Thứ Ba, 25 tháng 8, 2015

20150825. HƯỚNG TỚI ĐH XII ĐẢNG CSVN

ĐIỂM BÁO MẠNG
VƯỢT LÊN NHÂN CÁCH "HOMO- ROBOTUS" [1] ĐỂ TIẾN VÀO ĐẠI HỘI XII
Bài của NGUYỄN KHẴC MAI/ Viet-studies 25/8/2015
Từ rất lâu trong lịch sử, người ta đã nhận thấy xuất hiện trong xã hội, đặc biệt là trong tầng lớp kẻ sĩ, những mẫu hình người của “cộng thể”. Họ ăn nói cùng một kiểu, hở một chút là “Tử viết Thi vân” (Cụ Khổng dạy rằng, Kinh thi nói…) Từ vua cho chí quan đều nghĩ, nói theo một kiểu, họ bị lịch sử kết án là hủ nho (nhà nho lạc hậu, thối nát - hủ là nát). Họ là sản phẩm của một nền quân chủ Tống nho, là sản phẩm của một nền giáo dục “chi hồ dã giả”, giáo điều tệ hại, mọi quy chiếu đều lấy Trung Hoa làm chuẩn đích, mọi quan hệ đều lấy  “thánh chỉ” là giường mối…
Không ngờ, ngày nay tuy không thể còn hủ nho, nhưng lại nảy nòi một hạng ngừời được gọi bằng một tên mới là “hủ Mác”. Hủ Mác là những kẻ mồm tụng Mác mà không biết Mác là ai là gì, cứ tụng như vẹt, lừa mình dối người trâng tráo. Quan sát mấy Đại hội chuẩn bị cho Đại Hội XII của một số tổ chức đảng cấp huyện trở lên, đáng chú ý trong đó nhũng Đại Hội của một số Bộ Ngành, không thể không liên tưởng tới cái hiện tượng xưa kia là hủ nho, và nay là hủ Mác. Nhiều người trong số đại biểu là trí thức có bằng cấp, học hàm học vị hoành tráng. Nhưng không hề thấy đưa tin đã có những ý kiến sắc sảo, cấp tiến, dám sống khác thời phong kiến, dám vượt lên dẫu là : “thánh chỉ”, để mổ xẻ tận nơi những căn bệnh trầm kha của đất nước của xã hội do chính họ, chính cái thể chế do họ điều hành gây nên. Có thể vẫn còn một đa số hủ Mác, nhưng sao không có một Gallilee dám nói dù sao trái đất vẫn quay quanh mặt trời, sao không có một “minh triết”  rất hồn nhiên nói toẹt “vua đang cởi truồng”. Mặc dầu chỉ thị của BCHTW vẫn kêu gọi mở rộng dân chủ, góp ý thẳng thắn, nhìn rõ sự thật. Các ý kiến trong mấy đại hội đã biết vẫn chỉ là giả sự thật. Thậm chí có đại hội rất khôn đã hoàn toàn không có ý kiến gì, khiến truyền hình thấy chướng đã phải làm một phóng sự rồi mời ông tổng biên tập tạp chí Cộng sản đến phỏng vấn.
Người ta đang cố ý nhầm lẫn đại hội đảng, tức là một sinh hoạt chính trị của một chinh đảng, với hội nghị công nhân viên chức. Thì đấy, mấy đại hội ngành chủ yếu cũng chỉ là bàn những vấn đề kỹ thuật, nhiệm vụ của ngành, phương thức hoạt động của ngành. Tôi không cho rằng những việc ấy là vô bổ. Vấn đê là nếu chỉ như thế, thì cần gì tiến hành Đại Hội, cứ mở hội nghị thật dân chủ của công nhân viên chức là xong. Một Đại Hội chính trị của một đảng chính trị cầm quyền phải khác. Đặc  biệt là với Đại Hội nhiệm kỳ toàn quốc, hơn nữa, đây là một Đại Hội của một chu kỳ, mà Dân Nước đang đứng trước một khúc quanh mới của lịch sử. Không được lảng tránh những câu hỏi lớn đang được xã hội nêu ra.
Đành rằng, không thể chối bỏ những thay đổi đáng kể trên quê hương mấy chục năm qua, nhưng những thành tựu ấy có xứng với cái giá của dân tộc phải trả không. Cớ gì cũng ngần ấy thời gian, ngần ấy công sức đầu tư mà thiên  hạ quanh ta đã làm được còn chúng ta thì mọi chuyện đều nham nhở, chưa đên đầu đến đũa gì. Điều chắc chắn là những kết quả ấy không xuất phát từ chủ nghĩa Mác-Lê, kể cả tư tưởng Hồ chí Minh. Nếu có mối quan hệ nào thì chính những nhân tố ấy cùng với phương thức lãnh đạo của đảng, đã khiến luật lệ không đồng bộ, hệ thống cầm quyền chồng chéo lẫn nhau, nạn tham nhũng không chỉ là khuyết tật của hệ thống mà chính là thuộc bản chất của hệ thống, một khi đã độc quyền thì không tham nhũng mới là dị thường. Thật ra mối quan hệ  của chủ nghĩa Mác Lê, đường lối của đảng với tình trạng có đôi chút phát triển hôm nay, chỉ là quan hệ trùng hợp hình thức, giống như chuyện ngụ ngôn La Fontaine: một con nhặng bay vo ve bên cổ xe ngựa đang lên dốc. Khi lên đến đỉnh, con ngựa đứng nghỉ, mồ hôi nhễ nhại, còn con nhặng thì cho rằng nếu không có  mình vo ve thì cỗ xe không lên được đến dốc!
Đảng cộng sản Việt Nam, tuy luôn xưng mình có tư duy biện chứng, thực chất chỉ là tư duy hình thức, bởi phép biện chứng bao giờ cũng nhìn nhận mỗi thực trạng xã hội, con người từ nguyên nhân đến kết quả từ chiều sâu, cốt lõi của vấn đề. Vì thế mới có câu ca dao nhận xét và phê phán rất tinh tế: “Mất mùa là tại thiên tai. Được mùa nhờ có thiên tài đảng ta!” Hầu hết nhũng văn kiện cũng như phát ngôn của nhũng người lãnh đạo luôn luôn chỉ là cái công thức tức là cái vỏ mà không bao giờ có ruột, những khẩu hiệu vô hồn vô cảm vô bổ! TS Nguyễn Vi KHải đã thử làm một tổng hợp 3,4 Đaị hội của đầu thế kỷ 21 đã khẳng định chỉ có tráo đổi chữ nghĩa, như đặt dân chủ ở sau rồi đưa lên trước, những đánh giá chỉ thay đổi vài định ngữ, nhiệm vụ thì cũng sao chép na ná như nhau. Những vấn đề to đùng của Dân, Nước, như sự lệ thuộc nguy hiểm với Trung Hoa, nguyên nhân lỗi hệ thống nào khiến VN lạc hậu xa so những nước lân bang… không thấy đề cập đúng tầm, có trách nhiệm. Gần đây có thể là nhằm định hướng cho các đại hội, đã có mấy bài báo tràng giang đại hải của một số VIP, thấy đề cập nào đổi mới nền quản trị quốc gia, nào kiểm soát quyền lực, nào nâng cao trí tuệ, thúc đẩy khí phách, nào hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xhcn có sự quản lý của nhà nước, v…v, không thống kê xiết. Tuy nhiên vẫn chỉ là công thức, chưa thấy rõ nội dung của những vấn đề to lơn ấy.
Trong Dự thảo Báo cáo chính trị được đưa xuống Đại Hội XII các cấp, ban lãnh đạo không dám nhìn vào sự thật, mà cũng không thấy đưa tin các đại biểu, trong đó nhiều trí thức và cán bộ cấp TƯ của đảng đưa vấn đề ra thảo luận. Như đã nhận xét, họ chủ yếu bàn những  vấn đề của ngành, của địa phương. chẳng khác gì một cuộc họp Hội đồng nhân dân hay hội nghị công nhân viên chức.
Có năm văn đề cốt tử của sự còn, mất, phục hưng, phát triển hay tiếp tục thân phận lệ thuộc, gia công hay nói một cách “cười ra nước mắt” như chị Phạm Chi Lan: Việt Nam là nước không muốn phát triển!
Thứ nhất: Tại sao khi dân tộc đặt dưới sự lãnh đạo của đảng CSVN, thì chủ quyền bị xâm hại, nhiều vùng biên giới và hai đảo bị Trung  Hoa xâm lược, cưỡng chiếm. Sự lệ thuộc vào Trung Hoa về chính trị, kinh tế văn hóa, an ninh quốc phòng, thậm chí cả đối ngoại ngày càng nghiêm trọng!?Đường lối đối ngoại lệ thuộc Trung Hoa đã gây nên những tiêu cực, tích cực gì cho thế phát triển VN?.
Trong tình hình thế giới hiện nay có nhất thiết theo cái triết lý “độc lập dân tộc gắn với CNXH không? Đa số các dân tộc hiện nay trên thế giới đâu cần cái triết lý ấy. Cái nhân tố CNXH có thật là lẽ đúng và tốt không? Cớ sao TBT Nguyễn Phú Trọng vừa tuyên bố “trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội hoàn thiện  ở nước ta”, lại vẫn ép đa số đảng viên trong QH thông qua HP tiến lên chủ nghĩa xã hội. Điều ấy có phải là chính trị ma giáo hay không. Điều thật kỳ lạ là một Dân tộc vốn xưng văn hiến đã lâu, một chính đảng cầm quyền luôn xưng mình là “đạo đức”, là “văn minh” (chữ của HCM) mà không dám để cho nhân dân được quyền tự do học thuật, tranh luận, nghiên cứu cho ra ngô ra khoai cái chủ nghĩa “mác-lê”, nếu quả thật có chút gì là trí tuệ thì giữ lấy, nếu chỉ là “hư hỏng, cũ kỹ” (cũng là chữ của HCM) thì cương quyết loại bỏ. Cả một Ban Tuyên Giáo, một Hội đồng lý luận TƯ không dám đối thoại với người dân trong xã hội. Văn hóa đối thoại của họ hủ lậu, cũ rích cả hai ngàn năm.[2] Có phải mô hình của chế độ ban đầu là “tiến nhanh, tiến mạnh, tiến thẳng, tiến vững chắc lên cnxh”, nay là chế độ “Cộng Hòa XHCN” với cái triết lý được điều chỉnh cho đỡ “quê” là “định hướng xhcn”, mà nhiều ủy viên TƯ đã ngậm ngùi “không biết có hay không mà tìm kiếm!” là tác nhân chính của mọi trì trệ, hư hỏng, cũ kỹ của VN,  một trì trệ, hư hỏng cũ kỹ kéo dài cả ngót thế kỷ. Hơn nữa, ta cứ đeo đuổi một chế độ mà một đa số nhân loại tiến bộ đã lập tòa án kết tội nó là vô đạo, là tội ác phản nhân loại.Ta đeo đuổi một thứ thể chế mà nhân loại đã  lên án thì hay ho nỗi gì vinh hạnh nỗi gì? Nay, các đảng viên đại biểu dự Đại Hội phải bàn cho đên nơi dến chốn. Người dân VN không đần độn, lao động VN học nghề nhanh có tay nghề tốt, tố chất con người Việt có nhiều mặt ưu tú, truyền thống văn hóa nếu gạt qua những yếu tố tiêu cực của xã hội tiểu nông, thì những giá trị nhân văn và đạo đức của người Việt đủ để làm nền móng cho những thăng hoa phát triển mới hiện đại, không thua kém gì những dân tộc quanh ta, tài nguyên không giàu có như thiên hạ, nhưng cũng rất dồi dào,đặc biệt là vị trí địa-kinh tế lại khá thuận lợi cho thị trường toàn cầu hóa.Thế thì cái gì khiến VN nên nỗi bi thảm như ngày nay, nếu không nói đó là do thể chế chính trị và đội ngũ quan chức cộng sản đã trở nên ngày càng hư hỏng cũ kỹ, như chính Hô chí Minh từng dự báo. Đại Hội XII hãy tiến hành một cuộc chiến xóa bỏ hư hỏng cũ kỹ như Hô chí Minh từng di chúc. Đây chính là thời cơ thích hợp nhất. Bỏ qua cơ hội này Đảng Cộng sản VN sẽ trở thành tội đồ của Dân tộc trước lịch sử.!
Thứ hai: Đại hội hãy tranh luận và thảo luận một cách có văn hóa và đi đến những kết luận sau:
       -Thay đổi thể chế chính trị. Một thể chế chính trị tốt và đúng, phù hợp với tiến tình lịch sử hiện đại là thể chế cộng hòa đại nghị với mô hình Nhà nước Tam quyền phân lập thật sự (chứ không thể như quan niệm lừa mị, đánh tráo khái niệm chỉ là sự phân công của ba cơ quan quyền lực). Nhà nước pháp quyền ấy chỉ là một thành tố quan trọng trong nền quản trị quốc gia tân tiến hiện đâị. Bên cạnh Nó là nhân quyền và dân quyền được hình thành có chất lượng, là nền kinh tế thị trường đúng nghĩa, không cần thêm một cái đuôi nào để dễ bị xuyên tạc và lợi dụng, một nền kinh tế mà quyền sở hữu từ đất đai, nhà xưởng, ngân hàng, tín dụng do tư nhân tức là những công dân của Nhà nước làm chủ[3]. Cái gọi là chủ đạo nền kinh tế thì không phải là bất kỳ một hình thức sở hữu nào mà phải là nhũng đơn vị, những ngành mũi nhọn đủ năng lực dẫn dắt nền kinh tế dân tộc phát triển. Đề cao dân trí với nền báo chí, xuất bản tự do, tôn trọng tự do ngôn luận, tư tưởng, thực hiện cuộc cải cách giáo dục theo triết lý dân tộc, khai phóng, khoa học và dân chủ. Đề cao ba lớp người mới là chủ thể của xã hội, chúng tôi gọi là”Tam Bảo Mới” của Dân tộc. Đó là lớpTrí thức hiền tài (của tất cả các lĩnh vực) là “Doanh nhân cấp tiến”,và Chính khách nhân văn. Họ mới chính là nhóm người chống đỡ cho tòa nhà Việt Nam hiện đại và hậu hiện đại. Cái gọi là nhà nước công nông đầu tiên ở Châu Á thực chất là sự tuyên truyền lừa mị không có chút giá trị nào.
Thứ ba: Nền độc lập thống nhất mới của dân tộc phải thực sự xây dựng trên  đạo lý hòa giải và kết tụ dân tộc. Hãy tuyên bố tính hợp pháp của Chính Phủ Việt Nam Cộng hòa, xây dựng một nhà nước mới,tuyên bố sự kế thừa những Chính phủ từng thực thi quyền lực và có công với dân với nước từ 1945 đến nay. Có thế Dân tộc Việt Nam mới có đầy đủ cơ sở pháp lý để tranh đấu bảo vệ độc lập, chủ quyền  biển đảo. Phải thành tâm thừa nhận những sai lầm của cải cách ruộng đất, cải tạo công thương ở cả hai miền, đặc biệt là sự đối xử không theo đạo lý của dân tộc đối với người dân và cán binh của chính phủ VNCH. (Sau đó sẽ tiến hành thương thảo nhân văn thân ái để đền bù danh dự cho những thương tổn). Làm được điều này Việt Nam sẽ nhân lên gấp bội nội lực của mình cả tinh thần và vật chất. Đây chính là Sự nghiệp xây dựng một đường băng hiện đại cho sự cất cánh của Việt Nam. Hòa giải, hóa giải, hòa hợp dân tộc phải trở thành đạo nghĩa, đạo lý chính trị mới của dân tộc.
Thứ tư: Các đại biểu của Đại hội cương quyết vứt bỏ cái nhân cách Homo- Robotus, thật sự làm một người công dân Việt Nam có nhân cách tự do. Được như thế thì Trí tuệ chân thiện mỹ sẽ xuất hiện trở lại, vượt qua được cái mà nhà Phật gọi là “vô minh” (tức là ngu muội, u mê ám chướng ), cái bản ngã minh triết được hồi sinh, cái khí phách mới của dân tộc sẽ phục hồi tráng kiện làm nên  một sức mạnh tinh thần và đạo đức, làm nên “nhóm định hướng xã hội” mới, tiến bộ, nhân văn, tâm hồn trong sáng, nhân cách cao đẹp có đức, có tài có trí để kiến tạo một nền Dân chủ, một nền văn hóa -chính trị mới, thực hiện sứ mệnh canh tân, thay đổi Đất Nước, xã hội, đoàn tụ dân tộc, làm  cho Việt nghĩa là siêu việt lên, phục  hưng và phát triển, hạnh phúc và tự do.
Thứ năm: Là một Đại Hội kết thúc một chu kỳ sản nhiều công nhưng vô tích. 85 năm nhiều hành động, nhiều hy sinh nhưng cũng nhiều tội lỗi.Thực tế ngày càng chứng minh lời nói thiện của một chí sĩ  Đông Kinh Nghĩa Thục là Cụ Nguyễn Hữu Cầu vào 1946, trước khi mất : “Ngày nay chúng ta đã quá tây, quá tàu, chúng ta là lũ giáo điều ba rọi, là những kẻ xã hội chủ nghĩa độc tài”[4]. Hồ chí Minh trước lúc mất cũng để lại di chúc phải mở cuộc chiến đấu chống lại những hư hỏng cũ kỹ.Học giả, nhà yêu nước Trần Trọng Kim trong thư gởi Hoàng Xuân Hãn năm 1947 cũng khẳng định "Việt Minh  công chi thủ, tội chi khôi” nghĩa là Việt minh công to mà tội cũng hàng đầu!
Đại hội này phải là Đại Hội cải tổ Đảng. Về lý thuyết, chủ nghĩa Mác Lê là sai lầm, nó không nhất quán, giữa Mác và Lê Nin không có gì giống nhau cả. Lê nin chỉ nhai lại cái bã mà Mác đã nhả bỏ từ lâu. Những tư duy hợp lý của Mác thì không hề có trong cái gọi là chủ nghĩa mác lê. Về lý tưởng thì Mác đã từ bỏ nó, coi nó là sai lầm. Mác đề cao báo chí tự do, lên án chế độ kiểm duyệt, thậm chí coi nó là quái thai, là thây ma được tẩm nước hoa!  Mác chủ trương đa nguyên, đa đảng thì cộng sản VN ăn phải bả Lê-nin chống lại, thậm chí có hai đảng “đồng cốt” do Hồ lập ra thì cũng bị xóa sổ. Ngay cái tên đảng cộng sản cũng là dịch sai. Bởi cái tên mà Mác và Ăng Ghen đặt là Komunism chỉ có nghĩa là chủ nghĩa cộng đồng, không có từ tố nào là sản cả!
Phải đặt lại tên đảng cho chính danh, phải từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê cho phải đạo. Phải trở về đường lối vì Dân, vì Nước cho chính nghĩa. Lấy dân tộc, nhân dân làm chủ thể của đất nước và xã hội, coi công nông là đối tượng để phục vụ. Từ bỏ cái lý thuyết giai cấp vô sản là giai cấp lãnh đạo. Bởi thân phận của cái gọi là giai cấp vô sản thì Mác đã quan niệm lúc đầu vào (1884) trong Tuyên ngôn là kẻ đào mồ chôn chủ nghĩa tư bản. Nhưng vào cuối đời Mác đã dự báo chính xác thành hiện thực cay đắng ở Nga, Tàu, Việt Nam, Triều Tiên, Cu ba và ở tất cả những nước theo cộng sản, rằng “một khi giai cấp vô sản cướp được chính quyền, họ sẽ  thúc đẩy thành lập một chính quyền ủy trị, để một nhóm người tự ứng cử và bầu cử nhằm cai trị họ (GCVS). Ngay lập tức họ sẽ rơi tõm  vào sự dối trá và lệ thuộc. Sau một hồi say sưa hưng phấn cách mạng, trong một kiểu nhà nước mới, họ sẽ bừng tỉnh thấy mình là nô lệ, con rối và con mồi cho những tham vọng mới.[5]
Đai Hội XII phải là đại hôi xét lại. Phải xét lại toàn bộ từ học thuyết, đường lối, chủ trương và lỗi lầm, hệ thống tổ chức, sinh hoạt dân chủ trong đảng, phương thức hoạt động… từ trước cho đên nay. Nói như Mác là phải sám hối vì sám hối thật tâm thì mới có cơ cứu rỗi.
Phải từ bỏ nguyên tắc sai lầm tiếm quyền là “tập trung dân chủ”. Hãy lắng nghe lời cảnh báo của Ăng Ghen : “Phải chấm dứt ngay một tình hình tế nhị. cớ sao các đảng viên thường, thay cho coi các quan chức của đảng là đầy tớ để bảo ban, phê bình, thì lại coi họ như một đám quan liêu không bao giờ mắc sai lầm”. Dự báo hoàn toàn chính xác và hiện thực đối với tất tật các ban lãnh đạo cộng sản của tất cả các nước!
Vì thế phải thay đổi công thức chọn cán bộ lãnh đạo của Đại hội, theo phương châm “quý hồ tinh bất quý hồ đa”. Xin chớ theo lối xôi thịt của làng xã lạc hậu ngày xưa.Tất cả các ủy viên TƯ nhất là các vị định ứng cử vào Bộ chính trị, ban Bí thư nhất thiết phải trình cương lĩnh và chương trình hành động của mỗi người trong nhiệm kỳ mới hãy học tập việc tranh cử của các nền chính trị hiện đại. Các ủy viên TƯ, ủy viên Bộ chính trị nhất thiết phải được nhân dân nhận xét và phê duyệt, vị họ sẽ đóng vai người lãnh đạo đất nước. Mỗi người phải chọn một ngành để ứng cử làm lãnh đạo ngành ấy. Chúng ta phải thay đổi để có thể chọn được người Thao Lược chứ không phải kẻ “đồng hội, đồng lõa theo nhóm lợi ích cánh hẩu, con ông cháu cha”. Nhóm tinh hoa này nhất định phải chọn ra, càng tinh càng tốt, để họ sẽ cùng trí thức nhân sĩ xã hội sau Đại Hội có thể hợp tác tiến hành xây dựng cương lĩnh phát triển đất nước trong tình hình mới, sửa đổi luật, sửa đổi Hiến pháp để có một Quốc hội tinh hoa, chuyên nghiệp.
Có một vấn đề pháp lý của đảng cần phải đặt ra. Hiện nay trên nước ta, mọi cá nhân, tổ chức, thiết chế xã hội đều được điều tiết bằng Hiến định và luật định. Duy chỉ có đảng CS là đang hoạt động phi pháp,vì chỉ có một điêu 4 mà cũng chưa có văn bản nào của quốc hội giải thích cụ thể những câu chữ ấy.Cần một đạo luật về tổ chức và hoạt động đảng phái chính trị của Việt Nam. Có thế, những chức năng nhà nước của đảng mới chính thống.Chúng ta không thể tham gia quản trị quốc gia theo lối đã hư hỏng cũ kỹ và vô thiên vô pháp được nữa.
Nếu làm được như vậy, các vị sẽ có công lớn, thúc đẩy cho lịch sử Việt Nam sang trang mới. Bỏ lỡ thời cơ này, các vị sẽ đời đời mang tiếng là loại nhân cách homo-Robotus , là kẻ thiểu trí, thiểu khí phách, tội đồ của lich sử, ô danh, nhục nhã vô cùng./.
 CHÚ THÍCH
[1] Homo-Robotus thuật ngữ bịa của tác giả,theo gợi ý của homo-erectus (người đứng thẳng) homo-sapien(người thông thạo) homo-economicus (người kinh tế)homo-ludex(người rong chơi)...
[2] Xem chuyện ngụ ngôn Phật giáo : Tranh luận kiểu vương giả hay Hiền giả. Kinh Mi Tiên hơn 2000 năm.Kiểu vương giả là kiểu cậy quyền áp đặt,kiểu hiền giả là tự do,lấy trí tuệ, chan lý làm thước đo.
[3] Các Mác: Những nhà kinh doanh sản xuất chỉ có tự do khi họ có quyền sở hữu phương tiện sản xuất: đất đai, nhà xưởng, tàu thuyền, ngân hàng, tin dụng… (Dẫn theo J Eleinstein :Marx sa vie et son oeuvre.xb Fayard)
[4] Nhận xét của Mác về tình cảnh GC Vô sản sau khi cướp được chính quyền được trích dẫn theo Marx sa vie et son oeuvre.
[5] Bài Une Grande Figure De Lettre’e TC Le Peuple ĐCSĐD thg 9-1946.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 24-8-15
ĐỪNG QUAY LƯNG LẠI VỚI ĐÒI HỎI CẢI CÁCH THỂ CHẾ CHÍNH TRỊ
Bài của PGS ĐÀO CÔNG TIẾN [ 1] /  Viet-Studies 25/8/2015
Những góp ý dưới đây với Đại hội XII của Đảng (cả Đại hội các cấp tiến đến Đại hội XII), không có chủ đích nào khác ngoài sự mong muốn Đại hội đừng quay lưng lại với đòi hỏi cải cách thể chế chính trị để thoát ra khỏi sự ràng buộc vô lý của ý thức hệ XHCN theo chủ thuyết Mác – Lênin và sự lệ thuộc vào những thế lực bành trướng, bá quyền Trung Quốc.
1. Đừng quay lưng lại với đòi hỏi cải cách thể chế chính trị, đang là đòi hỏi nóng bỏng của đất nước
Thể chế chính trị mà Đảng Cộng sản đã chọn và áp đặt lên đường lối phát triển của Việt Nam là CNXH dựa trên học thuyết Mác – Lênin một thời tồn tại ở Liên Xô, tức CNXH theo mô hình Xô Viết, và ở Trung Quốc – có lúc được gọi là CNXH đặc sắc Trung Quốc. Đổi mới thể chế chính trị mà Đại hội Đảng lần này phải trực diện không thể chỉ là “cơ chế chính sách, tổ chức bộ máy” như Tổng Bí thư đã và đang chỉ đạo toàn Đảng, toàn dân thực thi những công việc của Đại hội.
Thể chế chính trị đó- CNXH dựa trên chủ nghĩa Mác-Lênin- đã phá sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu, mà người trong cuộc ở đấy cho rằng vì nguyên nhân tự thân của nó.
Một số nước khác vốn đã nhân danh là quốc gia XHCN, trong đó có Việt Nam, mặc dù phải đổi mới kinh tế để tồn tại và phát triển, nhưng đổi mới không toàn diện, không triệt để, vì vẫn còn lệ thuộc vào ý thức hệ XHCN và chế độ độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản dựa trên siêu quyền lực.
Học thuyết Mác – Lênin và CNXH về lý thuyết thì mù mờ và đã thực sự bị phá sản trong đời sống hiện thực. Mù mờ đến mức ngay cả người sùng bái CNXH nhất cũng phải nói: “Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam chưa[2]Thế mà phải cứ lắp ghép một cách sống sượng XHCN với kinh tế thị trường để có ‘kinh tế thị trường định hướng XHCN’, và cứ phải thúc đẩy nhau đi tìm cái thể chế đó mà có tìm được đâu, bởi: “Làm gì có cái thứ đó mà tìm[3] và mù mờ đến mức “đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến” [4]
Mù mờ, cùng với quá lúng túng và bế tắc, bởi có nguyên nhân tự thân từ thể chế và cách tiếp cận không qua lăng kính của cuộc sống.
Nguyên nhân tự thân của những lúng túng và bế tắc gắn liền với quá nhiều khiếm khuyết trong nội hàm của mô thức tổ chức xã hội XHCN mà các nhà sáng lập ra CNXH đã chọn:
(a) Tổ chức xã hội theo thuyết giai cấp và đấu tranh giai cấp, coi đấu tranh giai cấp là động lực phát triển xã hội, coi chuyên chính vô sản là nguyên tắc và trên thực tế đã không tránh khỏi tình trạng lấy vô sản chuyên chính dân tộc đánh vào khối đại đoàn kết dân tộc. Kích động hận thù, bạo lực và tội ác cũng sinh ra từ những điểm đặc trưng nổi bật này.
(b) Mô thức tổ chức nền kinh tế bị chi phối gần như tuyệt đối bởi những nét đặc trưng như công hữu tư liệu sản xuất chủ yếu là nền tảng, kinh tế Nhà nước chủ đạo, việc thực hành kế hoạch hóa tập trung quan liêu bao cấp và tự túc tự cấp. Mô thức tổ chức nền kinh tế với những đặc trưng vừa kể rất xa lạ với kinh tế thị trường trên phương diện sản xuất và tái sản xuất trong đời sống hiện thực.
(c)Tập quyền đến mức quyền lực thành siêu quyền lực cho sự độc quyền lãnh đạo của Đảng Cộng sản vừa làm cho Đảng bị tha hóa vừa làm cho các tổ chức chính trị, kinh tế xã hội khác mất quyền, trở thành hữu danh vô thực. Không có quyền cũng dẫn đến tình trạng phổ biến quay lưng với trách nhiệm đến mức vô cảm, khiến xã hội không còn có người chủ nào là đích thực.
Ngoài nguyên nhân tự thân như đã nêu ở trên, còn có nguyên nhân từ cách tiếp cận không qua lăng kính của cuộc sống, để nhận biết học thuyết Mác – Lênin và CNXH có cái gì trước đúng nay vẫn đúng, cái gì trước đúng nay không còn phù hợp vì bối cảnh xã hội đã có quá nhiều thay đổi, và cái gì cả trước và nay đều không đúng, để có sự lựa chọn vận dụng.
Mô thức tổ chức xã hội XHCN với những đặc trưng như trình bày ở trên đã phá sản ở Liên Xô và các nước XHCN Đông Âu.
Chọn học thuyết Mác – Lê nin và CNXH, Việt Nam đã phải trả giá quá đắt bởi những sai lầm, khuyết điểm, nhất là sai lầm, khuyết điểm nghiêm trọng trong việc chọn con đường và giải pháp cải tạo XHCN và xây dựng CNXH từ 1954 ở miền Bắc và từ 1975 trên phạm vi cả nước.
Có thể đơn cử như:
(a) Sai lầm trong Cải cách ruộng đất.
(b) Triệt phá kinh tế tư bản tư nhân ở miền Bắc sau 1954 và sau 1975 ở miền Nam.
(c) Xóa bỏ kinh tế cá thể của hàng chục triệu hộ nông dân, thợ thủ công và tiểu thương.
(d) Kỳ thị kinh tế tư nhân và cấm đảng viên làm kinh tế tư nhân mãi tới những năm gần đây, trong chừng mực mới có được tháo gỡ.
(e) Thái quá trong phân định và phân biệt đối xử giữa các thành phần giai cấp trong xã hội, nên đã nêu khẩu hiệu “trí phú địa hào, đào tận gốc trốc tận rễ” trong phong trào Xô Viết Nghệ Tĩnh, đàn áp trí thức, nhân sĩ yêu nước trong vụ Nhân văn Giai phẩm và trong vụ án Xét lại hiện đại.
(f) Chọn đổi mới kinh tế với cái cốt lõi là phát triển sản xuất hàng hóa nhiều thành phần vận hành theo cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, nhằm sửa chữa những sai lầm về đường lối kinh tế dựa trên học thuyết Mác – Lê nin và CNXH theo mô hình Xô Viết và mô hình “đặc sắc Trung Quốc”, nhưng đổi mới không toàn diện, không triệt để cũng bởi những rào cản từ ý thức hệ sợ “đổi mới được kinh tế nhưng mất tư tưởng, được bộ phận nhưng mất tổng thể, được trước mắt nhưng mất lâu dài, được kết quả hiển nhiên nhưng xa rời mục đích và những nguyên tắc cơ bản, được của cải nhưng hỏng quan hệ sản xuất và con người”, như không ít lý luận gia “cộm cán” của Đảng đã răn dạy, ngay cả khi công cuộc đổi mới hết sức sôi động và nền kinh tế thoát dần ra khỏi khủng hoảng và lấy đà tăng trưởng.
(g) Chậm nhận biết sự tất yếu mang tính quy luật của phát triển bền vững, nên kinh tế có tăng trưởng nhưng tình trạng lâm nguy đối với văn hóa và sự tàn phá môi trường càng lớn, càng gay gắt. Chạy theo tăng trưởng nhất là trên diện rộng và số lượng, gây bất ổn kinh tế vĩ mô và cái giá phải trả từ đó là chất lượng tăng trưởng không cao, chất lượng cuộc sống của người dân chậm được cải thiện, mức tụt hậu so với các nước trong khu vực ngày càng lớn.
Sai lầm trong việc chọn đường lối cùng với bộ máy cầm quyền yếu kém, hư hỏng, cộng với sự lộng hành của các nhóm lợi ích bất chính và tham nhũng, đã đưa nước ta vào tình trạng khủng hoảng, tụt hậu về kinh tế, lâm nguy về văn hóa và môi trường bị xâm hại vô phương cứu chữa. Toàn Đảng với gần bốn triệu đảng viên, phải chịu trách nhiệm về những sai lầm như đã nêu ở trên và phải sửa sai, bằng cách từ bỏ đường lối xây dựng CNXH dựa trên chủ nghĩa Mác – Lênin, chuyển sang đường lối dân tộc, dân chủ theo tinh thần của nền cộng hòa dân chủ với sự tôn vinh nhân quyền và pháp quyền. Sứ mệnh và tầm nhìn đó đòi hỏi Đại hội XII (cả đại hội các cấp tiến đến Đại hội XII) không được quay lưng lại với yêu cầu cải cách thể chế chính trị.
2. Trong quá trình dựng nước và giữ nước, có cả ngàn năm phải đối đầu với mưu đồ đặt nước ta vào vị thế lệ thuộc nhằm phục vụ lợi quyền của Trung Quốc. Chỉ tính riêng trong khoảng 40 năm gần đây (từ sau 1975), các thế lực bành trướng bá quyền Trung Quốc đã chiếm Hoàng Sa (năm 1974); đánh chiếm Gạc Ma (năm 1988), đứng sau lưng “Khơme đỏ” đánh Việt Nam ở biên giới Tây Nam (1976-1978), đưa 60 vạn quân tấn công Việt Nam trên toàn tuyến biên giới phía Bắc (1979), hạ đặt giàn khoan HD981 trong vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, và một chuỗi hành động rất đáng quan ngại là việc “xây dựng các đảo nhân tạo” đang được ráo riết thực hiện ở Trường Sa, Hoàng Sa không thuộc chủ quyền của Trung Quốc.
Sự ngang ngược và ngạo mạn hết sức nguy hiểm đó, phải được coi là những hành vi xâm lược, và phải được đối phó bằng hành động chống xâm lược với ý chí và quyết tâm chính trị cao của khối đại đoàn kết các dân tộc Việt Nam, của Nhà nước và của đảng cầm quyền.
Thế nhưng, tại nhiều diễn đàn trong nước và quốc tế, nhất là tại hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 9 Khóa 11 và tại kỳ họp thứ 8 của Quốc hội khóa 13 không những không ra được tuyên bố chỉ trích xâm lược và kiên quyết chống xâm lược, mà còn có không ít những phát ngôn làm được lòng Trung Quốc nhưng mất lòng dân vì những mơ hồ mất cảnh giác từ nhận thức “cùng ý thức hệ XHCN” và những lời ngon ngọt “bốn tốt”, “16 chữ vàng”. Thái độ mơ hồ mất cảnh giác, không giống một số nước bạn như Nhật Bản, Philippines, đã, đang và sẽ tự mình đánh mất chủ quyền, vừa không làm tròn trách nhiệm với các quốc gia, các cộng đồng dân tộc thuộc khu vực ASEAN trong mối liên kết bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như trong quyền sử dụng tài nguyên trên không, trên biển theo luật quốc tế.
3. Chuẩn bị cho Đại hội XII là việc phải làm và cấp ủy các cấp của khóa XI có trách nhiệm trong việc chuẩn bị này. Nhưngchuẩn bị chứ không phải áp đặt, và càng không thể là thủ đoạn lấn quyền của Đại hội. Chuẩn bị Đại hội phải thực sự coi trọng dân chủ, công khai, minh bạch (cả trong Đảng và trên toàn xã hội).
Qua hệ thống thông tin đại chúng và tiếp cận bước đầu với các dự thảo văn kiện trình Đại hội XII, thì thấy việc cải cách thể chế chính trị (cả chế độ và đảng), không những chưa được quan tâm, mà còn buộc phải theo tinh thần Cương lĩnh 2011 và Hiến pháp 2013, vốn cố bám giữ đường lối XHCN theo chủ nghĩa Mác – Lê nin và sự độc quyền lãnh đạo của Đảng bằng siêu quyền lực. Đây đang là vấn đề nóng bỏng phải xem xét triệt để mà Đại hội XII không thể quay lưng lại được.
Về nhân sự cho cơ quan lãnh đạo các cấp trong nhiệm kỳ Đại hội XII theo quyết định ngày 09/6/2014 của Ban Chấp hành Trung ương Khóa XI, vẫn không có dân chủ thực chất và trên thực tế không tránh được sự sắp đặt của cấp ủy khóa trước cho nhân sự của khóa sau, và cũng không tránh được sự chi phối của một số ít người có quyền. Quy chế mới còn hạn chế hơn nữa quyền ứng cử, đề cử, quyền bảo lưu ý kiến thiểu số và quyền được báo cáo với cấp trên cho đến đại hội đại biểu toàn quốc của đảng viên, trong đó có những quy định không phù hợp với điều lệ Đảng hiện hành.[5]
23.8.2015
Đ.C.T.
[1] Những góp ý với ĐH XII của PGS Đào Công Tiến (nguyên Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế TpHCM, nguyên thành viên Ban nghiên cứu của Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải, nguyên Phó Giám đốc ĐH Quốc gia TpHCM và Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam) đã được chuyển đi từ Đại hội chi bộ sở tại (ngày 17/4/2015), từ Hội nghị lấy ý kiến ở ĐHQG TpHCM (20/5/2015) và ở Hội Khoa học Kinh tế VN (5/6/2015).
Cũng như nhiều lần trướctrong hàng chục năm qua, những góp ý như vậy thường không đến được số đông dảng viên và người dân, đặc biệt, không bao giờ được phản hồi từ những tổ chức hoặc cá nhân hữu trách của Đảng.
Nói khác đường lối “chính thống” của Đảng và nhất là nói trên các phương tiện thông tin đại chúng là vi phạm những điều đảng viên không được làm. Tôi biết, đó là điều không nhỏ, tức cũng là việc lớn, nhưng những góp ý với ĐH Đảng không đơn thuần là chuyện của Đảng, của một số ít người trong Đảng, mà lớn hơn, là chuyện của dân của nước, của nhiều đảng viên, nhiều người dân vốn nặng lòng với chuyện dân chuyện nước cần biết và có trách nhiệm biết.
[2] TBT Nguyễn Phú Trọng tuyên bố: “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa” – Báo Tuổi Trẻ online 23/10/2013 (http://tuoitre.vn/tin/chinh-tri-xa-hoi/20131023/du-thao-chua-vang-vong-nhu-loi-hieu-trieu/576098.html)
[3] Nhiều người hỏi Bộ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh thế nào là thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, ông đáp: “Chúng ta cứ nghiên cứu mãi cái mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có mà tìm.” – Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 03/05/2014
 (http://www.thesaigontimes.vn/114301/Cai-cach-the-che-tu-cau-hoi-chua-co-loi-giai.html)
[4] Thứ trưởng bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Tôi cứ suy nghĩ mãi một điều, nếu chúng ta đi mà không rõ đi đâu, bằng cách nào, bao giờ đến thì không bao giờ chúng ta đi nhanh và bền vững được.” – Thời báo Kinh tế Sài Gòn ngày 22/11/2014 (http://www.thesaigontimes.vn/124350/Thu-truong-Bo-KHDT-Chung-ta-di-ma-khong-biet-di-dau.html)
[5] Mấy điều không phù hợp với Điều lệ Đảng trong Quy chế bầu cử trong đảng theo Quyết định số 244-QĐ/TW ngày 09/06/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa XI:
§  Theo Quy chế, cấp Ủy viên và Ủy viên thường vụ, Ủy viên Bộ chính trị và Ban Bí thư không được ứng cử và đề cử nhân sự ngoài danh sách do cấp ủy đề cử. Quy định này không phù hợp với quy định “Đảng viên có ý kiến thuộc về thiểu số được quyền bảo lưu và báo cáo lên cấp trên cho đến Đại hội Đại biểu toàn quốc” tại Khoản 5, Điều 9 của Điều lệ Đảng hiện hành.
§  Quy chế bầu cử khống chế số dư tối đa không quá 30% số lượng cần bầu là lấn quyền của Đại hội vì Điều lệ hiện hành nêu rõ ở Khoản 2, Điều 9: “Cơ quan lãnh đạo cao nhất của Đảng là Đại hội đại biểu toàn quốc, cơ quan lãnh đạo ở mỗi cấp là Đại hội Đại biểu hoặc Đại hội Đảng viên” và ở Khoản 3, Điều 12 quy định: “Danh sách bầu cử do Đại hội thảo luận và biểu quyết thông qua”.
Quy chế bầu cử trong đảng coi “danh sách do cấp ủy triệu tập đại hội đề cử là danh sách đề cử chính thức với đại hội”, thậm chí “có thể lấy danh sách đó làm danh sách bầu cử”. Như vậy có sự phân biệt đối xử giữa những người trong danh sách của cấp ủy và những người tự ứng cử và được đề cử tại đại hội. Nguyên tắc dân chủ, bình đẳng trong bầu cử bị vi phạm bởi sự phân biệt đối xử đó.
Viet-studies nhận được ngày 23-8-15
TRÍ THỨC VÀ PHÁT TRIỂN:ÁM ẢNH QUÁ KHỨ VÀ HY VỌNG TƯƠNG LAI
Bài của NGUYỄN QUANG DY/ Viet-Studies 25/8/2015 
“Chúng ta không thể thay đổi được quá khứ, nhưng chúng ta có thể sắp xếp lại tương lai”  (Dalai Lama)
Cách đây hơn một thế kỷ, các bậc tiền nhân (như cụ Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh) đã khởi xướng phong trào Đông Du để học tập người Nhật, nhằm khai trí và canh tân, định dựa vào Nhật để kháng Pháp giành độc lập. Nhưng tại sao phong trào này không thành công? Tại sao người Nhật làm được mà người Việt không làm được? Đến tận bây giờ (hơn một thế kỷ sau) người Việt vẫn loay hoay “định nghĩa lại trí thức”, vẫn loay hoay với một đất nước “không chịu phát triển”.  Tôi trộm nghĩ dân trí và canh tân (hay trí thức và phát triển) là những cặp phạm trù có quan hệ mật thiết với nhau và tỉ lệ thuận với nhau. Thiếu cái này thì không thể có cái kia. Cái này yếu thì cái kia cũng kém. Hãy thử lý giải vài nguyên nhân chính. 
 Thứ nhất: Ảnh hưởng quá nhiều bởi văn hóa hủ nho
Cách đây một thế kỷ rưỡi, người Nhật đã làm được một cuộc cách mạng “văn hóa tư tưởng” vĩ đại là “Thoát Á” (Fukuzawa Yukichi, 1835-1901). Họ học hỏi Phương Tây để ứng dụng công nghệ hiện đại, nâng cao dân trí bằng “duy tân”, để thoát khỏi những ảnh hưởng lạc hậu của Nho giáo trong nhiều thế kỷ. Vì vậy, họ đã biến được nước Nhật lạc hậu thành một quốc gia hiện đại, chấn hưng được đất nước (Meiji Restoration).   
Nhưng tại sao người Nhật làm được, mà người Việt không làm được? Nước Nhật có Fukuzawa Yukichi, thì nước Việt cũng có Bùi Viện và Nguyễn Trường Tộ… Chúng ta thường tự hào về một nước Đại Việt, “nhân tài như lá mùa thu” và “rừng vàng biển bạc” (chắc Nhật không bằng). Đáng lẽ Việt Nam phải bằng hay hơn Nhật chứ?  
Vậy tại bước ngoặt lịch sử đó, những yếu tố gì đã quyết định vận mệnh khác nhau của các quốc gia Châu Á này? Thứ nhất, nếu đọc kỹ thì tư tưởng của Fukuzawa Yukichi rất rõ ràng và triệt để, không nửa vời, không bị chấp vào Nho giáo như các trí thức (hủ nho) người Việt. Thứ hai, năng lực truyền thông và quản trị của họ giỏi hơn, tính cộng đồng của họ cao hơn. Thứ ba, Fukuzawa Yukichi không đơn độc như ông Bùi Viện và Nguyễn Trường Tộ, vì có nhiều trí thức, thương nhân, và “một bộ phận không nhỏ” samurai tham gia.  
Trong khi người Nhật “Thoát Á”, học hỏi Phương Tây để hiện đại hóa đất nước, thì người Việt lại bài ngoại và đắm chìm trong Nho giáo cổ hủ. Vua quan và trí thức tối ngày uống rượu ngâm thơ, tầm chương trích cú, không lo chấn hưng kinh tế và quốc phòng. Những gì vua Gia Long làm được để thống nhất và chấn hưng đất nước (bằng cách hợp tác với Tây phương) thì các đời vua sau đã làm ngược lại. Vì vậy, khi Pháp đem quân đến xâm chiếm thì nước An Nam hủ nho và yếu kém không chống lại nổi, đành từng bước đầu hàng, trở thành thuộc địa. Bài học này đáng suy nghĩ, khi nguy cơ “Bắc Thuộc” đang hiện hữu. Trong khi trẻ con suốt ngày chơi game như nghiện xì ke, thì người lớn (cả trí thức và quan chức) cũng tối ngày nhậu nhẹt xả láng, sa đà vào những trò tiêu khiển xa hoa, hoặc tranh cãi về những vấn đề viển vông, chẳng khác gì thời trước các cụ uống rượu ngâm thơ. “Hủ nho” là một thói quen. 
Quang Trung là một ông vua tài giỏi, có đầu óc canh tân, nên đã thu phục được nhân tài (như Ngô Thì Nhậm), xây dựng được một đội quân thiện chiến (ứng dụng chiến lược, chiến thuật mới), nên đã dẹp được thế lực chúa Trịnh và Nguyễn, thắng được quân Xiêm và quân Thanh, thống nhất được đất nước. Nhưng đáng tiếc là ông ấy chết sớm, hệ thống quản trị đất nước lạc hậu, các con yếu kém tranh giành quyền lực, nên đã thất bại.
Gia Long cũng là một ông vua tài giỏi, có đầu óc canh tân, biết tranh thủ nguồn lực của Tây phương, nên đã đánh bại được nhà Tây Sơn, thống nhất được đất nước. Nhưng hệ thống quản trị đất nước cũng lạc hậu, các đời vua sau không chịu duy tân để “Thoát Á”, mà còn xua đuổi người Phương Tây, kể cả cha Đắc Lộ (Alexandre De Rhodes, 1591-1660) là người đã sáng chế ra chữ quốc ngữ. Về tư tưởng, Bộ luật Gia Long là một bước thụt lùi so với bộ luật Hồng Đức, vì dựa vào Nho giáo quá nhiều, không hiểu là thời thế đã thay đổi. .
Theo các nhà nghiên cứu, Nho giáo từ sau thế kỷ XV có nhiều “khuyết tật trong cấu trúc” (theo Alexander Woodside). Đó là một thực tế mà quan lại và trí thức Việt thời đó không hiểu, vẫn nhắm mắt đi theo. Người Việt chịu ảnh hưởng quá nhiều của Nho giáo (hủ nho), từ thượng tầng chính trị đến hạng tầng xã hội. Ngay cả những người cộng sản thế hệ đầu cũng xuất thân từ nhà nho (như cụ Hồ, ông Trường Chinh, và nhiều người khác). Cụ Hồ cho rằng chủ nghĩa Đại đồng của Khổng Nho rất gần với chủ nghĩa Cộng sản. Trong di chúc, cụ Hồ còn trích dẫn một câu của ông Đỗ Phủ đời Đường, “Nhân sinh thất thập cổ lai hy”…
Thứ hai: Ảnh hưởng quá lớn bởi tư tưởng cực đoan và quá khích  
Năm 1945, Việt Nam giành được độc lập và những người cộng sản đã “cướp” được chính quyền. Câu hỏi đang gây tranh cãi là những người cộng sản lúc đó tài giỏi hay họ gặp may, vì “khoảng trống quyền lực” sau khi Pháp bị Nhật đảo chính phải bỏ chạy (3/1945) đến lúc Nhật đầu hàng (8/1945). Khi bối cảnh lịch sử tạo ra khoảng trống quyền lực (trong mấy tháng), thì những người cộng sản đã nhạy bén, tranh thủ thời cơ “cướp” chính quyền một cách dễ dàng (từ tay Bảo Đại và Trần Trọng Kim). Không phải vì những người cộng sản mạnh giỏi, mà vì những người không cộng sản lúc đó yếu kém (vì bị ảnh hưởng nhiều hơn bởi Nho giáo).  
Nói cách khác, những người cộng sản vô thần, nên họ thực dụng hơn, cực đoan hơn, bạo lực hơn, nên họ đã thắng. Nhưng vấn đề là họ sẽ dẫn đất nước đi đến đâu. Tại Liên Xô và Đông Âu, chủ nghĩa cộng sản đã sụp đổ cùng bức tường Berlin. Tại Châu Á (như Trung Quốc, Việt Nam) chủ nghĩa cộng sản chỉ tồn tại như một cái vỏ (tư tưởng) với một cái ruột (kinh tế tư bản). Cuba đang thay đổi. Bắc Triều Tiên là một ngoại lệ. Nhưng điều gì làm cho những người cộng sản Trung Quốc và Việt Nam vẫn cố thủ, không chịu đổi mới chính trị? Chỉ có thể lý giải rằng họ chịu ảnh hưởng quá nhiều và quá lâu bởi hai luồng tư tưởng độc hại. Thứ nhất là tư tưởng Nho giáo (hủ nho), và thứ hai là Mao giáo (cực đoan và bạo lực). Hệ lụy về ý thức hệ này giống như hội chứng nhiễm độc lâu ngày, đã ăn sâu vào tiềm thức, thậm chí có thể di truyền.   
Vào những bước ngoặt lịch sử của cách mạng ở Pháp, Nga, Trung Quốc, Việt Nam, Cuba… xu hướng cực đoan và bạo lực có sức hấp dẫn đối với quần chúng, nên cách mạng dễ thành công. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà cách mạng có xu hướng cực đoan và bạo liệt ở Pháp như Louis Saint-Just (1767-1794) và Jean-Paul Marat (1743-1793) hay ở Cuba như Che Guevara (1928-1967) đã trở thành những huyền thoại, hấp dẫn nhiều thế hệ cách mạng khuynh tả tại các nước thuộc thế giới thứ ba, nơi dân trí còn lạc hậu. Nó lý giải tại sao một số nhà cách mạng Châu Á thế hệ đầu của một số nước Phương Đông (như Hồ Chí Minh, Chu Ân Lai, Đặng Tiểu Bình, Pol Pot, Ieng Sary, Khieu Samphan) lại thích Paris hay Moscow, và chịu nhiều ảnh hưởng bởi trào lưu cánh tả của Pháp và Nga. Nó lại được nhân lên và nhiễm độc bởi chủ nghĩa Mao. Đến cả Miến Điện (Myanmar) cũng bị lây nhiễm. Hệ quả thế nào thì đã rõ. 
Năm 1954, những người cộng sản Việt Nam (Việt Minh) đã đánh thắng quân viễn chinh Pháp tại Điện Biên Phủ, làm chấn động dư luận. Năm 1975, những người cộng sản Việt Nam (Việt Cộng) lại một lần nữa đánh thắng quân Mỹ và VNCH tại Miền Nam, làm cả thế giới bị sốc. Sự kiện Sài Gòn thất thủ (30/4/1975) với những hình ảnh tượng trưng được giải Pulitzer là nỗi ám ảnh của Chiến tranh Việt Nam. Nghịch lý của cuộc chiến tranh đẫm máu đó đã để lại những bài học đau đớn cho cả Mỹ và Việt Nam, mà nhiều cuốn sách và bộ phim tài liệu đã đề cập đến (nhưng vẫn chưa đủ). Hãng phim tài liệu Florentine Films đang làm một bộ phim mới nhiều tập về Chiến tranh Việt Nam, sẽ phát trên kênh PBS năm 2016 (The History and Meaning of the Vietnam War, by Ken Burns & Lynn Novick).  
Một lý do đơn giản mà Việt Minh hay Việt Cộng đã thắng là họ cực đoan và bạo liệt, sẵn sàng “đánh đến người Việt cuối cùng”, không phải chỉ với vũ khí của Trung Quốc và Liên Xô, mà còn với những vũ khí bí ẩn khác như “đường mòn Hồ Chí Minh” và “địa đạo Củ Chi”. Chiến tranh du kích (kèm theo cả khủng bố) là một học thuyết còn nhiều tranh cãi, nhưng nó đã làm cho người Mỹ và Nga phải điên đầu tại Việt Nam, Afghanistan và Iraq.  
Nhưng điều trớ trêu là những cuộc chiến đẫm máu đó có thể là không cần thiết và là sản phẩm của sự nhầm lẫn về tư duy và tầm nhìn, của những người tài giỏi nhưng cuồng tín. Lập luận rằng “chiến tranh không thể tránh khỏi” thường chỉ để biện hộ cho sự cuồng tín và nhầm lẫn. Năm 1995, Robert McNamara đã chính thức thừa nhận sai lầm trong cuốn sách của mình. Nếu những người cầm quyền không cực đoan và cuồng tín, thì thế giới này sẽ bớt đi nhiều mất mát và đau khổ. Nhưng đáng tiếc, Mỹ đã đổ bộ vào Đà Nẵng (1965) để rồi tháo chạy khỏi Sài Gòn (1975), và 40 năm sau (2015) lại quay trở lại Việt Nam ("Back to the Future"), khi Mỹ xoay trục sang Châu Á để ngăn chặn Trung Quốc trỗi dậy “không hòa bình”. Lịch sử đang lặp lại.   
Thứ ba: Cái giá qúa đắt của chiến tranh và bạo lực
Cách mạng bạo lực và chiến tranh liên miên làm người Việt được tôi luyện để giỏi chịu đựng và tồn tại (bằng mưu mẹo), nhưng đã để lại những hệ quả khôn lường, rất khó đổi mới tư duy để phát triển (bằng tri thức). Hay nói cách khác, kinh nghiệm và năng lực để tồn tại trong chiến tranh không thể thay thế kinh nghiệm và năng lực để phát triển trong hòa bình. Khi giải phóng Sài Gòn, thành phố may mắn còn nguyên vẹn. Nhưng các chiến sĩ giải phóng trẻ đã phá hoại rất nhiều. Ủy ban Quân quản cũng không thể quản nổi. Không trách được họ vì đó là bản chất chiến tranh, và họ chỉ là những người nông dân cầm súng. Chẳng ai dạy họ phải hành xử như thế nào (như hai phe Nam, Bắc sau nội chiến Mỹ). 
Nhưng điều đáng nói là chỉ vài năm sau chiến tranh, tổng kho Long Bình và nhiều kho tàng khác tại Miền Nam đã trống rỗng, tài sản trị giá hàng tỷ USD đã bị tẩu tán như đồng nát. Những sỹ quan thiện chiến có thể là những người quản trị rất tồi. Đơn giản vì họ chỉ được đào tạo để bắn giết và phá hủy, chứ không được đào tạo để quản trị kinh doanh. Đơn giản vì Quân đội Nhân dân Việt Nam không phải là Quân đội Israel chuyên nghiệp (vừa giỏi chiến tranh, vừa giỏi quản trị). Chiến tranh nhân dân chỉ cần những người giỏi chịu đựng, liều lĩnh và cuồng tín, sẵn sàng hy sinh và nhắm mắt tuân lệnh, không cần tư duy. Vì vậy, hệ quả chiến tranh cũng khủng khiếp không kém chiến tranh. Kiêu hãnh và ngộ nhận về chiến thắng đã làm nhiều người mất trí, phải trả giá quá đắt trong vãn hổi hòa bình và tái thiết đất nước thời hậu chiến.  
Không những thế, quan hệ bạn thù truyền thống đã bị đảo lộn, vượt khỏi tầm kiểm soát, đã dẫn đến một cuộc chiến tranh mới, làm đất nước vốn đã bị hủy diệt bởi chiến tranh Việt Nam, nay lại tiếp tục bị chảy máu đến kiệt sức bởi một cuộc xung đột mới (Third Indochina War) giữa “anh em bạn thù” ("Brother Enemies"). Thuật ngữ này (của Nayan Chanda) miêu tả rất đúng bản chất quan hệ Việt-Trung, trước kia thân thiết “như môi với răng”, rồi đột nhiên trở thành “kẻ thù nguy hiểm nhất” (1979), đánh nhau chí chết rồi lại bá vai bá cổ nhau như đồng chí “bốn tốt”, gắn bó bằng “16 chữ vàng” (1990). Đó là hệ lụy của tư tưởng Mao giáo.  
Trong khi đó, những người dân vô tội đã trở thành nạn nhân, không phải chỉ của kẻ thù xâm lược từ bên ngoài, mà của cả sự cuồng tín và ấu trĩ từ bên trong. Trong binh pháp người ta tối kỵ thế lưỡng nan bị kẹp giữa hai kẻ thù lớn. Đó là khi kẻ thù cũ (Mỹ) và kẻ thù mới (Trung Quốc) bắt tay với nhau, xô đẩy Việt Nam vào vòng tay Liên Xô (một ông bạn khổng lồ nhưng chân bằng đất sét, đang trên đà sụp đổ). Kết cục là Việt Nam đã rơi vào cái bẫy nguy hiểm của Trung Quốc. Cái gọi là “Chiến tranh Đông Dương lần Thứ ba” là một thảm họa về địa chính trị và tầm nhìn chiến lược. Thất bại về bình thường hóa với Mỹ (1978) đã dẫn đến chiến tranh với Trung Quốc (1979). Đó là cái giá phải trả cho chiến thắng quân sự, cho thái độ kiêu ngạo và cố chấp đối với kẻ thù cũ (Mỹ), cho thái độ quá khích và ấu trĩ đối với kẻ thù mới (Trung Quốc). Đó là một sai lầm chết người, vì đã bỏ lỡ thời cơ chiến lược, phải mất gần bốn thập kỷ sau mới có thể lặp lại. Liệu người Việt Nam có bỏ lỡ cơ hội cuối cùng này không? 
Không phải những người cộng sản cực đoan và cuồng tín chỉ sai lầm về đối ngoại, mà còn sai lầm về đối nội. Chỉ trong mấy năm hậu chiến, họ đã biến Miền Nam từ một tài sản khổng lồ thành một đống đổ nát. Không những chỉ lãng phí vô cùng về vật chất, mà họ còn lãng phí vô hạn về tinh thần và tài nguyên con người, xô đẩy hàng trăm ngàn người phải bỏ quê hương ra đi trong tủi nhục. Tất cả là do cực đoan, cuồng tín, bạo lực, cố chấp, và dân trí thấp. Như vậy thì làm sao dân tộc có thể hòa giải, đất nước có thể tái thiết. Gs sử học Trần Quốc Vượng nhận xét rằng từ người thắng đến kẻ thua, tất cả đều thất vọng (frustration).   
Trong thời kỳ Cách mạng Văn hóa ở Trung Quốc, Mao nói “Trí thức không bằng cục phân” và đầy đọa họ về nông thôn làm ruộng. Còn ở Việt Nam, những người cộng sản cực đoan đã “đào tận gốc trốc tận rễ”. Người ta nói rằng Việt Nam chỉ có những người trí thức (intellectuals) mà không có giới trí thức (intelligentsia). Đơn giản vì giới trí thức nhỏ bé đã bị “trốc tận rễ” bởi hệ tư tưởng Maoism, cực đoan và cuồng tín (không khác gì Khmer Đỏ). Hệ lụy của Nho giáo (hủ nho) và Mao giáo (cực đoan và cuồng tín) là vấn nạn kép đã dẫn đến thảm họa “Cải cách Ruộng đất”, “Nhân Văn Giai phẩm”, “chống Xét lại và chống Đảng”.  
Nhiều trí thức cách mạng có tài năng xuất chúng, có công lớn với chế độ như “khai quốc công thần”, nhưng đã bị hạ nhục và đối xử tàn tệ chỉ vì bất đồng chính kiến. Nhẹ thì bị vô hiệu hóa, “ngồi chơi xơi nước”, nặng thì bị lao tù, đến thân tàn ma dại. Đó là ông Nguyễn Hữu Đang, một người tài hoa được cụ Hồ giao trọng trách “bất khả thi” là dựng lễ đài tại quảng trường Ba Đình trong vòng 48 giờ, để cụ đọc Tuyên ngôn Độc lập. Đó là ông Lê Trọng Nghĩa, một người đầy bản lĩnh, đại diện cho Việt Minh đàm phán với các sỹ quan chỉ huy quân đội Nhật tại Hà Nội, để hậu thuẫn cho khởi nghĩa, không bị đổ máu. Đó là ông Vũ Đình Huỳnh, bí thư đầu tiên của cụ Hồ từ khi mới đặt chân về Hà Nội, đã giúp cụ Hồ vận động các trí thức hàng đầu tham gia chính phủ cách mạng đầu tiên. Đó là nhiều người khác không thể kể hết tên, đã mang theo oan khuất xuống âm phủ. Không biết cụ Hồ sẽ ăn nói với họ thế nào. Làm sao lý giải được những khẩu hiệu như “uống nước nhớ nguồn, đền ơn đáp nghĩa, chiêu hiền đãi sỹ…”. Nhân ngày 19/8 và 2/9, hãy thành tâm thắp một nén tâm hương để tỏ lòng tri ân với họ, để tự vấn lương tâm và cố gắng hòa giải với nhau, thì may ra mới hòa giải được dân tộc.    
Dưới thời Đặng Tiểu Bình, người Trung Quốc đã cải cách quyết liệt, kêu gọi trí thức tham gia “ba đại diện” (vì “mèo trắng cũng như mèo đen”). Ví dụ, họ trả lương trí thức cao hơn (nghe nói 10 ngàn USD/tháng cho giáo sư đại học) và đầu tư lớn cho đại học Bắc Kinh và Thanh Hoa thành “đẳng cấp quốc tế” (world class). Người Việt cũng bắt chước, “định nghĩa lại trí thức”, nhưng trả lương giáo sư đại học chỉ bằng lương công chức, nâng cấp Đại học Quốc Gia thành một “siêu đại học” nhưng không thấy có tên trong bảng xếp hạng các trường đại học trong khu vực. Dân trí như vậy thì phát triển làm sao được? “Thoát Trung” thế nào được?  
Một giáo sư Nhật (ông Kenichi Ohno) có lần đã nhận xét rằng khi ông ta đến Việt Nam lần đầu thì rất là ấn tượng vì thấy các bạn Việt Nam (quan chức và trí thức) say sưa tranh luận về những vấn đề hệ trọng của đất nước. Nhưng 5 năm sau trở lại Việt nam ông ta ngạc nhiên thấy các bạn Việt Nam vẫn say sưa tranh luận về những vấn đề đó. Có lẽ vị giáo sư Nhật hơi khiêm tốn, chứ hiện tượng đó kéo dài 10 năm, 20 năm, hoặc lâu hơn nữa. Vì vậy, không nên ngạc nhiên khi người ta nói Việt Nam thuộc nhóm nước “không chịu phát triển”. Trong khi thiên hạ đua nhau xây dựng “kinh tế trí thức” (knowledge-based economy) thì người Việt đua nhau xây dựng trụ sở, tượng đài hoành tráng (như Mộc Châu, Sơn La), đền chùa nguy nga (như Bái Đính, Sóc Sơn), và tổ chức lễ hội linh đình (như một hội chứng tâm thần).  
Thay cho lời kết: Cần nâng cao dân trí và hòa giải dân tộc
Nhưng “nỗi ám ảnh của quá khứ” không thể làm “thui chột tương lai”. Một dân tộc hơn 90 triệu dân, có một lịch sử không tồi và một văn hóa không kém, không thể bó tay quỳ gối chịu trói như “tù binh của quá khứ”, với gánh nặng hệ tư tưởng lỗi thời trên lưng. Nếu không tự lập, tự cường, thì không thể “thoát Trung”, không tránh được “Bắc thuộc”. Nếu không tự lập, tự cường, thì tầm nhìn ASEAN hay Đông Á cũng vô nghĩa, “đối tác chiến lược” với Mỹ và TPP cũng vô nghĩa. Người Mỹ có thể bênh vực kẻ yếu, nhưng chỉ phù kẻ mạnh. Nếu chưa mạnh thì cũng phải có ý chí và nội lực để người khác tin cậy và tôn trọng. Người ta nói rằng bạn có thể bịp được vài người, vào lúc nào đó, nhưng không thể bịp được mọi người, mọi lúc.
Trước hết cần phải phản tỉnh để “giải độc” về hệ tư tưởng, để thoát khỏi cái “bóng đè” của tư tưởng Khổng giáo (hủ nho) và Mao giáo (cực đoan, bạo liệt). Thứ hai, không thể nâng cao dân trí, nếu trí thức (cả bên trong và bên ngoài) không đi đầu để “phá băng”, mở đường và kết nối các phe nhóm (chỉ thích cãi nhau) bằng “tư duy tích cực” (positive thinking) và “hành động xây dựng” (constructionism). Thứ ba, chỉ có trên cơ sở đó, mới có thể kết nối toàn dân, để “hòa giải dân tộc”, vì một nước Việt Nam Hòa bình, Hòa hợp, Hòa thuận, Hòa giải…
NQD. 22/8/2015

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 23-8-15

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét