(PL)- Thế hệ trẻ ngày nay coi trọng lợi ích cá nhân, phe nhóm hơn cộng đồng. Đây cũng có thể coi là hậu quả của một nền giáo dục một chiều, thiếu tính nhân văn và ý thức xã hội, nói và làm không đồng nhất.
 “Việt Nam cũng có hoàn cảnh và xuất phát điểm tương đồng như Hàn Quốc, cũng trải qua chiến tranh, nghèo đói... Nhưng hơn 40 năm qua Hàn Quốc đã đầu tư cho giáo dục, công nghệ và đã trở thành một cường quốc về khoa học công nghệ. Trong khi đó, nền khoa học công nghệ Việt Nam hiện tại vẫn đang còn tụt hậu và bị bỏ lại phía sau” - GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng nói với các giảng viên và sinh viên tại ĐH Mở TP.HCM sáng 20-3.
Hãy lành mạnh hóa tương quan xã hội
Một số bạn trẻ đặt vấn đề ở Việt Nam hiện nay số đông người tài khi du học lại không muốn về mà chọn ở lại các nước để làm việc. GS Hưng lý giải: “Mỗi thế hệ đều có những thái độ ứng xử tùy theo ý thức xã hội mà thế hệ ấy nhận được qua giáo dục, nhất là qua kinh nghiệm bản thân, qua thời cuộc. Việc các bạn trẻ chọn du học nhưng không quay lại phục vụ quê hương, đất nước cũng tùy hoàn cảnh cá nhân, giáo dục gia đình.
Để thu hút được người tài quay về đóng góp cho đất nước không cách nào khác là phải cải thiện môi trường của mọi giới, lành mạnh hóa tương quan xã hội. Cần chấm dứt nạn chức quyền thân hữu, nạn cơ cấu người bất tài, vô tâm, nạn con ông cháu cha đang phổ biến hiện nay”.
Nghiên cứu khoa học để hốt tiền? Xin mời đi chỗ khác!
Trả lời câu hỏi làm thế nào để nuôi dưỡng niềm đam mê nghiên cứu khoa học, GS Hưng đã thẳng thắn chia sẻ: “Trước tiên người làm khoa học cần phải có đam mê. Nếu anh đến với khoa học mà cốt yếu để kiếm tiền thì nên chọn một nghề khác. Chìa khóa thành công trong nghiên cứu khoa học là lao động nghiêm túc, tự học là chính, tập cách học bài bản chuyên sâu và chọn lựa người thầy hướng dẫn tốt. Hiểu biết là cần thiết nhưng trí tưởng tượng mới là yếu tố quyết định. Có tính tưởng tượng thì mới có phát minh khoa học và thúc đẩy nền kinh tế phát triển. Phải tự tìm niềm vui trong nghiên cứu khoa học, dần dần đi đến chỗ đam mê. Ngoài ra điều quan trọng là cần tôn trọng tuyệt đối tính trung thực trong sinh hoạt khoa học”.
 GS Nguyễn Đăng Hưng nói chuyện với các bạn trẻ. Ảnh: HUYỀN VI
***
Đau đáu gầy dựng“thế hệ trẻ và giỏi mới”
GS Nguyễn Đăng Hưng kể về thời thơ ấu của ông trước khi đi du học. Ông sinh ra và lớn lên ở vùng quê nghèo Điện Bàn, Quảng Nam, trong thời kỳ đất nước bắt đầu những năm chiến tranh. Sau thời gian di tản, di trú nhiều nơi khác nhau, ông được cha gửi vào Sài Gòn học tập. Đến khi vào học tại Trường Trung học Petrus Ký, ông mới lần đầu tiên được học hành bài bản. Vì là con nhà nghèo nên ông luôn ý thức cần phải lấy cho bằng được học bổng để tiếp tục theo đuổi con đường học thuật. Từ đó ông học nhảy cóc để kịp lấy bằng tú tài toàn phần trước năm 19 tuổi (học bổng du học thời đó chỉ cấp cho những học sinh từ 19 tuổi trở xuống). Kết quả là ông đã nhận được bằng tú tài năm 18 tuổi.
Khi sang du học tại Bỉ, ông đã đỗ đầu Trường ĐH Liège. “Khi đó tôi và những người bạn du học sinh khác tiếp cận chương trình học bên Bỉ rất nhanh. Cơ bản là nền giáo dục Việt Nam thời đó rất tốt nên giúp chúng tôi hòa nhập và tiếp cận với chương trình học của nước Bỉ khá dễ dàng. Ở đây chúng tôi không thấy sự thua thiệt, mặc cảm về kiến thức như các du học sinh bây giờ” - GS Hưng bày tỏ.
Khi đó chàng trai trẻ có một mục tiêu lớn nhất là nghiên cứu khoa học, lĩnh hội kiến thức chuyên môn để có đủ trình độ về Việt Nam phục vụ cho đất nước. “Mình phải làm gì có ích và hiệu quả nhất cho thế hệ trẻ Việt Nam. Và tôi đã nghĩ đến việc đào tạo người thầy, có thầy giỏi thì học trò sẽ học giỏi, mà học trò học giỏi thì khi thành tài họ sẽ cống hiến thật nhiều để gầy dựng thế hệ trẻ giỏi mới, đó là tương lai phát triển của Việt Nam. Và tôi gọi đó là “giấc mơ Việt Nam”” - GS Hưng tâm sự.
Năm 1977, ông về thỉnh giảng tại ĐH Giao thông vận tải tại Việt Nam, tổ chức lớp học tại Hà Nội. Thời đó, ông khó có thể thực hiện “giấc mơ Việt Nam” trong bối cảnh nền kinh tế trong nước rất khó khăn. Gia đình ông phải ăn bo bo để sống qua ngày. Bản thân ông không có việc làm, phải đạp xích lô kiếm sống. “Tôi trở lại Bỉ với dự định sẽ không về lại Việt Nam trừ khi đất nước có những thay đổi. Tôi không nhìn thấy được tương lai ở nơi này” - GS Hưng ngậm ngùi.
Đào tạo 75 tiến sĩ và hơn 300 thạc sĩ quốc tế
GS Nguyễn Đăng Hưng sau đó trở thành giáo sư thực thụ và đào tạo rất nhiều học trò đến từ nhiều quốc gia khác nhau, trong đó có Việt Nam. Sau chính sách đổi mới năm 1986, GS Hưng xin được các dự án do Bỉ, Pháp tài trợ để đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ. Theo ông, cao học nên đào tạo những người nghiên cứu và để như vậy thì cần các giảng viên là những nhà nghiên cứu có thâm niên. Trong điều kiện Việt Nam hiện nay, để đào tạo cao học được như vậy cần có sự hợp tác quốc tế với các trường ĐH trên thế giới. “Giấc mơ Việt Nam” của ông bắt đầu được thực hiện. Với sự tài trợ của chính phủ Bỉ mở chương trình đào tạo cao học Việt-Bỉ ở ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội, GS Hưng đã mời các giáo sư trong nước và từ châu Âu về giảng dạy. Sau 12 khóa ở TP.HCM và tám khóa ở Hà Nội, đã có 318 thạc sĩ có bằng quốc tế, trong đó có 75 tiến sĩ du học tại các nước tiên tiến.
GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng sinh năm 1941 tại Điện Thắng, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông là cựu học sinh Trường Trung học Petrus Trương Vĩnh Ký và Chu Văn An, Sài Gòn, được học bổng du học tại Bỉ vào năm 1960.
Giáo sư danh dự thực thụ Trường ĐH Liège
GS-TSKH Nguyễn Đăng Hưng tốt nghiệp kỹ sư kỹ thuật hàng không không gian (Liège, 1966), là tiến sĩ khoa học đặc biệt về khoa học ứng dụng (1984), giáo sư thực thụ, chủ nhiệm bộ môn Cơ học phá hủy thuộc khoa Kỹ thuật hàng không không gian, Bỉ (LTAS-ULg, 1985-2006). Hiện nay ông là giáo sư danh dự thực thụ Trường ĐH Liège, tổng giám đốc sáng lập doanh nghiệp tư nhân Công nghệ Thông tin Hưng Việt, tổng biên tập tạp chí khoa học APJCEN do nhà xuất bản Springer chủ trương.
NAM TRÂN