Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015

20150421. HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XII ĐẢNG CSVN

NGƯỜI DÂN MONG CHỜ GÌ Ở BẦU CỬ TRONG ĐẢNG ?
Bài của TÔ VĂN TRƯỜNG / BVN 18/4/2015
 
***
Vấn đề lớn nhất vẫn là Đảng bầu trong nội bộ với nhau nhưng kết quả lại là chọn ra những vị trí để lãnh đạo nhân dân và xã hội, thiếu tính chính danh. Bao giờ người dân mới được trực tiếp bầu lên những người lãnh đạo mình như các thể chế dân chủ phổ quát trên thế giới?
Nếu nói là cần 1 thời kỳ “toàn trị quá độ” rồi mới đến dân chủ thực sự thì cũng cần cho dân biết kế hoạch của Đảng là thời kỳ đó kéo dài bao lâu? Đến khi nào, với những điều kiện gì thì thực sự trả lại quyền làm chủ xã hội cho các công dân của mình và khi nào Quốc hội mới thực sự là cơ quan lãnh đạo cao nhất của Nhà nước?
Người dân nước nào cũng mong muốn có người lãnh đạo đàng hoàng, tài giỏi. Ở Việt Nam thì mong muốn này càng nóng bỏng, vì nhiều năm nay chúng ta thiếu vắng những vị lãnh đạo tầm cỡ, có nhân cách, trí tuệ và bản lĩnh, là yếu tố quan trọng hàng đầu để phát triển đất nước.
Một trong những tiêu chí quan trọng nhất của dân chủ là bầu cử. Có nhiều kiểu bẩu cử để lựa chọn lãnh đạo, thủ lĩnh (Tổng thống, Thủ tướng hay Tổng Bí thư Đảng như ở ta) của một quốc gia, như: bầu trực tiếp, bầu gián tiếp thông qua đại cử tri, hoặc các đảng phái.
Cách làm nhân sự qua các kỳ đại hội Đảng cho ta thấy tư duy, não trạng không thay đổi, tức là từ đường lối đến nhân sự, cả chức Tổng Bí thư đều đã có "sắp đặt trước”. Cách bầu cử (thể thức) tự nó cho kết quả theo hướng nào. Chế độ cha truyền con nối, cha bầu cho con thì ra Vua. Nhóm bầu cho thì ra nhóm trưởng. Toàn dân bầu cho thì ra lãnh tụ. Tuy nhiên, cách bầu còn tùy vào thời đại, vào trình độ phát triển của cộng đồng.
Dân tộc ta, ai cũng mong muốn đất nước phát triển bền vững, giữ vững độc lập chủ quyền, có khả năng ứng phó với mọi thách thức của thời đại, hòa nhập được với cộng đồng tiên tiến trên thế giới trên cơ sở một nền tảng kỹ trị và thượng tôn pháp luật. Người dân cho rằng ta phải dân chủ hóa công tác bầu cử trong Đảng từ cấp cơ sở đến Trung ương cùng với việc thay đổi thể chế. Dân chủ hóa sẽ tạo ra con người mới và con người mới sẽ tạo nên thể chế mới phù hợp với mục tiêu phát triển đất nước. Đây có lẽ là chiếc chìa khóa vàng mở ra cơ hội lớn cho đất nước phát triển trong bối cảnh hiện tại bởi vì trong Đảng không có dân chủ thì Đảng cũng không thể phổ biến và thực hiện dân chủ đối với toàn xã hội.
Dân chủ bầu cử trong Đảng là con đường ít tai biến nhất, ít “bạo lực” và văn hóa nhất. (Có thể tham khảo thêm ở bài viết “Một số ý kiến về quy chế bầu cử trong Đảng” - tác giả Tô Văn Trường đã phân tích một số điểm bất cập trong Quy chế 244 QĐ/TW ngày 9/6/2014 của Ban chấp hành Trung ương Đảng về một số  quy định hạn chế quyền ứng cử, đề cử, bầu cử trái với Điều lệ Đảng hiện hành).
Muốn tìm được một Tổng Bí thư đủ tài đức cùng một ê kíp lãnh đạo đủ năng lực thì ta phải làm gì?
Trước tiên, là phải thay đổi hình thức và nội dung bầu cử. Đảng viên được tự ứng cử và đề cử theo những điều kiện nhất định (ví dụ tuổi đảng tùy theo chức danh cần bầu, số đảng viên giới thiệu, có chương trình hành động được công bố…). Đảng viên được đưa ra đường hướng, cách thức giải quyết vấn đề trong đảng và xã hội theo suy nghĩ cách riêng của mình trên cơ sở nguyên tắc đảng.
Các đại cử tri của Đảng chính là các đại biểu được bầu ra một cách dân chủ ở cấp cơ sở các vùng miền (các khu vực bầu cử, theo quy chế phổ thông đầu phiếu trên số lượng đảng viên). Các vị trí bầu đều phải có số dư – tức là phải có cạnh tranh công khai thì mới có nhiều hơn 1 sự lựa chọn cho những người bỏ phiếu.
Trước khi bầu tại đại hội nhiệm kỳ, các ứng viên vào các vị trí chủ chốt trong Đảng cần được tổ chức tranh cử và vận động bầu cử trong Đảng, phát biểu những suy nghĩ của mình về những vấn đề trọng đại nhất của đất nước, tranh luận trực tiếp giữa các ứng viên hàng đầu. Nếu không có cạnh tranh lành mạnh giữa những nhóm người với chủ trương, chính sách khác nhau, không có sự sòng phẳng, công khai trong việc thuyết phục mọi người tin theo chủ trương, chính sách của mình là hợp lý, hiệu quả hơn cả, không có sự kiểm nghiệm trên thực tế về tính đúng đắn hay sai lầm không thể chối cãi của các chủ trương, chính sách đó thì hầu như mọi sự lựa chọn nhân sự đều rất khó để dẫn tới kết quả mà người dân chờ đợi.
Sau khi thảo luận, sẽ bầu. Cách làm này còn tạo ra chất lượng mới trong nội dung văn kiện của đại hội. Dứt khoát không nên họp Đại hội chỉ để "quán triệt" các thứ đã được bầy lên mâm sẵn rồi. Làm sao có thể bắt dân phải tâm phục, khẩu phục khi nhìn thấy người lãnh đạo tư duy xơ cứng, không biết đặt quyền lợi của đất nước, của dân tộc lên trên tất cả, không đủ tầm vóc của “một người lo bằng cả kho người làm”. Tôi được nghe kể có vị lãnh đạo ở tỉnh được rút lên Trung ương trong diện quy hoạch vào hàng ngũ lãnh đạo cấp cao. Trước khi từ biệt chia tay cán bộ địa phương, vị này phát biểu cảm tưởng chỉ xoay quanh mấy câu cám ơn mà cũng phải nhìn vào tờ giấy để đọc do thư ký soạn sẵn, thật đáng lo ngại cho công tác quy hoạch nhân sự của Đảng.
Nếu Đảng không đủ năng lực tiến hành Đại hội như nội dung nêu trên, thì nên có một bước chuẩn bị. Thay vì những việc phải làm ở Đại hội, thì làm trước tại Hội nghị Ban chấp hành Trung ương và làm cho kỹ, rồi sau đó đưa ra Đại hội.
Thật ra vấn đề bầu chọn người tài không khó, nhưng vô cùng khó ở chỗ việc tổ chức bầu không nhằm mục đích làm cái công việc tuyển chọn, mà chỉ làm cái việc hợp thức hóa “các ghế” đã chia phần từ trước. Đây mới là cái gốc của khó khăn và sự bất ổn trong xã hội. Cứ làm theo cách quen thuộc lâu nay thì dễ cho kết quả của một “bộ lọc ngược” khá kỳ dị.
Sẽ không khó nói dân cần một người lãnh đạo như thế nào. Chính những người lãnh đạo yếu kém cũng có thể nói như vậy qua việc vạch ra cái gọi là "tiêu chuẩn cán bộ lãnh đạo". Nhưng chỉ nêu ra để đấy, còn trong thực tế, họ ra quyết định về cán bộ,với nguyên tắc thỏa hiệp theo lợi ích nhóm.
Người dân thường tự hỏi thời buổi này sao hiếm ông quan biết thương dân, dù nhiều ông quan cũng từ dân mà ra? Hình ảnh ông Nguyễn Sự, Bí thư thành ủy Hội An có cuộc sống thanh bạch, là người tâm huyết biết sống thương yêu dân, có trí tuệ đưa được nhiều quyết sách đột phá và hiệu quả trong quản lý và điều hành ở địa phương thật đáng trân trọng.
Nêu con người cụ thể như ông Nguyễn Sự ở Hội An để ta dễ hình dung chứ không thể là hình mẫu được vì còn tùy thuộc địa bàn lớn, nhỏ và môi trường làm việc. Lựa chọn lãnh đạo đất nước chỉ có thể hỏi dân là chính xác nhất, không cơ quan tuyển chọn nhân sự nào làm thay được quốc dân.
T.V.T.
Tác giả gửi BVN
***
LỊCH SỬ VÀ LÃNH TỤ
Bài của NGUYỄN MINH NHỊ/ BVN 19/4/2015
***
Nhân đọc bài của TS Tô Văn Trường về chủ đề Đại hội Đảng khóa 12 sắp tới mà anh gửi riêng tham khảo, tôi như được gợi mở suy nghĩ trên tinh thần trách nhiệm về việc Đảng và vận nước.
Lịch sử là con đường không thẳng. Có ai ngờ 40 năm nước nhà độc lập, thống nhất mà con đường đi lên hạnh phúc không thẳng tắp, "rộng thênh thang" như ta tưởng. Và mỗi lần vượt qua khúc quanh hoặc để "nắn dòng" chảy đòi hỏi phải có con người lịch sử. Chỉ có con người lịch sử mới chuyển dòng lịch sử một cách lành tính. Đó là trường hợp ông Trường Chinh.
Những gì tôi đọc, nghe đều cho rằng ông từng có khuyết điểm trong Cải cách ruộng đất và cứng rắn trong chủ trương xây dựng Hợp tác xã ở Miền Bắc (1958), và trên cả nước sau khi hai miền thống nhất cho đến năm 1986. Nhưng khi Tổng Bí thư Lê Duẩn qua đời, lịch sử trao gánh nặng cho Ông: Cứu Đảng - cứu chế độ, cứu dân. Ông Đổi mới! Chỉ có ông dám thông qua Báo cáo chính trị phê phán sai lầm của Chủ nghĩa xã hội giáo điều, quan liêu, bao cấp mà thành trì Liên Xô đang lung lay sụp đổ.
Nhờ có tư duy nhạy bén, biết lắng nghe hơi thở của cuộc sống, có uy tín cao trong Đảng , ông đã dũng cảm vượt lên chính mình, trực tiếp chỉ đạo viết lại Văn kiện Đại hội Đảng VI theo tinh thần Đổi mới. Sau mười năm báo cấp (1976-1986), nền kinh tế Kế hoạch hóa Việt Nam đang tuột dốc thảm hại, ông dám "bẻ góc" cho nó vọt lên thì chính ông là người làm nên lịch sử.
Khi bàn về tính công minh của lịch sử Engels đã nói đại ý như sau Khi nhận định một nhân vật lịch sử thì phải chú ý những gì người ta làm được, còn những thiếu sót là những hạn chế của điều kiện lịch sử". Người ta thường tranh luận “Thời thế tạo anh hùng hay anh hùng tạo ra thời thế”? Có thể ở trong trường hợp của Trường Chinh cả hai yếu tố nêu trên đều đúng. Lịch sử và người dân luôn nhớ về ông như tấm gương sáng thể hiện rõ bản lĩnh và vai trò của lãnh tụ.
"Đổi mới" đang đuối tầm!.
Con tàu Cách mạng Việt Nam chạy qua cung đường thời gian 30 năm xem ra năng lượng "Đổi mới" đã cạn. Nó đang chạy với tốc độ quán tính giai đoạn cuối của đà "Đổi mới" và năng lượng của FDI từ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài. Từ 5 năm nay các chỉ số hài lòng của người dân với bộ máy hành chính, hay nói cho công bằng, là cả hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng và các dịch vụ hành chính - sự nghiệp như: nhà đất, hộ tịch hộ khẩu, y tế, giáo dục...của Chính phủ, theo điều tra của cơ quan LHQ và các cơ quan Chính phủ, mới công bố vẫn không cải thiện được bao nhiêu. Công nhân đình công mà không thấy bóng Công đoàn. Nông dân khiếu kiện đất đai thì không thấy mặt Hội của mình đứng ra hướng dẫn, chỉ đạo. Phụ nữ bị bạo hành gia đình thì thường là nhờ công an can thiệp chớ vai trò Hội của chị em bặt tăm. Tệ "chạy", đường ai nấy biết, nếu mở miệng phải trưng "bằng chứng" thì có nước đi tù, vì Thanh tra, Kiểm tra "chưa có cơ sở kết luận" v.v....
Về cơ cấu kinh tế, nếu nhìn từ xuất khẩu thì theo Tổng cục Thống kê năm 2014, tổng kim ngạch của cả nền kinh tế là 150 tỷ US, trong đó doanh nghiệp FDI chiếm hơn 2/3 (101 tỷ = 67% kể cả dầu thô), nếu không tính các Liên doanh xuất khẩu dầu thô thì cũng còn là 94 tỷ = 63%. Trong FDI, riêng Samsung xuất khẩu khoảng 24 tỷ. Như vậy là kinh tế nội địa tham gia xuất khẩu chỉ chiếm khoảng hơn 30% = khoảng 50 tỷ nhưng trong đó hàng nông - lâm - thủy - hải sản chiếm 20,5 tỷ.
Huyện Tịnh Biên ( tỉnh An Giang, Anh hùng Kháng chiến), qua ba cuộc chiến tranh liên tiếp, xã nào cũng được tuyên dương Anh hùng, riêng xã Nhơn Hưng bản quán của tôi đến ba lần Anh hùng. Đó là niềm kiêu hãnh. Nhờ Đổi mới mà bộ mặt Bảy Núi - An Giang (điện, đường, trường, trạm, nước sạch...) đổi thay rõ nét. Đó là niềm tự hào. Nhưng sự so sánh "hôm nay hơn hôm qua", "bây giờ khác xa hơn 30 năm trước" theo lối tư duy cũ xưa là không thể nhìn ra hiện thực xã hội đòi hỏi nên thường bị tụt hậu mà không hay. Đó là vấn đề công ăn việc làm và thu nhập của từng nhà rõ ràng là không bền vững.
Nói đến đây tôi vô cùng biết ơn ông Lý Quang Diệu với khu công nghiệp Singapore - Bình Dương và các anh Sáu Phong (Bí thư) anh Út Phương (Chủ tịch) tỉnh Bình Dương đã tiên phong khai mở con đường cho dân nghèo quê tôi có thêm công ăn việc làm. Nhiều nhà, thậm chí cả xóm đi hết lên đó. Tôi từng sợ doanh nghiệp FDI sẽ làm doanh nghiệp nội địa của ta "liệt kháng". Nhưng nay thì như phân tách cơ cấu kim ngạch xuất khẩu vừa nói, nếu không có FDI thì kinh tế ta sẽ "liệt cần"! Hiệp định TPP sẽ là một cơ hội lịch sử chăng?
Năm 2016 Đại hội Đảng lần thứ 12. Chu kỳ thời gian có sự trùng hợp ngẫu nhiên với Đại hội lần thứ 6 năm 1986! Yêu cầu 1986 là Đổi mới để thoát sụp đổ còn lần này tất yếu là tìm nguồn năng lượng mới hay nói nôm na là phải có "đầu kéo" mới để không bị đùn toa. Nói đùn toa nghe thì nhẹ nhưng nó cũng sẽ lật toa và hậu quả cũng không khác gì sụp đổ.
Nhớ khi xưa vận nước Đại Cồ Việt đang bên bờ vực: Nội bộ triều Đinh lục đục, giặc Tống lăm le xâm lược nước ta. Nếu không phải Thái hậu Dương Vân Nga thì không ai cứu được nước và chặn được giặc ngoại xâm. Bà đã vượt lên chính vai Thái hậu uy quyền của mình và vượt lên cả Triều đình họ Đinh mà cứu nước. Chỉ có bà mới làm được. Con bà là Đinh Toàn chính danh sẽ là Vua nhưng không làm được, các đại thần nhất là các Hoàng thân càng không làm được, vì họ xem cái họ Đinh là lớn hơn trăm họ. Uy và quyền của bà lúc bấy giờ lớn hơn cả họ Đinh mà bà còn đặt nó dưới trăm họ thì nước sao không mạnh, giặc nào không thua!
Lý Công Uẩn dời đô vì Đại La có thế "Rồng cuộn hổ ngồi" như ngài ra chiếu, nhưng cũng có người bình luận: còn là vì ngài muốn tránh xa cái họa phe nhóm, dư đảng của các đại thần Đinh, Lê xâu xé triều chính, để nhà vua rảnh tay lo chống giặc phương Bắc và xây dựng Đại Việt. Vả lại một kinh đô Hoa Lư chỉ rộng đủ chứa một bậc Sứ quân thì làm sao thỏa sức vẫy vùng của một bậc Đế vương mà câu chuyện truyền tụng dân gian là thuở còn là chú tiểu ở chùa có lần bị nhà chùa phạt trói cột Ông đã từng than: "Đêm nằm chẳng dám ngay chân thẳng/ Sợ nỗi Sơn hà Xã tắc nghiêng"!
Việt Nam đang trước ngã ba đường hội nhập quốc tế. Nói ngã ba là để hình dung giữa các nước lớn, các loại thị trường, các đối tác và đối thủ...để chọn lựa cách đi chớ không có tư duy nhìn đâu cũng ngã ba, ngã bảy hoặc cạm bẩy hay nhìn lối mòn nào cũng ra đại lộ để cặm cuị đi và nhìn đâu cũng thấy kẻ thù để giận. Mà giận thường mất khôn thì làm sao cạnh tranh nổi với người ta. Nói thế không có nghĩa Việt Nam hết kẻ thù thì ngây thơ quá. Không phải vậy. Vì "tấm huân chương còn có bề trái" thì không có đối tác nào mà không có khả năng là đối thủ - kẻ thù. Thậm chí kẻ thù có thể đang lù lù ngồi kế bên ta đó. Do đó chúng ta phải bình tĩnh , sáng suốt để tránh các thế lực thù địch bên ngoài "chuyển vế" ngược, làm cho trong nhà ganh tị, thù hận nhau thì ta như tự sát!
Lời kết
Tôi vừa được Tỉnh ủy truyền đạt: Hội nghị TW 10 mới rồi khẳng định: "Đảng lấy quốc gia dân tộc làm đầu" và "Dân là gốc" chớ không phải "Lấy dân làm gốc". Đại hội Đảng lần thứ 12 sẽ lấy chủ đề này làm trọng tâm thì chính là tín hiệu Đảng dám vượt lên chính mình, vượt xa Đại hội 6 "lấy dân làm gốc" để đưa con thuyền Tổ quốc vượt qua khúc quanh lịch sử hiện nay. Cơ hội không đến hai lần. Lịch sử tạo ra lãnh tụ. Lãnh tụ làm nên lịch sử. Tôi tin vậy!
N.M.N.
Tác giả gửi BVN
***
 SUY NGHĨ NHÂN ĐỌC BÀI "LỊCH SỬ VÀ LÃNH TỤ" CỦA ÔNG NGUYỄN MINH NHỊ
Bài của LÊ PHÚ KHẢI / BVN 21/4/2015
***
Thiết tha với “việc Đảng và vận nước” lắm, ông Nguyễn Minh Nhị mới thổ lộ những suy nghĩ gan ruột của mình: “Con đường cách mạng Việt Nam chạy qua cung đường thời gian 30 năm qua xem ra nguyên liệu “đổi mới” đã cạn. Nó đang chạy với quán tính của giai đoạn cuối của đà “đổi mới” và năng lượng của FDI từ chính sách thu hút đầu tư nước ngoài”.
Tôi nghĩ, ông Chủ tịch tỉnh đã về hưu này phải cân nhắc lắm mới công bố suy nghĩ của mình trước thềm Đại hội 12 quan trọng của Đảng cầm quyền. Và, đó là một suy nghĩ sâu và đúng.
Xét về bản chất của khái niệm “Đổi mới” từ Đại hội 6 của Đảng Cộng sản Việt Nam, thì phải gọi đúng tên của nó là “Đại hội Sửa sai”. Kinh tế thị trường là qui luật mà cả loài người đã đi theo, như một dòng sông luôn chảy không ngừng nghỉ. Xây dựng nền kinh tế xã hội chủ nghĩa theo kế hoạch tập trung của các đảng cộng sản khác nào xây một cái đập giữa dòng sông đó. Nó tạo nên mực nước chênh lệch giữa hai bên. Khi mực nước phía thượng nguồn dâng cao, có khả năng vỡ đê thì Liên Xô và các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu xoá bỏ chế độ độc đảng, làm lại từ đầu với không ít gian nan. Việt Nam thì sửa sai chỉ bằng cách phá cái đập ở giữa sông đi. Thế là… nước chảy ào ào. “Cái cung đường thời gian 30 năm qua” phát triển như lời ông Nhị nói, đã qua. Bây giờ nước chảy lừ đừ vì không còn thế năng, không còn động lực. Chẳng lẽ lại xây một cái đập giữa sông để tạo nên động lực, rồi lại phá cái đập đi để tạo năng lượng cho dòng chảy mới?!!!
Vậy thì cần có một “đầu kéo” mới như lời ông Nhị, con tàu mới chạy được, dòng sông mới lại chảy đều… Cái đầu kéo ấy chính là cải cách chính trị, cải cách thể chế. Khi Đại hội 6 vừa kết thúc, nhà trí thức Nguyễn Khắc Viện bảo tôi: “Đổi mới kinh tế mới là năm mươi phần trăm, nửa còn lại phải là đổi mới chính trị thì đất nước mới tiến lên được, mới là sự thay đổi thực sự về chất”. Cái thời khắc đổi mới chính trị ấy đã đến: Đại hội 12.
Đổi mới, cải cách chính trị là gì? Điều này ai cũng biết – là tam quyền phân lập, là tự do ngôn luận, là quốc hội tự do ứng cử, tự do bầu cử, là xã hội dân sự… Tất nhiên những việc lớn lao này phải làm dần dần từng bước trong ôn hoà, nhưng không làm những điều đó thì không có con đường nào khác để đưa dân tộc Việt, đất nước Việt đi lên.
Việt Nam hiện nay là nước đang tụt hậu xa về cả chính trị lẫn kinh tế so với các nước Đông Nam Á ở quanh ta. Đó là điều không một người Việt Nam nào ở trong nước và hải ngoại có tự trọng có thể ngủ ngon giấc mỗi đêm.
Tham nhũng hiện nay là một quốc nạn không thể chống được. Nếu ai tố cáo tham nhũng thì như ông Nhị nói, các cơ quan thanh tra, kiểm tra… đều kết luận “chưa có cơ sở kết luận”! Thế là người đi tố cáo bị khoác lên cổ cái tội “vu cáo cán bộ”! Và thế là… tù mọt gông! Pháp luật như vậy thì trên thực tế đi bảo vệ kẻ tham nhũng, chứ không khuyến khích chống tham nhũng. Không có dân chủ thì mọi việc chống tham nhũng đều là trò hề, vô nghĩa!
Cải cách chính trị là không có con đường nào khác. Để người Việt Nam không phải “ngước nhìn lên” (Hạ Đình Nguyên) dẫu chỉ là những quốc gia như Campuchia, Myanmar, Thái Lan!!!
Sài Gòn, tháng 4/2015
L.P.K.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét