ĐIỂM BÁO MẠNG
- Mỹ cố đưa ra một thông điệp cân bằng (TT 8-6-15) -- P/v Bonnie Glaser-Công cụ ‘tái cân bằng’ của Mỹ ‘chỉ lợi Việt Nam’? (TVN 8/6/2015)-“Còn sớm để nói lãnh đạo VN sẽ ngả về đâu” (BVN 9/6/2015)-Gần Mỹ tốt hơn cho Việt Nam? (BVN 9/6/2015)- TS Đoàn Xuân Lộc/BBC
- Trung Quốc dùng thế nước lớn ức hiếp nước yếu là bất nhân (NLĐ 8-6-15) -VN theo dõi chặt chẽ tàu thăm dò dầu khí TQ (VNN 9/6/2015)-TQ đang thành nước ‘khát’ nhất khu vực (TVN 9/6/2015)-Sóng biển Đông trong chuyến công du của Thủ tướng (TVN 9/6/2015)-Chuyện bên lề chuyến công du ba châu lục của Thủ tướng (TVN 9/6/2015)-Đặng Tiểu Bình đã góp phần tạo ra một nước Trung Hoa tham nhũng như thế nào? (BVB 9/6/2015)- Bào Đồng
- Hiện trạng đất nước - Những vấn đề đặt ra cho Đại hội XII (Kỳ 2) (BVN 9/6/2015)- Nguyễn Trung-Phe đảng hướng Mỹ: Ai biến giới dân chủ thành vật hy sinh? (BVN 9/6/2015) - Phạm Chí Dũng-Hiến Chương 2015: Bản cam kết cùng "tương trợ và bảo vệ" nhau trước sự đàn áp, sách nhiễu của chính quyền (BVN 9/6/2015)
- Bí thư TP. Hội An từ chức: Suy nghĩ của người có lòng tự trọng! (infonet 8-6-15) -- P/v Dương Trung Quốc-Ai chưa dám làm như Nguyễn Sự...(VNN 9/6/2015)-Ông Nguyễn Sự: Hội An không có văn hóa phong bì DN với quan chức (Vef 9/6/2015)-Khi ông Sự cáo quan về vườn (BVB 8/6/2015)- Trần Tuấn-Việt Nam nhiều thứ “nhất thế giới”, du khách vẫn không mặn mà (!) (DT 8-5-15) -
- Bộ trưởng Bùi Quang Vinh: 'Không có doanh nghiệp FDI, Việt Nam sẽ rất khó khăn' (VnEx 8-6-15) "Chúng tôi chỉ nhập tôm chứ không nhập nước đá"(TT 8-6-15)-Quan hệ thương mại Việt Nam – Trung Quốc không như báo cáo (NĐT 8-6-15) Báo động: 20 tỷ USD nhập siêu từ Trung Quốc không "ai" biết (infonet 8-6-15)-Trung Quốc tham gia TPP: Việt Nam sẽ mất lợi thế? (ĐV 8-6-15) -Bộ trưởng KH&ĐT: TQ mua vải VN xuất ngược đi Myanmar (VNN 9/6/2015)- diễn dàn quốc hội-'Tôi không xu nịnh lãnh đạo' (VNN 8-5-15) -- ĐB Trần Khắc Tâm -Chấn động nghị trường: 20 tỉ USD hàng TQ lọt vào VN không qua kiểm soát (BVN 9/6/2015)-Anh Đào
- Lấy ngân sách bồi thường ông Chấn: 'Con dại cái mang' (VNN 9/6/2015)-Bắc Ninh: Hàng trăm công nhân bị “nghỉ việc không thời hạn” (LĐ 8-6-15)-Người dân đang phải gánh hơn 300 loại phí, lệ phí (BVB 9/6/2015)-
- 'Hồ sơ trứ danh' của Quảng 'nổ' (VNN 29-5-15) -- Đột nhập xưởng sản xuất Bphone 'không thể tin nổi' (ĐSPL 8-5-15) "Nhà máy của sản xuất Bphone hiện nay được đặt tại Cầu Giấy, lọt thỏm trong con ngõ nhỏ và được vây quanh bởi các điểm bán xe hơi..."
- Bộ trưởng Tiến: Kiểm tra facebook khi trên ô tô (ĐV 8-6-15) -
- TS. Đàm Quang Minh, hiệu trưởng đại học FPT: Lãng mạn là một phần tất yếu của thành công (TGTT 8-6-15) -Khi niềm tin vào khoa học bị sứt mẻ (tuan's blog 8/6/2015)- GS Nguyễn Văn Tuấn-Dân trí Việt Nam cao hay thấp? (VNN 9/6/2015)-Những tổ chức nào của Việt Nam có lượng công bố quốc tế tốt nhất? (VNN 9/6/2015)-Những thủ khoa trượt công chức đang làm gì? (VNN 9/6/2015)
- Nhà thơ Dương Thuấn: Ba quả tim của đàn ông (TP 7-6-15)
"LỢI ÍCH NHÓM " VÀ "CHỦ NGHĨA TƯ BẢN THÂN HỮU - CẢNH BÁO NGUY CƠ
Bài của TS VŨ NGỌC HOÀNG */ TCCS 2/6/2015
TCCS - Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định một trong những nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”. Bởi vì, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) sẽ làm cho sự phát triển của đất nước và lợi ích quốc gia, dân tộc suy yếu và tổn thất nghiêm trọng; nhân dân bị tước đoạt quyền lực và lợi ích; thành quả cách mạng và chế độ chính trị - xã hội không được bảo vệ, dẫn đến đổ vỡ.
Lợi ích chính đáng (của một người, một nhóm) là lợi ích phù hợp với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc, góp phần và bổ trợ cho lợi ích chung; không mâu thuẫn, không gây thiệt hại cho lợi ích chung. Lợi ích chính đáng luôn là mục tiêu và động lực đối với hoạt động của con người, cần được tôn trọng, bảo vệ và khuyến khích. Quên điều này, không quan tâm đến lợi ích chính đáng của con người, ngăn cản các lợi ích chính đáng ấy, thì sự lãnh đạo và quản lý xã hội không thể thành công, mà trước sau gì nhất định cũng sẽ thất bại.
Ngược lại, “lợi ích nhóm” (theo nghĩa tiêu cực) thì mâu thuẫn với lợi ích chung của quốc gia, dân tộc; gây hại cho lợi ích chung, cho cộng đồng, làm suy yếu và gây tổn thất nghiêm trọng đối với lợi ích chung. “Lợi ích nhóm” là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc hình thành các “nhóm lợi ích”. Đặc điểm của các “nhóm lợi ích” là có sự kết hợp cùng mục tiêu lợi ích, cùng hành động, cùng phân chia lợi ích, giữa những người có nhiều tiền với những người có quyền lực trong nhà nước và trong đảng cầm quyền. Có tiền chuyển hóa thành có quyền lực. Có quyền lực chuyển hóa thành có tiền. Người có tiền sẽ có quyền lực và người có quyền lực sẽ có tiền. Họ cùng nhau hành động để có quyền lực và có tiền ngày càng nhiều hơn. Đồng tiền cộng với quyền lực tạo thành sức mạnh khống chế, lũng đoạn tổ chức và xã hội. Nhận thức sự quan trọng của thông tin, “nhóm lợi ích” còn móc nối, “kết nạp”, kết hợp với một số nhóm truyền thông không lành mạnh để tác động chi phối dư luận theo hướng có lợi cho “nhóm lợi ích” và xuyên tạc vu cáo những người, những doanh nghiệp không cùng nhóm để tranh quyền lực và lợi ích. “Lợi ích nhóm” sẽ kéo theo và song hành với tham vọng quyền lực và tham vọng tiền bạc.
Ở nước ta, trong lãnh đạo, người đầu tiên công khai hóa và nêu lên sự cần thiết phải đấu tranh với “lợi ích nhóm” là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (phát biểu tại Hội nghị Trung ương 3 khóa XI). Sau Tổng Bí thư, một vài đồng chí lãnh đạo khác của Đảng và Nhà nước cũng có nói đến, mặc dù chỉ mới thoáng qua và nói chung, chưa có chỉ đạo gì quyết liệt trong việc ngăn ngừa, phòng chống “lợi ích nhóm”. Trong giới khoa học của Việt Nam đã có một số nghiên cứu, chưa nhiều và mới ở dạng lý thuyết chung, chưa gắn với thực tế tình hình nước ta. Các nhà nghiên cứu trên thế giới đã có nhiều tài liệu nghiên cứu vấn đề này, gắn với quá trình phát triển của một số quốc gia. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 4 khóa XI của Đảng Cộng sản Việt Nam “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đã xác định nhiệm vụ quan trọng phải đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.
Hiện nay, “lợi ích nhóm” và hoạt động của “nhóm lợi ích” ở nước ta đã và đang diễn ra ở hầu hết các lĩnh vực quan trọng. Đó là trong quản lý doanh nghiệp nhà nước, quản lý dự án đầu tư, nhất là đầu tư công; trong quản lý ngân sách, thuế, quản lý ngân hàng - tín dụng; trong quản lý các nguồn vốn và chương trình đầu tư về xã hội, trong quản lý tài sản, đất đai, bất động sản, tài nguyên khoáng sản, xuất nhập khẩu; trong công tác cán bộ, quản lý biên chế; trong quản lý việc cấp các loại giấy phép; kể cả trong các vụ án, trong tham mưu về chủ trương, chính sách và trong điều hành. Đi sâu vào nghiên cứu các vụ tiêu cực, tham nhũng có tổ chức, các vụ, việc mà dư luận có nhiều ý kiến thì sẽ có nhiều thông tin cụ thể về tình hình “lợi ích nhóm” ở Việt Nam. Tức là tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến và khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động.
“Lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” có tác hại gì? Trước nhất, nó làm cho đất nước bị tổn thất các nguồn lực và giảm hiệu quả đầu tư, bị kìm hãm không thể phát triển nhanh, thậm chí không thể phát triển bình thường, mất sức sống, nền kinh tế sẽ bị khiếm khuyết, dị tật, kinh tế “ngầm”, thị trường “ảo”, chụp giật, hoang dã, khống chế và “thanh toán” lẫn nhau để giành độc quyền, làm hỏng môi trường phát triển lành mạnh và bình đẳng cho tất cả các doanh nghiệp. Hầu hết các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” kéo dài nhiều thập niên, thậm chí kéo dài hàng thế kỷ, loay hoay mãi, lùng bùng mãi, không làm sao thoát ra được để trở thành một quốc gia phát triển là do “lợi ích nhóm” - nguyên nhân trực tiếp và hàng đầu. Với sự chi phối của các “nhóm lợi ích”, nguồn lực quốc gia bị phân bổ và sử dụng không vì lợi ích chung của quốc gia, mà nhằm hướng phục vụ cho “lợi ích nhóm”; việc bố trí đầu tư, sắp xếp dự án và kể cả ban hành chính sách, điều hành xử lý công việc cũng vậy.
Nước ta sau mấy chục năm công nghiệp hóa, đến nay năng suất lao động xã hội vẫn thấp (vào loại thấp nhất khu vực Đông Á), hiệu quả đầu tư kém, nợ nần nhiều mà chưa rõ trả bằng cách nào, khi mà hiệu quả đầu tư (sử dụng nguồn vay ấy) còn kém; thu nhập thấp, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu hầu như không có, các chương trình nội địa hóa không thành công, chủ yếu là làm thuê và cho thuê mặt bằng, nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Nhìn lại nguyên nhân các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” và nhìn lại tình hình nền kinh tế của ta thì thật đáng lo ngại.
Hậu quả thứ hai do “nhóm lợi ích” gây ra là nhất định sẽ chệch hướng khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa chân chính (và cũng xa lạ với chủ nghĩa tư bản hiện đại), đất nước đi theo một con đường khác, sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, đó là con đường không có tiền đồ và rất nguy hiểm, không có tự do và dân chủ (vì bị “nhóm lợi ích” độc quyền về kinh tế và chính trị thâu tóm, lũng đoạn), để lại hậu quả lâu dài mà dân tộc phải gánh chịu. Chúng ta mong muốn xây dựng một xã hội trên nền tảng của các giá trị nhân cách thì “nhóm lợi ích” lại thúc đẩy đồng tiền cộng với quyền lực chiếm địa vị thống trị. Thực chất “nhóm lợi ích” là đồng tiền (tư bản) chi phối quyền lực, trực tiếp tham gia giành và chiếm giữ quyền lực, làm cho quyền lực không còn là của nhân dân, cũng có nghĩa là chệch khỏi mục tiêu xã hội chủ nghĩa (chân chính). “Lợi ích nhóm” và “nhóm lợi ích” có từ rất sớm, ít nhất là từ buổi đầu của thời kỳ phong kiến; nhưng sang thời kỳ tư bản chủ nghĩa thì nó phát triển và diễn biến phức tạp hơn, kể cả trình độ, quy mô và tính chất. Trong Chủ nghĩa tư bản “hoang dã”, “mông muội”, các “nhóm lợi ích” hoạt động phổ biến, công khai, tích lũy và tập trung tư bản bằng mọi thủ đoạn, kể cả bạo lực, giết người.
Nhân đây, trước khi nói đến hậu quả thứ ba do “nhóm lợi ích” gây ra, xin nói rõ hơn về “chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Suốt mấy trăm năm nay, qua quá trình cạnh tranh, qua đấu tranh xã hội, chịu sự tác động của các quy luật khách quan về kinh tế và xã hội, chủ nghĩa tư bản buộc phải liên tục điều chỉnh. Ngày nay, chủ nghĩa tư bản hiện đại đã có những điều chỉnh rất đáng ghi nhận; tạo ra nhiều thành tựu và một số nước đạt trình độ phát triển cao, tính chất xã hội hóa sản xuất cao hơn, đang dần dần từng bước tạo ra các nhân tố mới của xã hội tương lai (xã hội xã hội chủ nghĩa). Đồng thời với quá trình tiến hóa tự nhiên ấy, trong thực tiễn thế giới tư bản còn xuất hiện một khuynh hướng khác, một khuynh hướng không lành mạnh, không bình thường, một khuynh hướng tha hóa, đó là “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, một loại hình nguy hại cho sự phát triển của các quốc gia. Nước nào rơi vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thì không ngóc đầu lên được. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” thực chất là sự bành trướng, biến dạng, biến tướng, sự thoái hóa cao độ của “nhóm lợi ích” gây ra. Đây là một loại hình rất lạc hậu, khác xa so với chủ nghĩa tư bản hiện đại (chủ nghĩa tư bản hiện đại có nhiều mặt tiến bộ, mà chúng ta cần nghiên cứu để học tập kinh nghiệm) và tất nhiên là càng xa lạ với chủ nghĩa xã hội văn minh.
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” còn có các cách gọi khác nhau, là “chủ nghĩa tư bản lợi ích”, “chủ nghĩa tư bản bè phái”, “chủ nghĩa tư bản bè cánh”, “chủ nghĩa tư bản lũng đoạn”,... “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” không phải là một giai đoạn của chủ nghĩa tư bản, mà là một hiện tượng, một khuyết tật, một sự tha hóa của chủ nghĩa tư bản. Đây là loại hình “phát triển” mà trong đó các doanh nghiệp dựa vào ưu thế về mối quan hệ với những người có quyền lực để tạo ra nguồn thu tài chính cho cá nhân và đơn vị mình. Các doanh nghiệp này tập trung đầu tư vào “quan hệ”, vào “quan chức” để từ đó mà dùng quyền lực tạo ra lợi nhuận siêu ngạch. Đặc trưng của “chủ nghĩa tư bản thân hữu” là có sự cấu kết, xâm nhập lẫn nhau giữa nhóm đặc quyền kinh tế và nhóm đặc quyền chính trị, người kinh doanh cũng đầu tư vào quyền lực và người có quyền lực cũng tham gia kinh doanh, làm quan chức để làm giàu, họ cùng nhau bóc lột “mềm” toàn xã hội, bóc lột cả dân tộc, họ thâu tóm các nguồn tài chính, của cải và thâu tóm quyền lực chính trị, biến bộ máy nhà nước thành công cụ của một nhóm người (nhân danh nhà nước và đảng cầm quyền) thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp với độc quyền chính trị. Nói họ thực hiện bóc lột “mềm” là vì không có hình thức tổ chức sản xuất - kinh doanh cụ thể để trực tiếp bóc lột giá trị thặng dư của lao động, sự bóc lột của họ tinh vi hơn, nhưng tai hại hơn, gây hậu quả rất nghiêm trọng. Sự bóc lột ấy thực hiện thông qua các dự án, các chương trình đầu tư; thông qua các cơ chế, chính sách (không phục vụ cho toàn xã hội mà phục vụ cho một nhóm người) và thông qua cách điều hành, cách quản lý mập mờ, không minh bạch, gây tiêu cực, tham nhũng... Họ thu lợi thông qua các công ty “sân sau”, công ty con, công ty cháu, công ty nhánh của gia đình, của “cánh hữu”. Nó ra đời trong (và gắn với) chủ nghĩa tư bản “man rợ”, chủ nghĩa tư bản “dã man”, chứ không phải chủ nghĩa tư bản văn minh.
Rất đáng lưu ý là, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” không chỉ có trong xã hội tư bản (yếu kém và tha hóa) mà còn có trong các xã hội khác, ở các nước mới bắt đầu vận hành nền kinh tế theo mô hình kinh tế thị trường, khi mà ở đó “lợi ích nhóm”, “nhóm lợi ích”, “lợi ích bè phái”, “tính thân hữu vì lợi ích” đang nổi lên và hoành hành; khi mà đảng cầm quyền cùng nhà nước do nó lãnh đạo bị suy thoái về đạo đức, tham nhũng trở nên phổ biến và pháp luật không được tuân thủ trong sự quản lý đất nước, quản lý xã hội (tức là trình độ quản trị quốc gia yếu kém). Thực tiễn thế giới cho thấy, “chủ nghĩa tư bản thân hữu” kìm hãm sự phát triển của quốc gia, làm cho đất nước rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” hàng thế kỷ không ra được, làm băng hoại đạo đức xã hội (do lệch chuẩn giá trị); làm méo mó, biến dạng các chủ trương, đường lối; gây nên các khuyết tật của nền kinh tế và của xã hội, để hậu quả lâu dài. “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất phát từ các nguyên nhân, nguồn gốc: “Lợi ích nhóm” tiêu cực, các dạng ma-phi-a, tham nhũng có tổ chức, sự suy thoái đạo đức của cán bộ có chức quyền, không có cơ chế kiểm soát quyền lực, để quyền lực tha hóa và không có cơ chế tốt để nhân dân làm chủ và có quyền lực thật sự, trình độ và năng lực quản trị quốc gia yếu kém, luật pháp còn nhiều kẽ hở và việc chấp hành pháp luật không nghiêm, bảo kê, bao che và dung túng cho các sai phạm. Ở đâu và khi nào mà “nhóm lợi ích” không bị ngăn chặn có hiệu lực, hiệu quả, mà để nó phát triển mạnh, lan tràn, hoành hành, vai trò của Nhà nước lành mạnh bị vô hiệu hóa, thì ở đó, tất yếu sẽ kéo theo “chủ nghĩa tư bản thân hữu” xuất hiện và tồn tại, không thể tránh được, không thể khác được, dù có muốn hay không.
Lâu nay Đảng ta đã nhiều lần lưu ý nguy cơ chệch hướng. Nếu chệch hướng thì sẽ chệch đi đâu? Chắc không thể trở lại chế độ phong kiến, vì trình độ phát triển đã vượt qua. Cũng không thể chệch sang chủ nghĩa tư bản phát triển văn minh, vì trình độ phát triển của nước ta chưa đạt đến, và nếu vậy thì có ý kiến cho rằng cũng không đáng sợ, bởi chúng ta sẽ gần hơn với chủ nghĩa xã hội. Khả năng lớn nhất, hiện hữu và cũng đáng sợ nhất, nguy hiểm nhất là chệch hướng sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, con đường nguy hại cho sự phát triển của quốc gia, dân tộc, đồng thời cũng nguy hại cho chế độ chính trị - xã hội.
Trở lại hậu quả của “nhóm lợi ích”. Hậu quả thứ ba do “nhóm lợi ích” gây ra là sự suy đồi về văn hóa, đạo đức xã hội do hệ giá trị bị đảo lộn (đồng tiền và quyền lực chiếm vị trí trung tâm và cao nhất, trong khi nhân cách bị đẩy sang bên cạnh và xuống hàng thứ yếu) và do tha hóa quyền lực (tác nhân mạnh nhất). Việc phân hóa giàu - nghèo sẽ ngày càng lớn, tạo ra bất bình đẳng và mâu thuẫn xã hội. Hỏng văn hóa và gây ra mâu thuẫn xã hội thì hậu quả khôn lường, thâm sâu và lan tỏa rộng trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, ảnh hưởng đến nền tảng xã hội và sức mạnh nội sinh của dân tộc.
Hậu quả thứ tư do “nhóm lợi ích” gây ra là làm lẫn lộn thật - giả, đúng - sai, khác nhau giữa lời nói và việc làm, đường lối đúng không vào được cuộc sống...; làm mất lòng tin của nhân dân đối với đảng cầm quyền và đối với nhà nước, tức là làm hỏng nền tảng chính trị, dẫn đến mất ổn định chính trị, mất sức mạnh của một quốc gia, và từ đó các thế lực xâm lăng từ bên ngoài có thể lợi dụng thời cơ để xâm lấn, chèn ép, dẫn đến nguy cơ mất độc lập, thậm chí là mất nước.
Hậu quả thứ năm do “nhóm lợi ích” gây ra là chính sách sử dụng cán bộ méo mó, phát triển nạn “chạy chức”, “chạy quyền”, sắp xếp cán bộ trên cơ sở “quan hệ, tiền tệ, hậu duệ”, chứ không phải sử dụng người có tài đức, làm hư hỏng đội ngũ cán bộ; là sự phát triển, sự gia tăng các hoạt động bè phái, mất đoàn kết nội bộ, phá vỡ các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của đảng cầm quyền, từ đó dẫn đến đảng cầm quyền mất vai trò lãnh đạo, tan rã hoặc bị “nhóm lợi ích” thâu tóm làm thay đổi hoàn toàn bản chất, không còn là đảng phục vụ nhân dân, và nhà nước cũng hư hỏng, biến chất, không còn là nhà nước của nhân dân, mà thành bộ máy cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân, từ đó, nòng cốt chính trị đổ vỡ, bất ổn định chính trị từ bên trong.
Tình hình “nhóm lợi ích” ở Việt Nam đã đến mức độ nào? đang và sẽ đi về đâu? Như chúng ta đã biết, trước đây trong lịch sử nhiều lần các triều đại phong kiến Việt Nam bị sụp đổ, kể cả có lúc đất nước bị chia cắt là do “nhóm lợi ích” gây nên. Ngày nay, tuy chưa có các công trình nghiên cứu cấp quốc gia một cách thật đầy đủ và khoa học về “lợi ích nhóm ở Việt Nam”, nhưng qua thông tin, qua dư luận xã hội, qua nghiên cứu của một số chuyên gia và cảm nhận của nhiều người, thì tình hình “lợi ích nhóm” đã khá nghiêm trọng, tương đối phổ biến, ở cấp nào cũng có, cấp cao hơn thì mức độ càng nặng hơn, ở lĩnh vực nào cũng có, kể cả ở những nơi mà xưa nay trong tiềm thức xã hội thường cho rằng đó là nơi luôn trang nghiêm, trong sạch. “Lợi ích nhóm” cũng chính là một kiểu tham nhũng nghiêm trọng nhất, tham nhũng có tổ chức. Mặc dù Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều cố gắng trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, nhưng thực tế xã hội vẫn diễn ra một tình hình rất đáng lo ngại là ở nước ta đang có nguy cơ chuyển biến dần dần sang “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, do hoạt động của “nhóm lợi ích” gây nên. Cũng có ý kiến cho rằng nước ta đã rơi vào “chủ nghĩa tư bản thân hữu” rồi, đã vào sâu lắm rồi (?). Ở các nước, việc quản lý nhà nước và việc điều hành kinh tế tách biệt rành mạch, và ở họ doanh nghiệp nhà nước cũng ít hơn ta. Còn ở ta, với đặc điểm cơ quan nhà nước vừa quản lý về mặt nhà nước, vừa trực tiếp điều hành kinh tế, doanh nghiệp nhà nước nhiều, lại yếu kém trong quản lý, không ít trường hợp đằng sau cái vỏ doanh nghiệp nhà nước là tư nhân núp bóng, vì vậy, đề phòng “lợi ích nhóm” ở Việt Nam còn phức tạp hơn các nước khác, nếu không đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả. Đây là nguy cơ lớn nhất đang hiện hữu dần, đe dọa sự phát triển lành mạnh của đất nước và sự tồn vong của chế độ theo định hướng xã hội chủ nghĩa (lành mạnh). Nguy cơ này bao trùm, đáng lo hơn bất kỳ sự đe dọa nào, tác động chi phối chính, làm trầm trọng các nguy cơ khác, tạo điều kiện cho các nguy cơ khác phát triển và gây tác hại. Đây là điểm lớn nhất, cốt lõi nhất của cuộc đấu tranh về quan điểm lập trường; là trọng tâm trong chống “tự diễn biến”. Nếu Đảng và Nhà nước ta không ngăn chặn được hoạt động của “nhóm lợi ích”, để nó tiếp tục phát triển, dẫn đến lũng đoạn ngày càng lớn hơn thì sự phát triển của đất nước bị nguy khốn và chế độ chính trị cũng biến chất, cũng thay đổi theo hướng xấu, chắc chắn không còn là con đường xã hội chủ nghĩa chân chính nữa, mà sẽ là nơi phát triển “chủ nghĩa tư bản thân hữu”, mong muốn của hàng triệu đảng viên cộng sản và nhân dân đã chiến đấu, hy sinh xương máu sẽ trở nên xa vời và vô vọng, mong muốn thiết tha của Bác Hồ cũng không thực hiện được, Đảng chân chính sẽ không còn và Nhà nước sẽ biến chất, dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt quyền lực và tài sản của cải, chế độ xã hội sẽ là một chế độ không có dân chủ và tự do, không có bình đẳng. Lúc này, hơn lúc nào hết, các cấp ủy và toàn Đảng phải nhận thức rõ nguy cơ và quyết tâm bảo vệ quyền lợi dân tộc, thành quả cách mạng và bảo vệ chính Đảng ta, không để Đảng bị “nhóm lợi ích” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thao túng, làm hư hỏng, biến chất, dẫn đến đổ vỡ.
Chống “lợi ích nhóm” là công việc hết sức khó khăn, phức tạp, vì không rõ “chiến tuyến”, thường ở trong trạng thái lẫn lộn trắng đen, trong nó có ta và trong ta có nó, vừa là ta lại vừa là nó. Ngoài việc cần nhận thức đầy đủ và sâu sắc tình hình và nguy cơ, cần thảo luận rộng rãi trong Đảng và trên công luận. Đảng và cả hệ thống chính trị phải kiên quyết đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, hết sức hệ trọng và cấp bách; tập thể lãnh đạo từ cấp cao nhất cần có quyết tâm chính trị và thật sự gương mẫu trong việc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”, sử dụng tất cả các biện pháp có thể; khẩn trương nghiên cứu ban hành bổ sung, điều chỉnh các cơ chế kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân và công luận); cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần; tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính; đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý, đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”./.
* Vũ Ngọc Hoàng-TS. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương
MẠN ĐÀM THÊM VỚI ÔNG PHÓ TRƯỞNG BAN TUYÊN GIÁO TRUNG ƯƠNG
Bài của TÔ VĂN TRƯỜNG/ BVN 13/6/2015
TS Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Trung ương Đảng, phó ban thường trực Ban tuyên giáo Trung ương, ngay từ khi còn làm giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư , rồi Chủ tịch, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam nổi tiếng là người thông minh, tâm huyết, chịu khó nghiên cứu và thẳng thắn.
Tuy nhiên, khi mới được đọc bài viết gần đây của ông tiêu đề : ”Lợi ích nhóm” và “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” – cảnh báo nguy cơ”đang trên Tạp chí cộng sản, tôi thấy cần phải trao đổi lại với tác giả xung quanh nội dung bài viết nói trên.
Xin nói rõ hơn trong bối cảnh “đãi cát tìm vàng” hiện nay, người lãnh đạo đương chức dám viết và dám nói thẳng những suy nghĩ của mình trên báo “lề phải” như ông Vũ Ngọc Hoàng vẫn là của hiếm, rất đáng trân trọng cho nên mục đích bài viết này không phải là “mổ xẻ” phê phán mà là góp ý, mạn đàm với ông Vũ Ngọc Hoàng cho rõ hơn những vấn đề mà chúng ta cùng quan tâm.
Nhắc đến ông Vũ Ngọc Hoàng, tôi lại nhớ đến ông Nguyễn Sự, Bí thư Hội An (thuộc tỉnh Quảng Nam) vừa mới chủ động cáo quan về hưu sớm trước 2 năm, được người dân quý trọng gọi là ông quan tử tế. Quả thật, ít lâu nay mỗi khi mở ti vi mà thấy mục “việc tử tế” là tự nhiên tôi thấy khó thở. Bởi lẽ, việc tử tế (tiếng Nam là “đàng hoàng”) – hàm cái nghĩa là lẽ đương nhiên trong lẽ đời, sự sống như hơi thở, nhịp tim vv… mà bây giờ người ta phải gom nhặt từng mẩu để đưa ra tấm tắc như là những nghĩa cử của các hiền nhân, quân tử. Điều đó, nghĩa là những lẽ phải thông thường xưa nay đang ngày càng trở nên hiếm hoi đồng nghĩa là cái xấu đang trở thành mặc nhiên, mặc định trong xã hội ta.
Tôi cũng là người làm công tác khoa học và thường xuyên viết báo (bạn hữu gọi là nhà báo công dân) nên thấu hiểu rằng viết báo dùng những từ ngữ kiểu chính luận thì dễ đường vòng vo – còn dùng cách nói dân gian thì thường có vẻ uỵch toẹt, ít uyên bác (ít “chất xám” nhưng nhiều chất thật), ở góc độ chân lý thì chẳng hề sai.
Bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng đã thẳng thắn thừa nhận thực trạng tình hình thiếu kiểm soát của xã hội ta hiện nay, thấy được nguy cơ đáng sợ của nhóm lợi ích, đe doạ sự lãnh đạo của Đảng, Chính phủ và sự phát triển của Dân tộc. Đồng thời, tác giả thấy đươc sự mong manh của thể chế chính trị “Định hướng XHCN…”.
Điều đáng tiếc nhất, không hiểu vì lý do nào đó, ông Vũ Ngọc Hoàng không lý giải được nguyên nhân cội nguồn dẫn đến tình trạng xã hội hiện nay (chế độ toàn trị), lại đổ vấy cho một thứ gọi là “Chủ nghĩa tư bản thân hữu”, một khái niệm rất mơ hồ. Tác giả cũng không đưa ra được giải pháp khắc phục và thể hiện sự bế tắc trong cách giải quyết, v.v…
Tôi nghĩ mãi chưa nhớ ra được ai, ở đâu đã đưa ra khái niệm “Chủ nghĩa tư bản thân hữu”. Tôi cũng không biết cụ Lenin dùng chữ gì để chỉ “chủ nghĩa tư bản thân hữu” trong tiếng Nga?.
Ngẫm suy, chắc chắn chữ “thân hữu” không phải là đối nghịch với “thân tả” mà có nghĩa là thân thiện, thân tình (quan hệ thân thiết giữa giới có quyền & giới có tiền cấu kết với nhau để cùng trục lợi chia chác). Nếu được minh bạch, công khai, được pháp luật thừa nhận thì mối quan hệ này sẽ được xã hội giám sát, không phải bao giờ cũng có ý nghĩa tiêu cực. Chỉ ở những thể chế mất dân chủ, không minh bạch công khai thì “lợi ích nhóm” mới có hiệu quả rất tệ hại đối với đất nước.
Theo tôi hiểu, cứ cho là có “Chủ nghĩa tư bản thân hữu” thì nó là một thuộc tính, không nên chia tách ra thành một thực thể. Nếu quan tâm đề cập “Lợi ích nhóm” và “chủ nghĩa tư bản thân hữu” thì chỉ là hệ quả của thể chế chính trị – kinh tế hiện nay. Vì vậy, phải đặt trong bối cảnh chung ấy mới thấy được thực chất vấn đề đáng nêu và từ đó tìm được giải pháp loại trừ nó.
Cần hiểu đúng khái niệm về lợi ích nhóm
Trong bài viết của ông Vũ Ngọc Hoàng đề cập chuyện Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đưa ra tên gọi “Lợi ích nhóm” ở Hội nghị TƯ 3, tôi nghĩ không có gì mới. Chúng ta có thể xem định nghĩa về nhóm lợi ích theo đường link ở đây:
http://www.britannica.com/topic/interest-group. Nói một cách đơn giản, chúng là nhóm có tổ chức đăng ký, hoặc không, để nhằm gây ảnh hưởng chính trị hay dư luận bảo vệ quyền lợi của nhóm.
Ngay ở nước phát triển như Mỹ, nếu là có tổ chức, họ có thể đăng ký dưới danh nghĩa các tổ chức vô vị lợi, thu tiền đóng góp (những người đóng góp còn được trừ thuế đối với tiền đóng góp). Các tổ chức vô vị lợi không được quyền kêu gọi ủng hộ một cá nhân hay một đảng phái nào ra ứng cử. Họ chỉ được phép tạo dư luận để ủng hộ quyền lợi của nhóm. Thí dụ nhóm lợi ích có thể là nông dân cần được hỗ trợ về vay vốn, được trả tiền giảm đưa đất đai vào sản xuất, giảm sản lượng, nhằm giữ giá tối thiểu. Có thể là tổ chức các đại học, là công đoàn, là hội lực lượng cảnh sát, hội cựu chiến binh v.v…
Nếu không có danh nghĩa tổ chức vô vị lợi thì họ tha hồ tự do ủng hộ các chính trị gia, ứng cử viên. Nếu là nhằm ủng hộ quan điểm của một quốc gia khác họ phải đăng ký là agent của nước ngoài. Điển hình là trường hợp của Henry Kissinger, Cựu chủ tịch Hội đồng Cố vấn An Ninh Quốc gia thời Tổng thống Nixon, vận động hoặc làm tham mưu cho ý kiến cho Trung Quốc. Nhìn chung, các nhóm lợi ích ở Mỹ là minh bạch.
Vấn đề của Việt Nam thì minh bạch là mọi tổ chức đều là do Đảng dựng lên, có thể cho ý kiến, nhưng chủ yếu có nhiệm vụ vận động để mọi người ủng hộ đường lối của Đảng và phải hoạt động dưới sự chỉ đạo của Đảng. Có thể gọi mọi tổ chức được công nhận ở Việt Nam đều là các nhóm lợi ích vì lợi ích của Đảng.
Tuy nhiên hiện nay, Đảng chỉ có một lợi ích duy nhất là duy trì sự lãnh đạo và tồn tại của Đảng, trong khi đó nền kinh tế thì tư bản chủ nghĩa, tức là mọi lợi ích là nhằm phục vụ cá nhân. Ở đây, nhóm lợi ích ra đời, có ý nghĩa khác hẳn nhóm lợi ích ở các nước phát triển. Họ vây quanh các lãnh đạo Đảng để có thể hưởng các ân huệ như việc được cấp quyền sử dụng đất, quyền khai thác, được cấp tín dụng v.v… tức là làm sao biến được công hữu thành tư hữu một cách hợp pháp. Tất cả mọi cái được này đều không minh bạch vì họ chẳng phải đăng ký với ai. (khác hẳn với thể chế ở các nước phát triển như Mỹ)
Theo tôi hiểu, tư bản thân hữu là từ dùng trong các nước tư bản kiểu Indonesia, Thái Lan, Mã Lai, theo nghĩa có quan hệ với gia đình lãnh đạo (như Suharto chẳng hạn), có nghĩa là “cánh hẩu” với nhau. Nhưng ở nước Xã hội chủ nghĩa kiểu như Việt Nam thì diện công hữu rất rộng, có thể nói là có tính toàn diện chứ không như ở Indonesia, hay Mã Lai cho nên quyền biến công hữu thành tư hữu của nhóm lãnh đạo Đảng ở Việt Nam cũng rộng hơn nhiều vì có quyền quản lý toàn bộ các công ty quốc doanh, đất đai và tài nguyên nói chung. Các vị lãnh đạo ở tỉnh cũng có quyền rất lớn vì họ có quyền đối với đất đai nằm trong địa phận của tỉnh.
Tôi tin rằng ông Vũ Ngọc Hoàng cũng thấu hiểu những điều phân tích nói trên nhưng vì lý do “tế nhị” nào đó, không tiện viết thẳng ra mà thôi.
Các khuyết tật mang tính hệ thống ở ta hiện nay
Có ý kiến đặt vấn đề tại sao người Việt Nam ta thích “Ra đường gặp đóa hoa rơi/ Hai tay nâng nhẹ cũ người mới ta”. Những tư tưởng, học thuyết tiến bộ một thời cách đây hàng ngàn năm (khi loài người còn mông muội) hoặc hàng trăm năm, thậm chí chưa xa, mà nay không còn phù hợp, người ta đưa vào bảo tàng hoặc chỉ còn trong giáo trình “lịch sử triết” nhưng lại được suy tôn ở Việt Nam .
Ngược lại, mô hình phát triển của nhiều nước tiên tiến trên thế giới đã được thực tế chứng minh nhưng vẫn chưa lọt vào “mắt xanh” của những người có thẩm quyền ở nước ta.
Nhìn vào thực trạng xã hội, người dân nhận thấy sai lầm về định hướng phát triển xã hội (xây dựng thể chế), nói rõ hơn, là “mô hình” xã hội trên nền tảng cơ chế thị trường định hướng XHCN mà chúng ta theo đuổi còn rất mơ hồ, thiếu lý luận khoa học, không thấy đâu là nhân tố cốt lõi, đâu là động lực phát triển, mâu thuẫn nào là đối kháng, phương thức giải quyết các vấn đề xã hội ra sao, và tính tất yếu của các quá trình là gì ?
Sai lầm về cơ cấu tổ chức xã hội, đặc biệt là cơ cấu tổ chức của các cơ quan quyền lưc Nhà nước. Mô hình “3 trong 1”, tức là các cơ quan: lập pháp, hành pháp và tư pháp như ở ta hiện nay về thực chất chỉ là một tổ chức đặc quyền “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nói cho khách quan, mô hình này đã phát huy tốt trong giai đoạn đất nước bị chia cắt, độc lập dân tộc bị de dọa, nhưng đã quá lỗi thời ở nền kinh tế thị trường mà ta đang theo đuổi. Và đây là “lỗ hổng” chết người, một “ mảnh đất mầu mỡ” để các “nhóm lợi ích” hình thành, phát triển, cạnh tranh, thậm chí liên kết cùng nhau vì quyền lợi ích kỷ của họ.
Sự hình thành nhóm lợi ích là quá trình tự nhiên như hạt giống tự nẩy mầm trong đất ẩm, đúng theo quy luật của cơ chế thị trường lấy lợi ích cá nhân là mục tiêu phấn đấu, theo bản năng vốn có của tạo hóa.
Sai lầm tiếp theo là sự bảo thủ của nhiều vị lãnh đạo, chậm về nhận thức, thiếu năng lực hành động, sợ mất quyền và tự mình đánh mất tính tiên phong, dẫn đến mất niềm tin của quần chúng. Cuối cùng là sợ luôn cả dân chủ dẫn đến độc quyền về nhân sự, và độc quyền về đường lối chủ thuyết phát triển đất nước. Xin đừng quên rằng dân chủ là thứ mà bất kỳ một xã hội văn minh nào cũng đều cần và rất cần.
Với quan niệm tù mù về sở hữu toàn dân, quyền sở hữu tư nhân bị chèn ép, lép vế trên thực tế, khiến kinh tế thị trường lành mạnh bị bóp nghẹt. Ở nông thôn, đất đai cũng do Nhà nước làm chủ, đại diện là những vị chức sắc mà trong nhiệm kỳ của họ, việc thu hồi đất đai, ruộng vườn, ao truông, mọi thành quả lao động của người nông dân, nằm trong quyền hạn của họ. Hậu quả tất yếu là những hiện tượng như vụ Đoàn Văn Vươn và những đoàn người dân đi từ nhiều địa phương trong cả nước tới các cơ quan công quyền bầy tỏ sự uất ức của họ khi bị mất trắng thành quả lao động vào tay các quan cai trị mới ở địa phương, để các vị này lại bán đi cho các đại gia đã móc ngoặc, biến thành các nơi vui chơi giải trí, các resort với giá đắt nhiều lần hơn, mà người lao động trung bình không thể nghĩ tới.
Chính là trên cái nền tổng hợp của các khuyết tật ấy mà “lợi ích nhóm” hay nói đúng hơn là các nhóm trục lợi đã và đang tồn tại, phát triển và không thể nào ngăn chặn được (y như đã và đang không thể ngăn chặn được nạn tham nhũng, quan liêu).
Giải pháp
Đã tới lúc chúng ta phải nhìn thẳng vào sự thật. Tại sao Nhật Bản, Hàn Quốc, chưa nói tới một số nước công nghiệp đã phát triển mạnh như Đức, Anh, Pháp… lại bứt phá nhanh như vậy? Chắc chắn vì họ đã kịp có một cơ chế quản lý xã hội được học từ các nước tiên tiến, và đã biết rút ra được nhiều kinh nghiệm từ sự thất bại của mình, và mạnh dạn khắc phục những yếu kém đó.
Trước khi bàn về giải pháp ở tầm chiến lược, cũng giống như trước cuộc đại phẫu cắt bỏ một khối u ác tính trong cơ thể, đang de dọa tính mạng của người bệnh, chúng ta cần hội chuẩn cho thật kỹ, tìm ra giải pháp tối ưu và triển khai thực hiện, đồng bộ với một lộ trình khoa học, khả thi càng sớm càng tốt.
Điều kiện cần cho các giải pháp là rất quan trọng, nhưng quan trọng nhất là giữ được ổn định xã hội, đoàn kết dân tộc, giữ vững nhịp độ phát triển kinh tế, tạo sự ủng hộ của quần chúng nhân dân và của cộng đồng quốc tế.
Dưới đây là một số đề xuất về giải pháp để chúng ta cùng bàn:
Một là, Đảng phải tự đổi mới về nhận thức, khôi phuc lòng tin của nhân dân, đấu tranh phê bình và tự phê bình nghiêm túc, thực hiên dân chủ hóa các hoạt động trong và ngoài Đảng. Loại ra khỏi Đảng những phần tử biến chất, tham nhũng, bè phái (nhóm lợi ích)….
Hai là, từng bước cải cách hệ thống tổ chức xã hội từ trung ương đến địa phương trên cơ sở “tam quyền phân lập”, nhà nước pháp quyền, xã hội dân sự.
Ba là, Dân chủ hóa hệ thống bầu cử, lựa chọn người tài tham gia việc nước; taọ cơ chế hoạt động thuận lợi, bình đẳng giữa các tổ chức xã hội, chính trị, kinh tế trên nền tảng hệ thống pháp quyền minh bạch.
Bốn là, tôn trọng các quyền cơ bản của người dân, tạo điều kiện pháp lý phù hợp với văn hóa của ta để người dân tham gia tích cực vào các hoạt động xã hội, kinh tế, phát huy năng lực của toàn xã hội.
Năm là, duy trì sự lãnh đạo của Đảng bằng trí tuệ của Đảng, với thuộc tính: khoa học, dân chủ, công bằng vì lợi ích của toàn xã hội và dân tộc.
Lời kết
Đất nước chỉ có thể chấn hưng khi khoa học công nghệ phát triển và dân trí được nâng cao. Cần nhìn thẳng vào sự thật, lĩnh hội các giá trị phổ quát của toàn nhân loại, con đường đi chung, phong quang của cả thế giới văn minh. Dân chủ hóa, minh bạch hóa xã hội đòi hỏi phải bắt đầu từ cấp cao nhất của Đảng .
T.V.T
Tác giả gửi BVN
THỜI CƠ LY KHAI VỚI "NHÓM LỢI ICH"
Bài của Ths NGUYỄN TIẾN TRUNG / BBC/ BVN 14/6/2015
***
Ông Vũ Ngọc Hoàng, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Việt Nam vừa lên tiếng về “sự thâu tóm quyền lực và bóc lột”, cũng như “các nhóm lợi ích” trong xã hội VN.
Mới đây, ông Vũ Ngọc Hoàng, Ủy viên Trung ương đảng cộng sản Việt Nam, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương đã đăng một bài viết rất đáng chú ý trên tạp chí Cộng sản bàn về “lợi ích nhóm”, sự thâu tóm quyền lực và sự bóc lột.
Khác với những bài viết ngợi ca chế độ đã quá nhàm chán, ông Hoàng có vẻ tỏ ra đã “nhìn thẳng vào sự thật” khi công nhận “lợi ích nhóm đang diễn ra ở hầu hết, nếu không muốn nói là tất cả mọi lĩnh vực đời sống xã hội”, và “tình hình xấu đã lan rộng, khá phổ biến và khá ngang nhiên, nghiêm trọng đến mức báo động”.
Để rồi như một nụ cười mỉm vào những người đang tuyên truyền cho sự lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” của giới lãnh đạo đảng cộng sản, ông Hoàng cho biết:
“Nước ta sau mấy chục năm công nghiệp hóa, đến nay năng suất lao động xã hội vẫn thấp (vào loại thấp nhất khu vực Đông Á), hiệu quả đầu tư kém, nợ nần nhiều mà chưa rõ trả bằng cách nào, khi mà hiệu quả đầu tư (sử dụng nguồn vay ấy) còn kém; thu nhập thấp, sản phẩm công nghiệp xuất khẩu hầu như không có, các chương trình nội địa hóa không thành công, chủ yếu là làm thuê và cho thuê mặt bằng, nền kinh tế Việt Nam đang rơi vào “bẫy thu nhập trung bình thấp”. Nhìn lại nguyên nhân các nước bị “bẫy thu nhập trung bình” và nhìn lại tình hình nền kinh tế của ta thì thật đáng lo ngại”.
Ông Hoàng cũng đã không khỏi lo lắng khi “chủ nghĩa tư bản thân hữu” đang hoành hành ở Việt Nam. Bộ máy nhà nước đang trở thành công cụ cho một nhóm người, thực hiện độc quyền kinh tế kết hợp độc quyền chính trị.
Từ đó, nhà nước trở thành “bộ máy cai trị, tham nhũng và bóc lột nhân dân”, “dân tộc sẽ bị bóc lột, bị tước đoạt quyền lực và tài sản của cải, chế độ xã hội sẽ là một chế độ không có dân chủ và tự do, không có bình đẳng”, “dẫn đến nguy cơ mất độc lập, thậm chí là mất nước”.
Thực vậy, nhìn vào việc Trung ương đảng cộng sản, dưới sự khống chế, chi phối của “nhóm lợi ích” nào đó, đã không dám phản đối Trung Quốc, không dám công bố nội dung của Hội nghị Thành Đô 1990 là rõ, dù báo chí Trung Quốc, theo một số nguồn cần kiểm chứng thêm, đã tiết lộ rằng tại Thành Đô năm 1990, lãnh đạo đảng cộng sản Việt Nam “đã đồng ý” là đến năm 2020 Việt Nam sẽ trở thành “một khu tự trị” của Trung Quốc.
Không có giải pháp
Trước thảm trạng của đất nước, dù đã có “ánh sáng của chủ nghĩa Mác và tư tưởng Hồ Chí Minh” soi đường dẫn lối, các lãnh đạo đảng cộng sản đã tỏ rõ sự bất lực khi tuyên bố treo thưởng một tỷ đồng cho ai hiến kế đổi mới chính trị, và hai tỷ đồng cho ai hiến kế đổi mới kinh tế.
Thế nhưng, về chính trị, làm sao chế độ độc đảng, độc tài, độc quyền có thể đảm bảo công bằng xã hội? Làm cách nào mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật nhưng chỉ có một nhóm nhỏ công dân vốn chính là giới lãnh đạo cộng sản được độc quyền nhà nước?
Về kinh tế, làm sao mọi thành phần kinh tế đều cạnh tranh bình đẳng trong khi vẫn phải đảm bảo kinh tế quốc doanh là chủ đạo?
Với một đề bài sai thì không thể có lời giải, không có gì ngạc nhiên khi các vị “giáo sư, tiến sỹ” đáng kính của Hội đồng lý luận trung ương đã phải “bó tay chấm côm” và mời người dân hiến kế.
Cần minh định rằng với người dân bình thường, cả Đảng Cộng sản Việt Nam đang là nhóm lợi ích lớn nhất, vì họ có quyền lợi và quyền lực từ việc độc quyền nhà nước, đứng trên pháp luật.
Thế nhưng, trong một nhóm lợi ích lớn thì cũng có nhiều nhóm lợi ích khác nhỏ hơn giành giật miếng bánh lợi ích với nhau, đơn giản vì chức tước, quyền lợi cũng chỉ có giới hạn, trong khi lòng tham của con người là vô hạn.
Với cá nhân ông Vũ Ngọc Hoàng, theo tôi, rất có thể ông đang ở trong “nhóm lợi ích” yếu thế hơn và sắp phải “ra rìa” nên ông đã phải có hành động bứt phá để chống lại “nhóm lợi ích” ghê gớm đang thâu tóm quyền lực kia.
Bài viết của ông cho thấy sự đấu tranh quyền lực dữ dội trong nội bộ đảng cộng sản trước đại hội 12, và có một nhóm đang dần thắng thế.
Nhưng cũng có thể ông là một người thực sự vì nước vì dân, trước khi kết thúc nhiệm kỳ cũng muốn nói thẳng nói thật để dân hiểu rằng ông không ở cùng phe với “nhóm lợi ích” đó.
Nhưng… vẫn có lời giải
***
Tham nhũng chức vụ hiện đang được Đảng Cộng sản Việt Nam xác định là một nguy cơ đối với sự tồn vong của Đảng này.
Thật ra, ông Vũ Ngọc Hoàng đã chỉ ra rất đúng và trúng lời giải cho tình trạng quốc gia hiện tại, ông cho rằng cần phải có:
“cơ chế kiểm soát quyền lực (bằng quyền lực nhà nước, quyền lực của nhân dân và công luận);
“cơ chế thực thi dân chủ rộng rãi, minh bạch thông tin và quy định rõ trách nhiệm giải trình, điều trần;
“tạo hành lang pháp lý chặt chẽ cho báo chí vào cuộc, cho nhân dân thực hiện quyền tham chính;
“đổi mới căn bản công tác cán bộ, thực hiện tranh cử trước nhân dân đối với các chức danh bầu cử và thi tuyển công khai đối với các chức vụ quản lý;
“đồng thời thực hiện cơ chế giám sát hoạt động, kết quả công việc, thi hành việc bãi miễn và thay đổi vị trí công tác của cán bộ khi xét thấy không có lợi cho cuộc đấu tranh chống “lợi ích nhóm”.”
Tóm lại, những người trong đảng cộng sản đã biết rõ lời giải là phải thực sự dân chủ hóa để dân bầu ra lãnh đạo, có cơ chế tam quyền phân lập để kiểm soát và cân bằng quyền lực, báo chí phải được tự do…
Thế nhưng, khẩu hiệu xây dựng xã hội “dân chủ, công bằng, văn minh” đã được hô hào hàng chục năm nay nhưng giới lãnh đạo đảng cộng sản vẫn chưa thực hiện.
“Nhóm lợi ích” đang khống chế cả cái đảng cộng sản ghê gớm đến vậy ư?
Hãy chủ động thoát ra
Trước hiểm họa cả dân tộc bị bóc lột, mất nước, những đảng viên cộng sản chân chính, yêu nước cần chủ động cùng nhau ly khai với “nhóm lợi ích” đang thao túng cả xã hội kia. Nếu không, họ sẽ bị nhân dân đánh đồng họ cũng tham tàn như “nhóm lợi ích” đó và họ sẽ có ngày bị dân phán xét.
Những đảng viên cộng sản nào còn tin tưởng vào chủ tịch Hồ Chí Minh, thật sự muốn đại diện cho công nhân, nông dân và người lao động thì cứ tách ra, lấy lại tên đảng Lao động.
Những đảng viên cộng sản nào vẫn trung thành với chủ nghĩa xã hội thì hãy tách ra tái lập đảng Xã hội.
Còn những đảng viên cộng sản nào có tư tưởng khác thì hãy cứ cùng nhau đứng ra lập đảng phù hợp với tư tưởng, chủ trương của mình.
Cần lưu ý rằng việc đa đảng ở Việt Nam đã có tiền lệ, đảng Dân chủ, đảng Xã hội đã cùng tồn tại với đảng Cộng sản đến tận năm 1990. Sau này, Giáo sư Hoàng Minh Chính đã phục hoạt lại đảng Dân chủ vào năm 2006.
Đến giờ này đảng Dân chủ vẫn đang sinh hoạt công khai trong nước với cựu trung tá quân đội, Trần Anh Kim, làm phó Tổng thư ký.
Ngoài ra, trong bộ luật hình sự của đảng Cộng sản không hề có điều luật nào cấm người dân thành lập đảng phái để thực hiện quyền làm chủ đất nước, tham gia chính trị.
Và theo điều 16 hiến pháp của đảng Cộng sản, “mọi người đều bình đẳng trước pháp luật” nên những người công dân cộng sản có quyền lập đảng, sinh hoạt chính trị thì những công dân khác cũng có quyền này.
Để dân có thể tham chính như ông Vũ Ngọc Hoàng đề xuất thì không có cách nào khác là phải thành lập các chính đảng, vì không ai có thể ra ứng cử vào các chức vụ nhà nước nếu không có sự hỗ trợ của đảng mình trong các chiến dịch vận động tranh cử.
Nhớ bạn trong tù
Những người đã và đang là những tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, tù nhân tôn giáo thật ra cũng chỉ viết đến như ông Vũ Ngọc Hoàng mà thôi. Tuy nhiên, bài của ông Hoàng được đăng trên tạp chí Cộng sản. Còn bài viết của những người kia thì chỉ có các trang tin “lề trái” đăng tải, và họ bị sách nhiễu, đàn áp, bắt bớ một cách tàn bạo.
Giải pháp cho Việt Nam chỉ có thể là “dân chủ” theo các nhà vận động nhân quyền và dân chủ hóa ở Việt Nam.
Và cũng qua bài viết của ông Hoàng, rõ ràng rằng chính cơ chế độc đảng tạo điều kiện thuận lợi cho các “nhóm lợi ích” sinh sôi phát triển mới là thủ phạm “lật đổ chính quyền nhân dân”, “phá hoại khối đại đoàn kết toàn dân tộc”, gây mất ổn định chính trị, phản bội tổ quốc, phản bội lại bao hy sinh xương máu của ông cha.
Thủ phạm hoàn toàn không phải là những người vận động dân chủ ôn hòa như báo chí nhà nước tuyên truyền bấy lâu nay.
Viết đến đây, tôi nhớ đến các bạn trí thức của tôi là anh Trần Huỳnh Duy Thức, chị Tạ Phong Tần, anh Phùng Lâm vẫn đang chịu cảnh đọa đày của ngục tù bất công.
Nhưng hôm nay tôi nhớ nhiều nhất đến luật sư Lê Quốc Quân, giám đốc của công ty Giải pháp Việt Nam, đang phải chịu một bản án mà trong đó người ta cáo buộc anh phạm tội “trốn thuế”.
Một vụ án và bản án mà chính những người tuyên án cho anh đã bị thế giới văn minh lên án.
Anh Quân đã nói với tôi một câu mà tôi còn nhớ mãi:
“Giải pháp cho Việt Nam chỉ có thể là dân chủ”.
Ngày 27/6/2015 này, anh Lê Quốc Quân sẽ mãn hạn tù và lấy lại tự do.
Và tôi cũng hi vọng rằng đất nước Việt Nam này sẽ không còn ai phải mang “danh hiệu” tù nhân chính trị, tù nhân lương tâm, hay tù nhân tôn giáo nữa.
N.T.T
Nguồn:http://www.bbc.com/vietnamese/forum/2015/06/150613_nguyentientrung_lykhai_nhomloiich
NHÓM LỢI ÍCH VÀ SỨC Ỳ CỦA BỘ MÁY
Bàn tròn trực tuyến/ VNN 30/6/2015
VNN - “Để thực thi được cải cách đòi hỏi quyết tâm chính trị, và một hình thức liên minh các lực lượng muốn thúc đẩy cải cách” – Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành.
LTS: Trong suốt thời gian qua, nhiều tiếng nói mạnh mẽ khẳng định sự cần thiết của cải cách thể chế đã được cất lên từ những người nắm giữ trọng trách trong Đảng, trong Quốc hội và Chính phủ. Như nhiều chuyên gia nhận định: nếu tập hợp đầy đủ các tuyên bố cải cách của các nhà lãnh đạo cấp cao thời gian qua đã đủ hình thành một chương trình cải cách toàn diện. Tuy nhiên, ngay chính các nhà lãnh đạo cấp cao cũng phải thừa nhận cải cách còn rất chậm chạp.
LTS: Trong suốt thời gian qua, nhiều tiếng nói mạnh mẽ khẳng định sự cần thiết của cải cách thể chế đã được cất lên từ những người nắm giữ trọng trách trong Đảng, trong Quốc hội và Chính phủ. Như nhiều chuyên gia nhận định: nếu tập hợp đầy đủ các tuyên bố cải cách của các nhà lãnh đạo cấp cao thời gian qua đã đủ hình thành một chương trình cải cách toàn diện. Tuy nhiên, ngay chính các nhà lãnh đạo cấp cao cũng phải thừa nhận cải cách còn rất chậm chạp.
VietNamNet thực hiện cuộc bàn tròn về cải cách thể chế với PGS.TS Phạm Duy Nghĩa, TS Huỳnh Thế Du và ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright nhằm tìm ra nguyên nhân và giải pháp khả thi cho thực trạng này. Đây cũng là nhóm tác giả tham gia thực hiện báo cáo tư vấn chính sách cho Chính phủ Việt Nam mới đây mang tựa đề: “Cải cách thể chế ở Việt Nam – từ tầm nhìn tới thực tiễn”. Báo cáo này được thực hiện trong khuôn khổ hợp tác giữa Đại học Harvard, Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc và Chính phủ Việt Nam.
Dự án vô bổ vẫn cố làmNhà báo Việt Lâm: Khi chúng ta đang bàn về cải cách thể chế thì ngay mới đây thôi, một loạt sự vụ xảy ra khiến dư luận bất bình. Nào là lãnh đạo tỉnh Vĩnh Phúc bỏ 300 tỷ xây Văn Miếu trong khi biết công trình thiết yếu về dân sinh như y tế, giáo dục đang khát vốn. Điều đáng nói hơn cả là một công trình to như vậy đã lẳng lặng được xây cất trong 5 năm, đến khi khánh thành rồi thì báo chí, người dân mới được biết. Rồi lãnh đạo Đồng Nai đồng ý cho một nhà đầu tư vào lấp một phần sông Đồng Nai làm dự án. Hay Hà Nội chặt bỏ cây xanh. Những câu chuyện vừa qua nói lên điều gì?
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Ví dụ thứ nhất nói tới chi tiêu công. Một đất nước có thể kém phát triển và chi phí phát triển tăng cao nếu đầu tư công bị thiên lệch, có lợi cho thiểu số, trải chi phí cho số đông dân chúng. Bất kỳ một đầu tư công nào cũng dẫn đến những xung đột, lợi ích khác nhau, người được hưởng lợi và người không được hưởng lợi. Những cuộc tranh luận như vậy đáng lẽ phải diễn ra ở những cơ quan dân cử, ví dụ Hội đồng nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc, phải được tham vấn người dân thông qua những kênh truyền thông. Qua đó cho thấy việc thảo luận về đầu tư công ở Việt Nam, kiểm soát đầu tư công của cơ quan dân cử, sự tham gia giám sát của báo chí chưa hiệu quả.
Ví dụ thứ hai ở Đồng Nai nói đến chi phí, phí tổn của phát triển. Một dòng sông nếu lấp đi thành khu đô thị chắc cũng có lợi cho một số người nhưng cũng kéo theo hệ quả lâu dài cho tỉnh Đồng Nai và những tỉnh lân cận, gây ra những phí tổn không thể bù đắp cho thế hệ mai sau. Vì vậy, phát triển của VN nếu nhìn từ một tỉnh, một quốc gia xuất hiện những tổn hại về môi trường và những chi phí khác. Những cuộc thảo luận giữa những nhóm lợi ích đó cũng cần diễn ra. Nếu càng minh bạch, càng có những kênh thảo luận đa chiều thì rủi ro lựa chọn những dự án kém đó càng ít đi.
Vụ chặt cây ở Hà Nội là một hành vi của chính quyền. Dưới sự cho phép của chính quyền, những người thợ mới chặt cây. Có điều hành vi chặt cây giữa mùa hè nóng bỏng như thế dường như đã không được lý giải một cách thỏa đáng về kinh tế, xã hội, văn hóa thậm chí tâm linh. Nó cho thấy những hành động của chính quyền có khi cũng chưa được cân nhắc kỹ, có khi có lợi cho một số người nhưng cũng gây tổn hại cho cả cộng đồng.
Ở một khía cạnh khác của câu chuyện, khi dân chúng nhìn thấy những hành vi đó, ngay lập tức họ có thái độ và cách tổ chức bày tỏ sự phẫn nộ. Họ biết cách tập hợp lực lượng để buộc chính quyền chịu trách nhiệm, ít nhất là đối thoại rồi dừng lại những hành vi chưa thỏa đáng đó.
Ba ví dụ vừa nêu có thể khái quát bối cảnh VN hiện nay. Đó là những cuộc thảo luận về mô hình tăng trưởng và ai được hưởng lợi từ phát triển kinh tế hiện nay, thứ hai là những thay đổi trong nhận thức của người dân, đòi hỏi chính quyền phải đối thoại. Tất cả những cái đó là bối cảnh cải cách thể chế mới cần được thảo luận kỹ hơn.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa
Giám đốc Chương trình Giảng dạy Kinh tế Fulbright Nguyễn Xuân Thành.
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Những câu chuyện xảy ra vừa qua cho thấy hai điều: Thứ nhất, phản ứng của người dân, sức ép của xã hội đối với những quyết định chính sách, những dự án đầu tư sai rành rành được thể hiện rất rõ. Có thể anh vẫn cố làm, nhưng cũng không thể đặt vào thế sự đã rồi mà buộc phải điều chỉnh. Việc ra quyết định chính sách không phải cứ làm đúng theo quy trình, theo khung luật pháp hiện hữu là được. Những quyết sách sai rõ ra đó thì lập tức anh sẽ chịu phản ứng xã hội.
Ở một khía cạnh nhẹ nhàng hơn, có những chính sách không phải sai rành rành mà cần thời gian thẩm định, đặc biệt là những dự án mà chưa chắc lợi ích hay chi phí sẽ nhiều hơn. Ngày xưa, những dự án này nhà nước quyết là được. Nhưng hiện nay, những dự án đó khi được đưa ra dư luận đều gây tranh cãi, từ những siêu dự án như sân bay Long Thành đến những dự án nhỏ chuyển đổi từ công sang tư.
Theo nhìn nhận của tôi, những ví dụ này cho thấy những chuyển động tích cực, rằng sức ép xã hội buộc những người cầm cân nảy mực phải có sự điều chỉnh, xem xét lại những quyết sách không hợp lý. Đấy là những chuyện cách đây 10 năm chúng ta chưa thấy, cách đây 5 năm mới bắt đầu xuất hiện và một năm trở lại đây thì xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó phản ánh thực tế là sức ép, sự phản biện xã hội đối với chính sách ngày càng mạnh mẽ hơn. Đứng trước sức ép đấy, nếu anh không có phản ứng, hay phản ứng thụ động thì chỉ làm cho bất bình tăng lên. Bởi vậy, có lẽ đã đến thời điểm hệ thống cần phải có những cải cách sâu rộng hơn.
TS Huỳnh Thế Du: Câu cửa miệng của hầu hết những người làm trong khu vực công là nhà nước của dân do dân vì dân, nhưng những ví dụ vừa nêu cho thấy việc thực thi những khái niệm này đang gặp trục trặc.
Nếu nhiều người dân được hưởng lợi thì họ không phản ứng quyết liệt như vậy. Có vẻ như có những dự án rất vô bổ nhìn ở khía cạnh có ích cho số đông, cho kinh tế-xã hội địa phương nhưng vẫn có rất nhiều người thích làm.
Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao cho những quyết định chi tiêu công hay những quyết định quan trọng, ảnh hưởng tới số đông phải chịu sự giám sát, của số đông. Nói cách khác, người dân phải có quyền, có tiếng nói. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, tôi e rằng sự bất bình, mất niềm tin sẽ ngày càng tăng.
Thể chế tốt sẽ trừng phạt người quyết sai
Việt Lâm: Những câu chuyện mà chúng ta vừa nhắc tới ở trên không phải là câu chuyện cá biệt của một địa phương nào. Vậy vì sao những sự cố như vậy vẫn lặp lại?
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Những quyết định về mặt chính sách của nhà nước nhiều khi không đơn giản. Nhiều khi chúng ta hay tự hỏi tại sao dở như thế mà lại làm. Nhưng lúc người ta quyết định, người ta không nghĩ là nó dở, cũng không cảm nhận được phản ứng của xã hội như thế nào, ngoại trừ những trường hợp có động cơ cá nhân.
Nếu so sánh với các nước khác, kể cả những nước đã phát triển như Mỹ, chúng ta sẽ thấy những dự án đầu tư công không dẫn đến đâu cũng hay xảy ra lặp đi lặp lại. Vấn đề là một hệ thống thể chế tốt sẽ có sự trừng phạt đối với những quyết định ấy.
Khi có sự phản biện của xã hội thì các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu độc lập sẽ có những phân tích khách quan để chỉ ra đấy là quyết định sai, chỉ rõ ra chi phí, tổn thất mà quyết định anh tạo ra lớn hơn nhiều lợi ích cho một nhóm nào đấy. Khi sự việc được phân tích rõ ràng thì một hệ thống thể chế tốt sẽ có hình phạt đối với tổ chức, cá nhân đưa ra quyết định đấy.
Lý do người ta làm được việc ấy, thứ nhất là hệ thống thể chế cho phép, thứ hai là anh có thể quy trách nhiệm đến một tổ chức cụ thể, một cá nhân cụ thể. Như vậy nó sẽ tạo ra những tiền lệ. Sau đó người ta nhìn vào đấy để biết anh làm như vậy thì sẽ bị trừng phạt. Thể chế sẽ trừng phạt anh chứ không phải thể chế sẽ bảo vệ anh dù anh làm sai.
Ở một khía cạnh nhẹ nhàng hơn, có những chính sách không phải sai rành rành mà cần thời gian thẩm định, đặc biệt là những dự án mà chưa chắc lợi ích hay chi phí sẽ nhiều hơn. Ngày xưa, những dự án này nhà nước quyết là được. Nhưng hiện nay, những dự án đó khi được đưa ra dư luận đều gây tranh cãi, từ những siêu dự án như sân bay Long Thành đến những dự án nhỏ chuyển đổi từ công sang tư.
Theo nhìn nhận của tôi, những ví dụ này cho thấy những chuyển động tích cực, rằng sức ép xã hội buộc những người cầm cân nảy mực phải có sự điều chỉnh, xem xét lại những quyết sách không hợp lý. Đấy là những chuyện cách đây 10 năm chúng ta chưa thấy, cách đây 5 năm mới bắt đầu xuất hiện và một năm trở lại đây thì xuất hiện ngày càng nhiều. Điều đó phản ánh thực tế là sức ép, sự phản biện xã hội đối với chính sách ngày càng mạnh mẽ hơn. Đứng trước sức ép đấy, nếu anh không có phản ứng, hay phản ứng thụ động thì chỉ làm cho bất bình tăng lên. Bởi vậy, có lẽ đã đến thời điểm hệ thống cần phải có những cải cách sâu rộng hơn.
TS Huỳnh Thế Du: Câu cửa miệng của hầu hết những người làm trong khu vực công là nhà nước của dân do dân vì dân, nhưng những ví dụ vừa nêu cho thấy việc thực thi những khái niệm này đang gặp trục trặc.
Nếu nhiều người dân được hưởng lợi thì họ không phản ứng quyết liệt như vậy. Có vẻ như có những dự án rất vô bổ nhìn ở khía cạnh có ích cho số đông, cho kinh tế-xã hội địa phương nhưng vẫn có rất nhiều người thích làm.
Vấn đề đặt ra ở đây là phải làm sao cho những quyết định chi tiêu công hay những quyết định quan trọng, ảnh hưởng tới số đông phải chịu sự giám sát, của số đông. Nói cách khác, người dân phải có quyền, có tiếng nói. Nếu tình trạng này cứ tiếp tục diễn ra, tôi e rằng sự bất bình, mất niềm tin sẽ ngày càng tăng.
Thể chế tốt sẽ trừng phạt người quyết sai
Việt Lâm: Những câu chuyện mà chúng ta vừa nhắc tới ở trên không phải là câu chuyện cá biệt của một địa phương nào. Vậy vì sao những sự cố như vậy vẫn lặp lại?
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Những quyết định về mặt chính sách của nhà nước nhiều khi không đơn giản. Nhiều khi chúng ta hay tự hỏi tại sao dở như thế mà lại làm. Nhưng lúc người ta quyết định, người ta không nghĩ là nó dở, cũng không cảm nhận được phản ứng của xã hội như thế nào, ngoại trừ những trường hợp có động cơ cá nhân.
Nếu so sánh với các nước khác, kể cả những nước đã phát triển như Mỹ, chúng ta sẽ thấy những dự án đầu tư công không dẫn đến đâu cũng hay xảy ra lặp đi lặp lại. Vấn đề là một hệ thống thể chế tốt sẽ có sự trừng phạt đối với những quyết định ấy.
Khi có sự phản biện của xã hội thì các chuyên gia, các cơ quan nghiên cứu độc lập sẽ có những phân tích khách quan để chỉ ra đấy là quyết định sai, chỉ rõ ra chi phí, tổn thất mà quyết định anh tạo ra lớn hơn nhiều lợi ích cho một nhóm nào đấy. Khi sự việc được phân tích rõ ràng thì một hệ thống thể chế tốt sẽ có hình phạt đối với tổ chức, cá nhân đưa ra quyết định đấy.
Lý do người ta làm được việc ấy, thứ nhất là hệ thống thể chế cho phép, thứ hai là anh có thể quy trách nhiệm đến một tổ chức cụ thể, một cá nhân cụ thể. Như vậy nó sẽ tạo ra những tiền lệ. Sau đó người ta nhìn vào đấy để biết anh làm như vậy thì sẽ bị trừng phạt. Thể chế sẽ trừng phạt anh chứ không phải thể chế sẽ bảo vệ anh dù anh làm sai.
Lợi ích cá nhân, trách nhiệm tập thể
Việt Lâm: Nhân nói chuyện trừng phạt, vấn đề ở đây là để chỉ đích danh cá nhân nào chịu trách nhiệm dường như rất khó. Ví dụ như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu truy đến cùng cá nhân nào chịu trách nhiệm nhưng đến báo cáo kết luận thì dường như trách nhiệm lại thuộc về tập thể.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Trách nhiệm giải trình là gì? Trách nhiệm giải trình nghĩa là trước dân chúng anh phải cắt nghĩa được lý do gì anh quyết định hành vi đó, chính sách đó. Ví dụ anh bảo trông cây vàng tâm, hay cây mỡ nào đó, thì anh phải giải thích cho dân chúng hiểu.
Thứ hai, giả sử chính sách đó sai thì anh phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây nghĩa là phải có người chịu hậu quả bất lợi. Đó có thể là trách nhiệm chính trị, ví dụ như anh mất đi sự tín nhiệm của dân chúng, anh phải từ chức. Trách nhiệm về hành chính nghĩa là anh phải bị khiển trách, kỷ luật, thậm chí giáng chức, đuổi việc. Trách nhiệm về vật chất thì anh phải đền bù,… những thứ đó người ta gọi là trách nhiệm giải trình – một cơ chế ràng buộc những người nắm trong tay quyền lực công phải chịu trách nhiệm trước cử tri.
Quay trở lại vụ chặt cây xanh Hà Nội. Hiện nay chúng ta có một cơ chế không rõ ràng về trách nhiệm giải trình, bắt đầu từ chỗ người đưa ra chính sách không phải giải thích. Thậm chí người ta còn không nghiên cứu kỹ một trách nhiệm nữa là con đường Nguyễn Trãi nối Hà Nội với Hà Đông thậm chí bị chặt trụi hết cây. Sau này, người ta mới phát hiện ra trong hồ sơ nhà thầu làm tàu điện trên cao không hề có đánh giá tác động môi trường. Đáng ra, nếu anh bắt buộc nhà thầu có đánh giá tác động môi trường thì có khi người dân đã biết để yêu cầu nhà thầu bảo vệ những cây xanh đó.
Giả sử làm sai rồi thì phải có một cơ chế cá thể hoá ai chịu trách nhiệm. Hiện nay, dường như cơ chế của chúng ta quá nhiều người quyết nên mới sinh ra quá nhiều cuộc họp. Cán bộ đi họp nhiều đến mức mỗi bộ có đến 5 -6 ông thứ trưởng chủ yếu để đi họp. Lý do phải đi họp nhiều là các cuộc họp đưa ra quyết định của tập thể. Quyết định tập thể sẽ góp phần che dấu đi trách nhiệm của người chịu quyết định. Nói tóm lại, bệnh họp nhiều bắt nguồn từ một cơ chế không muốn ai chịu trách nhiệm. Cơ chế đó có lợi cho từng cá thể nên không ai muốn thay đổi cả.
Muốn tiến tới trách nhiệm giải trình rõ hơn, ngoài những ý như anh Thành nói thì cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân đứng đầu. Trở lại trường hợp chặt cây sai, nói một cách thẳng thắn thì người chịu trách nhiệm chính trị phải là ông lãnh đạo chính quyền bởi ông chịu trách nhiệm chính trị cho những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ thành phố; người chịu trách nhiệm hành chính ví dụ người trình văn bản đó là ông giám đốc sở xây dựng nếu trong phạm vi của ông ta vì ông ta chỉ chuyên môn giúp việc cho chính quyền chứ ông ta không có quyền quyết định; còn nếu trách nhiệm hình sự ai lợi dụng việc chặt cây đó để bán lấy tiền thì phải chịu trách nhiệm cá nhân của từng người trước pháp luật. Cơ chế chịu trách nhiệm như thế ở VN một là chưa được nghiên cứu rõ; hai là quy định còn hết sức chung chung và thứ ba là có lợi cho những người trong bộ máy nên nó nhùng nhằng, khó thay đổi.
TS Huỳnh Thế Du: Trong các nghiên cứu về lựa chọn các quyết định tập thể chỉ ra rằng trong tập thể, tất cả mọi người đều suy nghĩ hợp lý vì lợi ích của mình và thường đưa ra các kết quả phi lý về mặt tập thể, có nghĩa là những thứ sai rành rành vẫn xảy ra.
Câu chuyện ở đây là trách nhiệm giải trình. Chúng ta đều thấy rằng với mỗi công chức, mục tiêu quan trọng nhất là thăng tiến. Vấn đề là trong hệ thống chúng ta, việc thăng tiến là do cấp trên quyết định chứ không phải do người dân hay đối tượng tôi trực tiếp phục vụ quyết định. Trong khi ở những xã hội phát triển thì những người tôi phục vụ có quyền quyết định vị trí của tôi trong nhiệm kỳ tới.
Các cụ ta có câu “ ăn cây nào rào cây ấy”. Cách đây mấy năm, khi xảy ra sự kiện Đoàn Văn Vươn, chúng ta thấy phát biểu của một lãnh đạo Hải Phòng chỉ chăm chăm làm sao bảo vệ cấp trên của mình, bất chấp dư luận. Cái cơ chế đó đảo ngược hết hành vi của tôi, tôi sẽ cố gắng bao biện, đùn đẩy cho trách nhiệm tập thể. Đương nhiên, tôi có lợi ích cá nhân trong trách nhiệm tập thể. Thành thử dẫn tới hiện tượng có những quyết định trong khu vực công dường như chỉ có lợi cho một thiểu số nào đó, trong khi gây tổn hại cho toàn xã hội.
Việt Lâm: Nhân nói chuyện trừng phạt, vấn đề ở đây là để chỉ đích danh cá nhân nào chịu trách nhiệm dường như rất khó. Ví dụ như vụ chặt cây xanh ở Hà Nội, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu truy đến cùng cá nhân nào chịu trách nhiệm nhưng đến báo cáo kết luận thì dường như trách nhiệm lại thuộc về tập thể.
PGS.TS Phạm Duy Nghĩa: Trách nhiệm giải trình là gì? Trách nhiệm giải trình nghĩa là trước dân chúng anh phải cắt nghĩa được lý do gì anh quyết định hành vi đó, chính sách đó. Ví dụ anh bảo trông cây vàng tâm, hay cây mỡ nào đó, thì anh phải giải thích cho dân chúng hiểu.
Thứ hai, giả sử chính sách đó sai thì anh phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây nghĩa là phải có người chịu hậu quả bất lợi. Đó có thể là trách nhiệm chính trị, ví dụ như anh mất đi sự tín nhiệm của dân chúng, anh phải từ chức. Trách nhiệm về hành chính nghĩa là anh phải bị khiển trách, kỷ luật, thậm chí giáng chức, đuổi việc. Trách nhiệm về vật chất thì anh phải đền bù,… những thứ đó người ta gọi là trách nhiệm giải trình – một cơ chế ràng buộc những người nắm trong tay quyền lực công phải chịu trách nhiệm trước cử tri.
Quay trở lại vụ chặt cây xanh Hà Nội. Hiện nay chúng ta có một cơ chế không rõ ràng về trách nhiệm giải trình, bắt đầu từ chỗ người đưa ra chính sách không phải giải thích. Thậm chí người ta còn không nghiên cứu kỹ một trách nhiệm nữa là con đường Nguyễn Trãi nối Hà Nội với Hà Đông thậm chí bị chặt trụi hết cây. Sau này, người ta mới phát hiện ra trong hồ sơ nhà thầu làm tàu điện trên cao không hề có đánh giá tác động môi trường. Đáng ra, nếu anh bắt buộc nhà thầu có đánh giá tác động môi trường thì có khi người dân đã biết để yêu cầu nhà thầu bảo vệ những cây xanh đó.
Giả sử làm sai rồi thì phải có một cơ chế cá thể hoá ai chịu trách nhiệm. Hiện nay, dường như cơ chế của chúng ta quá nhiều người quyết nên mới sinh ra quá nhiều cuộc họp. Cán bộ đi họp nhiều đến mức mỗi bộ có đến 5 -6 ông thứ trưởng chủ yếu để đi họp. Lý do phải đi họp nhiều là các cuộc họp đưa ra quyết định của tập thể. Quyết định tập thể sẽ góp phần che dấu đi trách nhiệm của người chịu quyết định. Nói tóm lại, bệnh họp nhiều bắt nguồn từ một cơ chế không muốn ai chịu trách nhiệm. Cơ chế đó có lợi cho từng cá thể nên không ai muốn thay đổi cả.
Muốn tiến tới trách nhiệm giải trình rõ hơn, ngoài những ý như anh Thành nói thì cần phải làm rõ trách nhiệm cá nhân đứng đầu. Trở lại trường hợp chặt cây sai, nói một cách thẳng thắn thì người chịu trách nhiệm chính trị phải là ông lãnh đạo chính quyền bởi ông chịu trách nhiệm chính trị cho những hoạt động diễn ra trong khuôn khổ thành phố; người chịu trách nhiệm hành chính ví dụ người trình văn bản đó là ông giám đốc sở xây dựng nếu trong phạm vi của ông ta vì ông ta chỉ chuyên môn giúp việc cho chính quyền chứ ông ta không có quyền quyết định; còn nếu trách nhiệm hình sự ai lợi dụng việc chặt cây đó để bán lấy tiền thì phải chịu trách nhiệm cá nhân của từng người trước pháp luật. Cơ chế chịu trách nhiệm như thế ở VN một là chưa được nghiên cứu rõ; hai là quy định còn hết sức chung chung và thứ ba là có lợi cho những người trong bộ máy nên nó nhùng nhằng, khó thay đổi.
TS Huỳnh Thế Du: Trong các nghiên cứu về lựa chọn các quyết định tập thể chỉ ra rằng trong tập thể, tất cả mọi người đều suy nghĩ hợp lý vì lợi ích của mình và thường đưa ra các kết quả phi lý về mặt tập thể, có nghĩa là những thứ sai rành rành vẫn xảy ra.
Câu chuyện ở đây là trách nhiệm giải trình. Chúng ta đều thấy rằng với mỗi công chức, mục tiêu quan trọng nhất là thăng tiến. Vấn đề là trong hệ thống chúng ta, việc thăng tiến là do cấp trên quyết định chứ không phải do người dân hay đối tượng tôi trực tiếp phục vụ quyết định. Trong khi ở những xã hội phát triển thì những người tôi phục vụ có quyền quyết định vị trí của tôi trong nhiệm kỳ tới.
Các cụ ta có câu “ ăn cây nào rào cây ấy”. Cách đây mấy năm, khi xảy ra sự kiện Đoàn Văn Vươn, chúng ta thấy phát biểu của một lãnh đạo Hải Phòng chỉ chăm chăm làm sao bảo vệ cấp trên của mình, bất chấp dư luận. Cái cơ chế đó đảo ngược hết hành vi của tôi, tôi sẽ cố gắng bao biện, đùn đẩy cho trách nhiệm tập thể. Đương nhiên, tôi có lợi ích cá nhân trong trách nhiệm tập thể. Thành thử dẫn tới hiện tượng có những quyết định trong khu vực công dường như chỉ có lợi cho một thiểu số nào đó, trong khi gây tổn hại cho toàn xã hội.
TS Huỳnh Thế Du (Đại học Harvard)
Sức ỳ bộ máy và sự chống đối của nhóm lợi ích
Việt Lâm: Những vấn đề chúng ta vừa phân tích ở trên tôi tin là nhiều người trong bộ máy đã cảm nhận thấy. Bằng chứng là thời gian qua, có nhiều tiếng nói trong hệ thống lên tiếng về cải cách thể chế. Chẳng hạn, người đứng đầu Chính phủ đã nhiều lần nêu thông điệp rõ ràng về sự cấp bách phải cải cách thể chế cũng như vạch ra đường hướng cải cách. Một số bộ trưởng cũng đăng đàn đề cập đến chủ đề này. Nhưng tại sao đã có những tiếng nói cải cách mạnh mẽ từ những người nắm giữ trọng trách mà cải cách vẫn chậm chạp như thế, nhọc nhằn như thế?
Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành: Cần hiểu rằng từ việc đưa ra được những tuyên bố, chuyển nó thành văn bản rồi đến thực thi các chương trình cải cách là cả một quá trình. Quá trình ấy bắt đầu bằng việc anh nhìn nhận được những yếu kém, bất cập đã xảy ra trong thời gian qua và đánh giá được hậu quả của những bất cập đó gây ra cho nền kinh tế. Rồi đi đến một bước nữa là anh cảm nhận được nếu như không thay đổi thì sự bất bình của dân chúng ngày càng gia tăng. Tiếp theo là một quá trình đấu tranh ý thức hệ, anh phải thay đổi cách nhìn, điều chỉnh lại cách suy nghĩ trước đây. Từ đó, anh đưa ra được các tuyên bố, rồi từ tuyên bố ấy, trải qua một cuộc đấu tranh ý thức hệ nữa mới đưa được thành văn bản, chính sách. Rồi khi chính sách đi vào thực hiện có thể gặp phải hai lực cản: một là sức ỳ của bộ máy, hai là phản ứng chống đối của các nhóm bị thiệt hại.
Qua quan sát của chúng tôi, đến thời điểm này đã có một sự chuyển đổi trong nhận thức, trong ý thức hệ. Nhiều người trong bộ máy đã cảm nhận được những yếu kém, bất cập, có thể chưa đến mức không cải cách thì hậu quả lớn nhưng họ cũng cảm nhận được rằng nếu không cải cách thì đất nước sẽ trì trệ, bất bình sẽ gia tăng. Như chúng tôi đã nói rõ trong bài phân tích của mình rằng nếu không có sự thay đổi, tính chính danh của Đảng, của chính quyền sẽ được đánh dấu hỏi.
Chính vì vậy mà thời gian qua, có những tiếng nói cải cách rất mạnh mẽ thậm chí con đường đi cụ thể cũng đã được tuyên bố thành văn bản. Cản ngại hiện tại là sức ỳ bộ máy và sự chống đối của những người bị thua thiệt. Để thực thi được cải cách đòi hỏi sức mạnh của bộ máy và quyết tâm chính trị, cộng với một hình thức liên minh các lực lượng muốn thúc đẩy cải cách, mới có thể vượt qua được các lực chống đối.
- VietNamNet
(còn nữa)
ỦY VIÊN TƯ ĐẢNG VŨ NGỌC HOÀNG: "LỢI ÍCH NHÓM LÀM ĐẤT NƯỚC TỤT HẬU, VĂN HÓA XUỐNG CẤP, NIỀM TIN BỊ MÂT"
Bài của pv NGỌC THỊNH/ MTG 8/7/2015
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng - Ủy viên TƯ Đảng, Phó trưởng ban thường trực Ban Tuyên giáo TƯ và tổng biên tập báo điện tử Một Thế Giới Lê Ngọc Thịnh
“Lợi ích nhóm làm cho kinh tế tụt hậu, văn hoá xuống cấp, niềm tin của người dân mất đi, hệ thống chính trị suy yếu... Bao nhiêu người đã chiến đấu, hy sinh qua nhiều thế hệ để cho đất nước Việt Nam được phồn vinh, giàu mạnh, dân chủ, tốt đẹp, công bằng chứ không phải để đất nước rơi vào tay lợi ích nhóm, các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực” – Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng – Ủy viên TƯ Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo TƯ chia sẻ với báo điện tử Một Thế Giới.
- Thưa tiến sĩ, sau khi bài viết về “lợi ích nhóm” của ông đăng trên Tạp chí Cộng sản và Báo Tuổi trẻ thì độc giả phản hồi như thế nào thưa ông?
- Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng: Bài về “lợi ích nhóm” sau khi đăng, tôi nhận được phản hồi rất nhiều. Khen có, chê có, bình luận có, suy diễn có, cắt xén cũng có. Nhưng tôi thấy phần nhiều đồng tình với các lý lẽ và tình hình đã phản ảnh trong đó. Tôi nghĩ chắc cũng còn có người không đồng tình nhưng họ không nói ra.
Trong đó có một số vấn đề có thể sau này tôi sẽ tổng hợp lại và trả lời bạn đọc. Lúc đó tôi sẽ nói thêm những vấn đề bạn đọc nêu ra.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về những lời khen, chê đó?
- Ở phần khen, độc giả nhận xét là lý lẽ phân tích trong bài viết rõ ràng, không phải lý luận rập khuôn, mà gắn liền với tình hình thực tiễn. Nói chung độc giả thấy rằng tình hình thực tế ở Việt Nam có “lợi ích nhóm” khá nhiều.
Còn phần chê, độc giả cho rằng giải pháp ở phần cuối để khắc phục chưa rõ. Thực ra giải pháp có viết một đoạn cô đọng. Nhưng để cụ thể hóa các giải pháp đó ra thì nhiều vấn đề lắm.
Cụ thể hóa từng vấn đề thì dài mà chính trong quá trình phản hồi, nhiều độc giả cũng đã góp thêm nhiều giải pháp.
Bàn về giải pháp thì rất nhiều vấn đề, vấn đề nào cũng phong phú và cần có chiều sâu cả, còn độc giả yêu cầu giải pháp cần rõ hơn nữa, cụ thể hơn nữa thì đúng rồi. Cần phải thế nhưng cái đó xin tiếp tục bàn. Trong một bài nói hết cho kỹ tất cả mọi chuyện thì không thể, mà cần phải có nhiều bài, nhiều người viết thảo luận qua lại với nhau về giải pháp thì sẽ rõ dần.
- Với những trường hợp cắt xén thì họ đã cắt xén như thế nào?
- Ví dụ như có ý kiến nói rằng lợi ích nhóm như thế là đừng đổ lỗi cho chủ nghĩa tư bản, không phải chủ nghĩa tư bản sinh ra mà ở Việt Nam là do chủ nghĩa xã hội sinh ra.
Trong bài viết tôi đã nêu rõ nó không phải do chủ nghĩa tư bản và càng không phải chủ nghĩa xã hội sinh ra. Thực tế lợi ích nhóm là một thứ tha hóa, thoái hóa.
“Chủ nghĩa tư bản thân hữu” viết trong ngoặc kép, không phải là một giai đoạn nào của chủ nghĩa tư bản, mà nó là sự tha hóa, phát triển lên cao độ và biến tướng, biến chứng của “lợi ích nhóm”, của sự tha hóa ấy, và nó càng không phải của chủ nghĩa xã hội.
Ở Việt Nam đường lối chỉ mới là định hướng, còn chủ nghĩa xã hội hiện thực thì chưa có. Chưa có chủ nghĩa xã hội nhưng có người tưởng đã có rồi, ra sức giữ, không chịu đổi mới, để có nó. Trong chủ nghĩa xã hội không thể chấp nhận “lợi ích nhóm”. Còn nhiều “lợi ích nhóm” thì không thể có chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội phải là cái tốt đẹp thật sự chứ không phải từ ngữ viết trên giấy.
- Thưa tiến sĩ, lợi ích nhóm tạo ra sự phân hóa giàu nghèo rất lớn, Trung Quốc đi trước mình đến bây giờ qua cái chiến dịch đả hổ đập ruồi của ông Tập Cận Bình thì ra rất nhiều quan chức có khối tài sản rất lớn. Ông có nghĩ nếu chúng ta không có biện pháp kiên quyết chống lại lợi ích nhóm này thì lúc nào đó Việt Nam rơi vào tình trạng như Trung Quốc hiện tại?
- Tôi nghĩ rằng nếu không có giải pháp tốt thì từ “lợi ích nhóm” dẫn đến nhiều điều nguy hại nữa. Trong bài viết tôi đã phân tích rồi, chứ không chỉ có phân hóa giàu nghèo. Còn phân hóa giàu nghèo ngày càng lớn là tất nhiên rồi, không thể tránh khỏi, nếu “lợi ích nhóm” không bị ngăn chặn, mà đó là sự phân hóa rất vô lý, rất khó chịu, không phải do tài năng lao động tạo ra trong môi trường bình đẳng, minh bạch, mà là lợi dụng quyền lực của nhân dân trao cho để thâu tóm lợi ích cho cá nhân và cho “nhóm lợi ích”.
Thật ra “lợi ích nhóm” là hình thức đặc biệt của tham nhũng. Đó là tham nhũng có tổ chức. Chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm thì nhất định phải chống, nhưng việc ngăn ngừa còn quan trọng hơn nữa. Nói như thế không có nghĩa xem nhẹ việc chống, phải chống quyết liệt, mạnh tay hơn nữa, liều lượng mạnh hơn nữa chứ như hiện nay chưa phải đã đủ, dù gần đây có cố gắng.
Nhưng tôi cho rằng việc ngăn ngừa còn quan trọng hơn, chống chủ yếu là đi giải quyết những vụ việc đã xảy ra. Trong khi chúng ta giải quyết được vài ba vụ tham nhũng thì nó đã có đủ thời gian phát sinh thêm 5 - 7 vụ. Và cứ thế ta bị động, đi sau và xử lý hậu quả. Mà giải quyết các vụ đã xảy ra đâu có đơn giản, nó có lực lượng, nó có vây cánh, nó đối phó đủ kiểu. Chủ động ngăn ngừa, nói cách khác là dành nhiều công sức cho việc “chống” những vụ việc chưa xảy ra hoặc sắp xảy ra quan trọng hơn giải quyết cái đã xảy ra. Đó chính là ngăn chặn.
Muốn ngăn chặn được thì đầu tiên cần phải có cơ chế tốt, phải dân chủ, minh bạch thông tin và kiểm soát quyền lực. Có nhiều người ban đầu họ cũng tốt (tất nhiên là tương đối) nhưng trong hoàn cảnh cơ chế quản lý không đủ chặt chẽ; cơ chế giám sát, kiểm soát quyền lực không đủ thì cuối cùng họ cũng hỏng dần đi.
Nếu nhân cách họ không đủ độ chín, cơ chế lỏng lẻo thì trước sau họ cũng hỏng. Bản thân quyền lực luôn có mặt trái là làm tha hóa con người. Cơ chế là hết sức quan trọng, nếu không muốn nói là quan trọng nhất. Tôi thấy việc tiêu cực, tham nhũng, “lợi ích nhóm” có liên quan trực tiếp đến mặt trái là mặt tha hóa của quyền lực, vì vậy, kiểm soát quyền lực là công việc hàng đầu, như có lần tôi đã nói trên báo Tuổi trẻ nhân dịp 85 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nghị quyết Đại hội XI có nói đến vấn đề kiểm soát quyền lực. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó là lần đầu tiên vấn đề này được đề cập trong văn kiện đại hội. Rất tiếc từ đó đến nay chưa có bước tiến nào đáng kể trong việc kiểm soát quyền lực. Đáng lẽ phải tập trung giải quyết nhiều hơn nữa việc kiểm soát quyền lực. Đây là việc rất lớn, để cho quốc gia hưng thịnh chứ không bị suy đồi.
- Vì sao ông nói lợi ích nhóm khiến cho thật - giả, đúng - sai lẫn lộn, thưa tiến sĩ?
- Trong “lợi ích nhóm” có việc kết hợp và liên quan giữa quyền lực với tiền bạc. Quyền lực gắn với cán bộ có chức quyền. Mà cán bộ có chức quyền khi quyết định vấn đề này vấn đề khác nhân danh Đảng, nhà nước, nhân danh xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nhân danh đó có vẻ như quan trọng và đường đường chính chính, nhưng thực ra đằng sau câu chuyện đó là một sự tính toán cho “lợi ích nhóm”.
Nhóm này mạnh hơn thì thanh toán những doanh nghiệp khác. Họ kiềm chế những doanh nghiệp khác để họ độc quyền, để họ thâu tóm, chiếm đoạt. Và trong quá trình đó họ tạo ra đủ cớ, kể cả những sơ hở về mặt hành chính, pháp lý hoặc là làm cho dư luận hiểu sai để thực hiện mục tiêu của “nhóm lợi ích” nào đó. Tất cả những việc đó được che đậy bởi một cái áo khoác mà không dễ nhận thấy ngay. Mặt khác, sự gian lận không bao giờ muốn và chịu minh bạch… Thì những điều ấy liên quan đến thật - giả, đúng - sai lẫn lộn.
- Và lợi ích nhóm cũng tạo nên một sự mất tự do, dân chủ trong xã hội?
- “Lợi ích nhóm” là thâu tóm, độc quyền kể cả về kinh tế và chính trị. Đã là thâu tóm độc quyền thì nó đụng đến vấn đề dân chủ và tự do, bình đẳng và công bằng. Bản thân dân chủ, tự do, bình đẳng, công bằng về bản chất luôn trái với việc thâu tóm độc quyền của một nhóm người. Cái đó thì nhất định rồi.
- Bao nhiêu thế hệ cha ông ngã xuống qua hai cuộc kháng chiến để tạo dựng một đất nước Việt Nam dân chủ, tự do, công bằng và văn minh. Nhưng bây giờ sự tồn tại của lợi ích nhóm đã làm chệch đi lý tưởng của các thế hệ đi trước. Ông nghĩ thế nào về thực trạng này?
- Tôi nghĩ các giải pháp hữu hiệu để chống “lợi ích nhóm” là cực kỳ quan trọng để đưa đất nước phát triển lành mạnh, bền vững và không bệnh tật, có dân chủ, tự do, bình đẳng, công bằng, quốc gia hưng thịnh, không bị kiềm hãm bởi các “nhóm lợi ích”, nguồn lực được sử dụng một cách hiệu quả nhất cho lợi ích chung chứ không phải bị “lợi ích nhóm” chi phối, thâu tóm.
Có hướng đi đúng, chiến lược đúng, có một cơ chế quản lý tốt, nhất là kiểm soát cho được quyền lực, chống lợi ích nhóm, chống tham nhũng hiệu quả, thì sẽ đạt được mục tiêu mong muốn. “Lợi ích nhóm” sẽ làm đất nước không phát triển được, tụt hậu ngày càng xa hơn, văn hoá xuống cấp, niềm tin của dân chúng mất đi, hệ thống chính trị suy yếu đi, nguồn lực nội sinh của quốc gia bị suy giảm, tổn thất thì không đạt được mục tiêu. Bao nhiêu người đã chiến đấu, đã hy sinh qua nhiều thế hệ, nhiều cuộc chiến đấu, để cho cái gì ? Để cho một đất nước độc lập, giàu mạnh, dân chủ, tốt đẹp, công bằng chứ không phải để đất nước rơi vào “lợi ích nhóm”, các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực.
- Xin cảm ơn tiến sĩ!
Ngọc Thịnh (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét