếng trẻ vang lên. May thay!
Tiếng vỗ tay và sự truyền đi nhanh chóng của cậu bé lớp 8 ấy, chỉ nối tiếp những phát biểu thẳng thắn đối với ngành giáo dục. Nhiều đoạn video tự quay, tải lên trên mạng internet, đã cho thấy không ít sinh viên, học sinh phản ứng về các chương trình giáo dục, đường lối giảng dạy lịch sử, chính trị Mác-Lê… đã không còn hợp thời nữa. Hôm nay, tốc độ lan truyền của đoạn ghi âm ấy, không chỉ là chuyện trẻ con, mà chính ngay người lớn cũng đã quá mỏi mệt và giật mình khi được nhắc nhở rằng mình đang rơi lại phía sau, trên đường chạy vào tương lai bằng đôi chân sự thật.
Nhiều đời Bộ trưởng Giáo dục Việt Nam, không ít gia đình cứ hy vọng rồi thất vọng. Thất vọng chồng thất vọng cao như núi. Ngoài những bộ áo sang trọng hơn, những dự án khổng lồ tiền tỷ hoặc những kiểu học đòi mị dân, đánh bóng bản thân, thì các vị lãnh đạo ngành giáo dục đã chẳng đem lại được điều gì ngoài khủng hoảng.
Đôi khi, chúng ta cũng nên tự hỏi đường chân trời đến Tân Thế Giới của các nhà lãnh đạo phiêu lưu giáo dục Việt Nam là đâu? Tại sao không bắt đầu và nối tiếp từ nền tảng sẵn có của miền Nam, mà vốn là quy chuẩn mơ ước của nhiều quốc gia châu Á khác từ thập niên 50-60?
Cũng có ý kiến cho rằng đám đông người lớn nổi loạn đang mượn miệng trẻ con, nói những điều không thuộc thế giới trẻ thơ. Thật lạ, khi cần, người ta vẫn chứng minh các thiếu niên Lê Văn Tám, Kim Đồng, Kơ-pa Kơ-Lơng, Võ Thị Sáu… là đầy đủ ý thức. Còn nếu không, thì mọi phát ngôn khác đều bị coi là bị “kẻ xấu” xúi giục.
Một thế giới mơ về sự tốt đẹp lẽ nào đều bị xúi giục như vậy sao, từ Joshua Wong của Hồng Kông, cho đến Malala Yousafzai ở Pakistan…có thể đều bị xúi giục? Hay chỉ có trẻ con Việt Nam trong nền giáo dục yếu kém này mới không thể có tư duy riêng và bị mượn miệng nói thay?
Trong một câu chuyện cổ của Ấn Độ, kể rằng, có hai ông thầy tu ngồi trước cửa ngôi đền thờ gần dinh thự nhà quan. Ông thầy tu ngồi gần ngôi nhà quan lớn, vẫn hay cố ý đọc kinh thật to để quan lớn nghe thấy, mong được có cơ hội ban thưởng. Khi cả hai chết đi và được gặp Phật. Ngài ban tặng cho vị thầy tụng kinh thầm lặng một chiếc chén bằng vàng, còn người tụng kinh thật to là một nắm cát. Vị thầy tụng kinh to tiếng thấy vậy, tức giận phân bì. Phật im lặng nhìn ông ta rồi nói “Ngươi chỉ mượn kinh, tụng to tiếng chỉ để cho quan lớn nghe thấy, chờ một ơn mưa móc của kẻ thế tục, chứ đâu phải tụng kinh để độ thế cứu khổ? Lâu đài của ngươi xây mong manh dã tràng như cát, nên kẻ tu thân phải biết xây lại từ đầu”.
Trong lao xao những lời phản biện, cũng có không ít người mượn chuyện chỉ trích quan điểm về giáo dục của cậu bé 14 tuổi, mà nghe chừng chỉ như giới thiệu bản chất cơ hội của mình với chế độ, chờ một ơn mưa móc cho phận tôi đòi, chứ nào phải nói lời cho thế gian?
Cậu bé lớp 8 chắc không phải là kẻ hô hoán quan điểm để tìm lợi cho mình, khác với không ít kẻ tiểu nhân đắc chí trong xã hội hôm nay vẫn luôn tìm thấy khe lạch xun xoe của mình. Cậu bé chỉ nói ý riêng của mình, nhưng trong diễn từ ấy, người ta nhìn thấy một xã hội Việt Nam đang lắc đầu ngao ngán, bàn bạc với nhau khi nhìn thấy mình đang là vật thí nghiệm trong một trò chơi thực tế giả trí tuệ. Người ta nhìn thấy các bậc phụ huynh đã hết kiên nhẫn và ta thán ngay khi có mặt con cái của mình.
Đúng, có thể cậu học sinh không nói chỉ có ý của mình, mà còn nói thay cho hàng triệu con người đang quay quắt chờ một đổi thay tốt đẹp hơn, từ những gì đã áp đặt một cách ngu xuẩn lâu nay.
Lời trẻ thì có thể ngô nghê và không êm tai, nhưng lời trẻ trong ngôi nhà là sự thật, chúng ta cũng nên lặng nghe mà suy nghĩ như một người có học. Khi những người già chỉ còn biết nói dối, sợ hãi và xu nịnh, thì dân tộc Việt chỉ còn mong được nghe thêm lời của trẻ trong ngôi nhà của mình.
T.K.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét