Thứ Sáu, 13 tháng 3, 2015

20150313. BÌNH LUẬN VỀ LUẬT THỐNG KÊ SỬA ĐỔI

ĐIỂM BÁO MANG
TÍNH GDP KIỂU GÌ ?
Bài của THÀNH NAM /infonet/BVB 13/3/2015
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, GDP là con số thống kê quan trọng nhất của đất nước nhưng cách tính hiện nay lại rất lơ mơ, không chính xác, không biết thế nào mà lần.
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh, dự thảo Luật Thống kê (sửa đổi) quy định lịch công bố thông tin thống kê là căn cứ để minh bạch hóa việc công bố, phổ biến thông tin thống kê, đồng thời đây cũng là cam kết của cơ quan thống kê trong việc cung cấp kịp thời các thông tin thống kê và giúp cho tổ chức, cá nhân sử dụng thông tin thống kê chính thức chủ động tiếp cận, sử dụng.
Nhận định trên được Chủ tịch Quốc hội nêu ra vào chiều 11/3, khi Ủy ban thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật thống kê sửa đổi.
Thẩm tra dự án Luật, Chủ nhiệm Ủy ban kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu cho rằng, cần quy định rõ các nguyên tắc, phương thức công bố thông tin thống kê nhằm tạo sự minh bạch, thuận lợi trong việc tiếp cận, sử dụng thông tin thống kê chính thức đối với các tổ chức, cá nhân.
Vấn đề được đại biểu nêu là: Quy định nào đảm bảo tính chính xác của thông tin thống kê? Về việc này, Bộ trưởng Bùi Quang Vinh cho biết, luật sửa đổi lần này sẽ khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu bằng việc làm rõ trách nhiệm và hệ thống chỉ tiêu giao cho Tổng cục thống kê chịu trách nhiệm.
***
Theo Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh:
Luật thống kê sửa đổi lần này sẽ khắc phục tình trạng chênh lệch số liệu (Ảnh: ND)
***
Vậy nếu không quy định thống kê không chính thức thì ai quản lý? Nghĩa là vấn đề này đang bị bỏ rơi. Đại biểu dẫn dụ, các tổ chức đưa lên thống kê về số người xem chương trình truyền hình thực tế nhằm mục đích lôi kéo quảng cáo. Vậy ai chịu trách nhiệm trước các công bố thống kê này? Đại biểu đề nghị luật sửa đổi phải khắc phục được tình trạng này.Ở khía cạnh khác, Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý nêu vấn đề: Luật thống kê năm 2003 có nói đến thống kê chính thức và thống kê không chính thức. Tuy nhiên Luật này mới chỉ nói đến thống kê chính thức.
Về hệ thống tổ chức thống kê, dự thảo Luật quy định Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thống kê. Tuy nhiên, vấn đề này hiện nay đang có 3 luồng ý kiến khác nhau. Đa số ý kiến Thường trực Ủy ban kinh tế đề nghị quy định cơ quan thống kê Trung ương thuộc Chính phủ để bảo đảm tính minh bạch, khách quan trong hoạt động thống kê, góp phần nâng cao chất lượng thông tin thống kê.
Bên cạnh đó cũng có ý kiến đề nghị quy định cơ quan Thống kê trung ương do Quốc hội thành lập, hoạt động độc lập và chỉ tuân theo pháp luật. Còn một số ý kiến tán thành với quy định của dự thảo Luật, cơ bản kế thừa quy định của Luật thống kê hiện hành.
Theo Bộ trưởng Vinh, có ý kiến đề nghị nên tách ra khỏi Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Một là giao cho Chính phủ, hai là cơ quan khác. Nhưng nếu giao cho Chính phủ thì Bộ Kế hoạch & Đầu tư gần hơn, còn giao cho cơ quan khác thì Chính phủ vẫn quyết định, như vậy là như nhau.
Về việc này, theo ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, cơ quan thống kê nằm ở đâu không quan trọng mà quan trọng là công khai minh bạch chia sẻ thông tin thì tính độc lập sẽ cao.
Còn Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đánh giá luật này không minh bạch khi gần 100% điều khoản giao cho Thủ tướng và Chính phủ quy định.
"Vậy người công bố chỉ tiêu quốc gia là ai? Ngay ví dụ như cách tính GDP của ta rất lơ mơ, không biết thế nào mà lần", Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng đặt câu hỏi.
Theo Chủ tịch Quốc hội, GDP là con số thống kê quan trọng nhất của đất nước nhưng cũng không chính xác. Vậy Luật lần này khắc phục thế nào? Vì chỉ tiêu không minh bạch mới dẫn đến tính không chính xác.
"Chỉ tiêu không chính xác thì sao lãnh đạo đất nước được? Phải công khai minh bạch chỉ tiêu quốc gia. Luật phải quy định chỉ tiêu quốc gia vào thẳng trong Luật, quy định từ chỉ tiêu cho đến cách tính cho rõ ràng, và chịu trách nhiệm rõ ràng chứ không phải giao hết cho Thủ tướng, Chính phủ quy định” – Chủ tịch Quốc hội đề nghị.
Thành Nam/Infonet
----------------------
 ***
BAO NHIÊU TAI NẠN GIAO THÔNG LÀ DO RƯỢU BIA ?
Bài của GS Nguyễn Văn Tuấn / tuan's blog 11/3/2015
***
Ở VN, tai nạn giao thông là "killer" số 1 hiện nay. Mỗi năm có trên 32000 người bị thương vì tai nạn giao thông, và trong số này có đến 9800 người chết (số liệu 2013) (1) – một con số kinh khủng. Hôm nọ đọc báo thấy bài " Uống rượu bia không lái xe sẽ giảm 15% tai nạn " (2) làm tôi tò mò chẳng biết có bằng chứng nào cho con số đó. Tôi thử tranh thủ vài phút tìm trên Pubmed (thư viện y khoa toàn cầu) thì chẳng thấy có chứng cứ nào về con số 15% đó cả.
Thật ra, con số đó xuất phát từ "khảo sát" của Bệnh viện Việt – Đức. Và, tôi nghĩ đó là một kết luận sai. Theo như bài báo thì cứ 100 vụ tai nạn giao thông, có 15 vụ liên quan đến người sử dụng rượu bia. Từ đó, họ kết luận là không uống rượu bia trong khi lái xe sẽ giảm 15% tai nạn.
Cái sai lầm của kết luận trên là lí luận kiểu 1 yếu tố, 1 chiều. Kết luận đó dựa vào giả định rằng (i) 100% tài xế uống rượu bia đều dính dáng vào tai nạn giao thông, và (ii) uống rượu bia là yếu tố duy nhất gây ra tai nạn giao thông. Cả hai giả định đều sai. Trong thực tế, tai nạn giao thông xảy ra là do nhiều yếu tố. Từ những yếu tố "xa" như độ tuổi, giới tính, thời gian kinh nghiệm lái xe, đến những yếu tố "gần" như điều kiện đường xá, nhiệt độ và thời tiết, tốc độ lái xe, sử dụng alcohol, sử dụng điện thoại di động, v.v. Ngay cả yếu tố sử dụng alcohol (tức tính cả rượu bia) cũng phải phân biệt lượng alcohol uống. Người chỉ uống 1 li bia thì nguy cơ tai nạn giao thông chắc chẳng khác gì so với những người không uống rượu bia. Do đó, kết luận chắc nịch rằng không uống rượu bia sẽ giảm 15% ca tai nạn giao thông thì tôi e rằng quá đơn giản, nếu không muốn nói là quá sai.
Thật ra, đứng về mặt khoa học thì cách tính toán đó (x% tai nạn có liên quan đến A, nên xoá bỏ A sẽ giảm x% tai nạn) là hoàn toàn sai. Để tính tỉ lệ giảm tai nạn giao thông do sử dụng rượu bia (tiếng Anh gọi là population attributable risk fraction) chúng ta cần phải có 2 tham số:
(a) tỉ lệ uống bia rượu trong cộng đồng; và
(b) mối tương quan giữa uống bia rượu và nguy cơ tai nạn giao thông.
Điều đáng buồn là dù VN bị rất nhiều tai nạn giao thông và hàng vạn người chết hàng năm, nhưng các cơ quan chức trách chưa có 2 tham số đó. Do đó, tôi phải tìm 2 tham số đó từ nước ngoài.
Có bao nhiêu người uống rượu bia quá mức độ an toàn? Nghiên cứu ở Úc cho thấy khoảng 26% người Úc uống rượu bia trên mức độ an toàn (3). Ở Việt Nam, tuy chưa có con số cho toàn quốc, nhưng nghiên cứu trên những người liên quan đến tai nạn giao thông thì con số lên đến 86% (4)! Một nghiên cứu khác trên hơn 630 người bị tai nạn thì có khoảng 60% người lái xe trong tình trạng có uống rượu bia trước đó. Chúng ta không biết con số trong cộng đồng là bao nhiêu, nhưng có thể giả định là khoảng 20% (vì phụ nữ Việt Nam không uống bia rượu như phụ nữ Tây).
Tham số thứ 2 là mối liên quan giữa uống rượu bia và nguy cơ bị tai nạn giao thông. Tham số này rất khó để có, nhưng trong quá khứ đã có nhiều nghiên cứu ở các nước phương Tây. Một phân tích tổng hợp từ 5 nghiên cứu gốc cho thấy tỉ số odds (OR – odds ratio) tai nạn giao thông ở những người lái xe mà uống rượu bia trên mức độ an toàn là 13 (5), tức rất cao. Nhưng đây là tai nạn giao thông liên quan đến xe auto, chứ không phải xe gắn máy như ở VN. Tôi không biết con số OR cho tai nạn giao thông xe gắn máy là bao nhiêu, nhưng có thể đoán là thấp hơn, ví dụ như OR = 5 chẳng hạn.
Giả dụ như 20% người Việt uống rượu bia ở mức độ thiếu an toàn, và giả dụ rằng những người này nếu lái xe gắn máy thì nguy cơ tai nạn giao thông tăng gấp 5 lần so với người không có alcohol trong người. Dựa vào 2 giả định đó, có thể ước tính rằng khoảng 44% tai nạn giao thông liên quan đến xe gắn máy là do uống rượu quá nồng độ an toàn. Ở New Zealand tỉ lệ này là khoảng 35%. Nhưng ngay cả con số 44% cũng … không đúng. Không đúng là vì chưa tính đến các yếu tố khác mà tôi nhắc đến trong phần đầu. Nhưng nó đủ để nói rằng phát biểu "Uống rượu bia không lái xe sẽ giảm 15% tai nạn" (1) là sai. Ảnh hưởng của bia rượu đến tai nạn giao thông ở VN cao hơn con số 15% nhiều lần.
Tôi nghĩ cần phải có một nghiên cứu nghiêm túc về các yếu tố liên quan đến tai nạn giao thông ở VN. Các trường đại học có thể làm nghiên cứu này khá dễ dàng. Ở VN có vài trường đại học giao thông, chẳng hiểu sao họ không để tâm nghiên cứu về vấn đề này. Có lẽ do vấn đề phương pháp. Sẵn đây, xin quảng cáo trước là tháng 5 này sẽ có một lớp 6 ngày về phương pháp nghiên cứu khoa học xã hội ở Sài Gòn. Lớp này chúng ta sẽ bàn về cách tiếp cận và phương pháp nghiên cứu các chủ đề như tai nạn giao thông, giáo dục, kinh tế, v.v. Chi tiết khoá học đã được thông báo.
====
(1) Ngay cả con số này cũng khó tin, bởi vì theo Bộ GTVT thì năm 2010 số tử vong là 11000, nhưng cùng năm Bộ Y tế căn cứ vào số tử vong ở bệnh viện cho biết con số tử vong là 15464 người (nguồn: http://thediplomat.com/2012/08/traffic-vietnams-silent-killer/)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét