Thứ Sáu, 21 tháng 8, 2015

20150821. BÀN VỀ 3Q LÃNH ĐẠO

ĐIỂM BÁO MẠNG
TÂM, TRÍ LÃNH ĐẠO ?
Bài của TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVB 20/8/2015
'Cái kim' châm thẳng vào 'huyệt' cơ chế bảo thủ
Ngày nay trong dân gian và trong cả các văn kiện chính thức ít ai đưa ra câu hỏi “đã có bao nhiêu người đã hy sinh thầm lặng để có Nghị quyết Đại hội VI (1986) về Đổi mới mà ngày nay chúng ta đang thụ hưởng thành quả của công cuộc Đổi mới đó?”.
Ông Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú (cũ) Kim Ngọc đúng là "cái Kim bằng Ngọc" sinh ra để vá những mảnh áo rách cho đời trong những ngày mùa đông giá rét của một thời bao cấp. “Cái Kim bằng Ngọc" nhỏ bé nhưng dám châm thẳng vào cái “huyệt" của cơ chế bảo thủ, cảnh tỉnh và thức tỉnh tư duy xơ cứng dài mấy thập kỷ. Kim Ngọc còn quý hơn cả ngọc! Từ hiện tượng Kim Ngọc chúng ta có thể rút ra bài học về " khoán 10" trong đời sống chính trị - xã hội hôm nay.
Thức tỉnh tư duy xơ cứng
TS. Tô  Văn Trường
Hành khách đi máy bay có thể được tha thứ khi họ không nhắc đến sự hy sinh của phi công thử nghiệm. Người dân thường Việt Nam cũng có thể không đáng trách khi không nhắc đến những ai đã hy sinh thầm lặng để có Nghị quyết Đại hội VI. Nhưng nếu những người có trách nhiệm mà quên “sự hy sinh” nêu trên thì không ổn. Bởi, nếu không có “khoán hộ” trong nông nghiệp, không có “Quyết định 25CP” (1981) cho phép chuyển một phần hoạt động của doanh nghiệp theo cơ chế thị trường, không có các cách làm mới trong phân phối, lưu thông hàng hóa ở một số địa phương … thì làm gì có Nghị quyết Đại hội VI?Khi ngồi trên máy bay, có lẽ ít ai đưa ra câu hỏi “có bao nhiêu phi công thử nghiệm đã bỏ mạng để có được chiếc máy bay hiện đại mà mình đang là người thụ hưởng?”. Cũng tương tự như vậy, ngày nay trong dân gian và trong cả các văn kiện chính thức ít ai đưa ra câu hỏi “đã có bao nhiêu người đã hy sinh thầm lặng để có Nghị quyết Đại hội VI (1986) về Đổi mới mà ngày nay chúng ta đang thụ hưởng thành quả của công cuộc Đổi mới đó?”
Ông Kim Ngọc
Ở vào thời ông Kim Ngọc đề ra chủ trương “khoán hộ”, chắc chắn không ít người, nhất là những người lãnh đạo cả trung ương lẫn địa phương đã nhận ra sự sa sút nặng nề của sản xuất nông nghiệp từ khi “tập thể hóa nông nghiệp”  với cách quản lý và ăn chia không quan tâm đến lợi ích của người lao động. Thông tin về tập thể hóa nông nghiệp của Liên Xô và nhiều nước XHCN khác chỉ nói những điều tốt đẹp, nên mọi người đều làm theo, thậm chí có người còn không hết lời ca ngợi chế độ “nông dân đi làm… theo kẻng”, chưa biết hết những điều dở của phương cách làm ăn này.Vì vậy,  cần phải đánh giá đúng những người đã hy sinh thầm lặng để tạo nên cái nền tảng của Đổi mới như những anh hùng. Mà ông Kim Ngọc, Bí thư Tỉnh ủy Vĩnh Phú khi đó là một ví dụ sinh động, sâu sắc. Nhất là vào thời điểm đầy thách thức hiện nay.  
Vượt lên chính mình
Sự khác biệt khiến cái tên Kim Ngọc thành danh là ông đã vượt qua được chính mình. Đây có lẽ là bài học quý giá nhất để lại cho các thế hệ lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phú, sau này tách thành Vĩnh Phúc và Phú Thọ- kế tiếp. Chắc chắn ông Kim Ngọc thừa thông minh để hiểu rằng việc đưa ra chủ trương “khoán hộ” lúc bấy giờ là đi ngược lại đường lối của Đảng, mang lại hiểm nguy cho bản thân, nhưng ông đã vượt lên tất cả, dũng cảm gỡ bỏ tư duy cũ kỹ, gỡ bỏ chiếc “vòng kim cô” của thời bao cấp, sẵn sàng chấp nhận mọi thiệt thòi.
Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc ra đồng với nông dân
Để có tình hình “thực” về hiệu quả sản xuất, về đời sống, về tâm tư của người dân, ông đã phân công cán bộ chuyên môn và quản lý của tỉnh, huyện và tự mình có các đợt (thường vào mùa vụ) về tận các thôn hay hợp tác xã để ngăn chặn các hiện tượng tham ô thóc gạo (khi đó không có tiền), đồng thời thống kê thu nhập thực tế của người dân, tình hình sản xuất ở từng cơ sở. Nhờ đó đã phát hiện, ngăn chặn được nạn tham ô, phát hiện sự không trung thực của các báo cáo thành tích trong sản xuất và trên hết phát hiện những sai lầm, bất cập của cách quản lý và ăn chia trong hợp tác xã nông nghiệp.Ngày nay, qua tư liệu lịch sử được công bố chúng ta tin rằng ông Kim Ngọc làm được điều kỳ diệu đó là nhờ ông “lao” vào cuộc sống với hoài bão làm sao cho dân đỡ khổ hơn. Nhờ đó, ông đã nhận thấy sự đau đớn, tiếng kêu ai oán của người dân rất phổ biến bấy giờ bằng câu vè xót xa: Mỗi người làm việc bằng hai, để cho chủ nhiệm mua đài mua xe/ Mỗi người làm việc bằng ba, để cho chủ nhiệm xây nhà xây sân.
Đời sống thực tế và trách nhiệm xã hội lớn lao của người lãnh đạo – tư chất của một công dân với đất nước- đã thúc giục ông phải nghĩ ra và thực hiện một phương thức sản xuất và quản lý “khoán hộ”, mà tư duy và lý thuyết xơ cứng lúc đó của không ít các vị quan chức có trách nhiệm đã coi là “phục hồi sản xuất cá thể, làm yếu kinh tế tập thể”.
Ông Kim Ngọc đã làm vùng quê nghèo khó Vĩnh Phú nhanh chóng thay da đổi thịt. Quan trọng hơn cả ông đã góp phần làm thay đổi nếp nghĩ của nhiều quan chức bấy giờ từ địa phương đến trung ương. Có thể nói với những gì đã làm được, ông Kim Ngọc xứng đáng được người đời tôn vinh là anh hùng. Kim Ngọc “người anh hùng chân đất” với cái tên rất đẹp không chỉ là biểu tượng của đổi mới ở lĩnh vực nông nghiệp của đất nước mà còn là biểu tượng của tinh thần dũng cảm, vượt qua chính mình mà chúng ta rất cần trong giai đoạn lịch sử đầy thử thách này.
Tư chất lương thiện và trách nhiệm của người lãnh đạo chi phối cách suy nghĩ, làm việc của ông đem lại lợi ích thiết thực cho xã hội là điều cần suy ngẫm, cần đưa vào lý luận để nhân rộng. Việc ghi nhận, ca ngợi, truy tặng công lao, điển hình hóa bằng nghệ thuật (Phim Bí thư tỉnh ủy) tuy rất cần thiết và có ý nghĩa nhưng chưa đủ...
T.V.T
Mẫu lãnh đạo rất cần cho Việt Nam lúc này 
… Kim Ngọc nói được, làm được trước hết ông là người thật lòng, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tư duy vấn đề logic, độc lập và vì vậy ông có trí tuệ và bản lĩnh để làm. Mẫu cán bộ lãnh đạo như ông Kim Ngọc rất cần cho đất nước, nhất là vào thời điểm đầy thử thách này.   
Chúng ta học Triết học Mác, nhưng chúng ta lại không hiểu, hoặc cố tình không hiểu rằng, cuộc sống và xã hội là luôn biến đổi. Mọi thứ đều qua quá trình hình thành phát triển, cái suy thoái, lạc hậu bị thay thế bởi cái mới, tiên tiến hơn. Không thay đổi, cứ như cũ thì mọi thứ đều  dễ đi đến thoái hóa. Hơn thế nữa, quy luật của muôn đời, của tự nhiên luôn luôn là cái thiện phải chiến thắng cái ác, cái đúng đắn và phù hợp quy luật chắc chắn sẽ chiến thắng sự sai lầm.
Hành động vì lợi ích người dân
Trước đây người ta phán xét ông Kim Ngọc, sợ thay đổi chủ yếu là do nhận thức cũ, tư duy cũ xa rời thực tế. Ngày nay, vẫn có những người sợ thay đổi còn vì lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân. Vì vậy con đường đổi mới giờ đây vừa dễ hơn, vừa khó hơn. Khó hơn vì vừa phải đấu tranh với cơ chế cũ, vừa phải đấu tranh với các nhóm lợi ích. Dễ hơn vì thời thế cũng đã ít nhiều cởi mở hơn.
 
Đại tướng Võ Nguyên Giáp động viên Bí thư Tỉnh ủy Kim Ngọc
Trong vô số rào cản mà người lãnh đạo phải vượt qua để hoàn thành được nhiệm vụ thì vượt qua chính mình là rào cản lớn nhất. Ông Kim Ngọc đã làm được điều đó, ông đã vượt lên được chính mình. Ông nói được, làm được trước hết ông là người thật lòng, đặt lợi ích của người dân lên trên hết, tư duy vấn đề logic, độc lập và vì vậy ông có trí tuệ và bản lĩnh để làm. Mẫu cán bộ lãnh đạo như ông Kim Ngọc rất cần cho đất nước, nhất là vào thời điểm đầy thử thách này.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tại diễn văn bế mạc Hội nghị 11 Ban chấp hành TƯ Đảng khoá XI, 7/5/2015 đã nói rất đúng rằng cán bộ và công tác cán bộ là “cái gốc của mọi công việc”, là “nguyên nhân của mọi nguyên nhân”, là “then chốt của then chốt”. Nhưng thật đáng buồn khi những điều nêu trên của TBT về công tác cán bộ vẫn chưa biến thành thực tiễn sinh động hiện nay.
Câu nói cửa miệng của dân là liệu có bao nhiêu quan chức “không chạy”? Cách sử dụng cán bộ "cậu này ngoan, cô kia biết điều" của văn hoá tiểu nông làm sao sử dụng được người tài?  Trên thực tế, kiểu hình thành đội ngũ cán bộ theo cách thức: “Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội…” như ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ nhận định tại bài viết trên Tạp chí Cộng sản gần đây thì làm sao có được đội ngũ cán bộ thật lòng và vì dân, theo mẫu ông Kim Ngọc?.
Đất nước hiện đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, tụt hậu so với thế giới và các nước trong khu vực là nỗi buồn của mỗi người dân, mỗi quan chức có lương tâm. “Lấy dân làm gốc” là điều cốt lõi trong mọi hoạt động của cán bộ lãnh đạo thì ai cũng biết, ai cũng nói được. Nhưng hiện có bao nhiêu người đã làm như ông Kim Ngọc đã làm?
Từ tư duy đến hành động, ông Kim Ngọc luôn vì lợi ích của của dân nên ông dám nghĩ, dám làm, dám chống lại sự vô lý theo tâm lý đám đông, bầy đàn. Chỉ có dựa vào dân mới giữ được nước. Đó là chân lý bất di bất dịch và đã được chứng minh trong suốt quá trình mấy ngàn năm giữ nước và xây dựng đất nước. Muốn để nhân dân tin tưởng thì phải xây dựng lòng tin trong dân, hành động vì lợi ích của dân.
Có vị lãnh đạo nói  đại ý: "Hãy lấy sự hài lòng của người dân làm thước đo hiệu quả hoạt động của chính quyền". Rất đúng, vậy đã bao giờ có ngành chức năng nào đã điều tra xã hội học theo đúng nghĩa để xem sự hài lòng của người dân chưa? Ngày nay, điều kiện giao lưu, thông tin khác rất nhiều, nhận thức người dân cao hơn nhiều. Sự hình thức, nói dối lẫn nhau và tự dối mình vẫn còn là căn bệnh trầm kha đáng lo ngại. Muốn chữa căn bệnh này, phải lần đến gốc rễ của nó.
Tâm bị che mờ trí không thể tỏ
Tại sao những người cán bộ lãnh đạo như ông Võ Văn Kiệt, ông Kim Ngọc – tuy không có học vấn cao nhưng lại là những người có những sáng kiến đột phá thay đổi thời cuộc? Họ đâu có phát minh ra cái gì quá cao siêu, mà họ nhận thức bằng trực giác, từ sự vận động thực tiễn của cuộc sống. Họ nhận ra được việc cần làm, vì họ có cái tâm và luôn trăn trở với cuộc sống của nhân dân, luôn hướng về chân lý và lẽ phải. Nếu XH chúng ta hiện nay nuôi dưỡng được nhiều cái tâm như vậy thì sẽ tránh được bao sai lầm.
 
Lãnh đạo CS nứt nói quan liêu
Từ "bài học" Kim Ngọc, con đường đến được "khoán hộ kiểu mới" cho cơ chế quản lý của đất nước cần phải được đặt ra và xem xét thấu đáo để đưa dân tộc ra khỏi tình trạng kém phát triển hiện nay.Tại sao ngày  nay trong XH, tỷ lệ quan chức có học hàm, học vị khá lớn mà không thấy có những đột phá mới phá vòng luẩn quẩn để đưa đất nước đi lên? Câu trả lời là, có lẽ chẳng có nhiều người trong số họ thực sự trăn trở về cuộc sống của người dân và vận mệnh đất nước. Do đó, họ không thực sự thấy được việc gì cần làm, việc gì đòi hỏi họ sẵn sàng hy sinh, cống hiến xứng đáng với cương vị họ đang nắm giữ. Trong lý thuyết đâu đó (cả trong nghiên cứu khoa học và trong Phật giáo) có nói rằng trí tuệ con người lại xuất phát từ trái tim (thay cho khái niệm chỉ là cái đầu). Tâm sáng thì trí sáng. Tâm bị che mờ thì trí không thể tỏ. Nếu tâm cứ “tham-sân-si” thì trí sẽ luẩn quẩn không thể phát sáng được.
Ông Kim Ngọc đã bị hàm oan khi còn sống và được giải oan sau khi ông chết, đây là một hành động tích cực, tuy đáng tiếc là hơi muộn. Ngày nay, xã hội đã có nhiều thay đổi, sự thách thức của thời hiện đại và yêu cầu phát triển của đất nước vẫn rất cần ý chí và tinh thần của Kim Ngọc tiếp tục được nhân rộng, phá bỏ những rào cản phi lý, để xã hội đi đúng hướng, công bằng, dân chủ và văn minh!
T.V.T/(Tuần Việt Nam)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét