Thứ Hai, 31 tháng 8, 2015

20150831. NGHĨ VỀ NGÀY QUỐC KHÁNH 2/9

ĐIỂM BÁO MẠNG
ĐẤT NƯỚC MUỐN PHÁT TRIỂN, CON NGƯỜI PHẢI ĐƯỢC TỰ DO
Bài của BÙI TIẾN ĐẠT/ TVN 31/8/2015
Hiến pháp, quyền con người, nhân quyền, độc lập, quốc khánh
Quốc hội biểu quyết thông qua dự thảo Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam. Ảnh: An Đăng - TTXVN
Để đất nước phát triển, con người cần không gian tự do sáng tạo. Do đó, trong một xã hội dân chủ, về nguyên tắc không gian tự do cần tương đối rộng và ngược lại những hạn chế quyền tự do phải tương đối hẹp.
Quyền con người trong Tuyên ngôn độc lập 1945…
Ngay trong những ngày đầu của nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa độc lập, cụ thể ngày 17/10/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết: “Ngày nay, chúng ta đã xây dựng nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Nhưng nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc, tự do thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”.
Hồ Chí Minh cũng đã thể hiện rõ tư tưởng bảo đảm quyền tự do của nhân dân trong bản Tuyên ngôn độc lập ngày 2/9/1945. Ngay từ những câu đầu tiên, Người đã trích dẫn những “lời bất hủ” (nguyên văn chữ dùng của Bác) trong bản Tuyên ngôn Độc lập năm 1776 của Hoa Kỳ do Thomas Jefferson soạn thảo: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc".
Người còn nhắc lại Bản Tuyên ngôn Nhân quyền và Dân quyền của Cách mạng Pháp năm 1791 như một sự lên án đanh thép tội ác của thực dân Pháp đã “lợi dụng lá cờ tự do, bình đẳng, bác ái, đến cướp đất nước ta, áp bức đồng bào ta… tuyệt đối không cho nhân dân ta một chút tự do dân chủ nào… thi hành những luật pháp dã man”.
Tại sao Người lại nhấn mạnh trong Tuyên ngôn độc lập một tư tưởng từ tuyên ngôn độc lập và dân quyền của các quốc gia tư bản? Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trả lời ngay trong Tuyên ngôn độc lập 1945: “Đó là những lẽ phải không ai chối cãi được”. Hồ Chí Minh đã phân biệt rạch ròi giữa chế độ chính trị của một quốc gia và chân lý, giá trị phổ quát của nhân loại.
Thật vậy, các quốc gia dù khác nhau về chế độ chính trị đều phải hướng tới mục tiêu bảo vệ các quyền và tự do căn bản và đem lại cuộc sống hạnh phúc cho người dân.
Ba năm sau Tuyên ngôn độc lập của VNDCCH và cũng là ba năm sau khi Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc, thông qua bản Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948 (Universal Declaration of Human Rights), cũng đã nhấn mạnh ngay từ đầu: “Sự công nhận nhân phẩm của mọi người trên toàn thế giới và các quyền bình đẳng không thể tước đoạt của họ chính là nền tảng của tự do, công lý và hòa bình trên thế giới”.
Trải qua bao xương máu của nhân loại, đặc biệt từ đau thương của Chiến tranh thế giới thứ hai, Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người đúc kết: “Hành vi xem thường và chà đạp nhân quyền đã dẫn đến những hành động man rợ, xúc phạm đến lương tâm nhân loại. Việc tiến đến một thế giới trong đó tất cả mọi người được hưởng tự do ngôn luận, tự do tín ngưỡng, không còn lo sợ hãi và nghèo khó, phải được coi là ước vọng cao nhất của con người”.
Đến Hiến pháp 1946…
Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam đã khẳng định ngay trong lời nói đầu ba nguyên tắc căn bản của Hiến pháp là: “Đoàn kết toàn dân, không phân biệt giống nòi, gái trai, giai cấp, tôn giáo; Đảm bảo các quyền tự do dân chủ; Thực hiện chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân”. Suy cho cùng, đây cũng chính là nguyên tắc “nhà nước của dân, do dân, vì dân” do Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln đúc kết (“Government of the people, by the people, for the people, shall not perish from the Earth”).
Lời nói đầu Hiến pháp 1946 cũng nhắc nhở chúng ta rằng “chủ quyền cho đất nước” và “tự do cho nhân dân” luôn song hành. Điều đó thể hiện triết lý sứ mệnh của một nhà nước có chủ quyền không gì khác nhằm “đảm bảo các quyền tự do dân chủ” cho nhân dân. Tiếp đó, Chương II đã long trọng tuyên bố sự công nhận và cam kết bảo đảm các quyền con người phổ quát. Nhìn một cách tổng thể, Hiến pháp 1946 đã thể hiện những tư tưởng chính trị-pháp lý tiến bộ và hoàn toàn có thể là điểm sáng so với các hiến pháp cùng thời trên thế giới.
…và Hiến pháp 2013
Hiến pháp hiện hành tiếp tục khẳng định “Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân” (khoản 1 Điều 2) và “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của Nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân” (Điều 3).
Như vậy, Hiến pháp 2013 đã thể hiện triết lý quyền con người không phải do nhà nước ban phát mà các quyền do “tạo hóa” sinh ra gắn với mỗi người. Theo đó, quyền con người phải được Nhà nước “công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm”.
Trong số các quyền con người được Hiến pháp ghi nhận và bảo vệ, chỉ có một số ít quyền tuyệt đối, tức không bị giới hạn trong bất kỳ trường hợp nào. Quyền được tôn trọng về nhân phẩm, trong đó bao gồm quyền không bị làm nô lệ, quyền không bị tra tấn và đối xử một cách tàn ác, được phần đông thừa nhận mang tính tuyệt đối, không thể bị hạn chế.
Ngoài những quyền tuyệt đối, các quyền còn lại đều có thể bị giới hạn ở những mức độ khác nhau. Sự giới hạn quyền là hiện tượng bình thường và phổ biến ở mọi quốc gia.
Tuy vậy, việc hạn chế này không được tùy tiện và phải tuân theo những nguyên tắc. Tuyên ngôn Phổ quát về Quyền con người 1948, văn bản được coi là kết tinh của tinh hoa và chuẩn mực toàn cầu, đã quy định nguyên tắc giới hạn quyền con người này tại Điều 29: “Trong việc thực thi các quyền và tự do, mọi người chỉ phải chịu những hạn chế do luật định, nhằm mục tiêu bảo đảm sự thừa nhận và tôn trọng quyền, và quyền tự do của những người khác, cũng như nhằm thỏa mãn những đòi hỏi chính đáng về đạo đức, trật tự công cộng, và nền an sinh chung trong một xã hội dân chủ”.
Tiếp thu tư tưởng này, Hiến pháp 2013 ghi nhận: “Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng” (khoản 2, Điều 14). Đây là bước tiến lớn trong tư duy lập hiến ở Việt Nam.
Nguyên tắc này đảm bảo một không gian hợp lý để công dân “tự do” thực hiện quyền của mình, miễn là không lấn vào những phần bị nhà nước “hạn chế”. Thời đại ngày nay, mọi quốc gia giống nhau ở chỗ đều công nhận các quyền và tự do cơ bản, chỉ khác nhau ở phạm vi các quyền bị giới hạn và phương pháp đặt ra vùng bị giới hạn đó.
Nhằm thực hiện khoản 2 Điều 14 Hiến pháp một cách đúng đắn, trước hết, việc nhà nước giới hạn các quyền công dân phải được quy định bằng pháp luật rõ ràng và minh bạch và có lý do chính đáng – tức nhằm bảo vệ quyền của người khác và lợi ích chung của xã hội. Đối với những quyền mà việc thực hiện nó không làm ảnh hưởng đến người khác và lợi ích chung của xã hội, các nhà nước không có lý do chính đáng để hạn chế. Chẳng hạn, nhà nước không cần can thiệp vào những việc như người dân treo tranh gì trong nhà, nhưng có quyền hạn chế số tầng của ngôi nhà nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị hay an toàn xây dựng.
Thứ hai, việc hạn chế quyền phải phù hợp với mục tiêu. Chẳng hạn, nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông, nhà nước có thể phạt tiền người vi phạm luật chứ không thể cấm người dân sở hữu xe. Ngoài ra, việc hạn chế quyền cần vừa đủ nhằm đạt được mục tiêu. Ví dụ, nhằm răn đe người vượt đèn đỏ, việc phạt tiền nghiêm khắc là đủ mà không cần phải phạt tù; nhưng đối với người uống rượu lái xe, phạt tù ngắn hạn là phù hợp.
Thứ ba, lợi ích của việc hạn chế quyền phải lớn hơn thiệt hại do việc hạn chế đó gây ra. Có thể lấy bài học về quyền tự do kinh doanh làm thí dụ. Thời bao cấp, quyền tự do kinh doanh bị hạn chế khá lớn, đã kìm hãm nền kinh tế. Theo đó người dân chỉ có thể tham gia kinh doanh tập thể của nhà nước mà không thể thành lập doanh nghiệp tư nhân. Điều này chứng minh việc hạn chế quyền không hợp lý, trái với quy luật phát triển sẽ không đem lại lợi ích mong đợi.
Kể từ đổi mới kinh tế, người dân được mở doanh nghiệp tư. Về tổng thể, khi tự do của người dân được giải phóng, của cải xã hội được tạo ra nhiều hơn và có chất lượng tốt hơn thời tập trung quan liêu bao cấp.
Tóm lại, mỗi nhà nước muốn hạn chế quyền công dân cần tính đến tính chính đáng, tính phù hợp và tính ích lợi xã hội. Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp phải là kim chỉ nam cho việc xây dựng các luật liên quan mật thiết đến quyền và tự do cá nhân như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật tiếp cận thông tin, Luật lập hội, Luật biểu tình, Luật tôn giáo.
Quyền con người và nhà nước kiến tạo phát triển
Để phát triển, quốc gia cần phải phát huy tiềm lực con người. Muốn vậy, con người cần không gian tự do sáng tạo. Do đó, trong một xã hội dân chủ, về nguyên tắc không gian tự do cần tương đối rộng và ngược lại những hạn chế quyền tự do phải tương đối hẹp.
Tất nhiên, mối tương quan giữa tự do-hạn chế này khác nhau giữa các quốc gia và cũng khác nhau giữa các quyền. Nền pháp quyền hiện đại luôn đòi hỏi một “chính quyền mạnh mẽ và sáng suốt của nhân dân” (Lời nói đầu Hiến pháp 1946 nêu trên) phải viện dẫn lý do chính đáng và tính toán những lợi ích xã hội khi muốn hạn chế tự do của người dân. Thực hiện đúng đắn Khoản 2 Điều 14 Hiến pháp là một chỉ số của nhà nước kiến tạo phát triển.
(Giảng viên Khoa Luật-ĐHQGHN, NCS Đại học Macquarie, Australia)
NGHĨ VỀ CÁI GIÁ CỦA ĐỘC LẬP VÀ DUY TÂN
Bài của PHÚC TIẾN/ BVN 31/8/2015
clip_image002
Trong một tấm poster các dân tộc thuộc Pháp in năm 1931, hình ảnh An Nam là người đội nón lá, gánh hàng rong. Ảnh TL
Đầu tháng Bảy, trên facebook, bạn tôi ở Mỹ gởi cho xem những bức ảnh pháo hoa muôn màu của ngày lễ độc lập Hoa Kỳ. Đầu tháng Tám, bạn ở Singapore chia sẻ những hình ảnh về lễ hội suốt bốn ngày liền trên bộ, trên trời và trên biển khi đảo quốc này tưng bừng ăn mừng 50 năm quốc khánh. Đầu tháng 9, tôi sẽ góp hình ảnh sống động gì cho bạn tôi về cột mốc 70 năm xuất hiện trở lại tên Việt Nam trên bản đồ thế giới?
Với tôi, bức ảnh hoài niệm thích nhất nhưng khó tìm chính là chân dung tiêu biểu của hàng chục triệu gia đình Việt Nam sau bao cuộc chiến tranh, bao cuộc phân ly. Giờ đây, tôi nghĩ đến ông bà tôi, bố mẹ tôi, anh em tôi, bạn bè tôi. Xuyên qua hai thế kỷ, biết bao thế hệ đều sinh ra và lớn lên trong một cuộc tìm kiếm tự do và hạnh phúc không ngừng nghỉ mà vẫn chưa chạm đích cuối cùng...
Chữ Quốc thiêng liêng
Ông nội tôi là một nhà giáo ở Hải Dương. Ông mất trong nghèo khó và bệnh tật khi chưa đến 50 tuổi, để lại cho các con trai một chữ lót là Quốc. Tìm hiểu về xứ sở, tôi mới biết Hải Dương là một trong những nơi đã nổ ra khởi nghĩa chống Pháp của Việt Nam Quốc dân Đảng. Cuộc nổi dậy ấy vừa tròn 85 năm, bị thực dân nhấn chìm bằng máy chém và cả máy bay bỏ bom. Không biết ông tôi có liên hệ thế nào với những người khởi nghĩa – trong đó có khá nhiều nhà nho, nhà giáo đều ra pháp trường – chỉ nghe bà nội tôi kể, nếu không được một người trong họ làm quan phủ nhận làm gia sư để che chở thì chắc ông đã ra đập đá ở Côn Sơn.
Hơn 60 năm sau, mãi đến năm 1993, lần đầu đến Paris, tôi được gặp người con trai cả của ông tuần phủ đã cứu giúp ông nội tôi. Bác ấy là dược sĩ, học trường Tây ở Hà Nội từ bé, thế nhưng khi thấy tôi trầm trồ trước những tòa nhà, cung điện tuyệt đẹp ở kinh thành Ánh sáng, bác đã nhắc tôi: “Cháu nên biết thực dân Pháp lấy biết bao tài nguyên, tiền bạc từ Đông Dương và các thuộc địa để làm giàu, làm đẹp cho chính quốc!”. Tên của cả ông tuần phủ và ông bác dược sĩ không vì địa vị cao sang của mình mà quên tình nghĩa và lương tri đồng bào, đồng tộc, đều có chữ lót là Quốc! Đến bây giờ, đi nhiều nơi, tôi nghiệm ra trong hoàn cảnh nào đi nữa, trong tất cả các gia đình Việt Nam và từng người Việt Nam, đều có một chỗ sâu kín nhất cho chữ Quốc thiêng liêng.
clip_image003
Chữ Quốc cháy bỏng đó không tự nhiên mà có, không chỉ một hai thế kỷ mà bùng nổ. Chữ Quốc ấy như một ngọn lửa đã nhóm lên từ thuở những cư dân ở trung du và châu thổ sông Hồng biết nổi lửa đúc đồng, biết làm lúa nước, biết gói bánh giầy bánh chưng. Người Hán tràn xuống phương Nam, xóa sổ Văn Lang đặt ách đô hộ nhưng vẫn không dập tắt được ngọn lửa kiêu hãnh nòi giống Việt.
Hai giấc mơ, một ngọn lửa
Bước vào thế kỷ XIX, nhà Nguyễn thay thế nhà Tây Sơn, tiếp quản một giang san hình chữ S chưa từng có của người Việt, có tên chính thức là Việt Nam. Thế nhưng, cũng chính vì vị trí chiến lược của mình trên đường hàng hải quốc tế, đồng thời là điểm tiếp giáp quan trọng với một nước khổng lồ châu Á, nước Việt Nam cận đại và cho đến tận bây giờ, đã mau chóng trở thành một điểm không thể thiếu trong cuộc tranh giành và đổi chác quyền lợi toàn cầu của các cường quốc. Dân tộc Việt từ nhiều thế kỷ trước phải tập chung sống và đấu tranh độc lập với người láng giềng Trung Hoa - tương đồng văn hóa và thể chế, nay phải đứng trước những hiểm họa mới, những kẻ đe dọa có một nền văn minh khác hẳn. Lúc ấy, một nhu cầu lớn đặt ra là liệu một quốc gia với vua chúa an nhàn trong thành quách, kết hợp với làng xã cố kết sau lũy tre xanh, có thể đương cự được mức nào trước sức mạnh của đại bác công nghiệp và tư bản hùng mạnh? Liệu một quốc gia có nền văn hóa lâu đời nhưng thịnh hành từ chương và quan liêu, có đủ trí lực và nhân lực để đối đầu với một nền văn minh tự do hóa sung mãn?
clip_image004
Đại bác của các nước phương Đông, trong đó có Việt Nam, được thực dân Pháp thu làm chiến lợi phẩm cuối thế kỷ XIX. Ảnh PT
Ở khúc quanh lịch sử đó, than ôi, triều đình Huế đã không đưa ra được cách thức đúng đắn nào để bảo vệ giang san. Triều đình cũng không tận dụng được thời gian để cải cách đất nước, mặc dù giặc Pháp phải mất đến 40 năm vất vả mới thôn tính toàn bộ Việt Nam. Trong cùng thời gian đó, vua quan Thái Lan và nhất là Nhật Bản lại khôn khéo giữ được độc lập bằng con đường cải cách thể chế, chấm dứt bế quan tỏa cảng – trước nhất với dân và cùng lúc với bên ngoài. Con đường cải cách ấy, theo cách gọi thời đó, có tên Duy Tân – nghĩa là hướng đến cái mới, đoạn tuyệt với cái cổ hủ, lạc hậu!
Hai chữ “duy tân” thông qua con đường “tân thư” đến từ Nhật Bản và Trung Hoa, lần đầu tiên vang lên khắp Bắc - Trung - Nam những năm 1905-1908, trong một loạt hoạt động mới mẻ và táo bạo: cắt tóc ngắn, mặc Âu phục, học chữ quốc ngữ, mở trường miễn phí, lập thư xã, diễn thuyết và tranh luận công khai... Đặc biệt, phong trào Duy Tân - như các nhà sử học sau này định danh, không chỉ hô hào mà còn thực hành ngay việc lập ra các công ty đầu tiên của người Việt. Bỏ bút lông và sách vở cũ kỹ, nhiều nhà nho dấn thân và cổ động đồng bào học buôn học bán, không để người Pháp, người Hoa độc quyền chiếm lĩnh kinh doanh. Cũng từ phong trào Duy Tân, lần đầu tiên đã có hình thức dân chúng xuống đường, biểu tình trực diện, đấu tranh đòi giảm sưu, giảm thuế. Bước vào thế kỷ 20, ngọn lửa duy tân thực sự trở thành một năng lượng mới thôi thúc thêm nữa ngọn lửa yêu nước ẩn chứa trong các thế hệ và gia đình Việt Nam.
Không chỉ là xương máu
Năm 1945, thế chiến thứ hai sắp kết thúc, thời cơ độc lập bất ngờ xảy đến không chỉ cho dân tộc Việt. Đến một vị vua bù nhìn, còn đầy trẻ trung và một nội các tập hợp nhiều chuyên gia giỏi do người Nhật ủng hộ, cũng đã ôn hòa từ bỏ quyền lực để không trở thành vật cản trong một cuộc biến đổi lớn lao mà dân tộc chưa biết đến. Thế nhưng, nền độc lập của Việt Nam chỉ mới công bố long trọng với quốc dân và quốc tế đã gặp phải một sự thật phũ phàng là chính các cường quốc thắng trận mới là người vẽ lại bản đồ thế giới. Tại Hội nghị Postdam tháng 7.1945, ngoài phân chia châu Âu, các cường quốc đã bàn chia Đông Dương làm hai khu vực ảnh hưởng: phía Bắc vĩ tuyến 16 thuộc về Trung Hoa, phía Nam vĩ tuyến 16 là Anh (núp sau là Pháp). Và rồi, cuộc phân chia thế giới ngày đó mau chóng chuyển thành một cuộc chiến tranh lạnh với vũ khí nguyên tử treo lơ lửng trên đầu Âu - Mỹ. Để có thể đấu sức lẫn nhau, các cường quốc đã kích thích và khuấy động nhiều cuộc chiến tranh nóng ở những châu lục khác. Một lần nữa, Việt Nam trở thành chiến trường đan xen cả yếu tố dân tộc và quốc tế.
Đến bây giờ, đi nhiều nơi, tôi nghiệm ra trong hoàn cảnh nào đi nữa, trong tất cả các gia đình Việt Nam và từng người Việt Nam, đều có một chỗ sâu kín nhất cho chữ Quốc thiêng liêng.
Những bước đi và kết quả trên chiến trường Việt Nam không chỉ được quyết định từ bưng biền hay đô thành Hà Nội, Sài Gòn, Paris... mà về sau còn đến từ Washington, Moscow và thêm Bắc Kinh nữa. Trong cuộc chiến khốc liệt ấy, hàng triệu người đã chết – khó có ai thống kê được đầy đủ. Không chỉ gây tổn thất về con người và vật chất, cuộc chiến 30 năm còn làm Việt Nam dậm chân tại chỗ, chia cắt, kèm theo quá nhiều vết thương đau xé về cả chính trị, văn hóa, môi trường. Đã thế, sau tháng 4.1975, nước Việt Nam thống nhất vẫn chưa thể yên bình. Hai cuộc chiến biên giới song hành (Campuchia 1977-1991, Trung Quốc 1979-1991) và những quản trị sai lầm tiếp tục lấy đi máu và nước mắt, nhân lực và thời gian quý báu cho một quốc gia còn đang loay hoay tìm cách thoát khỏi đói nghèo. Trong cùng thời gian ấy, nhiều nước xung quanh Việt Nam đã kịp cất cánh, hóa rồng, trở thành nước công nghiệp vững vàng. Cái giá để Việt Nam độc lập và chuyển sang duy tân đắt lắm, khủng khiếp lắm. Trên thế giới, có dân tộc nào từng lâm vào tình cảnh liên tục khốn quẫn như Việt Nam?
clip_image005
Sức mạnh của tư bản công nghiệp phương Tây: súng máy Pháp năm 1895. Chụp tại Bảo tàng Quân đội Pháp - Paris 7.2014. Ảnh PT
May mắn và kỳ diệu, những năm cuối 1980, những người lãnh đạo cấp tiến đã nhận thức được thôi thúc thay đổi của dân chúng. Cả một cuộc đấu tranh quyết liệt đã và đang diễn ra để cả nước có thể thoát khỏi những chính sách kìm hãm quái đản, thoát khỏi sự lệ thuộc viện trợ tiền bạc và tư tưởng đến từ nhiều phía. Những lúc nhớ lại cái khoảng thời gian 20 năm biệt lập và khốn khó 1975-1995, tôi vẫn ngạc nhiên không hiểu vì sao thế hệ chúng tôi và cả một dân tộc có thể chịu đựng và chờ đợi được? Phải chăng, đó là vì chữ Quốc thiêng liêng? Là giấc mơ và món nợ duy tân chưa trả được? Là lòng kiên nhẫn và tình thương yêu không hạn định? Hay còn là quyết tâm từ ngàn xưa phải thay đổi nghịch cảnh? Những câu hỏi không dễ trả lời. Với Việt Nam, có lẽ nhiều vấn đề của quá khứ đều đang cần thời gian để phán xét. Song ngay từ bây giờ, đất nước và mọi gia đình còn phải đối mặt với nhiều câu hỏi nan giải cho 20 năm kế tiếp. Trong đó, có lẽ câu hỏi lớn nhất chính là phải làm sao để tránh khỏi những sai lầm cũ, trước những khúc quanh lịch sử mới? Có tránh được sai lầm, có khôn khéo và dũng cảm vượt lên được số phận của những con cờ bị áp đặt thì thế hệ Việt Nam hiện giờ và mai sau mới không phải trả tiếp những cái giá khủng khiếp như trước đây.
P. T.
CÒN BỊ LỆ THUỘC, ĐÃ THỰC SỰ ĐỘC LẬP HAY CHƯA ?
Bài của BÙI VĂN BỒNG/ BVB 31/8/2015
Hiện rất nhiều sản phẩm chủ lực của Việt Nam như gạo, cao su,...
nông sản Việt Nam lệ thuộc nhiều vào Trung Quốc - Ảnh: báo Đất Việt
        Từ khi nước ta giành được độc lập dân tộc, Trung Quốc luôn luôn rình rập, chớp mọi thời cơ đánh chiếm các quần đảo thuộc chủ quyền của Việt Nam. Năm 1946, quân Tàu Tưởng đánh chiếm một số đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa, vì sợ Pháp lại không dám đánh tiếp. Năm 1956, Pháp vừa rút khỏi Đông Dương, Trung Quốc đã cho quân xâm chiếm một số đảo phía Đông của Hoàng Sa. Mỹ đưa quân vào miền Nam, Trung Quốc thấy mất thời cơ, đành co lại. Năm 1973, Mỹ vừa rút quân khỏi Việt Nam thì ngày 19-1-1974, Trung Quốc đánh chiếm toàn bộ quần đảo Hoàng Sa…Đã 70 năm, kể từ 2-9-1945. Nhìn lại 70 năm qua, nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa, rồi CHXHCNVN thực sự có độc lập, tự chủ, tự quyết dân tộc để phát triển “sanh vai với các cường quốc 5 châu” được hay chưa? Hiệp định Genève 1954, Hiệp định Pa-ri 1973(cả 2 Hiệp định này đều bị TQ thiết dựng, chi phối, bày vẽ vì quyền lợi của họ), rồi 40 năm thống nhất đất nước, 25 năm ‘đổi mới’, Việt Nam có thực sự độc lập (theo đúng nghĩa) hay vẫn bị lệ thuộc, chi phối, chịu sự ‘dẫn dắt’ theo (cái gọi là) ‘ý thức hệ’  bởi nước ngoài?
Nhìn lại thực tế, những biến trải đau xót, vi phạm Hiến pháp nghiêm trọng, mất dân chủ, cực đoan-thái quá, không biết tự chủ, tôn phục răm rắp, gây xáo trộn xã hội và nội bộ đảng, gây nhiều oan khốc... như Cải cách ruộng đất, 'đánh' Nhân văn giai phẩm, đánh "xét lại", cải tạo công thương, xây dựng quy mô, điển hình, các phong trào và cổ vũ khẩu hiệu...đều làm theo sách Tàu, nhiều việc có sự tham gia của cố vấn, chuyên gia Tàu.
Để đánh Việt Nam từ phía Tây Nam, Trung Quốc đã dựng lên chế độ diệt chủng Polpot, mượn tay Polpot đánh dọc toàn tuyến biên giới Tây Nam, bắt đi hơn 500 người dân rồi chiếm đảo Thổ Chu, lăm le chiếm đảo Phú Quốc, lại có kế hoạch diệt hết người Khmer để đưa người Trung Quốc vào chiếm luôn Campuchia làm bàn đạp chiếm toàn Đông Dương, áp sát Thái Lan, Mianma và tràn xuống Đông Nam Á. Ngày 17-2-1979, Trung Quốc xua quân xâm lược toàn tuyến 6 tỉnh biên giới phía Bắc. Năm 1988, Trung Quốc đánh chiếm một phần thuộc quần đảo Trường Sa.
Năm 1989, toàn bộ quân tình nguyện Việt Nam rút về nước. Năm 1990, thấy “trên đà thắng lợi”, Trung Quốc bày ra ‘cái bẫy’ Hội nghị Thành Đô (TQ) để tiếp tục chính sách chi phối Việt Nam theo kiểu mới và cxoi như Đảng CSVN bị vướng bẫy. Đi dự hội nghị Thành Đô là sự “ngoan ngoãn tự băng bó vết thương” để sang mà nghe kẻ thù tiếp tục bóp nghẹt, chặt chém theo kiểu “đấm xong, nay xoa để còn đấm tiếp” cho đến khi ngã gục.
Thực chất Hội nghị Thành Đô 9-1990 là cách chạy tội của Trung Quốc khi đã là chủ mưu gây ra nạn diệt chủng ở Campuchia và gây ra chiến tranh biên giới phía Bắc, xâm chiếm Hoàng Sa, gây ra cuộc hải chiến rồi chiếm một số đảo, bãi đá ngầm ở Trường Sa. Nhưng cái chính là TQ bày ra Hội nghị Thành Đô với chủ đích vừa xoa dịu, vừa “cài bẫy”,  dùng lời lẽ ngon ngọt dụ dỗ Việt Nan để thực hiện “chiến lược xâm lược mềm”, “trỗi dậy hòa bình”, phá vỡ sự nghiệp đổi mới của Việt Nam, từng bước làm suy yếu Việt Nam, buộc VN phụ thuộc nhiều hơn vào TQ để đạt mục đích cuối cùng là xâm lược nước ta lần nữa. Đã quá thừa minh chứng để nhận diện bộ mặt thật của Trung Quốc. Hội nghị Thành Đô là thế, nhưng sau Hội nghị này, thấy Trung Quốc không tôn trọng Việt Nam, can thiệp quá sâu vào công việc nội bộ, nói mà không làm, lại liên tiếp gây căng thẳng để ép Việt Nam từ nhiều phía, thiết nghĩ rất cần nhanh chóng nhận diện mà cảnh giác. Cũng cần chỉ thẳng ra rằng, “diễn biến hòa bình”, “thế lực thù địch” không ai khác mà chính là Trung Quốc.
Suốt 25 năm qua, kể từ Hội nghị Thanh Đô (Tứ Xuyên) cái mồi câu“16 chữ vàng” và “4 tốt” cứ nhấp nhứ dần để chi phối Việt Nam về mọi mặt, từ chính trị đến kinh tế, ngoại giao và cả an ninh trật tự, văn hóa xã hội. với mưu đồ bành trướng, bá quyền, Trung Quốc muốn chiếm Việt Nam và cả Đông Dương để thực hiện mục đích thành lập tỉnh Quảng Nam. Ý đồ lăm le này càng thêm rõ suốt hơn nửa thế kỷ qua. Nhưng cho đến nay, từ lâu Trung Quốc đã có tỉnh Quảng Đông, Quảng Tây, còn tình Quảng Nam đầy mưu mô và tham vọng vẫn còn để dành, vẫn bỏ ngỏ để rồi “hãy đợi đấy!”. Tính đến hiện nay, trên toàn lãnh thổ Việt Nam từ Lạng Sơn đến Cà Mau, Trung Quốc đã thuê đất, xây dựng các cơ sở công nghiệp, dịch vụ, coi như "đứng chân" 24 địa danh, phần nhiều lại là những địa bàn 'hiểm yếu', có giá trị về chiến lược, chiến dịch quân sự(!?).
Khổ một nỗi là Đảng ta vì qua tin “ông bạn vàng”, “đàn anh” tốt, “cộng sản lớn”, mải miết bám theo “đoàn kết, hữu nghị, anh em, cùng lý tưởng cộng sản” mà từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ rồi cho đến nay vẫn chưa thoát ra được kịch bản, đạo diễn của Trung Quốc về những lĩnh vực trọng yếu và những tình huống mang tính bước ngoặt lịch sử. Tại sao mỗi lần nghe theo Trung Quốc là một lần thất bại, kể cả can thiệp về nhân sự, loại bỏ những người trong nguồn quy hoạch lãnh đạo có đức có tài, có chính kiến, đã nhiều lần bị trả giá quá đắt, mà cái tư tưởng “phủ phục thiên triều” vẫn chưa dứt ra được?
Không nhận diện ra tốt-xấu, phải-trái, không đánh giá được đâu là bạn, đâu là thù, không phân biệt đâu là mưu mô và đâu là “sự giúp đỡ chí tình”, hàm ơn vô lý, chính là sự tự sát. Không nhận diện đâu là cộng sản chân chính, đâu là vỏ bọc, giả hiệu thì còn “chạy việt dã vô cự ly”đến hết hơi rồi chịu gục ngã. Một nước đã Tuyên bố độc lập, thế nhưng do thiếu tính tự chủ, tin vào thứ Chủ nghĩa xã hội trá hình kiểu Tàu, trở thành con bài của Mao-ít, để rồi cung cúc đi theo, nghe xúi giục làm theo, trả giá biết bao lần mà nay chưa kiên quyết thể hiện tự chủ của một nước độc lập, cuối cùng chỉ chuốc lấy sự trì trệ và những mất mát, tang thương không lường hết được.
Đến lúc này mà còn ráng sức bơi ngược dòng, trung thành với những cam kết hoàn toàn do sự áp đặt rõ nhất và thâm hiểm nhất từ Hội nghị Thành Đô ngay trong dịp kỷ niệm 2-9-1990, những cài bẫy “16 chữ vàng, 4 tốt”, “chống diễn biến hòa bình”, "cùng lý tường, cùng ý thức hệ"…của Trung Quốc từ hơn 20 năm trước, rõ ràng là sự mắc mưu “Trung Cộng”, dẫn tới nguy cơ đưa đất nước vào kết cục bi thảm dưới bàn tay của Chủ nghĩa bành trướng mang đậm bán chất Đế quốc Đại Hán. Độc lập mà không biết tự chủ thì coi như độc lập chỉ là thứ hình thức không đủ trang sức, không có nghĩa lý gì! Cho nên rất cần tỉnh táo, cảnh giác cao độ, tránh được sự sai khiến, áp dặt để thực sự tự chủ tự quyết là điều không đơn giản.
Cũng là bài cũ, trò lường gạt ‘Cái gậy và củ cà rốt’, nhưng cái gạy thủ sẵn từ lâu của Trung Quốc nay đã to hơn, chắc hơn, không cần giấu sau lưng nữa, đã công khai huơ lên mấy lần đe dọa và rập rình đập chết “con mồi”, trong khi đó củ cà rốt có khắc số 16 CV+ 4T nay đã thối, teo quắt, chẳng lẽ ta cứ bài cũ mà làm theo? Để "xâm lược mềm", Trung quốc không từ bất cứ âm mưu, thủ đoạn nào, kể cả dùng tiền dụ dỗ, như một sự bố thí. Mới đây, một chuyện hết sức kỳ cục đã xảy ra hơn 2 năm trước, vào tháng 7-2013: Tướng Vũ Đông Lập, Cục trưởng Cục Quản lý biên phòng thuộc Bộ Công an Trung Quốc trong chuyến sang thăm và làm việc tại Việt Nam, đã thưởng “nóng” cho Đồn Biên phòng Móng Cái của Việt Nam 50 triệu đồng, dĩ nhiên là đồng Việt Nam. Nếu đồn biên phòng Móng Cái có chút tự tôn, tự trọng dân tộc thì không nhận khoản tiền đó.
            Cần có bản lĩnh Việt Nam, ý chí Việt Nam và mưu trí Việt Nam đã được hun đúc suốt hơn 4.000 năm lịch sử, khẳng định được quyền tự chủ trong công cuộc gìn giữ nền độc lập, tự do, bảo vệ vững chắc chủ quyền toàn vẹn lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc. Những hoạt động mang danh “hữu nghị” như: Thanh niên hữu nghị hai nước, biên giới hữu nghị, tuần tra chung trên biên giới và biển, hội chợ hữu nghị, giao lưu văn hóa hữu nghị…có là thực lòng, được bao nhiêu thực chất? Phải chăng, đó chỉ là những “đường lượn chiến thuật” ngoắt ngoéo của sâu đục thân đang làm héo mòn dần ý chí, năng lực, quyền tự chủ của Việt Nam, đang mang theo niềm tự hào 68 năm độc lập dân tộc?
Một điều cần nhìn nhận, đánh giá chuẩn xác từ thực tế chính tri.-xã hội hiện nay: Đảng, nhà nước, quốc hội, chính phủ đã làm được đầy đủ lời khẳng định, vừa là lời dạy này của Chủ tịch Hồ Chí Minh hay chưa?  “Nước ta là nước dân chủ, địa vị cao nhất là dân, vì dân là chủ” , "Nếu nước được Độc lập mà Nhân dân không được hưởng Hạnh phúc, Tự do, thì Độc lập cũng không có nghĩa lý gì" (HCM).
 Vững tin vào nhân dân, vững tin ở lòng yêu nước, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân tộc và tổng lực sức mạnh nội tại  (nội lực) của đất nước, có bản lĩnh và ý chí tự chủ và tự quyết dân tộc, thì nền độc lập, tự do mới trường tồn, lãnh thổ, lãnh hải được giữ vững. Nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm trong "Bài thơ Đất nước" đã viết:
... "Tuổi trẻ ơi trong sương gió tháng năm 
Ta đã lớn rồi, chín đầy hy vọng
Hãy ngã xuống tay Nhân dân, hỡi sắc vàng của nắng
Hỡi hương thơm của nồng mặn mồ hôi..
Hãy ngã vào tay Nhân dân, đừng vãi đừng rơi
Đừng do dự, đừng hoài nghi nữa
Hãy yêu Nhân dân và nghe Người nhắn nhủ
Hãy tìm sức mạnh mình trên cơ thể Nhân dân
Nhân dân đang đi lên đội ngũ trùng trùng
Thế vô tận của nghìn năm giết giặc
Lửa đã cháy hồng hào mặt đất
Mùa chín tình yêu, mùa chín hận thù!
- Không bao giờ xương máu phải bơ vơ
Ôi sông núi nghi ngàn dặm đất
Có nghe tiếng chúng con: Xin có mặt
Nguyện làm người xung kích của quê hương
Đây tiếng hát chúng con:
Tiếng hát xuống đường!" - (NKĐ).
BVB

NHỮNG ĐÁNH GIÁ PHIẾN DIỆN CỰC ĐOAN VỀ SỰ PHÁT TRIỂN ĐẤT NƯỚC
Bài của ANH QUÂN/ ND 31/8/2015
 
Ý nghĩa tích cực của việc đánh giá, phản biện… các sự kiện, hiện tượng trong xã hội trước hết phụ thuộc vào sự tiếp cận vấn đề một cách toàn diện, khách quan. Xa rời nguyên tắc xem xét này, sẽ dễ rơi vào xu hướng phiến diện, cực đoan,… làm sai lệch bản chất và tác động tiêu cực tới nhận thức của xã hội và công chúng.
 
Gần đây tại một hội nghị, một chuyên gia kinh tế có dẫn lại câu nói đùa của người ở Ngân hàng thế giới (WB) rằng: “Việt Nam có lẽ là mô hình kỳ lạ nhất thế giới… Đó là nước không chịu phát triển!”. Lập tức trên báo chí đã xuất hiện các bài viết như: Việt Nam là mô hình kỳ lạ nhất thế giới: Nước… không chịu phát triển!, Thêm những sự thật đắng lòng về kinh tế Việt Nam, Nghĩ về câu nói “một quốc gia không chịu phát triển”,…! Loại bài này lập tức được chia sẻ trên in-tơ-nét, kèm theo bình luận của một số “nhân sĩ, trí thức” vốn lâu nay vẫn lấy facebook làm môi trường sinh tồn. Việc khai thác thái quá một câu nói đùa đã không chỉ cho thấy lối đưa tin, bình luận phiến diện về một hội nghị, mà dường như còn cho thấy trong đó có sự thiếu khách quan của người viết? Bởi, dù sự phát triển đất nước còn chưa đáp ứng được những gì chúng ta mong mỏi, kỳ vọng thì cũng không nên sổ toẹt những thành quả mà chính người viết các bài báo ấy đã và đang được thụ hưởng. Bởi, dù ý kiến của người ở WB là điều để chúng ta cần tham vấn, thì cũng không nên nhân cơ hội này để soi mói, bới móc, rỉa rói,… Vì đó là một trong các phương diện thể hiện phẩm chất đạo đức nghề nghiệp của người làm báo.
Lâu nay trên in-tơ-nét và một số tờ báo (nhất là báo điện tử), cái nhìn phiến diện như đang tồn tại ở không ít người, trong đó có một số nhà báo, mà nổi lên là hiện tượng cắt xén ý kiến người khác, lấy câu nói chưa được cân nhắc cẩn trọng làm luận cứ chỉ trích. Từ lối tiếp cận như thế, họ la lối “văn hóa xuống cấp đến mức chạm đáy”, hoặc nhân danh quốc thể, họ rùm beng về “nỗi nhục quốc thể” khi ai đó tới Nhật Bản, I-ta-li-a, Thái-lan, Xin-ga-po,… chứng kiến dăm ba hành vi xấu của một số người Việt! Đó là lối đưa tin và bình luận bất chấp sự thật, khiến không thể không nghi ngờ động cơ của người viết? Ví như khi dẫn lại, bình luận câu nói đùa kể trên để đưa ra vài dự báo, kịch bản u ám, chẳng lẽ người viết không quan tâm khảo sát trên bình diện rộng để bài báo đạt tới chuẩn mực của sự khách quan? Bởi, ngược lại với lời than vãn của một số facebooker, blogger rằng “Việt Nam là nước không chịu phát triển” thì năm 2014 tổng sản phẩm quốc nội (GDP) Việt Nam đạt 186,20 tỷ USD (gấp 3,2 lần so với GDP năm 2006); từ năm 1985 đến năm 2014, tốc độ tăng trưởng GDP trung bình của Việt Nam đạt 6.3%; trong bảng xếp hạng Sức mua tương đương (PPP) Việt Nam xếp sau Ấn Độ. Như ý kiến của nhà báo E.Phin-le-tơn (E.Fingleton) thì đó là sự phát triển ngoài kỳ vọng. Trong bài báo Cán cân tương lai của Việt Nam: tương đồng với Trung Quốc hay Ấn Độ? (Weighing Vietnam’s future: China-style over-achiever or India-style over promiser?) trên forbes.com ngày 30-5-2015, ông viết: “Các số liệu thống kê về tình hình kinh tế Việt Nam cho thấy nước này đã gia tăng giá trị xuất khẩu của họ gấp 150 lần so với cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Rõ ràng nó vượt trội hơn Ấn Độ (tăng 30 lần) hay Trung Quốc (39 lần). Dĩ nhiên, Việt Nam có xuất phát điểm thấp hơn so với hai quốc gia trên. Dẫu vậy, con số này cũng vô cùng ấn tượng. Các số liệu về sức mua tương đương trên đầu người (PPP) của Việt Nam cũng đáng chú ý. Số liệu mới nhất cho thấy PPP của Việt Nam là 5.600 USD, nghĩa là bám đuổi gần kịp Ấn Độ với 5.800 USD… Khi so sánh PPP của Việt Nam trong những năm 80 chỉ đạt dưới 200 USD, Ấn Độ là 290 USD và Trung Quốc là 320 USD, sẽ thấy sự khác biệt lớn. Việt Nam đã thu hẹp khoảng cách với Ấn Độ khi PPP nước này tăng hơn 28 lần (Ấn Độ là 26). Dù chưa thể đứng ngang với Ấn Độ, Trung Quốc, nhưng Việt Nam đang cho thấy họ có triển vọng để thoát khỏi diện những quốc gia thuộc thế giới thứ ba”. Còn trong bài Làm thế nào để không mắc sai lầm trong việc xây dựng thương hiệu tại Việt Nam (How not to get blindsided building a brand in new Vietnam) cũng trên forbes.com ngày 23-6-2015, ông S.Mi-sơ-ra (S.Mishra) - Giám đốc điều hành một công ty quảng cáo tại Việt Nam, nhận định: “Việt Nam là chìa khóa quan trọng trong chiến lược phát triển của nhiều tập đoàn lớn (…) Hiện nay thị trường tại nhiều thành phố lớn ở Việt Nam đang bão hòa, nhưng lại có rất nhiều hứa hẹn tại những vùng nông thôn. Khác với In-đô-nê-xi-a, Trung Quốc hay Ấn Độ, trình độ hiểu biết của người Việt Nam ở các vùng nông thôn tương đối cao, sức mua sắm của họ khá lớn nhờ các cải cách về đất đai và nguồn lợi thu được từ xuất khẩu nông sản”… Đó là hai trong số rất nhiều nhận xét tích cực về sự phát triển kinh tế của Việt Nam. Tất nhiên, không vì thế chúng ta thỏa mãn với những lời khen, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam còn rất nhiều khó khăn, đang phải đối đầu với sự cạnh tranh quyết liệt trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, nhưng đó là các nhận xét khách quan, rất đáng tham khảo.
Trong khoa học, kỹ thuật và công nghệ cũng vậy. Đây là lĩnh vực Việt Nam còn tụt hậu so với thế giới, nhưng thật khó chấp nhận các ý kiến tiêu cực, phản ánh không đúng sự thật như: “nghịch lý kỹ sư đông, Việt Nam không làm nổi ốc vít”. Viết như thế, chẳng lẽ người ta không cần biết Việt Nam sản xuất thành công chip 24 bit đầu tiên (trước đó là chip SG8V1 được ứng dụng nhiều trong chế tạo máy điều hòa, máy đo huyết áp, điện kế điện tử, thiết bị giám sát hành trình)? Chẳng lẽ người ta không băn khoăn với câu hỏi nếu sản xuất - kinh doanh yếu kém liệu trong 7 tháng đầu năm 2015, doanh thu hợp nhất của FPT có đạt 22.535 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ (đáng chú ý trong đó khối Công nghệ doanh thu 4.138 tỷ đồng tăng 32%, lợi nhuận trước thuế 443 tỷ đồng, tăng 19%; Toàn cầu hóa đạt doanh thu 2.517 tỷ đồng, tăng 46% so với cùng kỳ…)? Rồi nhiều người lớn tiếng mạt sát, dè bỉu người đứng đầu Công ty an ninh mạng BKAV, nhưng cố tình quên không cần biết thành tích thầm lặng của BKAV khi tham gia phát triển công nghệ thông tin ở Việt Nam? Và thử hỏi họ nghĩ gì khi mới đây, lần thứ hai liên tiếp đại diện của Việt Nam giành chiến thắng tại cuộc thi ABU Robocon?
Tương tự với những hiện tượng nêu trên là sự nhìn nhận, đánh giá của một số cá nhân về văn hóa - xã hội. Những cụm từ như “nhục quốc thể”, “khát lòng nhân hậu”,… đang được một số người thích thú sử dụng trong khi chính họ có khi chưa từng đặt chân tới vùng sâu, vùng xa giúp đỡ người nghèo, chưa từng có mặt ở Ngày hội hiến máu nhân đạo... Gần đây, khai thác thông tin từ trang facebook một du khách Việt đến Expo Milano 2015 mà không rà soát, kiểm chứng, một tờ báo coi đó là “nhục quốc thể” và hàng nghìn “tín đồ mạng xã hội” lập tức xông vào bình phẩm, chê bai như chính họ có mặt ở Expo Milano 2015. Đến khi mọi thứ sáng tỏ, gian nhà trưng bày của Việt Nam tại Expo Milano 2015 được đánh giá là một trong 12 kiến trúc đẹp nhất tại đây, và có lượng du khách đông, ổn định… thì người ta lại quay ra vặn vẹo về “đạo ý tưởng”! Lẽ nào không bới móc, soi mói người khác thì những người như thế không thể sống nổi, như nhận xét của Ths Tâm lý Nguyễn Hà Thành trong bài Nhục quốc thể hay người Việt đang lên đồng tập thể đăng trên infonet.vn ngày 15-8-2015: “Nhục quốc thể là thứ chung chung, nhưng nếu ai ai cũng gào lên nhục quốc thể thì chẳng khác gì một cuộc lên đồng tập thể”. Với giáo dục cũng vậy, đó là vấn đề hệ trọng của mọi quốc gia, các vấn nạn mà giáo dục ở Việt Nam đang gặp phải như cải cách chương trình phổ thông, đào tạo theo chương trình chất lượng cao hay phổ cập giáo dục, bạo lực học đường, cải thiện môi trường giáo dục, phong cách dạy học… cũng là những thách thức buộc chúng ta phải giải quyết triệt để, có hiệu quả. Thế nhưng, lẽ ra cần suy nghĩ và đóng góp ý kiến một cách thiện chí với ngành giáo dục thì lại có người chỉ dựa trên ý kiến của một học sinh nhỏ tuổi để chỉ trích nặng nề, rồi lấy quan niệm giáo dục của một nhóm người ra làm “mẫu mực”? Đó là chưa kể góc nhìn và sự đánh giá bất công đối với nhiều lĩnh vực, ngành nghề khác trong xã hội. Mà hầu hết các quy kết kiểu này thường ra đời từ cảm nhận bâng quơ như “tôi thấy, tôi được nghe, có người nói với tôi, ai đó từng nhận xét…”. Cá biệt, có người còn mượn lời mấy “vị khách, chuyên gia giấu tên” là người nước ngoài như một giám đốc người Nhật Bản, một du khách đến từ I-ta-li-a, một nhà khoa học đến từ tổ chức A, B, C… Tất cả đều là ý kiến “khẩu thiệt vô bằng” của mấy cá nhân không xác định danh tính, nhưng vẫn được người ta coi là bằng chứng, luận điểm để đem tới hội nghị, hội thảo, diễn đàn hoặc đưa lên mạng xã hội. Và thật kỳ lạ khi một số nhà báo thay vì tìm kiếm các ý kiến khách quan, có cứ liệu chi tiết, cụ thể, phân tích xác thực,… lại chỉ chăm chăm soi mói, tìm kiếm quan điểm phiến diện, trái ngược để đưa vào bài viết!
Sau gần 30 năm tiến hành công cuộc đổi mới đất nước, Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ, không thể phủ nhận. Nhưng khi phát triển chưa tương ứng với điều chúng ta mong mỏi thì mọi công dân cần nỗ lực, toàn tâm, toàn ý đóng góp đẩy nhanh sự phát triển. Và khi đánh giá, phản biện cần tỉnh táo, phân tích khách quan, toàn diện để đưa ra ý kiến đúng đắn, có tính xây dựng. Còn đánh giá, phản biện theo lối cảm tính, chủ quan, thậm chí từ tâm thế hằn học, thì chỉ cản trở sự phát triển, xúc phạm những tập thể, cá nhân vẫn đang ngày ngày đóng góp trí tuệ, tài năng cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
 
ANH QUÂN
 
 

Chủ Nhật, 30 tháng 8, 2015

20150830. NHỮNG NGÔI NHÀ ĐỘC ĐÁO NHẤT TRÊN THẾ GIỚI

ĐIỂM BÁO MẠNG
"SỬNG SỐT" TRƯỚC NHỮNG NGÔI NHÀ ĐỘC ĐÁO NHẤT THẾ GIỚI
Theo LAO ĐỘNG/ BĐS 29/8/2015
Những công trình kiến trúc hiện đại đã mang đến những tòa nhà đẹp tuyệt vời cho thế giới. Những hình dạng kỳ quặc, thiết kế đầy tham vọng, vật liệu mới tất cả làm nên những ngôi nhà mà ở đó không chỉ được coi là nơi để chúng ta sống mà hơn thế đó còn là những tác phẩm nghệ thuật.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
1.Nhà uốn vẹo – Ba Lan: Đây là một trung tâm mua sắm ở thành phố Sopot – Ba Lan. Nó được thiết kế bởi Szotyńscy & Zaleski người đã được lấy cảm hứng từ các hình ảnh minh họa câu chuyện cổ tích và bản vẽ của Jan Marcin Szancer và Per Dahlberg để tạo ra kiệt tác này.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
2. Nhà đá – Bồ Đào Nha: Ngôi nhà đá ở Bồ Đào Nha được xây dựng giữa hai tảng đá lớn và giống như những ngôi nhà hiện đại khác nó cũng có cửa chính, cửa sổ hay bất kỳ một bộ phận nào khác.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
3. Tòa nhà nhảy múa – Cộng hòa Séc: Đây là biệt danh của tòa nhà Nationale Nederlanden ở Cộng hòa Séc. Những tòa nhà như đang ôm nhau và cùng nhảy trên một điệu nhạc.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
4. Bảo tàng nghệ thuật lịch sử Niteroi – Brazil: Đây là một trong những địa danh chính ở thành phố Rio De Janeiro – Brazil. Tòa nhà này có kiến trúc như từ một thế giới khác.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
5. La Pedrera – Tây Ban Nha: Tòa nhà được thiết kế bởi kiến trúc sư Catalan Antoni. Đây là một thiết kế khá táo bạo với mặt tiền bằng đá nhấp nhô. Du khách có thể đi lên tầng trên cùng và ngắm nhìn thành phố này từ trên cao.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
6. Habitat 67 – Canada: Habitat 67 được coi là một điểm nhấn về kiến trúc ở Canada, với hình dáng như những khối mà trẻ em dùng để chơi xếp hình.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
7. Forest Spiral – Đức: Forest Spiral là một tổ hợp những tòa chung cư ở Darmstadt – Đức. Tòa nhà này được thiết kế bởi nghệ sỹ người Áo Fridensreich Hundertwasser, với kiến trúc như những vòng xoáy mang lại sự bắt mắt và cảm giác ấm áp cho mọi người.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
8. Viện bảo tàng môi trường sinh quyển – Montreal: Đây là một bảo tàng được xây dựng riêng cho môi trường. Công trình này từng là nơi xuất hiện trong những cảnh phim “Lời chào từ Trái Đất”, “Kỷ băng hà”,…
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
9. Tòa nhà lập phương – Hà Lan: Những ngôi nhà này được thiết kế bởi kiến trúc sư Piet Blom. Ngôi nhà là những hình khối lập phương, với 38 ngôi nhà đều có kích thước và hình dạng như nhau.
kiến trúc độc đáo, các tòa nhà kì lạ, tòa nhà độc đáo, tác phẩm nghệ thuật
10.Trung tâm biểu diễn nghệ thuật quốc gia - Trung Quốc: Đây được coi như một nhà hát opera ở Bắc Kinh, một mái vòm hình elip làm bằng titan và kính bao quanh bởi một hồ nước nhân tạo. Công trình này có sức chứa lên đến hơn 5000 người.
Theo Lao động